Remember ?

Trang 1/2 12 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 22

Tựa Đề: Phương cách bảo trì sức khỏe

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    vunivercial's Avatar
    Status : vunivercial v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Mar 2009
    Posts: 212
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    New2 Phương cách bảo trì sức khỏe

    Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

    Điều cần biết về bệnh Cúm Mới Lạ H1N1

    Danh Xưng
    Khi mới xuất hiện ở loài người vào tháng 4 năm 2009, Cúm A/H1N1được gọi là cúm Heo vì virus gây bệnh tương tự như virus gây cúm Heo ở bắc Mỹ.

    Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, các khoa học gia nhận thấy virus này rất độc đáo, do sự phối hợp các gene từ virus cúm heo, cúm gia cầm H5N1 và cúm người. Do đó tên mới của cúm này là Cúm A/H1N1 Mới Lạ (novel influenza A/H1N1) , đối chiếu với Cúm Hàng Năm (seasonal influenza) xảy ra theo mùa tại các quốc gia.

    Cơ quan Y Tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng đại dịch toàn cầu của Cúm Mới Lạ vì bệnh đã thấy ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. Đại dịch không phải vì sự trầm trọng của bệnh mà vì sự lây lan quá rộng lớn của virus A/H1N1.

    Truyền bệnh
    Cúm Mới Lạ H1N1 rất dễ nhiễm và lây lan từ người sang người giống như cúm hàng năm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, virus trong các giọt nước nhỏ từ mũi miệng bay lẫn vào không khí và người khác hít thở sẽ bị bệnh.

    Đôi khi cũng lây bệnh khi sờ tay vào vật dụng dính virus rồi đưa lên mũi, miệng.

    Bệnh bắt đầu lây lan kể từ ngày đầu tiên trước khi có triệu chứng và kéo dài cho tới 7 ngày sau khi bị bệnh ( giống như cúm hàng năm.

    Cúm Mới Lạ không lan truyền qua thức ăn do đó, ăn thịt heo hoặc các sản phẩm làm bằng thịt heo không mang bệnh.

    Nước máy đã được khử trùng với hóa chất như chlorine ít có khả năng lan truyền virus cúm. Nghiên cứu cho hay chlorine có thể vô hiệu hóa tác hại của cúm gia cầm H5N1. Theo CDC, cho tới nay chưa có trường hợp người mắc bệnh khi uống nước có nhiễm virus cúm.

    Nước tại hồ bơi đã khử trùng với chlorine cũng an toàn cho người tắm.

    Tuổi mắc bệnh
    Đa số người bị Cúm Mới Lạ là từ 5 tới 24 tuổi. Người trên 65 tuổi bị bệnh rất ít và chưa có tử vong nào. Đây là điều khác biệt so với cúm theo mùa thường thấy ở người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai hoặc ở mọi tuổi đang có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh hô hấp, tim mạch, bệnh tế bào máu, thần kinh hoặc suy yếu hệ miễn dịch.

    Mức độ nguy hiểm của cúm mới lạ chưa được biết rõ như cúm hàng năm. Tại Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 35.000 tử vong và trên 200.000 người phải nhập viện vì Cúm Hàng Năm trong khi đó cho tới ngày 24 tháng 7, 2009 có 43,771 ca bệnh với 302 tử vong vì Cúm Mới Lạ A/H1N1. Việt Nam cho biết bệnh ngày càng lan rộng và đã có 612 ca, may mắn là chưa có tử vong. Toàn thế giới có 700 ca tử vong.



    Dấu hiệu bệnh
    Các triệu chứng chính gồm có: nóng sốt, ho, đau họng, nhức đầu, đau mình mẩy, ớn lạnh, mệt mỏi, đôi khi nôn ói, tiêu chẩy

    Đi khám bác sĩ ngay nếu:

    -Khó thở, đau ngực

    -Môi đỏ tía

    -Ói ra nước hoặc thức ăn

    -Có dấu hiệu khô nước như chóng mặt khi đứng, ít tiểu tiện, trẻ em khóc không có nước mắt.

    -Co giựt, kinh phong.

    Điều trị
    Thuốc đặc trị oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza) rất công hiệu để chặn đứng sự tăng sinh của virus trong cơ thể, khiến cho bệnh nhẹ hơn, ít biến chứng và bệnh nhân cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên đa số bệnh nhân không cần dùng thuốc để hoàn toàn khỏi bệnh.

    Cơ quan Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ CDC khuyên dùng Tamiflu cho bệnh nhân từ 1 tuổi trở lên còn Relenza từ 7 tuổi trở lên.

    Để công hiệu, thuốc cần được uống trong vòng 2 ngày kể từ khi có triệu chứng.

    Thuốc cũng được dùng để phòng tránh bệnh cúm mà công hiệu lên tới từ 70-90%.

    Không cho trẻ em uống thuốc hạ nhiệt có chất aspirin.

    Phòng Tránh
    Hiện nay thuốc chủng ngừa Cúm Mới Lạ H1N1 đang được bào chế. Các nhà sản xuất dự trù có thuốc chủng vào mùa thu năm 2009.

    Trong khi chờ đợi, ta có thể tránh bệnh với các phương thức sau đây:

    -Che miệng, mũi với khăn mỗi khi ho hoặc hắt hơi. Ném khăn vào thùng rác sau khi dùng.

    -Rửa sạch tay bằng xà bông và nước từ 15-20 giây, nhất là sau khi ho hoặc hắt hơi mà lấy tay che miệng, mũi. Chất rửa có cồn cũng rất công hiệu.

    -Tránh đưa tay lên miệng và mũi vì virus lây lan qua cách này.

    -Nếu mắc bệnh, nghỉ ở nhà khoảng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng bệnh hoặc cho tới khi không còn triệu chứng bệnh. Nhờ vậy bệnh bớt lan qua người khác.

    -Virus dính trên vật dụng như sách vở, quả đấm cửa, điện thoại, quần áo, bát đĩa, mặt bằng bàn ghế… còn sống được từ 2-8 giờ. Các vật dụng này cần được lau rửa giặt giũ với nước và xà bông hoặc nước pha chất khử trùng.

    -Khi phải tiếp cận với người mang bệnh, nên giữ khoảng cách 1m8 (6 feet).

    -Không dùng chung bát đĩa với bệnh nhân.

    -Nếu chăm sóc bệnh nhân, nên mang khẩu trang, tránh đối diện với bệnh nhân, hỏi bác sĩ coi có nên uống thuốc chống cúm. Giặt khẩu trang bằng vải sau mỗi lần dùng.

    -Để bệnh nhân nằm riêng phòng với cửa đóng và nếu có thể, có phòng vệ sinh riêng. Nhà ở cần thoáng khí.

    -Khi tiếp xúc với người khác, bệnh nhân phải mang khẩu trang.

    -Theo dõi thông tin công cộng về trường học đóng cửa, tránh tiếp cận với đám đông và các biện pháp bảo vệ xã hội khác.

    -Áp dụng biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu căng thẳng, lo âu trước dịch bệnh.

    Du lịch
    Vì dịch cúm bất thường đang lan rộng, du khách từ vùng có dịch tới các cửa khẩu đều được kiểm soát coi có triệu chứng bệnh như nóng sốt với máy đo thân nhiệt và khai báo nếu bị ho, sổ mũi. Nên thành thực hợp tác với nhà chức trách để bảo vệ sức khỏe chung.

    -Nếu đang đau bệnh, không nên du lịch.

    -Giới hạn du lịch tới vùng đang có dịch cúm.

    -Tuân theo các hướng dẫn về y tế, phòng tránh bệnh tại nơi sắp tới

    -Sau khi du lịch về, để ý tới tình trạng sức khỏe. Nếu có các triệu chứng bệnh cúm, nên tới bác sĩ để khám nghiệm, điều trị.

    Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.

    Texas Hoa Kỳ tháng 7,2009

  2. #2
    vunivercial's Avatar
    Status : vunivercial v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Mar 2009
    Posts: 212
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    New2 Huyết áp thấp

    Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức



    Huyết Áp Thấp

    Thường thì chúng ta e ngại bị cao huyết áp, nhiều hơn là thấp huyết áp. Vì sợ bị rơi vào cảnh liệt hạ chi đi xe lăn vì tai biến mạch máu não hoặc bị suy thận suy tim, những biến chứng trầm trọng của “tên sát nhân thầm lặng” này .

    Tuy nhiên, nếu huyết áp quá thấp thì lại có nhiều rủi ro cho sức khỏe, đôi khi đe dọa tới tính mệnh.

    Huyết áp là sức ép của máu lên lòng động mạch khi trái tim thu bóp để đấy máu vào động mạch và khi tim trương giãn ra để tiếp nhận máu.

    Huyết áp được đo theo đơn vị mili mét thủy ngân (mmHg), với hai con số: số trên là huyết áp tâm thu (systolic) và số dưới là huyết áp tâm trương (diastolic).

    Huyết áp thay đổi tùy theo thời gian trong ngày: thấp nhất vào ban đêm khi ngủ, cao hơn khi thức dậy; buổi chiều cao hơn buổi sáng, nhất là khi đi lại, lao động chân tay, tinh thần căng thẳng.

    Huyết áp cũng thay đổi tùy theo tư thế cơ thể.

    Khi ngồi huyết áp tâm trương cao hơn nằm khoảng 5mmHg. Ngồi không dựa lưng, tâm trương cao hơn 6mmHg. Ngồi chéo cẳng chân, tâm thu tăng từ 2-8mmHg. Ngồi mà tay buông thõng, HA cao hơn là khi tay dơ cao.

    Cơ thể rất nhạy cảm với sự thay đổi huyết áp, đặc biệt là một số tế bào ở thành động mạch. Khi huyết áp đột nhiên tăng hoặc giảm, các tế bào này sẽ can thiệp khiến cho huyết áp trở lại mức trung bình để có đủ máu chuyển tới các cơ quan sinh tử như tim, não, thận.

    HA ở tay trái hoặc tay phải không khác biệt mấy, tuy nhiên nếu đo lần đầu, nên đo cả hai bên để so sánh.

    Hiện nay các nhà chuyên môn coi huyết áp bình thường là bằng hoặc dưới 120/80, lý tưởng là 115/75.



    Thế nào là huyết áp thấp
    Các nhà y học cũng đồng ý với nhau là huyết áp thấp khi một trong hai kết quả bằng hoặc dưới 90 cho tâm thu, 60 tâm trương. Như vậy nếu có kết quả 115/50 thì là huyết áp thấp.

    Đây là con số chung chung, với người này là thấp nhưng lại bình thường với người khác vì họ không có các khó khăn dấu hiệu bệnh như chóng mặt, sỉu hoặc bất tỉnh.

    Người tập luyên cơ thể, các lực sĩ thường hay có huyết áp và nhịp tim hơi thấp hơn bình thường mà họ vẫn khỏe mạnh.

    Có nhiều loại thấp huyết áp khác nhau:

    a-Thấp với tư thế đứng (Orthostatic hypotension).
    Chẳng hạn khi đang nằm hoặc ngồi mà đứng lên, nhất là với động tác quá nhanh, đứng xếp hàng lãnh “tem phiếu” cả nửa ngày, đứng lâu khi tắm hoa sen, đôi khi do ngồi làm việc liên tục nhiều giờ.
    Bình thường, khi đổi tư thế như vậy, sẽ có khoảng từ 300-800 cc máu dồn xuống phần dưới cơ thể theo sức hút của trái đất, khiến cho não thiếu dinh dưỡng. Con người cảm thấy xây xẩm, lảo đảo, chóng mặt.

    May mắn là cơ thể đã có sẵn một số đáp ứng tim mạch, thần kinh, sinh hóa để đối phó với rủi ro này. Chẳng hạn các cơ bắp ở hạ chi co hẹp, thành bụng ép vào tĩnh mạch đẩy máu từ dưới ngược lên phía trên. Do đó hậu quả của huyết áp thấp chỉ thoảng qua khoảng dăm ba giây-phút. Nếu các cơ chế này hoạt động kém hữu hiệu, hậu quả sẽ lâu dài.

    Hiện tượng này thường thấy ở người cao tuổi hoặc người suy nhược, nhưng đôi khi cũng có ở người trung niên khỏe mạnh khi họ ngồi lâu với cẳng chân bắt chéo rồi bất chợt đứng dậy.

    Nguyên nhân có thể do tác dụng của một số dược phẩm, khiếm khuyết hồi huyết tĩnh mạch, giảm khối lượng máu, suy tim, rối loạn thần kinh.

    Trong trường hợp này, các nhà chuyên môn coi thấp huyết áp là khi tâm thu giảm ít nhất 20mmHg, tâm trương giảm ít nhất 10mmHg sau khi đứng dậy khoảng 3 phút.



    b-Thấp do rối loạn liên lạc giữa thần kinh tim-não
    Khi đứng quá lâu, huyết áp thường thấp, nhưng cơ thể có thể điều chỉnh để bình thường hóa.

    Tuy nhiên, ở một số người, nhất là giới trẻ thì cơ chế điều chỉnh này không làm việc đúng đắn. Thay vì báo động huyết áp thấp, thần kinh tại tim lại phát ra tín hiệu ngược lại (huyết áp cao), não bộ bèn giảm nhịp tim và hạ huyết áp. Máu đưa xuống phần bụng và hạ chi nhiều, lên não ít. Tình trạng trở nên xấu và bệnh nhân cảm thấy xây xẩm, quay cuồng.

    c-Thấp sau bữa ăn (Postprandial hypotension)
    Trong vòng 2 giờ sau khi ăn, huyết áp có thể giảm tới 20mmHg, đặc biệt là ở người tuổi cao, người đang bị cao huyết áp, có bệnh tim mạch, người già có tiền sử té ngã, người đang dùng thuốc trị cao huyết áp. Sự kiện này có thể gây ra ngất sỉu, cơn đau thắt ngực, chóng mặt, mệt, buồn nôn, mờ mắt thậm chí cả stroke nữa.



    Có nhiều cách giải thích:

    Như là sau khi ăn, máu tụ nhiều ở cơ quan nội tạng (ruột, bao tử) để giúp sự tiêu hóa thực phẩm, giảm khối lượng máu cho các bộ phận khác (não).

    Hoặc là sau bữa ăn có sự giảm lượng máu từ tim đưa ra;

    Hoặc thấp huyết áp là do tác dụng của insulin làm giảm đường huyết kéo theo giảm huyết áp;

    Hoặc sự quá giãn tĩnh mạch ngoại vi.

    Bình thường thì cơ thể điều chỉnh được bằng cách tăng lượng máu bơm ra từ tim và co mạch máu ngoại vi. Nhưng ở nhiều người, cơ chế này “trục trặc”, thiểu tuần hoàn não, khiến con người lảo đảo, quay cuồng.

    Nguyên nhân gây ra thấp huyết áp
    a-Giảm khối máu do mất nước tại các mô cơ thể vì ói mửa, tiêu chảy, nóng sốt, dùng nhiều thuốc lợi tiểu, phỏng nặng, vận động quá mức với đổ mồ hôi. Máu lưu thông giảm, huyết áp thấp, không đủ dưỡng khí nuôi tế bào, cơ thể mệt mỏi, yếu, chóng mặt.

    Nếu mất nước quá nhiều và không được điều trị bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng shock, nguy hiểm tới tính mạng.

    b-Nội ngoại xuất huyết đều giảm khối lượng máu và đưa tới thấp huyết áp.

    c-Trong thời gian có thai, mạch máu giãn mở, giàm sức ép của máu lên động mạch do đó áp huyết áp xuống thấp khiến cho bà bầu hay chóng mặt. May mắn là huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sanh.

    d-Một số bệnh tim như suy tim, rối loạn van tim, nhịp tim chậm, cơn suy tim đều làm huyết áp xuống thấp vì máu lưu hành ít đi.

    đ-Mấy bệnh nội tiết như tiểu đường, nhược hoặc cường tuyến giáp, đường huyết thấp.

    e-Nhiễm trùng huyết, cơn dị ứng trầm trọng, dinh dưỡng thiếu sinh tố B12, folic acid.

    g-Dược phẩm như thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, thuốc viagra, vài loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống đau, rượu.

    h-Bệnh Parkinson, chấn thượng sọ não, ngộ độc hóa chất, phản ứng với thuốc, suy gan, nằm bất động quá lâu.



    Dấu hiệu, triệu chứng
    Các dấu hiệu thường thấy gồm có chóng mặt, ngất sỉu, buồn ngủ, kém tập trung, buồn nôn, mờ mắt, hơi thở nhanh, da lạnh, khát nước.

    Khi huyết áp thấp trầm trọng, bệnh nhân có thể bị trụy tuần hoàn (shock).

    Điều trị
    Thấp huyết áp ở người khỏe mạnh mà chỉ có chóng mặt thoảng qua khi đứng lên ngồi xuống thường thường không cần đến trị liệu.

    Với các trường hợp nặng, điều trị nguyên nhân gây ra huyết áp thấp có thể giái quyết được vấn đề.

    Trường hợp huyết áp xuống rất thấp gây ra shock thì cần được cấp cứu tại bệnh viện.

    Bác sĩ có thể cho dùng dược phẩm tăng khối máu (fludocortione, clonidine, viên ngừa thai); thuốc co mạch (midrodine, ritalin, vài loại chống trầm cảm) hoặc thuốc điều khiển sản xuất epinephrine/norepinephrine (ức chế beta atenolol, propanolol) để nâng huyết áp.

    Phòng tránh
    Các phương thức sau đây được áp dụng để giảm thiều dấu hiệu triệu chứng của huyết áp thấp:

    1-Uống nhiều nước để ngăn ngừa cơ thể khô nước và nâng cao huyết áp.

    2-Dùng thêm muối có thể nâng cao huyết áp, nhưng cần được bác sĩ hướng dẫn để tránh rủi ro suy tim.

    3-Mang tất đàn hồi để tránh máu tụ ở hạ chi, nhờ đó máu nhiều hơn ở phần trên cơ thể.

    4-Tránh uống rượu vì rượu làm mất nước và làm giãn mạch.

    5-Đừng đứng quá lâu; từ từ đứng lên khi nằm hoặc ngồi.

    6-Có huyết áp thấp sau khi ăn: không nên uống thuốc chống huyết áp trước khi ăn; tránh đứng bất thình lình và nên nằm nghỉ sau khi ăn; giảm tinh bột trong phần ăn, chia phần ăn làm nhiều bữa nhỏ.

    7-Với một số người, nước uống có caffeine làm co mạch nhưng nên uống vào buổi sáng để tránh khó ngủ ban đêm.

    8-Nằm ngủ với gối hơi cao hơn chân có thể giảm triệu chứng bằng cách giữ lại natri, bớt tiểu đêm.

    9-Khi đứng lâu: một chân co hoặc để trên ghế; lâu lâu ngồi xuống hoặc cúi mình về phía trước, để tay lên đầu gối.

    Khi nào cần đi khám bệnh
    Thấp huyết áp mà lại thêm đau ngực, nhiệt độ cơ thể trên 101◦ F (38.3 ◦C), rối loạn hô hấp, tim đập không đều, tiêu chầy và nôn ói kéo dài, ho ra đàm, không ăn uống được, đều cần đi bác sĩ ngay để được khám bệnh và điều trị.

    Kết luận
    Một trong những triết lý sống khá hay của người Á Đông là không thái quá mà cũng chẳng nên bất cập.

    Cao quá cũng có hại mà thấp quá cũng mang lại rủi ro. Cho nên cứ “Trung Dung”, cố gắng giữ huyết áp suýt soát 120/80 là tốt hơn cả.

    Đó là điều mong ước của mọi người.

    Nguyễn Ý-Đức, M.D.

    Texas-Hoa Kỳ

  3. #3
    vunivercial's Avatar
    Status : vunivercial v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Mar 2009
    Posts: 212
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Sax Một số bệnh thường thấy ở người cao tuổi

    Một số bệnh thường thấy ở Người Cao Tuổi
    Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

    Sinh Lão Bệnh, Tử là một chu kỳ bình thường của cuộc sống.

    Khi đến khâu Bệnh mà có sẵn một số kiến thức về những bệnh có thể xẩy ra cho mình, thì đôi khi bệnh cũng nhẹ nhàng hơn. Vì ta biết tại sao có chúng, biết cách phòng ngừa chúng và biết cách cùng thầy thuốc áp dụng phương thức để điều trị chúng.

    Với tuổi già, có một số bệnh thường thấy. Nhưng đây chỉ là một sự trùng hợp, chứ không phải cứ già là có những bệnh này. Cũng như sự già của cơ thể không đưa tới những bệnh này.Có điều là ở lớp tuổi cao thì các bệnh này hay có ra hơn. Một chiếc xe đã cũ, một cơ thể đã hao mòn, thì mọi khó khăn có thể xẩy đến. Tuy nhiên, có nhiều vị cao niên cả năm không hề bệnh hoạn, ngoại trừ đau xương nhức cốt, cảm mạo vì trái gió trở giời.

    Những bệnh thường thấy ở tuổi cao là:

    1- Bệnh xương khớp.

    Gồm mấy loại như viêm xương khớp, loãng xương.

    Viêm Xương Khớp ảnh hưởng tới quá nửa số người cao tuổi. Lớp sụn lót đầu khớp xương bị hao mòn, xương mới có thể được tạo ra làm khớp đau nhất là khi cử động. Các khớp đầu gối, bàn tay, xương sống, hông là nơi hay bị đau.

    Nguyên nhân bệnh chưa được xác định. Có thể là vì hư hao với thời gian xử dụng. Có thể là hậu quả những chấn thương nhỏ tiếp diễn ở khớp đó. Cũng có thể do cơ thể quá béo mập hoặc không vận động. Giống như cơ thịt, xương rắn chắc khi vận động và teo đi khi không được dùng tới.

    Chữa viêm khớp đều tập trung vào việc làm giảm đau nhức và phục hồi hoặc duy trì chức năng của khớp. Hiện nay có nhiều loại thuốc có thể làm nhẹ triệu chứng đau nhức của viêm khớp, nhưng không có thuốc nào chữa dứt được bệnh. Aspirin, Acetaminophen ( Tylenol), Ibuprofen là các thuốc thường dùng.

    Thêm vào đó, sự vận động cơ thể là điều cần làm để phòng bệnh cũng như làm nhẹ bớt bệnh. Giống như các bộ phận khác của cơ thể, chức năng của xương trở nên hữu hiệu khi nó thường xuyên hoàn tất nhiệm vụ của nó, là chống đỡ cho cơ thể khỏi sức hút của trái đất. Có nghĩa là ta phải đi đứng ít nhất ba giờ đồng hồ mỗi ngày. Giải phẫu thay khớp đôi khi cũng có công hiệu.

    Loãng xương là chuyện thường thấy ở phụ nữ khi vào tuổi mãn kinh và ở tuổi về chiều của cả nam lẫn nữ. Đây là hậu quả của Calcium trong xương bị tiêu hao.

    Ở đàn bà, lý do chính yếu là kích thích tố estrogen giảm khi hết kinh. Nhưng cả hai giới, loãng xương có thể do không dùng đủ calcium và sinh tố D, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu.

    Phương thức đối phó với loãng xương hiệu nghiệm nhất là sự phòng ngừa bệnh. Ăn uống đầy đủ calcium và sinh trố D. Mỗi ngày nhu cầu calcium là 1500 mg, đến từ thực phẩm và dược phẩm.

    Quý bà cần tham khảo ý kiến bác sĩ về dùng estrogen thay thế.Vận động cơ thể đều đặn, như đi bộ, cũng có nhiều ích lợi.

    2-Ung Thư.

    Ung thư nhũ hoa rất thông thường ở phụ nữ trung niên và cao niên. Bệnh có thể phát hiện sớm nhờ ba phương pháp: tự khám nhũ hoa, khám nhũ hoa bởi bác sỹ/ y tá và chụp X-Ray nhũ hoa.

    Phụ nữ trên 50 tuổi cần chụp quang tuyến X nhũ hoa mỗi năm một lần.

    Khám phá sớm, bệnh có thể điều trị bằng giải phẫu, phóng xạ hoặc dược phẩm.

    Ung thư phổi xẩy ra ở quá bán những người tuổi ngoài 65. Nguyên nhân chính yếu vẫn là do hút thuốc lá lâu năm.

    Bệnh hầu như bất khả trị. Khám phá sớm, khi chưa có di căn, bệnh có thể chữa với giải phẫu, hóa trị, nhưng thường thường vẫn mau mệnh một.

    Cho nên, ngừa bệnh vẫn là phương thức hữu hiệu nhất đối với nan bệnh này: không hút thuốc hoặc đang hút thì ngưng đi.

    Ung thư tuyến nhiếp trở nên khá thông thường ở lão niên ngoài lục tuần. Tỷ lệ gia tăng với mỗi mười tuổi thọ.

    Bệnh tiến triển âm thầm, chậm chạp. Nghi bệnh khi có rối loạn tiểu tiện ( nghẹt tiểu tiện, đái ra máu) hoặc khi bác sĩ khám tuyến qua hậu môn, thấy tuyến sưng to. Xác định bệnh bằng thiết sinh tế bào tuyến và thử nghiệm Prostate-specific antigen (PSA).

    Khi chưa lan ra ngoài, giải phẫu có thể lấy u bướu đi. Khi trầm kha, di căn, có thể dùng phóng xạ trị liệu phối hợp với giải phẫu và dùng thuốc để hạ testosterone trong cơ thể. Kích thích tố này đã được coi như là một trong nhiều nguy cơ đưa tới ung thư nhiếp tuyến.

    3-Bệnh Tim Mạch.

    Nói tới bệnh tim mạch là nói tới Nhồi Máu Cơ Tim, Vữa Xơ Động Mạch, Tai Biến Động Mạch Não... Thứ nào cũng đều hiểm nguy, đều đưa tới không tử vong thì tàn phế cơ thể.

    Tai Biến Động Mạch Não (Strokes) là nguyên nhân tử vong thứ ba ở người cao tuổi và có thể gây ra một số tổn thất thần kinh như bán thân bại xụi, mất thị giác, ngôn từ, suy giảm chức năng nhận biết.

    Có tới 30% nạn nhân thiệt mạng trong vòng vài tháng; người sống sót đều có thể bị tai biến trở lại hoặc bị quỵ tim (Heart attack) trong vòng 2 năm.

    Bệnh là hậu quả của rối loạn trong mạch máu nuôi tế bào não bộ: Một cục máu có thể tạo ra hoặc đưa từ nơi khác tới mạch máu não; mạch máu não có thể bị đứt làm máu tran hòa ép lên não bộ.

    Nguy cơ gây ra tai biến gồm có: tuổi trên 60; nam giới, gia đình có người đã bị tai biến, cao huyết áp, bệnh tiểu dường, loạn nhịp tim, hút thuốc lá, uống nhiều rượu...

    Một vài dấu hiệu báo trước như đột nhiên giọng nói ngọng nghịu, lơ lớ, mặt méo xệch.

    Định bệnh, trị bệnh đều là cấp cứu và cần được nhập viện tức thì.

    Cao huyết áp vẫn thường được coi như " Một tên sát nhan thầm lặng" (Silent Killer) vì nó âm thầm, từ từ đưa người bệnh tới nơi an nghỉ cuối cùng.

    Là cao khi huyết áp tâm thu (Systolic) => 140 mm Hg; HA tâm trương (Diastolic) => 90mm Hg.

    Cao huyết áp là nguy cơ hàng đầu của Tai Biến Động Mạch Não và là một trong nhiều nguy cơ của Quỵ Tim.

    Bệnh rất thông thường ở tuổi trung niên và thấy ở trên 40% người ngoài lục tuần. Ở các vị cao niên này, hầu hết chỉ có huyết áp tâm thu (Systolic) là cao.

    Tới 90% cao huyết áp chưa xác định được nguyên nhân; một số nhỏ là do rối loạn về thận.

    Bệnh cần được điều trị lâu đời bằng dược phẩm, bằng chế độ ăn uống thích hợp, giảm muối mặn; vận động cơ thể; giảm béo phì, bớt thuốc lá, tránh khổn lực (stress).

    Nên đo huyết áp đều đặn. Các máy đo ở siêu thị thường không chính xác lắm.

    Bệnh Động Mạch Vành, nguồn cung cấp dưỡng chất chính yếu của tim.

    Đây là nguyên nhân tử vong số một của người già và thấy ở 70% những người trên 90 tuổi.

    Các dấu hiệu bệnh có thể xuất diện dưới ba hình thức: Cơn đau tim (angina) vì thiếu máu tới tim, gây ra cơn đau thắt trước ngực, nhất là khi gắng sức, ăn uống linh đình hoặc tâm thần kích động, hết đi khi nghỉ ngơi. Cơn quỵ tim (heart attack) và Chết bất tử (Sudden Death) hầu như đều gây ra do cục máu đông đột nhiên làm tắc nghẽn Động Mạch Vành (Coronary Artery Disease).

    Bệnh thường do hiện tượng vữa xơ động mạch: sự đóng bựa các chất béo, tế bào vào lòng của mạch máu, làm máu lưu thông bị gián đoạn.

    Các nguy cơ đưa tới bệnh này gồm có: cholesterol LDH quá cao, HDL quá thấp; hút thuốc lá; cao huyết áp; mập phì; sống quá tĩnh tại.

    Giải phẫu ghép nối động mạch vẫn được coi như phương thức trị bệnh công hiệu. Sự phòng ngừa bệnh bao gồm thay đổi nếp sống, giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, ăn nhiều rau, trái, giảm ký, vận động cơ thể, giảm căng thẳng tâm thần.

    4- Giảm khả năng Trí Tuệ.

    Người cao tuổi thường lo ngại sự giảm khả năng trí tuệ nhiều hơn là giảm các chức năng khác. Vì nó gây ra nhiều khổ đau cho người bệnh và thân nhân.

    Các cụ ưu tư vì đột nhiên quên tên một người bạn lâu đời, quên tên một tiệm ăn vừa tới tuần trước. Rồi phải nghĩ một lúc lâu mới chợt nhớ ra. Các cụ than phiền, " lại bị bệnh Sa Sút Trí Tuệ (Dementia- mà Alzheimer là một loại) rồi."

    Thực ra, sự chợt nhớ chợt quên chẳng phải là vấn đề riêng cho người già, vì sau tuổi tam thập, nhiều người chúng ta đôi khi cũng có rắc rối với cái trí nhớ này rồi. Cho nên mới có lỡ hẹn với đào, với kép cũng như cặp kính gài trên mái tóc mà cứ đi kiếm khắp nhà...Sự chậm chạp trí nhớ này khác với Sa Sút Trí Tuệ: các chức năng khác của tâm thần không suy yếu, sự quên không ngày một trầm kha và sự sinh haot hàng ngày vẫn bình thường.

    Còn bất hạnh Sa Sút Trí Tuệ thì tàn phế nhiều hơn. Không nhận ra cả thân nhân, quên cả cách ăn uống, tắm rửa, quên cả các động tác vệ sinh cơ thể, mất hết ngôn từ, không biết diễn tả sự việc quá quen thuộc...Nghĩa là hoàn toàn lệ thuộc vào thân nhân, vào cộng đồng. May mắn là Sa Sút Trí Tuệ này cũng không nhiều, chỉ dăm ba phần trăm người trên 65 tuổi bị mà thôi. Nhưng bất hạnh nữa là, cho tới nay Y Khoa học vẫn còn bó tay trước nan bệnh. Vì chưa biết rõ nguyên nhân. Vì không có phương thức trị liệu hữu hiệu.

    5- Giảm Thính Thị Giác.

    Giảm thính giác ở người cao tuổi, là rối loạn thường thấy nhất trong ngũ giác. Có tới 30% người trên 65 tuổi và gần 50% người trên 85 tuổi đều cho hay là nghe không còn tốt như vài chục năm về trước. Lão nam thường có vấn đề nghe này nhiều hơn lão nữ. Và có tới 20% quý cụ ông trên 85 tuổi điếc đặc cán mai.

    Rối loạn nghe thường thấy là điếc với âm thanh cao và điếc nhận thức của tuổi già: nghe được từ ngữ mà không nhắc lại hoặc viết ra được từ ngữ đó.

    Ngoài lý do tự nhiên của tuổi già, một vài loại thuốc kháng sinh, vài thuốc thông tiểu có thể gây ra giảm thính giác ở người cao tuổi. Nhiều khi ráy tai đóng cục trong lỗ tai cũng là một nguyên nhân.

    Giảm thính giác có thể đặt người già vào hoàn cảnh cô đơn: nhìn thiên hạ chung quanh sôi nổi bàn tán, mà chẵng biết họ nói gì. Rồi buồn rầu. Rồi tự cô lập.

    Cho nên, hàng năm quý cụ cần đi khám đo thính giác. Nếu cần thì mang trợ thính cụ, rất hữu ích và dễ mang. Nên mang máy cả hai tai để nghe được âm thanh đều hơn.

    Khi đối thoại: đợi khi thấy người nghe nhìn tahý mình hãy nói, nói hơi cao giọng nhưng khốt hét to; tránh nói trực tiếp vào tai người khác; nói với nhịp bình thường và ngắt giọng sau mỗi dòng tư tưởng, nếu cần, ta nói thêm bằng tay.

    Thị lực thay đổi với tuổi già. Tới tuổi 65 thì khoảng 15% vị có vấn đề, mà tới 85 tuổi thì số người bị rối loạn thị lực lên tới 28%.Trên 90% quý vị cao niên cần mang kính mà tới 20% dù có mang kính mà nhìn vẫn kém. Đa số đều cảm thấy như cánh tay mình ngắn lại khi dương tờ nhật trình ra trước mặt để đọc.

    Hầu hết giảm thị lực đều do các bệnh đục thủy tinh thể hoặc cườm mắt (cataracts), tăng nhãn áp (Glaucoma), Thoái Hóa Võng Mạc (Macular degeneration) và biến chứng Bệnh Tiểu Đường.

    Đục thủy tinh thể thấy ở 40% người ngoài 75 tuổi và có thể bị hoặc một mắt hoặc cả đôi bên. Bệnh nhẹ có thể điều chỉnh bằng kính. Nặng thì có thể giải phẫu thay thủy tinh thể.

    Cao nhãn áp xẩy ra ở 3% quý vị trên tuổi 65, khiến thị lực giảm đi. Bệnh này rất dễ hàng được phát hiện nếu ta đi bác sĩ khám mắt hàng năm và bệnh chữa được dễ dàng bằng thuốc hoặc giải phẫu với tia Laser.

    Thoái hóa võng mạc là nguyên nhân số một đưa tới mù ở người cao tuổi. Thoái hóa có thể là Khô, thường xẩy ra nhưng ít đua tới mất thị lực; Ướt, ít xẩy ra nhưng hay gây mù. Điều trị thường ít mang lại kết quả.

    Bệnh tiểu đường gây ra rối loạn thị giác cho 3% người cao tuổi, và thị lực càng giảm khi tuổi càng cao. Tiểu đường hủy hoại giây thần kinh và mạch máu trên toàn cơ thể, trong đó có mắt. Rối loạn diễn ra âm thầm, nên bị tiểu đường cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt hàng năm. Phát hiện sớm có thể chữa được bằng tia Laser.

    Trên đây là một số bệnh thường thấy, xin tường trình cùng quý cụ. Cầu mong là chúng chẳng bao giờ bén mảng tới tuổi già, để mọi người được nhẹ nhàng xuôi buồm thuận gió tới miền vĩnh cửu.

    Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

  4. #4
    vunivercial's Avatar
    Status : vunivercial v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Mar 2009
    Posts: 212
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Thumbs up Ẩm thực dưỡng sinh

    Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
    Ẩm Thực Dưỡng Sinh



    Từ trên 2000 năm trước, cha đẻ của nền y học Tây Phương Hippocrates đã chủ trương rằng, để phòng ngừa và điều trị một số bệnh tật, ta chỉ cần áp dụng những chế độ ăn uống cân bằng hợp lý và sống hòa thuận với luật lệ thiên nhiên.
    Vua Hoàng Đế bên Trung Hoa xưa, ngoài việc trị quốc an dân còn chỉ dẫn dân chúng về bệnh tật cũng như cách sản xuất lương thực và sử dụng những món ăn cần thiết để duy trì sức khỏe.
    Các vị danh y Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông của Việt Nam mình đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của ẩm thực trong việc ngăn ngừa và chữa trị một số bệnh. Các ngài đã chủ trương :
    "Muốn cho phủ tạng được yên;
    Bớt ăn mấy miếng, nhịn thèm hơn đau".
    Hoặc:
    " Chết vì bội thực cũng nhiều,
    Ngờ đâu lại có người nghèo chết no".
    Coi như vậy thì ta thấy dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người.
    Theo Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ, Khoa học Dinh Dưỡng là môn học về:
    -Thực phẩm và các chất dinh dưỡng;
    -Tác dụng của chất dinh dưỡng tới sức khỏe và bệnh tật;
    -Diễn tiến mà cơ thể tiếp nhận, tiêu hóa, hấp thụ, chuyên trở, sử dụng và sa thải cặn bã của thực phẩm ra ngoài.
    Còn sư Dinh dưỡng là diễn tiến trong đó thực phẩm được đưa vào cơ thể và cách thức cơ thể sử dụng những thức ăn đó vào các nhu cầu của tế bào, cơ quan.
    Dinh dưỡng có ba mục đích chính:
    1- Tạo điều kiện thuận lợi để cơ thể có một sức khỏe lành mạnh;
    2-Phòng ngừa các bệnh liên quan tới dinh dưỡng;
    3-Khôi phục sức khỏe sau thời kỳ bệnh tật, thương tích.
    Ta có câu nói "Ăn ra sao thì người là vậy" tương đương với câu: "You are what you eat" của Âu Mỹ. Đi xa hơn nữa, nhiều nguờì còn tin rằng "ăn gì, bổ ấy".
    Thực phẩm ăn vào sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của ta trong suốt các giai đoạn khác nhau của đời người. Do đó ăn uống không đúng với tình trạng sinh lý và cấu tạo của cơ thể sẽ đưa tới nhiều hậu quả xấu. Và đôi khi chỉ với một vài thay đổi nhỏ về ẩm thực cũng cải thiện sức khỏe rất nhiều.
    Cứ nhìn người Á Châu trước đây, lấy căn bản thức ăn là gạo, ít calcium, thường đều nhỏ con hơn dân Âu châu ăn lúa mỳ, nhiều calcium, nhiều đạm chất. Quan sát người Việt ta vào hơn nửa thế kỷ trước, dân miền Bắc, miền Trung dinh dưỡng thiếu hụt nên cơ thể nhỏ hơn so với người sanh trưởng ở miền Nam, gạo lúa dư thừa. Con cháu chúng ta ngày nay, dinh dưỡng tốt nên cháu nào cũng to lớn hơn bố mẹ, ông bà.
    Cho nên mỗi người cần có một thói quen ăn uống lành mạnh. Nhiều người ý thức được việc đó nhưng ít người thực hiện được. Vì thế, càng tìm hiểu nhiều về ích lợi cũng như rủi ro của dinh dưỡng với sức khỏe ta càng dễ dàng sắp đặt việc ăn uống cho mọi sự được hanh thông.
    Lời khuyên và các tài liệu về cách ăn uống rất nhiều và khác nhau nhưng mục đích đều hướng về sự bảo vệ sức khỏe. Vì quá nhiều nên có khi ta cũng bối rối, không biết theo lời khuyên nào. Và đã tùy tiện làm theo ý thích của mình. Thế là ta đã tạo ra một thói quen đôi khi xấu nhiều hơn là tốt. Ngoài ra, thói quen ăn uống cũng thay đổi tùy chủng tộc, văn hóa, khả năng cung cầu, tâm trạng, nếp sống cá nhân, sự hấp dẫn của món ăn.
    Biết rõ điều này, chính quyền mỗi quốc gia đều đưa ra những tiêu chuẩn về dinh dưỡng cho dân chúng, ấn định nhu cầu tối thiểu để cơ thể tăng trưởng mạnh, trí óc phát triển tốt đồng thời tránh bệnh tật cũng như kéo dài tuổi thọ.
    Thực phẩm và Chất dinh dưỡng
    Chúng ta cần phân biệt thực phẩm (Foods) với chất dinh dưỡng ( Nutrients).
    Thực phẩm là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng. Thịt, cá, rau, trái cây, gạo là thực phẩm. Đa số thực phẩm cần được nấu nướng, chế biến trước khi trở thành món ăn.
    Chất dinh dưỡng là những chất nuôi sống cơ thể và có trong thực phẩm. Các chất này rất cần thiết cho sự thành hình của bào thai, sự lớn của trẻ sơ sinh, sự tăng trưởng từ tuồi thơ tới tuổi trưởng thành và sự duy trì tốt cho cơ thể trong suốt cuộc đời.Tình trạng cơ thể lại tùy thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng mà ta áp dụng.
    Mỗi chất dinh dưỡng có một hoặc nhiều công dụng như :
    a-cung cấp năng lượng cho các sinh hoạt của cơ thể;
    b-cung cấp vật liệu để cấu tạo, tu bổ mô, tế bào;
    c-tham dự vào sự điều hòa các sinh hoạt cơ thể.
    Các nhà khoa học ước lượng có tới vài chục chất dinh dưỡng khác nhau dưới dạng đơn thuần hoặc hỗn hợp. Sáu nhóm chính là: chất tinh bột, chất đạm, chất béo, sinh tố, khoáng chất, và nước.
    Mỗi loại thực phẩm chứa một số chất dinh dưỡng khác nhau, nên ta không thể phụ thuộc vào một thứ thực phẩm để có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
    Chất dinh dưỡng được coi là thiết yếu khi thiếu sẽ làm suy giảm một số chức năng của cơ thể. Nếu chất này được bổ xung trước khi tổn thương xẩy ra thì chức năng sắp hư hao có thể trở lại bình thường.
    Ngoài chất bổ dưỡng, năng lượng là nhu cầu kế tiếp mà chất dinh dưỡng phải cung cấp cho cơ thể. Đạm, béo và tinh bột đều cung cấp năng lưọng. Sinh tố, khoáng, nước không cho năng lượng nhưng rất cần thiết. Ngoài ra còn vài chất không được coi như dinh dưỡng như chất xơ, rượu, đường nhưng cũng cho năng lượng.
    Một chế độ dinh dưỡng giầu về lượng và phẩm cũng chưa đủ để có một sức khỏe tốt. Cơ thể còn cần biết cách sử dụng các chất này trong các nhu cầu về năng lượng, kiến tạo cũng như tu bổ sau khi bị thương tích, bệnh hoạn
    Chế độ dinh dưỡng
    Một chế độ dinh dưỡng có thể:
    a-Thỏa đáng như ước muốn khi có vừa đủ chất dinh dưỡng cho các sinh hoạt, chức năng của các bộ phận cũng như có dự trữ cho nhu cầu cấp bách.
    b-Không đầy đủ khi thu nhập ít hơn sự tiêu dùng. Cơ thể sẽ lấy vật liệu từ kho dự trữ để tu bổ, tạo tế bào mới. Kho sẽ vơi dần dần nếu không được bổ xung.
    Chẳng hạn, hồng huyết cầu chỉ sống khoảng 120 ngày, tế bào niêm mạc ống tiêu hóa cần được thay thế mỗi tuần lễ. Các thay thế đều cần vật liệu từ chất dinh dưỡng. Nếu chỉ thiếu dinh dưỡng trong ngắn hạn thì kho dự trữ còn chịu đựng được, kéo dài lâu là cơ thể bắt đầu có khó khăn.
    c-Quá mức, mang vào liên tục nhiều hơn nhu cầu sẽ tạo ra tình trạng dư thừa, rủi ro. Chẳng hạn sắt rất cần cho việc tạo huyết cầu tố, nhưng quá nhiều sẽ đưa tới suy gan; tiếp thu nhiều năng lượng quá sẽ đưa đến mập phì.
    Tưởng cũng nên nhớ là mọi người đều cần các chất dinh dưỡng như nhau, bất kể lớn nhỏ, giống tính chủng tộc, tuổi tác, sinh hoạt. Nhưng về số lượng thì mỗi cơ thể có nhu cầu riêng.
    Cơ thể càng to lớn thì nhu cầu càng cao; một người hoạt động chắc chắn là cần nhiều thực phẩm hơn người sống tĩnh tại; khi ngủ nghỉ, nhu cầu năng lượng giảm đi; khi cơ thể run vì lạnh thì cần thêm năng lượng để khỏi cóng giá. Phần ăn cũng phải phù hợp với mỗi người, không gây ngây ngất mệt mỏi vì ăn quá no; đừng ăn quá ít để không có đủ sức làm việc.
    Tâm lý chung khi ăn thì con người chỉ nhìn thấy món ăn trước mặt chứ cũng ít quan tâm tới chuyện dinh dưỡng, bệnh tật. Thành ra nếu có một hướng dẫn để lựa món ăn thích hợp với nhu cầu mà vẫn thỏa mãn khẩu vị là điều tưởng như cũng hữu ích vậy.
    Các chuyên gia dinh dưỡng và y tế đều khuyên nên :
    1-Ăn nhiều thực phẩm khác nhau vì mỗi loại có chất dinh dưỡng mà loại khác không có. Chẳng hạn sữa mẹ được coi như gần hoàn hảo, nhưng lại có ít sắt và sinh tố D. Sữa bò có nhiều đạm nhưng rất ít sắt và không có chất xơ. Thịt động vật có vú nhiều đạm nhưng ít calcium. Trứng có rất ít calcium vì hầu hết nằm ở vỏ trứng, và cũng không có sinh tố C. Như vậy ta cần ăn mỗi thứ một ít để có đủ các chất dinh dưỡng.
    2-Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức trung bình. Để tránh quá cân, chỉ nên ăn vừa đủ số năng lượng mà cơ thể cần cho các sinh hoạt hàng ngày.
    3-Giảm chất béo động vật bão hòa và cholesterol: cholesterol không quá 300mg/ngày; bão hòa 10% tồng số năng lượng ăn vào; dùng dầu thực vật với chất béo bất bão hòa. Tiêu thụ chất béo nói chung 30% tổng số năng lượng mỗi ngày.
    4-Giảm thịt động vật có nhiều mỡ; ăn thịt bỏ bớt mỡ; ăn nhiều cá. Tự nó, thịt không có hại cho người khỏe mạnh. Nhưng nhiều thịt thường là lại nhiều chất béo và nhiều năng lượng.
    5-Dùng sữa đã gạn bớt chất béo.
    6-Ăn thêm thực phẩm có chất xơ; nhiều rau trái.
    7-Tránh tiêu thụ quá nhiều đường tinh chế. Đường không gây bệnh tiểu đường, bệnh tim như nhiều người hiểu, nhưng vì có nhiều calories nên dễ đưa tới mập phì.
    8-Giới hạn muối khoảng 2200 mg mỗi ngày.
    9-Nếu uống rượu thì uống vừa phải thôi: 350 ml bia; 150 ml rượu vang; 50ml rượu mạnh, hai lần mỗi ngày cho nam giới; nữ giới thì một lần thôi.
    Y khoa học đã nhận thấy một chế độ dinh dưỡng sai là nguy cơ đưa tới một số bệnh. Sai có thể là quá nhiều, quá thiếu hoặc không cân bằng.
    Thiếu dinh dưỡng, cơ thể sẽ không phát triển, trí não kém, sức đề kháng với bệnh tật giảm, cơ thể suy nhược và đưa tới mệnh yểu.
    Dinh dưỡng dư thừa là nguy cơ đưa tới các bệnh kinh niên, như là bệnh tim, ung thư, cao huyết áp, tai biến đông mạch não, tiểu đường, Rồi lại còn xơ gan, tai nạn, tự tử do tiêu thụ nhiều rượu, vài bệnh ung thư hoặc sâu răng, viêm túi ruột
    Dinh dưỡng sai mà lại thiếu vận động cơ thể còn đưa tới nhiều ảnh hưởng không tốt khác nữa cho sức khỏe.
    Ngoài ra, ảnh hưởng của dinh dưỡng không đúng cũng gây ra tổn thương về nhiều phương diện cho các thế hệ kế tục.
    Nghệ thuật ẩm sinh
    Mục tiêu chính của ăn uống là để có chất bổ dưỡng nuôi cơ thể, như các cụ ta vẫn nói " Ăn để sống chứ chẳng phải sống để ăn". Nhưng ăn uống cũng là cả một nghệ thuật và còn đáp ứng một số nhu cầu thế tục khác:
    -Ăn uống nói lên sự gắn bó, thương yêu của con cái với cha mẹ;
    -Ăn uống tượng trưng cho nền văn hóa truyền thống của chủng tộc mình;
    -Khi ăn uống là ta cũng làm công việc giao tế, liên hệ tốt với mọi người;
    -Nấu một món ăn ngon làm ta hãnh diện với óc sáng tạo của mình;
    -Tiệc tùng tại một nhà hàng danh tiếng về phẩm chất chứng tỏ mình là người thời thượng, sành ăn;
    -Biết cất giữ thực phẩm chứng tỏ mình là người lo xa, cẩn thận;
    -Cũng có người ăn để hy vọng giải quyết cảm xúc khó khăn, căng thẳng hoặc dùng ăn uống để kiểm soát, kiềm chế người khác;
    -Tùy theo cảm nghĩ của mình mà việc ăn uống trở thành hấp dẫn, ngon lành hoặc phải miễn cưỡng, ngồi ăn cho xong bữa.
    Người Việt ta vẫn quan niệm: thức ăn ngon phải hợp với thời tiết, mùa nào thức đó; rồi phải có chỗ ăn ngon chứ không phải bạ đâu ngồi đó mà ăn; cần bạn bè tâm giao, biết thưởng thức để cùng ăn chứ không phải " thực bất tri kỳ vị" và có một không khí vui vẻ thân mật thì món ăn ngon thêm lên.
    Ăn đúng cách đòi hỏi sự hiểu biết về thức ăn và nhu cầu của cơ thể trong các giai đoạn khác nhau của đời người. Do đó, ta nên đặt thực phẩm đúng vị trí, hiểu sự quan trọng của chúng rồi tạo ra một mẫu mực để ăn đúng đắn.
    "Vừa phải, cân bằng, đa dạng" rất cần để thỏa mãn nhu cầu năng lượng và mang lại sức khỏe tốt thay vì ăn để soa dịu xúc động hoặc vì mục đích khác.
    Khi nào thì ăn và ăn làm sao cần có kế hoạch rõ ràng rồi cứ thế mà thực hiện, lâu dần sẽ thành thói quen.Thói quen này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như hiện trạng sức khỏe; hiểu biết về dinh dưỡng; tín ngưỡng, tôn giáo, chủng tộc; trình độ giáo dục; nhề nghiệp; tình trạng kinh tế cá nhân; sống ở thành thị hay thôn quê; ảnh hưởng từ bạn bè; hương vị và vẻ hấp dẫn của món ăn; cách thức món ăn được quảng cáo.
    Thưa: đó là cả một nghệ thuật. Nghệ thuật Ẩm Thực Dưỡng Sinh.


    Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC M.D.
    Texas-Hoa kỳ

  5. #5
    vunivercial's Avatar
    Status : vunivercial v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Mar 2009
    Posts: 212
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    New2 20 bài thuốc chữa đau lưng

    20 bài thuốc chữa đau lưng

    Tác giả : BS. QUÁCH TUẤN VINH

    Ðau lưng là một bệnh rất hay gặp ở độ tuổi trung và cao niên. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và thường được chia làm hai loại: Ðau lưng cấp tính và đau lưng mãn tính.

    Bài viết dưới đây xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản, dễ tìm có thể chữa được bệnh đau lưng mãn tính.
    Bài 1: Lá ngải cứu tươi xào nóng với dấm, bọc trong túi vải đắp, chườm vào thắt lưng hay chỗ đau.
    Bài 2: Bã dấm 250g, xào nóng, bọc trong túi vải, đắp vào chỗ đau trước khi đi ngủ 1-2 giờ.
    Bài 3: Dây mướp tươi 2m, thái lát mỏng. Sắc uống 2-3 lần trong ngày.
    Bài 4: Rễ cây mướp và dây mướp già ở gần gốc đem đốt thành tro hoặc sao, đến khi có màu vàng già thì xay nhỏ thành bột. Ngâm uống 2 lần, mỗi lần 6g, chiêu thuốc bằng rượu.
    Bài 5: Cẩu tích (rễ cây lông cu-li) 30g, sắc uống ngày 1 thang. Bài thuốc này chủ trị đau lưng do hàn thấp.
    Bài 6: Hạt mướp tươi 60g, giã nát, đắp vào huyệt mệnh môn (nằm ở giữa 2 gai đốt sống thắt lưng 3 và 4). Mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
    Bài 7: Hạt cam sao vàng, xay nhỏ thành bột mịn. Ngày uống 10g, chia 2 lần, chiêu thuốc bằng rượu nhẹ. Bài thuốc này chủ trị đau lưng do chấn thương gây ứ huyết bên trong.
    Bài 8: Hạt hẹ 12g, vỏ vừng 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trong ngày.
    Bài 9: Rễ cà 20g, gừng khô 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần trong ngày.
    Bài 10: Vỏ quả bí ngô già 60g, rễ cây bông 60g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
    Bài 11: Vỏ quả bí ngô già 60g, hương nhu 15g, đường đỏ 30g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
    Bài 12: Ðậu đỏ nhỏ 30g, xơ mướp 12g, củ hành ta 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.
    Bài 13: Hạt bí ngô 40g, đậu đỏ nhỏ 30g, lá cây lạc 20g, gừng khô 3g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
    Bài 14: Hạt bông 40g, hành củ 20g, lá tía tô 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
    Bài 15: Lá ớt cay 50g, rượu vừa đủ. Lá ớt rửa sạch, giã nát, xào nóng rồi cho thêm chút rượu, bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau khi thuốc còn nóng. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần. Khi thuốc nguội có thể xào lại 1-2 lần.
    Bài 16: Trà xanh 1g, bột vừng chín 5g, đổ vào nửa lít nước sôi, khuấy đều, chia 3 lần uống trong ngày. Mỗi ngày uống 1 thang.
    Bài 17: Rễ cây lau 30g, vỏ quả bí ngô già 30g, nhân trần 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.
    Bài 18: Bổ cốt toái 30g, đem sấy khô rồi xay thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g. Chiêu thuốc bằng rượu hoặc sắc nước uống.
    Bài 19: Rễ hẹ 100g, dấm chua 50ml. Rễ hẹ rửa sạch, giã nát, thêm dấm rồi bọc trong túi vải đắp vào chỗ đau, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
    Bài 20: Gừng sống 20g, hành củ 15g, bột mì 30g. Ðem gừng và hành giã nát rồi cho bột mì vào. Xào nóng, sau đó đắp vào chỗ đau, dùng băng vải cố định lại. Mỗi ngày thay thuốc 1 lần

  6. #6
    vunivercial's Avatar
    Status : vunivercial v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Mar 2009
    Posts: 212
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    New2 10 cách ngăn ngừa thoái hóa khớp

    10 CÁCH NGĂN NGỪA THOÁI HÓA KHỚP

    Tác giả : BS. HUỲNH BÁ LĨNH (BV. Chấn thương Chỉnh hình)

    Thoái hóa khớp là nguyên nhân hàng đầu gây ra chứng đau khớp ở người trưởng thành. Từ chuyên môn gọi là viêm xương khớp (osteoarthritis). Trước đây người ta xem nó là căn bệnh của người cao tuổi. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy có rất nhiều người dưới 40 tuổi cũng bị thoái hóa khớp. Thường gặp nhất là do chấn thương và khớp làm việc quá tải. Ngoài ra còn một nguyên nhân trước đây ít gặp nhưng nay khá phổ biến là bệnh béo phì. Hiếm gặp hơn là các nguyên nhân về di truyền (gen) hay khiếm khuyết bẩm sinh về xương khớp.


    Ðiểm lại các nguyên nhân thường gặp, chúng ta thấy rõ thoái hóa khớp là bệnh có thể ngăn ngừa được. Sau đây là 10 biện pháp được các nhà chuyên môn đề nghị:


    1. Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ thích hợp

    Khi bạn càng béo, sức nặng đè lên khớp càng lớn, nhất là vùng lưng, khớp háng, khớp gối và bàn chân.


    2. Siêng vận động

    Luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, máu huyết lưu thông dễ dàng. Ðó là yếu tố giúp tăng cường dinh dưỡng cho lớp sụn khớp. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên khớp xương trong vận động.

    3. Giữ tư thế cơ thể luôn thẳng

    Tư thế tốt sẽ giúp bảo vệ các khớp tránh sự đè ép không cân đối. Ở tư thế thẳng sinh lý, diện tích tiếp xúc giữa hai mặt khớp sẽ đạt mức tối đa, vì thế lực đè ép sẽ tối thiểu. Hơn nữa, khi đó sẽ có sự cân bằng lực giữa các dây chằng và cơ bắp quanh khớp, giúp giảm bớt nhiều nhất lực đè ép lên hai mặt sụn khớp.

    4. Sử dụng các khớp lớn trong mang vác nặng

    Khi nâng hay xách đồ nặng, bạn cần chú ý sử dụng lực cơ của các khớp lớn như ở tay là khớp vai, khớp khuỷu; ở chân là khớp háng, khớp gối. Khéo léo sử dụng nguyên tắc đòn bẩy ở những khớp lớn để tránh làm tổn thương các khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân, bàn tay, bàn chân.

    5. Giữ nhịp sống thoải mái

    Bạn nên sắp xếp công việc hợp lý, hài hòa giữa nghỉ ngơi và lao động. Nên nhớ rằng các cơ quan trong cơ thể đều cần có sự nghỉ ngơi để tái tạo lại năng lượng. Không nên lặp đi lặp lại một công việc hay tư thế làm việc kéo dài quá sức chịu đựng của cơ thể. Lực tác động không lớn nhưng nếu lặp đi lặp lại trong thời gian quá dài sẽ làm tổn thương khớp.

    6. Phải biết "lắng nghe" cơ thể

    Cơ thể chúng ta có cơ chế báo động rất tuyệt vời. Khi có vấn đề nó sẽ báo động ngay cho bạn. Trong đó đau là dấu hiệu báo động chủ yếu. Phải ngưng ngay lập tức các vận động nếu chúng gây đau.

    7. Thay đổi tư thế thường xuyên

    Nên thường xuyên thay đổi các tư thế sinh hoạt. Tránh nằm lâu, ngồi lâu, đứng lâu một chỗ vì sẽ làm ứ trệ tuần hoàn và gây cứng khớp. Có thể đây là yếu tố chính yếu gây ra thoái hóa khớp do nghề nghiệp, nhất là ở những người lao động trí óc.

    8. Sự luyện tập "như một chiến binh" sẽ làm hại bạn

    Khi khớp của bạn có vấn đề, lời khuyên nên vận động của bác sĩ có thể được bạn hăng hái thực hiện một cách quá mức. Nguyên nhân thường là nỗi lo sợ thầm kín báo hiệu tuổi già của những người thành đạt trong cuộc sống, là sự âu lo nếu bạn là trụ cột của gia đình. Những lý do này khiến bạn vội vã lao vào tập luyện như những người lính cứu hỏa dập tắt đám cháy. Tuy nhiên điều này không thể áp dụng cho tổn thương khớp. Do sụn khớp phải trải qua một thời gian dài tác động mới bị hư hỏng (thoái hóa), vì vậy khi bạn cảm thấy đau nghĩa là nó đã hư khá nặng. Sự nghỉ ngơi sẽ làm ngừng gia tăng mức độ tổn thương. Còn sự vận động sẽ giúp nó phục hồi nhưng cần phải tăng dần cường độ. Nếu bạn quá gắng sức hay nóng nảy trong luyện tập để đốt giai đoạn, thì vô tình sẽ làm chết lớp sụn mới còn non yếu do các lực tác động quá mức của chính mình. Nên bắt đầu bằng những động tác nhẹ nhàng và chậm rãi, sau đó mới tăng dần lên tùy vào sự phản ứng của cơ thể.

    9. Bảo vệ cơ thể trước những bất trắc trong sinh hoạt

    Khi ra khỏi nhà, bạn nên cẩn thận chuẩn bị những dụng cụ bảo vệ cổ tay và khớp gối, nhằm đề phòng những tình huống bất ngờ có thể làm bạn bị chấn thương.

    10. Ðừng ngại ngần khi có yêu cầu trợ giúp

    Bạn không nên cố gắng làm một việc gì đó quá sức của mình. Nếu cảm thấy khó khăn, nên nhờ người khác trợ giúp. Mang vác hay xách một vật nặng có thể làm bạn đau nhức kéo dài nhiều ngày. Tình trạng đau nhức này thể hiện sự tổn thương của cơ thể. Từ những lỗ nhỏ có thể phát triển thành những sang thương lớn hơn trên mặt sụn khớp.

Trang 1/2 12 cuốicuối

Similar Threads

  1. Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cươì - Bảo Yến
    By chopper1 in forum Video ca nhạc Việt
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 05-10-2012, 04:39 PM
  2. Mùa Thu Cali - Thu Phương
    By taubay in forum Nhạc trẻ
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-18-2008, 12:57 AM
  3. Ngày Không Tên - Thu Phương
    By chopper1 in forum Nhạc trẻ
    Trả lời: 4
    Bài mới nhất : 01-17-2008, 03:48 PM
  4. Cách phòng ngừa giun
    By taubay in forum Vui cười
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-10-2008, 12:59 AM

Tags for this Thread

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •