Sa Huỳnh

Chu Sa Lan



(Viết cho Hoàng, Người lính Biệt Động Quân còn ở lại Việt Nam)



1

Nguyễn ngồi im. Ly cà phê phin nhỏ từng giọt chầm chậm. Thứ bảy. Bảy giờ chiều. Nắng hanh vàng rơi rớt trên tàng cây mít xanh lá ngoài đường. Rút điếu thuốc gõ nhè nhẹ lên mặt bàn, thong thả đưa lên miệng anh bật diêm. Khói thuốc lãng đãng trong không khí ẩm ướt. Trời như muốn mưa. Tiếng sấm gầm xa thật xa. Gió thổi nhè nhẹ rung rung những tàng cây ngoài sân. Đây không phải là cái quán mà đúng ra là ngôi nhà. Bà chủ quán có chồng đi lính xa, lương không đủ nuôi đàn con lũ khủ năm sáu đứa nên bà mở quán kiếm thêm tiền. Nguyễn thích tới đây vào ngày cuối tuần vì sự thơ mộng và yên tịnh nhất là sự đối đãi đặc biệt. Đứa con gái của bà chủ quán là học trò của anh. Do đó anh muốn giúp đỡ đứa học trò nghèo hiếu học được chút nào hay chút đó. Hiểu được lòng tốt của thầy nên đứa học trò không coi anh như là một khách hàng thông thường mà là một thầy giáo kiêm cha chú.

Nguyễn khẽ thở dài. Đời giáo chức ở tỉnh lỵ Tây Ninh nhàn hạ, bình lặng, trống rổng và nhàm chán. Ngày hai buổi tới trường nhìn thấy các khuôn mặt quen thuộc, nhai đi nhai lại hằng ngày những lời giáo huấn mà anh biết sẽ không còn có nhiều ảnh hưởng với học trò. Đám học trò đệ nhị, đệ tam đang có nhiều lo âu và suy tư hơn là nghe một môn học chán nhất trong những môn học. Đám học trò mới lớn của anh bận tâm về chiến tranh, tình yêu và chuyện đi lính hơn là phí thời giờ để vùi đầu vào môn công dân giáo dục. Chiến tranh đang trùm phủ lên toàn đất nước, nghe hoài hủy trên đài phát thanh, đọc nhan nhản trên báo chí qua lời cáo phó hay đi dự đám tang của các gia đình có con hy sinh vì tổ quốc.

Nguyễn ngước nhìn người lính Biệt Động Quân vừa bước vào quán. Bộ quân phục bạc màu. Trên vai áo có gắn hai bông mai màu vàng. Đôi giày trận lấm bùn. Mái tóc ba phân vàng cháy. Khuôn mặt xạm nắng. Đôi mắt ngác ngơ. Người lính trận trông xa lạ và lạc loài. Nguyễn liên tưởng tới bạn bè, tới hai người anh của mình. Đâu đó nơi vùng hẻo lánh hoang vu. Đâu đó trong rừng rậm ngút ngàn. Đâu đó trên núi cao chớn chở. Đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ. Quần áo nồng mồ hôi lâu ngày chưa giặt. Anh ngồi co ro trong hố cá nhân. Anh vật vả dưới cơn pháo kích.

Ngồi xuống bàn bên cạnh người lính biệt động gật đầu cười chào Nguyễn. Nụ cười thật buồn, thật bơ vơ mà cũng thật hiền lành và dễ thương.

Nguyễn cười làm quen bằng một câu hỏi.

- Anh từ đâu tới?

Đốt điếu thuốc hít hơi dài người lính chiến giơ tay chỉ về hướng núi Bà Đen.

- Trong đó... Ba tháng mười một ngày... Tiểu đoàn của tôi lội nát vùng Suối Đá, núi Bà Đen và mật khu Dương Minh Châu...

Nguyễn cười.

- Anh nhớ kỹ...

Người lính gật đầu.

- Tôi đếm từng ngày...

- Chắc đánh nhau với Việt Cộng dữ lắm...

- Lai rai... Đụng mỗi ngày...

Nhìn Nguyễn giây lát người lính nói tiếp với giọng hơi khàn có lẽ vì hút nhiều thuốc lá và thức đêm.

- Nếu không có chi phiền tôi mời anh chai bia...

Ngay giây phút đầu tiên thấy người lính biệt động này Nguyễn bỗng dưng có thiện cảm. Có lẽ vì dáng điệu buồn bã và sự im lặng hiếm thấy. Có lẽ vì cách ăn nói lịch sự và mềm mỏng của anh ta.

- Cám ơn anh...

Cầm ly cà phê Nguyễn ngồi vào bàn của người lính.

- Tôi tên Hoàng...

- Nguyễn...

Hai người bắt tay nhau. Hoàng gọi hai chai 33. Rót bia vào ly cho mình anh nhìn Nguyễn.

- Mời anh...

Hoàng ngửa cổ uống một hơi thật dài xong lại rót cạn chai bia vào ly rồi đưa lên uống cạn. Chắt lưỡi anh cười nói như để bào chữa cho cách uống rượu rừng rú của mình trước mặt một người mới quen.

- Ở trong rừng lâu quá đâm ra thèm đủ thứ. Thèm chai bia, tô canh chua, cá kho tộ, chén cơm trắng...

Gọi thêm chai bia Hoàng cười tiếp.

- Thèm tô phở Pasteur, ly thạch chè Hiển Khánh... Phải đi xa, đi lâu mình mới nhớ Sài Gòn... Anh ở Sài Gòn?

Nguyễn gật đầu cười trả lời bằng câu hỏi.

- Làm sao anh đoán tôi ở Sài Gòn?

Hít hơi thuốc Hoàng cười cười nâng ly bia.

- Tôi ngửi được mùi Sài Gòn nơi anh...

Nguyễn cười vì câu nói của người lính biệt động. Hoàng uống cạn chai bia thứ nhì. Nguyễn nhận thấy người lính chiến mới quen này dường như uống không phải để vui mà để say, để quên điều gì muốn nhớ, hoặc để tận hưởng thời gian quí báu và ngắn ngủi nơi thành phố. Trời tối. Người đi lại thưa thớt dù là đêm cuối tuần. Chỉ có lính hoặc thanh niên độc thân mới lang thang vào ban đêm. Tây Ninh nằm sát biên giới Việt Miên cho nên luôn luôn là điểm nóng dưới áp lực quân sự nặng nề của cộng sản Bắc Việt.

- Anh làm gì ở đây?

Hoàng hỏi người bạn mới quen trong lúc đốt thuốc.

- Dạy học. Anh thấy cô gái đó không. Nó là học trò của tôi...

Hoàng gật đầu cười nhìn theo tay chỉ của bạn. Hít hơi thuốc thật dài xong từ từ nhả khói ra anh nói với giọng mơ màng.

- Hồi còn trẻ tôi thích làm thầy giáo. Tôi thích làm thầy giáo ở các tỉnh xa xôi như Ban Mê Thuột hay Pleiku...

Nguyễn cười uống ngụm rượu.

- Người ta sợ những chỗ đó mà anh lại thích...

Uống cạn chai 33 Nguyễn mời Hoàng về gác trọ của mình uống tiếp. Người lính chiến nhận lời không do dự. Tạt vào tiệm tạp hóa Nguyễn mua bia, thuốc lá và tôm khô củ kiệu.

Hai người ngồi nơi lan can ngoài sân. Ánh trăng thượng tuần mông lung vàng đổ. Cây mít cao lất lây trong gió đêm. Không gian vắng lặng. Hai người im lìm uống. Chỉ có đầu thuốc cháy đỏ. Nguyễn liên tưởng đến hai câu thơ của thi sĩ Bích Khê "Ngồi suốt đêm trường không nói năng. Ngậm ngùi chén rượu ánh vầng trăng..."

Hoàng chợt buông tiếng thở dài hắt hiu. Diêm quẹt cháy bùng. Qua ánh sáng mờ mờ Nguyễn thấy mắt người bạn mới quen dường như có lệ.

- Anh chắc đã yêu?

Hoàng hỏi. Nguyễn gật đầu. Uống hơi bia giọng anh chầm chậm cất lên trong bầu không khí tịch mịch của tỉnh lỵ.

- Quen nhau từ trung học. Lớn lên càng thấy cách biệt. Dường như tôi với nàng đều đổi thay. Rồi cuộc tình đổ vỡ dù hai đứa muốn hàn gắn. Tôi nghĩ hàn gắn cũng vô ích. Rồi nàng đi lấy chồng. Thế thôi...

Hoàng lại thở dài. Tiếng thở dài buồn, thật buồn. Nguyễn không đủ ngôn từ để diễn tả tiếng thở dài này. Rót bia đầy ly Hoàng đưa ly bia lên ngắm nghía đoạn uống một ngụm. Suốt đêm đó dưới ánh trăng thượng tuần vàng đổ trên áo, trong cơn say chập chờn vỡ vụn Hoàng kể cho người bạn mới quen nghe một chuyện tình...




2

Hoàng giật mình mở mắt vì cái giật của chiếc C130 khi bánh xe chạm phi đạo. Đèn mờ mờ trong lòng chiếc phi cơ chật hẹp và nồng nặc mùi hôi. Đó là cái mùi đặc biệt chỉ có trên những chiếc phi cơ chở lính đánh giặc. Mùi mồ hôi, mùi thuốc lá, mùi quần áo dơ bẩn, mùi thân thể của người lính chiến năm ba bữa hay tuần lễ chưa được tắm giặt.

- Phi trường Phù Cát đó ông thầy...

Thượng sĩ Bảnh cười nói với Hoàng. Vị sĩ quan trẻ tuổi mới lên chức thiếu úy được hơn một năm gật đầu. Chiếc C130 dừng lại. Cánh cửa nặng nề từ từ mở ra. Lính tranh nhau nhảy xuống. Xốc lại giây ba chạc và khẩu Colt 45, mang ba lô lên vai Hoàng đứng nhìn phi trường Phù Cát. Cũng có chút khác biệt so với phi trường Biên Hòa. Đèn sáng mờ mờ. Cũng lều trại. Phi đạo thẳng tắp. Ăng ten trời cao ngất. Phi cơ trực thăng bay vòng vòng. Đèn nhấp nháy trên trời. Theo lệnh của Bảnh, trung đội phó, lính tập họp thành hai hàng rồi sau đó nhập với ba trung đội khác thành đại đội đứng chờ lệnh của bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mười lăm phút sau đoàn công voa xuất hiện. Lính leo lên xe. Một người lính ngồi bên cạnh hỏi.

- Mấy giờ rồi trung úy?

Cấp bậc của Hoàng là thiếu úy nhưng lính lại gọi là trung úy. Hỏi thời họ nhăn răng cười trả lời là mai mốt ông thầy lên trung úy mấy hồi.

- Gần một giờ...

- Mình đi đâu vậy trung úy?

- Đi Đức Phổ...

Hoàng trả lời gọn. Xe từ từ lăn bánh.

- Em biết Đức Phổ không?

Hoàng hỏi nhỏ người lính vừa hỏi mình.

- Ở đâu vậy trung úy?

- Đức Phổ là một quận của tỉnh Quảng Ngải, sát với quận Bồng Sơn của tỉnh Bình Định...

Há, người lính truyền tin ngồi cạnh Hoàng bên tay mặt góp chuyện.

- Trung úy tôi biết... Nó cũng giáp ranh với quận Ba Tơ...

Ông thượng sĩ Bảnh xen vào.

- Ngoài đó đang đụng lớn... Bởi vậy mình mới ra đây...

Tuy cấp bậc chỉ là thượng sĩ nhưng với mười mấy năm lính Bảnh quen biết nhiều người ở bộ chỉ huy tiểu đoàn. Do đó tin tức mà ông ta nói ra rất chính xác.

- Ê... Tụi bây thằng nào quê ở Quảng Ngải?

- Tôi...

Bung, xạ thủ đại liên lên tiếng. Bảnh hỏi gọn.

- Mày biết Sa Huỳnh không?

- Biết... Chết mẹ rồi... Vậy là mình đánh vào Sa Huỳnh hả ông thầy?

Bung hỏi dồn. Thượng sĩ Bảnh cười cười.

- Tao không biết... Nhưng tao nghe ông Tính nói là tiểu đoàn của mình sẽ giải tỏa quốc lộ 1 từ đèo Bình Đê dài ra tới Đức Phổ... Thôi tụi bây ráng ngủ đi. Không ngủ là không có sức để lội đó...

Đốt điếu thuốc Hoàng im lặng nhìn ra ngoài trời đêm. Con đường xuyên Việt trắng mờ uốn lượn theo khúc quanh. Xa thật xa dãy trường sơn như vệt đen thẳm chạy dài. Nhà cửa mờ mờ. Chập chờn ánh đèn mù mù. Tiếng máy xe rì rầm hòa lẫn trong tiếng ngáy, tiếng thở đều đều của những người lính ngủ ngồi trong xe. Hoàng chợt nhớ tới Sài Gòn. Dù không có người yêu anh vẫn nhớ tới Sài Gòn. Dường như khi đi xa khỏi thành phố thân yêu anh mới nhớ, mới mong được trở về để biết Sài Gòn vẫn còn đó. Đêm Giáng Sinh cùng lũ bạn thân chạy rong ngoài đường. Đó cũng là đêm giáng sinh cuối cùng trước khi chia tay. Mỗi đứa một nơi. Mỗi thằng một phương trời. Mỗi binh chủng. Mỗi màu áo. Năm thằng bạn thân nhất lớp rủ nhau đi lính một lượt. Ra trường Tiến về sư đoàn 21. Cương về quân cụ. Toản đi thủy quân lục chiến. Hà về tiểu khu Bình Thuận. Hoàng về biệt động. Biết sẽ khó mà gặp lại nhau cho nên năm thằng tận hưởng mấy ngày phép còn lại trước khi trình diện đơn vị. Mới đó mà tưởng như đã lâu lắm. Hoàng nhớ lần đầu tiên trình diện tiểu đoàn trưởng, thiếu tá Long. Ông ta lắc đầu cười nói với đại úy Tính, sĩ quan ban 3.

- Trời ơi... Tại sao họ giao cho mình ông chuẩn úy không những sữa mà còn có vóc dáng thư sinh trói gà không chặt. Như thế mà đánh đấm cái gì...

Liếc nhanh ông chuẩn úy sữa mới toanh Tính cười cười.

- Anh đừng lo... Em này coi vậy chứ sạch nước cản lắm... Mình chỉ cần nhờ thượng sĩ Bảnh rèn chừng nửa năm thôi là anh coi...

Long gật đầu tin vào lời nói của vị đại úy coi ban 3.

- Cũng được... Gọi thượng sĩ Bảnh lên lãnh xếp mới của ổng về...

Nước da trắng như con gái, vóc dáng thư sinh, nụ cười khả ái với chiếc răng khểnh, tính tình hiền lành và trầm lặng, chuẩn úy Hoàng được lính thương mến và dạy dỗ mọi điều. Hoàng học từ ông trung đội phó cho tới người lính binh nhì đủ mọi cách thức, mánh khóe và đòn phép giang hồ để trở thành một người lính chiến thực thụ, hay đúng hơn một trung đội trưởng chỉ huy ba mươi bảy người.

Trời bắt đầu rựng sáng khi đoàn công voa dừng lại ở Phù Mỹ. Gió man mát. Hoàng im lặng ngắm cảnh mặt trời lên từ từ. Sinh ra và lớn lên nơi Mỹ Tho nên lần đầu tiên ra miền trung Hoàng cảm thấy rất thích thú. Mọi thứ đều lạ mắt. Cảnh núi non hùng vĩ. Một đỉnh núi vươn lên nền trời xanh về hướng đông. Hoàng thấy miền trung thật nghèo so với miền nam. Nhà cửa xác xơ. Nhà lá nhiều hơn nhà ngói. Lính nhảy xuống xe đi đi lại lại cho giản gân cốt. Nửa tiếng sau đoàn công voa lại lên đường. Trời sáng nên xe chạy nhanh hơn. Hoàng ngủ gà ngủ gật khi xe qua cầu bắc ngang sông Lại Giang mới thức dậy. Không dừng lại ở Bồng Sơn đoàn công voa chạy tới Tam Quan mới dừng lại vào lúc xế chiều.

Lính được lệnh xuống xe. Đại đội 1 đi đầu. Trung đội 1 do Hoàng chỉ huy được lãnh vinh dự mở đường. Lính xì xầm.

- Chết mẹ rồi... Mở đường là mình đụng trước...

Như để cho lính an tâm Hoàng nói với thượng sĩ Bảnh.

- Ông coi thằng 3 và 4... Để tôi lãnh tiểu đội 1 và 2 đi trước...

Bảnh nhắc chừng.

- Ông thầy cẩn thận...

Gật đầu Hoàng nói với hạ sĩ nhất Tín, tiểu đội trưởng tiểu đội 1.

- Đi em... Anh với em đi khinh binh...

Nở nụ cười toe tét Tín đùa.

- Chà bữa nay trung úy chịu chơi à nghe... Khinh binh thời khinh binh... Ẩn mày đi bên trái, tao bên phải, để trung úy đi chính giữa...

Đường nhựa lồi lõm vì bị đào mìn hay đấp mô. Nhà dân chúng thưa thớt. Sau tết Mậu Thân và tổng công kích đợt 2 của Việt Cộng, vùng này trở nên tiêu điều và vắng vẻ. Dân tản cư có ít người trở lại quê cũ của họ vì tìm được việc làm mới có tiền nhiều hơn và nhàn hạ hơn trong căn cứ Chu Lai hay Phù Cát. Chỉ còn một số ít người lớn tuổi luyến tiếc với quê cha đất tổ mới trở về để tiếp tục đời sống cũ. Dựng tạm một căn nhà lụp xụp dọc theo quốc lộ họ mở quán bán đủ thứ cho lính và cho đám người đi làm sở Mỹ còn số khác thời chài lưới hay làm muối biển.

Hoàng đưa tay áo lau mồ hôi chảy thành dòng trên mặt của mình. Mồ hôi thấm vào mắt cay xè, chảy xuống môi mặn chát. Hoàng chợt nhớ tới bản nhạc của Trần Thiện Thanh trong đó có câu " Mồ hôi thành biển mặn trên môi ". Bây giờ anh mới biết sự ví von và cảm giác của nhạc sĩ họ Trần không sai sự thực mấy. Mồ hôi ứa ra hai bên nách, chảy thành dòng trên lưng xuống tới lưng quần, thấm vào mắt cay xè và thấm vào miệng mặn chát. Nắng tháng 8 chói chang dù đã xế chiều. Đưa bi đông lên hớp ngụm nước nhỏ anh nhìn Tín. Người tiểu đội trưởng tiểu đội 1 cúi đầu đi từng bước chậm và đều. Khẩu M16 chỉa mũi về trước. Đôi giày bố đế mòn hơn phân nửa. Bộ quân phục rằn ri rách tả tơi lòi cả chiếc quần xà lỏn màu xanh bên trong. Đột nhiên Hoàng thở dài. Hình ảnh của Tín là hình ảnh thực của lính. Nó không phải là hình ảnh mà người ta thấy trên tivi hay xuyên qua các bản nhạc của một số nhạc sĩ. Hoàng nhớ tới Kính, thằng em bà con của mình. Tuy gọi là em nhưng Kính lớn hơn anh tới bảy tuổi. Nó đi lính hải quân từ lâu lắm, từ lúc mà Hoàng còn học lớp đệ ngũ. Một lần nó mời anh đi uống cà phê nghe nhạc. Khi nghe tới đoạn "chiều nay ra khơi áo trắng bay trong nắng tà" nó chợt bật cười ha ha rồi nói nhỏ nhưng đủ cho mấy người ngồi bàn lân cận nghe: "Anh biết không... Tôi đi lính hải quân chín năm rồi. Tôi đi tàu biển có, tàu sông có mà chưa bao giờ thấy cái cảnh "chiều nay ra khơi áo trắng bay trong nắng tà" Thằng cha nhạc sĩ viết bản nhạc này xạo tổ mẹ...". Hoàng cười bênh vực: "Tại mày không có bồ. Nếu mày có bồ thời chắc cũng có người đưa... ".

- Trung úy... Trung úy...

Tiếng Há, người lính mang máy truyền tin đi đàng sau vang lên. Hoàng quay lại đứng chờ.

- Bắc Hải muốn nói chuyện với trung úy...

Bắc Hải là danh hiệu truyền tin của đại úy Bá, đại đội trưởng. Cầm lấy ống liên hợp của chiếc máy 25 Hoàng nói mấy câu với đại đội trưởng của mình xong quay qua bảo Tín.

- Mình nghỉ đêm ở đèo Bình Đê...

Tới dưới chân đèo Hoàng ra lệnh cho trung đội dừng lại. Lính la cà vào nhà dân mua bán hoặc đổi thức ăn. Năm giờ chiều Bá họp bốn trung đội trưởng.

- Tối nay mình ngủ ở đây. Ngày mai đại đội phải giải tỏa đoạn đường từ Bình Đê dài tới La Vân. Vậy trung đội 1 đánh Sa Huỳnh, trung đội 2 chiếm La Vân, trung đội 3 đánh Phổ Châu còn trung đội 4 giữ đèo Bình Đê...

Nhìn Hoàng Bá cười thân mật.

- Dân báo là tụi Bắc Việt có chừng trung đội ở Sa Huỳnh. Em nên cẩn thận... Nếu đánh ban ngày không được em đợi đêm hãy đột kích vào...

Trong bốn trung đội trưởng Hoàng là người trẻ tuổi nhất và ít kinh nghiệm nhất do đó Bá phải dặn dò và chỉ vẽ nhiều hơn. Một điều nữa khiến cho Bá biệt đãi Hoàng hơn là cả hai cùng quê với nhau và nhất là mê văn nghệ. Khi nào rãnh rỗi Bá thường gọi Hoàng lên đại đội uống cà phê nói chuyện văn chương hay đàn ca với nhau cả ngày.

- Trung úy muốn ăn cơm với cái gì?

Há cười cười hỏi cấp chỉ huy của mình. Nhìn nụ cười ranh mảnh của thằng em Hoàng vặn:

- Mày có cái gì?

- Gà rô ti được hôn trung úy...

Hoàng cảm thấy nước miếng ứa ra trong miệng của mình khi nghe ba chữ gà rô ti.

- Ở đâu mà mày có... Đừng có bắt trộm gà của dân nghe. Họ thưa tiểu đoàn trưởng là ổng đục mày sặc gạch...

Há cười hà hà.

- Bốn đứa tụi tui hùn tiền mua con gà rô ti của bà già bán quán ở gần Tam Quan... Tui ăn rồi còn để dành cho trung úy nè...

Hà chìa ra bịch lá chuối. Mở ra Hoàng thấy có một cái đùi với cái cánh gà và gói cơm nếp.

- Đêm nay mình ngáo ở Bình Đê hả trung úy?

Há hỏi trong lúc nhìn Hoàng xé cái đùi gà. Vừa nhai Hoàng vừa gật đầu.

- Ừ... Mình ngủ đây đêm nay... Sáng mai vào Sa Huỳnh...

- Mình đánh Sa Huỳnh hả trung úy?

- Ừ... Ông Bá nói dân báo có một trung đội Vẹm đang ở trong làng...

Há chép miệng.

- Tụi nó đóng chốt khó nhổ lắm trung úy ơi...

Đưa tay áo chùi miệng rồi quẹt hộp quẹt đốt điếu thuốc Bastos xanh Hoàng nói chậm.

- Tao biết... Nhưng khó cỡ nào mình cũng phải nhổ. Mình phải giải tỏa quốc lộ 1 từ Tam Quan lên Đức Phổ để cho xe cộ lưu thông... Biệt động mà em...

Há cười thiểu não.

- Bởi vậy tôi mới ham làm lính mũ nâu... Tới chừng dô tròng rồi mới bật ngữa... Mặc đồ rằn thời cũng oai, cũng le với em thật mà nhiều khi cũng són đái trong quần...

Hoàng cười hà hà. Chỏi tay ngồi dậy, miệng phì phèo điếu thuốc anh nhấc lấy ba lô.

- Tao kiếm chỗ nhắm mắt tối nay... Mày có làm gì không?

Há cười hinh hích.

- Có... Thằng Chơn rủ tôi đi kiếm ghệ với nó...

Hít hơi thuốc Hoàng dặn chừng thằng em thân tín.

- Mày coi chừng... Tao nghe nói con gái Bình Định giỏi võ lắm... Mày lạng quạng là nó bẻ ống quyển mày làm ống điếu...

Đưa chiếc máy 25 cho Hoàng Há cười hí hí.

- Trung úy giữ dùm tôi cái của quỉ này nghe... Đi tán đào mà đem cái của nợ này theo phiền quá...

Hoàng gật đầu.

- Ừ... Để tao giữ nó... Mày đừng có đi khuya quá... Sáng mai mình lội xa lắm...

Nhìn theo bóng thằng em Hoàng lắc đầu. Hít hơi thuốc cuối cùng xong anh dụi tắt rồi nhìn quanh quất tìm một chỗ nào khuất gió để trải chiếc poncho. Mặt trời từ từ khuất sau rừng cây xanh thẳm. Bóng tối chụp xuống thật nhanh. Vùng này đồi núi vây quanh. Gió thổi mạnh mang theo cái khí âm u lạnh lẻo của vùng trường sơn. Gối đầu lên ba lô, co ro trong cái mền mỏng Hoàng nằm nghĩ ngợi lan man rồi thiếp dần vào giấc ngủ. Mười một giờ đêm Há trở về. Nó lắc đầu thở dài khi thấy ông thầy quấn poncho nằm ngủ co ro.

Sáu giờ sáng. Hoàng thức giấc vì những tiếng động chung quanh. Lính cười nói, văng tục, chửi thề cũng như lục đục nấu cơm để chuẩn bị lội từ đèo Bình Đê tới Sa Huỳnh. Đường không dài lắm chỉ bảy tám cây số nhưng không phải dễ đi vì địch đóng chốt khắp nơi.

Ăn uống xong trung đội bắt đầu di chuyển. Tiểu đội 1 đi đầu. Kế đó tiểu đội 2 đi bên trái, tiểu đội 3 bên phải còn tiểu đội 4 đi sau cùng. Bên trái là núi cao với rừng cây lan ra tận đường. Bên phải là bãi cát vàng và biển xanh ngắt. Khung cảnh im vắng. Đường số 1 chập chùng. Lính thở dốc khi lên tới đỉnh đèo. Cái đèo này không cao lắm so với các đèo nổi tiếng như đèo Hải Vân, Cả, Cù Mông, An Khê, Mang Giang, Mụ Già, Rù Rì nhưng nó vẫn là đèo. Lính leo đèo trong lúc phải đèo trên lưng súng đạn, thức ăn, quần áo và đủ thứ lỉnh kỉnh. Mỗi thứ một chút nhưng làm nặng thêm trên lưng của người lính còm cõi và mỏi mệt vì tháng năm dài đầy gian truân, vất vả.

- Ê Bung... Đây là đâu vậy?

Thượng sĩ Bảnh hỏi lớn trong lúc đưa tay áo lau mồ hôi trán. Vác khẩu M60 trên vai Bung nhìn quanh quất.

- Mình vừa xuống đèo thời đây là làng Vĩnh Tuy. Đi chừng năm sáu cây số nữa mình sẽ tới Tấn Lộc rồi Sa Huỳnh. Sa Huỳnh là một cái làng nằm sát bờ biển...

- Nó có đông dân không hả Bung?

- Tui không biết rõ lắm thưa trung úy. Chắc hai ba ngàn gì đó. Họ đánh cá và làm muối biển...

Lội một hơi tới Tấn Lộc Hoàng dừng lại cho lính nghỉ. Mặt trời lên cao. Nắng chói chang. Trời ít gió khiến không khí càng thêm oi bức. Đốt điếu thuốc Hoàng hít hơi thật dài xong nhả khói ra từ từ. Khói thuốc tan loãng trong không khí. Bãi cát vàng chạy dài. Biển xanh mênh mông. Hút tàn điếu thuốc Hoàng ra lệnh di chuyển. Có lẽ ngửi được mùi nguy hiểm nên thượng sĩ Bảnh bảo lính súng cầm tay và không được cười giỡn nữa. Tất cả phải đi vào đội hình. Ba người lính khinh binh của tiểu đội 1 đi đầu. Họ vừa quẹo cua. Tạch... tạch... tạch... Lính nhào vào lề. Tiếng súng AK 47 nổ nhịp ba. Tạch... tạch... tạch... Tạch... tạch... tạch... Đạn cày trên mặt đường. Đạn xói vào không khí, vọng vào rừng cây vách núi thành âm thanh kỳ cục.

Bảnh nói nhỏ với Hoàng.

- Tụi nó đóng chốt...

Hơi gật đầu Hoàng im lìm quan sát. Địa thế trống trải quá. Phía bên phải con đường là bãi cát chạy dài. Chỉ có phía bên trái là vách núi cao đầy cây cối.

- Tôi dẫn thằng 1 trèo lên vách núi trong lúc ông dùng thằng 2, 3 và 4 dụ tụi nó...

Hiểu ý Hoàng thượng sĩ Bảnh gật gù cười.

- Ông thầy cẩn thận...

Cười cười Hoàng nói với Tín.

- Mình kiếm đường bọc sau lưng tụi nó...

Tín cười hích hích.

- Trung úy để em đi trước dò đường...

Vẩy ba người lính dưới quyền Tín cùng họ biến mất trong rừng cây. Lát sau Tín trở lại.

- Có đường rồi trung úy...

Tín dẫn đầu. Hoàng đi thứ nhì theo sau chín người lính. Họ len lỏi trong rừng, men theo vách núi rồi ngừng lại.

- Tụi nó đóng chốt dưới đó...

Hoàng cười nhẹ. Nằm trên vách núi cao anh có thể thấy bóng kẻ địch núp sau tảng đá hay hầm hố được đào sẵn. Quan sát giây lát Hoàng quay lại nói với Há.

- Gọi ông Bảnh là mình sẵn sàng...

Há gọi máy cho thượng sĩ Bảnh. Nhận được lệnh ông thượng sĩ cho lính nổ súng cốt ý dụ địch. Hoàng cùng lính của tiểu đội 1 theo đường mòn kéo xuống đường. Bị đột kích bất thình lình bộ đội Bắc Việt phải rút lui sau vài phút chạm súng ngắn ngủi. Nghe lính báo cáo địch ba chết, tịch thu hai súng còn bên mình vô sự thượng sĩ Bảnh cười nói với cấp chỉ huy của mình.

- Ông thầy giỏi quá... Từ nay...

Hiểu ý Hoàng cười nhẹ.

- Đó cũng do công lao ông chỉ dạy... Tôi học từ ông đó...

Cười vui vẻ khi được cấp chỉ huy khen ông trung đội phó ra lệnh di chuyển. Khoảng bốn giờ chiều trung đội dừng lại cách Sa Huỳnh non cây số. Tối hôm đó người ta nghe súng nổ ran ran khắp nơi trong làng Sa Huỳnh. Gần tới sáng tiếng súng mới im. Bị lính biệt động quân đột kích và phá vỡ hàng rào phòng thủ địch quân liều mạng vượt đường số 1 rút lui về thung lũng An Lão.




3

Bảy giờ sáng. Chút sương mù giăng giăng trên vách núi sừng sững. Không gian im vắng. Ngồi tựa lưng vào thân cây Hoàng uống từng ngụm cà phê đen. Đốt điếu thuốc, hít hơi dài anh lơ đểnh nhìn cảnh vật của làng Sa Huỳnh. Đúng như lời Bung nói ngôi làng nhỏ bé và vô danh này không còn lại bao nhiêu người cư ngụ. Thanh niên thời đi lính. Đi lính đây có nghĩa là theo bên này hoặc bên kia. Bên này là đi lính quốc gia còn theo bên kia là đi lính cộng sản. Con gái cũng chẳng có mấy người. Đa số đã có chồng hoặc vào tận Phù Cát, Qui Nhơn hay Chu Lai để làm việc. Chuyện đánh cá hay làm muối biển chỉ dành cho người đứng tuổi và ông già bà lão. Sau khi đánh bật một trung đội Việt Cộng ra khỏi Sa Huỳnh Hoàng và binh sĩ được lệnh giữ an ninh cho tới khi nào có lệnh mới. Không có chuyện gì làm Hoàng và trung đội lân la vào nhà dân làm quen. Ba ngày qua Hoàng chỉ có việc đọc sách, ăn ngủ hay tắm biển.

Nắng lên mang chút ấm áp. Sương mù cũng tan dần. Hớp ngụm cà phê cuối cùng, hít hơi thuốc rồi nhả khói ra từ từ Hoàng nhìn lên đỉnh đồi. Thấp thoáng trong cây và chút sương mù giăng anh thấy mái nhà rêu mốc.

- Nhà ai trên đó vậy Há?

Hoàng đưa tay chỉ về hướng đỉnh đồi. Ngước lên Há cười ha hả.

- Chùa... Ông thầy... Dân họ nói có một ngôi chùa ở trên đó...

- Mày có lên đó lần nào chưa?

Há lắc đầu. Liếc nhanh cấp chỉ huy nó cười chúm chiếm.

- Không... Trung úy đã dặn là cấm xâm phạm vào các nơi linh thiêng nên tụi này đâu có lên. Vả lại bộ đi tu sao mà lên đó trung úy...

Bỏ tàn thuốc rơi xuống đất xong lấy giày dẫm lên Hoàng cười đùa.

- Cỡ mày mà đi tu gì...

Há cười hả hả.

- Ông thầy nói đúng đó... Hay là ông thầy lên thăm chùa đi. Em thấy ông thầy có căn tu...

Biết thằng em xỏ mình nhưng Hoàng không giận mà lại cười cười.

- Ừ để tao lên... Biết đâu tao lại có duyên...

Há cười sặc sụa nhìn theo bóng cấp chỉ huy đang bước trên con đường mòn dẫn lên đỉnh đồi. Hoàng thở dài nhè nhẹ khi nhìn khung cảnh hoang vắng và tiêu điều. Mấy cây cổ thụ trơ vơ. Nhiều cành nhánh bị gãy vì bom đạn. Cỏ cháy vàng có thể do ảnh hưởng của thuốc khai quang. Tới đỉnh đồi anh dừng lại trước cái cổng xiêu vẹo với tấm biển đề ba chữ " Chùa Sa Huỳnh " loang lổ sơn và lem luốc bùn đất. Gọi là chùa nhưng thực ra là một cái am thời đúng hơn bởi vì nó nhỏ xíu, cũ xưa và trông giống như một ngôi nhà nhỏ. Hoàng mỉm cười nghĩ thầm đây là một thảo am và anh thích thú với danh từ này.

Hoàng cảm thấy trong không khí man mát hơi sương có cái gì bình yên. Êm ả. Tịch mịch. Quạnh hiu. Thê lương. Mái tranh rêu mốc. Cỏ mọc lan gần như phủ lên con đường mòn dường như lâu lắm không có người lui tới. Ngần ngừ giây lát anh xô nhẹ cái cổng bước vào sân. Những cây cột dù còn đứng vững nhưng lớp vỏ bên ngoài đã bong đi. Cỏ tranh mục nát nằm đầy trên sân. Cửa chính của ngôi thảo am đóng im ỉm. Hoàng nhẹ bước về phía bên hông. Đất và cỏ ẩm ướt dưới đôi giày trận của người lính biệt động. Dừng lại nơi giếng nước trong anh cúi nhìn xuống. Giếng sâu. Nước trong. Hơi mỉm cười anh chầm chậm thả dây xuống rồi lát sau kéo lên. Vốc nước rửa mặt anh cảm thấy nước mát lạnh. Leo từ dưới lên tận đỉnh đồi anh khát khô cả cổ nên nâng gào lên uống một hơi thật dài.

- Mô Phật... Xin ông lính đừng uống nước đó. Tôi mời ông vào chùa uống tách trà nóng...

Nghe giọng nói thanh thanh Hoàng ngước lên nhìn. Cách thành giếng chừng mươi bước là khuôn mặt đẹp tuyệt vời. Đẹp vô cùng. Đẹp không bút mực nào có thể diễn tả được. Khuôn mặt của một người con gái. Không. Một ni cô. Với bộ nâu sòng và cái đầu cạo trọc. Tuy nhiên dù không có tóc vẻ đẹp của khuôn mặt của ni cô không giảm đi mà đầy nét đẹp từ bi và nhân hậu.

- Cô... Ni cô... Cô...

Hoàng ú ớ. Người con gái. Không. Ni cô mỉm cười. Hoàng cảm thấy tâm hồn hụt hẫng, lao chao vì nụ cười của ni cô. Anh cảm thấy từ đôi mắt của ni cô toát ra một cái gì thăm thẳm. Một cuốn hút. Một âm vang của mời gọi từ thủa nào xa xưa vọng lại.

- Mô Phật... Bần ni kính mời ông lính vào chùa uống tách trà nóng và hàn huyên đôi câu với sư cụ...

- Dạ... Cám ơn cô... ni cô...

Ni cô đi trước dẫn đường. Hoàng im lặng theo sau. Đầu óc anh vẫn còn bàng hoàng và chưa tỉnh táo vì sự kiện vừa xảy ra. Đất dưới chân giao động. Mây trên trời cao run rẩy. Người lính đang bước đi những bước bềnh bồng trôi dạt vào phương trời lạ xa có hoa có lá, có tiếng cười xôn xao mật ngọt. Phương trời của mơ. Của mộng. Của tưởng tượng.

Ni cô dừng lại nơi khung cửa như nhường cho khách vào trước. Hoàng lí nhí.

- Cám ơn cô... ni cô...

Hoàng vẫn còn lọng cọng trong cách xưng hô. Dường như trong tiềm thức của anh vẫn còn có chút gì phản kháng hay không chấp nhận ni cô là một người thực sự đã sống trong một thế giới khác biệt mà anh đang sống.

- Mời ông vào...

- Cám ơn cô... ni cô...

Dường như hiểu được sự bối rối của khách ni cô từ tốn.

- Mời ông ngồi tạm xuống ghế... Bần ni đi mời sư cụ ra đây gặp ông...

Hoàng ngồi xuống ghế trong trạng thái vô thức. Mấy phút sau có tiếng giày khẽ vang rồi một vị sư già bước ra.

- Mô Phật... Bần tăng pháp danh là Huyền Ẩn...

Hoàng đứng lên vái chào sư Huyền Ẩn.

- Kính thưa sư cụ. Tôi là lính đóng dưới chân đồi. Vì tò mò nên tôi đường đột lên đây làm phiền sư cụ...

Sư Huyền Ẩn cười nhẹ.

- Mô Phật... Thí chủ dạy quá lời... Bần tăng và toàn thể tăng ni sư sãi trong chùa rất cám ơn thí chủ cùng anh em lính tráng đã giải thoát cho chùa khỏi sự kềm kẹp của những kẻ vô thần.... Kính mời thí chủ ngồi...

Sư Huyền Ẩn ân cần mời khách ngồi vào bàn. Ni cô lặng lẻ rót trà cho sư cụ và khách. Hai bên vừa uống trà vừa trò chuyện. Ni cô ngồi trong góc hầu trà. Dù không quay lại Hoàng có cảm tưởng đôi mắt long lanh của ni cô đang nhìn sau lưng của mình. Đàm đạo giây lát Hoàng xin phép cáo từ. Không lưu khách sư Huyền Ẩn thân đưa Hoàng ra tới cửa xong mới cất giọng từ hòa.

- Bần tăng kính mời thí chủ trở lại chiều nay dùng bữa cơm chay...

- Cám ơn sư cụ... Tôi xin đúng hẹn...

Đợi cho cánh cửa đóng lại Hoàng mới chậm rãi bước đi. Ngoái trông lại anh hy vọng nhìn thấy khuôn mặt đẹp tuyệt vời và ánh mắt long lanh của ni cô. Nhưng anh thất vọng. Sân thảo am trống vắng. Giếng nước đìu hiu. Thở dài anh cúi đầu lầm lủi bước xuống đồi.

Năm giờ chiều. Khi Hoàng bước vào cổng ni cô đã đợi sẵn.

- Mô Phật... Ông lính...

Nhìn thẳng vào mặt ni cô Hoàng nói nhỏ. Giọng nói của người lính chiến gần như năn nỉ.

- Thưa ni cô... Tôi tên Hoàng...

Hiểu ý của người khách mới quen ni cô cười nhẹ. Lần nữa Hoàng cảm thấy tim mình đập thình thịch vì nụ cười của ni cô

- Mô Phật... Ông Hoàng... Sư cụ đang đợi ông...

Nói xong ni cô đi trước dẫn đường. Bước theo sau Hoàng cảm thấy hồi hộp và run rẩy. Dù dưới lớp áo nâu sòng rộng thùng thình Hoàng cũng cảm nhận được thân vóc dịu dàng, uyển chuyển của ni cô đang thầm lặng bước. Khói nhang thoang thoảng. Đèn nến chập chờn. Đâu đó trong không khí tĩnh lặng của ngôi thảo am cổ kính hay trong tưởng tượng của một tâm hồn nhiều mộng mơ Hoàng ngửi được mùi hương kỳ lạ nửa như thực nửa như không có thực bàng bạc trong không gian.

Sư Huyền Ẩn đón tiếp và ân cần mời khách ngồi nơi chiếc bàn dài uống trà và nói chuyện trong lúc ni cô dọn cơm. Hai kẻ tu hành và một người khách ngồi quây quần quanh chiếc bàn nhỏ ăn bữa cơm chay. Dưới ánh đèn dầu lù mù Hoàng thông thả kể cho sư cụ nghe về đời sống gian truân và nhiều nguy hiểm của người lính chiến. Dù không nhìn anh vẫn có cảm tưởng ni cô chăm chú lắng nghe câu chuyện của mình. Thỉnh thoảng ni cô lại kín đáo mỉm cười vì những lời pha trò của khách. Riêng sư cụ mặc dù là kẻ tu hành nhưng cũng tỏ ra cởi mở và phóng khoáng khi đàm đạo với kẻ thế tục và nhất là một người lính chiến như Hoàng.

- Xin hỏi quý thảo am thuộc thiền phái nào?

Sư Huyền Ẩn cười hỏi lại.

- Mô Phật... Thí chủ đoán tệ am thuộc phái nào?

- Thưa sư cụ. Má tôi là một phật tử nhưng ba tôi lại là người không có đạo. Bản thân tôi cũng là kẻ không có đạo song tôi biết chút ít về đạo Phật...

Sư Huyền Ẩn và ni cô đều mỉm cười khi nghe Hoàng nói.

- Mô Phật... Thí chủ khiêm tốn quá. Bần tăng hân hạnh được nghe thí chủ nói đôi lời về phật...

Hoàng liếc nhanh ni cô đang ngồi im lặng.

- Phật giáo hay nói đúng hơn thiền được chính thức truyền giảng ở nước ta bắt đầu từ thiền sư Đa Lưu Chi ở chùa Pháp Vân...

Hoàng ngừng lại khi thấy sư cụ quay nhìn ni cô và cả hai đồng mỉm cười.

- Thưa sư cụ...

Hiểu ý của khách vị sư già cười nhẹ.

- Mô Phật... Thí chủ quả có đọc sách Phật...

- Mô Phật... Thưa thầy sự hiểu biết của ông Hoàng có lẽ còn hơn con nữa...

Lần đầu tiên ni cô góp lời. Mỉm cười Hoàng thong thả tiếp.

- Cám ơn sư cụ. Cám ơn ni cô... Tôi không biết chùa này thuộc thiền phái nào nhưng chắc không ra ngoài bốn phái của nước ta là thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Kiến Sơ, Thảo Đường và Trúc Lâm...

Ngừng lại giây lát Hoàng nở nụ cười nhìn sư cụ và ni cô.

- Tôi thấy nơi vách chùa ngoài sân có ghi bốn câu.

Pháp huyễn đều là huyễn,
Tu huyễn cũng là huyễn,
Chẳng là hai huyễn ấy,
Tức trừ được mọi huyễn.

Bốn câu này là của sư Huyền Quang. Như vậy quý tự phải thuộc thiền phái Kiến Sơ...

Sư Huyền Ẩn nhìn ni cô cười không nói gì hết. Lát sau ni cô mới lên tiếng.

- Bốn câu đó do sa di ni này viết... Ông Hoàng đọc sách nói về Phật nhiều lắm...

- Dạ… Cám ơn ni cô. Tôi ham đọc sách mà nhà của tôi có ít kinh sách. Xin hỏi ni cô pháp danh là gì?

Liếc nhanh sư cụ ni cô trả lời.

- Tôi chưa thực sự quy y nên chưa được sư cụ ban cho pháp danh...

Nhìn ra ngoài trời xuyên qua khung cửa sổ thấy trời đã tối Hoàng cười nói.

- Trời đã tối... Chắc sư cụ và ni cô sắp tới giờ tụng niệm. Tôi cũng phải trở về...

Nhìn sư cụ Hoàng nói nhỏ bằng giọng thành khẩn:

- Tôi thấy thảo am có nhiều kinh sách lắm. Tôi xin phép sư cụ được lên đây nghiền ngẫm...

Dường như có cảm tình với Hoàng nên sư Huyền Ẩn cười từ hòa.

- Mô Phật... Cửa chùa lúc nào cũng rộng mở cho thí chủ đọc kinh sách...

- Cám ơn sư cụ...

Hoàng đứng dậy. Sư Huyền Ẩn chợt nói với ni cô.

- Trời đã tối... Con hãy cầm đèn đưa thí chủ ra tới cổng...

Cầm lấy đèn cầy ni cô nói nhỏ.

- Mô Phật... Mời ông Hoàng đi trước...

Hai người im lặng ra cửa hông. Đêm tĩnh lặng trừ tiếng côn trùng rĩ rã và tiếng gió xào xạc. Hoàng chậm bước dường như đợi cho ni cô bước song song với mình. Qua ánh nến lây lất anh liếc thấy một khuôn mặt mờ mờ, một bàn tay trắng muốt xinh xinh cầm chặt cây nến cháy leo lét. Hoàng bước chậm. Từng bước ngập ngừng. Như muốn kéo dài thời gian ở bên cạnh ni cô. Trên trời lấm tấm sao. Cỏ dưới chân mềm mát vì ngậm chút sương đêm. Anh muốn nói chuyện nhưng không biết mở đầu như thế nào. Không biết phải nói chuyện gì với ni cô. Một tăng. Một tục. Hai người xa lạ. Một người lính sống một đời hiểm nguy. Uống rượu. Hút thuốc. Quen chửi thề. Biết nói gì với một kẻ tu hành vốn đã lánh xa sự thế. Chỉ biết câu kinh tiếng kệ. Một người thường ngửi mùi thuốc lá. Mùi khói súng. Còn một người quen với mùi nhang khói. Cả hai thật xa. Thật lạ. Thật cách ngăn. Chỉ có một điều mà Hoàng biết là mình bị thu hút bởi ni cô. Có tiếng sét tình cảm nổ ra phá vỡ tâm hồn anh.

- Thưa ni cô...

Hoàng ngập ngừng liếc sang người đang đi bên cạnh. Qua bóng tối mờ mờ anh thấy ni cô dường như đang cười mà không cười.

- Mô Phật... Ông Hoàng có điều gì muốn nói...

Hoàng nuốt nước miếng. Anh cảm thấy khó khăn khi mở lời.

- Tôi lên thăm chùa chắc không làm phiền ni cô...

- Mô Phật... Sư cụ đã nói cửa chùa lúc nào cũng rộng mở... nhất là đối với ông... một người mà...

- Thưa ni cô... Tôi muốn biết về phần ni cô...

Im lặng. Hai người vẫn bước đều trên cỏ. Hoàng dừng lại nơi cổng như muốn chờ nghe câu trả lời của ni cô.

- Mô Phật... Tôi thích nghe ông kể chuyện lính của ông lắm. Tôi hân hạnh được nấu cho ông bữa cơm chay ngày mai...

Hoàng thầm thở dài nhẹ nhỏm. Giọng nói của người lính chiến vang lên như một thì thầm dịu nhẹ.

- Cám ơn ni cô... Chúc ni cô ngủ ngon...

Hoàng cúi đầu theo con đường mòn xuống đồi. Anh không nghe được tiếng thở dài của ni cô vẫn còn đứng tại cổng nhìn vào bóng đêm mịt mùng. Anh cũng không thấy được ni cô chân bước chậm trong lúc tay lần tràng hạt và lẩm bẩm.

- Xin Phật tổ giúp con...

9 giờ đêm. Cảnh vật thật yên lặng trừ tiếng sóng vổ ì ầm quen thuộc. Hoàng nằm yên nhưng mắt mở thao láo. Chuỗi ý tưởng hiện ra trong trí anh. Khuôn mặt. Đôi mắt. Nụ cười im lặng. Tia nhìn chiếu rọi. Giọng nói dịu ấm ngọt mềm. Người ni cô. Vóc thân uyển chuyển trong bộ nâu sòng đơn sơ thanh bần. Nhưng trong ánh mắt của người lính chiến lần đầu tiên biết rung động, hình ảnh của ni cô rực rỡ và chói sáng. Hoàng cảm thấy tâm hồn rẩy run vì ước ao thầm lặng. Được nhìn vào đôi mắt. Được nghe giọng nói thanh thanh. Nụ cười làm cháy lên trong lòng mình nỗi khát khao vô hạn. Hoàng chợt nhớ tới hai câu thơ " Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không ". Tiếng thở dài hiu hắt muộn phiền thoát ra. Duyên gì. Duyên nào có thể xảy ra giữa hai người với hai mảnh đời khác biệt và lạ xa. Duyên gì giữa một người lính chiến nay đây mai đó và một kẻ tu hành nguyện hiến dâng đời mình cho phật pháp nhiệm mầu. Duyên nợ gì đâu trong đời sống bọt bèo của một người lính chiến. Thuốc cháy đỏ trong bóng đêm soi rõ nỗi cô đơn và buồn rầu của một người lính si tình.

Buổi sáng thức dậy người ngầy ngật vì thâu đêm chập chờn mộng mị Hoàng vốc nước rửa mặt. Nhấp ngụm cà phê, hít hơi thuốc lá Hoàng nhìn lên con đường mòn dẫn lên đỉnh đồi với ngôi chùa rêu mốc.

- Ông thầy có lên chùa nữa không ông thầy?

Há hỏi đùa nhưng Hoàng trả lời một cách nghiêm trang và thành thật.

- Có... Tao sẽ lên chùa mỗi ngày...

Há trợn mắt nhìn cấp chỉ huy của mình.

- Trung úy lên đó làm gì?

- Đọc sách... Làm công quả cho chùa...

Há cười hắc hắc.

- Trung úy đừng đi tu nghe trung úy... Trung úy còn trẻ mà... Trung úy đâu có thất tình...

Hoàng lẩm bẩm.

- Tao mà thất tình gì... Si tình gần chết...

Nhìn thằng em thân tín anh cười cười rít một hơi thuốc.

- Tao mà tu gì... Tu rượu hả... Hôm nay ông Bảnh giao cho mày làm cái gì?

Há thở dài sườn sượt.

- Ổng dẫn tụi tui đi tạp dịch... Làm giúp dân làng nửa buổi xong mới được đi chơi...

Hoàng cười cười im lặng. Nắng mùa hè cháy đổ trên đầu anh mới thong thả leo lên đỉnh đồi. Cổng chùa khép hờ. Anh nhẹ bước trong sân đầy bóng mát. Nghe tiếng động bên hông anh ngước nhìn thấy ni cô đang kéo nước.

- Thưa ni cô để tôi làm cho...

Ni cô mỉm cười.

- Tôi chờ ông lên để nhờ ông xách nước mà...

- Tôi xin lỗi ni cô...

Hoàng hạ thấp giọng xuống.

- Tôi cũng muốn lên sớm nhưng chỉ sợ làm phiền sư cụ...

Ni cô cũng nói nho nhỏ. Hoàng nghe tiếng nói của ni cô thoảng đưa bên tai như tiếng thì thầm.

- Ông đọc sách thời đâu có làm phiền ai...

Nói xong ni cô xoay người đi trước. Hoàng hai tay xách hai thùng nước theo sau.

- Ông biết bửa củi không ông Hoàng?

- Dạ tôi chưa từng làm nhưng nghĩ chắc không khó lắm...

- Ông có muốn tôi dạy ông bửa củi không...

Hoàng nói trong lúc đổ nước vào lu.

- Tôi còn muốn ni cô dạy cho nhiều thứ lắm...

- Một kẻ tu hành như tôi thời đâu có biết gì mà dạy ông...

- Ni cô dạy tôi tu...

Hoàng nói trong tiếng cười nho nhỏ. Ngừng bước ni cô quay lại nhìn Hoàng như không tin lời anh nói. Thấy ông lính đang nhìn mình đăm đăm ni cô cúi gầm mặt xuống như muốn che dấu điều gì.

- Ông là lính mà tu sao được...

Hai tay xách hai thùng nước Hoàng nói lớn.

- Sao lại không được... Đức Phật có nói là vạn vật đều tu được mà...

Ni cô cười lắc đầu vì câu nói của Hoàng.

- Tôi muốn nói là ông còn có nhiệm vụ cầm súng để chiến đấu cho tự do của dân chúng. Chừng nào xong nhiệm vụ ông mới tu được nếu ông muốn đi tu...

Thấy hai lu nước đã đầy tràn Hoàng nói với ni cô để mình bửa củi. Ni cô nhẹ gật đầu trao chiếc búa cho Hoàng. Không biết vô tình hay cố ý mà hai bàn tay chạm nhau. Hoàng cảm thấy một chấn động hơn bị điện giật vì cái va chạm nhẹ nhàng này. Mặt đỏ bừng ni cô nói nhỏ.

- Ông cứ từ từ để tôi vào nấu cơm chiều...

Nhìn theo dáng đi uyển chuyển ẩn trong chiếc áo màu nâu tự dưng Hoàng chảy nước mắt. Anh tự hỏi không lẽ mình khóc. Bữa cơm tối hôm đó chỉ có Hoàng và sư cụ trò chuyện với nhau còn ni cô im lặng ăn mà không góp chuyện như ngày hôm qua. Sau bữa cơm cũng như lúc chào từ giã sư cụ Hoàng cũng không gặp và không được ni cô cầm đèn đưa đường như tối ngày hôm qua. Suốt đêm đó Hoàng chập chờn trăn trở. Dù chỉ là cái đụng chạm tầm thường nhưng cảm giác vẫn còn đó gây nên âm hưởng trùng trùng trong tâm tưởng của người lính si tình và nhiều mộng mơ suy nghĩ. Nụ cười của ni cô rực sáng như sao trong đêm tối thâm u. Khuôn mặt từ bi. Nụ cười. Ánh mắt. Giọng nói. Bàn tay. Những ngón chân trần xinh xắn dẫm trên cỏ non và trên nền đất mịn.

Sáng thức dậy uống xong ly cà phê Hoàng được lệnh về bộ chỉ huy đại đội ở Tấn Lộc để hội họp xong hối hả trở lại Sa Huỳnh. Dù rất muốn lên chùa nhưng Hoàng biết mình không có thời giờ. Ngày mai nguyên cả tiểu đoàn sẽ tham dự cuộc hành quân hổn hợp với bộ binh để truy tìm dấu vết cũng như phá hủy căn cứ hậu cần của trung đoàn 142 bộ đội cộng sản Bắc Việt nằm trong vùng An Lão và Ba Tơ.




4

Giao khoán cho thượng sĩ Bảnh lo chuyện đóng quân của trung đội Hoàng theo con đường mòn lên chùa. Anh bước chậm mà nghe xôn xao trong lòng. Dù hơn tám giờ nhưng vì mùa hè nên trời vẫn chưa tối. Đi xuyên qua sân trước anh có cảm tưởng ngôi chùa vắng lặng quá. Gần tới hậu liêu anh nghe tiếng tụng kinh và tiếng mỏ vang nho nhỏ. Bước qua cửa hông anh thấy đèn thắp lù mù. Mùi hương thoang thoảng.

Tiếng kinh mỏ chợt dừng lại cùng với giọng nói thanh thanh vang lên trong vùng khói nhang mờ ảo.

- Ông Hoàng...

Ni cô hiện ra với bộ nâu sòng. Hoàng cảm thấy mọi nhọc mệt, gian truân, hiểm nguy mà anh đã trải qua hơn tuần lễ bỗng dưng tan biến khi nhìn vào khuôn mặt từ bi và ánh mắt long lanh của người đối diện.

- Tôi tưởng ông không bao giờ trở lại...

Thu hết nghị lực và sự can đảm của một người lính từng hiên ngang đối diện với quân địch Hoàng hỏi nhỏ.

- Nếu tôi không trở lại thời ni cô nghĩ sao?

Cúi xuống nhìn bàn chân của mình ni cô trả lời.

- Tôi buồn lắm. Sẽ không có người xách nước, bửa củi... Tôi sẽ không được nghe ông kể chuyện đời lính...

Hoàng mỉm cười.

- Tôi sẽ trở lại và phải trở lại đây. Ni cô biết tại sao không?

Ni cô ngước lên nhìn vào khuôn mặt bơ phờ và mệt mỏi của người lính. Những nếp nhăn trên trán. Làn da xạm nắng. Chỉ có ánh mắt sáng ngời chút hạnh phúc mong manh.

- Tại sao ông sẽ và phải trở lại đây...

Hoàng cười đùa.

- Tôi vụng tu lắm nên phải trở lại đây để ni cô dạy cho tôi tu... Dạy cho tôi tu thành phật...

Ni cô nhẹ lắc đầu.

- Ông đâu cần phải tu... Chỉ cần thấy được cái tâm của mình là giác ngộ, là thành phật rồi...

Hoàng nhìn ni cô với cái nhìn chỉ có người nhìn và bị nhìn hay được nhìn mới hiểu mà thôi.

- Ni cô làm ơn chỉ cho tôi thấy cái " tâm " của tôi đang ở đâu?

Ni cô hơi đỏ mặt vì hiểu được cái ý xa xôi và bóng gió trong câu nói của Hoàng.

- Điều đó tôi chịu thôi. Ông phải tự mình tìm kiếm...

Nhìn quanh quất giây lát Hoàng thì thầm.

- Sư cụ khỏe không. Tôi không thấy người...

Ni cô thở hơi dài.

- Người không được khỏe lắm...

Ngừng lại nhìn Hoàng ni cô ngập ngừng.

- Ông ăn cơm chưa. Tôi dọn cơm cho ông ăn...

- Nếu ni cô không ngại...

- Tôi không ngại... Ông đã giúp cho chùa nhiều lắm thời tôi đâu có ngại dọn cơm cho ông ăn... Ông ngồi xuống đi...

Ni cô bỏ vào bếp. Hoàng ngồi xuống ghế. Anh đã chọn cái ghế mà khi ngồi xuống có thể trông thấy ni cô đang lui cui bỏ thêm củi vào lò để hâm nóng thức ăn.

- Ni cô có cần tôi giúp gì không?

- Cám ơn ông... Ông cứ ngồi uống trà đi... Chắc bình trà còn nóng...

Ni cô nói vọng ra từ trong bếp. Nhấc lấy bình trà Hoàng rót vào cái chén nho nhỏ, cũ kỹ và đã đổi màu. Nước trà nóng màu vàng tươi bốc mùi thoang thoảng. Ngồi nhìn ni cô loay hoay hâm thức ăn Hoàng cảm thấy chút buồn rầu dâng lên trong lòng. Anh nhớ tới má của mình. Đã lâu lắm. Dường như hơn một năm anh không có dịp về thăm nhà. Nói đúng hơn là anh có nhiều dịp lắm. Nhưng anh lại ham vui chơi với bạn bè thành ra không còn thời giờ để trở về thăm lại người mẹ hiền đang sống một mình. Tuy có nhiều khác biệt nhưng nhìn ni cô lui cui trong bếp anh liên tưởng đến mẹ của mình.

Đặt cái khay đựng một tô cơm, dĩa rau luộc, chén nước tương, một cái chén và đôi đũa ni cô cười gượng.

- Chùa nghèo quá nên không có cao lương mỹ vị để đãi ông...

Hoàng cười nhẹ.

- Chùa nghèo nhưng mà giàu...

Thấy ni cô hơi cau mày có lẽ vì không hiểu Hoàng giải thích thêm cho rõ nghĩa câu nói của mình.

- Chùa và ni cô nghèo tiền bạc nhưng mà giàu tình thương người...

Ni cô chầm chậm gật đầu.

- Ông nói đúng. Phật dạy tu không phải lên niết bàn mà để làm vơi bớt phiền não của chúng sinh, xoa dịu khổ đau của những người chung quanh mình...

Hoàng nói với giọng nghiêm trang.

- Tôi cần ni cô làm vơi bớt phiền não, xoa dịu khổ đau của tôi...

Ni cô cúi đầu xuống thật thấp rồi lát sau mới ngước lên nhìn người đối diện.

- Ông hãy lấy phiền não, khổ đau của ông đưa tôi giữ dùm cho...

Hoàng ấp bàn tay mặt vào bên ngực trái của mình giây lát đoạn xòe bàn tay ra. Nhìn đăm đăm bàn tay đen đũi, chai đá của người lính chiến ni cô nhẹ đưa bàn tay ra. Năm ngón tay xinh xinh, trắng muốt của ni cô chạm nhẹ vào lòng bàn tay của Hoàng rồi rụt trở lại.

- Tôi đã lấy, đã cất giùm ông phiền não và khổ đau rồi...

Hoàng nhìn đăm đăm vào mặt người đang ngồi đối diện với mình. Ni cô cũng nhìn Hoàng. Một ánh mắt thầm lặng. Một ánh mắt gửi trao và đắm say dịu nhẹ. Ni cô cúi mặt xuống nhưng Hoàng cũng thấy được nụ cười. Dù chỉ là nụ cười vu vơ nhưng cũng đủ làm ấm lòng người lính chiến.

- Mấy ngày qua ông đi đâu, ông Hoàng?

Uống ngụm nước trà Hoàng trả lời.

- Ni cô biết Ba Tơ không?

Ni cô nhẹ gật đầu. Hoàng thấy nét buồn thoáng qua trên khuôn mặt từ bi của ni cô.

- Tôi biết...

Hoàng nhìn ra ngoài trời. Cảnh vật nhòa trong bóng tối thâm u. Tiếng gió rì rào cành cây cổ thụ bên hông chùa. Không khí thật tĩnh lặng tới độ Hoàng có cảm tưởng mình nghe được tiếng thở và nhịp tim đập của ni cô đang ngồi đối diện với mình qua chiếc bàn nhỏ hẹp. Ngọn đèn leo lét hầu như đã cạn dầu tỏa chút ánh sáng vàng vọt soi mờ mờ khuôn mặt thấp thoáng nét buồn u uất lẫn khuất trong đôi mắt đen long lanh. Hoàng có nhiều câu hỏi. Nhiều điều muốn biết về ni cô. Lý do gì một thiếu nữ trẻ tuổi lại lánh xa trần tục? Nguyên nhân nào khiến cho một cô gái không có một chút gì quê mùa lại bằng lòng giam mình trong ngôi làng vô danh và nhỏ bé này? Không có giọng nói của dân địa phương như vậy ni cô là người ở đâu tới đây? Hoàng muốn biết nhưng anh không dám hỏi. Anh mê say ni cô nhưng đồng thời cũng kính trọng và ngưỡng mộ. Do đó anh cố dằn lòng không đả động tới quá khứ của ni cô.

- Ni cô ngủ một mình không sợ ma à?

Hoàng cười hỏi một câu như để phá tan bầu không khí yên lặng. Ni cô ngước mặt lên.

- Mô Phật... Tôi không sợ ma bên ngoài mà tôi sợ ma ở trong lòng mình hơn...

- Ni cô đưa con ma ở trong lòng của ni cô tôi giữ giùm cho...

Ni cô bật thành tiếng cười vui vẻ khi nghe Hoàng đã mượn câu nói của mình...

- Mô Phật... Con ma này dữ lắm ông không sợ sao?

- Có ni cô bên cạnh thời tôi không sợ...

Hai người. Một đàn ông và một đàn bà. Một là lính và một là kẻ tu hành. Họ ngồi đối diện nhau qua cái bàn nói chuyện lan man, hết chuyện này sang chuyện nọ.

- Mấy giờ rồi ông Hoàng?

- Dạ 12 giờ..

- Mô Phật... Tôi phải đi ngủ để mai sáng thức sớm...

- Thôi tôi về để cho ni cô ngủ...

Chần chừ giây lát Hoàng mới chịu đứng lên. Dường như anh muốn nói điều gì. Ni cô cũng ngồi yên trên ghế như chờ nghe. Cuối cùng Hoàng thở dài nhè nhẹ.

- Ni cô không cần phải cầm đèn cho tôi... Tôi biết đường...

- Mô Phật... Chúc ông ngủ ngon...

Hoàng lặng lẻ ra cửa hông. Đợi cho tiếng chân xa dần dần rồi mất hẳn ni cô mới gục đầu xuống bàn. Như có tiếng tức rưởi. Tiếng khóc âm thầm. Bờ vai thon run nhè nhẹ. Ngọn đèn chợt tắt vì cạn dầu. Bóng tối chụp xuống nhưng cũng không xóa nhòa được hình bóng của ni cô đang gục đầu lên bàn.

Hoàng như một người mất hồn sau khi điện đàm với đại úy Bá, đại đội trưởng của mình. Sáng mai trung đội sẽ rời Sa Huỳnh để gặp đại đội ở Tam Quan. Lính reo hò vui vẻ. Chỉ riêng Hoàng sầu héo trong lòng song ngoài mặt cố làm ra vẻ thản nhiên. Ăn vội tô mì gói xong anh lên chùa. Trời nắng ấm. Mây trắng bay cao. Cỏ khô vàng úa dưới chân. Cỏ xanh mọc xanh xanh. Bông hoa dại màu vàng tươi. Tất cả đều nhuốm một màu ủ ê và buồn bã. Khói thuốc cay nồng xông lên làm chảy nước mắt. Phải chăng người lính chiến được ba tuổi đã khóc?

Những bước chân do dự. Những bước chân ngập ngừng. Những bước chân bần thần. Hoàng đi như một kẻ mộng du giữa ban ngày. Gần tới hậu liêu anh nghe tiếng bửa củi vang lên. Nhẹ thêm vài bước anh dừng lại. Khăn màu xám tro quấn trên đầu chắc để che nắng. Tay áo xắn cao lên tới cùi chỏ. Quần xắn lên gần đầu gối ni cô đang ngồi bửa củi. Bàn chân trắng muốt. Mủm mỉm. Xinh Xinh. Các ngón chân hồng. Chiếc cổ trắng. Ni cô ngồi bửa củi mà dường như không chú tâm vào việc làm. Nhiều lúc ni cô cầm chiếc búa nhỏ lên rồi cuối cùng để xuống. Hoàng nín thở không dám động đậy. Anh muốn thu trọn hình ảnh của ni cô. Muốn ghi lấy hình ảnh mà anh biết là sẽ theo mình suốt cuộc đời. Hình ảnh đó được nâng niu và gìn giữ vì chắc còn lâu lắm, hoặc sẽ không bao giờ thấy lại lần nữa.

Dường như linh cảm có người đang nhìn mình ni cô chợt quay lại. Nụ cười. Nụ cười của ni cô làm xôn xao từng sớ thịt đường gân, làm rung động từng tế bào cảm giác, làm bật cháy đam mê trong tâm hồn của người lính trẻ đã yêu, đang yêu và sẽ yêu thương suốt cuộc đời còn lại của mình.

- Ông Hoàng...

Tiếng gọi nhỏ như từ cõi hư vô mù xa.

- Có chuyện gì làm ông buồn...

Giọng nói của người lính chiến như nghèn nghẹn.

- Sáng mai... Tôi sẽ rời Sa Huỳnh...

Ánh mắt. Của từ bi. Hỉ xả. Yêu thương. Quan hoài. Buồn rầu. Nhìn Hoàng như muốn nói lên một điều gì không thể nói.

- Tụ rồi tan... Tan rồi tụ... Ông với tôi... Hai mảnh đời xa lạ. Khác biệt. Gặp nhau để xa nhau...

- Tôi không muốn đi...

Hoàng nói nhỏ. Ni cô lặng lẻ gật đầu.

- Tôi cũng không muốn ông đi... Ông đi rồi thời ai xách nước, bửa củi cho tôi. Ai kể chuyện lính cho tôi nghe. Tuy nhiên ông phải đi để làm tròn nhiệm vụ của người lính chiến. Ông phải đi đánh giặc để cho tôi được tự do tu hành. Ông lên gặp sư cụ đi... Người mong gặp ông lắm... Còn tôi lo đi làm bữa cơm chay để đãi ông...

Sư Huyền Ẩn tỏ ra buồn rầu khi nghe Hoàng nói sẽ rời Sa Huỳnh sáng mai. Nhìn người lính trẻ vị sư già từ tốn nói.

- Bần tăng sẽ tụng kinh xin Phật Tổ từ bi phù hộ cho thí chủ được bình an trên bước đường gian nguy khổ sở...
- Đa tạ sư cụ... Tôi xin phép sư cụ cho tôi được trở lại thăm chùa nếu có dịp may...

- Cửa Phật sân chùa lúc nào cũng rộng mở. Nếu có duyên chúng ta sẽ gặp lại...

Hai người đàm đạo giây lát thời ni cô lên mời xuống hậu liêu dùng cơm tối. Có lẽ buồn và bận tâm suy nghĩ chuyện gì mà Hoàng với ni cô ít nói chuyện. Sau khi ăn xong, uống cạn chén nước trà nhỏ, viện cớ không được khỏe sư cụ cáo từ lui về phòng riêng để Hoàng và ni cô ngồi vừa ăn vừa nói chuyện.

- Chắc ông về Sài Gòn?

Ngừng ăn ni cô hỏi Hoàng. Hơi lắc đầu Hoàng đáp.

- Tôi không biết... Chỉ biết sáng mai tôi sẽ đi Tam Quan...

- Ông đi tôi buồn lắm...

Lần đầu tiên ni cô tỏ lộ chút tình cảm của mình bằng câu nói năm chữ. Ánh mắt của ni cô nhìn người đối diện thăm thẳm.

- Tôi cũng vậy. Tôi cũng buồn khi xa ni cô...

- Ông nhớ giữ gìn sức khỏe. Tôi sẽ cầu Phật Tổ phù hộ cho ông...

Nhìn Hoàng ni cô nói như lời khuyên nhủ hay dặn dò.

- Ông cũng đừng hút thuốc nhiều quá có hại cho sức khỏe...

Hoàng mỉm cười. Anh có cảm tưởng đó là lời dặn dò âu yếm của người vợ trước khi chồng lên đường chinh chiến.

- Tôi sẽ gắng làm theo lời ni cô dạy...

Hoàng nói đùa. Ni cô cười đùa theo.

- Lần sau gặp lại tôi sẽ...

Nói tới đó ni cô dừng lại. Mặt hơi đỏ ni cô nhìn Hoàng cười.

- Thưa ni cô tôi có một yêu cầu...

- Tôi xin nghe...

Thu hết can đảm Hoàng nói nhanh.

- Tôi xin được phép cầm tay ni cô một lần...

Ni cô nhìn Hoàng đăm đăm. Ánh mắt thăm thẳm, diệu vợi và long lanh. Hoàng cảm thấy như mình thu nhỏ lại rồi chìm mất trong đôi mắt của ni cô. Thật lâu ni cô từ từ đưa bàn tay ra. Nắm lấy bàn tay trắng, mềm ấm với những ngón tay xinh xinh Hoàng cảm thấy lòng mình xuyến xao và run rẩy. Anh như ngửi được mùi hương dịu dàng toát ra từ bàn tay, từ thân thể đang được bao phủ bởi lớp áo tu hành. Bàn tay để yên không động đậy nhưng anh nghe như nó đang từ từ truyền sang thân thể mình chút ầm áp và chút tình cảm đang sinh sôi nảy nở trong tâm hồn.

- Ông Hoàng...

Ni cô gọi nhỏ đồng thời rụt tay lại. Hoàng nhìn thấy ni cô đang mỉm cười nhìn mình.

- Thưa ni cô... Tôi xin phép thỉnh thoảng được viết thư thăm ni cô...

- Ông cứ viết nếu ông muốn. Còn tôi không biết tôi có được phép trả lời ông không...

Lấy trong túi áo ra mảnh giấy nhỏ Hoàng trao cho ni cô.

- Đây là địa chỉ của tôi... Tôi hy vọng nhận được thư của ni cô...

- Cám ơn ông... Tuy nhiên chắc tôi không thể viết thư cho ông...

- Tôi biết... Tôi biết ni cô cần an tâm để tiếp tục đi nốt con đường mà mình đã chọn lựa. Tôi chỉ xin...

Giọng nói nghẹn ngào của Hoàng khiến cho ni cô vội vả lên tiếng.

- Tôi sẽ cố gắng nhưng ông đừng hy vọng nhiều quá. Ông cũng biết một kẻ tu hành như tôi...

Hoàng đột ngột đứng lên. Nhìn vào đôi mắt long lanh buồn anh nói nhanh.

- Thưa ni cô... Tôi xin từ giã...

Ni cô cũng đứng dậy. Hai người chầm chậm ra cửa. Bóng tối chập chùng. Không hẹn hai người cùng bước tới chỗ giếng nước. Đây là nơi đầu tiên họ đã gặp nhau. Tiếng côn trùng rĩ rã hòa với tiếng gió lùa cành cây. Buông tiếng thở dài hắt hiu Hoàng cúi đầu bước. Ni cô đứng im nhìn theo. Dường như có vài giọt nước mắt rơi xuống lòng giếng âm u.




5

Biên Hòa.

Hoàng ngồi im trong quán cà phê nhạc. Trưa im vắng. Hàng cây me rợp bóng. Tiếng nhạc êm và dịu. Vừa định đốt diêm châm điếu thuốc chợt nhớ tới lời của ni cô: " Ông đừng hút thuốc nhiều quá có hại cho sức khỏe..." Hoàng bỏ điếu thuốc trở vào bao. Khuôn mặt. Nụ cười. Ánh mắt. Bàn tay. Cảm giác xuyến xao chợt bùng lên khiến cho anh nhớ thật nhiều. Giọng nói thanh thanh. Ngôi thảo am rêu mốc. Giếng nước trong. Tất cả đọng lại trùng trùng. Chập chùng u hoài. Tiếng thở dài cất lên thầm lặng khi ngồi chen chúc trong lòng chiếc C130 chật hẹp và hôi hám. Từ lúc rời khỏi Sa Huỳnh Hoàng thường hay thở dài khiến cho Há để ý và phải hỏi dò.

- Trung úy có chuyện gì buồn mà thở dài hoài vậy?

Hoàng cười im lặng. Anh không thể nói với ai. Anh không thể hé răng thố lộ cùng bất cứ người nào về tình cảm của mình đối với ni cô của ngôi chùa ở làng Sa Huỳnh. Họ sẽ cười cợt, trêu chọc. Họ sẽ bảo anh điên. Hoàng biết mình không điên mà si tình. Một người lính chiến trồng cây si trước cổng chùa. Người trần tục lại si tình một kẻ tu hành. Chuyện quả thật trớ trêu và cay nghiệt. Tuy nhiên anh không thể chối cải với lòng mình. Anh không thể phủ nhận tình yêu của mình. Đêm qua ngồi trong căn phòng nhỏ anh chợt nhận thức một điều khiến cho anh bàng hoàng lẫn ngất ngây và vui mừng. Anh nhớ ni cô. Nhớ quay quắt. Đòi đoạn. Nhớ ánh mắt. Tia nhìn. Khuôn mặt. Nụ cười. Giọng nói. Nhớ hơi thở rộn ràng. Làn da mặt hồng dưới ánh đèn dầu leo lét khi anh lần đầu tiên cầm tay ni cô. Cảm giác vẫn còn đầy ắp trong trí não. Mùi hương thuần khiết thoát ra từ bộ nâu sòng như thứ mùi hương quen thuộc đọng hoài trong tâm tưởng, trên tóc, trong mũi và trên mắt môi. Hoàng mỉm cười hồi tưởng khi lần đầu tiên gặp ni cô bên giếng nước. Khuôn mặt từ bi. Nụ cười của Phật. Đôi mắt đẹp. Dù không có tóc. Dù cái đầu trọc lóc nhưng trong lớp áo nâu sòng ni cô đẹp tuyệt vời. Một vẻ đẹp siêu thoát vượt ra ngoài cái hữu hạn, cái tầm thường của thế tục. Người ta bảo cái răng cái tóc là gốc của con người. Điều đó không đúng với ni cô. Nhiều lần Hoàng hỏi tên của ni cô thời người bảo.

- Thân đã không có thời sá gì danh với tánh... Ông muốn gọi tôi bằng tên gì, cái gì cũng được. Ni cô cũng được mà không là ni cô cũng được...

- Như vậy tôi tự đặt cho ni cô một cái tên ni cô chịu không…

Hoàng cười nói và ni cô tò mò hỏi.

- Ông đặt cho tôi cái tên gì?

Hoàng lắc đầu.

- Tôi không nói cho ni cô biết đâu. Tên đó chỉ dành riêng cho tôi gọi ni cô trong những lúc đơn côi mà thôi...

Hiểu được cái ý bóng gió xa xôi của Hoàng ni cô đỏ mặt. Một lần Hoàng vui vẻ cười nói với ni cô.

- Sư cụ cho tôi biết là mặc dù đã xuất gia nhưng ni cô chưa thọ mười giới. Bởi vậy ni cô chưa phải là sa di ni, chưa phải là ni cô...

- Ông mừng lắm khi biết được điều đó phải không?

Hoàng thành thật trả lời.

- Tôi mừng lắm khi biết ni cô chưa phải là sa di ni. Tôi cầu xin Phật Tổ đừng cho ni cô trở thành một sa di ni...

Ni cô rơm rớm nước mắt.

- Ông ích kỷ lắm... Ông ác lắm...

Hoàng gật đầu.

- Tôi xin ni cô tha thứ... Tôi biết tôi ác... Tôi ích kỷ... Nhưng tôi không thể dối lòng mình. Nói dối là một trọng tội ni cô biết không...

Ngừng lại giây lát Hoàng nhìn ni cô bằng ánh mắt van cầu và giọng nói nài nỉ cất lên giống như đứa em trai nhỏng nhẽo với chị của mình.

- Ni cô tha lỗi cho tôi nghe…

Ni cô lặng lẻ gật đầu. Được trớn Hoàng vừa cưòi vừa nói nhanh.

- Ni cô cười đi chứ… Ni cô nói tha thứ cho tôi mà mặt của ni cô ủ rũ và buồn hiu. Ni cô phải cười nói là " Ông Hoàng… Tôi tha lỗi cho ông rồi…".

Thái độ của Hoàng khiến cho ni cô phải phì cười và mọi giận hờn cũng quên hết.

12 giờ trưa. Nguyên tiểu đoàn được trực thăng vận từ Biên Hòa tới Chơn Thành. Ngồi dưới ánh mặt trời chói chang bên cạnh thân cây cao su khô Hoàng viết thư. Lá thư đầu tiên gửi cho ni cô.

- Chơn Thành... Ngày... tháng... năm... Thưa ni cô... Dù biết sẽ không bao giờ nhận được thư hồi âm của ni cô. Dù biết những dòng chữ của tôi sẽ quấy rầy một kẻ tu hành như ni cô. Hoặc sẽ làm xáo trộn đời sống bình an, thanh thản của một người đang ở trong cửa Phật sân chùa tôi vẫn muốn viết thư cho ni cô. Tôi không thể nào cưởng chống. Tôi không thể ngăn cản được lòng mình. Từ khi rời xa làng Sa Huỳnh tôi vẫn luôn hoài mong một ý nghĩ. Trở lại chốn cũ nơi xưa để ngày ngày ngồi nghe sư cụ giảng về thiền. Nghe tiếng chuông. Tiếng tụng kinh êm êm. Nhất là được thấy lại ni cô. Nghe nụ cười thánh thót họa hoằn lắm tôi mới được nghe. Nhìn ngắm nét buồn rầu man mác ẩn sau khuôn mặt thanh thản, bình an, đầy từ bi của ni cô. Những phút giây hiếm hoi. Những kỷ niệm quí báu không những không nhạt nhòa, mờ phai mà đời đời hiện hữu trong tâm hồn tôi. Tôi cưu mang. Gìn giữ. Ấp ôm kỷ niệm khi ngồi co ro trong giao thông hào, ngước nhìn vầng trăng xế qua đầu. Tôi tưởng tượng tới hình bóng của ni cô trong lúc gối đầu lên ba lô ngủ giấc ngủ đầy trở trăn bên cạnh hốc đá của vùng Dầu Tiếng hoang vu. Tôi nhớ tới ánh mắt thăm thẳm, gây trong lòng tôi vô vàn xuyến xao và rung động. Thưa ni cô... Người ta bảo xa mặt cách lòng. Riêng tôi... Càng xa chừng nào tôi càng cảm thấy gần chừng đó. Gần như tôi và ni cô thường đứng bên giếng nước chuyện trò... Gần như tôi và ni cô ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn sau bữa cơm chiều và sau giờ công phu của ni cô. Gần thật gần thưa ni cô. Gần tới độ tôi có thể hình dung ra nốt ruồi trên chót mũi của ni cô. Gần lắm thưa ni cô. Gần tới độ tôi có thể thấy vết sẹo đã mờ nơi càm. Gần tới độ tôi phải dằn lòng mới không nắm tay của ni cô để nói một câu. Nói ba chữ mà tôi muốn nói. Thưa ni cô... Bây giờ là nghìn trùng cách ngăn. Tôi Chơn Thành. Ni cô Sa Huỳnh. Ngàn cây số mà đi hoài không tới. Không thấy mặt nhau... Không được nhìn nhau...

Đồng Xoài ... Ngày... tháng... năm... Thưa ni cô... Lá thư thứ nhất gửi đi đã lâu. Tôi khắc khoải chờ mong. Tôi thấp thỏm ngóng trông. Tôi chờ từng ngày. Tôi đợi từng đêm. Tôi mong từng phút. Tôi ngóng từng giây. Thư trả lời của ni cô dù tôi biết không có chút mảy may hi vọng. Tôi sống trong mộng tưởng. Đêm đêm nằm bên bờ ao, vũng nước, nhìn trời sao lấp lánh, tôi mơ, tôi mộng một đời sống bình yên, một tình yêu mật ngọt chín mùi. Tôi cũng biết đời lính gian truân và ngắn ngủi cho nên chỉ xin được sống một ngày trọn vẹn... Trở về sau những chuyến hành quân tôi hi vọng nhận được thư của ni cô như đứa bé ngồi nhà chờ mẹ đi xa mang quà về cho mình. Thưa ni cô... Tôi nhớ vô cùng bữa cơm chay với đậu hũ kho. Bữa cơm tuy đạm bạc song đầy săn sóc. Tuy nghèo song giàu tình tự luyến thương. Tôi nhớ chén trà cúc mà mỗi lần nhìn vào tôi thấy khuôn mặt của ni cô lung linh nhạt mờ. Tôi nhớ tới lần từ giã. Lần nắm tay đầu tiên và sau cùng. Gây trong lòng tôi những mê man, đắm đuối ngàn đời không thể lãng quên...

Bù Đốp... Ngày... tháng... năm... Thưa ni cô... Không biết tôi đã gửi cho ni cô bao nhiêu thư rồi. Có lẽ nhiều, nhiều lắm, nhiều như lửa đang nung nấu tim tôi. Một đêm dừng quân bên trảng tranh mênh mông. Sương lạnh ướt vai. Tôi ngồi bó gối nhìn sao. Ý tưởng bừng cháy như hỏa châu đột nhiên rực sáng trong bóng tối thâm u. Yêu... Tôi yêu... Thưa ni cô... Tôi yêu ni cô từng sát na... Tôi yêu trong tiếng hú của hỏa tiển 122 sắp nổ trên đầu. Tôi yêu ni cô trong tiếng nổ của súng M16. Tôi yêu ni cô trong ánh hỏa châu bập bùng soi khuôn mặt hốc hác. Ánh mắt lạc thần sợ chết của người lính trong trung đội. Tôi yêu ni cô trong nỗi sợ chết đầy ắp tâm não. Khi sờ tới làn da lạnh ngắt và đôi mắt mở trừng của người lính bên cạnh. Tôi yêu ni cô trong nỗi nhớ thương diệu vợi nhiều hơn cơn mưa rừng của vùng Tây Ninh. Tôi yêu và tôi nhớ ni cô quay quắt lạ lùng. Nhớ một người yêu ngàn đời cách ngăn. Nhớ một tình yêu sao quá nghiệt ngã, đòi đoạn. Tôi yêu một kẻ tu hành nguyện dâng hiến đời mình cho phật pháp nhiệm mầu. Tôi yêu làm chi một người có cuộc đời riêng biệt, cách ngăn. Không bao giờ cùng tôi chung bước dù chỉ là một quãng đường đời ngắn ngủi. Tôi chỉ có mỗi mong ước nhỏ nhoi. Trở lại chốn xưa, nhìn thấy ni cô một lần rồi ngàn đời chia cách. Tôi không thể quấy rầy ni cô. Chúng ta mỗi người một ngả đời để sống. Ni cô sẽ sống bình an trong ánh sáng nhiệm mầu của đức Phật. Phần tôi... Tôi sẽ và tôi phải hoàn thành cái nghiệp chiến binh của mình với niềm cô đơn gặm nhắm từng ngày. Một tình yêu mà mỗi lần nghĩ tới chỉ biết ngậm ngùi, xót xa...

Đi họp trên đại đội xong Hoàng về báo cho Bảnh và bốn tiểu đội trưởng biết là tiểu đoàn được lệnh giải tỏa quốc lộ 13, đoạn đường từ Chơn Thành lên tới An Lộc. Ông thượng sĩ trung đội phó chửi thề.

- Mẹ... Con đường này xui lắm... Số 13 ông thầy biết không...

Hoàng cười thầm vì sự mê tín dị đoan của Bảnh. Có lẽ biết những người lính trẻ như Hoàng không tin dị đoan nên Bảnh cười tiếp.

- Để rồi ông thầy coi... Trung đội mình sẽ mẻ nhiều lắm...

Hơi gật đầu Hoàng nói với trung đội phó của mình.

- Ông dặn lính cẩn thận. Bảo lính lo lau chùi lại súng đi. Đừng để tụi nó đi chơi nữa... Tôi nghe ông Bá nói mình sẽ ở lại đây lâu...

Đang loay hoay với cái máy PCR25 Há hỏi nhanh.

- Bao lâu hả trung úy?

- Chuyện nhà binh làm sao tao biết được mậy... Tao chỉ biết là lâu thôi. Có thể một tháng, ba hay năm tháng...

Há thở dài sườn sượt.

- Tôi không thích ở vùng này... Toàn là cây cao su mà chẳng có gái gung gì hết...

Bảnh chợt lên tiếng.

- Tao nghe thằng Bung nói mấy thằng bây định mò vô đồn điền cao su kiếm gái phải không. Tụi bay điên vừa vừa thôi nghe. Tụi Vẹm có cả tiểu đoàn trong đó... Lạng quạng là nó xơi tái tụi bây...

- Đâu có ông thầy... Sức mấy tụi này mò vô đó... Xa quá lội gì thấu...

Cười nhạt thượng sĩ Bảnh đứng lên nói với cấp chỉ huy của mình.

- Ông thầy còn thuốc lá không. Tôi đi ngoại giao...

Hiểu ý của Bảnh Hoàng cười nhẹ.

- Ông mua dùm tôi hai cây quân tiếp vụ đi. Mai mốt lãnh lương tôi đưa lại ông...

Bảnh cười hà hà.

- Ông thầy nên cưới vợ đi. Có vợ mới nên người được...

Hoàng cười lớn.

- Ai mà thèm lấy tôi... Lương thiếu úy không đủ hút thuốc với nhậu tiền đâu nuôi vợ con...

- Hơi sức đâu mà lo... Trời sanh voi trời sanh cỏ mà ông thầy...

Hoàng cười nháy mắt với Há.

- Trời sanh voi trời sanh cỏ nhưng trời không sanh ra tiền được...

Nói xong Hoàng bước ra ngoài. Nắng của buổi xế chiều vàng hực dọi trên nền đất đỏ màu vàng hoạch. Rừng cao su ngút ngàn xanh ngắt. Gió lất lây đám cỏ khô vàng cháy vì thuốc khai quang. Cỏ khô vàng giống như chết nhưng chỉ cần một hai trận mưa rào đổ xuống là cỏ sẽ xanh um. Hoàng đứng nhìn về hướng đông bắc. Ở đâu là Sa Huỳnh. Ở đâu là hình bóng của ni cô trong khoảng trời mây mù khơi thăm thẳm. Nụ cười lẩn khuất trong bóng mây. Ánh mắt thấp thoáng sau rừng cao su bạt ngàn. Khuôn mặt. Hoàng cảm thấy đòi đoạn ruột gan khi nhớ tới khuôn mặt của ni cô. Anh nghe lòng mình bật lên tiếng khóc. Lá thư gửi ngày hôm qua bao giờ mới tới Sa Huỳnh? Liệu ni cô đọc hay là vất vào xọt rác? Bao giờ ni cô mới viết thư trả lời? Chắc không bao giờ. Ni cô muốn đời sống tu hành của mình không vướng bận vì hình ảnh của người lính chiến. Ni cô không muốn bị quấy rầy vì tình cảm của Hoàng. Tình nghiệt mà. Hoàng thở dài. Những ý tưởng. Những suy tư quay cuồng trong tâm tưởng. Nhớ thương quay quắt. Hình bóng ni cô hiển hiện trong lưng chừng trí nhớ. Giữa quãng trời mờ nhạt.

7 giờ sáng. Nguyên cả tiểu đoàn bắt đầu lội từ Chơn Thành tới An Lộc. Đường không xa lắm khoảng hai mươi lăm cây số. Nhưng là hai mươi lăm cây số đầy bất trắc và tai ương. Hai mươi lăm cây số của sự chết gắn liền theo bước chân. Lựu đạn gài. Mìn chôn. Bắn sẻ. Phục kích. Pháo. Đủ mọi thứ. Hoàng không nói cho lính biết. Nhưng họ cũng đoán ra. Đừng nghĩ lính ngu. Lính không biết gì. Lính khôn lắm. Họ mở rộng vành tai để lắng nghe. Họ mở to mắt để nhìn. Mũi của lính thính lắm. Phải khôn ngoan. Phải chịu khó học hỏi mới sống được trong cuộc chiến càng ngày càng thêm khốc liệt. Đại đội 1 của đại úy Bá đi đầu và trung đội 1 của Hoàng được lãnh vinh dự mở đường. Tín, tiểu đội trưởng tiểu đội 1 cằn nhằn.

- Tại sao mình cứ bị đi đầu hoài vậy trung úy?

Hoàng cười cười.

- Bởi vì cấp trên biết mày không lạnh cẳng nên cho mày đi đầu...

Tín lắc đầu.

- Tôi không có lạnh cẳng mà đái trong quần mỗi khi đi mở đường...

Cười ha hả Hoàng vẩy tay ra hiệu. Tiểu đội 1 và 3 đi bên trái. Tiểu đội 2 và 4 đi bên phải. Tất cả lấy con lộ 13 làm chuẩn. Hơn bảy giờ sáng rồi mà sương mù còn giăng giăng. Không khí lạnh và nằng nặng. Dường như cây cao su toát ra nhiều hơi nước mà ở đây cây cao su nhiều hơn các loại cây khác. Rừng cao su bạt ngàn, hun hút, âm u và hoang vắng như không có người cư ngụ từ lâu lắm. Hoàng cảm tưởng như có hàng trăm bóng người lẫn lút sau những thân cây cao su với hàng ngàn cặp mắt rình mò từng cử chỉ và hành động của mình.

Lính đi chậm và im lặng. Đánh hơi được nguy hiểm lính không cười đùa, tán dóc mà chú tâm nhìn, vểnh tai nghe những tiếng động lạ.

- Nó đó... Nó đó... Mẹ... Nó chạy... Bắn... Việt Cộng chạy...

Tiếng la hét. Tiếng M16 nổ. Lát sau hai xác chết được lôi ra đặt nơi lề đường. Cả hai đều mặc bà ba đen và mang dép râu. Vũ khí tịch thu là cây bá đỏ và một AK.

Tín thì thầm với lính của mình.

- Tụi bây cẩn thận... Tao nghĩ sẽ có đụng. Bung mày còn bao nhiêu đạn...

- Ba trăm... Tao mang một trăm còn thằng Én mang hai trăm. Mày hỏi chi vậy?

- Bảo thằng Én đi gần mày hơn. Mang đạn đại liên mà nó đi tuốt luốt đằng sau...

- Nó than nó mệt...

Tín hừ tiếng nhỏ.

- Ai bảo nó ham chơi đĩ... Nó không bị lậu, giang mai là phước đức tám mươi đời nhà nó...

Nói tới đó Tín lầm bầm.

- Cái thằng kỳ cục... Rượu không uống... Thuốc không hút... Chỉ mê gái... Chỉ thích chơi đĩ...

Tiếng súng nổ bên mặt của hai tiểu đội 2 và 4.

- Bắn... Bắn... M79...

Tiếng trung sĩ Thăng, tiểu đội trưởng tiểu đội 4 la lồng lộng cùng với tiếng đạn M79 nổ ầm ầm.

- Sa Huỳnh... Sa Huỳnh đây Bắc Hải... Nghe rõ trả lời...

- Bắc Hải... Sa Huỳnh tôi nghe Bắc Hải...

- Anh nhớ dặn mấy thằng con của anh cẩn thận... Tụi nó có cả trung đoàn...

- Sa Huỳnh tôi nghe Bắc Hải 5/5...

Hoàng vừa trao ống liên hợp lại cho Há thời súng nổ rền khắp hai bên đường. Tiếng la. Tiếng hét. Tiếng AK xen lẫn với M16. Thấp thoáng trong rừng cao su bóng nón cối. Ra lệnh cho lính tìm chỗ núp sau các thân cây cao su Hoàng cùng với Há nhào vào một gốc cây khá lớn nằm im chờ đợi. Đưa ống dòm lên quan sát anh thấy bóng quân địch len lõi trong rừng cao su mờ mờ tối.

- Ông thấy gì không?

Hoàng hỏi ông thượng sĩ trung đội phó của mình. Bảnh cười hực.

- Tụi nó định dương đông kích tây đó ông thầy. Nó cho lính đánh bên kia đường để mình không để ý rồi ém quân để đánh vào sau lưng của mình...

Hoàng cười nhạt.

- Ông coi hai thằng 3 và 4 bắn cầm chừng còn tôi dẫn thằng 1 và 2 tìm chỗ phục kích tụi nó...

Gật đầu Bảnh nói nhỏ.

- Ông thầy cẩn thận...

Hoàng vẩy tiểu đội 1 và 2. Mười chín người lính bò lên chừng hai chục mét rồi nấp sau thân cây cao su im lặng chờ đợi. Chừng mười lăm phút sau họ nghe có tiếng xào xạc, tiếng người nói nho nhỏ rồi bóng nón cối hiện ra thấp thoáng sau thân cây cao su. Năm mươi thước. Không khí lặng trang. Người nín thở. Hoàng nâng khẩu Colt 45 lên. Ngay lúc này anh ước gì mình có khẩu M60 hay ít nhất M16. Khẩu Colt 45 này chỉ là đồ chơi của con nít so với đại liên 12 ly 8, thượng liên hoặc AK của địch. Phía gốc cây bên kia Há cũng cầm khẩu Colt 45. Bóng bộ đội tới gần hơn. Ba chục thước. Hoàng nghe lòng bàn tay mình ươn ướt mồ hôi và trống ngực đập thình thịch.

- Bắn...

Phát súng lệnh nổ ra sau tiếng thét. Súng để tự động lính biệt động cùng lúc khai hỏa vào địch quân chỉ cách họ không đầy hai chục mét.

- Biệt động quân xung phong...

- Biệt động quân sát...

Hoàng và lính vừa bắn vừa chạy ào tới. Bị phục kích và tấn công một cách bất ngờ bộ đội Bắc Việt giật mình. Chưa kịp bắn trả lại nghe bốn chữ " biệt động quân sát " cùng với bóng lính áo rằn ào tới, chúng hoảng hồn cố gắng bắn trả lại.

- Sát...

Hoàng lảy cò vào một tên địch đang chạy tới. Chụp lấy khẩu AK 47 đang nằm trên đất anh miết cò. Năm ba thân người gục xuống. Rét... Tiếng đạn AK xé không khí. Hoàng cảm thấy đau nhói nơi chân rồi cảm giác đau đớn lan nhanh.

- Xung phong...

Lính biệt động tràn tới đánh cận chiến với địch quân. Tiếng người la hét, gầm rú hòa lẫn trong tiếng súng nổ biến khu rừng cao su như nóng lên. Máu văng tứ tung. Xác người nằm la liết. Xác mất tay. Xác không đầu. Xác thiếu chân. Xác nằm ngửa mặt lên trời. Trận đánh xáp lá cà chỉ chấm dứt khi địch quân tháo chạy.

- Ông thầy bị thương rồi...

Há la lớn. Hoàng cúi nhìn một lỗ nhỏ nơi đùi của mình. Máu từ đó chảy dài xuống chiếc giày trận bê bết bùn. Bảnh cười cười.

- Ông thầy thấy chưa. Tui nói số 13 xui lắm...

Hoàng cười nói với Há.

- Mày cho anh điếu thuốc... Bị một lỗ nơi chân mà ông... Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này...

Hoàng phì phà điếu thuốc trong lúc Mạnh cắt ống quần băng bó cho cấp chỉ huy còn Bảnh liên lạc với đại đội xin tản thương.


(còn tiếp)