Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn
Phần Thứ Nhứt
Chương 5

Tháng Giêng & Tình Anh Lính Chiến


Hiếu Hoà ráng bện-đơm vô trong tâm chút hương hoa nồng ấm tình quê ở ngay trước mặt, mà xem ra dường như dật dờ, vời vợi, vò võ, lặng lờ, mênh mông, im lắng, bởi mọi thứ đang rời xa khỏi tầm tay mình. Từ nơi đây cảnh vật và con người đã thay đổi khác hơn xưa mất rồi! Hoà như con le le tan tác đàn, chấp chới, chờn vờn lạc lối bay giữa vùng trời bao la, lòng hoang dại với đôi cánh mệt mỏi rã rời…

Hoà nhìn khu ấp chiến lược dưới chân đồi bây giờ đã khác hẳn, coi thật buồn bã, vô cùng đơn độc khi nắng mới vừa ươm (hay chiều tà phai nắng lả lơi vắt mình trên đọt tre la ngà). Dù rằng quê hương trọn đời thủy chung không bao giờ phản bội con người; mà chính con người ngoảnh mặt quay lưng lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn, vì ai đó đành đoạn tập kết ra Bắc, rồi lủi vô Nam, lén gây ra cảnh chinh chiến tang thương khổ sầu trong lòng đất mẹ Việt dấu yêu? Để bây chừ nơi bóng chòi canh gỗ cao chót vót có những người lính phong sương đầu đội nón sắt, họ lo trấn giữ biên cương suốt từ tháng Giêng đến tháng Chạp chẳng hề nghỉ ngơi, bổn phận các anh chia nhau trông coi một vòng cung trách nhiệm. Hòa thấy anh đơn điệu, im lặng, chơ vơ trên vọng gác nơi phòng tuyến lồng lộng gió, tay anh luôn ghìm chặt bá súng, mắt anh chăm chú quan sát tứ phía, anh gìn giữ nhiều chặng đường lầy lội, gập ghềnh, lồi lõm bởi xe tăng, xe GMC, xe thiết giáp cày xới, đất đỏ ngợp trời mù bay, nhiều khói thuốc súng dày phủ một góc núi, hoặc trầm lắng:
Trong đêm tối ai đang canh bóng giặc.
Anh có tiếc một thời anh đã mất.
Xác phượng hồng tơi tả tóc ai bay.
Cao nguyên đó một chuyện buồn bỏ ngỏ.
Bom đạn về cày xới cảnh tang thương. (1)

Bụi cây bờ cỏ bị đốt trụi đen thủi đen thui bên sườn dốc, len lỏi nơi khúc đồi thưa có con lộ với hàng thép gai nhiều lớp bao bọc ngọn đồi, dẫn đến doanh trại bộ chĩ huy của Sư Đoàn 2 chưa chắc hứa hẹn yên ổn, an vui gì. Hoả châu luôn bừng nở trong không gian đẫm sương mù và lạnh giá. Sau loạt B 40 và bê ta, nhiều hoả tiễn xè xè vút vút bay, từng chuỗi nổ dồn dập rền rền ngân vọng. Kinh khủng và buồn ơi là buồn biết bao! Địa pháo tới tấp rót xuống vùng giao tranh ác liệt, đạn rít bên mang tai rú rền, nghe to hơn trời long đất lở, ôi điêu tàn đổ nát, mắt các em và anh lính Bộ-binh nhòa đi bởi nhiều khối lửa rạch không khí tiến vun vút về phía nội thù: Xi xi xì... Tạch tạch tạch… Pằng pằng… Uỳnh. Oằng. Ùm. Đạch đạch… cắc bụp, cắc cắc, bụp xè...

Sau khi bị pháo kích, thì quân ta đã phản pháo khá lâu. Đầu choáng váng đinh tai nhức óc, lừ đừ leo lên mấy bậc cấp làm bằng bao cát, chui tọt vô hầm Hoà lấm lét nhìn ra lổ châu mai: trên trời luôn có những chiếc phi cơ vun vút bay đi bay lại, rồi bay vút vô vùng khói lửa thảm khốc không chút ngại ngần. Theo đà lướt từ mấy chiếc phi cơ có mang theo những quả bom chúi mũi bay xuống tọa độ ấn định khá chính xác. Những cây nấm lửa cuồn cuộn khổng lồ đùn lên, đùn lên cao. Khiến địch im hơi lặng tiếng nhiều giờ. Dưới đất xe tăng ầm ầm hú động quái dị nghe điếc tai không kém gì tiếng bom nổ xa xa.

Tàu bay thả lính Dù xuống rất xa dưới chân đồi, cuộc tổng tấn công quy mô của quân-nhân Nhảy Dù do Trung Tá Trần Quốc Lịch đích thân chỉ huy. Chân chưa bén đất, lính Dù đã hét vang, sôi bỏng cơn uất giận bùng vỡ. Dường như bọn Hoà đau ngực tức đến độ muốn ói máu, và các anh Bộ-binh mắt nổi đom đóm, những chòm râu tua tủa quanh cằm đựng đứng, hai hàm răng nghiến trèo trẹo, kẽ răng rít lên tiếng thở hổn hển dập dồn. Các anh dưới đất mặc bộ đồ tác chiến màu xanh nai nịt gọn gàng, thân dắt đầy lá, mang giày botte de saut, đầu đội mũ lưới sắt, họ lăm le ghì khẩu súng cổ lỗ sĩ trong tay, từng hàng nịt da đầy băng đạn, vài trái na dắt hai bên mạn sườn, hoặc trên ngực áo thò ra đung đưa lúc lắc. Lưng chiến sĩ cong cong cõng ba lô ghi những bài thơ tình nặng trĩu quân hành căng phồng hết cỡ: một tuần lương khô cá nhân gạo sấy mỗi ngày, vài bộ quân phục, chiếu mền, linh tinh... (hoặc anh dùng ba lô để chứa thêm đạn dược? Hoà có bao giờ dám lục lọi đồ dùng cá nhân của ai, nên không rõ). Bổn phận làm trai thời loạn dập vùi men đắng rượu cay đi hái thú đau thương: trả nợ non sông thật hết sẫy. Họ từng đi tham chiến đó đây:
Những trận nào Trà Linh qua Đá Dừng, Hòn Dựng
Dùi Chiên về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình
Những bận nào Quế Sơn, Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ cuốn phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng (2)

Thân hình cong còng xuống dưới sức nặng kinh khủng của gánh đời nghiệt ngã, họ tiến về cuối làng tiếp cận dãy trường sơn (truy tìm địch đang lén lút rình mò về phá hoại an ninh bình yên thôn làng). Chẳng bao giờ lính chịu bó tay chờ chết, cho đến lúc tai tái người gây gây rét từng cơn ớn lạnh luồn vô tủy sống mà chấp nhận thương đau. Chính nhân quân tử hiên ngang anh dũng đi tiêu diệt địch. Nếu lỡ trên đường sạn đạo có lạc vào cửa tử thần (bao trùm cả vùng chiến sử ca), Hoà thấy họ không tỏ lộ nét sợ hãi, băn khoăn lo lắng trên những khuôn mặt cương nghị đượm phong trần nắng gió mưa sương. Mắt họ bừng bừng đỏ từng đường gân máu co giật tóe lửa, cục xương yết hầu mắc họng oan gia suốt bao kiếp, đưa lên đưa xuống đâm vô cuống cổ khát khô bỏng họng. Họ trợn trừng hai con mắt, hàm răng nghiến chặt, bắp thịt cuồn cuộn, đôi chân dũng mãnh vững chãi đạp trên đất phù sa, đạp lên gai góc, cát đá; cả nơi bì bõm sình lầy đồng chua nước mặn:
Đã nhiều lần đánh vào tận chiến khu
Lại nhiều đêm nằm trên đồi nghe gió hú
Đời chiến binh rất nhiều đêm mất ngủ
Súng cầm tay trong tư thế sẵn sàng
Đợi địch quân như ngăn sói cản lang
Chỉ chập chờn chờ cho trời mau sáng (3)

Họ chụm đầu cúi mặt chia nhau từng vụn thuốc nhỏ, hít hít hơi thuốc vặt cho bớt lạnh, hai bàn tay khum khum che kín đóm lửa, không cho ánh sáng le lói thoát ra ngoài. Người lính Bô-binh thì luôn nằm gai nếm mật, ăn bờ ngủ bụi. Nếu họ có được cái giao thông hào ẩm ướt trú chân, là may. Tình đồng đội vào những giây phút tột cùng hiểm nguy, thật vô cùng trân quý. Cảm động đến bàng hoàng cúi mặt, che dấu giòng nước mắt mằn mặn cay cay cố nuốt vô trong tim. Họ cực khổ quá chừng! Ôi! Đời lính xót xa cực nhọc khốn khó xiết bao! Họ luôn bị đời vô tình lãng quên! Cuộc sống người lính chiến nằm gai nếm mật là thế! là những ngọn nến lắt lẻo trong muôn triệu ngọn nến đời, do tự bàn tay người lính âm thầm đốt lên. Và, cuộc sống gian truân phải là sự hy sinh, chấp nhận vẹn toàn gian khổ, khi bảo vệ quê hương, tổ quốc, tha nhân. Chấp nhận vẹn toàn:
Sau những chuyến quân hành rong ruổi
Sống trở về trong bao nỗi mong chờ
Đời chiến chinh là thơ hay tiếng khóc?
Nếu không thì bằng khó nhọc đẫm mồ hôi! (3)

Có điều gì linh thiêng, thần bí và cường điệu thôi-thúc họ từ bỏ tất cả phù du tuổi trẻ: yêu thương, xa hoa quyến rũ trong cuộc đời phù phiếm? mà họ không chút e ngại rụt rè, do dự? Phải chăng như đó là nghề của chàng mà! Thật cảm động đến bàng hoàng thảng thốt ngẩn ngơ. Tại sao người lính xông vô vùng chiến địa tàn khốc điêu linh nầy làm gì, thế hử!? Tại sao!? Nếu không vì các anh thiết tha yêu thân nhân, yêu đồng đội, yêu đồng bào, yêu đất nước quê hương mình??? & họ cầu mong ước ao giữ gìn non sông gấm vóc, và dân tộc an lành trường tồn đến thế? Phải không, thưa qúy anh rất đáng ngưỡng trọng và kính phục!? Cũng có thể do vì có em:
Em là em anh đợi khắp nẻo đường
Em có nụ cười buồn mây mọng
Em có làn mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng! (2)

Có lẽ đang bắn nhau gần khu nầy lắm hay sao, mà cả ngọn đồi kêu ục ục và rung lên dữ dội. Các cô gái của phòng 5 chân ướt chân ráo vừa đứng chưa vững trên sân của bộ chỉ huy hành quân, đã khiếp sợ xính vính lo âu tột cùng. Các cô giật mình quýnh quáng hét to, đồng loạt cúi cong người, tay bịt hai tai, họ vụt chạy vô căn hầm gần nhứt, chui tọt xuống hầm trú sâu lút đầu người. Các cô chui mau vào gầm bàn, gầm giường bố, họ bò lê bò la, nằm úp mặt xuống nền đất ẩm lạnh, miệng mếu máo như em bé lên ba, không ngớt kêu gào, thảng thốt, rên rỉ. Như có ai vừa thọc con dao găm sâu lút cán ngoáy ngoáy vô bụng mình.

Trái tim Hoà đập điên loạn trong lồng ngực cuồng quay, đau nhói, co thắt từng hồi muốn nghẹt thở. Dường như có bàn tay vô hình nào đó bấu móng nhọn cắm phụp nơi trái tim mình, buồng phổi bóp chặt, làm ứ nghẹt hơi thở muốn bật máu tươi. Hoà tưởng mình mang trong người cơn bệnh trầm kha thoái hóa thần kinh, tế bào thần kinh tiết ra chất dopamine thành bệnh parkinson, làm cho thân thể co siết, dúm dó, tay chân bủn rủn, run lẩy bẩy, lập cập, run rẩy kinh niên, thật đáng ghê sợ. Các cô la ó kêu gào từng hồi thất thanh, giống như con heo bị chọc tiết trong lò sát sinh. Các cô chưa kịp hoàn hồn, đã bị bồi thêm mấy vố nổ kinh dị khác, nhiều đợt chấn động tột cùng khủng khiếp ngân rền. Mặt đất rung rinh chuyển động u u… ục ục… như ở trong cơn động thổ bảy tám chấm.

Sau loạt đạn chi chi đó xé gió cỡ mươi quả bay đi, súng lớn giới hạn tầm bắn dường như bay ngang đầu, xuyên qua tường ghi sắt chắn bao cát nứt nẻ, khiến gạch vôi vữa, đá dăm, bụi hồ cùng mảnh bể trên mái hầm bị sụp một bên, đã rắt đầy lên đầu lên cổ các cô. Cột sắt bị gió thổi vù vù chạm điện kêu lanh canh lách cách, lửa vàng lóe chớp đỏ đỏ kêu xẹt xẹt xẹt, nổ lốp bốp. Bóng đèn bể bụp rơi loảng xoảng. Căn hầm bỗng dưng tối mờ. Gió lùa khói đen cay khét lẹt, quyện lẫn mùi hỗn hợp cuốn thốc bụi đất lẫn lộn tàn tro mù bay tứ phương. Trong bóng tối mờ mờ từ lỗ châu mai dọi xuống, năm cô gái nhìn nhau, ánh mắt xao động hãi hùng, chua cay, lo lắng sợ hãi, xen lẫn chút hào khí đầy phẫn nộ ở lưng tròng mắt.

Vừa gù gù đáy thắt lưng ong, nhấp nhô đầu nón sắt sụp xuống quá lông mày, mấy cô dùng hai tay vịn lên góc hầm, lò mò bò bò, thụt thụt thò thò, họ nhấp nhổm tính leo ra khỏi miệng hầm đã bị sập một góc to, sẽ chạy đi tìm nơi an toàn khác; thì một tràng đạn lại ria qua. Lạnh buốt xương sống, họ thất thanh kêu rú, hét tướng lên như con bò rống trong ba toa. Mấy cô lại vội vàng xô nhau cúi hụp người chui tọt xuống hầm sâu, giống con nhái bén lặn kỹ dưới đáy ao mút mùa lệ thủy. Cả khu đồi sục sôi kêu ục ục, ọc ọc... bụp bụp, ùm ùm, lòng đất nhấp nhô. Nhà cửa tiền chế phía trên hầm dường như động thổ, nhấp nhô rung rinh, nghiêng bên nầy, xiêu bên kia. Thật quá dễ sợ dưới đống mưa chì bão lửa. Bao mái tóc một sớm một chiều đã bạc mau trong giờ phút đẫm máu kinh hoàng!

Nhiều giờ sau, bình nguyên lắng dịu dần dần, thỉnh thoảng chỉ còn năm ba tiếng súng nổ lẻ tẻ... từ từ nhỏ dần, xa dần rồi im bặt. Khi tiếng súng hoàn toàn im ắng, nhưng không gian còn bao trùm mùi khét nồng, oi ả, khi khói lửa điêu linh trôi qua khá lâu, các cô mới uể oải lóp ngóp rều rệu bò dậy, họ đi không nỗi chẳng phải do đói, mà vì còn quá khiếp sợ. Tuyết Ngọc là cô gái ưa quậy tưng trời, mà bây giờ cũng im thin thít, xép re, cô lù đù ngồi bó gối ở một góc! Từng người một rụt rè len lén khum người, chổng mông bò bò bằng hai bàn tay và hai đầu gối… lên khỏi miệng hầm rồi, các cô tự động ngồi phệt ngay xuống đất, duỗi đôi chân ra, họ thừ người ngẩn ngơ, ngố ngáo, ngơ ngơ ngác ngác. Họ chẳng thể cử động trên nền đất khô cứng loang lổ gạch đá bừa bộn, thủy tinh lộn xộn với tro bụi đất cát. Họ không kêu la, không nói, không khóc. Vì sự khiếp sợ hãi hùng đã dâng đầy cổ họng khô bỏng.

Mặt mày ai nấy đều tái xanh tái xám như nhuộm chàm, mặc dù trước đó cô nào cô nấy ỏn à ỏn ẻn, yểu điệu thắt đáy lưng ong, chăm chút tỉa tót tóc tai, họ cẩn thận vẽ lông mày lá liễu, đôi mắt kẻ viền lá răm, mặt hoa da phấn, môi trái tim thoa son tía, nụ cười rõ tươi tuyệt đẹp làm mát lòng người. Giờ phút thập tử nhứt sinh nầy, họ đã chà mặt xuống đất; bây chừ trông “qúy ẻm” lem luốc dị hợm, bộ dạng ai nấy giống như con mèo vá. Mồ hôi, bụi bặm, đất cát, khói khét, đã "trổ đồi mồi" màu da “công nương qúy phái đài các diễm lệ” mất rùi. Mà bọn con gái ni đã "xù lông nhím" không ai thèm nhìn bạn cười nhạo nhau nửa lời.

Trung Tá Lịch được Đại-tá Phát mời, cùng qúy sĩ quan cao cấp tùy tùng đi thị sát một vòng quanh vùng cấm địa. Tuyết Ngọc nghe cậu nói trong phái đoàn nầy, có mấy quân nhân vinh dự, đã theo học khóa Clandistine Operations cuối năm 1960, do Combined Studies tổ chức, qua sự tài trợ của Toà Đại Sứ Hoa Kỳ. Dù nhiều đêm thức trắng trong vùng giao tranh không chợp mắt, trông ông có vẻ hơi mệt, do tấm bản đồ hành quân địa phương chằn chịt dấu mực khoanh tròn xanh đỏ ghi trục toạ độ và đóng quân. Màu nâu ghi vùng cao độ, điểm chuẩn của trục trung độ và hoành độ được lấy bí số Phương Dung, Lệ Thu, để gọi chấm trên bản đồ, lên, xuống, phải, trái. Ông vẫn ra khẩu lệnh gọn gàng.

Tuy mệt thế, ông không mất đi nét rắn rỏi kiên cường, oai nghiêm trên bộ treillis lá cây mầu xanh đậm, hồ ủi thẳng nếp. Đôi giày botte de saut cao cổ bóng láng, ôm lấy hai ống quần gọn gàng. Súng lục nhỏ nạm ngà voi xinh xinh, đeo xệ xệ bên hông. Miệng ông ngậm ống pipe, đầu đội nón sắt, tay ông quay quay chiếc ba ton gỗ cẩm lai bịt bạc hai đầu, làm gậy chỉ huy. Dù trên cổ áo ông không đeo bông hoa bạc, nhưng có mấy ai mà không biết về vị chỉ huy Sư Đoàn nầy. Ông đậu thủ khoa khoá Sĩ quan Đông Dương, mang tên Promotion Indochinoise Quân Đội Pháp. Ông giữ các chức vụ quan trọng, như Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 Thiết Giáp. Tổng Giám Đốc Bảo An Dân Vệ. Bây giờ là Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh.

Đại Tá Phát vừa đi thị sát điạ hình, vừa thảo luận về kế hoạch phòng chống, cách tiến hành trận chiến với ông Rufus Phillips, làm giám đốc cơ quan Strategic Hamlets (Ấp Chiến Lược, gọi nôm na là Nông-thôn-vụ). Và ông Giám đốc cơ quan viện trợ Mỹ USAID. Cùng tháp tùng có phái bộ kinh tế gọi tắt là USOM, chuyên cung cấp sữa bột có đường, bột mì, dầu bắp, đồ hộp, hàng ngàn bao bố áo quần Mỹ Quốc viện trợ, thuốc lá Salem. Pallmall, vân vân... Phái bộ chỉ huy yểm trợ quân sự, gọi tắt là MACV, và Cố Vấn Mỹ là Trung Úy James Webb trẻ măng, miệng tươi cười ngậm điếu xì gà Schimmelpennick. Hình như anh ta mới tập sự viễn chinh. Có thể những người Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất Việt, còn ngỡ ngàng xa lạ về chiến tranh "du kích chiến" chỉ là một khái niệm mơ hồ.

Ắt hẳn "anh chàng" chưa hiểu định chế ấy, chưa có kinh nghiệm, và rút tỉa kinh nghiệm chiến thuật là bao. Không rành hơn, không giỏi hơn quân nhân Việt Nam về chiến thuật, chiến lược nầy. Dù rằng kỹ năng tác chiến, và khả năng toàn diện của Cộng Hoà Việt Nam, dựa vào thuật ngữ của súng M-1, súng Garrand cổ lỗ sĩ. Vả chăng "chàng Mẽo" kéo mươi củ súng 105 ly qua Thái Bình Dương, để "mớm mồi" Cộng Hoà Việt Nam "bắt tay với Mỹ quốc viện trợ". Trong tinh thần nhân chủng, “đề huề” hợp tác chặt chẽ việc bang giao!? Nhưng, ông Tá phe ta sẽ nhờ họ thực hiện tốt: việc yểm trợ, tiếp liệu quân viện, kinh viện là trọng yếu. Ông sẽ thảo luận về các mối tương đồng, viện trợ kia: Thực tế nhất là xin vật liệu làm nhà tiền chế, tráng những con đường nhựa. Xin cung cấp cho xi măng, sắt chữ U, sắt chữ V, làm cầu, v.v... Cùng các giao hảo tốt đẹp khác. “Anh chàng ta” nói:
- "Sure". Mấy chuyện lẻ tẻ nầy, nước Mỹ không lo bankcruptcy. OKay!

Thấy phái đoàn dừng lại trước cửa hầm quá bất ngờ, các nữ quân nhân xộc xệch quần áo đang ngồi soãi chân, giạng háng, họ sửng sốt vội vàng lóp ngóp đứng phắt dậy nghiêm chào. Đại Tá Phát nhìn thần sắc các cô nhợt nhạt, tái xám, lem luốc, đầu bù tóc rối xù to như tò vò ổ rơm, thân thể dúm dó, co ro cúm rúm, run run như người bị bệnh thần kinh ngố ngáo nặng. Thì ông quay sang Trung Tá Lịch và các sĩ quan tùy tùng... Họ nhìn nhau khe khẽ nhún vai, nhích cặp lông mày lên một chút, rồi qúy sỹ quan từng trải giàu kinh nghiệm lừ mắt, mím môi, cái bụng họ rung rinh vì dấu tiếng cười tươi, họ quay lại nhìn nhìn... mấy cô binh nhì dưới quyền non đời, hơi nhếch mép thân mến mỉm mỉm gật gù. Chao ôi! Thật thảm thương cho các em! đâu rồi nữ tướng hào kiệt anh tài (giống như Hoa Mộc Lan thuở xưa!? Có lẽ các nàng lo dông tuốt… chạy bán mạng về bên Tàu mất tiêu). Quê xệ hết sức ha các anh ui, các em thiệt mắc cỡ vì nơi đây các em đã:
Phấn hương đã nhạt, tình dẫu đậm
Cũng chẳng gặp chi để ngỡ ngàng
Hình ảnh cô em xinh ngày ấy
Đã rũ nhàu theo bóng thời gian. (4)

Mấy ngày sau vẽ bình tĩnh bàng quan của thôn, xóm, có lẽ vãn hồi, nhưng còn đọng lại trong lòng người bao lo âu, run sợ tai hoạ khác bất ngờ ập đến. Các cô dần dần bình tĩnh đôi chút, nhờ sự lân mẫn tự nhiên, giữa các quân nhân dạn dày sương gió, từng xông pha nơi vùng mũi tên đầu đạn ở chiến trường, nhờ sự lặng lẽ thờ ơ của người lính trẻ, nhờ nhiều nụ cười đầy bao dung, khoan thứ của các sĩ quan đã từng trải. Các cô nhận biết, nghe quen tai đã phân biệt tiếng súng bắn đi hoặc câu vào. Tuy đôi lúc bất thần nghe súng nổ, họ giật bắn người, còn run sợ, hai lỗ tai hầu như ù ù, lùng bùng, điếc không nghe gì, riết rồi điếc đặc không sợ súng.
Riêng Hoà điếc thật rồi, nhưng đứng trong khu bộ chỉ huy cô còn thấy đầu đạn bay vun vút trên đầu, cô thập thò lấp ló đi ra, đi vô nơi lều bạt, thấp thỏm run run nhìn về mấy ụ súng sắt đen lạnh khạc ra lằn lửa xi xi xẹt xẹt, viên đạn nhọn hoắt bịt đồng sáng loáng, vút vút xoáy tít vào không trung ùm… Oằng… Pằng… Tạch Tạch Tạch… Bùm! Hoà sợ hãi kinh khủng nấp vô góc nhà, rụt cổ co người, ngồi hụp xuống, hai tay Hoà bưng lấy đầu, toàn thân run bần bật, tim nhảy thình thịch trong lồng ngực, hơi thở nghẹn cứng, đứt quãng như muốn hụt hơi. Cuộc sống mới dưới sức nặng tột độ kinh khủng của gánh đời nghiệt ngã đón chào Hiếu Hoà “bằng những pha ngoạn mục” đến thế sao!?
* * *
Tình Hoài Hương

*
(1) Phạm Hồng Thước
(2) Bùi Giáng
(3) Trương Trọng Kiên
(4) Thanh Cảnh
(5) (Yên Phú–Trần Điềm

Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
Trân trọng