Remember ?

kết quả từ 1 tới 5 trên 5

Tựa Đề: Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI

  1. #1
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI

    Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (1)

    KHỔ CÁI THÂN GIÀ!

    tặng Lữ Quỳnh

    Bà chủ tịch nhà tui, vừa mới đây, xem cái cờ líp ông bạn già THT bên Mỹ tập đi sau khi đột quỵ, đã xúc động cảm thán thành thơ:“Mẹ ơi, giờ không còn mẹ/ rẩy run con tập một mình”!

    Tui thì may nhờ một ông bạn bác sĩ đang ở tuổi chớm già, cho toa thuốc “uống tới khi nào anh chết mới thôi” nên chưa đột quỵ, nhưng cũng đã già quá rồi, già khú đế, già cúp bình thiết, già hết thuốc chữa!

    Sáng nay, bà ấy phán, “anh cần một cây gậy!”, khi thấy tui liu xiu muốn ngã! Gậy thì đã có một ông bạn già ở Bến Tre cho (một cây gậy trúc nhặt mắt, vàng óng rất đẹp), nhưng khổ nỗi, bên cạnh một nương tử mà ai cũng hỏi “sao không chịu già”, mình lại đi bằng ba chân, dẫu cái chân thứ 3 có bịt vàng chăng nữa cũng thấy nó sao sao, nếu không muốn nói là rất mắc cỡ.

    Thôi thì bắt chước thi sĩ họ Bùi, gọi nàng là mẫu thân, để cầu tre lắc lẻo khó đi, khó đi mẹ dắt con đi. (Chớ bắt chước Lục Vân Tiên, cái lưng đã còng thì làm sao cõng mẹ hết chạy ra đến chạy vô cho đặng!)

    Già khổ thế đấy! Đâu có sướng như bác sĩ nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc! Sáng chiều ông cứ loay hoay “già sao cho sướng” (nói nhỏ, không biết muốn sướng cái gì!)

    Nhưng, cái khổ của tui cũng chưa đến nỗi nào, vì dẫu sao cũng còn có đôi, đi đâu đứng đâu ngồi đâu (không có nằm) cũng có bên nhau, chứ già mà một mình ên thì đúng là buồn, rất buồn!

    Mới đây, trên Phố Văn, Nguyễn Xuân Thiệp viết một bài rất hay về tiếng nước reo gợi nhớ một thời rất dễ thương ở Bảo Lộc và một thời dễ ghét ở các trại tù, nhưng dù thương hay ghét, cái tiếng nước sôi trong ấm nghe cũng rất vui vì còn có tiếng cười, tiếng nói, đôi khi là tiếng khóc của bạn bè. Cho đến giờ trong ngôi nhà không còn vợ, con thì ở xa, tiếng nước reo trong ấm mỗi buổi sáng khi thức dậy pha trà, nghe chỉ một mình, đúng là buồn muốn khóc!

    Chắc vì sợ nghe tiếng nước reo một mình, nên nhiều cụ Việt kiều dù không còn yêu nước nữa, cũng đã bỏ nước Mỹ mà về Việt Nam, ráng kiếm một “mợ”, để vui tuổi già. Chiều chiều dắt nhau đi ăn kem (không ra bờ sông vì sợ rơi xuống sông ướt cái quần nilon), uống trà sữa cũng tình tứ lắm. Tối đến nằm bên nhau“thì thầm bên gối” còn mê ly (mà không rùng rợn) hơn nữa.

    Nhưng thấy vậy mà không phải vậy, vì cái vui của những đôi đũa lệch đủ kiểu này, khó mà lâu bền được.

    Vẫn biết cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền. Nhưng mà, tiền “hiu” của anh đâu có nhiều, trong khi cái tình em lại tỉ lệ thuận với đô la. Còn cái thú đánh cờ người kiểu Hồ Xuân Hương, hay đánh bài cát tê thì anh thua toàn tập là cái chắc!

    Thế thì ngồi nghe tiếng nước reo gây mùi nhớ như trang chủ Phố Văn, buồn thì có buồn nhưng khỏi phải bực!

    Thực ra, một người đã trải qua tám mươi năm cuộc đời, giờ này mà còn ngồi gõ máy tán chuyện bao đồng, sau khi đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, thì ba cái chuyện đau cái lưng mỏi cái gối, ăn không biết ngon (vì răng giả), ngủ không đủ giấc (vì tiền hậu gì đó bị liệt), ngẫm ra cũng đâu có nhằm nhò gì.

    Đã mang tiếng làm người thì ai mà không khổ. Nhưng tui cũng chỉ khổ khơi khơi chứ không khổ đến nỗi phải đau, khổ đến tận cùng bằng số như nhiều bậc làm người vĩ đại khác.

    Như Bác, người đã đạt đến đỉnh cao muôn trượng của trí tuệ, từng làm bồi bếp, từng bị tù, bôn ba khắp thế giới, cứu được cả nước nhưng không cứu được mình.

    Từ hang Pác pó tối tăm lạnh lẽo đến ngôi nhà sàn kỷ vật hoang vu, Bác sống chỉ mỗi mình ên, từ phục vụ đến thư ký cũng đều không có chút gì gọi là mùi đờn bà. Nhìn cái giường gỗ cứng, đôi dép cao su để lại cho hậu thế, nó thô sơ lẻ loi thấy thương làm sao!


    Nghe đâu Bác cũng có ít nhất đến 3 người đờn bà đã từng chia xương xẻ thịt với Bác, nhưng đảng nhứt định không cho gặp mặt, chứ nói gì cho ngồi vào ngôi đệ nhất phu nhân. Đến khi nhắm mắt xuôi tay, bên Bác cũng chỉ có Phạm Văn Đồng, Lê Duẫn, những lão già chính trị khô khan khó chịu, rồi ngày chết cũng không được cúng giỗ đúng ngày, xác cũng để đó canh giữ cẩn mật trong trong lăng, mãi mãi không cho chôn!

    Thế thì linh hồn Bác biết đi về đâu, cứ vất vưởng trên bờ cây ngọn cỏ, còn thảm hơn cả những kẻ chết bờ chết bụi mà thi hào Nguyễn Du đã kể trong văn tế Thập loại chúng sinh!

    Hỡi ôi, Bác đã khai sinh ra đảng, nhưng giờ đảng lại cầm tù Bác. Thật tội nghiệp!

    Khuất Đẩu
    Viết giữa mùa ôn dịch


    (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Nguyen Huu Thien For This Useful Post:

    hungleda (08-02-2020), khongquan2 (08-18-2020), nguyenphuong (08-02-2020), Tinh Hoai Huong (08-18-2020)

  3. #2
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (2)

    HÃY CỐ LIÊU XIÊU MÀ SỐNG



    Bắt chước Vũ Thành An, tôi nhắc nhở tôi mỗi sáng rằng, hãy ráng sống cho qua cơn đại dịch cúm Tàu này. Không phải vì cuộc đời “vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” mà vì cái con virus này nó tàn nhẫn quá, làm ngỏm cù đeo tất tần tật bất cứ ai nhơn nhơn giỡn mặt với nó. Nhất là những ai tự coi mình là kẻ hùng mạnh nhất trên trái đất này. Như Tập Cận Bình, như Donald Trump, như Kim Jong Un…

    Sống để thấy rằng cũng có lúc bom nguyên tử, hỏa tiễn liên lục địa, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân… chẳng là cái thá gì so với một con virus bé tí ti. Và lúc này không phải là được ngồi bảnh chọe ở Trung Nam Hải, ở tòa Bạch Ốc, ở Bình Nhưỡng mới thực sự đáng sống, mà là được thong dong đi lại trên đường, được nhìn ngắm “hàng cây thắp nến lên hai hàng”, được “nghe trong gió bay lời em nói”, buổi tối về nhà, dù “dù đèn thắp lên thì mờ” vẫn có thể ngồi bình yên mà uống một ly rượu…

    Để rồi, nhận ra rằng mình đã hạnh phúc xiết bao, giàu có tốt tươi xiết bao và nhất là mình đã sống “dễ thở” như thế nào trong suốt hàng vạn ngày đã qua. Có một cụ ông 90 tuổi, đã khóc sau khi khỏi bệnh covi, không phải vì món tiền phải trả cho máy trợ thở khá lớn mà vì suốt 90 năm qua cụ đã thở một cách tự nhiên dễ dàng mà không phải tốn một đồng xu nào. Nếu phải trả tiền để “thở” thì chắc chỉ có Bill Gates và vài tỉ phú sống được mà thôi. Nhưng sống như thế để làm gì khi mà trái đất này trở nên quạnh hiu!

    Thế mới biết cái bầu khí ôm trọn trái đất này nó huyền nhiệm làm sao, nó đã từng cho không biếu không cái thứ trong suốt gọi là khí trời, là suối nguồn vô biên đáng giá hàng tỉ tỉ đô la mà ta cứ tưởng đó là tự nhiên. Nó chính là cái bọc nước ối cho một sinh linh bé nhỏ thở được như cá trong bụng của người mẹ. Mất nguồn nước ấy, không một thai nhi nào sống được.

    Cơn đại dịch này chính là lời cảnh báo của Mẹ Thiên Nhiên. Rằng, thế giới sẽ diệt vong, không phải vì trái đất nổ tung bởi một tinh cầu nào đi lạc, mà vì chính con người đã tự “rút ống thở” của chính mình!

    Hàng triệu nhà máy, hàng triệu xe hơi, xe gắn máy suốt ngày đêm thải vào khí quyển hàng triệu tấn CO 2. Rồi những cuộc thử vũ khí hạt nhân bí mật và không bí mật, rồi sông suối ao hồ thải ra biển bao nhiêu hóa chất độc hại, như Formosa đã từng làm… thì cái ống thở của cả nhân loại, dù chưa bị rút cũng đã tắt nghẽn. Sẽ có covid- 20 rồi covid-2100, và nhiều nữa… chứ không chỉ covid-19 không thôi!

    Đó là cái dại, còn cái ác của con người mới kinh hãi làm sao!

    Con virus này dường như phát sinh từ một loài dơi, được các nhà khoa học ở viện vi trùng P4 Vũ Hán nghiên cứu, thấy cái mức độ lây lan khủng khiếp của nó, có thể giúp cho Tập hoàng đế lên ngôi bá chủ thế giới, bèn dùng dân Vũ Hán để phát tán ra các nước giàu mạnh như Anh, Pháp, Đức… nhất là Mỹ, hòng rút ống thở của tụi “tư bản giẫy chết”.

    Mà đúng là đang “giẫy chết “ thật: ngay lúc này trên thế giới đã có đến 4 triệu ca dương tính với corona và trên 3 trăm ngàn người đã chết vì phổi không còn chức năng để thở. Mỹ với tham vọng của Donald Trump, muốn trở lại ngôi vị số Một thế giới, thực oái ăm, lại là nước bị nhiễm bệnh nhiều nhất và chết nhiều nhất.

    Trong bộ phim nhiều tập Tam Quốc Chí, có cảnh lính của nước mình bị dịch chết trên thuyền, thay vì chôn thì Tào Tháo ra lệnh đẩy xuống sông Trường Giang để đưa bệnh dịch tới nước Đông Ngô, nằm ở cuối sông!

    Thế mới biết, cái âm mưu “rút ống thở” của cháu con Tào Tháo, tức là bè lũ Tập Cận Bình hiện nay là có thật.


    Trong lúc Mỹ và các nước tư bản Âu châu khốn đốn vì con covid, thì Tàu cộng hí hửng reo mừng. Nhiều cổng chào được dựng lên hoành (bánh) tráng, và pháo bông được đốt sáng một góc trời khi thông tin cho biết Mỹ đã lên đến con số trăm ngàn dương tính! Và rồi khẩu trang, máy trợ thở, bộ xét nghiệm… ào ạt tung ra tràn ngập thế giới, vừa bán (cắt cổ) vừa cho (đồ dỏm) để lấy le. Hàng tỉ đô la chảy vào cái túi tham không đáy, đúng là thần sầu hơn cả mưu lược của Khổng Minh.

    Nhưng (giờ mới thấy cái chữ nhưng rất nghiệt ngã mà cũng rất hiệu nghiệm), con covid “tái nạm gầu” lại trở về “quê mẹ” và đang bắt đầu quậy tới bến. Trước thì còn cố dấu, giờ phải xét nghiệm cấp tốc 10 triệu dân Vũ Hán. Và còn cả 1 tỷ rưỡi dân Tàu nữa thì biết xét nghiệm ra “nàm thao”!

    Cuộc chiến với covid xem ra từ Trump đến Duterte, từ Tập đến Pu đều sứt đầu mẻ trán, và dĩ nhiên các cụ liêu xiêu từ 65 tuổi trở lên, đều mệt ngất ngư con tàu đi với nó.

    Theo thống kê thì cái con virus này xem ra cũng hãy còn có chút độ lượng. Nó chỉ nhăm nhăm các liền cụ già si cốc đế, còn các liền chị và trẻ con, thì ít động tới. Mà như thế, cũng có cái hay là thế giới sẽ trẻ trung hơn, xinh đẹp hơn, hóa ra trong cái rủi cũng có cái may.

    Thế thì, nếu viết xong bài này theo lời yêu cầu của bạn Trần Hoài Thư, mà con covid có tới gõ cửa, thì tôi cũng rất vui lòng mà từ biệt vợ con, và trước khi vẫy tay chào cuộc đời, tôi cũng xin gửi vào thinh không lời cảm ơn Mẹ Thiên Nhiên đã cho tôi được thở suốt 80 năm chẵn mà không lấy một đồng xu cắc bạc nào!

    Cầu mong Mẹ luôn luôn mạnh khỏe, luôn luôn hào sảng như đã từng hào sảng!

    Khuất Đẩu

    Ninh Hòa, lúc 16 giờ ngày 13/5/20


    (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)

  4. The Following 4 Users Say Thank You to Nguyen Huu Thien For This Useful Post:

    hungleda (08-18-2020), khongquan2 (08-18-2020), KiwiTeTua (08-11-2020), Tinh Hoai Huong (08-15-2020)

  5. #3
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (3)

    GIÀ, RỒI SAO NỮA?





    Già, rồi sao nữa?

    Già rồi chết, chứ trăng với sao gì nữa!

    Ừ, thì chết, nhưng chết ra làm sao, chết rồi đi về đâu?

    Cái chuyện này chưa biết à nghen, chưa chết sao biết được, với lại ai mà không sợ chết, nói tới cái bộ xương có cánh tay cầm lưỡi hái, sợ lắm!

    Sáng trưa chiều tối, lúc này thấy nó cứ lẽo đẽo đi theo như hình với bóng, cái hơi lạnh của nó tỏa ra mù mịt còn hơn cảnh sát dã chiến thả hơi cay nữa kìa, nhưng mà trước sau gì chẳng chết, thôi thì thử nói một lần này rồi sẽ tịt luôn.

    Chết là hết thở, không học trường y ai cũng biết. Chết dễ ợt, nhắm mắt xuôi tay thế là xong.

    Nhưng cũng chưa xong, còn phải dọn dẹp cái thân tứ đại kia nữa chứ.

    Nghe nói, ở vùng núi Hy mã lạp sơn, có một sắc dân, chết không chịu chôn mà lại khiêng lên núi để nuôi lũ chim kền kền. Cả ngàn con chim trời sinh ra chỉ để ăn xác thối làm sạch môi trường cứ bay lượn trên cao hóng mỏ ra chờ, đợi lũ người sống kia gào khóc chán chê, bỏ ra về, chỉ loáng một cái, chúng phủ thành một đống đen kịt, rồi chỉ trong chớp mắt là lóc sạch cả thịt da phèo phổi, chỉ để lại bộ xương trắng hếu, thêm lưỡi hái và đôi cánh nữa là thành thần…chết.

    Một bước thành thần, cũng hay!

    Nhưng một vài bộ lạc ở châu Phi còn hay hơn. Những lão già cúp bình thiếc như tui, con cháu không nuôi nổi nữa, thế là cụ được mời leo lên cây, rồi cả bọn cùng nhảy múa loạn xạ, chọc quê hả mồm nhíu mũi, làm đủ cách kể cả cầm gậy thọc đít, miễn sao cho cụ rơi xuống, thì lạy chúa tôi, coi cụ như con nai con hoẵng vừa săn được, cả nhà hay cả xóm được no nê (và ngon miệng) một bữa!

    Trường hợp nhảy múa hoài mà cụ không rớt xuống thì lại được đem về nuôi, nhưng hiếm khi lắm, gần như không có bao giờ.

    Thực là nhanh gọn và tiện lợi. Người chết không để đức mà để thịt cho con cháu, phụ tử tình thâm của xứ đói là như vậy. Đừng chê cười họ man di mọi rợ. Cái nước Tàu có đến những 5000 năm văn minh kia, trong thời kỳ đại nhảy vọt, nhà này đổi con cho nhà kia, để ăn cho đỡ chết đói. Văn minh ở chỗ họ không nỡ hay không dám ăn thịt con mình mà thôi. Còn ăn kiểu gì thì khỏi phải nói, không ai chế biến thức ăn ngon bằng người Tàu, nhất là món thịt người rất quý hiếm.

    Ở nước Nhựt, xứ sở ưa harakiri, trong những làng quê nghèo, người già phải biết chọn cách chết sớm nhất để bớt một miệng ăn cho con cháu. Truyện được một nhà văn Nhựt kể lại cảnh anh con trai cõng mẹ lên núi để mẹ nằm chờ chết. Bà cụ rất can đảm, bảo anh con trai đừng quay đầu nhìn lại để mẹ được chết trong lúc tuyết đang rơi là hạnh phúc. Trong khi một lão cùng làng sợ quá tìm cách xuống núi trong sự khinh ghét của mọi người.

    Ở nước ta, chỉ có Lục Vân Tiên cõng mẹ, hết chạy ra đến chạy vô, chạy hoài hụt hơi cũng dám chết lắm đó, nhưng nếu thế thì cũng đáng mặt là trai thời trung hiếu làm đầu! Ở Tàu (lại Tàu!), Quách Cự chôn con để cha mẹ sống cũng được vinh danh trong nhị thập tứ hiếu (tội giết người mà được khen, đúng là luật của Tàu)!

    Còn nhiều cách chết lắm! Chết trong đồn công an bằng sợi dây thun nè, (sợi dây thun mà sao siết được cổ tới chết nhỉ, chắc là chết vì nuốt dây thun kiểu như gà)/ Rồi chết có thưởng của Hồi giáo cực đoan nữa nè! Quấn thuốc nổ quanh người, rồi đến chỗ có đông bọn tư bản rẫy chết kích nổ, sau khi tan xác pháo chẳng những được lên thiên đàng mà còn được thưởng đến những bốn mươi cô con gái Ả rập mắt đen và to, đẹp không chịu được lại còn trinh, thế thì ai mà không ham chết kể cả Tây mũi lõ!


    Nhiều tác giả tây phương viết là “72 trinh nữ” chứ không chỉ có 40 mà thôi
    (chú thích của người đăng bài)

    Còn chết rồi đi về đâu, thì mấy ai mà biết được. Sống gửi thác về, ông bà tôi thường nói chết là về quê kiểng, kiểu như đi xa về thăm nhà, hay Việt kiều yêu nước về thăm quê hương. Cái khúc ruột ngàn dặm đó (dài đến nỗi có thể quấn quanh trái đất mấy chục vòng), giờ không nên hát bài nối vòng tay lớn nữa mà là hát bài “nối khúc ruột dài”,mới hợp lòng dân ý đảng, lâu nay nó đóng cục đóng hòn (như táo bón) vì nhớ nhung, giờ nở bung ra sướng khỏi chê.

    Các nhà văn và thơ hậu hiện đại thì bảo là đi về thế giới người hiền, ý chê cái thế giới này ô trọc và hung dữ quá.

    Thực ra, nói thế cũng chỉ là cách nói để bớt sợ khi nghĩ tới cái chết mà thôi. Phật và Chúa còn khôn hơn nữa, các ngài vừa dụ khị vừa đe nẹt. Đứa nào nghe theo lời ta làm điều thiện thì được lên Thiên đàng, đứa nào không chịu nghe, làm điều ác thì phải xuống địa ngục. Thiên đàng, hay cõi trời Đâu Suất, không làm cũng có ăn, còn địa ngục chẳng những phải ăn dòi mà còn bị cưa xẻ, bị lửa thiêu cháy nhưng không chết (sao lọa vậy cà?).

    Nói là vậy chứ có ai ở thiên đàng hay địa ngục trở về đâu mà biết rằng láo hay thiệt. Thôi thì nói như Bùi Giáng. Rằng “ngày sẽ hết, tôi sẽ đi dù chưa biết đi đâu”.


    Ở cõi trần, ông đã Sài Gòn Chợ Lớn đôi nơi/ đi lên đi xuống đã đời du côn*. Thì chết rồi ông vẫn tiếp tục đi, dù hình hài không nhứt thiết phải là một ông già khùng vác cây đu đủ đeo đủ thứ lon múa nhảy ở cầu chữ Y hay cầu NhịThiên đường. Có thể là một hạt bụi âm thầm nhớ đất quê, cũng có thể là chút ánh sáng lập lòe trên lưng con đom đóm. Đi đâu thì cũng chỉ trên trái đất này mà thôi, nơi có gái mọi, có chuồn chuồn bươm bướm và những em dê trắng dê vàng.

    Bởi sao? Bởi vì ông không thành thần, không thèm gặp cụ Mác cụ Lê, không thèm 40 cô gái trinh, mà chỉ thèm đã đời du côn thôi. Ông chắc chắn sẽ đi vào văn học và ở mãi trong đó chứ không chịu ra. Có điều, ông luôn mang theo cây gậy (du côn mà), các “nhà phê bình” mác xít đứng trên lạp xường giai cấp hay phê bình dóc tổ và láo xược, coi chừng ông phang cho một gậy u đầu!

    Khuất Đẩu

    Viết trong mùa ôn dịch


    * chớ nhầm chữ đi này với chữ đi khách của các em mà mang họa vào thân!

    (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)

  6. The Following 5 Users Say Thank You to Nguyen Huu Thien For This Useful Post:

    hungleda (08-18-2020), khongquan2 (08-18-2020), KiwiTeTua (08-19-2020), nguyenphuong (08-19-2020), Tinh Hoai Huong (08-18-2020)

  7. #4
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (4)

    CHẾT LÀ HẾT, THIỆT HÔN?


    Nói vậy chớ không phải vậy!

    Đúng là chết vẫn chưa hết chuyện. Nóng hôi hổi lúc này là con virus của Vũ Hán. Nó gây ra biết bao nhiêu cái chết, khiến cho bánh xe tiến hóa của thế giới trật đường ray, nằm chình ình một chỗ.

    Người đầu tiên nhìn thấy mặt con quỷ bảy màu đó, là bác sĩ Lý Văn Lượng. Lúc đầu nhà nước Tàu lôi ông ra tòa đòi kêu án vì tội phản bội tổ quốc (rất đúng người đúng tội vì tổ quốc Tàu nói láo còn ông nói thiệt), sau đó rủa sả ông không tiếc lời. Khi ông chiến đấu một mình với nó đến mệt phờ rồi cuối cùng thua cuộc phải vào nhà thiêu xác, thì nhà nước liền quay ngoắt 180 độ, ca ngợi không hết lời là đại anh hùng! (tiếc gì hai tiếng anh hùng mà không ban khen, ông mà còn sống, dám “chốn” được sang các nước tư boản, là Tập Cận Bình và bè lũ tiêu tán đường ngay)!

    Một ngàn năm sau, cái chết của ông cũng chưa hết chuyện để nói! Riêng tôi, cái chết của ông, một lần nữa nhắc nhở cho nhân loại tiến bộ hiểu rằng, chế độ cộng sản, là tổng hợp của đế quốc La mã, của phong kiến Tàu, của Đức quốc xã, quân phiệt Nhật, độc tài Liên xô, tàn bạo và ngu dốt của Mao Trạch Đông, tức là tất cả những cái ngu cái ác nhất của nhân loại không chịu tiến bộ.

    Chưa hết chuyện vì cuộc chiến giữa cái ác, cái xấu với cái tốt cái thiện vẫn còn tiếp diễn muôn đời.

    Ở nước ta, nhiều cái chết lãng xẹt nhưng rúng động dư luận, tức là ầm ĩ, có thể kể Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang. Một người vừa được trao phương bảo kiếm để trừ gian diệt ác, chỉ mới dọa chém tuốt nhưng chưa kip chém đã ngỏm cù đeo!


    Một người ngồi ghế chủ tịch nước đang béo tốt phương phi bỗng tái xanh tái mét, yếu đến nỗi cầm dùi đánh trống khai giảng cho học trò mà run lên run xuống, chết trong sự nghi hoặc và tức tối đến nghẹn ngào.

    Ngược lại có những cái chết không một tiếng vang, như chết trong đồn công an bằng sợi dây thun, chết khô chết héo bên cạnh đống đơn cao như núi của những người bị cướp mất đất mất nhà, hay chết trên tàu cá vì bị tàu của “nước lạ” đâm chìm!

    Có những cái chết cay đắng mà cũng có những cái chết thật buồn cười. Như chết vì già mà ham, ham đây là ham gái chứ không phải ham ăn. Còn chết như thế nào, bộ dạng ra sao, ăn mặc chỉnh tề hay trần truồng vì bị lột sạch cả nghĩa đen và nghĩa bóng, thì xin miễn bàn vì đó cũng là bí mật quốc gia.

    Có những cái chết để lại hậu quả nghiêm trọng. Chị bạn tôi kể rằng, một sáng đến thăm mộ chồng vừa mới mất, thấy có bó hoa đặt bên mộ, hỏi mấy đứa con, có đứa nào đến thăm mộ ba hay không, chúng bảo không, thế là lòi ra ngay cái con bồ lâu nay thò thụt dấu diếm. Thôi, từ nay đã có người thăm viếng rồi, tôi tới làm chi nữa cho nó tủi cái thân già!

    Tai hại chưa, chết rồi mà vẫn chưa hết chuyện!

    Một ông bạn khác, lúc sắp chết kêu vợ lại gần để thành thật khai báo, rằng, anh lỡ dại đã có một đứa con riêng, khi anh chết, em làm ơn làm phước chăm sóc giùm, thương yêu nó vì dẫu sao đó cũng là giọt máu của anh…chị vợ tức nghẹn họng nhưng cố bấm bụng nhận lời. Thế mà trời xui đất khiến sao đó, anh lại sống nhăn răng. Thế là mời anh go out ra khỏi nhà tôi ngay, đi theo con đĩ nào thì đi cho khuất mắt!

    Gần chết mà khủng khiếp như thế huống gì chết thiệt.

    Nhưng nói gì thì nói, chết đau đớn nhất và buồn nhất vẫn là con chết trước mẹ (không ai cõng) và mẹ chết trước con (không ai cho bú).

    Sau cái chết, chuyện đáng nói, đáng buồn và đáng sợ nhất, theo tôi là những cái mộ, những cái lăng. Có những ngôi mộ tốn hàng chục tỷ đồng, lộng lẫy như một biệt điện, có cả tivi, tủ lạnh xalon cho người chết sử dụng như lúc còn sống. Đến ngày giỗ, ngoài việc đốt cả tỷ đô la âm phủ, còn đốt cả xe hơi, tài xế, con hầu bằng giấy.

    Lăng, thì ông vua nào chẳng có lăng. Nhưng qua bao dâu bể hưng phế, chỉ còn lại ở nước ta các lăng của triều Nguyễn. Lăng của Tự Đức nổi tiếng không phải vì đẹp, mà vì những khổ cực dân và lính phải chịu, đến nỗi làm loạn, còn để lại trên bia miệng với hai câu ca dao. Vạn niên là vạn niên nào/ Thành xây xương lính hào đào máu dân!


    Lăng Hồ Chí Minh vừa hiện đại vừa hùng vĩ, bao quanh bằng đá quý chọn từ mọi miền của đất nước, đẹp đến nỗi được gọi là bài thơ bằng đá!

    Với tôi, chết chắc cũng chưa hết chuyện, dù chỉ là một công dân hạng hai chẳng đóng góp chút gì cho quôc gia dân tộc, thì xin đừng xây mộ hoành (bánh) tráng, (nói chơi chứ tiền đâu xây), mà hãy đốt như đốt rác cho khỏi mất vệ sinh, chút tro còn lại thì xin rải trên mồ mẹ, coi như con của mẹ lại nằm trong lòng mẹ, là đủ rồi. Mong lắm thay!

    Khuất Đẩu
    Viết trong mùa ôn dịch


    (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)

  8. The Following 2 Users Say Thank You to Nguyen Huu Thien For This Useful Post:

    khongquan2 (08-27-2020), Tinh Hoai Huong (08-29-2020)

  9. #5
    Moderator
    Nguyen Huu Thien's Avatar
    Status : Nguyen Huu Thien v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2014
    Posts: 687
    Thanks: 59
    Thanked 57 Times in 18 Posts

    Default

    Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (8)

    NHỮNG THÁNG NGÀY BUỒN



    Ngày buồn đầu tiên trong đời tôi, là ngày cha chết, cách nay đã 75 năm. Ngày đó, tôi 5 tuổi, học vỡ lòng chỉ mới đọc được vần xuôi chứ chưa đọc được vần ngược, chẳng nhớ gì nhiều về hình ảnh người đã sinh ra mình, nhớ chăng là 3 ngọn roi mót đầu tiên (và cũng là cuối cùng) mà ông đã quất lên mông tôi vì cái tội nói ngọng.Nhưng tôi lại nhớ nhiều đến tiếng gào của mẹ giữa đêm khuya, tiếng gào tưởng chừng có dính theo máu, nghe rất thống thiết và khiếp hãi. Sau này, lớn lên, tôi hiểu được nỗi uất ức và tuyệt vọng của mẹ, từ nay một thân một mình phải nuôi đến những 3 con, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi.

    Ngày đó chính là ngày buồn nhất trong cuộc đời của mẹ!

    Những ngày buồn tiếp theo, có thêm nỗi lo và sợ, là những ngày trước tháng 5 năm 1955, ngày quân đội Pháp tiếp thu tỉnh Bình Định. Lo là lo mình bị tây đen hãm hiếp, sợ là sợ con bị tây bắt xỏ xâu ném xuống biển!

    Trước khi tập kết ra bắc, các ông bà cán bộ, họp cả làng ở gò đình, già trẻ lớn bé gì cũng bắt ngồi thành hàng, rồi hù dọa rằng, thằng giặc Pháp sắp đến kia, nó dã man tàn bạo là như thế, phải đấu tranh chống lại nó bằng cách không đi học, không đi chợ, cất dấu hay đốt hết lương thực không để chúng cướp giật…

    Nhồi và nhét xong, các ông bà liền lên tàu Ba Lan dông tuốt ra bắc, bỏ mặc dân làng bơ vơ như gà con lạc mẹ!

    Tôi còn nhỏ, nỗi lo và sợ ấy cũng chỉ lướt qua như bóng mây trên bầu trời. Sợ thì có sợ đấy, nhưng chẳng biết mặt mũi thằng tây nó xanh đỏ thế nào, nên cũng hồi hộp trông chờ ngày nó đến. Nhưng mẹ tôi, người cũng chưa biết mặt mũi thằng tây đen nó ra làm sao, nhưng đã biết tỏ tường mồm ngang mũi dọc của …cộng sản rồi, nhất là đã biết đòn và thấm đòn của nó, thì người như rũ ra, chẳng biết làm cách nào để bảo vệ chính mình và bảo vệ đàn con. Nhớ lại, thấy mẹ tội nghiệp lắm.

    Đòn của nó là thế này, trước lúc đi, cộng sản đổi tiền. Không biết họ định giá thế nào mà 5000 tiền tín phiếu chỉ đổi được 1 đồng bạc Đông Dương, và ai, dù tiền nhiều đến đâu cũng chỉ được đổi 10 đồng xài đỡ mà thôi, còn bao nhiêu họ giữ giùm, hai năm sau tổng tuyển cử, sẽ đổi trả lại. Chẳng những nghe bùi tai mà còn ngọt như mía lùi, Mía đã ngọt sẵn mà còn lùi nữa, thì đúng là bác và đảng thương dân miền nam không để đâu cho hết.

    Thế là mồ hôi và nước mắt của mẹ tần tảo trong bao nhiêu năm, xếp đầy trên hai thúng đựng gạo, giờ chỉ còn đúng 10 tờ giấy mỏng manh. Không nhớ mấy mẹ con tôi sống ra làm sao, chỉ nhớ hai năm sau vào Nha Trang học, lần đầu tiên ăn được cây cà rem ngon vì ngoài nước đá còn có thêm chút sữa và mấy hột đậu đen mà phải tốn đến 1 đồng! (Trong khi ở miền bắc những thành phố họ đến tiếp thu, dường như 1 đồng Đông Dương chỉ đổi được 10 đồng tiền tín phiếu, lời quá xá!)

    Đó là không nói tới nỗi đau của mẹ trong suốt 9 năm vì tuần lễ vàng, tuần lễ bạc (vét hết vàng tới vét bạc), thuế nông nghiệp, thuế công thương cao lút đầu lút cổ và những ngày đi dân công tải đạn, đói khát bệnh tật giữa rừng sâu núi thẳm!

    Hai mươi năm sau, ngày buồn nhất là 30 tháng tư, ai cũng buồn không riêng gì mẹ con tôi. Lại một trận đổi tiền và mẹ cũng mất sạch số tiền suốt hai mươi năm dành dụm.

    Lần này, rút kinh nghiệm, mẹ gửi cho những người thân đi tập kết vừa trở về, mỗi người đổi giúp một ít. Ai cũng vui vẻ nhận, sau đó mặt lạnh như tiền bảo đổi không được, nhưng tiền thì không đưa lại vì đó là tiền của Mỹ ngụy!

    Cái buồn này cứ âm ỉ đau cho đến tận cuối đời, rồi cùng với bệnh ung thư đã đưa mẹ qua khỏi bên kia cuộc đời, coi như giải thoát khỏi cái kiếp người hèn mọn dưới thời cộng sản.

    Qua cuộc đời của mẹ, tôi đau xót nhận ra rằng, đàn ông sống dưới thời cộng sản, ngoài việc cho sống là được sống, bảo chết là phải chết, hy sinh cả máu xương để bảo vệ đảng, thực ra là bảo vệ những tên quan lại kiểu mới, khốn nạn thật đấy, chó má thực đấy, nhưng chính những người đàn bà, mới thực sự phải chịu nhiều đau khổ hơn, bị bóc lột nhiều hơn, ngoài mồ hôi nước mắt, còn bị cướp cả những đứa con của họ. Mai đây, các nghệ sĩ thực tài và chân chính sẽ dựng tượng Mẹ Việt Nam Đau Khổ, chứ không phải mẹ anh hùng!

    Đời của mẹ tôi buồn như thế, đời của tôi cũng chẳng vui gì hơn. Nỗi buồn chiến tranh, nỗi buồn vì sống trong một đất nước không chịu tiến bộ, không chút xấu hổ vì đứng cuối bảng xếp hạng trên toàn thế giới, thì ngòi bút nào mà viết cho hết được. Thôi thì đành vui với lão giả an chi, tức là bằng lòng với cái mình đang có dù rất ít, như đã sống được đến 80 tuổi này, chẳng vui sao? Hạnh phúc nhất là mẹ chết trước rồi mới đến lượt con! Còn được thuận theo mệnh trời như thế, xem ra cũng chưa đến nỗi buồn lắm.

    Thế rồi từ ngày được giải phóng (nói lái bị cắt lưỡi đó), đang tuổi con dê (35) cường tráng vậy mà sáng bo bo, trưa bo bo, chiều bo bo, người quân tử ăn chẳng cần no, nên ốm lòi xương, loét bao tử phải cắt bỏ hai phần ba, chưa chi mà đã già háp, già và hư hao đến nỗi ai trông thấy cũng tưởng chết chưa chôn!

    Nhưng rồi nhờ ơn đảng và bác, tôi cũng sống lây sống lất đến tận ngày hôm nay, tính ra cũng đã bốn mươi nhăm năm, gần nửa thế kỷ.

    Tôi sinh tháng 3, nhưng ông già lười làm giấy khai sinh, mãi đến tháng 8 ngày 16 mới làm, thành ra tôi phải sống thêm hơn tháng nữa mới được phép (và được quyền) nhận lãnh ân huệ đầu tiên của nhà nước, là được “bồi dưỡng” 300 nghìn đồng một tháng, tức là hơn 10 đô. (nếu ăn kem ngon cũng đặng hai chục cây, quý hóa quá) Buồn thì không còn buồn nữa rồi, vì sắp hưởng lợi tức tuổi già, nên “sức mấy mà buồn”, nhưng lo, (đúng chính tả đàng hoàng, lạng quạng viết thành no là đói bỏ mẹ!).

    Lo, bởi vì con covid bảy màu từ Vũ Hán (không g) tràn sang đợt thứ hai này, được hỗ trợ bởi hỏa tiễn tầm xa của ông anh bốn Tốt và thằng em sáu Ngu, từ Đà Nẵng đã theo một em thực tập y tá nào đó về tận quê hương của người đẹp Hờ Nê, thế là từ Đắc Lắc xuống quê ngoại của các con tôi, chỉ hơn 100 cây số, nó tới lúc nào mà chẳng đươc!

    Thế nên lạy giời có mắt, hãy thương giùm cái thân già của tôi mà bảo nó chầm chậm ít bữa để lần đầu tiên tôi được mút hai mươi cây kem ngọt ngào mà nhà nước sắp ban cho (người răng rụng ăn kem là nhất)!

    Chỉ có vậy, nguyện ước cuối cùng của tôi là được ngồi mút kem với tiện nội trước hiên nhà, vừa thưởng thức vừa nói chuyện ngày xưa chúng mình có yêu nhau nhiều không nhỉ… Dù rằng cảnh ấy không đẹp và nên thơ bằng Kiệt Tấn ngồi mút kem (mà quên mút để chảy ướt áo) với em điên Evelyne xỏa tóc dài trên ghế đá công viên ở kinh thành Paris hoa lệ.


    Khuất Đẩu

    Viết giữa mùa ôn dịch


    (nguồn: T.Vấn & Bạn Hữu)

  10. Xin cám ơn Nguyen Huu Thien

    nguyenphuong (09-06-2020)

Similar Threads

  1. Khuấy động Cô mà chi...
    By Longhai in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 09-29-2019, 02:32 AM
  2. Thiến! Khuất Đẩu
    By Nguyen Huu Thien in forum Diễn Đàn Bạn Đọc
    Trả lời: 4
    Bài mới nhất : 10-08-2018, 04:56 AM
  3. Biệt Kích Dù VNCH : Những người tù bất khuất
    By dnchau in forum Chuyện tù cải tạo
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 06-24-2018, 02:23 AM
  4. Đôi dấu vết lịch sử ở vài miền xa khuất
    By Hoanghac in forum Thắng cảnh VN
    Trả lời: 1
    Bài mới nhất : 01-17-2018, 05:34 AM
  5. Bàn tay của kẻ khuất mặt - Nguyễn Trãi
    By Nguyen Trai in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-04-2017, 11:41 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •