LỜI TÁC GIẢ



Tôi không hề có ý định viết hồi ký về cuộc đời của một sĩ quan vô danh như tôi, mà chỉ muốn tiểu-thuyết-hóa lại quãng đời nhiều kỷ niệm của một người lính biển. Quãng đời đó đã chất chứa nhiều mẩu chuyện vui, buồn, hạnh phúc lẫn đau khổ. Những cuộc tình thơ mộng, dang dở được lồng khung trong bối cảnh chiến tranh của những ngày gần kề 30 tháng 4, năm 1975. Nhiều chi tiết thực và mộng xen kẽ nhau, giao hòa nhau dựng nên tác phẩm.

Tác phẩm này được viết như một truyện dài, ấp ủ hoài bão trở nên một món ăn tinh thần cho những ai đã liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với cuộc chiến tranh Việt Nam, hoặc muốn có một khái niệm tổng quát về cuộc chiến đó, để hiểu, để cảm, để sống với tâm tư người dân thời chiến đặc biệt là lớp trẻ. Dù được dựng trong bối cảnh chiến tranh, tác phẩm tự nó không phải là một tài liệu lịch sử nhưng nó được viết với sự trang trọng và nghiêm chỉnh: Mong làm chứng nhân cho một quãng đời của tuổi trẻ nhiều biến động. Như đã trình bày ở trên, tất cả chất liệu, nhân danh, địa danh được nêu lên, được xử dụng, dù thật hay do trí tưởng chỉ nhằm mục đích tạo nên truyện. Độc giả có thể tìm thấy, bàng bạc đó đây, những mẩu chuyện trùng hợp ngoài ý muốn, hay tương tự với cuộc sống cá nhân ngoài đời, vì phải chăng tiểu thuyết, nhiều hay ít, thường gói ghém chất liệu góp nhặt từ những kinh nghiệm sống thực rất cận nhân sinh?

Tôi xin chân thành cảm ơn các bậc đàn anh cựu quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, Giáo Sư Bùi Hữu Thư, Đại Tá Khương Hữu Bá, Nhà Văn Vũ Thất và vài thân hữu ẩn danh đã dành nhiều thì giờ quí báu đọc bản thảo, góp ý kiến xây dựng, khích lệ và hướng dẫn cho tác phẩm này được hoàn tất.

Tôi chỉ mong gửi đến quý độc giả tác phẩm đầu tay khiêm nhường nhỏ bé này như là một cố gắng lớn trong ước mơ đóng góp chút phần nhỏ cho kho tàng văn chương Việt Nam vốn đã chồng chất bao nhiêu danh tác. Tôi xin cảm ơn những ý kiến xây dựng của quý thân hữu và độc giả bốn phương, hầu hi vọng sẽ được gửi đến quý độc giả những tác phẩm kế tiếp.

Xin mời mở sách! Xin hãy hướng lòng trở về quê hương những ngày khói lửa!




TRÍCH LỜI PHÊ BÌNH


Tôi đã đọc một mạch cuốn sách từ trang đầu tới trang cuối, và tôi đã được hưởng những giờ phút đọc sách thật thú vị.

Cuốn ÂN TÌNH THOÁNG MẤT là một sáng tác văn chương, viết về quãng đời cùng tâm trạng của một chàng trai thời loạn, khoác bộ quân phục trắng của Hải Quân, trong giai đoạn khó khăn sôi bỏng nhất đã kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam. Những ký ức trong thời sinh viên đại học, khoảng thời gian du học khóa Sĩ Quan Hải Quân ở Hoa Kỳ và những tháng ngày trên sông biển là những hình ảnh có thực trong cuộc đời của tác giả. Những câu chuyện tình cảm được lồng trong sách, tác giả đã viết với một tâm trạng dạt dào, có những đoạn vui làm người đọc say sưa, có những chỗ ly biệt gợi nỗi buồn bâng khuâng làm ta thấy nuối tiếc.
Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, California.



Tôi rất thích những tâm tình anh mô tả, những mẩu đối thoại giữa các tình nhân, những đoạn tả cảnh, tả tình với nghệ thuật xử dụng âm thanh, màu sắc phối hợp với tình cảm, ký ức hết sức linh hoạt, hấp dẫn và cảm động. Nói chung, tác phẩm đầu tay khá hay và thành công.
Giáo Sư Bùi Hữu Thư, Virginia.



Tác giả viết về cuộc chiến Việt Nam với tương đối đầy đủ mọi khía cạnh. Lối văn ký sự nhẹ nhàng, thanh thoát, thật dễ thương, thật trau chuốt, thích hợp với mọi tầng lớp và mọi lứa tuổi. Tác phẩm không những nói lên được tâm tư người trai thời loạn với những đau khổ, hạnh phúc và buồn vui của đời lính mà còn cả hoàn cảnh xã hội cùng tính chất máu lửa của cuộc chiến vừa qua.
Một Nhà Văn QLVNCH, Texas.



VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ

Phạm Văn Thanh là cựu Sĩ Quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, đã phục vụ tại Giang Đoàn 91 Trục Lôi và Giang-Pháo-Hạm Tầm
Sét HQ331 trước năm 1975.

Trong suốt 20 năm qua, tác giả từng đảm nhận những chức vụ điều hành hệ thống điện toán tại University of Michigan, Washtenaw Community College, Ypsilanti Charter Township và dạy học bậc Đại Học Hoa Kỳ.

Từ năm 1995 đến nay, ngoài việc điều hành AuViCom, một công ty cung cấp các dịch vụ điện toán, tác giả cũng tham gia tích cực vào những hoạt động của Viện Khảo Cứu Việt-Mỹ (VietnAmerica Institute) trong việc bảo tồn cùng phát huy chính nghiã quốc gia và văn hóa dân tộc trong Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại.





CHƯƠNG 1

Sầu Viễn Xứ Khôn Nguôi

Tuấn không ngờ đã phải rời bỏ quê hương ra đi tức tưởi trong nỗi tủi nhục và đầy nước mắt vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 khốn khổ đó. Tuấn đã không được chứng kiến những ngày cuối cùng của chế độ Cộng Hòa Miền Nam ở Sài Gòn như thế nào. Khó mà tưởng tượng được cảnh náo loạn, sợ hãi của người dân, nhất là thành phần quân đội trong giai đoạn cực kỳ nguy kịch này ra sao. Nhưng Tuấn biết rằng chàng đã rất khó xử vì phải chọn một lối thoát ngoài ý muốn khi đành đoạn bỏ quê hương ra đi với niềm bi thương mênh mang, với vô vàn nghẹn ngào ấm ức vào buổi chiều mưa bay mờ mịt trên hải đảo Phú Quốc xa xôi đó.

Tuấn cũng không ngờ lần Thiên Hương tiễn chàng ra bến tàu trở lại chiến hạm HQ331 để khởi hành đi chuyến công tác Phú Quốc, trước khi nàng về Đại Học Sư Phạm thi ra trường, lại là lần cuối cùng bên nhau trong cuộc tình ngắn ngủi của chàng và Hương. Ba năm yêu nhau, sáu tháng sau khi đính hôn, Tuấn đã xa người yêu trong một ngày nắng đẹp. Chàng và Hương mất tất cả tình yêu cùng những mơ ước hiền hòa cho một cuộc đời bình dị, dưới mái ấm hạnh phúc gia đình, với ánh mắt trẻ thơ hồn nhiên hướng về một tương lai tươi sáng của Việt Nam Tự Do.

Những hình ảnh của lần cuối tiễn đưa vẫn in sâu trong tâm khảm Tuấn như nét khắc đậm nét mà mưa nắng thời gian khó thể làm phai mờ đi được. Tuấn vẫn nhớ mãi dáng Hương dịu dàng trong chiếc áo dài lụa trắng mềm mại phô những đường cong gợi cảm và khuôn mặt u hoài trắng hồng dưới ánh nắng rực rỡ buổi sáng sớm hôm nàng đưa chàng đi. Tình yêu đang lúc mặn nồng cho ánh mắt nàng thêm thiết tha, tiếng yêu thương thêm đằm thắm khiến Tuấn càng bịn rịn hơn khi lái xe từ từ chạy ra đầu ngõ hướng về trung tâm thành phố. Tuấn vẫn nhớ bờ tường vi dọc con hẻm đang nở rộ những hoa đỏ tươi, rung rinh phô sắc trong làn gió hiu hắt và không khí mát mẻ của buổi sớm Sài Gòn đẹp trời. Thành phố ngoài kia đang bừng lên sức sống. Tuấn đã ngẩn ngơ trước khung cảnh Sài Gòn thân yêu, chan hòa nắng ấm trước mắt. Những con đường chàng vẫn thường đi qua, ngập ngừng đèn xanh đèn đỏ, những góc phố cũ kỹ quen thuộc với hàng quán bày bán bao món ăn ngon, những chuỗi âm thanh ồn ào quen tai của sinh hoạt phố phường và xe cộ xuôi ngược bỗng dưng trở nên quyến rũ và thân yêu hơn bao giờ hết. Suốt những năm quân ngũ, Tuấn đã từng đi công tác xa thành phố, nhưng sáng hôm ấy, Sài Gòn sao tha thiết quá, vấn vương quá!

Càng gần Bến Bạch Đằng, vòng tay Hương càng thêm quấn quít, lời từ ly lắm nghẹn ngào cũng khó níu kéo được phút phân kỳ rồi sẽ phải đến. Tuấn đã chia tay với Hương tại cổng vào Bộ-Tư-Lệnh Hải Quân cạnh bùng binh Công Trường Mê Linh có tượng vị Thánh Tổ Hải Quân Việt Nam Trần Hưng Đạo chỉ tay xuống sông tượng trưng cho lời thề đuổi giặc Nguyên năm nào. Sau nụ hôn vội, Hương chầm chậm lái xe trở về, trong lúc Tuấn còn bâng khuâng đứng trông vời theo bóng người yêu. Chiếc Honda Dame màu avocado từng làm bạn với chàng và Hương suốt thời gian yêu nhau dần dần lẫn khuất trong giòng xe cộ và phố phường, mà Tuấn vẫn nhớ như in nét lo âu trên gương mặt Hương lúc nàng ngoái cổ lại nhìn theo. Cảm giác thật lạ len lỏi trong óc Tuấn lúc đó, sau chàng mới biết, đã như một tiên kiến báo trước hạnh phúc buồn chung cuộc sẽ xảy ra sau này.

Giờ đây, dù Tuấn đã may mắn thoát khỏi những năm tù đày trong ngục tù Cộng Sản, cuộc đời nổi trôi trên xứ người vẫn không làm nguôi ngoai niềm thương nhớ quê hương, người thân, bạn bè, cùng những kỷ niệm thân yêu cũ. Tất cả đã trở thành quá khứ, những ấm nồng một đời cũng đã nhạt nhòa, còn lại chăng là kỷ niệm, nuối tiếc lẫn u-uất trong lòng. Năm năm rồi xa cách!



Phạm Văn Thanh