Vụ 'bắn lầm' trong Trận Mậu thân (Đợt 2), tuy đã xẩy ra cách nay gần 40 năm, nhưng nhựng bí ẩn vẫn chưa được tiết lộ. Nhiều câu hỏi chưa được giải đáp và những nghi vấn cùng những hệ lụy chính trị vẫn còn là những ẩn số ! Chúng tôi xin gửi đến quý vị những chi tiết, sưu tầm được qua những bài trích trong hồi ký của những người trong cuộc, và những đoạn viết về vụ này trong sách báo Mỹ. Chúng tôi hy vọng qua bài viết này sẽ nhận được những ý kiến hay những chi tiết chính sác hơn của 'những vị biết sự thực'..hầu những thế hệ sau biết được thêm một vấn đề lịch sử..


Vụ trực thăng Mỹ bắn rocket vào trrường Phước Đức, xẩy ra vào ngày 2 tháng 6 năm 1968, gây tử thương và bị thương cho một số sĩ quan QLVNCH, đang họp hành quân.. được chính thức giải thích là 'bắn lầm' nhưng vẫn được nhiều người cho là một 'cuộc thanh toán chính trị' do Mỹ và TT Thiệu đạo diễn để 'tỉa bớt' vây cánh và 'cảnh cáo' Tướng Kỳ..

Tác giả Chính Đạo trong Mậu Thân 68 Thắng hay bại viết (trang 334-335). (Chính Đạo là bút danh của Vũ Ngự Chiêu, Ph.D Sử học)

' Giữa lúc đó, một tai nạn xẩy ra ở đường Khổng Tử khiến quân chính phủ thiệt hại nặng. Vào lúc 6 giờ chiều, một trực thăng võ trang Mỹ-theo báo cáo chính thức vì ống phóng hỏa tiễn bị hư-đã oanh kích lầm vào vị trí Bộ Chỉ huy hành quân đặt tại trường Phước Đức (286 đường Khổng Tử). Sáu sĩ quan cao cấp của VNCH bị tử nạn, gồm có : Trung Tá Nguyễn Văn Luận, Giám đốc Cảnh Sát Đô Thành; Trung Tá Nguyễn Ngọc Trụ, Trưởng Ty CS quận 5; Trung Tá Đào Bá Phước, CHT Liên đoàn 5 BĐQ; Trung Tá Phó Quốc Chụ, Giám đốc Nha Thương Cảng Sài Gòn; Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Phụ tá GĐCSĐT; Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Sài Gòn (em Trung tướng Nguyễn Bảo Trị, đương kim Bộ trưởng Xây Dựng Nông Thôn). Một số người khác bị thương như Đại tá Văn Văn Của, Đô trưởng Sài Gòn; Đại tá Nguyễn Văn Giám, Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô; Trung tá Trần Văn Phấn, Phụ tá TGD/CSQG (cụt chân).
Tai nạn này xẩy ra chỉ cách tuyến giao tranh khoảng 150 thước. Trung tướng Khang, Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Tổng trấn sài Gòn, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc-Vài phút trước đó, một cố vấn Mỹ mời Khang ra ngoài thảo luận. Tại sài Gòn, lập tức có tin đồn cho rằng phe Thiệu đang ra tay thanh toán nhóm Kỳ. Tin đồn này càng có vẻ khả tín hơn khi được 'móc nối' với việc Chuẩn tướng Loan bị thương ở cầu Phan Thanh Giản, Đại tá Lưu Kim Cương chết ở khu Ông Tạ, Chính phủ Nguyễn Văn Lộc phải từ chức cho Trần Văn Hương, người ra mặt chống đối Kỳ, lên thay. Rồi đến việc bổ nhiệm tướng Nguyễn Văn Minh 'đờn' Tư lệnh Sư đoàn 21, làm Tư lệnh Biệt Khu Thủ Đô thay Khang trong tháng 6/1968 và ép Khang từ chức Tư lệnh QĐ III hai tháng sau. Việc Thủ tướng Hương mang hoa và một phái đoàn ký giả vào nhà thương thăm Loan, hay đặc cách Loan lên Thiếu tướng và Nguyễn Đức Thắng lên trung tướng ngày 3/6/1968 -theo chuyên viên về 'thuyết âm mưu'(conspiracy)-chẳng là gì hơn thủ thuật bôi thuốc đỏ lên những vết chém trên lưng Kỳ..'


Trong phần Phụ chú , Chính Đạo ghi thêm : Đại tá Trần văn Hai được cử thay Loan. Cùng ngày 7/6/1968 Đỗ Kiến Nhiễu thay Văn Văn Của làm Đô trưởng.

Tác giả Trương Dưỡng trong Góc chiến trường xưa : Trong trận Tết Mậu Thân trên Người Việt Online, January 17,2006 viết :

'Trong trận Mậu Thân đợt II có một việc đau lòng xẩy tại chợ kim Biên khi một chiếc trực thăng võ trang của Hoa Kỳ đã bắn lầm vào trường tiểu học Phước Đức, trong đó Bộ Chỉ Huy Phản công của ta đang họp mặt tại BCH/HQ?Liên Đoàn 5 BĐQ để hoạch định đối sách. Hậu quả là Đại tá Đào Bá Phước, Liên đoàn trưởng LĐ 5 BĐQ, Trung tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng ty CS Quận 5, ông Phó Quốc Trụ thuộc Nha Thương cảng, Thiếu tá Nguyễn Bảo Thùy (em của Trung tướng Nguyễn Bảo Trị) đều bị hy sinh. Đại tá Văn Văn Của bị thương và Đại tá Phần, Phó GĐ Cảnh sát bị cụt hai chân.
Trước đó khoảng 5 phút, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh Quân đoàn III và Đại tá Trần Văn Hai vừa rời khỏi trường Phước Đức ra phía ngoài gần đó quan sát. Thiếu tá Hồ Văn Hòa, TĐ trưởng TĐ 35 BĐQ đang điều động càn quét đám đặc công VC. Nếu ông đi sớm 5 phút thì đã nguy hiểm đến tánh mạng. Và sau 10 phút khi hai trái rocket nổ thì Phó TT Nguyễn Cao Kỳ đến (theo lời kể lại của niên trưởng Đặng Kim Thu, khóa 19 Đà Lạt, tùy viên của ĐT TTM trưởng lúc đó có mặt tại hiện trường). Cũng có tin đồn đây là một vụ thanh toán phe phái trong hàng tướng lãnh cao cấp lúc bấy giờ. Nhưng đây chỉ là một tin đồn, chưa có bằng chứng rỏ ràng..'


Một trong những 'nhân chứng', có mặt trực tiếp tại hiện trường lúc xẩy ra vụ 'bắn lầm' là Nhà văn Nguyễn Thụy Long đã kể lại trong Hồi Ức 40 năm làm báo đăng làm nhiều kỳ trên Oregon Thời Báo, các tháng 8, 9 và 10 năm 2006, ghi lại như sau :

' Khoảng 9 giờ 30 sáng, phái đoàn của tướng Lê Nguyên Khang, tham mưu trường vào thị sát mặt trận.Ông chỉ thị cho các sỉ quan thuộc cấp chỉ huy mặt trận không được dùng súng lớn để dập đối phương đang ẩn nấp, tránh thiệt hại cho dân.Phải dùng những cánh quân mỏng xâm nhập mục tiêu dù có bị thiệt hại..
.. .. Từng bước một đoàn quân tiến lên, họ tiến vào trường trung học Phước Đức của người Hoa, đó là điểm dừng quân.
Máy bay bay quần quần ở trên đầu, giữa buổi trưa nắng gắt. Tôi nhận thấy một số sĩ quan chỉ huy mới hồi sáng còn thấy mặt, bây giờ biến đâu mất, như Đại tá Trần Văn Hai. Còn lại một số sĩ quan khác ngồi trên tam cấp trường Phước Đức, cúi đầu trên tấm bản đồ mặt trận, hoạch định kế hoạch tấn công. Tôi có mặt ở đó, và thấy mình thừa thãi, trong khi đã thu thập đầy đủ tin tức cuộc tiến công diễn ra trong đêm nay. Bộ chỉ huy mặt trận ngồi trên tam cấp trường Phước Đức tỏ ra hăng hái, tất cả có sáu vị tá, có những người không giữ nhiệm vụ gì, nhưng cũng ngồi cả đãy. Tôi gặp Trung tá Phó Quốc Chụ, ông nói :
- Tôi chẳng có nhiệm vụ gì ở đây hết, tôi sang chợi, hy vọng tìm được khẩu súng Sao đỏ (K54) để làm kỷ niệm..
.. ...Ông Nguyễn Thụy Long dành một đoạn để viết về con vịt giữa lửa đạn mà ông tìm cách cứu. Sau đó Ông bỏ con vịt vào túi và tiếp tục nhiệm vụ săn tin chiến trường , như vì con vịt kêu quá nên Ông đành rời buổi họp của các vị Tá .Đoạn kể tiếp về vụ 'bắn lầm' như sau :
Trên đầu chúng tôi máy bay bay quần quần, một quả khói vàng nữa được bắn ra từ ban chỉ huy, đánh dấu điểm cho chắc ăn. Tôi bước ra khỏi ban chỉ huy chừng năm, sáu thước, nghếch mắt nhìn hai chiếc trực thăng chiến đãu lao xuống, hai tia lửa hỏa tiễn phụt ra khỏi ổ phóng, phản ứng tự nhiên, tôi lăn mình xuống ngay bờ hè cống thoát nước. Hai tiếng nổ đinh tai nhức óc, kèm thêm một băng đạn đại liên bắn bồi. Mảnh bom bay vèo vèo qua đầu tôi. Khói chưa tan hẳn, tôi nhỏm dậy và thấy sáu vị tá ngồi trên bậc tam cấp tung lên, người đã chết và người còn oằn oại. Máy bay ngóc đầu bay chạy khỏi hiện trường, một băng đạn đại liên ở trên cao ốc gần đó bắn đuổi theo, nhưng hình như không trúng đích. Trực thăng bắn lầm vào quân ta rồi ?
.. ..Tôi gặp ký giả Chàng Phi từ đâu chạy đến..
Chàng Phi giữ tôi lại :
-Tao thấy rõ ràng đây là một vụ thanh toán nội bộ, giữa phe của Kỳ và Thiệu, không thể có vụ oanh kích lầm được. Mày có thấy người bị thương vong toàn là người của Kỳ không, những sỉ quan của Thiệu biến mất từ trưa nay..


Sau đây là phần trích từ tập sách Mộng không thành của BS Văn văn Của (BS Văn văn Của, lúc đó, là Đô Trưởng Sài Gòn và là một'nạn nhân' trực tiếp trong vụ bắn lầm..')

Ngay trong trang mở đầu của tập sách, Tác giả đã ghi :

Kính tặng Anh linh các Chiến Sĩ :
Trung Tá Nguyễn văn Luận, Giám đốc Nha Cảnh sát Đô Thành
Trung Tá Đào Bá Phước, Chỉ huy trưởng LĐ 5 Biệt Động Quân
Trung Tá Phó Quốc Chụ, Giám Đốc Nha Thương Cảng SG
Thiếu Tá Lê Ngọc Trụ, Trưởng Ty CS Quận 5 SG
Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sanh, Phụ Tá Giám Đốc CS Đô thành
Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh Sở An Ninh Đô thành
...
Đã bị giết hại oan uổng trong khi đang làm phận sự đấu tranh chống Cộng Sàn.


Vụ 'bắn lầm' được kể lại trong các trang từ 331 đến 341.. trong đó phần mô tả sự việc được kể rất chi tiết (từ 331 đến 339) và phần 'nghi vấn' trong các trang 340-341..

Những sĩ quan có mặt trong buổi họp 'tham mưu' gồm :
- Trung tướng Lê Nguyên Khang (được Cố vấn Mỹ rủ (?) đi khỏi nơi họp trước khi xẩy ra vụ bắn lầm- xem tài liệu sau..)
- Đại Tá Trần văn Phấn Tham mưu trưởng hành quân Tổng Nha CS (thay mặt Tướng Loan)
- Đại Tá Nguyễn văn Giám, Biệt Khu Thủ đô
- Đại Tá Văn văn Của Đô trưởng Sài Gòn
- Trung Tá Đào Bá Phước , Chỉ huy trưởng LĐ 5 BĐQ
- Trung Tá Lê ngọc Trụ, Trưởng ty CS Quận 5
- Trung Tá Nguyễn văn Luận, Giám đốc Nha CS Đô Thành
- Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh Tham mưu trưởng hành quân CS
- Thiếu Tá Nguyễn Bảo Thùy, Chánh sở An Ninh Đô thành
- Trung Tá Phó quốc Chụ , Giám đốc Nha Thương Cảng ( tình cờ đến dự buổi họp (?) vì cùng đi với ĐT Giám).
- theo chương trình sẽ có cả Phó TT Nguyễn Cao Kỳ (?) (xem bài của Ô Kỳ ở phần dưới)
Sau đây là diễn tiến vụ 'bắn lầm' :

'.. Cuộc họp diễn ra tại tam cấp của trường Phước đức. Ngồi trên bậc cao nhất (và được tường của phòng học trên lầu che một phần cơ thể) là Đại tá Giám và Đại tá Phấn, tham mưu trưởng hành quân của Tổng nha Cảnh Sát và đại diện cho Tướng Loan; 2 vị Đại Tá này chủ toạ buổi họp. Từ bậc dưới kế đó đến bậc thấp nhất chia ra 2 bên là các Trung Tá Đào bá Phước, Lê ngọc Trụ, Phó quốc Chụ và Nguyễn văn Luận, các Thiếu Tá Nguyễn Ngọc Sinh, Nguyễn Bảo Thùy. Tôi (ĐT Của) ngồi ở bậc thấp nhất. Một bản đồ thành phố SàiGòn được trải ỡ giữa..
Buổi họp sắp chấm dứt, các nhiệm vụ chính yếu và nhu cầu cho ngày hôm sau đã được quyết định, chỉ còn phân chia ranh giới khu vực bố trí quân ban đêm là việc giữa BĐQ, CS Đô thành và CS Quận 5, thì hạ sĩ quan truyền tin BĐQ đến đưa máy liên lạc Không quân, nói chuyện với trực thăng đến yểm trợ cho Tr Tá Phước. Thì ra trực thăng Mỹ ở Tân Sơn Nhất đến giúp...
Tôi nghe rõ ràng Tr/Tá Phước cho tọa độ khu Ngọc Lan Đình, nói rõ cao ốc hình hộp 4 tầng duy nhất trong khu, trục bắn từ Đông sang Tây theo đại lộ Đồng Khánh..
Cũng trong lúc ấy có tiếng trực thăng đến gần, tôi nhìn lên thấy một trực thăng từ hướng Đông bay đến, đúng theo trục Đồng Khánh, lúc ấy cách chỗ họp còn chứng 30 giây bay, nghĩa là sắp đến lúc bắn yểm trợ..
.. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của cấp Đại Tá coi như đã xong. Trên bực cao nhất, ĐT Giám đứng lên bước vào sâu trong hàng hiên nơi đặt máy truyền tin liên lạc riêng của hệ thống BKTĐ. ĐT Phấn, lúc trước chồm người vào chỗ bản đồ, bây giờ ngồi thẳng người lên, thân mình được che khuất bởi tấm vách của phòng học, chỉ còn chân thò ra ngoài. Phần tôi, thấy cần phải đi ra ngoài kiểm soát lại đám cháy ban trưa..
Sau khi ra lệnh cho sĩ quan cứu hỏa ở chỗ xe jeep đỏ chỉ huy đậu sát lề đường ngay trước cổng trường, tôi quay trở vào chỗ họp. Vụa qua khỏi cổng còn bốn, năm bước nữa mới đến tam cấp tôi bỗng cảm thấy một sức ép không khí nặng nề đè lên người xô tôi ngã ngửa..
ĐT Của viết tiếp về vụ 'điều tra' tai nạn như sau :
Chiếc trực thăng Mỹ thay vì bắn vào mục tiêu theo trục Đồng Khánh (từ Đông sang Tây) thì đổi hướng Bắc-Nam qua đầu chỗ đang họp tham mưu mà không thông báo cho dưới đất biết, vì thế bắn 2 quả roc kết thì quả đầu vào Ngọc lan đình, quả sau vào tường phòng họp bên trên tam cấp nổ chụp lên đầu nhóm đang họp. Tất cả sĩ quan tham dự buổi họp đều tử nạn chỉ trừ ĐT Giám lúc ấy đang đứng khuất trong hiên, ĐT Phấn nhờ ngồi thẳng người lên nên chỉ nát 1 gối phải cưa chân, và tôi bị thương ở đầu, mặt, ngực toàn phần mềm không trúng tạng phủ và nặng nhất là gãy khuỷu trái. Trung sĩ y tá Trần trùc Trâm đi hộ vệ Đô trưởng cũng bị một mảnh đạn vào tim.
Sáng ngày 3/6 tôi được ĐT Hoành trưởng đoàn thanh tra của Bộ TTM QLVNCH đến Bệnh viện Grall điều tra về tai nạn bắn lầm. Tôi kể lại sự việc từ lúc Trung tá Đào bá Phước điện đàm với trực thăng đến lúc tôi bị thương và yêu cầu làm sáng tỏ các vấn đề sau đây:
Là một trực thăng của Quân đội Mỹ và phi công là người Mỹ, gây tử thương cho một số sĩ quan VN mà phái đoàn chỉ có Việt Nam ?
Tại sao không bắn theo hướng và trục yêu cầu ?
Tại sao đổi hướng bắn mà không thông báo cho dưới đất biết để lấy nhựng biện pháp an toàn cần thiết ?
Dưới đất đã ấn định rõ mục tiêu duy nhất, trường Phước Đức không có trong mục tiêu yêu cầu, mà nơi đó lại dễ nhận định là bạn vì có nhiều xe jeep (hơn chục chiếc) : đủ mầu, mầu quân đội. mầu trắng và xanh của cảnh sát, mầu đỏ của Cùu hỏa, trên không có thể thấy rõ, không thể lầm lẫn với mục tiêu yêu cầu, mà tại sao lại quyết định bắn qua đầu ? Không có một góc độ nào khác để bắn vào mục tiêu mà không qua đầu trường Phước Đức ?
Có một yêu cầu nào khác từ dưới đất thêm trường Phước Đức là mục tiêu thứ 2 ?
Tôi yêu cầu nhất định được giáp mặt với các phi công của trực thăng để đói chất trước sự hiện diện của một Ban điều tra hỗn hợp Việt-Mỹ.
Sáng hôm sau, Đ/tá Hoành trở lại gặp tôi, đưa cho xem bản phúc trình của phi công nói vắn tắt rằng sở dĩ có tai nạn là vì trục trặc kỹ thuật: quả đạn rocket thứ hai phát hỏa chậm. Chấm hết. Còn tất cả các câu hỏi khác đều không được trả lời.
Tôi xin được giáp mặt phi công thì Đ/tá nói rằng phi vụ đó chỉ có một phi công và người đó đã về Mỹ ngay tối ngày 2/6 (sao về gấp thế ? nếu chỉ là lỗi kỹ thuật ?) Tôi nhấn mạnh tại sao đổi hướng bắn mà không cho dưới đất biết thì Đ/tá VN trả lời thay cho Mỹ rằng.. thủ tục đó..không có trong Quân đội Mỹ !..
.. ..


Sau cuộc bỏ chạy 1975, Đ/tá Trần văn Phấn, chỉ còn một chân, và tôi bị kẹt lại (Mỹ đã hứa cho di tản mà rồi không đến chỗ hẹn rước đi), đi học tập cải tạo, VC lại sắp cho 2 chúng tôi cùng một buồng giam và cùng một độ, cho nên ban đêm thường nhắc lại chuyện xưa. Theo Đ/tá Phấn thì có một lệnh từ dưới đất chỉ cho trực thăng thêm một mục tiêu ngoài Ngọc lan đình là trường Phước Đức. và người ra lệnh là Đ/tá Giám, trước lúc đó rời chỗ họp đến chỗ máy truyền tin riêng của Biệt Khu Thủ đô, khuất sâu trong hiên, nên là người duy nhất không bị thương tícg gí, còn hai chúng tôi thoát chết là nhờ may mắn. Năm 1995..tại Mỹ..tôi có dịp gặp nột cựu Trung Tướng QL VNCH và kể lại lời buộc tội của Đ/tá Phấn; vị Tr/tướng là thành phần của HĐ QL từ lâu, trả lời :'Nghi như vậy oan cho Anh Giám, muốn biết ai làm việc này, thì tìm xem, ai lả người ''Ông Thiệu'' cho lên cấp và giữ chức vụ quan trọng sau đó (nguyên văn). Tức là có âm mưu đó..

Tướng Nguyễn Cao Kỳ (Trong thời gian xẩy ra vụ bắn lầm, giữ nhiệm vụ Phó Tổng Thống) ghi lại sự kiện này trong tập sách Buddha's Child, trang
269-270. Câu chuyện của Ông Kỳ có nhiều điều huyền bí và Ông quy trách nhiệm về vụ này cho ĐT Trần văn Hai (?) :

' .. Khoảng 3 tháng sau cuộc tấn công của địch quân, một sỉ quan trong Bộ Chỉ Huy của Biệt Khu Thủ Đô mời tôi và một số sĩ quan trung cấp đến thăm một trường học của người Hoa tại Chợ lớn để xem một cuộc triển lãm các vũ khí và đạn dược tịch thu được. Tôi cho Ông ta biết là đến đón chúng tôi tại Dinh vào sáng hôm sau, khoảng 8 giờ sáng. Đến dự các buổi lễ này là để chứng tỏ tinh thần huynh đệ chi binh và cổ vỏ cho tinh thần binh sĩ..
Đêm hôm đó, tôi mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Tôi đang bay và máy bay của tôi bất ngờ nhào xuống bị hút vào một giếng lớn. Tôi cảm thấy không chống lại được, không thể thoát được khỏi giếng sâu, mày bay sẽ bị rơi và tôi sẽ chết. Vào đúng lúc đó, Đại tá Cương, Chỉ huy trưởng Căn cứ Tân Sơn Nhất, đã nói với tôi, từ ghế sau của chiếc máy bay mà tôi đang bay.
Ngay trong giấc mơ, Tôi đã rất ngạc nhiên, vì cách đó vài tháng, có lẽ ngay trong tuần đầu của cuộc Tấn công Tết, Cương đã chết vì trúng một quả đạn B40 của VC.
Vào lúc đang trong giấc mơ, khi tôi tự nói với tôi là tôi sắp chết, Cương nói ''Không sao, Thiếu tướng, tôi sẽ đưa Ông lên' và sau đó phi cơ của tôi bay lên được khỏi cái giếng. Và khi chùng tôi đang bay trên không, Cương chỉ tay về một nơi ở dưới đất đang có giao tranh. Anh ta nói :'Ong nhìn đi, ông có thấy nơi có đám khói vàng kia không ? Hãy cẩn thận, đó là nơi mà họ sẽ oanh kích.'
' Khói vàng là đánh dấu quân bạn mà', tôi đáp 'tại sao lại oanh kích quân bạn ?'
' Ông nói đúng,' Anh trả lời. 'Nhưng nhớ kỹ lời tôi.'
Và sau đó Anh cho tôi xem một bức hình có 7 người gục chết trên mặt đất.
Tôi thức giấc trước khi trời sáng, người toát mồ hôi và mệt nhoài, tôi có cảm giác là đang có một vấn đề khó hiểu, một cảnh tượng..bị cấm hay tôi đã quên một việc tối quan trọng.
Khoảng 7 giờ 30 sáng, một sĩ quan đến để đưa tôi đi Chợ Lớn vói cùng nhóm. Tôi nói :' Hôm nay Tôi bị đau, Cứ đi tôi không đến được', và trờ về giường, ngủ tiếp thêm vài tiếng. Đến 10 giờ sáng, tin từ Chợ lớn báo về: Những người thân cận ủng hộ tôi, đến trường học của người Hoa đã bị trúng đạn rocket phóng đi từ một trực thăng Mỹ. 6 người chết và 2 bị thương nặng. Khi tôi xem một bức hình báo chí chụp cảnh sân trường, vài phút sau sự việc, thì đó chính là bức hình tôi đã thấy trong giấc mơ- chỉ khác là trong giấc mơ có 7 xác người tử nạn, và nơi sân trường chỉ có 6. Tôi không hiểu thế nào hay tại sao, nhưng tôi chắc chắn là Cương đã cứu mạng tôi.
Tôi không bao giờ biết được là ai đã điều hành chiếc trực thăng võ trang Mỹ buổi sáng hôm đó hay tại sao trực thăng Mỹ lại tấn công quân bạn tại sân trường giữa một thành phố đã bình định. Tôi cũng nghe những tin đồn cho rằng Thiệu là người chủ mưu, Ông ta mưu toan kết hợp với người Mỹ hy vọng giết được tôi. Vài năm sau, tôi nghe nói, một Đại tá Trần văn Hai nào đó đã có mặt trên chiếc trực thăng. Tôi chỉ biết sơ về Ông này. Thiệu sau đó cho Ông ta làm Tư lệnh Cảnh Sát quốc Gia, thay cho Tướng Loan, cần nhiều tháng mới lành được thương tích..


Tập san Biệt Động Quân trong các số 12 và 13 có 2 bài rất đặc biệt, phỏng vấn một số sĩ quan BĐQ, có mặt tại chỗ và chứng kiến từ đầu đến cuối 'Sự kiện Trường Trung Học Phước Đức'.

Tâp san số 12 đăng bài phỏng vấn của Ban biên tập với Thiếu tá Hà Kỳ Danh mà tập san cho biết là 'người đã chứng kiến từ đầu đến cuối sự kiện trái rocket từ chiếc gunship bắn vào BCH/Hành quân/LĐ5/BĐQ. Sau đây là phần tóm lược các điểm chính : Những câu trả lời của Th/ tá Danh sẽ được ghi trọn vẹn dưới đây :
( Xin đọc tiếp Phần 2)