Remember ?

kết quả từ 1 tới 5 trên 5

Tựa Đề: " Nửa hồn thương đau " và bi kịch của một gia đình.

  1. #1
    Moderator
    TAM73F's Avatar
    Status : TAM73F v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Apr 2009
    Posts: 2,321
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Sax " Nửa hồn thương đau " và bi kịch của một gia đình.

    :


    Hoài Bắc - Phạm Đình Chương & Khánh Ngọc thời kỳ còn mặn nồng .

    Vào những năm của thập kỷ 60, báo chí Sài Gòn xôn xao vụ ly dị của vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương - Khánh Ngọc. Có thể nói rằng sự tan vỡ của gia đình tiếng tăm thời bấy giờ được dư luận quy cho môt cuộc tình vụng trộm giữa ca sĩ Khánh Ngọc và "tình địch" không ai chính là nhạc sĩ Phạm Duy. Nỗi đau dày xe tâm can và sự tan nát của một đại gia đình nghệ sĩ đã "đánh gục' nhạc sĩ Phạm Đình Chương khi ông phát hiện ra , vợ mình đã yêu người anh rể Phạm Duy. Hay nói cách khác, rể và dâu trong một nhà đã đến với nhau, vượt ra ngoài luân lý đạo thường, vốn là một điều cấm kỵ trong văn hoá gia đình Việt Nam.

    Ca sĩ Khánh ngọc, với thân hình bốc lửa, kiều diễm đã được nhiều người biết đến với biệt danh "ngọn núi lửa", cô đã từng làm chao đảo, đắm say nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng và khán giả nam rất ái mộ. Khánh Ngọc thành danh trong làng nhạc từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Cô còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh...và là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn. Khánh Ngọc hường đóng cặp với nam tài tử Lê Quỳnh trong các bộ phim do người Mỹ thực hiện trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam.


    Chân dung của diễn viên kiêm ca sĩ Khánh Ngọc

    Năm 1961, Khánh Ngọc sang Hoa Kỳ để học thêm về ngành điện ảnh và gặp một du học sinh Việt Nam, hai người đã kết hôn và có được ba người con. Hiện Khánh Ngọc sống với gia đình ở Los Angeles.

    Nhờ khả năng diễn xuất của mình, Khánh Ngọc trình bày những bản nhạc rất hấp dẫn. Khi hát bản "Cerisier Roses et Pommiers Blances" lời Việt, vào câu đầu : "Vườn xuân ong bướm, ngất ngây ngất ngây lòng ta..." Khánh Ngọc lim dim mắt, thở dài, tay đè lên quả tim. Cô mở mắt liếc khán giả, nở một nụ cười vừa lẳng lơ vừa khả ái làm khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt... Đớn đau thay cho Phạm Đình Chương , người "si tình" và cũng "thành công" nhất trong việc chinh phục người đẹp chính là nhạc sĩ Phạm Duy.

    Trước khi đâm đơn ra toà, Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh dư luận. Với tình yêu nồng thắm buổi ban đầu, ông không thể nào tin vào sự ngoại tình đã được đồn thổi. Điều thương tâm nhất là ông vẫn yêu thương, tin tưởng vợ và bỏ ra ngoài tai những điều không tốt lành của giới văn nghệ sĩ tại Sài Gòn. Và như thế, vào một buổi tối định mệnh, Phạm Đình Chương cùng với những người bạn thân "bắt tại trận" cuộc tình vụng trộm của đôi tình nhân tại quán chè ở Nhà Bè - Gia Định.


    Ban hợp ca Thăng Long với Hoài Trung , Thái Thanh , Hoài Bắc

    Trời đất như sụp đổ dưới chân người nhạc sĩ tài hoa, anh gần như đứng không vững, bạn bè dìu quay trở lại nhà, nơi đứa con thơ dại đang ở nhà một mình ngóng chờ ba, mẹ về ...

    Ngay lập tức, sáng hôm sau, một loạt bài phóng sự đều tra nóng bỏng của các báo được phát hành và "cháy số", đắt đỏ nhất là tờ "Nhật báo Sài Gòn mới" của bà Bút Trà. Vụ "ăn chè Nhà Bè" được tung ra với những hình ảnh rất "thời sự" của các thành viên trong gia đình Phạm Đình Chương. Cả Sài Gòn gần như biết hết !

    Cho dù Phạm Duy cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng các bài điều tra, phóng sự nhưng "hoạ vô đơn chí", trong cuộc đời này, cái gì càng dấu diếm bao nhiêu, càng được "bùng nổ" và thêu dệt lên bấy nhiêu. Tan nát ! Không còn cách nào khác, Phạm Đình Chương gạt nước mắt đau thương, nộp đơn ly dị lên toà án. Vụ việc kết thúc và Phạm Đình Chương được quyền nuôi đứa con trai lúc bấy giờ khoảng 4-5 tuổi.

    Trong đau khổ tột cùng, không còn tâm trí nào để đi biểu diễn với các nghệ sĩ trong Ban hợp ca Thăng Long, Phạm Đình Chương quay về sống đơn độc và ít giao thiệp với bên ngoài.Kể từ đó, những bản tình ca bất hủ ra đời trong nước mắt, trong thương đau vô bờ bến và những hoài niệm xót xa: "Đêm cuối cùng", "Người đi qua đời tôi", "Khi cuộc tình đã chết", "Thuở ban đầu", "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển"...

    Một đêm mưa tầm tả ở Sài Gòn, ông tình cờ gặp lại Khánh Ngọc trên một sân khấu Đại Nhạc Hội, ông có nhã ý muốn đưa cô vợ đã li dị về nhà nhưng khốn thay, ông bị từ chối. Trong mưa rơi, ông lặng lẽ trở về căn nhà kỷ niệm một thời sống cùng Khánh Ngọc, nhìn qua màn mưa trắng xoá, nhớ về những ngày hạnh phúc giờ đang trôi theo dòng nước.... , Phạm Đình Chương quyết định quyên sinh và giã từ cõi đời này, nơi đã đem đến cho ông quá nhiều nỗi bất hạnh.

    May thay, tiếng khóc như xé lòng của đứa con trai đưa ông về hiện tại. Từ đáy tâm thức, một lời nhắn nhủ khuyên ông hãy cố gắng sống tiếp quãng đời còn lại để nuôi đứa con thơ dại. Ông bừng tỉnh và từ bỏ ý định tự tử. Ngay đêm đó, "Nửa hồn thương đau" được khai sinh ở ranh giới giữa sự sống và cái chết của người nhạc sĩ. Trong nước mắt thương đau, sự rã rời, tan nát của tâm can. Ngồi nhìn vầng trán thơ ngây của đứa con trai, Phạm Đình Chương đã viết hết nốt nhạc cuối cùng của ca khúc bất hủ này.Nếu đã một lần nghe bài hát này, chúng ta sẽ hiểu được tâm hồn của con người chỉ có thể chịu đựng đến một giới hạn nhất định. Khi nhắc tới Phạm Đình Chương, người ta lại nghĩ ngay đến "Nửa hồn thương đau" bởi trong ca khúc này là sự chung thủy tuyệt vời của một người đàn ông.

    Gần 50 năm trôi qua, trong góc khuất nào đó của cuộc đời, nghe người em gái của ông, ca sĩ Thái Thanh, hát ca khúc này, chúng ta mới thấy được nỗi đớn đau tột cùng của người nhạc sĩ tài hoa, bất hạnh và đầy nhân cách này.

    Nửa hồn thương đau
    ( Thơ Thanh Tâm Tuyền )

    Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa.
    Cho tôi về đường cũ nên thơ.
    Cho tôi gặp người xưa ước mơ.
    Hay chỉ là giấc mơ thôi.
    Nghe tình đang chết trong tôi.
    Nghe lòng tiếc nuối xót thương suốt đời
    Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau.
    Ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau.Hay ta còn hẹn nhau kiếp nào.
    Em ở đâu?Anh ở đâu? Có chăng mưa sầu buồn đen mắt sâu .
    Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt.
    Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.Và tiếng hát và nước mắt.
    Đôi khi anh muốn tin.ôi khi anh muốn tin.
    Ôi những người ôi những người.Khóc lẻ loi một mình...



  2. #2
    Moderator
    TAM73F's Avatar
    Status : TAM73F v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Apr 2009
    Posts: 2,321
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Button Do Nhạc sĩ Phạm Đình Chương




    Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (PĐC) xuất thân từ một gia đình có thể nói là “royal family” của tân nhạc VN.
    Thân phụ của ông là cụ Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của cụ sinh được 2 người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm.

    Phạm Đình Sỹ là một công chức, thỉnh thoảng lên sân khấu để đóng kịch tài tử cho vui nhưng vợ của ông là một nữ kịch sĩ tài hoa chuyên nghiệp: bà Kiều Hạnh. Bà còn nổi tiếng qua một tác phẩm khác của bà: nhóm Tuổi Xanh, từng đào tạo nhiều ca sĩ thiếu nhi thành những ca sĩ chuyên nghiệp cho miền Nam. Con của ông bà là ca sĩ Mai Hương hiện sống tại Mỹ.

    Phạm Đình Viêm chính là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long, một ban nhạc khởi sự hoạt động từ thời kháng chiến chống Pháp ở Liên Khu IV ngoài Bắc. Tháng 6 năm 1951, ban hợp ca Thăng Long đến với “nắng đẹp miền Nam” và kể từ đó họ làm mưa làm gió trên sân khấu văn nghệ miền Nam qua lối trình diễn có một không hai của họ.

    Hoài Trung có tài bắt chước tiếng cầm thú. Khi nghe ban hợp ca Thăng Long trình bày những bài hát như “Ngựa Phi Đường Xa”, (Lê Yên), “Sáng Rừng” (Phạm Đình Chương), nếu thỉnh thoảng bạn nghe tiếng ngựa hí, chim kêu thì đó là “tiếng kêu” của Hoài Trung dấy.

    Dòng vợ sau của cụ Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy, người con gái út là Phạm thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh một thời là vợ của đệ nhất nam minh tinh điện ảnh Lê Quỳnh (cha của ca sĩ Ý Lan, Quỳnh Hương). Còn người con trai giữa chính là nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

    PĐC còn là ca sĩ Hoài Bắc, linh hồn của ban hợp ca Thăng Long. Những thành viên khác của ban hợp ca như: NS Phạm Duy, Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung, Khánh Ngọc (vợ PĐC) có thể vắng mặt hẳn hoặc thay thế nhưng ca sĩ Hoài Bắc thì không thể thay thế được.

    PĐC sinh năm 1929 (có tài liệu ghi năm 1930). Ông được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Ngoài tài ca hát, PĐC còn được xem là một nhạc sĩ tài ba đồng thế hệ với Phạm Duy, Hoàng Trọng, Hoàng Thi Thơ, Văn Phụng, Ngọc Bích, Nguyễn Hiền v.v…

    Như bao nhiêu chàng trai yêu nước khác, ông theo kháng chiến chống Pháp ngay từ lúc ban đầu. Bốn anh em Phạm Đình Viêm, Phạm thị Quang Thái, Phạm Đình Chương và Phạm thị Băng Thanh đều gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.

    PĐC bắt đầu sáng tác trong thời gian theo kháng chiến. Lúc ấy ông chỉ mới 18 tuổi. Những bài ca ra đời trong giai đoạn này là loại nhạc hùng tráng như “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng”, “Hò Leo Núi”, v.v….

    Khi thấy Việt Minh bắt đầu lộ bộ mặt CS, ông “dinh tê” về thành rồi theo anh em vào Nam giữa 1951. Những sáng tác của ông trong giai đoạn này là những bài mang âm hưởng dân ca miền Bắc ca tụng cái đẹp của thôn quê như “Khúc Giao Duyên”, “Thằng Cuội”, “Được Mùa”, “Tiếng Dân Chài” như muốn nói lên tâm trạng hoài cố quận của mình.


    Cuối thập niên 50, qua ban hợp ca Thăng Long, giới yêu nhạc miền Nam được biết và yêu thích những sáng tác của ông như ”Xóm Đêm”, “Đợi Chờ”, “Ly Rượu Mừng”, “Đón Xuân”, v.v…

    Sau khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào những bài nhạc tình da diết, đau nhức, buốt giá tâm can như “Đêm Cuối Cùng”, “Thuở Ban Đầu”.

    Nhạc tình của ông là những tình khúc tuyệt vời dù không là những bài ca hạnh phúc. Nhiều nhạc sĩ sáng tác để nói về “tình” nhưng PĐC để “tình” nói hộ trong những tình khúc đau thương của mình.


    “Đêm nay đêm cuối cùng gần nhau.
    Lệ buồn rưng rưng, lời hát thương đau.
    Nhịp bước bâng khuâng ngoài phố lạnh.
    Giọt sầu rơi rớt hồn phiêu linh.
    Nắm tay không rời
    Cố hé run run môi cười.
    Lúc chia tay bên trời tiếc thương.
    Em ơi đêm cuối cùng gần nhau.
    Hẹn rằng một ngày mai nối mộng ban đầu.


    Em ơi đừng khóc sầu chia ly.
    Vì lệ tuôn rơi làm héo xuân thì.
    Dù đêm sâu như hồn chúng mình
    Dù quan san cách trở mong manh.
    Hãy tin một niềm
    Nỗi nhớ nhung xưa ven tuyền.
    Sẽ cho ngày về thắm duyên.
    Em ơi đêm cuối cùng gần nhau.
    Sợ rằng một ngày mai giấc mộng không thành"


    (Đêm Cuối Cùng)


    Phải nói là ông có biệt tài phổ thơ thành nhạc. Ngoài bài “Mộng Dưới Hoa” nói trên, ông đã đưa nét nhạc bi thiết vào những bài thơ như “Màu Kỷ Niệm” (thơ Nguyên Sa), “Nửa Hồn Thương Đau” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “Người Đi Qua Đời Tôi” (thơ Trần Dạ Từ), “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (thơ Quang Dũng), “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội” (thơ Hoàng Anh Tuấn), “Đêm Màu Hồng” (thơ Thanh Tâm Tuyền), để trở thành những tình khúc bất tử.



    Đây là những bài hát có nhiều chuyển cung rất hay lạ và Thái Thanh đã làm cho khách phòng trà phải nín thở mỗi khi nghe cô hát. Thuở ấy, Thái Thanh và ban hợp ca Thăng Long thường trình diễn tại phòng trà “Đêm Màu Hồng” (tên bài thơ của TTT) ở đường Nguyễn Huệ, Saigon. Ca sĩ Hoài Bắc thỉnh thoảng vẫn đơn ca tại đây.

    Ông có giọng trầm và dội, nhừa nhựa như phảng phất men rượu và khói thuốc nên càng thêm gợi cảm. Nếu bạn có dịp nghe ông hát trong một quán rượu về khuya, tay cầm ly rượu và điếu thuốc nghi ngút khói, hát một mình bằng một giọng hát ngỡ như khét lẹt vì khói thuốc nhưng lại được dập tắt bởi rượu và ngoài kia tiếng súng xa vọng về, lúc đó bạn mới cảm được cái hay độc đáo của giọng hát Hoài Bắc.

    Tuy thế, khán giả vẫn thích nghe ông hát chung với ban hợp ca Thăng Long hay song ca với Hoài Trung hơn, nhất là bài ”Hàm Xôi Phá Xa” dí dỏm:

    “Ối lạc rang
    Mới mua nóng giòn
    ...
    ...
    ...
    Lạc rang... lạc rang
    Ai mua lạc rang
    Nóng ngon thêm giòn"



    Có lẽ đóng góp lớn nhất của ông cho nền tân nhạc Việt Nam là trường ca “Hội Trùng Dương” sáng tác trong thập niên 60 gồm ba ca khúc “Tiếng Sông Hồng”, “Tiếng Sông Hương” và “Tiếng Sông Cửu Long”.

    Ta có thể kể hàng trăm bài hát ngợi ca tình yêu quê hương, thương mến đất nước trong gia tài nhạc Việt nhưng không gì hùng vĩ, hoành tráng và ý nghĩa bằng trường ca “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy và “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương.


    Ông mất năm 1991 tại California, Mỹ. Sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
    ...

    Con tằm đã nhả tơ cho đến sợi tơ cuối cùng. Và... những sợi tơ ấy giờ vẫn còn sáng ngời lắm, rực rỡ lắm, lấp lánh lắm.

    Thắp nén hương lòng này kính dâng hương hồn nhạc sĩ.


  3. #3
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    ĐỌC THÊM
    (Trong hai bài viết trên có những chi tiết sai về thời điểm, hoàn cảnh sáng tác cũng như ca từ của Nửa Hồn Thương Đau. Chúng tôi xin phép đăng lại bài viết của nhacxua.vn để câu chuyện về ca khúc bất hủ này thêm phần chính xác)


    Phạm Đình Chương, Khánh Ngọc và chuyện tình “Nửa Hồn Thương Đau”




    Cuộc hôn nhân đầy cay đắng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và người đẹp Khánh Ngọc đã được nhắc tới trong nhiều bài viết và bài báo trong nhiều năm sau đó. Đa số các bài viết đều lên án Khánh Ngọc và nói lên nỗi u uất của Phạm Đình Chương ngay sau khi ông chia tay vợ, nên đã sáng tác ngay bài hát “Nửa Hồn Thương Đau”.

    Sự thực thì không hẳn là như vậy. Có thể vì đây là một vụ tai tiếng liên quan đến những nghệ sĩ tiếng tăm nhất của đương thời, nên đã có nhiều sự thêu dệt không đáng có của dư luận mà người trong cuộc cũng không tiện để giãi bày về sự thật.

    Minh tinh điện ảnh Khánh Ngọc

    Nói về ca sĩ, diễn viên Khánh Ngọc, bà đã thành danh trong làng nhạc từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Khánh Ngọc được nhiều người biết với tên gọi “ngọn núi lửa”, bởi có vòng 1 hấp dẫn và thường quyến rũ khán giả say đắm mỗi khi bà lên hát.



    Ngoài ra Khánh Ngọc còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… Khán giả ngày hôm nay có thể không biết đến bà, nhưng trong ký ức những khán giả miền nam trước năm 1975 và nhất là những khán giả trên 70 tuổi thì Khánh Ngọc là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn.

    Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Anh, sinh năm 1937 tại Hà Nội, là kết tinh của mối tình mẹ Việt cha người Minh Hương. Thuở nhỏ, Lan Anh theo học trường Tàu cho đến trung học thì quay qua học chữ Pháp. Đến năm 1951, Lan Anh theo gia đình vào Nam. Nhờ học nhạc khi còn là nữ sinh, được thụ giáo môn dương cầm dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Võ Đức Thu, Khánh Ngọc đi sâu vào ngành ca nhạc và được mời hát trên làn sóng điện của Đài phát thanh quốc gia và Đài Pháp Á Sài Gòn. Với giọng ca vàng của mình, Khánh Ngọc gia nhập ban hợp ca Thăng Long và đã hai lần theo ban hợp ca này ra Bắc trình diễn vào năm 1952 – 1953.

    Không thể so với giọng ca vượt thời gian Thái Thanh nhưng thời gian này Khánh Ngọc cũng là một giọng ca có hạng. Tuy vậy, Khánh Ngọc vẫn còn ước mơ xa hơn đó là vòm trời điện ảnh. Bà đã một lần tâm sự trên mặt báo: “Tôi mê thành diễn viên màn bạc từ lâu lắm, chẳng nhớ là từ bao lâu, nhưng có điều chắc chắn là ngay từ hồi bé tí tôi đã mê những Shirley Temple, Mickey Rooney, Deanna Durbin. Tôi thường vẫn nói với tụi bạn bè “ôn con” của tôi hồi đó: “Tao mê chúng nó quá biết bao giờ mình mới được đóng xi nê như thế nhỉ?” (Tuần báo Truyện Phim số 46 – 1958).

    Không biết vận may hay vận rủi cho đời bà khi “giấc mơ điện ảnh đã đến với tôi trong một đêm đẹp trời giữa lúc tôi không ngờ nhất”. Vào một đêm cuối năm 1955, sau khi trình diễn ca nhạc tại một rạp chiếu bóng ở Sài Gòn, Khánh Ngọc đã được các chuyên viên điện ảnh Mỹ và Philippines đại diện cho một hãng điện ảnh Philippines sang hợp tác với Việt Nam sản xuất bộ phim Exodus và đang đi tìm một nữ diễn viên. Sau đó, Khánh Ngọc đã được đạo diễn César Amigo chọn đóng chung với các nam tài tử Philippines. Trong phim còn xuất hiện hai chị em Thái Thanh, Thái Hằng và Phạm Duy. Rồi từ bộ phim này, Khánh Ngọc đi hẳn vào con đường điện ảnh bằng vai chính trong phim Đất lành đóng với Lê Quỳnh (chồng ca sĩ Thái Thanh), Lê Thương và Kiều Hạnh, rồi tiếp theo là cuốn phim màu Chim lồng do chính Phạm Duy viết kịch bản.

    Cuộc tình vụng trộm đầy tai tiếng


    Khánh Ngọc cũng là người vợ được nhạc sĩ Phạm Đình Chương hết mực thương yêu. Thời gian đó nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh tin không hay về vợ của mình, nhưng vì tình yêu nên ông vẫn tin tưởng vợ và bỏ ngoài tai tất cả những nguồn tin “lá cải” ấy, cho đến khi biết được sự thật không thể phủ nhận được. Vào những năm đầu của thập kỷ 60, báo chí Sài Gòn xôn xao vụ ly hôn của vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc. Sự tan vỡ của gia đình tiếng tăm thời bấy giờ được dư luận quy cho cuộc tình vụng trộm giữa ca sĩ Khánh Ngọc và “tình địch” không ai chính là nhạc sĩ Phạm Duy.

    Khi đó thì Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Khánh Ngọc cùng ở trong ban hợp ca Thăng Long, có thêm Thái Thanh, Thái Hằng và Hoài Trung.

    “Thăng Long” bị chôn sống sau địa chấn.


    Nhà văn Mai Thảo kể, người rời bỏ đầu tiên khỏi “bản doanh” đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan là Phạm Duy và Thái Hằng. Phần còn lại gồm cả “Bà mẹ Thăng Long” (thân mẫu nhạc sĩ Phạm Đình Chương), dọn về một ngôi nhà nhỏ ở đường Võ Tánh.

    Đó là thời gian Phạm Đình Chương sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội. Ông chỉ tiếp xúc với một số bằng hữu thân thiết, giới hạn.

    Cũng theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, đang từ một “tay chơi” một “star”, thần tượng của giới trẻ thời đó, Phạm Đình Chương đã lột xác thành kẻ khác.

    Ông thay đổi hoàn toàn, không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tới sự tắt ngấm nụ cười. Ông trở thành một người không chỉ kiệm lời, đôi khi còn bẳn gắt nữa.

    Mai Thảo, tác giả tiểu thuyết “Mười đêm ngà ngọc” – một truyện dài viết về gia đình Thăng Long, nói:

    “Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng. Nhưng số anh em thân, vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười… ”

    Trái với một vài bài viết cho rằng ngay sau đó, Phạm Đình Chương đã sáng tác một số ca khúc như “Nửa Hồn Thương Đau” hay “Người Đi Qua Đời Tôi”, “Khi Cuộc Tình Đã Chết”… như một phản ứng tức khắc với phần số.

    Sự thực không phải như vậy. Dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương một thời gian khá dài, kể cả việc sáng tác ca khúc. Nó như một dấu lặng (bất thường) trong âm nhạc. Vì vậy ca khúc Nửa Hồn Thương Đau không phải là được ông sáng tác trong thời gian này.

    Phạm Đình Chương và Nửa Hồn Thương Đau


    Bản nhạc “Nửa Hồn Thương Đau” được Phạm Đình Chương viết xong vào năm 1970 (10 năm sau khi chia tay Khánh Ngọc), tại Đêm Mầu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của ông Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, để dùng cho cuốn phim Chân Trời Tím do công ty này sản xuất.


    Toàn bản nhạc do chính Phạm Đình Chương đặt lời. Chỉ duy nhất có hai câu cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Đá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến mà thôi.

    Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà “Nửa Hồn Thương Đau” lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Đình Chương cho biết:

    “Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim cho phim “Chân trời tím”, Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho ‘Nửa hồn thương đau’ không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần “coda” tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết sao cho hợp với nội dung bản nhạc. Nghĩ thời hạn “nộp bài” còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại ‘Đêm mầu hồng’ đòi nợ. Bảo là mọi chuyện đã sẵn sàng, ê kíp quay đã ‘bấm máy’, chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi tối đa hai ngày. Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó! May sao khi ấy, trên nóc chiếc piano của tôi lại có bài ‘Lệ đá xanh’ của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với ‘Nửa hồn thương đau’, thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là… ‘a lê hấp’, tôi dùng ngay cái ‘coda’ đó. Và tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến…”

    Nhìn lại giai đoạn “hậu địa chấn” bi kịch vùi dập đời riêng của Phạm Đình Chương, kể từ cuối thập niên 1950 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay, thù oán… Mà trái lại.

    Ngay ca khúc “Nửa Hồn Thương Đau” được dư luận nhắc tới, bàn tán nhiều nhất và đề quyết rằng Phạm Đình Chương viết ca khúc này nhằm gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ của ông, thì “đỉnh điểm” của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ. Như một tỏ-tình-với-dĩ-vãng. Một nâng-niu-vết-sẹo-định-mệnh:

    “Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
    ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
    hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
    Anh ở đâu?
    Em ở đâu?”


    Từ góc độ này, có người đã kết luận, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và, ăn ở với người, với đời nữa.

    Ngay với ca khúc tựa đề “Người Đi Qua Đời Tôi” thì ông cũng đã chọn câu thơ như một câu hỏi, có thể làm nao lòng người nghe là: “Em đi qua đời anh / không nhớ gì sao em?”

    Bà Khánh Ngọc giờ ra sao?

    Sau khi ly hôn và giao đứa con trai khoảng 4 tuổi lại cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương nuôi. Năm 1961 bà Khánh Ngọc qua Mỹ học về điện ảnh. Trong một cuộc phỏng vấn được đưa lên Youtube do bà Tuyết Mai thực hiện tại Florida vào năm 2000, người viết thấy bà Khánh Ngọc còn đẹp, nhất là nhìn hấp dẫn lắm, ánh mắt rất đa tình, ác liệt, miệng rộng, hơi móm nhưng duyên dáng. Bà nhắc lại những giai đoạn ca hát như ở trên. Có lẽ bà Tuyết Mai nóng ruột tò mò muốn hỏi về những chuyện riêng của “ngày xưa” nhưng ý tứ không dám sỗ sàng. Riêng bà Khánh Ngọc lúc nào cũng cười khi nhắc đến ban hợp ca Thăng Long, thái độ bà rất thản nhiên. Bà cho biết khi qua Mỹ bà gặp một du học sinh, và hai người hiểu nhau rồi kết hôn. Hiện bà có 3 người con và đang sống hạnh phúc tại Losan. Bà vẫn thường xuyên đi đây đó ca hát trong những hội đoàn cộng đồng bè bạn và ao ước được về sống tại Việt Nam trong những ngày cuối đời.

    nhacxua.vn biên soạn
    (Sử dụng tư liệu của các tác giả Thúy Vi, Du Tử Lê, Lê Văn Nghĩa, Tuyết Mai)




  4. #4
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG
    từ "Thuở Ban Đầu"...




  5. #5
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    ...tới "Đêm Cuối Cùng"


Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 03-17-2010, 12:07 AM
  2. Ngõ hồn qua đêm - Nhờ bạn " PS " edit lại dùm .
    By Southsky in forum Nhac Trữ Tình
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-23-2010, 08:09 PM
  3. Nửa Hồn Thương Đau
    By PS khoá 72G in forum Nhac Trữ Tình
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-07-2010, 12:36 AM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-17-2008, 01:18 PM
  5. Đừng Mắc Lừa "Ba Tàu" - Giang Thương "Hot News"
    By chopper1 in forum Tin tức đó đây
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-11-2008, 07:14 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •