Remember ?

Trang 1/3 123 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 13

Tựa Đề: Hoàng Quốc Bảo, dòng nhạc như chiếc cầu tâm linh nối liền đời thường và nẻo đạo

  1. #1
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Note Hoàng Quốc Bảo, dòng nhạc như chiếc cầu tâm linh nối liền đời thường và nẻo đạo

    Hoàng Quốc Bảo, dòng nhạc như chiếc cầu tâm linh nối liền đời thường và nẻo đạo
    Du Tử Lê
    Nguồn: nguoivietonline


    Cùng với sự rộ, nở của sinh hoạt văn chương, qua những diễn đàn văn học, hiện diện từ giữa thập niên 50, khởi đầu với những tạp chí như Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Bách Khoa, sinh hoạt âm nhạc miền Nam với hàng trăm trung tâm, nhà xuất bản, thu băng, đĩa, tất cả đem lại cho người nghe những dòng nhạc tiêu biểu của một Phạm Ðình Chương, Phạm Duy, Vũ Thành, Hoàng Trọng, Cung Tiến, Lê Trọng Nguyễn, Ðan Thọ, Nguyễn Hiền, Tuấn Khanh, Y Vân, Lâm Tuyền, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Nguyễn Văn Ðông, Trúc Phương,v.v... đó là cột mốc thứ nhất

    .

    Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo



    Ở cột mốc văn học thứ hai, song song với sự hiện diện của những tạp chí như Hiện Ðại, Văn Nghệ, Văn, Văn Học, Nghệ Thuật... xuất hiện những năm đầu thập niên, một số kéo dài tới giữa thập niên 70, sinh hoạt âm nhạc cụng mang tới người nghe, những đời nhạc tươi, mới khác. Ðó là sự lên đường, rồi định hình của những dòng nhạc mang tên Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Trần Thiện Thanh, Anh Việt Thu, Phạm Thế Mỹ, Nguyễn Ðức Quang, Phạm Trọng Cầu, Ngô Minh Thu, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng, Ngô Thụy Miên v.v...

    Xuất hiện sau những Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên một vài năm, và, sau Trịnh Công Sơn khoảng sáu, bảy năm; nhưng nếu lấy con số 10 năm làm thước đo, đếm một thế hệ, thì Hoàng Quốc Bảo là người cuối cùng, lấy được chiếc vé lên chuyến tầu âm nhạc, chung với những tên tuổi vừa kể. Khi chuyến tầu âm nhạc đi khắp cùng đất nước kia, chỉ còn một vài ghế trống.

    Tuy nhiên, nếu Trịnh Công Sơn rướn mình, giơ cao ngọn cờ kêu đòi chấm dứt chiến tranh; Vũ Thành An với những bài không tên viết cho một (hay những) cuộc tình tuyệt vọng, Từ Công Phụng với nỗ lực đi tìm vàng son, thuở trước... thì, Hoàng Quốc Bảo, tự những nhát cuốc vỡ đất sáng tác đầu tay, đã cho thấy khuynh hướng xới sâu cõi hư không. Ðời giả tạm.

    Ngay với những tình khúc rực rỡ chia ly, nát nhàu thống khổ, ở đâu đó, giữa những hợp âm được nối kết bởi Hoàng Quốc Bảo, vẫn mang tới cho người nghe, cảm nhận muốn vươn, thoát khỏi những trói buộc hạn hẹp của kiếp người. Tham vọng xóa bỏ sự phân biệt hình/tướng. Ðem nhị nguyên đúng/sai, thành/bại, phải/trái... về nhất thể.




    Chân dung Hoàng Quốc Bảo. (Tranh: Họa Sĩ Võ Ðình)



    Bằng âm nhạc, tự những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, họ Hoàng đã thiết lập cho mình (hay cho người), những chiếc cầu tâm linh, bắc qua đôi bờ nhân gian và, lẽ đạo.

    Dù không một chỉ dấu, chẳng một tận khai cố tình, bằng cõi tâm tĩnh, lặng, Hoàng Quốc Bảo, với cõi nhạc của mình, đã mặc nhiên mang đến người nghe, những hồi chuông lai tỉnh. Những thời kinh, những câu kệ nhắc gọi chúng sinh, hồi hướng bến giác.

    Tính thiền hay lời gọi kêu chúng sinh rời bỏ bờ mê trong đời nhạc Hoàng Quốc Bảo, mỗi lúc, một thêm nồng nàn sở nguyện, bằng vào bản thân, qua những năm luân lạc, quê người, họ Hoàng càng thực chứng lẽ vô thường. Ðời hữu hạn.

    Nơi cõi tạm, tôi nhớ cuối năm 1975, đầu năm 1976, Hoàng Quốc bảo, đưa thân mẫu từ tiểu bang Illinoise về quận hạt Orange County, ở miền Nam California.

    Một buổi tối, nơi căn apartment ở thành phố Costa Mesa, trong căn phòng không đồ đạc, Hoàng Quốc Bảo ôm đàn, hát cho chúng tôi nghe một số nhạc cũ, mới của ông.

    Trong số đó, có ca khúc nhan đề “Hồ Như”, với những câu như:

    “Có lẽ ta về ai biết đâu - Trồng vàng hoa trên núi sương hào - có lẽ trăm rừng xanh trở lại - gọi đàn chim xa mãi về phương nào - có lẽ ta về như giấc mơ - làm dòng sông bôi xóa đôi bờ - có lẽ người hồi sinh trở lại - nhìn cuộc chơi quên bấy lâu nay.”

    Khi nghe lần thứ hai câu “...làm dòng sông bôi xóa đôi bờ...” tôi rất muốn hỏi ông, “Hồ Như” là ca khúc được viết thời gian nào? Trước hay sau 30 tháng 4? Nhưng cuối cùng, tôi im lặng. Tôi im lặng vì trong một thoáng mơ hồ, người thanh niên ngồi bệt trên thảm, trước mặt tôi, người thanh niên lúc nào cũng như ngơ ngác, lạc lõng, dường không còn là Hoàng Quốc Bảo. Ông là một người khác. Với tôi, ông không “làm” (tôi nhấn mạnh) “dòng sông bôi xóa đôi bờ” mà ông chính “là” (tôi nhấn mạnh) dòng sông. Và, dòng sông ấy đã “bôi xóa đôi bờ.”




    Thủ bút của Hoàng Quốc Bảo.




    Tôi không hỏi “đôi bờ” trong ca khúc “Hồ Như” của Hoàng Quốc bảo là đôi bờ nào. Tôi không hỏi bởi tôi nghĩ, nếu hỏi, chưa chắc giải thích của ông và cảm nhận riêng của tôi, đã gặp gỡ nhau. Với tôi, đó là “đôi bờ” của biến cố kinh hoàng, điếng tê mới xẩy ra. Còn tưa máu. “Ðôi bờ” với tôi là trong/ngoài một tổ quốc. “Ðôi bờ” với tôi là hai miền tử/sinh mà, con người bị phanh thây, đứng giữa...

    Ðó cũng là thời gian chúng tôi cùng làm việc ở hãng Rockwell International, chi nhánh Newport Beach, trên đường Jamboree. Một năm sau, ông cho tôi biết, đã xin nghỉ việc để nhận công việc mới là thảo chương viên, cho công ty nước ngoài ở thành phố Los Angeles. Từ đó, chúng tôi ít có dịp gặp nhau.

    Nhưng, tôi vẫn dõi theo bước đi của người “là” “dòng sông bôi xóa đôi bờ”! Như dõi theo những mơ ước bất toàn của chính mình.

    Và, thời gian cho tôi hiểu, những thực chứng, những sở nguyện khởi tự khá nhiều nghịch cũng như thuận duyên, đã mang lại cho Hoàng Quốc Bảo (hay cho chúng ta) nhiều số tác phẩm mới. Những tác phẩm càng lúc càng cho thấy tính “bôi xóa đôi bờ” nơi ông.

    Mười ca khúc phổ từ thi kệ, thiền thi của của các thiền sư như Nhất Hạnh, Huyền Không, Tịnh Từ, trong đĩa nhạc mang tên “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không,” Hoàng Quốc Bảo một lần nữa, thống thiết trải rộng tấm lòng yêu người, trái tim thương đời của mình, tới người nghe, như một lời cảm ơn những ơn phước (mà, ông đã nhận được từ cảnh đời. Cảnh đời, hiểu theo một nghĩa nào, là phản quang hay, ảo hóa của ngục A Tỳ.)

    Trong một cuộc phỏng vấn dành cho một ký giả của đài Little Saigon Radio ở miền Nam California, từ nhiều năm trước, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo cho biết, kể từ đĩa nhạc mang tên “Tịnh Tâm Khúc” cách đây nhiều chục năm, thì “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” là đĩa nhạc thứ hai của ông. Phần lớn những ca khúc trong đĩa nhạc vừa kể, được họ Hoàng sáng tác đầu thập niên 80. Nhạc sĩ Hồ Ðăng Tín đã bỏ ra 5 năm, cho phần soạn hòa âm.

    “Rồi nhiều thiện duyên đến, nhất là với tâm ý hân hoan và, thôi thúc trong việc kỷ niệm mùa Ðản Sinh đầu thiên niên kỷ, chúng tôi nguyện đem lòng thực hiện,” tác giả “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” tâm sự.

    Khi được hỏi quan điểm riêng về những ca khúc và những băng nhạc Phật Giáo ra đời trong những năm tháng gần đây, Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo nói:

    “Tôi là người Cư sĩ Phật tử, lại trong giới sáng tác âm nhạc, thấy việc làm nào cũng có mặt tốt của nó. Nhạc mình như một đóa hoa nhỏ, trong vườn hoa nghệ thuật đầy mầu sắc. Có người thưởng ngoạn chỉ vì màu sắc sặc sỡ, lại có kẻ trang trọng với dị thảo, kỳ hương. Trong công tác nghệ thuật, tôi chỉ nguyện chính mình trân trọng hết sức với nghệ phẩm của mình. Không để bị chi phối vì bất cứ mục đích gì khi sáng tác, quyền lợi hay danh vị. Nhất là khi thực hiện, lấy nghệ thuật làm mục đích chính. Thứ đến mới nhượng bộ những điều kiện khác. Ðã làm hết sức mình rồi, kết quả ra sao, lúc ấy mới hoan hỉ chấp nhận...”

    Câu trả lời của họ Hoàng, cho thấy quan điểm cũng như cung cách ứng xử của ông, không chỉ với nghệ thuật, mà còn với cả cuộc sống hàng ngày nữa.

    Vẫn theo lời giới thiệu của ký giả phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, thì họ Hoàng chính thức sáng tác ca khúc kể từ năm 1969, thời còn ở Việt Nam.

    Ông từng là người chủ trương những chương trình âm nhạc cho các đài phát thanh ở Thủ đô Saigòn, trước tháng 4, 1975, như đài Tiếng Nói Tự Do, đài Phát Thanh Saigon, đài Tiếng Nói Quân Ðội, nhưng ông không hề lợi dụng vị trí của mình, để phổ cập tên tuổi ông.

    Ðề cặp tới đĩa nhạc “Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không” của Hoàng Quốc Bảo, một nhà báo khác, trong một bài viết trên nhật báo Việt Báo, cho biết nhan đề ấy, vốn là một câu thơ của Không Lộ Thiền Sư đời nhà Lý. Ðó là câu: “Có khi lên thẳng non hề/hú dài một tiếng lạnh về hư không.”

    Cũng trên nhật báo Việt Báo, số cuối năm 2005 loan tin nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo... xuất gia. Xuống tóc. Ði tu. Tôi chia sẻ với người viết bản tin, khi nhấn mạnh rằng, sự việc vừa kể, không làm nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn ghi lại bản tin này, như một ghi chú quan trọng ở những năm cuối đời của họ Hoàng. Với cá nhân tôi, nó cũng là một hình thức “bôi xóa đôi bờ” mà thôi. Nguyên văn bản tin đó, như sau:

    “Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã rời bỏ California để về xuất gia ở một Thiền Viện tại Việt Nam trong những ngày đầu tháng 12, 2005.” Ðược biết, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã tham dự lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 27 tháng 11, 2005 và rồi vài ngày sau đã trở về Thiền Viện Trúc Lâm ở Ðà Lạt và xuống tóc xuất gia với Thiền Sư Thích Thanh Từ trong những ngày đầu tháng 12, 2005.” Việc nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo xuống tóc đi tu không làm bao nhiêu người bất ngờ, vì nhạc sĩ đã nói ý nguyện này từ lâu, từ những ngày làm việc trong ngành Tin Học ở Sở Cấp Nước Los Angeles. “Mới vài năm trước, trong chuyến Hòa Thượng Thanh Từ lần cuối viếng thăm California, nhạc sĩ đã có tên trong danh sách xuống tóc đi tu trong buổi lễ ở Thiền Viện Ðại Ðăng, Nam Calif., nhưng khi xướng tên trên danh sách, tới khi đọc tên Hoàng Quốc Bảo, thì nhạc sĩ không có mặt - trước đó, nhạc sĩ đã lẳng lặng bước ra ngoài và chờ dịp khác.” Và lần này là một cơ duyên lớn. Nhân dịp lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên ở Tam Ðảo, một thiền viện tuy là mới tân trang cho Trúc Lâm Thiền Phái của HT Thanh Từ, nhưng theo sử thì chính nơi đây là dấu tích Phật Giáo xưa cổ nhất, chính nơi đây là chỗ các nhà sư do Vua Asoka của Ấn Ðộ cổ thời đặt chân vào Việt Nam làm trú xứ. Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên còn là một thắng cảnh lớn với núi rừng nguyên sơ, cao 300 mét trên mặt biển...



    Hoàng Quốc Bảo sau khi ngày thế phát xuất gia, ảnh chụp 2007




    “Sau khi dự lễ, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã về Trúc Lâm Thiền Viện ở Ðà Lạt, và xuất gia với HT Thanh Từ, vị Thiền Sư nổi tiếng nhất tại quê nhà và đang hoằng pháp Thiền Tông Trúc Lâm tại cả trong và ngoài nước.

    “California tuy mất đi một nghệ sĩ tài hoa, nhưng Thiền Tông VN ở quê nhà lại đang có thêm một người gánh vác mới...”

    Cách đây không lâu, nhân tang lễ một người thân trong gia tộc, tại một nhà quàn quận hạt Orange County, một số thân hữu đã được gặp lại tu sĩ Hoàng Quốc Bảo.

    Ông không hát nữa. Dĩ nhiên. Có thể ông cũng không nữa “hồ như”...

    Riêng tôi, gặp lại ông, tôi lại tự hỏi:

    - Phải chăng, ông đã “là” “dòng sông bôi xóa đôi bờ” tự một xa xưa, tiền kiếp nào.


    Du Tử Lê
    (Tháng 3, 2010)

  2. #2
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Note Hồ Như





  3. #3
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Vô Cùng




    Nhạc Hoàng Quốc Bảo- Tiếng Hát Mai Hương

  4. #4
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Thuở Theo Nhau- Hoàng Quốc Bảo- Thái Hiền & Mai Hương






    Một Thuở Buồn Như Sông- Hoàng Quốc Bảo- Thái Hiền & Mai Hương

  5. #5
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Nét Màu Sắc Không



    (Tranh Thủy mạc, Nét Màu Sắc Không – Võ Đình)



    Không Hư - Hoàng Quốc Bảo, Mỹ Tâm

    Người về Thạch Lũng nhớ nhau
    Tuyết sương vô ngại, nét màu Sắc Không
    Quê hương thăm thẳm đôi lòng

    Đông-Tây ngăn nổi vết Hồng chim bay?
    Nhiệm màu là tuyết sương rơi…
    Cánh hoa Mai nở, vấn người tịnh tâm…



    Võ Đình và nét màu sắc không

    Không Hư – Hoàng Quốc Bảo, Tuỳ Bút




    Lửa Tuệ Võ Đình (1933-2009) – hình LaiHồng

    Tôi ngồi lặng giữa đêm, không biết là bao lâu nữa, sau khi đọc tin trên internet, một người bạn tài hoa đã qua đời. Võ Đình. Không còn nữa. Anh ra đi chiều 31 tháng 5, 2009 tại nhà riêng ở Florida. Gió im sững, không gian đặc sánh lại. Hai chân bắt tréo trên toạ cụ, bồ đoàn, tôi cố điềm tĩnh, giữ cho thân xác được vững chãi và duy trì cho hơi thở khỏi hụt hẫng. Đời sống, Vô thường. Vẫn biết, mà sao nghe như có tiếng sóng ở trong lòng.

    Tôi quen Võ Đình từ ngày thực hiện bộ băng nhạc và sách Tịnh Tâm Khúc, 1984. Xin anh vẽ cho những bức tranh Thuỷ Mặc. Sau đó chỉ gặp anh đôi lần mà sao lòng thầm quý kính. Làng Hồng bên Pháp đã hụt nhau. Anh sang năm trưóc – 1984; năm sau tôi mới sang -1985. Nghe tăng thân trong làng thuật lại, chú Võ Đình sang đây là đi sục xạo, hỏi thăm tìm chú, ai là Hoàng Quốc Bảo? ai là Hoàng Quốc Bảo? , khiến tôi nghe mà cảm động. Cái tình văn nghệ vốn thế, khi không mà đã quý nhau. Kiểu Đinh Hùng và Phạm Đình Chương, Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng, có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…

    So với anh, tôi là kẻ hậu sinh, vẫn thường muộn màng, trong bất kỳ trận cuộc thế nhân nào. Đâu đến cuối năm 1985 anh lần dò giang hồ sang Cali thăm bạn hữu. Và chúng tôi được dịp tương phùng, ngồi với nhau, tại gian nhà trọ của anh em Văn Học. Đêm xuống, có chủ nhân Nguyễn Mộng Giác; có Phạm Quốc Bảo; Hoàng Khởi Phong; anh chàng Thi sĩ lêu khêu Nguyễn Tất Nhiên; có Thăng Long Văn sĩ Vũ Huy Quang; Định Nguyên; Bùi Vĩnh Phúc; lão ngoan đồng Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, chủ nhân nhà xuất bản Văn Nghệ… và những ai nữa không nhớ hết… Lan man hết chuyện văn nghệ, sang chuyện quê hương xa cách nghìn trùng.

    Đêm ấy, tháng 10 gì đó, mưa thánh thót ngoài trời, tôi đứng dậy vào bếp Nguyễn Mộng Giác, làm tửu nô, hâm vò rượu Mai Quế Lộ, rót ra từng chung nhỏ, mời thân hữu. Về sau này mỗi lần nói với nhau qua điện thoại, anh thường cả tiếng cười thân mật: Hà hà.. ông muốn phạt tôi bao nhiêu chung rượu? Nửa chừng cuộc rượu, anh đứng dậy vào phòng lão ngoan đồng Từ Mẫn lấy mấy tờ giấy trắng, cây bút chì rồi ra lặng im ngồi hý hoáy. Một phút đưa cho tôi, một phút nữa đưa cho Nguyễn Tất Nhiên. Chỉ 2 bức rồi cất bút. Bức tốc họa ấy tôi còn giữ và yêu quý vô cùng, tiếc không cho vào tuyển tập Tịnh Tâm Khúc được, vì đã phát hành năm trước rồi.

