Remember ?

kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Tựa Đề: Đại tá NGUYỄN XUÂN VINH giải ngũ, hay... ?

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default Đại tá NGUYỄN XUÂN VINH giải ngũ, hay... ?

    Đại tá NGUYỄN XUÂN VINH giải ngũ, hay... ?


    KQ Nguyễn Hữu Thiện

    Sau khi Diễn Đàn Phi Dũng đăng bài “Tâm Tình Với Người Anh Em Võ Bị Quốc Gia” của tác giả (cựu Không Quân) Bằng Phong Đặng Văn Âu, trong phần “Trả Lời” tiếp theo bài viết, NT (cựu Không Quân) NGHỊCH NHĨ đã nhắc lại việc KQ Đặng Văn Âu “đặt điều nói xấu cho Ông Nguyễn Xuân Vinh, cựu Tư lệnh KQ của mình là đào ngũ” qua câu viết:

    “Còn Tập thể Chiến sĩ thì bị lãnh đạo bởi một ông cựu Tư Lệnh KQ đã đào ngũ từ năm 1963”

    Và NT NGHỊCH NHĨ nhận định như sau:

    Trở lại chuyện cũ. Khi ông Vinh là Tư lệnh KQ thì xảy ra vụ 2 ông phi công Cử và Quốc ném bom dinh Độc lập. Ông Vinh phải liên đới chịu trách nhiệm! Thay vì bị tù tội, ông Vinh chỉ bị Tổng thống Diệm cất chức và cho đi Mỹ du học, cho thấy sự nhân đạo và rộng lượng của TT Diệm.

    Ông Vinh thôi chức Tư lệnh KQ từ đó chứ có bỏ trốn lính đâu mà gọi đào ngũ?!

    Một lối dùng chữ sai và cố tình điếm nhục thượng cấp của mình. Cá nhân tôi không chấp nhận được!

    Thời kỳ đó kẻ đào ngũ thì bị giấy tầm nã gửi qua quân cảnh tư pháp để truy bắt.


    Ông Vinh có nằm trong hoàn cảnh đó không mà nói đào ngũ?!

    Được phép của Tổng Thống, ra đi đàng hoàng chứ có bỏ trốn đâu mà đào ngũ!

    Trong Quân chủng mình với nhau tôi xin thỉnh ý của các vị Niên Trưởng và tất cả các anh em KQ có coi trường hợp của ông Vinh là đào ngũ không?? Hay đó là cách thoá mạ ông cựu Tư lệnh của mình khi ông không hề mang tội đó??


    * * *
    NT NGHỊCH NHĨ viết như thế đã quá rõ ràng và thiết nghĩ đủ sức thuyết phục, chẳng cần bàn luận thêm. Thế nhưng trong những đóng góp ý kiến hoặc thắc mắc tiếp theo phần trả lời của NT NGHỊCH NHĨ đã có hai KQ (lần lượt) viết:

    (1) Chuyện ông Tư lệnh của mình được đi du học, sao không trở về khi học xong? Ông du học bằng tiền riêng hay tiền của Quốc Gia? Trước khi đi, ông được giải ngũ chưa? Nếu chưa, mà ông ở lại Hoa Kỳ thì vì lý do gì? Tôi vẫn thắc mắc...

    Ai bảo ông đào ngũ , ông vẫn cứ lặng thinh...


    (2) ...bấy lâu nay tôi cứ tưởng cựu TLKQ Nguyễn Xuân Vinh "Đào ngũ”...

    Vì thế, tôi muốn trích đăng một số tài liệu cũng như kể lại những gì mình được đọc được nghe từ các vị niên trưởng trong quân chủng, không ngoài mục đích “phụ lực” với NT NGHỊCH NHĨ trong việc chứng minh Đại tá Nguyễn Xuân Vinh đã không đào ngũ.

    Rất tiếc, cả bạn KiwiTeTua, người đã post bài viết của KQ Đặng Văn Âu, lẫn NT NGHỊCH NHĨ đều muốn chấm dứt cuộc tranh luận, cho nên tôi phải tự post bài viết ngắn này để gửi tới quý NT và anh em KQ những gì mình muốn trình bày.

    Thưa quý NT và anh em KQ,

    Bản thân tôi sinh sau đẻ muộn, trước năm 1975 chỉ là một sĩ quan cấp úy, nay lại định cư ở tận nam bán cầu (Úc-đại-lợi), không có điều kiện tìm hiểu, theo dõi sinh hoạt của tập thể cựu quân nhân QLVNCH tại Hoa Kỳ, cho nên luôn giữ thái độ kính nhi viễn chi.

    Nhưng riêng với quân chủng Không Quân thì khác. Một ngày Không Quân, một đời Không Quân. Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè.

    Từ ngày đặt chân lên trại tỵ nạn Galang năm 1981 tới nay, 39 năm đã trôi qua, với tôi, các hội đoàn Không Quân luôn luôn là mái ấm, người Không Quân - từ những vị đại niên trưởng cho tới các SVSQ chưa kịp ra trường - mãi mãi là anh em.

    Còn nhớ sau khi cựu Trung tá Lê Bá Định, vị chỉ huy cũ của tôi ở Pleiku (Trưởng Phòng CTCT, Căn Cứ 92 KQ) qua đời năm 2014, trong bài “LÊ BÁ ĐỊNH - Một người thầy, một người anh”, tôi đã viết:

    ...Nhưng chữ “thầy” trang trọng nhất nơi ông Lê Bá Định, với tôi, cùng với triết lý sống, là học được từ ông lòng tự hào về quân chủng của mình, và thể hiện qua ngòi bút.

    Sau đó tôi mới nhận thấy mình viết thiếu, lẽ ra phải là “học được từ ông lòng tự hào và yêu mến quân chủng của mình, và thể hiện qua ngòi bút”.

    Từ lòng tự hào và yêu mến ấy, tôi đã tự đặt ra một nguyên tắc riêng cho mình (cho dù có bị người khác chỉ trích là đầu óc cục bộ, thiên vị): khi sử dụng ngòi bút với tư cách một KQ, không bao giờ nói xấu KQ, đả kích KQ.

    Chính vì thế tôi đã mất một số bạn bè thuộc các quân binh chủng bạn và bị không ít anh em KQ ở Úc chỉ trích nặng nề vì đã không chịu ra tuyên cáo lên án cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ khi ông về Việt Nam hợp tác với bạo quyền cộng sản.

    Thời gian này (2004-2008), KQ Phạm Công Khanh (PĐ-219) đang nắm giữ chức vụ Liên hội trưởng Liên Hội Ái Hữu Không Quân QLVNCH Úc Châu, tôi giữ chức Tổng Thư ký.

    Sau khi ông Nguyễn Cao Kỳ về VN lần thứ nhất và đưa ra những lời tuyên bố có lợi cho chế độ cộng sản, Ban chấp hành Liên Hội KQ đã bị áp lực từ nhiều phía – cộng đồng, cựu quân nhân, và cả các hội KQ cấp tiểu bang – phải ra một tuyên cáo lên án vị cựu Tư Lệnh KQ.

    Sau khi cùng nhau thảo luận, Ban chấp hành Liên Hội KQ Úc Châu đã bác bỏ yêu cầu bán chính thức (bằng miệng) nói trên, với lập luận như sau:

    Trước năm 1975, cựu Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Tư lệnh Không Quân, đã lần lượt nắm giữ hai chức vụ Thủ tướng và Phó Tổng thống VNCH, thì nay việc ông trở về VN hợp tác với chế độ cộng sản đã làm xấu mặt cả tập thể người Việt quốc gia, chứ không chỉ riêng các cựu quân nhân KQVNCH mà thôi.

    Vì thế, nếu muốn bày tỏ lập trường, thái độ, chính Ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu phải ra tuyên cáo, khi ấy Liên Hội Không Quân Úc Châu, với tư cách một hội đoàn quốc gia trong cộng đồng, sẵn sàng ký tên vào tuyên cáo chung. Trường hợp Ban chấp hành Cộng Đồng “bán cái” cho Tổng Hội Cựu Quân Nhân Úc Châu, Liên Hội Không Quân cũng sẵn sàng ký để thể hiện tinh thần đoàn kết và quyết tâm bảo vệ chính nghĩa quốc gia.

    Rốt cuộc cả Ban chấp hành Cộng Đồng lẫn Tổng Hội CQN chẳng nơi nào ra tuyên cáo, nhưng vẫn cứ tiếp tục chỉ trích Liên Hội KQ Úc Châu. Báo hại, ngày ấy cứ chường mặt ra là tôi (Tổng Thư ký Liên Hội) lại bị những người chống cộng (đa số chống bằng mồm) cật vấn, chỉ trích, thậm chí xỉ vả... Nhưng tôi vẫn thản nhiên, và còn cười thầm trong bụng vì tôi biết tỏng ông A ông B ông C ấy đã về VN du hí biết bao lần dưới bóng cờ đỏ, trong khi nơi hải ngoại tôi vẫn một dạ sắt son với lá cờ vàng!

    * * *

    Sở dĩ tôi hơi dài dòng là để quý NT và anh em KQ hiểu rằng những gì tôi trình bày sau đây hoàn toàn không có mục đích bênh vực cá nhân cựu Đại tá Nguyễn Xuân Vinh, mà chỉ để bảo vệ danh dự chung của quân chủng mà mình tự hào và yêu mến, trong đó ông là một thành viên.

    Trước hết xin viết về những gì tôi đọc được.

    (1) Tiểu sử của Đại tá Nguyễn Xuân Vinh trên trên Wikipedia viết:

    “Ngày 27 tháng 2 năm 1962, hai sĩ quan phi công là Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử điều khiển 2 chiếc Khu trục cơ thả bom Dinh Độc lập, ông bị liên đới trách nhiệm nên Tổng thống Diệm đã cách chức Tư lệnh Không quân của ông. Cùng năm này, ông xin giải ngũ và đi du học ở Hoa Kỳ.”

    LƯU Ý: Wikipedia và NT NGHỊCH NHĨ viết Đại tá Nguyễn Xuân Vinh bị cách chức, trong khi các tài liệu khác ghi là ông xin từ chức. Tuy nhiên trong bài này tôi không đặt thành vấn đề mà chỉ chú trọng tới việc Đại tá Nguyễn Xuân Vinh ngày ấy đã xin giải ngũ hay đào ngũ?

    (2) Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, nguyên Sư đoàn trưởng SĐ6KQ, trong bài “Các Cấp Chỉ Huy Đơn Vị Đầu Tiên Của KQVNCH” viết:

    “Vào đầu năm 1960, khi chức vụ Phụ Tá Không Quân đổi thành Tư Lệnh Không Quân thì quân chủng Không Quân kể như đã lớn mạnh. Ông Nguyễn Xuân Vinh thăng Đại Tá năm 1961 và giải ngũ năm 1962.”

    (3) Cựu Đại tá Nguyễn Quang Tri, nguyên Chỉ huy trưởng Phi Đoàn 514, viết trong bài “Phạm Phú Quốc Và Phi Vụ Thả Bom Dinh Độc Lập, Sài Gòn 1962”:

    “Phạm Phú Quốc là Trưởng Phòng Hành Quân của PĐ 514 đã dẫn anh Nguyễn Văn Cử từ Nha Trang về chưa đầy một tháng đi thả bom Dinh Độc Lập trong tháng 2 năm 1962. Có thể vì sự kiện chính trị này mà vị Tư Lênh Không Quân của chúng ta là Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh đã từ chức cùng lúc với Bộ Trưởng Quốc Phòng là ông Trần Trung Dung. Sự kiện xảy ra vào tháng 2-1962, trong khi TLKQ Nguyễn Xuân Vinh đang công du tại Nhật Bản, và từ đó Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền thay thế TLKQ cho đến 1-11-1963.”

    * Trong một cuộc điện đàm vào khoảng năm 2002-2003 liên quan tới việc biên soạn cuốn Quân Sử Không Quân, NT Nguyễn Quang Tri xác nhận với tôi sau đó Đại tá Nguyễn Xuân Vinh đã xin giải ngũ, như NT Phạm Ngọc Sang viết trong bài đã dẫn.

    Thứ đến là những gì tôi được nghe cố Niên trưởng Trần Phước Hội, thuật lại.

    NT Trần Phước Hội (tên thật là Nguyễn Phước Bửu Hội), cựu sinh viên Ban Sử Địa, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Khóa 1 Kỹ Thuật Rochefort, là người có một trí nhớ tuyệt vời, được các niên trưởng vào hàng khai quốc công thần tặng biệt hiệu “cái tủ thuốc Bắc của Không Quân”, cho dù cấp bậc, chức vụ sau cùng của ông chỉ là Thiếu tá Liên đoàn trưởng Liên Đoàn Kỹ Thuật CC20CT (Phan Rang).

    Bên cạnh đó, ông còn có óc phán đoán và con mắt nhận xét tinh tế hơn người. Tôi và NT Trần Phước Hội trở nên thân nhau sau khi ông nhận lời làm cố vấn (bán chính thức) cho Ban thực hiện Quân Sử Không Quân VNCH (2002-2005) của Liên Hội Không Quân Úc Châu.

    Ngoài việc đọc loạt bút ký “Đốt lò hương cũ”, “Không Quân thời khuyết sử” của NT Trần Phước Hội, tôi còn được nghe ông kể đủ thứ chuyện liên quan tới thời kỳ thành lập Không Quân, cũng như những giai thoại về các nhân vật nổi tiếng trong quân chủng.

    Sự hiểu biết và nhận xét của ông về bảy đời tư lệnh KQ - Nguyễn Khánh, Trần Văn Hổ, Nguyễn Xuân Vinh, Huỳnh Hữu Hiền, Đỗ Khắc Mai, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Minh - thật tuyệt vời và vô cùng thú vị (mà có lẽ trong tương lai tôi phải bỏ công ghi lại thành một bài viết). Tuy nhiên trong phạm vi bài này, tôi chỉ đề cập tới việc xin giải ngũ của Đại tá Nguyễn Xuân Vinh.

    Theo nhận xét của NT Trần Phước Hội, trong số bảy vị tư lệnh KQ nói trên, có thể nói ông Nguyễn Xuân Vinh là người khôn ngoan nhất.

    NT Trần Phước Hội kể lại: sau vụ hai phi công Phạm Phú Quốc, Nguyễn Văn Cử dội bom Dinh Độc Lập, Đại tá Nguyễn Xuân Vinh không biết có bị thất sủng hay không nhưng không bị cách chức. Tuy nhiên, theo suy đoán của NT Trần Phước Hội, ông Nguyễn Xuân Vinh là một người thức thời và bén nhậy, thấy được tình hình chính trị bất ổn tại miền Nam VN lúc bấy giờ, tin rằng nếu cứ tiếp tục ngồi ở cái ghế Tư lệnh Không Quân, sẽ có ngày ông bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp quyền lực, mà hậu quả có thể là thân bại danh liệt, thậm chí mất mạng không chừng! Vì thế, ông đã xin từ chức, và giải ngũ để ra ngoại quốc tiếp tục việc học.

    Hơn một năm sau đó, cái chết bi thảm của Đại tá Hồ Tấn Quyền, Tư lệnh Hải Quân, trong cuộc đảo chánh 1/11/1963 đã cho thấy những gì ông Nguyễn Xuân Vinh tiên liệu... suýt trở thành sự thật cho người kế nhiệm ông: Đại tá Huỳnh Hữu Hiền.

    Trung tá Hồ Tấn Quyền và Đề Đốc Alfred G. Ward trên chiến hạm USS Toledo
    của Hải Quân Hoa Kỳ, 27/10/1959

    Nếu ngày ấy, khi đám tướng lãnh đảo chánh họp tại Bộ Tổng Tham Mưu mà vị Tư lệnh Không Quân có mặt ở Sai Gòn, và theo gương Đại tá Cao Văn Viên, nhất quyết trung thành với vị Tổng tư lệnh tối cao của QLVNCH (Tổng thống), hoặc trong Không Quân cũng có những sĩ quan phản trắc giết người không gớm tay như Thiếu tá Trương Ngọc Lực và Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang bên Hải Quân, chắc hẳn Đại tá Huỳnh Hữu Hiền đã theo Đại tá Hồ Tấn Quyền, Đại tá Lê Quang Tung, Thiếu tá Lê Quang Triệu... về bên kia thế giới.

    Theo một số tác giả và những NT Không Quân biết rõ sự việc, khi đám tướng lãnh đảo chánh họp tại Bộ Tổng Tham Mưu, Đại tá Huỳnh Hữu Hiền đang ở Đà Lạt; được lệnh triệu hồi, khi ông về tới Sài Gòn trình diện Bộ Tổng Tham Mưu thì lúc đó đã 3 giờ chiều, Trung tá Đỗ Khắc Mai, Tham mưu trưởng Không Quân, người đã quy phục các tướng lãnh đảo chánh và được họ trao chức Tư lệnh Không Quân, đã có đủ thì giờ để nắm mọi quyền hành và báo cáo tình hình với các tướng lãnh.

    Theo “lời bàn” của NT Trần Phước Hội, chính vì “mọi việc đã đâu vào đó rồi” (Đại tá Huỳnh Hữu Hiền không còn lực lượng nào trong tay) nên ông chỉ bị giam giữ tại Bộ Tổng Tham Mưu, và sau đó bị buộc giải ngũ.

    * * *

    Vị NT thứ hai trong Không Quân cho tôi biết Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh ngày ấy xin giải ngũ là Chuẩn tướng Từ Văn Bê, trước năm 1975 giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ (Biên Hòa). Là một người hiếu học, trọng nguyên tắc, và tận tụy với chức vụ, ông Từ Văn Bê chỉ khẩu phục tâm phục hai đời tư lệnh KQ là Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh và Đại tá Huỳnh Hữu Hiền.

    Có lẽ nhiều người còn nhớ sau khi Hiệp Định Paris 1973 được ký kết, chính phủ VNCH đã vận động các sinh viên đang du học ở ngoại quốc về thăm quê nhà để quan sát, tìm hiểu về tình hình kinh tế, các cơ sở kỹ nghệ, và một số đơn vị kỹ thuật trong quân đội, để họ có được một ý niệm về xây dựng đất nước thời hậu chiến. Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ là một trong những đơn vị ấy, và Khối CTCT chúng tôi có nhiệm vụ đón tiếp, hướng dẫn các phái đoàn sinh viên.

    Cùng thời gian, chính phủ VNCH còn mời một số cá nhân đã thành đạt hiện đang làm việc tại ngoại quốc về thăm quê nhà, trong đó có Giáo sư (cựu Đại tá Tư lệnh Không Quân) Nguyễn Xuân Vinh.

    Ngày Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh về thăm CCKQ Biên Hòa và nói chuyện trước một số sĩ quan, tôi - lúc ấy còn trẻ, ham vui và thiếu ý thức - đã lỉnh ra phố Biên Hòa chơi. Sau khi khám phá việc tôi vắng mặt, ông Từ Văn Bê đã “mần” tôi một trận, nào là tôi đã bỏ qua một cơ hội hiếm có, nào là không tham dự thì lấy đâu ra chi tiết để viết bài cho Bản Tin đơn vị, v.v...

    “Mần” tôi xong, ông Từ Văn Bê mới kể cho tôi nghe đường sự nghiệp và những thành đạt của vị cựu Tư lệnh KQVN, với những chi tiết tương tự những gì sau này tôi được đọc trong bài viết của NT Nguyễn Quang Tri cũng như được nghe NT Trần Phước Hội thuật lại.

    Nghĩa là ngày ấy (năm 1962) Đại tá Nguyễn Xuân Vinh đã xin từ chức Tư lệnh Không Quân, và xin giải ngũ để tiếp tục con đường học vấn (ngày còn ở Pháp, ông đã theo học Đại học Aix-Marseille Université, ở gần trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence, và lấy bằng Cử nhân Toán).

    * * *

    Lẽ dĩ nhiên, quý NT và anh em KQ có toàn quyền tin hay không tin những gì được các NT Phạm Ngọc Sang, Nguyễn Quang Tri, Trần Phước Hội, Từ Văn Bê viết hoặc kể lại. Trường hợp quý NT và anh em KQ không tin, tôi chỉ biết thưa như sau: với một quân nhân biết tự trọng, không còn gì nhục hơn hai chữ "đào ngũ", cho nên chúng ta phải cẩn trọng khi sử dụng, đừng chỉ biết viết cho đã tay, nói cho sướng miệng.

    Viết tới đây, tôi bỗng nhớ tới Đại tá Trần Phước (Mệ) và sự tử tế của NT dành cho một người đồng khóa “không mấy được cảm tình” là Trung tá Đỗ Khắc Mai, vị cựu Tư lệnh Không Quân đã được nhắc tới ở một đoạn trên.

    Trong loạt bài “Điểm danh Các Bạn Già”, phần viết về Khóa 1 Quan Sát Viên, Mệ đã dành cho ông Đỗ Khắc Mai những dòng sau đây:

    - Anh Đỗ Khắc Mai là cái "rốn" của khóa, anh luôn luôn tỏ mình là người học rộng tài cao, nhưng kết quả ra trường cũng chẳng hơn ai.

    Anh hay làm mất thì giờ của các người khác trong lớp, vì anh thường hay tranh cãi văn phạm (grammaire) hoặc đặt những câu hỏi ngoài đề tài bài học với huấn luyện viên người Pháp, bởi vậy giờ học thường bị kéo dài làm mọi người khó chịu.

    Anh Mai là con người đầy tham vọng, cho nên trèo cao té nặng.

    Những năm 1962-63 anh giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng, nhân vật thứ hai sau Tư Lệnh Không Quân, cựu Đại Tá Huỳnh Hữu Hiền, vì lúc đó chưa có chức vụ Tư Lệnh Phó Không Quân. Nhằm lúc phong trào tố Cộng lên cao, anh Mai lợi dụng chức vụ đang nắm giữ, thường hay đến các Căn Cứ Không Quân tham gia những buổi học tập Tố Cộng để gây ảnh hưởng và thanh thế. Anh đã từng tham gia cuộc đảo chánh lật đổ nền Đệ Nhất Cộng Hòa vào tháng 11 năm 1963, nên đã được tưởng thưởng với chức vụ Tư Lệnh Không Quân và tự động thăng hai cấp, đang mang cấp Thiếu Tá, chỉ cách một đêm, sáng ngày mai mang lon Đại Tá. Tự động vì sau khi có nghị định điều chỉnh cấp bậc, anh Mai chỉ được thăng Trung Tá mà thôi.

    Sau đó được bổ nhiệm làm Tùy Viên Quân Sự của Tòa Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Tây Đức hồi bấy giờ. Hết nhiệm kỳ, anh Mai được lệnh triệu hồi về nước, nhưng anh đã bất tuân, ở luôn tại Pháp cho tới ngày nay.


    * * *

    Trên thực tế, khi ông Đỗ Khắc Mai “bất tuân lệnh triệu hồi, ở luôn tại Pháp”, chúng ta có quyền gọi hành động của ông là “đào ngũ”, không cần biết tại Việt Nam, Phòng Nhân Viên của Bộ Tư Lệnh Không Quân có làm “báo cáo đào ngũ” hay không.

    Nhưng NT Trần Phước đã không viết “ông Đỗ Khắc Mai đào ngũ”!

    Chúng ta hãy noi gương cẩn trọng của NT Trần Phước, và suy nghĩ trước sự tử tế Mệ dành cho ông Đỗ Khắc Mai – một sự tử tế cần thiết giữa những người từng chung màu cờ sắc áo.

    Tới đây, tôi xin mượn lời của NT NGHỊCH NHĨ để kết thúc:

    “...Chúng ta bàn về chữ đào ngũ như vậy cũng đủ rồi. Xin thưa bất kỳ ai khác mà vặn vẹo lý luận quanh co gián tiếp ám chỉ về đào ngũ, tôi không trả lời và đề cập đến nữa! Đủ rồi!!”

    KQ Nguyễn Hữu Thiện
    Tháng 8/2020
    Melbourne, Úc-đại-lợi


    CHÚ THÍCH:
    Ông Đỗ Khắc Mai chỉ làm Tư lệnh KQ được khoảng ba tháng. Sau cuộc chỉnh lý của tướng Nguyễn Khánh ngày 31/1/1964, chức Tư lệnh KQ đã được trao cho Đại tá Nguyễn Cao Kỳ, Trung tá Đỗ Khắc Mai đi làm Tùy viên Quân sự ở Tây Đức.

  2. The Following 6 Users Say Thank You to Nguyen Huu Thien For This Useful Post:

    Cù Hanh (08-24-2020), chimtroi (08-24-2020), hoang yen (08-25-2020), khongquan2 (08-24-2020), KiwiTeTua (08-25-2020), KQ_NT (08-24-2020)

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 09-24-2018, 07:10 PM
  2. Vui Đời Toán Học - NT Nguyễn Xuân Vinh
    By hung45qs in forum Tin Sinh Họat KQ
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 01-11-2013, 04:51 AM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 10-15-2012, 07:29 PM
  4. Tuổi Đá Buồn Nguyễn Thế Vinh
    By 72f219longma in forum Nhac Trữ Tình
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 10-10-2009, 01:10 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •