Remember ?

kết quả từ 13 tới 14 trên 14

Tựa Đề: Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Moderator
    KiwiTeTua's Avatar
    Status : KiwiTeTua v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2008
    Posts: 2,964
    Thanks: 33
    Thanked 110 Times in 40 Posts

    Default Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975

    Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975
    Vương Mộng Long - Khóa 20 VBĐL


    Phần 1
    Tôi là một trong những chiến binh của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân đã có mặt trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975. Chiến thắng Xuân-Lộc là chiến thắng oanh liệt cuối cùng của Quân Lực Việt-Nam Cộng-Hòa. Nhiều năm sau chiến tranh, cứ tới tháng Tư thì trên truyền hình, truyền thanh, trên những trang báo giấy và báo điện tử, người Việt hải ngoại lại nhắc tới trận đánh này. Mỗi khi kể chuyện Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975, thì người ta không thể quên Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân.

    Chúng tôi đã trải qua một thời gian nửa tháng trời ở đó; đã có mặt kể từ ngày mở màn, cho tới ngày kết thúc trận đánh này. Anh em chiến sĩ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã chiến đấu hết mình, đã sẵn sàng hy sinh tính mạng để cùng các bạn Sư Ðoàn 18 Bộ Binh tạo dựng chiến thắng để đời ấy.

    Từ đó, những quân nhân của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh và Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trở thành thân thiết, coi nhau như anh em.

    Mấy chục năm qua, nhiều tác phẩm liên quan tới trận Xuân-Lộc năm 1975 đã được những nhân vật trực tiếp tham chiến viết lại.

    Qua những hồi ký ấy, hầu như độc giả đã được nghe kể một cách chi tiết diễn tiến từng ngày, từng giờ, của trận chiến, những cuộc chuyển quân, điều binh của cả đôi bên và kết quả những lần chạm súng.

    Nhưng chắc chắn khó có ai biết rằng trong trận Xuân-Lộc năm 1975 lại có những điều không ngờ trước đã xảy ra, tỷ như chuyện Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân tình cờ có mặt tại đây. Ðôi khi chỉ vì một chuyện tình cờ mà có thể đưa tới kết cục thành bại của một chiến trường.

    Cuối tháng Ba năm 1975 Quân Ðoàn II tan rã, Cao Nguyên Vùng 2 đã mất, nhưng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Vương Mộng Long vẫn tồn tại, vẫn can trường.

    Từ Quận Kiến-Ðức, chúng tôi đã bẻ gãy vòng vây của Trung Ðoàn 271 Cộng-Sản Bắc-Việt để về bắt tay với quân bạn ở Thị trấn Gia-Nghĩa, Quảng-Ðức; tại đây các đơn vị trực thuộc Tiểu Khu Quảng-Ðức đã bỏ tỉnh lỵ một ngày rồi.

    Bị chỉ định giữ vai trò tiên phong, dẫn đầu liên đoàn rút lui, tôi quyết định không dùng Liên tỉnh lộ 8 B để về Bảo-Lộc mà sẽ đi xuyên rừng theo phương giác từ.

    Ngay ngày đầu triệt thoái, vừa qua sông Ða Dung, một trái lựu đạn nổ vì bất cẩn, ông Trung tá Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân bị một vết thương nhẹ ở ngực, đã rời vùng.

    Hai ngày sau, thì ông Trung tá Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân cũng vội vàng leo lên trực thăng tải thương, bỏ đơn vị lại giữa rừng. Từ hôm ấy, không còn ai thấy bóng dáng ông ta nữa; hóa ra ông Trung tá đào ngũ này đã nhanh chân chạy thẳng một lèo qua Mỹ!


    Cựu Th/Tá Vương Mộng Long & cựu Th/Tướng Lê Minh Đảo (USA-2009)
    Ảnh do tác giả cung cấp

    Bắt đầu từ ngày thứ ba của cuộc lui binh, gánh nặng chỉ huy, lèo lái Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân đè nặng lên vai Thiếu tá Hiện Dịch Vương Mộng Long, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

    Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân dưới quyền chỉ huy của tôi đã vừa chiến đấu vừa tiến dần về hướng duyên hải. Kết quả công lao khó nhọc của tôi đã được đền bù: Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân là đơn vị duy nhất của Biệt Ðộng Quân/Quân Khu 2 còn tồn tại và chiến đấu tới giờ phút chót để bảo vệ chế độ Cộng-Hòa.

    Sau gần nửa tháng vừa đánh, vừa lui, ngày 5 tháng Tư năm 1975, qua tần số FM 47.70 trong máy PRC 25, tôi liên lạc được chiếc thám thính cơ L 19 bay trên trời.

    Người bay trên L19 để đi tìm Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân ngày đó là Trung tá Nguyễn Khoa Lộc, một sĩ quan của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân /Quân Khu 3.

    Theo lệnh của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Khu 3 thì Phi Ðoàn 237 Trực Thăng sẽ ưu tiên bốc Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trước, các đơn vị còn lại sẽ được chuyển vận sau.

    Khoảng mười giờ sáng ngày 6 tháng Tư trên trời đã xuất hiện một đoàn trực thăng CH 47 dẫn đầu bởi một tàu chỉ huy UH 1 D và hai trực thăng võ trang. Tôi nhận được lệnh chuẩn bị bãi đáp.

    “Biến mà không loạn” là phương châm chỉ huy của tôi. Cho dù cái chết kề bên, quân nhân của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân vẫn răm rắp tuân theo lời cấp chỉ huy của họ.

    Tôi cho quân nối đuôi nhau theo đội hình 5 hàng dọc. Sử dụng đội hình này, người chỉ huy vừa dễ đếm quân, vừa dễ chuyển quân thành hàng ngang sẵn sàng chiến đấu nếu bị địch tấn kích bất ngờ.

    Lệnh phát ra từ chiếc tàu đang lơ lửng giữa trời:

    “Yêu cầu các anh chuẩn bị 45 người!”

    Dưới đất lập tức có 5 hàng dọc, 9 hàng ngang tiến ra đồng cỏ tranh.

    Ðang trên đường sà xuống bãi, người phi công nói tiếp:

    “Yêu cầu 5 người nữa!”

    Dưới đất lại thêm một hàng ngang 5 người, nhập vào đoàn người phía trước.

    Trên tàu lặp lại:

    “Yêu cầu 5 người nữa!”

    Dưới đất lại thêm một hàng ngang 5 người nữa tiến lên.

    Chứng kiến cảnh này, người chỉ huy đoàn trực thăng bỗng la lớn:

    "Tuyệt vời! Tuyệt vời! Kỷ luật của đơn vị này thật là tuyệt vời! Như vậy thì các bạn cứ xếp hàng 65 người một tàu! Không vũ khí nặng, cứ 65 người là okay!"

    Nhiều chục năm sau, cựu Trung tá Nguyễn Phú Chính, Phi đoàn trưởng Phi Ðoàn 237 Trực Thăng còn nhớ hình ảnh chúng tôi đã ra bãi, lên tàu như thế nào.

    Mỗi khi nhắc lại chuyện bốc quân giữa rừng ngày ấy, thì anh Chính thường nói một câu nhận xét rất ngắn:

    “Cung cách tay này chỉ huy lính thì không chê vào đâu được!”

    Xế trưa ngày 6 tháng Tư năm 1975 chúng tôi ghé lại phi trường Phan Thiết không lâu, vừa đủ thời gian cho phi hành đoàn ăn cơm và cho máy bay tái tiếp tế nhiên liệu.

    Tại phi trường Phan-Thiết, kiểm quân, tôi phát giác ra một trung đội của Ðại Ðội 4/82 không có mặt. Trung đội này do Chuẩn úy Bảo chỉ huy. Chắc ông Bảo và hai chục ông lính khác còn kẹt trong rừng Blao cùng với số người còn lại của hai tiểu đoàn bạn là Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân.

    Sau đó chúng tôi lại lên tàu tiếp tục cuộc hành trình.

    Tới 5 giờ chiều ngày 6 tháng Tư năm 1975 thì năm chiếc máy bay Chinook CH47 hạ cánh trên phi đạo Xuân-Lộc.

    Trừ ra một chiếc trực thăng có nhiệm vụ móc 5 thùng xăng rỗng bằng cao su tòn ten dưới bụng, bốn chiếc còn lại đều chở đầy quân.

    Bốn chiếc Chinook này đã vận chuyển 260 quân nhân của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân từ Vùng 2 vào tăng cường cho mặt trận Long-Khánh của Vùng 3 theo lệnh của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân-Ðoàn III.

    Tôi là một trong số 65 người ngồi trên chiếc CH47 thứ nhất vừa hạ cánh.

    Tới Xuân-Lộc, chúng tôi còn ngồi trên tàu, thì có lệnh cho một mình tôi xuống đất trình diện Trung tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Quân Khu 3.

    Nơi đầu phi đạo có hai chiếc xe Jeep đậu bên nhau. Tàu tôi đáp cách hai chiếc Jeep chừng ba trăm mét.

    Một chiếc Jeep chạy tới đón tôi, người trên xe tôi quen, đó là Ðại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng tỉnh Long-Khánh. Ông Phúc là cựu sĩ quan Biệt Ðộng Quân.

    Ðại tá Phúc nhảy sang ghế tài xế nhường chỗ cho tôi, rồi la lớn,

    – Lên xe đi Long! “Cha” Toàn đang chờ Long đó!

    Hai phút sau tôi đã đứng nghiêm trước mặt Tướng Toàn.

    Ông Toàn giơ cái can chỉ huy quơ quơ trước mặt tôi,

    – Ð! M! Không cần chào kính gì ráo! Tau hỏi mi chớ muốn ở đây làm trừ bị cho thằng Ðảo hay muốn về Sài-Gòn sát nhập vào Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 3?

    Chỉ sau vài giây suy tính, tôi buột miệng,

    – Trung tướng cho tụi tôi ở lại đây!

    Nghe tôi xin ở lại Xuân-Lộc, Tướng Toàn vừa cười vừa nói,

    – Thằng ni khôn! Mi là tàn quân của Vùng 2, nếu mi mà về Sài-Gòn, tụi nó (?) sẽ coi mi không đáng một xu teng! Tau biết mi giỏi nên cho mi xuống đây, làm trừ bị cho thằng Ðảo, không về Sài-Gòn nữa! Mi chọn ở lại đây là phải đó!

    Sau đó Tướng Toàn leo lên xe; xe trở đầu chạy đi.

    Tôi và Ðại tá Phúc quay trở lại chỗ hợp đoàn Chinook đang đậu. Sau khi ngỏ lời cám ơn phi hành đoàn, tôi ra lệnh cho anh em binh sĩ xuống tập họp trên bãi cỏ nằm sát phi đạo.

    Năm phút sau, đoàn tàu rời sân bãi, bay về hướng Tây.

    Khi anh lính cuối cùng đã đứng vào hàng, lệnh đầu tiên của tôi ban ra là:

    “Cấm quân”

    Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Dù bất cứ ở đâu, bất cứ trong tình trạng nào, nếu không giữ được kỷ luật thì quân đội không còn là quân đội nữa!

    Vì thế, lúc nào tôi cũng coi vấn đề duy trì kỷ luật của tiểu đoàn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của người chỉ huy.

    Chính vì cái kỷ luật thép của đơn vị, mà trong tình thế nguy kịch, chúng tôi vẫn ra bãi đáp, lên tàu, với phong cách như thế ấy.

    Cũng chính vì cái kỷ luật thép của đơn vị, mà suốt thời gian nửa tháng trời chúng tôi tham chiến ở Xuân-Lộc, người dân của thị trấn này hầu như chưa từng nhìn thấy bộ quân phục rằn ri nào của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân xuất hiện trong đường phố.

    Dân mà còn không biết chúng tôi có mặt ở đây, thì chắc chắn Việt-Cộng cũng không biết gì về chúng tôi


    Đ/Tá Hứa Yến Lến, Th/Tướng Lê Minh Đảo, Tr/Tướng Phạm Quốc Thuần,
    Th/Tá Vương Mộng Long, Tr/Tá Nguyễn Văn Xuân – Ảnh do tác giả cung cấp

    Tôi cầm tờ giấy ghi tình trạng quân số hiện diện do ông Thượng sĩ thường vụ tiểu đoàn vừa trình lên. Chính xác thì quân số của tôi tổng cộng có 260 Biệt Ðộng Quân khởi hành từ Blao, trừ đi 2 quân nhân bị thương là Hạ sĩ Nguyễn Ba trưởng toán Viễn Thám và một anh lính của Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân được phép ngồi lại trên tàu để tiếp tục về Biên-Hòa, thì số người xuống sân bay Xuân-Lộc chiều nay phải là 258 người.

    Tới lúc các đại đội điểm mặt số quân nhân hiện diện để xem ai còn, ai mất, thì lòi ra một người lạ. Ông ta là một thiếu úy của Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân đứng trà trộn trong hàng ngũ của Ðại Ðội 4/82!

    Cái ông thiếu úy của Tiểu Ðoàn 81 này nhanh chân quá!

    Nhìn bộ dạng run rẩy sợ sệt của anh ta, tôi chợt nghĩ lại, có nhiều người cao cấp hơn anh ta nhiều mà gặp cảnh ngặt nghèo đã vội lo chạy thoát thân, bỏ rơi đồng đội, điển hình là ông Trung tá Liên đoàn phó Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân đã leo lên trực thăng, đào ngũ giữa rừng, nên tôi chỉ đá anh ta một cái rồi đuổi đi thôi.

    Bình thường mà gặp cảnh này, chắc chắn tôi không nhẹ tay đâu, mà hình phạt của tôi sẽ nặng hơn nhiều.

    Ðại tá Phúc nói,

    – Long cho anh em tạm nghỉ trong khu nhà chứa máy bay L19 nơi đầu phi đạo. Mình vào họp với ông Toàn và ông Ðảo rồi “moa” đề nghị cho tiểu đoàn của Long vào tiểu khu ở với “moa”.

    Ðại tá Phúc và tôi vào tới sân Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh thì thấy nơi này đã có cả chục sĩ quan đang đứng lố nhố.

    Những người này chỉ ngừng nói chuyện, khi Trung tướng Nguyễn Văn Toàn kéo tay tôi, đẩy tôi tới trước mặt một ông Chuẩn tướng,

    – Tau vừa bốc thằng ni từ Blao về! Tau giao nó cho Ðảo! Ðể nó làm trừ bị! Okay!

    Không thèm nhìn mặt tôi, vị tướng một sao quay qua ra lệnh cho một ông trung tá đứng bên, sau này tôi biết ông ta tên là Nguyễn Văn Xuân,

    – “Toa” cho giải giới đơn vị này. Cho chúng nó ở tạm đâu đó, đừng để chúng nó ra phố phá làng, phá xóm!

    Nghe ông Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh thốt ra những lời nói trên, tôi có cảm tưởng như vừa bị ông ta tát cho một cái ngay giữa mặt. Tôi đưa tay kéo áo Tướng Toàn,

    – Ðược rồi! Cho chúng tôi về Sài-Gòn ngay! Chúng tôi không ở lại đây nữa!

    Ðại tá Phúc vội vàng lôi tôi sang phía ông, rồi nói với ông Toàn,

    – Trung tướng giao thằng Long cho tôi! Nó quen biết tôi, chúng tôi làm việc với nhau dễ dàng hơn.

    Ngay lúc này, đứng cạnh chiếc xe Jeep Quân Cảnh có một sĩ quan đeo lon đen, tôi không nhìn rõ ông ta là trung tá hay đại úy, lớn tiếng góp ý,

    – Muốn tránh chuyện cướp bóc thì phải giải giới! Không giải giới thì cho đi chỗ khác!

    Bất thình lình, ông Tướng Tư lệnh Quân Khu 3 trợn mắt lên, giơ cao cái can chỉ huy nhứ nhứ mấy cái, rồi hét lớn,

    – Tụi mi im cái mồm đi!

    Thấy Tướng Toàn nổi giận, mọi người đều im re.

    Tiếp đó ông Toàn dõng dạc từng tiếng một,

    – Tau biết thằng ni! Không được giải giới nó! Thằng ni là dân kỷ luật số một! Ðó là lý do tại sao tau không đem nó về thẳng Sài-Gòn mà để nó ở lại đây! Tau nói là giao nó cho Sư Ðoàn 18! Ðây là lệnh! Thi hành đi!

    Lúc này ông Chuẩn tướng Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh mới chìa tay ra cho tôi bắt,

    – “Qua” tên là Lê Minh Ðảo. Nếu Trung tướng Tư lệnh đã giới thiệu em như vậy thì “qua” tin. Thôi! Không cần giải giới nữa!

    Rồi ông chỉ tay về hướng một trong hai vị đại tá đứng cách đó không xa,

    – Okay! Từ giờ em được đặt dưới quyền Ðại tá Hiếu!

    Một ông đại tá người Bắc bước tới bắt tay tôi, niềm nở,

    – Long cần gì thì cứ cho anh hay. Ðừng ngại ngùng gì cả!

    Tướng Ðảo thân mật ôm vai ông sĩ quan vừa tới, rồi cười.


    *****

    Phần 2
    Ðây là Ðại tá Lê Xuân Hiếu, Trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 43 cũng là bạn cùng Khóa 10 Võ Bị của qua. Ủa! Long là dân Hiện Dịch hay Trừ Bị vậy?

    – Thưa Chuẩn tướng, tôi tốt nghiệp Khóa 20 Võ Bị

    Tướng Ðảo gục gục cái đầu,

    – Vậy là anh em cùng trường, cũng dễ thông cảm thôi!

    Thấy tình hình có vẻ không còn ngột ngạt, khó chịu nữa, tôi mới thở ra, bớt bực bội và tức giận. Tôi hỏi Ðại tá Hiếu.

    – Chúng tôi vừa lui vừa đánh cả tháng rồi, lương thực hết, đạn dược hết, điện trì cho máy truyền tin cũng hết, Ðại tá có thể bổ sung ngay cho chúng tôi có được không?

    Nghe vậy, Trung tướng Tư lệnh Quân Khu xen vào,

    – Chuyện đạn dược, gạo cơm cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân tau giao cho Tiểu Khu Long-Khánh! Okay?

    Thế là tôi biết, từ giờ phút này Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân có hai người chỉ huy trực tiếp là ông Tỉnh trưởng Long-Khánh và ông Trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 43 Bộ Binh.

    Tôi tính mở lời hỏi Ðại tá Hiếu cho đơn vị tôi mượn một chiếc xe để lo chuyện liên lạc, tản thương và chợ búa, thì có một người đứng sau lưng nắm tay tôi,

    – Ba má cháu và gia đình cháu hiện nay ra sao?

    Tôi quay mặt lại thì nhận ra ngay người vừa hỏi thăm gia đình mình là ông Ðại tá Ngô Văn Hưng. Bác Hưng trước đây là Trung tá Chỉ huy trưởng Pháo Binh của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh và là bạn thân của bố vợ tôi; bố vợ tôi là một cựu Trung tá, nguyên Chỉ huy trưởng Tổng Hành Dinh của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh.

    Hiện thời, Ðại tá Hưng là Chỉ huy trưởng Pháo Binh của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh. Tôi buồn bã trả lời bác Hưng,

    – Ban Mê Thuột bị Việt-Cộng chiếm từ đầu tháng Ba. Thời gian ấy cháu ở Quảng-Ðức, cháu mất tin tức gia đình từ ngày đó.

    Bác Hưng vỗ vai tôi trấn an,

    – Bác hy vọng gia đình cháu vẫn bình yên! Bố cháu giải ngũ đã lâu rồi, chắc không sao đâu!

    Nghe Bác Hưng an ủi, tôi vẫn không thấy an tâm chút nào. Nhà tôi ở ngay giữa phố Ban Mê Thuột, không biết giờ đây cha mẹ, anh em, vợ con tôi có còn sống không? Cả tháng trời nay tôi không dám nghĩ tới gia đình…

    Trước khi rời sân Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, tôi tới trước mặt Trung tướng Nguyễn Văn Toàn và năn nỉ ông,

    – Nhờ Trung Tướng đem nốt thành phần còn lại của Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân về đây cho tôi. Hiện thời, tôi là người chỉ huy liên đoàn. Nếu không đem được họ về đây, sau này gặp lại, tôi không còn mặt mũi nào mà nhìn họ.

    Nghe tôi khẩn khoản yêu cầu, Tướng Toàn hơi cau mày lại, rồi gật gù,

    – Ừ! Ðể coi!

    Nghe vậy, tôi tin tưởng rằng Trung tướng Tư lệnh Quân Ðoàn III và Quân Khu 3 sẽ tiếp tục ra tay cứu hai tiểu đoàn bạn, nên tôi yên tâm vào Trung tâm hành quân xin mấy bộ bản đồ Long-Khánh và cái đặc lệnh truyền tin, rồi lên xe trở về phi trường.

    Trên đường về, tôi ghé chợ Xuân-Lộc mua vài thứ cần dùng. Chợ vẫn đông. Dân chúng ở đây vẫn sinh hoạt bình thường. Tôi bùi ngùi nhớ lại, cách đây một tháng, Ban Mê Thuột, Pleiku vẫn bình yên…

    Mấy chục năm nay, người ta cứ nói rằng thượng cấp dự trù cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân ghé Xuân-Lộc chỉ vài ngày để nghỉ ngơi, tái trang bị, rồi về Sài-Gòn, nhưng bất ngờ Việt-Cộng tấn công thành phố, nên bất đắc dĩ chúng tôi phải tham chiến.

    Ðó chỉ là một sự hiểu lầm!

    Thực tế thì, chúng tôi đã được lệnh đóng trụ tại đó để ngăn địch.

    Chiều ngày 6 tháng Tư năm 1975 chúng tôi đang ngồi trong trực thăng; trực thăng đang bay trên lộ trình về Sài-Gòn. Nếu cứ tiếp tục bay thì chưa tới một tiếng đồng hồ sau chúng tôi đã có mặt ở Sài-Gòn rồi. Phi đoàn 237 trực thăng đồn trú ở Biên-Hòa, sau khi thả chúng tôi xuống Xuân-Lộc, trực thăng vẫn phải bay về Biên-Hòa; sao không chở chúng tôi về thẳng Biên-Hòa hay Sài-Gòn nghỉ ngơi, tái trang bị? Cần gì phải thả chúng tôi xuống Xuân-Lộc, rồi vài ngày sau mới về Sài-Gòn?

    Xuân-Lộc làm sao có dư dả quân nhu, quân dụng như Sài-Gòn? Xuống Xuân-Lộc, chúng tôi vẫn phải chờ đồ tiếp liệu từ Sài-Gòn chở tới mà!

    Như vậy có phải là Tư lệnh Quân Khu 3 đã dự trù, nếu tôi đồng ý ở lại, thì tiểu đoàn tôi sẽ là một thành phần tham gia vào trận chiến chắc chắn sẽ diễn ra trong tương lai rất gần.

    Nói trắng ra thì, chúng tôi có mặt ở Xuân-Lộc chính là do thâm ý của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân Ðoàn III.

    Trong thời gian hơn hai năm giữ chức Tư lệnh Quân Ðoàn II và Quân Khu 2, Tướng Toàn đã hiểu rõ khả năng chiến đấu của từng đơn vị của Vùng 2.

    Tướng Toàn đã tận mắt chứng kiến vào giữa tháng 8 năm 1972, dưới áp lực của Cộng-Quân, căn cứ Biên-Phòng Ðức-Cơ gần như tuyệt vọng, Thiếu tá Phạm Văn Toán là người chỉ huy căn cứ này đã bỏ chạy, tôi đã nhảy vào Ðức-Cơ, nhận chức Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân để bảo vệ Ðức-Cơ. Tới khi tình hình yên ổn trở lại, tôi mới bàn giao quyền chỉ huy cho Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn. Hai tháng sau khi tôi ra đi, thì Ðức-Cơ lại bị bao vây lần nữa, ngày 1 tháng 12 năm 1972 Ðức-Cơ thất thủ.

    Rồi qua chiến dịch Pleime kéo dài 33 ngày đêm, tháng 7 và tháng 8 năm 1974, thì Tướng Toàn càng nhìn rõ con người và bản lãnh thực sự của tôi; thời gian đó tôi là người chỉ huy Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, đơn vị đã giữ vai trò tử thủ cái tiền đồn này.

    Trận Pleime là chiến thắng vang dội nhứt của Quân Lực Việt-Nam Cộng Hòa ở Vùng 2 Chiến Thuật trong năm 1974.

    Hiện thời, dưới mắt Tướng Toàn, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi là một trái chanh chưa bị vắt hết nước, nên khi nghe tin chúng tôi còn trôi dạt trong rừng Bảo-Lộc, ông ta đã tìm cách liên lạc để tiếp cứu chúng tôi.

    Hôm qua vì được thông báo rằng Trung tướng Tư lệnh Quân Khu 3 đã chấp thuận cho trực thăng cứu toàn bộ liên đoàn nên tôi mới có mặt ở đây.

    Ông Toàn biết rõ tâm trạng của chúng tôi, những người của Vùng 2, đang trong cơn đau khổ và uất hận vì đã mất tất cả, gia đình, cha mẹ, vợ con, cơ nghiệp. Cả tháng trời nay, chúng tôi ví như những người đã chết rồi! Chúng tôi đã đánh nhau liên tục từ đầu tháng Ba cho tới bây giờ.

    Khởi hành từ Kiến-Ðức, dưới tay tôi có hơn năm trăm quân, giờ này Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân chỉ còn hơn một nửa.

    Có đánh thêm một trận, hay vài trận nữa rồi thì chúng tôi cũng chết! Chúng tôi quyết định ở lại đây để “ÐÁNH!” và để “CHẾT!”

    Ông Toàn đã hiểu chúng tôi muốn gì nên mớm lời, ướm hỏi, để tôi chọn ở lại.

    Nếu ở lại đây, ít nhứt chúng tôi, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân còn được người ta coi như một đơn vị. Anh em tôi còn được ở bên nhau một thời gian nữa.

    Còn như, leo lên tàu về Sài-Gòn thì chúng tôi sẽ chẳng thống thuộc đơn vị nào, chẳng biết dưới quyền ai.

    Thêm vào đấy là cái thành kiến cho rằng chúng tôi là những người bại trận, đang chạy trốn, nhìn không giống ai, người ta có thể sẽ giải tán Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, rồi đem chúng tôi bổ sung cho những đơn vị Biệt Ðộng Quân khác.

    Trong trường hợp đó, cho dù Tướng Toàn có ưu tiên, biệt đãi cá nhân tôi, giao cho tôi chỉ huy một đơn vị mới, thì tôi và những đứa em trong tiểu đoàn sẽ phải chia lìa nhau.

    Giờ này, trên đời, tôi chỉ còn những đứa em này là thân thiết nhứt.

    Nếu phải chia tay chúng nó thì không còn gì đau xót cho bằng.

    Tôi được một ông trung úy bộ binh hướng dẫn vào nơi chúng tôi sẽ tạm trú. Ðây là khu doanh trại cũ đã bỏ trống của Tiểu Ðoàn 181 Pháo Binh của Sư Ðoàn 18.

    Doanh trại này nằm đối diện với khúc đuôi hướng Ðông của sân bay Xuân-Lộc.
    Nơi đây là vùng ngoại ô vô cùng hẻo lánh, cách trung tâm thành phố và chợ búa rất xa.

    Nếu hồi chiều tôi không có lời phản kháng mà cứ để cho ông Tướng Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh cho người giải giới thì giờ này tình trạng của chúng tôi còn thua những cô cậu Nhân Dân Tự Vệ. Vì Nhân Dân Tự Vệ còn có súng, nếu chúng tôi bị giải giới thì chỉ có tay không!

    Tôi có cảm tưởng rằng người ta coi chúng tôi như cùi, hủi, nên vứt bỏ chúng tôi vào một góc tối tăm, xa xôi nhất của thành phố mà không thèm đoái hoài tới.

    Tôi đang mang nỗi bực bội, muộn phiền trong lòng thì một chiếc xe Dodge của Tiểu Khu chở gạo tiếp tế và hàng hóa Quân Tiếp Vụ tới bán cho đơn vị.

    Nhìn những ánh mắt sáng lên vì vui mừng của thuộc cấp, tôi thấy lòng mình dịu lại, hết buồn rầu ngay.

    Tôi tự an ủi: “Dù gì thì anh em tôi cũng còn may mắn và hạnh phúc hơn các bạn khác của hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 giờ này còn đang đói rét ở trong rừng. Không rõ ngày mai đây ông Tư lệnh Quân Ðoàn III có tiếp tục cho trực thăng tiếp cứu họ hay không.”

    Suốt đêm 6 tháng Tư tôi đã trằn trọc không chợp mắt vì đây là lần đầu tiên trong đời lính, tôi đóng quân ở một vị trí mà tôi không biết xung quanh mình ra sao?

    Cả tiểu đoàn nằm trong một cái đồn nhỏ tí teo với rào tre cao phủ kín như bưng.

    Chẳng biết địch ở hướng nào? Bạn ở hướng nào?

    Thường thì mất ngủ, người ta hay hút thuốc liên miên rồi nghĩ ngợi mông lung.

    Tôi đốt hết điếu Lucky này tới điếu khác mà đêm vẫn chưa tàn.

    Nghe tiếng rì rầm của những người lính dưới quyền mình đang chụm đầu bên nhau trong bóng tối, tôi chợt phân vân tự hỏi:

    “Mình tình nguyện ở lại Xuân-Lộc, nhưng không biết các anh em khác có đồng ý không? Biết đâu có nhiều anh em không muốn ở lại đây, họ muốn về nơi an toàn hơn? Họ sẽ không vui khi chính họ không được quyết định số phận của họ.”

    Sáng sớm ngày 7 tháng Tư năm 1975, tôi cho lệnh tất cả anh em tập họp trong căn nhà tôn để nói với họ đôi điều.

    Trước hàng quân, tôi đã dõng dạc nói thẳng với những người dưới quyền:

    “Cùng các anh em Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân! Hôm qua tôi không hỏi ý kiến các anh, và tôi đã thay mặt các anh quyết định để tiểu đoàn mình ở lại đây mà không về Sài-Gòn.

    Lý do tôi quyết định không về Sài-Gòn chỉ vì tôi sợ vừa tới nơi, người ta đã coi chúng ta như những người lính bại trận vừa di tản về.

    Dưới mắt họ, chúng ta sẽ là mối lo ngại cho an ninh của đồng bào đô thành. Họ sợ chúng ta sau bao ngày đói khát sẽ đi ăn quỵt, uống chạy và cướp bóc.

    Cấp trên sẽ xé lẻ tiểu đoàn mình thành nhiều mảnh rồi đem bổ sung cho các đơn vị của Vùng 3.

    Các bạn đã trải qua hai năm chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với Thái Sơn. Hai năm qua, các bạn đã từng hãnh diện với những chiến công. Chúng ta đã là những chiến binh bách chiến, xuất sắc của Vùng 2 Chiến Thuật.

    Nay chúng ta rút lui khỏi Vùng 2, nhưng chúng ta không phải là người bỏ chạy vì thua trận. Cấp trên của chúng ta đã bỏ chạy, cấp trên của chúng ta đã đào ngũ, bỏ rơi chúng ta, bỏ rơi gia đình, vợ con, thân bằng, quyến thuộc của chúng ta.

    Giờ này chúng ta chỉ còn cái tình đồng đội và cái tên chung là Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân thôi!

    Hôm qua tôi đã thay mặt các bạn, chọn ở lại đây, chiến đấu cho tới giọt máu cuối cùng. Hôm qua tôi không có thì giờ hỏi ý kiến các bạn, hôm nay tôi tập họp các bạn lại để xác định rằng, gia đình chúng ta đã mất, và chắc chắn trong tương lai gần đất nước của chúng ta chưa chắc đã tồn tại.

    Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu, nhưng tôi không rủ rê hay ép buộc bất cứ ai theo mình chọn con đường tự vẫn.

    Vậy thì, ngay sau đây, bạn nào muốn chiến đấu thì ở lại đây với tôi. Ai muốn về Sài-Gòn thì cứ tự nhiên bỏ súng xuống, bỏ hàng quân, rồi ra bến, lên xe đò mà đi. Ðường Sài-Gòn, Long-Khánh còn thông thương. Trong túi tôi còn tiền đây! Bạn nào muốn đi thì lên đây gặp Ðại úy tiểu đoàn phó để lấy tiền. Tôi cho tiền mà mua vé xe đò. Nhớ rằng, phải trả tiền mua vé xe, đừng giựt chạy! Ðừng làm mất mặt Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân!”



    Cựu Đ/Tá Lê Xuân Hiếu & cựu Th/Tá Vương Mộng Long (USA, 2014)
    Ảnh do tác giả cung cấp

    Tôi rút xấp giấy bạc loại 1 ngàn đồng từ cái túi bên ống quần ra, để trên bàn, đây là số tiền chợ chưa dùng tới của tháng Ba năm 1975.

    Tôi nói với ông Ðại úy Ngũ Văn Hoàn, tiểu đoàn phó,

    – Chiều qua tôi có ghé chợ Xuân-Lộc, tôi thấy trên bảng bán vé xe có ghi giá đi Sài- Gòn hiện thời chỉ có 500 hay 600 đồng thôi. Nhưng ông cứ phát một tờ 1000 đồng cho bất cứ ai muốn đi!

    Tôi xoay người bước xuống tam cấp rồi tránh mặt bằng cách đi vòng vòng tản bộ trong sân trại, xa ngoài tầm mắt của anh em đang ngồi trên sàn xi măng.

    Mười phút sau, khi đã hút tàn hai điếu Lucky, tôi quay trở lại. Thuộc cấp của tôi vẫn còn ngồi trong hàng. Ðại úy tiểu đoàn phó đưa trả lại cho tôi cọc tiền mà tôi đã để trên bàn,

    – Chỉ có một người trả súng, xin một tờ bạc rồi chạy đi, đó là Binh nhì Phan Thọ, người nấu cơm của Thái Sơn.

    Nhét xấp bạc hầu như chưa suy suyển vào túi quần, mà tôi cảm như tay mình buốt giá, lạnh ngắt, giống như có ai vừa quất một roi đau điếng trên cánh tay phải của tôi, cánh tay đã bao lần giơ lên truyền hiệu lệnh xung phong cho đồng đội.

    Tôi không ngờ giờ đây người đã bỏ tôi, bỏ đơn vị lại là Binh nhì Phan Thọ.

    Tại sao người bỏ đơn vị không là ai khác, mà lại là người đêm ngày ở sát bên tôi, lo cho tôi từng bữa cơm, từng điếu thuốc, căng võng đắp mền cho tôi khi tôi ngủ, nhắc nhở tôi uống thuốc cảm mỗi khi trái gió trở trời.

    Ba anh, Binh nhứt Bích, Binh nhì Thọ, và Binh nhì Ba Rỗ là những người tôi tin cẩn, theo tôi gần một năm rồi. Anh em trong đơn vị thường gọi ba anh lính này là “Cái kiềng ba chân” ngụ ý rằng họ có nhiệm vụ đỡ nồi cơm của tiểu đoàn trưởng giống như cái kiềng ba chân trong bếp. Bây giờ cái kiềng chỉ còn hai chân, thì trưa nay làm sao tôi có cơm ăn?

    Một chiếc Jeep của Trung Ðoàn 43 ghé vào sân đón tôi ra phi trường. Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn đã chờ sẵn ở đây.

    Ngồi trên sàn tàu, hai chân thòng xuống đánh đung đưa, ông Toàn nói,

    – Chút nữa trực thăng sẽ tiếp tế 300 đôi giày mới cho mi! Còn gạo nước, súng ống, đạn dược, thì có thằng Phúc (Ðại tá tỉnh trưởng) lo. Cần gì nữa không?

    Tôi bước tới sát bên cửa trực thăng,

    – Cám ơn Trung tướng! Ðiều tôi mong mỏi nhứt là Trung tướng cho bốc hết số anh em còn lại của Liên Ðoàn 24 về đây càng sớm càng tốt.

    Nghe tôi năn nỉ, ông Tư lệnh Quân Ðoàn III trợn mắt,

    – Ð! M! Bốc cái gì nữa? Bỏ đi! Bỏ đi! Tau đem tiểu đoàn mi về đây là quá sức rồi! Tau là Tư lệnh Quân Khu 3! Tau không có trách nhiệm gì với bất cứ đứa nào đang chạy trốn của Quân Khu 2! Bỏ đi! Ðừng đòi hỏi gì thêm!


    *****

    Phần 3
    Nghe ông Toàn nói, tôi không ngăn nổi sự tức giận, liền lớn tiếng,

    – Thưa Trung tướng! Trung tướng có thể làm người bất tín, bất nghĩa! Nhưng tôi thì không! Tôi không thể làm một Liên đoàn trưởng đem con bỏ chợ! Yêu cầu Trung tướng cho bốc hết liên đoàn, hay là trả tôi vào rừng trở lại với thuộc cấp của tôi! Trong hai ngày tới mà Trung tướng không đem hết những người còn lại ra khỏi vùng thì tôi sẽ cho Tiểu Ðoàn 82 giải tán! Tôi không đánh nhau nữa!

    Chắc thái độ của tôi đã làm cho Tướng Toàn tức giận lắm. Ông ta nhảy xuống đất, tay cầm cái can chỉ huy giơ lên, hạ xuống hai ba lần, như sắp bổ xuống đầu tôi mấy phát cho hả dạ.

    Ông Toàn biết tôi là người dám nói, dám làm. Có lẽ yêu cầu của tôi đã đưa ông Tư lệnh Vùng 3 vào một tình trạng rất khó xử trí. Bình thường thì mặt Tướng Toàn đã không hồng hào, sáng sủa gì, giờ đây tôi thấy mặt ông ấy tím ngắt.

    Sau khi cúi đầu đi qua, đi lại, mấy vòng quanh cái đuôi trực thăng, Tướng Toàn chợt đứng lại, giơ cao cây gậy chỉ huy của ông ta lên, rồi thẳng tay đập liên tiếp mấy cái trên tấm bảng đỏ 3 sao trắng là dấu hiệu Trung Tướng, gắn bên hông con tàu.

    Lẫn với tiếng “Kịch! Kịch! Kịch!” do cán gậy gỗ chạm mặt tấm bảng thiếc là tiếng chửi thề của ông,

    – Ð! M! Mi ép tau vừa thôi! Mi ép tau vừa thôi! Okay! Tau cho bốc! Tau cho bốc!

    Rồi chẳng thèm nhìn mặt tôi, ông Tư lệnh leo lên trực thăng. Cánh quạt quay nhanh, con tàu bay đi.

    Tới lúc chiếc trực thăng bay lẫn vào trong đám mây trắng hướng Ðông Bắc, tôi mới chợt nghĩ lại, tự thấy rằng mình vừa làm một việc quá nóng nảy, quá hồ đồ. Nhưng ngay sau đó, tôi lại tự an ủi, biết đâu vì cái hồ đồ, nóng nảy của tôi mà Tướng Toàn nghĩ lại, sẽ ra tay cứu vớt những anh em đồng ngũ của tôi còn đang nguy khốn ở trong rừng.

    Tướng Toàn đi rồi, tôi theo xe của Chiến Ðoàn 43 vào gặp mặt ông Chiến đoàn trưởng. Ðại tá Lê Xuân Hiếu nói rằng tạm thời Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân giữ vai trò trừ bị cho Chiến Ðoàn 43 và có nhiệm vụ phòng thủ doanh trại 181 Pháo Binh của Sư Ðoàn.

    Muốn có một ý niệm thích hợp để bố quân và điều quân, phòng khi biến động, thì tôi phải đích thân đi quan sát địa thế.

    Tôi thấy trại 181 Pháo Binh nằm về hướng Tây của Núi Chứa Chan và cách xa ngọn núi này đúng 12 cây số đường chim bay. Doanh trại này có hình vuông, mỗi chiều cỡ hơn trăm mét.

    Hướng Tây trại này cách bờ đất phòng thủ của thị trấn Xuân-Lộc một con đường rộng chừng bốn thước, hướng Bắc và Ðông là đồng cỏ tranh um tùm, hướng Nam là đường hương lộ lát đá kéo dài từ sân bay Xuân-Lộc tới Quốc lộ số 1.

    Xung quanh căn cứ này có hàng rào tre đực, với dây thép gai, cùng giao thông hào, thiết trí như một Ấp Chiến Lược.

    Trong vòng đai và cổng chính của căn cứ có gần chục cái lô cốt xi măng, cốt sắt.

    Nếu có giao chiến, căn cứ này sẽ là một cứ điểm vô cùng lợi hại. Vậy mà nó đang bị bỏ trống.

    Trên khuôn viên của trại có năm cái nhà vòm bằng tôn, bốn nhà không có tường vách, cái thứ năm nằm sát bờ rào hướng Ðông thì được vây bằng ván kín mít, hiện có ba gia đình binh sĩ với vài cháu bé cỡ năm sáu tuổi đang trú ngụ trong đó.

    Giờ này không biết Tiểu Ðoàn 181 Pháo Binh đang ở đâu.

    Hiện thời Bộ chỉ huy Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân còn tôi (Thiếu tá Vương Mộng Long), Ðại úy Ngũ Văn Hoàn, Trung úy Nguyễn Văn Trâm, Chuẩn úy Lê Văn Phước.

    Trung đội vũ khí nặng của Ðại Ðội Chỉ Huy coi như đã triệt tiêu, không súng cối, không đại liên. Sáu toán Viễn Thám, thì còn ba toán.

    Ðại Ðội 1/ 82 của Thiếu úy Ðặng Thành Học trở thành đơn vị vững chãi nhứt của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân từ sau trận Ðạo-Trung, Quảng-Ðức cuối tháng 9 năm 1974. Suốt thời gian lui binh từ Quảng-Ðức về Blao tôi đã đi sát với đại đội này.

    Ðại Ðội 2/ 82 hiện thời không có đại đội trưởng vì Trung úy Võ Hữu Danh coi như mất tích trên đường rút lui theo chân Tiểu Khu Quảng- Ðức nên tôi đặt đại đội này dưới quyền chỉ huy của Chuẩn úy Gấm là một sĩ quan lớn tuổi, và có nhiều kinh nghiệm trận mạc.

    Ðại Ðội 3/82 được giao cho ông sĩ quan Ban 2 là Trung úy Trần Văn Phước. Phụ tá cho Trung úy Phước là một ông sĩ quan vừa đẹp trai, vừa đánh giặc giỏi là Chuẩn úy Phan Quốc Thiều.

    Ðại Ðội 4 vẫn còn dưới quyền Thiếu úy Phạm Văn Thủy. Hiện nay Thiếu úy Thủy là sĩ quan đại đội trưởng thâm niên nhất của tiểu đoàn tôi.

    Quân số của các Ðại Ðội 1,2,3 còn khoảng trên 50 người một đại đội. Ðại Ðội 4 thiếu một trung đội của Chuẩn úy Bảo, quân số hiện giờ là hơn 40 tay súng.

    Tôi cho các Ðại đội 1, 2 và 3 bố trí trong vòng rào trại 181 Pháo Binh.

    Còn Ðại Ðội 4 có nhiệm vụ giữ cổng chính và cây cầu bắc ngang qua con suối khá lớn, các chị vợ lính Pháo Binh gọi con suối này là suối Rét, nhưng trên bản đồ thì tên của nó lại là suối Gia Lêu.

    Khi biết rằng tôi được giao nhiệm vụ phòng thủ doanh trại 181 Pháo Binh thì Ðại tá Phúc chở theo một ông Ðại úy và một ông Trung úy Ðịa Phương Quân ra tận đầu phi đạo gặp mặt tôi, rồi vừa cười cầu tài, vừa nói,

    – Chú cho anh nhờ chút được không?

    Hóa ra ông Tỉnh trưởng đề nghị “bán cái” cho tôi cái nhiệm vụ phòng thủ phi trường Xuân-Lộc!

    Lúc này trên sân bay có hai đại đội Ðịa Phương Quân do Quân-Khu 3 tăng cường cho Long -Khánh, nhưng không có sĩ quan liên đội trưởng, nên Ðại tá Tỉnh trưởng muốn đặt hai đại đội Ðịa Phương Quân này dưới quyền chỉ huy của tôi.

    Liên đội này có một đại đội của Tiểu Khu Long-An, do ông đại úy tên là Ðức làm đại đội trưởng. Ông đại úy này là người Nam, cao, to, oai vệ, nhìn không khác gì Trung tướng Nguyễn Văn Toàn.

    Ðại đội thứ nhì thì di tản từ Bình-Long về do một trung úy chỉ huy, tôi đã quên tên. Ông này là người Bắc, nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn, ăn nói thực thà, dễ có cảm tình, gia đình ông này ở Cái Sắn.

    Tôi đang thiếu quân giữ an ninh phía sau lưng, nên vui vẻ nhận lời của ông Tỉnh trưởng, rồi giao cho đại đội của Long-An phòng thủ nửa phần hướng Tây phi trường, còn đại đội của Bình-Long phòng thủ nửa phần hướng Ðông, tiếp giáp với Biệt Ðộng Quân.

    Ðể khép kín vòng đai phòng thủ tuyến, tôi cho một tiểu đội Ðịa Phương Quân của Bình-Long và một tiểu đội Biệt Ðộng Quân đóng quân chung trên một cái chốt chặn ngay đầu con hẻm đất nằm giữa hàng rào căn cứ 181 Pháo Binh và tường đất bao quanh Bộ Tư Lệnh và hậu cứ Trung Ðoàn 43 Bộ Binh.

    Tôi hỏi thăm các chị vợ lính Pháo Binh rằng có đơn vị bạn nào hoạt động ngoài vòng đai không, thì các chị nói không.

    Tôi hỏi ông Trung úy đại đội trưởng đại đội Ðịa Phương Quân Bình-Long về tình hình bạn và địch ở ngoài kia, ông ta cũng không biết gì.

    Theo tôi thì địch chỉ có thể tấn công phi trường Xuân-Lộc bằng hai đường, một là từ hướng Ðông Nam, hai là từ hướng chính Ðông.

    Nếu tiến từ Ðông Nam thì địch có lợi thế là đường đi rộng thênh thang, rất thuận tiện cho cơ giới và đại quân bộ chiến tiến hàng ngang. Nhưng theo hướng này thì phải dùng Quốc Lộ 1 chắc chắn sẽ dễ bị lộ, dễ làm mồi cho không quân oanh kích.

    Mặt khác, ngay trên ngã ba Quốc lộ 1, muốn vào Xuân-Lộc, địch phải vượt qua xã Bảo Ðịnh là một thành đồng chống Cộng của dân Công-Giáo.

    Qua cái tiền đồn này, còn phải vượt hai cây số hương lộ cùng ba cây cầu nữa mới tới đầu phi trường Xuân-Lộc.

    Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đang ở ngay bờ Bắc của cây cầu thứ ba.

    Còn tiến từ chính Ðông thì có nhiều lợi thế hơn về mặt chiến thuật.

    Tôi thấy trên bản đồ thì, vùng Ðông Nam của Thành phố Xuân-Lộc có một con lộ đất, con lộ này bắt nguồn từ khu vực rừng lá dưới chân núi Chứa Chan.

    Ra khỏi rừng, và sau khi len lỏi qua những đồn điền cao su và vườn chuối, vườn xoài, thì con lộ đất này đâm thẳng vào một ngõ hẻm.
    Ngõ hẻm này ở ngay đầu phi trường, chỗ tôi đặt cái chốt hỗn hợp của Biệt Ðộng Quân và Ðịa Phương Quân.

    Thế là, chiều ngày 7 tháng Tư tôi cứ đi đi, lại lại nhiều lần trên con hẻm này.

    Dưới mắt tôi, một người lính nhà nghề, một người từ khi vừa lên lớp Ðệ Thất đã thuộc nằm lòng “Tôn Ngô Binh Pháp” thì con lộ đất này ví như một lưỡi dao găm kề cổ thị trấn Xuân-Lộc.

    Muốn giết Xuân-Lộc, chỉ cần một cú đâm cực nhanh, cực mạnh, xuyên qua con hẻm dài chưa tới hai trăm thước này, rồi cho lưỡi dao lách về bên phải thì trái tim của thành phố sẽ bị mũi dao đó đâm xuyên qua ngay.

    Tôi ước tính, nếu một đoàn chiến xa T54 mà xuất phát từ điểm mà tôi đang đứng, thì chỉ ba phút sau chúng đã có mặt trong sân Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh và Tòa Hành Chánh tỉnh Long-Khánh rồi!

    Dinh cơ của Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh chính là trái tim của thị trấn Xuân-Lộc. Nơi đó có Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn, sau lưng Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn là chỉ huy sở và hậu cứ của các đơn vị giữ nhiệm vụ phòng thủ Xuân-Lộc.

    Nếu Bộ Tư Lệnh mà bị chiến xa Cộng-Sản chiếm giữ, thì các đơn vị phòng thủ trong vòng đai của Bộ Tư Lệnh sẽ bị địch đánh từ phía sau; trước mặt họ là bờ đất cao, cùng rào kẽm gai chằng chịt, đầy mìn bẫy, không đường thoát chạy. Chiến đấu trong tình thế này chắc chắn họ sẽ bị tiêu diệt.

    Cũng trong tình huống ấy, tòa hành chánh cũng sẽ bị địch uy hiếp, các đơn vị Ðịa Phương Quân và Cảnh Sát Dã Chiến của Long-Khánh sẽ trở thành rắn mất đầu.

    Tôi không hiểu tại sao yếu điểm này lại không có người canh gác hay rào giậu.

    Chợt mắt tôi nhìn thấy dọc theo lề đường có những cái hố trũng với lá khô phủ lên trên, hố này cách hố kia chừng năm thước. Tôi tò mò cào lá khô sang bên thì phát giác ra đó là những hố mìn chống chiến xa, có tất cả mười trái mìn đã được gài. Chắc những quả mìn này mới được chôn cách đây không lâu nên chưa bị cát sạn che lấp vì mưa gió.

    Tôi giật mình khi thấy trên lưng những quả mìn này chỉ là những lỗ tròn trống rỗng! Không quả mìn nào còn ngòi nổ cả!

    Chắc lực lượng phòng thủ thấy bãi mìn của họ nằm sát phi trường, nên không cần cho người canh giữ. Nhưng nào có ai hay? Quân trinh sát của Cộng-Sản đã khôn ngoan lẻn vào gỡ hết ngòi nổ của mìn mà vứt đi rồi!

    Chắc chắn chiến xa của chúng sẽ dùng con hẻm này để thọc sâu vào giữa phòng tuyến của Việt-Nam Cộng-Hòa.

    Tôi đoan chắc điều này chỉ vì tôi nghĩ rằng nếu họ tấn công bằng bộ binh, thì họ không cần cho lính trinh sát mạo hiểm len lỏi vào đây gỡ đi những cái ngòi nổ.

    Nay ngòi nổ đã được gỡ, nhưng mìn thì vẫn còn, tức là địch đã tương kế tựu kế để đánh lừa người giăng bẫy.

    Người đặt mìn, nếu có bỏ công rà soát lại, cũng lười biếng, không lật lá khô lên kiểm soát xem ngòi nổ có còn hay không? Rồi cứ tưởng mìn còn đó, chiến xa địch chạy vào thì mìn nổ. Ðâu ngờ mười quả mìn giờ này đã thành vô dụng không khác gì mười cục gạch!

    Vừa phát giác ra mười quả mìn không còn ngòi nổ thì tôi chột dạ, vội vàng gọi Thiếu úy Phạm Văn Thủy đem theo một tiểu đội bảo vệ rồi đi ra ngoài vòng đai doanh trại để thám sát địa thế vùng xung quanh.

    Ði giữa lòng con lộ đất, một bên là tường đất cao nghệu của hệ thống phòng thủ quanh Bộ Tư Lệnh, một bên là hàng rào tre đực của căn cứ 181 Pháo Binh, tôi có cảm tưởng đang đi trong Lạc Phụng Ba của Phụng Sồ thời Tam Quốc!

    Ra khỏi con lộ đất, tôi tiến vào một vùng lòng chảo cỏ tranh cao quá đầu người hướng chính Ðông của doanh trại. Tiếp tục theo đường, là vườn xoài, rừng chuối ngút ngàn, rồi con đường bị cỏ tranh che phủ, không còn rộng nữa.

    Chợt mắt tôi thấy thấp thoáng hình như có những cột mốc cắm thành hai hàng song song, hàng này cách hàng kia chừng bốn thước, như dấu mốc mà Công-Binh Bắc-Việt đã đánh dấu để phóng đường cho xe đi trong tương lai.
    Tôi rẽ cỏ tranh bước tới gần, thì đúng là địch đã cắm mốc! Cột mốc là một khúc nứa, cao cỡ ba mét, mỗi ngọn cột đều buộc một mảnh vải tai nheo màu xanh, đỏ, tím, vàng rất dễ nhận ra!

    Tôi nhớ lại, cuối năm 1973, Công-Binh Việt-Cộng cũng đã đánh dấu một con đường như thế này nối dài từ thung lũng Ia Drang tiến về vùng 10 cây số Bắc Pleime; cây lớn mọc trên mặt đường có đánh dấu đều bị cưa nửa vời.

    Tới tháng Tư năm 1974, khi triển khai chiến dịch, chiến xa địch chỉ cần chạy ngay giữa hai hàng mốc thì những cây cối này sẽ gãy ngay, xe tank cứ thế, đè lên cây mà lao tới.

    Như thế thì trong tương lai, nếu có chuyện đánh nhau, chắc chắn con đường đã đánh mốc này sẽ được địch dùng cho chiến xa tiến vào vùng Ðông Nam của thị xã.

    Từ bìa rừng, quay đầu nhìn lại, tôi thấy hệ thống tường đất cao với nhiều lớp rào phòng thủ dư sức ngăn cản chiến xa; như vậy, muốn vào thị xã, xe tank của địch bắt buộc phải dùng con hẻm độc đạo bên rào Trại 181 Pháo Binh.

    Muốn chặn chúng lại, ta chỉ còn cách duy nhất là thắt nút ngõ hẻm này bằng mìn chống chiến xa và thép gai vòng loại concertina.

    Nhưng để cho chắc ăn, tôi vẫn tiếp tục dẫn quân đi vòng quanh rào để thăm dò thêm. Tôi thấy mặt Ðông Nam của căn cứ là một dải đất sình lầy, tiếp giáp với bờ suối; khu vực đất thấp này bộ binh di chuyển còn khó khăn, chắc chắn chiến xa không thể vượt qua được.

    Sau khi hoàn tất công tác thám sát địa thế, về tới cổng trại, tôi mới nghĩ lại, thật là may mắn cho tôi, đêm qua địch chưa đánh!

    Ðêm qua, tôi chưa chuẩn bị, mà địch ra tay thì chắc chắn đơn vị tôi tan tành rồi.

    Tôi cấp tốc gọi cho Ðại tá Tỉnh trưởng cho xe đón tôi vào để báo cho ông một phát giác thật quan trọng.

    Sau khi nghe tôi trình bày chi tiết những gì vừa chứng kiến, ông Ðại tá vỗ vai tôi rồi hối thúc,

    – Lẹ lên! Lẹ lên! Chú lấy một chiếc Dodge rồi chạy xuống Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Tiểu Khu lấy tất cả những gì chú cần! Mau lên! Mau lên!

    Sau hai chuyến chuyển vận, tôi nhận được mười lăm cuộn concertina, hai chục khẩu M72 và trên một chục quả mìn chống chiến xa.

    Ba toán Viễn Thám đã lãnh 6 khẩu M72 rồi; số còn lại tôi chia đều cho các đại đội. Mỗi đại đội đều có ba toán chống tank do chính tay tôi huấn luyện trong thời gian phòng thủ Kiến-Ðức.

    Thực ra thì chúng tôi bắn XM 202 giỏi hơn M72. Gần nửa năm trấn thủ Kiến-Ðức, kho đạn của Tiểu Khu Quảng-Ðức có bao nhiêu XM 202 đều bị tôi trưng dụng hết.

    Súng chống tank hữu hiệu nhứt là XM202 với đạn màu đỏ, tức là đạn khói, đạn lân tinh. Trúng đạn lân tinh, xe tank sẽ cháy ngay. Còn bắn đạn với liều thuốc lõm màu đen thì chỉ làm cho nó đứt xích hay lủng bộ phận phun khói sau lưng; bắn ngang hông cũng có hy vọng; còn bắn trúng pháo tháp T54 thì coi như “gãi ngứa” cho nó mà thôi.

    Thế là từ chiều cho tới tối, hai ông Thiếu úy Ðặng Thành Học và Phạm Văn Thủy phải nhịn đói, vất vả căng kẽm gai và moi lỗ gài mìn trên con hẻm. Mười quả mìn mới có ngòi, nằm đè lên mười quả mìn cũ đã bị Việt-Cộng tháo ngòi, thế là mình có mười lỗ mìn đôi. Nếu dính một lỗ mìn đôi, chắc chắn chiếc T54 cán mìn sẽ banh xác!

    Công việc thiết trí trận địa của tôi coi như đã hoàn tất.

    Và tôi có thể yên tâm là, từ tối ngày 7 tháng Tư năm 1975, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi đã ở trong tư thế sẵn sàng đương cự với bất cứ địch thủ nào.

  2. The Following 7 Users Say Thank You to KiwiTeTua For This Useful Post:

    hoang yen (08-11-2020), khongquan2 (08-22-2020), muahong (08-12-2020), Nguyen Huu Thien (08-11-2020), nguyenphuong (08-30-2020), saomai (08-11-2020), TH-72G (08-20-2020)

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-15-2018, 12:56 AM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-31-2016, 05:58 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-16-2016, 01:17 AM
  4. Trở lại trận Ban mê Thuột 1975
    By Longhai in forum Chuyện 30.4
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 03-19-2015, 01:12 AM
  5. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-17-2011, 03:21 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •