Remember ?

kết quả từ 1 tới 6 trên 14

Tựa Đề: Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #3
    Moderator
    KiwiTeTua's Avatar
    Status : KiwiTeTua v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2008
    Posts: 2,964
    Thanks: 33
    Thanked 110 Times in 40 Posts

    Default Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975 (7 - Kết)

    Phần 7

    Ba công tác này phải được ba Viễn Thám Viên thực hành thật ăn khớp, nhịp nhàng. Thực hành mà trật nhịp thì cả toán Viễn Thám đó coi như khó mà thoát chết!

    Nơi bìa rừng đột nhiên biến động!

    Mặc cho chiếc tank cháy cản đường, những chiếc đi sau né sang một bên rồi tiếp tục tiến lên.

    Khẩu Bazoka khai hỏa! Thêm một chiếc T54 nữa đứt xích!

    Lúc này từ trong vòng đai phòng thủ của Chiến Ðoàn 43 cũng có nhiều họng súng nhắm vào đoàn T54. Lại thêm vài chiếc tank nữa bị hạ!

    Nhưng, đoàn chiến xa bỗng đồng loạt tạt về bên trái hướng tiến. Vì bị tường đất phòng thủ che khuất, nên các chiến sĩ trụ trên vòng đai không còn thấy những chiếc xe tank, họ không còn có thể tiếp tục yểm trợ trực tiếp cho chúng tôi nữa.

    Giờ này Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bắt đầu lâm nguy! Hàng chục quả đạn 100 ly ào ào bay vào Trại 181 Pháo Binh và phi trường!

    Tôi la lên,

    – Anh em 1 mau vào núp sau các lô cốt! Còn tất cả anh em 2 và 3 men theo bờ rào rút ra đầu cầu!

    Ra tới ngoài rào, tôi cho quân dàn theo cái rãnh thoát nước từ phi trường xuống đầu cầu, người này bố trí sát cánh người kia.

    Bỗng đoàn chiến xa ngừng lại không tiến nữa. Chúng ẩn mình trong khu đồng tranh lòng chảo, nơi này nằm trong tử giác của những khẩu đại bác trong vòng rào của tỉnh.

    Có tiếng Thiếu úy Học gọi cho tôi rồi báo cáo,

    – Có mấy chiếc T54 bị bắn cháy đã được xe ủi đất của tụi nó kéo đi!

    Tôi đánh liều chạy vào quan sát tình hình, quả thực ngoài kia có vài cái máy cày hạng nặng đang ì ạch kéo đi những chiếc chiến xa đã bị thương.

    Tôi liên lạc được với Thiếu tá Nguyễn Văn Dư, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 3/43 Bộ Binh đóng trong vòng rào. Khẩu cối 81 ly của anh Dư đang rảnh, tôi yêu cầu anh bạn Dư bắn tập trung hai chục viên đạn nổ ngay nơi cửa rừng. Từ lúc đó cho tới chiều tối, không thấy chiến xa địch quay trở lại.

    Chiều 10 tháng Tư tiếng súng trong thành phố có chiều lắng dịu. Ðại tá tỉnh trưởng báo cho tôi hay rằng cái tháp chứa nước đã bị chiến xa của Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh bắn sập, tụi Việt-Cộng nằm trên bể nước chết hết rồi!

    Ông Tỉnh trưởng cũng thông báo cho tôi biết, từ tối 10 tháng Tư, Ðại Ðội Ðịa Phương Quân của Long-An sẽ được điều động vào trong hàng rào tiểu khu để bảo vệ tiểu khu.

    Ðại Ðội Ðịa Phương Quân của Long-An đi rồi, tôi không còn quân giữ nửa phần hướng Tây của phi trường, nên đành gọi Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long rút hết về đóng quân với tôi, phi đạo Xuân-Lộc đành bỏ trống.

    Rạng đông 11 tháng 4 năm 1975, khởi đầu ngày thứ ba của trận Xuân-Lộc, thành phố lại lãnh thêm một trận mưa pháo kích lâu chừng hơn một tiếng đồng hồ.

    Tôi không biết những khu vực khác tình hình ra sao, riêng mặt trận Ðông Nam thị xã thì phi đạo Xuân-Lộc đã hứng ít nhất là vài trăm viên đại bác. Phi trường này bị bỏ trống từ tối hôm trước, nên quân bạn không có ai bị thương.

    Lúc pháo binh địch vừa dứt thì khói tím bốc lên trong vườn chuối, thêm một T54 bị làm thịt. Hai toán chống tank của Ðại Ðội 3/82 đã ém quân chờ ở cửa rừng từ mờ sáng. Chiếc tank này đi riêng lẻ, có vẻ như đang bò ngu ngơ làm nhiệm vụ dò đường, nên chết liền tại chỗ.

    Trưa ngày 11 tháng Tư lại có khói tím bốc lên trong vườn chuối, nhưng không thấy khói đen bốc lên, không nghe tiếng đạn nổ “Bùng! Bùng! Lép! Bép!” do xe tank bị cháy, mà chỉ có tiếng đại liên 12.8 ly “Chóc! Chóc! Chóc! Chóc!” giòn giã vọng lại.

    Tôi lo lắng ngồi chờ hoài. Mãi tới xế chiều, một anh trưởng toán diệt tank của Ðại Ðội 3/82 mới về tới cái cổng sau của doanh trại.

    Anh binh nhì này tay trái ôm vai phải máu còn đang chảy, vừa nhăn nhó, vừa nói, “Toán 1 của em mới bắn được thằng Việt-Cộng giữ đại liên trên xe tank thứ nhất thì bị chiếc xe thứ hai phát giác. Hai thằng bạn của em chết liền, còn em bị đạn trúng vai. Toán 2 lên cứu tụi em thì chết hết rồi!”

    Có lẽ địch quân đã biết chiến thuật diệt tank của chúng tôi rồi, nên chúng đã tìm ra cách đối phó lại. Từ giờ đó, tôi không dám cho quân mạo hiểm vào khu vườn xoài, rừng chuối nữa.

    Cũng lúc này Ðại tá Lê Xuân Hiếu báo cho tôi hay, ông vừa ra lệnh cho khẩu đội hỏa tiễn TOW chạy ra giúp sức cho tôi ngăn tank của địch. Ở trong vòng rào và tường đất phòng thủ, họ không nhìn thấy những chiếc chiến xa này.

    Nghe nói có TOW tới trợ lực tôi mừng quá, vội leo ra khỏi cái rãnh thoát nước rồi đứng chờ.

    Chỉ mấy phút sau chiếc Jeep chở khẩu đội TOW xuất hiện.

    Ông chỉ huy khẩu đội TOW nón sắt, áo giáp dềnh dàng, chẳng biết cấp bậc gì, chậm rãi bước xuống xe.

    Tiếng ông sang sảng,

    – Chiến xa Việt-Cộng đâu? Các anh mau mau chỉ cho tui! Chiến xa Việt-Cộng …

    Ông ta chưa dứt câu thì, “Oành! Oành!” hai trái 100 ly của chiến xa Việt-Cộng đã bắn trúng một gian chứa máy bay L19, làm cho mái tôn bay tung toé, khói bốc mịt mù.

    Theo phản ứng tự nhiên, để giữ mạng, tôi và hai anh lính cận vệ nhảy ào xuống cái rãnh nước bên đường.

    Các ông xạ thủ hỏa tiễn TOW cũng bỏ xe mà nằm bẹp xuống mặt lộ để tránh bị văng miểng.

    Trái 100 ly thứ ba rơi trên phi đạo, quét một vệt lửa kéo dài cả chục thước rồi đốn ngã một gốc điều lộn hột.

    Một phút sau, thấy tình hình có vẻ yên, tôi ngóc đầu lên quan sát xung quanh, thì thấy mấy ông xạ thủ TOW đang vội vàng giành nhau leo lên xe.

    Thấy tôi đứng giương mắt ngó, ông khẩu đội trưởng bèn lớn tiếng phân bua,

    – Ở đây cũng không có xạ trường! Chúng tôi chẳng nhìn thấy gì cả!

    Lúc này tôi cũng nhận ra, ngoài miếng đất cao ở đầu cầu Gia Liêu thì không chỗ nào có thể đặt TOW được, nếu đem TOW ra đầu cầu thì khẩu đội này sẽ không được tường đất bảo vệ, chắc chắn sẽ bị tank tấn công. Tôi đành khoát tay cho phép khẩu đội TOW rời vị trí.

    Từ đó cho tới ngày trận Xuân-Lộc kết thúc, tôi không còn dịp tái ngộ khẩu TOW này nữa.

    Chuyện khẩu súng chống tank TOW ra đi không làm cho tôi lo lắng bằng tin vừa nhận được là cây Bazoka 82 ly Trung Cộng đã bị đại bác 100 ly bắn nát rồi!

    Chiều hôm đó Ðại tá Hiếu báo cho tôi hay, tin tình báo vừa ghi nhận có một đơn vị lớn của Cộng-Quân, không rõ phiên hiệu, mới được điều động tới vùng Ðông của xã Bảo-Ðịnh nằm trên Quốc lộ 1. Ông khuyên tôi nên lưu ý đề phòng. Sau đó, ông Ðại tá cũng hứa sẽ tìm cách kiếm thêm quân để gửi tăng viện cho tôi.


    Vợ chồng cựu Th/Tá Vương Mộng Long nhận nón kỷ niệm của Sư Đoàn 18 BB

    Tôi nghĩ rằng, nếu đêm nay địch đồng thời mở hai mũi giáp công chính Ðông và Ðông Nam thì tôi chỉ còn cách cho anh em, ai ở chỗ nào nằm chỗ đó mà tự vệ, vì không còn lực lượng nào trừ bị cả.

    Ðể có địa thế tương đối tốt có thể chống lại một cuộc tập kích từ hướng Nam, tôi cho quân căng hàng ngang từ bờ rào Trại 181 rồi cứ thế, kéo dài sát bờ Bắc suối Gia Liêu.

    Con suối này không sâu lắm, bên hướng Bắc là vườn điều lộn hột, bên hướng Nam là một vạt cỏ trống trải, sau vạt đất trống là vườn cây chôm chôm và măng cụt. Mãi sau này tôi mới nghe biết tên của vườn cây này là Ðồn Ðiền Thống Tướng Lê Văn Tỵ.

    Trời sập tối, tôi đang buồn vì chuyện năm anh lính diệt tank của Ðại Ðội 3/82 vừa chết mất xác thì Ðại Ðội 1/82 đã báo cáo rằng có tiếng chiến xa gầm rú vùng vườn chuối.

    Tôi cho Ðại Ðội 1/82 bỏ phòng tuyến, rút vào cố thủ trong các pháo đài, chỉ để hai toán diệt tank nằm ở đầu hẻm, nơi chiếc PT76 bị cháy.

    Ðồng thời, tôi liên lạc được với Ðại tá Hiếu, nhờ súng chống tank của Chiến Ðoàn 43 bắn tối đa vào khu vực này để ngăn địch.

    Không lâu sau, ông chiến đoàn trưởng báo cho tôi hay đoàn chiến xa địch đã di chuyển về vùng Tây Bắc, nơi này là khu vực trách nhiệm của Chiến Ðoàn 52 Bộ Binh. Nghe xong tin này, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

    Vào giờ đài BBC tiếng Việt bắt đầu phát tin thì Thiếu úy Phạm Văn Thủy Ðại đội trưởng Ðại Ðội 4/82 báo cáo rằng có nhiều ánh đèn pin lấp lóe trên hương lộ hướng Nam.

    Tôi ở với Ðại Ðội 2/82 của Chuẩn úy Gấm cách cuối sân bay chừng một trăm mét, trước mặt tôi là con suối, xung quanh là vườn điều, cây cao, nên không nhìn thấy gì.

    Tôi phải đem toán Viễn Thám của Mom Sol đi cùng tôi ra đầu cầu theo dõi tình hình. Rõ ràng bộ binh Việt-Cộng đang chuyển quân từ Ðông sang Tây.

    Những chớp loé của ánh đèn pin không di chuyển mà lại nằm cố định như những cột mốc đánh dấu cho quân Việt-Cộng đi theo một hướng.

    Tôi không có tiền sát viên pháo binh, muốn xin hỏa yểm phải gọi qua Chiến Ðoàn 43 Bộ Binh. Ðại tá Hiếu nói rằng, pháo binh trong vùng còn rất bận rộn, tôi không được ưu tiên vì chưa chạm địch.

    Tôi mở tần số của Hằng Minh thì được biết pháo binh ở Tân-Phong cũng không rảnh.

    Tôi mô tả tình hình địch cho Chuẩn tướng Ðảo, ông bảo tôi chờ sẽ có cách giúp đỡ. Mười phút sau tôi được tin sẽ có AC 119 cho tôi.

    Cả tiểu đoàn chẳng có cái đèn pin nào để làm tín hiệu cho máy bay. Cuối cùng, tôi nghĩ ra một cách là gỡ vách ván, cột gỗ từ cái nhà chứa L 19 ra đốt một đống lửa giữa sân bay nơi đầu phi đạo, rồi chỉ hướng cho AC 119 cứ hướng 180 độ, tầm xa một cây số mà tưới đạn.

    Chiếc AC 119 mới bay được một vòng, thả xong mấy trái hỏa châu và phun được một tràng đại bác 20 ly xuống vườn chôm chôm, măng cụt, thì từ hướng núi Chứa Chan phòng không 37 ly của Việt-Cộng bắt đầu khai hỏa.

    Thế là con rồng lửa AC 119 bỏ ngang nhiệm vụ yểm trợ cho Biệt Ðộng Quân, quay qua đánh nhau tay đôi với phòng không Bắc-Việt.

    Ðêm cuối tháng 2 Âm Lịch, bầu trời tối đen, chiếc máy bay lại tắt hết đèn cánh, đèn đuôi, nên chẳng biết nó đang ở chỗ nào. Ðùng một cái, nó tưới đạn, “Ồ! Ồ! Ồ!” trên rừng lá.

    Phòng không Việt-Cộng vội đổi hướng, “Bụp! Bụp! Bụp!” đại bác 37 ly nhắm mắt bắn theo đuôi những lằn lửa 20 ly của máy bay.

    Chiếc AC 119 có vẻ thắng thế, vì nó ở trên cao, nhìn xuống biết ngay địch thủ đang nằm chỗ nào. Còn giàn phóng 37 ly của Việt-Cộng nằm trong rừng, nên xoay trở đã khó, lại thêm tầm quan sát bị hạn chế nên hai bên đánh nhau được chừng mười lăm phút thì không còn thấy 37 ly hoạt động nữa.

    Chiếc AC 119 trở lại vùng, thả hỏa châu và bắn yểm trợ cho tôi chừng mười lăm phút nữa thì bay đi.

    Chiếc Khủng Long AC 119 rời vùng, nhưng tôi vẫn ngồi trên bờ suối, thức gần như trắng đêm.

    Ðâu ngờ mới mờ sáng ngày 12 tháng Tư, tôi vừa chợp mắt được vài phút đã nghe bên tai, tiếng súng tay nổ rền, đồng thời trong phi trường sau lưng tôi, là ánh chớp chói lòa của thủ pháo “Ùm! Ùm! Ùm!”

    Thì ra, có một mũi Ðặc-Công Việt-Cộng đã chui ra khỏi xóm nhà hướng Nam sân bay Xuân-Lộc. Chúng vừa chạy vòng vòng trên phi đạo, vừa ném bộc phá vào căn nhà vòm chứa vật dụng tu sửa và làm vườn không có người canh giữ.

    Tiếp đó, bọn này tràn qua đường băng, tung bộc phá vào dãy nhà chứa máy bay L19, khiến cho nhiều tấm vách và mái tôn bay tung.

    Chưa kịp bén mảng tới cửa trại 181 Pháo Binh, đám Ðặc-Công này đã bị các chiến sĩ Ðịa Phương Quân Bình-Long bắn chết hết.

    Ngay khi mặt trời vừa lên thì nơi khu rừng hướng Nam có tiếng súng lệnh: “Bép! Bép! Bép!” chen lẫn tiếng la hét, và bóng người thấp thoáng.

    Phút sau, tôi thấy bên kia suối, một toán bộ đội Việt-Cộng xuất hiện. Dạo này địch có vẻ thích đánh nhau ban ngày và đánh công khai!

    Trước mắt tôi, địch quân từng đợt hàng ngang tiến, trông chẳng khác một đơn vị bộ binh đang diễn tập trong quân trường!

    Việt-Cộng đánh nhau kiểu này thì chẳng khác gì nạp mạng cho Biệt Ðộng Quân!

    Bên kia suối, từng hàng người tiến lên thật nhịp nhàng. Những tên bộ đội Bắc-Việt quân phục màu xanh, nón cối cũng màu xanh, ôm súng ngang hông, sát vai nhau; có một điều quái lạ là chúng không bắn một viên đạn nào, cứ lừng lững tiến.

    Chẳng lẽ bọn này là những con người máy? Hay chúng là những hình nộm biết đi!

    Ðịch không bắn ta, nhưng ta vẫn phải bắn địch vì địch đang tiến lên, địch chỉ còn cách ta chưa đầy một trăm mét, ngay bên kia bờ suối!

    Vì đóng quân một hàng ngang, tuyến phòng ngự không có chiều sâu, nên tôi cũng chỉ là một khinh binh, với khẩu M16. Ðằng trước tôi không có ai, đằng sau tôi cũng không có ai.

    Hôm đó tôi bóp cò súng mà cảm thấy ngón tay mình hơi nhờn nhợn, không biết những sinh vật đang lừng lững xông tới để cho mình giết có phải là con người hay không!

    Sau này, lần đầu được xem phim “The Walking Dead” tôi vẫn tỉnh bơ, không thấy sợ, chỉ vì mấy chục năm trước, tôi đã tận mắt chứng kiến những thây ma đang sát cánh bên nhau, hàng hàng, lớp lớp, đi từ vườn cây Thống tướng Tỵ ra bờ suối Gia Liêu một ngày tháng Tư năm 1975 ở Xuân-Lộc.

    Ít hôm sau, qua cung từ của những tù binh, tôi mới biết lý do vì sao những người lính Bắc-Việt cứ ôm súng lừng lững đi lên mà không bắn; chỉ vì họ đã được học tập là vào Nam, họ không cần phải đánh nhau, chỉ cần xếp hàng mà tiến vào “tiếp thu” những phi trường, quận lỵ và thành phố mục tiêu.

    Sáng hôm đó, sau ba, bốn đợt tiến hàng ngang bị đốn ngã, đè lên nhau mà chết thì Cộng Quân có vẻ đã chùn bước.

    Thấy vậy, tôi cho anh em cứ nhắm mắt bóp cò, đuổi bọn chúng đi càng xa càng đỡ lo.

    Bắn địch bằng súng tay được chừng nửa giờ thì tôi được Hằng Minh đích thân thông báo rằng tôi sẽ có pháo binh yểm trợ tập trung.

    Tọa độ vừa gửi đi không lâu, thì cả một vùng cây cối sum sê bên kia suối bị đạn đủ loại đánh cho tan tành, tơi tả.

    Hằng Minh bay trên trời, hướng Tân-Phong, ông Tướng lớn tiếng thúc quân,

    – Ðánh cho tụi nó tà đầu nghe em!
    – Tôi nhận 5! Tụi nó tà đầu rồi!

    Pháo Binh tàn sát cái đồn điền xong thì mặt trận trở lại yên tĩnh.

    Tới mười giờ thì Ðại tá Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 tăng phái cho tôi một đại đội tác chiến trực thuộc Tiểu Ðoàn 3/43 Bộ Binh.

    Anh trung úy đại đội trưởng đại đội này là một sĩ quan hiện dịch tôi không nhớ tên, hình như chú ấy xuất thân khóa 24 Võ Bị (?).


    *****

    Phần 8

    Tôi giao cho đại đội bộ binh tăng phái đóng quân dọc theo khu nhà chứa máy bay L19, thay thế cho Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long. Ðại đội bộ binh này sẽ giữ vai trò trừ bị. Còn Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình -Long chuyển sang trấn giữ đoạn đường từ bìa rào trại 181 Pháo Binh tới đầu cầu, bắt tay với Ðại Ðội 4/82.

    Giữa trưa bỗng có một chiếc tank T54 đơn độc đi cặp theo bờ đất phòng thủ của Xuân-Lộc rồi tiến vào vùng phục kích của Ðại Ðội 1/82. Chiếc tank bị bắn cháy ngay lập tức.

    Tôi đang ngồi ăn cơm thì nghe ông phóng viên nhà báo và Binh nhì Phan Thọ hí hửng gọi nhau rồi theo nhau nhanh chân chạy vào vòng rào Trại 181.

    Không lâu sau có tiếng phòng không 12.8 ly giòn giã phía ngoài xa. Rồi có tiếng Thiếu úy Học trong máy,

    – Trình Thái Sơn! Thằng Thọ bị thương lủng ruột, máu ra nhiều lắm!

    Binh nhì Phan Thọ thấy chiếc T54 nằm cách hàng rào không xa, nên rủ anh nhà báo ra đó để chụp cho nó cái hình kỷ niệm ghi lại cảnh nó hiên ngang đứng bên pháo tháp, chuẩn bị tháo khẩu đại liên đem về sân bay làm chiến lợi phẩm. Ðâu ngờ, chiếc tank thứ nhì vừa trờ tới, lập tức đạn đại liên vãi như mưa.

    Chỉ trúng có một viên đại liên thôi, Binh nhì Thọ đã bị vỡ bụng, lộn cổ xuống đất rồi. Anh chàng phóng viên vứt máy chụp hình bò lê bò càng, nằm nép sau lưng chiếc xe bị cháy để tránh đạn.

    Cũng may, lúc này pháo binh từ vòng đai kịp thời yểm trợ, bắn ào ào về hướng chiếc tank thứ hai khiến cho nó trở đầu chạy vào vườn chuối.

    Tôi phải cho đại đội bộ binh tăng phái mở rộng vòng đai an ninh để Ðại Ðội 1/82 yên tâm làm công tác tải thương và kéo thép gai vòng quanh chiếc T54 vừa cháy, không cho địch kéo nó đi.

    Tản thương xong, tôi cho Ðại Ðội 1/82 rút ra ngoài sân bay, đại đội bộ binh vào giữ trại Pháo Binh 181.

    Xế chiều địch mở một cú đột kích bằng hỏa lực, với đủ loại súng bắn thẳng từ trong bìa rừng nhắm vào bờ rào trại. Tiếp sau đó là một đợt tấn công bằng bộ binh.

    Mục tiêu của đợt tấn kích này là bờ rào chính Ðông của trại 181 Pháo Binh.

    Chắc chắn đơn vị Việt-Cộng có mặt chiều nay là thành phần của E 209 Sư Ðoàn 7, vì cách tiến sát và tác xạ không khác những cán binh đã xuất hiện ở đây ba ngày trước. Kỳ này địch không có chiến xa tham chiến.

    Lúc này hai phần ba quân số của tôi đã trải dài trên bờ Bắc con suối, nên tôi chỉ còn trông cậy vào những khẩu M16 của anh em Ðịa Phương Quân Bình-Long đang trấn giữ ngoài đầu cầu bắn tập trung về hướng Ðông Bắc để chi viện cho đại đội phòng thủ.

    Tôi cũng gọi được anh Thiếu tá Dư, và yêu cầu anh cho khẩu cối 81 ly yểm trợ tối đa cho tôi.

    Sau đó, không rõ do lệnh của ai mà trên đầu tôi có hai chiếc trực thăng võ trang xuất hiện rồi cứ vần vũ trên cao như có ý chờ.

    Hình như hai chiếc tàu này đang giữ nhiệm vụ hộ tống cho hợp đoàn trực thăng nào đó, nay bất ngờ được chuyển vùng để yểm trợ cho chúng tôi.

    Tới khi chiếc UH1 chỉ huy có mặt trên vùng thì tôi mới được người trên tàu gọi trong tần số của Chiến Ðoàn 43 Bộ Binh.

    Hỏa lực hùng hậu của hai chiếc trực thăng võ trang đã khiến mũi tấn kích của địch bị bẻ gãy ngay. Vì không thấy khẩu phòng không nào của địch ló dạng, nên tôi yêu cầu trực thăng vũ trang tiếp tục đánh dọc theo hướng địch rút chạy, xa về hướng Ðông. Không lâu sau thì tiếng súng im.

    Kết quả lần chạm súng này đã khiến cho đại đội bộ binh bị thiệt hại khá nặng, với năm người chết và hơn chục người khác bị thương. Công tác vận chuyển gần hai chục thương binh, tử sĩ ra khỏi vùng cũng tốn một thời gian khá lâu mới hoàn tất.

    Tới tối, Ðại tá Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 báo cho tôi một tin vui là Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù Việt-Nam Cộng-Hòa đã vào vùng để tiếp viện cho Xuân-Lộc. Ông cũng yêu cầu tôi cố gắng cầm cự, chịu đựng thêm vài ngày nữa, hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn.

    Sáng 13 tháng Tư, nhiều cụm khói bốc lên trên vùng trời của xã Bảo-Ðịnh hướng Nam, cùng với tiếng nổ ì ầm của đại bác. Có lẽ giao tranh đã bắt đầu giữa quân Dù và đơn vị Việt-Cộng đã từng đánh nhau với tôi ngày trước đây.

    Tới trưa thì nhiều đợt máy bay F5 và A37 luân phiên nhau nhào lộn trên trời.

    Chiều 13 tháng Tư, trong tần số của Hằng Minh, tôi nghe được lời nhắn của Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh, Lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 1 Dù,

    – “Nhí” yên chí giữ vững vị trí! Có anh vào tiếp tay với chú đây!

    Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh xuất thân khóa 15 Võ Bị, tôi tốt nghiệp khóa 20, anh Ðỉnh gọi tôi là “Nhí” cũng là đúng thôi!

    Bốn ngày nay, nguyên mặt trận hướng chính Ðông tôi chống đỡ đã khờ rồi, hai ngày vừa qua, tôi lại phải đối diện thêm một trung đoàn địch tiến đánh từ hướng Nam. Tôi nghĩ, không chóng thì chày Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi cũng tan hàng mất!

    Nay được tin có một lữ đoàn Dù vào tiếp viện tôi mừng quá!

    Những ngày kế đó, mặt chính Bắc và chính Ðông của tôi thật là yên tĩnh.

    Tôi đã cho người đi vào khu vườn chuối, tìm được xác năm người lính chết trong rừng vì xe tank mấy ngày trước.

    Ðại úy Hoàn nảy ra sáng kiến dùng lựu đạn khói màu vàng xịt trên thành chiếc PT76 và bốn chiếc T54 nằm sát hàng rào những giòng chữ “Tiểu Đoàn 82 BĐQ diệt tank”

    Sáng 14 tháng Tư năm 1975 Ðại tá Hiếu ra lệnh cho tôi phải chuẩn bị đón tiếp một phái đoàn nghị sĩ và dân biểu Quốc Hội từ Sài-Gòn sẽ tới thăm chiến sĩ tiền tuyến.

    Phái đoàn này dự trù sẽ tới quan sát những chiếc chiến xa bị Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bắn cháy.

    Tôi cho Ðại Ðội 1/82 bung ra xa để giữ an ninh cho quý vị đại diện dân muốn có chứng tích chiến trường thì ra đứng chụp hình, chụp ảnh bên xác mấy chiếc chiến xa rồi đem về văn phòng mà treo.

    Tới trưa thì phái đoàn Quốc Hội tới cổng trại 181 Pháo Binh trên chiếc xe GMC mười bánh.

    Phái đoàn có bảy ông, ba bà, quần lượt, áo là thẳng nếp, lịch sự vô cùng.

    Tôi dẫn phái đoàn đi một vòng quanh bờ Bắc con suối để các ông bà đại diện dân thăm hỏi và trao những gói quà tượng trưng cho những anh em hiện diện.

    Phái đoàn còn đem cho chúng tôi một thùng sách báo Sài-Gòn. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên và thích thú khi thấy trên mặt báo Chính Luận, Trắng Ðen và Tiền Tuyến có in hình những chiếc T54 được các báo ghi chú rõ ràng là do Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bắn cháy.

    Thì ra những hình ảnh này đã được chụp và gửi đi do anh phóng viên đang có mặt ngay bên cạnh tôi kể từ ngày 10 tháng Tư năm 1975. Ngày nào anh ta cũng thậm thụt đi về giữa sân bay và tòa hành chánh để nhờ xe của Tiểu Khu chuyển tin ra Tân Phong.

    Tin tức và hình ảnh từ Tân Phong sẽ bay về Sài-Gòn trên những chiếc trực thăng liên lạc, tiếp tế, tản thương. Ðôi khi tin tức còn được “quá giang” trên chiếc C&C của Chuẩn tướng Tư lệnh chiến trường.

    Thấy quý vị dân biểu, nghị sĩ có vẻ háo hức muốn đi xem những chiếc chiến xa T54 đã bị bắn cháy, nên tôi giao cho ông tiểu đoàn phó nhiệm vụ hướng dẫn họ ra ngoài rào để chụp ảnh.

    Vì con hẻm đã bị rào, khách quý đành phải khom lưng chui qua lỗ bò, lỗ dê mà ra.

    Có vài vị thượng khách sau khi chụp hình xong, còn nhanh tay túm được mấy cái vỏ đạn đồng của đại bác, tính đem về văn phòng cắm hoa cho đẹp.

    Trong khi chờ đợi quý vị dân biểu trở về, tôi đi một vòng quanh trại. Tới bên cái lô cốt hướng Ðông tôi giật mình khi bị một cháu bé bất thình lình níu tay,

    – Chú ơi! Chú ơi! Ba con đâu rồi? Ba con đâu rồi? Con đói quá chú ơi!

    Tôi cúi xuống nhìn mặt cháu bé, cháu gái cỡ chừng 5 hay 6 tuổi, mặt cháu xanh xao vì đói. Thấy cháu, tôi bỗng nhớ con tôi, đứa con gái đầu của tôi còn nhỏ hơn cháu gái này, tôi ôn tồn,

    – Ba cháu đi hành quân chưa về! Cháu đói lắm hả? Ðể chú lấy cơm cho cháu ăn nhé!

    Cháu bé dang hai tay ôm chân tôi rồi nức nở,

    – Con đói! Con đói! Chú ơi!

    Tôi bế cháu lên rồi thò đầu vào cửa lô cốt quan sát. Mùi hôi thối xông ra làm cho tôi nghẹt mũi. Có lẽ từ ngày đầu chiến trận, số gia đình binh sĩ trú ẩn trong cái pháo đài này đã không dám đi ra ngoài. Họ đã phóng uế ngay trên vị trí ăn ngủ của họ. Diện tích của cái lô cốt này chỉ chừng hơn một sải tay mỗi chiều mà chứa tới gần chục nhân mạng.

    Một chị vợ lính tóc tai bù xù, ló đầu ra cửa sụt sùi,

    – Thiếu tá ơi! Mấy ngày nay tụi em đói quá! Thiếu tá có gì cho mấy đứa bé ăn! Nếu không tụi nó chết mất!

    Tôi quay qua ra lệnh cho anh lính cận vệ,

    – Thằng Bích đem nồi cơm trưa của thầy trò mình ra chỗ nhà chứa L 19 chờ tao!


    Vợ chồng Th/Tá Vương Mộng Long & Th/Tướng Lê Minh Đảo (USA-2009)

    Cũng may là, trong thời gian qua Ðặc-Công của Việt-Cộng không nhắm vào cái trại 181 Pháo Binh bé tí này.

    Nếu chúng nó vào được đây thì chỉ cần một trái bộc phá ném qua lỗ châu mai thì gần chục nhân mạng nằm trong cái lô cốt hướng Ðông chắc chắn đã đi đời!

    Tôi vội vàng bảo các chị vợ lính thu xếp những thứ cần thiết rồi đem con cái ra sân bay chuẩn bị di tản.

    Nồi cơm trưa của ba thầy trò tôi chia không đủ một chén nhỏ cho mỗi thân nhân binh sĩ.

    Những đứa bé ăn xong bát cơm rồi mà miệng vẫn còn nhóp nhép, thòm thèm. Dù đã vét sạch mấy hộp thịt Quân Tiếp Vụ, các cháu vẫn còn le lưỡi cố liếm láp những cái vỏ hộp mà chẳng chịu vứt đi.

    Tôi ra lệnh cho ông tài xế sắp xếp chỗ cho ba bà vợ lính và mấy cháu nhỏ quá giang chiếc GMC này để về Tân-Phong lánh nạn.

    Ðoàn quan khách đi thăm chiến trường đã quay trở lại. Tôi thấy mặt mũi vị nào cũng hớn hở, tươi vui.

    Sẵn có ông phóng viên nhà báo đang ở đây, quý vị dân biểu, nghị sĩ đua nhau phát biểu những lời tuyên bố thật hùng hồn nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ và trấn an dân chúng đô thành.

    Bỗng đâu, từ hướng Ðông, một trái 75 ly bay “Vèo!” qua đầu phái đoàn, rơi xuống cuối phi trường hướng Tây, rồi nổ một tiếng “Ùm!”

    Thế là quý vị đại diện cho dân miệng la chí chóe, chúi đầu xuống đất, nằm đè lên nhau ngay trên mặt lộ!

    Tôi hét,

    – Tất cả lên xe!

    Ông hạ sĩ tài xế lập tức nổ máy, bóp còi, “Te! Te! Te!”

    Bảy ông, ba bà dân biểu, nghị sĩ, vội vàng chen nhau leo lên xe, có người đánh rơi cả máy chụp hình và giày dép.

    Chiếc xe lao đi, trên mặt đất còn lại năm sáu cái vỏ đạn 100 ly bằng đồng nằm chỏng chơ.

    Quý vị dân cử mãi lo chụp ảnh, chụp hình, nên đã quên, không trao cho tôi số tiền mà Quốc Hội đã hứa thưởng cho mỗi chiếc chiến xa bắn được là 30 ngàn đồng một cái.

    Tính tới ngày 14 tháng Tư năm 1975, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã bắn cháy và bắn hư hại trên một chục chiến xa địch, nhưng chúng tôi chỉ kiểm soát được sáu chiếc tank bị cháy ở gần vòng rào Trại 181 Pháo Binh.

    Mỗi chiến xa Việt-Cộng chỉ có một khẩu 12.8 ly thôi, do đó chúng tôi chỉ gỡ được 6 khẩu phòng không đem về trưng bày nơi đầu phi đạo. Như vậy là Quốc Hội đã nợ Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân 180 ngàn đồng!

    Nhưng ngày chúng tôi rút quân về tới Long-Bình, tôi chỉ nhận được 30 ngàn đồng tiền thưởng, gọi là tiền thưởng “tượng trưng”.

    Tôi đã giao cho ông Ðại đội trưởng Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long 7 ngàn đồng, số tiền còn lại tôi chia đều cho các đại đội của tôi, vừa đủ cho mỗi người mua một bao thuốc lá!

    Từ 15 tháng Tư tới 20 tháng Tư năm 1975 vùng trách nhiệm của tôi không có gì biến động lớn.

    Sau khi Lữ Ðoàn 1 Dù tái chiếm xã Bảo-Ðịnh, thì đơn vị tôi chỉ còn giữ vai trò của một cái đe, yên tâm án ngữ mặt Tây Bắc suối Gia Liêu để cho quân Dù giáng những nhát búa chí tử lên lực lượng địch đang đóng chốt trong đồn điền của Thống tướng Lê Văn Tỵ.

    Từ khi Lữ Ðoàn 1 Dù lâm trận thì ngày nào pháo binh của quân bạn cũng bắn liên tục vùng hướng Nam, rồi cứ thế tiến dần lên hướng Bắc.

    Khi Pháo binh và Không quân oanh kích gần tuyến phòng thủ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân hơn thì Việt-Cộng bắt đầu thoát chạy ra bờ suối.

    Con suối không lớn lắm, và cũng không sâu lắm, nhưng những cán binh Bắc-Việt đã không thể vượt qua, vì nơi bờ bên này hàng chục khẩu súng của Biệt Ðộng Quân đã sẵn sàng.

    Những toán Việt-Cộng vượt thoát sau này đã biết bên bờ Bắc con suối có người, nên thay vì cắm đầu chạy thục mạng, chúng đã khôn hơn, biết cởi áo lót ra làm cờ trắng đầu hàng, rồi theo chân nhau từ từ bước tới.

    Những tên bộ đội Bắc-Việt còn rất trẻ, mặt không còn hột máu, mắt không dám nhìn lên mỗi khi tôi và anh phóng viên nhà báo có lời hỏi han. Tên tù binh nào khai cũng giống nhau:

    “Thưa Thủ trưởng, nhà cháu mới mười lăm. Nhà cháu là thanh niên xung phong, sau đổi thành tình nguyện quân đi giải phóng Miền Nam. Nhà cháu được học tập là vào Nam chỉ để tiếp thu, không cần đánh nhau! Nhà cháu sợ đánh nhau lắm!”

    Ðại khái, cung từ khai thác tù binh, ngoài tên tuổi, đơn vị và ngày xâm nhập của chúng, chúng tôi không còn biết gì hơn. Cũng may là thời gian canh giữ tù không lâu, chỉ vừa nghe chúng tôi thông báo, thì vài ba phút sau ông Tỉnh trưởng đã cho xe ra mang chúng đi rồi.

    Chúng tôi tiếp tục làm đe cho quân Dù làm búa, cho tới một hôm, pháo binh Dù “Xè! Xè! Oành! Oành!” nổ ngay trên tuyến phòng ngự của tôi!

    Gặp cảnh tản đạn này thì chỉ còn cách vắt giò lên cổ mà chạy, chần chờ gọi máy liên lạc được với quân bạn, chờ cho họ ngưng tác xạ, thì mình đã chết hết rồi!

    Tôi cho quân cấp tốc bỏ tuyến lui vào giữ sân bay.

    Bố trí xong, tôi quay đầu nhìn lại thì thấy sau lưng mình có vài người lạ đang đuổi theo. Hóa ra đó là một tốp Việt-Cộng bị pháo dội trên đầu, nên bỏ hàng ngũ mà chạy chết.

    Bọn này vứt súng, cùng nhau phóng về hướng Bắc, ào qua suối rồi theo chân Biệt Ðộng Quân! Tới đầu phi đạo thì bốn tên bộ đội Bắc-Việt vội vàng giơ hai tay lên trời đầu hàng!

    Ðợt pháo tập trung của quân Dù sáng hôm đó đã khiến cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi thiệt mất ba người chết, bốn bị thương!


    *****

    Kết

    Tuyến phòng ngự mới của chúng tôi bây giờ là cái mương thoát nước nằm sát đường băng của phi trường. Ở vị trí này chúng tôi không thấy gì bên kia suối, nhưng xạ trường và thị trường trước mặt thì rất trống, nếu có chỉ dấu gì mới của địch thì chúng tôi cũng phát hiện ngay.

    Cũng trong khoảng thời gian này, vào một buổi trưa, Ðại tá Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 gọi cho tôi, bắt tôi xác nhận đi, xác nhận lại, xem trên một tọa độ cách tôi 6 hay 7 cây số về hướng Bắc Ðông Bắc có quân bạn hay không? Tôi cứ một tiếng “Không!” mà trả lời.

    Sau đó tôi thấy trên trời có chiếc vận tải cơ C 130 bay vòng vòng trên cao, rồi một tiếng “Ùm!” âm vang.

    Hóa ra đó là một quả bom loại tối tân nhất đã được thả xuống chiến trường Long-Khánh.

    Mãi lâu lắm, sau chiến tranh tôi mới biết đó là một quả bom nhiệt hạch, có tên CBU 85 (?) hay CBU 82 (?) gì đó có tầm sát hại rất là khủng khiếp. Tôi cũng nghe nói trong thời gian này còn một quả bom cùng loại đã được thả xuống vùng hướng Tây của thị trấn Xuân-Lộc.

    Hình như hai quả bom đó đã dẫn chiến trận rẽ sang một khúc quanh. Ðịch quân bỏ Xuân-Lộc, đi vòng về hướng Tây để vây hãm thủ đô Sài-Gòn.

    Năm giờ sáng ngày 18 tháng Tư có tiếng chiến xa gầm rú ầm ầm ngoài xa hướng Bắc và hướng Ðông. Pháo binh từ Tân-Phong và Núi Thị đều bắn tập trung thành một tuyến rào cản sát vành đai thị trấn.

    Suốt ngày hôm đó chúng tôi chờ mãi không thấy xe tank địch tiến lên, không thấy chiến xa địch bắn một viên đạn nào. Tới chiều tối, đoàn chiến xa Việt-Cộng theo nhau rút đi mất.

    Ðêm 18 tháng Tư tôi nhận được tin kiểm thính cho biết, một tiểu đoàn Cộng-Sản đang bị quân Dù vây hãm trong đồn điền của Thống tướng Lê Văn Tỵ sẽ kéo cờ trắng đầu hàng.

    Tôi nghĩ đơn vị Việt-Cộng này đã bị lính của Lữ Ðoàn 1 Dù vây kín ba mặt Ðông, Tây và Nam, chỉ còn mặt Bắc là bỏ ngỏ, biết đâu chúng nó sẽ kéo nhau về hướng Bắc, là chỗ tôi đóng quân để đầu hàng thì cũng vất vả cho chúng tôi lắm! Chỉ có cái việc lo chuyện ăn, ở cho họ cũng đã đủ mệt rồi!

    Ai ngờ chiều 20 tháng Tư tôi được Ðại tá Lê Xuân Hiếu gọi vào Trung Tâm Hành Quân Chiến Ðoàn 43 để thông báo rằng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vừa ra lệnh cho chúng tôi phải lập tức rút quân, bỏ rơi Long-Khánh!

    Tôi phải hoàn trả đại đội bộ binh tăng phái cho Thiếu tá Dư vì Tiểu Ðoàn 3/43 của anh Dư sẽ giữ vai trò tùng thiết cho Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh trong cuộc hành quân triệt thoái này.

    Tới giờ phút đó thì Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long không còn thống thuộc ai, vì thế đại đội này cứ theo chân đơn vị tôi như một thành phần của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân cho tới ngày về tới căn cứ Long-Bình.

    Tôi nhận được lệnh rút lui, mà trong lòng không khỏi ngỡ ngàng.

    Mười hai ngày qua chúng tôi đã chiến đấu quên mình để bảo vệ quê hương và bảo vệ danh dự của Quân- Ðội

    Trong chiến dịch Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975 Cộng Quân có hai yếu tố quan trọng là “Thiên Thời” và “Địa Lợi” nhưng những người tử thủ Xuân-Lộc, lại có yếu tố quyết định sống còn, đó là “Nhân Hòa”

    Vì có yếu tố “Nhân Hòa” ngàn người như một, quyết chiến, quyết thắng, nên Quân- Lực Việt-Nam Cộng-Hòa đã đánh cho địch ngất ngư, đánh cho địch “tà đầu”.

    Tháng Tư năm 1975, chiến trường Xuân-Lộc đã là mồ chôn của quân xâm lăng!

    Rõ ràng chúng tôi đang là người chiến thắng!

    Vậy mà bỗng dưng chiều nay Tổng thống dọa cắt tiếp liệu, tiếp vận, không cho chúng tôi tiếp tục chiến đấu, bắt chúng tôi cấp tốc lui binh.

    Vì hai chữ “tử thủ” mà mới hôm qua, những người anh em của tôi còn đổ máu giành giựt từng thước đất với quân thù, tôi đã chôn họ dưới những cái huyệt moi vội vàng, sâu chưa tới đầu gối.

    Hôm nay, có khi xác của họ còn chưa kịp lạnh.

    Trong mười năm chinh chiến, tôi đã từng nhiều lần đóng vai trò của một người “tử thủ” từ một ngọn đồi không tên nơi biên giới Việt Miên, tới những cái tiền đồn mà địa danh của chúng đã được ghi vào quân sử như Ðức-Cơ, Pleime, bây giờ là Long-Khánh.

    Không biết ngày mai, sau Long-Khánh tôi sẽ còn phải “tử thủ” rồi lại phải bỏ rơi nơi nào nữa đây?

    Tôi có mặt ở Xuân-Lộc đúng nửa tháng, vậy mà hình thù, dáng dấp thị trấn này như thế nào tôi cũng không hay. Ngoài cái phi trường và vài đoạn đường ngắn quanh đó, tôi không biết gì hơn.

    Trước lúc ra lệnh cho quân vào đội hình di chuyển, tôi dẫn theo toán Viễn Thám của Mom Sol đi tới đầu phi đạo hướng Ðông để có đôi lời khấn nguyện cho linh hồn 12 chiến sĩ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã ngủ yên trên chiến trường Xuân-Lộc sớm phiêu du nơi chốn Thiên Ðường.

    Ðoàn người bắt đầu rời vị trí, tới đầu con lộ đất, trong bóng đêm, tôi ngừng lại vài phút lặng nhìn con đường hẻm ẩn mình dưới vòm tre đen. Con đường hẻm này tôi đã ví như Lạc Phụng Ba của Phụng Sồ thời Tam Quốc.

    Nơi cuối con hẻm và trên đồng cỏ ngoài kia là xác những chiếc chiến xa Việt-Cộng đã bị bắn cháy nằm rải rác. Trên lưng mỗi chiến xa đó đều được sơn một giòng chữ bằng khói màu vàng “Tiểu Đoàn 82 BĐQ diệt tank”

    Sự hiện diện của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975 quả là một điều quá bất ngờ, ngoài dự liệu của Thiếu tướng Hoàng Cầm.

    Vì thế trên đoạn sạn đạo này, “Người giỏi đánh” và “Người giỏi giữ” đã tình cờ đối đầu nhau.

    Và trên con hẻm oan nghiệt ấy, danh tướng Hoàng Cầm của Bắc-Việt đã thành bại tướng.

    Phải chăng chuyện hội ngộ của hai người cầm quân ngày đó đã được thiên cơ tiên liệu, an bài?

    Ði qua cái nhà chứa máy bay đã tan tành, đổ nát, tôi thấy 2 chiếc L.19 vẫn còn nằm trong đó.

    Tới trước tòa tỉnh trưởng, Ðại tá Phạm Văn Phúc chạy ra cổng, nắm tay tôi và ngỏ lời muốn tháp tùng theo đoàn quân của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân, tôi đã chối từ.

    Tôi không cho ông Ðại tá Tỉnh trưởng đi theo, vì tôi đã được lệnh chỉ bảo vệ Chuẩn tướng Tư lệnh chiến trường và Ðại tá Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 thôi.

    Bốn mươi lăm năm sau, tôi vẫn chưa quên được hình ảnh thật là cảm động lúc chia tay, trong bóng tối, ông Ðại úy trưởng quầy hàng Quân Tiếp Vụ Tiểu Khu Long-Khánh đã hối hả chạy đi, chạy lại, giữa chiếc xe Dodge chở hàng và đoàn quân đang di chuyển để dúi vào tay những người lính vài gói mì ăn liền và vài bao thuốc lá.

    Không rõ sau ngày chiến tranh kết thúc, ông đại úy này có còn sống hay không?

    Trong cuộc lui binh rời bỏ Xuân -Lộc, Long-Khánh đêm 20 tháng 4 năm 1975, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

    Sáng 21 tháng 4 năm 1975 Chuẩn tướng Tư lệnh chiến trường và Ðại tá Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 đã được chúng tôi bảo vệ an toàn về tới Bình Ba, Phước-Tuy.

    Tôi cũng không thể ngờ rằng, vì tôi đã từ chối không cho ông Ðại tá Tỉnh trưởng Long-Khánh đi theo Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân mà chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì Ðại tá Phạm Văn Phúc đã bị địch bắt sống khi ông đang trên đường lui binh.

    Ông tiểu đoàn phó của tôi là Ðại úy Ngũ Văn Hoàn vì bị đau chân nên không theo kịp đơn vị. Ông ta bị tụt lại đàng sau phải đi theo quân Dù. Tới tối ngày 21 tháng Tư ông Hoàn mới tới chỗ chúng tôi trú quân.

    Những anh lính người Nùng trong toán bảo vệ cho ông đại úy như Trung sĩ Nông Văn Tụi, Binh 1 Vi Văn Trung và toán Viễn Thám của Binh 1 Nguyễn Tuấn cũng không thấy về, không rõ họ đã bị thất lạc, hay họ đã chết trên đường Liên Tỉnh Lộ số 2.

    Ngày 21 tháng Tư năm 1975 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

    Người lên thay ông Nguyễn Văn Thiệu là Phó tổng thống Trần Văn Hương đã hết lời ca ngợi chiến thắng Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975.

    Sau khi nhậm chức, Tổng thống Hương đã ra quyết định thăng một cấp đặc cách tại mặt trận cho tất cả quân nhân có mặt ở Xuân-Lộc trong suốt thời gian dầu sôi lửa bỏng. Trận Xuân-Lộc đã trở thành chiến thắng oanh liệt sau cùng của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa.

    Chiều 22 tháng 4 năm 1975 Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân về tới Long-Bình.

    Tôi được tin báo rằng hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Trần Ðình Ðàng đã được bốc về đây ngay sau khi bị Cộng Quân đẩy lui ra khỏi phi trường Phan-Thiết. Ngày đó đoàn trực thăng đi đón một Lữ Ðoàn Nhảy Dù ở mặt trận Phan Rang đã không liên lạc được với quân Dù nên phải về không, trên đường về họ đã xuống cứu đơn vị Biệt Ðộng Quân của Thiếu tá Ðàng.

    Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân nằm ứng chiến sẵn sàng trong căn cứ Long-Bình, trong khi người thủ đô Sài-Gòn cuống cuồng tìm đường đưa gia đình di tản.

    Giữ lời ước nguyện, anh em của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã không lìa bỏ nhau. Ngày 28 tháng Tư năm 1975 tôi dẫn quân vào vùng. Cho tới trưa 30 tháng Tư năm 1975 chúng tôi vẫn còn vững tay súng, sát cánh bên nhau, cùng nhau đi tới cuối đường để bảo vệ quê hương.

    Trong 48 giờ cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt-Nam, hơn một trăm người anh em Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi đã phơi thây trên chiến địa.

    Trong số những anh hùng vị quốc bị nghiền nát dưới bánh xích chiến xa T54 của quân thù có Ðại úy Ngũ Văn Hoàn, Tiểu đoàn phó của tôi và Binh 1 Lê Văn Bích, người nấu cơm cho tôi.


    Trong cuộc chiến tranh này, tôi đã cố gắng hết sức mình để làm tròn nghĩa vụ một công dân Việt-Nam Cộng-Hòa. Là một người lính, tôi đã chiến đấu tới giờ phút cuối cùng để bảo vệ đất nước, bảo vệ danh dự Quân Ðội.

    Vì thế, suốt những năm dài bị giam giữ, tù đày, lúc nào đầu tôi cũng ngửng cao.

    Mười ba năm sau khi thua trận, tôi được tha về.

    Cám ơn Trời! Vợ con tôi vẫn còn là của tôi.

    Thời buổi ấy, kỷ niệm chiến chinh của dĩ vãng, hầu như đã quên; suốt ngày tôi chỉ lo chuyện cơm, áo, gạo, tiền.

    Thế rồi số phận đổi thay, tôi được nhận vào định cư ở Hoa-Kỳ theo diện H.O.

    Qua tới Mỹ, tôi có dịp gặp lại những người chỉ huy cũ của chiến trường Xuân-Lộc, Long-Khánh năm 1975 là Thiếu tướng Lê Minh Ðảo, Ðại tá Hứa Yến Lến, Ðại tá Lê Xuân Hiếu, Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh, và Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế.

    Từ đây, tôi biết tin Trung tá Trần Văn Nô Thiết đoàn trưởng Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh đã qua đời vì bạo bệnh sau khi được tha về từ trại cải tạo.

    Tôi cũng nghe tin, chỉ một ngày sau lệnh buông súng đầu hàng, thì anh bạn của tôi là Thiếu tá Nguyễn Văn Dư, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 3/43 Bộ Binh đã bị Việt-Cộng tìm tới tận nhà, đánh gãy hai chân rồi đem đi thủ tiêu mất xác.

    Tướng Ðảo cũng cho chúng tôi hay, cựu Ðại tá Phạm Văn Phúc sau ngày ra tù thì tình nguyện ở lại Việt-Nam và đã qua đời.

    Ở Hoa-Kỳ, hiện thời cựu Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh đã phải ngồi xe lăn, đi đâu cũng cần người phụ giúp.

    Cựu Ðại tá Lê Xuân Hiếu và tôi thì chọn cuộc sống âm thầm, ẩn dật, chỉ giao thiệp với một số bạn bè giới hạn.

    Còn cựu Thiếu tướng Lê Minh Ðảo, Ðại tá Hứa Yến Lến, và Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế lại thường xuyên xuất hiện trước công chúng, họp mặt với các hội đoàn.

    Tướng Ðảo hay nói với tôi và anh Hiếu câu này:

    “Mình là chứng nhân của lịch sử. Mình không kể lại, không nói ra, thì ai sẽ thay mặt cho mình đây?”

    Hằng năm, cứ tới gần ngày 30 tháng Tư, thì cựu Thiếu tướng Lê Minh Ðảo lại bận rộn với những buổi thuyết trình, họp báo.

    Nhân dịp này, đồng bào Việt Hải Ngoại lại được nghe Tướng Ðảo tường thuật lại diễn tiến từng ngày của chiến thắng lẫy lừng Xuân-Lộc năm xưa.

    Trong những buổi họp báo đó, thế nào Tướng Ðảo cũng nhắc tới Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của Thiếu tá Vương Mộng Long như là một bất ngờ của trận đánh này.

    Có một lần, khi trả lời phỏng vấn, vị cựu Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh đã cao hứng, khen Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân là một đơn vị có cung cách đánh giặc thật “Thần Sầu”.

    Tôi nghĩ rằng ở thế giới bên kia, linh hồn những người đàn em của tôi đã nằm xuống vì đất nước sẽ rất vui khi nghe được những lời tuyên dương của ông Tướng Tư lệnh Mặt Trận Long-Khánh.

    Với người khác thì Thiếu tướng Lê Minh Ðảo là “Tư Lệnh” là “Người hùng” vì Tướng Lê Minh Ðảo là linh hồn của chiến thắng Xuân-Lộc lẫy lừng. Thiếu tướng Lê Minh Ðảo là người ở tù cải tạo lâu năm nhất. Sang Mỹ, ông cũng là một chiến sĩ chống Cộng không mệt mỏi. Ông Lê Minh Ðảo còn là một thuyết khách, đồng thời là một nghệ sĩ tài hoa.

    Nhưng với riêng tôi, thì ông Ðảo lại là một người anh mà tôi thực lòng quý mến.

    Ngoài tình đồng môn Võ-Bị, tình chiến hữu, giữa tôi và Tướng Ðảo còn những kỷ niệm khó quên trong thời gian chúng tôi chung sống khi bị giam giữ tù đày ở Trại cải tạo Nam-Hà A, ngoài Bắc-Việt.

    Từ lâu rồi, ông Ðảo đã là “Anh Tư” của vợ chồng tôi.

    Theo thông lệ, hàng năm chúng tôi đều hẹn gặp Thiếu tướng Lê Minh Ðảo một lần ở tư gia của Ðại tá Lê Xuân Hiếu dưới Portland, Oregon, để tâm tình và thăm hỏi nhau.

    Mỗi khi gặp lại, tôi đều phải “báo cáo” với “Anh Tư” tình trạng hiện thời của cháu Tiên Giao, đứa con gái thứ ba của tôi, mà tên nó đã trở thành danh hiệu truyền tin của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975.

    Trong số một vài người mà tôi coi là thân thiết thì Anh Tư là người độc nhất biết tường tận từng bước trưởng thành của cháu Tiên Giao, từ khi nó bắt đầu vào đại học cho tới ngày nó trở thành một manager của một công ty lớn, rồi có gia đình, và có một cháu trai.

    Lần chúng tôi gặp nhau gần nhất là tháng 9 năm 2014.

    Từ năm 2015 chúng tôi không còn hội họp ở nhà anh Hiếu nữa, nhưng vẫn thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm nhau.

    Và mỗi năm, theo thói quen, cứ tới ngày đầu tháng Tư tôi vẫn không quên vấn an vị cựu Tư lệnh chiến trường Long-Khánh; lần nào tôi cũng được nghe ông cổ vũ:
    “Bây giờ em không còn súng! Nhưng em còn cây bút! Em cố gắng nói cho đồng bào mình, cho con em mình và thế hệ mai sau biết rằng, anh em ta đã đem hết sức mình để phục vụ quê hương, phục vụ đồng bào! Cố gắng nghe em!”

    Cuối tháng Ba năm 2020 trên vòm trời Bắc Mỹ có một vì sao rụng.

    Hằng Minh đã ra đi rồi!

    Thế là từ đây, con chim đầu đàn của chiến trường Xuân-Lộc, Long-Khánh tháng Tư năm 1975 mãi mãi xa bầy.

    Giờ này ở nơi thế giới mới xa thăm thẳm, Anh Tư có còn nghe được tiếng của em không?

    “Hằng Minh đây Tiên Giao gọi! Tháng Tư lại về rồi! Hằng Minh ơi!”

    Vương Mộng Long - K20
    Seattle tháng Tư năm 2020

  2. The Following 6 Users Say Thank You to KiwiTeTua For This Useful Post:

    khongquan2 (08-22-2020), muahong (08-20-2020), Nguyen Huu Thien (08-22-2020), saomai (08-21-2020), TH-72G (08-20-2020), Tinh Hoai Huong (08-20-2020)

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-15-2018, 12:56 AM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-31-2016, 05:58 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-16-2016, 01:17 AM
  4. Trở lại trận Ban mê Thuột 1975
    By Longhai in forum Chuyện 30.4
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 03-19-2015, 01:12 AM
  5. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-17-2011, 03:21 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •