Sống Và Chết Ở Sài Gòn – Hoàng Hải Thủy (22)


Từ Trại Lao Động Cải Tạo Z 30 A, Xuân Lộc, Đồng Nai, tôi trở về mái nhà xưa trong Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ, vào một ngày sau Tết Nguyên Đán năm 1990. Vào năm này – 15 năm sau ngày nón cối, giép râu, cờ đỏ, búa liềm vào Sài Gòn – đời sống của người dân Thành Hồ đã đỡ phần cay cực, đói rách, khổ sở nhiều so với tháng Năm 1984 khi xe bông Sở Công An Thành Hồ đến nhà rước tôi đi lần thứ hai. Chủ nghĩa Mác-Lênin bị ngay chính nhân dân các nước Nga, Đông Âu, Đông Đức quăng vào thùng rác, Đảng Cộng Sản Liên Xô tan rã, nhân dân tất cả các nước bị cộng sản áp đặt quyền thống trị ở Đông Âu vùng lên đập phá gông cùm cộng sản, dành lại quyền tự do dân chủ, bức tường ô nhục Bá Linh bị nhân dân Đức đập phá tan nát. Từ năm 1986, 1987, dù không muốn, Chủ Tịch Đảng CSVN Nguyễn Văn Linh cũng phải theo đuôi Nga Sô chơi trò “đổi mới”, mở cho nhân dân làm ăn cá thể, tức riêng lẻ, có quyền tư hữu, và tuyên bố: “…cởi trói cho văn nghệ…”
Tôi về và được ngay vài anh em trong ngành xuất bản tiểu thuyết tìm đến. Những anh em này không phải là cán bộ văn nghệ của Đảng, họ là những lái sách, những phó thường dân sinh sống bằng nghề xuất bản tiểu thuyết. Mỗi cái gọi là Ty Văn hóa Tỉnh được quyền xuất bản một số sách đủ loại trong một năm. Trước đây số sách này toàn là sách tuyên truyền, sách ca tụng Đảng, in ra bằng tiền của tỉnh do cái gọi là Trung Ương, tức nhà nước cộng sản cấp, in ra không cần bán, cán bộ văn hóa ăn lương tháng. Sau 1986, cái gọi là Trung Ương hết tiền không bao cấp nữa, các tỉnh phải tự túc kiếm tiền để sống và để nộp cho Trung Ương. Điều này giải thích tại sao có nhiều cơ sở văn hóa, tỉnh, quận, chiếu phim video Chăn Nuôi Con Heo Nọc và Gái Tư Bổn Nhà Nghèo Thiếu Quần Áo cho dân coi để lấy tiền.
Cán bộ văn hóa dốt mịt, bắt buộc phải nhường việc tìm tiểu thuyết ăn khách, in và bán kiếm lời cho những lái sách, cán bộ kiểm duyệt ký giấy phép xuất bản và ăn tiền đầu trên mỗi quyển sách gọi là tiền “xuất bản phí”. Anh em lái sách đi tìm bọn thợ viết chúng tôi, đặt viết tiểu thuyết, trả tiền đàng hoàng. Những người đi tù vì tội chính trị như tôi không được để tên trên tác phẩm mình viết. Tôi được anh em đặt dịch tiểu thuyết Mỹ. Không cần để tên, dịch và nhà xuất bản trả tiền là được. Trong mấy năm từ 1990 đến ngày vợ chồng tôi bánh xe lãng tử sang Hoa Kỳ năm 1994 chúng tôi sống ở Sài Gòn bằng việc dịch tiểu thuyết Mỹ; tôi dịch một số tiểu thuyết của Danielle Steel, Tom Harris, Chester Himes và những tác phẩm “The Firm“, “The Pelican Brief“, “The Chamber” của John Grisham.
Những năm 1991, 1992… sách tiểu thuyết mới phát hành ở Mỹ, ở Thành Hồ ai có sách trước người ấy dịch. Một sáng có người bạn trẻ đến căn nhà nhỏ của tôi. Anh tự giới thiệu:
– Cháu ở Mỹ mới về, nhờ có người quen biết địa chỉ bác nên cháu đến thăm bác. Chúng cháu là một nhóm bạn trẻ, ra đi theo bố mẹ năm 1975 khi chúng cháu mới năm, sáu tuổi; nay chúng cháu học xong, đã vào đời đi làm. Chúng cháu muốn học tiếng Việt nhưng không có phương tiện. Bố chúng cháu và những ông bạn của bố chúng cháu, ra đi năm 1975, nay các ông nói một thứ ngôn ngữ Việt mà chúng cháu thấy không còn là Việt ngữ thuần túy nữa. Nhóm chúng cháu học tiếng Việt bằng cách đọc những tiểu thuyết của bác, như truyện “Gã Thâm“, “Người Yêu, Người Giết“, “Nửa Kiếp Giang Hồ“. Trong những tác phẩm của bác chúng cháu học được những từ ngữ thật linh động, thật Việt Nam. Khi cháu về, các bạn cháu dặn cháu thể nào cũng phải đến thăm bác.
Người bạn trẻ độc giả của tôi trạc 25, 27 tuổi năm 1992, anh tên là Charles P.D, cư ngụ ở San José. Anh trở về Mỹ, và cũng vào một buổi sáng đẹp trời, một anh bạn anh ở Mỹ về đem đến cho tôi quyển “The Chamber” của John Grisham, sách bìa cứng, mới phát hành, giá 20 đô. Charles viết: “…Cháu nhớ bác nói có sách mới là bác có thể làm ra tiền. Quyển này mới có bán hôm qua, nhân có anh bạn cháu về, cháu mua ngay gửi về biếu bác…”
Thái độ ân cần của Charles làm tôi cảm động. Đúng là miếng khi đói bằng gói khi no.
Năm 1997, sống yên lành ở Rừng Phong, tôi nhận được thư của Uyên Thao, bạn tôi, từ Thành Hồ:
– Hồi này tao ở nhà dịch sách. Nhà xuất bản còm-măng tao dịch sê-ri sách viết cho thiếu nhi của tác giả Y… Tao đã dịch được mấy quyển. Mày tìm mua và gửi về ngay cho tao quyển X của tác giả Y, nhà xuất bản Z. Tao cần gấp.
Tôi thông cảm tình trạng của Uyên Thao. Tháng nào cũng phải có sách dịch, không có sách dịch là đói – đói cơm, không phải đói là không có tiền đi ăn chơi như thời trước 1975 anh em chúng tôi vẫn thường than đói. Tôi bồi hồi nhớ lại những buổi sáng mới bốn, năm năm trước, tôi mang bản thảo tập truyện dịch xong đến nhà xuất bản. Khi giao sách cho tôi dịch, người bạn lái sách trẻ tuổi, rất mến trọng tôi và thân tình xưng con với tôi, gọi tôi bằng chú (anh nói tôi có nhiều điểm giống ông bố anh đã mất) anh đưa cho tôi trước một khoản tiền, dịch xong giao hàng tính trang trả tiền hết (mỗi trang 7.000 đồng, tính trên toàn bộ số trang bản truyện Mỹ dù tôi có bỏ bớt cả trăm trang) và quan trọng nhất là đưa quyển truyện Mỹ khác cho tôi dịch cùng khoản tiền đưa trước.
Có tiền, có sách để dịch, tôi vui, vì tháng ấy vợ chồng tôi có tiền, tôi có việc làm. Những hôm đi giao sách ấy tôi thường về nhà vào lúc 12 giờ trưa, Alice đang làm cơm trong bếp. Nàng hồi hộp đợi tôi về. Nếu nàng thấy tôi dắt xe vào nhà, mặt tiu nghỉu, giọng nói nhão như bún thiu: “Chưa có sách mới, em ạ. Nó hẹn tuần sau”, nàng thở hắt ra… “Tốt thôi. Chờ vậy…” Nàng mừng khi thấy anh chồng mặt mũi tươi tỉnh: “Có truyện mới. Em yên trí…”
Được thư của bạn, tôi đến ngay Nhà sách Barnes & Noble ở ngay bên cạnh Rừng Phong. Quá nhiều sách. Phải nói là rừng sách. Tìm mãi không thấy quyển sách bạn nhờ mua, tôi phải nhờ cô bán sách tìm dùm. Tôi mong nhà sách có sẵn quyển sách bạn tôi cần. Không sẵn thì order, nhưng order có khi cả tháng sau mới có sách, chờ đợi nóng ruột chịu làm sao thấu. Cứu đói còn gấp hơn cứu hỏa. Lửa chỉ làm cháy nhà thôi, cái đói làm con người mất nhân phẩm. Không ai khinh bỉ người có nhà bị cháy, người ta khinh bỉ thằng đàn ông không kiếm được cơm nuôi vợ con nó. Người bị cháy nhà không xấu hổ, người để vợ con đói xấu hổ. Mà chẳng cần ai khinh, thằng đàn ông tự khinh nó vì nó không nuôi nổi vợ con nó; Đỗ Phủ khi được tin đúa con nhỏ của ông ở quê bị chết vì đói, than: “Làm cha người ta mà để người ta chết đói. Thật xấu hổ…”
May quá, sau chừng năm, bẩy phút chờ đợi, cô bán sách mang ra quyển sách bìa cứng, giá 16 đô. Tôi mua ngay, gửi ngay sách về cho bạn. Uyên Thao viết cho tôi:
– Nhận được sách của mày. Vừa kịp thời gian. Sách của tác giả này ra lâu rồi, có loại paperback bìa mỏng, rẻ tiền. Mày mua loại hardcover đờ luých cho tao làm chi cho tốn tiền. Sách đẹp quá làm tao phải đem đi photocopy, tao dịch trên bản copy, giao cho nhà xuất bản cũng giao bản copy, còn quyển dzin mày gửi về tao cất đi làm kỷ niệm…
Khi thấy có sách cho bạn, tôi mừng húm, vồ ngay, còn tâm trí đâu mà hỏi có bản paperback không? Thế rồi ngày tháng qua – những ngày như lá, tháng như mây – đầu năm 1998, Uyên Thao gửi thư cho tôi:
– Tao nộp đơn xin xuất cảnh sang Mỹ, diện tị nạn chính trị, Bộ Nội Vụ không cho nộp hồ sơ. Trả lời diện cải tạo như tao không được quyền đi tị nạn. Tao gửi hồ sơ đây. Nghe nói mày quen bà Khúc Minh Thơ, mày nhờ bà ấy lo dùm cho tao.
Sau Uyên Thao là Chủ Tịt Bụi Chuối Thanh Thương Hoàng của chúng tôi. Chủ Tịt cũng ở trong tình trạng như Uyên Thao: đến Bộ Nội Vụ nộp đơn và hồ sơ xin xuất ngoại, để được Bộ Nội Vụ chuyển hồ sơ sang ODP Mỹ để xin được sang Mỹ theo diện tị nạn chính trị, nhưng bị từ chối bằng miệng: “Diện cải tạo các anh không được xuất ngoại”. Chủ Tịt tù 6 niên. Uyên Thao (người mà anh em chúng tôi gọi thân thương là Cậu Út, đôi khi là Cậu Út Đen vì nước da trắng bóc của cậu, đôi khi là Hoàng Tử Ấn Độ) tù 11 niên. Chủ Tịt Bụi Chuối Thanh Thương Hoàng cũng gửi thư và hồ sơ cho tôi, với lời cuối: “…Trăm sự nhờ bạn…”
Tôi trình bầy trường hợp hai bạn tôi với bà Khúc Minh Thơ, Hội trưởng Hội Bảo Trợ Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính trị, nhờ bà giúp cho. Trước hết, tôi xin kể về nguyên nhân tôi được biết bà Khúc Minh Thơ.
Khoảng năm 1988 tôi gặp một ông bạn tù trong Thánh Thất Chí Hòa. Ông trạc tuổi tôi, trước tháng Tư 75 là Trưởng Ty Cảnh Sát. Hỏi thăm tội trạng và án tù của nhau, ông cho tôi biết ông bi kết tội gián điệp, có ra tòa, bị xử tù 14 niên. Tôi hỏi ông làm gì mà bị tội gián điệp nặng nề quá xá vậy, ông nói ông đi cải tạo về, ông thu thập tin tức về những bạn tù của ông, các ông này hiện ở trại nào, gửi sang Mỹ cho một tổ chức để tổ chức này gửi tiền, gửi thuốc về cứu trợ những người đó. Ông nói tên người ông liên lạc ở Mỹ. Trong tù chúng tôi phải nói nhỏ với nhau, mới nghe, tôi tưởng ông liên lạc với một bà người Mỹ, bà Kourminster.
Hỏi lại tôi mới biết không phải là bà Mỹ Kourminster mà là bà người Việt Khúc Minh Thơ. Đó là lần thứ nhất tôi nghe tên bà. Rồi ông bạn gián điệp bất đắc dĩ cùng lên Trại Z-30 A với tôi năm 1989. Đầu 1990 tôi mãn án ra về, ông bạn còn ở lại nhiều năm vì ông bị bắt sau tôi mà án ông lại gấp đôi án tôi. Giữa năm 1994, tôi và Alice được ODP nhận cho sang Mỹ tị nạn. Buổi sáng tôi nghe đài VOA phỏng vấn bà Khúc Minh Thơ về chuyện bảo trợ tù nhân của Hội, tôi nghĩ: “Tại sao mình không nhờ bà này làm sì-bông-so cho mình về Virginia…?”
Anh bạn thân của tôi cũng ở Falls Church, cùng khu với bà Thơ, anh từ Mỹ phone về cho tôi để hỏi tôi về chuyện vợ chồng tôi sắp ODP sang Mỹ. Tôi nói:
– Mày nhờ bà Khúc Minh Thơ ở chỗ mày bảo lãnh cho vơ chồng tao sang đấy. Chúng tao thích ở Virginia.
Bạn tôi hỏi:
– Mày có quen bà Khúc Minh Thơ không?
Tôi nói:
– Bà ấy là Hội trưởng Hội Bảo Trợ Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị, tao là đương kim tù nhân chính trị, tao nhờ bà ấy giúp là đúng sách vở. Cần gì phải quen.
Bạn tôi nhờ bà Thơ bảo lãnh cho chúng tôi đến Virginia. Tôi đã nhờ đúng người. Không phải bà Thơ chỉ tận tâm giúp đỡ vợ chồng tôi, bà tận tâm giúp, lo lắng, thu xếp cho tất cả những người được bà bảo lãnh. Bà giữ vợ chồng tôi ở nhà bà một tuần để bà tiện đưa chúng tôi đi các sở làm giấy tờ. Những đêm đầu mới đến Mỹ vợ chồng tôi ngủ không được, đêm mò ra bếp uống cà phê, hai giờ sáng chúng tôi thấy bà vẫn còn ngồi xem hồ sơ các tù nhân chính trị trong nước gửi đến nhờ bà giúp.
Bà Thơ sốt sắng nhận giúp hai ông bạn tôi, bà vận động với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để Bộ chỉ thị cho ODP Sài Gòn hỏi Bộ Nội Vụ CSVN về trường hợp hai cựu tù nhân mốc thếch là Chủ Tịt Bụi Chuối Thanh Thương Hoàng một thời oanh liệt và Cậu Út Uyên Thao Vũ Quốc Châu, người có nước da trắng ngang với nước da ông Cựu Hiệu Trưởng Trường Trung Học Nguyễn Trãi Sài Gòn kiêm văn sĩ Tạ Quang Khôi, bút danh Tạ Ống Khói: Tại sao hai ông này có quyền đi sang Mỹ tị nạn, hai ông xin đi mà lại không cho hai ông đi?
Tư văn đi, công văn lại, tiến bộ thì chậm rì mà ngày tháng qua nhanh hơn hỏa tiễn, bà Thơ lại sắp nghỉ hưu nên bà muốn làm cho xong những vụ bà đã nhận lời làm giúp. Một hôm Hội đi họp với những viên chức Mỹ ở Bộ Ngoại Giao, bà bảo tôi:
– Anh cùng đi với chúng tôi. Anh sẽ trình bày với họ về trường hợp hai ông bạn anh.
Phái đoàn Hội Hội Bảo Trợ Gia Đình Cựu Tù Nhân Chính Trị đến Bộ Ngoại Giao hôm ấy gồm bà Thơ, bà Hiệp Lohman, ông Lê Văn Ba, Cố vấn của Hội, anh Nguyễn Hoàng Dân, Thư ký của Hội, và tôi, người không có phận sự gì ngoài việc láp nháp nói vài lời tả oán về hai ông bạn tù nhân mốc thếch đại vương. Tiếp kiến và thảo luận với Hội là ông Alan Krecko, Phụ Tá Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, Đặc trách Tị Nạn, bà Terry Ruch, Giám Đốc Cơ Quan Tị Nạn Quốc Tế của chính phủ Hoa Kỳ, và bà Pamela Lewis, Quản Đốc ODP Việt Nam. Bà Lewis tỏ ra rất có cảm tình với Hội. Trong lúc ông Phụ Tá chưa vào phòng họp, bà Lewis kể chuyện bà vừa ở Sài Gòn về có hai ngày, đường phố Sài Gòn đông người đến nỗi bà muốn từ lề đường bên này qua lề đường bên kia mà không sao qua được.
Ăng-lê của tôi là Ăng-lê Ăn Đong, lại sau hai mươi năm vất vả ở Thành Hồ, tám năm tù thảm não, vốn liếng tiếng Ăng-lê đã rách của tôi lại càng tơi tả. May sao – đây phải nói cho đúng là tử vi của hai ông bạn tôi đi vào vùng ảnh hưởng của Sao Quy Mã – nên hôm ấy tôi nói khá trôi chẩy. Tôi trình với ông Phụ tá Bộ Trưởng và hai bà Giám đốc về hai ông cựu tù nhân đơ luých: hai bạn tôi đều trên 65 tuổi, ông nào cũng tù cả mười năm, nay không thể sống được ở trong nước, xin đi thì chính quyền CSVN không cho đi. Ông Phụ Tá tỏ vẻ ngạc nhiên, ông nói: “Sao lại có chuyện ngăn cản như thế?”. Ông hỏi tôi có bằng chứng gì về việc ngăn cản không? Tôi thưa với ông là những viên chức VN chỉ nói miệng, nhưng may quá là may, trên đơn xin nộp hồ sơ của Cậu Út có ghi hàng chữ: “Theo Nghị Quyết 224 những người cải tạo diện này không được phép xuất ngoại” cùng một chữ ký. Tôi trình tài liệu này với ông Phụ Tá. Ông nhận hồ sơ của hai ông bạn tôi và nói ông sẽ xét và cho lệnh ODP Saigon hỏi về trường hợp hai cựu tù nhân này.
Chừng ba tháng sau, tin phe ta đại thắng đủ cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, từ Sài Gòn bay đến Oắt-dzing-tân Đi Xi: Cậu Út và Chủ Tịt cùng được giấy của Bộ Nội Vụ “mời đến nộp hồ sơ xuất ngoại”. Đang khổ sở từ mấy mùa lá rụng vì đến năn nỉ xin nộp hồ sơ mà không được nộp, nay hai ông cựu tù được “mời” đến nộp hồ sơ, chỉ còn thiếu điều cán bộ xuống nước: “…Hai ông làm phúc đến nộp hồ sơ dùm chúng em tí… Chúng em cảm ơn…”
Như vậy là ta thắng chăm phần chăm, chỉ còn qua thời gian làm giấy tờ thủ tục là Chủ Tịt và Cậu Út của chúng tôi đàng hoàng lên máy bay sang Mỹ. Không mấy lâu sau hai ông được ODP mời đến phỏng vấn. Cậu Út đến vấn trước. Tin khó khăn lại bay sang: nhân viên phỏng vấn ODP Mỹ từ chối không cho Cậu Út cùng mợ và hai em sang Mỹ, viện cớ chính phủ Mỹ chỉ nhận cho sang Mỹ những người bị VC bắt đi cải tạo vì tội ở trong hàng ngũ “ngụy quân, ngụy quyền”, tức những sĩ quan và công chức chính phủ; Cậu Út có nhiều năm làm trong Đài Phát Thanh Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, cậu có giấy chứng nhận của ông cựu Giám Đốc Đài Phát Thanh (ông Trung tá Huy Quang Vũ Đức Vinh ở Seattle), ông Vinh có cấp giấy xác nhận cho Cậu Út là nhân viên Đài dưới thời ông làm giám đốc, nhưng nhân viên ODP Mỹ vẫn sài lắc, Y nói: “Vụ này ngoài tầm tay của tôi…”
Cậu Út của chúng tôi là con cầu tự, nghe nói cậu là con ông Hoàng Bơ nên cậu rất khó khăn trong việc ăn ở, đi lại, tù đày. Tôi vẫn biết số cậu khó nhưng tôi cũng không ngờ số cậu lại khó khăn quá đến như thế. Bà Giám Đốc ODP gửi văn thư cho cậu, đoan quyết: “Dzu có giấy giới thiệu của chính quyền VN đến ODP là chúng tôi mời Dzu nhập Hoa Kỳ liền tù tì tút suỵt…” Dzậy mà sau khi trầy vi, tróc vẩy – trầy gần hết trọi, chỉ còn hai ba cái – cậu lết đến được ODP thì lại bị viên chức Mỹ Cà Chớn từ chối. Đúng là Phi-ní-lô-đia: Hết nước nói. Cậu Út tin cho tôi, tôi phone về:
– Không tuyệt vọng. Yên tâm. Lại nhờ bà Thơ can thiệp. Sẽ gọi phỏng vấn lại không lâu.
Ngọc Dũng hỏi tôi ở tiệm Phở Xe Lửa: “Vụ Uyên Thao đến đâu rồi? Bao giờ sang?” Tôi nói Uyên Thao bị viên chức ODP từ chối, viện lý không phải là công chức, sĩ quan, lại phải nhờ bà Thơ can thiệp với Bộ Ngoại Giao… Ông bạn ngồi gần nghe được chuyện, nói:
– ODP nó đã từ chối là xong rồi. Bà Trời cũng không can thiệp được.
Chủ Tịt Bụi Chuối đến ODP phỏng vấn sau nhưng lại đến Mỹ trước Cậu Út. Chủ Tịt không bị rắc rối ấm ớ hội tề gì ở ODP cả. Nguyên do là khi Cậu Út bị gàn quải, bà Thơ phone ngay cho bà Lewis, nói rõ để bà Lewis nhớ Cậu Út và Chủ Tịt là hai người đã được ông Phụ Tá Krecko hứa cho tị nạn, nhưng viên chức ODP làm khó không cho. Bà Lewis ra lệnh cho nhân viên ODP Sàigon đặc biệt ưu đãi hai ông nên khi Chủ Tịt Bụi Chuối đến, tên ông đã có trong Sổ Trắng của ODP, cửa ải ODP mở toang cho ông thơ thới đi qua.
Cậu Út của chúng tôi được ODP mời tái phỏng vấn. Một tối tháng Chín năm 1999 – mới toanh đây mà đã mười tháng qua mau – cậu cũng nhờ bà Thơ bảo lãnh gia đình cậu đến Virginia Đất Tình Nhân – bà Thơ đến phi tràng Dulles đón Cậu Mợ và hai em. Anh em chúng tôi núp bóng bà đi đón Cậu Mợ gồm ông Phó Hoàng Thơ, ông Lê Văn Bình, ông cựu Hiệu Trưởng Tạ Ống Khói, nhũ danh (tức tên ông lúc ông mới ra đời, ông còn bú sữa mẹ) là Tạ Quang Khôi, các ông nhà báo Phạm Bá Vinh, Chủ nhiệm báo Sóng Thần, Nguyễn Hữu Điển, Chủ nhiệm Thủ Đô Thời Báo, các ông Lê Thiệp, Trương Cam Vĩnh (hai ông Lê Thiệp, Trương Cam Vĩnh trước 75 cùng làm trong tòa soạn Nhật Báo Sóng Thần với Cậu Út).
Cuối cùng thì, nhờ bà Khúc Minh Thơ, Cậu Út của chúng tôi cùng Mợ và hai em cũng bình an đến được Hoa Kỳ.

oOo

Mới đây một nữ độc giả của tôi cho tôi biết nàng nghe một nhà xuất bản ngỏ ý: “Sách viết về tù đày, cải tạo nhiều quá rồi, nếu bây giờ có một quyển viết về các văn nghệ sĩ đã qua đời ở Thành Hồ kể từ ngày 30 tháng Tư 75…”
Nàng hỏi tôi: “Sao anh không viết về cái chết của những ông Nguyễn Mạnh Côn, Dương Hùng Cường, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt… và bao nhiêu người bạn khác của anh như Minh Đăng Khánh, Ngọc Thứ Lang, Minh Vồ…? Anh là người có nhiều khả năng viết một quyển về cái chết của những văn nghệ sĩ ta…”
Nàng ơi… Từ ngày bánh xe lãng tử khấp khểnh, gập ghềnh đến Kỳ Hoa đất lưu đày tôi đã viết khá nhiều về các bạn tôi – loạt bài “Các Bạn Tôi Sống Chết ở Thành Hồ“, những bài ấy đăng tản mát trên các báo. Nhờ nàng nhắc và khuyến khích, tôi sẽ thu thập và viết lại những bài đó để xuất bản thành một quyển sách nghiêm chỉnh: “Sống và Chết ở Sài Gòn“.


Sống Và Chết Ở Sài Gòn – Hoàng Hải Thủy (23)


Bạn ta,
Buổi sang ở Rừng Phong, tôi mở e-mail, thấy bạn ta Thái Thủy gửi một tấm ảnh ba thanh niên trẻ măng với lời hỏi: “Đố kể được tên ba cậu này”. Hai cậu thì tôi nhận ra ngay, đó là cậu Thanh Nam và cậu Phan Nghị. Ý Thái Thủy muốn hỏi anh em chúng tôi cậu trẻ măng thứ ba trong ảnh là ai. Kiểm soát trí nhớ nửa phút, tôi nhận ra cậu thứ ba đó là bạn.
Bạn – bạn là người khai sinh ra mục Tạp Ghi trên nhật báo Tiền Tuyến, tiếng “bạn ta” theo tôi biết cũng là do bạn phổ biến – bạn và Thanh Nam, Phan Nghị chụp chung tấm ảnh lịch sử đó – ba cậu cùng chung một cái đồ, cái đồ khá to, cỡ carte postale – khi ba cậu vừa từ Hà Nội vào Sài Gòn tháng 9, tháng 10 năm 1954 (nói cho đúng Thanh Nam đã dzô Sè-goòng từ năm 1952, Phan Nghị và bạn mới dzô), ba cậu đi qua công viên về sau là công viên Lam Sơn ở trước cửa Nhà Hát Lớn, đường Catinat; những người thợ chụp ảnh Photo-Stop Sài Gòn đứng ở công viên ấy chụp ảnh ba cậu.
Bạn còn nhớ Photo-Stop ở Catinat năm 1954 không? Trước 1954 Sài Gòn thật văn minh. Người đi qua đoạn công viên ấy không cần gọi, không cần nói “chụp cho tôi tấm ảnh”, không cần đứng lại, ba bốn ông Photo-Stop đứng ở đấy suốt ngày cũng cứ giơ máy chụp hình bấm mấy pô, đưa ticket, không lấy tiền trước chi cả, vài ngày sau khách ghé qua địa chỉ ghi trên ticket, cũng ở ngay đường Catinat, xem ảnh, thấy đẹp thì trả 5 đồng lấy ảnh, không thích thì thôi. Sau năm 1956 Photo-Stop biến mất trên đường Tự Do, một điểm đặc thù của Sài Gòn trước 1954 ra đi – theo chân người Pháp – để không bao giờ còn trở lại.
Mèn ơi… Thấm thoắt dzậy mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày ba bạn ta đi hàng ngang trên đường Catinat, Sài Gòn. “Thời gian vỗ cánh bay như quạ… Đi hết đường xuân kiếm chỗ ngồi. Rượu hết, gà kêu, em cuốn chiếu. Quay về còn lại mảnh tình tôi…” Không phải thơ tôi đâu bạn. Sức mấy tôi mần được những câu thơ hay đến như thế. Đấy là Thơ Ông Tẩy Sia Tchya Đái Đức Tuấn, tôi tìm thấy mấy hàng châu ngọc ấy trong tập “Nhớ Nơi Kỳ Ngộ” của ông Lãng Nhân. Năm ấy các bạn mới hai mươi nhăm, hai mươi sáu tuổi, các bạn “trong veo cặp mắt chưa vương bụi, chăn chiếu còn thơm ngát mộng trai, chí lớn chia nhau đầy gác nhỏ, bụi hồng chưa khiến tóc xanh phai…”
Đêm nay tôi gọi về trong đáy hồn lưu lạc, những bước chân xưa nhạt dấu giày… Thanh Nam đã đi rồi, Thanh Nam đã về quê, Phan Nghị sống ở Sài Gòn, Thái Thủy ở Cali, bạn ở Sydney, tôi ở Virginia, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Đất Trích. Đêm lữ thứ tôi không say rượu cần, cũng chẳng say whisky, tôi nằm đọc “Bè Bạn Gần Xa”, nửa đêm, Rừng Phong yên lặng như tờ, trăng chiếu qua cửa sổ vào chỗ tôi nằm, tôi trở dậy mở PC viết những dòng này.
Nếu ở Sài Gòn năm xưa, những năm 1970, nửa đêm trở dậy ngồi viết như thế này tôi đều đi rửa mặt, đánh răng, trước khi vào phòng tắm tôi bật cái bếp gaz đun tí nước, tí nước thôi, đủ pha một ly cà-phê, rửa mặt, đánh răng xong trở ra là nước sôi, tôi pha ly cà-phê, Nestlé bột cho nhanh, khỏi chờ nhỏ giọt tí tách mất công, đem vào bàn ngồi, nhâm nhi cà-phê, rít năm, bẩy điếu Lucky, hay Phillip Vàng, Pall Mall rồi mới viết. Đêm nay tôi chỉ rửa mặt thôi, tôi không phải đánh răng vì hai hàm răng tôi nằm sạch boong trong cốc nước, tôi không uống cà-phê vì từ ngày bỏ thuốc lá tôi cũng bỏ cà-phê. Tôi uống chút nước trà nóng và bây giờ tôi viết.


Tôi không bốc thơm “Bè Bạn Gần Xa“, nhiều tên tuổi lớn, trứ danh, uy tín đã ca ngợi văn chương của bạn, vì đọc bạn quá khuya nên bị mất ngủ, bắt chước bạn đêm nay tôi cũng viết về vài người bạn chung của chúng ta. Bây giờ những bạn gần của chúng ta cũng là bạn xa so với thời chúng ta sống ở Sài Gòn, bạn xa thì nhiều người đã đi quá xa, như Thanh Nam chẳng hạn. Tôi viết vài chuyện về Thanh Nam bạn ta nhé.
Tôi vào Sài Gòn từ 1951 nên không được biết gì về giới văn nghệ, văn gừng Hà Nội, tôi gặp Thanh Nam năm 1952 ở Sài Gòn khi Thanh Nam làm thư ký tòa soạn tuần báo Thẩm Mỹ. Năm ấy Trung sĩ Thanh Nam làm việc – cùng Trọng Khương “Bánh Xe Lãng Tử”, Hoàng Giác “Ngày Về”, Nguyễn Minh Lang “Gái Hà Nội” – trong Phòng Năm, Bộ Tổng Tham Mưu, dưới quyền Thiếu tá Trần Tử Oai – những năm ấy Thanh Nam sống trong nhà anh Nguyễn Bá Châu, chủ nhà xuất bản Á Châu, đường Lê Lai. Thanh Nam sống ở đây cùng với Đại úy Nguyễn Ngọc Loan. Đại úy Loan thời ấy cũng làm việc ở Sài Gòn. Những năm 1966, 1967, có lần tôi nghe Thanh Nam nói (chính tôi, không phải tôi “như thị ngã văn”, tức không phải tôi nghe người khác kể, chính tôi nghe Thanh Nam nói): “Thằng Loan hồi nó sống với mình ở nhà Á Châu nó hiền thế mà sao bây giờ nó dữ thế…” Một đêm gần Tết nhật báo Tia Sáng tổ chức tiệc tất niên ở nhà hàng Bồng Lai, có Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan ghé qua chừng mười lăm phút; anh em ký giả Sài Gòn mắt tròn, mắt dẹt thấy văn sĩ Bắc kỳ Thanh Nam, lúc ấy sương sương, chưa sỉn, giơ ly rượu, lớn tiếng: “Ê… Loan..Lại đây uống với tao, mày…” Và Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, mặc áo giáp chống đạn, cười cười đi đến cụng ly với ông bạn Thanh Nam.
Năm 1956 tôi viết cái gọi là phóng sự tiểu thuyết “Vũ Nữ Sài Gòn” trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, nhờ phóng sự đó tôi được một hai em nữ độc giả thân mến của bổn báo gủi thư đến tòa soạn. Đấy là những lá thư nữ độc giả ái mộ đầu tiên của tôi, tôi đem đến khoe đàn anh Thanh Nam, đàn anh phán cho đàn em một câu:
– Coi chừng đó mày. Mấy con này là nữ sinh, chúng nó chuyên viết thư cho văn sĩ. Mày trả lời rồi mày tưởng bở, mày ái tình hàm thụ vớ vẩn với chúng nó là chúng nó đem thư mày khoe các bạn chúng nó, mày chẳng ăn cái giải gì mà mang tiếng.
Ngày ấy tôi tin lời Thanh Nam nên tôi bỏ qua vài dịp ái tình hàm thụ mí vài em. Về sau nhớ lại, tôi không biết tôi làm theo lời Thanh Nam, như thế là tốt cho tôi hay tôi bị thiệt? Tôi lấy vợ năm 1954, nếu không thận trọng vì lời cảnh cáo của Thanh Nam biết đâu tôi đã chẳng bị vỡ mặt vì tình ái lăng nhăng với một em nữ sinh dậy thì đa tình thích văn nghệ, văn gừng nào đó ngay từ những năm 57, 58 xa lăng lắc trong dòng thời gian tím ngắt.
Đây là chuyện thứ hai của tôi về Thanh Nam. Năm 1960, qua bạn ta Văn Quang, tôi mua lại được cái xế Jeep Nhà Binh phế thải của ông Thiếu tá Trần Thanh, Cục Tâm Lý Chiến. Tôi thích xe Jeep Mỹ capot thấp Đệ Nhị Thế Chiến từ những ngày tôi còn nhỏ ở tỉnh lỵ Hà Đông. Những năm trên dưới 1960 là thời phong độ nhất đời tôi, tôi làm nhân viên tòa soạn nhật báo Sài Gòn Mới của bà chủ nhiệm Bút Trà Nguyễn Đức Nhuận, tôi viết phơi-ơ-tông trên nhật báo Ngôn Luận, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của ông Hồ Anh, viết trên tuần báo Kịch Ảnh của ông Quốc Phong. Tôi đang trẻ, đang kiếm được nhiều tiền, tôi ăn chơi vi vút, phơi phới. Có xế Jeep, tôi có phương tiện chở một lúc hai, ba ông bạn đi ăn chơi. Năm ấy Thanh Nam sống độc thân ở Bin-đinh Cửu Long. Hoàng Thư và Thái Thủy đã đi theo vợ, ra khỏi bin-đinh, chỉ còn một mình Thanh Nam sống cu ky ở đó. Một tối thứ Bẩy tôi đi chơi với Thanh Nam. Thanh Nam nói:
– Tao sợ ban đêm về bin-đinh. Về đó tao có cảm tưởng như đi vào nhà tù.
Thưở ấy nào chúng tôi, nào chúng ta đã biết gì về nhà tù, nhà tội, ta chỉ mới thấy nhà tù trên màn ảnh xi-nê-ma. Nhiều năm sau khi tôi đã qua cảnh tù đầy, nhớ lại tôi thấy Thanh Nam nói đúng: đi vào hành lang Bin-đinh Cửu Long, nhất là ban đêm đèn vàng lờ mờ, giống như đi trong hành lang nhà tù quá đỗi. Cũng hai dẫy cửa phòng sơn mầu sám ở hai bên, cũng không thấy một bóng người, không nghe một tiếng động. Phòng bin-đinh Cửu Long cũng giống hệt xà-lim nhà tù, tất nhiên là rộng hơn, sạch hơn, có giường, có cửa sổ mở ra trời.
Đêm thứ Bẩy ấy tôi chở Thanh Nam trên xe Jeep đi hai ba nơi, bẩy, tám giờ tối ngồi ở Ngân Đình bờ sông, chín, mười giờ tối lên Quang Minh Đỉnh gần nhà BGI ở Chợ Lớn, mười một, mười hai giờ vào phòng trà ngồi nghe các em ca sĩ hát. Đêm thứ Bẩy Thanh Nam có thể đi chơi suốt sáng, hôm sau Chủ nhật bạn ta được nghỉ, tha hồ ngáo. Tôi làm báo nghỉ thứ Bẩy, Chủ nhật phải đi làm cho tờ báo ra ngày thứ Hai. Đi chơi khuya quá Thanh Nam không chịu về, tôi nói:
– Cho tao về, mai tao phải đi làm, mí lỵ tao có vợ, đi chơi khuya quá không được…
Thanh Nam nói:
– Mày làm như cả Sài Gòn này chỉ có mày là thằng có vợ.
Đêm ấy tôi đi chơi với Thanh Nam đến ba giờ sáng. Thế rồi những ngày như lá, tháng như mây, thời gian lại vỗ cánh bay như quạ… Một đêm năm 1966, Trịnh Viết Thành chở bọn tôi đi ăn bouillabaisse ở nhà hàng Choeng Nam trên chiếc Simca 9 của Thành. Ăn xong, theo đúng thủ tục, chúng tôi lên Quang Minh Đỉnh. Thanh Nam – lúc này đã có vợ – đòi về, nhưng làm sao về được, Thanh Nam bắt buộc phải đi với bọn tôi lên Quang Minh Đỉnh. Thanh Nam ra điều kiện:
– Tao chỉ đi với chúng mày đến 10 giờ thôi.
Đúng 10 giờ Thanh Nam đứng lên ra về. Đại hội đang vui, đèn nến lung linh, anh em thương mến nhau, đêm huyền ảo, nệm khói êm, chuyện rì rầm, cuộc đời thật đẹp, Chủ xế Trịnh Viết Thành nói:
– Về làm cái gì sớm thế? Ở lại chút nữa tao đưa về, bọn tao cũng về luôn.
Thanh Nam cứ ra về. Về sau tôi thấy bạn ta làm thế là đúng, bởi vì cứ nghe lời ở lại một tí, một lúc nữa là hai, ba giờ sáng lúc nào không biết. Không cần phải đánh đu với tinh, những năm xưa ta còn trẻ, chỉ cần ta chiều bạn là ta đủ quên vợ con ta rồi, huống chi ta lại ham dzui, ta cũng đâu có muốn bỏ về.
Đêm mưa. Sài Gòn năm ấy đang nhiều lính Mỹ G.I., taxi khan hiếm, không còn taxi chay rong đón khách, Thanh Nam ra về lúc 10 giờ, không biết mấy giờ đêm bọn tôi xuống đường vẫn thấy bạn ta, mặc áo mưa, đứng dưới gốc cây sao, bạn ta chưa kiếm được xe về đường Cống Quỳnh. Tôi cay cú nhớ chuyện sáu, bẩy năm trước Thanh Nam chưa có vợ, tôi có vợ, đi chơi với nhau đến một, hai giờ sáng Thanh Nam vẫn chưa chịu cho tôi về.
Chuyện thứ ba: Khoảng năm 1960 trời đất yên bình, nhân dịp bán được tác phẩm tiểu thuyết để làm phim, Ngọc Linh mời bọn tôi ăn ở nhà hàng Động Phát, đường Hàm Nghi. Bữa ăn tối ấy có Thanh Nam, Nguyên Sa, không có Mai Thảo – không biết ở Cali những năm 1980 hai bạn ta áo thụng vái nhau ra sao, dường như những năm 1960 ở Sài Gòn chỗ anh em văn nghệ nào có ông Nguyên Sa thì không có ông Mai Thảo, và ngược lại – có Văn Quang, Thái Thủy, Quốc Phong, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn. Chúng tôi nói chuyện linh tinh, đề tài đi đến chuyện vợ bé, tôi nói:
– Tao sẽ không bao giờ có vợ bé.
Tôi đưa ra lý do-nguyên nhân hết sức không có ăn nhậu gì đến chuyện có vợ bé hay không có vợ bé ở cõi đời này:
– Vì ông già tao không có vợ bé, tao cũng không bao giờ có vợ bé…
Bạn ta Văn Quang, lúc ấy chưa chạy hai tầu cùng một lúc, chua đổi tầu, chưa là Thuyền Trưởng Hai Tầu, thản nhiên nói:
– Nếu mày nói thế thì tao có quyền có vợ bé. Ông già tao nhiều vợ lắm.
Tôi miệng lưỡi không khéo léo, đang cao hứng nói hễ tôi bị ai nói ngược lại là tôi nói không được, tôi ngồi bí sị. Anh em nói sang chuyện khác, một lúc sau tôi kéo họ trở lại chuyện vợ bé;
– Ê… Văn Quang… Hồi mày nhỏ ông già mày có nhiều vợ mày có khổ không? Nếu mày không thấy khổ thì bi giờ mày cứ việc có vợ bé, còn nếu mày thấy khổ thì mày đừng làm cho con mày phải khổ…
Văn Quang chưa nói gì, Thanh Nam nhìn tôi, nói:
– Ê… Làm cái gì mà mày cay cú thế? Mày mới lấy vợ đây mà, đã lâu la gì. Đừng có nói trước. Tao thấy những thằng nói như mày là những thằng có vợ bé sớm hơn ai hết.
Với câu nói ấy Thanh Nam gạt đề tài vợ bé của tôi ra khỏi cuộc trò chuyện. Anh em tối ấy cũng chẳng ai thích nói chuyện vợ lớn, vợ bé.
Tôi sẽ gửi bài viết ở Rừng Phong này về Sài Gòn cho Văn Quang, Phan Nghị, sang Cali cho Thái Thủy, Hoàng Anh Tuấn, lên Washington State cho Huy Quang Vũ Đức Vinh, sang Nice cho Quốc Phong. Còn Thanh Nam, Nguyên Sa, Trịnh Viết Thành (Thành sau mười mấy năm tù tội ở trại tù Gia Lai-Gia Trung, đã chết vì bệnh ở Sai Gòn năm 1990) ở xa quá, tôi không gửi tới được. Các bạn ta có thể chẳng ai nhớ chuyện vợ lớn, vợ bé ở nhà hàng Động Phát, Hàm Nghi, Sài Gòn 40 năm xưa, nhưng tôi còn nhớ.
Hai giờ sáng. Trăng lúc tôi mới bắt đầu viết soi vào chỗ tôi ngủ giữa phòng, bây giờ lên cao trăng soi trên bàn viết của tôi kê ngay bên cửa sổ. Tôi vẫn thích được ngồi viết ở trước cửa sổ, trên lầu, được đang viết ngửng lên nhìn ra thấy một khoảng trời. Ở Sài Gòn tôi không có được khoảng trời trước bàn viết tôi muốn có, ở đây cửa sổ nhà Mỹ thật lớn, tôi nhìn ra rừng phong huyền ảo dưới trăng.
Năm 1965 nhật báo Tiền Tuyến ra đời, Trịnh Viết Thành làm Tiền Tuyến với bạn từ số đầu. Đầu năm 1966 Thành đi sang tòa soạn báo khác, nhường công việc của Thành ở Tiền Tuyến cho tôi. Bạn nhớ không, những ngày ta làm báo Tiền Tuyến ở nhà in Hợp Châu, đường Cống Quỳnh. Chúng ta đến tòa soạn lúc 5 giờ sáng, những ngày mùa mưa, những ngày cuối năm, trời đất Cống Quỳnh 5 giờ sáng còn tối mịt. Nhà in mở toang cửa, không một ai ở dưới nhà, tòa soạn, phòng xếp chữ ở trên lầu, những sáng ấy nếu có kẻ nào vào khuân hết những cây giấy báo mấy trăm rame ra xe ba bánh chở đi cũng không ai biết. Bây giờ nhớ lại tôi mới thấy sợ: nếu những sáng sớm ấy không cần hai, chỉ một tên đặc công Việt Cộng nó lững thững đi lên tòa soạn thôi, nó độp cho bọn mình mỗi thằng vài phát là chúng mình đi tầu suốt cả năm, bẩy tiếng đồng hồ sau các ông Phạm Văn Liễu, Nguyễn Ngọc Loan cũng chưa biết, đừng nói gì đến các ông Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, có biết ngay chăng là các ông Đại tá Vũ Quang, Trung tá Lê Đình Thạch, hai ông này có biết ngay thì cũng phải cả tiếng đồng hồ sau.
Tòa soạn Tiền Tuyến năm ấy có bạn, Hoàng Anh Tuấn, Đinh Hiển – Hĩm, anh Vũ Uẩn, Viêm Hồng và tôi, Huy Vân phụ trách trang trong, không ngồi thường trực ở tòa soạn. Qua năm 1967, trước Tết Mậu Thân, tòa soạn vào trong Cục Tâm Lý Chiến, đường Hồng Thập Tự, Tiền Tuyến mới có nhà in ở trong Cục Tâm Lý Chiến. Vào đây tòa soạn có thêm Ngọc Hoán sáng sớm đến dịch tin ngoại quốc, thường gọi là tin télétype. Bạn và tôi ngày ngày thay vì đến đường Cống Quỳnh, nay ta vào Cục Tâm Lý Chiến đường Hồng Thập Tự. Vào đây ta ngày ngày gặp các bạn Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Đặng Trần Huân ở tòa soạn báo Chiến Sĩ Cộng Hòa ngay bên tòa soạn ta, gặp bạn Văn Quang ở trụ sở Đài Phát Thanh Quân Đội cách tòa soạn ta một khoảng sân.
Một chị vợ hạ sĩ quan được phép mở một quán cà phê, ăn sáng trong Cục để binh sĩ khỏi phải đi ra ngoài. Quán này ở ngay sau tòa soạn ta. Tôi ngày ấy hút nhiều thuốc lá, uống nhiều cà-phê nên bị cồn cào, cần ăn sáng cho dễ chịu, nên thường làm việc đến 9 giờ sáng là tôi sang quán ăn sáng, ăn xong trở về tòa soạn làm việc tiếp. Tôi mặc xi-dzin – tất nhiên, tôi có phải là quân nhân đâu mà mặc quân phục – quán ăn ngoài cà phê, nước ngọt, la ve, chỉ có ba món ăn: hủ tíu, bánh mí ốp-la, bánh mì bò kho. Tôi thường ăn bánh mì ốp-la, uống cà-phê đen. Thấy tôi ngồi bàn, chị chủ ở trong bếp, bảo thằng con:
– Ra hỏi Đại úy sáng nay ăn gì?
Tôi ăn xong, nghe tiếng chị bảo con:
– Bưng cà-phê Đại úy.
Chị gọi tôi là Đại úy, chị yên trí tôi là Đại úy dù chị không thấy tôi mặc quân phục, cổ áo ba hoa mai vàng bao giờ. Chị tưởng vậy không có chi lạ, nhiều sáng chị thấy tôi ngồi ăn với bạn, với các Đại úy Văn Quang, Phạm Huấn – năm ấy các bạn đều là Đại úy – chị thấy tôi đồng tuổi với các Đại úy, tôi có thái độ ngang hàng, bạn bè với các Đại úy, tôi mày tao với các Đại úy, chị nghĩ tôi là Đại úy cũng phải thôi. Tất nhiên là tôi không cần nói với chị tôi không phải là Đại úy.
Một sáng như mọi sáng, tôi nghe chị bảo thằng con:
– Ra hỏi Thiếu tá sáng nay ăn gì?
Tôi ghi nhận cấp bực Thiếu tá nhưng không lấy gì làm lạ, có thể chị lầm tôi với một ông Thiếu tá nào đó. Ăn xong, tôi nghe chị bảo con:
– Bưng cà-phê Thiếu tá.
Tôi hơi lạ nhưng cũng không théc méc gì, đang là Đại úy, bị giáng cấp xuống Trung úy mới théc méc, đang là Đại úy, được gọi lên Thiếu tá, théc méc ký gì. Tôi về tòa soạn ngồi viết phơi-ơ-tông “Thầy Nô”, tôi quên chuyện Đại úy, Thiếu tá, cho đến lúc tôi thấy Đại úy Nguyễn Văn Phúc (ông Đại úy Phúc Khàn, tôi không nhớ ông là Nguyễn Văn Phúc hay Nguyễn Đình Phúc, không biết năm nay ông HO nơi nào ở Kỳ Hoa Đất Trích) đến bàn viết của bạn. Rồi lại có mấy ông Đại úy, Trung úy nữa ghé đến. Các bạn cười nói, bắt tay nhau như có chuyện gì quan trọng vừa xẩy ra. Tôi hỏi và được biết các bạn: Bạn, các Đại úy Nguyễn Văn Phúc, tức Phúc Khàn, Văn Quang, Phạm Huấn… cùng một lô các ông Đại úy trong Cục vừa được lên cấp Thiếu tá. Tôi nói:
– Thảo nào… Sáng nào chị chủ quán cà-phê cũng gọi moa là Đại úy, sáng nay chị ấy gọi moa là Thiếu tá. Thì ra các bạn lên Thiếu tá, chị cà-phê cũng cho moa lên Thiếu tá luôn.
Thấy ông Phúc Khàn ngồi với bạn, tôi ngẫu hứng làm câu đối:
“Phúc Lạt, Phúc Khàn, hai Phúc Thiếu
Quang Văn, Quang Vũ, một Quang thừa“.
Bạn là Phúc Lạc, Lạc sang tiếng Nam có khi trở thành Lạt, hai bạn Phúc đều là Thiếu tá. Cục Tâm Lý Chiến năm ấy có Đại tá Vũ Quang là Cục trưởng, có Đại úy Văn Quang ở Đài Phát Thanh Quân Đội (năm ấy bạn Văn Quang chưa là Quản đốc Đài), sách Tầu nói: “Chỉ cần vũ quang – tức vũ sáng, vũ tốt – hay văn quang – tức văn sáng, văn tốt – là nước được trị, dân được sống trong an ninh, hạnh phúc”. Chỉ cần một thôi. Cục Tâm Lý Chiến của ta năm ấy có cả vũ quang và văn quang, vũ cũng sáng mà văn cũng sáng.
Nhưng tất cả những gì thành rồi sẽ tan rã, những gì có rồi sẽ mất. Cho dù Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta có còn đến hôm nay, cho dù nhật báo Tiền Tuyến hôm nay vẫn sống, cũng không còn bạn và tôi trong tòa soạn Tiền Tuyến. Các anh Lê Đình Thạch, Vũ Uẩn, Huy Vân đã qua đời, chúng ta tản lạc đi bốn phương trời. Liêu lạc bi tiền sự, chi ly tiếu thử thân, đêm nay tôi bồi hồi tưởng nhớ những ngày xưa chúng ta làm việc cùng trong một tòa soạn nhật báo ở giữa lòng thành phố Sài Gòn của chúng ta, những sáng sớm đến tòa soạn lúc 5 giờ khi đất trời còn đen kịt, những buổi trưa ra khỏi tòa soạn lúc 12 giờ trời nắng chang chang. Ngày tôi rời Tiền Tuyến, Đại tá Vũ Quang đãi tiệc từ biệt tôi ở nhà hàng Victoria, tặng tôi cái máy chữ Brother dấu tiếng Việt, cái máy chữ đầu tiên trong đời tôi, tôi bắt đầu viết bằng máy chữ từ đó.
Tôi nhớ một ngày năm 1982 tôi đi mua thuốc lào ở Ngã Ba Ông Tạ, khu trước nhà Dây Thép Gió, để gửi cho bạn, năm ấy tôi không biết bạn đang tù ở đâu, Thanh Tâm Tuyền đã về, chỉ cho tôi tới nhà bà chị của bạn ở đường Trần Hưng Đạo, nhờ gửi quà cho bạn.
Chúng ta gặp lại nhau ở Sydney sau hai mươi năm xa cách – tôi ăn bữa ăn cuối cùng với bạn trước ngày 30 tháng Tư 75 ở Biên Hòa, bạn đãi tôi, hôm ấy tôi lên Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 5 xin gặp Trung tướng Tư Lệnh Phạm Quốc Thuần để xin một cái pha-vơ gì đó, năm ấy Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn có ông Đại tá Đoàn Bội Trân (nghe nói ông đã mất trong trại cải tạo, tôi nhớ hôm gặp ông cuối cùng ấy ông nói: “Đừng sợ. Việt Cộng nhiều lắm chỉ là một triệu thằng, mình cả chục triệu chống cộng, chúng nó thắng mình thế nào được”). Chúng ta gặp lại nhau ở nhà Nhất Giang, nhà Hồ Ông ở Sydney, những đĩa tiết canh vịt tiết dầy ba phân, thịt cá sấu, bà chị Thiếu Mai, bạn Đức, các bạn Gia Du, Vi Túy, Nguyễn Đình Khánh, ông bạn già Philip Tống Ngọc, các bạn báo Việt Luận, các bạn y sĩ Sydney, bạn Quang Hoa…
Năm 1975, bạn và Văn Quang là Trung tá, tôi chắc nếu không có gì xẩy ra thì năm 1980 bạn mới 50 tuổi, Văn Quang mới 47 tuổi, có thể các bạn là Đại tá, và năm 1985 biết đâu tôi lại chẳng có dịp mày tao với một ông Tướng của quân đội ta, như Thiếu tướng Văn Quang, Thiếu tướng Phạm Huấn chẳng hạn. Biết đâu đấy!

(Còn tiếp)

* PHỤ ĐÍNH:
KÝ SỰ TÙ CỦA PHAN LẠC PHÚC

Trời Sydney năm nay lạnh hơn mọi năm. Đêm đông buốt giá, phải trở dậy kiếm cái heater. Mở đèn lên, nhìn ra ngoài vườn, sương đêm đã đọng thành một màn băng mỏng.
Nhìn màn băng mỏng trên sân, ký ức tôi bỗng trở về cái lạnh buốt xương năm 1976, khi tù cải tạo miền Nam năm đầu tiên ra Bắc. Tụi tôi được “chiếu cố” cho ở Sơn La, địa danh nổi tiếng “Nước Sơn La, ma Vạn Bú”. “Sơn La âm u, núi khuất trong sương mù”. Tù cải tạo thuộc trại 1, liên trại 2 được phân ra ở trong trại tù Sơn La thời Pháp thuộc. Sau nhiều cuộc biến thiên, nhất là sau vụ ném bom miền Bắc, các trại tù này đã đổ nát, chỉ còn lại cái nền xi măng. Nhà tù đã đổ bây giờ được che tạm bằng ni lông, hoặc lợp bằng tranh mỏng. Sơn La là miền cao nên lạnh sớm. Mới tháng 11 gió bấc đã lồng lộng thổi về. Đến cuối tháng 12, lạnh vào cao điểm… Chậu nước để ngoài sân, qua đêm đã đọng thành băng mỏng bên trên.
Tù thì nóng cũng khổ, lạnh cũng khổ. Nhưng nóng thì đôi khi còn trốn được. Tạt vào một lùm cây hoặc là tạm ngâm mình xuống ao, xuống suối. Còn lạnh thì không trốn vào đâu được, nó theo mình suốt ngày, suốt đêm. Nhất là anh em trong Nam ra cứ yên trí là “học tập một tháng”, nên quần áo đem đi làm gì nhiều cho nặng. Ra ngoài Bắc đụng cái buốt giá của mùa đông thượng du miền Bắc, thêm mưa phùn ẩm ướt nên cái lạnh lại càng thấm thía. Ban đêm cái nền xi măng trong nhà tù nó lạnh như nước đá, mặc đủ thứ áo quần hiện có mà vẫn lạnh, mặc cả áo mưa đi ngủ, có anh chui vào một cái bao tải vừa kiếm được mà vẫn cứ run. Hóa ra cái lạnh ở ngoài vào thì ít mà cái lạnh ở trong ra thì nhiều. Cái lạnh vì đói cơm nhiều hơn cái lạnh vì thiếu áo.
Hồi đó nằm cạnh bên tôi là hai người bạn tù cùng trong đội rau… Một ông nguyên là dân Thiết Giáp, một ông nguyên là Thượng Ttọa (giám đốc nha Tuyên Úy Phật giáo). Ông Thiết Giáp trước đây vốn là một tay hào hoa rất mực. Ông thuộc loại “Tây con”, học trường danh tiếng Saumur, đánh giặc rất chì, ăn chơi rất bảnh… Đôi lần tâm sự vụn, ổng rút trong ngực áo ra có tấm ví có hình một bà rất đẹp, rất mignonne mà khẽ nói “bà xã moi”. Đôi mắt đục và nhăn vì đói lạnh của ông chợt sáng lên khi nhìn lại hình ảnh vợ. Mới đây ổng vừa nhận được một gói quà 1kg đầu tiên từ trong Nam gửi ra. Ông hy vọng lắm vì có người nhận được ít thịt khô, ít ruốc chà bông. Gói quà của ông, xem đi xem lại mãi chỉ có một cái áo lạnh và đặc biệt có hai cái quần slip màu hồng nhạt, chắc là của phái nữ. Tôi không tiện tò mò, hỏi han về việc riêng của bạn nhưng tôi chắc bà xã của bạn phải yêu thương lắm, phải lãng mạn lắm mới gửi món quà để “tưởng nhớ một mùi hương” như vậy. Đôi khi rảnh rỗi, ông bạn tù hàng xóm của tôi lại khẽ giở món quà đặc biệt ra hồi tưởng…
Trước đây ông bạn tôi thường hút Lucky. Đi cải tạo ông mang theo một cái pipe Dunhill và vài hộp thuốc Half and Half. Nhưng đã lâu rồi hết thuốc hút pipe, ổng cũng như mọi người khác hút thuốc lào. Quá nửa đời người rồi mới biết cái hấp dẫn của thuốc lào. Nhất là mùa rét, sáng sớm tinh mơ ngồi dậy, hút một điếu đầu tiên trong ngày, cho nó say lơ mơ quên trời, quên đất, quên cảnh lên voi xuống chó, quên luôn cảnh lưu đày tù tội. Ôi phút tuyệt vời… Thuốc lào hấp dẫn như vậy nên trong tù đã có thành ngữ “Có thuốc lào là có tất cả”. Nhưng ở miền Bắc cái cần thiết nhất là gạo, ăn còn không đủ thì lấy đâu ra thuốc lào cho tù. Đành trông chờ vào quà của gia đình gửi tới. Nhưng trong những chuyến gửi quà đầu tiên, có mấy ai được nhận thuốc lào. Thuốc lào thành của hiếm… Ở trong tù cái gì thiếu cũng chấp nhận được, nhưng thiếu thuốc lào là một thiếu thốn rất lớn lao. Thuốc lào không những làm quên hiện tại mà thuốc lào còn là dấu móc để người tù cải tạo thêm kiên nhẫn đi tiếp cuộc đời tù dằng dặc. Trong trại không có ai có quyền đeo đồng hồ. Đồng hồ cũng như những đồ tùy thân có giá phải gửi ở trại. Ngày ngày đi làm, cuộc sống khổ sai nhọc nhằn, đời tù hun hút, thời gian mịt mờ.
Trong khi đó quy định của trại giam cứ một tiếng rưỡi đồng hồ lao động là có “kẻng” nghỉ 10 phút “hút thuốc, uống nước”. Điếu thuốc lào ở trên một cái đích gần gũi để người tù vươn tới, một đoạn đường dù ngắn nhưng sắp đến nơi. Nó cũng là một an ủi nhỏ sau hơn một giờ cực nhọc. Vì vậy nên dù khó kiếm, dù đắt đỏ, cũng không ai muốn bỏ thuốc lào. Những tay có thuốc lào thấy vậy nên càng ngày càng lên giá. Một phần ăn sáng (một phần tư chiếc bánh mì luộc) trước đổi được 5 điếu thuốc lào, sau xuống giá còn 3, rồi còn 2 điếu… Người ta sẵn sàng quên đi cái đói để đổi lấy một vài phút say quên.
Anh bạn tù hàng xóm của tôi, nghiền thuốc lào quá nặng, rét đến nơi mà không thuốc hút. Anh liền lấy cái pipe Dunhill nổi tiếng của Ăng lê ra đổi thuốc lào. Được chừng 10 hôm là hết thuốc. Có người mách lấy lá ngải cứu phơi khô thái nhỏ hút vô nghe được lắm. Anh bạn tôi nghe lời, phơi đi phơi lại lá ngải cứu trộn thêm với nước điếu và một chút nước mắm, một chút đường. Hôm hoàn thành thuốc lào ngải cứu, anh có mời tôi hút thử, cũng thấy say say nhưng không êm bằng thuốc lào, mà rát cổ họng. Ông bạn tù Thượng tọa mới bảo rằng không nên hút cái giống ấy, hao người, hao phổi. Nhưng anh bạn tôi thèm thuốc quá cứ hút thuốc ngải cứu cho đỡ thèm. Một hôm, vừa hút xong, chưa kịp đặt cái điếu cày xuống, máu mũi anh đã chảy ròng ròng.,..
Mùa đông đầu tiên ngoài Bắc, anh bạn tù hào hoa một thuở của tôi vừa đói, vừa lạnh, vừa thèm thuốc. Theo anh thì mùa lạnh ở Việt Nam khó chịu hơn bên Tây nhiều mà lạnh nhất là hai cái tai. “Nhiều khi tôi cứ tưởng hai cái tai lạnh cóng của tôi nó rụng mất rồi”. Anh vừa nói, vừa run lập cập. Một buổi tối trời vừa lạnh, vừa mưa, lán lợp giấy nilong, nước mưa giột tí tách, anh bạn tù của tôi chợt có sáng kiến mới. Anh lấy chiếc quần slip của vợ gửi cho chụp lên đầu, kéo sụp xuống tận mí mắt, che kín hai tai. Trong cái chập choạng của một ngọn đèn dầu hỏa, tôi thấy anh “không giống ai”, mà trên thế giới này chắc không thể có một cái mũ, cái nón nào ly kỳ đến vậy. Anh nhếch một nụ cười, vừa hài lòng vừa ngượng ngập và khẽ nói: “Cho nó ấm hai cái tai mà đỡ nhớ thương vợ con, ông ạ…”
Dạo ấy, tù cải tạo còn thuộc quyền quân quản, thuộc Bộ quốc phòng, chưa thuộc Bộ nội vụ. Quân đội trông nom tù, chưa phải công an. Anh em chưa phải vào các trại tù mà ở trong các lán, có dây thép gai bao quanh và bộ đội canh gác ở ngoài. Buổi tối chưa có lệ vào phòng giam, xích cửa lại, gióng sắt đưa lên giam tù trong đó suốt đêm, sáng mai mới tháo xích, mở cửa, ăn uống, ỉa đái trong đó luôn như các trại tù công an sau này. Nhưng mỗi tuần vài ba lần thế nào quân đội Vi Xi cũng có kiểm tra đột xuất, mà kiểm tra thường vào ban đêm. Nghe tiếng còi gắt gỏng rít lên là anh em phải vội vàng trở dậy, mắt nhắm mắt mở chạy ra sân đứng xếp hàng 2 để cho cán bộ kiểm soát. Anh “lán trưởng” sau khi kiểm lại số người trong lán, đứng nghiêm báo cáo.
– Báo cáo cán bộ, lán 4 trại 1, 30 người đủ.
Tên Thượng úy chính trị viên cầm đèn pin, đứng cạnh một anh lính mang AK tùy tùng, hất đầu ra lệnh:
– Được, cho vào.
Tù hàng hai lần lượt kéo nhau vô lán. Anh bạn tù Thiết Giáp của tôi đang giở thức giở ngủ nên lật đật cứ đội nguyên cái “mũ” không giống ai ra xếp hàng. Khi anh vừa đi qua tên Thượng úy, chợt có tiếng giật giọng:
– Anh kia đứng nại.
Tất cả anh em vô lán hết, chỉ còn NVP Thiết giáp đứng co ro ngoài cửa. Anh em lắng nghe cuộc đối thoại bên ngoài:
– Cái này là cái gì?
– Dạ… cái quần…
– Ở đâu ra?
– Vợ tôi gửi cho tôi.
– Tại sao mà anh nại đội cái quần của vợ anh…
– Tại trời lạnh quá… mà không có mũ…
– À, anh này bôi bác chế độ. Anh tên gì? Mai nên nàm việc…
Tên Thượng úy Vi Xi này anh em trong trại đặt tên là “Thượng úy không no”. Tuần nào sáng thứ Hai, y cũng lên lớp anh em về mọi thứ chuyện trên trời, dưới biển. Nói thì ngọng líu, ngọng lo, “l” đánh ra “n” nhưng lúc nào cũng thở ra giọng “đỉnh cao trí tuệ”. Một hôm trong đề tài “an tâm học tập, cải tạo” y ta lên tiếng: “Các anh không no, gia đình các anh không no, nhân dân không no, đã có đảng và nhà nước no”. Mọi khi, y ta nói trời trăng mây nước gì, tù cũng cứ ậm ừ, coi như gác bỏ ngoài tai. Bữa ấy, khi vừa nghe y nói tới đó, đám bạn tù cải tạo bỗng phát lên một trận cười rầm rĩ cũng với tiếng vỗ tay vang dậy. Y ta tưởng bở, lại càng đỏ mặt tía tai lên mà nói tiếp…
Nhưng sau này không biết có tên “thối mồm” nào đó mới lý giải cái cười rôm rả và tiếng vỗ tay không ngớt của tù cải tạo cho y. Y ta giận lắm. Giận lắm nên y hành hạ anh em tù sát ván. Một anh bạn tù đói quá, nhổ trộm khoai mì (sắn) mọc trên sườn non. Trước đây, cái tội như thế này chỉ bị cảnh cáo trước đội, rồi viết kiểm điểm “rút kinh nghiệm” là xong. Kỳ này, chính trị viên “không no” liền nhốt anh bạn nhổ trộm sắn 1 tuần vào trong cái cũi dây thép gai, một kỳ công của đỉnh cao trí tuệ. Đây là một túp lều, nhưng một túp lều quây bằng dây kẽm gai. Không có tường mái, chỉ có một tấm bạt được coi như mái lềụ Ở trong dây thép gai quấn ngang dọc, chằng chịt cao thấp. Người vô ở trong đó phải cẩn thận lắm không thì bị gai cào rách lưng, rách mặt, đặc biệt là ngồi không được vì thấp quá, nằm cũng không được vì không đủ chỗ. Lúc nào cũng phải nửa nằm, nửa ngồi cứ lom khom, lom khom…
Chính trong thời điểm này anh bạn tù Thiết Giáp của tôi lên gặp “y ta làm việc”. Khi về NVT mặt mũi chảy dài. Anh cho hay là cán bộ “không no” tuyên bố không cho anh đội cái mũ “thiếu văn hóa” ấy nữa. Anh phải làm kiểm điểm “hứa trước đảng và nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh lệnh của cán bộ”. Buổi tối, bên ngọn đèn dầu tuôn khói mịt mù, anh bạn thiết giáp của tôi thở phào phào ngồi viết kiểm điểm, vừa viết vừa run vì đói lạnh, vì không có cái mũ che tai… Chợt ông bạn hàng xóm bên phải của tôi là Thượng tọa Thích Thanh Long (nguyên Giám đốc Nha Tuyên úy Phật giáo) từ từ lên tiếng:
– Đừng có lo, rồi đâu có đó…
Nói xong, ông khẽ lục trong đám quần áo của ông lấy ra một tấm áo nâu dài, tấm áo “Thượng tọa” của ông mà đưa cho ông Thiết Giáp.
– Hãy cứ quấn cái áo này lên đầu cho ấm… Rồi ta tính…
Chúng tôi, ông Thượng tọa, ông Thiết Giáp, và tôi, là 3 người trong số 1 tổ “tam tam” trong đội rau. Ba người chúng tôi phụ trách một khu rau ở bên bờ suối, cạnh bệnh xá và khu B dưới gốc cây lim già… Chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm… nên hiểu nhau nhiều lắm. Được làm với ông già này là một điều may mắn lớn. Vì ông Thiết Giáp với tôi, từ xưa đến giờ đâu có biết cày cuốc, trồng rau trồng củ ra làm sao đâu. Ông già Thượng tọa chỉ vẽ cho chúng tôi hết thảy. Từ cách cầm cái cuốc, cái thế đứng khi cuốc phải như thế nào? Cuốc hùng hục “như trâu đánh mả” như tôi là không được. Cuốc như thế là “cuốc lật” dành cho việc cuốc ruộng, cuốc vườn. Ở đây trồng rau thì cuốc phải “đầm”, nhẹ nhàng, từ tốn như mưa dầm, mưa lâu thấm đất. Cuốc hùng hục như tôi thì sức đâu mà cuốc cả ngày cả buổi. Ông cụ còn chỉ cách sử dụng các loại cuốc thật nhỏ, chỉ lớn hơn cái bay thợ nề một chút thôi. Rồi còn ủ phân, pha nước tiểu, tưới bón, trồng trọt… Mỗi loại rau, mỗi thời kỳ đều tưới bón khác nhau, lúc nhỏ tưới bón khác, lúc lớn phải bón thúc lại khác. Bây giờ chúng tôi đang trồng rau cải ngồn ngộn, những trái su hào no tròn… Đi tưới nước giữa hai hàng cây cải tốt tươi, tiếng vòi nước hoa sen dội vào lá cải nghe rào rào, ông cụ ung dung làm việc, thần thái an nhiên. Ngoại cảnh hình như không ảnh hưởng được đến ông cụ. Ông giống như một ông già nhà quê thuần hậu, quanh quẩn bên cây lá trong vườn. Ông hình như không lo, không sợ cái gì. Ông nói ít, cái câu thường thấy ở ông cụ là: “Đừng có lo, rồi đâu có đó”…
Để cho cái việc của ông bạn Thiết Giáp “đâu có đó” đối phó với anh thượng úy “không no”, ông cụ Thanh Long một ngày Chủ nhật sau đó liền cắt cái vạt áo dài nâu “Thượng tọa” của ông lấy vải may cho ông bạn Thiết Giáp một cái mũ đội đầu. Bàn tay già nua run rẩy (năm ấy 1976 ông cụ đã 63 tuổi) đường kim mũi chỉ cũng thô sơ vụng về, nhưng ông bạn Thiết Giáp đón nhận cái mũ mà rưng rưng xúc động. Ông cụ đã cắt chiếc đạo y ra may mũ. Ai cũng tiếc chiếc áo dài theo ông cụ đã lâu, chắc mang nhiều kỷ niệm tu hành của một vị cao tăng, nhưng ông cụ chỉ cười xòa mà nói: “Thì nó cũng chỉ là cái áo…”
Đã lâu lắm rồi, người địa phương ở Sơn La nói vậy, mới có năm quá lạnh như năm nay. Đúng là “giậu đổ bìm leo”, vào cái lúc mà tù cải tạo ra Bắc, lại đụng ngay một trận rét kinh hồn… Mà xưa nay cái lạnh và cái đói có nó có liên hệ “hữu cơ” với nhau. Càng đói thì càng rét – mà càng rét thì càng đói. Anh em ta đã có người “nằm xuống” vì đói lạnh. Vũ Văn Sâm (Thục Vũ, viết văn, làm nhạc) chết đêm 16 rạng 17 tháng 11 năm 1976 bên bịnh xá, sau cơn gió mùa đông bắc đầu tiên. Đến đầu tháng Giêng 1977 (không rõ là ngày 3 hay 13 tháng Giêng, tôi nhớ không được kỹ lắm) Ngô Quý Thuyết tòa án quân sự vùng 4 cũng đi luôn, đi rất êm đềm, rất lặng lẽ. Sáng ra không thấy anh ta dậy nữa, lay chân gọi dậy thì người đã lạnh cứng từ lúc nào rồi. Trong tờ khai của đội trưởng đội của anh NQ Thuyết, có nói rằng “Anh NQ Thuyết được đội cử nuôi heo, anh đói quá nên thường ăn vụng cám heo. Chắc là bị ngộ độc nên đã chết”.
Ở xứ thượng du này có cái rất sẵn là đá và cỏ. Những bữa trời quang mây tạnh, trèo lên núi kiếm lá về ủ phân, thấy bát ngát toàn núi là núi. Những chỏm núi gần xa, chập chùng ngút mắt trông giống y như một màng lưới bao la mà mỗi ngọn núi là một mắt lưới. Sơn La: lưới núi. Hay thật, đúng y như thế thật. Tù mà ở trong cái lưới núi này thì chạy đi đâu cho thoát. Vì nhiều núi nên có nhiều loại đá. Một bạn tù trẻ tuổi ở khu B bên cạnh, Vũ Xuân Th. tay biệt kích dù mũ xanh kiệt hiệt có khá nhiều tài: đóng ciné, điêu khắc, vẽ, đánh bóng chuyền có hạng, mưu sinh kỳ tài… Bây giờ Vũ Xuân Th. kiếm ăn lần hồi những khi rảnh rỗi bằng cách chọn đá marble về gọt thành nõ điếu hút thuốc lào. Nõ điếu made in Vũ Xuân Th. thì khỏi nói, vừa đẹp vừa có khắc hoa, khắc chữ (theo yêu cầu) vừa kêu ròn rã không thể tả. Giá rẻ thôi: một ký sắn hay 2 cục đường tán 1 cái. Tôi và Vũ Xuân Th. là chỗ “bồ tèo” nên Vũ Xuân Th. có tặng một cái nõ điếu tuyệt vời: rất kêu (cái này là dĩ nhiên rồi) mặt trước có khắc nổi hình một con diều hâu đậu trên cành thông, một bên là một đóa hoa hồng, một bên nữa là khắc năm tháng… Khi đem tặng cái nõ điếu, Vũ Xuân Th. mới “bốc láo” rằng: “Một đóa hồng cho đại bàng cô đơn đây”. “Đại bàng đại biếc gì nữa ông ơi, đáng lẽ ông phải khắc một con quạ già mắc bẫy”.
Trong khi đó ông bạn già Thượng tọa của tôi cũng đi kiếm đâu được mấy mảnh đá dài dài. Lúc nào rỗi rãi lại thấy ông cụ ra bờ suối mài mài, đục đục…. Một hôm tôi thấy trong lều dụng cụ của tổ rau tụi tôi, hình dạng hai tấm bia đá thô sơ có khắc tên “Vũ Văn Sâm, mất ngày…”, “Ngô Quý Thuyết mất ngày…” Tôi nhấc tấm mộ bia lên, nhìn ông cụ? Ông cụ ngó mông ra khoảng rừng núi chập chùng mà nói: “Thì cũng mong đánh dấu được vài nắm xương tàn”.
Một sáng mùa đông vào khoảng nửa buổi, tôi đang lặc lè 2 thùng “ô doa” (arrosoir) tưới nốt cho khoảng vườn rau trước mặt, gần nhà bếp khu B thì bỗng có tiếng gọi khe khẽ, khẩn trương:
– Này, này…
– Ai đấy?
– Vũ Xuân Th. đây.
– Làm gì đấy?
– Bữa này làm “chảo trưởng”. Thổi cơm nhà bếp. Ăn cháy không?
Tại sao mà bạn ta hôm nay lại hỏi một câu “thừa thãi” như thế nhỉ. Tôi và Vũ Xuân Th. đều là dân “volley”. Tôi thì già rồi còn Th. thì đang sức. Trong làng “bóng chuyền” tụi tôi, mỗi khi mà cây nêu lỡ tay nêu sang lưới bên kia thì dân bóng chuyền kêu bằng “cơm nắm cho tù”, nghĩa là đối phương được biếu không một trái banh ngon lắm, bổ lắm, chắc ăn lắm, ít khi có lắm. Bây giờ chúng ta là tù “chính cống bà lang trọc” rồi, đói lòi xương, vàng mắt mà lại còn hỏi “có ăn cháy không?”. Chừng như nhận ra sự vô duyên của mình, Vũ Xuân Th. vội nói:
– Chạy ra góc vườn lấy mảnh lá chuối lại đây.
– Có ngay.
Sau đó từ cái lỗ mắt cáo của hàng rào nhà bếp khu B, qua đám lá duối và dây leo bìm bìm, tôi nhận được từ bạn ta Vũ Xuân Th. một cái gói lá chuối âm ấm, nóng nóng. Để ngay cái gói này áp sát vào bụng, mà đi về dưới gốc lim già bên bờ suối, nơi cái lều nhỏ của tiểu tổ chúng tôi.. Ôi chao, cái làn da bụng lép kẹp của tôi đang được sưởi ấm, đang được phỉnh nịnh. Cái may mắn này ít khi có lắm. Tôi phi về như bay. “Tây con” Thiết Giáp thấy tôi mặt mày tươi rói liền ngẩng đầu lên hỏi:
– Cái gì mà hí hửng thế?
Tôi bước vô lều, nhìn trước nhìn sau, rút từ trong bụng ra gói lá chuối còn tươm khóị Mở ra, miếng cháy vàng rộm, nóng hổi, đang bốc hơi.
“Tây con” sáng mắt ra, vội hỏi:
– Ở đâu ra thế?
Tôi chỉ sang khu B mà khẽ nói:
– Bạn vừa cho…
Tôi để phần ông cụ một miếng, ông cụ đang bận tay ngoài chỗ “cây giống”. “Tây con” và tôi chia nhau miếng cháy nóng, vừa ăn rau ráu vừa hít hà. Từ sáng đến giờ, mỗi đứa chúng tôi xách ít ra cũng hàng trăm đôi nước, chân tay, mình mẩy rã rời, bởi vì buổi sáng có cái gì vào bụng đâu. Dạo này hết bột mì cứu trợ rồi. Cái gọi là “bữa sáng” chỉ là một chén cháo bột khoai mì loãng đầy mùi hôi mốc. Không ra đâu vào đâu. Mùa lạnh nước suối cạn, phải lần xuống dưới lòng suối mới múc được nước. Leo lên bao bậc đá trơn, tay xách đôi thùng tưới, miệng thở dốc, sức cứ oải dần, tay chân càng lúc càng nặng trĩu, nhấc không muốn nổi. Trời thì lạnh và ẩm. Cái rét thượng du miền Bắc rất thấm, rất sâụ Người Bắc kêu bằng rét ngọt. “Cái ngọt nó lọt tận xương”, lại thêm xách nước nên áo quần thấm nước suối. Cái lạnh bên ngoài cái đói bên trong nó hành mình tơi tả. Đang khi sức cùng lực kiệt, đầu váng mắt hoa như thế thì có miếng cháy nóng này…”Ôi món quà từ trên trời rơi xuống”. Chưa có món bánh mì nào trên thế giới có thể sánh được với miếng cháy.
Ông cụ ăn từ tốn, không có ào ào như tụi tôi. Ông cụ làm còn nhiều, còn mạnh hơn tụi tôi nữa mà hình như ông già không thấy mệt mỏị Lúc nào cũng nhẩn nha, lững thững mà việc gì cũng xong. Ông cụ vẫn nói “từ lúc nhỏ đi tu ở nhà chùa…. thì tôi vẫn làm lụng như thế này, cũng dưa cà như thế này… chỉ tội nghiệp các ông…” Ông cụ chỉ vẽ cho chúng tôi cách làm vườn, trồng cây, bón tưới… Những công việc gì khó khăn, vất vả ông cụ giành lấy mà làm. Như cái món lấy phân bắc (phân người) về ủ, ông cụ cũng tự tay làm lấy. Hôm nay, sau khi ăn miếng cháy xong, ông cụ khẽ nheo mắt, tay giơ một nhúm thuốc lào mà nói “hút đi”. Thuốc lào thật, dẻo quánh, thơm nồng, đâu phải thuốc lào “ngải cứu” hay thuốc lào “lá cải khô”.
– Hút luôn hở cụ. Hay là xái nhì, xái ba?
– Hút luôn đi.
Trong cái lúc thuốc lào khan hiếm như lúc này, nếu có thuốc lào thật, đâu có dám hút luôn cả điếu. Phải hút xái nhì, có khi xái ba, tức là một điếu thuốc mà hút 2 hay 3 người. Người thứ nhất châm lửa, rít một hơi, người thứ 2 rít một hơi, rồi người thứ 3 hơi cuối cùng. Người nào mà được hút cuối cùng là “đặc biệt”, vì được hưởng cái hậu, được rít kêu lóc cóc… Hôm nay, trúng số rồi. Vừa được ăn “bữa lỡ”, lại có thuốc lào thật rít thẳng tay. Tôi hút xong điếu thuốc lào mà say lừ đừ. Từ mấy bữa nay, hôm nay mới có thuốc lào thật. Còn toàn hút thuốc lào “lá cải già tẩm nước điếu phơi khô”. Ăn xong, hút xong thấy đời sáng láng, phơi phới. Tôi liền tà tà đi ra gần chỗ nhà bếp, đằng hắng lấy giọng mà thưa với bạn ta rằng:
“Tương phùng được buổi hôm nay… Trùng phùng lại nhớ giờ này hôm sau”.
Tôi nghe thấy tiếng cười rinh rích rồi Vũ Xuân Th. vừa cười, vừa nói vọng ra:
– Được rồi, hiểu rồi… ông nội … Cứ khoảng giờ này ngày mai ông lại tới đây… Nhưng mà khéo léo đấy nhá.
Thế là cứ vào khoảng nửa buổi, 9 giờ rưỡi 10 giờ sáng những ngày sau đó, mỗi khi thấy bạn tôi “chảo trưởng” ra cơm, tiếng xẻng khua xuống chảo gang kêu xoèn xoẹt, là tôi lại lững thững giả vờ bắt sâu bọ, bên bụi ruối… rồi lĩnh từ tay bạn ta một gói cháy vừa chín tới mang về…
Nhưng cái thời gian “bồi dưỡng” này không được bao lâu. Chừng hơn nửa tháng sau, bạn tôi Vũ Xuân Th. đã rời khỏi nhà bếp, ra làm công việc khác. Nguồn tiếp tế của tụi tôi bị cắt. “Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí”, bạn Thiết Giáp NVP của tụi tôi cũng điều sang đội chăn nuôi. Cái khu rau này, thượng úy “không no” tuyên bố: “Chỉ cần 2 người cũng đủ. Các anh khắc phục”. Công việc 3 người làm trước đây đã “bá thở” bây giờ còn lại có 2 người. Ông cụ gần như bao giàn hết công việc cũ của NVP nhưng tôi vẫn phải làm thêm. Nhưng điều đáng phàn nàn là trong thời gian bồi dưỡng vừa qua cái bao tử của tôi nó bắt đầu quen ăn “bữa lỡ” hồi 9, 10 giờ sáng rồi. Bây giờ “ăn quen nhịn không quen” cứ nửa buổi là tôi phờ phạc, đói mịt mờ, cất chân, cất không muốn nổi. Thấy tôi rũ rượi như “gà chết” ông cụ một bữa nhìn tôi rồi chắt lưỡi: “Đừng có lo…” Ông cụ cầm con dao, xách cái bị cói phăng phăng, chừng nửa giờ sau ông cụ về, đặt phịch cái bị vào trong bếp. Trong cái lều nhỏ của tụi tôi, lúc nào bếp cũng cháy lim dim, vừa để đun nước, hút thuốc vừa để sưởi những lúc nghỉ tay… Bây giờ ông cụ quạt lửa lên, lấy mấy củ sắn ở trong bị ra bỏ vào bếp nướng. Ông cụ bảo tôi ra ngoài coi “động tĩnh”. Tôi lại bắt đầu mừng vì có đồ ăn, nhưng lại ghê vì tôi biết ông cụ vừa lên trên đồi lấy sắn của trại. Ở các trại tù hoặc các nơi đóng quân của Vi Xi, ở chung quanh thế nào cũng có một số đất đai thống thuộc. Ở vùng đồng bằng hoặc trung du thì trồng lúa, trồng ngô khoai trồng trà, trên thượng du như Sơn La này thì trồng sắn, trồng ngô, trồng mía. Thứ sắn lưu niên để từ năm này sang năm khác, coi như là nguồn lương thực dự trữ. Đây là thứ cây lương thực dễ trồng nhất trong thiên hạ. Nhổ cây sắn lên lấy một chùm củ. Xong rồi cứ cây sắn ấy, lấy dao chặt một gang tay, phải có ít nhất là 3 mắt. Cuốc một nhát cuốc hay lấy dao đào lên, nhét một cái hom lên trên mặt đất. Cứ thế là chừng năm sau, mỗi cái hom lại thành một cây sắn, lại cho một chùm củ. Đất tốt thì củ lớn, đất xấu thì củ nhỏ. Trong những thứ lương thực ở trại tù miền Bắc, sắn được xếp vào hạng bét. Chỉ tiêu, cân đo, đong, đếm của lương thực là 1 gạo ăn 2 ngô, hay là 3 khoai, hay là 4 sắn. Dù là hạng bét nhưng đối với tù đói nhăn răng, nó vẫn là rất quý. Tù mà động đến sắn, ngô, khoai của trại… là xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa”. Nhất là trong khi thượng úy “không no” cứ như cái bóng ma, lúc ẩn lúc hiện, chuyên môn rình rập theo dõi anh em. Đó là nghề của hắn.
Tôi có một anh bạn cùng khóa, NKB xưa nay tính tình “nhà binh” cho đến tận kẽ răng. “Reglo” số 1, việc làm răng rắc quần áo là ủi thẳng tắp, giầy botte de saut bóng láng, huy chương đeo một dề, xe díp bóng ngời nệm trắng tinh tươm. Đi cải tạo ra Bắc bây giờ bạn tôi, không biết vì không hợp thủy thổ hoặc đói khát ra sao mà răng rụng hết, thành một ông già móm xọm. Nhưng bạn tôi lại thèm đường thèm mật quá. Ở gần khu trại mộc của đội anh có một khu trồng mía. Mía cứ bị bẻ trộm hoài, thượng úy “không no” rình rập mãi mà không bắt được ai. Một bữa, thượng úy thấy thấp thoáng bóng người trong ruộng mía liền nhảy ra bắt giữ. Gặp ông bạn móm xọm của tôi.
– Anh vào đây nàm gì? Ăn trộm mía phải không?
– Tôi đi kiếm rau “tàu bay”, tôi đâu có ăn trộm mía.
– Không ăn trộm mía vào đây để làm gì?
Anh bạn tôi liền há mồm ra, chỉ vào hai hàng lợi không răng mà phều phào nói:
– Tôi đâu còn răng mà ăn mía.
Thượng úy “không no” thấy vậy, không còn bắt bẻ vào đâu được nữa nên vùng vằng bỏ đi. Nhưng y ta nhất quyết bắt cho bằng được người ăn cắp mía. Một bữa không biết y ta đến từ bao giờ, cải trang ẩn dạng ra sao mà ông bạn móm của tôi vào chặt một cây mía là bị y ta bắt được ngay tại trận. Y rất bằng lòng về chiến công “bắt trộm” của mình. Bạn tôi quá thiếu chất đường (cũng như hầu hết các tù cải tạo thèm chất ngọt và thèm mỡ) nên thường lén vô ruộng mía, đem dao chặt vội một vài đẫn, nhét vào người mang về. Lấy dao dóc mía, chẻ mía ra từng miếng nhỏ đưa vào miệng không răng mà nhần, mà ngậm. Nó cũng khỏe lên được phần nàọ Còn vỏ mía thì phải chôn xuống đất ngoài vườn.
Ngay bữa bắt được kẻ trộm mía, thượng úy “không no” liền biểu diễn quyền uy của mình bằng cách khác; không có giam tội nhân vào cái cũi dây kẽm gai mà y bắt ông bạn không răng của tôi cầm nguyên một cây mía đứng riêng ở ngoài cổng trại. Y ta nói: “Hãy nhìn cho kỹ đi, thượng cấp của các anh đấy”. Anh em đi làm về đều thấy ông bạn tù gì, cầm cây mía đứng lom khom, cúi mặt không dám nhìn ai. Ai cũng thương anh… đồng cảm với anh vì đi tù cải tạo trăm người như một đều phải “cải thiện” cách này, cách khác. Con người “một động vật xã hội”, nên “đói là đầu gối phải bò”. Thế thôi, chả ai coi thường, chả ai bỉ thử anh đâu. Nhưng tôi biết, bạn tôi vốn trọng phép tắc lễ nghi nên bạn tôi đau lắm.
Do vậy nên bây giờ thấy ông bạn già Thượng tọa đi lấy trộm sắn về cho tôi ăn vì tôi thèm quá, đói quá, tôi vẫn cứ ghê ghê trong bụng. Thượng úy “không no” mà bắt được, không biết y ta sẽ hành hạ mình cách nào đây? Nhưng sợ bị bắt là cái lo xa. Còn đói cồn cào ruột gan là cái lo gần. Thế thì ta hãy cứ ăn cái đã. Đang đói bụng mà lại có sắn lùi bếp than thì nhất thế giới rồi. Tôi cứ chạp thẳng cánh. Ông cụ đi lấy sắn, nướng sắn mà ông cụ có ăn bao nhiêu đâu. Tôi ăn phần lớn. Và sau đó cứ vào khoảng 9, 10 giờ sáng, tưới bón xong là ông cụ xách cái bị đi ra. Lúc thì sắn lúc thì khoai, lúc thì củ giong… Tôi cứ có ăn đều đặn.
Bạn “Tây con” Thiết Giáp NVP phải đổi sang đội chăn nuôi, trong cái rủi lại có cái may. Bên ấy có công tác lên rừng đẵn cây chuối hột về cho heo ăn. Được ra ngoài thuộc “diện rộng” đi xa xa, gặp được “đồng bào” nên mới có cơ hội kiếm ăn, đổi chác. Vắng mặt tên quản giáo, len lén đem được một cái quần tây, một cái ao pull, một cái kính, một cái bật lửa… đem “quy ra thóc” lấy xôi, lấy cơm mắm… hoặc “quy ra thuốc” lấy thuốc lào… đều được cả, thành ra tụi tôi dạo này có vẻ “phong lưu” hơn trước.
Một bữa lấy sắn về ông cụ đang ngồi trong lều, quạt đang đều tay, sắn đã bắt đầu chín bốc mùi thơm ngậy, tôi đã chực sẵn đến giờ ăn, thì bỗng có tiếng động nhẹ đằng sau. Tôi quay lại thì thấy đôi ủng màu đen đã đứng sau lưng tự lúc nào rồi. Tôi chết sững. Thượng úy “không no” đã tới.
– Biết ngay mà, cứ vào khoảng 10 giờ nà cái nều này có khói – Thượng úy “không no” đắc chí.
Tôi cứng họng không biết nói năng gì, tâm thần hoảng hốt. Ông già Thượng tọa của tôi, khẽ ngước lên, nhìn thượng úy “không no” rồi điềm đạm nói:
– Cán bộ thứ cho. Anh em chúng tôi… đói quá…
Giọng nói ông bình tĩnh, người ông vẫn ngồi vững vàng, cái tay quạt sắn vẫn đều đặn không thay đổi, không cuống quýt, mà cũng không ngừng nghỉ.
– Như thế này là nâu rồi đấy nhá. Không phải chỉ một hôm nay mà thôi đâu?
Thượng úy “không no” vừa nói vừa quay ra xem xét, kiểm soát căn lều. Chợt y thấy hai cái mộ bia mà ông già Thượng tọa của tôi mới đục xong còn để đó. “Vũ Văn Sâm mất ngàỵ…”, “Ngô Quý Thuyết mất ngàỵ…” Y đọc mộ bia xong nhìn chúng tôi, một anh tù già tóc bạc phơ, một anh tù trung niên xác xơ ốm đói. Hình như có một suy nghĩ gì đó thoáng qua, nên nét mặt y có vẻ đắn đo, xong rồi y lững thững đi ra mà nói:
– Sau không được thế nữa nhá. Ninh tinh.
…Cho đến bây giờ không biết vì lý do nào mà tên thượng úy hầm hừ ấy đã bỏ qua cho chúng tôi. Có thể vì nhìn những tấm mộ bia, nghĩ đến những người anh em xấu số của chúng tôi đã chết vì đói lạnh… hoặc là phong thái “đại hùng, đại lực, đại từ bi” của con nhà Phật trong phút giây nào đó đã khơi dậy được “chút tính người còn sót lại” trong y?

Phan Lạc Phúc (Trích “Bè Bạn Gần Xa”, Nxb Văn Nghệ, 2000)



Sống Và Chết Ở Sài Gòn – Hoàng Hải Thủy (24)

Quân lịch phong trần, quân bất dĩ
Ngã hồi phố thị, ngã do liên.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Giai nhân, thi sĩ đối sầu miên…
Đầu tháng 12 năm 1979 tôi từ nhà tù trong Khu Tổng Nha Cảnh Sát của ta – nay là của Việt Bắc Cộng – xách cái túi rách đi ra đường Lý Thái Tổ. Công an Thành Hồ bắt tôi tháng 11 năm 1977. Trong gần hai năm tôi bị giam ở Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu, Trung Tâm Thẩm Vấn của Công an Thành Hồ thời ấy. Cứ 1000 công dân Thành Hồ bị Việt Cộng tó thì có đến 999 người bị giam cứu – tức bị giam và chịu thẩm vấn, hỏi cung – ở số 4 Phan Đăng Lưu. Thời gian bị Việt Cộng bắt giam lần thứ nhất của tôi chỉ là hai niên, nhưng kéo dài qua ba năm 77, 78, 79. Hai tháng cuối cùng công an Việt Cộng đưa tôi về một nhà tù trong Khu Tổng Nha Cảnh Sát của ta, để gọi là “bồi dưỡng” cho tôi trước khi thả tôi.
Lúc ấy khoảng 11 giờ trưa. Cuối năm 1979 Thành Hồ vắng vẻ, u ám, hoang tàn, không sức sống. Còn khoảng hơn 10 đồng trong túi, tôi vẫy chiếc xích lô đạp, nhờ đưa tôi về khu Chợ Cá Trần Quốc Toản. Nhà mẹ tôi ở trong Cư Xá Quân Cụ bên cạnh Chợ Cá, nhà tôi ở Cư Xá Tự Do giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền. Khi biết mình sắp được thả tôi đã tính trước: 1.000 anh con trai Bà Cả Đọi đi tù được trở về có đến 999 anh vù về nhà mình với vợ con trước, đi thăm bố mẹ sau. Từ nhà giam ở đường Lý Thái Tổ về Ngã Ba Ông Tạ tôi phải đi qua khu Chợ Cá Trần Quốc Toản, tôi nên ghé vào Cư Xá Quân Cụ thăm mẹ tôi, rồi tôi về nhà và nằm nhà luôn, buổi chiều tôi khỏi phải lên thăm mẹ tôi. Để đến ngày hôm sau mới đến thăm mẹ thì hơi kỳ, mà mới nằm tù Việt Cộng hai mùa lá rụng, về nhà buổi trưa, buổi chiều lại phải đi thì mệt.
Cổng vào cư xá vắng tanh. Lèo tèo một xe bánh mì, một thùng bán thuốc lá, một quán cà phê lộ thiên, hai ba cái bàn thấp, mấy cái ghế đẩu. Cảnh nghèo thật là nghèo. Tôi mua khúc bánh mì thịt 4 đồng, gói thuốc lá 2 đồng do tư nhân vấn theo kiểu bó củi, đến quán cà-phê gọi ly cà-phê đen 1 đồng, ngồi hút thuốc lá, uống cà-phê, ăn miếng bánh mì cho đỡ run tay. Chỗ tôi ngồi cách cổng vào nhà mẹ tôi chừng 50 thước. Trong vuờn nhà không bóng người. Tim tôi bồi hồi. Anh con trai bị Việt Cộng bắt đi tù hai niên nay đã về tới cửa mà bà mẹ già trong nhà chưa biết.
Cổ họng tôi nghẹn lại, tôi nuốt không nổi miếng bánh mì. Cho khúc bánh mì ăn dở vào túi xách, tôi đi vào nhà mẹ tôi. Thằng con tôi ở với mẹ tôi chạy sang tiệm Phở Tầu Bay mua cho tôi tô phở. Gặp mẹ tôi và em gái tôi xong, vào khoảng 2 giờ trưa tôi về đến nhà tôi. Nghe tiếng tôi gọi: “Em ơi…” vợ tôi lảo đảo đi ra mở cửa. Nàng choáng váng đứng không vững. Nàng gầy và xanh như tầu lá.
Thời gian ở Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu anh công an Huỳnh Bá Thành, bí danh Ba Trung, thẩm vấn tôi – anh này những năm 90 là Quyền Tổng Biên Tập tuần báo Công An Thành Hồ, anh đã chết khoảng năm 1993. Ba Trung để tôi nằm sà-lim đúng 12 tháng 2 ngày – Việt Cộng gọi theo Tầu Cộng là “biệt giam” và theo Tây là “ca-sô”, ngày xưa ta gọi là sà-lim theo tiếng “cellule” – 2 tháng ở Biệt giam 15 Khu B, 10 tháng ở Biệt giam 6 Khu C Một.
Những chiều mùa nắng, ô cửa gió nhỏ bằng quyển sách trên cánh cửa sắt biệt giam bị đóng lại sau giờ điểm danh lúc 5 giờ chiều, tôi đứng áp má vào cánh cửa gió, nhìn qua khe hở ra ngoài. Trời còn nắng vàng, tôi nhìn thấy ngọn những cây sao xanh vàng nắng trên đường Chi Lăng rung động trong gió chiều. Những lúc ấy tôi thấy giờ này nếu tôi được tự do đi trên đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, hưởng gió mát từ sông thổi đến, tôi sẽ sung sướng, tôi không còn đòi hỏi gì hơn. Ở trong tù tôi chỉ muốn được về nhà với vợ con, về nhà tôi sẽ chịu đựng được tất cả những khổ sở.
Nhưng cuộc sống không giản dị và dễ dàng như thế, tâm trạng con người thay đổi theo những chiều hướng mà ý chí con người không muốn. Về nhà được vài tháng tôi lại bất mãn, lại âu sầu, lại uất hận. Căn nhà nhỏ chỉ có hai vợ chồng tôi quanh quẩn bên nhau, các con tôi không được học tiếp, phải rời nhà đi kiếm ăn ở xa.
Tôi ghép mấy câu thơ Tầu làm thành bài thơ của vợ chồng tôi:
Quân lịch phong trần, quân bất dĩ,
Ngã hồi phố thị, ngã do liên.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản.
Giai nhân, thi sĩ đối sầu miên.
(Phong trần Em vẫn là Em.
Anh về phố chợ đêm đêm lại buồn.
Một đi hoàng hạc đi luôn.
Giai nhân, thi sĩ đối buồn nằm mơ).
Đêm đêm những năm 80 thành phố tắt điện, tôi nằm cạnh cây đèn dầu hôi trong mùng dịch Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Thơ Đường, tôi làm thơ, tôi viết những bài diễn tả cuộc sống tuyệt vọng của nhân dân ta gửi ra nước ngoài. Tôi theo con tôi đến Nhà thờ Tin Lành đường Trần Cao Vân. Tại đây tôi nghe Mục sư Hồ Hiếu Hạ truyền giảng Lời Chúa. Khoảng tháng Bẩy, tháng Tám năm 1983, công an Thành Hồ đến Nhà thờ Trần Cao Vân bắt Mục sư Hạ, chiếm luôn Nhà thờ. Nhà thờ Trần Cao Vân là Nhà thờ của những Ky-tô hữu ngoại quốc sống ở Sài Gòn. Cùng ngày công an Thành Hồ bắt Mục sư Nguyễn Hữu Cương và Thầy Lê Thiện Dũng, Truyền Đạo, ở Nhà thờ Tin Lành An Đông.
Mục sư Hạ bị bắt, vợ chồng, bố con tôi sang Nhà thờ Tuy Lý Vương – hay Tùng Thiện Vương, tôi không nhớ rõ – bên Xóm Củi, nương nhờ Mục sư Đinh Thiên Tứ. Mục sư Tứ thường đi xe đạp đến nhà tôi, an ủi vợ chồng tôi. Có lần tôi nói với ông:
– Khi cảm thấy sắp bị bắt tôi như người có bệnh thì vái tứ phương, tôi cầu xin cả Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát!
Mục sư Tứ nói:
– Người như ông thì ông xin ai Chúa cũng cho ông.
Ông nói về Mục sư Hồ Hiếu Hạ:
– Trong chúng tôi có người cũng giảng hay được như ông Hạ, nhưng không có ai giảng có lửa như ông Hạ.
Tôi nói tôi hút thuốc lá quá nhiều, hút càng ngày càng nặng, muốn bỏ nhưng sợ không được – tôi hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, dài dài, chưa một lần toan tính bỏ thuốc, không bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bỏ hút; trước tháng Tư 75 mỗi ngày tôi hút 70 điếu Philip Morris Vàng, hoặc Lucky Ba Hàng Chữ, Pall Mall For Export Only và Singapore Duty not paid; sau tháng Tư 75, nhiều nhất là những năm ở trong tù tôi hút từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm khoảng 100 điếu thuốc rê. Mục sư Tứ nói:
– Ông xin Chúa cho ông bỏ là ông sẽ bỏ được.
Tôi bỏ thuốc lá dễ dàng, dứt khoát, bỏ cái một, không thuốc men, không nhớ tiếc, năm 1993. Buổi sáng hôm ấy, lúc 8 giờ tôi hút điếu thuốc cuối cùng, 8 giờ 1 phút tôi bỏ hút. Nhớ lời mục sư Tứ, trước khi ngừng hút tôi cầu nguyện xin ơn Thiên Chúa.

oOo

Tháng Ba 1984 công an Thành Hồ bắt nhóm Tăng Ni Chùa Già Lam: Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương, Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni cô Trí Hải, Thượng tọa Đức Nhuận. Năm giờ sáng ngày 2 Tháng 5 năm 1984 tôi xách túi đi trở vào Khu C-1 Nhà tù số 4 Phan đăng Lưu. Năm anh em chúng tôi cùng bị bọn công an Thành Hồ cho xe bông đến nhà rước đi trong một đêm. Bị đưa vào biệt giam số 10 Khu C Một, vừa cởi quần áo, mặc sà-lỏn ra đứng ở cửa gió tôi nghe tiếng người ở biệt giam bên cạnh gọi:
– Hát hát Tê… Nghe không ?
– Ai đó?
Người bạn tôi xưng tên. Anh là sĩ quan Không Quân, bạn của Dương Hùng Cường. Anh em anh nhiều người ở nước ngoài, anh còn bà mẹ già ở lại nên anh không đi HO sang Hoa Kỳ. Anh và Văn Quang Nguyễn Quang Tuyến, Cựu Trung tá, Nguyên Quản đốc cuối cùng Đài Phát Thanh Quân Đội, Thuyền Trưởng Hai Tầu, là hai sĩ quan không đi HO sang Hoa Kỳ tôi được quen biết khá thân. Anh nói:
– Khuất Duy Trác bị tó rồi, Biệt giam số 1.
Hai chúng tôi đang trao đổi vài câu qua ô cửa gió thì nhìn ra ở đầu hành lang chúng tôi thấy Dương Hùng Cường bị dẫn vào. Như vậy là bốn anh em chúng tôi cùng bị bắt trong một đêm, cùng nằm biệt giam Khu C Một: Khuất Duy Trác Biệt giam 1, Bạn tôi, Trần Ngọc Tự Biệt giam 9, tôi Biệt giam 10, Cường Biệt giam 15. Tôi được anh em tù ra quét dọn cho biết Mục sư Hồ Hiếu Hạ nằm Biệt giam 20 cùng khu với tôi, nhưng ở xa tít mãi cuối dẫy.
Tháng 5, 1985, tám anh em chúng tôi – những văn nghệ sĩ bị bọn Công an Thành Hồ gọi là “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút” – lên xe bông sang Thánh thất Chí Hòa. Tôi vào Phòng 10 khu ED. Ở đây tôi gặp Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Mục sư Hồ Hiếu Hạ, Mục sư Nguyễn Hữu Cương, thầy truyền đạo Lê Thiện Dũng, từ số 4 Phan Đăng Lưu sang Chí Hòa trước chúng tôi, ở phòng 9 khu ED. Phòng các mục sư và phòng tôi ở sát nhau. Những sáng Chủ nhật cửa phòng tù được mở cho tù ra hành lang lấy nước, đôi khi tôi được chạy sang Phòng 9 nói chuyện vài phút với Mục sư Hạ, mục sư của tôi.
Những ngày tù tội theo nhau qua, sống trong tù rồi cũng quen đi. Giữa năm 1986 anh em chúng tôi bị gọi ra tòa. Lúc này anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt đã chết, tám anh em chúng tôi chỉ còn có bẩy. Công an Thành Hồ cay cú khép chúng tôi vào tội gián điệp. Họ muốn làm to chuyện vụ chúng tôi – những văn nghệ sĩ gửi tác phẩm ra nước ngoài – họ muốn làm thành vụ án điển hình, xử thật nặng cho những người khác kinh sợ. Họ muốn xử tử hình anh Doãn Quốc Sĩ, người bị họ gán cho cái tội Đầu Xỏ bọn gián điệp. Trong cáo trạng anh Sĩ đứng đầu, thứ hai là tôi. Nếu anh Sĩ bị tử hình, tôi sẽ bị án chung thân.
Ngày xử đến gần. Hai tờ tuần báo Công An, Tuổi Trẻ Thành Hồ cùng loan tin và đăng lại những phóng sự kể tội, bôi bác chúng tôi. Họ đã viết về chúng tôi khá nhiều kể từ ngày chúng tôi bị bắt; nay họ hâm nóng lại vụ chúng tôi khi họ đưa anh em chúng tôi ra tòa.
Tôi sợ, tôi bồi hồi. Nước chua ứa ra trong dạ dày tôi làm tôi bồn chồn. Đọc những bài bọn Công An, Tuổi Trẻ viết về chúng tôi, Trí Siêu Lê Mạnh Thát nói:
– Sao chúng nó thù các bác quá!
Anh bạn tù ra làm lao động nói với tôi:
– Kỳ Hoa Sơn Luận Kiếm này coi bộ nguy hiểm cho ông đấy. Chuẩn bị tinh thần đi thì hơn. Cứ trước Đại hội Đảng mà chúng nó đem ra xử là chúng nó xử nặng lắm đấy!
Mỗi ngày cửa phòng tù được mở chừng nửa giớ cho tù ra hành lang lấy nước. Nước được bơm từ những bồn nước dưới sân lên lầu. Phòng 9 ra lấy nước trước, tôi đứng bên song sắt, chờ Mục sư Hạ đi ngang, nói với ông:
– Tôi ra tòa… Mục sư xin Chúa ban ân cho tôi..Xin Chúa ở cùng tôi…
Khi đi từ chỗ xách nước trở lại, hai tay hai thùng nước, Mục sư nói:
– Ta sẽ ở với ngươi cho đến ngày tận thế…
Nghe câu đó tôi khóc nức lên. Rồi tôi lùi lại, về chỗ nằm của tôi, ngồi dựa lưng vào tường, cúi đầu, úp mặt vào cánh tay đặt trên đầu gối, khóc nức nở, khóc nghẹn ngào, khóc như chưa bao giờ tôi khóc đến như thế.
Ngày hôm trước ngày ra tòa, tù ra tòa được ra hành lang cắt tóc. Anh tù hớt tóc nói với tôi:
– Cho chúng nó xử mình bao nhiêu năm cũng không sợ. Mình còn sống là mình còn trở về. Chỉ sợ nó tử hình mình là mình không về được mà thôi.
Trong khoảng bẩy ngày trước ngày phải ra tòa, tôi xin Chúa ban cho tôi hai ơn:
– Xin Chúa cho con ra tòa nói năng được đàng hoàng, con không làm cho vợ con con phải xấu hổ.
– Xin Chúa ban cho con niềm tin là lời xin của con được Chúa nghe, lời xin của con được Chúa cho. Con không dám xin Chúa hủy bỏ vụ xử án này, con xin Chúa cho ngày xử án được hoãn xử. Chỉ hoãn xử thôi, rồi sau đó chúng xử con bao nhiêu năm tù con xin chịu. Con xin Chúa cho hoãn ngày xử để con được biết là lời xin của con được Chúa nghe.
Tôi xin hoãn xử với tất cả niềm thành kính của tôi, nhưng những sự việc xẩy ra không có qua một dấu hiệu nào để ngày tôi bị xử có thể được hoãn lại. Bọn Việt Cộng Thành Hồ đã dàn dựng vụ xử chúng tôi thật kỹ, chúng khua chuông, dóng trống ầm ĩ. Nhưng tôi vẫn xin…
Ngày xử đến. Người tù ra tòa thường được gọi đi lúc 6 giờ sáng nên phải chuẩn bị mặc đồ sẵn, tù ra tòa phải mặc đồ tù mầu xanh, ăn chút gì cho đỡ đói. Anh em cùng phòng nói lời chúc tốt cuối cùng. Tôi hồi hộp ngồi chờ. Tiếng mở cửa sắt lách cách. Cửa phòng 9 mở ra, anh tù lao động ra hành lang. Anh này có phận sự đi mở cửa các phòng gọi những người tù ra tòa ra khỏi phòng. Tôi chắc Khuất Duy Trác – ở phòng 9 – đã ra hành lang. Anh tù lao động đi qua phòng 10 trong có tôi nhưng không dừng lại mở cửa, anh đi tuốt vào mở cửa phòng trong. Một lát sau một anh tù ra tòa, anh này còn trẻ, theo anh tù lao động đi ngang phòng tôi.
Rồi thôi, rồi im. Tôi vẫn chưa biết là ngày xử tôi được hoãn như lời tôi xin Thiên Chúa. Tôi vẫn mặc nguyên bộ đồ tù ngồi chờ. Cả nửa giờ sau anh tù lao động mới đi ngang phòng tôi, anh nói qua song sắt:
– Hoàng Hải Thủy hoãn rồi…
Buổi chiều, khoảng 6 giờ, anh tù phòng trong đi tòa về. Đi ngang phòng tôi anh vứt qua song sắt cho tôi bịch thuốc rê, anh nói:
– Con ông gửi…
Chờ sẵn bên song sắt, tôi hỏi:
– Hoãn đến ngày nào xử?
Anh trả lời:
– Mười ngày nữa!
Mười ngày sau tôi ra tòa. Lần này thì tôi ra tòa thật. Khi tôi đi ngang phòng 9 Mục sư Hạ đứng chờ sau hàng chấn song, nói với tôi:
– Tôi sẽ cầu nguyện cho ông từ lúc này ông đi đến lúc ông về.
Ra tòa anh em tôi bị đưa vào căn phòng nhỏ bên phòng xử. Một em nữ phóng viên, một chú phó nhòm nhật báo Sài Gòn Giải Phóng vào phòng. Em phóng viên nói với anh công an áp giải chúng tôi ra tòa:
– Kỳ quá. Tòa hoãn xử mà không cho nhà báo biết, để chúng tôi mất công ra đây…
Tôi rỏng tai nghe. Lại hoãn nữa sao? Chúa cho hoãn xử thật sao? Một lúc sau tôi đến đứng sau cánh cửa đóng khóa, các con chúng tôi đứng sát cửa bên ngoài. Nghe tiếng con tôi, tôi hỏi:
– Hoãn xử phải không con?
Con tôi trả lời:
– Hoãn, Bố ạ.
– Hoãn đến ngày nào?
– Chỉ thấy bảng đề hoãn thôi, Bố ơi. Không thấy đề ngày nào xử!
Tôi trở lại Phòng 10, tiếp tục sống những ngày tù tội. Qua năm 1988 Mục sư Hồ Hiếu Hạ, Nguyễn Hữu Cương và thầy truyền giảng Lê Thiện Dũng ra tòa. Ba ông ông nào cũng bị phang cái án 8 năm. Có án rồi ba ông rời Khu ED sang khu FG.
Đúng một năm rưỡi sau ngày bị đưa ra tòa lần thứ nhất với tôi danh “gián điệp”, anh em chúng tôi mới lại có dịp ra tòa. Ra tòa hụt lần thứ nhất năm 1986 chúng tôi đã mất anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Ra tòa lần thứ hai năm 1988 chúng tôi mất Dương Hùng Cường. Cường chết trong biệt giam ở số 4 Phan đăng Lưu năm 1987. Anh em chúng tôi đã được đưa sang Chí Hòa, nhưng trước ngày đưa chung tôi ra tòa xử công an Thành Hồ tách bọn tôi ra làm hai, đưa Doãn Quốc Sĩ, Dương Hùng Cường, Lý Thụy Ý, Nguyễn Thị Nhạn trở về giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, Dương Hùng Cường chết trong biệt giam ở đây.
Anh em chúng tôi 8 người từ số 4 Phan Đăng Lưu sang Chí Hòa, khi ra khỏi Chí Hòa chúng tôi còn 6 mạng. Tám người bị Việt Cộng bắt đưa đi, sáu người còn sống trở về. Số tổn thất khá cao.
Đưa anh em chúng tôi ra tòa lần thứ hai, công an Thành Hồ bỏ tội gián điệp trong cáo trạng kết tội chúng tôi, thay vào đó là tội tuyên truyền phản cách mạng. Hình luật của Việt Cộng ghi như sau:
“Bị coi là gián điệp những tên cung cấp những tin tức an ninh, quốc phòng cho những cơ sở tình báo ngoại quốc để những cơ quan này làm hại đất nước ta”.
Những người không cung cấp tin tức cho những cơ sở tình báo ngoại quốc nhưng vô tình gửi những tin tức có hại cho đất nước ra nước ngoài để kẻ địch có thể lợi dụng cũng bị coi là gián điệp.
Hình phạt: “Khung án phạt tội gián điệp từ tối thiểu tù 12 năm đến tối đa là tử hình”.
Những tên gián điệp đầu xỏ bị tử hình.
Những tên tay sai nguy hiểm cũng bị tử hình.
Và đây là khung án trừng phạt tội tuyên truyền phản cách mạng: “Tù tối thiểu 2 năm đến tối đa 12 năm”.
Đang tù tối thiểu 12 năm được chuyển xuống tù tối đa 12 năm, tôi – nói theo ngôn từ Duyên Anh – sướng rên mé đìu hiu. Không còn sợ hãi nữa – lúc đó tôi đã ở tù được 4 năm – tôi ung dung ra tòa. Gặp em gái tôi ở tòa, tôi nói:
– Đừng sợ. Cùng lắm là nó xử anh 8 năm.
Và nó xử tôi 8 năm thật. Ra tòa trở về, chúng tôi xách túi hành lý, chiếu, rời Khu ED sang Khu FG. Tại phòng 20 Khu FG tôi gặp lại, và ăn chung, nằm gần các thầy Hạ, Cương, Dũng. Các thầy kháng án, nhưng lên cái gọi là tòa trên nó cũng cho các thầy y án. Ba thầy ba chữ Y to tổ bố: 8 năm là 8 năm, không giảm cho ông nào được một ngày. Rồi các thầy rời Chí Hòa để lên Trại Cải Tạo Đồng Hòa.
Chừng vài tháng sau, khi anh Sỹ và tôi còn nằm ở Phòng 20 Khu FG chờ lên tòa trên, nhóm Già Lam ra tòa. Hai thầy Trí Siêu, Tuệ Sĩ bị Việt Cộng phang án tử hình. 45 ngày sau nhóm Già Lam được đưa ra xử ở cái gọi là Tòa Trên. Án tử hình của hai thầy Trí Siêu, Tuệ Sĩ giảm xuống án 20 năm – phá lệ, thay vì tử hình chỉ có thể giảm xuống án tù chung thân – toàn bộ nhóm Già Lam, có cả Thượng tọa Đức Nhuận – Thượng tọa lãnh án 10 năm – vào nằm Phòng 20 Khu FG. Ni cô Trí Hải ra tòa, bị xử tù 4 năm, tính từ ngày bị bắt cô đã ở tù 4 năm nên cô trở về chùa ngay. Phòng tù Chí Hòa chỉ có thể nhốt khoảng 30 mạng. Trong thời gian chúng tôi ở đó phòng 20 nhốt đến 80 người. Rồi nhóm Già Lam đi khỏi Chí Hòa, lên Trại Cải Tạo Z 30 A, Xuân Lộc, Đồng Nai.
Khi anh Sỹ và tôi vẫn còn nằm chờ lên Tòa Trên ở Phòng 20, chúng tôi được tin các thầy Hồ Hiếu Hạ, Nguyễn Hữu Cương, Lê Thiện Dũng được đưa từ Trại Cải Tạo Đồng Hòa về Khu ED Chí Hòa làm giấy tờ xuất ngoại sang Hoa Kỳ cùng với gia đình. Đây là chuyện chưa bao giờ xẩy ra: Bộ Luật Hình Sự của Việt Cộng có khoản: “Những tội phạm đang thi hành án không được xuất ngoại”. Nhưng Việt Cộng chuyên săng phú luật, kể cả luật của chúng, chúng đã phải để các mục sư đi khỏi nước dù án các ông còn ba năm nữa mới hết. Rồi anh Sỹ và tôi ra tòa, tôi được giảm án từ 8 năm xuống 6 năm. Một sáng đầu xuân 1989 chúng tôi lên xe rời Thánh thất Chí Hòa, lên Trại Cải Tạo Z-30 A. Tại đây chúng tôi gặp lại Thượng tọa Đức Nhuận, các thầy Già Lam Trí Siêu, Tuệ Sĩ, Tâm Lạc v.v…

oOo

Rồi những ngày, những tháng trôi qua… Đầu năm 1990 tôi mãn án, tôi trở về mái nhà xưa trong Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ lần thứ hai. Tháng 11 năm 1994 bánh xe lãng tử muộn màng và khập khễnh – nhưng vẫn là bánh xe lãng tử – đưa Alice và tôi sang Hoa Kỳ. Chúng tôi đến sống ở Virginia, Đất Tình Nhân, nơi có mùa thu lá vàng tuyệt đẹp. Tháng 12 cùng năm 1994 bạn tôi Hồng Dương, và một số bạn tôi ở Quận Cam – Ngọc Hoài Phương, Lâm Tường Dũ, Hĩm Đinh Hiển v.v… tổ chức cho vợ chồng tôi sang thăm Thủ Đô Tị Nạn.
Tôi gặp lại các mục sư Hồ Hiếu Hạ, Nguyễn Hữu Cương, Lê Thiện Dũng ở Quận Cam. Thầy Dũng nay là mục sư. Cuộc đời thật ly kỳ. Ngày nào ngồi ăn với nhau, nằm bên nhau trong nhà tù ở quê hương, quanh năm ở trần, mặc sà-lỏn, chia nhau từng cục đường, có bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện có ngày chúng tôi gặp nhau trên đất Mỹ.
Sang Hoa Kỳ đã được gần 5 năm, tôi đã viết khá nhiều về những ngày tù tội của tôi, tôi vẫn để dành chuyện tôi xin Thiên Chúa hoãn ngày xử án cho tôi và tôi được Thiên Chúa ban ân, để viết chia xẻ với những Ky-tô hữu, và riêng để gửi Mục sư Hồ Hiếu Hạ, mục sư của tôi – tôi tuyên xưng đức tin của tôi với ông trong Nhà Tù Chí Hòa. Ngày tháng qua nhanh, mải miết với những bài viết thường ngày, những việc làm thường ngày, tôi dần quên lãng…
Đêm qua trong giấc ngủ tôi mơ thấy tôi ra tòa án Việt Cộng ở Thành Hồ. Hôm nay Ngày Thứ Sáu Lễ Phục Sinh – Ngày Chúa Jesus chịu nạn trên thập tự giá. Tôi khởi viết bài này lúc 9 giờ sáng, bây giờ là 4 giờ chiều. Tôi gửi bài viết này đến Mục sư Hồ Hiếu Hạ.


Sống Và Chết Ở Sài Gòn – Hoàng Hải Thủy (25)



Trên Cali, dưới lại Cali..
Ai đem nhân ngãi tôi đi đằng nào?”
Tập truyện “SAIGON-CALI, 25 năm gặp lại” của Thuyền Trưởng Văn Quang, viết ở Sài Gòn năm 2000, nhà xuất bản Tuổi Xanh ấn hành, gợi cho tôi nhớ Sài Gòn; từ nhớ thương Sài Gòn, tôi nhớ lại nhũng câu tôi gọi là “Phóng Dao” – Phóng tác Ca Dao – tôi làm những năm 198I, 1982, những năm đen hơn mõm chó, đen hơn cái Lá Đa Ca Dao, tôi sống rách hơn cái mền Sakymen ở Sài Gòn. Những năm ấy…
Ngẩn ngơ giữa một rừng cờ đỏ
Tôi sống đìu hiu bốn khoảnh tường.
Đời không hoa bướm, không tình, bạn,
Không tiếng chim buồn hót vẩn vương
Có những đêm tàn choàng tỉnh giấc,
Ai khóc sao mình gối đẫm sương…
Có những đêm tôi khóc trong khi ngủ, bồi hồi tỉnh giấc thấy mặt gối ẩm nước mắt, những ngày tháng tuyệt vọng ấy. tôi làm thơ:
Muối nào bào dạ xót sa,
Dao nào cắt trái tim ta đêm ngày?
Khóc trong giấc ngủ nào hay,
Tỉnh ra sao thấy gối này đẫm sương!
Anh nghe ở cuối canh trường
Tiếng Em khóc tự mười phương vọng về.
Còn Em, trong mộng, trong mê
Có nghe má lạnh tái tê giọt sầu?
Có nghe trên tóc phai mầu
Lệ anh ướt nửa mái đầu không Em?
Không có người đàn bà nào yêu thương tôi bỏ Sài Gòn đi sống ở nước ngoài, tôi cũng tưởng tượng là có. Có để tiếc thương, để than thở kẻ ở, người đi, não nùng sinh ly, tử biệt, để mần thơ thương nhớ. Thực ra tôi không thương nhớ người mà tôi thương nhớ Tự Do. Vì vậy những năm tháng buồn hai mươi mùa thu trước ở Sài Gòn đầy cờ đỏ, sao vàng, tôi mần thơ vung xích chó, tôi mần những bài “Phóng Dao” phóng tác Ca Dao, như:
“Trên Cali, dưới lại Cali
Ai đem nhân ngãi tôi đi đằng nào.
Đường xa tôi ngại Ngô, Lào.
Ai đem nhân ngãi tôi vào Cali…”
“Bà già đi Chợ Cầu Bông,
Bói xem vượt biển, lấy chồng, lợi chăng?
Ông thầy gieo quẻ, nói rằng:
Lợi thì còn lợi nhưng năng ở tù“.
“Ai lên Cao Thắng, Đại Đồng
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Có chồng năm ngoái, năm xưa
Bẩy nhăm chồng chạy nên chưa có chồng“.
“Muốn tắm mát thì lên ngọn con sông đào,
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Em đi anh ở lại thành,
Muốn đi nhưng giấy thông hành chưa cho.
Nằm suông mộng biển, mơ hồ,
Tiền đò ngại tốn, con đò ngai xa.
Em đi anh ở lại nhà,
Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm“.
“Anh về đất bãi đi câu
Bỏ cha, bỏ mẹ, lên tầu bỏ em“.
“Muốn mau thì chịu đò đông
Em muốn sang Mỹ lấy chồng thì chui“.
Đi không được, tôi mần phóng dao trách người đi:
“Sài Gòn cách mấy nắng mưa
Người đi nhớ đã, quên chưa Sài Gòn?
Hẹn nhau biển cạn, non mòn,
Sao Em lại bỏ Sài Gòn Em đi!
Sài Gòn có phụ Em gì,
Yêu nhau rau muống, khoai mì vẫn vui.
Ầu… ơ… Ví dầu tình bậu muốn chui,
Bậu gieo tiếng hủi cho cùi, bậu dông!”
Phóng dao Lẩy Kiều:
“Cali cách mấy nắng mưa
Có khi vòng bụng đã vừa người ôm!”
Phóng dao than thân:
“Nằm đây thép rỉ, son mòn,
Cái đi mất mát, cái còn lần khân.
Mày ai trăng mới in ngần?
Phấn thừa, hương cũ bội phần xót sa.
Em ơi… Đất rượu, trời hoa
Ở lòng em, ở lòng ta còn gì?
Để giờ lủi thủi người đi,
Mai chiều quạnh quẽ tà huy, ta buồn.
Thuyền người khuất bến giang thôn,
Biết em chớp biển, mưa ngưồn ở đâu!”
Phóng dao bi thảm, Ca dao Trung bộ có câu:
“Anh về Bình Định thăm cha,
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em“.
Gia đình anh thanh niên trong câu ca dao này coi bộ chia rẽ: ông bố ở Bình Định, bà mẹ ở Phú Yên. Tôi phóng dao thành:
“Anh về Bình Định mất cha,
Phú Yên mất mẹ, Khánh Hòa mất em“.
Phóng dao, chỉ trong hai câu, diễn tả cảnh thê thảm đầy chết chóc của cuộc nhân dân ta chạy giặc cộng sản ở miền Trung tháng Hai, tháng Ba năm 1975.
Phóng dao cay đắng:
“Lầu nào cao bằng Lầu Ông Chánh,
Bánh nào trắng bằng bánh bò bông?
Anh thương Em từ thưở mẹ bồng.
Bây giờ sang Mỹ lấy chồng bỏ Anh“.
“Ngày xưa Anh hẹn Em rằng
Đâu hơn Em lấy, đâu bằng, đợi Anh.
Em đi Anh ở lại thành,
Năm năm hồng nhạn vắng tanh chẳng về.
Anh yêu Em từ thưở mô tê,
Không hề bóc lá, không hề bẻ nha.
Bóc lá sợ Em mau già,
Bẻ nha sợ nữa ra là mía lau.
Bây giờ Em lấy chồng đâu,
Để thương, để nhớ, để sầu cho Anh“.
Có những Phóng dao sầu thương ra rít:
“Mất Em đã sáu năm trời
Khóc thì vô ích mà cười vô duyên.
Nhớ Em như bến nhớ thuyền,
Trông Em đã sáu năm liền vẫn trông.
Em đi biền biệt tin hồng,
Quên Anh hay đã có chồng mà quên?”
Quên Anh hay đã có chồng mà quên..?! Mèn ơi… Bi thảm quá đi chứ? Tự nhiên quên anh hay có chồng mà quên anh thì cũng là quên anh, nhưng anh cay cú anh phải hỏi cho ra. Không phải chỉ bi thảm suông mà là bi thảm quá chời, quá đất! Nếu tôi không viết những lời trên là Phóng Dao do tôi phóng, có thể có bạn nghĩ rằng đó là Ca Dao. Như:
“Vắng mình ta vẫn hỏi thăm
Chốn ăn thì biết, chốn nằm thì không.
Vắng mình ta nhớ, ta trông.
Quên ta hay đã có chồng mà quên?”
Ăn thì biết rằng ở Mỹ em ăn Hămbalyhe, xin lỗi, em ăn Hămbướcgơ, Hótđoóc, nhưng em nằm với ai ở Mỹ thì anh hổng piết. Vì vậy mới có théc méc đau thương: “Chốn ăn thì biết, chốn nằm thì không“. Cũng là phóng dao ghi lại một thời.
“Mình về xa tận Iu-Za
Muợn mình làm mối cho ta một người,
Một người ba chín, bốn mươi,
Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình“.
Đấy là Phóng Dao Công Tử Hà Đông Thành Hồ 1982, Phóng Dao Công Tử Hà Đông Rừng Phong 2002 đổi tí chút là:
“…Một người năm chín, sáu mươi,
Một người vừa đẹp, vừa tươi như mình“,
Tôi mần những câu Phóng Dao trên trong những năm 1982, 1983. Hai mươi năm sau, hôm nay nhớ lại, viết lại, tôi không biết trong chúng có bao nhiêu phần ca dao, bao nhiêu phần tôi phóng tác, có những câu tôi biết đó là ca dao tôi chỉ đổi đi một hai tiếng – đổi càng ít tiếng mà thay đổi được nghĩa mới là khéo, mới là hay – có những câu tôi không biết rõ đó là ca dao hay là do tôi làm theo ca dao.
Nếu bạn vượt biên, tôi chắc những câu Phóng Dao này sẽ làm cho bạn cảm động:
“Em đi đừng nhắc Em nhiều,
Kẻo Em thương nhớ, chiều chiều Em đau.
Em đi đừng nhắc Em lâu,
Kẻo Em thương nhớ, Em đau chiều chiều“.
Đứt ruột, phải không bạn? Sài Gòn có gì lạ không Em? Sài Gòn có một ngàn chuyện lạ. Một trong những chuyện lạ Sài Gòn, chuyện đặc biệt Sài Gòn là chuyện Người Sài Gòn vượt biên những năm từ 1976 đến 1990. Phong trào Vượt Biên lên đến đỉnh cao trong những năm 1980-1985. Biết bao nhiêu người chết thê thảm trong biển đông? Ước lượng vu vơ, chủ quan thôi. Không bao giờ ta biết đích xác con số người Việt chết chìm dưới biển trên đường bỏ nước ra đi tránh nạn cộng sản.
Thời gian qua đi. Những vết thương lên sẹo hoặc còn đó nhưng bị quên lãng. Chỉ còn những lời Phóng Dao ghi lại chuyện một thời:
“Em đi Anh nắm cổ tay,
Anh hẹn câu này, Em chớ có quên:
Đôi ta đã có lời nguyền
Lấy ai thì lấy, đừng quên gửi đồ“.
Hoặc:
“Đôi ta đã có lời nguyền
Chớ xa xôi mặt mà quên gửi đồ“.
“Dùng dằng khi bước chân ra
Cực trăm nghìn nỗi, chui ba bốn lần”.
“Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con ra biển kiếm tầu mẹ chui”.
Nhớ thương người đi mãi rồi oán hận người đi:
“Anh dại anh chẳng chịu đi,
Em khôn Em ở Cali em về.
Cali thì mặc Cali,
Em li cho lắm thì đì em teo“.
Câu Phóng Dao trên phóng từ câu Ca Dao Dân Tộc trong “Tục Ngữ – Phong Dao” Nguyễn Văn Ngọc. Nguyên câu ca dao là:
“Chị dại chị ở trong hồ,
Em khôn em ở kinh đô em về.
Kinh đô thì mặc kinh đô,
Em đi cho lắm thì đồ em tan“.
Từ câu Ca Dao nguyên bổn lề lối dân tộc đó những năm 80 tôi buồn, ngoài câu về Cali trên đây tôi phóng tác ra một lô Phóng Dao “Anh dại, Em khôn”:
“Anh dại anh chẳng chịu đi,
Em khôn em ở Pa-ri em về.
Pa-ri thì mặc Pa-ri,
Em ri cho lắm thì đì em đoi“.
“Anh dại anh chẳng chịu đi
Em khôn em ở ĐiXi em về.
ĐiXi thì mặc ĐiXi,
Em xi cho lắm thì đì em đen“.
“Anh dại anh ở Thành Hồ,
Em khôn em ở Niu O em về.
Niu O thì mặc Niu O,
Em o cho lắm thì đồ em tan“.
Trong tất cả những câu Phóng Dao Anh dại, Em khôn, Công Tử Hà Đông đắc ý nhất là câu:
“Anh dại anh ở Thành Hồ,
Em khôn Em ở Liên Xô Em về.
Liên Xô thì mặc Liên Xô
Em đi với Cộng thì đồ Em hôi“.
Công Tử Hà Đông mang mặc cảm tự ty dân tộc nhược tiểu, bị trị, tức bị ngoại nhân đô hộ, bị khinh bỉ, bị bóc lột, chậm tiến, nghèo rách, lại thêm cay đắng vì chuyện những người đàn bà đẹp Việt Nam chê đàn ông Việt, các nàng lấy chồng Tây, Tầu, Nhật, Mỹ, lấy luôn cả Phi, Đại Hàn, mặc cảm tự ty ấy khiến Công Tử mần phóng dao cay cú:
“Em chê xe đạp anh hèn,
Xe anh có cả cái đèn đi-na-mô.
Em mê nó có ô tô,
Em ô cho lắm thì đồ em đen“.
“Thấy anh gầy ốm em chê,
Em ham nó bự, em mê nó giầu.
Chắc rằng đâu đã hơn đâu,
Cầu tre vững nhịp hơn cầu bê-toong“.
Năm 1975, nó đi bộ, nó leo, nó trèo cầu tre, cầu khỉ mà nó thắng, bọn đi trực thăng, ô tô, cầu sắt, cầu bê-toong, quăng súng bỏ chạy có khói.
Tự ái dân tộc dồn dập, Công Tử đi một đường lý sự cùn:
“Thấy anh gầy ốm em chê.
Em ham nó bự, em mê nó dài.
Chắc rằng ai đã hơn ai,
Khẳng khiu dai sức bằng hai mập lù“.
Cay cú thì hung hăng con bọ xít, phóng dao loạn cào cào cho sì bớt bất mãn thôi, thực ra trong lòng Công Tử Hà Đông, cũng như cả triệ anh Mít Con Trai Bà Cả Đọi khác, vẫn thấy mình thua kém người. Ca dao có câu;
“Chồng người đi ngược, về xuôi,
Chồng em xó bếp đầu b… dính tro”
Công Tử Hà Đông phóng dao:
“Chồng người đi Mỹ, về Tây,
Chồng em xó bếp đầu chày chấm than“.
Biết mình thua kém người nhưng vẫn làm ra vẻ bất cần kiểu “Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn“, vẫn vênh váo “Con Lạc, cháu Hồng, bốn nghìn năm văn hiến”. Ca dao có câu:
“Cơm ngày hai bữa một niêu,
Tội gì bắt ốc cho rêu bám l…”
Ra cái điều mình ăn ít, nhu cầu mình ít, mình vất vả kiếm ăn làm quái gì. Đàn bà Bắc Kỳ ngày xưa – chắc ngày nay cũng chẳng khác gì mấy – mặc váy, khi lội xuống ao mò cua, bắt ốc, xắn váy lên cho khỏi ướt, nước mấp mé đến háng nên bị rêu nó bám, có nơi gọi là vạm, vào chỗ đó. Đây là phóng dao:
“Cơm ngày hai bữa nửa niêu,
Tội gì bắt ốc cho rêu bám l..
Cơm ngày hai bữa nửa lon,
Tội gì sang Mỹ cho l… dính bơ“.
Bốn câu Phóng Dao trên có thể đổi mấy tiếng mà vẫn thanh, vẫn giữ nguyên ý nghĩa:
“Cơm ngày hai bữa nửa niêu,
Tội gì bắt ốc cho rêu lám bồn.
Cơm ngày hai bữa nửa lon,
Tội gì sang Mỹ cho bồn dính lơ“.
Và Công Tử đề cao cái gọi văn huê là tình tự dân tộc, giá trị dân tộc:
“Cam ngọt cam của người ta.
Quýt chua nhưng cả cây là của em.
Xứ người những chả cùng nem,
Món quê dưa muối có thèm môi ai?
Em đói thì em ăn khoai,
Con Việt thì đẻ, con lai thì đừng“.
Những năm 80 vất vả ở Thành Hồ, Công Tử Hà Đông nghĩ rằng người Việt ở Mỹ đẻ con Việt thuần túy tốt hơn, hay hơn là đẻ con lai, hai mươi năm sau sang Mỹ Công Tử sáng mắt, sáng lòng, thấy rằng người Việt ở Mỹ đẻ con thuần Việt hay lai Mỹ, lai Sì, lai Tẫu, lai gì cũng vậy thôi, chúng sẽ thành Mỹ hết.
Những năm 80 ở Thành Hồ, cay cú vì không được sang Mỹ, Công Tử Hà Đông làm phóng dao rè bỉu đời sống ở Mỹ:
“Lương Mỹ được mấy trăm đồng?
Dầm sương, giãi tuyết, má hồng nàng phai.
Đi lắm thì vú nàng quai.
Chẳng thà ăn sắn, ăn khoai Thành Hồ.
Nàng đói thì nàng bán đồ,
Để anh cơm nước, chăm lo cửa nhà.
Riêu cua nàng chan cơm cà,
Nàng mà đau bụng thì đà có anh.
Nàng còn xẻo đất trồng hành,
Anh trui cá lóc nấu canh tập tàng.
Cá lóc còn ở trong hang,
Cái rau tập tàng còn ở ruộng sâu.
Thương nàng anh chuốt cần câu
Ngoắc con cá lóc nấu rau tập tàng“.
“Hôm nay đám cưới người ta. Tại sao Sơn nữ Phà Ca lại buồn?” Người ta bắt tay nhau, người ta vui vẻ bàn chuyện tương lai của người ta, tại sao sống an nhàn, yên ổn ở Rừng Phong, Xứ Mỹ, Công Tử Hà Đông lại buồn? Không buồn sao được! Cả triệu linh hồn những người anh em tôi đã chết đang đi lang thang giữa những đường phố Sài Gòn trong những ngày oan khuất này, có dòng suối máu tươi từ ngọn đồi trước 1975 là Nghĩa Trang Quân Đội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa chẩy ra xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, bên dòng suối máu đó là dòng suối nước mắt của các bà mẹ tôi, những bà chị tôi. Ở Washington D.C. bức tường đen ghi tên 58,000 chiến binh Mỹ hy sinh trong chiến tranh Việt Nam bị rạn nứt trong đêm qua… Năm hết, Tết đến, sống buồn ở xứ người tôi buồn nhớ thành phố Sài Gòn đã mất của tôi qua mấy câu Phóng Dao tôi làm ở Sài Gòn hai mươi năm xưa…

Tôi viết bài gửi ra nước ngoài nhiều nhất trong hai năm 1982, 1983. Tôi nhớ những năm ấy tôi gửi bài viết linh tinh cho từng này người:
Cô Phương Hương, Paris, Pháp.
Trần Tam Tiệp, Paris, Pháp.
Hồ Anh, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, Hoa Kỳ.
Nhất Giang, Cabramatta, Úc.
Viết bài gửi đi, nhiều khi tôi bâng khuâng nghĩ đến chuyện không biết thư mình có đi thoát, có đến tay người mình gửi hay không? Một trong những sung sướng của tôi là được đọc bài viết của mình in trên trang giấy, sáng sủa, sạch sẽ, gọn gàng. Trong nhiều năm ở Thành Hồ, tuy vẫn viết bài gửi đi, tôi không hưởng được cái lạc thú ấy. Có lần tôi viết dặn ông chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong:
-…Anh viết về cho tôi biết anh nhận được bao nhiêu bài của tôi, ngày nào. Anh viết “áo hoa” là tôi hiểu.
Ông chủ nhiệm Văn Nghệ Tiền Phong làm đúng lời tôi yêu cầu. Tôi nhận được thư ông từ Hoa Kỳ gửi về:
-…Tôi nhận được ngày… hai áo hoa anh gửi, ngày… hai áo hoa nữa…
Đọc thư tôi thở hắt ra. Công an ViXi nó không đọc thư này thì thôi, nó mà đọc là nó biết tỏng tòng tong cái gọi là “áo hoa” này là cái gì. Bất cứ người dân Thành Hồ nào cũng có thể gửi áo hoa sang Tây, sang Mỹ, sang Úc, sang Ăng-lê (những năm đầu 80 có phong trào người Thành Hồ gửi những sấp hàng may áo dài cho thân nhân ở nước ngoài, những sấp hàng này được vẽ hoa nên gọi tắt là áo hoa), riêng anh Con Trai Bà Cả Đọi, anh em cùng vợ với Công tử Hà Đông, thì không thể. Cái gọi mánh “áo hoa, áo hoét” trong thư này chỉ là những bài viết phản động của anh thôi.
Khi công an Việt Cộng nghi, mở cuộc theo dõi, họ rất dễ tìm ra bằng chứng về tội trạng của những người bị nghi phạm tội. Chúng tôi cứ viết, cứ gửi đi, cứ nhận thư về ngay nhà mình, một năm rồi hai năm. Cứ như vậy không thay đổi. Chuyện bại lộ và bị bắt là chuyện không thể tránh được.
Công an Việt Cộng chặn thư, mở thư xem, có thư họ lấy luôn, có thư họ chụp photocopy rồi để lại vào phong bì, gửi đến người nhận. Có những đêm nằm trằn trọc trên căn gác nhỏ Ngã Ba Ông Tạ, tôi xem lại lá thư mới nhận, lo âu khi thấy rõ vết phong bì thư bị mở ra, dán lại. Tôi sợ hãi khi thấy những triệu chứng tôi sắp bị bắt lại. Nghe nói ở đời này có những người không ngán sợ tù đày, tôi không ở trong số những người đó. Tôi sợ tù đầy. Tôi đã nằm tù một lần hai mùa lá rụng, tôi đã biết thế nào là sự bẩn thỉu, nỗi buồn chán ghê rợn của cuộc sống trong tù. Những tháng giữa năm 1977, 1978, khi bị bắt lần thứ nhất, tôi nằm 12 tháng 2 ngày một mình còng queo, vò võ, buồn và nóng ruột nhiều khi muốn phát cuồng, trong hai xà-lim – văn huê kiểu Việt Cộng là biệt giam và ca sô – số 15 khu B và số 6 khu C 1 Nhà Tạm Giam số 4 Phan Đăng Lưu, tôi bắt chước thi sĩ Trần Văn Hương làm thơ:
“Đã buồn cho nó buồn luôn
Vào tù xem mặt tù buồn ra sao
Vào tù mới rõ thấp cao
Buồn tù chẳng có buồn nào buồn hơn
Vào tù mới rõ nguồn cơn
Buồn nào thì cũng chẳng hơn buồn tù“.
Nhân nhắc đến những năm 1977, 1978, tôi nằm xà lim ở Số 4 Phan Đăng Lưu, xin nhắc lại một vài kỷ niệm:
Trước hết là anh Nguyễn Mạnh Côn, một trong những ông đàn anh văn nghệ của tôi. Anh bị bắt trong chiến dịch càn quét văn nghệ sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn tháng Ba năm 1976.
Một chiều thứ bẩy, tháng Chín năm 1977, tôi vào xà-lim số 15 khu B Nhà Giam số 4 Phan Đăng Lưu. Khoảng 10 giờ sáng Chủ nhật hôm sau, tôi nhìn thấy anh Nguyễn Mạnh Côn.
Anh ở phòng tập thể số I khu B ngay trước dẫy xà lim trong có tôi. Chủ nhật, cai tù mở cửa phòng giam cho tù ra sân ngồi phơi nắng chừng nửa giờ. Tù phòng này được ra nửa giờ, trở vào phòng rồi mới mở cửa phòng tù khác.
Anh Côn ngồi xa tôi chừng 15 thước. Anh bận bộ bà ba nâu. Người tù nào da dẻ cũng xanh mướt như tàu lá chuối non. Anh Côn tóc bạc, râu bạc. Buổi sáng hôm ấy tôi mới vào tù, tôi bồi hồi nhìn ông đàn anh của tôi qua ô cửa gió nhỏ bằng quyển sách trên cửa xà-lim. Hình ảnh anh Côn gầy yếu trong bộ bà ba nâu ngồi trong nắng trước cửa phòng tù số I khu B Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu hai mươi mùa thu trước sáng nay trở về ẩn hiện trước mắt tôi…
Anh Côn mua lại căn nhà lầu của Phạm Duy trong cư xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận. Vì anh chưa trả hết tiền, nên Phạm Duy chưa sang tên nhà cho anh, 30 tháng Tư đến, Phạm Duy đi mất, anh chị Côn chưa chính thức làm chủ căn nhà. Tôi không biết anh chị Côn gặp khó khăn như thế nào vì căn nhà chưa sang tên này. Việt Cộng theo lời dạy của thánh tổ Lê-nin, tịch thu hết “tài sản của những kẻ bỏ trốn ra nước ngoài”.
Tôi vào tù được chừng bẩy ngày, được nói qua, nói lại với anh Côn vài câu ngắn ngủi, rồi tôi ngàn thu vĩnh biệt anh. Một tối nằm trong xà lim, tôi nghe có tiếng lịch kịch mở cửa sắt, tiếng gọi tên bên ngoài. Cánh cửa gió nhỏ ở trên xà lim lúc ấy bị đóng lại để người tù biệt giam không nhìn ra được, không biết có chuyện gì xẩy ra bên ngoài. Đây là cuộc chuyển trại. Những người tù được, hay bị chuyển đi, thường là sang Chí Hòa hoặc lên trại cải tạo, được gọi ra tập trung vào một hai phòng, chờ lên xe đi. Anh Côn đi khỏi số 4 Phan Đăng Lưu trong đêm hôm đó.
Nhiều đêm nằm trằn trọc trong xà lim đèn lờ mờ, tôi gợi ký ức nhớ lại đủ thứ chuyện. Tôi hình dung lại căn nhà của gia đình tôi ở Hà Đông. Tôi sắp xếp đồ đạc ở trong nhà: cửa sơn mầu nâu gụ, ngay bên cửa ra vào là hai cái ghế, bộ sa-lông Tàu kê ở giữa nhà, rồi sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối, chiếc đồng hồ quả lắc treo cạnh cái đầu trâu rừng đắp bằng đất nung, cặp sừng là sừng thật, sản phẩm của nhà thủ công nghệ Hà Đông, cây súng săn Ca-líp Xe-giờ của thầy tôi đặt trên cái giá sừng hươu trên tủ chè…
Và tôi nhớ lại cuộc giao tình của tôi với anh Côn. Như tôi đã viết, trong số những người viết trẻ từng thân với anh Côn như Nguyễn Đình Toàn, Duyên Anh, Trần Dạ Từ, chỉ có tôi là “bạn đồng sàng, đồng bàn đọi” với anh Côn.
Anh Côn có bàn thờ Cô Ba tại gia nhưng anh thích đi hút ở tiệm hơn. Anh hút nhiều, tự làm thuốc lấy vất vả, mất thú. Ít khi anh tiếp ai ở bàn đọi của anh. Đi hút ở tiệm quá đô rồi về nhà anh vẫn đốt đèn làm vài bi để chị Côn yên trí là anh không hút ở tiệm.
Tôi được anh tiếp tại bàn đọi ở nhà mấy lần. Anh bảo tôi:
– Vợ tôi bà ấy nói tội nghiệp cậu. Tôi nói “Nó kiếm được tiền, sợ quái gì”. Vợ tôi nói: “…Nhiều hay ít thì rồi cũng vất vả như anh thôi…”
Anh Côn mất khoảng năm 1979 trên trại cải tạo Xuyên Mộc, chị Côn mất khoảng năm 1990 tại thành Hồ. Anh chị có hai con trai. Cháu lớn ở với vợ con trong căn nhà anh chị mua lại của Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Cháu thứ hai sống với vợ con ở Houston, Texas.
Anh Côn là đại biểu Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội trong Quốc hội thứ nhất của ta sau năm 1945. Anh nói:
– Năm ấy, chúng tôi làm một bản tổng kết tình hình đất nước sau chiến tranh. Bản tổng kết có kể nạn đói năm Ất Dậu làm đồng bào ta chết đầy đồng, đầy đường. Chúng tôi quyết định để là hai triệu người chết. Đâu có làm thống kê được mà biết chắc con số người chết vì không có ăn trong năm ấy là bao nhiêu. Con số hai triệu do chúng tôi đặt ra trở thành số liệu lịch sử.
Khi tôi và anh Côn chơi ở tiệm Đ.Q. hẻm trường Đại học Vạn Hạnh cạnh cầu Trương Minh Giảng, anh Triều Đẩu cũng hay lui tới đây. Anh Triều Đẩu là tác giả tiểu thuyết phóng sự “Trên Vỉa Hè Hà Nội” đăng trên Tạp chí Thế Kỷ xuất bản khoảng năm 1952, 1953 ở Hà Nội. Tôi đọc “Trên Vỉa Hè Hà Nội” của anh Triều Đẩu thấy anh viết thật hay, giọng văn có duyên, hóm hỉnh, hấp dẫn. Một phần nhờ đọc “Trên Vỉa Hè Hà Nội” mà tôi nẩy ra ý bắt chước, viết cái gọi là phóng sự tiểu thuyết tếu “Ông Tây, Bà Đầm“, “Bà Lớn“, “Yêu Tì“, đưa ra những nhân vật không giống ai và không ai giống như ký giả Cuốc Tô, bà Zô-zan Chủ tịch hội Lát-Sốt-sì-sần, Cập-pi-tên La Lô, ông Đội Đèn, chị em Ngọc Tũn ái nữ ông Lang Toe, có thế võ Kim kê áp noãn thần sầu quỷ khốc không nam cao thủ võ lâm nào chịu nổi.
Anh Triều Đẩu là công chức, anh không phải là người viết chuyên nghiệp. Anh nghiên cứu tử vi và giải số tử vi nổi tiếng. Cung cách tử vi của anh có mục gọi là “Thất sát triều đẩu” nên anh lấy bút hiệu là Triều Đẩu. Bút hiệu thật hay và đặc biệt. Bên bàn đọi, anh xem tử vi cho nhiều người. Tôi đích thân chứng kiến vài chuyện anh chỉ căn cứ vào tên mấy ngôi sao trên tờ giấy mà gọi ra đời tư người ta đúng vanh vách. Đơn cử một chuyện:
Anh bạn Đại úy hít tô phê nhờ anh Triều Đẩu xem giùm lá tử vi đã lập thành. Giải linh tinh một hồi, không có gì quan trọng, thầy nói:
– Theo lá số này, thì chị vợ của anh đã có một đời chồng.
Đại úy cười gượng:
– Thưa nhân tình, nhân bánh thì chắc có, chồng thì chưa…
Tôi nghe anh Triều Đẩu nói:
– Tôi nói là đã có một đời chồng kia. Nếu không phải thì tôi đoán sai, tôi xin lỗi.
Thầy xin lỗi và thầy không giải nữa.
Đại úy bèn nhận là vợ mình đã có một đời chồng và xin thầy giải tiếp. Sau đó, tôi được nghe một ông Đại úy khác, cũng trong hội hít tô phê, kể tại bàn đọi này:
– Vợ nó là nữ trợ tá, bị thằng Thiếu tá trưởng phòng nó chơi. Nhưng thằng trưởng phòng đã có vợ con rồi, nó lấy ít lâu nó buông, nó làm mối em cho tên này lúc ấy mới là Thiếu úy. Chuyện ấy anh em trong Nha tôi ai mà chẳng biết….
Tôi kể lại chuyện xưa tích cũ để nói về tài giải đoán tử vi của anh Triều Đẩu. Anh đã qua đời ở Thành Hồ. Tôi chỉ théc méc một điều: coi tử vi cho anh Côn và tôi, anh Triều Đẩu nói cả hai chúng tôi đều có hậu vận êm đềm, càng ngày càng có tiếng, sống lâu lên lão làng, địa vị bền vững…
Lời anh tiên đoán về hậu vận của chúng tôi chắc chắn là đúng nếu chúng ta không bại trận, nếu quốc gia Việt Nam Cộng Hòa đứng vững. Nhưng chuyện xảy ra cho tôi thấy cuộc đời anh Nguyễn Mạnh Côn hoàn toàn khác với lời giải của anh Triều Đẩu. Trước năm 1975, làm sao tôi có thể tin nếu có người nói: “Anh Nguyễn Mạnh Côn, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt sẽ chết thảm thiết trong tù, các tướng lãnh, sĩ quan của ta sẽ đi tù hết…”
Tôi không tin nếu có người nói như thế, nhưng sự thực là chẳng có ai, kể cả những ông bà thầy bói mù lẫn bói sáng nói một câu như: “Coi chừng. Đến năm 1975 tử vi của ông đi vào đại hạn đen hơn mõm chó mực. Ông bị mất chức, mất nhà, mất cả vợ, ông bị đi tù…” Có một thời, những năm đầu của thập niên 70, từ ông Tổng thống đến ông Tống thư văn, từ vị Đại tướng đến những vị Hạ sĩ, Trung sĩ của Quân Lực Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, tất cả đều mê tín tử vi, xem tử vi lu bù kèn. Tử vi hậu vận của vị nào cũng sáng hơn gương Tầu, quan văn, quan võ đều thăng quan tiến chức, tả phù, hữu bật, nhà buôn nhất bản vạn lợi, phúc lộc dồi dào. Đùng một cái, Việt Cộng nó kéo vào Sài Gòn. Banh ta lông tú lơ mo. Tử vi, tử véo của anh nào cũng có sao Quả Tạ đồng cung với sao Bị Gậy…
Anh Chu Tử Chu Văn Bình chết trên tầu Việt Nam Thương Tín khi tầu trên đường ra cửa biển, anh Hiếu Chân Nguyễn Hoạt chết trong nhà tù Chí Hòa, anh Nguyễn Mạnh Côn chết trong trại cải tạo Xuyên Mộc.
Tôi được nghe anh em kể anh Côn chết vì anh tuyệt thực đòi Việt Cộng phải trả tự do cho anh. Không biết vì sao anh nghĩ rằng án tù của anh chỉ là ba năm và anh đã ở tù đủ ba năm, anh đòi Việt Cộng phải trả tự do cho anh. Bọn cai tù Xuyên Mộc làm lơ, người tù chính trị Nguyễn Mạnh Côn tuyệt thực phản đối.
Cai tù Việt Cộng học cách đàn áp tù nhân của đàn anh Nga Cộng, Tầu Cộng, chúng đối phó tàn ác khủng khiếp với những người tù dám công khai chống đối bạo quyền của chúng. Chúng đàn áp thẳng tay những người tù đó để trấn áp những người tù khác. Người tù nào không chịu làm khổ sai là bị chúng nhốt phòng tối, trần truồng, không mùng mền, không chiếu, ăn cơm nhạt, không được tắm rửa… Chúng nhốt cho chết luôn. Người tù sống sót chỉ được thả ra sau cả chục lần van xin bằng miệng, bằng đơn từ. Trong hai mươi năm tôi sống ở Thành Hồ, trong số có tám năm trong tù, tôi nghe nhiều chuyện tù chính trị tuyệt thực và người tù tuyệt thực nào cũng bị cai tù cộng sản giết, cai tù cộng sản hành hạ người tù dám tuyệt thực bằng cách không cho người tù uống nước cho đến chết luôn. Người tù nào tuyên bố tuyệt thực là chúng bắt phải chết bằng cách không cho nước uống. Khi người tù hỏi nước, chúng tỉnh queo và tàn nhẫn nói: “Không chịu ăn, sao còn đòi uống? Cho chết luôn…”
Nghe nói người ta có thể nhịn ăn và lả dần cho đến chết, nhưng không sao có thể nhịn uống được. Bằng chứng là những năm Sài Gòn bát nháo từ 1965 đến 1970 có nhiều tu sĩ đến trước dinh Độc Lập để tuyệt thực, với những bình nước sâm Cao Ly thượng hảo hạng do các nữ đệ tử cúng dường. Ở trại cải tạo Xuyên Mộc, anh Côn tuyên bố tuyệt thực đòi tự do, bọn cai tù không cho anh uống nước cho đến lúc anh chết.
Từ Nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu, tác giả “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử“, “Ba Người Lính Nhẩy Dù Lâm Nạn“, “Mối Tình Mầu Hoa Đào“, “Tình Cao Thượng“, “Hòa Bình… Nghĩ Gì…? Làm Gì…?” bị Việt Cộng đưa lên trại cải tạo Xuyên Mộc, Bà Rịa. Anh đến đó và nằm lại vùng rừng già ấy.
Hận thù nào rồi cũng qua đi với thời gian. Mai sau dầu có bao giờ… con cháu chúng ta đọc những trang sử ghi lại những hận thù, những đau thương của ông cha chúng trong nửa cuối thế kỷ thứ 20 đầy máu và nước mắt, chắc sẽ phải ngạc nhiên khi thấy ông cha chúng giết nhau, thù hận nhau quá đỗi. Khi sống trong tù, mắt nhìn thấy những người bạn tù chết thảm thương, tôi vẫn nghĩ các bạn tôi chết, tôi cũng có thể chết như họ. Tại sao không phải là Hoàng Hải Thủy chết cứng trên nền xi măng xà lim Nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu mà lại là Dương Hùng Cường, tại sao hôm nay lại không phải là Dương Hùng Cường ngồi viết ở Rừng Phong Virginia kể lại cái chết thê thảm trong xà-lim của Hoàng Hải Thủy?
Tôi mượn lời văn sĩ Elie Wiesel để diễn tả tâm trạng tôi khi tôi viết những trang này. Elie Wiesel người Do Thái, sinh trưởng ở Romania, hiện sống trên đất Hoa Kỳ. Ông lúc trẻ bị Đức Quốc Xã bắt vào trại tập trung cùng với gia đình ông, ông sống sót nhưng cha mẹ ông, anh chị em ông bị chết hết. Ông viết nhiều về thảm họa dân Do Thái ở Âu Châu bị Đức quốc xã giết hại trong thế chiến thứ hai. Ông được tặng giải Nobel Hòa Bình năm 1986. Đây là lời Elie Wiesel:
“Tôi không có quyền tha thứ cho bọn giết người về cái tội chúng đã giết sáu triệu người Do Thái. Quyền tha thứ hay không là ở những người đã chết“.

Trước 1975 cuộc đời tôi thật hiếm những lần đi đưa đám ma bạn, nói cách khác trước 1975 các bạn tôi qua đời rất ít. Chỉ có hai anh Nguyễn Đức Quỳnh, Đinh Hùng tạ thế. Hai anh là đàn anh của tôi, không phải bạn tôi. Trước 1975 tôi có bạn là Mạc Tử, cùng làm với tôi ở tòa soạn nhật báo Sài Gòn Mới, bị động viên quân dịch, chết trên mặt trận khoảng năm 1972, tôi không phải đi đưa đám ma Mạc Tử, có Nguyễn Đình Thiều chết ở Phú Quốc khoảng năm 1974, tôi cũng không phải đi đưa đám ma Nguyễn Đình Thiều. Những năm 1960 có Quách Thoại, thi sĩ, qua đời trong bệnh viện Hồng Bàng. Thanh Tâm Tuyền có thơ về Quách Thoại, tôi nhớ hai câu:
“Chiều nằm ngủ trên thành cửa sổ
Người ngồi ôm chăn mỏng nhớ đời…”
Chỉ có mấy người đó thôi.
Sau 1975 các bạn tôi chết nhiều quá… Trọng Nguyên chết vì ung thư phổi không có tiền giải phẫu. Trọng Nguyên và tôi cùng làm trong tòa soạn nhật báo Sài Gòn Mới cho tới ngày báo bị đóng cửa đầu năm 1964. Năm 1980 tôi đi tù lần thứ nhất về, nghe tin Trọng Nguyên nằm trong bệnh viện Hồng Bàng, tôi vào thăm.
– Tao bị có nước trong phổi – Trọng Nguyên nói – Có những lúc ngón tay tao sưng như trái chuối. Buổi sáng ngủ dậy tao không sao dơ tay gỡ được cái mùng, tao thấy cái gối nặng như mấy chục ký.
Trọng Nguyên phải sang bệnh viện Bình Dân. Tôi đến thăm anh ở khu ung thư bệnh viện này. Tôi đã sống hai năm trong tù, nhà tù hôi hám, dơ bẩn nhưng vẫn không ghê rợn bằng khu ung thư bệnh viện Bình Dân. Ở đây ngoài cái dơ bẩn còn có mùi tanh tưởi của máu mủ.
Sài Gòn những năm đầu 1980 vẫn còn có một số khá đông bác sĩ, y sĩ của ta làm việc trong các bênh viện. Bệnh nhân được giải phẫu không mất tiền nhưng bệnh nhân phải có tiền chi tất cả những tốn phí cho cuộc giải phẫu. Bác sĩ cho Trọng Nguyên biết, muốn được giải phẫu anh phải có 30.000 đồng. Số tiền quá lớn với Trọng Nguyên năm ấy. Không có đủ cơm cho các con ăn, lấy đâu ra mấy chục ngàn đồng để mổ. Trọng Nguyên về nhà chịu trận, chạy chữa lăng nhăng thuốc ta, thuốc Tầu rồi chết.
Một tối có ông bạn đến thăm anh Trần Việt Sơn. Khi ông bạn ra về, xe Vespa của ông chết máy, phải gửi lại nhà. Đêm hôm ấy khu nhà anh Sơn bị cúp điện. Nhà tối om, anh Sơn đi qua chỗ dựng xe nhưng quên mất có cái Vespa để ở đấy, anh làm xe đổ vào người anh, xương hông anh bị nứt. Bác sĩ dùng một miếng kim khí kẹp chỗ xương nứt của anh. Miếng kim khí này làm độc, tôi đến thăm anh lần chót khi anh nằm hấp hối trong bệnh viện Trưng Vương. Thời gian là tháng Hai, tháng Ba năm 1984. Ít ngày sau ngày đưa đám anh ở chùa Vĩnh Nghiêm tôi bị bắt lần hai.
Minh Vồ cũng khỏe không kém gì Minh Đăng Khánh, năm 1990 khi tôi ở tù lần thứ hai trở về, Minh bị bại liệt đã được một năm. Minh Đăng Khánh bị liệt còn lết lết đi lại được, Minh Vồ nằm một chỗ, nhưng nói nheo nhẻo, hai tay cử động được. Ba năm như thế Minh Vồ mới đi.
Chúng tôi đưa Minh đến nghĩa trang trên Lái Thiêu. Tôi được chị vợ Minh giao cho việc đọc điếu văn trước quan tài Minh. Lần thứ nhất, tôi nói mấy lời trước quan tài bạn. Minh Vồ Thuyền Trưởng Hai Tầu chân chính, tôi không thể ca tụng Minh là người chồng tốt được, tôi nói Minh là người bạn tốt. Đây là câu nói cuối cùng của tôi với bạn tôi:
– Minh ơi… Người ta khi chết thì người ta đi lên, hay người ta đi xuống, chúng ta khi chết thì chúng ta đi ngang. Minh sang bên ấy trước nhé, chúng tôi sang sau…

(Hết)