Remember ?

kết quả từ 1 tới 6 trên 8

Tựa Đề: Góc Truyện Dài *Tình HOÀI HƯƠNG *Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Thật Tình Cờ

    Photo by Hoài Hương

    Nghiệt Ngã Giữa Hai Lằn Đạn
    Phần Thứ Nhứt
    Chương 7

    Thật Tình Cờ
    Thân kính tặng qúy quân nhân QLVNCH
    đã có một thời vang bóng trên quê hương Việt Nam…
    Tình Hoài Hương

    ***

    Ngày mới chớm vào đầu mùa Hạ sau cơn mưa phùn li ti lất phất bay bay rất nhẹ, rồi đậu trên mái tóc Hiếu Hoà, mà sao phong cảnh nơi núi rừng nầy trông thiệt ảm đạm. Gió lạnh thập thò ngoài khung xe GMC, gió run run ngập ngừng lay động bông hoa lau. Mây xám pha màu lam phơn phớt tím kéo từng bè về bên kia dãy trường sơn. Buổi sáng về rất chậm, kèm theo phiến nắng vàng lợt lạt le lói yếu ớt ẩn sau các bè mây. Từ cánh bướm chập chờn do dự trên dòng sông rực nét tình xưa, dẫn Hoà quay về bao ngày thuở còn hái hoa, bắt bướm... ép khô trong trang sách học trò nơi ngôi nhà cũ. Hoà nhớ những chiều năm nao dọc theo bờ suối, nhớ từng người thân qua mỗi đoá hoa: pensée, violette, coquelico, mimosa, forget me not, kim châm, hoa giấy trắng, tím, hồng; hoa ngâu, hoa sứ, tường vi, mãn đình hồng, sen địa, vân vân...

    Nay tại chốn nầy hoa bằng lăng màu tím rộ nở bên góc hè nhà ai, cánh hoa thiên lý có chú bướm nhởn nhơ bay về, đưa Hoà quay trở lại ngày tháng tha hồ rong chơi bên suối, Hoà ưa vớt lục bình trôi lênh đênh nhấp nhô bên sông Bồ. Nước chảy dưới cầu Thanh Long xuôi về Bao Vinh, Huế dẫn Hoà theo dòng lưu thủy tan vào cuối nguồn. Nước luân lưu chảy đến đầu non ở Minh Long, Tà Noát, nước từ sông Thạch Hãn, Như Lệ, Phá Tam Giang đi Trà Khúc, sông Vệ, Nghiã Hoà... ưu ái hòa thông nơi nơi đều nhập hội trùng dương ở biển cả. Rồi cánh bướm vụt bay lên rừng cây kiền kiền thân thẳng gỗ lớn, mặt lá mốc trắng nơi bờ rào nhà ai trước sức gió thổi, bỗng nghiêng ngã dồn dập xô về. Bướm không buồn quay lại bên đoá bằng lăng tím yêu kiều, để Hoà ngồi trơ trọi, liu riu ngu ngơ trông ngóng, bơ vơ một mình trong ca bin xe GMC.

    Hiếu Hoà nghĩ đến tình quê, nghĩ đến điều bất hạnh vong gia thất thổ: xóm, làng nầy gánh chịu đời sống kinh hãi, khổ ải tận cùng trong chiến tranh đau thương, chưa biết có kết thúc hay không nữa!? Nhà nào cũng có bụi chuối mương tre, gốc cam cây ổi, chen chân với cây cau óng ả quyến luyến bện dây trầu quấn quanh thân. Những chú ve tơ dạm ngỏ duyên tình tán tỉnh ve mái nghe dễ thương, "chàng" khoe bộ cánh mỏng tanh màu xanh với "cô nàng" ưa làm le, làm dóc, làm bộ ra cái điều ả ỷ mình đang độ thanh xuân xinh đẹp. Chú ve cứ ra rả: "anh... ve ve! anh... ve ve ve”... Trứng ve sống dưới lớp đất dày nhờ ăn nhựa rể cây, từ từ nó lớn lên biến thành con nhộng, ấu trùng kéo dài sự sống từ 15 năm tới 17 năm mới đội đất chui lên. Đây là loại sinh vật có sự sống dai dẵng kinh khủng nhứt khi chưa trưởng thành.
    Thật quá lạ lùng & kỳ diệu! Chỉ có con ve đực có cái kèn dưới bụng ung dung “líu lo thổi kèn suốt” không cần ăn uống. Từ sáu tuần đến tám tuần nó sống thảnh thơi an nhàn trên cây, nó chuyên quyến rũ “nhân tình” và làm công việc truyền giống. Khi hết mùa “ân ái”, thì con ve đực xanh xao héo mòn khô đét bấu chặt chân trên cây cao, treo mình mà “qua đời”. Thiệt quá tội cho kiếp ve sầu.

    Hoà nhìn xuyên suốt qua lũy tre xanh ẩn khuất có dòng sông lặng lờ uốn khúc, nhấp nhô cánh lục bình, lùm dừa nước tàu lá xoè to đâm đọt lên trời, cô thấy một giang đỉnh chạy trên sông, cột nước vọt thẳng đứng. Giang đoàn Trưởng cho con tàu neo gần bờ, để chờ đợi khi nước xuống thấp, thì ông cho tàu chui qua gầm cầu Cộng Hoà. Chìm đắm trong sự yên tĩnh như thế không biết bao lâu, từ phía hông xe, Thu Hoa mở cửa nhảy lên, với năm sáu chiến lợi phẩm. Thấy bạn, Thu Hoa tươi nét mặt, quay qua phía hai người lính trẻ đứng dưới đất, một anh Pháo-binh, một anh Nhảy Dù. Hoa vui vẻ nói:
    - Em xin giới thiệu với các anh: đây là Hiếu Hoà, cô gái vừa rồi đã ngâm bài thơ “Giếng Mắt Đẫm Giọt Sương”, mà anh Đan hỏi em: "Ai ngâm rứa". Còn đây là anh Văn, anh Đan, đó Hiếu Hoà.

    Hoà mỉm cười gật đầu chào hai chàng trai, họ mặc áo trận bạc màu nắng gió khói sương, quần đầy bụi đỏ, màu đen trên mái tóc ngả bụi vàng đường xa. Đan trầm ngâm hút thuốc lá không đầu lọc, anh đứng chống tay ngang hông nhìn vu vơ lên giàn hoa thiên lý, rồi Đan nhìn qua hàng bằng lăng tim tím, anh lại ngoái nhìn cây bạch đàn phía sau. Họ không mang cấp bậc, huy hiệu, nhưng ai nấy có vẻ dễ nhìn và thanh lịch, khuôn mặt rắn đanh, bất khuất kiên cường ở bờ chiến tuyến. Nhìn ngón tay tháp bút vàng khói thuốc và không đeo nhẫn của Đan, Hoà chợt cảm thấy lòng rộn ràng nao nao, trào dâng niềm vui vui lâng lâng vu vơ kỳ lạ mà… mà thiệt khó tả. Tại sao lòng vội vã dâng ngập niềm vui, khi mình chưa khẳng định Đan còn độc thân, hoặc đã có gia đình, nhưng anh chẳng đeo nhẫn cưới, thì sao!?

    Họ đang hiên ngang đánh chiếm, dành lại, gìn giữ từng Ấp Chiến Lược, gò mối, lũy tre, ao làng, ruộng vườn, nhà cửa dân cư. Lính quý từng mảnh đất thân yêu trên khắp bốn vùng chiến thuật, lặn lội qua từng nẽo sơn khê, những dấu giày đinh dẫm lên cùng khắp khi chiến tranh Việt Nam bùng vỡ. Quân nhân miền Nam Việt Nam anh dũng lẫy lừng qua chứng tích đã đạt được, những trận đánh có cường độ tàn khốc, hữu hiệu, chính xác, kèm chiến thuật quân sự lẫn chiến lược chiến tranh chính trị. Không cần huân chương, mề đay, hai anh đã tặng cho Thu Hoa, cô đem về nộp những thứ đó làm thành chiến công riêng mình.
    Văn cầm xâu chìa khóa tung lên trước mặt, rồi đưa tay ra đón bắt, sau đó anh quay qua vỗ vỗ vô vai bạn thân, trêu đùa:
    - Thế nào? Anh bắt tôi lội qua sông Nghĩa Phú cho bằng được, để anh có dịp làm quen, nói chuyện với người em cùng quê hương. Bây giờ, đứng trước mặt cô em rồi... sao anh im lìm như gỗ đá vậy? Anh!

    Đan ngẩng nhìn Hoà qua rèm mi che nửa giếng mắt u buồn, đôi mắt Đan khá đẹp ẩn dưới hàng mi dài dày cong vút, nét mặt anh trông nghiêng đầy vẻ bất khuất, kiên cường rắn đanh như khắc trên tấm phù điêu. Vầng trán Đan cao rộng biểu lộ con người thông minh, dáng anh hiên ngang oai dũng dưới hai ống quần ướt sũng nước còn lọc ọc bì bọp trong đôi giày đinh, môi Đan thoáng động đường răng trắng bóng, với cái nheo nheo từ đôi mắt hữu tình mà nhìn... nhìn Hoà trìu mến:
    - “Sá chi một kiếp phù du nhỉ. Mà chẳng trao nhau trọn chữ tình” (1). Nhưng… ấy dà, đứng trước giai nhân thì… bao nhiêu dự tính đã tiêu tùng ráo trọi. Có lội qua sông, tôi mới biết sông sâu, nước lạnh. Khó dò.

    Phút định mệnh thật tình cờ cúi xuống đọng lại qua nụ cười, Hoà thấy Đan nhã nhặn quá đỗi, tự dưng cô "vụt cảm thấy" mình có “cảm tình đặc biệt” với anh. Tại sao kỳ vậy, chả biết. Bỏ thói độc hành để song hành cùng người mới gặp, Hoà nhẹ nhàng mỉm cười:
    - Xin phép cho em gọi anh Đan, tự xưng là em, nhe anh!
    - Xưng hô là tượng trưng về thân tình quý mến lẫn nhau. Muốn gọi sao thì gọi, có hề chi! Em.
    - Dạ dạ… Anh Đan à! Nguyễn Bá Học nói câu nầy: "đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Theo thiển ý của em, thì anh vượt thắng sông núi rồi. Vì, dưới đôi ống quần ướt sũng nước đó, có thể anh đạt vài ý nguyện, bằng cách là Hoà đang đối diện, đối thoại với anh nè.
    Văn ngửa người ra cười ha hả, vỗ bôm bốp vô vai bạn:
    - Tuyệt cú mèo chưa! Anh mình?
    - Cả anh Văn nữa! Các anh lội qua sông sẽ bị ướt hết quần áo, giày đinh. Coi chừng tránh xa thủy lôi Việt Cộng thả theo giòng nước, nhứt là nguy hiểm đó, hai anh.
    - Em chu đáo quá! Cám ơn em.
    Thu Hoa reo lên như tiếng chim hót:
    - Hoà là cô bé cưng dễ thương! (nhưng thương không dễ á). Có nhiều người trồng cây mơ, cây si, cây mê. Tuy vậy, Hoà còn cô-đơn à nha.
    - Hai anh đừng nghe Thu Hoa nói xạo, mà bán hết gạo ăn bây giờ.
    - Ê! Bồ tèo. Trưa nay tui cho bồ nhịn đói, hì.
    Văn khoát tay lia liạ:
    - Đừng lo Hoà, mời em dùng cơm từ hôm nay nghe.
    Thu Hoa chúm đôi môi, nguây nguẩy giây lát:
    - Hai anh không mời em há?
    - Dĩ nhiên anh muốn mời cả em nữa. Do em chỉ lối đưa đường, anh Đan mới có dịp đứng thộn ra, ngẩn ngơ vì... cảm động nè.
    Màn đấu hót tay đôi giữa Văn và Hoa nghe vui tai. Mặc bạn ríu rít cười nói trêu ghẹo nhau. Đan bắt chuyện:
    - Ở Huế, em ở đường nào vậy?
    - Dạ, nay ba má em dời về ở Mỹ Chánh lập đồn điền. Các anh chị ở An Cựu, và Gia Hội. Còn anh, ở chốn núi rừng hẳn anh nhớ nhà. Buồn lắm ha?
    - Quen rồi em. Lâu nay em có về Huế không?
    - Dạ không anh à. Em ở Đà Nẵng.
    - Anh biết.
    Ngạc nhiên, Hoà tròn xoe đôi mắt nhìn Đan:
    - Ố! Anh biết... Hoà?
    - Có gì đâu, ngày đầu tiên anh thấy em leo lên đỉnh núi Thần. Anh nghe bạn nói các em đặt tên núi là “Tê Tê bại bại” gì đó. Anh để ý dò hỏi, mới biết em cùng quê, là cánh hoa rừng biết nói. Càng không ngờ em là hoa hậu dễ bị ngất xĩu vì... bệnh tim thời đại. Ha ha...

    À thì ra... hôm ở trong tầng hầm khu tiền chế Hòa sợ hãi kinh khủng khi nhìn anh thương binh bị cưa cụt chân, cô đã bị ngất xĩu, không ngờ chuyện nầy lọt tới tai anh lính Pháo-binh nầy cơ đấy! Thoáng mắt bất ngờ cảm mến giao nhanh, hai người cùng cười hồn nhiên. Hoà e dè dò hỏi:
    - Hẳn là anh nhớ lắm cô áo trắng, tóc thề bay trong gió, cặp ôm ngang ngực, mong manh bài thơ trên nón lá có quai tơ vàng óng ánh rồi, há anh?
    - Thời hoa mộng đó đã trôi qua. Giờ đây anh là người lính độc hành, còn lang thang trên ngõ cụt tình yêu.
    - Sao vậy anh?
    - Lính tráng như anh, làm sao có cái nhìn thân mật, ngọt ngào, ấm áp hương vị mùa Xuân. Hở em? Anh đã đánh mất nửa hồn mình trên nẽo đường bơ vơ, lạc loài tìm kiếm. Thật khó bắt gặp nửa hồn ai đồng điệu, hợp tình hợp ý mình, thấu hiểu, rất mực yêu thương lính. Anh có đôi lần yêu; tuy nhiên muốn tìm người bạn đường phù hợp đã khó, anh tìm một bạn đời càng khó hơn. Em ạ!
    - À... ra thế.
    - Cũng có thể do bận bịu chiến chinh. Hẳn nhiên em và anh không thích chiến tranh, nhưng khi chiến tranh xảy ra, bắt buộc phải tiêu diệt kẻ xâm lăng đất nước mình, thì ta có nghĩa vụ, bổn phận cùng đứng lên chiến đấu, để bảo vệ quê hương, cho dân tộc sinh tồn. Phải không nào?
    - Dạ phải.
    Nghe Hoà than bị nhức đầu do ngồi đây vừa nóng lại vừa ngưởi mùi xăng hôi chịu không nỗi. Đan nhìn cô:
    - Em nhảy xuống dưới đất đứng nơi bóng mát đằng kia chút đi. Xe GMC đậu ngoài trời quá nóng thế nầy, đương nhiên em hít thở nhiều benzen rồi. Nó là một độc tố gây thiếu máu, gây bệnh bạch cầu (leukemia), đầu độc xương, tác hại lên thận, gan. Benzen đã nhập vô cơ thể, khó thải ra ngoài. Rất nguy hiểm.
    Thu Hoa & Hòa nghe lời anh liền nhảy xuống đất đứng chuyện trò thêm một lát nữa. Mấy chiếc phi cơ trực thăng CH vụt bay qua trên không trung, giây lát sau không lâu bên kia sông Hòa thấy mấy anh tiền sát viên Pháo-binh chạy ra ụ súng. Tiếng depart đạn súng cối giới hạn tầm bắn vùn vụt xoáy rít, khô khan sắt lạnh bay xa, những tiếng nổ lớn rung chuyển cả bầu trời, do hỏa tập pháo binh nối đuôi thi nhau khạc đạn, nã đạn ùm! ùm! ùm... về cuối ghềnh.
    Anh Đan nói:
    - Đột kích bằng hỏa lực xong, thì sẽ có một đợt bắn tập trung về hướng Bắc vô trong rừng sâu, để chi viện cho đại đội phòng thủ biên thùy. Các em đừng sợ, xa đây lắm. Được nghỉ cũng không xong, lát nữa anh phải đi rồi.
    Hòa nghe từ xa giống như tiếng thủy lôi tàu ngầm nổ rầm rầm, hoặc như trận mưa giông sấm sét rất lớn. Hay như người ta giật mìn làm nổ hầm đá, để lấy đá trong núi, làm nghiêng ngả hàng cây bằng lăng, cành cây bạch đàn đã gãy lìa. Hai người lính điềm nhiên ngước nhìn về mấy đụn khói đen mỉm cười, họ không thấy vẻ mặt ngờ nghệch tái xanh, run rẩy của hai cô bé khờ. Câu chuyện đang hào hứng, bỗng khựng lại đến đấy là luyến lưu chia tay. Trước khi chia tay, Đan mỉm cười nhìn Hoà đá nhẹ hàng mi cong vút mà “phán” một câu:
    - Núi non sông biển còn đó, thì hy vọng anh với em sẽ có ngày vui gặp lại nha.
    - À, dạ, dạ…
    Đoàn xe của Hoà lên đường trở về ngọn đồi “T T 2”. Đan cùng bạn lại vội vã lội qua sông rộng nước sâu, trở về với doanh trại cuối làng mạc quạnh hiu ở chân núi đầu đèo hoang dã.
    Bửu Đan sinh ra và lớn khôn trong dòng tộc vương tôn được dưỡng dục rất mực tôn nghiêm, chu đáo và đầy tình thương yêu nồng ấm của gia đình. Đan đã đi Pháp từ lúc anh tròn mười tuổi. Mỗi năm, anh đều trở về Việt Nam hai ba lần thăm quê nhà trong dịp lễ, nghỉ hè, Tết, Spring break, v.v… Sống ở xứ người từ thuở nhỏ qua nền giáo dục phương Tây, đã dạy cho anh hấp thụ tính sòng phẳng, công bằng, tổ chức đời sống có khoa học, anh biết phép lịch sự nhã nhặn đối nhân xử thế tuyệt vời. Mặc dù sống trên xứ người văn minh tiện nghi, đầy đủ, sung túc. Nhưng Đan vẫn nhớ thương gia đình, nhứt là Đan thương nhớ me của anh và hoài hương xiết bao!
    Đan thấy đất nước mình chậm tiến, tuy nền giáo dục tốt hơn về đức dục: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ông bà ta rất thương con cháu, nhưng không quá cưng chìu chuộng con cháu ưa lì lợm vòi vĩnh nầy nọ, nhõng nhẽo. Họ không buông thả cho chúng tự do quá trớn, trẻ con ít “hành” người lớn như lũ con bên Tây. Con cháu ở Việt Nam biết kính trọng thương yêu ông cha, nể sợ họ một phép, chúng không trân trân tráo tráo, còn choai choai dé dé xíu xíu non dại... mà láu cá eo xèo “đòi hỏi tự do quá mức” như đám Tây con. Biết con hư nhưng cha mẹ lại sợ con “xu; xù” nên họ không dám hó hé!

    Tại viễn xứ xa lắc xa lơ kia, trước Noel tình cờ Đan quen nàng ở cạnh giáo đường Maubert Mutualité, gần tả ngạn sông Seine. Khi ấy trời mưa tầm tả, hai người vô tình đứng đụt mưa, họ vui vẻ trao qua đổi lại từ thời tiết gió mưa, tới chuyện Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của giáo hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 thế nầy: một hôm để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh sinh viên bước vô thánh đường cổ ở Paris, anh thấy một người quỳ cầu nguyện sốt sắng nơi dãy ghế đầu. Đến gần, sinh viên mới nhận ra người ấy là nhà bác học Ampère. Khi bác học ra khỏi giáo đường, sinh viên theo gót ông đến phòng làm việc. Thấy thanh niên đứng trước cửa phòng, nhà bác học lên tiếng:
    - Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?
    Thanh niên nhỏ nhẹ:
    - Thưa thầy, con là sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin!
    Nhà bác học mỉm cười khiêm tốn:
    - Anh lầm rồi, đức tin là môn tôi yếu nhứt. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng hân hạnh lắm.
    Sinh viên liền hỏi:
    - Thưa thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?
    Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:
    - Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi nào chúng ta cầu nguyện mà thôi! (2)

    Nàng vui vẻ và khả ái, nàng kể cho anh nghe chuyện bà thánh Jeanne D'Arc, (tên thánh của nàng) bà ta hô hào cư dân Pháp đứng lên lật đổ chống lại sự thống trị cay nghiệt của Hoàng-gia Anh năm 1429 tại thành phố Orléans. Sau đó, bà bị hoàng gia Anh-quốc bắt bỏ tù và thiêu sống. Đan cảm thấy thoải mái, ý nhị, anh hùng hồn kể cho nàng nghe về oai danh bà Triệu, về hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị của nước Việt Nam, vì thù nhà nợ nước, họ đã đứng lên chiêu mộ quân sĩ, đánh đuổi bọn Tàu ra khỏi đất nước được ba năm. Sau đó, Mã Viện đem quân qua Việt Nam xâm chiếm. Thế yếu lương cạn, bị thua trận, hai bà can đảm nhảy xuống sông Hắc Giang tự tử.
    Nghe xong nàng gật gù thú nhận em bội phục phụ nữ Việt tuyệt vời hơn bà thánh của nàng. Đan lại kể danh nhân: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris: Trên tuyến xe lửa đi về Paris, có một thanh niên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt, và chìm đắm trong cầu nguyện. Sinh viên quan sát cử chỉ cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, không thể chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng:
    - Thưa, ông còn tin vô những chuyện nhảm nhí thế à?
    Cụ già thản nhiên trả lời:
    - Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
    Thanh niên xấc xược trả lời:
    - Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ tôi không thể tin chuyện nhảm nhí ấy, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi, hãy học hỏi khám phá mới của khoa học. Rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay, đều là những chuyện nhảm nhí.
    Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên:
    - Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không?
    Sinh viên nhanh nhẩu trả lời:
    - Ông cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách đến ông, rồi ông sẽ say mê về thế giới phong phú của khoa học.
    Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp, trao cho sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người ấy tái mặt xấu hổ, lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy ghi: Louis Pasteur, viện nghiên cứu khoa học Paris. (2)

    Thế là từ đấy họ hợp ý nhau... Đan say đắm người con gái dễ thương học tại L’Ecole supérieure des Beaux Arts de Montpellier Aggomération, tức là trường Trang-trí Mỹ-thuật Montpellier. Nàng đã đem lại ngọn lửa tình vút lên từ đôi tay Đan kính cẩn chấp vào, khẩn thiết chân thành kêu xin Thượng Đế. Sau đó hai người hò hẹn đi ăn tối tại Perle-du-Lac, trên bờ hồ Leman thơ mộng. Từ nơi quê hương nàng, anh nhớ da diết và yêu đôi mắt xanh lam, mái tóc vàng óng đầy xao xuyến, thân hình nàng rất hấp dẫn, quyến rũ đã khắc sâu vô đời Đan những vết in đậm sâu, đầy yêu thương, quyến luyến và nhớ nhung vô vàn.

    Tình yêu anh đối với nàng là một tình cảm vô cùng đặc biệt; cho dù nàng khác chủng tộc, màu da, tiếng nói, nàng chưa toàn vẹn hiểu Đan sâu sắc, hoặc hồi đáp lại Đan điều gì khao khát từ trong tư tưởng như anh mong đợi. Nhưng với hai người thì mối tình ấy khá hồn nhiên gắn bó, chân thật, trao nhau hết tình. Bên nhau trong ngôi biệt thự xinh xắn của cha mẹ nàng ở vùng ngoại ô Gif-Sur-Yvette, cách xa kinh thành Ba Lê khoảng hai mươi sáu ki lô mét về hướng Tây Nam. Họ trao nhau tình yêu mặn nồng đầy thắm thiết ái ân… Ấy thế mà cuối cùng trong thành phố Lyon... chàng và nàng cùng cậu con trai tí hon đã đồng thuận chia tay nhau vĩnh viễn ở sân ga Part Dieu:
    Em là gió thổi qua dòng sông lạ
    Và thuyền ta chìm giữa đáy tang thương
    Em là sóng ta bạc đầu trắng xóa
    Bọt bèo ta trôi mãi giữa vô cùng. (3)

    Dù rằng tình yêu ấy đã từ đôi tay nầy ân cần chấp lại khẩn thiết cầu xin ơn trên ban cho anh; thì nay cũng từ đôi tay ấy đã mọc cánh vút xa bay trong nỗi xót thương, tiếc nuối khôn cùng, rồi trở thành đau buốt. Như Verlaine đã nói: "Il pheut sur la ville, comme il pheure dans mon coeur" (mưa ngoài trời (phố) giống như mưa trong lòng tôi). Mà thôi: xin hãy qua đi! xin hãy quên đi! xin cho bình lặng tâm hồn. Đan không muốn nhắc đến tên nàng, dù vô tình anh đọc trên sách báo có chữ “tên ấy” anh càng đau đớn vậy. Vì Đan yêu me của mình hơn bất cứ ai, anh không muốn mẹ đau khổ buồn phiền, bởi vì me cổ kính đã rớt nước mắt rất nhiều ngày đêm... khi me biết cô sinh viên đoan trang và anh thư ấy là đầm. Rồi có một ngày em & anh sẽ quên. Quên. Có thể. Bao giờ nhớ đến em, từ trong giấc chiêm bao, anh sẽ ghé về Paris thăm mẹ con em nhe. Chúng ta hàn huyên tâm sự cho bỏ những ngày trống vắng chia xa, mình sẽ tìm thấy nhau nơi giấc ngủ bình yên muộn màng. Em ơi:
    Mơ ước nhỏ nhưng sao không hề dễ
    Bởi anh đi, đâu hứa hẹn ngày về
    Nghĩ tới em lòng anh lại tái tê
    Vì trách nhiệm nặng nề anh đang gánh
    Giữa đêm khuya trên ngọn đồi cô quạnh
    Nghĩ đến em là hạnh phúc tuyệt vời (4)

    Đan học xong lớp second = đệ tam, lớp premire= đệ nhị, anh thi Tú Tài I (Baccalauréat Premiere Partie). Đỗ Tú Tài phần I xong, anh chọn Khoa Học Thực Nghiệm (Science Expérimentales) và Toán (Mathématiques Élémentaires). Học hết class terminal, đậu Tú Tài II hạng ưu. Nhứt là vì từ thuở nhỏ anh yêu con đường binh nghiệp, như Nguyễn Công Trứ, đã nói: " Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây. Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể". Anh từng tu nghiệp Pháo-binh ở Châlons-sur-Marnes (Pháp) và Fort Sill (Hoa Kỳ). Anh bảo: “nếu anh không nổ lực cố gắng, kiên trì trong công việc đến khi có kết quả, thì anh sẽ không thể thực hiện được lý tưởng hoài bão, ước mơ cuả mình”. Sau bao năm học hành rồi thành đạt vinh hoa, Đan trở về quê nhà mong đem chút kinh nghiệm đã học hỏi bấy lâu ra giúp đời. Thế rồi giờ đây… ngày nầy qua ngày khác, Đan vẫn soi chiếc bóng cô độc chao đảo khi tỏ khi mờ trên dòng suối lờ lợ đục:
    Đêm đóng quân trên tiền đồn hẻo lánh
    Sương mịt mù mang hơi lạnh tái tê
    Kỷ niệm xưa ở đâu bỗng chợt về
    Rồi rõ nét với đê mê ngọt lịm
    Tôi thấy em trong áo dài mầu tím
    Màu tím hồng của những cánh hoa sim (2)

    Mỗi lần, chỉ cần trông thấy chiều tàn dần vắt qua sườn dốc, khi đám mây trắng bạc bồng bềnh thấp thoáng, âm thầm bay qua bên kia lòng khe, vách đá, nước chảy róc rách trên lưng đồi Minh Long suốt thế kỷ, dội xuống lòng suối lững lờ trôi xa, nghe tiếng đạn đan chéo suốt đêm ngày trên quê hương điêu tàn, đổ nát, là vô tình vết thương đậm sâu không trông thấy vẫn nhói buốt đau đớn trong lòng Đan. Cơn lốc tình cảm thuở Đan còn ở bên Tây, làm nhức nhối tan nát tâm hồn tươi trẻ trước kia, giờ rụng đi từ đôi mắt Đan sáng loáng, ẩn sâu dưới hàng mi cong thấp thoáng ánh chìm đục, say đắm mơ màng. Hạnh phúc xưa bé nhỏ liu riu bất chợt thoáng qua mau, chưa thể làm lòng Đan ấm áp, bình yên, an vui giữa cơn gió xoáy rét mướt nơi sơn khê ngun ngút dặm ngàn. Đan thầm tự hỏi lòng: “Mình có thể thay đổi tình yêu xưa, bằng một tình yêu khác không? Biết đâu nó sẽ dễ thương trùng hợp đáng yêu; như thế, hoặc hơn thế nữa”!? Đan bỗng nhớ một câu của Montamayor viết: "Hỡi ký ức thù nghịch sự yên tĩnh của tôi, sao ngươi không lo giúp tôi quên các khốn nạn hiện tại. Hơn là nhớ đến những nguồn vui thuở xa xưa?".

    Đan đắm mình trong khí ấm đầu mùa Hạ vuốt ve, thu hút ong bướm từ mật ngọt và hương hoa, có tia vui hào quang dọi sáng, có khúc nhạc nên thơ êm mát, gió núi trong lành lao xao nét tình quê xanh thắm thoảng lại. Tiếng nói của Hoà hôm trước văng vẵng đâu đây, ngày này qua ngày khác, đêm nầy qua đêm khác thấm vô tâm tư Đan cô lẽ, như những giọt mật tròn, mật đắng, đắng không thể tả. Đan thầm nhũ với lòng mình: … mà nè Đan, biết biễu lộ tình cảm dưới dạng thức nào, cho trung thực đối với cô gái Đà Lạt dễ mến đó, qua bề ngoài câm nín của cái vỏ cuộc sống không? Anh mến Hoà từ lần gặp gỡ đầu tiên tình cờ buổi nọ. Hai mươi lăm tuổi, chưa có gia đình, Đan sống giữa chốn núi rừng Minh Long nầy, tâm tư không phải là không có điều nhớ nhung, yêu thương, băn khoăn, dằn vặt, ưu phiền, buông thả, dày vò, âu lo.

    Nhưng Đan không tỏ ra yếu mềm, mà chỉ ngồi trầm ngâm, lặng lẽ ngấm ngầm suy tư dưới gốc đại thụ mọc đủ mọi thứ lộn xộn: măng le, tre, nứa, giang, dây leo không tên um tùm, chằng chịt. Thế mà vẫn có vài con đường mòn đất nâu láng trơn len lỏi đã trũng xuống cận dòng suối đỗ dồn. Bốn bề núi đồi hoang vu bao bọc, hệt như lòng chảo Điện Biên Phủ. Dốc đứng đồi nghiêng cheo leo hoang tàn. Lô cốt Minh Long kẽm gai trại lính hầm hào giăng mắc chằng chịt. Điếm canh chênh vênh xác xơ lắc lư gió táp mưa gào. Rừng sậy già rậm rịt um tùm lô xô thân ống sậy như lóng mía. Cỏ lau sậy bông màu trắng to xù cong cong, giống đuôi con sóc leo trèo trên cây sấu vàng ửng tàng lá tỏa rộng bay xào xạc trong gió. Ở đây toàn vách đá cao lênh khênh, cheo leo, mịt mùng. Núi. Rừng. Đồi. Suối. Ao. Đầm. Cỏ lướt cỏ cây đan cây, cành đan cành, lá đan lá chằng chịt. Vượn hú kêu đàn thảm thiết buồn bã, những con quạ mình to đen bóng xoè hai cánh rộng giăng ra thật lâu, nó ngóng cổ hoác miệng kêu "quạ! quạ!" Quạ gù gù lưng cúi cổ nhảy từng bước cụt, như cô gái già đơn điệu nhảy cò cò:
    Tiếng chim gù gọi trưa hè say nắng
    Em về đâu, chiều rớt lại bên sông
    Tôi ngơ ngác tìm em hoài chẳng thấy
    Vòng đời quay thời khắc cũng bềnh bồng (3)

    Không hiểu từ ở đâu, nước từ thượng nguồn dội xuống khe suối rộng xuôi chảy, ven bờ dừa nước, lau, sậy, năn, lát gỗ có vân đẹp, gốc bành lớn, hoa màu vàng nhạt, lá kép lông chim đầy duyên dáng mọc chen cánh với rừng bằng lăng hoa tím nở rộ. Ôi! Phong cảnh nơi đây tuyệt diệu… nhưng vô số muỗi, ruồi, vắt, ve, ưa búng mình bò lên hút máu. Một phía bên kia suối nước bỗng trổ màu nâu hồng lờ lợ đục, nước lờ nhờ giống màu đỏ sông Hồng trôi lặng lờ trên xứ Quảng. Thấy mà ghê hồn, cảnh vật nơi đây hoang vắng u buồn, Đan sống những giờ phút xao xuyến, mơ mộng, ưu phiền bên ngọn suối bạc uốn quanh triền núi, gợi lên lòng anh biết bao nhớ nhung, buồn thương da diết vệt nắng rải sau hè rực nét tình xưa.

    Chiến tranh vỡ bung ra nhiều cột khói lửa đỏ rực khắp nơi trên đất nước thuộc lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Tuy nhắm mắt lại, Đan vẫn thấy đóm mắt hỏa châu thả xuống đỏ rực góc đồi, giao tranh bi thiết bàng hoàng kinh dị. Nơi nầy cường độ hung hăng chém giết lên tột đỉnh, tàn ác xâu xé cuồng loạn nhứt (ghê gớm hơn cả cảnh Mục Liên Thanh Đề đi thăm điạ ngục). Nhớ một chiều kia Đan chỉ huy mấy quân nhân đào những hố trũng sâu, mỗi hố cách xa nhau hơn 4m, sau đó ngụy trang cẩn thận những cây chà gát trên miệng hố, rải lớp cỏ tranh dày phủ lên những cây chà che hầm hố, để chống chiến xa việt cộng. Vậy mà tiếng mưa trái muà đỗ trên lá rào rào không thể xóa nhòa hình ảnh anh Nguyễn văn Năm, lính Pháo-binh gục xuống hố cá nhân, anh giống thân cây kiền kiền bị đốn ngã, khi đại liên 12 ly 7 quạt rát bỏng ù tai, làm tan nát đớn đau lòng anh.

    Đấy là lần đầu tiên trên đường binh nghiệp Đan giương to đôi mắt kinh hoàng chứng kiến đồng bạn kêu gào, co giật từng cơn hấp hối. Đan cảm thấy toàn thân nóng rang, phừng phưng luồng khí nóng phẫn nộ dồn lên mặt, nước mắt tiếc thương bạn ứa ra khoé mi lúc hai hàm răng Đan nghiến lại. Trước khi chết chẳng hiểu tại sao bạn ấy ngáp rất nhiều, ngáp hoài ngáp mãi, sau đó từ từ ngáp chậm lại, rồi cách năm bảy phút, vài phút ngáp anh ta mới uể oải ngáp một lần, cơn ngáp nấc nấc lên thưa dần, lâu dần rồi tắt lặng, yên ắng hẳn. Bạn ấy đã xuôi tay vĩnh biệt chấm dứt cuộc sống. Ấy là lúc ranh giới thiêng liêng cuả sự sống và cõi chết đã thực sự đối diện, khốc liệt, tàn nhẫn, lạnh lùng chạm trán nhau gay gắt kinh hoàng đau buồn tột độ. Dù ranh giới mỏng như tơ nhện, mà không ai có thể giơ tay ra dùng dằng níu kéo tích tắt thời gian vắn vỏi, ngỏ hầu phân định rõ ràng biên giới âm dương về một mạng người. Hai thế giới & một kiếp người đã hoàn toàn phũ phàng đóng ập lại. Hai phân giới vô hình nhưng minh định rõ ràng không thể va chạm vô nhau, dù chỉ qua một lằn ranh vô cùng mong manh như sợi tóc!

    Hằng ngày Đan chạm trán va mặt với chiến tranh gian nguy, cực nhọc buồn lo thì cường độ đớn đau tăng mãi trong đời, Đan cúi đầu đón nhận tang thương người khác rồi chua xót vò xé, anh nghiền nát cục sạn đắng cay trong hai kẽ răng mà Đan cố nuốt vô lòng. Dần dần cũng quen với bối cảnh tàn khốc ở hiện tại, nhưng cục sạn không trôi xuống bao tử, mà cứ uất nghẹn trên cuống cổ, rồi dội ngược vô tim, chạy lên đầu óc anh đau buốt, đầy thống khổ, như xác định mình hiện hữu. Đan tha thiết mong đóng góp một phần đời bé nhỏ cho người thân quen vui sống chút tháng ngày an thư, chứ anh nào muốn phải làm chứng nhân lù đù chứng kiến cảnh cuồng nộ, thống khổ, bi lụy khốn cùng đang trào máu mắt!

    Trăng lá mít mảnh dẻ nhẹ nhàng trôi giữa muôn cuộn mây xám đục, như con thuyền bồng bềnh, nhấp nhô trong tảng băng nức nẻ trên không trung. Cơn mưa rừng ngày hôm trước ào ạt đổ xuống khu trường sơn rậm rạp, cây lá được thiên nhiên kỳ cọ rửa sạch trơn, đã bóng mướt dưới ánh trăng bàng bạc chiếu lung linh. Tiết trời miền núi vẫn buốt giá do sương muối rơi lộp độp trên ngọn lá lóng lánh ướt sũng ánh trăng. Ai nấy đều bị nứt môi, lạnh nổi da gà, run lập cập, họ xuýt xoa hà hơi chà đôi bàn tay vô nhau cho ấm chút xíu. Từng giờ, từng đêm, họ khều nhau đổi phiên gác canh thâu. Dẫu vậy họ hân hoan, vui vẻ với niềm hãnh diện được làm anh lính miền Nam Việt Nam, thân thể họ rạo rực dưới sức lôi cuốn theo tình đồng đội an hòa. Nhịp bước họ nhún nhảy, coi vô-tư-lự tươi trẻ hồn nhiên như cái resort, dù ba lô trĩu nặng hành trang và đầy bụi đỏ dặm trường. Những người lính trực chiến trên chiến trường không ai khác hơn chính họ trực tiếp đương đầu với chiến cuộc!

    Cho dù danh nghĩa “đơ dem cùi bắp” nghe vừa tức cười trong cái quê mùa cục mịch nông thôn, đồng ruộng, lại càng có vẻ như giễu cợt người lính cà tàng thấp cổ bé họng; thật tội nghiệp làm sao ấy. Họ là những con tốt thí thân trong cuộc cờ chiến tranh nhiễu nhương phức tạp. Cấp trên cũng không thể đoan chắc rằng không có người lính nào bị thương, hoặc tử thương khi xung trận. Vậy thì để bảo vệ chính thân và đồng đội, chính quân đội ấy phải xã thân - vì quê hương và dân tộc- đã hiên ngang oai dũng bước thẳng tới trước. Họ vẫn biết rằng: thân phận một người lính khi trở thành thương phế binh thì ví như đôi giày đinh bị hư nát mất một chiếc, chiếc giày đinh còn lại người lính ấy sẽ phải tiếc nuối phế thải vứt đi. Thế là không còn lính hợp quần gây sức mạnh, thì dù danh tướng chỉ huy có tài ba cách mấy, nếu không có quân, chắc chắn ông ta chưa thể làm nên đại sự!

    Đan cầm những khúc bánh mì kẹp thịt, mấy bi đông nước trà nóng, anh đi một vòng thị sát đến từng điểm gác di động kép. Cứ hai người đi lui đi tới gác chung ở một phần tư khu doanh trại. Thành ra góc nào cũng có lính bồng súng gác đêm, họ giăng rộng đôi chân ra, giữ thăng bằng thân mình trên đôi giày đinh sờn cũ bám bụi đất. Cấp chỉ huy đối với lính cần có sự dung hoà, tha thứ, yêu thương, tận tình hướng dẫn tỏ tường, cho thuộc cấp ôn luyện, học tập hoài gần như nhắc nhở thấu đáo về cơ cấu và thể chế quốc gia, đồng thời cấp chỉ huy nghiêm minh thi hành quân kỷ, nếu thuộc cấp phạm kỷ luật! Thật vô cùng khổ cho người lính cơ cực. Ngày đi xuyên rừng lội suối, leo đồi, vượt núi. Đêm đêm họ phải chia nhau ra canh gác cẩn mật ít nhứt vài ba giờ. Cơm không kịp ăn, không có nước uống. Ngủ không tròn giấc. Khỏi nhìn đồng hồ họ chỉ nhìn trăng lên, trăng lặn, nhìn sao hôm, sao bắc đẩu, sao băng, sao mai.

    Mỗi đêm dài hiu hắt nơi rừng sâu nước độc, Đan rất thương anh em quá gian khổ, "tiền lương lính tính liền" vô tay nầy ra tay kia, quá hạn hẹp! Thật chẳng xứng chút nào so với trách nhiệm nặng nề và bổn phận mà người lính cưu mang. Anh đến với họ lúc người lính cô đơn ôm súng gác giữa khuya muôn trùng lạnh lẽo & u ám. Thỉnh thoảng Đan đưa quà tận tay mấy chú lính, ân cần sẻ chia chút ngọt bùi ấm áp tình người. Không phải họ qúy mến anh vì khúc bánh mì, vì ca nước nóng. Mà, do phát xuất tận đáy lòng họ sự kính yêu Đan có tư cách, bao dung, từ tâm, và độ lượng. Do Đan chí tình thương yêu cảm mến lính, anh tự xích lại thân thiết với thuộc quyền, không phân biệt giai cấp. Tạo cho nhau niềm cảm thông sâu sắc, thấu hiểu, gần gũi, gắn bó, chia sẻ, an ủi và thắt chặt tình đồng đội càng thắm thiết hơn.
    Thôi thì xin các anh hãy cùng em Hòa chia nhau chút niềm vui với cỏ cây thác ngàn ở chốn sơn lâm cùng cốc nhe anh:
    Hoàng hôn tỏa những tia nắng nhạt.
    Đường em đi bóng mát cây dài.
    Nắng xiên trên hàng hoa lác đác.
    Mặt hồ xưa lóng lánh mây bay.

    Nỗi niềm riêng xôn xao gợi nhớ.
    Tình yêu đời hoài vọng ước ao.
    Đường em về cỏ đầy lối nhỏ.
    Mùa Đông qua, Xuân mới bước vào.

    Hàng thông xanh im mờ phủ bóng.
    Giữa cuộc đời cảm thấy bơ vơ.
    Giếng mắt đẫm giọt sương mòng mọng.
    Lá sầu đông tê tái phất phơ.

    Thác ven rừng uốn lên chảy xiết.
    Nước rẽ dòng thương kẻ chia ly.
    Đường về quê nhớ phút phân kỳ.
    Mối tình tựa ngấn sương tiễn biệt.

    Mộng đêm dài luyến thương nhánh cỏ.
    Nhạc gieo tình cọng cỏ tơ vương.
    Dưới ánh trăng lá cỏ ngậm sương.
    Sương rụng ướt cỏ đường đêm vắng.

    Cỏ ngậm sương nở hoa trăng trắng.
    Tình thiên nhiên quyện lẫn cỏ cây.
    Nghê Thường hãy tấu khúc đêm nầy.
    Sương tưới cỏ đời thêm tươi mát.
    *
    Tình Hoài Hương


    (1) Khuyết Danh
    (2) sưu tầm
    (3) Lê Văn Trung
    (4) Trương Trọng Kiên
    (5) Thơ Tình Hoài Hương
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Tinh Hoai Huong For This Useful Post:

    BachMa (08-30-2020), KiwiTeTua (08-30-2020), Phạm Văn Bản (08-30-2020)

Similar Threads

  1. Góc Thơ Tình Hoài Hương
    By Tinh Hoai Huong in forum Trang Thành Viên
    Trả lời: 419
    Bài mới nhất : 09-06-2020, 04:02 AM
  2. Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...
    By Tinh Hoai Huong in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 273
    Bài mới nhất : 09-01-2020, 10:31 PM
  3. Góc Thơ lytamhoan
    By lytamhoan in forum Trang Thành Viên
    Trả lời: 287
    Bài mới nhất : 08-23-2019, 04:06 PM
  4. Góc Thơ VUI Tình HOÀI HƯƠNG
    By Tinh Hoai Huong in forum Vui cười
    Trả lời: 136
    Bài mới nhất : 08-22-2019, 06:04 PM
  5. Qua Góc Phố Xưa
    By saomai in forum Nhạc YouTube
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 04-02-2019, 06:18 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •