Remember ?

Trang 2/5 đầuđầu 1234 ... cuốicuối
kết quả từ 7 tới 12 trên 25

Tựa Đề: Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

  1. #7
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

    Nguyên Hùng
    Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

    (Phần 20) : Giày dép còn có số

    Theo chỉ thị của Khu trưởng Nguyễn Bình, các chi đội ở miền Ðông đều tổ chức một đội công tác thành làm nhiều chức năng như thám báo, trinh sát, quyên góp tiền bạc thuốc men, ủy lạo chiến sĩ, liên lạc với các nhóm mạnh thường quân còn sinh sống trong thành. Cũng nằm trong đội công tác thành có một hoặc vài tổ chiến đấu võ trang súng ngắn và lựu đạn hoạt động ở ngoại ô và đôi khi chọc sâu vào các xóm bình dân nội thành như các chợ Bình Tây, Hòa Bình, Bàn Cờ, Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh.

    Một hôm tổ trưởng báo cáo có gặp một người tên Thomas Phước, từ Côn Ðảo về, là bạn của Bảy Viễn.

    Lập tức Bảy Viễn hỏi ngay: "Thomas Phước là thầy của tao ở ngoài đảo . Có lẽ ông ta về trong chuyến tàu Phú Quốc ra đảo rước tù về hồi tháng 9.45. Bây giờ ông ta ở đâu ?

    - Ở Cầu Muối, đường Boresse (Ký Con).

    Gặp lại Thomas Phước trong một con hẻm nhỏ đường Dumortier (Cô Bắc), Bảy Viễn rất mừng. Hai anh em hàn huyên tâm sự bên các chai bia Con Cọp.

    Thomas Phước nói:

    - Mừng cho chú đã chọn được một con đường đi đúng. Ngày xưa giang hồ, ngày nay chiến sĩ bưng biền. Nếu tôi còn trẻ, tôi sẽ xin vô Chi đội 9 của chú.

    - Bây giờ cũng không trễ đâu. Anh làm cố vấn cho tôi.

    Thomas Phước cười :

    - Chú không nên lẫn lộn thời bình với thời chiến. Thời bình thì tôi làm cố vấn cho chú được. Nhưng thời chiến, nay đây mai đó, làm sao tôi đủ sức hành quân với chú được? Bây giờ tôi kể chuyện Côn Ðảo chú nghe. Chú còn nhớ thằng Dao không? Sau khi Nhật rút khỏi Côn Ðảo, Dao giết thằng Bonifacy là tên ác ôn nhất trên đảo. Cuối tháng 8.1945 có tin Việt Minh cướp chính quyền ở Sài Gòn. Anh em nô nức chuẩn bị về đất liền. Nhưng tôi nói để anh em bớt thất vọng: nếu có tàu ra rước tù về thì người ta chỉ rước tù chính trị mà thôi. Thứ thường phạm rước về làm chi cho thêm mệt, vì anh em chứng nào tật nấy. Quả đúng như tôi nói, tàu Phú Quốc và hai mươi mấy ghe của tới vào cuối tháng chín chỉ rước chính trì phạm. Anh em thường phạm thất vọng quá, nhiều người đóng ghe để tự về, trong số này có Sơn Vương, một người ở tù lâu nhất trên đảo. Sau đó vài ngày, tàu Phú Quốc "trở ra" . Lần này vét hết cả tù chính trị lẫn thường phạm. Anh em ở lại bầu ủy ban Hành chính, Côn Ðảo. Sơn Vương đắc cử Chủ tịch... Chú thấy không, con người ta ai cũng có số. Từ tù nhảy lên làm ông chủ tịch...

    Bảy Viễn gật gù:

    - Giày dép còn có số, nói gì con người ? Thôi bây giờ mình nói chuyện đánh Tây. Ðại ca về đây, giữa vùng tạm chiếm nguy hiểm quá. Thế nào cũng bị bố ráp. Nếu bị bắt lại, đại ca sẽ bị tống ra đảo lần nữa, mà lần này thì có nước chôn xác nơi Hàng Keo. Hay là đại ca theo tôi .

    Thomas Phước lắc đầu:

    - Mình nằm đây không phải như con cua nằm trong hang chờ thiên hạ thọc gậy vô bắt đâu. Mình đang chỉ huy một nhóm cảm tử. Những vụ ném lựu dạn các quán rượu ở đây là do bọn này đó .

    Bảy Viễn bắt tay Thomas Phước:

    - Hoan hô đại ca. Ðại ca đúng là sư phụ của Bảy Viễn này. Ngoài đảo cũng như trên đất liền, đại ca lúc nào cũng ngon lành, nêu gương trượng phu hơn người. Thôi mình xin phép về. Nếu cần chi viện súng đạn thì cho biết, mình sẽ giúp ngay .

    Một tuần sau, tin dữ bay tới Mười Trí:

    - Thomas Phước bị Tây bắn chết trong một cuộc vây ráp đường Boresse. Nhóm cảm tử của Thomas Phước chiến đấu ác liệt, vừa nổ súng vừa rút qua đường Kitchener (Nguyễn Thái Học).

    Hay tin này, Bảy Viễn ra lệnh Ban công tác Chi đội 9 phải đánh trả thù cho Thomas Phước ngay. Bản thân Bảy Viễn cũng tham gia và chỉ huy một cánh.

    Trên đường Marchaise cũng trong vùng Cầu Muối, Bảy Viễn bắn chết tên chỉ huy tiểu đội Chà Chóp (Gurkha). Ngoài ra còn có ba tên Chà Chóp bị hạ tại chỗ. Sau đó Bảy Viễn tổ chức trọng thể lễ mặc niệm người anh trong tù và nay là liệt sĩ Thomas Phước.

    Nhờ các hoạt động của ban công tác Chi đội 9 mà Bảy Viễn tạo uy tín, gỡ gạc những vụ rút chạy trước đây.

    Riêng Tám Tâm thì vẫn bí mật theo dõi hành tung của hai tay "tân binh" họ Lai - tân binh nhưng chúng lại được "ăn trên ngồi trước".

    ( phần 21)Thiếu Tướng Ba Dương

    Nghe theo lời hiệu triệu của Ba Dương, các chi đội Bình Xuyên thi đua giết giặc lập công.

    Lính Chà chóp và lính Nhật đi lẻ tẻ trên đường vắng, thế nào cũng bị anh em nhảy ra giật súng.

    Bảy Rô và Ba Bay trong nhóm bảo vệ anh Ba Dương ở cầu Rạch Ðỉa đã nhử bọn Chà chóp đuổi theo qua cầu Rạch Giới để bắn vào tổ ong vò vẽ ở trụ giữa cầu khiến ong bu đốt bọn Chà chóp một trận nhớ đời. Có tên quýnh quá quăng súng nhảy xuống sông, vẫn không thoát khỏi đội quân cảm tử có cánh.

    Trong những trận kéo tấn công bót Thương khẩu Khánh Hội bắt sống trưởng đồn Paul Jean, rồi thừa thắng xông lên đánh bót số 6, giải thoát 60 thanh niên bị bắt giam.

    Bộ đội Bảy Viễn đánh Sở Cứu hỏa trên đại lộ Galliéni (Trần Hưng Ðạo), leo lên tháp canh cao 100m treo cờ đỏ sao vàng. Bốn chiến sĩ hy sinh, nhưng ta đã đạt mục đích: treo cờ Việt Minh to bằng tấm đệm lên cột cờ tháp canh cao ngất.

    Chiến hạm Triomphant, Suffren và soái hạm Richelieu đổ quân Pháp xuống Sài Gòn, tạo thế mạnh cho quân đội Pháp. Chúng chiếm hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa dễ dàng nhanh chóng.

    Tiểu đoàn Âu-Phi và đại đội Commando Ponchardier cộng thêm lính Thủy quân với hỏa lực hùng hậu tiến quân như vũ bão. Cũng trong thời gian này, Sư đoàn 20 Hoàng gia Anh tới Sài Gòn.

    Bọn Pháp vui mừng như hùm mọc thêm cánh. Cuối tháng 10.1945, bơn tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho thất thủ.

    Trước tình thế đó, tướng Nguyễn Bình quyết định đánh lớn để lấy lại uy thế kháng chiến.

    Kế hoạch đề ra là đánh vô thị xã Biên Hòa vào đầu năm dương lịch, lúc Tây đang nghỉ ngơi trong niềm vui chiến thắng.

    Tham gia trận đánh là các chi đội miền Ðông, gồm Chi đội I của Huỳnh Kim Trương (Thủ Dầu Một), Chi đội 10 của Huỳnh Văn Nghệ (Biên Hòa), bộ đội Tô Ký (liên quân giải phóng Hóc Môn -Bà Ðiểm -Ðức Hòa), bộ đội Ðào Sơn Tây (Dĩ An).

    Trận đánh diễn tiến như ta bố trí, thắng lợi hoàn toàn. Ðặc biệt có một tiểu đội nữ chiến sĩ tình nguyện từ Quảng Ngãi vào chuyên sử dụng mã tấu. Biết bao đầu Việt gian rơi rụng dưới những thanh mã tấu của bộ đội.

    Trận chiến thắng làm nô nức nhân dân Biên Hòa. Sau đó rất nhiều nhân sĩ, trí thức bỏ thành vào khu kháng chiến.

    Trước Tết 1946, Nguyễn Bình nhận được tin khẩn cấp của anh Bùi Sĩ Hùng, sinh viên Trường Y Hà Nội về Nam chiến đấu tại mặt trận Bến Tre, cho biết Mặt trận An Hóa -Giao Hòa đang bị địch vây cần được viện binh tới giải vây.

    Lập tức Nguyễn Bình từ Tân Uyên xuống Long Thành, ra lệnh cho Ba Dương:

    - Anh Ba đưa một cánh quân mạnh xuống Bến Tre giải vây mặt trận An Hóa - Giao Hòa. Cho anh em ăn Tết sớm rồi hành quân ngay trong ba ngày Tết .

    Ăn Tết xong, đoàn quân lên đường, vượt sông Soài Rạp, vô đất Gò Công đi tắt tới Bến Tre, gặp giặc thì đánh, khí thế xung thiên. Tới Châu Bình thì đụng giặc càn lớn.

    Một anh thư ký văn phòng chìa trước mặt anh Ba Dương một xấp giấy thuế thân:

    - Tây bao vây bốn phía. Mình chỉ có nước chém vè. Ðây, anh Ba lấy một tờ để giả dạng thường dân, rút ra khỏi vòng vây .

    Ba Dương xé nát tờ giấy thuế thân, nghiêm nghị nói:

    - Chỉ huy mà đụng giặc chạy trốn thì đâu phải là chỉ huy nữa ! Anh em nghe tôi: giấu súng chém vè. Xong sẽ tập hợp lại .

    Mấy chiếc Spitfire lên bắn dọn đường cho bộ binh.

    Anh Ba không xuống hầm mà chạy vòng quanh cây rơm , nhưng anh chậm chân bị trúng đạn té xõng soài dưới mương ruộng.

    Mất chủ tướng, đoàn quân mất tinh thần, chỉ biết tìm đường trở về Rừng Sác.

    Ngày anh Ba hy sinh là 20.2.1946 tức 19.1 Bính Tuất (theo một tài liệu khác thì anh Ba Dương hy sinh vào mùng 6 Tết Bính Tuất, tức ngày 7.2.46).

    Tin Ba Dương tử trận khiến Bảy Viễn trở lại ý đồ muốn xung thủ lĩnh Bình Xuyên.

    (phần 22)Ngài Khu Bộ Phó

    Ba Dương bị Spitfire bắn chết tại sở chỉ huy ở ấp Bình Phương, xã Châu Bình ngày 17.2.46.

    Chỉ huy phó Trần Văn Ðối (Sáu Ðối) đưa bộ đội Bình Xuyên (Liên chi 2-3) về Rừng Sác. Một tuần mở đường máu, đoàn quân về tới lãnh địa của mình.

    Hay tin Ba Dương tử trận, tham vọng từ lâu trong Bảy Viễn lại nổi lên.

    Bảy Viễn tự thấy mình xứng đáng thay thế Ba Dương làm thủ lĩnh Liên khu Bình Xuyên (gồm 7 chi đội đánh số 2,3,4,7,9,21 và 25). Hầu hết chỉ huy các chi đội này đều là bạn thân của Bảy Viễn, như Mười Trí, Tư Hoạnh, Tư Ty; chỉ có Năm Hà là em cùng cha khác mẹ với Ba Dương và cha con ông Tám Mạnh Hai Vĩnh là không tán thành ý đồ của Bảy Viễn.

    Ðúng như Bảy Viễn nhận định, anh em Bình Xuyên bầu Năm Hà lên thay Ba Dương làm thủ lĩnh Liên khu Bình Xuyên. Nhưng Bảy Viễn và hai tay thân cận là Tư Hoạnh và Tư Ty đều chê Năm Hà không đủ tầm vóc để chỉ huy.

    Ðêm đó Bảy Viễn họp cấp bộ - từ trung đội trưởng trở lên - để thăm dò dư luận về việc Bảy Viễn ra tranh chức Tư lệnh Liên khu với Năm Hà. Dưới trướng Bảy Viễn có hai nhân vật ta từng gặp trước đây. Ðó là Ba Rùm, cháu Mười Trí ở Bình Thới, người đã tham gia "đi hát" trại mộc Bình Triệu và đã lãnh bản án đồng hạng 12 năm Côn Ðảo. Người thứ hai là Năm Bé, dân Hải Phòng từng lưu lạc vào Nam, xưng anh chị bến cảng Khánh Hội, bị đày Côn Ðảo và đã quá giang bè của Bảy Viễn về đất liền.

    Bảy Viễn đặc biệt tin tưởng hai nhân vật này do đã quen biết từ trước kháng chiến và giao cho Năm Bé phụ trách nhân sự , Ba Rùm trông coi vũ khí.

    Trong cuộc họp, đa số tán đồng ý kiến của Bảy Viễn là Năm Hà không xứng đáng là tư lệnh Bình Xuyên. Người đủ tư cách phất cao ngọn cờ Bình Xuyên phải là Bảy Viễn. Thế là Bảy Viễn viết thư gửi các chi đội trong Liên khu mời họp để bàn việc chọn người thay thế anh Ba Dương.

    Trước cuộc họp quan trọng này, Bảy Viễn đã quyết định dời chỉ huy sở từ vườn Thơm (Tân Nhựt - Bình Chánh) xuống Rừng Sác - một vùng sông rạch chằng chịt nằm giữa hai con sông lớn là Lòng Tàu và Soài Rạp. Vị trí Rừng Sác cực kỳ quan trọng vì nó án ngử đường nước từ Vũng Tàu vô Sài Gòn cũng như từ miền Tây về Chợ Lớn. Vùng Rừng Sác cũng có nhiều bất lợi như thiếu nước ngọt (vì đây là rừng ngập mặn), thiếu đất cất nhà, dân phải che chòi trên sàn, lát cây tràm hay cây đước. Nhưng bù lại tôm cá dư ăn quanh năm.

    Vì sao Bảy Viễn chọn Rừng Sác thay vì Vườn Thơm ? Sau khi Tây tấn công Sài Gòn và nống ra các tỉnh, bộ đội Bình Xuyên phân tán, mỗi chi đội tìm một vị trí thuận lợi nhất để đóng quân lâu dài. Liên chi 2-3 về Rừng Sác. Ba Dương chọn Phước An, quận Long Thành đóng quân. ông Tám Mạnh và rể là Hai Vĩnh cũng rời Chánh Hưng về đảo Long Sơn, cũng gọi là Bà Trao hay núi Nứa lập căn cứ. Ðảo Long Sơn nằm giữa Bà Rịa và Vũng Tàu, chiếm một vị trí chiến lược đường biển cũng như đường bộ.

    Rừng Sác lại có căn cứ Lý Nhơn, cũng gọi là Xóm Tiều, là căn cứ của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, trăm năm trước đã từng đốt tàu Espérance trên sông Nhựt Tảo.

    Cuộc di chuyển đại bản doanh cũng gian nan nguy hiểm vì trên lộ thì xe nhà binh chạy liên tục ngày đêm, còn dưới sông thì các đội giang thuyền cũng hoạt động ngăn chặn ghe thuyền đi lại trên sông.

    Bảy Viễn còn đang lo âu thì vận may tới.

    Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký Hiệp ước sơ bộ 6.3.46 với Pháp.

    Ngày 5.3, quân đội Anh rút khỏi Việt Nam, ta đở được một địch thủ lợi hại.

    Công việc mở hội nghị bầu chỉ huy Liên khu Bình Xuyên được xúc tiến. Chỉ có các chỉ huy trưởng và phó chi đội trong Liên khu được mời mà thôi. Biết ý đồ của Bảy Viễn, hai cha con Tám Mạnh - Hai Vĩnh vận động Mười Lực, Nam Chẳng, Năm Hà, Sáu Ðối không bầu Bảy Viễn.

    Do Bảy Viễn không đủ đa số ủng hộ nên ý đồ làm thủ lĩnh đành phải gác lại.

    Nhưng tới tháng 5.46 thì vận may tới với Bảy Viễn.

    Khu trưởng Nguyễn Bình ký quyết định phong Bảy Viễn làm Khu bộ phó Chiến khu 7. Khu bộ phó thứ hai là Huỳnh Văn Nghệ (Tám Nghệ) - Chi đội trưởng Chi đội 10 hoạt động trong tỉnh Biên Hòa.

    Ðó là vinh dự lớn cho một tay giang hồ theo kháng chiến ! Ðám binh tôm tướng cá dưới trướng ông Bảy quyết định làm lễ lớn đón mừng chức Khu bộ phó Chiến khu 7 của chủ soái .

    Ðược phong Khu bộ phó, Bảy Viễn làm lễ ăn mừng .

    Tin Chi đội trưởng Chi đội 9 Lê Văn Viễn được vinh thăng Khu bộ phó, đứng kế sau Khu trưởng Nguyễn Bình, trên đệ nhị Khu bộ phó Huỳnh Văn Nghệ - Chi đội trưởng Chi đội 10 là một bất ngờ đối với Bảy Viễn cũng như đám thuộc hạ.

    Hai tên Tài, Sang cho đây là một thủ đoạn nhằm lôi cuốn Bảy Viễn đeo sát kháng chiến, nên nói xa nói gần: "ông Bảy có thấy việc đề bạt này có gì không bình thường không?"

    - Sao không bình thường? - Bảy Viễn nạt Năm Tài.

    - Không bình thường ở chỗ Chi đội 9 của mình chiến công đâu bằng Chi đội 10. Tám Nghệ đánh nhiều trận chấn động ở Tràng Táo, Bảo Chánh, Ðồng Xoài, Bàu Cá v.v... Vậy mà Nguyễn Bình chỉ phong Tám Nghệ đệ nhị Khu phó, đứng sau ông Bảy. Có phải đó là chuyện lạ không?

    Bảy Viễn gật gù:

    - Mày nói đúng. Mình không có nhiều chiến công bằng Tám Nghệ. Nhưng biết đâu Nguyễn Bình đưa mình đứng trước Tám Nghệ vì một lý do nào đó, chẳng hạn như mình là dân giang hồ khét tiếng trong giới lục lâm. Ông ta muốn đưa mình lên để làm ngọn cờ hô hào đám hảo hớn còn ở ngoài thành nên noi gương Bảy Viễn ra bưng kháng chiến?

    Năm Tài ngẫm nghĩ:

    - Cộng sản làm gì cũng có ý đồ . Họ chỉ nhắm cái lợi của họ mà thôi .

    Bảy Viễn gật:

    - Ðúng. Nhưng cái lợi của họ cũng là cái lợi của mình. Cờ đến tay tội gì không phất !

    Năm Tài:

    - Ðồng ý là ông Bảy phải phất, mà còn phải phất mạnh nữa kìa. Ta nên làm lễ đón nhận chức Khu bộ phó thật long trọng để phô trương uy thế. Nếu ông Bảy đồng ý, tôi sẽ chịu trách nhiệm làm trưởng ban tổ chức lễ này .

    - Ðược ! Ðược ! Mình mời hết các chỉ huy trưởng miền Ðông tới dự cho xôm.

    Năm Tài:

    - Còn khách quý trên thành nữa chớ, ông Bảy. Tôi sẽ thảo thư mời hai ông Lâm Ngọc Ðường, Maurice Thiên, rồi mời luôn cả các vị lãnh đạo tôn giáo như Hộ pháp Phạm Công Tắc, giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ....

    Bảy Viễn gật:

    - Ðúng ! Nên mời khách quý trên thành. Như vậy phải làm lễ xôm lên cho ra vẻ xứng đáng với khách quý .

    Tư Sang xen vô:

    - Về phần xây cất nhà khách, xây dựng khán đài, tôi xin lãnh. Sẽ có máy phát điện sáng đêm, rồi sẽ có ban nhạc tân cổ đầy đủ .

    Bảy Viễn thích thú:

    - Hay! Tao khoái nhạc cổ. Làm sao rước nhạc sĩ trên thành xuống biểu diễn cho xôm trò. Nhất là vọng cổ. Về khuya lai rai sáu câu nghe mới mùi .

    Tư Sang tức tốc tìm Hai Dậu, trưởng ban văn nghệ của Chi đội 9.

    Hai Dậu dân Trà Vinh, học đàn kìm từ nhỏ. Hai Dậu đàn cho các gánh hát "đại ban" như Huỳnh Kỳ, Phước Cương cho tới kháng chiến bùng nổ, thất nghiệp một thời gian rồi lên Sài Gòn đàn cho các quán có ca nhạc. Ðến khi thảy không thể ở thành làm trò vui cho thiên hạ, Hai Dậu xách đàn vô khu tham gia kháng chiến và đầu quân Bảy Viễn. Cùng lúc nhạc sĩ Ngọc Thới là cháu vợ Bảy Viễn cũng ra bưng, gia nhập chi đội dượng rể. Hai anh, một tân, một cổ, nhập lại làm ban văn nghệ Chi đội 9 khá xôm trò.

    Hai Dậu vâng lệnh Tư Sang về thành mời nhạc sĩ tên tuổi xuống giúp vui lễ tấn phong ông Bảy lên Khu bộ phó. Hai Dậu quen thân với danh ca Năm Cần Thơ và tìm tới nhà hàng cô danh ca này ký hợp đồng. Cũng cần nói thêm là Hai Dậu rất đào hoa, từng kết bạn tâm tình với các cô đào chánh các đại ban, trong số này có cô Năm Cần Thơ. Nghe Hai Dậu rủ ra khu chơi vài ngày, danh ca Năm Cần Thơ hưởng ứng ngay.

    Cô nói:

    - Anh đánh giặc rầm rầm, còn mình ở lại thành, đêm đêm ca hát phục vụ cho bọn trọc phú làm giàu trong chiến tranh, nghĩ mà nhục ! Ði, em đi vô khu với anh Hai một lần cho biết mặt ông Bảy Viễn .

    Ðược Năm Cần Thơ, Hai Dậu xẹt qua vũ trường Tabarin, nay là Văn Cảnh, đường Phạm Ngũ Lão - Calmette, rủ luôn hai bạn nhạc sĩ Chín Minh và Lê Yên.

    Chín Minh là nghệ sĩ nổi tiếng, sử dụng nhiều loại đàn như đàn gió, vĩ cầm, ghi-ta.

    Còn Lê Yên chuyên thổi kèn trompette. Cả hai vui lòng ra khu một chuyến để "thay đổi không khí".

    Vậy là Hai Dậu hoàn thành sứ mạng với Tư Sang.

    Năm Tài thảo thư mời các yếu nhân trên thành xuống để phô trương ngài Khu bộ phó.

    Tiếng "ngài" đặt trước chức Khu bộ phó nghe lạ tai, Bảy Viễn mới đầu thấy kỳ kỳ, nhưng Tư Sang nói:

    - Mình giao du với các yếu nhân trên thành phố thì phải dùng ngôn ngữ của người ta. Không thể ăn nói theo dân quê được. Giới trí thức họ sống có ngăn nắp lắm, chức nào cũng có danh xưng thích hợp, như anh lính, chú bếp, chú cai nhưng phải là thầy đội, ông quản. Từ quận trưởng trở lên phải gọi là ngài. Khu bộ phó tương đương với đại tá gọi là ngài là quá đúng. Xin ông Bảy chớ ngại ! .

    Năm Tài miệng lưỡi dẻo quẹo, cứ ton hót mãi, Bảy Viễn cũng không còn khó chịu khi nghe Tài gọi mình là "ngài Khu bộ phó".

    Nhưng tất cả cán bộ và chiến sĩ kháng chiến đều thấy lạ tai và cũng từ đó anh em bắt đầu "kính nhi viễn chí" ông Khu bộ phó gốc giang hồ.

    (phần 23)Lễ tấn phong

    Chốn rừng đước ngập mặn heo hút nay bỗng trở thành nơi đô hội nhờ lễ tấn phong ngài Khu bộ phó Lê Văn Viễn.

    Máy nổ đặt ở nơi xa để không làm ồn quan khách. Ðèn điện sáng rọi xuống lòng sông. Nhà khách được dựng lên bằng cột tràm, lá dừa nước, không ngăn vách như kiểu nhà công chợ đồng quê, treo hoa kết dây dưới ánh đèn trông tuyệt đẹp.

    Dàn nhạc trỗi lên, toàn nhạc Tây, nhạc nhảy vì nhạc trưởng Chín Minh, Lê Yên là hai trụ cột của dàn nhạc vũ trường Tabarin.

    Dân thành thị thì khoái rồi, vì quen tai. Dân quê cũng thích vì lạ, tay chán ngứa ngáy "cà giật, cà giật" như khỉ mắc phong.

    Bia Con Cọp, nước cam, xá xị rót đầy bàn, ai thích gì dùng nấy.

    Long trọng nhất là khi loa giới thiệu khách quý từ các nơi tới như các chi đội trưởng Năm Hà, Mười Lực, Năm Chẳng, Hai Lung, Mười Trí, Tám Mạnh, Hai Vĩnh, Sáu Ðối, Tư Huỳnh, Tư Hoạnh, Tư Ty.

    Kế đến, khách quý trên thành xuống: Lâm Ngọc Ðường, Maurice Thiên, Hộ pháp Phạm Công Tắc, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ với đệ tử ruột là Trần Văn Soái, hỗn danh Năm Lửa.

    Năm Tài mặc đồ lớn trân trọng giới thiệu quan khách. Ðúng vào lúc đó, một loạt đại liên nổ giòn, các vị khách nữ hốt hoảng nhảy tót vô mình các đấng trượng phu nhờ che chở.

    Nhưng Năm Tài cho biết đó là tiếng súng chào đệ nhị Khu bộ phó Huỳnh Văn Nghệ.

    Tất cả mọi người dều quay lại nhìn vị thượng khách mới tới.

    Bảy Viễn đứng lên, chỉ ghế bành kế bên mình mời Tám Nghệ, đứng thẳng người, nhìn qua cử tọa, khẽ cúi đầu chào.

    Anh Tám tới với tư cách là khách mời mà cũng là tai mắt của Bộ chỉ huy Khu.

    Từ lâu, Khu đã được báo cáo về hành tung của Bảy Viễn, như giao du thân mật với dân Sài Gòn và hai vị lãnh đạo Cao Ðài và Hòa Hảo. Loạt đạn nổ vang vừa rồi không biết là để chào mừng hay dằn mặt vị đệ nhị Khu bộ phó ?

    Trăm nghe không bằng một thấy, Tám Nghệ đã thấy tận mắt bốn vị khách quý trên thành xuống dự lễ tấn phong của Bảy Viễn.

    Năm Tài giới thiệu Lâm Ngọc Ðường và Tư Thiên là trưởng phó ban ủng hộ Chi đội 9 trên thành. Còn hai vị lãnh đạo tôn giáo lớn nhất Nam Bộ là Hộ pháp Phạm Công Tắc và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ là ủy viên đặc biệt trong ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ. Ai nấy đều có chức tước rõ ràng.

    Năm Tài trịnh trọng mời ngài Khu bộ phó Lê Văn Viễn lên phát biểu.

    Bài diễn văn do Tám Tâm soạn và đã được Năm Tài phê duyệt. Nhưng có vài câu làm Năm Tài giật nẩy người: "Bộ đội Bình Xuyên gồm phần lớn dân lao động nghèo từng phải làm lục lâm thảo khấu mà sinh sống qua ngày, nhưng giờ đây, theo kháng chiến, tâm tư tình cảm anh em đã đổi khác. Từ dân giang hồ, anh em trở thành các chiến sĩ yêu nước. Tuy nhiên, anh em nên đề phòng nhưng kẻ bất lương sống phè phỡn trên xương máu đồng đội".

    Năm Tài nhớ rõ bài diễn văn mà mlnh đã duyệt lại chắc chắn không có mấy câu đó. Vậy Tám Tâm nhét vô hồi nào?

    Bảy Viễn vừa đọc xong là Năm Tài xin lại bài diển văn để kiểm tra:

    - Ai thêm vô mấy câu này? Năm Tài rút viết gạch đít rồi trao cho Bảy Viễn.

    Bảy Viễn cười:

    - Có ai thêm vô đâu ? Bài diễn văn được Tám Tâm đánh máy sạch sẻ, lại có chữ ký của Năm Tài dưới mỗi trang. Mà mầy thắc mắc làm gì ? Chính nhờ mấy câu đó mà người ta vỗ tay hoan nghinh quá trời đất !

    Dù cho qua nhưng Năm Tài vẫn biết Tám Tâm "chơi xỏ" mình và ngày đêm theo dõi hành động của Tám Tâm.

    Ðầu hôm tân nhạc làm sôi nổi rùm beng, nhưng tới khuya thì cổ nhạc bắt đầu lên tiếng.

    Hai Dậu đờn kìm, Paul Thin đàn ghi ta , Mười Nguyên đàn tranh, Mười Một đàn vĩ cầm, cô Năm Cần Thơ, rồi cô Ba Bến Tre thay nhau hát những bản sở trường của mình (đã dược thâu vô đỉa hảng Asia bán khắp Nam Kỳ lục tỉnh).

    Quan khách, cán bộ và chiến sĩ, đa số gốc nông dân nên rất mê vọng cổ. Ðêm càng khuya, tiếng đàn giọng hát càng rung động lòng người. Bảy Viễn cưới nói:

    - Thưởng thức vọng cổ phải thưởng thức tại đây, giữa đồng không mông quạnh mới đã ! Còn nghe vọng cổ giữa Sài Gòn sao mà lảng xẹt ! Phải không quí vị ?

    Tiệc vui cuối cùng cũng kết thúc, nhưng với hai vị lãnh đạo Cao Ðài và Hòa Hảo thì vẫn còn tiếp diễn. Khi quan khách đã về hết, hai vị này ở lại bàn chuyện cơ mật với ngài Khu bộ phó.

    Các nhóm chính trị và giáo phái muốn liên kết lập một mặt trận liên tôn chống thực dân mà cũng chống cả Việt Minh. Họ muốn ở giữa . Huỳnh Phú Sổ muốn đi thăm các chi đội Bình Xuyên như Liên chi 23 để làm quen với Năm Hà, Sáu Ðối, Mười Lực, Năm Chẳng. Bảy Viễn liền cho liên lạc đưa Huỳnh giáo chủ qua Phước An ngay. Còn Phạm Công Tắc thì muốn kết nghĩa với Chi đội 4 của Mười Trí.

    Khi thầy Tư Hòa Hảo (tên thường gọi của Huỳnh giáo chủ) và Năm Lửa tới Liên chi 2-3 thì Chánh văn phòng Ba Xuân bực lắm. Anh đã nghe tin Hòa Hảo cướp chính quyền thị xã Cần Thơ ngày 9.9, do con trai Năm Lửa là Trần Văn Hoành cùng em ruột họ Huỳnh là Huỳnh Phú Mậu và thi sĩ Việt Châu (cố vấn đặc biệt của Huỳnh giáo chủ) cầm đầu.

    Cuộc binh biến bất thành, Tây bắt ba người lãnh đạo nói trên đem ra xử. Bây giờ thầy Tư Hòa Hảo tới Liên chi 2-3 để làm gì ? Với tinh thần cảnh giác, Ba Xuân ôm khẩu tiểu liên toan thủ tiêu giáo chủ. Nhưng anh Năm Hà, vốn trầm tĩnh, khoát tay khuyên Ba Xuân:

    - Người ta tới với danh nghĩa là khách, mình phải tiếp đón lịch sự. Chuyện đâu còn có đó, chớ vội vàng. Dục tốc bất đạt ! .

    Có thể nói số Huỳnh giáo chủ còn đó, nếu không thì chắc là đã bị Ba Xuân "hóa kiếp" từ ngày đó.

    Còn tiếp...

  2. #8
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

    Nguyên Hùng
    Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên


    (phần 24)Mặt trận Quốc gia Thống nhất
    Có một chuyện lạ là trong suốt thời kỳ giữ chức đệ nhất Khu bộ phó, Bảy Viễn không bao giờ về Bộ Tư lệnh Khu 7 họp.

    Bảy Viễn không rời căn cứ Rừng Sác của mình. Còn Khu 7 thì lúc đầu đóng ở Tân Hòa, Lạc An (Chiến khu Ð).

    Khi Pháp quyết định diệt Chiến khu Ð bằng những cuộc hành quân hải lục không quân, nhảy dù thì Nguyễn Bình dời tổng hành dinh về rìa Ðồng Tháp Mười, đóng dọc bờ sông vàm Cỏ Ðông. Ðến năm 1947 thì đóng sâu giữa Ðồng Tháp Mười, tại làng Nhơn Hòa Lập, nằm dọc con kênh mang tên thiếu tướng Dương Văn Dương.

    Vì sao Bảy Viễn không về khu họp ? Trong quyết định đề bạt Bảy Viễn, Bộ Tư lệnh khu có ghi rõ: Mỗi quyết định của Bộ Tư lệnh phải có hai chữ ký mới có giá trị . Mà Bảy Viễn thì đóng xa Tổng hành dinh khu nên các quyết định của Bảy Viễn phải cho người mang tới Bộ Tư lệnh khu để lấy thêm chữ ký của Khu trưởng Nguyễn Bình hay Khu phó Tám Nghệ.

    Về chi tiết này Năm Tài đã to nhỏ với Bảy Viễn:

    - Nói ra sợ ông Bảy rầy, chớ tôi thấy chuyện Nguyễn Bình đưa ông Bảy lên làm đệ nhất Khu bộ phó chỉ là cái bánh vẽ!

    Bảy Viễn nổi quạu:

    - Cái bánh vẽ ? Mầy nói rõ hơn cho tao nghe coi ?

    - Bánh vẽ là như thế này: Ông Bảy quyết định, ký tên đàng hoàng đóng dấu đệ nhất khu bộ phó, vậy mà quyết định đó chẳng có giá trị gì ! Phải đưa cho Nguyễn Bình hay Tám Nghệ ký vô nữa thì mới có giá trị . Vậy là bánh vẽ rồi, còn gì nữa ?

    Bảy Viễn chau mày :

    - Mầy phân tách rành rẻ như vậy, tao mới thấy. Nhưng mà Tám Nghệ ký quyết định cũng phải có chữ ký của Nguyễn Bình .

    Năm Tài cười ranh mãnh :

    - Ý , nhưng Nguyễn Bình với Tám Nghệ là một phe hai tay đó là cộng sản. Còn ông Bảy là chiến sĩ quốc gia yêu nước, không đảng phái. Vậy là phe quốc gia là thiểu số bị chèn ép. Ông Bảy có thấy không?

    Bảy Viễn đưa ra một lá thư:

    - Nguyễn Bình mời tao đi họp ở Ba Thu, tao ngại gặp nó quá?

    Năm Tài đưa hai tay lên như can ngăn:

    - Ý, không được đâu ! Ông Bảy không nên đi ! Nếu cần thì phái ai đó đại diện. Nghe nói nhiều người vô đó rồi mất tích. Có lẽ đã bị thủ tiêu cũng không chừng .

    Bảy Viễn vứt lá thư xuống bàn:

    - Vậy thì mình không đi. Ðể mình cử Năm Hà, bên Liên chi 2 đi thăm dò xem đã .

    Năm Tài mừng rỡ - ông bà mình nói chí lý:

    - Thà làm đầu gà hơn đuôi phụng. Ông Bảy làm vua ở Rừng Sác này chẳng sướng hơn làm phó cho thằng trôi sông lạc chợ Nguyễn Bình sao?

    Bảy Viễn nhăn mặt:

    - Mầy nói nhiều quá, tao nghe không kịp ! Ðể cho tao suy nghĩ .

    Những lời xúc xiểm của Năm Tài thấm dần trong tâm trí Bảy Viễn.

    Ðầu năm 1948 , cáo già Bazin và trung tá Savani được lệnh của Cao ủy - Ðô đốc D argenlieu xúc tiến thành lập Mặt trận Quốc gia Liên minh gồm các đảng phái chống Việt Minh. Tất nhiên Cao Ðài, Hòa Hảo, Bình Xuyên được quan tâm trước nhất.

    Ði đầu trong chủ trương theo Pháp là Trần Quang Vinh ; về đầu Pháp rồi ký hiệp ước với tỉnh trưởng Tây Ninh lôi hai chi đội 7 và 8 của Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Thành Phong về bảo vệ Tòa thánh Tây Ninh vào tháng 5.46.

    Tới tháng 8.46, Hộ pháp Phạm Công Tắc từ đảo Comores được Pháp phóng thích về lập quân đội Cao Ðài chống Việt Minh.

    Năm Tài được lệnh Phòng Nhì khuyến dụ Bảy Viễn tham gia Mặt trận này.

    Ông Bảy được nhiều người trên thành nhắc quá .

    Bảy Viễn cười:

    - Nhắc tao về việc gì ?

    - Thiên hạ muốn ông Bảy đứng ra chỉ huy một tổ chức cực kỳ quan trọng, đó là Mặt trận Quốc gia Thống nhất.

    Mặt trận đó là mặt trận gì? -Bảy Viễn hỏi.

    - Như tên chỉ rõ, đó là một mặt trận thống nhất các đảng phái quốc gia chống Pháp mà cũng chống Cộng sản tức là Việt Minh.

    Bảy Viễn giật mình:

    - Mày hết chuyện rồi sao Năm Tài ? Tao là độ nhất Khu bộ phó Chiến khu 7. Vậy là Việt Minh chánh cống. Sao mầy gợi ý cho tao đứng ra chống Việt Minh?

    Năm Tài cố thuyết phục:

    - Ông Bảy chưa biết Cộng sản. Họ có tin anh em giang hồ của ông Bảy đâu ? Họ chỉ lợi dụng dân giang hồ theo kháng chiến được lúc nào hay lúc ấy . Ngay khi đưa ông Bảy lên chức Khu bộ phó, Nguyễn Bình cũng tìm cách hạn chế quyền hạn của ông Bảy. Ký quyết định phải có hai chữ ký. Một chữ ký của ông Bảy không có giá trị gì.

    Bảy Viễn lại chau mày:

    - Mầy nói thêm về cái Mặt trận Quốc gia Thống Nhất cho tao nghe coi.

    - Mặt trận gồm các giáo phái mạnh như Cao Ðài, Hòa Hảo, Công giáo, Tịnh độ cư sĩ, Tin lành rồi các đảng quốc gia chống Cộng sản.

    Họ tập hợp lại để buộc cả Pháp lẫn Việt Minh phải chia quyền cho họ. Không ai được độc quyền chính trị... Sắp

    tới sẽ họp sơ bộ tại Bà Quẹo, có Hộ pháp Phạm Công Tắc, có giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tới dự.

    Bảy Viễn suy nghĩ khá lâu :

    - Tao chỉ định mầy đại diện tao đi họp rồi về báo cáo trước đã. Rồi sẽ tính sau.

    (Phần 25)Thu Thuế nuôi quân

    Hiệp định sơ bộ 6.3.46 được ký kết, theo đó Pháp công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất sẽ được quyết định bằng một cuộc trưng cầu dân ý.

    Nhưng bọn thực dân không tôn trọng hiệp ước này.

    Ðô đốc - Cao ủy D argenlieu tuyên bố Hiệp ước không liên quan gì tới Nam Bộ.

    Hai tháng sau, vào ngày 7.5.1946 đại tá Cédille, ủy viên Cộng hòa tới Nam kỳ theo lệnh Cao ủy D argenlieu lập ra chính phủ Nam Kỳ tự trị, đưa bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm Thủ tướng.

    Mối quan tâm lớn nhất lúc đó của Bảy Viễn là tranh cho được chức thủ lĩnh Liên khu Bình Xuyên mà trước đây Ba Dương rồi sau đó Năm Hà chiếm giữ.

    Nhưng giữa tháng 4.1946 thì mơ ước của Bảy viễn đã tan thành mây khói, anh Năm Hà, Tư lệnh Liên chi 2-3 nhận được công điện của Khu trưởng Nguyễn Bình về việc bầu chọn người thay thế cố Thiếu tướng Ba Dương trong cương vị chỉ huy trưởng Liên khu Bình Xuyên.

    Nguyên văn như sau :

    "VNCÐH - Vệ quốc đoàn - số 7/3/KB

    Tổng hành dinh, ngày 12.4.1946

    Nguyễn Bình, Khu bộ trưởng Khu thứ 7, nước Việt Nam

    Kính gửi đồng chí Dương Văn Hà, Tư lệnh Vệ quốc đoàn Bình Xuyên.

    Về việc đồng chí được cử thay đồng chí Dương, tôi rất tán thành. Mong đồng chí đừng phụ lòng mong mỏi ký thác của anh em chiến sĩ Bình Xuyên, của tôi, của đồng chí Dương Văn Dương đã quá cố, nhất là giữ tiếng tăm cho đồng chí Dương là người lỗi lạc, khác hẳn với Ðệ tam , Ðệ tứ sư đoàn phản động và lôi kéo bè phái . Có được như vậy mới thật là xứng đáng với anh linh đồng chí Dương Văn Dương, người đã hy sinh oanh liệt cho Tổ quốc.

    Ngoài ra tôi không đồng ý việc mượn tiền dân. Bộ đội nên tăng gia sản xuất để dân dược nhẹ phần đóng góp.

    Mặt khác tôi không cho phép vợ con đi theo bộ đội, tránh tình trạng ô hợp như Ðệ tam, Ðệ tứ sư đoàn, HT29. . . "

    Tin Năm Hà được chính thức nhìn nhận là Chỉ huy trưởng Liên khu Bình Xuyên thay anh Ba Dương được phổ biến khắp miền Ðông.

    Bảy Viễn nuốt nước bọt, chờ thời cơ sẽ tới trong những năm sau.

    Tuy Khu không đá động tới việc Bảy Viễn tham gia MTQGTN, nhưng Nguyễn Bình bắt đầu theo sát hành tung của Bảy Viễn. Phong cách lãnh đạo của Bảy Viễn còn dáng vẻ giang hồ. Có sự ngăn cách giữa cấp chỉ huy với chiến sĩ. Phần lớn cấp bộ đại đội là dân anh chị nên xem binh sĩ như lâu la em út. Cán bộ tiểu đoàn tách rời cấp dưới. Nghe sinh hoạt của Bảy Viễn chẳng khác lãnh chúa, dưới trướng có nhiều bề tôi sẵn sàng làm mọi việc theo lệnh Bảy Viễn. Xa xỉ phẩm do Lâm Ngọc Ðường và Maurice Thiên cung cấp không bao giờ thiếu. Ở rừng mà có rượu chát đỏ, rượu chát trắng, rồi Martell, Cognac, sâm banh, bia Con cọp uống thay nước. Cà phê, sữa hộp, ca cao đủ thứ, trên thành có gì, Rừng Sác có nấy.

    Nhưng điều mà Nguyễn Bình quan tâm nhất không phải là sinh hoạt đế vương của Bảy Viễn mà là cách thu thuế nuôi quân của Chi đội 9. Nhờ án ngữ hai con sông cái dẫn tới Sài Gòn -Chợ Lớn, Chi đội 9 đón tất cả ghe thương hồ từ miền Trung và miền Tây, lấy thuế.

    Ðể không bỏ sót, Chi đội 9 lập nhiều trạm thuế ở tất cả vàm rạch.

    Bảy Viễn thấy thu thuế là nguồn lợi lớn nên chọn Ba Tuấn là con Hội đồng Thì ở Bến Tranh, Dầu Tiếng làm trưởng ban.

    Ba Tuấn có Tú tài, khi kháng chiến bùng nổ, Ba Tuấn chưa biết đầu quân đâu thì cha anh khuyên nên theo chú Bảy Viễn là người quen biết của ba.

    Khi làm Trưởng ban Thuế vụ của Chi đội 9, Ba Tuấn mới thấy thương - dân thương hồ.

    Bộ đội nào cũng đều có quyền gọi ghe buôn lại để thu thuế. Thành ra một ghe chở nước mắm từ Phan Thiết vô hay một ghe chở hột vịt từ Mỹ Tho lên phải đóng bao nhiêu lần thuế.

    Ba Tuấn mở hội nghị với các chi đội phân chia ranh giới thu thuế để tránh giẫm lên nhau và cũng tránh cho người dân buôn bán trên sông chịu nhiều đau khổ.

    Nhưng nạn giành nhau thu thuế đã đưa tới sự xung đột giữa Chi đội 9 và Ban Kinh tài của Khu.

    (phần 26)Có đi không có về !

    Trong khi các chi đội ở miền Ðông theo chỉ thị của Khu trưởng Nguyễn Bình lo tăng gia sản xuất để nhân dân nhẹ phần đóng góp nuôi quân thì Chi đội 9 lo thu thuế các ghe thương hồ.

    Các quận Nhà Bè, Cần Ðước, Cần Giuộc đêu có ban thu thuế nên các nhân viên thu thuế , đụng ghe nào cũng thu. Dân đi buôn trên sông nước kêu trời như bộng !

    Từ ngày Ba Tuấn làm trưởng ban thuế vụ Chi đội 9 thì có sự phân ranh rành mạch.

    Nhưng nguồn thuế lớn nhất cho kháng chiến là ngay trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

    Các hãng, xưởng lớn đều gửi tiền nuôi quân hàng năm.

    Ðóng góp nhiều nhất là giới chủ nhà thuốc Tây. Không chỉ gửi tiền mà còn gửi thuốc men vô khu.

    Về sau nhận thấy ủng hộ tiền bạc thuốc men chưa đủ hai ông dược sĩ có tiệm thuốc Tây tại Sài Gòn là Hồ Thu (quê Phan Thiết) và Bùi Quang Tùng (quê Bến Tre) bỏ thành vô khu theo kháng chiến.

    Người Tàu ở Chợ Lớn thì có người đóng, người không. Chủ nhà hàng Ðại Thế Giới viện cớ đã đóng thuế cho Tây rồi, không thể đóng cho Việt Minh được. Vậy là phải dùng biện pháp mạnh với tay này: Ban Công tác lập kế bắt cóc đưa vô Khu, giải thích cho anh ta biết giới tư sản kinh doanh trên đất nước Việt Nam phải có nghĩa vụ đóng thuế lợi tức cho chính phủ Việt Nam. Pháp chỉ là kẻ tạm chiếm mà thôi. Ðặc khu Sài Gòn -Chợ Lớn phải mở một phiên tòa hẳn hoi đưa tên chủ Ðại Thế Giới ra xử, hắn mới chịu khẩu phục tâm phục.

    Trở lại Ban Thuế của Chi đội 9 ở Chợ Lớn. Người phụ trách là ông Bồ Văn Kiểu.

    Ông Kiểu là dân tài tử, thuở trẻ có học quyền Anh, rất mê đàn ca, kết bạn với các nghệ sĩ cải lương, chơi thân với các lực sĩ đá banh, quần vợt, đua xe đạp.

    Khi ta cướp chính quyền, ông Kiểu được giao giử chức Giám thị trưởng Khám Lớn Sài Gòn. Lúc Tây đánh chiếm Sài Gòn ngày 23.9.1945 , ông Kiểu được giao quản lý Nhà máy Ðường Hiệp Hòa . Sau đó ông được Bảy Viễn mời phụ trách thu thuế các chành lúa trong Chợ Lớn.

    Các nhà máy xay phần lớn đều ở bến Bình Ðông, xa trung tâm thành phố và thuận đường nước, kế bên kênh rạch. Các ghe lúa gạo từ miền Tây lên đây bán cho chành.

    Hầu hết chủ chành là người Tàu.

    Muốn thu thuế phải túc trực sẳn, như dân quê nói "đụng đâu xâu đó" hay "thấy mặt đặt tên".

    Người Tàu không tha thiết với chính trị, họ chỉ lo làm ăn thôi. Cho nên thu thuế không phải chuyện đơn giản.

    Ông Kiểu gần như ngày đêm luôn luôn có mặt tại chành.

    Trong thời bình thì chẳng có gì đáng nói, nhưng đây là thời chiến, bọn Pháp cứ đi tuần tiễu, nhất là các vùng ngoại ô, gọi là "xôi đậu" -sáng ngày là của Tây nhưng từ chạng vạng trở đi là của ta. Rất nhiều lần trong tuần, ông Kiểu phải "chém vè" khi đụng Tây ruồng bố.

    Do tích cực thu thuế nên số thu chi của Chi đội 9 do ông Kiểu đem lại rất lớn.

    Chuyện này tới tai Ban Kinh tài của Khu.

    Trưởng ban Kinh tài Khu là người thiếu tầm nhìn xa, chỉ thấy lợi ích của đơn vị mình nên nghĩ cánh giành nguồn thu nhập quá lớn này. Anh ta báo cáo về Khu dề nghị dẹp trạm thuế ở các chành lúa gạo bến Bình Ðông, vì thu nhập đó chỉ giúp cho Bảy Viễn sống phè phỡn, còn binh sĩ Chi đội 9 vẫn thiếu thốn đủ mọi bề.

    Nhưng thật tai hại, không rõ anh ta báo cáo thế nào mà trong một đêm tối trời , ghe của ông Kiểu đậu bên bờ kênh bị mấy loạt đạn tiểu liên. Ông Kiểu chết tại trận.

    Không ai nhận là tác giả nhưng loạt tiểu liêu đó, chỉ biết một cán bộ thuế đắc lực và dũng cảm dám bám sát vùng ngoại ô để thu thuế nuôi quân phải hy sinh một cách bí hiểm.

    Hay tin này, Giáo sư Hồ Văn Lái, nguyên là thầy dạy vẽ Trường Trung học Pétrus Ký, lúc đó là Trưởng ty Tuyên truyền Ðặc khu Sài Gòn -Chợ Lớn đóng ở Vườn Thơm, sửng sốt nói với các bạn:

    - Mình biết anh Bồ Văn Kiểu. Anh là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Dám bám sát các chành lúa ở Bình Ðông là dũng cảm hơn người vì Tây lui tới ngày một. Rất tiếc là do các ban thu thuế tranh giành nhau mà anh Kiểu chết lãng".

    Hay tin Bồ Văn Kiểu tử nạn, Bảy Viễn rống lên:

    - Tụi bây điều tra coi thằng nào ám hại cán bộ thuế của tao. Chắc chắn là thằng Trưởng ban Kinh tài của Khu. Nó muốn tranh giành nguồn thuế. Tao ra lệnh cho tụi bay thủ tiêu thằng đó, có gì tao chịu trách nhiệm !

    Những vụ tranh giành thu thuế giữa Chi dội 9 và Ban Kinh tài Khu ngày càng gay gắt.

    Có khi hai bên nổ súng thị uy nhau.

    Khu phải họp giải quyết nạn thu thuế vô tội vạ.

    Nguyễn Bình gửi thư mời Ðệ nhất khu bộ phó Bảy Viễn về Khu để họp bàn giải quyết. Nhưng Bảy Viễn lo sợ Nguyễn Bình sẽ thủ tiêu mình, như bọn Tài, Sang ngày đêm hù dọa nên Bảy Viễn đề cử Năm Hà đi thay.

    Năm Hà lúc đầu cũng sợ về Khu vì nghe tin đồn "có đi không có về !".

    Năm Hà đề nghị Khu phải đưa thư ký riêng của Nguyễn Bình là anh Hai Trọng (Lương Văn Trọng) xuống Liên chi 2~3 làm con tin thì mới dám đi. Chuyện nghi kỵ nhau lúc đầu thật buồn cười nhưng thật ra cũng dễ hiểu vì Phòng Nhì cố tình gieo chia rẽ giữa Việt Minh cộng sản và những phần tử kháng chiến quốc gia.

    Năm Hà lên Khu, thấy Nguyễn Bình, Tám Nghệ đối xử thân tình, mới hết nghi ngờ. Trở về Phước An (Long Thành), Năm Hà cười bảo Hai Trọng:

    - Có chuyện gì đâu! Trên đó cũng như dưới này, ai cũng một lòng đánh Tây. Ðâu có phân biệt trí thức hay giang hồ, quốc gia hay cộng sản. Rõ ràng là mình bị bọn đích ly gián .

    (phần 27)Hồn ai nấy giử

    Tuy Mặt trận Quốc gia Thống Nhất (cũng được gọi là Mặt trận Quốc gia Liên hiệp) bị Trung tướng Nguyễn Bình giải tán, Hộ pháp Phạm Công Tắc vẫn tiếp tục thúc đẩy quân đội Cao Ðài ráo riết đánh phá vùng rừng núi, lấn chiếm các khu giải phóng. Cái thế của Hộ pháp là "ky hổ nan hạ" đã lỡ leo lên lưng cọp rồi, nhảy xuống là bị thực dân "thịt" ngay.

    Bên ta, Khu 7 và tỉnh Tây Ninh chủ trương mở rộng đoàn kết, nhiều dân tiếp xúc với các chức sắc cao cấp trong Tòa thánh, mời tham gia Việt Minh và vận động tín đồ Cao Ðài tham gia kháng chiến như những ngày đầu giành chính quyền. Nhưng các chức sắc cao cấp Cao Ðài ngả theo Hộ pháp chống đối Việt Minh và trở thành công cụ đắc lực cho thực dân. Ðược Pháp tiếp tế súng đạn, trả lương hàng tháng, quân đội Cao Ðài hành quân liên miên, gây khó khăn cho vùng tự do.

    Trong tình thế đó, Khu 7 thành lập các liên quân đương dầu với quân đội Cao Ðài đang thọc sâu vào vùng tự do.

    Qua tình báo, Khu 7 biết Pháp sẽ làm lễ giao súng ống cho quân đội Cao Ðài tại Tòa thánh Tây Ninh vào đêm giao thừa Tết Ðinh Hợi (nhằm ngày 21.1.1947).

    Tham mưu trưởng Khu 7 Huỳnh Kim Trương chủ trương đánh ngay đầu não địch để phá vở lễ giao súng cho quân đội Cao Ðài. Nhưng cuộc tấn công không đạt được mục đích mong muốn về quân sự cũng như về chính trị .

    Hộ pháp Phạm Công Tắc rải truyền đơn thanh minh rằng Tòa thánh trá hàng lãnh súng của Tây để sau này đánh lại Tây và yêu cầu Việt Minh giao chiến trường Tây Ninh cho họ, đồng thời Tòa thánh mời Việt Minh cử đại diện vô Tòa thánh hội đàm.

    Khu chỉ định ba người: Dương Minh Châu, Nguyên Hữu Dụ và Trần Văn Ðẩu vô hội đàm với các chức sắc cao cấp Cao Ðài trong hai ngày.

    Kết thúc, cuộc họp không đem lại kết quả nào.

    Nhưng hậu quả thật là đáng tiếc: Vừa về tới căn cứ thì bị Pháp hành quân "chụp" đúng cơ quan, nên Luật sự Dương Minh Châu, Chủ tịch Uy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh , hy sinh !

    Các cuộc thanh trừng ngày càng ác liệt. Dân vô tội ngã gục giữa hai thế lực giao tranh.

    Ðó là những năm đen tối trên chiến trường miền Ðông.

    Trước tình thế đó, Bảy Viễn càng tách rời Nguyễn Bình.

    Năm Hà còn về Khu họp một lần, còn Bảy Viễn thì "hồn ai nấy giữ".

    Xung đột Cao Ðài -Việt Minh chưa ngã ngũ thì lại xảy ra mâu thuẫn Hòa Hảo - Việt Minh.

    Mâu thuẫn này bắt đầu từ tháng 9.45, khi giáo chủ Huỳnh Phú Sổ tới Lâm ủy Hành chính Nam Bộ yêu cầu đồng chí Nguyễn Văn Tây giao bốn tỉnh có tín đồ Hòa Hảo cho ông ta trông coi.

    Ông Nguyễn Văn Tây chỉ lên bản đồ Việt Nam treo tường nói:

    - Ðất nước Việt Nam là một. Không ai có quyền chia cắt. Tôi đâu có quyền làm theo yêu cầu của giáo chủ .

    Sau đó, ngày 9.9, Trần Văn Thành là con Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) cùng em giáo chủ là Huỳnh Sanh Mậu và cố vấn giáo chủ là thi sĩ Việt Châu Nguyễn Xuân Thiếp cầm đầu nhóm tín đồ Hòa Hảo tấn công chợ cá Cần Thơ. Ðến tháng 4.47, Hòa Hảo được sự hỗ trợ của quân đội Pháp lại nổi lên chiếm được một số làng xã trong quận Tân Châu (Châu Ðốc), Chợ Mới (Long Xuyên) và Châu Thành (Sa Ðéc). Khu 9 lại tổ chức hai cánh quân tảo thanh Hòa Hảo.

    Ðây cũng là những năm đen tối, đất nước chìm trong cảnh "nồi da xáo thịt" do âm mưu chia rẽ để trị của bọn thực dân.

    Bảy Viễn học được cái khôn của người xưa là "tọa sơn quan hổ đấu" , vừa xem vừa rút kinh nghiệm. Và Bảy Viễn đã tìm cho mình con đường "lội giữa hai dòng nước" - không theo Pháp, cũng không theo Việt Minh.

    Ðây cũng là "cao kế" của quân sư Năm Tài.

    Bảy Viễn nghe theo cố vấn Tư Thiên, chọn thế án binh bất động, không đánh Pháp trên hai sông Lòng Tàu và Soài Rạp - tất nhiên cũng không đụng bộ đội Việt Minh - biến chiến khu Rừng Sác thành một căn cứ an toàn không có tiếng súng.

    Cái lợi trước mắt là khỏe thân mà lại được tiếp tế đều đều . Ðúng là lãnh chúa sống đời đế vương trong thời loạn.

    Nhưng tình báo của Khu đã phát hiện những dấu hiệu "đi đêm" của Bảy Viễn và khẩn cấp báo về Khu.
    Còn tiếp......

  3. #9
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

    Nguyên Hùng
    Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên


    ( phần 28)Ði đêm có ngày gặp ma

    Sau khi vị Hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn thức thời , trao ấn kiếm và tuyên bố một câu để đời : "Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ" .

    Chính phủ Hồ Chí Minh mời cựu hoàng Bảo Ðại nay là công dân Vĩnh Thụy làm cố vấn . Nhưng không bao lâu sau, trong một chuyến công du Trung Quốc, Bảo Ðại bay sang Hồng Kông ở luôn, không về .

    Hết tiền, Bảo Ðại sẵn sàng làm công cụ chính trị cho thực dân Pháp.

    Bollaert bay sang Việt Nam với giải pháp cựu hoàng Bảo Ðại để đương đầu với Hồ Chí Minh.

    Pháp đưa Bảo Ðại lên làm Quốc trưởng lập chính phủ trung ương, đưa đại tá Nguyễn Văn Xuân lên làm Thủ tướng. Song song với bộ máy hành chính, thực dân lập những chiến khu quốc gia ngay trong vùng Việt Minh, kêu gọi các chiến sĩ kháng chiến trở về với chính phủ quốc gia do cựu hoàng Bảo Ðại làm quốc trưởng.

    Một trong những chiến khu quốc gia đầu tiên là chiến khu quốc gia Bình Quới Tây (nay là Bình Thạnh).

    Song song với chiến khu quốc gia Bình Quới Tây, địch tiếp xúc Bảy Viễn lập chiến khu quốc gia Rừng Sác. Theo trung tá Phòng nhì Antoine Savani, một tên cáo già gốc ở đảo Corse, từng là tay đánh cướp khét tiếng, cưới vợ Nam Kỳ, ăn được mắm sống, nói tiếng Việt rành như người Việt thì chiến khu quốc gia Rừng Sác quan trọng gấp mười lần chiến khu quốc gia Bình Quới Tây.

    Về vị trí chiến lược, Rừng Sác là yết hầu của Sài Gòn. Thứ hai, Rừng Sác là căn cứ Bình Xuyên, thiện chiến hơn quân đội Cao Ðài. Nắm được Bảy Viễn thì biến căn cứ Rừng Sác thành chiến khu quốc gia số 1 của nước Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Ðại.

    Theo thủ tục hành chính, Savani truyền lệnh cho Lâm Ngọc Ðường.

    Ðường lại chuyển tới Maurice Thiên.

    Tư Thiên đích thân xuống Rừng Sác to nhỏ chuyện cơ mật với lãnh chúa Rừng Sác .

    Chuyện không lạ vì trước đó "quân sư" Năm Tài đã gợi ý cho Bảy Viễn "án binh bất động" đứng giữa hai bên Pháp và Việt Minh mà vẫn được Pháp tiếp tế súng đạn và nhu yếu phẩm...

    Maurice Thiên trình bày nội dung hiệp ước Phòng Nhì định ký với Bảy Viễn: Chi đội 9 "án binh bất động" không đánh các tàu Pháp từ Vũng Tàu vô Sài Gòn và từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Ðồng thời không đánh các tàu vận tải Pháp từ Sài Gòn qua Nam Vang và từ Nam Vang xuống Sài Gòn.

    Pháp sẽ không hành quân đánh vô Rừng Sác suốt thời gian hiệp ước có hiệu lực. Ngoài ra Pháp sẽ chu cấp súng đạn, nhu yếu phẩm cho Chi đội 9 theo yêu cầu.

    Bảy Viễn suy nghĩ lung lắm về ba điều khoản trong hiệp ước. Riêng về Chi đội 9 thì dễ thôi. Nhưng Rừng Sác với hai con sông lớn là sông Lòng Tàu và Soài Rạp có rất nhiều bộ đội đóng quân.

    Như Lý Nhơn có bộ đội Gò Công chạy sang đóng nhờ, Chi đội 7 của Hai Vĩnh, bộ đội Tư Hoạnh. Nếu đám này mà đâm hứng phục kích tàu Tây hay tàu hàng thì ăn làm sao nói làm sao với trùm Savani đây ?

    Maurice Thiên liền trấn an Bảy Viễn:

    - Chuyện ai nấy lo. Phần Chi đội 9 của anh kể như xong, còn các chi đội khác sẽ tính sau. Nếu xảy ra bất ngờ thì tôi sẽ nói rõ đó là chuyện ngoài ý muốn của Bảy Viễn .

    Thế là Bảy Viễn đã âm thầm "đi đêm" với Phòng Nhì qua trung gian người bạn chí thân là Maurice Thiên.

    Nhưng đi đêm có ngày gặp ma.

    Khu đã nhận được tin tối mật này, dù Bảy Viễn giữ bí mật tuyệt đối

    (phần 29) Kế mọn.

    Tướng Nguyễn Bình mời Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ kiêm Trưởng ty Công An Ðặc khu Sài Gòn -Chợ Lớn Cao Ðăng Chiếm (bí danh lúc bấy giờ là Sáu Hoàng) bàn kế hoạch đối phó.

    Sáu Hoàng góp ý:

    - Chưa nắm chắc bằng chứng, công an không thể bắt bớ. Tốt nhất là lặng lẽ theo dỏi...

    Nguyễn Bình nóng nảy:

    - Theo dỏi đến bao giờ? Làm gấp gấp đi?

    Sáu Hoàng cười:

    - Nhà binh thì "tốc chiến tốc quyết", còn bên công an thì tuần tự nhi tiến, dục tốc bất đạt . Tôi có kế mọn này để tiện bề theo dỏi Bảy Viễn.

    - Kế mọn ra sao ?

    Bảy Viễn với Mười Trí là cặp bài trùng, từng "đi hát", từng nằm Khám lớn Sài Gòn, từng đi đày Côn Ðảo, từng vượt ngục... Do đó tôi đề nghị đưa Mười Trí - hiện là chỉ huy Chi đội 4 - lên chức đại biểu Liên khu Bình Xuyên trong ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) Sài Gòn - Chợ Lớn. Anh Mười Trí là người tốt. Ta nắm được Mười Trí là nắm được Bảy Viễn.

    Nguyễn Bình gật gù:

    - Hay! Kế hay đấy? Nhưng phải bàn với quyền Chủ tịch UBKCHC Nam Bộ Phạm Ngọc Thuần. Tôi chỉ phụ trách về quân sự .

    Sáu Hoàng được Nguyễn Bình "bật đèn xanh", tiến hành ngay.

    Ngày 2.2.48, một hội nghị bất thường giữa các chỉ huy Liên khu Bình Xuyên và giáo sư Ðặng Minh Trứ, Chủ tịch UBKCHC Sài Gòn -Chợ Lớn nhóm với sự tham gia của Ủy viên phụ trách dân quân Nguyễn Hộ và Phó giám đốc Sở Công an Nam bộ Cao Ðăng Chiếm. Tham gia hội nghị có Lê Văn Viễn, Khu phó khu 7; Dương Văn Hà, Tư lệnh Liên khu Bình Xuyên; Trần Văn Ðối, Phó tư lệnh Liên khu Bình Xuyên; Huỳnh Văn Trí, Chỉ huy Chi đội 4, Lâm Văn Ðức tức Tư Ty chỉ huy Chi đội 25; Nguyễn Văn Hoạnh (Tư Hoạnh) chỉ huy Chi đội 21, Lê Văn Chàng, chỉ huy Chi đội 2 và Ngô Tấn Lực, chỉ huy Chi đội 3.

    Bảy Viễn chủ tọa cuộc họp, Nguyễn Hộ làm thư ký.

    GS Ðặng Minh Trứ trình bày mục đích, yêu cầu của cuộc họp: cử một đại diện Liên khu Bình Xuyên vô UBKCHC Sài Gòn -Chợ Lớn theo Nghị định số 8-NÐ của Nam Bộ để dễ làm việc.

    Ða số đồng ý và Bảy Viễn giới thiệu Mười Trí ứng cử đại diện cho Liên khu Bình Xuyên trong UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn. Kết quả, Mười Trí được 25 lá thăm trong số 28 thành viên có mặt tại hội nghị.

    Bảy Viễn phấn khởi tuyên bố:

    - Nay đã có đại diện Liên khu Bình Xuyên trong UBKCHC Sài Gòn -Chợ Lớn, tình hình sẽ sáng sủa hơn. Ta có thể giải quyết mọi vấn đê lủng củng, nhất là về vấn đề thu thuế. Trước đây chúng ta giẫm chân nhau - dân thương hồ khổ sở mà chúng ta cũng đã có những vụ chạm súng đáng tiếc. Tôi hy vọng trong tình thế mới này, Ban Tiêu dùng Sản vật Nam bộ hoạt động đắc lực hơn đã giúp chính phủ có đủ tiền cung cấp cho quân đội toàn Nam Bộ .

    Cũng trong cuộc họp này, GS Ðặng Minh Trứ lặp lại điều mong muốn của UBKCHC Nam Bộ là Khu bộ phó Lê Văn Viễn nên về họp đại hội tại Nam Bộ vì từ ngày lên chức Khu bộ phó, ông Bảy chưa có lần nào về họp Bộ Tư lệnh Khu.

    Bảy Viễn vui vẻ hứa sẽ về Ðồng Tháp Mười một lần cho biết căn cứ đầu não của kháng chiến Nam Bộ:

    - Một ngày nào đó, tôi sẽ xuống Nam Bộ theo thư mời của Ban Thường vụ Nam Bộ để giải quyết dứt khoát về hệ thống làm việc của Liên khu Bình Xuyên và những chuyện hiểu lầm giữa Khu trưởng Nguyễn Bình và Khu phó Bảy Viễn .

    Cuộc họp kết thúc trong không khí tin tưởng nhau, trong tinh đoàn kết kháng chiến.

    Người vui mừng nhất là Sáu Hoàng. Kế mọn của anh đã hoàn thành tốt đẹp: đưa Mười Trí vô UBKCHC Sài Gòn - Chợ Lớn để dễ nắm Bảy Viễn.

    Bước thứ hai là tiếp cận Mười Trí, tìm cách phá vỡ nghi vấn "đi đêm" của Bảy Viễn.

    Ðây là một cuộc đấu trí ác liệt giữa Sở Công an Nam bộ và tên trùm Phòng nhi Antoine Savani - một tên cáo già đảo Corse, cưới vợ Việt Nam, ăn được mắm sống và nói tiếng Việt không thua người Việt.

    Trong bàn tay phù thủy của Savani, Bảy Viễn chỉ là một con chốt.

    Tuy bất tài vô đức, nhưng ngày nay Bảy Viễn đã giữ cương vị chỉ huy Chi đội 9 kiêm Khu bộ phó khu 7, khó có thể hạ bệ lãnh chúa Rừng Sác.

    Thượng sách là mượn tay trùm Phòng Nhì làm nhục Bảy Viễn .

    Chuyện đó, Sáu Hoàng ngày đêm nghiền ngẫm và hy vọng Mười Trí sẽ tiếp tay với mình.

    (phần 30)Nhất cử tam tứ tiện

    Sáu Hoàng đang suy nghĩ cánh ngăn chặn ý đồ "đi hàng hai" của Bảy Viễn thì dịp may đến:

    - Mười Trí tới nhờ Công an Nam bộ cấp cho mấy giấy phép đi đường từ Quân khu Ðông Thành (Ðức Hòa -Ðức Huệ) xuống Long Xuyên.

    - Chúng tôi muốn phục kích tàu Thanh Vân lấy súng. Tàu có một khẩu cà nông 20 ly, hai F.M (trung liên), hai mi (tiểu liên) và một chục súng mút (súng trường). Tàu Thanh Vân chở hành khách tuyến đường Nam Vang về Sài Gòn, lại có giòng ghe chài chở gạo, ngũ cốc, trâu bò heo...

    Sáu Hoàng cười:

    - Anh cần bao nhiêu giấy phép ? Sao lại phải xuống Long Xuyên?

    Mười Trí nói nhỏ tuy chỉ có hai người:

    - Mình cho thằng Hai Bạc là tổ trưởng trinh sát Chi đội 4 của mình với mấy thằng lính về cù lao ông Hổ (Mỹ Hòa An), giả làm hành khách lên tàu tại bến Long Xuyên. Có điều -nghiên -phản -tổng như vậy mình mới biết trên tàu là bao nhiêu lính, mấy thằng Tây, giờ giấc ăn ngủ, bao giờ tới nơi mình phục kích...

    Sáu Hoàng:

    - Anh yên chí lớn đi. Tôi sẽ cấp giấy phép cho tổ trinh sát Hai Bạc, đồng thời cấp luôn giấy laissez - passer của Tây nữa. Ðụng Tây, có bùa Tây; gặp ta có bùa ta. Nhưng anh Mười định phục kích tàu nầy ở đâu vậy ?

    Mười Trí:

    - Vàm Phong Mỹ. Từ đó mình chở cây cà nông với mớ súng nhỏ đi vài giờ là vô khu Ba Sao, Cái Bèo của mình.

    Sáu Hoàng ngạc nhiên:

    - Sao anh Mười chỉ lấy súng mà bỏ qua mấy chục chiếc ghe chài trâu bò, heo, gạo ? Uổng quá !

    Mười Trí giật mình:

    - Uổng thiệt! Bộ đội đang đói. Tại mình ham súng lớn. Vậy thì phải chuẩn bị thêm ghe xuồng để lấy gạo, ngũ cốc, heo bò...

    Sáu Hoàng kéo anh Mười lại bản đồ treo trên vách lá:

    - Ðịa điểm phục kích của anh Mười không thuận tiện cho việc rút quân. Con kênh Nguyễn Văn Tiếp thẳng băng. Máy bay nó lên bỏ bom, bắn đại liên là chết hết. Anh Mười nên suy nghĩ thêm về địa điểm sao cho thuận lợi lúc đánh cũng như lúc rút. Và đừng quên số chiến lợi phẩm khổng lồ ngoài cây cà nông 20 ly của anh.

    Ðêm đó Sáu Hoàng thao thức tìm địa điểm phục binh cho Chi đội 4. Chừng gà gáy nửa đêm thì anh bật ra ý kiến bằng vàng; tại sao không thuyết phục Mười Trí đánh tàu Thanh Vân ngay trên sông Soài Rạp, trong vùng kiểm soát của Chi đội 9? Nhất cử tam tứ tiện: vừa an toàn về quân sự vừa thắng lợi về chính trị, phá được liên minh ma quỷ giữa Savani và Bảy Viễn.

    Ðầu hôm không ngủ được vì suy nghĩ tìm địa điểm phục kích giúp Mười Trí, nửa đêm về sáng cũng không ngủ được vì vui mừng đã tìm ra "kế mọn" phá thế "đi đêm" của Bảy Viễn, vậy mà sáng hôm sau Sáu Hoàng tỉnh như sáo khi anh Mười tới:

    Theo lời khuyên của anh Sáu, tôi chọn được nơi phục kích mới là vàm sông Kỳ Hôn...

    Sáu Hoàng kéo anh Mười tới bản đồ:

    - Chỗ này cũng bất tiện cho việc rút lui. Ghe ta chèo làm sao nhanh hơn máy bay Spitfire (khạc lửa) ? Coi chừng thương vong nặng đó.

    Mười Trí thở dài:

    - Vậy theo anh Sáu thì đánh ở đâu?

    Sáu Hoàng dán mắt vào bản đồ, làm ra vẻ suy nghĩ dữ lắm rồi vỗ tay cái bép, như khoái chí phát hiện điều hay ho:

    - Anh Mười ơi ! Tại sao ta lại không phục binh trên sông Soài Rạp ? Chỗ này là vùng của Bình Xuyên. Rừng Sác um tùm. Ðánh tàu xong, cắt dây đói cho ghe chài tấp vô mấy cái rạch nhỏ là xong ngay. Máy bay trinh sát L.19 cũng khó mò ra.

    Mười Trí "à" một tiếng hả hê:

    - Anh Sáu tài quá ! Ðánh tàu Thanh Vân ở Vàm Sáu nầy thì ăn chắc. Ðể mình xuống Tất Cây Mắm bàn chuyện liên quân với Bảy Viễn. Hai đứa mà bắt tay đánh trận nầy thì cờ khai đắc thắng, mã đáo thành công.

    Sáu Hoàng cười:

    - Liên quân cái gì ? Tôi nghĩ một mình Chi đội 4 của anh cũng nắm phần chắc rồi. Cho một bán đội giả làm hành khách rồi thừa lúc chúng ăn cơm là lia tiểu liên diệt gọn. Anh Mười chỉ cần mượn bãi của Bảy Viễn để thu đoạt chiến lợi phẩm thôi .

    Mười Trí gật lia:

    - Ðúng là mình chủ động toàn bộ. Nhưng hỏi mượn bãi của Bảy Viễn thì e anh ta tự ái . Cho nên mình dùng chữ liên quân cho đẹp dạ anh em.

    Khi Mười Trí sửa soạn xuống rừng Sác, anh Sáu bắt tay động viên:

    - Tuy anh Mười là bạn nối khố với Bảy Viễn, tôi nghĩ anh Mười sẽ gặp khó khăn trong việc đề nghị liên quân đánh tàu Thanh Vân.

    Mười Trí trợn mắt:

    - Sao lại gặp khó khăn? Cỗ tôi dọn sẵn, ngu sao nó không ăn?

    Sáu Hoàng xa xôi :

    - Anh quên rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh sao? Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Ba năm nay Bảy Viễn đã trở thành lãnh chúa rừng Sác có đánh đấm gì ra trò ? Tâm lý anh ta là muốn ngồi mát ăn bát vàng. Tôi chỉ nói theo chủ quan của tôi, chưa biết đúng hay sai. Anh Mười nên lựa lời mà nói cho được việc. Thuyết phục được Bảy Viễn chịu cho anh mượn bãi Vàm Sác để "làm thịt" tàu Thanh Vân không dễ đâu. Nhưng tôi tin tưởng anh Mười sẽ thành công.
    Còn tiếp .....

  4. #10
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

    Nguyên Hùng
    Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

    (Phần 31)Án binh bất động

    Tàu Thanh Vân đã bị liên quân Chi đội 4 -Chi đội 9 phục kích tại Vàm Sác đúng theo kế hoạch của Mười Trí.

    Tàu đến Vàm Sác vào xế chiều. Bán đội trinh sát của Hai Bạc đồng loạt leo lên tầng trên nổ súng tấn công.

    Tên quan hai thủ súng đại bác 20 ly đang nằm trong ca bin với con bồ người Việt toi mạng ngay sau loạt đạn đầu. Hai tên thủ trung liên F.M cũng bị diệt gọn. Do bị bất ngờ, tiểu đội lính Miên trên tàu buông súng đầu hàng.

    Hai Bạc chỉ huy tài công cặp sát mé rừng, cứ tới một cái rạch nhỏ là cho một ghe chài tấp vô để bộ đội và dân chúng thu chiến lợi phẩm.

    Gạo chứa cả kho. Trâu, bò, heo quá nhiều, phải giăng dây giữ ngoài đồng, những món mà Bảy Viễn khoái nhất là xa xỉ phẩm. .

    Riêng Mười Trí thì toại nguyện: chiếm khẩu cà nông 20 ly và hai trung liên F.M. Còn gạo, heo, bò... Mười Trí giao Bảy Viễn chia đều cho các chi đội trong Liên khu Bình Xuyên và tiếp tế một phần cho bộ đội địa phương Gò Công đóng nhờ trên đất Lý Nhơn.

    Trở về Quân khu Ðông Thành, anh Mười kể chuyện thuyết phục Bảy Viễn cho mượn bãi Vàm Sác .

    Thoạt tiên Bảy Viễn giẫy nẩy:

    - Không được ! Không được? Lâu nay mình thỏa thuận ngầm với Tây . Anh không đánh tôi, tôi không đánh anh. Nay anh đánh tàu Thanh Vân của nó trên đất tôi thì anh hại tôi rồi !

    Sáu Hoàng gật gù nghĩ thầm:

    - Tình báo ta không sai. Rõ ràng Bảy Viễn "đi đêm" với Tây.

    Anh hỏi:

    - Anh Mười nói thế nào mà Bảy Viễn chịu liên quân?

    Tôi nói:

    - Mầy cứ đổ cho tao - Mười Trí - đánh mà không cho mầy biết. Chớ biết thì đời nào mầy chịu ! Với Tây, nói vậy là xong. Còn với ta thì cái lợi lớn lắm. Lâu nay Chi đội 9 không có chiến công nào. Nay có chiến thắng Vàm Sác, chiếm trọn tàu Thanh Vân có đại bác 20 ly, lại thêm hai chục ghe chài gạo, heo, bò, chia nhau ăn cả năm không hết.

    Sáu Hoàng bắt tay khen ngợi anh Mười đã thực hiện "kế mọn" của mình mà không hề hay biết.

    Vài ngày sau, tình báo cho biết Trung tá savani gần như chết điếng trước việc Bảy Viễn vi phạm thỏa ước án binh bất động.

    Lập tức quân đội Pháp tổ chức hành quân cấp tốc vô Rừng Sác để chiếm lại tàu Thanh Vân và giải thoát cho số hành khách bị bắt làm con tin.

    Riêng Lâm Ngọc Ðường, Maurice Thiên bị Savani đập bàn sỉ vả:

    - Tại sao hai ông không kèm sát Bảy Viễn để nó nuốt lời hứa với tôi ? Ðúng là quân trộm cướp, không thể tin tưởng được!

    Hai quân sư của Bảy Viễn đều lải nhải theo lập luận của Mười Trí:

    - Ðây là hành động đơn phương của Mười Trí, chỉ huy Chi đội 4. Chúng mượn bãi Vàm Sác làm đia điểm phục kích. Bảy Viễn không hề hay biết, nói gì chuyện liên quân ? Xin trung tá bớt giận để chúng tôi uốn nắn Bảy Viễn, không để xảy ra những chuyện đáng tiếc như vậy .

    Giữa lúc đó, Hai Dậu, Trưởng ban Văn nghệ Chi dội 9, nhận được một kịch bản của Năm Tài trao cho.

    - Ðây là vở kịch anh Tư Sang và tôi viết để Tết này diễn cho anh em xem giải buồn. Anh Hai xem trước rồi phân vai cho các diễn viên.

    Hai Dậu là thầy đờn, không rành về kịch nhưng ông Năm giao thì phải nhận. "Trên ông Bảy, dưới ông Năm".

    Hai Dậu đọc đi đọc lại năm lần bảy lượt vở kịch, vẫn không hiểu nó hay ở chỗ nào.

    Anh ta lén trao kịch bản cho Tám Tâm là Phó văn phòng Chi đội 9.

    Ðọc xong, Tám Tâm hỏi ngược lại Hai Dậu:

    - Anh là Trưởng ban Văn nghệ chi đội. Anh nghĩ thế nào về vở kịch này?

    Hai Dậu lắc đầu:

    - Tôi không hiểu gì hết ? Mình là bộ đội mà vở kịch này lại ca ngợi Cựu hoàng Bảo Ðại.

    Tám Tâm cười bí hiểm:

    - Anh Hai tính sao? Diễn hay không diễn?

    Hai Dậu thở ra:

    - Ông Năm ra lệnh Tết này phải diễn cho anh em xem giải trí. Tôi thấy khó quá ?

    Tám Tâm nói lấp lửng:

    - Diễn cũng khó mà không diễn cũng khó. Tùy anh chọn lựa.

    Hai Dậu suy tư khá lâu:

    - Diễn thì được lòng ông Năm, nhưng... sợ sai phạm đường lối Việt Minh. Hay hơn hết là "dục hưỡn cầu mưu " .

    Tám Tâm bắt tay Hai Dậu:

    - Hay! Khen anh Hai tìm được diệu kế "án binh bất động".

    Năm Tài gặp Hai Dậu mỗi ngày và thúc hối dàn dựng vở kịch. Hai Dậu đề nghị giao cho Sáu Hiếu, người thân tín của Bảy Viễn vừa được đưa lên thay Hai Dậu.

    Ông Năm giao vở kịch này cho anh Sáu Hiếu thì hơn. Tôi nay chỉ là trưởng tổ nhạc. Nói thật, về kịch, tôi kém lắm.

    Năm Tài cau mày:

    - Sáu Hiếu mà biết cái đách gì về nghệ thuật ? Ông Bảy đặt nó lên để kiểm soát mấy anh. Tôi đã tín nhiệm anh. Anh không được "bán cái" cho người khác .

    Năm Tài bực lắm, hăm he liền miệng, nhưng vở kịch không diễn được. Hắn ta đâu biết nhờ vở kịch đó mà ta biết được Bảy Viễn ngả theo Cựu hoàng Bảo Ðại.

    (phần 32)Bí mật chết người
    Chi đội trưởng Chi đội 7 Hai Vĩnh đang họp với Khu trưởng Nguyễn Bình thì được điện khẩn của Trịnh Văn Tài, chi đội phó Chi đội 7, báo tin vừa bắt được Phán Huề.

    Hai Vĩnh liền trình bày sự kiện quan trọng này cho Nguyễn Bình:

    - Phán Huề nguyên là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Bà Rịa khi ta cướp chính quyền ngày 25.8.45. Tên ông ta là Lê Văn Huề, thời Pháp thuộc là thư ký hành chính ngoại ngạch (seerétaire d administration hors - classe) tại dinh Phó soái Sài Gòn (tức dinh Thống đốc Nam Kỳ). Năm 1945, Phán Huề về hưu và được tín nhiệm giao chức chủ tịch tỉnh. Khi Tây đánh chiếm Bà Rịa vào tháng 10.45, các cơ quan tỉnh dời về vùng Phước Bửu, Long Ðiền, Ðất Ðỏ, Phán Huề đề nghị cho ông nghỉ việc để lên núi Dinh tu hành. Ông là người theo đạo Cao Ðài. Sau đó nghe tin ông bị Tây bắt đưa về thành. Nay không hiểu sao ông lại bí mật vào khu và bị Chi đội 7 bắt ở vùng Phước Hòa.

    Khu trưởng Nguyễn Bình đã nhận được nhiều tin tình báo cho biết địch bí mật cho người kháng chiến cũ vô khu kêu gọi anh em trở về với chính phủ quốc gia do Bảo Ðại làm Quốc trưởng.

    Nghi đây là người của chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Bình cùng đi với Hai Vĩnh về Bà Rịa để điều tra.

    Hai Vĩnh bàn kế với Nguyễn Bình:

    - Anh Ba nên để một mình tôi tiếp xúc với Phán Huề. Nếu đúng y là người của địch thì tôi sẽ đóng vai chiến sĩ bất mãn về nạn độc quyền lãnh đạo của Việt Minh, sẵn sàng kéo quân về thành, ủng hộ chính phủ quốc gia của cựu hoàng, nay là Quốc trưởng Bảo Ðại. Ðể màn kịch xúc tiến êm thắm, anh Ba chớ cho Phán Huề thấy mặt tại Chi đội 7.

    Nguyễn Bình gật gù:

    - Kế của anh hay. Làm sao cho Phán Huề tin anh mà khai hết những ai đã hưởng ứng lời dụ dỗ của hắn, trong đó biết đâu có Bảy Viễn?

    Vừa về tới nơi, Hai Vĩnh khiển trách Trịnh Văn Tài trước mặt Phán Huề :

    - Ðây là khách quý của chúng ta. Tôi xin lỗi ông chủ tịch về sự đối xử không được lịch sự của anh chi đội phó. Chiều nay, tôi và ông chủ tịch vừa ăn cơm vừa bàn chuyện quan trọng.

    Trong lúc thưởng thức vịt áp chảo nhậu rượu chát, Hai Vĩnh mở lời:

    - Tôi chưa biết ông chủ tịch vô đây tìm chúng tôi về việc gì, nhưng tôi xin nói trước là tôi cũng như đa số anh em chiến sĩ gốc giang hồ rất khó chịu về nạn độc quyền yêu nước của Việt Minh. Nghe nói có một số anh em có tinh thần quốc gia đã chán ngấy cuộc sống gian khổ và thiếu tự do trong khu. Nếu có ai phát pháo đề cờ thì anh em chúng tôi theo ngay.

    Phán Huề cảnh giác:

    - Tôi không ngờ một vị chỉ huy có công trận như ông chi đội trưởng lại nói như vậy! Tôi không dám tin.

    Hai Vĩnh nghiêm nét mặt nói:

    - Ông chủ tịch không tin? Tôi sẽ viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân ngỏ ý muốn kéo quân về thành ủng hộ chính phủ quốc gia của Quốc trưởng Bảo Ðại, với điều kiện là Thủ tướng Xuân phải dành cho chúng tôi một nơi đóng quân riêng biệt.

    Nghe tới đây, Phán Huề tươi tỉnh hẳn:

    - Tôi rất vui mừng được nghe những lời gan ruột của ông. Thú thật với ông là tôi vô đây tìm người đồng tâm đồng chí. Tôi đã gặp một số chiến hữu quốc gia hưởng ứng. Tôi đã được ông Lai Hữu Tài, cố vấn của Khu bộ phó Bảy Viễn tiếp đón và hứa hẹn sẽ nói lại với ngài Khu bộ phó...

    Nói tới đây, Phán Huề móc túi lấy mẫu giấy đã in sẵn trao cho Hai Vĩnh.

    Hai Vĩnh lấy giấy mực ra viết thư cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân theo mẫu đã in. Anh trao cho Phán Huề xem rồi ký tên, đóng dấu. Ðêm đó Phán Huề yên tâm ngủ ngon, không hề biết mình đã tự tiết lộ bí mật chết người. Phán Huề ngủ rồi, Hai Vĩnh ngồi viết lại lá thư khi nãy, trao cho Nguyễn Bình biết là mình đã viết thư giả cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân để lừa Phán Huề vào tròng.

    Sáng hôm sau, Nguyễn Bình mới "xuất đầu lộ diện".

    Phán Huề tái mặt khi nghe Khu trưởng nói:

    - Anh Lê Văn Huề. Anh đã bị bắt về tội bí mật vô khu rủ rê anh em binh sĩ bỏ ngũ trở về thành theo chính phủ bù nhìn Bảo Ðại.
    Phán Huề cặm cụi trước trang giấy trắng trước mặt.

    Trong danh sách những người dao động có cố vấn của Bảy Viễn là Lai Hữu Tài.

    Trên đường giải Phán Huề về Nam Bộ để đưa ra tòa án tối cao, Nguyễn Bình nói với Hai Vĩnh:

    - Từ một năm nay, tình báo ta cho biết Phòng Nhì ráo riết nắm Bảy Viễn, trước nhất là ký kết nhẹ nhàng như án binh bất động dể dần dần tiến tới lập chiến khu quốc gia, biến Rừng Sác thành căn cứ của địch. Thực dân khôn khéo "chơi chữ", không gọi là "đầu hàng", "theo Tây" mà là "trở về với chính nghĩa quốc gia", "đi theo Thế giới Tự do". Do vậy, nhiều người cạn suy mắc bẫy.

    Vấn đề Bảy Viễn, ta phải khéo léo giải quyết. Nếu nóng vội, sẽ đổ máu vô ích và thất lợi lớn cho kháng chiến .

    (phần 33)Thuyết khách
    Ðã nắm tương đối đầy đủ bằng chứng về việc Bảy Viễn "đi đêm" với Phòng Nhì. Nguyễn Bình -bấy giờ được đề bạt Ủy viên quân sự Nam bộ, Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính (UBKH-HC) Nam Bộ - họp thường vụ Nam bộ bàn giải quyết vấn đề Bảy Viễn.

    Trước các ủy viên trong UBKC-HC Nam bộ, tướng Nguyễn Bình trình bày những tin tình báo về việc Bảy Viễn liên hệ chặt chẽ với Phòng Nhì. Ông gút lại:

    - Lâu nay ông Khu bộ phó Lê Văn Viễn tránh né không về họp cho nên hai bên không hiểu nhau. Nay tôi có sáng kiến này: Tôi vừa được đề bạt Ủy viên quân sự Nam bộ, chức Khu trưởng Khu 7 bõ trống. Tôi đề nghị ta đưa ông Bảy Viễn lên chức Khu bộ trưởng. Khi nhậm chức, ông ta phải về Nam Bộ. Ðó là cách hay nhất để chúng ta gặp nhau, giải quyết những mối bất đồng âm ỉ lâu nay.

    Mọi người yêu tán đồng ý đó. Quyền Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần thảo quyết định phong Bảy Viễn chức Khu trưởng khu 7.

    Ðiện đánh đi mấy ngày mà không thấy Bảy Viễn hồi âm. Sau đó, tình báo cho biết Bảy Viễn được tin vui mà không mừng như năm trước; lúc được phong Khu bộ phó. Thì ra hai tên Tư Sang và Năm Tài cho biết đây là kế "điệu hổ ly sơn", kéo ngài Khu bộ phó ra khỏi giang sơn Rừng Sác.

    Bản thân Bảy Viễn cũng lờ mờ hiểu như vậy. Ðúng ra kế "dụ cọp về đồng" quá lộ liễu, ai cũng có thể thấy được. Làm sao đây? Ðưa Tám Nghệ lên làm Khu trưởng thì quá hợp lý - vì Tám Nghệ chiến công vang lừng, hơn xa Bảy Viễn -và nhất là Tám Nghệ vốn là đảng viên. Nhưng không lẽ bỏ rơi Bảy Viễn.

    Quan điểm của lãnh đạo Nam bộ là "còn nước còn tát". Bảy Viễn chưa đến nỗi tồi tệ như tư lệnh Ðệ tam Sư đoàn Nguyễn Hòa Hiệp hay đám Vũ Tam Anh, Bùi Liễu Phiệt. Ta nên giúp đỡ lôi kéo, tránh sự sa ngã đáng tiếc.

    Chính ủy Hai Trí (Nguyễn Văn Trí) chỉ Tám Nghệ nói:

    - Bảy Viễn là dân giang hồ, quen thói anh hùng cá nhân, cần phải khích tướng mới xong.

    Anh Tám Nghệ không phải dân giang hồ, nhưng lại là một hảo hớn khét tiếng miền Ðông. Tôi đề nghị anh Tám xuống Rừng Sác làm thuyết khách.

    Nguyễn Bình gật gù:

    - Anh Tám đã xuống dự lễ tấn phong Khu bộ phó của Bảy Viễn. Nay xuống lần nữa xem sao?

    Tám Nghệ đắn đo:

    - Năm trước tôi có xuống Rừng Sác, nhưng ngày đó Bảy Viễn chưa sanh tâm phản bội kháng chiến. Nay xuống chắc là không êm thắm như trước.

    Hai Trí chụp ngang:

    - Anh Tám muốn đem theo bao nhiêu hộ vệ quân ? Một trung đội hay một đại đội ?

    Tám Nghệ cười:

    - Một chi đội mạnh như chi đội 10 của tôi cũng chẳng thấm vào đâu; Bảy Viễn có cả Liên khu Bình Xuyên gồm bảy chi đội. Không? Tôi không lấy một cận vệ nào hết.

    Nghe Tám Nghệ nói, biết anh đồng ý xuống tổng hành dinh Khu phó Bảy Viễn thuyết phục lãnh chúa Bình Xuyên về Nam bộ lãnh chức Khu trưởng Khu 7, ai nấy đều mừng. Nguyễn Bình bắt tay, siết chặt:

    - Xin chúc anh Tám thành công và hy vọng sẽ gặp lại anh Tám với Bảy Viễn tại lễ tấn phong Khu trưởng Lê Văn Viễn tại dòng kinh Nhơn Hòa Lập.

    Tám Nghệ "đơn thương độc mã" đi từ Lạc An xuống Bàu Bông xã Phước An, từ đó đi ghe mui ống tới Tất Cây Mắm gặp Bảy Viễn.

    Huyện đội trưởng Long Thành Phạm Tự Do lo lắng hỏi:

    - Anh Tám đi có một mình sao? Ðể tôi cho một tiểu đội hộ tống.

    Tám Nghệ khoát tay:

    - Cám ơn anh. Một tiểu đội không đủ đâu. Tôi đi một mình, dễ xoay xở hơn.

    Hay tin Tám Nghệ một mình xuống Rừng Sác, hai tên Sang, Tài bàn nhau:

    - Thằng nay muốn chết nên mới dẫn xác xuống đây. Anh em mình thủ tiêu nó ngay đi, đừng để nó gặp ông Bảy .

    Tư Sang cho ba tay thiện xạ thủ tiểu liên núp trong một ghe mui ống bám sát con mồi. Tám Nghệ ung dung bước vô tổng hành dinh Bảy Viễn, thân ái như một chiến hữu. Bảy Viễn cả mừng khi được Tám Nghệ tới thăm.

    Tám Nghệ tháo súng ngắn ném xuống bàn rồi giang hai cánh tay ra ôm choàng lấy Bảy Viễn:

    - Tôi tới mừng anh Bảy được vinh thăng Khu trưởng .

    Bảy Viễn lắc đầu:

    - Tôi tự thấy không xứng đáng. Chức đó phải về tay anh Tám .

    - Sao anh Bảy nói vậy ? Anh là đệ nhất Khu bộ phó. Người được "đôn" lên Khu trưởng phải là anh. Lý do thứ hai, anh Bảy tiêu biểu cho giới giang hồ Nam bộ. Anh lên chức Khu trưởng Khu 7 là một vinh dự cho cả giới hảo hán miền Nam. Trung ương và Nam bộ làm việc gì cũng nghiên cứu kỹ càng, thấu lý đạt tình.

    Bảy Viễn thở dài:

    - Với anh Tám, tôi nói thật. Tôi không vui vẻ gì khi được đề bạt Khu trưởng. Tôi nghĩ có điều gì bí ẩn đằng sau bức điện. Có thể là "độc kế" của Nguyễn Bình".
    Còn tiếp...

    Mời clic vào trang 2 đọc tiếp các phần 34 .. v v .

  5. #11
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

    Nguyên Hùng
    Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên


    (Phần 34)Tám Nghệ vào hang cọp
    Bảy Viễn đem rượu Tây đãi Tám Nghệ:

    - Nói thật với anh Tám, tôi không khoái Nguyễn Bình. Nó là thằng trôi sông lạc chợ vô đây làm cha mình. Ai chịu được!

    Tám Nghệ đặt mạnh ly Cognac xuống, cắt lời:

    - Xin phép anh Bảy cho tôi nói. Nam Trung Bắc gì cũng là người Việt Nam. Dân Nam Kỳ mình đây chính là cháu chắt chia dân Ngũ Quảng theo lệnh Nguyễn Hoàng vào Nam sinh cơ lập nghiệp. Kỳ thị Nam Bắc là ta mắc mưu chia để trị của thực dân.

    Bảy Viễn hậm hực:

    - Nhưng anh Tám thấy Nguyễn Bình hơn mình chỗ nào mà chỉ huy mình ?

    Tám Nghệ nghiêm chỉnh:

    - Hơn nhiều chớ! Trước nhất là bản lĩnh. Miền Nam mình, ai có bộ đội trong tay cũng làm trời, cá lớn nuốt cá bé. Như thời Thập nhị sứ quân, không ai phục ai. Vậy mà Nguyễn Bình chân ướt chân ráo tới miền Ðông Nam bộ đã mở hội nghị An Phú xã (Gò Vấp) thống nhất các đơn vị bộ đội địa phương, lập ra mười mấy chi đội, trong đó có 7 chi đội của Liên khu Bình Xuyên . Nếu không phải Nguyễn Bình, ai làm được việc lớn lao đó ? Rồi còn lập ra các ban Công tác thành, đem chiến tranh vào tận hang ổ Sài Gòn bị địch chiếm... Các danh tướng Leclerc, Nyo đều nể mặt Nguyễn Bình.

    Bảy Viễn lắc đầu:

    - Tôi không nhận chức Khu bộ trưởng đâu ! Ðây là kế "điệu hổ ly sơn". Tôi đã quen giang san Rừng Sác của mình rồi. Xuống Ðồng Tháp Mười, đồng không mông quạnh, lạnh lưng lắm !

    Tám Nghệ cười lớn:

    - Người ta tặng anh danh hiệu Hắc Hổ tướng quân. Anh là cọp mun, chúa tể sơn lâm. Sao hôm nay nói nghe yếu xìu vậy? Cọp ở đâu cũng là cọp. Không lẽ xuống đồng, cọp biến thành chồn cáo hay sao ?

    Bảy Viễn đang nâng ly vụt đặt mạnh xuống bàn, mắt long lanh hai bàn tay nắm chặt lại:

    - Anh Tám nói đúng! Cọp ở đâu cũng là cọp, cũng là chúa tể sơn lâm ! Bảy Viễn này là Hắc Hổ tướng quân thì sợ ai mà không dám về Nam bộ...

    Nhưng mà...

    Tám Nghệ hiểu ý, nói ngay:

    - Anh Bảy sợ mắc kế "điệu hổ ly sơn" chớ gì ? Không có chuyện ấy đâu ! Tôi nghĩ anh Bảy và Nguyễn Bình không hiểu nhau vì đóng quân cách xa. Thêm nữa, chung quanh lại có người ác ý nói Vô nói Ra nhằm chia rẽ. Theo tôi, anh Bảy nên về Nam bộ nhậm chức. Trong lễ sẽ có đủ mặt anh em, có chuyện gì chưa thông, ta bàn bạc, thậm chí tranh luận để xóa bỏ mọi hiểu lầm. Nếu anh Bảy chưa an tâm thì cứ đem theo vài đại đội cứng.

    Bảy Viễn gật gù:

    - Ý hay ! Mình sẽ đưa hai đại đội súng lớn theo, trước nhất là để bảo vệ an toàn trên đường đi sau nữa là thị uy Nguyễn Bình.

    Tám Nghệ vui mừng khi thấy Bảy Viễn chịu về Nam bộ nhậm chức Khu trưởng. Anh chồm qua bắt tay Bảy Viễn:

    - Anh Bảy xứng đáng là Hắc Hổ tướng quân. Tôi rất hãnh diện được kết bạn với anh Bảy.

    Bảy Viễn hứng khởi bá vai Tám Nghệ:

    - Anh Tám không phải dân giang hồ, nhưng anh Tám là một hảo hán khét tiếng ở Chiến khu Ð . Tôi cũng rất hãnh diện được kết nghĩa huynh đệ với anh Tám.

    Tiệc tàn, trời nóng, lại thấm hơi men, Tám Nghệ đứng lên cởi áo:

    - Xin phép anh Bảy cho tôi xuống sông nhúng nước một lúc. Nóng quá !

    - Anh Tám cứ tự nhiên ? Coi đây như nhà của anh Tám.

    Trong khi Tám Nghệ vẫy vùng trên sóng nước, ba tên com măng đô thiện xạ chĩa mũi tiểu liên vào con mồi. Chúng núp trong mui ghe chỉ thò họng súng qua kẽ lá.

    Tư Sang hồi hộp hỏi Năm Tài:

    - Sao mầy Năm? Có cần hỏi ý ông Bảy không?

    Năm Tài đắn đo:

    - Hỏi chắc ông Bảy không cho phép. Hay là mình làm ẩu ? Tiền trảm hậu tấu?

    Tư Sang thở ra:

    - Nên hỏi ! Làm ẩu, coi chừng cả bọn chết theo Tám Nghệ !

    Năm Tài lật đật chạy vô tìm Bảy Viễn:

    - Ông Bảy. Dịp may hiếm có, chớ nên bỏ qua. Tám Nghệ là thằng Cộng sản. Nó là cánh tay mặt của Nguyễn Bình. Nó xuống đây để thi hành độc kế "điệu hổ ly sơn". Tự nó dẫn xác tới đây. Chúng tôi đã cho ba tay súng phục sẵn. Nếu ông Bảy cho phép...

    Bảy Viễn nạt lớn:

    - Im ? Ai cho phép tụi bây làm ẩu ? Tám Nghệ là thượng khách của tao. May cho bây đó. Nếu bây làm ẩu thì tao sẽ tế cờ năm mạng tụi bây...

    Năm Tài sượng sùng lui ra, khoát tay bảo Tư Sang:

    - Dẹp ngay! Ông Bảy hăm tế cờ năm mạng bọn mình nếu ta làm ẩu.

    Cái chết rình rập Tám Nghệ suốt thời gian anh nô đùa với nước. Chừng lên bờ, một đội viên nói:

    - Khúc sông này có sấu. Tôi thưa kịp nói thì ông đã "long" xuống nước rồi .

    Tám Nghệ cười:

    - Tôi biết ở đây có sấu, nhưng sấu không gắp được người lội đứng .

    (phần 35)Chịu Về Nam Bộ

    Khu phó Tám Nghệ vừa rời Rừng Sác thì Bảy viễn lại tiếp hai vị khánh quý: Mười Trí và Bảy Trấn.

    Lại đem rượu Tây ra thết đãi bạn rừng năm cũ, tay bắt mặt mừng.

    Bảy Viễn ôm vai Bảy Trấn:

    - Chào thầy Bảy Dầu Tiếng.

    Bảy Trấn cười ha hả:

    - Bông-giua mông xừ Hoảnh-Xăng.

    Mười Trí nâng ly:

    - Chúc mừng ngày tái ngộ của ba tên sống ngoài vòng pháp luật. Mau quá, mới đó mà đã năm sáu năm trời.

    Bảy Trấn cụng ly Bảy Viễn, Mười Trí:

    - Tụi mình có số làm lớn. Hồi "chém vè" ở nhà Hội đồng Thì, có ai dám nghĩ rằng sau này mình là dân tai to mặt lớn đâu. Ðúng là ba đứa mình toàn số đỏ.

    Bảy Viễn khoái chí nhưng làm bộ chưa hiểu:

    - Số đỏ là sao hả anh Bảy?

    Bảy Trấn nói :

    - Theo thứ tự thì mông-xừ Hoảnh-xăng giữ nhiều chức: chỉ huy Chi đội 9 kiêm Khu bộ phó Khu 7, nay lại được "đôn" lên Khu bộ trưởng. Ông Năm Mắm cũng nắm hai chức: chỉ huy Chi đội 4 kiêm ủy viên trong Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn. Còn mình cũng được phong chức Chính ủy Khu 9.

    Bảy Viễn ngạc nhiên:

    - Sao ở Khu 9 mà thầy Bảy lên đây ?

    Bảy Trấn cười:

    - Nhớ bồ quá lên thăm được không?
    Bảy Viễn càng không hiểu:

    Bảy Viễn gật gù :

    - Thì ra vậy. Nhưng nói gì thì nói, tôi không nhận chức Khu trưởng đâu. Ðây là kế "điệu hổ ly sơn", con nít cũng biết. Tôi có hứa với Tám Nghệ sẽ cứ đại đội hùng binh xuống Tháp Mười để chứng tỏ "Hắc Hổ tướng quân" chẳng ngán ai, nhưng nhận chức thì để còn xét lại.

    Bảy Trấn làm mặt giận:

    - Anh Bảy coi thằng bạn rừng năm cũ này như một con chim mồi hay sao mà nói vậy? Nếu là độc kế "điệu hổ ly sơn" thì thằng chính ủy cáo già này ở lỳ dưới Khu 9 cho yên thân. Nhớ lại coi, Bảy Trấn này đâu phải là thằng phản bạn !

    Mười Trí cũng nói vô:

    - Anh Bảy à. Mấy năm trước tôi cũng nghi ngờ Nguyễn Bình. Nhưng nhờ đóng gần nhau mà bớt hiểu lầm. Nguyễn Bình là người Bắc, là Cộng sản, nhưng chơi được. Chắc anh Bảy còn nhớ vụ thằng Sáu Section giả chữ ký của tôi mời Nguyễn Bình tới nhà tôi ăn cơm. Anh Ba Bình đi một mình một xuồng, bị bộ ba Sáu Section, Bùi Hữu Phiệt và Vũ Tam Anh phục kích ở lò đường, sát bên nhà tôi rồi xả tiểu liên. Rất may anh Ba chỉ bị thương nhẹ. Vậy mà sau đó, anh Ba vẫn không làm lớn chuyện với tôi.

    Bảy Viễn không nói gì thêm, cứ nốc rượu liền miệng. Hết chai này, khui chai khác. Mười Trí chận lại:

    - Thôi ? Ðủ "đô" rồi ! Ðể đầu óc minh mẫn bàn chuyện lớn.

    Bảy Viễn trợn mắt:

    - Anh Mười uống rượu như hũ chìm, sao nay lại yếu vậy?

    Mười Trí cười:

    - Ðời sống mới, người Việt Nam mới. Cái gì cũ mà dở thì bỏ. Tao với mày nên ngoéo tay với nhau: tao bỏ rượu, còn mày bỏ gái, chịu không?

    Buổi tiệc kết thúc vui vẻ. Bảy Viễn chịu về Nam Bộ, còn nhậm chức hay không sẽ tính sau.

    Hai sứ giả Mười Trí và Bảy Trấn đành hài lòng với kết quả nửa vời như vậy. Gặp nhau trước đã. Còn chuyện gay cấn lâu năm sẽ hồi sau phân giải.

    (phần 36 )Ngày họp trọng đại

    Hai đại đội "cứng" trang bị đại liên hộ tống Khu bộ phó Lê Văn Viễn vượt sông Soài Rạp qua lộ 4, băng Vườn Thơm tới Cần Vè, Vàm Cỏ Tây xuôi dòng kênh Dương Văn Dương tới làng Nhơn Hòa Lập, nơi đóng quân của các cơ quan kháng chiến Nam bộ.

    Tư Sang chọn xóm Nhà Thờ đóng quân.

    Trước sân, bộ đội Bình Xuyên đặt súng nòng chĩa lên trời, đạn treo chạy dài từng băng, đỏ au dưới ánh mặt trời. Dân làng rủ nhau đi xem súng lớn của bộ đội miền Ðông.

    Chiều chiều, ban nhạc Chi đội 9 kéo nhau ra cầu ván trước nhà thờ hòa nhạc.

    Trong khi đó Bảy Viễn tới Ủy ban Kháng chiến -Hành chính Nam bộ họp.

    Ðây là một ngày trọng đại trong lịch sử kháng Pháp - ngày 26.5.1948.

    Có mặt đầy đủ Ban Thường vụ với các ông Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Thành Vĩnh, Kha Vạn Cân, Lê Quẩn, Diệp Ba, Lê Ðình Chi, Trịnh Ðình Trọng, Phan Văn Chương.

    Phía Bình Xuyên có Lê Văn Viễn, Huỳnh Văn Trí, Trần Văn Ðối, Nguyễn Văn Hoạnh. Thêm hai vị Khu phó Khu 7 Huỳnh Văn Nghệ và Chính ủy Khu 9 Nguyễn Văn Trấn.

    Ông Thuần chủ tọa hội nghị, hai ông Trấn và Diệp Ba làm thư ký.

    Ông Thuần vô đề ngay:

    - Pháp đang đánh lá bài chia rẽ, chúng ta cố gắng củng cố nội bộ của mình. Tôi đề nghị chúng ta thẳng thắn nêu ra những thắc mắc, nghi ngờ để giải quyết một lần cho xong hầu chung sức đánh Tây .

    Bảy Viễn liền đứng lên nói ngay:

    - Anh em chiến sĩ Bình Xuyên luôn luôn chiến đấu cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc, luôn luôn tuân lệnh chính phủ.

    Nguyễn Bình đứng lên trình bày cảm nghĩ của mình trong cuộc họp lần đầu tiên có Khu bộ phó Bảy Viễn tham dự. Ông nói:

    - Trước khi rời Khu 7, tôi muốn giải quyết dứt khoát những chuyện lủng củng giữa Khu và anh em Bình Xuyên. Khu 7 là chiến khu đàn anh với nhiều chiến công. Rất tiếc giữa ông Bảy và tôi lâu nay không được gần gũi, do đó mà có nhiều việc hiểu lầm. Hôm nay, tôi rất cám ơn ông Tám Nghệ đã mời ông Bảy xuống đây họp để xóa tan những nghi ky.

    Anh em chỉ huy Bình Xuyên ngại về Khu vì sợ bị thủ tiêu. Hai anh Năm Hà và Sáu Ðối đòi phải có sự bảo đảm như Khu phải đưa người xuống Rừng Sác làm con tin thì mới dám về Nam bộ. Dù sao thì hai ông Năm Hà và Sáu Ðối cũng đã về Khu gặp tôi. Duy có ông Bảy là chưa. Và đây là lần đầu tiên tôi hân hạnh được gặp ông Khu bộ phó. Nhân đây, tôi xin nêu ra những việc cần bàn cãi: Thứ nhất, Lai Hữu Tài đã mạt sát tôi, ủy viên quân sự Nam bộ trong một bức thư ngỏ, vậy mà ông Bảy ký tên thị chứng bức thư đó. Thứ hai, Lâm Văn Hậu trong ban chỉ huy Ðệ tam sư đoàn vô khu vực Bình Xuyên tuyên truyền lôi kéo anh em binh sĩ về thành đầu hàng Pháp, vậy mà ông Bảy làm ngơ. Thứ ba, ba tên Nguyễn Thành Long, Bùi Hữu Phiệt, Lai Hữu Tài âm mưu ám sát tôi rồi chạy trốn trong Chi đội 9 lại được ông Bảy bao che, không bắt. Thứ tư, Lâm Ngọc Ðường, Tư Thiên là dân mật thám, lấy danh nghĩa Bình Xuyên làm tiền bạc triệu, chỉ đóng góp cho Chi đội 9 một phần trăm. Càng nguy hiểm hơn là hai tên này giăng lưới bắt nhân viên chính phủ hoạt động nội thành.

    Trên đây là những vụ nổi cộm, tôi nói ra để từ nay hai bên hiểu nhau, giữ uy tín và danh dự cho nhau trước âm mưu chia rẽ của địch mà thắt chặt tình đoàn kết.

    Xin quý vị đặc biệt quan tâm: Từ lâu, ta được tin Pháp cố nắm các phần tử quốc gia trong kháng chiến, dụ dỗ đưa về thành đầu hàng Tây dưới danh nghĩa là về với chính phủ quốc gia của Bảo Ðại.

    Ta vừa bắt được Phán Huề, đại diện Chính phủ Nguyễn Văn Xuân ra bưng tìm Khu bộ phó Lê Văn Viễn để thành lập chiến khu quốc gia Rừng Sác. Ðịch đã bố trí nhiều tay Phòng Nhì vô Chi đội 9 như Tư Sang, Năm Tài nên nghĩ rằng chúng dễ nắm anh em Bình Xuyên.

    Ðể phá tan âm mưu chia rẽ quốc gia và Việt Minh của tên cáo già Bollaert, Nam bộ quyết định giải tán tổ chức Bình Xuyên, bỏ hẳn Bộ Tư lệnh Bình Xuyên, quân đội Bình Xuyên. Các đơn vị Bình Xuyên trở thành các trung đoàn Vệ quốc đoàn trong quân đội quốc gia.

    Các chỉ huy Bình Xuyên đỏ mặt tía tai khi nghe Nam bộ quyết định giải thể Bình Xuyên.

    Bảy Viễn đứng phắt dậy, hét lớn:

    - Không? Chúng tôi phản đối quyết định trên ! Ba năm nay, bộ đội Bình Xuyên đã đổ máu cho lá cờ đỏ sao vàng, noi gương anh Ba Dương - người đã trở thành vị tướng lãnh liệt sĩ đầu tiên của giới giang hồ theo kháng chiến.

    Nguyễn Bình khoát tay:

    - Xin ông Bảy bình tĩnh nghe tôi nói tiếp. Chiến khu Rừng Sác theo cách tổ chức mới sẽ là một chiến khu đặc biệt, một thành trì kháng chiến. Thưa các ông, tiền muôn bạc triệu dễ tìm, còn danh dự chiến sĩ cách mạng, anh hùng cứu quốc mà các ông hiện đang có không thể mua bằng vàng, bằng địa vị hư danh. Tôi mong các ông giữ gìn, nâng niu danh dự đó. Có như vậy tôi cũng được hãnh diện là người biết chọn lựa người có tài, có đức đưa vào chức vụ xứng đáng. Tôi rất sung sướng có những đồng đội, những người bạn quý như các ông.

    (phần 37)Cọp về đồng
    Bài diễn văn của tướng Nguyễn Bình đọc trước cuộc họp của Ban Thường vụ Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Nam bộ ngày 26.5.1948 để giải quyết các vấn đề Khu 7 mà nổi cộm là những mối bất hòa giữa hai vị Khu trưởng và Khu phó thứ nhất dài tới bốn trang rưỡi.
    Ba nhân vật Bình Xuyên được Nguyễn Bình chất vấn là Bảy Viễn, Mười Trí và Tư Ty.

    Mười Trí và Tư Ty bình tĩnh thanh minh những việc làm của mình, riêng Bảy Viễn thì ngồi không yên, có lúc muốn nhảy dựng lên xin "ăn miếng trả miếng" , nhưng chủ tọa cuộc họp là luật sư Phạm Ngọc Thuần với kinh nghiệm điều khiển những cuộc họp đầy sóng gió trước đó đã xử lý êm thắm.

    Sau khi trình bày xong, Nguyễn Bình giao bài nói chuyện của mình cho chủ tọa.

    Ông Thuần để nó qua một bên, đọc trong sổ tay của ông những vấn đề cần tranh luận:

    - Bây giờ xin ông Khu phó Lê Văn Viễn trả lời những vấn đề ông Khu trưởng nêu lên, cụ thể là:

    Một -sự nghi ky giữa.Bình Xuyên và Khu 7;

    Hai - việc dùng tên Lai Hữu Tài là người của Phòng Nhì;

    Ba - việc giao du với Maurice Thiên là người của trung tá Phòng Nhì Savani ;

    Bốn - việc ông chứa chấp các tên như Nguyễn Thành Long, Bùi Hữu Phiệt, Lai Hữu Tài can tội mưu sát tướng Nguyễn Bình mà không bắt giải giao cho ngành tư pháp.

    Bảy Viễn đứng thẳng lên, không nhìn chủ tọa mà ngó ngay Nguyễn Bình:

    - Trước khi trả lời bốn điều thắc mắc của Khu trưởng Nguyễn Bình, tôi xin nói thẳng điều này: cá nhân Bảy Viễn không tin người Bắc . Tôi cũng không khoái mấy cha chính trị viên. Khi mới lập bộ đội, gian khổ, chết chóc thì không thấy các cha đâu; khi bộ đội thành nề nếp rồi, có đại đội, có tiểu đoàn rồi thì các cha vác mặt tới đòi chia quyền chỉ huy...

    Mười Trí tằng hắng như nhắc bạn chớ sa đà chuyện cá nhân nhưng Bảy Viễn cứ thao thao:

    - Trả lời câu thứ nhất, tôi khẳng định có sự nghi kỵ giữa Bình Xuyên và Khu 7. Có quá nhiều vụ nổ súng do tranh nhau thu thuế thì làm sao cán bộ cấp chỉ huy bên này dám đi qua bên kia? Mặc áo có đường biên hai màu xanh đỏ cũng bị cho "mò tôm" vì nghi là gián điệp. Tôi không tin Khu , nhưng kỳ này về đây không phải là vì cái chức Khu trưởng Khu 7 các ông dành cho tôi.

    Thật ra đây là kế "điệu hổ ly sơn" nhằm tách tôi ra khỏi chiến khu Rừng Sác. Ðây là kế hạ sách, đứa con nít cũng biết, Bảy Viễn biết mà vẫn về đây là vì mến mộ tính cách hảo hớn của anh Tám Nghệ. Một ngựa một thương mà dám xuống tổng hành dinh Chi đội 9, anh Tám đâu có biết cái chết đang rình rập anh ở từng khúc quanh, ở từng con rạch. Nhưng Bảy Viễn không thể cho thủ hạ làm hỗn một thượng khách của dân giang hồ Bình Xuyên ngay trên lãnh địa của mình.

    Tám Nghệ đã khích tướng Bảy Viễn: "Cọp ở rừng là cọp. Không lẽ về đồng lại là chồn cáo sao?".

    Bảy Viễn về đây cũng là vì tấm lòng thân ái của thầy Bảy Dầu Tiếng cùng anh Mười Trí.

    Nhân đây xin cám ơn ba anh Tám Nghệ, Mười Trí và Bảy Trấn...

    Xin trả lời thắc mắc thứ hai: Tôi có dùng hai anh em họ Lai, thằng anh là Tư Sang, thằng em là Năm Tài. Hai tên này chữ nghĩa khá, biết làm việc nên tôi giao chúng lo mọi thứ để mình rảnh rỗi chỉ huy chung. Nếu có bằng chứng hai thằng này là người của Phòng Nhì thì chính tôi sẽ xử chúng chớ không cần phải giao cho ai.

    Câu thứ ba: Về Maurice Thiên, tôi biết thằng Chệt lai này đã gần 20 năm. Nó con nhà giàu, học giỏi cưới vợ giàu, chơi thể thao hay. Khi Tây trở qua tháng 9.45, tôi biết nó bị Tây bắt, buộc phải làm việc cho Tây nhưng nó chỉ hụ hợ , dựa bệ ăn lương chớ không bắt bớ ai. Các ông nói tôi bị Tư Thiên lợi dụng song thật ra thì chính Bảy Viễn lợi dụng bình phong của Tư Thiên.

    Tôi có chứa chấp ba tên Nguyễn Thành Long, Vũ Tam Anh và Lai Hữu Tài trong vài ngày, nhưng chúng có cho tôi biết là chúng đã mưu sát ông Nguyễn Bình đâu mà biểu tôi bắt chúng nó.

    Trả lời xong, Bảy Viễn thấm mệt, rút khăn tay lau mặt, cổ và cánh tay.

    Chủ tọa Phạm Ngọc Thuần nói:

    - Chúng ta nghỉ xả hơi rồi chiều tiếp tục.

    Trong khi đại biểu nghỉ ngơi, ông Ðốc phủ Phan Văn Chương tới ngồi bên Bảy Viễn, vừa quạt vừa nói:

    - Lâu nay nghe danh ông Bảy, nay mới được vinh hạnh gặp. Nếu hai ông Khu trưởng và Khu phó mà thông cảm với nhau trong hội nghị này thì tôi thật tình vô cùng sung sướng. Cả hai ông mà đều đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên hết thì mặc dầu đã già yếu, tôi sẵn sàng làm thân trâu ngựa để phục vụ các ông.

    Mọi người đều xúc động trước lời lẽ chân tình đó.
    Còn tiếp....
    :

  6. #12
    Administrator
    PS khoá 72G's Avatar
    Status : PS khoá 72G v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2008
    Posts: 1,025
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên

    Nguyên Hùng
    Bảy Viễn Thủ Lĩnh Bình Xuyên


    (phần 38 )Giải thể lực lượng Bình Xuyên ?

    Buổi chiều, cuộc họp vẫn do luật sư Phạm Ngọc Thuần chủ tọa.

    Với tài điều hành nhanh gọn, ông đề nghị Mười Trí giải đáp những thắc mắc của Trung tướng Nguyễn Bình:

    Một: ông đã chứa Vũ Tam Anh sau khi tên này đánh chết một lính gác rồi cùng Trần Quang Vinh vượt ngục từ miền Tây lên tá túc trong Chi đội 4 của ông.

    Hai: ông bao che cho Nguyễn Hòa Hiệp khi Ðệ tam sư đoàn bị bộ đội Huỳnh Văn Một xé lẻ bắt gọn từng trung đội bằng cách tổ chức cho ăn cơm, sau đó cho dân quân giả làm dân đi xem súng, rồi bất ngờ cướp súng bọn này. Bộ tham mưu Nguyễn Hòa Hiệp đã chạy vô Chi đội 4 ẩn núp vài ngày rồi kéo ra thành đầu Tây.

    Ba: ông đã để Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt công khai chống lại Hồ Chí Minh

    Bốn: Việc Chi đội phó Sáu Section giả chữ ký của ông mời tôi tới nhà ông ăn cơm thân mật để cho người nã tiểu liên dọc đường. Rất may tôi chỉ bị thương nhẹ ở vai và tay.

    Xin mời ông Mười Trí có ý kiến về bốn điểm trên.

    Mười Trí đứng lên, nhìn trung tướng Nguyễn Bình nói với giọng thân tình:

    - Nhờ Chi đội 4 đóng gần Khu 7 nên tôi là người hiểu anh Ba Bình hơn nhiều chỉ huy Bình Xuyên khác. Bao giờ tôi cũng xem anh Ba là người chỉ huy tài ba, xứng đáng là Khu bộ trưởng Chiến khu 7 - chiến khu đàn anh của cả Nam bộ. Thử nhìn lại xem, khi quân đội viễn chinh của tướng Leclerc đánh chiếm các tỉnh miền Trung và miền Tây, khí thế như chẻ tre, có lúc có người chủ trương xuyên Ðông và xuyên Tây (tức là chạy lên miền Ðông hay xuống ghe chạy qua Xiêm) thì anh Ba Bình vẫn vững vàng, chủ trương ăn miếng trả miếng như Tết Tây năm 1946 đã đánh lớn vô thị xã Biên Hòa làm cho Tây cực kỳ hoang mang.

    Bây giờ tôi xin trả lời thắc mắc của anh Ba.

    Câu thứ nhất: Hai thằng tù vượt ngục từ khám đường miền Tây, chúng giấu biệt làm sao tôi biết ? Lúc đó thông tin liên lạc của mình kém quá. Nếu biết thì tôi đâu chứa trong nhà: tốn gà vịt nhậu nhẹt ngày đêm !

    Câu thứ hai : vụ Nguyễn Hòa Hiệp bị Huỳnh Văn Một tước súng chạy vô chỗ tôi xin tá túc, mình là người quen kiểu mạnh thường quân, ai tới ở nhờ ăn chực vài ngày là chuyện thường. Ðến hồi nó kéo ra đầu Tây, mình mới tá hỏa thì chuyện đã rồi. Có bị phê bình thì đành nhận khuyết điểm.

    Chuyện thứ ba: Bọn Vũ Tam Anh, Nguyễn Hòa Hiệp chống lại Hồ chi Minh là chuyện dĩ nhiên vì hai cha này theo Việt Nam Quốc Dân đảng.

    Còn chuyện thứ tư : mới là chuyện động trời. Thằng Sáu Section là Chi đội phó của tôi, theo tôi từ đầu . Nó chữ nghĩa đâu có bao nhiêu. Vì vậy nó nghe hai cha Vũ Tam Anh và Bùi Hữu Phiệt dụ dỗ "bắn một mũi tên rơi hai con nhạn" - một là diệt tướng Nguyễn Bình, hai là tôi bị nghi phải vô trại giáo hóa không biết bao giờ mới được minh oan. Cũng may là nhờ anh Ba sáng suốt biết phân tách chữ ký giả của Sáu Section.

    Luật sư Thuần tiếp tục với Tư Ty:

    - Xin anh Tư Ty trả lời những thắc mắc của tướng Nguyễn Bình:

    Một: Về vụ anh hất Bảy Quái, chỉ huy bộ đội An Ðiền (Thủ Ðức) để chiếm đoạt Chi đội 25.

    Hai: Về việc anh che chở tên giáo sư Trần Quốc Bửu - kẻ sau này nhảy ra thành làm tay sai cho địch.

    Tư Ty lắc đầu:

    - Về việc Bảy Quái, anh ta được ông Lê Ðình Chi mời lên Nha Quân pháp để tăng cường cho ngành. Còn về Trần Quốc Bửu thì nó khóc lóc than thở nhờ tôi che chở, không thì có thể bị Việt Minh bắt . Mình vốn anh hùng cá nhân, thấy ai gặp hoạn nạn thì thương. Có vậy thôi !

    Cuộc kiểm thảo tới đây tạm nghỉ để sau đó bàn chuyện quan trọng nhất: giải thể hay không giải thể lực lượng Bình Xuyên?

    Buổi sáng, trong mấy lời tâm tình của tướng Nguyễn Bình, vấn đề đã được đề cập phớt qua, dù sao cũng làm nháng lửa với phản ứng dữ dội của Bảy Viễn, Sáu Ðối, Năm Hà, Mười Trí...

    Chiều nay, quyền Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần trình bày vấn đề toàn diện hơn. Do vậy thái độ của Bảy Viễn và các chỉ huy Bình Xuyên có phần bình tĩnh, lịch sự hơn.

    Với giọng hùng hồn của một luật sư, ông Thuần phân tích lợi và hại của việc duy trì chiến khu Rừng Sác theo kiểu Bảy Viễn. Cái hại trông thấy khá rõ. Từ lâu Phòng Nhì giao hảo với Bảy Viễn, hai bên ngầm ký hiệp ước bất tương xâm. Anh không đánh tôi, tôi không đánh anh. Như vậy chúng đã biến Rừng Sác thành một con đường để vận tải, tiếp tế vũ khí lương thực, tự do đi lại. Càng nguy hiểm hơn, chúng xem như đã nắm được Liên khu Bình Xuyên là các đơn vị thiện chiến ở miền Ðông Nam bộ và chúng sắp biến nơi đây thành chiến khu quốc gia ủng hộ Bảo Ðại chống Hồ Chí Minh. Còn giải thể Bình Xuyên thì ta tránh được âm mưu thâm độc của địch như đã kể trên. Thứ nữa, danh dự Bình Xuyên không bị Ô uế vì sự mua chuộc bằng tiền và gái.

    Ông Thuần nhấn mạnh một điều thuyết phục mọi người: lâu nay ta dung dưỡng Bình Xuyên, khiến tổ chức này có giang san riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, thu thuế riêng. Như vậy là một quốc gia trong một quốc gia, một điều thậm vô lý ?

    Từ nay giải tán Bình Xuyên, không còn Bộ tư lệnh Bình Xuyên, không còn bộ đội Bình Xuyên mà tất cả hòa đồng trong đại gia đình Vệ quốc đoàn.

    Trời đã nhá nhem tối, nhưng ai cũng thấy được nét bất mãn từ Bảy Viễn tới người ngồi cuối bàn.

    ( phần 39)Trúng Kế

    Sau khi quyền chủ tịch ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam bộ Phạm Ngọc Thuần trình bày vấn đề cần thiết phải giải thể lực lượng Bình Xuyên, các chỉ huy Bình Xuyền đều ngơ ngác đến sững sờ.

    Ai cũng bán tín bán nghi. Có lẽ chỉ một mình Bảy Viễn là biết mà thôi.

    Bảy Viễn liền nói:

    - Ðây là vấn đê quan trọng, chúng tôi cần phải hội ý đêm nay rồi sáng hôm sau sẽ cho quý anh biết ý kiến.

    Ðêm đó Bảy Viễn, Sáu Ðối, Mười Trí, Tư Hoạnh họp tại nơi Bảy Viễn đóng quân.

    Bảy Viễn mặc xà rông, áo thun tơ, tay cầm quạt giấy quạt lia:

    - Ð. mẹ, mình đã biết trước là cộng sản chơi kế "điệu hố ly sơn" mà mình vẫn bị mắc mưu như thường! Mình cứ thắc mắc mãi, thằng Tám Nghệ với cha Bảy Trấn lại nở lòng nào hại mình ?

    Mười Trí lắc đầu: .

    - Hai cha đó không hại anh Bảy đâu. Theo tôi biết, hai cha đó cũng thật tâm muốn mời anh Bảy về Nam bộ gặp Nguyễn Bình một lần để giải quyết những lủng củng, bất hòa giữa hai bên. Tám Nghệ thì tôi không rành bằng anh Bảy, nhưng Bảy Trấn thì tụi mình quá biết ở Bến Tranh, Dầu Tiếng, khi ba đứa "chém vè" sau vụ Nam kỳ khởi nghĩa.

    Sáu Ðối sốt ruột:

    - Nam bộ giải thể Bình Xuyên, mình tính sao đây ?

    Tư Hoạnh cũng nóng nảy:

    - Tôi không đồng ý giải thể Bình Xuyên. Gia tài có một cái tên mà giải thể sao được ? Bộ cha người ta sao ?

    Bảy Viễn cười gằn:

    - Các cha chớ nóng. Ở đây không ai chịu cho tụi nó giải thể hay giải tán gì ráo. Ðể nguyên thì chơi, còn dẹp bỏ thì đường ai nấy đi. Mình cũng có móng có mỏ, sợ gì chớ ?

    Mười Trì đấu dịu:

    - Ðó là tụi mình nói với nhau; còn sáng mai anh Bảy nên lựa lời mà nói cho êm. Còn nước còn tát . Cố nói sao cho mấy chả không giải thể Bình Xuyên là được.

    Bảy Viễn cho anh em ai về nhà nấy rồi gọi Tư Sang, Năm Tài tới:

    - Nguyễn Bình một hai tố tụi bây là nhân viên Phòng Nhì, đòi tao giao nộp tụi bây cho nó. Tụi bây phải nói thiệt cho tao biết để tao liệu.

    Tư Sang và Năm Tài đều tái sắc, quỳ xuống ôm gối, giọng ỉ ôi:

    - Nguyễn Bình nói đúng đó ông Bảy. Hai anh em tôi là nhân viên Phòng Nhì do hai ông Lâm Ngọc Ðường và Tư Thiên giới thiệu vô Chi đội của ông Bảy.

    Bảy Viễn kêu lên:

    - Vậy sao? Ð.mẹ tình báo Nguyễn Bình hay thiệt ! Bây giờ tao phải làm sao đây? Giao nộp tụi bây cho nó, có nên không? Mà không nộp thì rắc rối lớn ? Ngày mai tao ăn làm sao nói làm sao với Nguyễn Bình đây ?

    Năm Tài run như thằn lằn đứt đuôi:

    - Ông Bảy giao tụi tôi cho nó thì kể như đời tụi tôi tàn rồi. Chi bằng ngay đêm nay tôi sẽ biến và đưa một tiểu đội về thành. Ngày ra đi tôi có hỏi ý ông Tư Thiên, ổng nói nếu suôn sẻ thì thôi, còn đúng là mắc kế thì tôi phải cấp tốc về ngay báo cáo để sắp xếp cho ông Bảy đưa hết Liên khu Bình Xuyên về thành.

    Bảy Viễn giật mình:

    - Tao chưa nghĩ tới chuyện đó đâu. Nếu tao không nhận chức Khu trưởng Khu 7 thì tao rút quân về Rừng Sác. Tội gì phải về Sài Gòn (cười). Tao ra đi có hẹn "một ra đi là không trở về". Nay không lẽ nửa chừng, không ra cơm mà cũng chẳng ra cháo gì lại muối mặt trở về, bà con Phú Thọ coi tao ra cái đách gì hả mậy?

    Năm Tài uốn lưỡi Tô Tần:

    - Ông Bảy ơi, ông đã mắc kế Việt Minh mà không biết sao? Họ mời ông Bảy xuống đây phong Khu trưởng Khu 7, nhưng lại giải thể tổ chức Bình Xuyên. Tôi hỏi ông Bảy: giữa hai chức Khu trưởng với Tư lệnh Bình Xuyên, cái nào lớn hơn cái nào? Khu trưởng Khu 7 còn dưới quyền Nam bộ, còn Bình Xuyên thì dọc ngang trên đầu còn có biết ai !

    Bảy Viễn gật gù. Năm Tài nói tiếp:

    - Biết mình trúng kế rồi thì phải hành động ngay. Tôi cấp tốc ngay đêm về thành báo động, ngày mai ông Bảy rút quân. Hẹn gặp tại vùng Phú Lâm -Bình Chánh, sẽ tùy cơ ứng biến.

    Bảy Viễn thở ra, lắc đầu rồi khoát tay:

    - Thôi mày đi trước dọn đường. Ðể tao xem ngày mai ra sao sẽ tính tiếp.

    (Phần 40)Không nhận chức Khu Trưởng khu 7

    Giữa Ðồng Tháp Mười, trong đêm khuya thanh vắng, Năm Tài chỉ huy tiểu đội bơi tam bản bốn chèo đôi phóng như tên bắn. Mấy tên ngồi không thủ súng tiểu liên, hễ đụng trạm kiểm soát là nổ cả băng để thoát nhanh về vùng ven Sài Gòn. Trong khi đó, Tư Sang đi kiểm tra từng nhà Chi đội 9 đóng, cắt gác cẩn thận, sợ bị Việt Minh "chụp" vào lúc nửa đêm.

    Sáng hôm sau, cuộc họp lại tiếp tục.

    Bảy Viễn trả lời rất đanh thép những điều tướng Nguyễn Bình chất vấn:

    - Thưa ông Khu trưởng, hôm qua ông tố cáo trong Chi đội 9 của tôi có tên Lai Hữu Tài là nhân viên Phòng Nhì. Tôi đã cho điều tra đúng nó là tay chân của Tư Thiên, mà Tư Thiên là bạn chí thân của tôi. Lúc tôi nghèo, nó giúp vốn làm ăn. Khi Tây trở qua, tôi biết nó bị bắt buộc phải làm việc cho Tây, nhiệm vụ là chỉ chọc ai theo Việt Minh trong giới người Hoa buôn bán lớn trong Chợ Lớn. Mục đích là thằng Tây muốn làm tiền người Tàu có máu mặt. Lúc đó tôi thường gặp nó mà có bao giờ nó chỉ tôi cho Tây bắt đâu? Các ông nói Tư Thiên lợi dụng tôi, thật ra thì chính tôi lợi dụng thế công khai hợp pháp của Tư Thiên.

    Trở lại thằng Năm Tài, trong chuyến đi này hình như thằng Tài có linh tính sao đó nên nó xin ở lại thủ trại. Nếu như ông Khu trưởng muốn bắt nó thì xin cho người về Rừng Sác mà bắt!

    Sáu Ðối, Tư Hoạnh, Mười Trí cố nhịn cười vì cái trò tráo bài ba lá của Bảy Viễn không lừa được ai, ngay cả trung tướng Nguyễn Bình, vì ai cũng biết trong hai đại đội "cứng" của Bảy Viễn hôm trước " có mặt " ông Năm tả thừa tướng của ông Bảy .

    Tướng Nguyễn Bình cười lạt, nói qua chuyện khác:

    - Hôm nay chúng ta làm lễ bàn giao chức Khu trưởng Khu 7. Tôi muốn trong dịp này bàn giao cho ông Bảy một gia tài đồ sộ, có nhiều chiến công nhất trong ba khu của Nam bộ. Chiến công đã nhiều rồi, nếu nội bộ chúng ta đoàn kết tốt hơn nữa thì chiến công sẽ nối tiếp chiến công.

    Cho nên trước nhất, tôi muốn ta đánh tan mọi hiểu lầm, giải quyết mọi bất hòa. Tôi tin tưởng các ông là những tay giang hồ mã thượng đã tự giác tự nguyện bỏ hết tánh hư tật xấu thời thực dân để toàn tâm, toàn ý đi theo cách mạng. Tôi biết thực dân không bỏ một dịp tốt nào để kéo các ông trở về con đường tối tăm khi xưa. Chúng tung tiền, xa xỉ phẩm, kể cả gái giang hồ vô khu để lôi kéo các ông. Nhưng tôi biết thực dân đã thất bại, vì các ông hiểu danh dự của người giang hồ đi theo kháng chiến đã được nhân dân khắp nước, nhất là dân Sài Gòn -Chợ Lớn xem các ông như những bậc hào kiệt, những bậc quân tử, tiền bạc không mua được, uy vũ không khuất phục được và gian khổ không làm các ông nao núng.

    Tôi hết sức quý trọng các ông. Tiền muôn bạc triệu dễ tìm, địa vị hư danh dễ kiếm, nhưng tên tuổi anh hùng nghĩa sĩ các ông đang giữ trong tay thật khó mà có được ?... Chọn được người để bàn giao chức Khu trưởng, tôi rất hãnh diện.

    Lời lẽ của trung tướng ủy viên quân sự Nam bộ thật tình cảm, ấy vậy mà Bảy Viễn vẫn giữ nét lạnh lùng:

    - Tôi rất xúc động trước những lời lẽ chân tình của ông ủy viên quân sự Nam bộ nhưng... rất tiếc là chúng tôi, toàn bộ chỉ huy Bình Xuyên thắc mắc một điều. Có giải quyết được điều này thì mới tiến hành việc bàn giao chức khu trưởng được - Ðó là quyết định giải tán Bình Xuyên.

    Ðêm qua, chúng tôi đã hội ý cẩn thận. Không ai trong chúng tôi chịu giải thể hay giải tán Bình Xuyên (nghỉ một chút, Bảy Viễn lên giọng) Bình Xuyên, cái tên này có lịch sử oai hùng của nó. Biết bao chiến sĩ đã ngã gục vì lá cờ Bình Xuyên do cố Thiếu tướng Ba Dương đã giương cao ngay trong giờ đầu giành chính quyền tại Sài Gòn ngày 25.8.1945

    Chúng tôi -Bảy Viễn, Sáu Ðối, Mười Trí -có thể chết đi, chớ hai tiếng Bình Xuyên không thể "bức tử nó được Xin các ông suy nghĩ kỹ lại đi. Có thể nào rút lại quyết định giải thể Bình Xuyên được không?

    Im lặng một lúc khá lâu, tướng Nguyễn Bình hướng về quyền chủ tịch Phạm Ngọc Thuần như nhường lời. ông Thuần sửa lại gọng kiếng đôi mồi ngay ngắn trên sống mũi rồi trịnh trọng nói:

    - Thưa các ông chỉ huy Bình Xuyên. Hôm qua tôi đã trình bày cặn kẽ rồi. Hôm nay chiều theo ý các ông, tôi lặp lại các ý chính:

    - Sau khi cân nhắc cẩn thận, Thường vụ Nam bộ quyết định giải thể tổ chức Bình Xuyên. Vì sao? Vì nhiều lý do sau đây:

    Một -Không thể có một quốc gia trong một quốc gia. Lâu nay Nam bộ nể tình các ông nên không đề cập tới chuyện trái nguyên tắc tổ chức hành chính này.

    Hai -Ðã sai về nguyên tắc tổ chức hành chính, lại kéo theo nạn mất đoàn kết trầm trọng. Bình Xuyên không tôn trọng cấp trên của mình là Quân khu 7 và cả Nam bộ nữa.

    Lệnh trên ban hành, tất cả các nơi đều thi hành, như giải thể các chi đội để lập trung đoàn theo biên chế chính quy. Rồi còn nạn thu thuế, mạnh ai nấy thu, làm dân thương hồ khổ sở. Tôi biết trong Chi đội 9, ông Bảy không chịu áp dụng chế độ chính trị viên và kỳ thị cán bộ miền Bắc...

    Bây giờ tới chuyện nghiêm trọng đây.

    Tình báo cho biết trùm Phòng Nhì là trung tá Savani đã biệt phái hai tên Lâm Ngọc Ðường và Maurice Thiên bám sát Khu bộ phó Lê Văn Viễn. Chúng còn đặt Tư Sang và Năm Tài làm "tả hữu thừa tướng" của ngài Khu bộ phó. Chính tên Tài đã đại diện Khu bộ phó Bảy Viễn đi dự các cuộc họp thành lập Mặt trận Quốc gia Liên minh chống Việt Minh.

    Phán Huề vừa bị bắt ở Chi đội 7 của anh Hai Vĩnh cũng khai đã tiếp xúc với Năm Tài trong chủ trương lập chiến khu quốc gia Bình Xuyên...

    Bởi những lẽ ấy, Nam bộ quyết định giải thể Bình Xuyên để tránh những đồ vỡ sau này.

    Im lặng khá lâu, Bảy Viễn vẫn trở lại điệp khúc cũ:

    - Tôi linh tính chuyến đi này là chuyến đi quyết định cuộc đời tôi. Tôi dư biết đây là kế "điệu hổ ly sơn", nhưng tôi vẫn đi để cho mọi người biết Bảy Viễn không phải là thằng hèn. Còn chuyện Tây mua chuộc tôi thì đó là chuyện nhận định của các ông. Các ông đã nắm chắc bằng chứng gì về Bảy Viễn phản bội kháng chiến hay chưa? Tôi nói ngay là không nhận chức Khu trưởng Khu 7 nếu các ông giải thể Bình Xuyên.

    ( phần 41 )Bản Án

    Quyết định không nhận chức Khu trưởng Khu 7 của Bảy Viễn là một bất ngờ lớn đối với Thường vụ Nam bộ. Muốn giữ Bảy Viễn chỉ có nước rút lại quyết định giải thể tổ chức Bình Xuyên. Nhưng điều này không thể nhân nhượng được vì Pháp đã quyết tâm biến Bình Xuyên thành đồng minh và đang tiến tới lập chiến khu quốc gia theo chỉ thị của Cao ủy Émile Bollaert. Vậy giải quyết rắc rối này như thế nào đây? Thường vụ Nam bộ họp khẩn ngay trong đêm đó. Có hai ý kiến trái ngược nhau: tướng Nguyễn Bình nhân danh ủy viên quân sự Nam bộ kiêm Phó thủ tịch ủy ban Kháng chiến -Hành chính Nam bộ chủ trương bắt Bảy Viễn đưa ra tòa án tối cao xét xử , ông nói:

    - Tôi là quân nhân, khẩu hiệu của bộ đội cách mạng là "công thưởng tội trừng". Chúng ta đã có nhiều bằng cớ chứng tỏ Bảy Viễn "đi đêm" với Phòng Nhì. Vụ Phán Huề bị bắt ở Chi đội 7 cho thấy chính phủ bù nhìn Nguyễn Văn Xuân với Thủ hiến Trần Văn Hữu quyết tâm ve vãn Bảy Viễn để nắm Bình Xuyên. Ðây là dịp may hiếm có Bảy Viễn đã về Nam bộ lần đầu tiên mà cũng có thể là lần duy nhất. Ta nên bắt y và đưa ra xét xử đúng luật công minh.

    Nhiều vị ủy viên gật gù tán đồng ý kiến này.

    Nhưng Trưởng phòng Dân quân Nam Bộ Lê Duẩn lại đưa ý kiến trái ngược lại :

    - Tôi đề nghị cứ để Khu phó Lê Văn Viễn tự do về Rừng Sác. Ta không nên làm lớn chuyện vụ nầy.

    Ba Bình liền cật vấn anh Ba Duẩn.

    - Tại sao lại tha Bảy Viễn trong khi chúng ta nắm đủ bằng cớ phản của y ?

    Anh Ba Duẩn nhìn mọi người một lúc rồi thong thả trình bày:

    - Bắt thì quá dễ, nhưng sẽ đổ máu, vì Bảy Viễn đã phòng thân khi mạo hiểm về đây. Ta đã phái hai ba sứ giả chí thân với Bảy Viễn thuyết phục ông ta về đây nhưng ông ta tin chắc sẽ mắc kế "điệu hổ ly sơn" nên đưa theo hai đại đội "cứng" có cả khẩu đại bác 20 ly mượn của Chi đội 4.

    Nguyễn Bình cắt ngang:

    - Hai đại đội cứng có nghĩa gì với cả chục trung đoàn chúng ta đang đóng rải rác khắp hai khu 7 và 8 !

    Anh Ba Duẩn liền nói tiếp:

    - Cho tôi nói hết ý. tướng ủy viên quân sự xử sự đúng cương vị quân sự của anh, còn tôi là cán bộ chính trị nên tôi trình bày quan điểm của tôi về chính trị.
    - Thấy chưa, tụi tôi nói có sai đâu ! Việt Minh độc quyền , Việt Minh tiêu diệt giáo phái. Bảy Viễn theo Việt Minh ba năm, leo lên tới thức Khu trưởng Chiến khu 7 mà vẫn bị bắt giết như thường?...

    Ðó, quan điểm của tôi về vấn đề Bảy Viễn là như vậy, các ông thấy thế nào?

    Vài người gật gù tán thưởng.

    Một người nói:

    - Ý kiến của hai anh Ba đều hay, mỗi người theo cương vị mà phát biểu. Bên quân sự quyết định bắt đưa ra tòa xét xử cũng hay, bên chính trị lo ngại thực dân tuyên truyền ta độc quyền , tàn sát giáo phái cũng chí lý...

    Có tiếng cười:

    - Nói như anh thì ba phải quá ? Tôi đề nghị biểu quyết đúng theo nguyên tắc.

    Ba Duẩn nói:

    Cuối cùng, biểu quyết theo thể thức đưa tay và đa số ngả theo ý kiến của Ba Duẩn.

    Cũng trong đêm đó, hai liên lạc viên của Chi đội 9 là Hoằng và Cung hỏa tốc xuống Nam Bộ báo cho Bảy Viễn biết tổng hành dinh của Bảy Viễn đã bị tảo thanh.

    Vừa nghe tin dữ, Bảy Viễn thất sắc, hai chân như lảo đảo. Giọng hổn hển, Bảy Viễn nạt:

    - Tảo thanh làm sao ? Nói kỹ cho tao nghe ?

    Hai tên Hoằng, Cung tranh nhau nói:

    - Hai đại đội của mình vừa tới Ðồng Tháp Mười thì có lệnh tảo thanh. Chi đội nào làm theo chi đội nấy. Mấy cha chính trị viên cầm đầu bộ máy tảo thanh. Tại Chi đội 9 của mình thì thằng Tám Tâm cầm đầu. Nó có một vài trung đội trung thành chận hết các con rạch ra vô thành phố. Tư Ty vừa đưa vợ về thành thì bị Trần Công Ðức và Lưu Quý Thoái chận bắt. Tám Tâm lùng bắt mấy người thân tín của ông Bảy như ông Lâm Ngọc Ðường. Nghe nói ông Ðường nhanh nhân xuống tam bản chống vô rừng. Chưa biết có trốn thoát được không. Ba Rùm phụ trách binh công xưởng cũng bị Tám Tâm bắt. Nghe nói Ba Rùm cự nự dữ và yêu cầu ông Năm Hà can thiệp.

    Bảy Viễn chửi thề:

    - D.mẹ thằng Tám Tâm ? Nếu thủ tiêu nó ngay từ đầu thì đã tránh được hiểm họa ngày nay.

    Tư Sang vội nói :

    - Ông Tư Thiên nhận định thật là tài. Ông nói đi Nam bộ là mắc kế "điệu hổ ly sơn". Nhưng ta tương kế tựu kế. Nhân dịp này mình kéo rốc về thành. Nghe nói Thiếu tướng De la Tour sẽ dành cho mình một vùng đất bên Chánh Hưng để tạm đóng quân.

    Bảy Viễn thở dài:

    - Ngu quá sức ngu ! Ðã nghi gian kế mà vẫn bị mắc kế như thường. Tình thế đã vậy thì mầy cho rút quân càng nhanh càng hay !
    Còn tiếp ....

Trang 2/5 đầuđầu 1234 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Chỗ yếu của chúng ta :Lĩnh vực văn nghệ !
    By TAM73F in forum Nhận Định Thời Cuộc
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 12-13-2009, 08:35 PM
  2. Ba Mươi Năm Viễn Xứ
    By SVSQCANTHO in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 12-09-2009, 08:43 PM
  3. Ðêm Bảy Ngày Ba ,Vô ra Không Tính
    By 72f219longma in forum Sức khoẻ
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 10-26-2009, 01:16 AM
  4. Bốc viễn thám
    By chimtroi in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 03-25-2009, 10:48 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •