Remember ?

Trang 1/2 12 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 8

Tựa Đề: Hành Trình Âm Nhạc : Tác Giả và Tác Phẩm

  1. #1
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Hành Trình Âm Nhạc : Tác Giả và Tác Phẩm

    Trong chương trình Âm nhạc dẫn giải "70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam" do Hoài Nam biên soạn cho đài SBS radio (Úc Châu), chúng ta đã có dịp thưởng thức một công trình nghiên cứu hết sức công phu về sự hình thành và phát triển nền âm nhạc Việt Nam trong 70 năm (1930-2000), được ông dẫn dắt qua những sáng tác tuyệt vời của các vị nhạc sĩ tiền bối trong thời tiền chiến cho đến hiện đại. (http://hoiquanphidung.com/showthread...c-Việt-Nam)
    Với sự ngưỡng mộ và vô cùng biết ơn ông Hoài Nam, chúng tôi xin mạn phép lần lượt trích lại một số phần giới thiệu các nhạc sĩ và những tác phẩm của họ mà ông Hoài Nam đã đề cập tới trong loạt bài trên, cũng như những giai thoại lý thú đi kèm. Một số bài hát được ông trích dẫn từng đoạn đã được tìm và bổ túc thêm, có thể không cùng ca sĩ mà ông đã dùng để dẫn giải trong bài biên khảo, cũng như những bài hát không được sắp xếp theo thứ tự thời gian ra đời. Kính mong tác giả Hoài Nam lượng thứ cho.


    Giòng Nhạc 1938 - 1954




  2. #2
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Nhạc Sĩ Trần Văn Nhơn

    Trần Văn Nhơn
    (APNC) - Bút hiệu này là viết tắt của các chữ: Antoine Philippe Nhơn Cầu Kho







    Sinh trưởng tại Cầu Kho, Sài Gòn. Học nhà dòng rồi tu xuất để hoạt động trong lãnh vực ca nhạc mới từ những năm 1935. Do học nhà dòng nên Ông tiếp thu được nhạc lý Tây Phương và cũng khởi xướng cho phong trào người Việt viết và hát nhạc Việt. Ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi thời bấy giờ biết hòa âm, phối khí và chỉ huy dàn nhạc.

    Từ năm 1948 đến năm 1952, Ông làm việc tại Đài Phát Thanh Hà Nội, hoạt động chung với ban Việt Nhạc của nhạc sĩ Thẩm Oánh và là nhạc trưởng của ban Việt Nhạc thời bấy giờ (với các ca sĩ Minh Trang, Minh Đỗ, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ...)

    Trích bài phỏng vấn nhạc sĩ Thẩm Oánh đăng trong Tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn năm 1963 do Nguyễn Ngu Ý thực hiện: “Hoạt động của Ban Việt Nhạc (từ 1948 đến 1953): hết thảy điều gì hữu ích cho sự truyền bá và giáo dục âm nhạc, Ban này đã gắng cần cù thực hiện (ví dụ: những lớp sáo, harmonica, có thấy đề nghị trở lại trong số trước, Ban Việt Nhạc đã cho mở tại Hà Nội, từ ngày 5-8-1948, với 230 nhạc sinh theo học lúc đầu).

    Kịp tới khi Đài Phát Thanh Hà Nội được trao trả cho Việt Nam, thì nguồn nhạc mới đã được phát triển ngày mỗi thêm mãnh liệt; Ban Việt Nhạc đã đóng góp khả quan cho sự trưởng thành của nền Tân Nhạc Việt Nam (nhất nhất mọi chương trình, mọi hoạt động đều có đăng tải trên bán nguyệt san Việt Nhạc, xuất bản tại Hà Nội từ 1948 đến 1950)”.

    Các sáng tác của Ông:
    – Hà Nội 49
    – Ảo Ảnh Chiều Thu
    – Mình Ơi, Em Muốn Đi Bờ Hồ
    – Saigon Xa Hoa

    Trở lại Saigon năm 1952, Ông làm việc một thời gian cho Đài Phát Thanh Sài Gòn, rồi sau đó dành thời gian để giúp ca đoàn Hùng Tâm Dũng Chí tại nhà thờ Ngã Sáu (nhà thờ thánh Jeanne d’Arc).

    Ông mất tại nhà riêng ở Sài Gòn năm 1973 do bệnh tim.

    Nguyễn Đình Toàn viết về Nhạc Sĩ Trần Văn Nhơn

    Trần Văn Nhơn thuộc lớp nhạc sĩ tiền phong ở miền Nam cùng thời với Trần Văn Lý, Võ Đức Thu.
    Ông ít xuất hiện trong những buổi trình diễn tại các rạp hát, các sân khấu.
    Ông đóng góp vào công việc xây dựng nền tân nhạc Việt Nam bằng những công việc ở các đài phát thanh và những sáng tác của chính mình
    Ba ca khúc nổi tiếng của chính ông là các bài: Sài Gòn Xa Hoa, Ảo Ảnh Chiều Thu, Hà Nội 49

    Giữa Trần Văn Nhơn và Lê Thương có một điều trái ngược là lạ.

    Lê Thương sinh trưởng tại miền Bắc, nhưng dường như ông lại khởi nghiệp tại miền Nam. Mấy ca khúc quan trọng nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông, ba bài Hòn Vọng Phu I, II & III, đều được ông sáng tác tại miền Nam. Ngôn ngữ ông dùng để viết lời cho ca khúc Lòng Mẹ Việt Nam, Hoa Thủy Tiên, Nàng Hà Tiên, cho người ta cảm tưởng tác giả phải là người miền Nam mới viết được.

    Trần Văn Nhơn sinh trưởng ở miền Nam, nhưng không biết ông lưu lạc sao đó mà vào lúc nổi tiếng nhất ông lại đang ở miền Bắc và từng có lúc giữ chức vụ nhạc trưởng Ban Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội.
    Sài Gòn Xa Hoa và Hà Nội 49 có thể coi là những bài sử ca về hai thành phố lớn nhất đất nước với đầy đủ vẻ đẹp và những nỗi vui buồn, ai oán, một thời.
    Nó cũng mở đầu cho những bài ngợi ca các thành phố của chúng ta sau này.
    Chỉ có dịp tới Sài Gòn người ta mới nhận ra được cái nhịp sống của cả một thành phố Trần Văn Nhơn nói tới trong ca khúc của ông. Trong những âm thanh lướt thướt, nhất là nếu lại được nghe qua tiếng phong cầm, người ta tưởng chừng như thấy được cả cái nhấp nháy của muôn vàn ánh đèn qua lại.

    Cho đến nay, đã có không biết bao nhiêu bài hát nói về Hà Nội, ngợi ca Hà Nội. Nhưng nhiều người vẫn cho rằng Hà Nội 49 của Trần Văn Nhơn và Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương là những bài gợi cảm nhất.
    Có một khoảng cách 4, 5 về việc ra đời của hai tác phẩm này.

    Khi Trần Văn Nhơn viết Hà Nội 49, Hà Nội là một Hà Nội “tề”.
    Tề là vùng đất quốc gia để phân biệt với các phần đất do cộng sản kiểm soát, khi ấy được coi là “hậu phương” hay “kháng chiến”
    Ranh giới giữa hai vùng không rõ rệt.
    Vì thế khi ấy nẩy sinh một thành ngữ “ấm ớ hội tề” .
    Và từ hậu phương trở về vùng tề người ta gọi là “dinh tê” (entrer tiếng Pháp).
    Chiến tranh vừa lùi xa thành phố không bao lâu, Hà Nội vẫn còn nhiều đổ nát nhưng đồng thời cũng có những dấu hiệu hồi sinh. Người ta đang xây dựng lại nhà cửa, xây dựng lại đời sống.
    Cùng một lúc, hàng ngày người ta vẫn nghe tiếng bom đạn nổ đâu đó, các cuộc giết chóc, bắt bớ xẩy ra quanh mình.
    Gọi là vùng quốc gia nhưng thực tế quyền hành đều nằm trong tay người Pháp.
    Vì thế phần lớn người Việt khi ấy sống trong cảnh “một cổ đôi ba tròng”.

    "Hướng Về Hà Nội" của Hoàng Dương viết khi sắp xẩy ra hiệp định Genève chia đôi đất nước. Tình hình ở khắp nơi đều rất rối ren, nguy hiểm.
    Không có gì chắc chắn, nhưng theo các bằng hữu của ông cho biết, Hoàng Dương đã bỏ Hà Nội về Nam Định trước ngày 20 tháng 7/54 ít lâu.
    Ca khúc là nỗi nhớ Hà Nội của ông khi ấy.
    Không phải chỉ là một Hà Nội xa, mà còn là một Hà Nội sắp mất, trong ý nghĩa thật và ý nghĩa đổi thay
    Một người, Trần Văn Nhơn, ở ngay trong lòng Hà Nội, yêu Hà Nội, nghĩ về Hà Nội như một du khách cùng môt lúc cũng là người Việt Nam, cảm thương cho số phận của đất nước.
    Một người, Hoàng Dương, là người Hà Nội, tự tách mình ra khỏi Hà Nội, nhớ về Hà Nội, như một giấc mơ, có nghĩa là có thể tan biến. Nghe Hướng Về Hà Nội người ta có thể cảm nhận nỗi lo âu tan biến đó, từa tựa một Hà Nội nhìn thấy trong giấc mơ, trong bóng nước.

    Trần Văn Nhơn mất đã lâu lắm.
    Hoàng Dương vẫn còn ở Hà Nội.
    Hà Nội hiện có bao nhiêu đổi thay so với Hà Nội trong nhạc Hoàng Dương và trong nhạc Trần Văn Nhơn?

    Nguyễn Đình Toàn
    (trích “Bông Hồng Tạ Ơn” Hoa Kỳ 2006)


    (Nguồn : http://cothommagazine.com)

  3. #3
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default

    Trước khi bước vào giai đoạn kế tiếp của tình ca trong âm nhạc Việt Nam từ năm 1954 - 1975 ở miền Nam, xin mời quý bạn nghe lại phần tóm tắt ngắn của tác giả Hoài Nam về âm nhạc miền Bắc sau năm 1954, đồng thời ghi chú thêm một ít giai thoại về nhạc sĩ Đào chuẩn của nhà văn Văn Quang.


    Trích:
    "...Có lần tôi nghe một anh cán bộ nói chuyện. Anh ta liệt Thiên Thai, Trương Chi vào loại nhạc vàng. Theo anh, người ta đã thí nghiệm cho lợn nghe loại nhạc nầy thì lợn bỏ ăn, đổ bệnh. Quả thật điều phi lý nhất, nghe mãi cũng quen tai...(theo nhà phê bình văn học Đặng Anh Đào).

    Xin nghe tiếp phần tóm tắt trong bài Thiên Thai dưới đây:






    Ðoàn Chuẩn: một giai thoại đẹp và buồn

    Văn Quang, từ Sài Gòn, ngày 22.7.2011

    Có những đêm về sáng
    Ðời sao buồn chi lắm cố nhân ơi!


    Ðó là nhạc Ðoàn Chuẩn. Nhạc của ông thường vẳng lên trong tâm tưởng tôi suốt 12 năm nằm trong “trại cải tạo” giữa những núi rừng miền Bắc giá buốt và miền Nam hiu quạnh. Không còn là nỗi nhớ, không còn là những tiếc nuối mà là nỗi u uất, thăm thẳm mịt mờ. Còn gì bi thảm hơn những đêm về sáng, nằm một mình giữa rừng núi hoang dại và mình cũng dại dột nhìn về dĩ vãng. Tuy thế, nhìn về dĩ vãng vẫn hơn là nhìn về tương lai chẳng có gì, chẳng còn gì, cũng thăm thẳm mịt mờ như núi rừng đêm nay và tất cả mọi đêm.

    Nỗi ao ước âm thầm: Ước gì được nghe trọn vẹn một bản nhạc của Ðoàn Chuẩn!

    Ðau xót mà nghe, càng nghe càng thấm, nghe bao nhiêu đau bấy nhiêu, như người ta muốn khóc thật to để vơi được phần nào những buồn khổ. Nhưng làm sao nghe được trong hoàn cảnh đó. Cho nên nó cứ vương vất nghẹn nỗi đau làm sao. Chỉ trong hai câu trong bản nhạc đó thôi, hình ảnh của người yêu, của bạn bè bật dậy, cả một quãng đời hiện lên mơ hồ, quằn quại như điệu múa từ tiền kiếp, không bao giờ gặp lại.

    Hôm nay giữa TP Saigon, tôi ngồi nghe lại cả một cuốn CD nhạc Ðoàn Chuẩn khi nghe tin anh mất. Từ Hà Nội một người bạn tôi điện thoại cho biết tin này đầu tiên, trước khi những tờ báo ở Sài Gòn loan đôi dòng về tin buồn này. Người bạn tôi đã có từng có thời gian ở Hải Phòng vào những năm 1952-1953 và cũng đã có một số kỷ niệm với anh Ðoàn Chuẩn. Tôi cũng có một vài kỷ niệm nhưng là rất nhỏ, trước hết là nó nhỏ với một nghệ sĩ lớn tuổi như Ðoàn Chuẩn, có lẽ đến sau này anh chẳng còn nhớ tôi là “thằng nhóc” nào. Bởi anh hơn tôi đến gần 10 tuổi. (Anh sinh ngày 15-6-1924, tôi sinh năm 1933). Tuổi 19-20 với tuổi 30 khác nhau nhiều lắm. Còn hơn thế, hồi đó anh đã là một nghệ sĩ có tên tuổi, còn tôi chỉ là một anh “nhí”, đang là một “mầm non văn nghệ”.

    Ðoàn Chuẩn và nhóm văn nghệ Hoa Niên
    Nhóm Văn nghệ Hoa Niên của Hải Phòng thành hình vào khoảng năm 1952 do họa sĩ Trọng Thường thành lập. Thời kỳ của những thành phố mới hồi sinh sau giai đọan đầu của kháng chiến chống Pháp. Cả thành phố Cảng của miền Bắc dường như chỉ có một nhóm văn nghệ duy nhất đó thôi. Người trưởng thành nhất là họa sĩ Trọng Thường, anh đã từng tham gia trong một vài đoàn văn công kháng chiến rồi trở về “thành”, hồi ấy người ta gọi là “dinh tê”. Nhóm văn nghệ gồm khoảng chừng trên 10 người, những ca sĩ “hạng nhất” vào thời đó như Ngọc Quang, Tường Vi và những ca nhạc sĩ mới ra lò như Hoài An, Huyền Linh, Phó Quốc Thăng, Thu Huyền, Lương Thảo, Trần Hải… Sở dĩ tôi được gia nhập nhóm này vào cái tuổi 19-20 vì thỉnh thoảng đi chơi với Lương Thảo, Trần Hải và cũng đã có vài bài viết lách trên mấy tờ báo ở tận Hà Nội như Cải Tạo, Tia Sáng. Thời đó, Hải Phòng chưa hề có một tờ báo nào.

    Vì thế nhóm văn nghệ “tài tử” này được dư luận chú ý. Khoảng giữa năm 1952, chúng tôi chuẩn bị tổ chức một buổi trình diễn thi ca nhạc kịch tại nhà hát lớn thành phố. Một tờ chương trình được in rất xôm, bài thơ của tôi đã “được đăng” trên nhật báo Tia Sáng cũng xuất hiện trên trang 2 của tờ chương trình này.

    Trước buổi trình diễn thi ca nhạc kịch chừng một tuần lễ, anh Ðoàn Chuẩn đến thăm. Trụ sở của chúng tôi là căn nhà ngoài của anh em ca sĩ Ngọc Quang, trên con đường nhỏ gọi là Ngõ Nghè. Anh Ðoàn Chuẩn lúc đó đã đạo mạo lắm rồi. Dáng người khỏe mạnh, bảnh bao nhưng rất hiền lành. Anh hỏi thăm về đêm trình diễn và dĩ nhiên anh Trọng Thường không bỏ qua dịp may mời anh Ðoàn Chuẩn trình diễn một bản guitare Hawaiennne vốn là thứ đàn mà anh Ðoàn Chuẩn rất thành thạo. Anh nhã nhặn từ chối lấy cớ bận đi Hà Nội. Anh chỉ hứa sẵn sàng cho mượn một cái magnétophone để thu lại toàn bộ chương trình hôm đó. Vào thời này có được cái máy như thế không phải là chuyện nhỏ. Không những phải là con nhà giàu mà con phải là tay biết chơi mới gửi mua thứ này tận bên Tây. Nhưng rồi đến đêm trình diễn, chuyên viên thu thanh đã làm cháy cái máy ghi âm đó của anh.
    Công tử của thành phố Cảng
    Cũng vì chuyện này mà sau đó vài tuần tôi còn được gặp lại anh Ðoàn Chuẩn. Anh hỏi thăm anh Trọng Thường để lấy lại chiếc magnétophone. Anh Ðoàn Chuẩn cho tôi leo lên chiếc xe hơi, đó là chiếc xe Buick kềnh càng, láng coóng. Hồi đó cả miền Bắc chỉ có hai chiếc xe Buick nên anh Ðoàn Chuẩn rất tự hào về điều này. Nếu không có vụ này chắc chẳng bao giờ tôi được ngồi trên chiếc xe đó. Tôi đưa anh đến nhà anh Trọng Thường ở phố Cầu Ðất lấy lại chiếc máy dù nó đã bị cháy. Anh nhận lại máy mà không hề phàn nàn một tiếng. Tôi lo ngại theo dõi từng thái độ của anh và tôi lễ phép nói: “Cả nhóm lo lắm, anh Trọng Thường rất ân hận, phải trốn anh đấy. Không biết lấy gì mà đền anh đây”. Anh lắc đầu: “Anh sẽ gửi đi sửa, có ai muốn làm cháy đâu.” Tôi kính phục cử chỉ đó của anh.

    Hồi đó anh được tiếng là công tử thành phố cảng. Một thành phố có hoa phượng đỏ trên cao, có lá me bay vàng đường và có những tàn lá bàng che rợp những mái hiên, nhưng không có những hàng sấu như Hà Nội. Gia đình anh nổi tiếng, hầu như khắp thành phố này không ai không biết tên. Hãng nước mắm Vạn Vân không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà là ở cả Ðông Dương. (Người ta thường truyền tụng “cốm Vòng, cà Báng, húng Láng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân).

    Cửa hàng nhà anh gồm bốn năm gian rộng trên đường vào Chợ Sắt. Thỉnh thoảng có dịp đi qua trước nhà anh tôi thường lén nhìn vào, cũng chẳng biết để làm gì.

    Trong óc tưởng tượng của tôi, đôi khi tôi nghĩ đến một ngày nào đó sẽ được thấy chị Ðoàn Chuẩn. Qua những bản nhạc của anh, qua cung cách sống của anh, tôi hình dung ra một thiếu phụ rất hiền rất đẹp, da trắng như trứng gà bóc, vận chiếc áo dài bằng nhung xanh (màu xanh vốn là màu của Ðoàn Chuẩn), cổ đeo chiếc kiềng vàng, chân đi đôi hài thêu, đầu vấn tóc trần, có đôi mắt bồ câu đen lánh… Nhưng quả là tôi chưa thấy bao giờ, cho nên đến nay hình ảnh ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

    Sau năm 1954, anh ở lại miền Bắc, tôi ở miền Nam. Tôi có nhiều dịp để tìm hiểu về anh và những nghệ sĩ còn ở lại miền Bắc. Nhưng về anh thì tuyệt vô âm tín. Những nghệ sĩ như Văn Cao, Tô Vũ còn thấy sáng tác, còn tham gia hoạt động ở một số cơ quan. Song Ðoàn Chuẩn thì vẫn yên lặng. Thỉnh thoảng nghe lại những bản nhạc của anh, tôi thực sự thấy lòng nao nao. Gửi gió cho mây ngàn bay, Thu quyến rũ, Tà áo xanh, Tình nghệ sĩ… đều là những tác phẩm bất hủ. Những phòng trà ca nhạc, vũ trường thời đó hầu như đêm nào người ta cũng được nghe những bản nhạc Ðoàn Chuẩn, lên ngôi nhất là Thu quyến rũ do Ánh Tuyết hát (Ánh Tuyết xưa chứ không phải Ánh Tuyết ngày nay tại Sài Gòn, không phải Ánh Tuyết trong CD nhạc mà tôi vừa nghe vừa viết bài này).

    Tôi phát biểu ở đây một nhận định rất riêng tư, một so sánh đầy cảm tính. Nếu nhạc của cố nhạc sĩ Văn Cao thanh cao, lời lẽ rất văn hoa, bay như cánh chim trong khung trời hoa thơm cỏ lạ đến tận Thiên Thai thì nhạc của cố nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn lời lẽ bình dị, không bay bổng nhưng thấm sâu, rất sâu, hầu như bài nào cũng là nỗi nuối tiếc, đau đớn của con người thật đang sống. Có cảm tưởng như nỗi đau ở trước mặt, có thể sờ thấy, có thể cảm nhận rất rõ, nó quanh quẩn đâu đó như một phần cơ thể của chính mình. Nó gần gụi với người nghe lắm, như một lời tâm tình giản dị mang xuyên suốt một tình yêu tuyệt vọng với hình bóng thân thuộc của quá khứ đã… tàn rồi nhưng không bao giờ phai. Những bản nhạc của anh thường ký tên chung với một người bạn thân là Từ Linh, có người nói Ðoàn Chuẩn chỉ ký tên chứ Từ Linh không làm nhạc, nhưng có người bạn tôi là anh em kết nghĩa với Từ Linh lại cam đoan rằng đã từng thấy Từ Linh làm nhạc. Nhưng Từ Linh không xuất hiện bao giờ nên Từ Linh như một “ẩn số” với nhiều thính giả. Theo tin tức tôi có thì Từ Linh đã mất vào khoảng năm 1987 vì bệnh ung thư.
    Những bí mật về bài ca được công bố cuối cùng
    Ngòai những bản nhạc tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, tôi thật sự kinh ngạc khi nghe bài Vĩnh Biệt trong CD “Gửi gió cho mây ngàn bay” do nữ ca sĩ Ánh Tuyết hát, Trung tâm băng nhạc Trẻ thực hiện, Bảo Chấn hòa âm. Thoạt tiên mở đầu bản nhạc, nghe như có tiếng trống thúc đâu đây, cứ ngỡ là bài hùng ca. Và ngay câu đầu tiên người ta đã nghe thấy lời ai oán của một “chiến tướng” đứng trước một thành quách bị tàn phá dưới tay quân địch: “Ai đốât Cô Tô thành vì đôi mắt giai nhân hề, lửa cháy báo tin rằng thành quách ta… Ai trót nhấp men tình để Mỵ Cơ thương nhớ, khi khóc rồi Tiễu Nhiên còn mơ…” “Em khác gì Quỳnh Giao, lúc cam lòng phung phí hết xuân xanh, lúc đêm về, thương cho đời mà cũng ghét cho đời mà cũng chán cho đời…” Tâm tình Tiễu Nhiên – Mỵ Cơ, Phạm Lãi – Tây Thi phải chăng chính là tâm trạng tác giả: Thương, ghét và chán chường? Nỗi niềm u ẩn cho cuộc tình và cho cuộc đời mình. Bài ca Vĩnh biệt còn được gọi là “Bài ca bị xé”. (Tôi được biết ở hải ngoại bài này còn được đặt tên là Vàng phai mấy lá). Và bài ca cho đến mãi sau này mới được phổ biến. Tại sao vậy? Ðây là một bí mật riêng tư của tác giả. Nhưng nay anh đã thành người quá cố, những người yêu nhạc của anh thì chắc nhiều người muốn biết. Có người cho rằng bài này được làm từ năm 1955, đó là kết quả của một mối tình tuyệt vọng giữa Ðoàn Chuẩn và một danh ca thời xưa, nay còn sống ở Sài Gòn.. Có nghĩa là tác giả yêu nhưng không bao giờ được yêu lại. Bởi thế nên bài ca bị xé.

    Nhưng tôi đã đem ý kiến này hỏi nhạc sĩ Lê Hoàng Long, một người bạn của anh Ðoàn Chuẩn và một vài người khác. Có người cho rằng đó là kết quả của một mối tình nồng nàn say đắm.
    Hồi đó anh Ðoàn Chuẩn ở Hải Phòng yêu một nữ danh ca ở Sài Gòn. Anh đã yêu cầu một hàng bán hoa ở đường Catinat, mỗi ngày đưa đến tặng nữ ca sĩ một bó hoa tươi nhưng không ghi tên người gửi. Nữ ca sĩ này không nhận và đòi phải cho biết tên. Ðoàn Chuẩn hứa là sẽ cho biết tên sau nửa tháng. Và nửa tháng sau đó Ðoàn Chuẩn đã tiết lộ tên người gửi hoa. Trong hoàn cảnh như thế ai cầm lòng cho đậu. Mối tình bắt đầu. Nhưng tiếc rằng cả hai người đều đã có gia đình nên một thời gian sau mối tình tan vỡ. Bài ca cũng đã nói lên sự “đàn trùng dây, phím lỡ”.

    Bài ca không được phổ biến và bị xé vì mang nỗi đau thương như không thể nói thành lời, như một sự dỗi hờn với định mệnh. Nhưng tất cả chỉ là dự đoán. Sự thật như thế nào chỉ có ông mới biết và những người yêu nhạc Ðoàn Chuẩn bây giờ coi như một giai thoại đẹp và buồn khi vĩnh viễn chia tay với người nghệ sĩ tài hoa, người mãi mãi là một công tử, một nghệ sĩ tài tử đúng nghĩa nhất đối với tôi.
    Một bài thơ của Ðoàn Chuẩn
    Khi tôi vừa viết xong bài này, nhạc sĩ Lê Hoàng Long có đưa cho tôi một bức ảnh của anh Ðoàn Chuẩn và phía sau bức ảnh có hàng chữ ghi :

    “Long,

    Tao mời mày chén rượu đầu xuân con Rắn,

    và ngâm:


    Em ơi! Lá có rơi ngoài muôn ngả,
    Thì chung quy cũng chỉ vì đất thân yêu.
    Anh phong sương, mưa nắng đã hoen nhiều
    Ðời nhạc sĩ có gì vui đâu em hỡi!
    Anh ra đi em cũng đừng chờ đợi
    Mai anh về kia nữa hoặc… chẳng bao giờ”...


    Vàng Phai Mấy Lá/Vĩnh Biệt - Đoàn Chuẩn,Từ Linh


  4. #4
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Tác Giả & Tác Phẩm : 1955 - 1970

    Hành Trình Âm Nhạc :Tác Giả & Tác Phẩm (Miền Nam Tự Do 1955 - 1970)




  5. #5
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Tưởng nhớ nhạc sĩ Nhật Bằng



    Tưởng nhớ nhạc sĩ Nhật Bằng

    Sau hàng chục năm dâng hiến cuộc đời mình cho âm nhạc, nhạc sĩ Nhật Bằng đã qua đời vào lúc 8 giờ 30 tối thứ Saù 07 tháng 05 năm 2004 do tai biến mạch maù não tại Fairfax, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông hưởng thọ 74 tuổi.
    Từ nhiều năm nay, nhạc sĩ Nhật Bằng an hưởng tuổi già bên cạnh vợ con, cũng như có thú gặp gỡ bạn bè trong vòng thân mật. Nhóm bạn của ông là những người đã từng cùng với ông hoạt động từ thập niên 50, qui tụ thành một nhóm được gọi là "Nhóm Ngày Thứ Năm", thường được những người trong nhóm gọi theo tiếng Pháp là "Club Jeudi" gồm các ca nhạc sĩ Nguyễn Túc, Anh Ngọc, Văn Phụng, Châu Hà và một số nghệ sĩ khác ở quanh vùng Hoa Thịnh Đốn. Trước ông, một hội viên của "Club Jeudi" là nhạc sĩ Văn Phụng đã ra đị Những lần gặp gỡ bạn bè đó chính là những giây phút để Nhật Bằng hồi tưởng lại một thời kỳ cực thịnh của nền tân nhạc VN mà phần lớn được phát triển qua những chương trình ca nhạc phát thanh với những tên tuổi vừa được nhắc tới đã tạo được rất nhiều ảnh hưởng nơi những người yêu nhạc.
    Nhật Bằng đến với âm nhạc rất sớm. Khi mới lên 17 tuổi vào năm 1947, ông đã sáng tác nhạc phẩm đầu tay mang tên "Đợi Chờ", ghi lại một mối tình thời học trò của ông khi còn ở Hậu Phương. Nhật Bằng cho biết tựa đề chính của nhạc phẩm này là "Hoa Trăng", nhưng khi người bạn rất thân của ông là cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương mang vào Sài Gòn phổ biến đã đổi thành Đợi Chờ...
    Nhật Bằng sinh năm 1930 tại Hà Nội trong một gia đình có 4 người con. Thân phụ ông quê ở Thanh Hóa, thân mẫu ông là người Hà Nội. Ông là anh cả của 3 nghệ sĩ đã có thời gian cùng với ông kết hợp thành ban hợp ca nổi tiếng Hạc Thành, với người em trai là Nhật Phượng và 2 em gái là Thể Tần và Hồng Hảo. Tại Hà Nội, Nhật Bằng theo học trường Bưởi và là bạn rất thân của một số nghệ sĩ cùng lớp như Vũ Đức Nghiêm và Phạm Đình Chương. Một thời gian sau, gia đình ông tản cư vào quê nội là Thanh Hóa. Tại đây ông theo học trường Đào Duy Tư và học nhạc với nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt về hòa âm và đàn piano .
    Đến năm 1950, Nhật Bằng một mình từ Thanh Hóa trốn gia đình về Hà Nội trước và tiếp tục theo học tại trường Hàn Thuyên. Năm sau, ông cùng với các em thành lập ban hợp ca Hạc Thành, hoạt động với tính cách tài tử cho đến 3 năm sau mới trình diễn chính thức trên sân khâù và trên đài phát thanh trong chương trình do ông phụ trách. Ban hợp ca Hạc Thành được biết đến nhiều qua những nhạc phẩm như Trăng Rừng, Được Mùa và một số nhạc phẩm thường được ban Thăng Long trình bầy. Nhưng chỉ một thời gian sau đó, khi một thành viên trong ban là Hồng Hảo lập gia đình thì Hạc Thành tan rã để lưu lại nhiều luyến tiếc cho mọi người.


    Trong thời gian ở Hà Nội, Nhật Bằng đã tung ra khá nhiều nhạc phẩm như Khúc Nhạc Ngày Xuân, Dạ Tương Sầu và Một Chiều Thu .
    Nhật Bằng gia nhập quân đội năm 1952 trong ngành quân nhạc cùng với các nhạc sĩ nổi danh sau đó như Nguyễn Túc, Nguyễn Hiền, Văn Phụng, Đan Thọ, vv...Đến năm 54, ông theo trường quân nhạc vào Nha Trang và ở tại đây 2 năm. Trong thời gian này ông đã cho ra đời những tác phẩm như Vọng Cố Đô, Tiếng Vọng Rừng Xanh, vv...Trong số này có vài nhạc phẩm ông sáng tác chung với Đan Thọ. Đến năm 56, Nhật Bằng vào Sài Gòn và kể từ đó những sáng tác của ông bắt đầu được biết đến nhiều...
    Trong suốt 13 năm, từ năm 56 cho đến năm 69, là thời kỳ sáng tác hăng say của Nhật Bằng, đang ở trong thời kỳ sung mãn nhất của cuộc đời nghệ sĩ. Ngoài những nhạc phẩm sáng tác riêng rẽ, Nhật Bằng còn sáng tác chung với những nghệ sĩ bạn như Nguyễn Hiền, Đan Thọ, Huỳnh Hiêù, Văn Phụng, Lê Văn Thiện, Xuân Lôi, Xuân Tiên và Thanh Nam. Những nhạc phẩm của Nhật Bằng được phổ biến nhiều trong thời kỳ này gồm: Khúc Nhạc Ngày Xuân, Lỡ Làng, Mai Ngày Anh Về, Hãy Quên Niềm Thương Nhớ, Tình Nghệ Sĩ, Mưa Đầu Mùa, Hương Quê, Bóng Người Chiến Sĩ. Nhưng có thể nói nhạc phẩm được coi như gắn liền với tên tuổi ông là Thuyền Trăng, sáng tác chung với Thanh Nam.
    Trong thời gian đầu tiên làm việc ở đài Phát Thanh Quân Đội, Nhật Bằng có dịp quen biết với một nữ nhân viên tùng sự tại đây tên Vũ Thị Tường Huệ và đến năm 1958 thì người thiếu nữ này trở thành vợ ông và đã nghỉ việc sau đó để lo việc quán xuyến gia đình. Vào thời kỳ này ban tam ca nam có cái tên ngộ nghĩnh là "Do Si La" ra đời do ý kiến của nhạc sĩ Văn Phụng. Với bộ ba: Anh Ngọc, Nhật Bằng và Văn Phụng, "Do Si La" đã chiếm ngay được cảm tình của khán thính giả qua cách trang phục lạ mắt với những chiếc áo nhiều mầu sắc với những sọc ca rô hay những hình vẽ chim cò sặc sỡ. Nhưng đặc biệt hơn cả là nghệ thuật trình bầy những nhạc phẩm tươi vui, phần lớn là của Văn phụng, như Vó Câu Muôn Dặm hay Ta Vui Ca Vang.



    Riêng về lãnh vực sáng tác, Nhật Bằng cho biết đến năm 69 ông không còn cảm thấy hứng khởi để tiếp tục công việc này sau khi đã cho ra đời được khoảng 100 nhạc phẩm.
    Ngoài những hoạt động ở các đài phát thanh, sau khi ngưng sáng tác, Nhật Bằng còn có thời gian hoạt động trong pohạm vi vũ trường và các club Mỹ khi còn ở Sài Gòn. Ông đã cộng tác với Vũ trường Đêm Mầu Hồng từ đầu thập niên 70 cho đến khi đóng cửa. Với ban nhạc cộng tác với vũ trường này gồm Nguyễn Hiền, Quang Mai và Nghiêm Phú Phi, Nhật Bằng xử dụng contre-basse là nhạc khí ông ưa thích nhất mặc dù còn biết xử dụng violon, kèn và piano .
    Sau biến cố tháng Tư năm 75, Nhật Bằng và gia đình kẹt lại VN trong khi 3 người em của ông đã sang được Hoa Kỳ ngay trong năm đó. Trước tình thế đổi thay và gặp cảnh ly tán với những người thân thuộc, Nhật Bằng đã tỏ ra rất chán nản, nhất là sau đó ông còn bị đi tù vì đã phục vụ trong ngành Tâm Lý Chiến, mặc dù chỉ với chức vụ chuẩn úy. Trong suốt 7 năm bị giam cầm, Nhật Bằng đã không có một sáng tác nào vì đầu óc luôn vướng bận với gia đình, vợ con đang lâm vào cảnh khổ cực, vất vả. Đến năm 82, ông được trả tự do với một nguồn cảm hứng gần như là kiệt quệ, để ông chỉ tìm đến với ca nhạc như một kế sinh nhai khi cùng với nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu cùng với một vài nhạc sĩ trẻ ôm đàn đi trình bầy những nhạc phẩm tiền chiến vào khoảng năm 86, khi những nhạc phẩm này được cho phép phổ biến...
    Do sự hưởng ứng nhiệt liệt của các khán giả, những chương trình nhạc tiền chiến đã thu hút được rất đông người tham dự tại khách sạn Bến Nghé, tại nhà hát Thanh niên cũng như tại nhiều tụ điểm khác.
    Căn cứ trên nội dung những sáng tác của Nhật Bằng, người nghe sẽ dễ dàng nhận ra 3 thể loại khác biệt. Đó là nhạc quê hương, nhạc tình cảm và nhạc chiến đâù là thể loại ông sáng tác trong thời kỳ phục vụ trong quân đội. Những nhạc phẩm mang nội dung hướng về quê hương như ông nói, đúng hơn là những nhạc phẩm liên quan đến những nơi chốn ông đã dừng chân hoặc cư ngụ một thời gian ngắn, tiêu biểu về loại nhạc này là những nhạc phẩm như " Bóng Quê Xưa, Anh Về Một Mùa Trăng, Nước Mắt Quê Hương này, Sau Lũy Tre Xanh ,vv... " Về nhạc tình cảm, Nhật Bằng cho biết một phần những sáng tác của ông dựa trên những kinh nghiệm bản thân. Về loại nhạc tình cảm của ông, người nghe đã từng được thưởng thức những nhạc phẩm tiêu biểu như Dạ Tương Sầu, Lỡ Làng, Bóng Chiều Tà, Một Chiều Thu hay Mai Ngày Anh Về, vv...
    Qua đến loại nhạc chiến đâù trong thời kỳ quân ngũ, Nhật Bằng lại chứng tỏ thêm về khả năng đa dạng của mình. Những nhạc phẩm như Bóng Người Chiến Sĩ và Chiến Sĩ Ca là những nhạc phẩm được phổ biến rất rộng rãi. Nhất là nhạc phẩm Chiến Sĩ Ca có thể được coi là một trong những nhạc phẩm được biết đến nhiều nhất trong quân đội... Nhạc phẩm Chiến Sĩ Ca vừa được nhắc tới, được Nhật Bằng sáng tác vào năm 68 và đã đoạt giải thi sáng tác nhạc trong quân đội.
    Vào năm 90, Nhật Bằng cùng vợ và 5 người con được sang Mỹ theo diện HỌ Ông còn một người con trai tên Nhật Hào là một ca sĩ từng có nhiều hoạt động ở VN. Bốn trong số 5 người con hiện ở Mỹ với ông đã thành lập một ban nhạc lấy tên là The Blue Ocean, nổi tiếng ở vùng Washington DC và các vùng phụ cận. Từ khi sang Mỹ đến nay gia đình nhạc sĩ Nhật Bằng định cư ở tiểu bang Virginia, và ngôi nhà khang trang gia đình ông mới dọn tới từ giữa năm 99 ở tại thành phố Herndon thuộc Fairfax, tiểu bang Virginiạ Sau một thời gian, dần dần Nhật Bằng cảm thấy thích hợp hơn với cuộc sống nơi xứ người, nhưng dù sao thì công việc sáng tác nơi ông đã lâm vào một trường hợp trì trệ để chỉ sáng tác được vỏn vẹn có vài nhạc phẩm trong vòng 14 năm. Hầu hết những nhạc phẩm đó được sáng tác trong những năm đầu tiên, khi niềm thương nhớ quê hương của ông ở trong thời kỳ mãnh liệt nhất. Từ một vùng đấ lạnh lẽo miền Đông Bắc Hoa Kỳ, Nhật Bằng đã hướng tâm hồn mình về nơi quê cha đât tổ để tạo thành những ca khúc như: Nước Mắt Quê Hương và và Nếu Em Có Về Thăm Quê Cũ, Mùa Đông Tuyết Trắng, vv...
    Vào năm 92, những bạn bè nghệ sĩ và thân hữu của Nhật Bằng đã tổ chức một đêm kỷ niệm 45 Năm sinh hoạt âm nhạc của ông tại Virginia với số khán giả tham dự rất đông đảo. Đêm kỷ niệm đặc biệt dành cho ông đã được sự tham dự của rất nhiều giọng ca tên tuổi như Mai Hương, Kim Tước, Hà Thanh, Anh Ngọc, Văn Phụng, Châu Hà, Vũ Anh,vv......Tất cả những nghệ sĩ vừa kể đã trình bầy lần lượt tất cả những ca khúc đánh dâù cho hoạt dodng âm nhạc của ông qua suốt 45 năm. Hai năm sau đó, vào năm 94 một lần nữa Nhật Bằng đã tìm được niềm vui bên cạnh bạn bè khi xuất hiện cùng với Văn Phụng, Châu Hà, Đan Thọ, Anh Ngọc và Nguyễn Túc trong chương trình văn nghệ đặc biệt nhân dịp lễ Hai Bà Trưng do hội Cựu Học Sinh Trưng Vương vùng Hoa thịnh Đốn tổ chức. Hình ảnh của ban tam ca Do Si La ngày nào lại được khơi lại nơi những tâm hồn nghệ sĩ, mặc dù tuổi đời đã chồng chất nhưng tâm hồn vẫn giữ mãi được sự trẻ trung. Đêm hội ngộ với những người bạn nghệ sĩ thân tình đó một lần nữa đã là một hình ảnh khó phai trong tâm hồn một người nghệ sĩ hiền lành và ít nói này.
    Khi còn sinh tiền, ngoài những sinh hoạt êm ả thường ngày, ngoài những lần chạy bộ để giữ gìn sức khỏe sau một lần phải đưa đi bệnh viện cấp cưù, Nhật Bằng gần như hàng tuần đều đến họp mặ.t với bạn bè. Cuộc sống của ông cứ thế êm ả trôi qua bên cạnh một nỗi hoài vọng về nơi quê cũ. Sự kiện đó đã thôi thúc ông trở về thăm VN vào năm 98. Ông đã gặp lại một số những nhạc sĩ quen biết từ lâu như Hoàng Giác, Thiện Tơ, Tạ Tấn và Nguyễn Văn Tý, tác giả bài hát nổi tiếng "Dư Âm". Theo Nhật Bằng, chính ông là người đã mang nhạc phẩm này của Nguyễn Văn Tý về Hà Nội phổ biến sau khi được sáng tác ngay tại nhà của ông ở Thanh Hóa, là nơi ông cũng đã trở về thăm phần mộ tổ tiên. Tuy không còn sáng tác, nhưng trước khi qua đời Nhật Bằng cũng muốn lưu lại một kỷ niệm về cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình, nên có dự định thực hiện một CD gồm 12 tác phẩm ưng ý nhất của ông. Nhưng tiếc rằng niềm mơ ước của Nhật Bằng đã không có cơ hội thành tựu khi ông còn sống. Tuy nhiên chắc chắn những người con của ông sẽ thực hiện niềm mơ ước đó cho ông trong một ngày không xa .

    (VOA, 18/5/04)


    Về Đây Anh (viết chung Nguyễn Hiền - Hoàng Oanh hát)


  6. #6
    Moderator
    chimtroi's Avatar
    Status : chimtroi v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2007
    Posts: 1,263
    Thanks: 5
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Nhạc sĩ văn phụng


    Nhạc sĩ Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh năm 1930 tại Hà Nội, trong một gia đình có 8 người con mà ông là thứ hai. Thuở ấy, phong trào âm nhạc cải cách (tân nhạc) mới du nhập vào Việt Nam và được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng. Văn Phụng đặc biệt có năng khiếu về tân nhạc nên được các giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng dìu dắt rất tận tình. 15 tuổi, ông đã nổi đình đám khi đoạt giải nhất độc tấu dương cầm với bản La Pirière d’une Viege tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 16 tuổi ông đã thi đậu tú tài. Ngặt nỗi ông bố (vốn là thông phán) lại quá nghiêm khắc, ông cấm không cho cậu con trai đi theo phường “xướng ca vô loài” mà chỉ muốn con mình làm… bác sĩ, nhưng Văn Phụng theo học ngành y chỉ được một năm rồi bỏ học đi theo tiếng gọi của âm nhạc.

    Năm 1948, Văn Phụng cho ra đời tác phẩm đầu tay Ô mê ly với tiết tấu sôi động, phấn chấn yêu đời Ô mê ly đời sống với cây đàn tình tình tang… Ô mê ly, mê ly đời ta. Ông thường cùng các bạn bè nam, nữ tụ tập đàn hát với nhau. Nếu như trong đám bạn trai, Văn Phụng như là một “chủ súy” bởi ngón đàn tài hoa thì trong đám bạn nữ vút lên một giọng hát rất đỗi “liêu trai” của Châu Hà, người thiếu nữ Hà Nội có mái tóc dài vẫn thường thả lỏng như một dòng suối.

    “Trai tài, gái sắc” cứ quấn quýt bên nhau, thế nhưng ông thông phán lại rất ác cảm với nghề xướng ca vô loài nên tìm đủ cách để ly gián tình yêu của con trai mình. Biết rằng gia đình Văn Phụng không chấp nhận mình, Châu Hà phẫn uất đi lấy chồng và theo chồng vào Sài Gòn để xa hẳn một quá khứ đẹp mà… buồn.

    Châu Hà đi rồi, một thời gian sau Văn Phụng cũng được bố mẹ cưới vợ. Ông chấp nhận như là để khỏa lấp những trống vắng mà Châu Hà đã để lại cho mình. Vợ ông cũng là người Hà Nội nổi tiếng “đẹp người, đẹp nết” rất được bố mẹ chồng thương quý. Đến khoảng đầu thập niên 1950, vợ chồng Văn Phụng đã có 2 người con gái. Những tưởng mọi sự đã an bài, nhưng tình xưa đâu dễ quên… Tất cả những nỗi nhớ thương đều được ông đưa vào các ca khúc của mình Tìm đâu thấy liễu xanh xanh lả lơi. Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai. Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai. Tôi thấy em một đêm thu êm ái… Người em gái đứng im trong hồi lâu. Tôi ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu. Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau. Như chúng ta đôi đời hàn gắn thương yêu… (Suối tóc – 1954).

    Rồi không ngăn được tiếng gọi của con tim, Văn Phụng vào Nam. Châu Hà lúc này đã trở thành ca sĩ chuyên hát ở đài phát thanh và các phòng trà cùng thời với những Mộc Lan, Linh Sơn, Ánh Tuyết… Văn Phụng cũng mau chóng hòa nhập vào làng ca nhạc miền Nam. Không chỉ sáng tác ca khúc, ông còn thành lập ban tam ca nam đầu tiên ở Việt Nam với Văn Phụng – Anh Ngọc – Nhật Bằng (Ban DoSiLa 1953-1954). “Tình cũ không rủ cũng tới” nhưng… không phải dễ dàng gì bởi còn đó những trói buộc gia đình, còn những lời đàm tiếu, dị nghị chung quanh. Chính những lúc buồn nản nhất, Văn Phụng đã viết Tôi đi giữa hoàng hôn (1962) với điệu slow rock :

    Tôi đi giữa hoàng hôn, khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương. Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài mà lòng thấy u hoài… Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa, trên những đường xa, thường thường hai đứa nắm tay nhau tươi cười, như thầm hẹn nhau mùa sau….

    Ở Tôi đi giữa hoàng hôn không hề có sự yếm thế, bi thảm mà là một nỗi buồn lâng lâng, siêu thoát. nhẹ nhàng và trầm ấm đầy chất phương Đông :

    …Dù cho mưa gió bên mái tranh nghèo. Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mờ, niềm tin yêu hằng xin mãi mãi không hề phai. Nhớ… Nhớ… Nhớ đêm nao trên bến Hoàng Hoa, hai đứa nhìn nhau, không nói một câu…

    Chính tình yêu đó, cuối cùng, vượt qua mọi trở ngại, “Kim – Kiều” đã lại tái hợp, tạo nên một đôi uyên ương nổi tiếng trong làng ca nhạc Sài Gòn một thời. Văn Phụng – Châu Hà có với nhau 2 người con gái (với người vợ trước ông có 5 gái, 1 trai). Văn Phụng mất ngày 17/12/1999, để lại khoảng 60 ca khúc.

    Chúng tôi đã mất đi một người bạn và Việt Nam đã mất đi một thiên tài âm nhạc Từ thập niên 50, 60, từ Hà Nội đến Saigon, nhạc Văn Phụng đã mang đến một nét mới lạ trong vườn nhạc Việt Nam. Qua các làn sóng phát thanh, các đài truyền hình, băng nhạc, các buổi trình diễn, phòng trà, dạ vũ… , các bản nhạc như Ghé bến Saigon, Suối tóc, Ô Mê ly, Trăng sáng vườn chè, Tôi đi giữa hoàng hôn, Yêu, Bức họa đồng quê.. ai nghe cũng mê thích vì nét nhạc khi vui tươi, lúc êm đềm, vài bản với hòa âm kiểu Âu Mỹ, kể cả lời ca cũng khác lạ với những bản nhạc thường nghe.

    Từ năm 75 có cuộc di cư vĩ đại ra ngoại quốc, nhạc Văn Phụng lại càng được trọng dụng. Các ban nhạc có khi đổi lại nhịp điệu cho hợp thời trang : slow đổi thành pop, boston thành rumba v.v… , ai mà không thích Ái Vân ca nhạc dân tộc tính Trăng sáng vườn chè…

    Tôi là bạn thân của Văn Phụng hơn 50 năm nay, nên biết rõ nhau từ thuở mới bước chân vào nghề nhạc, chưa có danh vọng tiền bạc, cùng thời với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Phạm Nghệ, và vì thời cuộc cùng gia nhập ban Quân nhạc, ta gọi là “lính kèn”, với Nguyễn Khắc Cung, Nhật Bằng, Ðan Thọ, Vũ Thành, Hoàng Trọng v.v… Chúng tôi cùng chia xẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống về nhạc, tuy nhiên không bao giờ tâng bốc nhau trong vấn đề nghệ thuật.

    Hôm nay, Văn Phụng đã đi rồi, tôi viết ở đây vài giòng cảm nghĩ của tôi với người bạn vong niên mà tôi vẫn thần cảm phục, và tôi đã gán cho anh danh hiệu “thiên tài”, không phải là không lý do, cũng như đối với vài nhạc sĩ Việt Nam khác. Hai chữ đó là chữ Hán nhưng chắc ai cũng hiểu là nói về những người đã được trời ban cho tài cán đặc biệt mà người khác không thể nào bằng trong một giới nào, nhất là về nghệ thuật. Tìm trong hàng triệu người mới thấy một Beethoven hay một Picasso.

    Văn Phụng đã được trời ban cho tài, không những là một nhạc sĩ về sáng tác mà còn là một nhạc sĩ về hòa âm, trình tấu và kỹ thuật âm thanh. Quý vị nào đã chơi hay hiểu về nhạc thấy rằng chỉ giỏi trong một phương diện về nhạc không thôi cũng đã khó và phải có đủ điều kiện thiên phú, thời gian học hỏi, kinh nghiệm v.v…

    Trước hết, về tài sáng tác, anh đã viết rất nhiều, bài nào thường cũng hay cả lời lẫn nhạc, nét nhạc và đầu đề thật là độc đáo nên ca sĩ nào cũng thích hát nhạc Văn Phụng. Về tài trình tấu, Văn Phụng chơi nhạc trong ban Quân nhạc Ðệ tam Quân khu, đài phát thanh và Vô tuyến truyền hình Quốc gia và Quân đội, tại phòng trà và vũ trường nhiều năm ở Hà Nội, Saigon và Hoa Kỳ, sử dụng nhiều nhạc khí.

    Tôi thích nhất là tiếng kèn clarinet của anh lả lướt êm dịu như của những nhạc sĩ Âu Mỹ có tiếng về jazz và ngón chơi piano đặc biệt của anh, với những lèo láy bay bướm hay những hợp âm mới lạ, lồng theo tiếng ca, khi anh đệm nhạc cho một ca sĩ.

    Sau hết, về tài kỹ thuật âm thanh, Văn Phụng rất thành thạo cả về máy móc thâu thanh và các nhạc khí điện tử. Tôi còn nhớ một lần, sau khi mua một đàn điện synthetizer, có hơn 100 tiếng đàn khác nhau, anh đã xóa hết những tiếng cũ và thay vào trong đàn những tiếng theo thứ tự anh lựa chọn, một điều không dễ mà chưa bao giờ một nhạc sĩ mua đàn, mà lại mất công tự làm lại theo ý thích của mình. Hơn nữa, anh lại lấy một số tiếng đàn tây phương thay đổi, chuyển thành tiếng đàn ta như sáo tre, đàn tranh, đàn bầu ..

    Vì thế, mỗi lần mua đàn điện mới, tôi cứ việc nhờ Văn Phụng đi mua cho tôi một chiếc đàn giống đàn của anh đã có và đã nghiên cứu rồi về chỉ lại cho tôi chơi ngay, nên tôi không phải mất công đọc sách chỉ dẫn. Tôi đã học hỏi nhiều ở anh nhữõng bước đầu về kỹ thuật và máy móc để thâu thanh.

    Anh đã may mắn có nhiều kinh nghiệm về dụng cụ và kỹ thuật âm thanh khi anh làm việc tại đài phát thanh và cơ quan UFO Hoa Kỳ ở Việt Nam cùng đài TV56 PTA ở Virginia .

    Nhân tiện, tôi xin phép quý vị kể vài cá tính của anh mà tôi biết đã giúp anh thành công trong đời nhạc sĩ của anh. Nhiều người có thiên tài chưa chắc đã thành công, nếu không thêm vào đó những cá tính hay, đặc biệt của mình.



    Thứ nhất là Văn Phụng thật sự có một tâm hồn nghệ sĩ, một điều không bao giờ anh tự nói ra. Anh thích cây cỏ, thiên nhiên… Vài năm sau khi định cư tại Mỹ, anh mua được một căn nhà nhỏ ở đường Baclick, Springfield, Virginia . Anh thích thú trồng nhiều cây khác nhau, như 150 cây hoa hồng đủ các loại và biến mảnh vườn nhỏ của anh thành một tiểu thiên đàng, để sáng dậy sớm ngắm trời xanh, nghe chim hót, ngồi uống trà… Chính anh tự sửa sang vườn lấy, chăm sóc từng cây, nghiên cứu từng loại và anh kể là có lúc anh làm vườn cả ngày trong thời kỳ không có việc. Anh cũng thường nói nếu sau này được sống trong một căn nhà biệt lập trên núi, hoặc ở bãi bể, gần rừng cây để làm nhạc thì thật tuyệt. Giấc mơ đó đã muộn mất rồi !

    Văn Phụng thường nói với nhiều người là ước gì cộng đồng Việt Nam thành lập được một Club giống như Country Club của Mỹ, nghĩa là một câu lạc bộ mà ngày nghỉ, gia đình, con cái, bạn bè đến tập họp ăn uống, vui chơi đủ môn giải trí, thể thao . Hơn nữa, câu lạc bộ còn có một sân khấu lớn đầy đủ âm thanh, đèn màu để tổ chức thường xuyên nhạc hội ca vũ nhạc Việt Nam, các đoàn ở xa đến đã có sẵn nơi trình diễn. Về cưới hỏi, câu lạc bộ có thể đảm nhiệm để lấy tiền. Các hội viên là những quý vị yêu nghệ thuật, sẽ đóng góp vài trăm một tháng, nếu cần Văn Phụng sẽ tình nguyện làm manager trông nom. Mỗi lần thấy Văn Phụng nói chuyện đó, tôi và Nhật Bằng thường cười với nhau, vì ước vọng của anh quá lớn, khó có thể thực hiện được.

    Cá tính thứ hai của Văn Phụng là sự bền chí để đi đến tuyệt hảọ Anh tự thâu thanh lấy một nhạc phẩm của anh viết , soạn hòa âm và phối khí trên thị trường. Bức tranh lớn, (1.20m x 0.80m) có khi đến 5, 7 lần mà vẫn không nản, thú thật tôi thâu đến 2, 3 lần là phải nghỉ rồi . Anh chơi nhạc tại vũ trường từ xưa nên quen thức đêm, thường đến 1, 2 giờ sáng. Mỗi lần mua một đàn điện, anh thức đêm có khi mấy tháng để nghiên cứu cây đàn mới .

    Cá tính thứ ba của Văn Phụng là sự cẩn thận rất mực. Ở nhà anh, bất cứ chỗ nào, nơi làm việc, kể cả trong nhà tắm, nơi nào cũng đầy những mảnh giấy nhỏ ghi bằng mực đậm những điều phải làm, có khi những ý nghĩ riêng của anh nữa. Anh rất có trách nhiệm khi đi trình diễn, bao giờ cũng có mặt trước 2 tiếng đồng hồ.

    Một lần tôi đi chơi nhạc đám cưới với anh tại nhà hàng China Garden, bắt đầu lúc 7 giờ, thế mà Văn Phụng đã rủ tôi đi từ lúc 3 giờ chiều để sửa soạn đàn và thử âm thanh. Anh nói sớm còn hơn muộn, ở nhà thêm ít phút có hơn gì đâu. Việc gì cũng có thể xảy ra được, lỡ đi đường gặp tai nạn thì làm sao kịp giờ. Anh không thích ai đến nói chuyện trong khi anh chơi nhạc hay để ly nước trên mặt đàn dương cầm của anh. Trong phòng nhạc, anh tự đóng lấy nhiều kệ bằng gỗ rất đẹp, chạy chung quanh tường, để xếp đàn, sách nhạc, dàn âm thanh v.v…

    Vài kỷ niệm và đức tính của Văn Phụng kể trên đây có thể là những điểm son của một người bạn tài hoa, vui tính, đáng mến mới vĩnh biệt chúng tôi và Việt Nam cũng mất đi một thiên tài âm nhạc.

    Huỳnh Văn Yên (Trích Nguyễn Túc - Arlington)


    Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn


Trang 1/2 12 cuốicuối

Similar Threads

  1. Sa Huỳnh
    By buingocthang1965 in forum Truyện Dài
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 05-30-2011, 11:37 PM
  2. Rượu Và Em - Tác Giả Unknown
    By 72f219longma in forum Vườn Thơ
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 03-06-2011, 07:22 PM
  3. Tác Giả THÁNG SÁU TRỜI MƯA là ai?
    By chimtroi in forum Chân Dung Nghệ Sĩ
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 09-23-2009, 12:14 AM
  4. Mẹ (Tác Giả Minh Đức), Ca sĩ Hồng Mơ
    By 72f219longma in forum Nhac Trữ Tình
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 05-20-2009, 03:07 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •