Remember ?

kết quả từ 1 tới 6 trên 24

Tựa Đề: VIỆT NAM Quê Hương Cẩm Tú

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default MIỀN TÂY ơi! Thi-vị & hữu tình biết bao!



    MIỀN TÂY ơi! Thi-vị & hữu tình biết bao!
    (Việt Nam Quê Hương Cẩm Tú)
    *
    SÀI GÒN đến TIỀN GIANG


    Đất Sài Gòn nam thanh nữ tú
    Cột cờ Thủ Ngữ cao thật là cao
    Vì thương anh, em vàng vỏ má đào
    Em tìm khắp chốn… nhưng nào thấy anh!
    (*)

    Theo điển tích xưa thì: khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ vào đánh chiếm Gia Định (gồm 4 lần; lần thứ I= 1777; lần II= 1782; lần III= 1783; & chiếm Rạch Gầm lần IV= 1785), thì vua “Gia Long tẩu quốc” lòng đau như dao cắt, đã dắt díu tàn quân xuôi về miền Tây Nam Bộ, vua và quân lính chạy tới các vùng đất: Bà Cụm, Bình Điền, Rạch Chanh, Bến Lức, Cai Lậy, vàm Ba Rài, Mang Thít, Trà Ôn, Sa Đéc, mũi Ông Đội, Giếng Ngự, Bãi Ngự, Cạnh Đền, rạch Thầy Quơn, Rạch Gò Quao, Rạch Bò Ót, Vàm Cỏ, (Gò Công), sông Tiền (Bến Tre, Mỹ Tho), vàm sông Hậu (Long Xuyên, Cần Thơ), U Minh Thượng, U Minh Hạ… Ba Thắt, Trà Vinh, Cầu Ngang, và những hòn đảo: Cổ Tron (Poulo Dama), hòn Thổ Châu (Poulo Panjang) giữa vịnh Xiêm La & vùng cực Tây:
    Đem quân ra đóng cửa hùng quan
    Chim muôn giọng hót hoa ngàn hương đưa
    Nhớ ai ngơ ngẩn ngẩn ngơ
    Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai
    (*)

    Nơi vùng quan tái dặm ngàn xa xôi cách trở, vua và quân lính lam lũ vất vả khổ cực trăm bề. Họ phải nai lưng ra khai khẩn đất làm đủ thứ, tự đào giếng, dựng trại, làm đồn bót, đắp luỹ hào, làm lộ nhỏ là đường đắp đê, rạch ngắn. Họ bắt cá biển, ốc biển, cuốc đất trồng khoai, sắn, đào củ chuối rừng… mà ăn, để tạm sống qua ngày ở vùng đất có đầy đủ nỗi âu lo sợ cọp dữ, muỗi, ve, vắt, ốm đau, bệnh hoạn.

    Việc mần mệt nặng
    Kẻ cuốc người rinh
    Chừa hai bên kinh
    Đắp hai đường lộ
    Việc mần cực khổ
    Mệt đổ hết hơi
    Không dám nghỉ ngơi
    Cực đà quá cực
    Phần thời nắng nực
    Lại không nước uống


    Hy vọng vua và quân binh sẽ vạch ra một chân trời tươi sáng quang rạng mà “hưng long”: Vua (Nguyễn Ánh) kiên trì, nhẫn nại dùng những nơi đây nuôi quân, dưỡng quân, tuyển quân, luyện quân và đã làm bàn đạp tiến quân, ngỏ hầu sau đó vua “Gia Long phục quốc” sẽ vinh quang hùng dũng lấy lại đất Gia Định lần I= 1778-1781; chiếm lại lần II= 1782; chiếm lại Bến Nghé lần III= 1787- (tất cả ba lần: 1781, 1782, 1787):
    Ngang lưng thì thắt bao vàng
    Đầu đội nón dấu vai mang súng dài
    Một tay thì cắp hỏa mai
    Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền
    Thùng thùng trống đánh ngũ liên
    Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa
    (*)

    Ra đi… trong lòng trai xứ Việt ngổn ngang trăm mối tơ vò sâu lắng buồn thương da diết lo âu. Người hẹn người… Lòng hẹn lòng mong sao ai nấy đồng tâm hiệp sức, cùng nhau kiến thiết xây dựng giang sơn, giữ gìn đất nước trường tồn, hưng thịnh, thì mọi người sẽ ấm no, hạnh phúc. Tất nhiên khi đã trả nợ non sông, đất nước thái bình thịnh vượng, mọi người vinh quang trở về chốn cũ, tại sao mình không mừng vui như Thánh Tông thượng hoàng xưa đã làm hai câu thơ:
    Xã tắc hai phen bon ngựa đá
    Non sông thiên cổ vững âu vàng

    Anh sẽ cùng em hoàn thành lời hẹn ước năm xưa:
    Gió lung lay mới biết tùng bá cứng
    Lửa có hồng mới rõ thực vàng thau
    Thân tằm còn trả nợ dâu
    Bước lên ghe mặt ủ gan rầu
    Qua đây với bậu hẹn có ngày gần nhau
    Tình qua với bậu làm sao phụ phàng


    Bởi vì:
    Quả trong ngăn trong lòng sơn đỏ
    Mấy lời anh to nhỏ, em bỏ bạn sao đành
    Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành
    Tàu Tây liệt máy, em mới đành bỏ anh
    (*)

    Thật chí lý và chung tình! Từ đó, triều đình chúa Nguyễn đã ra sức mở mang bờ cõi, đường lộ, đường sông, đường biển… thủy vận là điều kiện tất yếu tự nhiên thuận tiện nhất. Các vị trí địa lý từ Sài Gòn về miền Tây, và đi ngoại quốc (Campuchia, Lào) luôn tấp nập rộn rịp, náo nhiệt… được định hình qua các tuyến đường thủy vận chính. Di chuyển bồng bềnh xuôi ngược trên sông, trên biển đủ mọi thứ: Thuyền, tàu, xuồng câu cá tôm từ loại ghe nhỏ đến tàu to, mái chèo tùy theo con nước ngược chảy xiết chèo mái cuốc, nước xuôi chèo mái dài thong thả, sông dài lúc nông lúc sâu, khi khoan khi nhặt nếu gặp nước xoáy đứng sát cột chèo và nạy. Thỉnh thoảng trên sông văng vẵng câu hò:
    Tàu xúp lê một anh còn mong đợi
    Tàu xúp lê hai anh than vắn thở dài
    Tàu xúp lê ba tàu ra biển bắc
    Vịn song sắc nước mắt nhỏ bên đông
    Mở miệng kêu “bớ chú tài công
    Chớ chú ôi làm chi cho phân vợ rẽ chồng đêm năm canh…


    Ghe, Bè là loại không có mái che đóng bằng cây, chở hàng hoá, người ta thảnh thơi đi lại trên ghe: Ghe Cửa chạy buồm nhỏ, mũi nhọn. - Ghe Lồng có ngăn nhiều vách để chứa hàng hoá - Ghe Giản: Ghe to ở hai bên có ghép cánh cao dùng chứa hàng. Ghe Cui: đơn sơ dùng chở những vật liệu nhẹ và di chuyển gần, ghe nầy không đi thủy lộ xa sông dài. Ghe Độc Mộc. Ghe Be, Ghe Chái. Ghe Diêu thì mũi, kèo, lái đều chạm trổ hoa lá nhà cửa, thú vật… Có một loại thuyền ghe đặc biệt: sàn ghe bóng loáng, vách sơn son thiếp vàng, đó là loại thuyền ghe sang trọng đầy đủ tiện nghi, có quân hầu dành cho phú ông bá hộ, chủ điền, thương gia… Cô lái đò buông lỏng mái chèo bâng quơ thả câu hò:
    Bớ chiếc ghe sâu
    Chèo mau em đợi
    Kẻo khỏi đoạn kinh nầy bờ bụi tối tăm.
    (*)

    Nào ngờ… chàng trai xứ Việt hiền lành đôn hậu ấy không chỉ là dân miệt vườn, mà anh cũng là một thương khách đa tình, anh đã từng giang hồ vượt trùng dương ngạo nghễ đi tứ xứ trên sông rộng nước sâu, anh ỡm ờ buông câu:
    Thuyền em đã nhẹ
    Chèo lẹ khôn theo
    Em ơi bớt mái, khoan lèo chờ anh
    . (*)
    Cô gái vui sao là vui, dí dỏm ỏn ẻn trả lời:
    Đây đã chèo lơi
    Đặng chờ người tri kỷ
    Gặp mặt chuyện trò cho phỉ ước mơ
    (*)

    Thế rồi…
    Sông Cửu Long tấp nập thuyền bè
    Biển Hồ hai chữ cặp kè bên nhau
    Trai Việt Nam nổi tiếng anh hào
    Anh đà đối đặng vậy là đào em trao đây…
    (*)

    * Phương tiện di chuyển:

    1.- Sài Gòn đi Mỹ Tho – Cái Bè – Vĩnh Long – Sa Đéc – rẽ qua Cù Lao Giêng – Châu Đốc – Long Xuyên – Lai Vung – Cần Thơ – Trà Ôn – Sóc Trăng.
    a)- Tân An đi Gò Công - Gò Bắc Chiên – Hưng Nguyên – Soài Riêng.

    b). Mỹ Tho đi Cái Bè – Vĩnh Long – Sa Đéc.

    2.- Sài Gòn đi Cái Quanh – Sóc Trăng (Bãi Xàu) – Bạc Liêu.
    a. Chi nhánh khác: từ Mỹ Tho đi Chợ Lách – Bến Tre – Trà Vinh.
    b. Mỹ Tho đi Chợ Lách – Mang Thít – Cái Nhum – Ba Kè – Trà Luộc – Trà Ôn - Cần Thơ – Đại Ngãi.

    3.- Phía Đông-Bắc: Từ Sài Gòn đi Thủ Dầu Một - Biên Hoà – Bà Rịa – Vũng Tàu – rẻ về hướng Bà Rịa đi Tây Ninh – Trảng Bàng – Bến Lức – Gò Công.

    4.- Đường sông tàu thủy đi (ra ngoại quốc hoặc vô) Hậu Giang:
    a. PhnomPenh (Campuchia) vô miền Hậu Giang - phải qua Ba Nam – Châu Đốc – Sóc Trăng – Đại Ngãi.
    b. Từ Sài Gòn đi PhnomPenh – Compong Luông – CompongXnăng – PuotXat – Xiemrep…

    5.- Sài Gòn đi Campuchia (và qua Lào): Bến Cảng Sài Gòn đi Bến Chùa – Mỹ Tho – Cái Bè – Vĩnh Long – Sa Đéc – Cái Tàu Thượng – Chợ Thủ - Tân Châu – Vĩnh Xương – Vĩnh Lợi – Ba Nam tới PhnomPenh, sau đó đi Lào, hoặc các nơi khác như Croche – Stung Treng…

    6.- Trên đường dài 32km dọc theo bờ sông Tiền Giang có khoảng 25 cây cầu. Chợ Long Xuyên lên chợ Thất Nốt khoảng 19km, mà có hơn 30 con rạch cây cầu. Và, tại Kiên Giang tiếp nối với sông Cái Lớn, nếu tính theo đường chim bay chỉ cách nhau 7km, mà có tới 241 cây cầu. Ôi chà… cầu ơi là cầu!
    * * *

    * Tại thành phố Sài Gòn đi theo quốc lộ I tới LONG AN: 47km (thị-xã Tân An). Long An là một cửa ngõ quan trọng, và là trạm khởi đầu nối Sài Gòn (Chợ Lớn); để đi về các tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long ở miền Tây Việt Nam. Toạ đô địa lý Long An: 10/o 08’30” đến 11/o 02’30” vĩ độ Bắc; 105o/ 0’ 30” đến 106/o 47’ 02” kinh độ Đông. Phía Nam Long An giáp tỉnh Tiền Giang. Phía Đông Long An giáp Sài Gòn. Phía Tây Long An giáp tỉnh Đồng Tháp. Phía Bắc Long An giáp tỉnh Tây Ninh và Svâyrieng (Campuchia) & vùng đất tiếp giáp với cửa sông Soài Rạp cũng trực thuộc với Cần Đước & Cần Giuộc.

    Tỉnh Long An có các Huyện: Vĩnh Hưng. Mộc Hoá. Tân Thanh. Thanh Hoá. Đức Hoà. Đức Huệ. Bến Lức. Châu Thành. Tân Trụ. Cần Đước. Cần Giuộc. Phần đất đai Tỉnh Long An bao gồm: Đồng Tháp Mười, Đức Huệ, Thanh Hoá, Tân Thanh, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá và một vùng thuộc Thủ Thừa, Bến Lức. Long An còn phong phú chằng chịt kinh rạch sông ngòi từ hai con sông lớn:

    1./ Sông Vàm Cỏ Đông dài 200km bắc nguồn từ Campuchia, nước chảy qua Tỉnh Tây Ninh, Đức Huệ, Đức Hoà, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước.
    2.- Sông Vàm Cỏ Tây dài 250km cũng bắc nguồn từ Campuchia, qua Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, Tân Thạnh, Thanh Hoá, Thủ Thừa, Tân An, Tân Tru, Châu Thành, Cần Đước… Dưới sông thuyền ghe tấp nập bán mua:
    Đạo nào vui bằng đạo đi buôn.
    Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông
    .

    Bước vào cửa ngõ địa đầu đi lục tỉnh, trước nhất là vô Long An, trên đường cái quan xe cộ vun vút qua lại. Xe lửa đi đây đi đó kéo nhiều toa xình xịch trên hai cây cầu bắc ngang sông Vũng Gù và Bến Lức. Dọc ven lộ có các nhà máy xay lúa, nhà máy ép mía rải rác từ ngõ nhà điền chủ, trung nông, tá điền… nhà nhà nép mình ẩn hiện dưới những tàng cây sum suê đầy bóng mát, chen lẫn ruộng vườn xanh um & bán buôn đổi chác có phần khác với chốn phồn hoa đô thị:

    Trước phường phố bày hàng bày hoá
    Sau nhà quê trồng bắp trồng khoai
    Trầu Đồng Nai trầu ăn nhả bả
    Thuốc Đồng Môn thuốc hút phà hơi
    (*).

    Long An tuy là một Tỉnh (của phần đất địa đầu ở miền Nam), nhưng có giá trị cao không kém các nơi khác, vì những tinh hoa từ di tích Ốc Eo thời tiền sử đặc biệt hấp dẫn tại Gò Đồn, Gò Năm Tước. Gò Xoài có bộ chữ Phạn, tượng thần Siva, Vinu, Linga, Yoni. Ngôi đền Gò Xoài (thuộc Huyện Đức Hoà, Long An). Bình Tả là nơi hành lễ của người Phù Nam Chân Lạp thời cổ đại theo đạo Bà La Môn.

    Long An có ngôi nhà 120 tại Huyện Cần Đước (Long An) cổ kính rêu phong đã xây dựng trên 100 năm, nhà làm vách & cột chạm khắc hoa văn tinh xảo, độc đáo với muôn chim, hoa, lá, cỏ cây… ghi trên loại gỗ cẩm lai và gõ đỏ. Đồn Rạch Cốc có năm tầng; hai tầng nổi lên khỏi mặt đất, ba tầng chìm là các gian hầm có tường dày, có nắp hầm và những cổ pháo 105mm. Đồn xây năm 1903, đồn dài 300m, rộng 100m.

    * Lăng Nguyễn Huỳnh Đức (1748-1819) nằm về phía Tây Nam trên quốc lộ I và cách Thị xã Tân An 3,5km, là di tích lịch sử kiến trúc cổ nguyên vẹn cổng ngoài, cổng trong, lăng mộ cùng các cổ vật từ 200 năm còn lưu giữ.
    * Chùa Tôn Thạnh (Huyện Cần Giuộc) xây 1808 do hoà thượng Viên Ngô lập. Khuôn viên chùa có bia của thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu làm những bài thơ hay. Trong chùa có pho tượng cổ Bồ Tát địa tạng bằng đồng & Chùa Kim Cang (Huyện Thủ Thừa) có bảng kinh kim cang gỗ khắc chữ Hán. Chùa Linh Sơn (Rạch Núi) dựng 1926 còn pho tượng cổ Tiêu Điện bằng gỗ qúy.

    * Bên dòng sông Vàm Cỏ Tây có những đầm đầy hoa sen, những cánh rừng thoang thoảng mùi tràm thơm ơi là thơm, bông so đũa, bông điên điển, thanh long, dưa hấu. Nơi đây cũng là vựa lúa nổi mọc tự nhiên từ tháng Tư đến tháng 10; Cũng là nơi trồng: mía, thuốc lá, bông, đậu tương, chôm chôm, chùm ruột, măng cầu, vú sữa, nổi tiếng không khác gì các nơi: bưởi Phong Trà, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quít La Vung. Ta tận mắt thấy từng đàn sếu cổ trụi đầu đỏ, (sếu còn gọi tên là chim hạc, là loài chim thủy chung) cò, diệc, cồng cộc, vịt trời, ong bướm nhởn nhơ nô đùa bên muôn hoa tại thị-xã Tân An, Cao Lãnh.

    * Tỉnh Đồng Tháp gần biên giới Campuchia & Tây Nam miền Nam Việt Nam. Đông Đồng Tháp giáp Long An và Tiền Giang. Tây Đồng Tháp giáp An Giang và Cần Thơ. Nam Đồng Tháp giáp Vĩnh Long. Bắc Đồng Tháp giáp Campuchia kéo dài 50,9km ranh giới qua hai huyện Tân Hồng & Hồng Ngự. Đồng Tháp có các Huyện: Tân Hồng. Hồng Ngự. Thanh Bình. Tam Nông. Cao Lãnh. Tháp Mười. Thanh Bình. Lai Vung. Lấp Vò. Châu Thành. Huyết mạch giao thông chính của Đồng Tháp là thuỷ vận từ sông Tiền nối với biển Đông, lục tỉnh và đi Campuchia. Nhưng Đồng Tháp cũng thuận tiện về quốc lộ I - nối quốc lộ 30, chạy qua các tỉnh phía Bắc đến Hồng Ngự, tới Tân Hồng, đi Preyveng (Campuchia). Quốc lộ 80 chạy qua các huyện An Giang, Kiên Giang.
    Ai dzìa Giồng Dứa qua truông
    Gió rung bông sậy, bỏ buồn cho em...
    ... về Bưng ăn cá, về Giồng ăn dưa".


    Khu Đồng Tháp Mười hoang vu, có lau sậy, trấp, bưng, bàu, đìa, đưng, năng, lác, súng, sen... Có Cồn Tiên (Lai Vung), bãi tắm An Hoà. Đặc biệt la chợ chiếu Định Yên không họp ban ngày lại họp vào ban đêm, mỗi người một cây đèn, và bán chiếu con cò, chiếu hoa văn, chiếu trắng, chiếu cưới & những vật liệu để dệt chiếu như: bột màu, dây bố, v.v…

    Đồng Tháp có tháp Cổ Tự, mộ cụ Đốc Bình Kiều chống Pháp, miếu Bà Chúa Xứ. Chùa Hương. Chùa Kiến An Cung do nhóm người Hoa (Phúc Kiến) định cư tại Sa Đéc xây kiểu chữ Công 1924. Đền thờ thượng tướng Trần Ngọc (Đốc Binh Vàng) dưới triều vua Minh Mạng Ngày 16 tháng 2 âm lịch năm 1837, ông cùng quân lính đem lương thực đến An Giang, giữa chừng ông được tin dữ: “thành An Giang thất thủ”. Ông ra lệnh phá hủy đoàn thuyền, giải tán binh sĩ. Rồi ông bình tĩnh rút gươm tự sát. Triều đình quần thần và dân chúng vô cùng xúc động, cảm kích, vua ban tặng ông chức Thượng-tướng quận công. Dân chúng thương tiếc ông đã lập đền thờ và đặt tên rạch là ông Đốc Binh Vàng.

    * TIỀN GIANG địa thế trải rộng và nằm dọc theo bờ biển sông Tiền, sông tiền là sông già chảy quanh, lòng sâu; sông có chiều dài 120km, là cửa ngõ giao thương quốc tế và giao lưu kinh tế từ hai cửa: sông Tiền và Soài Rạp. Các sông chính của Mỹ Tho: Sông Tiền. Gò Công. Bảo Định, và rất nhiều kinh đào. Tiền Giang có hai mùa rõ rệt: mùa khô thường bị ảnh hưởng mặn, và mùa mưa bị phèn, ngập lũ ở các huyện phía Tây; nên việc thoát nước khó khăn. Hè, Thu thì nước trong đồng, các kinh rạch đều mang tính chất vùng tiếp giáp nước lợ bị chua.

    Toạ độ địa lý 10/o 12’ – 10/o 32’ vĩ độ bắc – 105/o 19’ – 106/o 48’ kinh độ đông. Phía đông giáp biển Đông nên chịu ảnh hưởng bán nhật triều. Tây giáp tỉnh Đồng Tháp. Phía nam giáp tỉnh Bến Tre. Phía Bắc giáp Tỉnh Long An. Tỉnh Tiền Giang có các huyện: Tân Phước. Châu Thành. Cai Lậy. Chợ Gạo. Cái Bè. Gò Công Tây. Gò Công Đông. Từ Tiền Giang thuận tiện nhiều mặt: quốc lộ 4 là đường bộ giao thông chính tới các nơi nối liền Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây, ra miền Trung, Cao Nguyên Trung-phần, cùng đường thủy đi PhnomPenh, v.v… Tiền Giang đất đai phì nhiêu, màu mỡ, là vựa lúa dồi dào, giàu hải sản: cá, tôm, sò, ốc... Vựa trái cây dồi dào nhất là: vú sữa Vinh Kim - mận hồng đào Trung Lương - ổi xá lị Cái Bè – xoài cát - cam sành, kể cả khóm, mía, dừa, v.v…

    Tiền Giang có nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình, và là nơi mang đậm nét di tích lịch sử như: Tại thị xã Gò Công, xã Phú Đông có xây Lũy Pháo Đài năm 1862 chân móng lũy là đá hàn, đã đục lũng và nhận chìm xuống nước, nên mùa mưa úng ngập, không sợ sóng nước tràn cuốn đi. Lũy Pháo Đài cao 8mét, rộng từ 3mét,50 đến 4mét,50, thành xây hình lục lăng bằng đá ong, đá xanh kiên cố. Bốn mặt thành xây hình lục lăng, có rào chắn, vọng gác, cửa cổng. Trong đồn có lầu chỉ huy, giếng nước, kho vũ khí, dãy nhà ăn, ngủ… dành cho binh lính. Lũy thành rất đặc biệt từ: mặt bắc là sông Cửa Tiểu, bờ gắn liền với thành ngoài, trên thành có súng thần công, rặng cây, đập đá phòng ngự. Mặt nam là dãy trại và lũy chà-là, đất cát và sình lầy. Mặt đông nhìn ra biển cả bao la và rặng cây chằn chịt che khuất, bãi cát bồi, nên tàu bè không thể neo bến. Mặt tây là Rạch Đồn rừng rậm rạp, sình lầy ứ đọng quanh năm. Tại lũy Pháo Đài năm 1862 - 1863 là nơi Trương Công Định chiến thắng quân Pháp vẻ vang từ các trận Trại Cá, Cửa Khậu…

    * Ông Trương Công Định sinh năm 1820 tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tướng mạo ông khôi ngô, tuấn tú lại tinh thông võ nghệ, am tường binh thư. Ông được triều đình phong chức Quản Cơ, ông khai hoang lập ấp (bây giờ là Gò Công). Khi Pháp xâm lược nước ta, ông Trương Công Định chỉ huy quân dân đứng lên chống giặc oai hùng và dũng cảm, khiến Pháp nhiều phen điêu đứng. Nhưng do phản tặc Huỳnh Công Tấn theo giặc mật báo điềm chỉ, nên quân ta bị thua, ông đã oanh liệt tử tiết ngày 20.8.1864. Mộ táng của ông kiến trúc hồ ô, đước, đá ong, có ý tiêu biểu phong tục táp quán của người miền Tây Nam Bộ.

    * Ông Thủ Khoa Huân là con của một gia đình giàu có (tên thật ông là Nguyễn Hữu Huân) sinh năm 1930 xã Mỹ Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, dưới triều vua Tự Đức ông học rất giỏi, năm 1852 ông đậu thủ khoa (thế nên ông có biệt danh là “Thủ Khoa Huân”). Ông được triều đình cử làm Đốc Học tỉnh Định Tường (Tiền Giang). Biết thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông cỡi áo từ quan, ông là một thi sĩ, một người trí thức yêu nước thương dân. Mười lăm năm ấy dù ông liên lạc với sĩ phu yêu nước, chiêu mộ binh lính khắp nơi, rồi anh dũng đánh đuổi giặc. Sau lần nghinh chiến với Pháp, ông đã bị bắt, bị chém đầu. Mộ ông Phó Đề Đốc đơn sơ, là phiến đá xanh ở mái bia, thân bia, chân bia, ghép lại ở xã Tịnh Hào, huyện Chợ Gạo.

    Ngoài ra tỉnh Tiền Giang còn các di tích: Mỹ Tho Đại Phố cổ xây từ 1679, do người Minh (Tàu) và người Việt thành lập. Mỹ Tho Đại Phố cũng ngang hàng với Hà Tiên, Cù Lao Phố (Biên Hoà), đó là những trung tâm thương mại có tầm cỡ. Đối diện với thành phố Mỹ Tho và nằm lênh đênh giữa khúc sông Tiền mênh mông, là cù lao Thái Sơn, là những vườn cây có nhiều loại trái ngọt xanh tươi mơn mỡn trĩu nặng trên cành.

    Đèn Cầu Tàu ngọn xanh ngọn đỏ
    Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
    (*)
    Đây là phía Chợ Gạo Mỹ Tho ăn qua Gò Công, rạch Sa Đéc (sông Tiền) thủy triều lên xuống, nước lớn nước ròng ghe nhỏ thuyền to tấp nập từ các rạch Nha Mân, Sa Đéc, rạch Lai Vung, Lấp Vò, Cái Tàu Hạ, Long Hậu… nối qua sông Hậu đến tận Cà Mau, kinh Thoại Hà (núi Sập) nối qua sát chân núi Ba Thê. Núi Sam đền thờ Châu Đốc do ông Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) lập 29-11-1852.

    Cũng trên mặt sông thênh thang từ Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long và Tiền Giang mỗi ngày, mỗi đêm đều tấp nập cư dân các nơi và thương lái nhộn nhịp kẻ đi lên bờ, người đi xuống thuyền mua, bán, hoặc cất hàng. Họ trao đổi mua bán như mắc cửi trên ghe thuyền lớn nhỏ, tạo thành một chợ nổi Cái Bè khổng lồ, thuyền ghe náo nhiệt luôn luôn tấp nập bềnh bồng, lênh đênh, nhấp nhô di động, lênh đênh nhốn nháo ồn ào náo nhiệt vui kinh khủng. Đây là một chợ nổi đông đúc tuyệt vời với những sáng kiến độc đáo nhất, dân dã chèo ghe chống xuồng đi mua nầy mua nọ, thương lái bày những mặt hàng quảng cáo cần thiết treo lủng lẳng ở đầu cây sào tre cắm trên thuyền. Nào là: Gà, vịt, heo, cá, tôm, cua, ếch, rắn, chim, gạo, muối, nước mắm, có cả các “tiệm” cà phê, bún, cháo, phở, kể cả quán nhậu “cờ tây” mới thú vị chứ. Phía bên phải khu chợ nổi là cù lao Tân Phong.

    Ôi vui sao là vui, đầy thi vị, thơ mộng và hữu tình biết bao. Trên bờ hoa quả trĩu cành thơm ngon, cô thôn nữ mặc quần lãnh Tân Châu, áo bà ba nõn màu lá mạ ôm sát thân hình thon gọn, cô bẽn lẽn dấu nụ cười khúc khích trong chiếc khăn rằn; Dưới sông nước mát lững lờ trôi, gió chiều lả lướt ru tình theo cành trúc lả ngọn quệt lui quệt tới trên mặt nước. Anh thương khách đa tình tủm tỉm cười lom lom nhìn cô gái, tránh gì khỏi tằng hắng lấy giọng với câu hò, câu hát buông lơi, “ghẹo em”… nghe huê tình chất phác, đơn sơ, mặn-mà. Ui chao! sao mà thân thiết gợi cảm dễ thương đến thế không biết:
    Chiều chiều ra đứng bờ kinh
    Gặp người goá bụa tui rinh vô nhà.
    Anh về để áo lại đây
    Khuya nay em đắp, gió tây lạnh lùng
    Gió lạnh lùng lấy mùng mà đắp
    Trả áo anh về đi học kẻo trưa.
    (cd)

    Tiền Giang còn lưu lại di tích lịch sử Rạch Gầm Xoài Mút: ngày 20 tháng Giêng năm 1785, vua Quang Trung đã lẫy lừng chiến thắng ba vạn quân Xiêm, chỗ có nền văn hoá Óc Eo và lễ hội: Điển hình là tại Gò Thành (thuộc huyện Chợ Gạo, xã Tân Thuận) đã tìm thấy di tích quan trọng của nền văn hoá Phù Nam, & các vật qúy: vàng, đồng, đồ gốm, những pho tượng: Negasa, Nam Thần, Vinus. Tiền Giang có những chùa: Hội Thọ ấp Mỹ Hưng, huyện Cái Bè. Chùa Linh Thứu xây vào khoảng 1811 gần chợ Xoài Hột. Chùa Thanh Trước dựng năm 1826 tại Gò Tre, xã Long Thuận (Gò Công). Ngôi chùa to lớn nhất của tỉnh Tiền Giang do ông bà Bùi Công Đạt xây những bộ cột, những hàng đá hoa cương, nhiều bức hoành phi chạm trổ tinh vi tại xã Mỹ Phong (Mỹ Tho) là chùa Vĩnh Tràng, trong chính điện có 60 pho tượng gỗ quý, và tượng La Bát Hán tạc năm 1907.
    [B]***

    Tình Hoài Hương

    Một ít tham khảo chính tại:
    (*) ca dao.
    (1), “Histoire modern du pays d’ Annam” (1592-1820) Paris 1919 – từ: Charles Maybon.
    (2), “Guide historique de rues de Saigon” – từ: André Baudrit.
    (3), “Scène de la vie Annamite”. Paris 1884 - từ: Henri le Verdier & H. Maubryan.

    ***
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  2. #2
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Miền HẬU GIANG Chập Chùng Sông Nước






    Miền HẬU GIANG Chập Chùng Sông Nước

    * VĨNH LONG:


    Vĩnh Long an ngự từ phía đông nam tỉnh Vĩnh Long giáp Trà Vinh. Phía tây nam tỉnh Vĩnh Long giáp Cần Thơ. Phía Tây bắc tỉnh Vĩnh Long giáp Đồng Tháp. Phía đông bắc tỉnh Vĩnh Long giáp hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

    Tỉnh Vĩnh Long có ba dân tộc chính: Người Việt chiếm 97% dân số trong tỉnh; Tàu chiếm 1%. Tuy người Khmer chiếm 2% dân số, nhưng họ ghi dấu những nghi lễ uy nghi đặc sắc, long trọng: Tết Chol Chnam Thmay 15/4 dương lịch. Lễ Đôn Tạ (cúng ông bà từ 29/8 đến 1/9 âm lịch). Lễ dâng bông, dâng phước. Lễ Ok Om Bok 15/10 âm lịch = (lễ cúng trăng & đua ghe). Dường như những ngôi chùa, đền, miếu, am… đã xây dựng ở miền Tây Nam Bộ thì nhiều vô số, không thể nào kể cho xiết.

    Vĩnh Long có hai mùa: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình 27o/C. Vĩnh Long có các huyện: Mang Thít. Long Hồ. Tam Bình. Trà Ôn. Bình Minh. Vĩnh Long được khai phá và chính thức thành lập năm 1832 (sau khi chúa Nguyễn dựng dinh Long Hồ năm 1732). Vĩnh Long có quốc lộ 1, và quốc lộ 53 êm đềm duỗi mình trên đồng bằng cây trái phì nhiêu, nơi đây được bồi đắp phù sa màu mỡ, dồi dào, trù phú giữa hai dòng sông Tiền Giang, Hậu Giang và chằn chịt sông rạch, nhất là những khu vườn cây trái sum suê, không khí trong lành mát mẻ, cảnh vật hài hoà nhịp nhàng với muôn chim.

    CHÙA :

    * Lúc đầu chùa Kỳ Sơn chỉ làm bằng tre lá thô sơ tại khu rừng hoang vu và nhiều đầm lầy. Sau đó chùa xây tại ấp Kỳ Sơn 1812, mái hình chóp năm tầng so le, ba mái xuôi một mái ngang, chung quanh là tượng nữ thần Kâyno đứng nâng tháp, kèm với nhiều đầu rắn hình rễ quạt che Phật ngồi thiền, tất cả cột ngoài tạc chim Mahaknốt, & những cánh dơi Kâyno đỡ mái. Nói chung chùa làm phỏng theo kiểu chùa Khmer.

    Nào là: chùa Phước Hậu tại ấp Đông Phú, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình đã xây từ thế kỷ 18, sau đó do thiền sư Hoàng Chỉnh đã trùng tu khang trang hơn vào năm 1895 – 1910.
    * Chùa Tiên Châu (còn có tên là: Tô Châu, và tên Di Đà) ở bên kia sông Cổ Chiên (cù lao An Bình và xã An Bình) lập vào khoảng thề kỷ 19.
    * Chùa Pháp Hải mới xây 1962. Chùa Saghamangala (Hạnh Phúc Tăng, còn gọi là chùa Vũng Liêm) xây 1339 của Khmer Nam Bộ, năm 1964 thì xây chính điện. Cửa tam quan xây 1974 đã đắp nổi hai tượng Krud đỡ mái tam quan tuyệt đẹp.
    * Tịnh xá Ngọc Viên xây 1948 tại Xóm Chài của hệ phái Phật Giáo Khất Sĩ đầu tiên khai mở, do tổ sư Minh Đăng Quang sáng lập.

    * Cù lao An Bình
    đối diện với thị xã Vĩnh Long thoáng mát, nhiều vườn cây trái như: sầu riêng, nhãn, xoài, sapoche, chôm chôm, măng cụt, v.v… Cũng như vườn bonsai ông Sáu Giáo ở Bình Thuận (Vĩnh Long) trồng vô số loài hoa mai chiếu thủy lài, mai vàng tứ quý, cây cảnh đủ loại… và ông Mười Đẩy trồng la liệt trái cây.

    * BẾN TRE:

    Do địa mạo bằng phẳng, thỉnh thoảng có những giồng cát đặc trưng xen kẻ, lắng đọng phù sa, rừng chồi, trầm tích của các lòng sông cổ lẫn lộn nhiều xác hữu cơ, bốn bề kinh rạch chằn chịt sông nước mênh mông, bao bọc theo dòng chảy hai chiều của sông rạch, tàu bè xuôi ngược đó đây đều phải đi qua Bến Tre, và có phù sa của các sông: Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai và sông Tiền hợp lưu Bến Tre ung dung nằm ở cuối nguồn đồng bằng sông Cửu Long, được thành hình từ ba cù lao chắp lại với nhau: cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hoá. Bến Tre được ví như hình cái quạt, các nan quạt là những nhánh sông lớn xoè ra ở phía đông, đầu ngọn thì nằm ở thượng nguồn.

    Phía đông tỉnh Bến Tre giáp biển. Phía Tây tỉnh Bến Tre giáp ranh giới chung là sông Cổ Chiên thuộc Vĩnh Long. Phía Nam tỉnh Bến Tre giáp Trà Vinh. Phía bắc tỉnh Bến Tre giáp Tiền Giang. Cực đông nằm trên kinh độ 106/o 48’ Đông. Cực tây tỉnh Bến Tre nằm trên kinh độ 105/o 57’ Đông. Cực Nam của tỉnh Bến Tre nằm trên vĩ độ 9o/48’ Bắc. Tỉnh Bến Tre có các huyện: Châu Thành. Bình Đại. Ba Tri. Chợ Lách. Giồng Trôm. Mỏ Cày. Thạnh Phú.

    Đường thủy tỉnh Bến Tre rất thuận lợi như thế, đường bộ cũng khá 1861 tiện trên quốc lộ 60 nối từ thị xã Bến Tre đến phà Rạch Miễu. Tỉnh lộ 882 đi Mõ Cày và Hàm Luông. Quốc lộ 60 nối tỉnh lộ 883 với thị trấn Bình Đại. Tỉnh lộ 884 từ ngã ba Hàm Long đi Tân Thành. Tỉnh lộ 885 nối thị xã Bến Tre với Ba Tri qua Giồng Trôm. Tỉnh lộ 888 cù lao Minh nối huyện Thanh Phú đi Mỏ Cày.

    * Bến Tre có các thắng cảnh, trước tiên là CHÙA:
    Chùa Tuyền Linh lập năm 1861 tại ấp Tân Quới Đông, huyện Mỏ Cày, ở khu vườn chùa có tháp tổ, trong chùa có tượng hộ pháp bằng đồng cao 0,70. - Từ thế kỷ 18, tại ấp 8 xã Quới Sơn (Châu Thành) có chùa Hội Tôn nơi đây có tượng đồng Thập Điện Minh Vương cao 0,70m. – Chùa Viên Minh tại 156 Nguyễn Đình Chiểu, tước khuôn viên chùa có tượng Bồ Tát Quan Thế Âm.

    * Lễ Hội:

    Hằng năm đến ngày 1 tháng 7 đa số đồng bào kéo đến mộ phần thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, để cúng giỗ và tưởng niệm. Cũng tại huyện Ba Tri, xã Bảo Thạnh có mộ phần danh nhân Võ Trường Toản, ông có kiến thức uyên bác. Nằm gần ông là mộ phần của Phan Thanh Giản. - Mỗi năm vào ngày 18, 19 tháng Ba âm lịch, có lễ Kỳ Yên cầu mưa thuận gió hoà & lễ Cầu Bông tổ chức ngày 9, 10 tháng 11 âm lịch: rước sắc thần tế Hoàng thành, nông dân cầu xin gặt hái mùa màng tốt đẹp.

    Tại đình Phú Lễ, ấp Phú Khương, huyện Ba Tri thờ thành hoàng Bổn Cảnh. Ngày 16/6 âm lịch hằng năm tại các nơi đình, miếu… thuộc huyện Ba Tri, huyện Đại Bình, các tay ngư phủ đều đem tàu thuyền đến neo bến, khai hội tế thần Cá Ông, cúng bái và cùng nhau hàn huyên vui vẻ, ăn uống linh đình. Nhân tiện nói về “ăn, uống”, thì… có “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm).

    Rượu Phú Lễ (Ba Tri) xuất hiện từ 1851 nghề làm rượu đa dạng, rất quy mô, và không những quá cầu kỳ với: nếp thượng hạng, 36 vị thuốc xay nhuyễn, hoà với cám và bột gạo lứt, vo thành viên, phơi nắng thật khô thành hồ men, bỏ vô tỉnh, (vại, hủ) ủ kín sau bảy ngày đêm mới chiếc ra nấu canh lửa, khi xong lại hạ thổ chôn bách nhật (100 ngày). Thật công phu. Kèm theo kẹo dừa Bến Tre là một đặc sản thơm ngon, béo ngậy ít có nơi nào bằng:

    Bến Tre nước ngọt sông dài
    Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
    Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
    Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan


    CỒN

    Cồn cách Bến Tre chừng 10km thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm có Cồn Ốc rộng 1km, dài 8,3km đã trồng nhiều cây trái trĩu cành ngon ngọt.
    * Cồn Phụng cạnh phà Rạch Miễu (quốc lộ 60 Mỹ Tho – Bến Tre) có cù lao nổi giữa sông Tiền, có di tích đẹp: sân rồng, tháp, địa đạo ông Đạo Dừa, làng thủ công mỹ nghệ gia dụng, họ làm ra những sản phẩm từ cây dừa, và nuôi ong lấy mật.
    * Cồn Tiên thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành, ngang tầm với làng Cái Mơn có Cồn Tiên rộng 7/ha là một bãi cát tuyệt đẹp, nơi có thể vui chơi và tắm thoải mái .

    * Giữa hai xã Quới Sơn & Tân Thạch là:
    Cồn Qui (trên sông Tiền Giang) rộng 65/ha cũng trồng nhiều loại cây ăn quả rất ngon. Cái Mơn thuộc xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành là quê hương của Trương Vĩnh Ký, nơi nổi tiếng nhất với nghệ nhân chuyên chiếc cành các loại cây giống, cây cảnh, bonsai uốn thành hình rồng, phượng, nai, hưu… rất nghệ thuật có giá trị. Đây cũng là nơi có nhiều trái cây đủ các loại cây ăn trái của miền Nam.

    Bến Tre nước ngọt lắm dừa.
    Ruộng vườn màu mỡ, biển thừa cá tôm
    Sầu riêng măng cụt Cái Mơn
    Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày
    Xoài chua cam ngọt Cam Lai
    Bắp thì Chợ Giữa giồng khoai Mỹ Hoà
    Mắm bằm ven bãi phù sa
    Bà Hiền Tân Thủy hằng hà cá tôm.


    * Vàm Hồ
    ở hai xã Tân Xuân + Mỹ Hoà (huyện Ba Tri) cách xa Bến Tre 52km, nơi đây là khu rừng chà là có gai, đước đôi, bụp tra, ô rô, so đũa, dừa nước, cùng những cây ăn trái như phong phú: đậu ván, ổi, mãng cầu xiêm, v.v… Nơi đây là “chung cư” của những loài chim: cồng cộc, le le, vạc… và loại cò thì nhiều vô số: cò trắng, cò ngà, cò ruồi, quắm trắng, vòng vọc, diệc xám, các loại chim khác… không thể nào kể xiết.

    Mỗi khi bình minh lên hoặc chiều về, thì trong rừng bừng lên sức sống mãnh liệt, đủ các loài chim nườm nượp rộn ràng từng đàn, từng đàn chim rìu rịt bay ngợp trời, trên không trên cạy, dưới đất vang inh ỏi những hợp ca trường cửu, mang đầy giọng điệu véo von trầm bổng, dìu dặt, líu lo. Tuyệt vời khôn tả. Đúng là nơi “đất lành chim đậu”.

    * AN GIANG có một vùng Thất Sơn (Bảy Núi) hùng vĩ ở các huyện: Tri Tôn. Tịnh Biên. An Giang nằm về hướng Đông và Đông Bắc An Giang giáp Đồng Tháp. Hướng Tây An Giang giáp Campuchia. Hướng Tây và Tây Nam An Giang giáp Kiên Giang. Hướng Đông Nam An Giang giáp Cần Thơ. Cực đông: Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Cực tây: xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn. Cực Nam xã Thoại Giang, huyên Thoại Sơn. Cực bắc: xã Khánh An, huyện An Phú. * Tọa độ địa lý 104/o 46’ đến 105/o 12’ kinh độ đông; 10/o 54’ đến 10/31’ vĩ độ bắc.

    An Giang là một tỉnh đầu nguồn rất đặc biệt sông nước bao la bắt nguồn từ Tây Tạng, nhờ có dòng sông Mê Kông chảy vô An Giang, sông tách ra hai nhánh sông Tiền, và một phần sông Hậu Giang, dòng sông được thiên nhiên dao động mực nước điều hoà, phù sa bồi đắp “mùa nước nổi”, đồng thời đổ ra chín cửa biển, thế nên đã mang tên Cửu Long.

    Muốn đi đường bộ: Sài Gon > Long Xuyên > qua Long An, đi cầu Mỹ Thuận, Sa Đéc Bắc Vàm Cống, Long Xuyên.

    Đường thứ hai: qua cầu Mỹ Thuận, đi Thốt Nốt, Ô Môn, bắc Hậu Giang, đi Vĩnh Long. Long Xuyên. Liên tỉnh lộ 91 và tỉnh lộ 943 có thể các nơi: Nhà Bàng, núi Sam, Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ & Núi Sập, Tri Tôn.

    * Tịnh Biên > thì đi tỉnh lộ 948, đi về hướng Bắc, sẽ có liên tỉnh lộ 91 nối với Nhà Bàng, hoặc tại An Châu có tỉnh lộ 941 nối tới Tri Tôn. Tỉnh lộ 841 tại Chợ Mới đi Phú Tân, Cái Tàu Thượng, Sa Đéc.

    * Hoặc Chợ Mới nối tỉnh lộ 942 đi Chợ Vàm, Tân Châu thấy tỉnh lộ 953 đi Châu Đốc.

    Tóm lại, tỉnh An Giang rất thuận tiện về các mặt đường bộ, cũng như An Giang chằn chịt sông ngòi, kinh, rạch… nên sự giao thông thuận tiện nhất vẫn là di chuyển trên đường thủy.

    An Giang có hai mùa: Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11.
    An Giang có chín huyện:
    Tỉnh An Giang: thị xã Long Xuyên & Châu Đốc). An Phú (thị trấn cùng tên). Tân Châu (thị trấn cùng tên). Phú Tân (thị trấn Phú Mỹ & Chợ Vàm). Tịnh Biên (thị trấn Nhà Bàng & Chi Lăng). Tri Tôn (thị trấn cùng tên). Chợ Mới (thị trấn cùng tên). Châu Thành (thị trấn An Châu). Thoại Sơn (thị trấn Núi Sập).

    An Giang phong phú giống như vựa lúa gạo các nơi khác ở miền Tây: Thổ sản là các loại dưa, đậu xanh, đậu đen, đậu nành, đậu phụng…; Ngoài ra, các loại trái cây thì trồng nhiều vô số, cả mù u, tràm, giáng hương… Không những thế, nơi đây từ giữa thế kỷ 19 đến nay thường có hội hè đình đám tấp nập, tại thị xã Châu Đốc thường có lễ hội vía Bà Chúa Xứ Châu Đốc. Miếu của bà đầu tiên làm vách bằng cây, tre, nóc lợp lá. Sau 1962 miếu bà kiến trúc theo chữ quốc, xây bằng đá, lợp ngói âm dương màu xanh, bốn mái hình vuông.

    Trong miếu có bức tượng bằng đá màu xanh tạc hình bà Chúa Xứ, phỏng theo tượng thần Vitnu giống các nước Campuchia, Ấn Đô, Lào. Trước khi cử hành nghi lễ tắm tượng bà chúa Xứ, người ta cúng bái, hát bội, múa bóng rất vui. Sau đó ban hành lễ cỡi áo bà và tắm bà bằng nước mưa có rắt đầy hoa thơm trong bồn. Hằng năm lễ hội vía bà Chúa Xứ cử hành rất long trọng; bắt đầu từ đêm 23 đến 27 tháng Tư âm lịch tại Núi Sam, (đường thủy hoặc đường bộ tại Sài Gòn đi Cần Thơ đến Sóc Trăng, lên Châu Đốc. Hoặc đi đường bộ tại Sài Gòn đi tỉnh lộ 10 ở Long Xuyên đến Châu Đốc).

    Lễ Hội & Cúng Giỗ


    * Ngày 18 – 19 tháng 10 âm lịch: lễ giỗ ông Nguyễn Trung Trực, tại Xã Long Kiên, huyện Chợ Mới (An Giang). Ông là người rất nổi tiếng đã đánh chìm một tàu chiến trên sông Nhật Tảo của thực dân Pháp (thế kỷ 19).

    * Ngày 12, 13, 14, & 15 tháng Tư âm lịch, là lễ Chol Chnam Thmay lớn nhất của người Khmewr định cư tại miền Tây Nam Bộ, họ tiễn thần Teveda cũ, tiễn ngày nắng hạn. Nhân đó mời thần Teveda mới, đón chào ngày mưa làm mùa (lễ nầy tương tự như ngày Tết Nguyên Đán Việt Nam).

    Ngoài việc cúng giỗ linh đình, họ đốt pháo, mở tiệc ăn mừng, chúc mừng nhau, đánh quay lửa, thả diều, hát Dù Kê, múa Roam Vông. Cũng giống như ngày Thanh Minh của người Việt, lễ của người Khmer cúng ông bà tương tự như thế vào ngày 1 đến 15, họ cúng hoa quả, bánh tét, cơm, thức ăn tại chùa, và ăn mừng tại gia. Ngoài ra còn có lễ hội “Đua Bò” của Khme. Lễ Hát Gi Haji (còn gọi là Roya Haidj của người Chăm theo đạo Hồi).

    Thành cổ Ốc Eo là một thương cảng thời trung cổ, bị chìm dưới đất tại huyện Thoại Sơn, Ba Thê, vùng núi Sập. Chùa Xã Tón tại thị trấn Tri Tôn trên các đỉnh tháp chạm tượng thần sáng tạo Bayon, hai mái ngói đỏ vàng xanh hình tam cấp cong, góc nhọn chùa là thần rắn Naga, theo người Khmer rắn Naga tượng trưng cho sự hùng dũng và bất diệt. Quanh chính điện đựng tro cốt.

    Chùa thường tổ chức những buổi lễ quan trọng chính:
    * Choy Chnam Thmay từ ngày 12 đến 15 tháng Tư âm lịch.
    * Lễ Chol Ca Sa: Suốt ba tháng từ 15 tháng 6 đến 15 tháng Chín = cấm sư, sãi ra khỏi chùa.
    * Lễ dâng y: Sắm quần áo, nhiều vật dụng cho chùa, trường học, sư sãi.
    Ngoài ra còn các ngày lễ nhỏ linh tinh khác. Một khu vực rộng lớn thuộc huyện Phú Tân, thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang có nhiều nhà thờ Hồi Giáo Maburat của chừng 12.000 người Chăm theo đạo Hồi (những người Chăm ở An Giang; không phải là dân tộc Chăm ở Thuận Hải). Trong năm có những ngày lễ:
    - Sinh nhật Mahamet (giáo chủ sáng lập).
    - Lễ Haji ngày 3/7 dương lịch (Hồi lịch: ngày 10/2).
    - Ra chay: ngày 27/4 dương lịch (Hồi lịch: tháng 9).

    * Núi Cấm: Trong dãy núi hùng vĩ “Thất-Sơn” cách thị xã Châu Đốc 30km, có Núi Cấm cao 710m, trên đường đi lên Núi Cấm (tên là “Núi Cấm”, nhưng thật ra lên núi có độ dốc lài, ai ai cũng đi lại thoải mái dễ dàng). Trên núi mát mẻ, có dựng chùa và tượng Phật to lớn, có động Thủy Liêm, hang Vồ Bồ Hông, suối Thanh Lang. Trên núi Cấm nhìn xuống chung quanh chân núi thì cảnh An Giang rất đẹp.

    Núi Sam: Trên đường liên tỉnh 10 về hướng tây thị xã Châu Đốc và thị xã Long Xuyên (quảng đường xa độ 60km, là đến Núi Sam. Núi Bảy và núi Sam là vùng núi án ngữ biên giới giữa Campuchia và lãnh địa Việt Nam tốt, nơi phòng thủ và an toàn bảo vệ tuyệt vời. Núi thấp có nhiều đường mòn lên, xuống. Núi nằm giữa cánh đồng bao la cao 284m, rải rác nơi đây ở đỉnh núi có pháo đài do Pháp xây. Tại chân núi, sườn núi, đỉnh núi có rất nhiều chùa, đền, miếu, am, (tất cả khoảng 200).

    Du khách còn viếng lăng Thoại Ngọc Hầu (danh tướng Nguyễn văn Thoại 25/11/1761 – từ trần 6/6/1829) lăng kiến trúc độc đáo, tinh xảo, uy nghi, hài hoà bằng đá ong, có tấm bia đá sa thạch dựng năm 1828 ghi “Vĩnh Tế Sơn”. Mộ hai phu nhân nằm ở hai bên mộ của ông, và mộ phần của những người vô danh cùng ông khai hoang lập ấp.
    Ông Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà, phát triển nông nghiệp, mở đường phía Tây Nam khai sơn từ Châu Đốc đi núi Sam, Lò Gò, Sóc Trăng và nhiều vùng khác. Thế nên cư dân vùng nầy thương quý kính trọng và biết ơn ông, họ tưởng nhớ và cúng giỗ ông vào ngày 6/6 âm lịch.

    Đứng ở hướng tây thị xã Châu Đốc nhìn về núi Sam cao độ 284m, tại đây có một ngôi chùa cổ tự Tây An, kiến trúc kiểu Ấn Độ theo phái Đại Thừa, do vị quan triều vua Minh Mạng là: thống đốc Nguyễn Nhật An xây dựng chắc chắn bằng cột đúc, gạch, xi măng, ngói. Trong sân chùa có cột phướn, hai bên chính điện là hai hành lang, dưới bậc thang có bạch tượng và hắc tượng, trên vai hai tượng là hai vị thần ngồi trên mặt trăng lưỡi liềm.

    Chùa có ba vọng cửa, hai cửa hai bên đề Tây An cồ tự, hai bên là lầu trống, lầu chiêng, cửa tam quan thờ Phật Quan Âm. Chùa có 11.270 pho tượng lớn, nhỏ bằng gỗ quý. Chính điện ở giữa là tượng Phật Thích Ca cao 18m.
    Các ngày rằm trong năm: tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười ... là những ngày chùa đón khách thập phương đến cúng dường lễ Phật rất đông.
    Đường từ Châu Đốc Hà Tiên
    Có kinh Vĩnh Tế nối liền hai nơi
    Đất Nam Vang lắm dốc nhiều đồi
    Đèn cao Châu Đốc mọi người đều nghe.


    Sở dĩ cư dân địa phương ưa gọi chùa Long Hương Tự là chùa Giồng Thành, vì năm 1875 chùa đã xây trên hào thành của nhà Nguyễn xưa kia. Nóc chùa có tháp hai tầng hình phễu, mái lợp ngói, chùa có ba gian xây theo dạng chữ “song-hỉ”, cột chánh điện vẽ rồng, nơi đây thờ Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng, Nam Tào Bắc Đẩu. Chánh điện và hậu tổ có hai nhà cầu song song tiếp nối và nhà giảng thờ Phật Mẫu. Hậu tổ thờ các hoà thượng Trần Minh Lý, Chôn Nhơ, Nguyễn văn Điền. Cũng giống chùa Tây An, mọi tín hữu đi cúng giỗ, lễ Phật các ngày rằm trong năm: tháng Giêng, tháng Bảy, tháng Mười

    Đất Cần Thơ nam thanh nữ tú
    Đất Rạch Giá vượn hú chim kêu
    Quản chi nắng sớm mưa chiều
    Lên doi xuống vịnh cũng chèo thăm em.
    (*)

    Hoặc:

    Đèn nào cao bằng đèn Thủ Ngữ
    Gió nào dữ bằng gió Đồng Nai
    Trai nào khôn bằng trai Cao Lãnh
    Gái nào bảnh bằng gái Ba Tri
    (*)

    Vì thế, khá nhiều vị anh hùng hào kiệt trai trẻ một thời miệt mài bôn ba tứ xứ, ngày nay họ đã dừng gót giang hồ:

    Nước mắm ngon dòm sâu đáy hũ
    Thả miếng đu đủ xuống tận đáy bình
    Mù u nhuộm thắm bông quỳnh
    Bao nhiêu gái đẹp không nhìn
    Dạ anh chỉ để thương mình em thôi.
    (*)

    Thương hồ miền Tây Nam Bộ khác biệt với doanh nhân tại đô thị Sài Gòn hào nhoáng và xa hoa. Nơi vùng quê trù phú đây tĩnh lặng an lành, bình yên với sông xanh êm đềm nước ngược nước xuôi, kinh, rạch chi chít bến nhỏ, bến bạ, bến đối… tấp nập thuyền ghe xuôi ngược. Đất đai màu mỡ phì nhiêu tươi tốt, đồng lúa bao la bát ngát, nhờ anh nông dân, và con trâu:

    Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông
    Vừa đến buổi cày bừa bua việc
    Trước cổ đà mang hai cái niệt
    Sau đuôi thêm kéo một cái cày
    Miệng đã vàm, mũi lại dòng dây
    Lưng mòng nút, dưới chân đỉa cắn
    Trâu đã mệt thở dài thở vắn
    Người không mêt mắng ngược mắng xuôi…
    (*)

    Ôi! Thật thương sao là thương... và biết ơn người nông dân cần cù, nhọc nhằn lam lũ vất vả khổ cực dãi dầu nắng mưa khuya sớm & con trâu đã nai lưng vác nặng cày bừa, để cho chúng ta tận hưởng những hạt gạo thơm, gạo lứt (riz cargo) no tròn, ngon ơi là ngon. Miền Nam Việt Nam đã vang danh một thời dồi dào phong phú có nhiều gạo ngon xuất cảng ra nước ngoài hậu hỉ. Người dân quê chất phát, thật thà đôn hậu, hiếu hoà, rộng rãi, hào phóng. Xóm giềng thân mật cô bác ông bà chia cơm xẻ áo chí tình, hiếu khách, tương trợ lẫn nhau như anh em họ hàng.

    Ngoài việc chăn nuôi dê, bò, heo, gà, vịt, ngỗng, ngan… thì ruộng vườn nhà nào nhà nấy đều sum suê trĩu trịt cây trái miền dưới (phía Nam) không thiếu thứ gì. Nào là: chuối lá xiêm, mãn cầu xiêm, vú sữa, chôm chôm, sầu riêng, dâu da, bòn bon, cam, quít, xoài, chanh, ổi xá lị, mận, chuối, mía, cau, dừa ... nhiều vô số kể chen cánh với rừng tràm, đót… Cánh đồng lúa bạt ngàn, ngun ngút, mênh mông như biển cả bao la. Sông ngòi kinh rạch chằn chịt tiếp nối, nơi sản xuất biết bao tôm, cá, sò, cua, ghẹ… e hề, thừa mứa:

    Kinh rạch, nhà cửa từ nhà nầy đi sang nhà kia rất xa, hầu như đa số mọi nhà đều có ghe, thuyền… làm phương tiện di chuyển, giao dịch mua bán. Ngày xưa và bây giờ họ liên lạc với nhau bằng cách nghe những thông báo từ các tiếng mõ. Ví dụ như:
    1./ Nghe mõ đánh thúc ba hồi, kèm ba dùi = gọi nhau đi họp.
    2./ Nghe mõ đánh thúc hai hồi, hai dùi = Trong khu xóm có chuyện chẳng lành, gây lộn đánh nhau chảy máu.
    3./ Nghe mõ đánh thúc một hồi, và một dùi = Hoả hoạn, trộm cướp.

    Ngoài những sinh hoạt bình an êm đềm với ruộng vườn, điền thổ, sông ngòi, biển cả… vì kế sinh nhai cơm áo gạo tiền ra, người dân miền Nam Việt Nam hiền hoà, hiếu khách, chân tình nhân hậu có những thú vui tao nhã, lành mạnh khác: đó là những câu hát điệu hò đơn sơ mà trữ tình, phong phú của khách thương hồ dưới thuyền trao lời huê tình với người trên bến:

    Trứng vịt đổ lộn trứng gà
    Thấy em má trắng anh đà muốn hun
    Muốn hun một cái mà chơi
    Mâm trầu hũ rượu kết đôi vợ chồng.


    Á à… thì ra “qua” đã ngẩn ngơ si tình cô thôn nữ nhu mì hiền hoà và xinh lịch mất rồi. Ai kia quyết định “bưng trầu hầu rượu” để rước nàng dìa dinh. Dù mai kia mốt nọ “qua” có tách bến mà lang bạt giang hồ, chắc hẳn “qua” cũng xôn xao nôn nao:

    Anh ngồi phần thủ trống treo
    Miệng kêu ghe ghé, chân trèo xuống thang
    Bước xuống thang quạt che tay ngoắt
    Chia rẻ vợ chồng ruột thắt dường bao!


    Người phụ nữ mặc quần lãnh đen tuyền, áo bà ba nõn trên dáng người thon thả với khăn rằn vắt vai, phụ nữ ấy mặn mà duyên dáng, đảm đang, cần mẫn ở nhà với đìa, ao, kinh, rạch, cùng đồng áng, vườn cây trái ngon ngọt trĩu cành, dù trải qua bão táp gian truân không kém với thời gian, em vẫn chung tình ngóng chờ đợi anh trên bến:


    Tiền tài như phấn thổ
    Nhơn nghĩa tợ thiên kim
    Trầm hương khó kiếm, anh tìm cũng ra
    Linh đinh vịt lội giang hà
    Nói ra tốt lớp, bạc đà trao tay
    Nhiều sương cỏ mới bạc đầu
    Thương anh, em chịu thảm sầu từ đây
    (*)
    *
    Tình Hoài Hương

    ***

    Mời độc giả xem tiếp:
    RẠCH GIÁ * KIÊN GIANG * HÀ TIÊN & CÀ MAU tại trang sau.
    Trân trọng
    ***

    Tình Hoài Hương

    *
    Một ít tham khảo chính tại:
    (*) Ca dao, tục ngữ.
    (1), “Histoire modern du pays d’ Annam” (1592-1820) Paris 1919 – từ: Charles Maybon.
    (2), “Guide historique de rues de Saigon” – từ: André Baudrit.
    (3), “Scène de la vie Annamite”. Paris 1884 - từ: Henri le Verdier & H. Maubryan.
    ***
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

Similar Threads

  1. Trả lời: 22
    Bài mới nhất : 07-02-2013, 05:32 AM
  2. Huế -Đà Nẵng-Đà Lạt
    By diemtan in forum Tùy Bút
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 12-15-2011, 06:51 PM
  3. Đà Lạt Ơi ! niềm luyến lưu ngọt ngào
    By Tinh Hoai Huong in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 11-17-2011, 04:53 PM
  4. Băng Tâm, Tiếng Hát Ngọt Ngào Tình Tự Quê Hương
    By chimtroi in forum Chân Dung Nghệ Sĩ
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-14-2008, 09:18 PM
  5. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-04-2008, 06:58 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •