Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn
Phần Thứ Nhứt
Chương 2
Anh “Khanh Tướng Công Hầu” Vui Tính

Lúc vẩn vơ tần ngần nhìn đám mây trắng lâng lâng trôi trên bầu trời quang rạng, bị ngọn gió vô tình đưa mấy chiếc lá vàng bay về cuối góc đường xa xa, thì Hiếu Hòa quyết định chọn sống ở Đà Nẵng cùng với anh chị Huyền. Điều tất yếu là cô cần tìm hiểu sơ sơ qua đôi chút về phong tục tập quán nhân sinh, địa hình nơi ấy, ngỏ hầu hy vọng mình sớm vui vẻ hoà nhập vào một miền đất đối với riêng Hoà vừa lạ vừa mới.

Khi “Liên Bang Đông Dương” Pháp ghi tên danh địa nầy là Tourane, thành lập từ năm 1888. Phác thảo sơ lược về Đà Nẵng, thì địa hình đa dạng tự tại an ngự ở trung bộ, hướng Tây và Nam giáp Tỉnh Quảng Nam. Bắc giáp Tỉnh Thừa Thiên, Đông giáp biển Đông. Đà Nẵng có các Quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hoành Sơn, Liên Chiểu, Hoà Vang & quần đảo Hoàng Sa. Tuy Đà Nẵng nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa khô và mùa mưa, nhiệt độ trung bình khoảng 30/o – 34o/C, nhưng không mấy oi bức ngột ngạt, vì có con sông Hàn Giang dài khoảng 7,2km chảy từ Nam lên Bắc thành phố, có biển Thanh Bình cách trung tâm thành phố chỉ vài km, & do thành phố ở bên nách sông Hàn và các biển gần & không xa, nên Đà Nẵng có phần mát mẻ dịu êm vào mỗi sáng sớm, hoặc chiều về, đêm buông.

Đà Nẵng thuận lợi về trục giao thông, tiện đường bộ trên quốc lộ 1A & đường xuyên Việt, quốc lộ 14B nối cảng biển với Tây Nguyên: đường biển, đường sắt, đường hàng không… đều là huyết mạch từ Đà Nẵng. Nói nôm na Đà Nẵng có thể coi như là “cái rốn trung độ” của miền Trung (nói riêng) và miền Nam Việt Nam (nói chung), vì nó nằm ở vị thế chính yếu quan trọng khi đối nội, điều phối trung tâm với miền Trung, Tây Nguyên. v.v… Đối ngoại dễ dàng thiết lập đường bay với Manila, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Phillippine, Thái Lan, Đài Loan… Đà Nẵng là một thương cảng tốt, là trung tâm có cửa ngỏ thương mại vô cùng quan trọng cho cả nước Việt Nam (lớn vào bậc nhứt ở các vùng Tỉnh phụ cận), cảng biển Tiên Sa sâu, (phi cảng Đà Nẵng đứng sau Tân Sơn Nhứt, vượt trội không thua kém Vũng Tàu, Nha Trang).

Đà Nẵng là thành phố đẹp oai sang với những ngôi biệt thự xinh lịch & nhiều toà nhà tráng lệ từ thời Pháp thuộc bỏ lại. Ven ranh có đồi dốc quanh co ở Huyện Hòa Vang xen kẽ vùng đồng bằng trù phú. Núi Mang cao 1708m, núi Bà Nà 1487m, đèo Hải Vân cao 500m. Núi Chúa, núi Ngũ Hoành Sơn cao 106m. Núi non phóng khoáng nhìn xuống tứ phương.
Biển Nam Ô xa thành phố 17km ở Phường Hoà Hiệp, hướng Tây Bắc. Biển Mỹ Khê xa thành phố 900m, không sâu, có phong cảnh êm đềm tĩnh mịch, cát trắng mịn, nước biển ấm với hàng dừa rũ bóng, đặc biệt nơi đây có nhiều rong câu chỉ vàng, rong câu chân vịt, có loại cá Chuồn làm gỏi trứng cá, thì ngon lắm. Có nhiều san hô đẹp. Biển Tiên Sa có bờ cát mịn ở phía Bắc Sơn Trà. Biển Non Nước bao la mênh mông nằm dọc ven chân núi Ngũ Hoành Sơn, có rặng phi lao ngày đêm lao xao theo tiếng rì rào sóng vỗ bờ trong thiên nhiên hữu tình. Biển Mỹ An xinh xinh nho nhỏ ở Quận Ngũ Hoành Sơn.

Đà Nẵng có nhiều di tích, cảng sông Hàn Giang, Liên Chiểu, sông Túy Loan, sông Cu Đê… Nhà thờ, chùa chiền, am tự, v.v... di tích lịch sử dân tộc Chăm… Tất cả những gì thuộc về Đà Nẵng đều độc đáo, thi vị, duyên dáng nét đặc thù nên thơ riêng! Nổi bật nhứt là các doanh trại… trong số đó có Sư Đoàn 2 Bộ Binh (2nd Infantry Division) được thành lập vào ngày 03 tháng 11 năm 1953 tại Mỹ Côi, Ninh Bình (là Liên Đoàn 32 lưu động cuả quân đội Liên Hiệp Pháp. Sau đó Pháp bàn giao lại cho ông Tôn Thất Đính, đổi tên thành Sư-đoàn 2 Dã Chiến). Khi nền Đệ Nhứt Cộng Hòa thành lập, thì lúc đó ông Tôn Thất Đính (đã thăng lên Đại-tá) bàn giao Sư-đoàn cho Trung-tá Đặng Văn Sơn ngày 22-11-1956. Ngày 1-12-1957 thì Trung-tá Lê Quang Trọng đảm nhiệm Tư Lệnh Sư-đoàn.
Ngày 1-12-1958, Bộ-tư-lệnh Sư-đoàn 2 đã chính thức đổi tên thành Sư-đoàn II Bộ Binh VNCH, là một trong ba đơn vị Chủ Lực Quân, trực thuộc Quân-đoàn I và Quân-khu 1 của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sư đoàn 2 được tuyên dương công trạng, nhận lãnh giây biểu chương màu tam hợp trên quân kỳ Sư đoàn. Hiện nay Sư-đoàn 2 Bộ-binh đặt bộ chỉ huy chính ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Tư-lệnh Sư-đoàn 2 Bộ Binh do Đại-tá Lâm Văn Phát đảm trách từ tháng 6-1961. Tại nơi nầy, Hiếu Hòa hân hạnh quen thêm các anh khác, (bạn của Thắng). Họ đã:
Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái,
Cái công danh là cái nợ nần.
Nặng nề thay hai chữ “quân thân”,
Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ.
Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt,
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung,
Hết bốn chữ “trinh trung báo quốc”.
Nghiêng mình những vì dân vì nước,
Túi kinh luân từ trước để về sau.
Nghìn thu một tiếng công hầu. (1)

Thắng hiên ngang oai hùng đẹp trai trong bộ quân phục màu vàng ka ki, cà vạt đen, găng tay trắng, mũ két cầm tay, giày đen, dây biểu chương tam hợp móc bên trái, gù vai đỏ. Anh đến nhà đón Hiếu Hòa đi dự lễ mừng Quân Lực VNCH đã chiến thắng, diệt tàn quân việt cộng phương Bắc lẽn vô quậy phá miền Nam, trận đánh diễn ra ác liệt tại vùng Tiên Phước, Trà My. (Đà Nẵng, Quảng Nam). Đây cũng là dịp chào đón các thượng khách. Không phải là chờ xem buổi đại lễ long trọng, mà cô cùng dân chúng dám bất bình la ó om sòm, khi trải qua ba giờ chầu chực mỏi mệt, khó chịu dưới ánh mặt trời nắng chang chang. Thì thật là hỗn láo, kỳ thị và bất công!

Nhứt là có ông Mỹ tên Timothy làm trưởng đoàn cố vấn, Đại tá Tư Lệnh là cố vấn William làm quan khách ngoại quốc danh dự đầu tiên đến Việt Nam, được ông Tỉnh-thị Trưởng kiêm Tiểu-khu Trưởng lo hành chánh và quân sự, mời họ tham dự. Hầu thực hiện việc yểm trợ, tiếp liệu các nhu yếu của Mỹ Quốc Viện Trợ (trong việc thực hiện chương trình tay bắt tay hoà hảo mật thiết). Cờ Mỹ năm mươi ngôi sao lấp lánh, có mười ba sọc gồm sáu trắng bảy đỏ, nền xanh biển in trên hầu hết các nhu yếu phẩm từ Mỹ chuyển về xứ ta. Đó là những kinh viện và quân viện -một nhu cầu chính trị khôn khéo, để thực hiện giai đoạn "hoà hảo thân thiện" then chốt đầu tiên-. Mỹ giàu thật! Họ đã bay đi viện trợ khắp bốn phương trời! Kể cả nước nghèo và chậm tiến ở mút bên bờ đại dương xa xôi nầy, cũng được Mỹ ưu ái đặt mắt nhìn ngắm đến. Không hiểu họ có muốn đổi chác, nghiên cứu, dòm ngó gì tới xứ Việt Nam, hay không kỳ vọng mơ tưởng mảy may... mà họ chỉ muốn nhân đạo hào phóng cho đi tất cả (?!).

Tự dưng Thắng cúi xuống gần Hòa, anh thì thầm:
- Hẳn là em có xem phim “Midway” đang chiếu ở đây rồi, phải không nhỉ? Phim ghi lại cuộc hải chiến giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ ở trận “Battle of Midway” trong Thế Chiến Thứ Hai, thì Đô Đốc Hải Quân (của Nhật Bản Yamamoto), khi đoàn quân thắng trận ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), ông phán một câu xanh dờn:
- Tôi lo sợ những gì chúng ta đã làm, là đánh thức một gã khổng lồ đang ngủ, và trao cho ông ấy một ý chí khủng khiếp. (nguyên nghĩa tiếng Anh: I fear all we have done is to awaken a sleeping giant and fill him with a terrible resolve). (!!!, ???)

Các vị hành pháp, tư pháp (“mũ mão cân đai” chỉnh tề) đi sau vị chủ toạ, những “ôn” quyền uy bệ vệ đủng đỉnh lên khán đài chính. Quý phu-quân kiêu hùng oai dũng hiên ngang với chiến thắng tài danh lẫy lừng, đã đành thế! Nhưng kèm bên qúy phu nhân thủng thỉnh kiêu sa, đài các qua mái tóc búi quá cao đã làm kỹ ở ngoài tiệm, quần là áo lụa chưng diện sang trọng rực rỡ và thơm tho, theo mốt cổ áo hở toẹt vai, toác hoác xề xệ như mốt bà Nhu, cốt yếu khoe yết hầu đeo kim cương bự sư, cổ xệ xệ tới gần hai đường khe của bộ ngực thổn thện đung đưa, là dịp để quý bà phô trương thân hình úc núc giàu bơ sữa, khoe vòng vàng rườm rà từng xâu, lủng lẳng từng chùm sáng chói.

Qúy phu nhân không là gì ngoài dựa hơi hám vai vế chồng, một bước bà ta nhảy tót lên sàng danh vọng, bộ mặt vênh váo tô trét diêm dúa phấn son dày cui, ưỡn cặp vú bơm silicon, có bà sữa mắt hai mí đã lồi và trợn lên như mắt ếch, mũi hếch độn nòng không khéo, nên coi lộ liễu, bơm thừ lừ “cằm đôi môi chẽ” trề ra quá lố, mỗi khi họ nói cười hoặc ăn uống, thiệt dị hợm. Họ dương dương tự đắt nhoi nhoi lắc lư cái đít sung túc béo bở phì nhiêu lên... coi "khêu gợi khiêu khích"... sự dật dờ lả lơi thèm khát mấy gã xồn xồn "biết nhiu" mà kể!!! thì bố ai chịu cho nỗi hỡi quý phu nhân ui! Mặc sức cho đám phu phen, dân ngu khu đen (như Hạnh mà cũng... đứng dưới khán đài nầy há hốc miệng ngẩn ngơ thèm, thộn ra nhìn quý bà chằm chằm; thiệt đã con mắt quá đi). Các "ôn thần" chớp chớp mắt lia chia nhìn suốt từ trên xuống dưới bộ quần áo mỏng dính; như kỳ lân đá ngày đêm nhìn trời nhìn hiu quạnh không chớp mắt. Khán giả đứng chầu ở dưới tha hồ lỏ trăm ngàn con mắt nhìn lên "quý mệ" mà chỉ chỏ.

Ôi thôi… họ bàn tán lộ liễu, trắng trợn và bất lịch sự quá chừng, lấn át tiếng người xướng ngôn viên gào lên trong máy phóng thanh 100 watl đặt trên nhiều cột điện cao thế. Hoà cũng không trách đám "phu phen bình dân giáo dục như mình" làm chi, bởi vì ai ai cũng được coi chùa, tội gì không ngó có mà ngu! Thì cứ tha hồ dòm cho đã... các nơi nghe! Khi quốc thiều và quốc kỳ kéo lên, họ mới chịu im lặng đứng yên. Riêng đám dân gian mãi lo đứng thộn ra ngắm cặp vú trái bưởi ưỡn ra trước, cặp mông diêu nhô phía sau như cái thúng úp vô đít, thì dân gian cũng có vỗ tay vài ba nơi vang lên lẻ tẻ đấy, nhưng quá rời rạc, lổng chổng. Họ vỗ tay không nhiệt tình hưởng ứng, mà do “bổn phận, miễn cưỡng” của kẻ thấp cổ bé họng, thì đúng hơn. Buổi lễ long trọng càng kéo dài giống như bất cứ buổi lễ nào khác. Gió lộng xô đầu bù tóc rối, áo quần ai nấy đều bám bụi vàng, mặt mày bơ phờ mệt mỏi hốc hác; đồng bào chán ngán thở phào, như trút xong gánh nặng đè vai, họ vội vã về trên các ngả đường nghẹt cứng ứ nghẽn người tất bật lo chạy ngược xuôi kiếm sống.

Tiện cùng trên một đường đi, nên Thắng mời Hòa rẽ qua nhà anh cho biết. Thắng ở chung với ba anh bạn độc thân vui tính (và một anh vừa cưới vợ, vợ còn ở xa). Căn nhà thuê bao đủ tiện nghi, vui vẻ đầy tiếng cười rộn rã. Thảo nào ngày cuối năm ngoái hai anh ấy đi sắm đồ dùng cho bạn: thứ gì cũng có năm màu sắc phân biệt khác nhau, (mà lúc ấy Hòa nghĩ là hai ông khách nầy ưa làm đỏm, chải chuốt mà khó tính). Họ đang bàn tán về lần đảo chánh thứ nhứt ngày 11-11-1960, do Đại-Tá Nguyễn Chánh Thi, Chỉ-Huy-Trưởng Nhảy Dù + Trung-Tá Nguyễn Triệu Hồng, Vương Văn Đông, các Thiếu-Tá Phan Trọng Chinh, Phạm Văn Liễu, Đại-Úy Phan Lạc Tuyên, Bác-Sĩ Phan Quang Đán... Lần thứ nhì gần nhứt do hai phi công Việt Nam: Trung-úy Phạm Phú Quốc và Thiếu-úy Nguyễn Văn Cử đã ném bom bắn cháy dinh Độc Lập vào hôm 27 tháng 2 năm l962. Một quả bom không nổ rơi trúng phòng đọc sách của Tổng-thống Diệm, khi cụ đang ngồi đọc sách, thế mà tổng thống chả việc gì. Bà Nhu bị gãy một cánh tay. Một quả bom khác rơi ra ngoài sân dinh. Một lúc sau phòng-không mới bắn trả lên. Phi cơ ông Quốc bị trúng đạn, ông nhảy dù ra rớt xuống Nhà Bè. Ông Quốc bị bắt tại trận và vô tù. Còn ông Cử bay mút qua bên Nam Vang, nhưng dân chúng bàn tán: ổng cũng bị chính phủ ở bển bắt nhốt vô tù rùi!
Chuyện dội bom gây xôn xao, rúng động dư luận trong nước và ngoại quốc, ảnh hưởng khá nhiều về mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, nhứt là đời sống dân cư đang an lành; bỗng chốc ngơ ngáo kinh dị bàng hoàng thêm. Chả hiểu vì sao!? Gia đình Ngô Tổng Thống phải dời sang dinh Gia Long an vị, chờ kiến thiết lại. Bản vẽ dinh Độc Lập sẽ tu chỉnh, do đồ án của kiến trúc sư đô thị gia Ngô Viết Thụ, người đã đoạt giải Khôi Nguyên La Mã đảm nhận. Thắng chua chát nghĩ thầm: “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí”. Có nghĩa là: “Làm tướng mà thua trận, thì đừng nói những câu có vẻ anh dũng. Làm quan mà bị mất nước, thì đừng nói những câu ra vẻ tài trí”. Thấy Thắng về với bạn, họ tế nhị chuyển đề tài, niềm nở tiếp chào Hòa. Sau khi giới thiệu cô với bạn hữu ở chung nhà, Thắng nói:
- Mời em ngồi, anh vào thay bộ quần áo nặng nề nầy, rồi ra ngay. Xin lỗi em!
- Dạ vâng, anh cứ tự nhiên.
Bốn anh còn độc thân, có anh Lê Tiến là đỉnh đạt về tuổi tác cũng như binh nghiệp: Thiếu tá Nhảy Dù, ba mươi hai tuổi, tuy thế Hòa trông anh còn nét trẻ trung, vui tính. Anh Đào Ngũ Quang, hai mươi bảy tuổi: Thiếu úy Hải-quân. Kế đến là Thiếu úy Đinh Toàn Thắng hai mươi hai tuổi, Bộ-binh. Anh Vương Quốc Tùng: Trung-úy Y sĩ Quân Y vừa có gia đình. Sau rốt anh Nguyễn Kháng Chiến: Đại úy Biệt Động Quân:
Anh chỉ là quân nhân Biệt Động
Đang thi hành "diệt Cộng an dân"
Nhọc nhằn nguy hiểm bội phần
Mưa bom lưới đạn xả thân diệt thù (2)

Anh Tiến nhìn Hòa nháy mắt, để trêu chọc anh Tùng:
- Hiếu Hòa biết không! Anh thích làm nghề mỗ tim gan phèo phổi. Không phải như bác sĩ Tùng. Mà anh í hả! anh thích mỗ thịt bò, heo, ngựa, thịt dê... cơ!
- Để làm gì cha nội?
- Lấy tim, bao tử, ruột non, ruột già làm phá lấu. Ăn ngon nhứt nhĩ à nha.
- Ngưởi thì hôi, nhìn lại ghê quá.
- Ấy. Sao toa nóng quá vậy, hở Quang? Để yên moa nói tiếp nào. Chưa gì nó đã nhảy phóc dô miệng mình. Còn hứng thú đâu mà kể chuyện tiếp. Moa không thèm nói, thì Quang có bổn-phận-sự, trách-nhiệm-vụ trình bày cho các bạn nghe: Tại sao toa đi lính!? Sao mỗi lần nhận thư nhà, là toa khóc ré thế?
Quang (Quang là người đã chở Thắng đi mua sắm Tết, mà Hòa biết mặt) pha ly chanh đá bưng ra mời cô. Ngồi trên ghế nệm, anh tủm tỉm cười đùa:
- Á à a! Chả vì lúc đó tôi lười học, ăn chơi lêu lổng, hoang đàng chi điạ, đếch có tấm bằng nào, dù tuổi mình cao cao, vẫn ưa ở nhà bu theo bố mẹ. Tôi trốn chui trốn nhủi như con dế mèn trong cái lu dấu kín nơi góc phòng tối, để luyện "tịch tà kiếm phổ", coi thật chẳng giống con giáp nào. Bao giờ đói, tôi kêu inh ỏi re re ré… Đã bảo là con dế mèn mà không re ré sao nhỉ? Thế là có người nhà bưng cơm canh hầu tận chỗ. Đã nhe. Ngon lành nhe. Le lói nhe. Mẹ kiếp! Tôi chả trốn được bao lâu, thì cảnh sát đến nhà lục soát. Họ nắm tóc lôi giật lên, mang tôi về đồn bót. Họ hỏi cung tới tấp:
- Anh có yêu đồng bào, yêu gia đình không?
- Yêu.
- Yêu lính tráng không?
- Có.
- Anh sẵn sàng đoàn kết, hy sinh không?
- Rất sẵn sàng.
- Hãy chuẩn bị đi lính.
- Không.
- Tại sao? Anh nói rằng: anh yêu nước. Anh sẵn sàng hy sinh mà?
- ... Tôi lỡ dại vãi vào đấy bao nhiêu nước ...tiểu, khiến tôi thân bại danh liệt rồi. Ngài coi tôi bước đi nè: có phải một chân là dấu chấm, một chân chấm phết, lê lết, te tua, tàn tạ, tiều tụy, tả tơi thối tha từ tiểu tiện, hay không hì.
- Đừng có gà mờ, ấm ớ hội tề mí tôi, không được đa. Tôi hỏi anh có yêu "Nước" không?
- Nước?
Chữ Nước viết hoa. Có nghĩa là Tổ Quốc. Đất Nước. Quê Hương, chớ không phải là nước uống hay nước đái. Anh nghe ra chưa?
- Lỡ vênh váo rồi, tôi cho tới luôn, tiến lên, dọt lên, hứng lên, chứ có gì mà sợ! mà rét… mà run hì! Có sức chơi, thì có sức chịu, cứ liệu mà chơi:
- Ô! Ông nói nghe hay đáo để! Tôi mà không yêu Nước à!
- Anh nầy giỏi quá ta.
- Có điều tôi chán ghét gây thù hận, giết chóc, máu huyết thổ ra có vòi, coi chóng mặt kinh hồn lắm. Tôi không thích tham dự. Thế thôi.
- Bây giờ, tôi mời anh đi.
- Đi đâu?
- Đi lính.
- Đi thì đi. Chứ sợ gì ai!
- Họ nghĩ tôi ngông cuồng, hay thần kinh bất ổn bấn loạn, khùng điên gì đó, nên anh kia cho ngay con số tám vô hai cườm tay tôi, kêu cái cộp. Ui cha ơi đau điếng thấy tới tổ tiên ông bà vãi, khiến tôi tỉnh hẳn người. Bố kiếp! Thiên la địa võng ơi, phen nầy mình hết giả đò thương tật, chân không cần đi điệu tango, bì bộp, cha cha cha... nhún nhảy nữa rồi. Cũng may là họ chưa tống cổ tôi vô nhà thương Biên Hoà, nếu bị chích vài mũi thuốc, chắc tôi ngoẽo thì chết cha đời trai!
Lúc ấy tôi hơn cả Đường Minh Hoàng bên Tàu, hơn Gia Long, Tự Đức bên ta. Tại sao nà!? Giờ ăn cơm tù có người đem tận chỗ. Giờ đi cầu có lính ôm súng gác lom lom dòm tôi. Nếu họ không dòm, lỡ tôi trốn chui trốn nhũi như con nòng nọc lặn sâu tít xuống hồ, thì sao! Giờ ngủ có lính đổi canh. Do tôi nghĩ: “The world is a dangerous place to live, not because of the people who are evil but because of the people who don’t do anything about it”. [Thế giới là nơi nguy hiểm để sống, không phải chỉ vì bọn cùng cực hung ác, mà còn vì những người ù lì, không làm bất cứ một điều gì, để trừ khử cái ác ấy. Albert Einstein (1879-1955)]
- Đó chính là Đào Ngũ Quang, mà bố mẹ ưu ái đặt tên cho ta. Ah! Nè các bạn! “ngũ quang” là có năm con đường tươi sáng rạng rỡ í. Cơ khổ! vì cái họ tôi trót lỡ là “Đào” chả hiểu sao ông cụ lẩm cà lẩm cẩm, đặt ngay tên đệm là “Ngũ”; thành thử vô tình tôi trở thành tên “đào ngũ”. Cha chả! nó ám ảnh tôi triền miên cho tới ngày ra khỏi lu, là tôi ngậm ngùi ca “những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt...” Ấy mà sau nầy tôi đi lính, thì nghiêm trang, đàng hoàng, sự thực “ta” đếch cần đào ngũ nhe, lẽ là tôi rất yêu mến đồng đội, đoàn kết chiến đấu, một lòng trung quân ái quốc. Tôi mong thăng cấp như thằng Chiến, bạn nối khố nè.
Còn về việc khóc hu hu, thì đơn giản thôi, tôi đa tình, lãng mạn, nhớ quê hương, nhớ bố mẹ anh em, và da diết yêu cô bồ nho nhỏ ở phương xa. Tôi không được khóc đấy phổng? Nè bạn, muốn thoát ra khỏi những đau thương dằn vặt dày vò trong quá khứ, khi không có cách nào che chắn lại dĩ vãng buồn đau, thì ta phải cố gắng vượt qua rất nhiều đợt huấn luyện, thế là thân và tình cũng mềm ra, tôi nghiền ngẫm, suy nghĩ, thẩm thấu soi rọi một trong năm ba dữ kiện và sự kiện, mà mình từng nếm trải, cùng những chia sẻ ngọt bùi đắng cay và thân tình ấm áp trong cuộc sống, thì... phải vậy thôi.

Họ cười ha ha, hả hả, hí hí, khà… Quang muốn nhảy dựng lên chơi giựt nổi với đời, anh muốn mình là cái đinh, là cái rốn của vũ trụ. Anh thích lên mặt lấy hên dợt le xí, phừng phưng nổ những pha mê ly nghe ghê hồn từ Long An tới Long Bình, Long Biên, Long Hải, Long Đất, Long Thành, "Long Cuội ngồi gốc cây đa"... nếu không bùi tai, không đẹp mắt, không lé mắt, không dẹo chân ẹo người mà cười vang, thì không ăn tiền. Quang không nổi, thì đời trai kém vui đi. Lạ lùng thay, đến nay anh Quang: Thiếu úy Hải-quân đã thành nhân chi mỹ, anh đi lính và anh "sống dưới nước non" bồng bềnh nhiều ngày tháng, hơn anh ở trên bờ, (nay chắc anh nhớ cái lu nước, nên có phép về nhà ăn Tết chăng?) điều mà cô rất ngạc nhiên, tưởng anh chỉ lè phè là một võ biền, ai ngờ về mặt tri thức và giao tế, thì anh có miệng mồm nhanh nhẫu (“đoãn”), Quang lịch lãm, hóm hỉnh thì khỏi nói rùi.

Tùng chuyền gói thuốc Quân Tiếp Vụ đến các bạn, anh thở từng hơi thuốc vặt:
- Quang chọc quê anh đó, khi uống rượu thì phải biết, hắn rất chì. Rượu xịn mà “vô mỏ, vô cơ”, ui đã điếu rồi, hắn nói hết sẫy. Hòa đừng tin hắn, nếu em tin hắn, ắt có ngày em vô “ngũ tử” à nha.
- Dạ. ảnh có tới "năm cửa tử", ai mà xớ rớ, thì dật dờ tiêu tùng, anh ha! Ảnh lém lắm.
Trong phòng bỗng chốc lặng như tờ. Quang có cảm tưởng các bạn đang nghĩ về chuyện mình kể nửa đúng nửa sai. Quang biết hối hận về ngày cũ lêu lổng. Lẽ ra bây giờ ít ra là Đại-úy rồi. Thời buổi nầy không còn hàn sinh áo mão gánh gạo lên Tỉnh thi Hội, thi Đình. Người trai hôm nay phải có hoài bão, ý chí, lập trường, kiên cường, có lý tưởng cùng vốn kiến thức sâu rộng, để tự vươn lên với đời đích thực hơn.
Thắng bước ra phòng trong bộ pirama màu kem viền sọc xanh, Hoà thấy anh trẻ trung tươi mát hơn khi anh mặc bộ quân phục, cô nhìn Thắng lại giống một bạch diện thư sinh ngày ngày đi lượn phố Tết hôm nào. Thắng cười:
- Trời ơi! Đoàn kết... kiểu thằng Quang á hả; đoàn kết là “đết còn” ấy.
- Đừng có dốc tổ nghe. Ỷ ta đây “đẹp giai, con nhà ràu, học rỏi” ứ hử! Báo cho mà biết: cậu chịu đèn “đằng ấy đã da diết tới đâu" rồi, thì bảo!

Ôi! anh Quang mập mờ lơ lửng lí lắc vu vơ… mà ngụ ý muốn “nhắc khéo ai” vậy cà? Những anh lính chiến phong sương nhuốm bụi trần, mỗi anh một cung cách: dí dỏm, duyên dáng, hóm hỉnh riêng… Họ hoan hỉ vui vẻ cười vang, thật trẻ trung hoà ái vô ngần, để tạm lãng quên những trách nhiệm và bổn phận của người lính trước binh đao khói lửa đang chờ đón. Đó là những hiền huynh vui tính trong thời loạn; mà cô có cảm tình nồng hậu & rất hân hạnh khi Hòa đã có một thời vàng son vinh dự từng thân quen quý anh. Dù cho “nếu Anh là...”
Nếu anh: lính Nhảy-Dù.
Em cố thành ưu tú.
Sánh vai ta vui bước.
Thủy-Quân mình nguyện ước.

Nếu anh là Binh-Bộ,
Ngao du giữa sông hồ.
Ngát hương đời dịu ngọt.
Pháo-Binh súng đề thơ.

Trao về nhau tình mơ.
Nếu anh là cánh buồm.
Em làm áng mây trôi.
Thiết Giáp vượt ngàn non.

Nếu anh là Phi-công.
Lả lướt trên thinh không.
Em sẽ là nắng lụa.
Đàn rung ngân phím loan

Nếu anh lính Hải Quân.
Em mơ mình nữ hoàng.
Nối nhịp cầu tao ngộ.
Tình yêu xuyên đại dương.

Nếu anh gieo tình thương.
Cùng chung một chí hướng.
Em nguyện làm nữ tì.
Hương trầm toả khói sương… (3)
*
Tình Hoài Hương
Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.

(1) Nguyễn Công Trứ
(2) Trương Trọng Kiên
(3) thơ Tình Hoài Hương