Tôi tình cờ có đọc chuyện "Trại Đầm Đùn" này bên Mỹ, khoảng những năm '90.
Truyện viết hay, lột tả được sự khổ đau ngút ngàn của tù nhân dưới bàn tay tàn ác của bọn Việt cộng....
Địa Ngục trên Trần Gian!


Nxb Nguyễn Trãi, 1969, Sàigòn, Việt Nam

Đọc Trại Đầm Đùn .... để thấy hết những đau khổ, bi thương mà người Quốc Gia đã phải chịu đựng trong những trại tù cộng sản, điển hình nhất là TRẠI TÙ ĐẦM ĐÙN.

Nghe chuyện kể về trại Đầm Đùn mới hiểu được, mới thấm được, mới nhận thấy được những đau thương, những hy sinh, những chịu đựng mà cha anh chúng ta đã phải trải qua...

Họ phải trả giá bằng cả cuộc đời của họ. Và ước mong, nghe chuyện kể về trại Đầm Đùn đề cho những kẻ đón gió trở cờ mong rằng CS sẽ thay đổi sau bao nhiêu năm.

Đó chỉ là chuyện không tưởng...

______________________


Trần Văn Thái


Tên thật: Nguyễn Văn Ký, sanh năm 1919 tại Hà Nội.
- Tập viết văn từ hồi còn là học sinh Trường Cao Đẳng Tiểu Học Đỗ Hữu Vị (Hà Nội) và bắt đầu viết bài đăng báo từ 1936.
- Nguyên Tổng Thư Ký Tòa Soạn các Nhật Báo Cấp Tiến Hà Nội, Dân Chúng Hải Phòng, Hòa Bình (1955) Sài Gòn.
- Đã cộng tác thường xuyên với các báo Cách Mạng Quốc Gia, Ngày Nay, Tin Điển, Thứ Tư v.v...
- Thư Ký Tòa Soạn Nguyệt San Đại Từ Bi từ 1965 đến nay.


**********

ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU

Đã lâu lắm, chúng ta mới có một cuốn sách chống Cộng có một vóc dáng đầy đặn, chứa đựng một nội dung xúc tích, sống động và xác thực vượt hẳn lên trên những sách cùng loại xuất bản trong nước từ trước đến nay. Đó là cuốn phóng sự tiểu thuyết "Trại Đầm Đùn" của Nhà Văn TRẦN VĂN THÁI, được chấm hạng Ba, giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật 1967-1969 của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa trong 62 tác phẩm dự thi về bộ môn tiểu thuyết.

Thông thường, những sách chống Cộng được viết dưới hai hình thức. Một là chống Cộng bằng lý thuyết, tác giả nêu ra những lỗi lầm sơ hở của chủ nghĩa cộng sản, những điểm không hợp thời, hoặc thoái hóa của chủ nghĩa cộng sản, nói một cách khác tác giả đánh thẳng vào ý thức hệ cộng sản bằng lý luận chánh trị, để bác khước chủ nghĩa này.

Hình thức thứ hai là mô tả những cảnh đọa đầy, khổ sở của người dân dưới chế độ tàn bạo, độc tài, bất công của cộng sản để chứng minh rằng thiên đường cộng sản là một chuyện không có, không thể có trên thế giới này. Trái lại, cuộc sống dưới chế độ cộng sản còn nhọc nhằn, tủi cực hơn cuộc sống dưới bất cứ chế độ nào khác.

Viết cuốn TRẠI ĐẦM ĐÙN, Nhà Văn Trần Văn Thái đã dùng hình thức thứ hai, mô tả cuộc sống của những người bị đưa đi học tập lao động sản xuất tại một Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm ở Tây Bắc Tỉnh Thanh Hóa. Nói là Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm nhưng thật ra, đó là trại giam thực sự mà những người điều khiển đã bóc lột sức lao động của "trại viên" đến xương tủy, khiến họ gục xuống chết tại chỗ. Bị khổ sai quá mức, bắt buộc phải thi đua tăng năng suất, bệnh mà không có thuốc, bị đòn phạt khi bị buộc là vi phạm luật lệ của nhà giam, tù nhân Trại Đầm Đùn đã có thời gian chiếm kỷ lục về con số thương vong hàng tháng. Đã thế, trại viên lại phải sống thường xuyên trong một bầu không khí khủng bố tàn bạo, bị đem ra đánh, ra giết bất cứ lúc nào cũng được vì không có luật pháp nào bảo vệ cho họ, họ không biết kêu cứu với ai. Đối với nhà cầm quyền Việt Minh, những người bị giam hoặc bị khổ sai tại những trại sản xuất bị nhìn như những tên Việt gian phản động, có hại cho xã hội chủ nghĩa và gây phí tổn vô ích cho nhà nước cộng sản.

Vì thế cho nên trong một Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm của cộng sản, sự sống và sự chết đều vô nghĩa như nhau. Con người chỉ là một công cụ sản xuất của nhà nước trong những điều kiện vật chất ít tốn kém nhất, không sản xuất được nữa thì liệng xuống hố, lấp đất là xong bất kể đã chết hay còn sống. Những viên chức điều khiển trại tất nhiên phải là đảng viên đảng cộng sản, đối với tù nhân thì họ căm thù, hành hạ, nhưng đối với nhau, họ cũng tàn nhẫn không chút nương tay khi cần phải thanh toán một đồng chí có hại cho quyền lợi cá nhân hay bè phái. Họ là những người không có tim vì họ là cộng sản, bạo lực là phương tiện sở trường và hữu hiệu nhất đối với họ.

******

Phóng sự tiểu thuyết Trại Đầm Đùn ghi lại rất nhiều mảnh sống của tù nhân trong một Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm của việt cộng. Nghĩa là một trại giam tàn bạo nhất, tàn bạo một cách thâm trầm độc địa theo lối cộng sản Á Châu. Tất nhiên trên thực tế, các mảnh sống này rời rạc xẩy ra trong nhiều thời gian và tại nhiều trại giam khác nhau ở Liên Khu 3 và 4, Nhà Văn Trần Văn Thái đã ráp từng mảnh sống đó lại với nhau để tạo thành một cơ thể sống động, làm rùng mình biết bao độc giả và cho họ trông rõ bản chất hiếu sát của con người cộng sản và bản chất phi nhân phi nghĩa của chế độ cộng sản.

Một vai chánh trong truyện là một nhân vật thuộc giai cấp tiểu tư sản tên Trần Văn Toàn đang làm việc cho chính quyền quốc gia ở Hải Dương thì bị du kích Việt Minh bắt, đưa đi giam tại Trại Đầm Đùn. Cho tới khi hai bên Việt Minh và Pháp ký kết Hiệp Định Geneva, Toàn mới được phóng thích cùng một số người sống sót và may mắn. Trong thời gian học tập lao động sản xuất với cả ngàn tội nhân khác, Toàn trông thấy, gặp biết bao cảnh khủng khiếp, chua xót, nhọc nhằn, hụt chết nhiều lần đến nỗi bao phen, anh muốn tự giải thoát khỏi kiếp sống tù đầy, nhục nhã. Nhưng không được vì con người -dù là tù nhân của cộng sản- cần rất nhiều can đảm để sống thì cũng cần rất nhiều can đảm để chết. Vả lại, dần dà Toàn nhận thấy rằng chết không phải là một phương sách chống Cộng. Phải sống để đấu tranh chống Cộng đến cùng. Ít ra, cũng cứu được những thế hệ tương lai.

Cố chịu đựng mà sống, Toàn đã lần lượt được chứng kiến bao nhiêu sự việc chỉ con người máy cộng sản mới làm được.

Nhờ tính cách xác thực và sự phong phú của các tài liệu sống, với một bút pháp điêu luyện, tác giả đã trình bày trên 500 trang giấy đời sống tù nhân trong một trại giam và làm chẩy nước mắt nhiều người. Có nhiều đoạn, người đọc cảm thấy tác giả đã viết bằng máu, nước mắt, tình thương và căm giận nữa khiến người đọc phải rùng mình khiếp hãi, nổi da gà như lên cơn rét.

Thật vậy, dưới chế độ cộng sản, tai họa bất ngờ không biết đâu mà lường trước được. Miệng cán bộ, miệng đảng viên có gang có thép, họ bắt bẻ, buộc tội như thế nào, tù nhân cũng đành chịu, cán bộ bảo sống là sống, bảo chết là chết, tù nhân không thể nào tránh né được.

Bằng một lối văn tả chân sâu sắc, trong sáng và giản dị, tác giả đã lôi cuốn và làm say mê người đọc. Giản dị nhưng không rơi vào cái tầm thường. Trái lại là khác. Nhiều đoạn, độc giả bật cười trong khi dơm dớm nước mắt.

Để chứng minh nhận xét trên, tôi định trích dẫn ra đây vài đoạn đặc biệt nhưng không biết chọn đoạn nào. Vì những đoạn hay trong Trại Đầm Đùn nhiều quá, rải rác khắp cuốn truyện.

Chỉ xin nhắc sơ qua những đoạn tả chân như: "Cảnh Đầu Trâu đánh đòn trừng phạt tù nhân bằng roi song mật khiến tù nhân bật tủy xương sống chịu không thấu phải nhai nát lưỡi tự tử "tại trận" trước mắt sáu, bẩy trăm người, đoạn tả ba người tù đói nhai một lúc bẩy tám củ su hào sống dưới ruộng đến no phưỡn bụng rồi chết vì bội thực trước sự chứng kiến bất lực của giám thị, những đoạn tả cơn đói triền miên thê thảm của người tù bị "phong vương" phải nuốt thạch sùng cho qua cơn đói. Đoạn tả đòn tuốt nứa bắt độc giả rợn người, ớn xương sống, toát mồ hôi lạnh, đoạn tả người tù đói liếm đốt xương cá mỗi bữa ăn sau khi hít hít, ngửi ngửi lấy mùi tanh của cá còn sót lại, đoạn tả cảnh thợ rèn đóng xiềng vào chân tù và cho tù nếm đòn trợt búa để đòi tiền hối lộ, đoạn tả tù phong vương cắt xiềng mở cùm rồi đào ngạch chui qua hàng rào trốn vào rừng, gặp bao cảnh giở khóc dở cười, giở sống dở chết v.v..." Nhiều lắm, những đoạn hay không kể hết được, tiếp nhau nối từ chương này đến chương khác để thêu dệt và trang trí cho một cốt truyện độc đáo có nhiều tình tiết đột ngột, sôi nổi, bất ngờ như truyện trinh thám, làm tăng giá trị cho nội dung một cuốn truyện chống Cộng bằng những hình ảnh xác thực trăm phần trăm .

Với cuốn Trại Đầm Đùn, tác giả Trần Văn Thái đã có một hình dáng rõ rệt, đặc biệt trong những người cầm bút đứng đắn, tự trọng. Điều này không làm chúng ta ngạc nhiên khi ta biết "Trần Văn Thái" là một bút hiệu khác của nhà văn có một bút hiệu được nhiều người biết hơn: Hoàng Cung (Nguyễn). Và cũng chính nhà văn này dưới một bút hiệu khác nữa Thanh Lâm (Nguyễn), đã chiếm giải nhất và giải ba trong một cuộc thi truyện ngắn Phật Giáo năm 1966 do Nha Tuyên Úy Phật Giáo tổ chức để tuyển lựa những tác phẩm giá trị trên địa hạt văn nghê Phật Giáo.

Với những người chưa có kinh nghiệm sống chung với cộng sản. Trại Đầm Đùn sẽ cho họ biết rất nhiều về một phương diện của đời sống dưới chế độ cộng sản và về thực chất của con người cộng sản. Do đó, họ sẽ suy luận ra và phải có một thái độ chính trị thích hợp.

Nhất định TRẠI ĐẦM ĐÙN sẽ có một tác dụng hữu hiệu trong cuộc đấu tranh chung của miền Nam tự do: Chống Cộng Để Bảo Vệ Tự Do và Hạnh Phúc Của Chính Mình.

N.M Ch
Nhà xuất bản Nguyễn Trãi


******

TUỐT NỨA

Hôm nọ, gặp mấy người bạn cũ, những người chủ trương cần phải chấm dứt ngay cảnh bom đạn này, mặc dầu có phải chấp nhận chế độ cộng sản.

Tôi về nhà mở tờ bán nguyệt san "Đại Từ Bi" của Nha Tuyên Úy Phật Giáo, tiếp tục đọc thiên phóng sự "Trại Giam Đầm Đùn" của Trần Văn Thái, số 44, tả lại cảnh "tuốt nứa" thi hành với tù nhân 983. Đọc xong, tôi thẫn thờ đứng dậy, sờ vào áo thấy sũng mồ hôi, toàn thân như đang lên cơn sốt. Từ 21 số báo "Đại Từ Bi" rồi, nhiều lần đọc xong "Trại Giam Đầm Đùn", tôi đã tự nhủ: Thôi lần sau không đọc nữa. Rùng rợn và thê thảm quá. Hơn cả những "lò giết người" của Đức Quốc Xã tôi đã được xem cách đây hơn 10 năm, nhân chuyến đi xây nhà cho đồng bào nghèo bên Tây Đức. Nhưng mỗi lần báo "Đại Từ Bi" đến tay, tôi lại tìm đọc "Trại Giam Đầm Đùn" (ngoài những bài tham luận, quảng bá giáo lý Nhà Phật, hoặc mục Họa Thơ, Đố Chữ v.v...) không phải để căm thù Cộng sản hơn, hay để cổ động tiêu diệt người Cộng sản ngay trên phần đất của họ. Tôi tiếp tục đọc, mong tìm thấy hình ảnh một số bạn hữu của tôi, những kẻ bị Việt Minh bắt đi cách đây hơn 20 năm.

Họ có phải là tên tù 684, hay những người tên Thanh, tên Toàn, hay tên tù 983 "hai bắp đùi bị nứa cắt nát bấy, thịt da bị vằm tơi tả...trong khi miệng hắn há hốc như con heo bị thọc tiết...Tiếng rên la của tội nhân có một âm hưởng bi thiết lạ lùng, tưởng như mảnh nứa mà có tim, mảnh nứa cũng phải động lòng chảy nước mắt".

Có lẽ tôi chẳng bao giờ tìm thấy hình bóng họ. Tôi sẽ không nhận ra họ. Làm sao tôi nhận được ra họ trong đám hình hài rách nát, bị tra tấn cùng cực "mặt sưng vều, méo mó, tím bầm, hai mắt sưng như hai trái nhót...một tay bị đánh trật khớp, chân lết đi một cách khó nhọc...".

Nhắc lại những cảnh rùng rợn này không phải để thêm hận thù với ai. Nhân dân miền Nam hết muốn hận thù với ai. Nhưng cũng không muốn để ai tiếp tục ngụy biện: Một là chấp nhận làm nô lệ Cộng sản, hai là phải kéo dài cuốc chiến tranh vô vọng này!

Con đường giải thoát Quê Hương đâu phải chỉ nằm trong 2 ngã: Chấp nhận bị hình phạt "tuốt nứa", hoặc chấp nhận đánh nhau bất tận?

[B]T.H.[/B]
Trích trong mục "NGƯỜI VÀ VIỆC"
Nhật báo Xây Dựng số 1.486 ngày 17.1.1969


******
TRƯỚC KHI VÀO CHUYỆN

Tất nhiên, trên thế giới ngày nay có trại giam nào là không đáng sợ?

Nhưng Trại Giam Đầm Đùn lại đáng sợ gấp bội về mọi phương diện, bị bắt vào đó, không mấy ai dám hy vọng có ngày trở về. Dưới chế độ cộng sản, trại giam là một thứ khủng khiếp, mà Trại Giam Đầm Đùn thì thật là "thần sầu quỷ khốc!".

Phải công nhận người cộng sản có một kỹ thuật tàn ác phi thường về phương thức trừng phạt những kẻ bị chúng kết tội hoặc coi là phản động. Kỹ thuật đó đã được nghiên cứu bởi những kẻ không tình cảm, còn mang thêm căm thù không nguôi ở trong lòng vì đấu tranh giai cấp. Vì thế, Trại Giam Đầm Đùn đã phá kỷ lục về số tội nhân thương vong hàng ngày vì xung phong bắt buộc, thi đua tăng năng suất, bị bóc lột quá sức lao động, vì đòn trừng phạt, bịnh, khủng bố tinh thần và nhất là đói, liên miên đói...


° ° °

Tác giả không biết đích xác Việt cộng lập ra Trại Giam Đầm Đùn từ bao giờ nhưng có những người bị việt cộng kết tội hay quy vào một tội tưởng tượng nào đó khoảng 1952 đã bị đưa đến giam tại Trại Đầm Đùn rồi.

Trại tọa lạc trên một khu đất trống gần rừng thuộc làng Đầm, Huyện Thọ Xuân Tỉnh Thanh Hóa, rộng chừng năm, sáu mẫu tây, chung quanh có hai lớp rào nứa bao bọc. Nứa rừng nguyên cây cứng như tre, cắm sâu xuống đất khít với nhau cheo đi chéo lại buộc bằng giây kẽm, con gà chui không lọt.

Trại chia làm hai khu riêng biệt, ngăn bằng một hàng rào nứa: Một khu nhốt tù binh Pháp, một khu nhốt tội nhân người Việt. Trong khu nhốt tù Việt, nhiều dãy nhà, căn lớn căn nhỏ, lợp lá, vách phên tre hay vách đất, dùng làm nhà giam từng loại tù: Tù thường tội, tù xiềng, tù cùm, tù lãnh án tử hình, đợi "ra bai" v.v...

Cách các lớp nhà giam khá xa, một dãy nhà rộng rãi, lợp lá gồi, trống rỗng không vách, mang tên nhà Tiểu Công Nghệ là nơi đan lát, xay thóc, giã gạo, xàng, xẩy gạo v.v... Ngoài ra, nhà này còn dùng làm nơi ăn cơm của gần một ngàn tù mỗi bữa. Gần đấy là nhà bếp. Xa xa hơn nữa, ở gần cuối vườn là một căn nhà nhỏ để dùng làm Lò Rèn, nơi sản xuất những xiềng sắt, khoen sắt để xiềng chân tù, và là nơi chế tạo những vật dụng bằng sắt của trại: Sẻng, cuốc, mai, thuổng, dao rừng, rìu...dùng cho việc canh tác và đốn cây chặt củi trong rừng.

Các căn nhà của nhân viên ban quản trị Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm Đầm Đùn tập trung vào một khu ở đằng trước. Để tiện việc kiểm soát, bên ngoài cổng lớn vào trại có chòi canh. Cảnh vệ gác thường xuyên. Đã thế, bên trong hàng rào nào cũng có chòi canh và cảnh vệ gác.

Trong vườn có một cái ao khá rộng, sâu ngập đầu người, rau muống thả kín một góc. Nước ao quanh năm suốt tháng đục lờ lờ, dùng để tưới vườn, tưới rau, tưới cây và tưới... người. Mỗi buổi sáng, hàng trăm tù nhân xếp hàng ra ao một lượt, rửa mặt, súc miệng, rửa các mụn lở loét trong người do sự thiếu giữ gìn vệ sinh cá nhân và rửa vết thương do đòn hoặc tai nạn.

Làm công việc vệ sinh buổi sáng xong, tù nhân quay vào nhà Tiểu Công Nghệ, ăn bữa cơm sáng rồi đi lao tác tùy phần việc được chỉ định trong ngày.

Riêng ngày Chủ Nhật, trước khi ăn cơm, tù nhân phải tập trung giữa sân rộng để làm một việc quan trọng: Chào cờ!

Sau đó, họ làm công tác vệ sinh chung trong trại, quét sân, dọn dẹp phòng giam cho gọn gàng sạch sẽ. Xong, có thể làm những công việc vặt cho riêng họ như vá quần áo, săn sóc các vết thương, bắt chấy, rận, rệp v.v...Những tù bị xiềng, xoay sở hay đổi chác lấy giẻ rách quấn quanh khoen sắt ở hai cổ chân cho cạnh sắt khỏi cứa chân chảy máu. Giẻ rách rất khó kiếm vì không ai thừa.

Đứng bên ngoài "Trại Sản Xuất và Tiết Kiệm Đầm Đùn" trông vào, trại có bộ mặt hiền lành, không có vẻ chi giam giữ, trừng phạt một số người đang đi đoạn chót ngắn ngủi của cuộc sống trên dương thế! Khi thấy những người ở bên trong đi lại dáng điệu thiểu não, thân hình tiều tụy gầy còm, quần áo rách rưới hay vá chằng vá đụp, có người vừa đi vừa té nằm cả phút mới lóp ngóp đứng lên loạng choạng bước, khách bàng quan chỉ tưởng là trại tế bần hay trại bịnh của nhà thương.

Vì đứng bên ngoài mà quan sát, Trại Đầm Đùn không có chi khủng khiếp, kinh hồn.

Nhưng...


____________________

TRẠI ĐẦM ĐÙN

1. Lúc bấy giờ vào khoảng sáu giờ chiều, một chiều cuối Thu.

Gió núi từ tứ phía thổi lại, tạt qua Trại Giam Đầm Đùn, liên tiếp đem đến những cơn rùng mình cho các tù nhân trong trại. Và đem những nỗi nhớ quê nhà, nhớ vợ, con cho những tù còn những kẻ thân yêu mà nhớ. Dưới chế độ cộng sản, những người thân yêu còn lại thật là hiếm hoi. Khi người ta ít có thì giờ nghĩ đến chính mình thì hơi sức đâu nghĩ đến kẻ khác để tạo nên những kẻ thân yêu!

Nhất là tù nhân trong Trại Giam Đầm Đùn lại càng có ít thì giờ hơn nữa.

Một bọn tù mười người do trưởng toán dẫn về trại sau khi rửa mặt mũi chân tay tại cái ao đục ngầu ở cuối vườn. Họ đi không có thứ tự cho lắm vì sau công tác này họ được nghỉ xả hơi năm, mười phút đợi giờ ăn cơm. Có ba người trong toán đi chậm hơn cả, lùi mãi về cuối: Hai người bị xiềng một chân và một người trung niên chừng như bị đau chân nên đi khập khiễng. Dáng điệu vụng về, chậm chạp, nét mặt nhăn nhó ủ dột, người trung niên tò mò ngó cảnh tượng chung trong trại. Mấy người đàn bà gánh nước tưới rau trong vườn đang cất thùng vào kho và bà già quét lá ngoài sân cũng đã cất chổi đi rửa mặt, rửa tay để về trại phụ nữ ăn cơm. Người trung niên dáo dác kiếm trưởng toán và khi nhận ra người này đứng ở mé đầu hồi đằng kia, anh ta lật đật bước những bước thật dài tới gần.

Trưởng toán đếm đầu người của Toán mình rồi khẽ gọi, giọng hơi gắt:
- 271! Lại đây, ăn cơm.

271 là số tù của người trung niên nọ. Trong trại, người ta thường gọi người tù bằng con số, bạn thân với nhau mới gọi tên mà thôi.

271 lừ lừ tiến lại bên một mâm cơm, ngồi xổm xuống như các bạn đồng trại. Trưởng toán cũng ngồi xuống với bốn người kia, thành năm người một mâm. Những tiếng rì rào nói chuyện nổi lên từ đầu hồi đằng này đến đầu hồi đằng kia. Tuy nhiên, chưa ai cầm đũa như còn đợi hiệu lệnh. 271 ngó xuống mâm cơm mà thấy chán ngấy đến cổ họng. Anh ta biết trước không thể nuốt hết được nửa chén cơm. Trái lại, những tù nhân khác lại như nôn nao chờ được ăn vì họ có vẻ đói quá sức. Mâm cơm là một cái mẹt đan bằng những thanh tre dày dặn. Trên mâm, có một địa rau muống, một tô nước rau trong vắt như nước mưa, một dúm muối đựng trong một chén đàn miệng chén mẻ gần hết, và một đĩa muối mè, vì ướt nên mè trở nên sẫm màu. Giữa hai mâm có đặt nồi cơm gạo hẩm đầy tới miệng. Một vài người lộ vẻ nóng ruột ngoái cổ lại phía sau, như để nhìn vật gì mà 271 nhất thời không đoán ra.

Bỗng ba tiếng kẻng vang lên.

Tiếng đũa chén lao xao chạm vào nhau cùng với tiếng nói thì thào, tuy nhỏ nhưng vì số người đông bảy tám trăm nên cũng thành ồn ào như phiên chợ nhỏ. Thì ra tiếng kẻng là lệnh cho khởi sự ăn cơm. Trưởng toán lần lượt sới cơm vào các chén. Y sới cơm như máy, vục chén vào nồi xúc mạnh một cái. Cầm ngay ngắn chén cơm, rồi bằng hai chiếc đũa, y gạt ngang miệng chén một lượt. Thế là đã sới xong. Coi kỹ lại, không chén nào nhiều nhơn chén nào một miếng, tưởng chừng có lấy cân mà cân, cũng chỉ đúng đến thế là cùng. Đó là một nghệ thuật và đó cũng là một việc làm thận trọng để tránh những sự phiền phức đôi khi gây nên hậu quả tai hại. Tù nhân có thể giết nhau vì chén cơm nặng nhẹ không đồng đều, hơn kém nhau tới một miếng như đã có nhiều lần xẩy ra tại trại giam này.

Chén cơm liền được phân chia cho mỗi người. Khi nhận, người nào cũng liếc nhìn chén cơm của người bên cạnh để so sánh với chén cơm của mình. Cử chỉ đó trở thành một cái tật chung của những người quanh năm ăn đói.
- Anh Toàn! Ăn đi chứ ngồi nhìn à? Cứ ăn đi rồi cũng thấy ngon miệng.

Tù nhân 271 tên là Toàn. Và người gọi anh ta là Mạnh. Buổi trưa, trong sau mươi phút nghỉ ngơi, Toàn làm quen với người bạn tù cùng giường -tù nhân nằm hai người cùng một giường, có khi ba người vì số tù quá nhiều mà giường ít. Toàn được biết Mạnh bị giam ở Trại Đầm Đùn đã hai tháng. Theo Mạnh nói thì anh ta đã phạm tội với nhân dân vì đã tiếp xúc với viên chỉ huy đội quân Pháp khi đội quân này vào khám xét làng anh để bắt Việt Minh và buộc làng anh vào Tề.

Nghe Mạnh khuyên, Toàn gượng mỉm cười đáp:
- Mời các anh xơi cơm đi. Tôi không đói nên không muốn ăn.

Mấy người cùng mâm nhìn Toàn với vẻ mặt khó hiểu. Toàn không hiểu họ muốn gì, có ý định gì? Toàn có ngờ đâu các bạn tù mong ước được Toàn chia phần cơm còn lại của anh cho họ được ăn thêm vài miếng đỡ đói và đỡ thèm. Tại Trại Giam Đầm Đùn, tù nhân luôn luôn ăn đói. Từ ngày bị giam, bất kể lúc nào, họ cũng như những kẻ chết đói, luôn luôn thèm cơm hay thèm bất kể thức ăn gì khác, miễn có thể bỏ được vào miệng, nuốt được xuống bao tử cho bớt trống rỗng là tốt rồi.

Trong chế độ trại giam, khẩu phần được chia ra nhiều hạng khác nhau: A-B-C-D v.v... Tùy theo sự xếp hạng, căn cứ vào thành phần và tội trạng nặng nhẹ, tù nhân được ăn theo khẩu phần dành cho mỗi hạng. Hạng A được 4 miệng chén cơm một bữa. Hạng B, 3 miệng chén. Hạng C, 2 miệng chén và hạng D, hạng đói khổ nhất, được một miệng chén (tức là một nắm cơm) với mấy hột muối, không có thức ăn. Nếu phạm lỗi nặng trong trại giam, phạm nhân lập tức bị cùm cả hai chân, mỗi bữa một nắm cơm ăn với muối và không được uống cho tới khi gần chết khát. Có người khát quá, cơ thể khô hết nước, phải tiểu tiện vào tay mà uống. Nhưng ác thay, đã khát thì tiểu tiện lại chỉ được mấy giọt mà thôi, tù nhân đành phải liếm láp bàn tay cho đỡ khát vậy.

Với Toàn, bữa cơm này là bữa cơm thứ hai theo khẩu phần hạng C, được 2 miệng chén một bữa. Còn cầm chén cơm ngần ngừ chưa ăn miếng nào, anh ta đã thấy mấy người cùng mâm nhất loạt cho một tay vào cạp quần, móc ra mỗi người hai, ba trái ớt rừng đỏ chót. Sau này, Toàn mới biết tù nhân nào cũng ăn rất nhiều ớt mỗi bữa cơm. Thứ nhất là vì ớt có nhiều sinh tố, bù cho cơ thể thêm chút sinh tố nào hay chút ấy. Thứ hai, vì tù nhân tin tưởng ăn được nhiều ớt có thể ngăn chận được phần nào bệnh sốt rét và bệnh báng nước! Tù đi đẵn củi ở rừng thường có dịp kiếm được ớt.

Chỉ thoáng cái, sau hai ba lần lùa cơm vào miệng, chén của mỗi người đã sạch trơn, họ không dám nhai để chậm tiêu hóa, lâu đói. Dường như đối với tù nhân của trại, hạt cơm chín ngon ngọt quá nên họ ít ăn rau lẫn với cơm, mà nhai cơm riêng, rau riêng. Ăn hết nửa bữa -một miệng chén cơm- trên mâm chỉ còn có chén muối mè: Không ai bảo ai mà họ đồng ý ngầm dành đĩa muối mè cho chén cơm thứ hai mà cũng là chén chót. Trưởng Toán lại sới lượt thứ hai cho năm chén mâm này và năm chén mâm kia. Bữa nay đặc biệt làm sao, còn một lượt mỏng cơm cháy. Trưởng toán bèn vét hết cơm trên mặt cháy, chia đều cho mười chén, mỗi chén may mắn được thêm một miếng "lớn" bằng miếng cơm của đứa bé mới tập ăn cơm hột. Rồi lột miếng cháy ra khỏi đáy nồi, sẻ ra làm mười miếng nhỏ bằng nhau, đặt lên mỗi chén một miếng. Có tiếng người xuýt xoa khen, vì trước khi ăn bằng miệng, họ đã cân nhắc và ăn bằng...mắt:
- Chà! Cháy ngon quá, chia miếng cháy đúng như chia phần việc làng. Không ai hơn kém!

Một người bẻ:
- Sao phần việc làng lại không hơn không kém? Tụi cường hào ác bá chẳng được phần lớn hơn những người khác là gì?

Nhưng rồi họ cũng nhồm nhoàm ăn luôn, bỏ dở câu chuyện. Mỗi người sớt vào chén một í muối mè để ăn với cháy. Có người đã quay nhìn ra ngoài chứ không chăm chú nhìn vào mâm và dòm chừng như lúc nãy vì một lẽ rất giản dị là mâm đã sạch nhẵn và nồi cũng sạch nhẵn, không còn gì để có thể gây ra tranh chấp nữa.

Cố ăn hết chén cơm thứ nhất, Toàn không nuốt thêm được nữa. Anh ta thoáng nhớ đến những bữa cơm ở nhà và những bữa tiệc linh đình ở quận, nơi anh ta giúp việc ông Quận Trưởng với tư cách Thư ký hành chánh. Một người cùng mâm nhìn anh rồi hỏi:
- Ủa, không ăn nữa à? Ăn mau kẻo hết giờ rồi!

Toàn buồn bã trả lời:
- Tôi no rồi.

Hai, ba tiếng cùng cất lên:
- Thôi, chia cho chúng tôi ăn kẻo phí.

Toàn vừa gật đầu đồng ý, một người đã chia chén cơm thừa, sẻ ra cho mỗi người một phần. Ăn cùng mâm, có một người gầy gò, ốm yếu, chừng như mới khỏi bệnh ăn trả bữa, sắc mặt còn xanh mét như tàu lá. Anh ta chỉ lùa hai miếng là bát sạch trơn, vừa nhai, anh ta vừa lết lại gần nồi lặt hết những hạt cơm còn dính lại quanh sườn nồi mà bỏ vào miệng rất hùng... hồn! Sau cùng, anh ta đưa hai đầu đũa vào miệng định ngậm sạch những chất cơm tưởng tượng còn dính vào đũa thì có tiếng người nói: "Coi chừng, phạm quan điểm của nhân dân, nghe không?" khiến anh ta sợ hãi lật đật bỏ đũa, đứng lên.

Nhờ có người nhà mới tiếp tế, Trưởng toán rút trong cạp quần ra một món ăn rất quý: Một quả chuối. Anh ta nhai chuối tóp tép khiến mấy người kia thèm nhỏ rãi. Chao ôi! Ăn cơm xong mà có một trái chuối tráng miệng, còn hạnh phúc nào bằng. Toàn thấy anh ta liệng vỏ chuối trên mâm. Vừa nhìn chỗ khác, khi quay lại. Toàn không thấy vỏ chuối đâu nữa. Ngẫm nghĩ vài giây, anh ta phát giác một sự thật: Không có chuối, tù giành nhau ăn vỏ chuối cũng được no bụng thêm một chút. Sự sống trong Trại Đầm Đùn thật gay go phải giành sự sống từng chút một, khiến người tù bước dần tới mức độ loài vật mà không hề bận tâm.

Toàn bất giác nén một tiếng thở dài. Có thể một ngày kia nếu cần, anh cũng ăn vỏ chuối một cách thản nhiên như mọi đồng cảnh trong trại. Trong một giây, anh bỗng nhận thấy rằng tranh đấu chống cộng sản đã ghê gớm nhưng tranh đấu, vật lộn để giành lại sự sống còn trong một trại giam cộng sản còn ghê gớm, khó nhọc, tủi cực gấp bao nhiêu lần! Sự thật đã hiển nhiên trước mắt!

Ý nghĩ trên làm lóe trong óc anh một chân lý, đồng thời bác bỏ hết những quan niệm, những tư tưởng của anh trước đó về sự sống, về cuộc đời: Miễn sao chịu đựng nổi những ngày bị giam cầm để mà sống sót trở về. Bất giác anh thấy tiếc chén cơm vừa bỏ, tiếc vô cùng. Ngu quá! Trong tù, hạt cơm là hạt ngọc, một hạt ngọc ăn được, nuôi sống con người chứ không vô dụng như hạt ngọc dùng để trang sức! Vậy mà anh đã bỏ một bát đầy ngọc thực!

Bài học đầu tiên trong tù có một tác động mạnh trong đầu óc Toàn đến nỗi khi mọi người đứng lên, bưng mâm chén đi rửa, anh còn bâng khuâng suy nghĩ.
- Cám ơn anh! Thêm được một miếng cơm anh nhường cho, tôi thấy khỏe lên nhiều lắm. Cần phải khỏe hơn, mai mới xay lúa được.

Toàn nhìn người vừa thốt ra với anh mấy lời cám ơn. Đó là một người gầy ốm, mặt sáng sủa có vẻ học thức. Anh mỉm cười:
- Anh em bớt cho nhau miếng cơm, có gì đáng kể. Vả lại tôi cũng không đói.

Toàn liếc nhìn con số 782 trên ngực người bạn ốm yếu nọ rồi hỏi:
- Anh "được" vào đây bao lâu rồi?
- Năm tháng. Tôi tên Tuyên, người Nam Định. Ngày mai, tôi khỏi bệnh và được cắt vào việc xay lúa với anh em...

Rồi hỏi Toàn:
- Anh mới vào hả? Ở đâu đưa đến đây?
- Vào chiều hôm qua. Bị bắt ở Hải Dương.

Mấy người trong toán, dọn dẹp rửa chén xong, đã quay về ngồi túm năm tụm ba nói chuyện. Toàn mới vào còn bỡ ngỡ nên được anh em cùng toán đặc biệt miễn cho rửa chén. Toán của Toàn ngồi chung lại một góc nói chuyện phiếm, chờ đến giờ học tập. Có toán ra ngồi ngoài sân, có toán ngồi mãi gần góc vườn. Không có lệnh bắt buộc ngồi trong nhà nên họ có thể ngồi tản mát nhiều chỗ trong trại.

Mạnh cũng lại ngồi bên Toàn và Tuyên nói chuyện phiếm rồi rút ra gói lá chuối trong có dúm thuốc lào. Anh ta móc trong túi một ống tre khô, dài một gang tay và lớn bằng cây bút chì, đặt một mồi thuốc lào nhỏ vào "nõ", bật quẹt châm vào đóm rồi trịnh trọng kéo một hơi dài, lim dim cặp mắt thả khói lên không. Lúc đó Mạnh có cái vẻ mơ màng quên hết cuộc đời tù ngục nhưng không quên cất ngay gói thuốc lào vào trong người.

Toàn thèm quá, nhưng không còn điếu thuốc nào đành xin Mạnh một điếu, kéo một hơi tàn hết bã. Mới vào tù được 24 giờ đồng hồ, Toàn đã bắt đầu biết quý vật dụng một cách đặc biệt, kể từ điếu thuốc lào.

Hỏi anh em, Toàn được biết, mỗi ngày ăn cơm chiều xong nửa giờ là mọi người phải học tập một giờ về một vấn đề chính trị hay một vấn đề nào đó liên quan đến sự sinh hoạt và bổn phận của tù nhân trong cộng đồng trại giam. Nhưng có một điều cán bộ học tập không nói ra, đó là trại bắt học tập để biết rõ lập trường và tư tưởng của tù nhân, căn cứ vào đó, người có trách nhiệm quản trị trại sẽ áp dụng những biện pháp thích nghi: Trừng phạt, khoan hồng hay cho "ra bai".

Toàn biết rõ điều đó lắm nhưng lại chưa biết điều khác. Trong mỗi toán, có tù nhân xin được báo cáo với ban quản trị những điều mà ban quản trị cần biết về tư tưởng, thành phần cũng như hành động và lý lịch của mỗi trại viên, tù nhân đó làm công việc của mật vụ.

Học tập xong, mọi người được "giải trí" một giờ trước khi ngủ. Nhưng dù mệt nhọc vì công việc lao tác ban ngày đến thế nào chăng nữa, dễ gì vào giường tù nhân ngủ ngay được. Đó là lúc họ kiểm điểm lại công việc trong ngày, coi có sơ suất gì không, về phương diện lao tác cũng như về phương diện phát biểu tư tưởng, trình bầy ý nghĩ với trưởng toán, với nhân viên ban quản trị là hạng người có toàn quyền bắt họ chết hay ban sự sống cho họ. Rồi nghĩ đến gia đình, vợ con, tương lai v.v...Có người, có nhiều người chẩy nước mắt trong bóng tối. Họ khóc mà tuyệt nhiên không có tiếng thút thít vì họ phải nuốt những tiếng thút thít đó vào trong ruột trong gan họ.

Trong trại thường tội, mỗi giường, một cái chõng tre đúng hơn, có ba tù nhân nằm. Giường chót mới chỉ có hai người nằm là Toàn và Mạnh vì người tù thứ ba chưa...gửi tới trại giam.

Mỗi tù nhân được một manh chiếu mỏng để đắp, mùa nóng cũng như mùa rét, một gối đầu bằng mấy thanh tre đóng trên hai mẩu gỗ vuông, hình dáng như viên gạch thẻ. Sáng dậy, tù nhân có bổn phận gấp chiếu, đặt đúng chỗ mình nằm cho gọn ghẽ. Tất cả tài sản của tù gói trong manh chiếu này.

Trại thường tội chia làm nhiều căn, có vách tre ngăn, mỗi căn kê chừng 30 giường, nghĩa là trên nguyên tắc có chín mươi tù nhân một căn. Mỗi căn và mỗi ngày -24 tiếng đồng hồ- có tù nhân được luân phiên cử ra làm nhân viên trực để coi đồng cảnh. Ngoài ra, ban quản trị còn chính thức cử một giám thị, người của ban quản trị, coi tù nhân ban đêm có tù nhân trực phụ tá.

Luật lệ trại giam là phải kiểm soát lại tù nhân trước khi cho ngủ. Người nào người nấy đều nằm ngửa trên giường chờ làm xong thủ tục. Hai ngọn đèn dầu nhỏ đặt trên kệ đóng sát vách, chiếu sáng xuống một dẫy giường, mỗi dẫy giường có ba người nằm, ngoại trừ hai, ba giường khuyết một hoặc hai người. Đó là những tù nhân vắng mặt tạm thời hay vĩnh viễn mà chưa có người thay thế. Ốm nặng sẽ được nằm ngay trên bệnh xá để điều trị, hoặc phạm tội nặng bị nhốt trong xà lim tối, nằm trên sàn xi măng, còn vắng mặt vĩnh viễn là những người đã bỏ Trại Giam Đầm Đùn đi "chuyến tàu suốt" để sang bên kia thế giới. Thường họ được giải thoát bằng hai cách:

Mang bệnh mà chết hay bị "ra bai" 1.

Cách thứ ba ít khi xẩy ra, là vượt ngục. Trên thực tế, ít tù nhân vượt trại giam này mà thoát. Có nhiều tù nhân thắt cổ tự tử trong rừng để khỏi bị đưa ra "hành quyết" khi biết rằng không thể nào trốn thoát được màng lưới của nhân dân. Dưới chế độ cộng sản, nhân dân bắt buộc phải làm tai mắt cho chính quyền.

Trong cái yên lặng nặng nề của trại giam, viên giám thị leo lên đứng sừng sững trên ghế, ngó vào đám tù nhân nằm, rồi quát vang:
- Kiểm điểm.

Ngừng một giây để mọi người đủ thì giờ chuẩn bị, y lại quát:
- Bắt đầu.

Tức thì từ số một đến số sau chót, mỗi tù nhân hô to con số thứ tự nằm của mình. Người đầu tiên hố lớn "Một", người kế tiếp hô "Hai". Cứ thế, lần lượt cho đến số chót. Người nào hô lầm số sẽ bị phạt truất nửa hay cả phần cơm hôm sau, nặng hơn nữa thì bị vụt thêm năm hay mười roi song rừng đau quắn thịt, hoàn toàn tùy quyết định của giám thị. Những người hô chậm vì luống cuống cũng bị coi như có ý "bất lương" định trốn hay che chở cho người khác trốn. Miệng giám thị có gang có thép, họ buộc tội như thế nào là đúng lý lẽ như thế, không chối cãi vào đâu được!

Bữa nay, không có ai hô lầm hay hô chậm số thứ tự của mình, tiếng hô đều đặn nhẩy từng bước, từ miệng tù nhân này đến miệng tù nhân kia cho đến số 85 là hết. Tuy lắng hết tinh thần chờ đến lượt mình mà khi Mạnh hô "84", Toàn cũng cứng lưỡi mất một giây mới hô được "85 chót". May mà giám thị không lưu ý đến sự luống cuống của anh tù mới.

Giám thị lại gần đèn sáng ghi sổ rồi ra lệnh cho tù nhân trực tắt đèn dầu thay bằng hai đĩa đèn dầu chai thắp bằng sợi bấc rút ở cây bấc ra, phơi khô.


******

2. Thấm thoát, Toàn đã chính thức mặc áo có số của Trại Giam Đầm Đùn được mười ngày. Trong thời gian này, anh chỉ nghe gọi đến tên cúng cơm của anh ba lần cả thảy. Một lần, anh được gọi lên văn phòng ban quản trị. Một nhân viên của trại mặc thường phục nhưng có đeo súng sáu trễ xuống trước bụng, mang kính đen, lừ lừ tiến lại trước mặt anh, khiến anh giật mình toát mồ hôi đẫm người.

Không khí trong Trại Đầm Đùn thật đáng sợ. Các việc làm nặng nhọc kiệt sức trong và ngoài trại, tình trạng đói khổ liên miên làm hao mòn sức sống của tù nhân, hình dáng những người tù gầy ốm như que củi, quần áo rách tả tơi, ở nơi khác đã phạm tội "công xúc tu sỉ" mà ở Trại Đầm Đùn lại coi là thường, những vết thương lở loét kinh tởm, những chiếc khoen sắt đeo ở cổ chân với những sợi lòi tói sắt quét lê trên mặt đất, những cây roi mây rừng tàn nhẫn, tác dụng như roi cá đuối, những giọt nước mắt, những khuôn mặt méo mó lệch lạc, những tiếng quát tháo, những khẩu súng đen sì có cắm lưỡi lê thỉnh thoảng lại xiên thẳng vào tim vào bụng những người bị chế độ ghét bỏ và thù hận, tất cả những thứ ghê rợn đó tạo nên một làn không khí khủng khiếp luôn luôn bao trùm trại giam. Rồi thì bốn phía quanh trại giam là núi, là rừng, là nhân viên tay chân của chính quyền, tất cả đều thù ghét những kẻ bị kết tội. Nên, nhân viên luôn luôn rình rập để trả thù, để trừng trị những kẻ đã chống lại hoặc đã làm hư hỏng chế độ. Tất cả, người cũng như thiên nhiên và sự việc, liên kết, phối hợp với nhau để đánh mạnh vào kẻ có tội, khiến họ luôn luôn khiếp đảm kinh hoàng.

Đến nỗi cứ mỗi lần nhân viên ban quản trị gọi đến danh số là tù mất hồn toát mồ hôi lạnh vì biết lành rất ít mà dữ thì nhiều. Phước thay, Toàn chỉ được gọi lên văn phòng để xác nhận lại những đồ vật riêng của anh còn mang trên mình khi bị dẫn vào trong trại giam: Một đồng hồ, một nhẫn cưới bằng vàng, một kính trắng, cùng giấy tờ hộ tịch và ít giấy bạc Đông Dương.

Nhân viên có phận sự ghi sổ, trừng trừng nhìn vào mặt Toàn khiến anh sợ hãi bất giác cúi gầm mặt xuống -dáng điệu của kẻ phạm tội, rồi mới lạnh lùng cất tiếng:
- Bao giờ anh được nhân dân tha tội, sẽ được trả lại những thứ này. Còn giấy bạc của giặc thì phải hủy bỏ theo luật lệ, hiểu không?

Toàn nuốt nước miếng, run run:
- Dạ, hiểu.

Nhân viên nhìn Toàn một lát như để nhận diện anh cho kỹ càng hơn rồi sẵng giọng:
- Thôi, về trại làm việc!

Toàn cúi đầu kính cẩn tỏ vẻ cám ơn rồi lủi thủi xuống xuống trại, có một nhân viên công an đi kèm phía sau. Anh cắm đầu nhìn xuống đất, chỉ dám ngẩn mặt những lúc cần nhìn lối đi, để tránh gây những thành kiến không hay đối với anh.

Về đến căn trại, nơi phạm nhân đang lao tác tùy phần việc được giao phó, anh quay lại chào thì không thấy nhân viên công an đâu nữa. Thì ra hắn đã "bỏ" anh từ lúc nào mà anh không biết vì không dám quay lại nhìn, sợ phạm luật lệ nhà giam. Tuy nhiên anh cũng thoáng thấy hắn núp sau một cậy cột ở đằng xa, đang nhìn theo dõi anh. Toàn làm như không biết, bắt tay ngay vào việc.

Công tác của anh hôm nay là xay lúa, cùng với năm phạm nhân khác. Trong số năm người này, có một ông già tóc đã đốm bạc, tuổi chừng trên dưới sáu mươi, vừa xay lúa vừa thở hổn hển như bị bệnh hen. Hai cánh tay ông già khẳng khiu và tím bầm, gân xanh nổi lên chằng chịt. Dường như ông già vừa làm vừa khóc vì Toàn liếc thấy hai giòng nước mắt long lanh trên bộ mặt loang lỗ vì bụi và cám. Nhưng lát sau, anh thấy ông già vã mồ hôi đầy mặt nên cho là mình trông lầm.

Toàn luôn tay xay, không dám ngừng lại phút nào vì hai nỗi lo ngại: Thứ nhất, anh biết là ở đâu đó, lúc nào cũng có người theo dõi từng cử chỉ của anh, thứ hai, anh sợ không hoàn tất công tác đúng giờ.

Theo luật lệ nhà giam, tội nhân phải xay hết, bất cứ bằng cách nào, 10 thúng thóc một ngày, nghĩa là 5 thúng buổi sáng và 5 thúng buổi chiều. Mỗi cối xay nửa thúng. Khi tiếng kẻng báo giờ nghỉ nổi lên, tội nhân phải có đủ 5 thúng gạo cất vào kho.

Xay lúa là công việc nhẹ nhất mà tù nhân phải làm nên thường dành cho tù mới lành bịnh, tù nhân nhẹ tội hoặc mới vào trại. Tuy làm việc nhẹ, tù nhân vẫn phải làm đều tay, cần cối không mấy khi ngừng ngang trừ những lúc phải đổ thóc vào cối. Làm việc được một, hai tiếng đồng hồ, người nào cũng đổ mồ hôi hột dù trời rét, thỉnh thoảng họ dùng ngón tay vuốt một hai cái trên trán để gạt mồ hôi cho khỏi chảy vào mắt.

Làm lâu quen việc, cứ đến giờ nghỉ trưa tù nhân đã xay xong trên 5 thúng và khoảng xế chiều là họ xay những cối cuối cùng. Họ trông bóng nắng để ước lượng thì giờ đặng xay cho kịp.

Làm việc được chừng hai tiếng đồng hồ sau giấc nghỉ buổi trưa, người nào cũng lộ vẻ mệt mỏi, tay đẩy cần cối không được đều hòa như trước và thường hay nghỉ...vặt. Và họ cảm thấy đói bụng, đói lắm...

Toàn thấy bụng sôi "òm ọp" như có giun quấy phá. Cái cảm giác đói mỗi phút càng thêm rõ rệt, muốn rã rời cả chân tay. Mắt anh có lúc hoa lên, nhìn không rõ. Toàn ao ước có được một miếng cơm cháy bỏ vào miệng nhai thì dễ chịu, khỏe sức biết chừng nào. Anh không dám uống thêm nước vì đã có ít nhiều kinh nghiệm sau mười mấy ngày trong trại giam: Lúc đói mà uống nhiều nước sẽ bị nôn thốc nôn tháo ngay.

Mà nôn thì mệt và mất sức, không thể tiếp tục công việc một cách bình thường!

Cách anh độ mươi thước, một tù nhân già vẫn đều tay xay nhưng coi bộ hết "tủy", lết không muốn nổi nữa. Toàn suýt bật cười vì thấy ông ta không xay lúa bằng hai cánh tay mà dùng sức nặng của cả thân hình để đẩy cần cối. Hiển nhiên, hai cánh tay không còn sức.

Cạnh cối của ông già có ba thúng lúa đầy chưa rờ tới, trong khi Toàn chỉ còn mỗi một thúng. Toàn thấy thương hại ông già quá, định cố gắng xay cho mau hết phần của mình, rồi xay giúp ông một thúng, chắc chắn ông già xay không kịp. Mà xay không kịp đương nhiên bị trừng phạt, nhẹ thì bị giảm phần cơm, nặng thì bị giam vào hầm tối thêm năm, mười roi cháy da, bứt thịt.

Ý nghĩ "giảm phần cơm" khiến Toàn tỉnh hẳn người như đang mê mà chợt tỉnh. Hai cánh tay anh như có thêm sức mạnh bên ngoài phụ lực, thớt cối xiết vào nhau nghe rào rào như tiếng mưa rơi trên mái lá. Chừng như ông già khẳng khiu kia nghe thấy tiếng cối xay khác lạ nên quay lại nhìn Toàn rồi nhìn xuống mấy thúng thóc của mình chưa làm tới. Từ lúc đó, ông già như được thêm ý chí, xay đều tay hơn.

Hai tay đẩy cần cối đều như máy, Toàn liếc nhìn trại bên kia, ngăn cách với trại bên này bằng một hàng rào nứa rừng dựng xeo xéo. Đó là trại giam gần hai trăm tù nhân Pháp, theo như anh em trong trại cho biết. Lúc này, có ba bốn tội nhân Pháp đang xay lúa dưới hiên. Mới đầu, Toàn thấy lạ mắt trước cảnh tượng tù Pháp xay lúa theo lối cổ lỗ của dân quê Việt Nam. Bị bệnh và cái đói kinh niên hành hạ, anh nào cũng khẳng khiu như cây sào. Mặc dầu vậy, Toàn nghe nói họ xay lúa rất khỏe, lần nào cũng xong việc trước giờ cả tiếng đồng hồ.

Trong chế độ trại giam, tù nhân Pháp được hưởng khẩu phần đồng đều: Loại A. Nghĩa là họ được hưởng 4 chén cơm một bữa ăn. Nhưng họ cũng đói như tù Việt. Vốn quen ăn nhiều thịt nên khi họ chỉ được ăn cơm với chút xíu thịt trâu bạc nhạc mỗi bữa, họ luôn luôn đói và thèm ăn bất kể thức gì có thể ăn được.

Khi đói, người ta giống nhau bởi sự thèm muốn, tư cách và hành động. Và khi đói, người ta trở nên gần gũi với loài vật hơn, nghĩa là làm theo bản năng hơn lý trí. Nhận xét này được chứng minh rõ rệt ở trong tù.

Bất cứ người nào cũng sợ đói như nhau. Và vì đói cơm ăn trở thành ngọc thực, một miếng cơm hơn kém có thể gây nên loạn đả, một chén cơm gây ra những án mạng chết người. Một câu chuyện xảy ra trong trại giam tù nhân Pháp vẫn thường được nhắc lại trong trại người Việt.

Một lần kia, sáu tù nhân Pháp được cắt đi vác tre từ bến sông về. Mỗi người có phận sự vác mười cây tre. Cả đi lẫn về, đường dài tổng cộng là hai mươi cây số, mười cây số đi tay không và mười cây số vác cây tre, nặng chừng hơn mười ký lô. Trong sáu tù nhân được giao phó "công tác nặng" này, có một người mới khỏi bệnh nên vác đến cây thứ tám thì kiệt sức, ngã lên ngã xuống bốn lần trên khoảng đường từ bờ sông về trại. Lần cuối cùng ngã xuống, chẳng may anh ta bị cây tre rớt theo đà giáng một cái vào đầu nên bất tỉnh luôn. Không biết ngất bao lâu, đến lúc tỉnh dậy anh trông trước trông sau, cả trưởng toán lẫn người cảnh vệ đi kiểm soát cũng không thấy. Đường rừng vắng vẻ, trời đã về chiều, bóng đêm sắp xuống...Một ý tưởng thoáng trong trí: Trốn! Anh ta vừa lau vết máu trên mặt vừa suy nghĩ rất nhanh. Nhưng khi nhìn lại chiếc áo tù và con số trên ngực với hai chữ "FN" 1, anh ta trở lại sáng suốt, lẳng lặng vác tre lên vai lừng lững về trại. Được mấy bước, nghe có tiếng chân phía sau, ngoái trông lại, anh ta thấy viên cảnh vệ lăm lăm khẩu súng trường có cắm lưỡi lê vẫn theo sau từ bao giờ. Anh ta không ngờ người lính đó đã nhẩy xuống nấp dưới hố liền khi thấy anh ngã, sẵn sàng nổ súng nếu anh rời xa con lộ nhỏ được chỉ định quá mười thước. Về đến trại, vì kiệt sức, anh điều đình với người bạn cùng toán, vác thay cho anh cây tre chót, trả công một chén cơm buổi chiều. Hai bên thỏa thuận.

Bữa cơm chiều, trái với lời hứa vì quá đói, ăn hết ba chén cơm vẫn chưa thấm gì, anh tù đổi giọng, khất đến chiều hôm sau sẽ trả công chén cơm đã hứa. Thế là cuộc xung đột xẩy ra, dữ dội như cuộc xung đột giữa hai kẻ thù không đội trời chung khiến anh ta bị gẫy hai cái răng cửa và té bất tỉnh vì một cú đấm thẳng vào giữa mặt. Kết quả là cả hai bị nhốt trong hầm tối hai ngày và truất nửa khẩu phần, bốn bữa ăn cơm với muối trắng.

Về vụ tranh nhau ăn trong trại giam, có nhiều chuyện tức cười và thương tâm không nói xiết, người tù nào đã trông hay nghe kể lại, sẽ không bao giờ quên được.

Môt lần, một bọn tù Pháp và một bọn tù Việt được cử đi làm công tác chung: Làm cỏ một sườn đồi để canh tác hoa mầu và cấy lúa thêm cho trại giam. Hai bên chia nhau, mỗi bên làm phân nửa diện tích, phải nhặt cỏ, chặt cây. Đến giờ nghỉ, một tù nhân Pháp mừng quýnh, cặp mắt biếc long lanh vì thèm: Trong khi cuốc đất làm cỏ, anh ta bắt được một con cóc lớn từ trong hốc đá nhẩy ra. Sau khi đập chết con cóc, anh ta dùng dao rừng rạch một đường ở sống lưng "cậu ông Trời" lột phăng làn da sù sì phát tởm liệng đi, mổ bụng moi bỏ hết ruột gan, chặt đầu cóc, bức lá vò ra để chùi máu cho sạch rồi lăng xăng xin người lính gác mồi lửa châm vào đống lá khô. Có lửa rồi, anh bỏ mấy cành cây khô đốt lấy than đặng nướng thịt cóc cho chín vàng. Mỡ cóc cháy xèo xèo thơm phức khiến nhiều anh tù rỏ rãi. Nướng một lát, chừng nóng ruột quá, tù nhân vừa may mắn vớ được "món bở" cầm cả con cóc lên táp một miếng, cắn đứt gọn hai cái đùi chín vàng ăn trước. Trong khi nhồm nhoàm nhai, anh ta tiếp tục nướng cóc một tay, còn tay kia moi ở túi quần ra mấy trái ớt, bỏ vào miệng "đưa cay" rất ngon lành. Mấy "khán giả" đứng gần không biết có thèm không nhưng nhún vai rồi cười gượng một cách khó hiểu.

Cũng chiều hôm đó, trước khi ra về, lính cảnh vệ đặc biệt cho phép tù nhân được tắm ở con suối chảy ngang chân đồi. Một tù nhân đang tắm bỗng đứng lặng nhìn chòng chọc vào hòn đá cách anh ta dăm thước. Rồi anh ta vụt chạy lên bờ, lội xuống chỗ vừa quan sát như khám phá ra vật gì đặc biệt.

Cả bọn tò mò nhìn theo. Anh chàng kia lên bờ, giơ cao một vật tròn tròn và đen thui bóng loáng cầm ở tay. Đó là một con ốc nhồi. Cả bọn tù đều "ồ" lên một tiếng vừa ngạc nhiên vừa mừng.

Không cần suy nghĩ, anh tù mũi lõ cầm ngay ngắn con ốc rồi mài xoèn xoẹt trôn ốc trên tảng đá, rất thành thạo. Con ốc bị "bỏng" đít đành thò đầu ra khỏi vỏ. Chỉ đợi có thế, anh tù dùng răng cửa cắn chặt vẩy ốc, nhất định không cho ốc thụt đầu vào trong vỏ, dằng mạnh một cái là cả mình con ốc sút ra ngoài. Anh ta bóp vào bụng ốc để loại bỏ cái chất không tiêu thụ được, rồi ngắm nghía qua loa trước khi bỏ tọt con ốc sống vào miệng trệu trạo nhai thành tiếng sừng sựt. Thịt ốc dai nên mãi mới thấy anh ta vươn cổ ra nuốt, yết hầu chỉ nhấp nhô chuyển động có hai cái là xong. Chừng ăn rồi mới thấy tanh tưởi, anh ta cúi xuống ngậm nước suối súc miệng hai ba lần. Lúc lên đường về trại, không biết nghĩ sao, anh ta còn lấy ớt trong túi ra nhai một nửa trái.

Một lần, một bọn tù nhân Việt đi cầy ruộng. Đêm hôm trước mưa lớn nên ruộng cầy lõm bõm những nước. Người cầy bỗng "họ" trâu đứng lại. "Trâu" đây là năm người tù đeo dây vào bả vai thay trâu kéo cầy. Người cầm cầy báo động cho "trâu" biết trong ruộng có nhiều cá, mưa xuống nên cá ở dưới suối "rạch" lên ruộng. Rồi cả bọn tiếp tục cầy cho đến hết giờ. Không biết làm cách nào mà chỉ trong giờ nghỉ, họ bắt được bẩy con cá rô lớn bằng hai ngón tay, rồi kiếm một sợi cỏ cứng xâu qua hai bên mang thành một xâu cá. Về đến trại, họ cử người "vận động" với nhà bếp nấu cho họ một bát canh cá với trái sấu rừng "ngon tuyệt trần đời ăn quên chết" như họ nói. Bữa cơm, mỗi người húp vài miếng tấm tắc khen ngon: "Thật không kém gì ăn bát yến". Cuối bữa, bẩy con cá rô hoàn toàn không để lại vết tích gì trên mâm.

Bữa tiệc cá rô này thỉnh thoảng vẫn được tù nhân nhắc lại với những lời lẽ nồng nhiệt để làm tăng thêm "khẩu vị" cho bữa cơm thường lệ.

° ° °

Nhớ đến bữa cơm, Toàn đã thấy khẩu phần ít quá, mỗi bữa phải thêm hai chén nữa mới tạm lưng lửng bụng. Không như mấy bữa đầu tiên không nuốt được, Toàn đã ăn với vẻ ngon lành háo hức như mọi người trong trại. Anh thiết tha mong chóng được lên hạng B nghĩa là được ba chén một bữa cho đỡ đói. Nhưng bỗng anh đăm đăm nhìn.

Bốn, năm người cảnh vệ từ ngoài sân bước vào, súng ống hẳn hoi, trong thế sắp xung kích.

Ai nấy lật đật đứng xích lại gần cối của mình, chờ nhân viên ban quản trị kiểm soát trước khi mang gạo vào kho.

Toàn nhận thấy chiều nay, nhân viên ban quản trị nghiêm nghị khác thường. Họ chia nhau tản ra khắp nơi trong trại chứ không đi từng bọn như mọi lần. Toàn đưa mắt nhìn Mạnh có ý hỏi, Mạnh cũng lộ vẻ không hiểu. Còn ông già tóc bạc thì không để ý đến sự khác lạ, miễn sao xong việc đúng giờ là mừng quá rồi.

Nghe tiếng ồn ào ở ngoài sân, Toàn và Mạnh vội nhìn ra: Bọn tù đi gánh than từ hôm trước, hôm nay trở về mặt mũi quần áo người nào cũng lem luốc những bụi than. Sau khi sắp hàng nghiêm chỉnh trình diện giám thị để kiểm điểm lại, tù nhân làm than vào trong sân ngồi nghỉ trước khi ra tắm rửa ngoài ao. Trong khi đó, trưởng toán đi theo giám thị lên văn phòng, như có việc gì quan trọng cần báo cáo gấp. Tiếng xì xào lại bắt đầu. Tuy luật lệ trại giam nghiêm ngặt như thế mà đã có tin vừa xẩy ra một vụ tù trốn trong khi làm củi trong rừng.

Tuy thầm mong cho người tù trốn vượt qua những trở ngại dọc đường, nhưng Toàn chưa dám nghĩ đến việc trốn về vùng quốc gia. Lần này, quan trọng hơn, tên tù trốn lại là một trưởng ngành trong Tổ Sản Xuất-Tiết Kiệm, nghĩa là một tù nhân được ban quản trị tương đối tín nhiệm. Y mới được cất lên chức trưởng ngành củi nhờ sự học tập hăng hái, tiến bộ, nhờ có tư tưởng giác ngộ và nhiều thiện chí muốn chuộc lại "tội đối với nhân dân".

Bữa cơm đó, tù nhân ít chuyện trò, anh nào cũng muốn chóng xong bữa, cho khỏi bị tai bay vạ gió vì những câu lỡ lời hay những chuyện không đâu...

--------------------------------
1 FN: Phạm nhân.


_______________________________

3. Đến sáng hôm sau, tất cả tù nhân Trại Giam Đầm Đùn đều hay là trưởng toán 15 (chứ không phải trưởng ngành như tin đầu tiên) đã trốn trong lúc làm củi ở rừng. Những người đeo số tù từ lâu và có dịp đi làm củi với trưởng toán 15 thẩy đều lấy làm ngạc nhiên, không ngờ anh nọ lại có gan đến thế. Cho hay không thể trông mặt mà bắt hình dong, nhất là trông tướng mạo của người đang ở tù.

Tù nhân cùng toán hoặc là bạn cùng giường cùng trại tương đối thân, mới dám thì thào với nhau về những "giai thoại" hay những thành tích của người vừa trốn. Trong trại, người ta gọi tù bằng số và nhắc đến "thành tích" của mỗi người. Đại khái: Thằng cha ăn cóc, ăn vỏ chuối v.v...Tuy vậy, không phải bất cứ lúc nào cũng cứ thì thầm bàn tán mà chết uổng mạng. Chỉ khi nhìn trước nhìn sau không thấy giám thị, không thấy cảnh vệ, không thấy cả những tù nhân khác trại mới dám nói vài lời...Nhưng những người khôn ngoan, có kinh nghiệm, có thủ đoạn và có óc tự chủ, luôn luôn lạnh lùng nín như thóc, việc của ai người ấy làm, không liên hệ và không biết gì đến việc tù trốn, coi như việc ấy xẩy ra ở đâu đâu chứ không phải trong trại giam này.

Nhưng vì lý do gì trưởng toán 15 đang đi làm củi trong rừng chỉ huy mấy chục tù nhân, lại bỏ trốn? Trong toán đi làm củi có tay chân, có đồng chí của anh ta, phụ giúp một cách gián tiếp hay trực tiếp không? Dù sao, phải quá một tuần lễ mà không bị bắt trở lại, tù nhân mới có phần nào hy vọng thoát. Lệ thường, chỉ hai, ba ngày tù nhân trốn trại quay đầu về trại giam vì lý do này hay vì lý do khác.

Vượt Trại Đầm Đùn, người tù đã đem tính mệnh ra đánh một tiếng bạc, thua tiếng bạc đó, coi như kết liễu luôn đời mình. Mà thua tiếng bạc là cái chắc vì cái may chỉ bằng một phần mười cái rủi: Chín cửa tử, một cửa sinh! Họ đặt vấn đề như vậy khi tính toán vượt ngục.

Tin tù mới trốn trong khi đi làm củi ở rừng đã lan đến trại giam tù nhân Pháp. Mấy anh tù mắt biếc mũi lõ nhìn sang phía trại Việt mà mỉm cười để tỏ sự thích thú cảm phục và đồng lõa trên phương diện nguyên tắc. Vì từ khi có Trại Giam Đầm Đùn đến giờ, chưa có tù nhân Pháp nào dám vượt ngục.

Hôm nay, Toàn được may mắn làm việc trong trại. Buổi sáng tưới cây, gánh nước đổ vào ruộng rau muống, buổi chiều xếp dọn cho gọn ghẽ vựa củi. Nghĩa là công việc tương đối nhẹ so với việc đi cày, đi cuốc đất, vào rừng làm củi hay vất vả hơn nữa, vào rừng làm than. Tuyên, Mạnh và ông già tóc bạc xay lúa chiều hôm qua không được may mắn như Toàn, đã đi làm củi rồi.

Công việc làm củi rất nặng nề, nhất là đối với những người bệnh hoạn, yếu đuối già cả như ông già tóc bạc nọ. Vậy mà sau bữa cơm sáng của tù nhân, nhân viên ban quản trị xuống trại, tập trung tù nhân lại thành hàng, rồi hỏi:
- Tổ Sản Xuất Tiết Kiệm cần thêm 10 người làm củi ngày hôm nay. Trại viên nào "xin" xung phong?

Tiếng nhao nhao nổi lên rồi những cánh tay giơ cao. Nhân viên ban quản trị liếc nhìn tổng quát một lượt, đứng né sang một bên, cánh tay chỉ lên trời hơi nghiêng về phía trước. Chừng chín, mười người nhanh nhẹn tách khỏi hàng ngũ, xắp thành một tốp trước mặt viên giám thị. Kiểm điểm lại có Tuyên, Mạnh và ông già ốm yếu tóc bạc cùng mấy tù nhân khác. Trong trại giam chỉ thiếu người, thiếu thiện chí chứ không thiếu công việc.

Một bọn hơn bốn chục người do trưởng ngành củi dẫn ra cổng để vào rừng. Mỗi người có một con dao rừng và 2 người chung nhau một chiếc rìu, loại rìu đốn cây trên rừng do ban thợ rèn của trại giam chế tạo. Tù sẽ phải đổ mồ hôi trong rừng, đến xế chiều mới trở về trại với cái kết quả cụ thể họ sẽ gánh trên vai. Củi này mang về trại, xếp thứ tự vào một khu, một phần dùng vào việc đun nấu cho trại giam. Còn phần khác, Tổ Sản Xuất Tiết Kiệm sẽ trao cho các hợp tác xã, cho mậu dịch, để bán lại cho dân chúng tiêu thụ hay chuyển nhượng cho các cơ quan quân sự và dân sự.

Công việc đẵn củi sẽ làm từ sáng cho tới chiều được nghỉ giải lao khoảng 2 tiếng đồng hồ vào buổi trưa. Giờ nghỉ, tù nhân có thể ngủ, tắm rửa ở suối, hoặc kiếm những trái cây ăn được như xim, ổi, chuối, muỗm...ăn lén cho đỡ đói. Hoặc nếu có hoàn cảnh, họ sẽ tìm bắt thú rừng làm thịt để đánh chén, chuột rừng, sóc, rắn...Nhưng phải coi chừng giám thị.

Như thế, ta thấy tù nhân lao tác ngoài trại được tự do hơn. Vừa làm vừa nghỉ tùy ý, miễn là lúc kiểm điểm công tác trước khi về trại, tù nhân đã làm đầy đủ bổn phận theo tiêu chuẩn ban quản trị ấn định là được rồi. Những người làm củi phải gánh một số lượng củi tối thiểu là 50 ký lô trên khoảng đường dài 12 cây số. Ngoài ra, còn phải làm sẵn một gánh củi lưu lại trong rừng.

Vào đến rừng, tù nhân quây quần đốn cây trong một khu dưới sự trông coi của một giám thị, hay cảnh vệ võ trang súng trường có cắm lưỡi lê. Có hai lý do buộc tù nhân làm việc gần nhau: Để tiện việc kiểm soát cho giám thị và đề phòng hổ, báo, trăn...là những thú rừng có thể xuất hiện bất chợt bắt người ăn thịt mà không kể con mồi gầy ốm hay béo tốt.

Từ trại đến khu rừng làm củi, đi mất hai tiếng rưỡi. Nên khi tù bắt tay vào làm việc, mặt trời đã lên cao, phải làm gấp mới kịp. Tù nhân có thể riêng rẽ lựa cây, đốn ngã rồi chặt ra từng khúc dài một thước, chẻ nhỏ ra rồi cột làm hai bó bằng song rừng hay dây nâu, đường kính mỗi bó tối thiểu là bốn mươi phân. Muốn tiện việc hơn, họ thường lựa những cành cây bằng cổ tay, chặt dài một thước. Rồi họ kiếm một cành cây vừa vặn làm đòn gánh, vạt nhọn hai đầu đòn, xiên ngập vào hai bó củi gánh về. Còn gánh củi làm sẵn sẽ có người tới gánh sau.

Nhưng tù nhân lại cũng có thể liên hiệp với nhau, hai ba người hoặc bốn năm người một bọn, để chung sức hạ một cây lớn có khi tay ôm, rồi chia ra từng phần, mỗi người làm phần của mình miễn sao cho đủ số lượng 2 gánh bắt buộc là được.

Một trong những tốp đẵn củi hôm nay gồm bốn người, ba người mà bạn đọc đã nghe nói đến là Mạnh, Tuyên, ông già tóc bạc ốm yếu và người thứ tư tên Thanh, tuổi gần bốn mươi, tương đối vạm vỡ và có vẻ giang hồ từng trải nhất. Tuy không thân với Thanh nhưng cả ba người kia đều có cảm tình, vì Thanh tính tình vui vẻ, chuyện trò cởi mở tuy cười nói có chừng mực, ít khi to tiếng với anh em. Thanh vào Trại Đầm Đùn đã hơn năm nay -theo như anh kể với anh em nhân một bữa đi rừng- khi còn ở "ngoài đời" làm thơ máy xe lửa. Trong bốn người cùng bọn, anh là người sức lực và nhanh nhẹn nhất, hơn Mạnh và Tuyên nhiều. Cái đó cũng dễ hiểu khi ta biết Mạnh là con một tiểu điền chủ nghĩa là thuộc giai cấp tiểu tư sản thôn quê, quanh năm ăn chơi "chỉ tay năm ngón" sai người làm, chứ trên thực tế không trực tiếp bắt tay làm công việc cày sâu cuốc bẫm bao giờ. Còn Tuyên vốn là một công tử phong lưu trước kia, nhờ có tiền bạc mà chẳng khi nào cần đến sức mạnh của bắp thịt.

Cả bốn người lựa cây rồi đồng ý hạ một cây soan mọc lẻ loi gần chân núi, cách xa chỗ làm của mọi người đến trăm thước. Nhưng, giữa hai nơi làm việc, cây cối khá quang đãng, sự canh phòng và kiểm soát của người cảnh vệ không bị cản trở.

Mạnh bàn với mấy người cùng tốp "hạ" cây soan bằng một giọng thành thực:
- Chúng ta làm riêng tại một chỗ như thế này, càng tự nhiên và dễ nói chuyện "bù khú" với nhau hơn.

Thanh nhìn Mạnh thoáng vẻ nghi ngờ, suy nghĩ giây lát rồi nói một cách tự nhiên:
- Phải rồi! Làm riêng ở một chỗ thì tự do hơn, không bị nhòm ngó, miễn sao ta xong công việc trước giờ làm là được.

Rồi anh cười như dò xét ý tứ của Tuyên và Mạnh:
- Nhưng chúng ta có điều gì bí mật đâu?

Thật ra, Thanh là một trong số tù nhân bị ban quản trị trại theo dõi nhiều nhất. Cơm ăn trong tù thiếu thốn, việc làm khổ cực như thế mà Thanh vẫn cứ mạnh khỏe như thường. Và không mấy khi tỏ vẻ rầu rĩ nhớ nhà, nhớ vợ con nhất là nhớ cuộc đời tự do bên ngoài. Thanh là phần tử "bất cần" hay y đang "có nhiệm vụ" gì trong trại giam nên không rầu rĩ?

Mạnh cười xòa nhắc lại một câu thường nói trong các buổi học tập như con vẹt:
- Chúng ta đã vào đây còn có điều gì là "bí mật" nữa? Chỉ mong sớm giác ngộ, tiến bộ, tẩy não cho sạch những tư tưởng lạc hậu phản cách mạng, để sớm được nhân dân tha thứ...

Ông già tóc bạc nghe đến đây chừng nóng ruột, ngước nhìn lên trời cao mà thở dài:
- Thôi, anh em chúng ta bắt tay vào việc đi kẻo nắng sắp đứng bóng rồi.

Mọi người như chợt nhận ra, lăng xăng bắt tay vào việc.

Cây soan khá lớn, đường kính dưới gốc tới bốn mươi phân. Để bắt đầu, Tuyên và mạnh leo lên trên cao, chặt bớt những cành lớn, những chạc ba trong khi Thanh chặt ướm vào gốc cây.

Ngồi trên cành cao, Mạnh chặt ít nhát dao rồi nhân lúc nghỉ tay, lơ đãng nhìn bốn phía. Càng sâu vào trong núi, rừng càng rậm rạp, vắng lặng không một bóng người. Phía dưới thung lũng, con đường mòn ngoằn ngoèo khi ẩn khi hiện sau những tảng đá, bụi cây, dẫn đến những nhà sàn lênh khênh đứng rải rác của dân sơn cước. Vài con trâu đang gặm cỏ ở thung lũng.

Trong làn không khí u tịch như vậy, chỉ nghe những tiếng rìu, tiếng dao chặt cây chan chát, lúc khoan, lúc mau. Thỉnh thoảng những tiếng "quát" báo hiệu đề phòng rồi tiếng cành cây gẫy răng rắc, rớt trên mặt đất rào rào. Tiếp sau là những tiếng hò reo mừng rỡ, tiếng gọi nhau oang oang đội vào tận vách núi.

Tiếng rìu chặt "bốp...chát" không ngừng nghỉ. Ai nấy đều hối hả làm việc. Chặt hết cành, Tuyên và Mạnh tuột xuống đất tiếp tay Thanh đốn gốc để hạ nằm cây soan xuống. Ông già tóc bạc ra suối mài lưỡi rìu xong đưa cho Thanh.

Thanh vuốt mồ hôi đầm đìa trên mặt, chậm rãi bảo ông già:
- Ông ra suối mài lưỡi dao này, lát nữa tôi nghỉ ông sẽ tiếp tay chặt gốc cho mau đứt.

Ông già tóc bạc xách dao ra bờ suối, kiếm một tảng đá nhấp nhô trên mặt nước ngồi xuống, lừng lững mài...Thỉnh thoảng ông cầm lưỡi dao lên, lấy đầu ngón tay đưa ngang qua lưỡi để thử...đầu óc ông lưởng vưởng những chuyện đau buồn xẩy ra cho ông hồi gần đây.

Máu chẩy rươm rướm theo nếp nhăn ở cổ chân từ lúc nào mà ông không biết. Mấy ngày trước, còn phải đeo xiềng ở cả hai chân, cạnh khoen sắt cọ vào làm xây xát da rồi lở loét vì không có điều kiện giữ gìn sạch sẽ, nay gặp lúc trời vào tiết mạnh Đông, gió hanh thổi, da dẻ khô nẻ nên bật máu tươi, xót quá sức. Ông già vừa đau cổ chân vừa bực mình, lại cám cảnh cho thân phận, tiện tay tạt nước ở suối lên cho trôi những vệt máu, chẳng cần biết nước suối độc có thể gây tai hại ghê gớm cho vết thương.

Rồi ông tập tễnh xách dao mới mài đưa cho Thanh đổi lấy chiếc rìu, tiếp tay đốn gốc cây như điên như khùng. Bao nhiêu nỗi tức giận buồn phiền trong lòng ông bỗng nhiên phát ra và biến thành những nhát rìu chặt chan chát vào gốc cây, những mảnh gỗ vụn văng tứ phía. Chẳng mấy lúc, ông già đã chặt đứt được thêm quá nửa gang tay. Chừng như ông đã thấm mệt nên rìu "phạt" vào gốc cây không còn được chắc tay nữa.

Nhưng ông già vừa thở hổn hển vừa vung rìu chặt lấy chặt để, hình như ông muốn hoạt động mê man cho đầu óc khỏi có thì giờ nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác.

Thanh, Tuyên và Mạnh đều nhận thấy có điểm bất thường trong cử chỉ và hành động của ông già, tò mò đưa mắt nhìn nhau. Thấy tay rìu của ông già lật bật không còn vững vàng, sợ rìu sút khỏi tay có thể gây tai nạn cho người làm bên cạnh, cả Thanh lẫn Mạnh đều ngỏ lời can ngăn:
- Thôi, ông già hãy nghỉ một lát, chúng tôi tiếp tay cho...

Ông già tóc bạc như bừng tỉnh, nhìn hai người như tỏ vẻ cảm ơn một cách buồn bã. Rồi ông lững thững đến ngồi dựa lưng vào một gốc cây gần đó mà hổn hển, hai đầu xương bả vai nhô lên thụt xuống theo nhịp thở...

Ông già vừa mệt mỏi chán nản, vừa lo cho những ngày sắp tới. Chế độ giam cầm trong trại giam cộng sản cay nghiệt như vậy, chắc chắn ông không còn sống được bao lâu nữa. Ông biết làm củi ở rừng là công việc nặng nhọc nhưng làm việc khác trong trại cũng chẳng nhẹ hơn gì. Mà không chịu làm việc hăng hái như mọi người, hoặc lẩn tránh công việc, tù nhân sẽ bị trừng phạt, xiềng cả hai chân, nằm trên giường và "được" giám thị mắng, chửi một cách mát mẻ, trước khi bắt thọ hình phạt thật nhẹ mà giết người một cách chắc chắn.
- Anh không chịu làm việc hả? Anh muốn "làm vua" phải không? Vậy thì cho anh được làm vua, không phải mó tay vào việc gì ngoài việc ăn và ngồi chơi.

Đúng, viên giám thị nói đúng. Tù nhân không chịu xung phong hay cố gắng thi đua một tháng tối thiểu mười lần sẽ được ngồi chơi hoàn toàn nhưng bị xiềng và cùm luôn, mỗi bữa được lưng chén cơm ăn với muối, không được uống nước cho tới khi gần chết khát! Như thế chẳng bao lâu anh tù làm biếng bị phù lên mà chết. Ngược lại, có người không chịu làm việc, bị phạt cuốc hai sào đất ngoài nắng suốt 12 tiếng đồng hồ một ngày, một người cầm roi song rừng đứng canh chừng bên cạnh, cứ thấy anh tù ngơi cuốc là vụt túi bụi không tiếc tay. Phải công nhận cách chữa bệnh lười của Trại Đầm Đùn thật là hiệu nghiệm. Người lỳ lợm đến đâu cũng khỏi bệnh trừ phi nhất định tìm cái chết để giải thoát mọi sự.

Ông già tóc bạc không muốn làm "vua" nên khi Tổ Sản Xuất Tiết Kiệm cần người làm củi, ông xung phong liền. Nhưng ông còn mục đích thực hiện một ý định tối hậu.

Trong khi một người chặt cành, hai người chặt gốc. Chẳng mấy chốc, chỉ còn một thân cây đứng thẳng trụi hết cành lá. Ông già đã bớt mệt, chạy lại tiếp tay. Thanh lẳng lặng leo lên ngồi trên một hòn đá cao, phanh ngực áo cho bớt nực. Mạnh đang chặt gốc bỗng chống rìu xuống đất, xòe hai bàn tay ửng đỏ, nhổ nước miếng vào lòng bàn tay, xoa xoa hai tay vào nhau rồi cầm rìu tiếp tục chặt chan chát. Hai bàn tay của Mạnh đã rát như phải bỏng.

Tuyên sắp sửa vào đốn tiếp gốc cây, bỗng có người la lớn:
- Coi chừng! Cây đổ! Cây đổ!

Tuyên vừa chạy ra ngoài tầm thì cây đổ rầm. Mấy cái miệng cùng reo mừng, nhưng không ai để ý đến sự vắng mặt của Thanh.

Bây giờ là lúc chia thân cây thành từng khúc rồi chẻ ra từng thanh nhỏ bằng cánh tay.

Đến lúc nghỉ giải lao, mỗi người chẻ được chừng một bó. Người nào thường làm củi và có sức lực làm được một bó rưỡi. Tới giờ phút này, ai nấy đều mệt mỏi rã rời và đói. Nhất là khát.

Người mang theo ống nứa đựng nước thì có sẵn nước để giải khát, có người xin phép lính đến nhà thổ dân gần đấy kiếm miếng nước. Người lười và liều chép miệng ra suối kiếm quãng nước sâu, bụm tay lại vốc lên mà uống đỡ trước khi rửa mặt mũi tay chân hay tắm rửa.

Mọi người đói bụng như cào, nhưng không ai dám lên tiếng phàn nàn. Đành là kiếm chỗ, rải lá cây ra nằm nghỉ lưng chốc lát. Nếu có thể, chợp mắt đi một lúc để...thay ăn. Trong nhiều trường hợp, ngủ cũng bồi bổ sức lực như ăn vậy!

Thanh đã trở về nhập bọn từ nay sau khi vắng mặt một lát. Không ai hỏi nhưng anh ta cũng nói cho biết anh ta kiếm chỗ tống những chất thừa trong bụng ra ngoài.

Nhiều người nằm ngổn ngang ngay bên thân cây bị đốn, úp nón hoặc lá cây lên mặt cho khỏi chói mắt. Họ cố chợp mắt một lát, lấy lại sức khỏe.

Mạnh gối đầu lên một cành cây nhẵn nhụi cố chợp mắt mà không được. Vì đói...Anh khẽ nhấc cao mép nón nhìn trộm Tuyên nằm bên cạnh. Tuyên đang ngủ, hơi thở đều đều. Mạnh nhổm người lên nhìn về phía người lính cảnh vệ ngồi trên một tảng đá, tay nắm cây súng dựng đứng trước mặt, vẻ mệt mỏi đờ đẫn như người đang ngủ gật. Một người ăn bận lành lặn ngồi gần đấy, dựa lưng vào vách đá. Đó là trưởng ngành củi trong Tổ Sản Xuất và Tiết Kiệm của Trại Đầm Đùn.

Mạnh nhẹ nhàng đứng lên, dáng điệu rất tự nhiên, nhưng cố ý bước thật lẹ cho khỏi gây tiếng động, len lén vòng ra sau bụi cây gần đó rồi ngồi xổm xuống...

Qua khe lá, anh nhìn kỹ một lượt nữa. Không có gì đáng ngại. Mạnh cúi rạp xuống chạy thật mau về phia trước rồi quẹo tay trái. Nơi này có con suối róc rách chảy. Nhưng mục tiêu anh định tới không phải là con suối mà là một ruộng mía tươi tốt. Hồi sáng, khi leo lên cây soan chặt cành, anh đã thấy những cây mía màu nâu tím giữa đám lá xanh. Thế là nước miếng cứ nhểu ra vì anh thèm chất ngọt quá. Được ăn một tấm mía thì "đã" biết chừng nào! Anh bèn nẩy ra một ý định. Tuy biết là nguy hiểm nhưng bị sự thèm khát thúc đẩy, anh nhất định liều.

Luật lệ trại giam thật nghiêm khắc nhất là đối với những vụ ăn trộm, ăn cắp trong và ngoài trại. Người phạm tội bị cùm liền. Xâm phạm tài sản của người khác là phạm quan điểm của nhân dân. Nhưng trường hợp nhân viên ban quản trị trại giam xâm phạm tiền bạc, vật dụng của người bị bắt giam lại là chuyện khác, có lẽ vì dưới nhãn quan của ban quản trị, người tù không còn tư cách pháp nhân của con người nữa?

Mạnh ngồi thụp xuống bên một khóm mía, nhìn khắp chung quanh thật kỹ một lần nữa, ánh mắt loang loáng thèm muốn và hung tợn tột độ, bất cứ người nào trông thấy cũng phải rùng mình khiếp hãi. Bàn tay anh vươn ra nắm ngang thân cây mía bẻ gập xuống thật mạnh. Một tiếng "rắc", thân cây mía gẫy rời đến gốc. Mạnh bẻ luôn một khúc bằng cánh tay, phần còn lại anh cắm xuống đất. Cây mía mới "trồng" tuy có ngắn đi nhưng không mất vẻ tự nhiên, dễ gì ai nhận ra ngay. Mạnh chạy vào quá trong vách đá xa ruộng mía, nấp sau một bụi cây rậm rạp rồi lật đật đưa tấm mía vào miệng tước vỏ rất nhanh, vừa tước vừa vun vỏ lại thành đống dưới đất, dùng bàn chân ngoáy đất thành một lỗ khá sâu, gạt vỏ mía xuống, hất đất lấp kín rồi dẫm chân lên trên xóa hết dấu vết vỏ mía, nghĩa là xóa hết dấu vết tội lỗi.

Những khẩu mía đầu tiên, Mạnh vừa nhai rập vừa nuốt nước quá vội, suýt hóc mấy lần. Nước mía ngọt thật là ngọt! Mạnh tỉnh người như vừa chích một thứ thuốc thần hiệu. Nuốt không kịp, nước mía ngọt sánh chẩy lòng thòng xuống cằm. Mạnh đưa tay gạt ngang vụng về như một đứa trẻ. Thoáng trong mấy phút, Mạnh đã nhai hết đẵn mía. Lần thứ hai, anh cẩn thận vun bã lấy tay đào lỗ, vun đất đắp kín. Dấu vết ăn trộm hủy hết. Mạnh trở lại làm người lương thiện. Anh thở dài nhè nhẹ, nghĩ thầm: Thoát!

Thản nhiên như không, anh thong thả bước ra khỏi ruộng. Bỗng Mạnh giật mình, thiếu chút nữa la lên một tiếng kinh hãi. Vì trước mặt anh, một người đứng sừng sững từ lúc nào. Vừa rồi trong khi ăn trộm mía, Mạnh vẫn lắng tai nghe động tĩnh, giương hai mắt trông mà không nhận ra có người đang rình mình.

Nhưng cũng còn may vì người ấy là...Tuyên!

Tuyên đứng sau tảng đá lớn nhìn anh mà cười gượng. Nụ cười của Tuyên thật khó hiểu. Tuyên muốn gì đây? Chẳng có lẽ Tuyên lại định hại mình, đi báo cáo với trưởng ngành hay người lính có súng? Nếu sắp bị tố cáo, Mạnh chỉ còn một cách. Thớ thịt trên mặt Mạnh thốt nhiên đanh lại như bằng thép. Mạnh không khỏe gì nhưng đủ sức...hủy diệt một người vào cỡ Tuyên. Tuyên vẫn giữ nụ cười gượng trên môi, rất buồn, sau chừng sợ Mạnh hiểu lầm, Tuyên chậm rãi nói:
- Tôi định rủ anh thì anh đã ra đây trước rồi. Vậy bây giờ anh coi dùm tôi. Tôi thèm chất ngọt quá nên cũng đành liều...

Nét mặt Mạnh dịu hẳn xuống. Như bạn thân chiều nhau, đứng vào giữa hai khe đá, trông chừng phía trước trong khi Tuyên thoăn thoắt len lỏi vào tận giữa ruộng, nhổ một cây mía đến gốc như Mạnh làm hồi nãy, rồi đưa lên đầu gối bẻ một khúc, cắm cây mía còn lại xuống đất, chúi vào sau một bụi rậm mà tước và nhai rau ráu như heo rừng. Tuyên mới nhai được mươi khẩu, Mạnh đã sốt ruột, quay lại giục:
- Mau lên, kẻo đi lâu quá rồi!

Tuyên cố nhá thêm một khẩu nữa rồi đành cắm khúc mía đang ăn xuống đất cho ngập hẳn, lấp đất kín, chùi kỹ mồm mép hai ba lần, thong thả bước sau Mạnh trở về, trong lòng hãy còn tiếc rẻ và hồi hộp.

Những người tù vẫn nằm la liệt như lúc nãy. Mạnh yên trí liếc mắt nhìn Tuyên thoáng mỉm cười. Lúc nằm xuống bên cạnh ông già tóc bạc, nghe có tiếng hỏi, phào phào như người ốm nặng sắp chết:
- Chú đi đâu về đấy?

Mạnh giật mình. Thì ra ông già tóc bạc vẫn thức nhưng nằm yên nên Mạnh tưởng ông ta ngủ. Anh chưa biết trả lời thế nào cho tiện, ông già đã quay sang hỏi:
- Đói quá! Trong rừng có kiếm được hoa quả gì ăn cho đỡ đói không?
- Không biết! Nhưng chắc là không có.

- Có ruộng khoai, ruộng sắn nào không?
- Không biết. Nhưng cũng không dám lấy trộm! Nguy hiểm lắm.

Ông già tóc bạc "hừ" một tiếng, buột ra một câu chửi thề rồi nói:
- Như thế này, trước hay sau gì cũng chết...Chi bằng...

Mạnh đoán không ra, ông già lại tiếp:
- Tôi đã nghĩ mãi rồi chú ạ! Không trước thì sau, cũng một lần. Vả lại tôi đã hơn sáu mươi, chả thiết sống nữa...

Mạnh nhìn ông già, thấy hai dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt xương xẩu gầy nhom. Mới từ sáng đến giờ, coi ông già gầy tọp hẳn đi, suy nhược rõ rệt. Mạnh lấy làm lạ lùng vì sự biến đổi đó, nhưng sau cho rằng vì ông nằm nên anh trông ra như vậy. Ông già gằn giọng nói một hơi dài:
- Tôi có một việc muốn nhờ chú Tuyên. Tôi già rồi mà lại yếu quá, không biết chết lúc nào! Nhưng chắc chắn chẳng còn bao lâu nữa. Tôi có hai đứa con trai tên là Trại và Đông, Lê văn Trại và Lê văn Đông, người làng Văn Lâm, Tỉnh H.N. Nếu có ngày nào chú trở về gia đình, xin chú cho các cháu Trại và Đông biết tôi chết oan ức như thế nào. Chúng còn sống ngày nào là phải trả thù bằng được những quân tàn ác giết người không gớm tay đã giết cha chúng, một người vô tội đối với luật pháp.

Rồi ông già kể tóm tắt lại những sự việc xẩy ra đã đưa ông đến Trại Đầm Đùn. Nguyên ông là một nông dân có ít nhiều điền sản ở làng Văn Lâm. Trước khi phong trào đấu tố và cách mạng cải cách ruộng đất của việt cộng được phát động, ông đã hiến điền cho nhà nước cộng sản. Vậy mà ủy ban nhân dân xã vẫn không tha, vẫn tìm cách hại ông cho "tuyệt cái giống điền chủ", ông tức quá không dằn lòng được nữa, nhiếc mắng om xòm nên bị cán bộ bắt đem giam tại Trại Đầm Đùn.

Hai con trai ông đã lớn, đang đêm trốn thoát, một đứa đăng vào quân đội viễn chinh Pháp, một đứa đi lính quốc gia vì không có cách nào hơn, đặng chờ dịp trả thù cho cha.

Ông già kể xong gạt nước mắt, ngồi nhỏm lên. Mặt ông bừng bừng như người uống rượu, những đường gân xanh nổi chằng chịt trên trán, trên cổ. Trong tay, ông cầm một bó dây nâu cuộn tròn. Trong rừng, dây nâu rất dễ kiếm, chỗ nào cũng có. Tù dùng dây này để buộc củi hoặc kéo cây cho đổ khi đã đẵn gần đứt gốc.

Vừa lúc đó, người lính cảnh vệ bỗng đứng lên thổi một tiếng còi dài. Những tù nhân còn nằm nhỏm phắt dậy như có lò xo ở chân. Tiếng gọi nhau, tiếng nói, tiếng rìu chan chát lại nổi lên, phá tan cái yên lặng của khoảng rừng ở chân núi.

Mọi người hăng hái tiếp tục làm mau tay để về trại cho kịp giờ.

Một lúc lâu, công việc đã gần xong, vẫn không thấy ông già tóc bạc đâu, Mạnh bàn với Tuyên:
- Tôi ngờ ông già có thể "làm liều" vì không chịu đựng nổi.

"Làm liều" như Mạnh nói có nghĩa là thắt cổ tự vẫn. Đối với ban quản trị trại, những trường hợp tự tử trên không có gì quan trọng. Người lính có phận sự đi canh tù vào rừng làm củi, khi có người tự tử, lại tận nơi chứng kiến rồi làm báo cáo lên ban quản trị, ban quản trị làm xong thủ tục, xóa đi một con số, một khẩu phần ăn, tư giấy xuống nhà bếp giảm đi một xuất gạo, một xuất thức ăn. Thế là xong.

Tuyên ngừng tay rìu, lặng thinh suy nghĩ. Ông già giải quyết những ngày tàn của ông như vậy là phải. Nếu có khi cần phải can đảm để sống thì nhiều khi cần rất nhiều can đảm để chết. Chết còn có ý nghĩa giải thoát chứ sống trong Trại Đầm Đùn thì khó lòng hy vọng có ngày trở về với cuộc đời bình thường, nhất là đối với tù nhân già cả. Chỉ một chứng bệnh bất ngờ, một hai lần đại tiện, tiểu tiện ra máu, một hai cơn sốt rét mê man là "đi đứt luôn".

Chờ đến xế chiều, Mạnh, Thanh và Tuyên đều đã buộc xong mỗi người hai bó củi mà vẫn không thấy ông già tóc bạc, bàn nhau phải báo cáo cho người lính hay. Lập tức, người lính xách súng đi kiếm.

Vòng ra xa một quãng, họ thấy xác ông già treo tòn ten ở đầu sợi dây nâu, lưỡi lè dài, mặt sưng phù tím như quả bồ quân. Theo lệnh của cảnh vệ, một người tù leo lên tháo sợi dây.

Xác ông già rớt đánh "bịch" xuống đất, đổ chổng kềnh. Thanh vội tháo thòng lọng ở cổ xác chết. Sau khi khám nghiệm qua loa cho phải phép, người lính viết mươi chữ làm tờ báo cáo lên ban quản trị có trưởng ngành củi và hai tù nhân ký tên với tư cách nhân chứng.

Mấy người tù xuýt xoa tiếc rẻ khi thấy bộ quần áo của người chết hãy còn lành lặn, sạch sẽ, chưa có miếng vá nào. Nếu không có đông người chứng kiến, chưa chắc ông già khỏi bị lột trần truồng trước khi bị vùi xuống đất. Đành là phải chôn cả quần áo! Mấy người tù rách rưới không ngớt chép miệng tiếc bộ quần áo tốt quá. Tuyệt nhiên không ai tiếc ông già.

Người lính cảnh vệ vào trong nhà dân địa phương mượn cuốc xẻng cho tù đào lỗ.

Mấy người tù đào huyệt sơ sài bỏ xác ông già tóc bạc xuống, lấp đất rồi nói nửa đùa nửa thật, nhưng chưa nói hết câu miệng đã méo xệch:
- Thôi ông già nằm nghỉ ở đây cho khỏe! Và phù hộ cho anh em chúng tôi mạnh chân khỏe tay để làm trả nợ nhân dân!

Không biết là lời nói đùa hay nói thật, nhưng ai nghe cũng thấy thấm thía thương thân mình muốn khóc. Mạnh, Thanh, Tuyên mỗi người nhặt một hòn đất liệng xuống hố.

Đoàn tù lên đường về trại, mỗi người một gánh củi trên vai. Đường về còn dài nhưng chẳng ai muốn nói chuyện. Gánh năm mươi ký củi trên đường núi, lên dốc xuống đèo, đất đỏ trơn như mỡ dưới mưa phùn, thật là khó nhọc. Có người gánh đi băng băng, có người vừa gánh vừa lẩy bẩy xiêu vẹo chỉ chực té.

Nhưng rồi họ cũng về tới trại đủ hết. Chỉ thiếu ông già tóc bạc nằm lại cô độc trong rừng sau khi tìm được cách trút bỏ mọi nỗi đoạn trường.

Chuyện còn được nhắc lại một hai lần trong bữa cơm của tù nhân. Sau đấy, hình ảnh một ông già tóc bạc, gầy yếu xiêu vẹo mới dần dần mất hẳn trong đầu óc mọi người.

(còn tiếp)