VÕ NGUYÊN GIÁP và Chiến Tranh Biên Giới 1979

Nhân đánh dấu 40 năm Chiến Tranh Biên Giới 1979 giữa hai anh em cộng sản “môi hở răng lạnh” Trung Cộng & CSVN, chúng tôi xin trích đăng một vài đoạn trong bài “VÕ NGUYÊN GIÁP - Nhất tướng danh thành vạn cốt khô” của Thiên Ân (Lý Tưởng Úc Châu, 2014) để mọi người thấy được cái “tài thao lược” (?!) của viên tướng này. NHT


...Trong số các tác giả phê bình Võ Nguyên Giáp sau khi ông ta qua đời, có vị đã lấy tựa “Võ Nguyên Giáp – nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Theo suy nghĩ của chúng tôi, muốn cho chính xác, phải đổi lại thành “nhất tướng danh thành vạn cốt khô”. Bởi vì Võ Nguyên Giáp chỉ “thành danh” chứ không “thành công”; đó là chỉ nói về trận Điện Biên Phủ 1954, còn nếu nói về cuộc chiến năm 1979 với Trung Cộng ở biên giới phía Bắc, Võ Nguyên Giáp còn bị “bại danh”!

Thật vậy, muốn lật đổ “huyền thoại Võ Nguyên Giáp” một cách có cơ sở nhất, thiết nghĩ không gì bằng nhắc lại cuộc chiến Việt – Trung năm 1979, hay nói theo giọng điệu của Đặng Tiểu Bình là “bài học thứ nhất” của bá quyền phương Bắc dành cho đàn em phương Nam.

Từ xưa tới nay, đông hay tây cũng đều quan niệm một vị tướng lý tưởng nhất là người có đủ ba thứ “đức”, “trí” và “phúc”. Nhưng thường thường, một vị tướng có được hai thứ “đức” và “trí” đã là quý lắm rồi. Trường hợp không được cả hai thứ thì ít ra cũng phải được một. Áp dụng vào trường hợp Võ Nguyên Giáp, với sở trường nướng quân mà Đại tướng William Westmoreland đã phải “vái chạy”, dứt khoát họ Võ không phải là một “đức tướng”. Thế còn “trí tướng”?

Cũng không nốt!

Việc Trung Cộng xua quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam vào tháng 2/1979, giới quan sát tình hình đều thấy trước.

Riêng Võ Nguyên Giáp, trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, phải thấy rõ và thấy trước hơn ai hết. Lẽ ra, ngay sau khi cho quân xâm lược Căm-bốt vào tháng 12 năm 1978, lật đổ đàn em của Trung Cộng là Pol Pot, họ Võ đã phải chuẩn bị; hoặc muộn lắm là tới cuối tháng 1/1979, khi Đặng Tiểu Bình trong chuyến thăm Mỹ đã không tiếc lời án Việt Nam xâm lược Căm-bốt và nói rằng “Trung quốc không thể tiếp tục khoanh tay nhìn Việt Nam gây rối loạn khắp nơi”, báo chí Mỹ tiên đoán sớm muộn cũng sẽ xảy ra một cuộc chiến giữa hai quốc gia cộng sản, họ Võ đã phải lo dàn quân ở biên giới phía bắc.

Thế nhưng mờ sáng ngày 17/2/1979, khi 120.000 lính Trung Cộng tràn qua biên giới dài hơn 1.400 km của 6 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh, đồng loạt tấn công 26 địa điểm, phía CSVN hoàn toàn không hay biết gì.

Để cho đàn em CSVN “bài học thứ nhất”, Trung Cộng đã huy động một lực lượng gồm 300.000 quân, 550 chiến xa, 480 khẩu trọng pháo, 1.260 súng cối, hỏa tiễn..., mà theo các nguồn tin phương tây, ít nhất Trung Cộng cũng phải mất từ 60 tới 90 ngày để đưa quân vào vị trí xuất phát các cuộc tấn công, chẳng lẽ tình báo chiến lược của Quân Đội Nhân Dân (CSVN) không hay biết gì?!

Cho nên dân chúng mới hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo nào để lo di tản; hậu quả là ông già bà lão, trẻ em, phụ nữ có thai đều bọn lính Trung Cộng man rợ phanh thây!

Cho nên Võ Nguyên Giáp mới không đưa các đơn vị chủ lực tới biên giới, vốn chỉ có bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, và các trung đoàn độc lập trấn giữ!

Nhưng những sự thật được phơi bày sau này đã cho thấy ngày ấy tình báo của QĐND biết rất rõ, tuy nhiên Võ Nguyên Giáp đã quyết định “nướng dân”!

Chúng tôi xin trình bày một cách chi tiết như sau:

Võ Nguyên Giáp cứ đinh ninh (một cách sai lầm) sau khi vượt biên giới phía Bắc, Trung Cộng sẽ tiến đánh Hà Nội để trả đũa việc CSVN đánh chiếm Phnom Penh (Nam Vang) cho nên họ Võ đã giữ những sư đoàn chủ lực lại để lập “Phòng Tuyến Sông Cầu” (Bắc Ninh - Bắc Giang) với mục đích bảo vệ Hà Nội. Vì thế 6 tỉnh biên giới phía Bắc bị bỏ ngỏ một cách tàn nhẫn, phải tự lực chiến đấu trong tuyệt vọng.

* * *

Khi lập Phòng tuyến Sông Cầu, có lẽ Võ Nguyên Giáp đã mơ tưởng tới một chiến thắng để đời, nếu không oanh liệt hơn thì ít ra cũng bằng chiến thắng của danh tướng Lý Thường Kiệt trước đó hơn 9 thế kỷ trong cuộc chiến tranh Tống - Việt (1075-1077).

Nguyên vào năm 1077, sau khi Lý Thường Kiệt đánh đuổi quân Tống sang tận ba châu Khâm, Ung, Liêm (hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây ngày nay), nhà Tống sai danh tướng Quách Quỳ đem 10 vạn hùng binh sang đánh Đại Việt (mà họ gọi là “Giao Chỉ quận” thuộc Trung Hoa), và lần này quyết đánh chiếm Thăng Long.

Lý Thường Kiệt tiên đoán đại quân địch sẽ theo ngả Cao Bằng tiến xuống Thăng Long bởi đây là lộ trình ngắn nhất, cho nên đã lập tuyến phòng thủ ở bờ phía nam sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt). Quả thật Quách Quỳ tiến theo ngả này, tới đóng quân ở bờ phía bắc. Sau hai lần vượt sông tấn công bị thất bại, Quách Quỳ cho án binh bất động để chờ viện binh bằng đường thủy, mà không biết rằng thủy binh đã bị quân Đại Việt chặn đánh.

Sau hai tháng, đợi cho quân Tống mỏi mệt, cạn lương, Lý Thường Kiệt mới mở cuộc tổng phản công, vượt sông chia cắt lực lượng địch để tiêu diệt. Quách Quỳ bị đại bại, 10 vạn quân chỉ còn hơn 3 vạn chạy về Tàu, chưa kể 8 vạn phu (dân công) bị thiệt mạng. Chiến tranh Tống – Việt kết thúc, nhà Tống phải nhìn nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập.

* * *

Tới đây, chúng tôi xin độc giả tạm quên đi ý thức hệ, chính kiến, màu cờ, để có một cái nhìn thật khách quan về cuộc chiến chống quân Trung Cộng xâm lược ở 6 tỉnh phía Bắc năm 1979, từ đó cảm phục tinh thần chiến đấu của quân dân miền địa đầu, tương tự hiện nay không ít người cộng sản đã và đang ca tụng tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự hy sinh cao quý của các chiến sĩ Hải Quân VNCH trong trận Hoàng Sa (1974).

Lấy trận Đồng Đăng làm thí dụ điển hình:

Trọng điểm bảo vệ thị xã là Pháo đài Đồng Đăng rất kiên cố xây từ thời Pháp, do 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Tây Sơn, Sư đoàn Sao Vàng, trấn giữ, vào sáng ngày 17/2/1979 đã bị một lực lượng Trung Cộng đông gấp 10 lần tấn công, gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn chiến xa, với sự yểm trợ hùng hậu của pháo binh.

Dù không hề được chi viện, lực lượng phòng thủ cũng đã giữ vững pháo đài được 22 ngày đêm, trước khi hy sinh tới người lính cuối cùng. Sau này, người dân thị xã kể lại rằng: sau khi đã chiếm được khu vực bên ngoài pháo đài, quân Trung Cộng phát loa kêu gọi đối phương cố thủ bên trong ra đầu hàng, nhưng không có hiệu quả. Sau đó chúng cho chở chất nổ tới phá sập cửa chính, rồi dùng súng phun lửa, phun hơi độc, và quăng lưu đạn vào các lỗ thông hơi, giết tất cả mọi người ở bên trong pháo đài, trong số đó có các thương binh và dân chúng chạy vào tỵ nạn, và cuối cùng sử dụng 10 tấn chất nổ biến pháo đài thành đống đá vụn.



Tàn tích của Pháo đài Đồng Đăng

CSVN lúc đó có ít nhất 5 sư đoàn đang ở miền Bắc, nếu Võ Nguyên Giáp cho 5 sư đoàn này tham chiến ngay từ đầu, chắc chắn tình thế, và thiệt hại của phía Việt Nam đã khác hẳn.

Điều mỉa mai khôi hài nhất là tới ngày 5 tháng 3, khi “nhà quân sự lỗi lạc nhất của mọi thời đại” ra lệnh tổng động viên, đưa những sư đoàn chủ lực, chiến xa, pháo binh từ Căm-bốt trở về để chống quân Trung Quốc xâm lược, thì cũng là ngày Trung Cộng tuyên bố “đã hoàn thành mục tiêu của cuộc trừng phạt, chiến thắng vẻ vang”, và ra lệnh rút quân!

“Phòng Tuyến Sông Cầu” để bảo vệ thủ đô Hà Nội trở nên trơ trẽn, chìm vào lãng quên. Nhưng vết thương chiến tranh ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc sẽ không bao giờ lành: hai thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng bị hoàn toàn bình địa, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 mẫu tây hoa màu bị phá hủy, 400.000 gia súc bị giết hoặc bị cướp mang đi; khoảng phân nửa trong số 3.5 triệu dân bị mất toàn bộ nhà cửa, tài sản..., chưa kể một phần giang sơn gấm vóc đã bị Trung Cộng chiếm đoạt vĩnh viễn!

Cho nên cũng là điều dễ hiểu khi trong tất cả các bài ca tụng chiến công của “Napoléon Đỏ” Võ Nguyên Giáp, các tay bồi bút của chế độ CSVN đã không hề nhắc tới “chiến thắng Trung Quốc ở 6 tỉnh miền Bắc”, đồng thời trong danh sách “10 danh tướng bị đại bại dưới tay Võ đại tướng” cũng không thấy nêu tên Thượng tướng Dương Đắc Chí, viên tướng chỉ huy cuộc xâm lược này, về sau trở thanh Tham mưu trưởng Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc!

(Thiên Ân - Lý Tưởng Úc Châu, 2014)