    Cuối tháng anh về lại miền đông. Thạch Lũng (Stonevale) đã ngập tuyết. Trong thư gửi sang cho các bạn, anh kể giữa nỗi nhớ nhung gọi dậy giang hồ, đã lội tuyết ngập đến đầu gối từ nhà ra xưởng vẽ sau trang trại, phết những nét thuỷ mặc lên cuộn giấy dài, làm thơ, viết tràn tâm tình vào đấy rồi cuốn lại gửi sang cho chúng tôi. Qua những nét ấn tượng, Thạch Lũng một màu tuyết xoá, cái thân người nhỏ nhoi đạp tuyết mà đi, chỉ như một chấm đen di động. Và bỗng ngang đầu, vụt cánh chim qua. Ngay giữa cái âm thanh vỗ cánh ấy, là bức hoạ này. Mong níu kéo điều gì? thời gian chăng? Chẳng phải. Chỉ cốt hiển lộ cái thực tại đấy thôi.

    Nhận được, chúng tôi hẹn nhau, mỗi người viết đôi dòng, thơ thẩn, rồi đăng cả lên Báo mùa xuân đó, và gửi sang làm món quà ấm áp cho anh.

    Tôi chỉ làm bài thơ nhỏ góp mặt cùng thân hữu, cho Võ Đình. Tuần sau, anh gửi riêng cho tôi bức họa Thuỷ mặc đắc ý, vì biết tôi yêu tranh thủy mặc, cuộn tròn trong 1 hộp ống dài. Bức tranh màu acrylic, khổ 24X18 trên giấy, minh hoạ mấy câu thơ nhỏ nhoi kia của tôi. Bức họa được tôi phất lên khung gấm, kiểu tranh cuộn Trung Hoa, thả treo lên bức tường ngay giữa tiền sảnh từ đó đến nay.

    Thế mà 24 năm rồi. Bao nhiêu là biến đổi. Người đi kẻ ở ngậm ngùi.

    Bài thơ vỏn vẹn 6 câu, tranh minh hoạ bằng 3 câu cuối:

    Người về Thạch Lũng nhớ nhau
    Tuyết sương vô ngại, nét màu Sắc Không
    Quê hương thăm thẳm đôi lòng

    Đông-Tây ngăn nổi vết Hồng chim bay?
    Nhiệm màu là tuyết sương rơi…
    Cánh hoa Mai nở, vấn người tịnh tâm…
    (Và ghi chú: Hoàng Quốc Bảo.)

    Trong tranh, những cánh mai rất nhạt, không nở trên cành theo ý thơ, mà anh cố tình vẽ rơi trên nền tuyết trắng. Mai cũng là tên trên giấy tờ căn cước anh, hình ảnh nhắc đến ý tứ trong bài thơ Đình tiền tạc dạ của Thiền sư Mãn Giác đời Lý, biểu trưng cho thực tại mà mỗi đạo gia, thiền sư đều gắng gìn giữ: Mùa xuân miên viễn. Chắc chắn anh phải biết rất rõ điều đó. Nhưng tại sao Võ Đình lại cố tình vẽ kiểu hoa tàn rơi.. lên tuyết như thế, tôi không có chỗ hội. Bản tính khiêm cung của Võ Đình chăng? càng chẳng khế hợp với nghệ thuật. Cho đến giờ vẫn là 1 nghi vấn nằm hoài trong lòng tôi.

    Anh lại chuyên khắc mộc bản, đa số nghệ phẩm tôi được xem, phần lớn là những hình tượng chim Hộc chim Hồng, hay cánh Bằng lướt gió. Như những biểu tượng trên trống đồng VN. Cánh chim trong bức họa Nét Màu Sắc Không, dường như đang soải cánh ngược bão giông, quay về tây, như những tâm hồn tha hương chúng ta, đứng từ bờ biển nào của nước Mỹ, cũng ngoái đầu như vậy. Phải hiểu: Về Phương Đông… Sau này lại trùng hợp ngẫu nhiên với tên Lai Hồng, người bạn cuối đời của Võ Đình.

    Lai Hồng, cái tên như một định mệnh? Nét khởi đầu trong sự nghiệp hội họa? Cái hạ bút lông trên nền khung trắng, khai một tịch luân trong cuộc đời, đủ đậm, từ thuở chàng mới mười lăm, nàng chỉ mười ba trăng non vừa biết thẹn. Thế mà thoắt chia lìa. Hai năm sau, trăng tròn ai xẻ làm đôi. Hai năm sau Võ Đình ôm nửa mảnh trăng dấn thân vào bão tuyết trời Tây lúc 17, 18 tuổi, từ đó vẽ hoài một vòng Không tịch, nhạt nhoà, chẳng bao giờ tròn trịa. Hơn 60 năm phù vân lãng đãng, sương mù sóng dục trùng khơi, Không luân kia hoá thân thành cánh chim Hồng lúc nào, mỏi mòn hoài ngoảnh cổ về cố hương, nơi khởi đầu lấp lánh nửa mảnh trăng mười sáu. Vì thế dường như ta chưa thấy bức họa nào Võ Đình vẽ đủ đôi chim Hồng. Giả có, cũng chỉ là huyễn mộng.

    Cho đến thời nhĩ thuận, trăng vơi mới đầy. Trời trong, gió lặng. Cái thời mộng hiện thành thực. Lai Hồng. Nguyệt hoá thành thơ. Chim tha rơm về tổ ấm. Như bức họa vẽ ngay trên ô cửa kính, căn nhà ở West Palm Beach, Florida.

    (Ghi chú: Bài này khi viết xong, chị Lai Hồng mới kể thêm chi tiết: “Hồi Anh Võ Đình để ý tui, lúc đó Anh mới 15 và tui 13. Về sau Anh qua Pháp năm 17 tuồi mới có chuyện muốn Thầy Mẹ đến hỏi cưới tui gửi qua Pháp, nhưng gia đình tui có đại tang Bà Nội mất ngay trong nhà, và sau đó Ba tui đổi vào Phan Thiết rồi Nha Trang … và chuyện lãng vào dĩ vãng …”)


    “bức hoạ Chim Về Tổ, vẽ trên kính cửa chính vào gian nhà nhỏ có khu vườn lớn đầy hoa trái Việt Nam, tại Florida, nơi anh đã an nhiên thanh thản thở hơi cuối cùng.”

    Và Cái thời hạnh phúc tòng tâm bất du củ đến, định mệnh khép lại, vòng Không luân thật tròn đầy, lại ngắn ngủi quá. Chim bay về núi túi rùi…và con Tạo vẫn vô tình là thế.

    Đến với đi, nhiên như Bát Nhã:

    Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, nhất thiết bất dị Không.

    Hay, Không tức thị Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức.

    (nguyên văn: Sắc bất dị Không, Không bất dị sắc. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ Tưởng Hành Thức diệc phục như thị)

    Hoặc gọn trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác, cuộc đời như mây nổi… chim thiêng kia từ Không mà đi, từ Không mà về:

    Ngũ uẩn phù vân Không khứ lai…

    Đến với đi, chỉ làm đầy 1 vòng tịch nguyệt. Hơn mười năm cũng đã đủ. Chắp đủ một vừng trăng. Mãn nguyệt. Và người Hoạ sĩ thành tựu chiếc vòng Không kia trong họa phẩm đời mình, đã mãn nguyện.

    Cánh chim giang hồ Võ Đình mang theo hoài suốt một đời, ẩn hiện trong hoạ phẩm, nay đậu lại. Cùng chim về. Lai Hồng.

    Cái giây phút cuối cùng ấy của anh, nếu nghe kỹ, như lời nhắn nhủ rất ngắn gọn, êm ả mà sấm sét dậy cả kiếp người:

    Hồng ơi…Hồng ơi… Hồng ơi….

    Ba tiếng nhủ: Quá khứ đã nhạt nhoà, tương lai thì chưa đến, chỉ là huyễn mộng và Hiện tại mỏng manh này, bất khả đắc, xin đừng nắm bắt nữa… nghe như:

    Buông thôi, buông thôi, buông thôi…

    Cánh Hồng trở lại, đã hoàn tất nhiệm vụ của nó, tha rơm làm tổ…và định mệnh ơi hãy thanh thản… Chim bay về núi túi rùi…

    Chim thiêng dừng cánh đỗ…
    Phù vân ơi mây cứ bay…

    Võ Đình cũng từng đã bị dằng co trong tri thức, giữa tình tự quê cũ và văn hoá mới Âu Mỹ.

    Có lần đọc đâu đó, bài anh viết về Hội Họa, tâm tình với những học trò, hoạ sĩ các thế hệ sau nói riêng, những nghệ sỹ sáng tạo tha hương chúng ta nói chung, vẫn thường hay ray rứt và bị quay quắt như thế; làm thế nào để vẽ, sáng tạo một nghệ phẩm mang được bản sắcViệt Nam, dấu ấn văn hoá Việt Nam?

    Bức tranh có nhất thiết phải vẽ con trâu, cái cày? Cô thiếu nữ với chiếc áo dài tha thướt?

    Con thuyền xa bến , hình bóng cô gái đứng lặng chờ mong? Hay đình, chùa miếu mạo mới đạt được hương sắc quê hương? Họa phải là họa đã. Những thứ kia chỉ là hình tướng. Thứ dành cho Thợ vẽ, không phải mục đích của Hoạ sĩ. Họa sĩ phải vẽ được sâu thẳm đằng sau cái hình tướng kia. Phảì thoát được ra ngoài hình tưóng ràng buộc ấy mà đi xa. Nghĩa là sao nắm lấy được thực tại. Đến lúc ấy thì thoả chí vẫy vùng.

    Người nghệ sĩ Phật giáo, thâm trầm, biết đâu là hình tướng đâu là cứu cánh. Càng bỏ được hình tướng lại càng thâm trầm, diễm tuyệt. Thấy ra hình tướng chỉ là Vô thường.

    Được thua, còn mất cũng vậy, chỉ là vô thường, hư vọng, giả trá. Cái thực tại kia mới thường hằng, vĩnh cửu. Tiêu biểu nhất như bài thơ của Thiền sư Mãn Giác nhà Lý:

    Xuân khứ bách hoa lạc,
    Xuân đáo bách hoa khai
    Sự trục nhãn tiền quá
    Lão tùng đầu thượng lai…
    Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

    Những ngày thầy Mãn Giác chùa VN tại Hoa kỳ còn sinh tiền, tôi hay lên Los Angeles uống mót trà thầy, nghe thầy vẫn đắc ý đọc bài dịch của HT Tâm Châu:

    Xuân đi lưu lại cánh hoa rơi
    Xuân tới trăm hoa nở nụ cười
    Thế sự thoáng qua rồi mất biến
    Đầu xanh đã điểm nét sương rồi !
    Có đâu xuân lụi hoa tàn mãi
    Đêm trước sân cười một nhánh mai…

    Nghệ sỹ Phật giáo vẫn thấy xuân tàn hoa rụng chứ, nhưng đâu có trích lệ buồn thương?


    Mùa xuân năm sau, tôi soạn ca khúc “Nét Màu Sắc Không”, phổ ngược từ tâm tình bức Thi Họa, cho mối duyên thân hữu tha hương vời vợi ấy, rồi có dịp thu thanh vào những năm sau đó, ở Việt Nam.

    Tôi có ý định gửi 1 copy cho Võ Đình nghe, nhưng mãi đến nay… quả đã muộn màng.

    Cánh chim Hồng vẫn bay mãi trên bức tranh kia, âm vang để lại còn lạnh buốt trong những nốt nhạc tha hương, chưa tan được.

    Những giòng này xin gửi thay nén tâm hương đến anh.


    Võ Đình và bụi tre sau vườn – hình LaiHồng

    Cái vô thường của cánh Mai rụng cuối bờ tuyết trắng, nốt nhạc còn vọng âm, và tiếng đập cánh của loài chim Hồng đã vút bặt, thanh thoát ra khỏi cái cõi nhị biên của Định mệnh, Đông-Tây, Sinh-Tử lâu rồi. Xuân nào có mất đi đâu !!!

    Giữa đêm, nghe lại bài hát, ngắm kỹ bức họa, tôi mỉm cười thấm thía thêm, cái nghĩa “Thường trong Vô thường” bấy lâu nay…

    Hồng ơi…
    Hồng ơi…
    Hồng ơi…

    Định chấm dứt, bỗng đâu Lão Bùi Giáng xịch tới, tà tà thơ dại ngâm nga thêm cho Võ Đình:

    Đùa với Tuyết, rỡn với Vân
    Một mình nhớ mãi gái trần gian xa…
    Sương buổi sớm, nắng chiều tà
    Trăm năm Hồng lệ có là bao nhiêu…..

    Không Hư – Hoàng Quốc Bảo

    Nguồn : Sangtao.org

  6. #6
    Moderator
    saomai's Avatar
    Status : saomai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jun 2008
    Posts: 2,146
    Thanks: 23
    Thanked 31 Times in 19 Posts

    Default Khoác Áo Phù Vân

    Khoác áo phù vân
    Lời giới thiệu của Phan Ni Tấn



    Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo – Phác họa của họa sĩ Võ Đình

    Tháng 12 cuối năm 2011 vừa rồi, nhạc sĩ / tu sĩ Hoàng Quốc Bảo có email hỏi thăm và gởi cho tôi bài nhạc Khoác Áo Phù Vân (mp3 file) do anh phổ nhạc và trình bày từ bài thơ Gửi Nhà Bố Đại của nhà thơ Hoàng Quy. Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc và hát rất hay, dù như anh nói “Tôi hát chẳng ra gì, cái giọng già lão hết hơi rồi, nhất là sau khi bị stroke, chỉ còn lại chút tấm lòng cho bạn bè thôi“.

    Anh cũng cho biết thêm “Kỳ này về Nha Trang, ra bán đảo, tính cất căn lều cỏ, ngồi thưởng trà. Đặt tên tục chốn ấy là Am Khói Mây, tên chữ là Vân Yên Giác Hải (biển giác khói mây). Thuộc thôn Ninh Vân, huyện Ninh Hòa, đường ra dốc Lết“.

    Lúc gởi cho tôi nghe bài này, Hoàng Quốc Bảo có nhờ tôi tìm tông tích nhà thơ Hoàng Quy; tôi email cho bạn bè loanh quanh trong và ngoài nước thì được biết Hoàng Quy hiện ở ẩn như một cư sĩ trong một ngôi chùa nào đó ở Cần Thơ. Tôi chỉ biết thế. Nếu các bạn có tin tức nào chính xác hơn về Hoàng Quy thì cho tôi biết nghe [phannitan@yahoo.ca].

    Dưới đây là một chút kỷ niệm về nhạc sĩ / tu sĩ Hoàng Quốc Bảo và tôi:

    Sau trận Mậu Thân 1968, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã ban hành một sắc luật Quân Sự áp dụng vào học đường, trong đó sinh viên các trường Đại Học Sài Gòn phải tham dự một khóa huấn luyện Quân Sự Học Đường tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung trong vòng một tháng.

    Năm 1970, tôi và các anh em phân khoa Đại Học khác theo chân những khóa trước bắt đầu làm quen với súng ống và ngửi mùi quần áo nhà binh. Trong khóa học này, đặc biệt có hai nhạc sĩ nổi tiếng qua những bài ca đấu tranh thịnh hành trong giới sinh viên học sinh thời đó, là nhạc sĩ Trương Quốc Khánh (bài Tự Nguyện) và nhạc sĩ Trần Long Ẩn (Không Ai Ngăn Nỗi Lời Ca). Nhạc sĩ đi tới đâu, cây đàn đi tới đó. Nhạc sĩ với cây đàn mà. Thực vậy, sau tuần lễ đầu tiên về phép trở vô là khu trại Sinh Viên đã nghe tưng tửng âm thanh quen thuộc, giản di, thân thiết của cây đàn guitar rồi. Từ đó sau những buổi cơm chiều, trời vừa chạng vạng tối, sinh viên có máu văn nghệ thường rũ nhau xuống Hội trường Ban Quân Nhạc tụ tập đàn ca xướng hát cho nhau nghe.

    Tôi còn nhớ một hôm tại nhà ngủ tập thể, có một anh chàng cùng phòng, dáng người tầm thước, hơi mập, tự xưng là Hoàng Quốc Bảo đưa tôi coi một tập nhạc nói là của ông anh Hoàng Khai Nhan sáng tác. Cầm tập nhạc vuông vức trong tay, tôi chậm rãi lật từng trang mà thầm công nhận sự nắn nót công phu của người đã tạo ra nó. Hoàng Quốc Bảo lúc đó chưa có tác phẩm, nhưng Hoàng Khai Nhan thì tôi có thoáng nghe danh về thơ. Sau này ra hải ngoại tôi mới có dịp thưởng thức những bản nhạc thoát tục trong tuyển tập Tịnh Tâm Khúc của Hoàng Quốc Bảo.

    Nói về Thiền Ca, tôi cho rằng không ai có thể vượt qua mức sáng tạo phong phú, chứa chan mùi Thiền như nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo. Ngoài ra, phần hòa âm theo phương thức tân cổ điển vô cùng xuất sắc cũng góp phần tạo cho hồn nhạc thấm sâu vào lòng người và đọng lại rất lâu.

    Từ đó đến nay tôi vẫn chưa gặp lại Hoàng Quốc Bảo lần nào, ngoài thư từ email qua lại. Trong CD Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không xuất bản năm 2001, hình Hoàng Quốc Bảo trong một chuyến du sơn, mặc áo nâu sòng, mang râu quai nón chụp với thầy Tuệ Sĩ tại Long Hải, VN vẫn không làm tôi hình dung nổi gương mặt của anh cách đây đã 42 năm, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại quân trường Quang Trung. Dù sao tôi vẫn tin rằng “hữu duyên rất tao ngộ“, như Hoàng Quốc Bảo nói, dù là sự tao ngộ qua thư từ.

    Sau đây mời các bạn đọc bài thơ Gửi nhà Bố Đại của Hoàng Quy và thưởng thức ca khúc Khoác Áo Phù Vân, do Hoàng Quốc Bảo tự đàn và hát, một giọng hát như từ một cõi nào xa. Ừ, xa như tận quê nhà.





    Khoác Áo Phù Vân
    Nhạc: Hoàng Quốc Bảo
    Thơ: Hoàng Quy
    Đàn và hát: Hoàng Quốc Bảo
    Nguồn: Sangtao.org Phan Ni Tấn gửi bài giới thiệu và nhạc

Trang 1/3 123 cuốicuối

Similar Threads

  1. Dòng Nhạc Nguyễn Tâm Hàn
    By chimtroi in forum Chân Dung Nghệ Sĩ
    Trả lời: 137
    Bài mới nhất : 09-12-2020, 12:33 AM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 06-17-2009, 06:31 PM
  3. Trả lời: 3
    Bài mới nhất : 01-08-2008, 10:48 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •