Phụ bản:
A: Góp ý với bài viết của Trần Ngọc Giang.
B: Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
C. Chân dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.
D: Chân dung Người Vợ Lính Việt Nam Cộng Hòa.
E: Nhận xét của một số độc giả.
Đôi dòng về tác giả.


Phụ Bản A:
Góp ý bài viết của tác giả Trần Ngọc Giang.


*****

Tướng Trần Thiện Khiêm,
cơn lốc rối loạn Đệ Nhất & Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam
Tác Giả: Trần Ngọc Giang


Tôi, Phạm Bá Hoa, xin phép tác giả Trần Ngọc Giang. Vì có nhiều bạn chuyển đến tôi bài viết của tác giả, kèm theo câu tóm tắt chung là “muốn tôi cho biết ý kiến”. Lúc đầu, tôi có trả lời rất vắn tắt riêng cho 4 bạn, nhưng vì càng nhiều bạn chuyển bài này đến tôi và muốn biêt ý kiến, nên tôi thấy cần trình bày chi tiết thêm vào từng đoạn thích hợp trong bài viết của tác giả để tiện trả lời chung. Vào đầu bài:

“Cơn Lốc Rối Loạn Đệ Nhất Đệ Nhị Cộng Hòa Việt Nam”, tác giả có ý như “trần tình” với người đọc với dòng chữ “... sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở vẫn phải cầm viết hầu phơi bày một sự thật để phần nào giúp các sử gia sau này có những sự kiện quan trọng đưa vào dòng định mệnh của Lịch Sử Việt Nam”.

Cũng vì vậy, một lần nữa, tôi xin phép tác giả để viết lại những lệnh mà tôi nhận, những việc mà tôi làm, những gì mà mắt tôi thấy trực tiếp, tai tôi nghe trực tiếp, cùng nét nhìn của tôi từ những điều đó và từ những dòng chữ của tác giả, còn đánh giá như thế nào xin tùy quí vi hữu, quí độc giả.
Xin thưa, trong cuộc đảo chánh 1/11/1963, tôi là Đại Úy chánh văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Trong bài này, phần chữ nghiêng tôi viết và save dưới dạng pdf.


Kể từ biến cố lịch sử năm 1975 đến nay đã có nhiều sách báo, đoàn thể, tôn giáo cũng như hầu hết đồng bào Việt Nam đều quy trách những nhà lãnh tụ miền Nam như Tổng Thống Diệm, Tướng Minh, Đôn, Thiệu, Kỳ v.v...đều là những người đã một phần chịu trách nhiệm để cộng sản thôn tính miền Nam. Sự quy trách này trên bình diện chính trị, truyền thông đương nhiên không ai phủ nhận, nhưng trên phương diện lịch sử thì thật là phiến diện. Do đó, tiện giả sau nhiều lần suy nghĩ, trăn trở vẫn phải cầm cây viết hầu phơi bày một sự thật để phần nào giúp các sử gia sau này có những sự kiện quan trọng đưa vào dòng định mệnh của lịch sử Việt Nam.
Ngược dốc thời gian năm 1958, Đại Tá Trần Thiện Khiêm là một trong những sĩ quan được Tổng thống Diệm ưa thích, vì vậy Đại Tá Khiêm đã được bổ nhiệm Tư lệnh Sư đoàn 4 Bộ Binh. Thời gian này Đại Tá Khiêm có hai người bạn thân nhất là Đại Tá Nguyễn Khánh và Trung Tá Nguyễn Văn Thiệu. Bất cứ cuối tuần nào, Đại Tá Khiêm đều lái xe đến thăm Đại Tá Khánh tại đồn điền trà J'Ring, sau đó 2 người kéo lên Đà Lạt thăm Trung Tá Thiệu đương là Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia/Đà Lạt.

Tôi không biết Thiếu Tướng Khiêm thân với Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu từ lúc nào, mà tôi chỉ biết -theo lời của bà Trần Thiện Khiêm- Đại Tướng Khiêm, Đại Tướng Nguyễn Khánh, và Đại Tướng Cao Văn Viên, thân nhau khi 3 vị cùng là Đại Úy và cùng chiến đấu trong quân đội Liên Hiệp Pháp tại mặt trận Na Sản trên đất Lào

Năm 1960 trong vụ đảo chánh do Trung Tá Vương Văn Đông cầm đầu bị thất bại, bởi Đại Tá Khiêm Tư lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh từ miền Tây kéo về giải cứu Tổng Thống Diệm, và kể từ đó, Đại Tá Khiêm được Tổng Thống Diệm tín cẩn tuyệt đối. Tthăng cấp Thiếu Tướng và được bổ nhiệm Tham Mưu Trưởng Liên Quân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

(1) Sau khi Đại Tá Nguyễn Chánh Thi thất bại cuộc đảo chánh 11/11/1960, Đại Tá Khiêm gọi tôi đến gặp ông tại Bộ TTM -lúc ấy tôi đang học lớp tham mưu tại trường đại học quân sự đồn trú trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo, tức Bộ Tổng Tham Mưu. Trước khi đi học, tôi là Trưởng Ban Hành Quân Phòng 3/Sư Đoàn 21 Bộ Binh (SĐ21BB)- Đại Tá Khiêm chỉ nói: “Ông Khánh sẽ cho di chuyển trường đại học lên Đà Lạt. Phần chú, mãn khóa là chú về lại Phòng 3 Sư Đoàn, tôi có công việc cho chú”. Ngày hôm sau, Đại Tá Khiêm trở về Quân Khu 5 đồn trú tại Cần Thơ, ông vẫn kiêm nhiệm Tư Lệnh SĐ21BB đồn trú tại Sa Đéc. Tháng 4/1962, giải thể các Quân Khu, trong khi các Quân Đoàn Sư Đoàn được trao thêm nhận trách nhiệm an ninh lãnh thổ với danh xưng kèm theo là Vùng Chiến Thuật, Khu Chiến Thuật. Đại Tá Khiêm vẫn là Tư Lệnh SĐ21BB/Khu Chiến Thuật Hậu Giang, và SĐ21BB di chuyển từ Sa Đéc sang Cần Thơ. Ngày 6/12/1962, Đại Tá Khiêm thăng cấp Thiếu Tướng, được cử giữ chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân/Bộ Tổng Tham Mưu, và ông nhận chức ngày 17/12/1962. Lúc ấy tôi là Đại Úy chánh văn phòng Tư Lệnh SĐ21BB, tôi cũng được lệnh thuyên chuyển đến bộ TTM, và Thiếu Tướng Khiêm cử tôi giữ chức chánh văn phòng TMT Liên Quân cũng từ ngày ấy (17/12/1962). Danh xưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới sử dụng từ 1/4/1964 thời Trung Tướng Nguyễn Khánh, sau văn kiện hệ thống hóa “QLVNCH gồm: Hải Quân, Không Quân, Lục Quân, Địa Phương Quân & Nghĩa Quân” (2) Trong cuộc sống nhất là trong sinh hoạt chính trị, tôi không tin là có sự “tín cẩn tuyệt đồi”, vì thật ra không có gì tuyệt đối trong đời sống chúng ta cả.

Sau khi nắm chức vụ trên và nhất là được sự tin tưởng của Tổng Thống, Thiếu Tướng Khiêm đã đề cử Trung Tá Thiệu làm Tư Lệnh Sư đoàn 5 BB và Thiếu Tướng Khánh làm Tư Lệnh Vùng 2 Chiến Thuật. Tóm lại, tất cả các chức vụ quan trọng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào thới điểm này, nếu có sự đề bạt của Thiếu Tướng Khiêm chắc chắn sẽ được Tổng Thống Diệm chấp thuận, ngoài ra TT Khiêm hơn hẳn các tướng lãnh khác là được cả ông Cố vấn Ngô Đình Nhu mến phục. Bởi vậy tiếng nói của Thiếu Tướng Khiêm với hai nhân vật then chốt của nền Đệ Nhất Cộng Hòa có một tác dụng gần như tuyệt đối, các tướng lãnh và Tư Lệnh quân binh chủng trong QLVNCH biết như vậy nên mọi lệnh của TT Khiêm, Tham Mưu Trưởng Liên Quân đưa ra đều được thi hành đầy đủ, chính xác.

(1) Thiếu Tướng Khánh bàn giao chức vụ Tham Mưu Trưởng/Bộ Tổng Tham Mưu cho Thiếu Tướng Khiêm trước khi ông đi Pleiku nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn 2/Vùng 2 Chiến Thuật. Như vậy, tôi nghĩ, không phải Thiếu Tướng Khiêm đề cử Thiếu Tướng Khánh sau khi Thiếu Tướng Khiêm nhận chức. Chức TMT Liên Quân là chức vụ mới thiết lập và Thiếu Tướng Khiêm là người đầu tiên nhân chức vụ này. (2) Có phải Thiếu Tướng Khiêm đề cử Đại Tá Nguyễn Văn Thiệu giữ chức Tư Lệnh SĐ5BB hay không, điều này tôi không biết. (3) Các đơn vị thi hành lệnh của Bộ TTM ngang qua TMT Liên Quân ký thừa lệnh Tổng Tham Mưu Trưởng là hành động bình thường trong quân đội.

Từ trước tới nay đã có nhiều sử gia và nhân vật chính trị đề cập đến cuộc đảo chánh ngày 1/11/1963, nhưng nhiều sự kiện vẫn còn thiếu sót và không chính xác vì chưa ai nêu đúng nhân vật chủ chốt, hầu hết đều cho rằng các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính là những nhân tố chính. Nhưng mặt trái bên trong hậu trường thì không phải vậy, Trung Tướng Đôn mặc dù là Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng nhưng không được các Tư Lệnh quân binh chủng tin tưởng, Tướng Minh không có thực lực trong tay, còn lại Tướng Đính chỉ trong phạm vi Tổng Trấn Sài Gòn mà thôi.

Đầu tháng 3/2007 trong lúc nói chuyện với cựu Đại Tướng Khiêm sau khi đón ông và gia đình từ phi trường IAH sau chuyến du lịch Pháp quốc trở về Houston, nhân lúc vui vẻ, tôi hỏi: “Thưa anh Tư, hồi đảo chánh 1 tháng 11 năm 1963, bắt đầu từ phía Hoa Kỳ hay từ phía Việt Nam mình anh Tư?” “Từ phía Hoa Kỳ”. “Vậy ai là người nối vào Việt Nam mình anh Tư?” “Ông S.”. “Ông ấy nối vào ai vậy anh Tư?” “Nối vào anh, nhưng anh thấy việc lớn quá nên giới thiệu với Trung Tướng Minh (Dương Văn)”. Cựu Đại Tướng Khiêm có nói tên đầy đủ của người Mỹ này, nhưng ông không muốn tôi nêu tên ông ấy dù ông S. đã chết rồi. Trong năm 1963, tôi có dịp nói chuyện với ông S. này trong những lúc ngồi chờ vào gặp Thiếu Tướng Khiêm. Ông ta trong ngành tình báo, nói tiếng Pháp sành sỏi. Với những gì tôi biết, Thiếu Tướng Khiêm là một trong những vị quan trọng trong cuộc đảo chánh chớ không phải là “nhân vật chủ chốt”. Trong một đoạn bên dưới, tôi trình bày rõ hơn về điểm này.

Đến đây tiện giả xin trình bày diễn tiến cuộc đảo chánh 1/11/1963 để quý vị độc giả có thể thấu hiểu ai là người đã soạn thảo, móc nối và thi hành kế hoạch đảo chánh.
Khoảng đầu tháng 10/1963 Thiếu Tướng Khiêm gọi Thiếu Tá Giang lên văn phòng cho biết sẽ có đảo chánh để lật đổ chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa vì Thiếu Tướng Khiêm được biết ông Ngô Đình Nhu đã có liên lạc với phía Việt Cộng. Đến đây tiện giả xin mở dấu ngoặc. Sở dĩ Thiếu Tướng Khiêm tiết lộ cuộc đảo chánh cho Thiếu Tá Giang vì Thiếu Tá Giang đã từng là Chánh Văn phòng của Thiếu Tướng Khiêm, và ngay sau nhậm chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân, Thiếu Tướng Khiêm đã yêu cầu Nha An ninh quân đội đưa Thiếu Tá Giang sang giữ chức vụ Trưởng phòng An Ninh quân đội Bộ Tổng Tham mưu.

(1) Nếu tôi nhớ không lầm, lúc đảo chánh 1/11/1963, tác giả là Đại Úy chớ chưa là Thiếu Tá. Tôi còn nhớ văn phòng của tác giả trong Tổng Hành Dinh/Tổng Tham Mưu, building bên trái từ cổng số 1 vào. Tác giả có trách nhiệm xét cấp “Thẻ” ra vào cổng Tổng Tham Mưu cho quân nhân viên chức phục vụ trong khuôn viên Bộ TTM. Tôi cũng được cấp thẻ đó. Tác giả nói đầu tháng 10/1963, Thiếu Tướng Khiêm gọi tác giả lên văn phòng cho biết có đảo chánh, nhưng những gì tôi biết thì những buổi họp tối mật giữa Thiếu Tướng Khiêm với các vị đảo chánh là từ trung tuần tháng 10/1963. Chứng minh: Khoảng 17 hay 18/10/1963, Thiếu Tướng Khiêm bắt đầu có những lần rời khỏi nhà ban đêm (sau đảo chánh tôi mới biết là ông đến nhà Thiếu Tướng TT Đính) mà không cho xe hộ tống theo sau, cho phép suy đoán là chuyện đảo chánh được thảo luận từ đó. (2) Về phần tôi, 7 giờ sáng 1/11/1963 (hôm ấy là lễ Các Thánh Tử Đạo) Thiếu Tướng Khiêm gọi tôi đến nhà ông, sau khi ngồi ở góc sân mà từ đó nhìn thấy chung quanh để biết chắc là không ai nghe thấy, trước khi ra lệnh ông nói thế này” “Đây là chuyện tối mật, chú không được nói với bất cứ ai kể cả vợ chú và chú Có, nếu bị tiết lộ thì chú đứt đầu trước tôi.” Chú Có mà Thiếu Tướng Khiêm nói ở đây là Trung Úy Nguyễn Hữu Có, sĩ quan tùy viên của ông. Tôi nghĩ, nếu tác giả được tín cẩn đến mức được Thiếu Tướng Khiêm cho biết trước đảo chánh một tháng, ắt hẳn tác giả phải là nhân vật rất quan trọng trong cuộc đảo chánh 1/11/1963, nhưng trong thực tế chừng như không phải vậy, vì tôi không nhận thấy “người thật việc thật” liên quan đến cuộc đảo chánh. Tôi nói “rất quan trọng” vì đây là hành động ảnh hưởng trực tiếp đến binh nghiệp và mạng sống của những vị tham gia đảo chánh. Hơn ai hết, ngành an ninh biết rõ điều này ít nhất là sau vụ 11/11/1960. (3) Những gì ở Sư Đoàn 4 Dã Chiến liên quan đến tác giả, tôi có nghe Trung Úy Nguyễn Hữu Có -sĩ quan tùy viên lúc ấy- nói lại, nhưng vì chưa đủ lý lẽ để tôi tin nên tôi xem như không biết gì hết.

Ngày 20/10/1963 Thiếu Tướng Khiêm chỉ thị Thiếu Tá Giang qua gặp Đại Tá Đỗ Mậu, Giám đốc Nha An Ninh quân đội để cho Đại Tá Mậu biết là ông Cố vấn Ngô Đình Nhu vừa ra lệnh cho Thiếu Tướng Khiêm tạm giữ Đại Tá Mậu vì ông này đang vận động đảo chánh; và Thiếu Tướng Khiêm dặn Thiếu Tá Giang nói với Đại Tá Mậu tạm thời lánh mặt để Thiếu Tướng Khiêm dễ dàng trình lên ông Cố vấn. Cũng trong thời gian này, Thiếu Tướng Khiêm tiết lộ với Thiếu Tá Giang về phía tướng lãnh, Thiếu Tướng Khiêm đã tranh thủ được hầu hết, chỉ còn có Thiếu Tướng Huỳnh Văn Cao, Tư Lệnh Vùng 4 là chưa hội ý, riêng Tướng Khánh và Đại Tá Thiệu hoàn toàn đồng ý với Thiếu Tướng Khiêm. Ngoài ra, các Tư Lệnh quân binh chủng đã có hứa là sẽ sát cánh với Thiếu Tướng Khiêm. Nói tóm lại, việc vận động, tổ chức, cũng như hoàn tất kế hoạch đảo chánh hầu như do Thiếu Tướng Khiêm chủ động vì chỉ có Tướng Khiêm hội đủ mọi yếu tố để cho các tướng lãnh và Tư Lệnh quân binh chủng tin tưởng.

(1) Những ngày cuối tháng 10/1963, một buổi tối sau khi Thiếu Tướng Khiêm ra khỏi nhà một lúc, Trung Tá Phạm Thư Đường -chánh văn phòng ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu- điện thoại tôi, hỏi TT Khiêm đi đâu và tôi trả lời TT Khiêm vừa đi đâu đó tôi không biết. Trung Tá Đường nói lệnh của ông Cố Vấn bảo tôi trình với Thiếu Tướng Khiêm là sau giờ làm việc không nên ra khỏi nhà, vì lúc này bọn đặc công Việt Cộng tìm ám sát các Tướng Lãnh. Điều này cho thấy ông Cố Vấn Nhu theo dõi hoạt động của Thiếu Tướng Khiêm (và có thể những vị khác nữa) chớ không phải lòng tín cẩn. Tôi chứng minh thêm. Tháng 4/1962, khi ông Cố Vấn xuống Vĩnh Long quan sát trắc nghiệm Ấp Chiến Lược, Đại Tá Khiêm -Tư Lệnh SĐ21BB/Khu Chiến Thuật Hậu Giang- có mặt tại phi trường nhỏ đón ông Cố Vấn, nhưng khi lên xe đi thăm ACL thì Đại Tá Khiêm vẫn ngồi trên xe của ông chớ không đi theo phái đoàn. Trung Tá Lê Văn Phước -Tỉnh Trưởng Vĩnh Long- đến tận xe mời Đại Tá Khiêm cùng ngồi xe với ông Cố Vấn, Đại Tá Khiêm nói: “Anh đưa ông Cố Vấn đi thăm ÂCL, tôi vào nhà anh ngồi chờ”. Sở dĩ tôi nghe được câu trả lời và nhìn thấy thái độ của Đại Tá Khiêm, vì tôi vừa là chánh văn phòng Tư Lệnh SĐ21BB vừa trách nhiệm theo dõi trắc nghiệm ACL tại các tỉnh Hậu Giang, và lúc ấy tôi đứng cạnh Đại Tá Khiêm. (2) Trong quân sự, lệnh phải “ngắn gọn, rõ ràng, chính xác”. Ở đây, Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho tác giả bảo Đại Tá Đỗ Mậu “tạm thời lánh mặt” dường như lệnh này không rõ nghĩa. Xin thưa, mỗi lần Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho tôi, bao giờ ông cũng hỏi: “Chú có gì cần hỏi không?” Trường hợp tôi hiểu không rõ là tôi hỏi lại ngay. Với lệnh bảo Đại Tá Đỗ Mậu “tạm thời lánh mặt” phải hiểu thế nào để chuyển lệnh cho đúng? (3) Chính tôi điện thoại liên lạc Thiếu Tướng Khánh (ở Pleiku) nhưng ông không nhận điện thoại, mãi đến gần sáng 2/11/1963 ông mới lên tiếng ủng hộ đảo chánh, chứng tỏ Thiếu Tướng Khánh không tham dự từ đầu, vì nếu tham dự từ đầu thì Thiếu Tướng Khiêm đâu cần ra lệnh cho tôi điện thoại hỏi TT Khánh.

Sáng sớm ngày 31/10/1963, Thiếu Tướng Khiêm gọi Thiếu Tá Giang lên văn phòng; khi Thiếu Tá Giang bước vào thì thấy Đại Tá Nguyễn Hữu Có ở đó, Thiếu Tướng Khiêm chỉ thị cho Thiếu Tá Giang cầm công điện hỏa tốc đi cùng với Đại Tá Có xuống Mỹ Tho để Đại Tá Đạm -Tư Lệnh Sư Đoàn 7 BB- bàn giao cho Đại Tá Có. Sở dĩ Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho Thiếu Tá Giang đi với Đại Tá Có là để Đại Tá Đạm tin tưởng là lệnh thật do chính Thiếu Tướng Tham Mưu Trưởng ký vì Đại Tá Đạm từng biết sự thân cận giữa Thiếu Tướng Khiêm và Thiếu Tá Giang.

(1) Vào thời gian ấy, cử vào chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn phải là Sắc Lệnh của Tổng Thống, đâu thể nào chỉ do một công điện mà là công điện của vị Tham Mưu Trưởng Liên Quân lại đủ thẩm quyền thay cho một Sắc Lệnh? Thêm nữa, những tài liệu thuộc loại mật và tối mật trong văn phòng TMT Liên Quân, hoàn toàn do tôi đánh máy, cho số, vào phong bì, dán kín mới gởi, cũng như lưu giữ trong tủ sắt ngay sau lưng tôi, không một sĩ quan nào có trách nhiệm này. Nhưng tôi hoàn toàn không biết gì về công điện mà tác giả nói ở trên. (2) Tôi có chút thắc mắc: “Tại sao phải có mặt tác giả bên cạnh Đại Tá Nguyễn Hữu Có để chứng minh công điện đó là thật”. Như vậy phải hiều rằng, nếu không có tác giả thì Đại Tá Có chẳng có giá trị gi hết, nếu không nói lúc ấy “Đại Tá Có chỉ là cái bóng của tác giả”. Với lại những gì tôi biết về Đại Tá Đạm, ông là người rất chính chắn bình tỉnh trong mọi vấn đề, nên tôi tự hỏi: Chẳng lẽ Đại Tá Đạm biết tác giả được sự tín cấn của Thiếu Tướng Khiêm đến mức chỉ cần sự có mặt của tác giả đã đủ để ông tin tưởng cái lệnh tối mật đó là thật sự của Thiếu Tướng Khiêm? Chẳng lẽ Đại Tá Đạm lại chấp nhận cái công điện đó của vị TMT Liên Quân có thẩm quyền thay cho Sắc Lệnh của Tổng Thống? Dù gì thì trên quyền của TMT Liên Quân còn có Trung Tướng Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng nữa mà. Phải chăng tác giả hàm ý tác giả là biểu tượng của Thiếu Tướng Khiêm do tác giả từng là chánh văn phòng của Đại Tá Khiêm khi ông giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 4 Dã Chiến đồn trú tại Biên Hòa. (tùy theo thời gian, tôi dùng cấp bậc đúng vào lúc ấy)

Đến 11 giờ sáng cùng ngày Thiếu Tá Giang trở về Bộ Tổng Tham Mưu và được Thiếu Tướng Khiêm cho biết đúng 12 giờ trưa Thiếu Tướng Khiêm sẽ chủ tọa buổi họp các Tư Lệnh quân binh chủng, và sau buổi họp nếu ai chống lại đảo chánh thì Thiếu Tá Giang phải giữ lại trong phòng họp Bộ Tổng Tham Mưu chờ lệnh của Thiếu Tướng Khiêm. Buổi họp vừa chấm dứt; trong lúc lộn xộn thì Đại úy Nhung sĩ quan cận vệ của Trung Tướng Minh tự ý bắt Đại Tá Lê Quang Tung, Tư Lệnh Lực lượng đặc biệt dẫn đi đâu không rõ, sau đó Đại úy Nhung trở lại định bắt Đại Tá Cao Văn Viên, Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù và ông Lê Văn Tư, Giám đốc Cảnh sát Đô Thành, nhưng Thiếu Tá Giang đã ngăn chặn kịp thời. Đại úy Nhung báo lên Trung Tướng Minh và Trung Tướng đến hỏi lý do cản trở Đại úy Nhung thì Thiếu Tá Giang trả lời là thi hành lệnh Tướng Khiêm.

(1) Ngày 31/10/1963, hoàn toàn không có buổi họp nào tại Bộ TTM do TT Khiêm chủ tọa cả. (2) Ngày 1/11/1963, lúc 7 giờ sáng (hôm ấy nghỉ lễ buổi sáng), Thiếu Tướng Khiêm đưa tôi hai danh sách và ra lệnh: Thứ nhất. Mời quí vị trong danh sách 1 đến câu lạc bộ Bộ TTM trước 12 giờ để dùng cơm, thật ra là buổi họp của những vị tham gia đảo chánh trước khi lên phòng làm việc của Thiếu Tướng Khiêm. (2) Mời quí vị trong danh sách 2 đến họp tại phòng họp số 1 (tầng 1 tòa nhà chánh) và yêu cầu có mặt trước lúc 1 giờ trưa, thật ra là cầm chân trong phòng họp. Trong danh sách thứ nhì, không có tên bất cứ vị nào bên hành chánh như tác giả đã viết. Tôi chắc rằng, tác giả không biết 2 danh sách mà tôi vừa nói. Đúng 1 giờ trưa, tôi có trách nhiệm đóng cửa lại và cho Quân Cảnh gác, không một ai trong số đó được ra vào. Lúc ấy tác giả không phải là thành viên của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, cũng không phải là sĩ quan thừa hành của bất cứ vị nào trong đó, tôi nghĩ, tác giả làm sao ngăn chận Đại Úy Nhung là người nhận lệnh của Trung Tướng Chủ Tịch Hội Đồng. Thật ra -theo lời của cựu Đại Tướng Cao Văn Viên- nói với tôi trong bữa ăn tại nhà anh chị Lý Thanh Tâm ở Virginia trưa ngày 6/9/2003, chính Thiếu Tướng Đính bảo Đại Úy Nhung tháo còng ra (lúc ấy mới còng 1 tay). (3) Tôi ngạc nhiên ở điểm, tác giả không phải là Trung Tướng Minh, cũng không phải là Đại Úy Nhung, làm sao biết được Đại Úy Nhung “tự ý” bắt Đại Tá Tung? Sự kiện mà tác giả nêu lên là sự kiện lịch sử, vì vậy mà sự suy đoán nhất là suy đoán theo chủ quan, tôi nghĩ là nên tránh. (4) Nhẩy Dù lúc ấy là Lữ Đoàn chớ chưa là Sư Đoàn. (5) Ngay Đại Tá Nguyễn Đức Thắng Trưởng Phòng 3 TTM, Đại Tá Đặng Văn Quang Trưởng Phòng 4 TTM, cũng không vào được, tác giả làm sao vào bản doanh HĐQNCM để nhận lệnh của Thiếu Tướng Khiêm. Xin mời đọc thêm đoạn cựu Đại Tướng Khiêm từ Virginia điện thoại tôi ở Houston vào tối 21/10/2003 (bên dưới) để nhận ra điều mà tác giả nói Thiếu Tướng Khiêm ra lệnh cho tác giả ngăn chận hành động Đại Úy Nhung, “điều đó có thể có hay không”.

Khoảng 2 giờ trưa ngày 31/10/63 Đại Úy Lê Quang Triệu, em ruột của Đại Tá Tung dẫn 1 đại đội lực lượng đặc biệt cùng với 4 chiến xa đến cổng Bộ Tổng Tham mưu để hỏi tình trạng Đại Tá Tung, ngay khi đó Đại Úy Nhung chạy ra gặp Đại Úy Triệu và yêu cầu Đại Úy vào trình diện Thiếu Tướng Khiêm, Đại Úy Triệu nghe lệnh trình diện Thiếu Tướng Khiêm nên Đại Úy không nghi ngờ gì, do đó mới bị chết thảm.

Ngày 31/10/1963, không có chuyện Đại Úy Triệu đẫn quân đến hỏi tình trạng Đại Tá Tung. Với lại dưới quyền Đại Úy Triệu làm gi có chiến xa.

Khi tiếng súng đảo chánh nổ trưa 31/10/1963, Thiếu Tướng Khiêm đã chủ động qua các diễn trình như:

Ngày 31/10/1963, đâu có cuộc đảo chánh nào mà nổ súng. Đảo chánh ngày 1/11/1963, ngày này không phải riêng Việt Nam mình mà nhiều quốc gia trên thế giới đều biết, nhưng theo tài liệu của tác giả là ngày 30/10/1963. Viết nhầm con số chăng? Tôi e không phải, vì ngày 1 chỉ có một con số nhưng tác giả lại gõ vào số 3 trước rồi đến số 1. Còn con số tháng 10 khác xa với con số tháng 11. Muốn viết số 11 thì gõ hai lần số 1 tận cùng bên trái, nếu gõ nhầm số thứ nhì phải là số 2 hay số 3, chớ đâu thể nào gõ nhầm vào số 0 ở gần tận cùng bên phải của hàng số. Nếu được tác giả giải thích điều này thì rõ nghĩa.

- Ra lệnh cho Đại Tá Có điều động Sư Đoàn 7 ngăn chặn lực lượng tiếp viện từ Vùng 4 Chiến Thuật.

Lệnh của HĐQNCM (không phải lệnh của Thiếu Tướng Khiêm) cử Đại Tá Nguyễn Hữu Có xuống SĐ7BB (Mỹ Tho) khống chế Đại Tá Đạm án binh bất động. BTL Quân Đoàn 4 tại Cần Thơ và SĐ9BB đồn trú tại Sa Đéc, hai đại đơn vị này cũng bị khống chế án binh bất động như vậy.

- Lệnh cho Đại Tá Thiệu, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 điều quân về Sài Gòn để làm chủ lực tấn công Lữ Đoàn Phòng Vệ Phủ Tổng Thống và Dinh Gia Long.
- Cô lập tất cả Tư lệnh Quân binh chủng nào xét ra chống lại cuộc đảo chánh.

Lúc 1 giờ trưa, tôi xuống lầu chuyển lệnh cho Quân Cảnh đóng cửa phòng họp số 1, và hai Quân Cảnh đứng gác. Tôi thấy tận mắt để biết chắc là lệnh đã được thi hành, rồi trở lên văn phòng trình Thiếu Tướng Khiêm.

- Ra lệnh cho Tướng Khánh, Tư Lệnh Vùng 2 và Tướng Trí Vùng 1 Chiến Thuật thi hành những biện pháp cần thiết.

Tối 1/11/1963, tôi điện thoại lên Quân Đoàn 2 để chuyển lời của Thiếu Tướng Khiêm hỏi Thiếu Tướng Khánh có ủng hộ hay không, nhưng Thiếu Tướng Khánh không nhận điện thoại. Như vậy, Thiếu Tướng Khánh không được biết cuộc đảo chánh ít nhất cho đến sau 1 giờ trưa (giờ G của cuộc đảo chánh). Trường hợp Thiếu Tướng Đỗ Cao Trí có công điện ủng hộ ngay sau 1 giờ trưa ngày 1/11/1963. Tôi có trách nhiệm nhận các công điện do Truyền Tin Bộ Tổng Tham Mưu đưa đến và mang vào trình Thiếu Tướng Khiêm, cũng có nghĩa là trình cho Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng. Ngay sau đó, những công điện ủng hộ được chuyển sang đài phát thanh để phát trên làn sóng. Tôi cũng được lệnh bảo Truyền Tin Bộ TTM “chận bắt” tất cả công điện gởi về Phủ Tổng Thống và trình ngay vào Hội Đồng.

- Riêng các Tướng Minh, Đôn, Kim, Nghiêm, Xuân v.v...có mặt tại Tòa nhà chánh bộ Tổng Tham Mưu chỉ có tính cách phụ giúp hơn là thực quyền, vì tất cả mọi lệnh và điều hành đảo chánh đều diễn ra trong phòng làm việc của tướng Khiêm.

Tôi có mặt trong văn phòng từ sáng sớm ngày 1/11/1963 liên tục ngày đêm đến chiều ngày 3/11/1963 mới về nhà, tôi không thấy tác giả có mặt trong phòng Thiếu Tướng TMT Liên Quân, tức bản doanh của HĐQNCM. Đúng là mọi diễn biến đều diễn ra trong phòng làm việc của Thiếu Tướng Khiêm và điều này trong Bộ TTM ai cũng biết cả, nhưng thực quyền thì không phải vậy. Bằng chứng. Khoảng 5 giờ chiều 1/11/1963, khi tôi vào cầm ống nói điện thoại đưa Thiếu Tướng Khiêm và mời ông tiêp chuyện với Tổng Thống, Thiếu Tướng Khiêm chưa kịp phản ứng thì Trung Tướng Minh giựt ống nói trên tay tôi và nói chuyện với Tổng Thống. Vài phút sau đó, cũng điện thoại từ Đại Úy Bằng, sĩ quan tùy viên của Tổng Thống, yêu cầu tôi mời Thiếu Tướng Khiêm tiếp chuyện với Tổng Thống, nhưng Trung Tướng Minh cũng giựt ống nói và đặt xuống máy chớ không nói chuyện. Thiếu Tướng Khiêm với thái độ bình thản, im lặng. Thêm nữa, lúc 7 giờ tối, Trung Tướng Minh gọi các vị vào họp, lúc ấy có thêm Trung Tá Đỗ Khắc Mai (Không Quân) mới đến. Trung Tướng Minh ra lệnh: “Đến 7 giờ sáng mai (2/11/1963) nếu dinh Gia Long chưa đầu hàng, Không Quân cho nhiều phi tuần khu trục đánh bom, sau đó Thủy Quân Lục Chiến và Thiết Giáp tấn công vào .....” Chỉ vài sự kiện đó thôi, tôi nghĩ, cũng đủ cho thấy vị nào thực sự nắm quyền.

Tiếng chuông của chiếc điện thoại được reo đúng 3 giờ 17 phút, Thiếu Tướng Khiêm nghe, đầu giây bên kia người đối thoại không ai khác là Tổng Thống Diệm. Sau cuộc điện đàm, Thiếu Tướng Khiêm quay qua tướng Minh, Đôn nói "Tổng thống nói với các tướng lãnh đến dinh Gia Long nói chuyện. Moi trả lời để hội ý rồi sẽ trình lại Tổng Thống sau" nhưng sau đó tướng Minh, Đôn, Kim và cả Khiêm không đồng ý đến gặp Tổng Thống Diệm. Tuy nhiên khoảng 4 giờ.30 chiều 31/10/63, Thiếu Tướng Khiêm tự ý điện thoại cho Tổng Thống Diệm với đề nghị đưa Tổng Thống cùng toàn thể gia đình ông Nhu ra ngoại quốc với sự bảo đảm an ninh do chính Thiếu Tướng Khiêm hứa. Khoảng 6 giờ chiều, Tổng Thống Diệm gọi cho Tướng Khiêm để cho biết là T.T. đồng ý đề nghị nói trên, nhưng khi tướng Khiêm hội ý với tướng Minh, Đôn, Kim, thì tướng Minh nói ngay "Giờ này quá trễ rồi, chúng ta cứ tiếp tục". Qua các cuộc điện đàm kể từ lúc tiếng súng bắt đầu nổ cho đến khi Tổng Thống Diệm chạy đến nhà thờ Cha Tam, Tổng Thống Diệm chỉ có gọi điện thoại cho Thiếu Tướng Khiêm mà thôi.

Trong Bộ TTM vào ngày 31/10/1963, tình hình vẫn bình thường như những ngày trước đó. Chuyện mà tác giả nói ở đây, tôi không biết xảy ra ở đâu. Cứ cho rằng cuộc đảo chánh diễn ra ngày 31/10/1963 như tác giả viết, vậy thì lúc 3 giờ 17 phút, lúc 4 giờ 30 phút, và khoảng 6 giờ chiều mà tác giả viết trong tài liệu, liệu tác giả có mặt trong phòng Thiếu Tướng Khiêm vào những lúc ấy hay không mà viết rất rõ giờ phút? Về phần tôi, tôi thấy tận mắt Trung Tướng Minh cầm ống nói nói chuyện với Tổng Thống khoảng 5 giờ chiều và tôi nghe tận tai Trung Tướng Minh thuật lại cuộc nói chuyện đó với các vị ngồi trong phòng Thiếu Tướng Khiêm lúc ấy, nhưng không phải ngày 31/10/1963 mà là ngày 1/11/1963. Đây là vấn đề lịch sử, mà lịch sử phải là khách quan, trung thực!

Đọc hết đoạn trên chắc độc giả đã nhận ra vai trò của tướng Khiêm từ tiền đảo chánh đến khi cuộc cách mạng 1/11/1963 thành công, nếu tướng Khiêm không được Tổng Thống Diệm tin dùng, nếu không có sự hợp tác với tướng Minh, Đôn v.v...chắc chắn là cuộc đảo chánh không thể xảy ra được vì trên cương vị Tham Mưu Trưởng Liên Quân lại được sự tín cẩn của Tổng Thống, vì vậy các Tư lệnh Quân Binh Chủng đã không có phản ứng nên cách mạng 1/11/1963 mới thành công một cách dễ dàng. Ngược lại nếu tướng Minh, Đôn, Đính ra lệnh cho các đơn vị, chắc chắn sẽ bị chống đối hoặc không thi hành, nhất là 2 lực lượng nồng cốt do chính Thiếu Tướng Khiêm điều động với SĐ7 có nhiệm vụ ngăn chặn tiếp cứu của Vùng 4, và Sư Đoàn 5 chủ yếu tấn công Lữ Đoàn Liên Binh phòng thủ phủ Tổng Thống với dinh Gia Long.

Thưa quí vi hữu và quí độc giả, sau 12 năm 3 tháng bị nhốt trong 4 trai tập trung của cộng sản tại miền Nam và miền Bắc, tôi đến Hoa Kỳ ngày 5/4/1991 trong đợt HO5. Sau mấy năm làm nhiều việc khác nhau, cuộc sống ổn định. Năm 2003, tôi lên Virginia thăm cựu Đại Tướng Khiêm và cựu Đại Tướng Viên. Sau đó, thỉnh thoảng điện thoại qua lại. Tối 21/10/2003, cựu Đại Tướng Khiêm từ Virginia điện thoại tôi ở Houston, ông nói một số điểm liên quan đến cuộc đảo chánh 1/11/1963. Đây là vài điềm trong số đó: “Trước ngày đảo chánh, Anh (tức cựu Đại Tướng Khiêm) nói như một điều kiện liên quan đến Tổng Thống Diệm rằng: “Phải để Tổng Thống bình yên và xuất ngoại”. Lúc đó Trung Tướng Dương Văn Minh đồng ý, Thiếu Tướng Lê Văn Kim cũng đồng ý. Sở dĩ Anh nói với Trung Tướng Minh và Thiếu Tướng Kim, vì hai ông này là hai nhóm riêng chớ không phải là một nhóm đâu nghe chú. Khi biết ông Diệm cùng với ông Nhu bị giết, Đại Tá Quyền (Hồ Tấn Quyền) bị giết, Đại Tá Tung (Lê Quang Tung) cũng bị giết, đến em của ông Tung là Lê Quang Triệu cũng bị lừa rồi giết chết. Ông Viên (Cao Văn Viên) thì bị còng tay. Họ hành động lén nên Anh với chú có hay biết gì đâu. Mấy ổng ngồi bên phòng của Đại Tướng Tỵ quyết định với nhau. (Lúc ấy Đại Tướng Tỵ dưỡng bệnh ngoài Vũng Tàu, Trung Tướng Trần Văn Đôn Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng). Ngưng một chút, ông tiếp: “Chú thấy chưa? Nhóm ông Minh với nhóm ông Kim độc ác quá! Ông Diệm gọi điện thoại bảo cho xe đến đón, tức là ổng đầu hàng rồi, tại sao lại giết người đầu hàng? Trước đó, ông Minh ông Kim đồng ý với Anh là để ông Diệm bình yên và lưu vong, tại sao lại giết? Cho nên từ đó Anh bất mãn với ông Minh ông Kim”. Với lời của cựu Đại Tướng Khiêm trên đây, cho thấy lúc ấy ông trong thế bị động, cho nên không hay biết gì về Đại Tá Tung bị đưa ra khỏi phòng họp số 1, Đại Tá Viên bị còng tay, thì làm sao ông ra lệnh cho tác giả ngăn chận hành động của Đại Úy Nhung như tác giả viết ở một đoạn bên trên.

Sau cuộc cách mạng 1/11/1963 thành công vai trò nổi bật là những tướng Minh, Đôn, Kim, Đính, Xuân. Riêng tướng Khiêm với chức vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng hữu danh vô thực, ngoài ra tiếng nói của tướng Khiêm trong Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng hầu như bị lãng quên, do đó cuộc Chỉnh Lý mới bùng nổ mà nguyên nhân chính là do sự bất mãn của tướng Khiêm.

(1) Chiều ngày 2/11/1963, Thiều Tưóng Khiêm thăng cấp Trung Tướng (cùng với nhiều vị khác nữa) và vẫn giữ chức Tham Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Chức Tổng Trưởng Quốc Phòng là Trung Tướng Đôn nắm giữ. Hai chức vụ mà tôi vừa nói là chính xác, vì tôi vẫn là chánh văn phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân mà lúc ấy vẫn là Trung Tướng Khiêm. (2) Ngày 1/1/1964, bàn giao chức TMT Liên Quân cho Trung Tướng Lê Văn Kim, và ngay chiều hôm ấy sang nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Vùng 3 Chiến Thuật. Cả hai cuộc bàn giao không có vị nào chủ tọa, mà chỉ có 2 vị “bên giao bên nhận” và các sĩ quan tham mưu liên hệ. Tôi và các sĩ quan cùng nhân viên văn phòng TMT Liên Quân đều thuyên chuyển sang Quân Đoàn 3, cộng thêm Đại Úy Nguyễn Văn Tuấn (về sau anh Tuấn là Đại Tá Giám Đốc Nha An Ninh Hành Chánh khi Đại Tướng Khiêm giữ chức Tổng Trưởng Nội Vụ). Tôi nghĩ, tác giả được tín cẩn đến mức được Thiếu Tướng Khiêm cho biết trước một tháng về cuộc đảo chánh 1/11/1963, nhưng tiếc là tác giả không biết gì về chức vụ của Trung Tướng Khiêm sau cuộc đảo chánh. Mời quí vi xem lại đoạn trên để thấy cựu Đại Tướng Khiêm thố lộ một chút tâm trạng của ông sau ngày 1/11/1963. (2) Nếu chỉ cho rằng, vì Trung Tướng Khiêm bất mãn do chức Tổng Trưởng Quốc Phòng hữu danh vô thực, tại sao trong bản doanh của các vị Chỉnh Lý ngày 30/1/1964 có mặt một viên chức tình báo Hoa Kỳ? (viên chức này khác với viên chức Hoa Kỳ trong cuộc đảo chánh 1/11/1963). Chẳng lẽ Hoa Kỳ chỉ đơn thuần ủng hộ sự bất mãn của Trung Tướng Khiêm mà không có quyền lợi của Hoa Kỳ?

Người tổ chức, thảo kế hoạch do tướng Khiêm chủ động với sự trợ giúp của tướng Khánh và tướng Thiệu cùng 1 số đông các Tư lệnh quân binh chủng. Tuy nhiên vì sở trường của tướng Khiêm là không bao giờ muốn lộ mặt nên tướng Khánh được tướng Khiêm chỉ định coi như lãnh đạo cuộc Chỉnh Lý. Trên thực tế, tướng Khánh không có thực lực, không được ai tin tưởng cho nên nếu không có tướng Khiêm đẩy ra sân khấu chắc chắn không bao giờ tướng Khánh mơ tưởng được làm Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân, Thủ Tướng v.v...

Đến đây tác giả viết đến cuộc chỉnh lý ngày 30/1/1964. Lúc bấy giờ Trung Tướng Khiêm Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Vùng 3 Chiến Thuật, Trung Tướng Khánh Tư Lệnh Quân Đoàn 1/Vùng 1 Chiến Thuật. Xin nhắc lại, sau cuộc đảo chánh 1/11/1963, nhiều vị Tướng Lãnh thăng cấp và giữ chức vụ mới. Trong số đó, HĐQNCM cử Trung Tướng Trí Tư Lệnh QĐ1/V1CT đồn trú ở Đà Nẳng, Trung Tướng Khánh Tư Lệnh QĐ2/V2CT đồn trú ở Pleiku, hai vị hoán chuyển chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn. Cũng lúc ấy, tôi là Thiếu Tá, chánh văn phòng Tư Lệnh QĐ3/V3CT. Từ giữa tháng 1/1964, Trung Tướng Khiêm với Trung Tướng Khánh thường liên lạc nhau bằng điện thoại, đôi khi dùng tiếng Pháp. Chiểu ngày 26 hoặc 27/1/1964, Trung Tướng Khiêm bảo tôi lái xe của ông lên phi trường nhưng bên bãi đáp quân sự đón Trung Tướng Khánh. Đừng cho ai biết tin này. Những đêm sau đó, 2 vị cùng ngồi chung xe đi đâu đó, tương tự như trước ngày 1/11/1963 vậy.
Ngày 29/1/1964, sau giờ làm việc chiều về nhà (thuở ấy là việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều), Trung Tướng Khiêm gọi tôi đến tư dinh và cho biết: “Tôi, Trung Tướng Khánh, và Đại Tá Viên, lật đổ nhóm ông Minh ông Đôn, vì các ông này có kế hoạch đưa Việt Nam đến trung lập. Sau giờ này, chú đưa xe truyền tin hành quân của Quân Đoàn về đậu sau nhà chú. Đích thân chú liên lạc với Thiếu Tướng Thiệu và Thiếu Tướng Có, khi liên lạc được rồi phải giữ máy thường trực cho tôi. Công tác này chú phải xong trước 2 giờ sáng. Đúng 3 giờ sáng, chú có mặt tại tại cổng số 1, đón Đại Tá Viên vào nhà Trung Tướng Khánh (bên phải sau khi vào cổng sổ 1) và hướng dẫn Tiểu Đoàn Dù bố trí chung quanh tòa nhà chánh. Phần an ninh trại Trần Hưng Đạo, chú với Trung Tá Luông lo như lần trước. Chú còn gì cần hỏi thêm không?” Tôi không có gì phải hỏi. Cuối cùng, ông bảo tôi chỉnh lại đồng hồ theo đồng hồ của ông. Và rồi Chỉnh Lý (tôi vẫn gọi đảo chánh) thành công.
Khoảng 12 giờ trưa 30/1/1964, Sau một lúc thảo luận với viên chức Hoa Kỳ đã có mặt từ sớm, Trung Tướng Khánh mời Trung Tướng Khiêm và Đại Tá Viên vào bàn họp. Một số sĩ quan quan tâm hay hiếu kỳ, đang đứng lóng ngóng trong nhà để theo dõi tin tức, được mời ra sân, đang có khá đông sĩ quan các quân binh chủng và một số phóng viên báo chí. Lúc bấy giờ trong nhà Trung Tướng Khánh, ngoài 3 vị tại bàn họp, chỉ còn người Việt Nam có vẻ là thân tín của Trung Tướng Khánh, một viên chức Hoa Kỳ, và tôi. Trung Tướng Khánh lên tiếng trước như là người chủ tọa: “Thôi, mọi việc xong rồi. Bây giờ thì anh Khiêm làm đi”. Trung Tướng Khiêm xoay qua Đại Tá Viên, vừa cười vừa nói: “Phần tôi đến đây là đủ rồi. Tôi không thích chính trị đâu, hay là anh Viên nhận đi”. Đại Tá Viên với nụ cười không hết miệng như lúc nào: “Thôi. Hai anh tính với nhau đi, ai làm cũng được mà. Tôi không thích lao vào chính trị. Phần tôi đến đây là xong. Tôi muốn ở Lữ Đoàn Dù với anh em”. Trung Tướng Khánh cười cười: “Các "toa" không nhận thì "moa" đành nhận thôi”.


Mục tiêu của cuộc chỉnh lý không ngoài mục đích của tướng Khiêm là vô hiệu hóa hết quyền hành các tướng Minh, Đôn, Kim v.v...để trả thù lại sự vô ơn của các tướng đối với tướng Khiêm sau cách mạng 1/11/1963, và luôn thể đưa những người bạn thân nhất nắm chính quyền là tướng Khánh, tướng Thiệu v.v... Do đó ngay khi cuộc Chỉnh Lý thành công, tướng Khiêm không muốn ở vị thế lãnh đạo nên đẩy tướng Khánh ra thay thế tướng Minh, đưa tướng Thiệu nắm chức Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH.

Sau Chỉnh Lý, Trung Tướng Khánh nhận chức Chủ Tịch HĐQNCM hành sử chức năng Quốc Trưởng, Trung Tướng Khiêm nhận chức Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, Thiếu Tướng Thiệu nhận chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân. Lúc ấy danh xưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa có, và danh xưng này đến ngày 1/4/1964 mới sử dụng do văn kiện của Trung Tướng Nguyễn Khánh nhân danh Quốc Trưởng ban hành.

Nhưng khi tam đầu chế Minh, Khánh, Khiêm thành hình thì tướng Khánh ham quyền lực, quên đi người đã gây dựng sự nghiệp cho mình là tướng Khiêm, nên tướng Khánh một mặt củng cố uy quyền, mặt khác loại bỏ những người thân cận của tướng Khiêm. Tiện giả còn nhớ câu của tướng Khánh nói với tướng Khiêm khi tướng Khánh tống tướng Khiêm đi làm Đại Sứ tại Đài Loan như sau: "Anh phải dời VN trong vòng 48 tiếng, nếu không tôi sẽ không bảo đảm tính mạng của anh".

(1) Có tổ chức “tam đầu chế” vì theo các tổ chức chính trị mít tinh biểu tình “cáo giác” Hiến Chương Vũng Tàu là sản phẩm của Trung Tướng Khánh phảng phất tính độc tài. Trung Tướng Khánh đưa ra “sáng kiến” kết hợp Đại Tướng Khiêm (thăng cấp trước ngày ban hành Hiến Chương), Trung Tướng Minh, và Trung Tướng Khánh vào tổ chức này, nhưng quyền hành vẫn trong tay Trung Tướng Khánh. (2) Ngày 13/9/1964, Trung Tướng Dương Văn Đức, Tư Lệnh QĐ4/V4CT cùng Đại Tá Tồn Tư Lênh SĐ7BB, thực hiện cuộc Biểu Dương Lực Lượng cảnh cáo Trung Tướng Khánh. Có lẽ khi hoàn thành công tác cảnh cáo nên viên chức tình báo Hoa Kỳ ra lệnh rút quân về Mỹ Tho và Cần Thơ. Trung Tướng Khánh buộc Đại Tướng Khiêm lưu vong vì ông cho rằng Đại Tướng Khiêm đứng sau lưng những vụ xáo trộn chống đối ông. Trong bữa ăn trưa ngày 30/9/1964 tại tư dinh Đại Tướng Khiêm do Trung Tướng Khánh bắt buộc, chỉ có Đại Tướng Khiêm & phu nhân, và Trung Tướng Khánh. Nhóm an ninh của Đại Tướng Khiêm -có tôi- và nhóm cận vệ của Trung Tướng Khánh gần như ghìm nhau chung quanh bên ngoài. Sau khi Trung Tướng Khánh ra về, tôi hỏi: “Thưa Đại Tướng, điều gì xảy ra mà Trung Tướng Khánh to tiếng vậy Đại Tướng? “Ông Khánh "muốn" (hàm chứa ý nghĩa một mệnh lệnh) tôi phải ra ngoại quốc, nếu không thì tánh mạng tôi khó an toàn”. “Đại Tướng nghĩ sao? “Tôi quyết định đi. Chú lo thủ tục cho tôi và gia đình tôi càng sớm càng tốt. Chú với chú Châu, nếu được thì cùng đi với gia đình tôi”. Tôi thắc mắc: Lúc ấy tác giả đứng đâu mà nghe câu ấy? (3) Đại Tướng Khiêm lưu vong dưới danh nghĩa đi cám ơn các quốc gia Âu Châu đã ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa chống cộng sản chớ không phải đi làm Đại Sứ ở Đài Loan như tác giả viết trong tài liệu. Thật ra, Đại Tướng Khiêm giữ chức Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ, sau đó mới chuyển sang Đài Loan, và từ Đài Loan về nước tham gia chánh phủ.

Mặc dù sau khi tướng Khánh loại được tướng Khiêm, nhưng từ Đài Loan tướng Khiêm vẫn âm thầm tổ chức để lật đổ tướng Khánh, do đó mới có những cuộc binh biến xảy ra liên miên cầm đầu bởi tướng Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát, Đại Tá Tồn, Trang v.v... Tuy nhiên, tướng Khiêm ít nhất vẫn được người bạn trả ơn đàng hoàng là tướng Thiệu, vì ngay khi tướng Thiệu đắc cử Tổng Thống thì tướng Khiêm, đương kim Đại sứ Hoa Kỳ được gọi về giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và sau đó là Thủ Tướng cho đến sát biến cố 4/1975.

(1) Xin lặp lại. Biểu Dương Lực Lượng do Trung Tướng Dương Văn Đức thực hiện dẫn đến trường hợp Đại Tướng Khiêm lưu vong, chớ không phải Đại Tướng Khiêm từ Đài Loan điều khiễn cuộc Biểu Dương Lực Lượng. (2) Cuộc đảo chánh ngày 19/2/1965 do Thiếu Tướng Lâm Văn Phát lãnh đạo để lật đổ Trung Tướng Khánh, nhưng bị Hội Đồng Quân Đội (đã cải danh từ HĐQNCM) buộc rút quân về căn cứ, đồng thời HĐQĐ buộc Trung Tướng Khánh lưu vong với chút an ủi là Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu thăng cấp Đại Tướng cho Trung Tướng Khánh. Xin nói thêm. Trong cuộc điện đàm tối 21/10/2003, có đoạn liên quan. Sau khi ông hỏi tôi những chi tiết trong cuộc đảo chánh này, tôi liền hỏi lại ông: “Thưa anh Tư, xin anh cho biết vụ Thiếu Tướng Phát đảo chánh ngày 19/2/1965, theo lời Trung Tá Lê Hoàng Thao nói thì Trung Tá Phạm Ngọc Thảo từ Hoa Kỳ về tham gia, nếu thành công thì anh Tư về cầm quyền. Điều đó có đúng không?” Cựu Đại Tướng Khiêm trả lời: “Bây giờ chú hỏi Anh mới biết là tại sao lúc đó mấy anh nhà báo của Mỹ nhất là tờ Washington Post theo phỏng vấn Anh về cuộc đảo chánh đó. Anh trả lời là Anh không biết gì hết, và đang chờ tin tức từ Việt Nam. Còn cái vụ ông Thảo về Việt Nam là do ông Khánh (Trung Tướng Khánh) gởi công điện gọi ông Thảo về gấp đó mà không nói lý do. Sau đó Anh mới biết ông Khánh phái người chận bắt ông Thảo đem đi giết, nên người đó giúp ông Thảo chạy trốn. Về sau, bị nhóm nào đó bắt được và giết chết”. Rồi ông nói tiếp: “Chú có biết là tại sao ông Phát đảo chánh ông Khánh bị thất bại, mà ông Khánh lại lưu vong hông? Ông Phát thua thì phải rồi, còn ông Khánh tại sao thua? Hồi ông Khánh qua ở đây với Anh (Đại Tướng Khánh có đến nhà Đại Tướng Khiêm khi ông Khiêm giữ chức Đại Sứ tại Hoa Kỳ), Anh có hỏi ổng: “Tại sao ông Phát thua mà Anh cũng thua nữa? Ông Khánh “cười cười mà không trả lời”. Im lặng một lúc, cựu Đại Tướng Khiêm nói tiếp: “Anh có gặp Thiếu Tướng Phát khi ổng qua Mỹ này, Anh hỏi ổng tại sao ổng đảo chánh hồi năm 1965. Ông Phát trả lời thật ngắn là “Mỹ xúi”. Anh thấy chuyện đời mà buồn! Chú có biết là Anh (tức cựu Đại Tướng Khiêm), ông Khánh, ông Đức (Dương Văn), và ông Phát, bốn đứa Anh cùng học một khoá không? Vậy mà khi lên Tướng lại quay mặt đánh nhau! Chú có thấy chính trị nó làm mất tình cảm giữa anh em bè bạn với nhau không!”

Xuyên qua những sụ kiện trình bày trên, tiện giả chỉ với mục đích duy nhất là đóng góp nhỏ nhoi vào kho tàng lịch sử biến động nhất của 2 nền Cộng Hòa mà tiện giả nghĩ rằng, nhân vật Trần Thiện Khiêm dù muốn dù không đã nắm giữ một vai trò tích cực có tính cách xoay chuyển cục diện của miền Nam v.v...

Tôi không có ý kiến.

Tiện giả cũng nghĩ rằng nếu không có Trần Thiện Khiêm sẽ không có đảo chánh 1/11/1963, không có chỗ cho vai trò của tướng Khánh trên sân khấu chính trị "cải lương" nhất trong giòng lịch sử Việt, và chắc chắn sẽ không có một Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống nền Đệ nhị Cộng Hòa, người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm làm tan rã QĐVNCH trong một thời gian kỷ lục cũng như đau khổ, tủi nhục cho hàng triệu gia đình Việt Nam.

Xin nhớ rằng, theo lời của cựu Đại Tướng Khiêm thì cuộc đảo chánh 1/11/1963 bắt nguồn từ ông S. viên chức tình báo Hoa Kỳ tại VNCH, chớ không phải tự ông tổ chức (mời xem lại trang 2 bên trên). Trong cuộc Chỉnh Lý 30/1/1964, cũng có một viên chức tình báo Hoa Kỳ bên cạnh các vị lãnh đạo Chỉnh Lý.
Đến đây xin hết phần góp ý của Phạm Bá Hoa. Xín cám ơn quí vi hữu và quí độc giả.
Ngày 11 tháng 11 năm 2009


**********


Phụ bản B
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa


*****

Là một quân nhân dù trên cổ không còn mang “tấm thẻ bài” ghi tên Phạm Bá Hoa, loại máu O, nhưng vẫn còn nhớ số quân 50A/400.005, tôi xin góp phần ôn lại chuyện hôm qua về quân đội mà tôi đã phục vụ 20 năm 11 tháng 18 ngày.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có sức mạnh của một lịch sử hào hùng, với dũng khí của một dân tộc vẻ vang, xông pha trận mạc bằng lý tưởng tự do dân chủ, trong mục đích phục vụ nguyện vọng toàn dân, bao gồm các quyền tự do căn bản và quyền mưu tìm hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, và quê hương Việt Nam sẽ trở nên hùng mạnh.

Nhưng, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị “bức tử” từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Bài này góp phần “ôn lại chuyện hôm qua”. Ôn lại chuyện hôm qua, không phải để hoài niệm hay luyến tiếc bất cứ điều gì, mà để xác định đúng một chế độ phục vụ nguyện vọng người dân, để khẳng định một lập trường chính trị, để góp phần ung đúc ý chí dấn thân trong công cuộc dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam.

1950-1954: Giai đoạn hình thành

Trong cuộc chiến tranh giữa quân Pháp thực dân với Việt Minh cộng sản (1946-1954), Quốc Hội Pháp thông qua đạo luật vào tháng 5 năm 1950, thành lập quân đội Việt Nam với 60.000 quân, với danh xưng “Quân Đội Quốc Gia Việt Nam” trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp Nhưng đến ngày 01/05/1952, văn kiện thành lập Bộ Tổng Tham Mưu mới chánh thức ban hành do Quốc Trưởng Bảo Đại ký, và vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh. Bản doanh Bộ Tổng Tham Mưu tọa lạc trên đại lộ Trần Hưng Đạo, Quận 5 Sài Gòn.

Trước khi thành lập Bộ Tổng Tham Mưu, đã có một số đơn vị được thành lập, tuy là đơn vị Việt Nam nhưng do sĩ quan Pháp chỉ huy:

“Trường Sĩ Quan Việt Nam” tại Huế 1948, sau 2 khóa đào tạo sĩ quan đã chuyển lên Đà Lạt tiếp nhận Trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp, và đổi tên là "Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt". Đầu những năm 1960, trường này cải tổ chương trình huấn luyện với thời gian đào tạo sĩ quan hiện dịch lên đến 4 năm, và đổi tên là “Trường Võ Bị Quốc Gia”.
“Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức” và “Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định”, văn kiện thành lập từ ngày 24/12/1950, nhưng đến những tháng cuối năm 1951 mới bắt đầu khai giảng khóa đầu tiên. Trường Nam Định chỉ đào tạo khóa duy nhất rồi đóng cửa.
Trong năm 1951, các đơn vị đầu tiên và thấp nhất được thành lập, là: Thiết Giáp. Truyền Tin. Quân Vận. Nhẩy Dù. Công Binh. Pháo Binh.
Trong khi trên chiến trường, hoạt động quân sự của Việt Minh cộng sản, với sự yểm trợ tối đa của Trung Hoa cộng sản, làm cho bộ tư lệnh viễn chinh Pháp ngày càng bối rối bởi những trận đánh với cấp bộ đại đoàn, một loại đơn vị chiến thuật trên cấp trung đoàn nhưng dưới cấp sư đoàn. Một căn cứ kiên cố bậc nhất của Pháp tại chiến trường Đông Dương với gần 13.000 quân trú phòng, được xây dựng trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ, gần biên giới Lào. Mục tiêu là nhử các đơn vị lớn của Việt Minh cộng sản đến để Pháp dùng hỏa lực pháo binh và không quân tiêu diệt. Nhưng, sau 3 tháng đánh nhau dữ dội với những tổn thất nặng nề cho cả hai bên, ngày 07/05/1954, quân trú phòng Pháp đầu hàng. Sự kiện này đã dẫn đến Hiệp Định đình chiến ngày 20/07/1954 tại Genève, Thụy Sĩ, chia Việt Nam thành hai quốc gia: Từ vĩ tuyến 17 trở lên phía bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do cộng sản cai trị, từ vĩ tuyến 17 trở xuống phía nam, là nước Quốc Gia Việt Nam theo chế độ tự do.
Hiệp định đó không có chữ ký của Việt Nam và Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, dưới Quốc Trưởng Bảo Đại có chánh phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Biết bao vấn đề khó khăn khi đất nước chỉ còn lại từ vĩ tuyến 17 trở xuống, trong đó công tác định cư cho gần 1.000.000 đồng bào miền Bắc thoát khỏi chế độ cộng sản vào Nam tìm tự do, là một trong những mục tiêu lớn của chánh phủ mới nhận trách nhiệm ngày 07/07/1954, vỏn vẹn chỉ hai tuần lễ trước đó.

Vào cuối giai đoạn này, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam có:

Lục Quân:
Bộ Tổng Tham Mưu và một số cơ quan phòng sở trực thuộc.
Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, đào tạo sĩ quan hiện dịch.
Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Trường Hạ Sĩ Quan tại các Quân Khu.
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, đào tạo chiến binh.
67 Tiểu Đoàn Bộ Binh.
5 Tiểu Đoàn Pháo Binh.
Liên Đoàn Nhẩy Dù với 5 Tiểu Đoàn.
Trung Đoàn Thiết Giáp.
6 Đại Đội Truyền Tin.
6 Đại Đội Công Binh.
6 Đại Đội Quân Vận.

Không Quân:
2 Phi Đoàn Quan Sát Trợ Chiến, trang bị phi cơ Morane.
Trước cuối năm 1954, nhận thêm 39 phi cơ quan sát và phi cơ vận tải do Mỹ viện trợ ngang qua trung gian của Pháp.

Hải Quân:
3 Hải Đoàn Xung Phong, trang bị loại giang đỉnh LCM và LCVP.
3 Liên Đoàn Tuần Giang.
Và một lực lượng com-măng-đô. Tuy không thuộc Hải Quân, nhưng khi chuyển vào Nam thì sáp nhập vào một tổ chức có tên là "Hải Quân Bộ Binh". Binh chủng này là tiền thân của "Thủy Quân Lục Chiến" thành lập tháng 05/1955.

1955-1967, giai đoạn phát triển lần 1.

Ngày 23/10/1955, cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế. Ngày 26/10/1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố "Việt Nam là một nước Cộng Hòa", gọi ngắn gọn là "Việt Nam Cộng Hòa" và ông trở thành Tổng Thống từ ngày đó. Từ ngày 26/10/1955, tiêu đề trên công văn quân sự ghi là "Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa".

Để kịp thời chống lại nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do họ cài lại hằng chục ngàn đảng viên cộng sản trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa khi họ chuyển từ Nam ra Bắc. Hiệp Định Đình Chiến có điều khoản qui định, lực lượng của cộng sản tại miền Nam tập trung lại rồi chuyển ra miền Bắc (Hiệp Định qui định, cộng sản miền Bắc chuyển lực luợng trong Nam ra Bắc). Một kế hoạch tái tổ chức toàn bộ quân đội được thực hiện ngay trong năm 1955. Lúc ấy, tổ chức đơn vị cao nhất chỉ là cấp Tiểu Đoàn, được tổ chức thành Trung, Sư Đoàn, và Quân Đoàn, với dụng cụ chiến tranh do Hoa Kỳ viện trợ.
Đầu năm 1956, toàn bộ quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam. Bản doanh Bộ Tổng Tham Mưu, từ Quận 5 chuyển đến địa điểm mới gần phi trường Tân Sơn Nhất thuộc Quận Phú Nhuận (tỉnh Gia Định), trước đó là bản doanh của Bộ Tư Lệnh Viễn Chinh Pháp. Doanh trại này rất khang trang, bề thế, có tên là “Trại Trần Hưng Đạo”, tọa lạc trên đường Võ Tánh nối dài.
Cuộc cải tổ bước đầu hoàn tất, với 4 Sư Đoàn Dã Chiến (1, 2, 3, 4) và 6 Sư Đoàn Khinh Chiến (11,12, 13, 14, 15, 16). Sự khác biệt giữa hai loại Sư Đoàn này là vấn đề trang bị. Sư Đoàn Khinh Chiến với quân số khoảng 6.500 và trang bị nhẹ, trong khi Sư Đoàn Dã Chiến với quân số khoảng 10.000 và trang bị nặng.
Cuộc cải tổ sang bước thứ hai. 10 Sư Đoàn đó tổ chức lại thành 7 Sư Đoàn Bộ Binh (1, 2, 5, 7, 21, 22, 23) Loại Sư Đoàn này thống nhất về tổ chức lẫn trang bị, với quân số mỗi Sư Đoàn khoảng 10.500 quân, có đủ các đơn vị binh chủng yểm trợ trực thuộc: Quân Vận, Quân Nhu, Quân Cụ, Quân Y, Cộng Binh, Truyền Tin, Pháo Binh, Thiết Giáp. Lần lượt theo thời gian, thành lập thêm 3 Sư Đoàn Bộ Binh (9, 25, 18) và phát triển Lữ Đoàn Nhẩy Dù với Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lên cấp Sư Đoàn.

Trong giai đoạn này, nhiều cuộc đảo chánh quân sự xảy ra đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự của quân đội, và trong một mức độ nào đó, đã ảnh hưởng đến sự phân hóa ở cấp lãnh đạo cao nhất. Tháng 4 năm 1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh (cầm quyền sau cuộc đảo chánh ngày 30/1/1964), đã hệ thống hóa tổ chức quân đội với danh xưng “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” bao gồm: Hải Quân, Lục Quân, Không Quân, và Địa Phương Quân Nghĩa Quân.
Do lời kêu gọi của Trung Tướng Nguyễn Khánh, các quốc gia Đồng Minh gồm Hoa Kỳ, Đại Hàn (S. Korea), Thái Lan, Australia, New Zealand, Phi Luật Tân, đưa quân đến giúp Việt Nam chống cộng sản. Quân đội đông nhất là Hoa Kỳ với hơn 500.000 quân.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào cuối giai đoạn 1955-1967, như sau:
Bộ Tổng Tham Mưu với các cơ quan phòng sở trực thuộc.

Lục Quân:
4 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn (I, II, III, IV) với các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
10 Sư Đoàn Bộ Binh (1, 2, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 23, 25).
Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (tổng trừ bị).
Sư Đoàn Nhẩy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù là đơn vị tổng trừ bị.
Lực Lượng Đặc Biệt.
Lực lượng Biệt Động Quân.
Nha Kỹ Thuật (đơn vị đặc biệt).
4 Trung Đoàn Thiết Kỵ (không kể các Thiết Đoàn trong tổ chức Sư Đoàn Bộ Binh).
11 Tiểu Đoàn Pháo Binh 155 ly và 1 Tiểu Đoàn 155 ly (không kể các Tiểu Đoàn Pháo Binh trong tổ chức Sư Đoàn).
Tổng Cục Tiếp Vận với 8 ngành chuyên môn Quân Y, Quân Nhu, Quân Cụ, Quân Vận, Quân Tiếp Vụ, Mãi Dịch, Công Binh, Truyền Tin, và 5 Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận địa phương.
Tổng Cục Quân Huấn với các quân trường đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, đào tạo chuyên viên cho các binh chủng binh sở, và các trung tâm huấn luyện đào tạo chiến binh.
44 Tiểu Khu với lực lượng Địa Phương Quân Nghĩa Quân, và Pháo Binh diện địa và Quân Y diện địa.

Không Quân:
Bộ Tư Lệnh Không Quân với các cơ quan trực thuộc.
Không Đoàn 41 tại Đà Nẳng.
Không Đoàn 62 tại Plei Ku.
Không Đoàn 23 tại Biên Hòa.
Không Đoàn 33 tại Tân Sơn Nhất.
Không Đoàn 74 tại Cần Thơ.
Không Đoàn Tân Trang & Chế Tạo.

Hải Quân:
Bộ Tư Lệnh Hải Quân với các cơ quan trực thuộc.
Lực Lượng Giang Lực và Hải Lực, được trang bị 64 chiến hạn và 303 chiến đỉnh.
Các Bộ Tư Lệnh Hải Lực, Giang Lực cấp Vùng.
Hải Quân Công Xưởng.

1968-1975, giai đoạn phát triển cao điểm.

Sau cuộc tổng tấn công của quân cộng sản vào hầu hết các tỉnh lỵ trên toàn quốc đầu năm 1968 nhân Tết Nguyên Đán Mậu Thân, Hoa Kỳ cung cấp một số loại vũ khí mới cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, như: Súng trường M16, súng đại liên M60, súng phóng lựu M79, súng chống chiến xa M72, … Lúc ấy gọi là “tối tân hóa quân dụng”. Thành lập thên Sư Đoàn 3 Bộ Binh.
Do thỏa Ước Chấm Dứt Chiến Tranh và Lập Lại Hòa Bình, ký ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris, toàn bộ quân đội Đồng Minh rút khỏi Việt Nam Cộng Hòa. Quân đội Hoa Kỳ để lại hầu hết vũ khí giúp quân lực Việt Nam Cộng Hòa gia tăng quân số, khả dĩ lấp vào khoảng trống do quân đội Đồng Minh rút về nước. Lúc ấy gọi là “Việt Nam Hóa Chiến Tranh”.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào đầu năm 1975, với quân số gần 1.100.000 người trong hệ thống tổ chức như sau:

Cơ quan trung ương.
Bộ Tổng Tham Mưu với đầy đủ các cơ quan, binh chủng, binh sở trong hệ thống quản trị hành chánh, nhân viên, huấn luyện, chiến tranh chính trị, tiếp vận. Riêng ngành Tiếp Vận có khả năng sửa chữa và tân trang toàn bộ quân dụng chung, do Lục Quân Công Xưởng, các Căn Cứ Quân Nhu, Công Binh, Đạn Dược, Truyền Tin, Tồn Trữ Sửa Chữa Dù, và các Trung Tâm Bảo Toàn quân dụng trách nhiệm. Quân dụng chung, là những loại quân dụng trang bị cho Lục Quân nhưng Hải Quân và Không Quân có sử dụng.

Về huấn luyện.
Trường Cao Đẳng Quốc Phòng trực thuộc Bộ Quốc Phòng, đào tạo sĩ quan, tướng lãnh, và viên chức hành chánh, có kiến thức lãnh đạo các ngày sinh hoạt quốc gia. Trong quân đội, một hệ thống trường quân sự, gồm:
Trường Chỉ Huy Tham Mưu, đào tạo cấp chỉ huy Quân Đoàn, Sư Đoàn, Trung Đoàn, và sĩ quan tham mưu các cấp.
Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, với chương trình 4 năm, đào tạo sĩ quan hiện dịch có kiến thức căn bản trong các ngành sinh hoạt quốc gia.
Trường Bộ Binh Thủ Đức (về sau là Long Thành), đào tạo sĩ quan trừ bị, có kiến thức căn bản bộ binh, và đào tạo chỉ huy cấp Đại Đội, cấp Tiểu Đoàn.
Trường Hải Quân và Trường Không Quân, đào tạo sĩ quan và chuyên viên cho quân chủng.
Trường Chỉ Huy Tham Mưu trung cấp Không Quân, đào tạo sĩ quan tham mưu cho quân chủng.
Trường Đồng Đế, đào tạo hạ sĩ quan. Từ năm 1968, trợ giúp Trường Thủ Đức, đào tạo sĩ quan trừ bị cho nhu cầu phát triển quân đội do lệnh tổng động viên.
Trường Tiếp Vận, Trường Quân Y, Quân Cụ, Quân Nhu, Quân Vận, Truyền Tin, Công Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp, Biệt Động Quân, Hành Cháh Tài Chánh, đào tạo các sĩ quan chuyên môn cho binh chủng binh sở liên hệ.
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, đào tạo chiến binh.
Các Trung Tâm Huấn Luyện cấp Quân Khu, đào tạo chiến binh, và tái huấn luyện cấp đơn vị.
Trung Tâm Huấn Luyện Nhẩy Dù, và Trung Tâm Huấn Luyện Thủy Quân Lục Chiến (Đồng Ba Thìn), đào tạo chuyên môn cho binh chung.

Về quản trị.
Trung Tâm Điện Toán Bộ Quốc Phòng, với dàn máy IBM 360/40, quản trị toàn bộ tài chánh, nhất là ngân sách quốc phòng.
Trung Tâm Điện Toán Nhân Viên/ Bộ Tổng Tham Mưu, với dàn máy IBM 360/40, quản trị toàn bộ quân nhân.
Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận/Tổng Cục Tiếp Vận, với dàn máy IBM 360/50, quản trị toàn bộ quân dụng chung.
Trung Tâm Điện Toán Không Quân, quản trị toàn bộ quân dụng của quân chủng, ngoại trừ quân dụng chung.
Trung Tâm Điện Toán Hải Quân, quản trị toàn bộ quân dụng của quân chủng, ngoại trừ quân dụng chung.

Về trang bị tổng quát.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được trang bị:

Hơn 2.000.000 khẩu súng cầm tay.
1.200 xe chạy xích, kể cả chiến xa M48.
Hơn 1.000 khẩu đại bác, từ 105 ly, 155 ly, đến 175 ly nòng dài cơ động.
Hơn 40.000 xe chạy bánh.
1.600 chiến hạm chiến đỉnh.
Hơn 2.000 phi cơ các loại, từ cánh quạt, trực thăng, đến phản lực.

Về tổ chức:

Bộ Tổng Tham Mưu với các cơ quan trực thuộc, kể cả hệ thống quân trường.

Lục Quân. Quân số chủ lực quân là 450.367 người, và tổ chức tổng quát như sau:

4 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn và các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
11 Sư Đoàn Bộ Binh (SĐ 1, 2, 3, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 23, và SĐ25BB).
1 Sư Đoàn Nhẩy Dù.
1 Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
1 Liên Đoàn Biệt Cách Dù.
Hơn 20 Liên Đoàn Biệt Động Quân.
4 Lữ Đoàn Kỵ Binh Thiết Giáp biệt lập (Không kể trong mỗi Sư Đoàn Bộ Binh có 1 Thiết Đoàn Kỵ Binh).
Lực Lượng Lôi Hổ và Biệt Hải.

Các đơn vị Pháo Binh biệt lập trang bị đại bác 105 lý, 155 ly, 175 ly, và súng phòng không. (Không kể trong tổ chức mỗi Sư Đoàn có 3 Tiểu Đoàn 105 ly và 1 Tiểu Đoàn 155 ly)

Tổng Cục Tiếp Vận: (1) Các Cục Quân Cụ, Quân Nhu, Quân Y, Quân Vận, Quân Tiếp Vụ, Truyền Tin, Mãi Dịch. (2) Các đơn vị chuyên môn: Trường Tiếp Vận, Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận, Trung Tâm Tiếp Liệu Lục Quân, Căn Cứ Chuyển Vận. (3) Các Căn Cứ Tồn Trữ & Bảo Trì: Căn Cứ Truyền Tin, Căn Cứ Công Binh, Căn Cứ Đạn Dược, Căn Cứ Nhiên Liệu, Căn Cứ Thực Phẩm & Quân Trang. (4) Tôn trữ & Tân Trang: Tổng Kho Long Bình, Lục Quân Công Xưởng.

Quân số Địa Phương Quân & Nghĩa Quân là 533.000 người.

Vào những ngày cuối tháng 04/1975, Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân được thành lập gấp rút để phòng thủ Phú Lâm, cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn từ hướng tây nam.

Không Quân. Quân số hơn 61.453 và tổ chức tổng quát như sau:

Bộ Tư Lệnh với các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
5 Sư Đoàn tác chiến.
1 Sư Đoàn vận tải.
1 Không Đoàn Tân Trang Chế Tạo.

Chỉ trong năm 1973, tiếp nhận hơn 900 phi cơ, gồm: 560 trực thăng, 230 khu trục, 100 vận tải, và các loại khác. Trong tổ chức 6 Sư đoàn không quân, có số lượng các phi đoàn như sau: 20 phi đoàn khu trục, trang bị khoảng 550 phi cơ. 23 phi đoàn trực thăng, trang bị khoảng 1000 phi cơ. 8 phi đoàn quan sát, trang bị khoảng 200 phi cơ. 9 phi đoàn vận tải, trang bị khoảng 150 phi cơ. Và 4 phi đoàn hỏa long, trang bị phi cơ AC119 nhưng không rõ số lượng. Ngoài ra còn có các Phi Đoàn đặc biệt.

Hải Quân. Quân số hơn 40.931 và tổ chức tổng quát như sau:

Bộ Tư Lệnh và các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
Giang Lực với 14 Giang Đoàn, trang bị chiến đỉnh các loại.
Hải Lực với 1 Hạm Đội, trang bị tuần dương hạm, hộ tống hạm, khu trục hạm, trợ chiến hạm, giang pháo hạm, tuần duyên hạm, dương vận
hạm, hải vận hạm, và giang vận hạm.

Liên Đoàn Người Nhái.
Hải Quân Công Xưởng.

******

Phụ bản C
Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa


*****

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa thi hành bổn phận công dân, từ vĩ tuyến 17 xuống tận Mũi Cà Mau, từ duyên hải quanh năm sóng vỗ đến rừng già heo hút đội sương, từ Cao Nguyên rậm rạp xuống đồng bằng sông rạch Cửu Long, mời quí bạn lần theo dấu chân để đến, và nhận ra Chân Dung Những Người Lính ấy, sau khi có khái niệm về Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Hơn 20 năm chiến đấu dũng cảm chống lại cuộc xâm lăng của nước cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tạo nhiều chiến tích vẻ vang. Có thể nhận định mà không sợ sai lầm rằng, thế giới chỉ biết thành tích của chúng ta qua hai trận chiến điển hình, là cuộc phản công toàn diện trong cuộc “tổng công kích” của quân cộng sản hồi Tết Mậu Thân đầu năm 1968, và cuộc phản công đánh bại 3 trục tấn công do lãnh đạo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ Hà Nội, xua quân chính qui vượt vĩ tuyến 17 trực diện tấn công Việt Nam Cộng Hòa vào mùa hè 1972, thường gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa”. Chớ họ không thể hiểu được những chiến thắng với biết bao trận chiến đơn lẻ xảy ra hằng ngày hằng đêm, đánh nhau từng người, từng tổ, từng tiểu đội, trung đội, của Bộ Binh, của Địa Phương Quân Nghĩa Quân, trong nội địa lãnh thổ, những chiến thắng của "lực lượng Dân Sự Chiến Đấu", của "Lực Lượng Đặc Biệt", của những "Toán Lôi Hổ", của "Liên Đoàn Biệt Cách Dù", ..v..v.. trong những cánh rừng già hoang dã dọc biên giới Việt Nam-Cam Bốt. Nơi mà quân chính qui cộng sản từ miền bắc, theo hành lang biên giới mà chúng gọi là "đường Trường Sơn", xâm nhập lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Họ cũng không thể hiểu chiều sâu những trận chiến thầm lặng với sắc thái du kích mà Người Lính Việt Nam Cộng Hòa phải đối phó. Phải rình mò tìm địch mà đánh. Bất ngờ gặp nhau là đánh. Đánh nhau bất luận bao nhiêu tay súng, bất kể ngày đêm, bất cứ nơi nào. Chiến trường không chỉ là trận tuyến trong chiến tranh qui ước, mà chiến trường diễn ra ngay trong nhà, ngoài ngõ, chiến trường là bụi chuối trong vườn, là đám bắp trong rẫy, là ruộng lúa đồng sâu. Chiến trường cũng là góc núi, bụi cây, là rừng rậm cao nguyên, là bãi lầy đất Mũi (Cà Mau), là "biển cạn" Tháp Mười. Từng góc phố, căn nhà, từng con đường trong thành phố, từng bến đậu phi cơ hay nơi tàu cặp bến, đâu đâu cũng là chiến trường của quân cộng sản trong mục đích xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa.
Nói chung là người ngoại quốc, cho dù là những phóng viên hay những nhà lãnh đạo chính trị, họ không thể nào hiểu được những chiến thuật trên chiến trường Việt Nam và cách vận dụng chiến thuật đó của "Người Lính Việt Nam Cộng Hòa", trong khi 500.000 quân Đồng Minh rất khó thích ứng với cuộc chiến mà bản chất của nó là "chiến tranh tổng thể" trên chiến trường Việt Nam chúng ta, bởi họ không thấu đáo nền văn hoá Việt Nam nên chưa hiểu được Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.
Vậy, “Người Lính Việt Nam Cộng Hòa là ai?”
“Họ”, là những nông dân chất phác hiền hòa, là những ngư dân miền duyên hải quanh năm sóng vỗ, là những công nhân nơi thành phố, là những học sinh tốt nghiệp trung học, là những sinh viên hay đã tốt nghiệp đại học, là những viên chức cán bộ đam mê đời sống quân ngũ, là những người chuyên môn trong các ngành nghề tự do. “Họ”, theo tiếng gọi quốc gia, tình nguyện vào các trường quân sự. "Họ", tuân lệnh chánh phủ, trình diện các trường quân sự. "Họ", là quân nhân hiện dịch, là quân nhân trừ bị, là quân nhân đồng hoá, là những nữ quân nhân. "Họ", là những chuyên viên, những chiến binh, những hạ sĩ quan, sĩ quan, tướng lãnh. "Họ" có mặt trong các quân chủng, binh chủng, binh sở, các cơ quan tham mưu, quân trường. Khi tổ quốc lâm nguy, "Họ" phụng sự tổ quốc, phục vụ dân tộc. Tất cả được gọi một cách thân thương trìu mến là "Người Lính Việt Nam Cộng Hòa", những người lính trong một hệ thống tổ chức chặt chẻ, kỷ luật nghiêm minh là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa: Là Người Lính Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, ngày đêm quanh năm suốt tháng hơn 20 năm ròng rã, âm thầm, lặng lẽ, trấn giữ hệ thống giao thông và bảo vệ hạ tầng cơ sở. Là Người Lính Lực Lượng Đặc Biệt, Biệt Cách Dù, lặn lội vùng biên giới hoang vu để ngăn chận quân thù. Là lực lượng Giang Lực, canh giữ trên khắp miền sông rạch. Là Người Lính Không Quân, từ trên không đánh xuống. Là Người Lính Nhẩy Dù, từ trên không xuống đánh. Là Người Lính Hải Quân, từ ngoài biển đánh vào. Là Người Lính Thủy Quân Lục Chiến, từ ngoài biển vào đánh. Là Người Lính Bộ Binh, Người Lính Biệt Động Quân, đánh địch ngay trên bờ nam Bến Hải trong tầm đạn quân thù. Đánh địch dọc biên giới Tây Nguyên núi rừng rậm rạp. Đánh địch trên chót Mũi Cà Mau quanh năm ngập nước, trên biển cạn Tháp Mười, trong Rừng Sát sình lầy gai gốc, giữa đồng bằng trù phú Cửu Long. Đánh địch để giành lại từng góc phố của thủ đô, từng ngôi nhà giữa cố đô cổ kính, từng bờ tường của cổ thành Quảng Trị. "Họ" miệt mài với chiến trận, và mệt nhoài sau chiến trận. "Họ" đã đánh địch đến giây phút cuối cùng! Và "Họ", xứng danh là "Người Lính Việt Nam Cộng Hòa".
Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, đã anh dũng hi sinh nhưng không được yên bình vĩnh cữu trong các nghĩa trang mà tổ quốc ghi công, vì quân cộng sản đào mồ cuốc mả. Là những chiến sĩ đã để lại một phần thân thể góp phần gìn giữ giang sơn, nhưng bị kẻ thù nhục mạ đọa đày. Là những quân nhân có vầng trán nhăn nheo với mái tóc già nua trước tuổi. Là những người tù chính trị bị cộng sản lưu đày trong các trại tập trung nghiệt ngã trên khắp miền quê hương đất nước, gánh phân người làm phân bón rau xanh, khiêng nước tiểu tưới lên hoa màu, nhưng "Họ" chỉ được ăn những cọng rau do phân và nước tiểu của "Họ" mà vươn lên. Để rồi nhiều người trong số "Họ", đã chết trong đau thương, đói khổ, nhọc nhằn!

Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, khi rời đất nước lưu vong với hai bàn tay trắng, chỉ còn lại tình thương của vợ của con, của đồng hương đồng đội, che chở cho nhau nơi xứ người xa lạ.

Đó, là "chân dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa", mà người phương Tây chưa thể nào nhận ra được. Bởi, họ chưa hiểu được chiều sâu của lịch sử và văn hoá Việt Nam, họ chưa hiểu được chiều sâu tính chất tráo trở lật lọng với bản chất độc tài tàn bạo của cộng sản Việt Nam, họ cũng chưa hiểu được chiều sâu của cuộc chiến tranh tự vệ về phía chúng ta. Do vậy mà người phương Tây chưa thể đánh giá được chiều sâu của cuộc chiến trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Một cuộc chiến mà trong đó, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xua quân vượt biên giới xâm lăng nước Việt Nam Cộng Hòa. Không thể nói khác được, dù cùng chủng tộc, nhưng hai quốc gia đều được thế giới công nhận với những tòa đại sứ thiết lập trên lãnh thổ mỗi quốc gia. Quân của quốc gia này sang đánh chiếm quốc gia kia, ngoài chữ "xâm lăng" ra, không có chữ nào khác để chỉ hành động đó cả. Những ngôn từ mà cộng sản sử dụng để nói đến cuộc chiến này, đều là những dối trá đánh lừa dư luận quốc nội lẫn quốc tế, ngụy trang mục tiêu chiến lược của họ.
"Người Lính Việt Nam Cộng Hòa", hình thành "Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa". Một quân lực hình thành trong chinh chiến, rèn luyện trong chiến chinh, nhanh chóng trưởng thành trong chiến trận. Và từ trong chiến trận, đã tạo nên những chiến tích vang danh, những anh hùng được toàn dân ngưỡng mộ. Vào giờ thứ 25 của một giai đoạn chiến đấu, vẫn tạo thêm những anh hùng cho lịch sử đương đại của tổ quốc, “thành mất chết theo thành”. Vì vậy:
''Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa rất xứng đáng được vinh danh, dù ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã bị bức tử sau hơn 20 năm dũng cảm chiến đấu tự vệ, nhưng đã thể hiện cao nhất về khả năng và tinh thần chiến đấu nối tiếp dòng lịch sử vẻ vang của tổ quốc, thể hiện vẹn tròn đạo nghĩa và truyền thống bất khuất kiêu hùng của dân tộc Việt Nam”.

********


Phụ bản D
Chân Dung Người Vợ Lính Việt Nam Cộng Hòa


*****
Trong cuộc sống, sự thành công hay thất bại nào cũng có cái giá của nó. Trong chiến tranh cũng vậy, cái giá của những chiến tích lừng danh mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) phải trả, là những đồng đội đã hi sinh, những đồng đội khác đã để lại một phần thân thể trên khắp miền đất nước, và hệ lụy dài lâu là những đứa trẻ vĩnh viễn xa cha, những người vợ vĩnh viễn xa chồng! Người quân nhân hi sinh vì tổ quốc, là sự hi sinh cao cả mà tổ quốc mãi mãi ghi công. Nhưng, hình ảnh người quả phụ, với một nửa tâm hồn, một nửa con tim, một nửa phần hơi thở, theo chồng lên đài tổ quốc ghi công, và những nửa còn lại có trách nhiệm trang bị cho các con một hành trang vào đời, phải được thừa nhận là sự hi sinh không kém phần cao cả như người chồng dũng cảm nơi chiến trường, rất xứng đáng được kính trọng.
Cũng trong chiến tranh, chồng ở chiến trường, vợ ở nhà quán xuyến công việc gia đình mà công việc gia đình nhiều đến nỗi có những việc chưa kịp đặt tên, nhưng tất cả đều là việc. Chăm sóc các con, chăm sóc tình thân gia đình quyến thuộc, chăm sóc tình bạn bè bằng hữu. Để rồi, những giờ phút yên tỉnh về đêm khi các con chìm trong giấc ngủ, mơ màng nghĩ đến chồng nơi chốn xa xôi, hay đang trong chiến trường khốc liệt, với bao khắc khoải lo âu, sầu muộn!
Rồi chiến tranh chấm dứt trong nỗi nghẹn ngào uất hận, bởi đây là cuộc chiến mà cuối cùng “bị chấm dứt để thua trận”! Sau lời tuyên bố của vị Tổng Thống cuối cùng, hàng trăm ngàn đồng bào, quân nhân, viên chức, cán bộ, bỏ của chạy lấy người, tị nạn trên đất Mỹ. Với những thành phần tương tự như vậy gồm 222.809 người, lũ lượt bị lừa vào 200 trại tù trên khắp miền đất nước. Người 5 năm, 10 năm, 15 năm, thậm chí 17 năm ròng rã, do lòng thù hận tột cùng của nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Hằng trăm ngàn gia đình di tản ra ngoại quốc, cũng như hằng chục triệu gia đình còn lại trên quê hương, tất cả đều hụt hẫng. Hụt hẫng vì cuộc sống trên đất người với biết bao xa lạ trong một xã hội kỹ nghệ mà bước đầu chưa thể hội nhập. Hụt hẫng vì phút chốc, từ chế độ tự do bị đẩy vào chế độ độc tài trên toàn cõi nước Việt Nam!
Cảnh đời thứ nhất. Trong cuộc đời tị nạn, vợ chồng con cháu có cơ hội bên nhau, cùng chia xẻ khổ đau, cùng gánh vác nhọc nhằn, cùng nhận chung nỗi nhục! Nỗi nhục phải rời khỏi quê hương trong thân phận lưu vong! Với những bà vợ chúng ta, vốn sinh ra và trưởng thành trong xã hội nông nghiệp, nay phải cùng chồng từng bước hội nhập vào xã hội kỹ nghệ nơi định cư, đã phải đêm đêm đếm bước từ bến xe công cộng về nhà trong màn tuyết lạnh sau những giờ nhọc nhằn nơi hãng xưởng. Lạnh đến nỗi không biết giọt nước lăn trên má là nước mắt, hay mảnh tuyết vừa tan!
Cảnh đời thứ hai. Trong xã hội mà kẻ thắng trận đầy lòng thù hận, thì gia đình ly tán, sự sống bị bóp nghẹt đến tận cùng của khổ đau, của nước mắt bởi chính sách bịt mắt bịt tai bịt miệng! Cái chế độ mà những người lãnh đạo luôn miệng huênh hoang là "dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư bản", lại bắt mọi người phải sống trong nỗi sợ hãi triền miên với những đôi mắt rình rập quanh năm suốt tháng!
Cảnh đời thứ ba. Riêng với những bà vợ ở lại mà chồng đã vào tù, còn tệ hơn nhiều so với hai cảnh đời nói trên. Hằng ngày phải đối phó với bọn cầm quyền địa phương, cái bọn mà đầu óc toàn đất sét và rác rưởi, chỉ biết đàn áp để cướp đoạt. Đồng thời phải chăm lo cuộc sống các con từng ngày, lo nuôi chồng từng tháng!
Và những bà vợ chúng ta, hải ngoại hay trong nước, thật sự là Những Người Đàn Bà Việt Nam rất can đảm khi phải chịu đựng và vượt qua nỗi đau nỗi nhục đó! Đau đến nỗi không còn nước mắt để khóc, nhục đến nỗi chẳng còn lời để than! Nếu đem so sánh giữa hai cảnh đời trong nước với ngoài nước, thử hỏi: "Ai đau hơn ai và ai nhục hơn ai?" Với tôi, không ai đau hơn ai, cũng không ai nhục hơn ai! Vì nỗi đau nào cũng có cái đau riêng của nó, nỗi nhục nào cũng có cái nhục riêng của nó! Xin những ông chồng diểm phúc, hãy nhìn lại đôi nét về hình ảnh Những Bà Vợ Chúng Ta trong cuộc sống khổ đau thầm lặng đó, mà người viết được những bà vợ trong cuộc kể lại:
Một cảnh đau thương. Một bà vợ cùng con cầm giấy phép “gánh gạo” nuôi chồng trên đất Bắc. Ba ngày đi, ba ngày về, 2 tiếng đồng hồ gặp gở! Khi trở về cư xá Bắc Hải, nhà bị niêm phong với dòng chữ "nhà vắng chủ". Đau đớn biết bao! Xót xa biết dường nào! Bỗng dưng nhà bị mất! Bà gục đầu vào cửa! Bà cùng gia đình định cư tại Houston, Texas từ tháng 4 năm 1991.
Một cảnh đau thương khác. Một bà vợ đã bao nhiêu lần bị công an Phường ra lệnh đi khu kinh tế mới, nhưng bà vẫn không đi. Chúng hành hạ bằng cách gọi bà đến văn phòng, bảo ngồi đó từ đầu giờ đến cuối giờ, ngày nào cũng vậy, và ròng rã 6 tháng như vậy. Một hôm, chúng bảo đưa giấy tờ nhà để giải quyết. Khi chụp được hồ sơ, lập tức tên công an ra lệnh trong vòng 24 tiếng đồng hồ bà phải ra khỏi nhà. "Ôi! Còn nỗi đau nào cao hơn nỗi đau này trong cảnh đời thua trận!" Bà xiêu vẹo trên đường về nhà cách đó mấy dãy nhà liên kế cũng trong cư xá Bắc Hải, và gục ngã ngay trước nhà! Bà cùng gia đình định cư vùng bắc California từ năm 1993, nhưng chồng đã qua đời vào năm 2003.
Một cảnh đau thương khác nữa. Một bà vợ có chồng bị giam trên đất Bắc hằng chục năm trời, bỗng dưng mất liên lạc. Bà lặn lội khắp các cơ quan tại Sài Gòn, Hà Nội, tốn kém, mệt nhọc, nhưng hoàn toàn bặt tin. Nỗi buồn đến với bà quá sức chịu đựng của người phụ nữ tuổi 50, mà có lúc bà cảm thấy như mình đang bên bờ vực thẳm, rồi ngã dần xuống...... Bà bị tai biến mạch máu não, nằm bất động một chỗ.
Nhiều tháng sau đó, bất ngờ, người nhà của bà nhận được giấy cho phép bà thăm chồng. Trại tù chỉ cách nhà vỏn vẹn 1 cây số (khám Chí Hòa). Bạn bè khiêng bà đến nhà tù. Cả hai “chồng đứng đó vợ liệt toàn thân”, chỉ biết nhìn nhau, òa khóc...! Khóc cho mình! Khóc cho cuộc đời! Phải chăng, mọi khổ đau trên cõi đời này đang bao quanh hai con người đau khổ đó? Không. Không chỉ có vậy. Mà là tất cả những bà vợ có chồng bị cộng sản giam giữ trong tù, tiêu biểu qua 3 cảnh đời trên đây trong hàng vạn cảnh đời trên đất nước Việt Nam, đều trong nỗi khổ tột cùng đó! Tình trạng bại liệt đó theo Bà cùng chồng định cư tại Houston, nhưng rồi Bà đã từ trần năm 2004!
Sài Gòn-Hà Nội 1.736 cây số, xe lửa tốc hành chạy 72 tiếng đồng hồ, tức 3 ngày 3 đêm. Mỗi người chỉ được mang theo 20 kí lô lên xe lửa, mang nhiều hơn số đó phải hối lộ cho một loạt nhân viên từ cổng vào cho đến nhân viên trên xe lửa. Hành lý ngổn ngang cả trên lối đi giữa toa xe. Ban ngày cũng phải lách từng bước chân vào chỗ trống. Còn ban đêm, thật khó mà tưởng tượng! Hai băng ngồi đối diện, một băng 3 người. Hai băng phía bên kia lối đi, mỗi băng 2 người ngồi. Hai đầu trên của hai băng 6 người, máng được 3 cái võng cho 3 người, 1 người nằm co quắp trên sàn xe đen đúa nhầy nhụa giữa 2 băng đối diện, và 2 người còn lại cũng nằm co quắp trên 2 băng ngồi. Nếu nhìn toàn cảnh của toa xe sẽ thấy, băng ngồi đầy người nằm, những chiếc võng bé xíu che kín trên đầu băng, cả lối đi vốn dĩ đã nhỏ hẹp cũng đầy người nằm chen lẫn trong đống hành lý thật hổn độn. Những bà vợ thăm chồng, mang theo hằng trăm kí lô, biết bao là nhọc nhằn gian khổ! Giả thử, nếu những ông chồng chứng kiến những hành khách nằm cong queo trong cái gọi là chiếc võng kia, hay co quắp giữa những gói quà đầy ấp tình thương trên sàn xe nhớp nhúa đó, là những bà vợ của mình, liệu có cầm được nước mắt không? Nghe nói lại, nghe thuật lại, ông chồng nào cũng đớn đau thương cảm cho tình cảnh những bà vợ quanh năm gánh gạo nuôi chồng! Nhưng không có đớn đau thương cảm nào có thể đem cân bằng nỗi đớn đau thương cảm của những bà vợ trọn tình vẹn nghĩa như vậy được cả!
Tôi hình dung những bà vợ chúng ta qua hình ảnh trên đây mà chính tôi trông thấy khi tôi ra trại tập trung cùng với 90 “bạn đồng tù”, từ Nam Định về Sài Gòn bằng xe lửa đúng 72 tiếng đồng hồ hồi tháng 9 năm 1987.
Trên đây là một cố gắng dựng lại hình ảnh "Những Bà Vợ Chúng Ta", nếu không rõ nét thì ít ra cũng là những nét chính của hình ảnh ấy, qua sự kết nối bốn hợp phần sau đây:
Hai hợp phần trong chiến tranh, là những bà vợ mà chồng đã hy sinh, và những bà vợ mà chồng đang chiến đấu.
Hai hợp phần sau chiến tranh, là những bà vợ cùng chồng con di tản ngoại quốc, và những bà vợ ở lại Việt Nam, vừa nuôi con trong một xã hội đầy hận thù và kỳ thị, vừa nuôi chồng trong những trại tập trung nghiệt ngã!
Những cảnh đời bi thương, những khổ đau sầu muộn, những nước mắt, mồ hôi, được khơi lên từ những góc cạnh li ti trong hằng vạn hằng vạn cảnh đời như vậy, mà Những Bà Vợ Chúng Ta đã chịu đựng trong những năm dài thật dài!
Quyển Chân Trời Dâu Bể của Giao Chỉ, kể chuyện trên đất Mỹ, và quyển Giữa Dòng Nghịch Lũ của Duy Năng, kể chuyện trên quê hương Việt Nam. Hai tác phẩm này trong một mức độ nào đó, có thể xem là tiêu biểu cho rất nhiều tác phẩm dưới dạng chuyện kể thật bình thường, nhưng ôm ấp biết bao xót xa thương cảm cho thân phận người phụ nữ Việt Nam sau ngày thua trận, dù sống trong hai xã hội cách nhau nửa vòng trái đất. Với tác phẩm của Duy Năng, người kể chuyện là bà Hàng Phụng Hà. Bà là một trong số hằng trăm ngàn bà vợ thăm nuôi chồng trong tù. Ở phần kết, bà nói:

"... Các anh trong tù, khổ về vật chất và đau về tinh thần đến vạn lần, điều đó chúng tôi biết. Nhưng, chúng tôi -những bà vợ của các anh- đau khổ gấp ngàn cái vạn lần của các anh nữa, các anh có biết không? Tôi không đề cao một bà vợ nào, mà tôi đề cao tất cả những bà vợ thăm nuôi chồng trong các trại tù cải tạo. Bởi vì: Họ, đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ Miền Nam. Họ, rất xứng đáng được các anh kính trọng. Và Họ, chính là Vợ của các Anh".

Vì vậy mà một số bạn đồng tù chúng tôi trong trại tập trung, đã không quá lời khi nói với nhau rằng: "Ra tù, chúng ta phải cõng vợ chúng ta đi vòng quanh trái đất, để đền bù đôi chút về sức chịu đựng biết bao nhọc nhằn gian khổ đã nuôi các con và nuôi chúng mình.
Bây giờ nhìn lại, trong một ý nghĩa nào đó, những cựu tù nhân chính trị chúng ta, đã cõng vợ đi được nửa vòng trái đất rồi. Đến ngày Việt Nam thật sự tự do dân chủ, chúng ta sẽ cõng vợ trở về quê hương là trọn vòng trái đất như đã tự hứa, phải không quí vị?
Với nét chân dung đó, tôi quả quyết rằng, Những Bà Vợ Chúng Ta rất xứng đáng được vinh danh. Và nếu quí đồng đội và quí vị đồng hương đồng ý với tôi, chúng ta cùng nói to lên rằng:

“Chúng ta cùng vinh danh Những Bà Vợ Chúng Ta là những người đàn bà cao cả, rất xứng đáng được kính trọng. Bởi, trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chế độ độc tài cộng sản, nhưng đã đứng vững trong phẩm giá Người Vợ Miền Nam, cùng lúc, chu toàn thiên chức làm Mẹ, và tròn bổn phận làm Con”.

Vinh danh bằng những tiếng nói ân tình bên tai vợ, trao tặng vợ một bông hồng thật đẹp, hôn vợ những nụ hôn thật dài. Điều đó luôn nhắc nhở người chồng trong cuộc sống thường ngày, phải thể hiện lòng hiểu biết vợ mình nhiều hơn, cảm thông vợ mình nhiều hơn, rồi quàng tay vào lưng vợ mình chặt hơn, để cùng nhau đi suốt chiều dài còn lại trong cuộc sống lứa đôi thật mặn nồng, như chưa bao giờ mặn nồng đến như vậy. Trường hợp vì lý do gì đó mà bạn đang sống một mình, xin bạn hãy gắn bông hồng màu đỏ lên nơi nào mà khi nằm nghỉ bạn đều trông thấy, để trao tặng vợ khi đoàn tụ bên nhau. Hoặc sự trông thấy đó, sẽ giúp bạn có được những giây phút sống lại những năm tháng mặn nồng trong tình yêu vợ chồng thuở chung chăn chung gối, thuở mà hai người dùng chung một tên.
*****

Phụ bản E
Nhận xét của một số độc giả


*****

Nhà văn Giao Chỉ, San Jose: Tôi đọc một đêm hết cuốn sách. Lôi cuốn lắm. Anh nhớ khá nhiều chi tiết và viết rất tự chế mà lẽ ra còn phê bình hơn thế nữa.
Văn Học Giai Phẩm số Xuân 1995, Nam California: Tác giả là một nhân chứng đáng tin cậy của những biến chuyển hậu trường chính trị miền Nam. Bằng trí nhớ, tác giả kể lại những chuyện tai nghe mắt thấy trong đời quân ngũ của mình, và kể một cách dung dị, chân thành, không đề cao mình cũng không bôi nhọ người khác. Đây là một chứng liệu tốt cho những người muốn viết sử Việt Nam.
Thế Kỷ 21 số Xuân 1995, Nam California: Đôi Dòng Ghi Nhớ, văn không luộm thuộm như tác giả tự khiêm. Ông nói thẳng vào sự kiện, không rào đón, không kỹ thuật, cũng không trau chuốt lời văn của mình, nhưng đó chính là văn phong của ông mà tôi nghĩ ông có được là nhờ vài chục năm trong quân đội với những văn thư lời lẽ xuông đuột thẳng tắp như lính so hàng.
Đài phát thanh VOVN/Houston, Texas: Sở dĩ chúng tôi chọn đọc quyển Đôi Dòng Ghi Nhớ trong chương trình Lật Trang Sử Cũ, vì tác giả không hoạt động chính trị mà ông là một quân nhân nhà nghề, Do đó, chúng tôi hy vọng lời thuật của ông sẽ khách quan hơn những cuốn hồi ký đã phát hành tại hải ngoại.
Giai Phẩm Quốc Dân số Xuân 1995, Houston, Texas: Từng giữ nhiều chức vụ chánh văn phòng của nhiều nhân vật cao cấp, tác giả cung cấp khá nhiều chi tiết phía sau sân khấu chính trị miền Nam.
Giáo sư Đàm Quang Hưng, Houston, Texas: Tác giả rất khách quan nên mức độ trung thực đáng được tin cậy. Lời văn nhẹ nhàng như hơi thở. Ông không đề cao mình, cũng không chỉ trích người khác.
Luật sư Ngô Hữu Liễn, Houston, Texas: Sự kiện rất thực và lời văn cũng rất thực. Rất cần thiết với các sử gia.
Cựu Trung Tá Bùi Công Minh, Washington DC: Tác giả rất khiêm nhường. Lời văn trong sáng và chân thực. Tài liệu lịch sử rất quý.
Nhà báo Vương Mai Thảo, Houston, Texas: Tác giả cống hiến rất nhiều dữ kiện cho những nhà viết sử.
Cựu Đại Tá Huỳnh Thanh Sơn, Pasadena, California: Một cuốn sách sống thật với tài liệu lịch sử mà không ai có được.
Cựu Đại Tá Bùi Văn Mạnh, Frankfurt, Đức Quốc: Rất hoan nghênh việc làm của anh. Phải nói thẳng như vậy mới thật sự góp phần làm sáng tỏ khả năng, bản lãnh, và trách nhiệm của những nhân vật lãnh đạo đất nước.
Nhà báo Phạm Hậu, Seattle, tiểu bang Washington: Xem văn biết người. Anh viết rất thành thật, công bằng, và tâm huyết. Anh là người nhớ được nhiều điều quan trọng và là người nhiệt tình với đất nước. Tôi thích nhất là đoạn so sánh giữa 5 vị Tổng Tham Mưu Trưởng, vì rất khách quan.
Nhà báo Yên Mô, San Jose, Bắc California: Tác giả là một trong các sĩ quan đã ở lại làm việc đến giờ phút cuối cùng của tháng 4/1975. Ông có cơ hội làm việc thân cận với các Tướng Lãnh, có khả năng tham mưu và hành chánh, với một trí nhớ rất tốt, và là một sĩ quan tham mưu cao cấp đầy tinh thần trách nhiệm.
Ông Nguyễn Năng Thỏa, Virginia. Tuổi trẻ rất cần những cuốn sách như cuốn Đôi Dòng Ghi Nhớ của ông Phạm Bá Hoa.
Kỹ sư Lê Thành Nhân, Austin, Teaxs. Tôi đọc liên tục từ đầu đến cuối một cách thích thú. Anh kể chuyện như thật với lời văn chân thành và tin tưởng. Cuốn sách có tính cách nhật ký nhưng là một sử liệu vô cùng quí giá.
Giáo sư Ngô Quốc Tượng, Nam California: Anh kể chuyện với tâm hồn trong sáng, với lời lẽ mộc mạc, càng đọc càng thấy giá trị của cuốn sách.
Cựu Đại Tá Nguyễn Hồng Đài, Paris, Pháp quốc (con rể của cựu Tổng Thống Dương Văn Minh): Tôi đã xem nhiều cuốn hồi ký xuất bản tại hải ngoại, và tôi vắn tắt với Anh rằng: Anh là người cầm bút liêm sỉ nhất.
Nhà văn Đặng Trần Huân, Nam California: Tác giả Đôi Dòng Ghi Nhớ khá thành thật. Ông không khoe khoang, không phô trương, khá nhũn nhặn, và dè dặt trong phán xét. Hiếm có một cuốn sách như vậy. Đây là cuốn sách đáng đọc.
Cựu Đốc sự hành chánh Nguyễn Văn Cường, Oklahoma: Cuốn sách xứng đáng được trân trọng trong mỗi gia đình tị nạn. Tôi mua nhiều cuốn tặng bạn bè sau khi xem bài nhận xét của nhà văn Đặng Trần Huân.
Tiến sĩ Lê Duy Cấn, Ottawa, Canada: Tác phẩm Đôi Dòng Ghi Nhớ đã đóng góp đáng kể vào việc làm sáng tỏ một cách trung thực trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố của nước nhà.
Bác sĩ Tôn Thất Sơn, Na Uy: Đọc xong bài hồi ký Rút Quân Trên Đường Số 7, tim tôi muốn chảy máu, mắt tôi mờ đi với chút nước mắt còn sót lại . . .
Nhà văn Diệu Tần, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, San Jose: Đây là chiến sử và là sử liệu quí giá. Cám ơn Anh.
Bác Sĩ Nguyễn Phước Bảo Quý, Australia: Tài liệu có tính cách lịch sử mà tuổi trẻ rất cần.
Dược sĩ Hồ Duy Thiện (không rõ ở đâu) Tôi đọc say sưa và đã đọc lại nhiều để thấu hiểu một số dữ kiện. Đây là tập tài liệu vô cùng quí giá cho những lớp người đi sau như chúng tôi. Khác với lời lẽ rất khiêm nhường, tôi tin rằng tài liệu này còn quí giá hơn những sử liệu hay sách vở xuất bản từ sau ngày 01/11/1963.
*****


Tác giả

*****
Phạm Bá Hoa, sinh năm 1930 tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Nhập ngũ ngày 12 tháng 5 năm 1954 vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, thuộc tài nguyên sĩ quan trừ bị khóa 5. Vì không đủ cơ sở, được gởi lên học Trường Võ Bị Liên Quân/Đà Lạt. Trở về Thủ Đức dự lễ tốt nghiệp khóa Vì Dân cuối tháng 1 năm 1955, với cấp bậc Thiếu Úy.

Lần lượt giữ các chức vụ:
Trung Đội Trưởng/Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân.
Đại Đội Trưởng/Tiểu Đoàn 510 Khinh Quân.
Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2/Trung Đoàn 35/Sư Đoàn 12 Khinh Chiến.
Trưởng Ban 3 Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 35/Sư Đoàn 12 Khinh Chiến.
Trưởng Ban Hành Quân, rồi Phó Phòng 3/Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh.
Chánh Văn Phòng Tham Mưu Trưởng Liên Quân/Bộ Tổng Tham Mưu.
Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Quân Đoàn III.
Chánh Văn Phòng Tổng Trưởng Quốc Phòng.
Chánh Văn Phòng Tổng Tham Mưu Trưởng.
Tỉnh Trưởng/Tiểu Khu Trưởng Phong Dinh (Cần Thơ).
Chánh Sở Kế Hoạch/Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu .
Chỉ Huy Phó Bộ Chỉ Huy 4 Tiếp Vận.
Cục Trưởng Cục Mãi Dịch.
Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận/Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.

Thăng cấp:
Trung Úy, tháng 2 năm 1957.
Đại Úy, tháng 11 năm 1961.
Thiếu Tá, tháng 11 năm 1963.
Trung Tá, tháng 12 năm 1965.
Đại Tá, tháng 9 năm 1969.

Theo học:
Khóa Đại Đội Trưởng, chi nhánh Trường Võ Bị Liên Quân/Đà Lạt 1956.

Khóa Tham Mưu, Trường Đại Học Quân Sự/Sài Gòn 1960.

Khóa Chỉ Huy&Tham Mưu Cao Cấp, Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp/Đà Lạt 1970.

Tham dự các khóa hội thảo:
Tiếp Vận Miền Tây Thái Bình Dương 1971, Okinawa, Nhật Bản.

Quản Trị Quốc Phòng 1971, Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Sài Gòn.

Phát Triển Quốc Gia 1973, Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, Sài Gòn.

Công du:
Nhật Bản và Đại Hàn 1963, Thái Lan 1966, Đài Loan 1970, Okinawa 1971, và Singapore 1973.

Tù chính trị:
Từ tháng 6 năm 1975 đến tháng 9 năm 1987, trong các trại tù Long Giao tỉnh Long Khánh, Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa, Yên Bái tỉnh Hoàng Liên Sơn, và Nam Hà tỉnh Hà Nam Ninh.

Định cư.
Tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, từ tháng 4 năm 1991 trong đợt HO 5.

Sinh hoạt Cộng Đồng:

Tham gia Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức tại Houston từ năm 1995 đến năm 2000.

Tham gia Tổng Hội Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức Hải Ngoại: Nhiệm kỳ 1 (2000-2002) họp tại Houston, Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ 2 (2002-2004) họp tại Toronto, Canada. Nhiệm kỳ 3 (2004-2006) họp tại Brisbane, Australia. Và nhiệm kỳ 4 (2006-2008+2009) họp tại San Jose, Hoa Kỳ.

Tham gia nhóm phát thưởng học sinh giỏi từ lớp 5 đến lớp 12 từ năm học 1997-1998 đến năm học 2003-2004, do Hội HO Hoa Kỳ tại Houston tổ chức.

Tham gia ban phát thanh Phật Giáo/Houston từ tháng 4 năm 1998 đến tháng 1 năm 2008, trong thời gian đó đã đọc trên làn sóng đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam (VOVN) hơn 80 bài của các tác giả viết về Phật Giáo trong đời sống.

Phụ trách chương trình thời sự “Những Vấn Đề Hôm Nay” trên làn sóng đài TNT/Houston từ tháng 9 năm 2001 đến cuối tháng 1 năm 2006, đã viết và đọc 349 bài với chủ đề hỗ trợ công cuộc dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam.

Tham gia sinh hoạt trên NET với 79 bài viết về lập trường chính trị dân chủ tự do, đối nghịch với chế độ cộng sản độc tài đã và đang cai trị Việt Nam.

Tham gia hội Ái Hữu Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sa Đéc tại Houston, từ năm 2005 .....

Tham gia chương trình “Tản Mạn Lịch Sử 1960-1975” trên đài truyền hình VAN TV 55.2 Houston từ tháng 07/2009 đến tháng 02/2011.

Từ tháng 1/2010, bắt đầu chuyển những bài thời sự Việt Nam về trong nước ngang qua Diễn Đàn Nước Việt Quốc Nội.

Tác phẩm:

“Đôi Dòng Ghi Nhớ”, hồi ký chính trị Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1963 đến năm 1975. Nhà xuất bản Ngày Nay ấn hành lần 1 năm 1994, lần hai năm 1995, lần 3 năm 1998, và lần 4 năm 2007. Dài 386 trang (cở chữ 11).

“Ký Sự Trong Tù”, tâm sự và nhận thức của Một Tù Nhân Chính Trị trong các trại tập trung Long Giao tỉnh Long Khánh, Tam Hiệp tỉnh Biên Hòa, Yên Bái tỉnh Hoàng Liên Sơn, Nam Hà tỉnh Hà Nam Ninh, từ tháng 6 năm 1975 đến tháng 9 năm 1987, và trong thời gian ở Sài Gòn chờ xuất ngoại. Ấn hành tháng 7 năm 2008, dài 534 trang (cở chữ 11).

“Tôi là Một H.O.”, tâm sự của Một H.O. và đóng góp nhỏ nhoi vào sinh hoạt Cộng Đồng tị nạn cộng sản từ tháng 4 năm 1991 đến tháng 5 năm 2010, dài 679 trang (cở chữ 10). Ấn loát lưu giữ trong gia đình. Chưa ấn hành.

“Quê Hương & Quân Ngũ”, tâm sự một Người Lính gắn liền với quê hương & quân ngũ trong giai đoạn chiến tranh giữ nước từ năm 1954 đến năm 1975. Dài 463 trang (cở chữ 10). Ấn loát lưu giữ trong gia đình. Chưa ấn hành.

“Thời Sự Việt Nam 2001-2006”, nỗi lòng của người H.O. chưa tròn trách nhiệm với dân với nước, nhờ làn sóng phát thanh tại Houston từ tháng 9/2001 đến tháng 1/2006 chuyển tải chủ đề hỗ trợ dân chủ hóa Việt Nam. Sách dài 627 trang (cở chữ 10). Ấn loát lưu giữ trong gia đình. Chưa ấn hành.

Tình trạng gia đình đến cuối năm 2010: Vợ và năm con (4 trai 1 gái) có gia đình, với chín cháu Nội Ngoại (5 cháu gái và 4 cháu trai). Đầu năm 2010, kỷ niệm 52 năm hôn lễ.



(hình chụp cuối năm 2007)