Cho Một Người Nằm Xuống;
Nhạc: Trịnh Công Sơn
Duy Khánh ca


Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn
Phần Thứ Nhứt
Chương 4
Trên Đồi TÀ BIÊN
Tình Hoài Hương
*

Hiếu Hòa ngồi trong ca bin xe GMC ngó ra dòng sông Trà Khúc mênh mông: bờ nầy và bờ kia nhìn tưởng là gần, nhưng mà so ra là thật xa, xa mờ xa dưới ánh trăng tàn chênh chếch, bàng bạc, lạnh lẽo bao bọc bởi lớp sương mù và lớp khói xám bốc cao ngùn ngụt ở góc trời lững lờ uốn éo bay bay. Dọc hai bờ quốc lộ và ẩn dưới núi rừng hoang vu cùng bao làng mạc ruộng nương, thì sông Trà Khúc dài 135km, nguồn sông bắt đầu từ núi Đắc Tơ Rôn, do bốn con sông Đắk Xà Lò, Rhe, Tang Ong, Rhinh, nơi ngã tư của bốn hợp lưu sông nầy còn có tên gọi Ly Lang. Sông chảy qua Sơn Trà, Sơn Tịnh, Tư Nghiã, Nghiã Hành và đổ ra cửa biển Đại Cổ Lũy.

Ven bờ có hàng tre lớp lớp nghiêng bóng ẻo lả sà xuống soi mình trên mặt nước, nhiều lũy tre cựa mình kêu kẽo kẹt, lá tre reo vui ca hát khi trăng đã lặn, thì bình minh quang rạng, nắng sớm lấp ló vừa lên trên đầu cây ngọn cỏ, ấy là lúc đoàn xe ba chiếc trong phòng Tâm Lý chiến đã tới nơi cần đến, càng thúc giục ”cô nhỏ Hòa” non nớt tuổi đời dạt dào niềm vui, nôn nóng, xôn xao, mong sớm đặt chân lên đường quê thênh thang, dõi bước rộn ràng theo mộng hải hồ vừa ươm.

Tỉnh lỵ Quảng Ngãi an ngự tại thị tứ Cẩm Thành, Quảng Ngãi có những nét đặc thù riêng vô cùng độc đáo, thi vị, nồng nàn tình yêu thương chan chứa (mà có lẽ chẳng mấy khi các anh chị bạn chung nhóm và Hòa nghĩ tới). Đó là tên địa danh cuả các Thôn, Xã thường ưu ái đặt theo Huyện lỵ của mình. Ví dụ như: Nghiã Hành, thì có các Xã = Hành Dũng. Hành Đức. Hành Minh. Hành Nhân. Hành Phước. Hành Thiện. Hành Thịnh. Hành Tín Đông. Hành Tín Tây. Ba Tơ = thì có: Ba Bích. Ba Dinh. Ba Điền. Ba Động. Ba Chùa. Ba Cung. Ba Giang. Ba Khâm. Ba Lễ. Ba Liên. Ba Nam. Ba Ngạc. Ba Thành. Ba Trang. Ba Tiêu. Ba Tô. Tư Nghiã= thì có: Nghiã An. Nghĩa Điền. Nghiã Hà. Nghĩa Hoà. Nghĩa Hiệp. Nghĩa Kỳ. Nghiã Lâm. Nghiã Mỹ. Nghiã Phương. Nghĩa Sơn. Nghĩa Thắng. Nghĩa Thọ. Nghĩa Thuận. Nghiã Trung. Nghĩa Phương. Nghĩa Phú... Trà Bồng = thì có: Trà Bình. Trà Bùi. Trà Giang. Trà Hiệp. Trà Lâm. Trà Phú. Trà Trà Sơn. Trà Tân. Trà Thủy... Thật tuyệt vời khi nhận ra nhau là "họ hàng" thân mật.

Tiểu khu Quảng Ngãi có một phần chi khu của bộ chỉ huy hành quân nơi Sư Đoàn 2 trú đóng. Xe chạy từ dưới Tỉnh Quảng Ngãi lên hướng Huyện Minh Long, bên phía phải nhìn từ xa xa thì đồi Tà Biên giống chiếc đầu trọc khổng lồ úp lên mâm cỏ vàng to tướng, lưng đồi lổm chổm những mảng da đất khô, coi thô kệch, kinh dị như những cục máu bầm nứt nẻ, tạo thành vết thương lồi lõm lở loét. Sau cơn mưa chiều hôm trước, con đường đất đỏ độc nhứt ngoằn ngoèo càng sình lún, nổi bật trên lưng đồi quanh co là những chiếc xe nhà binh lắc lư, xe mệt nhọc chậm rì mò mò bò bò theo vết xe cũ.
Cũng đứng nhìn từ xa thì con đường đất nầy tạo thành một sợi gân khổng lồ, xù xì, gồ ghề, dày cộm nhô cao, chia ngọn đồi ra hai phần: ở giữa hai lằn xe, là đường đất uốn lên uốn xuống, cạ quẹt rột rột rào rạo ràn rạt nơi lườn xe, khiến bùn sền sệt văng tung tóe khi xe rồ máy, mọi sự di chuyển càng khó khăn thêm.

Dưới chân ngọn đồi Tà Biên có nhiều bãi cỏ hôi mọc um tùm, bụi hoa mắc cỡ chằn chịt gai mọc lúp xúp. Chung quanh là công sự phòng thủ giao thông hào bố phòng cẩn mật, chu đáo: Hai cánh cửa cổng gỗ khá lớn, có sợi dây xích dài và to, móc từ bên trạm gác ở phía vào, sợi dây giăng qua tít bên trạm gác ở phía ra. Sau sợi dây xích có thêm một vòng chắn, ấy là nhiều vòng kẽm gai khoanh tròn, dính lòng thòng những lon sữa bò cột rải rác chung quanh doanh trại bao la, thỉnh thoảng khi có gió lùa, những chiếc lon kêu leng keng, kêu hoài, cộng thêm những con bọ ngựa gỗ. Tại cổng gác có hai anh lính đứng làm việc trong trạm, và hai anh khác bồng súng gác ngoài cổng. Trạm gác có hệ thống đường dây chôn ngầm dưới đất, máy điện thoại dã chiến reo róc róc ro…óc… hoài. Trưởng trạm ấn ngón tay trên máy truyền tin nhanh chóng kêu tít tít tít, tè tè tè…ti ti… Bên trong doanh trại cũng có hàng hàng lớp lớp kẽm gai bao bọc, từng ụ tháp canh cao vút trên bậc thang đắp đất lắt lẻo, chênh vênh, cheo leo ở bốn mé sườn đồi.

Dọc theo tứ phía doanh trại là khu đất rộng độ chừng bốn năm hecta, có rào kẽm gai chằn chịt, những giao thông hào cao lút đầu người. Nhiều gian hầm trú ẩn làm bê tông chắn ghi sắt kiên cố dày và to. Chung quanh những hầm chất thêm nhiều hàng bao cát cao, dường như muốn chôn cả những khu nhà hầm xuống lòng đất sâu, chỉ nhô lên khỏi mặt đất bốn lỗ châu mai trông ra tứ phía. Bên mé phải là nơi đặt bộ chỉ huy hành quân. Từ xạ trường nhìn xuống dưới thấp là một vạt đồng trống, nên dễ nhìn thấy mọi thứ dưới tứ phía làng mạc xa gần.
Ngọn đồi dựng đứng cao sừng sững là vị trí khá thuận lợi để đặt bộ chỉ huy, quan sát điạ hình và điều quân; thì không thể nào chê. Ngoài ra, có kho đạn và bãi đậu cho các phi cơ tốc hành hạng nhẹ.
Một máy phát điện khổng lồ thường xuyên ầm ỉ nổ suốt ngày đêm. Bên mé trái ngọn đồi là bệnh viện dã chiến nằm lún một phần tư xuống lòng đất, có vài cửa ra vào ở lưng chừng đồi. Gần tổng hành dinh có một giàn trọng pháo, nơi đây các binh sĩ Pháo-binh làm việc quần quật không ngừng nghỉ, họ luôn tay điều chỉnh tác xạ theo nhu cầu chiến trường: nâng nòng súng lên, khi thì điều chỉnh chính xác phương giác cho đạn đạo.

Sáu giờ sáng, đoàn xe Phòng 5 gồm hai chiếc xe GMC chất đầy dụng cụ ván gỗ kèo cột loại nặng, giàn trống, các loại đàn, màn, sân khấu, vân vân... để làm một sân khấu lộ thiên khá lớn, & một chiếc xe jeep. Đoàn 5 tiến tới con đường nhỏ độc nhứt chạy một chiều tấp nập đủ thứ loại xe nhà binh chạy lên đồi cao ì ầm. Gò đất đỏ chẹp nhẹp bùn do cơn mưa mấy hôm trước, cũng in nhiều lằn bánh xe loại nặng lún sâu xuống vũng sình lầy, con đường trông như con lươn đất uốn lượn nhô lên cao (con đường nầy giống đúc đường cái mà xe hàng chở hành khách lẫn xe lính vừa đi qua).
Đoàn xe đậu tại vạt đất trống, để chờ xin lệnh từ Bộ Tổng-Chỉ-Huy Hành-quân, khi nào ban điều-hành cho phép, thì xe mới chở quân nhân vô doanh trại. Các cô gái ưa đùa dai, gọi giỡn là khu “phi phe” quân sự của Sư-đoàn 2 chiến thuật. (“phi phe quân sự” nầy không phải vùng DMZ= de-militarized-zone, nằm ở phía Bắc của Tỉnh Quảng Trị, dọc theo bờ Nam Bến Hải, mà Gio Linh là một quận lỵ đâu). Hai anh lính gác tuần tự kiểm soát rất kỹ tám chiếc xe đậu bên lề đường, (trong đó có ba xe của Phòng 5) thì đoàn xe được phép vô vùng cấm địa khá rộng.

Từng cơn rung chuyển chạy rần rần, động trời động đất, động suốt dòng sông quê hương, dưới bước chân người lính chiến và cư dân muộn phiền run run, đau đau, buốt buốt, tê tê, lạnh lạnh bên hai bờ thôn xóm quê mình. Đoàn xe từ từ tiến vô khu tổng chỉ huy hành quân. Cùng lúc ấy những tiếng nổ lép tép, đì đùng, xì xèo mùi mỡ khét, thịt cháy bốc lên hừng hực từ đám khói đen nghịt xa xa lùa theo gió ào ạt bay về. Đại bác đặt chênh chếch trên lưng đồi, chĩa thẳng mũi về hướng Tây Bắc, súng giận dữ gào thét ùm ùm, uỳnh uỵch… oằng! trút cả khối hung tàn đến khu rừng già tận phía chân trời xa.
Nhiều loại súng ì oành ì ầm, pằng, pằng, pằng… rít rít, xiu xít… cắc bụp... gay gắt vang trong bầu trời, làm rung chuyển bao căn hầm chắn ghi sắt. Cửa hầm phủ bạc, thỉnh thoảng tủ sắt giật rung kêu ken két. Khu nhà tiền chế rung rinh, khu vách ván lợp tôn đồng loạt nghiêng ngả dữ dội. Khung cửa kêu rè rè, đôi khi không chịu nỗi sức ép tạt đạn bay quá gần, đã bể ra rào rạo, ngổn ngang.

Chiến cuộc đang hoành hành trong lãnh thổ xứ Quảng Ngãi. Có lẽ do bắn trực xạ dữ dội và gần lắm, khu đồi sôi ục ục, rung rinh, nghe thật ớn lạnh. Tiếng súng cối thị uy bắn vô ngọn núi Ô Chai xa xa, đạn gầm rú trong dãy trường sơn, vang vọng lại từ nơi phát xuất từng hồi trầm thống, gầm rú rền rền như những nhịp sấm dồn. Phía chân trời, các đụn khói đen sì cuồn cuộn bốc cao, bừng bừng khói lửa tỏa rộng ra, đụn khói quyện lửa giống mấy cây lọng che khổng lồ, đùn đùn khói đen xám, rồi lửa vàng đỏ nối tiếp nhau phụt vọt lên lưng trời, đỏ rực. Cuộn lửa và khói đen mù mịt lại xoắn xuýt quấn lẫn vô nhau, quay lông lốc, ùn ùn, xoay xoay, lảo đảo dưới trời đất xiên xiên mờ mờ sương lam muối vùng núi, rồi khói đen lửa đỏ phủ chụp xuống ngọn đồi trọc hoang tàn nhanh như chớp. Tiếng súng lẫn lộn vẫn nổ rang, ầm ầm, rúng động cả bầu trời. Tất cả các loại đạn nổ chụp, nổ tạt, delay... cắt bụp xè... thay phiên nhau cày xới đất, xé tan nát những gì nằm trong tầm sát hại.

Chiếc bà già xập xệ, ì ạch kịp thời bay giữa cơn lốc cuốn cao. Tuyết Ngọc lo sợ nó bị hút xuống vùng trôn ốc, không qua nỗi trận cuồng phong dữ dội xoáy vòng lông lốc quá! Nhưng chiếc phi cơ vẫn bình an vô sự tiếp tục làm nhiệm vụ quan sát cho thật rõ, viên hoa tiêu lượn quanh vùng, máy bay nghiêng ngả trên bầu trời, vòng bay khi hẹp khi rộng, trông thật bay bướm lả lướt ngoạn mục quá chừng! Từ trời cao, khu trục cơ Skyraider bay hợp đoàn bốn chiếc gầm thét chúi mũi vào mục tiêu, động cơ rít trong gió, mỗi chiếc mang khoảng 6 trái bom. Những vật đen nho nhỏ rời cánh lao xuống lòng đất. Quả bom được ném xuống mé núi hướng Tây Bắc ầm ầm… Ùm ùm... Bùm bùm…
Tiếng pháo nổ như đâm thủng óc
Gieo kinh hoàng râu tóc phạc phờ
Tử thần trông đợi từng giờ
Ai người tới số có ngờ được đâu
Đạn pháo địch trên đầu rơi xuống
Hầm dẫu sâu nào luống an toàn
Một viên rớt trúng là tan
Ngày về lại thấy bao hàng khăn tang (1)

Vạn vật bị cày tung cào xới, xé toang hoang, rồi cuồng bạo vất mọi thứ bay ngược lên cao, khi đã hết đà, lại rơi lả tả hay lăn lông lốc trên mặt đất. Lửa cuồn cuộn bốc lên theo sau đuôi cũng là lúc phi cơ ngẩng đầu cất vút lên cao. Anh phi công tài hoa dễ thương nào đó (có thể là của Ngọc, hi hi hi…) bay lượn vài vòng, phi cơ nghiêng cánh chào bãi, uỷ lạo chiến sĩ, rồi rời vùng hành quân bay vút đi mất dạng vào vừng mây trắng xa xa.

Sau nhiều ngày qua thì pháo kích ngưng bặt, trả sự yên tĩnh đôi chút trên bình nguyên còn thao thức. Ngọc nghĩ: Lính Nghĩa Quân, Điạ Phương Quân, Dân Vệ là những tay súng lặng lẽ âm thầm, mà rất cừ khôi & chính xác, họ kiên cố giữ lũy thành chắc chắn. Vì, họ thông thạo từng bờ cây bụi cỏ, biết rõ tường tận từng xóm, từng thôn, từng người; ít khi lầm lẫn. Cộng thêm hầm hào kiên cố với trường lũy Ấp Chiến Lược (Strategic Hamlets) sẽ kiểm soát giữ gìn non sông gấm vóc, do ông cha truyền lại từ ngàn xưa thoát khỏi cảnh: "Người tại xứ mình lại xâm lăng đất nước chúng ta" trên chính quê hương chung, chia sẻ niềm đớn đau thiết thực qua vết thương hoác miệng trầm thống, vì cảnh nồi da xáo thịt cốt nhục tương tàn, cảnh người lừa gạt người. Người bội phản người. Người thù hận người. Và, người phản bội quy ước hiệp định: đã tràn vô Nam thao túng xâm lăng, thẳng tay chém giết sát hại người thân như điên. Người bị chiến tranh hành hạ cưỡng bức tan hoang trên chính đất quê mình!

Từ vòng đai kiên cố nầy (Strategic Hamlets) là động cơ thúc đẩy người đi làm cách mạng giật dây, rù quến, hò la kêu gào nhau đứng lên phản đối chính phủ hạn chế quyền tự do đi lại, bị kiểm soát giấy tờ tùy thân chặt chẽ, bị kiểm soát từng Thôn, Ấp, mất tự do vì hàng rào Ấp Chiến Lược. Vâng! Tuy mất thì giờ thật, nhưng xôi đậu không lẫn lộn, an toàn, bảo đảm an ninh và giữ gìn sinh mạng muôn người, kẻ gian ác xớ rớ trong thôn xóm là bị lộ tung tích ngay. Ta tưởng cần nên có vòng đai Ấp Chiến Lược chắc chắn kiên cố nầy lắm thay! (4)
* * *
Bây giờ Hoà biết tin đích xác, anh Trung-uý Trưởng-phòng Phước thừa lệnh Đại Tá Lâm Văn Phát ra chỉ thị mới:
- Tất cả anh em Phòng 5 trực tiến không thể lùi, phụ giúp bên quân-y khiêng người bị thương, nhặt xác chết phe ta lẫn địch quân, cấp tốc chở về hậu cứ.

Trời ơi! Nghe tin đó Hoà đứng xớ rớ đằng sau lưng anh Vũ, sợ đến bải hoải chân tay, căng thẳng trí óc, cô thút thít khóc, rụng rời lệ giọt dài giọt ngắn, hai chân lết lết run run lê lê rã rời, ủ rũ đi từng bước ngập ngừng trên đường đến tụ điểm làm việc. Mấy anh chị tưởng cô em giàu tình cảm xúc động ngậm ngùi trước cảnh thương tâm, đã trào nước mắt. Chứ họ có ngờ đâu con bé chết nhát nầy chả ra cái thể thống gì! Khi Cộng-quân phóng pháo, độ rung kéo dài từng chuỗi nghe rúng động đảo điên cuồng sát. Từ ngoài bản doanh có một xe cứu thương hú còi inh ỏi, xả hết tốc độ lao vô khu bệnh xá, xe mang theo người ngoài ấp lạc đạn bị trọng thương.

Ngọc vội chạy tới xem một hầm lộ thiên khá sâu, nơi nầy dùng nhốt tạm mấy tên (mà phe ta tình nghi chúng nằm vùng vừa tóm được) ban đêm phòng Nhì sẽ điều họ đi nơi khác. Vài xác chết chưa biết là ai, (Nghĩa- quân, Dân-vệ hay thường dân, hoặc “vi ci” do máu me bê bết trộn với đất cát và khói tèm lem, nên chẳng rõ!?) căng phồng). Giờ phút thập tử nhất sinh nầy, hơi sức đâu ai có thì giờ mà đi bới móc lý lịch cá nhân ra cho rầy rà? Họ lo quắn đít chữa trị mọi người ngáp ngáp sống còn, xin đừng hộc máu tươi ra thêm mà thôi. Nhân viên cấp cứu cùng nhau đưa gấp các bệnh nhân vô nằm trên chiếc băng ca. Y sĩ, y tá cúi đầu xem xét các vết thương. Cánh tay, bàn chân của một ông tím bầm, sưng húp, lở loét, nặng mùi, chân cụt thò ra run rẩy.

Một anh mặt mày xanh méc, (do mất máu), run run lúi húi coi lại vết thương, cuộn băng vải cũ thấm từng chỗ trên đùi loang lỗ máu tươi. Anh Sáu Dương bị thương khá nặng vẫn ăn nói đàng hoàng, tỉnh táo nhếch mép ngóng cổ lên nhìn vết thương ở tay, trên bụng, trên đùi. Anh nhìn ngó lung tung như không có việc gì quan trọng trước khi bất thần "rệu" xuống. Hoà sợ e anh sẽ “đi đon” quá, khi anh:
Tôi trở lại Cao Nguyên miền sơn cước
Đường mù sương đẫm ướt nửa tấm thân
Kẻ một chân, lê nẻo bước phong trần
Cánh tay phải cũng trọn dâng cho Tổ Quốc. (2)

Khuôn mặt một người khác còn trẻ coi hớt hãi, da tái vàng bũng, tóc tai lởm chởm, thân hình gầy còm, tiều tụy dưới lần vải đại cán có hai túi, cổ đứng, màu dưa úa, may thô thiển vụng về, quần áo nhàu nát, luộm thuộm khác màu, một chân mang dép râu, một chân đất. Hai cánh tay nổi ốc trâu xù xì dựng đứng những sợi lông tơ, làm xấu xí tuổi đời mới độ mười lăm mười sáu, lớp ghéc đất bẩn thấm mồ hôi vo viên đen đen nhỏ xí vừa rịn ra từ hàng ria mép nõn.

Khiến Hòa cảm thấy phiền phiền, ngây ngây, đau đau. Quay nhìn quân nhân Cộng Hoà Việt Nam miền Nam, trong lòng cô nẩy nở sự so sánh khó chịu, gớm ghiếc. Nhưng đầy bàng hoàng lo sợ. Hoà muốn đánh bài chuồn. Không dám chạm trán với các bác. Gặp "bác" kể như... chào thua. Kể như đi đứt. Kể như héo úa, éo le, tàn phai, nát đời. Chứ không được hay ho, tuyệt vời như nhạc phẩm “Đêm tàn Bến Ngự” của Dương Thiệu Tước mô nà.

Cuối góc phòng có xác chết to phình, căng cứng như con vật kỳ lạ, mắt đứng tròng mở thao láo. Bụng căng phồng như chiếc bong bóng da heo. Anh Vị để họ nằm trong poncho, bên trên mé hầm của khu bệnh xá, xác chết chưa kịp chôn, thum thủm thúi. (Ngày xưa, mỗi khi làm thịt heo, ba lấy bóng da heo bơm đầy hơi, cột kỹ phơi ngoài nắng cho anh em Hoà làm trái bóng đá nhăn nhúm chơi đùa).
Ngọc dám đến cúi sát xuống một anh lật khăn che mặt, tò mò xem từng người chết nhìn rất kinh dị, tay xuôi theo thân hình co quắp. Có người giống thân cây chuối bị đốn ngã, róc hết lá vẫn nặng kinh khủng. Những bàn tay tài hoa khí phách nam nhi, bản lĩnh và dũng mãnh ấy không rõ dấu chỉ tận cùng bằng số ở đâu? Ngọc cả gan dám đến bên một anh lính, nàng vén tóc xem trái tai anh ta lớn hay nhỏ, yểu mệnh tới đâu. Ngọc lại cầm bàn tay kia lên, nắn nắn bóp bóp, lật qua lật lại, cô coi đường chỉ thọ của họ ghi đến chỗ nào.

Hoà sợ kinh khủng, không dám nắm bàn tay Tuyết Ngọc cả tuần. Những buổi cơm nhìn miếng thịt heo, thịt bò, nhứt là thịt ếch, (con ếch khi ai làm thịt, thì nó luôn chắp hai tay trước lại van lạy xin tha mạng, nó lỏ hai con mắt trợn trừng tráo trưng, khi lóc hết da con ếch Hoà trông sao mà giống... con người)! Thịt ếch bơi bơi trong tô canh chua lá giang. Hoà nghĩ đến con ếch chắp đôi tay, mắt thao láo trợn trừng, nghĩ đến vết thương lở loét, đỏ tím, hoác miệng trên bụng người chết. Ếch là một loài động vật lưỡng thê, sống dưới nước và trên bờ. cặp mắt ếch chỉ nhìn được những chuyển động nhanh, những chuyển động chậm thì hoàn toàn không thấy. Tự dưng cồn ngực vun tròn nhấp nhô phập phồng theo nhịp thở, Hoà chạy xộc tới cuối vườn, ói mửa ra mật xanh mật vàng. Hoà sợ mâm cơm hơn bất cứ thấy gì.

Tuần sau lại thấy thân hình anh Nguyễn Văn Ba thi sĩ, lính Bộ Binh Sư Đoàn 2 bị hất tung lên cao, thân xé ra từng mãnh nhỏ, xương thịt rơi phịch xuống đất, giống bịch gạo tung tóe vung vãi ra. Anh Ba chết thảm trước ngưỡng đời vừa độ bừng chớm tuổi hai mươi. Anh chưa vợ chẳng con, chưa một lần hò hẹn, chưa nếm mùi chiến đấu giao tranh thổn thức với đời, Anh chỉ yêu binh nghiệp. Thế mà như một linh cảm vô cùng điếng lặng, đau đớn xót xa, anh đã nhắn nhủ với bạn qua lời di chúc bất ngờ trong bài thơ:
Xin đừng đem ra biển khi tôi chết.
Đưa về BỒNG-SƠN, PHÙ-CÁT, CỬA-VIỆT.
BÌNH-GIÃ, TRÃNG-BOM, PHAN-THIẾT, TÀ-BIÊN.
Bên mộ cổ nhân ĐỨC XUYÊN bạn hiền.

Không ra đại dương. MỸ-ĐIỀN, THỪA-THIÊN*
AN-KHÊ, HỒNG-NGỰ, PHÚ-YÊN, GIỒNG-RIỀNG
QUY-NHƠN sóng gợn HÀ-TIÊN ta tới.
Bạn lính VŨNG-TÀU, ĐẦM DƠI đồng đội.

Tôi chết đừng đem ra biển. ĐẮC-ĐOA
Quân hành từng đêm VẠN-GIẢ, KHÁNH-HOÀ
Hải-trình xưa nhớ SƠN-TRÀ, MỘC-HOÁ
Sương khuya SÔNG-CẦU, ĐỒNG-XOÀI, BÌNH-ĐỊNH.

Đừng đưa ra biển. LỘC-NINH, VÕ-ĐẮC*.
SA-HUỲNH xin về ĐÀ-LẠT, ĐỒNG-NAI
TRÀ-MY, HOÀ-NGHIÃ* GIA-LAI, CẦU-NGANG.
PLEI-ME, DAK-NÔNG, CHÂU-THÀNH* VẠN-NINH* .

Khi tôi chết, đi ĐÀ-NẴNG, GIO-LINH
Tìm tới anh hùng TRÀ-VINH, SUỐI-VÀNG*
SÔNG-CẦU, VĨNH-LONG, HẬU-GIANG, THÁP-CHÀM.
Xin gần PHÙ-MỸ, PHAN-RANG, TRÀ-THẠNH*.

Nhớ bạn ĐẮC-TÔ, HỘI-AN, ĐỊNH-QUÁN.
Đã chết, không ra biển vắng bạn vàng!
Về HUẾ, U-MINH, KIÊN-GIANG, TRÃNG-BÀNG.
ĐẮC-LẮC, GIA-LAI, TAM-QUAN an hưởng

Tôi chết QUẢNG-TRỊ, BÌNH-SƠN* tôi dừng…
VŨNG-TÀU ghé qua TÚC-TRƯNG, ĐỊNH-TƯỜNG.
CẦN-ĐƯỚC gào thét BÌNH-DƯƠNG, ĐẮC-NÔNG.
Đầm bùn ĐỒNG-ĐẾ, MINH-LONG, ĐỨC-TRỌNG*.

Khi tôi chết không ra biển. Ước mộng...
Tình lính ĐÔNG-HÀ, PHƯỚC-LONG, GÒ-CÔNG.
Linh cửu ghé về CHƯ PRÔNG* LÂM-ĐỒNG.
SA-ĐÉC, AN-KHÊ, TRÀ-BỒNG sôi động.

Tôi chết rồi không ra biển... rất mừng!
ĐỒNG-THÁP thắm thiết TÚC-TRƯNG, BÌNH-DƯƠNG.
Nghìn năm ôm trọn quê hương nhớ tưởng.
Tôi ở trong mồ phù trợ an khương... (3)
*

Nỗi u ám đã chín đen như cơn giông sét đánh toé lửa, phủ chụp xuống đời nhau, tưởng chừng một nửa thân Hoà đã móc nối sít-sao, ăn khớp với xác người xa lạ. Như nửa phần thân thể người chết trĩu nặng luôn dùng dằng trì kéo bám túm lấy Hoà không thể cựa quậy nhúc nhích nỗi. Lòng cô em rớt xuống trũng ưu phiền hố thẳm tăm tối mù mịt phủ đầy lá non, giống nõn trà hong phơi dưới lửa bỗng tàn úa quá nhanh, khiến mình thêm rũ liệt. Hằng ngày, cả nhóm tâm lý chiến đi ủy lạo săn sóc đồng bào và chiến sĩ. Anh chị em hướng dẫn trẻ em đồng bào cách giữ gìn vệ sinh, phòng tránh bệnh truyền nhiễm, phân phát thuốc men, nhu yếu phẩm, quần áo chiếu chăn, phụ giúp đồng bào thu dọn nhà cửa, vườn tượt tan hoang hư nát. Phúng viếng tang gia bối rối. Họ chu đáo lo việc ma chay tươm tất đàng hoàng cho đồng bào.

Trước cảnh đau thương tàn khốc, dù các cô có đi quyên gom hết tất cả tiền tài, và lòng trắc ẩn mọi người trên quê hương, ngỏ hầu mong bù đắp lại muôn điều đau đớn, mất mác to lớn ở một góc quê nầy. Tưởng vẫn không sao lấp đầy, không thể nào xoa dịu nỗi khổ đau khốn cùng bi đát đầy cay đắng trong lòng họ:
Không phải vì mình mà tôi nuôi cơn giận
Nhưng vì bao đồng đội thương phế binh
Những anh hùng đã dâng hiến thân mình
Trong bom đạn trong chiến chinh giữ nước
Những anh hùng không bao giờ khiếp nhược
Dù phế tàn thân thể vẫn mỉm cười
Giờ họ đang lây lất giữa cuộc đời
Đến tuổi già vẫn không nơi nương tựa (1)

Không hiểu sao bài lịch sử Hoà đã học: Từ trận quyết chiến quyết thắng của Đức Trần Hưng Đạo. Cho đến vụ nước Nhật bị trái bom nguyên tử đầu tiên ném xuống thành phố Hiroshima ngày 06.8.1945, tiêu diệt 66 ngàn người. Rồi trái bom thứ hai thả xuống Nagasaki 09.08.1945 đầy kinh dị, người chết la liệt trên đất Nhật. Tất cả bừng nhớ trong tâm trí Hoà.

Cảnh kinh thiên động điạ có thật đã xảy ra từng ngày rùng rợn ấy. Nỗi thống hận, dã man, quằn quại, đau đớn, đói khát, bệnh tật. Lương dân rên siết, mù lòa, cùng khổ, không có tương lai. Kẻ xâm lăng quê mình lạnh lùng thẳng tay cuồng nộ giết hại người thân. Người dân vô tội bị làm mồi cho cường quyền đầy tham vọng thống trị. Dân đen muôn đời thiệt thòi đau đớn với hai bàn tay trắng bị cào xé trần truồng tan hoang. Chiến tranh nguyên tử cuồng nộ hung hăng húc vào muôn dân bên xứ anh đào Phù Tang kia. Và… kẻ về đây tạo ra thảm cảnh chiến tranh Việt Nam, so ra... chưa thua đau khổ Tokyo-Việt Nam là mấy! Nỗi đau khổ của con người trong cảnh chiến tranh tràn đầy trên khắp Bốn Vùng Chiến Thuật. Tin tức nóng bỏng từ truyền thanh, báo chí mỗi ngày một nhiều.

Cuộc chiến dần dần mở rộng như vết dầu loang, như vòi con bạch tuộc. Từ các nẽo miền quê xa xôi loang nhanh đến ven biên thị thành, đè nặng lên đầu người. Đến nỗi Hoà không dám ngẩng mặt nhìn lên, chỉ thập thò lấp ló dúm dó co ro nép bên vách hầm hào chắn bao cát, mở to mắt nhìn dáo dác ra ngoài lỗ châu mai. Hoà không khỏi kinh ngạc, khi thấy mặt trời vẫn ưu ái đan chiếc cầu vồng bảy sắc lung linh, vui tươi hào phóng rót nắng vàng rực rỡ, từ thinh không nắng êm ả chan hoà lên vạn vật, ve vuốt từng phiến lá ru tình đong đưa. Chim chóc lí lí lắc lắc nhảy nhót, ríu rít hót líu lo, hoà ái trữ tình, lảnh lót lơi lả trao duyên.

Chao ôi! Cảnh quê hương cẩm tú chìm trong chiến tranh nầy, chính là mảnh đời buồn bã trong cuộc sống muôn điều có thật. Dù cho Thu Hoa, Lan Anh, Mai Hồng, Tuyết Ngọc đã xức nước hoa hiệu Charlie, Tabu, hay loại thượng hảo hạng J’adore; vẫn không khỏi ngửi mùi tử khí tanh nồng chát khét quanh quất đâu đây. Cuộc đời thật chẳng có nghĩa lý gì trước ngày chân không dài vô tận; khi con người ngơ ngáo bàng hoàng ra đi vào vùng tử biệt, súng đạn vèo vèo bay trong đêm, tạo thành một đường sáng loáng vút tới vút lui. Khói lửa chiến tranh còn ở lại: thì đói khát bệnh tật, chết chóc, tan nát, đớn đau mãi cào xé, dày vò tận cùng tơ rung xương tủy huyết mạch con người.
*
Tình Hoài Hương
*
Mỹ Điền* thuộc Long An
Đầm Dơi* thuộc Cà Mau.
Suối Vàng* thắng cảnh ở Đà Lạt
Châu Thành* Bà Riạ & Tây Ninh & Tiền Giang
Vạn Ninh* thuộc Vạn Giả, Khánh Hoà.
Trà Thạnh* thuộc Bình Phước
Bình Sơn* thuộc Quảng Ngãi.
Võ Đắc* thuộc Bình Thuận
Chư Prông* thuộc Gia Rai
Đức Trọng* thuộc Đà Lạt/Tuyên Đức. (3)
* * *
(1) Trương Trọng Kiên
(2) Nguyen Thạch
(3) Thơ Tình Hoài Hương
Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
Trân trọng
***


(4) Mãi về thời gian khá dài sau nầy, được vinh dự đọc bài viết cuả ông Trương Văn Vinh, tác giả rất đắc ý về "Quốc Sách Ấp Chiến Lược… vậy xin ông Trương Văn Vinh: cho tôi mạn phép trích dẫn ít trích đoạn, và chân thành cám ơn ông TVV về vấn đề : Quốc Sách Ấp Chiến Lược: Nguyên văn ông Trương Văn Vinh viết:
Đây là nhu-cầu thiết yếu để chống lại chủ nghĩa Cộng Sản và cũng là sách lược hữu hiệu nhứt của nền Đệ 1 Cộng-Hòa, cần chận đứng cuộc xâm-lăng của Cộng Sản Bắc-Việt. Quốc Sách Ấp Chiến Lược là tách rời du kích quân sự cộng sản ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho chúng bám dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở và hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn để chúng phải chọn lựa, một là ra hồi chánh, hai là bị tiêu diệt. Nắm vững được sách lược của địch, Chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược, đây quả là một đối sách đúng đắn và vô cùng lợi hại của chính quyền lúc bấy giờ.

Tất cả các Ấp đều được bảo vệ bởi các rào cản kiên cố bao quanh, các cổng chính ra vào được canh gác đúng mức tùy theo địa thế, mỗi Ấp đều có từ một đến nhiều chòi canh có tầm nhìn xa, ban ngày người dân được tự do ra vào để làm ăn, tuy nhiên người lạ mặt muốn vào Ấp phải qua thủ tục kiểm soát chặt chẽ, ban đêm các cổng chính ra vào được đóng lại, tuy nhiên các trường hợp cấp thiết của dân chúng vẫn được giải quyết. Ngoài ra, các Ấp Chiến Lược đều có thiết lập hệ thống báo động để phát hiện mọi trường hợp xâm nhập lén lút, bất hợp pháp vào Ấp. Việc quản lý Ấp do một Ban trị sự phụ trách, việc phòng thủ bảo vệ Ấp do lực lượng Phòng vệ dân sự phối hợp với các đơn vị Thanh niên, Thanh nữ Cộng Hòa của Ấp sở tại phụ trách. Ấp Chiến Lược được tổ chức theo phương thức tự quản, tự phòng và tự phát triển.

… ; … Trở ra miền Trung, Chiến dịch hành quân, “Rạng Đông” trải rộng ra suốt Tỉnh Bình Định, hoàn thành 328 Ấp Chiến Lược, rồi cuộc hành quân “Phượng Hoàng” thuộc tỉnh Quảng Ngải có 162 Ấp, và cuộc hành quân “HảiYến” thuộc tỉnh PhúYên thành lập được 281 Ấp. ‘Tất cả cho chương trình Bình định xây dựng nông thôn” Cuối mùa Hè năm 1962, chính phủ Diệm công bố: 3225 Ấp đã hoàn thành, trong kế hoặch phải đạt cho được 11,316 Ấp, như vậy là 33% dân số thôn quê, có nghĩa là 4, 3 triệu dân đã được định cư tại các Ấp Chiến Lược.
(TVVinh)
***