Remember ?

kết quả từ 1 tới 6 trên 14

Tựa Đề: Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #2
    Moderator
    KiwiTeTua's Avatar
    Status : KiwiTeTua v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2008
    Posts: 2,964
    Thanks: 33
    Thanked 110 Times in 40 Posts

    Default Mặt trận Đông Nam – Xuân-Lộc 1975 (4-6)

    Phần 4

    Người ta nói trong trận Xuân-Lộc tháng Tư năm 1975 cả hai ông Tướng Hoàng Cầm và Lê Minh Ðảo đều được đánh giá là toàn hảo. Cả hai vị chỉ huy Nam Quân và Bắc Quân đều đã bỏ ra rất nhiều công sức để chuẩn bị trận đánh này.

    Nếu không có những biến chuyển bất ngờ thì chắc chắn trận Xuân- Lộc sẽ diễn tiến đúng theo bài bản đã dựng sẵn của cả hai ông tư lệnh.

    Chiều hôm qua trong lúc vào Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn để xin mấy bộ bản đồ Xuân-Lộc và cái đặc lệnh truyền tin, tôi đã được nghe Ðại tá Hứa Yến Lến kể sơ lược tình hình bạn và địch trong vùng.

    Lực lượng bạn gồm có Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, và lực lượng Ðịa Phương Quân của Tiểu khu Long-Khánh, nay được tăng cường thêm một đơn vị Biệt Ðộng Quân duy nhất là Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi.

    Qua lời Ðại Tá Lến, tôi biết thêm, trong thời gian vừa qua Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo đã bỏ công thiết trí nhiều vị trí chỉ huy tiền tiêu, phòng khi chiến trận xảy ra, bộ chỉ huy hành quân có thể di động từ vị trí này tới vị trí kia. Pháo binh cũng di động không ngừng. Ðặc biệt là khi bắn phá thì tập trung hỏa lực để tăng cường hiệu quả.

    Về phía địch thì hầu như ai cũng hay, sau khi thanh toán xong Vùng 1 Chiến Thuật và Cao-Nguyên Vùng 2 của Việt-Nam Cộng-Hòa, Cộng Quân đã có đủ trong tay yếu tố tất thắng gồm cả nhân lực và khí tài.

    Bản tin tình báo do Phòng 2 Quân Ðoàn III cung cấp cũng ghi rõ, người chỉ huy binh đoàn Cộng Quân sẽ tiến công Xuân-Lộc là một danh tướng của Miền Bắc, Thiếu tướng Hoàng Cầm.

    Tôi đã biết Hoàng Cầm là người từng chỉ huy các đơn vị Cộng-Sản đánh chiếm căn cứ Biên Phòng Bu Prang ở làng Bù Bông, Quảng-Ðức cuối năm 1973.

    Hoàng Cầm cũng là người chỉ huy trận Phước- Long đầu năm 1975. Ngày đó tôi đang trấn giữ vùng giáp ranh Quảng-Ðức và Phước-Long; những quân nhân thoát chạy từ Phước- Long về Quảng-Ðức phần nhiều đều do đơn vị dưới quyền tôi tiếp cứu, trong số đó có ông Thiếu tá Cảnh-Sát Quốc-GiaPhước-Long tên là Tư.

    Từ cuối năm 1974 tôi đã từng đối mặt với Trung Ðoàn 271 trực thuộc Sư Ðoàn 7 Cộng-Sản Bắc-Việt của Hoàng Cầm trong một thời gian khá dài.

    Vài ngày, trước khi rút khỏi Quảng-Ðức, tôi đã đánh cho đơn vị này một trận thất điên bát đảo.

    Hiện thời, tại chiến trường Long-Khánh, dưới quyền Thiếu tướng Hoàng Cầm có 3 sư đoàn bộ binh cùng với một trung đoàn xe tank và một trung đoàn pháo binh. Ðó là chưa kể tới lực lượng địch dự bị tăng viện cho mặt trận này có thể lên tới cấp quân đoàn.

    Ai cũng biết ba yếu tố quyết định thắng lợi của một trận đánh là: “Thiên Thời, Ðịa Lợi, và Nhân Hòa”

    Trong chiến dịch này, Tướng Hoàng Cầm đã nắm chắc hai trong ba yếu tố quan trọng trên.

    1) Về “Thiên Thời” bây giờ đang tiết cuối Xuân, đường sá khô ráo, việc vận hành quân lương, binh lính và cơ giới thật thuận tiện.

    2) Về “Ðịa Lợi” xung quanh Xuân-Lộc là rừng lá xanh rì, dù có bay rà sát đọt cây, trinh sát cơ của Việt-Nam Cộng-Hòa cũng khó mà tìm ra vị trí trú quân của những binh đoàn Cộng-Sản.

    Trong khi đó thì Thị trấn Xuân-Lộc của Việt-Nam Cộng-Hòa lại nằm phơi mình lồ lộ, đứng từ xa mà dùng ống nhòm, người ta có thể thấy từng nóc nhà, từng khu phố.

    Cũng vì có “Ðịa Lợi” nên Hoàng Cầm có thể tự do đi đâu thì đi, có thể đích thân điều nghiên thực địa, rồi chọn lựa mục tiêu. Từ đó, ông ta biết được nơi nào có thể đánh, nơi nào không cần đánh.

    Trong thiên “Hư Thực” còn gọi là thiên “Biến Hóa” của Tôn Tử Binh Pháp có ghi:

    “Người giỏi đánh, quân địch không biết đâu mà giữ. Người giỏi giữ, quân địch không biết đâu mà đánh.”

    Hoàng Cầm là một tướng tài, ông ta là “Người giỏi đánh, quân địch không biết đâu mà giữ.”

    Dù cho không phải là Hoàng Cầm, mà bất cứ người cầm quân nào cũng phải biết rằng, “Ðánh mà chắc chắn lấy được, phải đánh vào chỗ họ không giữ.”

    Bởi vậy, khi thấy con hẻm chiến thuật bên hông phi trường Xuân-Lộc đã bị lực lượng trú phòng chẳng những “không giữ” mà còn coi nhẹ, bỏ quên, nên Hoàng Cầm đã “biến hóa” nó thành một lưỡi dao găm để đâm một nhát trí mạng xuyên qua trái tim của thị trấn.

    Nhưng đâu ngờ ngày đó trong số những người chỉ huy phòng thủ cũng có “Người giỏi giữ, quân địch không biết đâu mà đánh.”

    Người đó đã nhìn ra sự lợi hại của con hẻm này, nên đã “biến hóa” nó thành tử lộ đón chờ những chiếc tank T54 của Hoàng Cầm sẽ đi qua.

    Tóm lại, sự thắng bại trên mỗi chiến trường không chỉ do tài thao lược của cấp chỉ huy, do tay nghề và lòng quyết chiến của người lính, mà nó còn phụ thuộc vào những nước cờ “biến hóa” đúng thời, đúng khắc của người cầm quân.

    Gần tối ngày 7 tháng Tư, giữa cái nhà vòm có mái tôn rộng thênh thang, tôi ngồi một mình với chai bia cổ cao. Thường thì người đối ẩm của tôi là Thiếu úy Ðặng Thành Học. Giờ này chú Học còn bận gài mấy quả mìn chưa về.

    Có tiếng động cơ xe gắn máy hướng sân bay, rồi tiếng léo nhéo từ cái lô cốt ngoài cổng chính, người to tiếng là Ðại úy Ngũ Văn Hoàn,

    – Mi cứ vào trình diện ổng đi! Chắc ổng không la đâu!

    Rồi ai đó nói nhỏ hơn,

    – Nhờ Hoàng Long dẫn em vào gặp Thái Sơn! Vào một mình, em sợ lắm!
    – Hồi sáng mày ngon lắm mà! Sao giờ này lại “thỏ đế” vậy! Rồi! Ði! Ði theo tao!

    Ðại úy Hoàn, danh hiệu là Hoàng Long, chân chưa kịp cột dây giày, bước thấp bước cao, đang đi về phía tôi, sau lưng ông là một người tôi chưa nhìn rõ mặt.

    Ông Hoàn nói,

    -Thằng Thọ vừa về lại tiểu đoàn. Nó không dám vào gặp Thái Sơn, nó nhờ tôi dẫn nó trình diện Thái Sơn đây!

    Thấy Binh nhì Phan Thọ cứ nép mình sau lưng ông Hoàn, tôi lấy làm lạ, bỏ chai bia xuống rồi nhẹ nhàng,

    – Sao mi không đi luôn mà còn về đây làm chi vậy?

    Anh Binh nhì nấu cơm của tôi lúc này như vừa hoàn hồn, hết sợ, ào tới ôm chân tôi rồi khóc,

    – Hu! Hu! Hu! Em đâu có bỏ Thái Sơn! Em chỉ chạy về thăm má em rồi em trở lại! Em đâu có bỏ ông thầy!
    – Ủa! Nhà mi ở gần đây à? Sao không xin phép về thăm mà vội vàng bỏ súng chạy đi, làm cho anh em cứ tưởng rằng mi bỏ hàng, bỏ ngũ?

    – Dạ! Nhà em ở sát bến xe. Má em bán bún trong chợ. Tại vì Thái Sơn ra lệnh cấm quân, em đâu dám xin phép! Em cũng không dám “dù” về thăm má. Sáng nay nhân lúc Thái Sơn không có mặt, em đánh liều chạy về nhà. Anh Hai em có cái xe đò. Cả nhà em đã chuẩn bị, sáng mai thì chạy về Hố-Nai. Anh Hai em và mấy đứa em của em đều khuyên em đi theo gia đình. Nhưng em biết rằng giờ này Thái Sơn không còn ai thân thuộc. Em không nỡ bỏ Thái Sơn. Má em cũng nói, tùy ý em, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở. Nhưng em biết ý má muốn em ở lại với Thái Sơn. Có điều… có điều… một ngàn đồng của Thái Sơn, em tiêu mất hai trăm rồi! Thằng xe thồ đòi hai trăm tiền công chở em từ chợ về đây. Tám trăm còn lại, em đã đưa cho Hoàng Long để trả lại cho Thái Sơn!

    Thằng em tôi vừa khóc sụt sùi, vừa nói một hơi không nghỉ. Rồi nó cầm bàn tay phải của tôi, bóp bóp không chịu buông. Tôi thấy hình như bàn tay lạnh giá của tôi vừa ấm lại. Ðồng thời cũng giây phút ấy, tôi thấy hai mắt mình hơi cay cay…

    Ðêm đó người căng võng, đắp mền cho tôi vẫn là thằng em Phan Thọ.

    Sáng hôm sau, người pha cà phê cho tôi cũng vẫn là nó.

    Cho tới năm ngày sau nữa thì Binh nhì Phan Thọ bị phòng không 12.8 ly của Việt-Cộng bắn thủng ruột khi đang leo lên tháo khẩu súng đại liên gắn trên chiếc chiến xa T54 vừa bị bắn cháy.

    Chiến tranh đã tạo nên nhiều trang sử liệt oanh, quang vinh, nhiều tấm gương hy sinh can đảm, những mối tình đẹp, những mối tình buồn, những cuộc chia ly, những chiến công rất phi thường. Nhưng cũng còn có những chuyện rất lạ thường phát sinh từ cái tình “huynh đệ chi binh” mà ra. Chính vì cái tình “huynh đệ chi binh” đó, mà thầy trò tôi, dù gặp hiểm nguy, dù cho sắp chết, cũng không nỡ lòng nào mà bỏ nhau.


    Đ/Tá Hứa Yến Lến, Th/Tá Vương Mộng Long, Th/Tướng Lê Minh Đảo, Th/Tá Nguyễn Hữu Chế (USA 2009)

    Tôi là một người đã trải qua một đời chinh chiến, những kỷ niệm in sâu trong tâm tưởng của tôi, suốt đời không quên được, chính là những chuyện liên quan tới ân tình của những thằng em dưới quyền tôi.

    Tới tối ngày 7 tháng Tư, sau khi nghe Ðại tá Phúc báo cho biết rằng gần 5 giờ chiều hôm đó hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân đã được Chinook của Phi Ðoàn 237 bốc về thả ở phi trường Phan-Thiết, tôi bèn vào Trung Tâm Hành Quân Tiểu Khu Long-Khánh, gọi cho Trung Tâm Hành Quân Quân Ðoàn III xin liên lạc với Trung tướng Tư lệnh Quân Khu 3 để cám ơn.

    Qua ba cửa ải là, một ông Chuẩn úy sĩ quan trực mà tôi không biết tên, tới ông Thiếu tá Nho, rồi đến ông Ðại tá Thọ, tôi mới được nói chuyện với Tướng Toàn.

    Tôi cám ơn Trung tướng Tư lệnh Quân Khu 3 đã nể tình tôi quen biết nên ông đã ra tay cứu vớt Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân của Vùng 2.

    Ðầu máy bên kia tôi không rõ Tướng Toàn nghĩ gì, chỉ nghe ông “Ừ! À!” mấy tiếng.

    Tới lúc tôi hỏi ông,

    – Sao Trung tướng không đem toàn bộ Liên Ðoàn 24 về Long-Khánh cho tôi, mà lại để hai tiểu đoàn kia ở Phan-Thiết vậy?

    Thì ông Toàn nổi dóa,

    – Ð!M! Ðem tụi nó về Xuân-Lộc làm chi? Tau đâu cần tụi nó!

    La hét xong, Tướng Toàn cúp máy.

    Sau trận Long-Khánh, gặp lại nhau ở Bình-Ba, nghe tôi nhắc lại chuyện tôi đã làm cho ông nổi giận, khiến ông vì tự ái mà cứu hai tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân bạn, thì ông Toàn cười,

    – Nếu hôm đó tau không ghé thăm mi, thì tau đâu có bị mi khích tướng? Tau đã để tụi nó chết trong rừng rồi! Tau là Tư lệnh Vùng 3! Tau đâu có trách nhiệm gì với Vùng 2? Không ai có quyền bắt tau phải bốc tụi nó cả! Tau chỉ cần mi thôi, nên tau bỏ tụi nó ngoài Phan-Thiết.

    Tôi đâu có lạ gì ông Tướng Nguyễn Văn Toàn? Ông ta là người hứa đó rồi quên đó!

    Ấy vậy mà lúc này đây, lần đầu tôi thấy ông ta tỏ ra là một người coi trọng nghĩa khí, đã hứa thì phải làm, đã nợ thì phải trả.

    Tôi sẽ mãi mãi không quên cái phong cách giang hồ trượng nghĩa mà Trung tướng Nguyễn Văn Toàn đã đối xử với tôi, và các đơn vị dưới quyền tôi ngày ấy.

    Như vậy là từ giờ phút này, điều băn khoăn, áy náy nhất của tôi đã được giải quyết, tôi đã không còn phải lo lắng gì tới số phận của hai Tiểu Ðoàn 63 và 81 Biệt Ðộng Quân nữa.

    Mặt khác, tôi cũng đã yên tâm về mặt trang bị, vì chỉ sau một ngày, chúng tôi đã được cấp phát gạo, đạn, giày vớ, và điện trì đầy đủ. Dù không nhận được khẩu súng cộng đồng nào, chúng tôi vẫn có thể coi như một tiểu đoàn khinh chiến, dạn dày kinh nghiệm, đủ sức chiến đấu trong bất cứ tình huống nào.

    Sáng ngày 8 tháng Tư tôi đang ngồi bên cái lô cốt cổng chính, uống cà phê cùng ông tiểu đoàn phó thì một anh lính tay cầm chiếc radio nhỏ chạy ào tới, miệng lắp bắp,

    – Trình Thái Sơn, Sài-Gòn có loạn! Sài-Gòn có đảo chánh!

    Tôi giựt cái máy thu thanh trên tay người lính. Trong máy, là tiếng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang kêu gọi toàn dân, toàn quân hãy đoàn kết sau lưng ông để chống lại một cuộc dấy binh lật đổ ông.

    Tiếp đó là nhạc quân hành, giống y như cảnh đã xảy ra nhiều năm trước đây, khi chính trường có biến động.

    Tôi rời cái pháo đài, đi một vòng ra lệnh cho anh em tu sửa hệ thống hầm hố và giao thông hào, cốt ý là để cho họ bận bịu công việc mà đừng bàn tán xôn xao về những tin tức phát đi từ thủ đô Sài-Gòn.

    Ðại úy Hoàn đi kế bên, nhìn tôi dọ dẫm,

    – Thái Sơn nghĩ sao, nếu có đảo chánh?

    Tôi là người có quá nhiều kinh nghiệm với những vụ đấu đá của các sứ quân thời hậu đảo chánh năm 1963, và tôi đã từng là nạn nhân với nhiều năm sống xấc bấc, xang bang vì dính líu tới mấy chuyện này rồi.

    Tôi buột miệng,

    – Buồn quá! Sắp mất nước tới nơi mà mấy ông to đầu còn lo tranh giành nhau!

    Tới trưa thì mọi chuyện sáng tỏ, không có đảo chánh, mà chỉ có chuyện một phi công nội tuyến đem bom thả xuống dinh Ðộc-Lập.

    Tôi tản bộ ra khỏi vòng rào, ghé thăm Thiếu úy Thủy và Ðại Ðội 4/82, rồi tiện thể đi quan sát cây cầu nằm cách bờ rào hướng Ðông Nam của Trại 181 Pháo Binh không xa.

    Tôi còn hai quả mìn chống chiến xa và vài cuộn concertina chưa dùng tới, nên tôi giao cho Ðại Ðội 4/82 lo gài mìn và rào kín một đầu cầu. Cẩn tắc vô áy náy! Dư vật liệu chống tank thì ta cứ đề phòng trước là hơn.

    Khoảng hai giờ chiều, trong máy truyền tin, trên tần số của Chiến Ðoàn 43 có tiếng Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo,

    – Tiên Giao đây Hằng Minh!
    – Hằng Minh đây Tiên Giao nghe!

    – Em đang ở đâu vậy? Qua muốn gặp em ở đầu phi đạo.
    – Tôi đang ở đó!

    – Qua xuống ngay!

    (Hằng Minh là danh hiệu của Tướng Ðảo, Tiên Giao là tên đứa con gái thứ ba của tôi, cũng là danh hiệu do tôi chọn cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân).

    Chiếc C&C đáp, một người nhảy xuống đầu phi đạo, chiếc tàu bay đi. Tướng Lê Minh Ðảo vẫn gọn gàng, súng ngắn, nón sắt nhưng xuống đất mình ên, không có người hộ tống, không tùy viên, không máy truyền tin.

    Ông Tướng thay vì đưa tay cho tôi bắt, lại dang tay ôm tôi một cái thật chặt rồi thả ra, cứ như phong cách của các ông chỉ huy Phương Tây.

    Với cử chỉ thật là vồn vã, Tướng Ðảo vỗ vai tôi,

    – Qua mới từ Long-Bình lên đây cốt ý là để thăm đơn vị của em vài phút rồi qua phải đi ngay.

    Sau đó ông Tướng nhìn tôi, nhẹ giọng,

    – Em đã cảm thấy okay với không khí ở đây chưa?

    Thật hững hờ, tôi đáp lời ông,

    – Cám ơn Chuẩn tướng! Ở đây chắc chắn là thoải mái hơn những ngày vừa đói, vừa đánh, vừa lui, ở trong rừng.


    *****

    Phần 5

    Tướng Ðảo ngỏ ý muốn tôi dẫn ông đi một vòng của tuyến phòng thủ để thăm hỏi và khích lệ tinh thần anh em binh sĩ.

    Lúc này tôi mới rõ dụng ý của ông Tướng, cố ý đi một mình, không đem theo tùy tùng, để thuộc cấp nhìn vào, thấy được sự hòa đồng, bình dị của ông.

    Dừng chân nơi đầu con hẻm, chỗ tôi đặt cái chốt hỗn hợp Biệt Ðộng Quân và Ðịa Phương Quân, Tướng Ðảo thắc mắc,

    – Hình như Long mới cho rào con lộ này thì phải?

    Tôi phải từ từ kể cho ông Tướng nghe chuyện tôi đã phát giác ra những quả mìn đã bị tháo ngòi, chuyện Việt-Cộng đã đánh mốc con đường ở ngoài kia, và chuyện tôi chuẩn bị bãi mìn, rồi rào giậu ra sao cho ông Tướng Tư lệnh Sư Ðoàn biết.

    Nghe xong, Chuẩn tướng Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh vội nắm tay tôi,

    – Ði! Long phải dẫn qua đi quan sát con hẻm này ngay!

    Tôi ra lệnh cho các quân nhân đang giữ cái chốt đầu con hẻm gỡ một bên rào, rồi tiến ra ngoài bãi tranh giữ an ninh, để cho ông Tư lệnh chiến trường đi thám sát trận địa.

    Tướng Ðảo đã thận trọng bước từng bước một theo con hẻm, bỏ công quan sát từng hố mìn, từng lớp kẽm gai, rồi đứng ngẩn người hồi lâu như đang suy tính điều gì đó.

    Ra tới ngoài đồng cỏ, ông Tướng còn muốn tôi dẫn ông tiếp tục thám sát con đường mà Việt-Cộng đã cắm mốc trong vườn xoài, vườn chuối, nhưng tôi không đồng ý,

    – Tôi không thể đưa Chuẩn tướng đi vào rừng được, nguy hiểm lắm! Nếu có chuyện bất trắc, sợ rằng mình trở tay không kịp.

    Sau vài phút ngắm nhìn khu đồng tranh và vườn chuối ngoài xa, ông Tướng giơ tay chỉ về phía bìa rừng,

    -Tối nay em nhớ gửi cho qua một hỏa tập đánh chặn ngay cửa rừng, phòng khi địch ào vào cánh đồng tranh kia thì mình khóa đít nó lại bằng pháo binh, khiến cho chúng nó tiến không được, mà thối cũng không xong!

    – Thưa Chuẩn tướng, chiều hôm qua tôi đã đưa những hỏa tập tiên liệu cho Ðại tá Hiếu rồi!

    Về tới cổng trại 181 Pháo Binh, Tướng Ðảo dang hai tay ôm vai tôi thật thân thiết,

    – Em giỏi! Qua công nhận là em giỏi! Hổm rày qua đã coi thường em, tính cho em ở càng xa thành phố càng tốt, không ngờ chuyện cho em đóng quân ở đây lại là điều may! Nếu giao chỗ này cho ai khác, không phải là em, thì yếu điểm này đã bị bỏ quên rồi! Chúng ta sẽ chết vì con hẻm này! Mai mốt phải đánh nhau mà xe tank địch bị chận lại ở đây thì em là người có công đầu đó! You’re excellent!

    Nghe lời khen của Tướng Ðảo mà lòng tôi cứ dửng dưng, không mảy may vui thích hay tự hào.

    Ở Vùng 2, tôi đã từng được Tướng Ân, Tướng Du, Tướng Toàn, Tướng Cẩm, Tướng Niệm… vỗ vai khen giỏi nhiều lần rồi, vậy mà đầu tháng 3 năm 1975, trên đồi Kiến-Ðức, tôi chỉ biết chết đứng giữa trời mà nhìn gia đình vợ con tôi đắm chìm trong biển lửa Ban Mê Thuột.

    Tôi đưa ông Tư lệnh vào căn cứ 181 Pháo Binh để cho ông trò chuyện với anh em binh sĩ đang tạm trú nơi này. Sự ân cần, thân ái của ông đã làm những người lính Thượng của Vùng 2 cảm thấy được an ủi phần nào.

    Lúc trở ra, qua cái lô cốt cổng chính, nhìn thấy mấy cháu bé đang chơi đùa giữa sân, Tướng Ðảo ngạc nhiên,

    – Gia đình binh sĩ của Long hay của đơn vị nào vậy?

    Tôi lắc đầu,

    – Ðó là gia đình của các anh em Pháo Binh Sư Ðoàn. Con cái của chúng tôi đã mất hết rồi! Ở Ban Mê Thuột!

    Nghe tôi trả lời, Tướng Ðảo bèn cầm tay tôi, nhỏ giọng,

    – Qua biết vì sao về tới đây em lại dùng danh hiệu “Tiên Giao” Mong rằng hiện thời cháu bé Tiên Giao, con gái của em, vẫn bình an. Ðại tá Hưng đã kể cho qua nghe tình trạng hiện thời của gia đình em. Qua cũng đã nghe Trung tướng Tư lệnh Quân Ðoàn nhắc lại những chiến tích của em ở Vùng 2. Trung tướng ngợi khen em lắm! Qua rất ân hận trong mấy ngày vừa qua, qua đã đối xử với em không tốt. Bây giờ thì qua biết lỗi rồi. Qua tin rằng những ngày sắp tới, anh em mình sẽ không còn gì lấn cấn nữa. Em và những người lính của em đã chịu thiệt thòi quá nhiều mà vẫn còn giữ được kỷ luật như thế thì quả là rất đáng khen. Trong cuộc chiến tranh này, những quân nhân nơi tuyến đầu là những người chịu hy sinh và thiệt thòi nhiều nhất. Qua rất thông cảm với em và những người lính dưới quyền em! Từ nay có gì cần tới qua giúp thì em cứ nói, đừng ngại ngùng gì cả”

    Nghe Tướng Ðảo nói, tôi chợt thấy được an ủi phần nào.

    Ông Toàn và ông Ðảo là hai hình ảnh trái ngược nhau, ông Toàn thô lỗ, cộc cằn bao nhiêu thì ông Ðảo ân cần, lịch sự bấy nhiêu.

    Trung tướng Nguyễn Văn Toàn là một sĩ quan Quân Phiệt; ông ta chỉ huy bằng quyền lực, và hình phạt. Trong thời gian hơn hai năm làm việc dưới quyền ông, tôi chưa từng được nghe ông nói một câu thân tình. Với Tướng Toàn chỉ có “lệnh!” và “lệnh!” cùng với hình phạt.

    Trong khi đó, làm việc với Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo, tôi thấy dễ chịu hơn, thoải mái hơn. Qua tiếp xúc lần này, tôi đã thấy rằng Tướng Ðảo là một người chỉ huy còn có một trái tim biết rung động, biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của những người dưới quyền mình.

    Ít có ông Tướng nào tự nhận mình có lỗi trước mặt thuộc cấp, rồi có lời hối lỗi.

    Ngày hôm nay Tướng Ðảo đã cho tôi một cái gương sáng về nhân cách để noi theo.

    Trước khi lên máy bay để về Long-Bình, Chuẩn tướng Tư lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh móc túi đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ ghi tần số riêng của ông và căn dặn tôi phải có một cái máy vô tuyến giữ tần số đó để cho ông có thể liên lạc trực tiếp với tôi khi cần.

    Sau thời gian một tháng, đêm nào cũng chập chờn, tối ngày 8 tháng Tư năm 1975, tôi an tâm lên võng, đi ngủ sớm.

    Thế rồi, rạng đông ngày 9 tháng Tư năm 1975, lúc trời còn mù sương, tôi giật mình thức dậy.

    “Ùm! Ùm! Ùm!” – “Vèo! Vèo! Vèo!”- “Xèo! Xèo! Xèo!”- “Oành! Oành! Oành!” từ ba hướng Ðông, Tây, và Bắc, đủ loại đạn xé gió bay vào Xuân-Lộc.

    Tôi phóng xuống đất chạy ra tuyến phòng thủ của Ðại Ðội 1/ 82, ở đó tôi có cái hầm dã chiến với hình thù của một cái giếng lộ thiên.

    Ðất Xuân-Lộc là loại đất pha đá tổ ong, moi được một cái lỗ đường kính bốn gang tay, sâu tới đầu gối đã là trần ai rồi, mong gì đào được những đường giao thông hào cao một đầu, một với và những cái hàm ếch chống pháo như ở Pleime!

    Hố cá nhân chỉ che được nửa người, nếu bị cối bắn tập trung trên mục tiêu thì lính của tôi bị đứt đầu như chơi.

    Tôi nghĩ rằng, khi điều nghiên trận địa, thấy căn cứ này chỉ là mấy cái nhà tôn bị bỏ trống, không người canh gác, nên địch đã loại cái trại này ra ngoài danh sách những mục tiêu cần đánh phá.

    Thêm vào lý do đó, có thể bề mặt của trại 181 Pháo Binh này quá nhỏ, nếu so với diện tích của toàn thị trấn Xuân-Lộc thì chẳng thấm vào đâu. Vì thế mà, trong suốt thời gian địch pháo kích, chẳng có trái đạn đại bác nào rơi trên vị trí Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân trú đóng cả.

    Ðạn cứ “Vèo! Vèo! Xèo! Xèo!” bay qua đầu chúng tôi rồi nổ “Oành! Oành! Ùm! Ùm!” toé lửa trên phi đạo, trên đường phố, trên các tòa nhà lầu của Tòa hành chánh tỉnh.

    Trong gần hai giờ đồng hồ, thị trấn Xuân-Lộc đã hứng chịu hàng chục nghìn trái đạn 130 ly, 122ly, 105 ly và 120 ly.

    Tôi leo lên cái lô cốt giữa sân trại nhìn về hướng thành phố. Thành phố Xuân-Lộc đang bốc cháy! Lửa đỏ, khói trắng, khói đen ngùn ngụt bốc lên cao.

    Trong thời gian ba ngày ở đây, tôi mới có dịp đi qua thị xã này hai ba vòng nên chẳng biết gì, ngoài Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, và cái chợ. Hình như lúc này cái chợ đang cháy, và Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn cũng đang cháy.

    Ông đại đội trưởng Ðịa Phương Quân Bình-Long gọi tôi, báo cáo rằng phi đạo đã lãnh hàng trăm viên đại bác, ông ta phải cho quân dạt về hướng Nam, tá túc trong vườn chuối và vườn cây điều lộn hột trong xóm nhà dân.

    Ông trung úy còn yêu cầu tôi cho phản pháo ngay trên vài tọa độ mà ông ta mới chấm được.


    Cựu Th/Tá Vương Mộng Long & cựu Th/Tướng Lê Minh Đảo cùng vài anh em
    cựu sĩ quan của Sư Đoàn 18 BB (USA 2009)

    Tôi nói với ông ấy cứ yên trí bám sát bìa Nam của sân bay. Có gì lạ, tôi sẽ cho lệnh sau. Hiện thời thì pháo binh của ta cứ mạnh ai nấy bắn. Pháo địch có mặt khắp nơi vùng hướng Bắc, Ðông, và Tây; không có ai rảnh mà nhận đơn phản pháo!

    Tôi không liên lạc được Trung Ðoàn 43 Bộ Binh, cũng không liên lạc được Tiểu Khu Long-Khánh; các tần số đều tắc nghẽn, đài này át đài kia, chẳng nghe được gì cho trọn câu.

    Tôi mở tần số của Hằng Minh thì nghe ông Tư lệnh đang đàm thoại với anh sĩ quan điều không tiền tuyến đang bay trên chiếc phi cơ L 19. Không Quân Việt-Nam Cộng-Hòa đã hiện diện, hai chiếc F 5 vừa trút bom xong, bay đi, thì hai chiếc A 37 đã có mặt.

    Bom đạn của oanh tạc cơ tạo thành một màn khói bụi thứ hai bốc nhanh lên trời cao. Bầu trời sáng nay không có gió, nên khói, bụi cứ cuồn cuộn tới mây mà chưa tan.

    Có nhiều tiếng “Lụp bụp! Lụp bụp!” giòn giã trong mây, đó là tiếng nổ do đạn 37 ly và 57 ly phòng không của địch.

    Những lúc máy bay của ta vắng bóng trên vùng thì 37 ly của Việt-Cộng lại hạ nòng quét qua quét lại trên tường thành phòng thủ.

    Có lúc góc quét của những giàn phòng không này chệch về hướng Ðông Nam khiến cho từng chùm lửa của 37 ly cứ bay “Vèo! Vèo!” qua đầu chúng tôi rồi toé khói trong rừng cây.

    Tôi đứng trên pháo đài, tay cầm điếu Lucky nhìn từng đám khói đen, khói trắng, bốc lên trong phố, cứ như mình là một người ngoại cuộc, đang nhìn người khác biểu diễn cho mình coi.

    Thấy chỗ mình đóng quân yên như bàn thạch, ông tiểu đoàn phó cũng leo lên đứng cạnh tôi.

    Bất thình lình, trên ngọn tranh trong đồng cỏ ngoài xa, có một lá cờ xanh đỏ đang nhấp nhô lao tới! Khẩu 12.8 ly trên chiếc xe tank liên tục nhả đạn “Ðùng! Ðùng! Ðùng!” về phía trước.

    Có lẽ xạ thủ Việt-Cộng không biết địch nằm, ngồi chỗ nào, nên hắn cứ tưới đạn lên hàng rào kẽm gai của tường đất phòng thủ.

    Ðứng trên lô cốt, tôi và Ðại úy Hoàn nhìn thấy một chiếc PT76 hình thù như một cái xà lan, với lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam căng gió đang nhắm hướng con hẻm bên hông trại 181 Pháo Binh mà từ từ tiến tới. Sau lưng nó là những cành lá ngụy trang của một đoàn quân rất đông đang di động.

    Trong gió, tai tôi nghe tiếng cán binh tùng thiết bắt đầu reo hò “Xung phong! Xung phong!”

    Trên đồng cỏ, Cộng Quân đang diễn tập màn đánh hiệp đồng bộ binh, thiết giáp trước mặt những tay súng bách chiến vừa về từ Vùng 2 Chiến thuật.

    Có điều những người đang diễn tập đó không biết chúng tôi đang có mặt trên phòng tuyến để chờ đợi họ. Còn họ thì cứ cắm đầu chạy trong đồng tranh cao quá đầu người, không biết rằng sau rặng tre xanh, có hàng trăm cặp mắt đang theo dõi họ.

    Tôi ra lệnh cho Ðại úy Hoàn,

    – Cho tất cả anh em bắn đan cánh sẻ!

    Ông Hoàn lớn tiếng ra lệnh:

    “Chuẩn bị! Chuẩn bị!”

    Tiếp đó ông Ðại úy dang hai tay ngang vai rồi đánh chéo hai cánh tay lại thành chữ “X” trước ngực, giống như người ta ra thủ lệnh cho một chiếc trực thăng hạ cánh; hiệu lệnh này tất cả anh em trong đơn vị đều đã thuộc nằm lòng, họ tự động xoay mũi súng, một về trái, một về phải chờ đợi.

    Khi nghe ông tiểu đoàn phó ban khẩu lệnh “Bắn!” thì cứ thế, xạ thủ bóp cò, chỉ một hướng không thay đổi.

    Hàng trăm lằn đạn M16 giao nhau, ngoài đồng cỏ tranh, những cành lá ngụy trang bị đốn ngã, không đứng lên được nữa.

    Chỉ một phút sau, không còn cán binh Việt-Cộng tùng thiết nào chạy sau chiếc xe tank.

    Trong hàng rào các chiến sĩ Cộng-Hòa vừa siết cò súng, vừa la: “Biệt Ðộng Quân! Sát! Biệt Ðộng Quân! Sát!”

    Tiếng la vang dội trên cánh đồng lồng lộng gió, khiến cho những bộ đội Cộng-Sản mới ló đầu ra khỏi vườn chuối đã hoảng hồn vội vàng quay đầu co giò chạy ngược vào rừng.

    Trong khi đó chiếc thủy xa PT76 cứ lừng lững tiến vào con hẻm; tên xạ thủ phòng không 12.8 ly và năm, sáu cán binh ngồi trên lưng nó đã bị Biệt Ðộng Quân bắn chết hết rồi.

    Bên hàng rào tre đã có bốn năm khẩu M72 sẵn sàng! Có lẽ việc bắn hạ chiếc xe này còn dễ hơn là chuyện bắn cho trúng cái mục tiêu giả nằm ẩn hiện trong rừng Kiến-Ðức mỗi khi thực tập.

    Vượt qua cửa ngõ của tử lộ vài thước thì guồng quay xích của chiếc chiến xa Việt-Cộng bị thép gai vòng cuốn chặt khiến cho nó cứ xoay dọc, rồi lại xoay ngang; nó rướn lên hai mét rồi lại lui hai mét.

    “Ùm!” xích xe cán trên quả mìn đôi! Cùng lúc, một trái đạn M72 bay tới! Ngay lập tức, chiếc thủy xa PT76 bốc cháy như ngọn đuốc! Nó đã cháy trong thế quay ngang, nên đương nhiên biến thành một cái ụ bằng thép chắn trước mặt con hẻm độc đạo dẫn vào sân bay Xuân-Lộc!

    Xăng cháy, đạn dược chứa trong xe cũng cháy theo rồi nổ “Ùng! Ùng! Ùm! Ùm! Lép bép! Lép bép!”

    Cột khói đen từ chiếc PT 76 ngùn ngụt bốc lên cao ngút, đã gây chú ý cho những người ngồi trên chiếc trực thăng chỉ huy đang bay trên không phận Xuân-Lộc.

    Trên máy vô tuyến có tần số riêng của Chuẩn tướng Lê Minh Ðảo tôi nghe ông la lên,

    – Tiên Giao đây Hằng Minh! Tiên Giao đây Hằng Minh!

    Tôi chụp ống liên hợp,

    – Tiên Giao nghe!
    – Tiên Giao vừa bắn cháy một chiếc tank có phải không? Qua thấy khói đen đang bốc lên ở chỗ em!

    – Ðúng ra thì chiếc PT 76 này vướng mìn trước khi bị bắn!
    – “Dzậy” là tụi nó tới số rồi! Tụi nó chui đầu vào cái bẫy của em! Em là Number One đó!

    Bất thình lình trên trời, chiếc C&C hạ cao độ một cách thật đột ngột, thật khẩn cấp, như thể là nó đang rơi tự do!

    “Bụp bụp! Bụp bụp!” đạn phòng không 37 ly của Việt-Cộng đua nhau nổ như pháo bông giữa ban ngày để nghênh đón chiếc C&C của ông Tướng Tư lệnh! Cuộc điện đàm bị cắt đứt. Chiếc C& C bị bắn rớt rồi hay là đã bay đi đâu mất tôi cũng chẳng biết.

    Mười lăm phút sau tôi mới nghe lại được tiếng Chuẩn Tướng Ðảo, lúc này trực thăng của ông đang bay xa về hướng Nam để tránh phòng không.


    *****

    Phần 6

    Thấy pháo địch tạm ngưng, tôi chạy ra ngoài vòng rào, ra lệnh cho toán quân đang đóng chốt ở đầu con hẻm tiến lên chiếm cái PT76, rồi dùng nó làm một pháo đài phòng thủ.

    Mặt khác, vì sợ rằng địch quân nhìn thấy chiếc PT 76 đã nằm chặn mất con đường hẻm, thì chúng sẽ dùng con hương lộ hướng Nam mà tiến lên, nên tôi lập tức ra lệnh cho Thiếu úy Thủy gỡ hai quả mìn chống chiến xa nơi đầu cầu, rồi dùng một trái Claymore kích hỏa cho hai quả mìn đó đánh sập cây cầu bắc ngang suối Gia Liêu.

    Tôi cũng dặn chú Thủy nhớ cho hai toán chống tank của Ðại đội 4/82 lội qua suối, ém quân trong bụi để đề phòng những chiếc tank tiến lên theo hương lộ.

    Ngay lúc này từ đầu sân bay, một chiếc Cessna đang vượt đường băng. Chiếc L 19 chất đầy hành khách, có những cái áo màu xanh, màu đỏ của phụ nữ.

    Tôi đứng ngay cuối phi trường; anh phi công đã thấy tôi đưa cái bản đồ lên vẫy vẫy mấy cái, ngụ ý: “Chúc may mắn!”

    Anh ta cũng thò tay ra cửa vẫy lại. Mấy chục năm qua rồi, nếu tình cờ đọc được những giòng chữ này, anh bạn Không Quân lái chiếc Cessna ngày ấy chắc sẽ nhớ lại kỷ niệm này.

    Tôi trở vào tuyến phòng thủ, tiếp tục leo lên pháo đài.

    Trong phố có tiếng súng giao tranh nổ rộ, đủ loại súng đang bắn nhau. Chắc địch đã có mặt trong trung tâm thành phố rồi!

    Hình như sau khi pháo kích, địch bắt đầu mở những đợt tấn công trực diện vào các đơn vị trấn thủ trong vòng đai có bờ đất và hàng rào để hỗ trợ cho các mũi Ðặc-Công và Trinh-Sát đang có mặt trong thành phố.

    Ðối lại, trên bờ đất phòng thủ, những khẩu đại liên, đại bác của quân ta cũng liên tục tưới đạn như mưa về hướng Bắc. Giờ đây bốn phương, tám hướng của Xuân-Lộc đều có đạn bay, lửa cháy thật là hỗn loạn.

    Từ khu vườn chuối, vườn xoài, bộ binh địch bắt đầu đợt xung phong lần thứ hai. Vẫn những cành lá ngụy trang nhấp nhô trong đồng tranh.

    Ðịch quân vẫn chưa nhìn thấy chúng tôi, địch quân lại bị đốn ngã.

    Bỗng tôi thấy khói trắng liên tiếp phụt lên trong khu đất thấp của thung lũng trước mặt.

    “Oành! Oành! Oành!”

    Cái lô cốt mà tôi đang đứng lãnh hai, ba trái đạn đại bác 100 ly thì nghiêng qua một bên!

    Tai tôi nghe được tiếng đạn nổ trước khi nghe tiếng súng khai hỏa chỉ vì đại bác của địch bắn tôi với cự ly quá gần.

    Lúc này tôi mới phát giác, cách hàng rào của trại 181 Pháo Binh chừng hai trăm mét là năm hay sáu chiếc T54 xếp hàng ngang đang khạc đạn.

    Cỏ tranh cao quá, súng lại nổ rền trời, nên đoàn xe tank tới gần bên mà tôi không hay.

    Trên ngọn cỏ chỉ thấy những cái cần ăngten nhún tới, nhún lui, và thấp thoáng những cái pháo tháp nhấp nhô vì xe chạy trên thế đất lòng chảo quá lồi lõm và gập ghềnh.

    Nơi bìa rừng, trên dốc, tôi còn thấy cả chục chiếc T54 khác đang chui ra từ con lộ đã được Công-Binh Việt-Cộng đánh dấu trước đây.

    Nhìn đoàn T54 này chẳng khác gì một đàn bọ hung đang bò lổm ngổm.

    Tôi vội nằm áp bụng trên nóc lô cốt, rồi theo chiều nghiêng của cái pháo đài, buông tay cho thân mình trượt xuống sân. Nhảy hai bước, tôi đã ngồi trong cái giếng cạn.

    Ðoàn chiến xa bỗng chuyển đội hình, theo hàng một, vừa tiến vừa bắn “Ðùng! Ðùng!” nhắm vào hệ thống tường đất phòng thủ bao quanh thị trấn.

    Chiếc T54 đi đầu mở hết tốc lực, rồi phóng tới húc mũi vào chiếc PT 76 đang nằm im.

    Tiểu đội Biệt Ðộng Quân núp sau chiếc PT 76 bị hàng rào thép gai concertina chặn đường lui, bèn theo nhau chui vào cái lỗ trống trong rặng tre đực mà nhào vào sân trại.

    Sau khi tông mạnh vào hông chiếc thiết vận xa, chiếc tank T54 cố sức hất chiếc chiến xa lội nước này sang bên phải con hẻm, để dọn đường cho nó tiến lên.

    Bên phải là tường đất cao, với nhiều lớp hàng rào. Bên trái chỉ có lũy tre đực với một lớp rào, xe tank có thể đè lên rào tre để vòng qua chiếc PT76 đang nằm ụ.

    Vị trí hiện thời của chiếc tank T54 chỉ cách ban chỉ huy của Ðại Ðội 1/ 82 chừng hai chục thước.

    Ngồi trong cái giếng khô, tôi thấy Thiếu úy Ðặng Thành Học, Ðại đội trưởng Ðại Ðội 1/82 đứng xõng lưng với khẩu súng chống tank trên vai phải.

    Thiếu úy Học bóp cò!

    Ðuôi cái ống phóng M72 phụt ra những tia lửa chói lóa cùng với tiếng “Ùm!”

    Nhưng khổ thay! Khẩu M72 này quá cũ, quả đạn vừa ra khỏi nòng súng thì rơi ngay trên mặt lộ, cách hàng rào chỉ ba hay bốn mét. Trái đạn M72 lăn long lóc như củ khoai!

    Tên xạ thủ súng 12.8 ly trên xe của Việt-Cộng đã nhìn thấy Thiếu úy Học, nó xoay mũi súng về bên trái,

    “Choác! Choác! Choác!”

    hàng tre đực bị đốn gãy gục xuống, đè trên đầu những người đang ngồi dưới dãy hố sau rặng tre.

    Vừa hay chiếc T54 lui lại để lấy đà, vô tình cái đuôi của nó phơi bày trước mắt Hạ sĩ Mom Sol.

    Anh Trưởng toán Viễn Thám 821 bấm nút!

    Viên đạn M72 nhắm ngay bộ phận mềm nhất của chiếc chiến xa mà chui vào!

    “Bùm!”

    Con quái vật T54 hung hãn banh xác! “Năm anh em trên chiếc xe tăng” cũng banh xác theo!

    Xăng, đạn trên xe phát nổ, “Ùng! Oành! Ùng! Oành!”

    Chiếc tank này bị bắn cháy ngay bên hàng rào, đám lửa bùng lên, phừng phừng phà ra xung quanh, làm cho lớp rào tre cũng phát cháy theo, quân ta phải bỏ tuyến ùa nhau chạy vào sân, núp sau mấy cái lô cốt.

    Lúc này trong cái lô cốt hướng Ðông, lũ trẻ con cũng bắt đầu khóc như vỡ chợ.

    Nhìn thấy một chiếc AC 119 bay trên cao, tôi vặn máy truyền tin sang tần số giải tỏa của Chiến Ðoàn 43. May quá, tần số này không bị nhiễu loạn! Tôi xin được tần số không lục để liên lạc với chiếc AC 119.

    Ðại tá Hiếu đang lo chống đỡ những đợt tấn công trực diện đang đè nặng trên phòng tuyến của ông, nên ông không có thì giờ liên lạc với cái máy bay trên trời, ông giao nó cho tôi.

    Thế là chiếc AC 119 trút từng cơn mưa đạn 20 ly trên đồng tranh. Ðạn đại bác 20 ly không đục thủng được pháo tháp của chiến xa, nhưng chắc chắn có nhiều tên xạ thủ giữ súng 12.8 ly đã bị bắn chết, nên đột nhiên bọn T54 trở đầu chạy lui về hướng Ðông.

    Tôi yêu cầu hỏa lực của AC 119 cứ tự do nhả đạn từ vùng đồng tranh, cách hàng rào 200 mét kéo dài về hướng Ðông.

    Có một chiếc T54 còn nổ máy nằm ngay trong cái thung lũng thấp, nó bị M72 của Ðại Ðội 3/82 bắn đứt xích. Tên Việt-Cộng, xạ thủ 12.8 ly chết rồi, xác nó nằm vắt trên lườn xe, bốn người anh em “Sinh Bắc Tử Nam” của nó đã bỏ xe mà chạy mất dạng.

    Trung úy Trần Văn Phước xin tôi cho phép chú ấy gửi người chui ra khỏi rào dùng lựu đạn thanh toán cái T54 này cho dứt hậu họa. Tôi trả lời đồng ý; vài phút tiếp đó, chiếc chiến xa này bốc cháy.

    Xa hơn, về phía Ðông, còn một chiếc T54 nữa cũng đang nằm im trên đồi tranh. Tôi không dám cho người đi tới đó để kiểm soát.

    Chiếc C&C của Hằng Minh lại xuất hiện trên trời, hơi xa về phía Nam, hướng Tân-Phong,

    – Tiên Giao đây Hằng Minh!
    – Tiên Giao nghe Hằng Minh!

    Tướng Ðảo hỏi,

    – Hình như có thêm mấy chiếc tank nữa vướng mìn của em rồi phải không?

    Nghe ông Tướng nói, tôi phì cười,

    – Không phải tụi nó bị mìn đâu! Tụi tôi vừa bắn đó!

    Ông Tư lệnh reo lên,

    – Qua biết em giỏi lắm mà! You’re excellent! Okay! Ðánh cho tụi nó tà đầu hết cục cựa nghe em!
    – Vâng! Tôi sẽ đánh cho tụi nó tà đầu, hết cục cựa!

    Chuẩn tướng Ðảo cho tôi biết rằng vài phút trước, Ðại tá Tỉnh trưởng đã đề nghị ông Tư lệnh cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân vào tái chiếm các cơ sở, căn cứ mà địch đang chiếm giữ trong thành phố, nhưng Tướng Ðảo đã từ chối, vì thời gian này chúng tôi đang bị xe tank địch tấn công.

    Tới xế chiều thì sự liên lạc giữa Tiểu Ðoàn 82 với Chiến Ðoàn 43 và Tiểu Khu Long- Khánh đã trở lại bình thường.

    Tôi vắn tắt báo cáo cho hai ông đàn anh biết tình hình trong khu vực của tôi.

    Tổng kết thiệt hại ngày hôm đó Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân có ba người bị thương nhẹ, không có người chết; Ðại Ðội Ðịa Phương Quân của Long-An hoàn toàn vô sự; còn Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long có hai người chết vì bị pháo kích, không ai bị thương.

    Tôi xin hai ông chỉ huy tiếp tế thêm hỏa tiễn M 72 cho tôi, càng nhiều càng tốt.

    Ông Ðại tá Tỉnh trưởng cho tôi hay Khách-Sạn Long-Khánh bị Ðặc Công chiếm giữ từ nửa đêm qua, tới giờ này Cảnh-Sát Dã-Chiến vẫn chưa lấy lại được.

    Cái tháp chứa nước giữa phố cũng bị Việt-Cộng leo lên đặt một khẩu đại liên trên nóc. Từ đó, khẩu súng này đang là mối nguy cho các cánh quân của ta, Ðại tá Phúc đang yêu cầu xe tank của Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh đánh sập cái tháp chứa nước này.

    Ðại tá Phúc cũng cho tôi hay, trong đợt pháo kích dữ dằn sáng nay của Cộng Quân, tư dinh của ông đã bị pháo địch bắn sập một phần, còn tư dinh của Tướng Ðảo hiện thời chỉ là một đống gạch vụn! May mắn là đêm qua Tướng Ðảo ngủ ở tiền cứ Long-Bình nên thoát nạn!

    Giờ này, trong đường phố vẫn còn đánh nhau rất dữ, súng nổ không dứt.

    Ðịa Phương Quân của Tiểu Khu Long-Khánh và quân của Chiến Ðoàn 43, Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh, cũng như Ðại Ðội Trinh Sát của Sư Ðoàn 18 còn đang tiếp tục tranh giành với địch từng thước đất trong vùng trung tâm thị trấn. Quân bạn phòng thủ vòng đai hướng Ðông và Bắc thị trấn cũng đã bắn hạ được nhiều xe tank của Cộng-Quân.

    Cuối cùng, ông Phúc yêu cầu, nếu tôi còn quân (?) thì gửi vào tăng viện cho Tiểu Khu.

    Mãi tới khi nghe tôi kể lại diễn tiến tình hình suốt ngày hôm đó của vùng Ðông Nam Xuân-Lộc, Ðại tá Phúc mới biết rằng chúng tôi không còn là đơn vị trừ bị cho chiến trường nữa, mà chúng tôi đã sớm trở thành một lá khiên ngăn địch ngay bên cạnh Tòa hành chánh tỉnh.

    Nghe hiểu chuyện này, ông Ðại tá Tỉnh trưởng bèn gửi lời khen ngợi và cám ơn anh em đơn vị tôi đã giữ cho sân bay Long-Khánh và Tòa hành chánh tỉnh thoát một cuộc tấn công bất ngờ bằng xe tank của Cộng Quân.

    Tôi cũng được Ðại tá Hiếu, Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 thông báo rằng, do tin kiểm thính của Sư Ðoàn 18 Bộ Binh thì đơn vị Cộng-Sản tấn công chúng tôi là Trung Ðoàn 209 của Sư Ðoàn 7 Cộng-Sản Bắc-Việt phối hợp với một đơn vị tank của Quân-Khu 7 Cộng-Sản.

    Cũng do tin kiểm thính mà tôi được biết rằng đơn vị cơ giới nặng gồm có xe tank T54 và xe ủi đất của Cộng-Sản đã tới tuyến xung phong chậm 15 phút vì đi lạc. Từ đó tôi mới hiểu vì sao đoàn chiến xa T54 đã tới sau chiếc PT76 một khoảng thời gian khá lâu.

    Tôi leo ra ngoài hàng rào, đến quan sát cái lỗ mìn đôi đã nổ. Mặt đất chỉ bị khoét một cái hố to bằng cái thúng, vậy mà cả một phần bên trái chiếc thủy xa PT76 đã nát bươm. Còn chiếc T54 ở cách đó vài thước thì nằm bẹp sát mặt đất, bánh xích cháy đen, hình thù không khác một cục than.

    Ngay ngày đầu chiến trận, đoàn chiến xa Việt-Cộng đã bị Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân chặn lại tại đầu con lộ đất dẫn vào phi trường Xuân-Lộc. Lưỡi dao găm của Thiếu tướng Hoàng Cầm đã bị chặt gãy ngay khi vừa rút ra khỏi vỏ!

    Ðúng là, “Nhất ẩm, nhất trác, giai do tiền định!” (Chuyện lớn, chuyện nhỏ trên đời đều đã do Trời sắp đặt!)

    Nếu ngày 6 tháng Tư năm 1975 Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi không có mặt ở đây, nếu tôi không chịu bỏ công đi thám sát con lộ này, không thấy những quả mìn đã bị tháo ngòi nổ, thì chắc chắn sáng ngày 9 tháng 4 năm 1975 những chiếc tank T54 của Quân-Khu 7 Cộng-Sản đã nằm đầy trong sân Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 18 Bộ Binh và trên sân Tiểu Khu Long-Khánh rồi!

    Tới tối thì Ðại tá Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 gửi cho tôi một khẩu Bazoka Trung Cộng cùng 12 viên đạn. Ðây là một khẩu súng cá nhân chống tank với nòng 82 ly, rất nhẹ nhàng và dễ sử dụng. Khẩu súng này là chiến lợi phẩm do Sư Ðoàn 18 Bộ Binh tịch thu được của Việt-Cộng trước đây cả năm.

    Ðêm xuống, thành phố Xuân-Lộc không ngủ, thành phố ngập trong lửa khói. Dưới đất, xung quanh vành đai phòng thủ là những hỏa tập pháo binh theo nhau bùng lên rồi tắt. Từ bờ thành phòng thủ, những tràng đạn lửa nối đuôi nhau và đan vào nhau bay ra đồng cỏ; trên không trung thì sáng lóa vì hỏa châu của quân bạn và đạn phòng không của địch.

    Giờ này mặt trận Ðông Nam của tôi lại rất yên. Doanh trại 181 Pháo Binh ẩn mình dưới vòm tre xanh ví như một hòn đảo nhỏ dính vào cái đảo lớn, trên cái đảo lớn Xuân-Lộc là những hỏa diệm sơn đang sùng sục sôi và đang phun khói.

    Ngồi trong chiến hào, chúng tôi chong súng chờ địch tới, mà trong lòng thì bình tĩnh như không. Vì mới qua một ngày đọ sức, chúng tôi đã thấy khả năng tác chiến của Trung Ðoàn 209, Sư Ðoàn 7 Cộng-Sản còn thua xa nếu đem so sánh với các trung đoàn chủ lực trực thuộc Sư Ðoàn F 320 A Cộng-Sản ở Tây Nguyên.

    Nhất là trong tình hình hiện thời Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi còn có cả một sư đoàn quân bạn đang giữ lưng, nên chúng tôi cảm thấy thật là vững tâm, chẳng thấy lo lắng gì.

    Sáng ngày 10 tháng Tư, tôi đích thân bắn viên đạn chống tank đầu tiên từ khẩu Bazoka 82 ly Trung Cộng nhắm vào cái T54 nằm trên đồi tranh. Chiếc xe này đã bị bắn đứt xích ngày hôm trước. Kết quả là, chỉ cần một viên 82 ly trúng ngang hông, chiếc chiến xa này đã cháy ngay!

    Có một chuyện vui đã xảy ra sáng hôm đó là, sau khi tôi bắn cháy chiếc chiến xa trên bãi tranh thì lập tức, nhiều khẩu đại pháo của quân bạn nằm trong vòng đai thị trấn cũng nhắm vào nó mà bắn liên tục, khiến cho xác của chiếc T54 lúc thì bị quay ngang, lúc lại quay dọc!

    Sau đó, Thiếu úy Ðặng Thành Học, Ðại đội trưởng Ðại Ðội 1/82 là người được tôi ủy nhiệm cho công tác đánh tank T54 do Liên Xô chế tạo bằng khẩu súng chống tank 82 ly do Trung-Cộng chế tạo.

    Mười giờ sáng thì có tiếng súng nổ nơi đầu vườn chuối, rồi một đám khói tím bốc lên.

    Từ khuya, tôi đã gài sẵn hai toán Viễn Thám chống tank nơi bìa rừng. Trong trận này Viễn Thám không có máy truyền tin, nhưng nhìn và nghe những tín hiệu vừa xảy ra, tôi hồi hộp đợi chờ.

    Chỉ một phút sau khi cụm khói tím dâng cao thì trong vườn chuối, một chiếc T54 đã bắt đầu nổ và bốc khói.

    Tôi la lên: “Hoan hô! Hoan hô!”

    Thiếu úy Ðặng Thành Học cũng nhảy tưng tưng, phụ họa theo, “Hoan hô! Hoan hô!”

    Toán Viễn Thám 823 quả là giỏi! Thuộc bài quá!

    Trong thời gian còn ở Kiến-Ðức tôi đã bỏ công, bỏ sức ra nhiều ngày để huấn luyện cho một số chuyên viên, thực hành nhuần nhuyễn bài học đánh tank có một không hai này.

    Ai cũng biết, khi di chuyển trên đường trường, nhất là trên những đoạn độc đạo nguy hiểm, các đơn vị xe tank, dù của ta hay của địch đều phải giữ cự ly khá xa. Ðó là dịp may để ta có thể bắn hạ từng chiếc một.

    Trước hết, ta phải bắn chết tên xạ thủ 12.8 ly, nó là tai mắt của chiếc tank; tiếp theo là bung một quả lựu đạn khói, làm màn chắn che mắt cái tank bạn của nó ở cách nó không xa, không cho xạ thủ cây đại liên trên xe thứ hai có thể thấy mình mà bắn; sau cùng là bóp cò khẩu M72, nhắm ngay phần phun khói sau đít cái tank mục tiêu, đây là phần mỏng nhất, dễ bắn thủng nhất.


    (còn tiếp)

  2. The Following 7 Users Say Thank You to KiwiTeTua For This Useful Post:

    ducquany (08-17-2020), khongquan2 (08-18-2020), muahong (08-17-2020), Nguyen Huu Thien (08-17-2020), nguyenphuong (08-30-2020), saomai (08-18-2020), Tinh Hoai Huong (08-19-2020)

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-15-2018, 12:56 AM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-31-2016, 05:58 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-16-2016, 01:17 AM
  4. Trở lại trận Ban mê Thuột 1975
    By Longhai in forum Chuyện 30.4
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 03-19-2015, 01:12 AM
  5. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-17-2011, 03:21 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •