Remember ?

Trang 3/8 đầuđầu 12345 ... cuốicuối
kết quả từ 13 tới 18 trên 43

Tựa Đề: Truyện ngắn Truơng Kim Báu

  1. #13
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default NGÀY TẾT - Trương kim Báu

    Chúng tôi ở trại tập trung trong vườn xoài cầu Rạch Ngòi, cách chợ Long Xuyên chừng 5 cây số, chỗ ở người Hoa đăng ký đi nước ngoài theo diện bán chính thức bằng đường biển, vì vậy chủ tàu lo giấy tờ cho chúng tôi thành người Hoa cho đúng luật.
    Chị chồng tôi người Mỹ Tho nhưng chị ra Nha Trang ở cùng gia đình tôi từ ngày tôi sanh đứa con đầu lòng, Chị ở cùng chúng tôi lúc tôi giàu sang đầy đủ đến năm 75 tôi mất hết tất cả nhưng chị lúc nào cũng một bên tôi, vẫn thương yêu lo lắng săn sóc mẹ con tôi. Đối với tôi chị hơn cả ruột thịt những lúc buồn nản tuyệt vọng khó khăn đều có chị một bên, tôi có thể ôm chị mà khóc mà cười tự nhiên không còn phân biệt chị chồng, với tôi chị rất quan trọng. Tôi đưa chị và 2 con theo ngân hàng Việt Nam Thương Tín Nhatrang di tản vào Saigon, chồng cũng đang tù ngoài miền Bắc.
    Chúng tôi ở Long Xuyên cả năm nay rồi, dự định xuống ở 1 tuần lễ là đi nhưng giờ chót công an đòi thêm vàng, chủ tàu không chịu, tàu bị đình lại không biết lúc nào mới ra khơi. Chủ tàu cứ hẹn 5 tây, 10 tây, 15 tây v... v... đến nỗi ai cũng nói ông chủ đang chơi trò 5, 10 với khách.

    Nếu các con vẫn ở trại tập trung, không hưởng được một cái tết dù còn hiện diện trên quê cha đất tổ, cảm giác bơ vơ lạc lỏng chợt đến se lòng tôi quặn đau. Hôm nay là 30 rồi, muốn cho chúng biết nhiều về quê hương xứ sở, phong tục tập quán của nước nhà, tôi bàn cùng chị chồng tôi.
    - Tàu chưa đi bây giờ nên mình về quê ăn tết, để ngày nào đó những đứa trẻ còn nhớ được cái tết truyền thống của dân tộc mình.

    Chuyến đi này có tôi, chị chồng và hai con nhỏ. Chị mừng ra mặt khi biết tôi quyết định về Mỹ Tho quê chồng ăn tết. Đoàn chúng tôi lúc này lên đến 5 người vì có Phong, tôi mới nhận là em cũng là người Việt đi cùng tàu.
    Xe chở khách về Sài Gòn đã khởi hành từ sáng sớm, nên Từ Long Xuyên chúng tôi phải đi xe lôi ra Bắc Vàm Cống, qua Cần Thơ rồi lên phà Mỹ Thuận. Từ đó chúng tôi đi xe từng chặn, từng chặn, chạy đua cùng thời gian, phải làm sao kịp để đón giao thừa.
    Rồi cũng tới Mỹ Tho, từ bến xe chúng tôi đi bộ thêm 3 cây số nữa mới đến nhà. Trước 75, gia đình chồng tôi ở gần Ty Điền Địa, cùng con đường với nhà vợ tổng thống Thiệu. Sau 75, chính phủ đều trưng dụng tất cả khu nhà đó, ba mẹ chồng tôi bắt buộc về quê xây căn nhà trên miếng vườn ông bà để lại. Lối về nhà phải đi ngang nghĩa địa, khí u tịch đượm hoàng hôn lặng lẽ quá nên 5 người chúng tôi vừa đi vừa chạy. Đến nhà, con trai tôi chạy một mạch vào trong.
    - Thưa ông bà nội, con mới về.
    - Ồ! Cháu nội tôi, nước mắt mẹ già tuôn trào.
    Ông nội cũng nghẹn ngào. Cô út gạt lệ, lên tiếng.
    - Nhà vừa mới rước ông bà xong, mời tất cả đi rửa tay rồi ăn cơm luôn.
    Má gói bánh tét định mùng 3 kêu em đem xuống cho các chị đó.
    - Út để chị coi lửa nồi bánh tét cho.
    - Dạ, vậy em và chị Năm xào kẹo chuối.

    Ba mẹ con tôi ngồi canh nồi bánh tét, trời se lạnh nhưng trong lòng ấm cúng. Lần đầu tiên được đẩy củi vào lò cho lửa cháy to, hai con tôi vô cùng thích thú, ngọn lửa bập bùng theo tiếng cười vang của chúng. Bà nội bước đến trao mấy củ khoai lang và chỉ cho hai cháu cách lùi vào tro nóng, bà nhìn 3 mẹ con tôi ăn khoai mà tình thương lai láng chìm trong đáy mắt. Mẹ kéo chiếc ghế đến ngồi gần, khuôn mặt mẹ hằn những vết chân chim và tóc đã bạc phơ. Cả một đời vất vả vì chồng vì con, đến tuổi này đúng ra phải được nghĩ ngơi để đàn cháu con nuôi dưỡng, thế mà vẫn còn những giọt lệ lăn trên đôi gò má nhăn nheo, nghĩ đến những đứa con trai ở trong lao tù nơi miền Bắc xa xôi và các cháu sắp ra đi, biết bao giờ gặp lại. Tôi thương mẹ quá, mẹ lúc nào cũng hy sinh cho thế hệ sau này, ngay cả chuyến đi này cũng là ý của mẹ muốn cháu nội có một tương lai sáng sủa.

    Mẹ ơi ! tóc chiều đã bạc
    Biết đâu. . . . . . . . mai nhỡ vô thường.
    (Thơ Như Nhiên)

    - Má kể sự tích bánh chưng, bánh dầy cho tụi con nghe đi.
    - Ừ để má kể.

    Hai cháu nghe kể chuyện chạy đến dành nhau ngồi vào lòng bà nội. Sương xuống nhiều hơn trong màn đêm se lạnh, hoa bưởi hoa cau và hoa mai trước sân nhà quyện vào nhau tỏa hương tinh khiết làm tôi ngất ngây cảm động. Ba chồng tôi và em Phong đã sửa soạn bàn thờ treo phong pháo dính trên cửa ngõ, chị Năm và em út cũng đã hoàn tất chảo chuối xào dừa, bốn người không hẹn mà đều đến ngồi quanh nồi bánh tét, câu chuyện lại chuyền qua tai từng người. Hai con tôi lim dim nhưng không ngủ, đang thưởng thức nhiều mẫu chuyện hay trong tình thương bao phủ. Chúng đã đón nhận thâm tình ruột thịt từ ông bà cùng dòng họ trên mảnh đất quê hương trong đêm ba mươi tết, hình ảnh này sẽ khắc ghi mãi trong tim, đó là chất liệu đùm bọc cho con tôi vui sống bất cứ nơi nào.
    Giao thừa đã đến! Mọi người đều có mặt ở ngoài sân trước, bên gốc mai già ngòi pháo được châm, tiếng pháo nổ dòn, hai con tôi bịt tai và chúng cười to sung sướng.
    Cả làng, đầu trên xóm dưới ròn rã tiếng pháo giao thừa cho không gian bừng sáng, mọi vật thức dậy với sự giao thoa của trời đất thiêng liêng trong khoảnh khắc diệu kỳ, cảm giác bình yên hạnh phúc ngập tràn và lan tỏa mọi nơi. Tất cả đều im lặng để cảm nhận khí xuân ấm áp buồng tim và hòa mình cùng phút giây lắng đọng với thiên nhiên khoác chiếc áo tinh khôi rạng rỡ.
    Các thành viên trong gia đình lần lượt lên thắp nhang trên bàn thờ để nhớ và cảm ơn nguồn cội của mình. Giao thừa đã trôi qua yên tĩnh, năm mới đến, ai cũng cầu một năm an lành hạnh phúc trong nghi ngút hương trầm tống cựu nghinh tân. Hai con được nhận lộc lì xì mừng tuổi của mọi người thân, cả nhà quay quần bên bàn cổ giao thừa.

    Mưa xuân lất phất bay nhẹ rây từng màn mỏng trên cây. Giao thừa quê chồng tôi thật giản dị nhưng là hành trang quí báu mà chúng tôi mang theo suốt cuộc đời còn lại trong những năm tháng xa cách quê nhà.
    Ngày đầu năm chúng tôi đều vào chùa Vĩnh Tràn lễ Phật, một ngôi chùa cổ tuy nhỏ nhưng đẹp và thật trang nghiêm. Bà Nội dạy chúng tôi:

    - Gặp ai cũng phải chắp hai tay lại, đầu cuối xuống, miệng nói A DI ĐÀ PHẬT. Khi vào chánh điện cũng phải chắp hai tay lại để thể hiện sự cung kính khi đảnh lễ. Khi lạy phải khom lưng cúi người xuống buông bỏ cái ta ngã mạng.

    Ôi những lời dạy bảo của mẹ già như thấm sâu vào tận trái tim. Cảm ơn những ngày ở bên mẹ với một cái tết yêu dấu nơi quê chồng.


    Quê hương mỗi người chỉ một
    Như là chỉ một mẹ thôi
    Quê hương nếu ai không nhớ
    Sẽ không lớn khôn thành người.
    (Thơ Đỗ Trung Quân)

  2. #14
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default đinh quang cứ - con đường mang tên anh.



    ĐINH QUANG CỨ -
    CON ĐƯỜNG MANG TÊN ANH.

    Trương kim báu.

    Cô bạn tôi từ Đalat xuống Nhatrang nghĩ hè. Vòng quanh từ phòng đợi của Air Việt Nam rồi lên nhà hàng trên lầu, tôi cũng chưa thấy bạn. Mấy chiếc A1 SKYRAIDER đang đáp xuống phi đạo giữa vòm trời thoáng đãng biếc xanh. Tôi mê hình ảnh tuyệt vời của máy bay hạ cánh trên mảnh đất quê hương hoặc cất cánh ra đi cỡi mây bồng bềnh xuyên lục địa hay cõng gió vù vù qua đại dương ngàn đời đọng sóng. Một phần nữa là trong phi đoàn 524 có những người bạn của tôi hiện diện.
    Bất chợt, một người áo bay màu cam quàng khăn cổ tím nhạt, tay cầm mũ, nai nịt súng, gươm tươm tất, bước nhanh đến chỗ tôi đứng và ôm chằm lấy tôi.
    - Cứ đây.
    Tôi vẫn không nhận ra ai, dù anh đã xưng tên Cứ. Nhìn kỹ lại tôi mới nhận ra Đinh Quang Cứ, người bạn chung lớp với tôi suốt một một thời trung học. Gương mặt anh rất sáng với mái tóc hơi quăn, hiền và học vô cùng chăm chỉ, anh ngồi bàn đầu bên dãy nam sinh.
    Lâu rồi chúng tôi không liên lạc, bây giờ dáng anh thật chuẩn, cao và đẹp trai, rất oai phong trong bộ đồ bay màu cam, màu chỉ dành riêng cho dân khu trục, anh là phi công khu trục A1 Skyraider.
    Từ đó mỗi đêm Cứ cùng các bạn đến nhà tôi chơi, nhưng tôi và anh không có dịp để nói chuyện riêng.
    Hôm nay thứ bảy, Cứ tới một mình để rủ tôi đến thăm thầy Vỏ Hồng, là thầy dạy Vạn Vật và Việt Văn lớp 7 của chúng tôi. Thầy hiền lắm! Học trò cũ đều rất thương và thường tới thăm thầy nên muốn liên lạc cùng bạn bè ngày xưa, hỏi thầy là biết hết tin tức của nhau. Khi cô mất, thầy ở vậy một mình sống cuộc đời gà trống nuôi con. Các em đều đi học nơi xa, thầy cô đơn giữa căn nhà trống trải, vắng bàn tay chăm sóc của cô, một cảm giác xót xa dâng ngập lòng khi nhìn Thầy mặc chiếc áo cũ sờn vai, tôi sẽ tặng Thầy chiếc áo len vừa mới đan xong. Cứ nói:
    - Tụi mình đi ăn nha! Rồi mình đến thăm thầy và mời thầy ra biển uống nước dừa, ngắm trời biển nhắc lại chuyện xưa, thầy chắc chắn thích lắm! Vã lại, tướng Kỳ ưu tiên cho anh em bên khu trục buổi trưa được ăn cơm trong câu lạc bộ miễn phí, phần ăn đúng tiêu chuẩn để có sức khỏe đi bay. Ngày trước, tướng Kỳ cũng là dân khu trục và đã từng bay những phi vụ Bắc phạt, nên ông thông cảm cuộc sống mong manh, lối sống bạc mạng của dân khu trục, tiền hết mà lương chưa lãnh, bụng trống đi bay là chuyện rất thường.
    - Nhưng đem bạn đến ăn có được không?
    - Oh! Thì phải trả tiền thôi! Nhưng đừng lo! Tướng Kỳ chịu chơi lắm! Nếu mời bạn gái chỉ trả nữa giá thôi.
    - Còn người già thì sao?
    - Ha ha ha ..... Dân khu trục không thấy ai mời người già vào ăn ở câu lạc bộ hết. Chắc phải trả nguyên giá. Ha ha ha .......
    Thầy mừng và cảm động lắm nhưng thầy bị cảm nên không đi biển cùng chúng tôi được. Tôi nói với Cứ:
    - Không có thầy, chúng mình ngồi dưới bãi cát như ngày còn nhỏ nha! Bạn còn nhớ năm đệ thất lớp mình không được điểm làm vườn mà còn bị phạt không?
    - Nhớ chứ. Bị cấm túc sáng thứ bảy ở trong lớp để chép phạt từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.
    - Chép câu: "Phải yêu thương thiên nhiên", bạn nhớ không?
    - Bên con trai bọn này kêu trồng cây phượng, cây bàng hay cây dừa, ít tưới nước hơn mà bên con gái không chịu, cứ đòi trồng đủ loại hoa để cuối cùng không đủ nước hoa chết hết. À, mà sao hoa chết bên con gái khóc dữ vậy, sợ bị phạt hở ?
    - Không phải sợ bị phạt, mà vì thương hoa thôi.
    Im lặng, chúng tôi thả hồn về thời thơ ấu, chợt Cứ lên tiếng:
    - Đố bạn tại sao Cứ đi Không Quân ? Nhờ bạn đó.
    - Nhờ mình ?
    - Bạn còn nhớ dịp nghỉ hè năm lớp 9 không, Cứ về Ninh Hoà, bạn về Hòn Khói, tình cờ chúng mình cùng một tuyến đường nên ngồi gần nhau, thấy bạn say mê đọc truyện, đọc xong bạn tặng Cứ quyển sách luôn. Đó là quyển Đời Phi Công. Trong lớp chúng mình có Võ Thi ở Vạn Giả cũng vào Không Quân, nhưng Võ Thi bên quan sát, còn mấy bạn nữa mà Cứ chưa gặp, không biết bạn có cho các bạn ấy quyển Đời Phi Công như cho Cứ Không?
    - Ồ .... ồ.......
    Cứ và tôi vẫn thường xuyên liên lạc, lúc ấy khoảng năm 1967 thì phải, Cứ khoe mới làm quen được cô nữ sinh trường Nữ trung học Nhatrang, hẹn chiều chủ nhật đưa bạn gái đến giới thiệu cùng tôi. Tôi chuẩn bị đón nàng của Cứ thật chu đáo hầu tạo tình thân mật đậm đà, với hoa đủ loại cùng trái cây tươi tôi trang trí phòng khách thật đẹp để mừng cho Cứ sắp bước vào quãng đời hào hoa lãng mạn.

    Chiều đó, tôi đợi mãi nhưng chẳng thấy người, chẳng thấy được nàng của Cứ mà có tin máy bay Cứ bị bắn bốc cháy từ trên cao. Không có một cánh dù nào bung ra trong lửa đỏ! Cứ đã thực hiện phi vụ cuối cùng chính xác để cứu được quân bạn đang bị bủa vây và một tiền đồn quan trọng thoát vòng nguy hiểm, rồi anh lặng im nghe đất thở, anh vĩnh viễn bay vào thiên thu ngủ một giấc ưu tú khôn tìm. Cứ đã dũng cảm tung cánh sắt giữ bầu trời và tấc đất quê hương được yên bình êm ấm rồi tự do phơi phới trả lại nhân gian kiếp đời kiêu hùng phiêu bạt.

    Một buổi chiều vào phi trường, mình tôi đi trên con đường mang tên Đinh Quang Cứ, chúng mình đã cùng chia nhau thưởng, phạt vui buồn của thời thơ ấu, giờ đây chỉ còn lại dư âm, còn lại Đinh Quang Cứ của hồn thiêng sông núi. Tôi không khóc nhưng nước mắt cứ tuôn trào, có nhịp tim nào đang nức nở thương tiếc nhớ anh.
    Anh Cứ ơi ! cuộc đời như một viên đá, anh đã quyết định biến viên đá thành viên ngọc sáng ngời, anh đã hy sinh mạng sống để bảo vệ tổ quốc quê hương. Anh đã ra đi nhưng mãi mãi anh vẫn sống trong bản tình ca Không lực oai hùng!

  3. #15
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default LOÀI CHIM CHƯA CHẤP CÁNH - Trương kim Báu.

    LOÀI CHIM CHƯA CHẤP CÁNH

    Trương kim Báu.



    Con dâu, con gái và cháu gái, ba chị em rủ nhau đi shop, vì đầu năm các shop giảm giá nhiều mặt hàng. Các con mua tặng tôi một cái áo kiểu mới nhất năm 2018, loại áo rộng, mềm, rất hạp cho người lớn tuổi, vừa sang vừa đẹp để mặc với quần tây. Nhìn chiếc áo tôi thấy kiểu quen quen nên vội tìm trong vali đồ kỷ niệm, đem ra cái áo ngày nào do một chàng phi công trẻ may tặng năm 1983, lúc tôi sắp rời trại tị nạn Thailand.
    Tôi gặp em trên chuyến tàu vượt biển, ra khỏi hải phận Việt Nam một ngày là bị hư máy nên tàu bắt đầu trôi. Tôi đi cùng con gái nhỏ và mấy người bà con. Vì lớn tuổi nhất trong nhóm nên sáng, chiều tôi đều lên mũi tàu thắp nhang cầu nguyện cho máy tàu được sửa xong để tàu hướng về bờ bến tự do v.v...
    Mỗi lần lên mũi tàu tôi đều thấy một chàng trai ngồi đó đứng dậy lễ phép chào.
    Tôi thầm nghĩ người trẻ này có gương mặt điển trai, cao ráo như những người hùng Không Quân. Tôi nói ý đó với người em họ, cô ấy cười:
    - Chị có chồng Không Quân nên thấy ai dễ nhìn, có dáng dấp cao to, thanh nhã đều nghĩ giống không quân. Dưới mắt chị cái gì đẹp và oai vệ đều là của không quân, biết đâu anh chàng đó là Hải Quân nên lúc nào cũng lên mũi tàu ngồi để nhìn sóng biển.
    Rồi chúng tôi được tàu Mỹ cứu vớt, em và một cô nữa làm thông dịch viên. Những thuyền nhân phải khai lý lịch ngay trên tàu trước khi được chuyển vào trại tị nạn.
    Chúng tôi phải ở trại tị nạn Thailand trong một khu riêng biệt được gọi là khu tàu vớt với hàng rào bao bọc chung quanh. Bốn dãy nhà đối mặt nhau, chính giữa là một sân nhỏ, nhà được gọi là V. Tôi và các người trong nhóm đi chung ở V2, em ở V3, hai góc nhà cách nhau một đường đi 2 mét. Tất cả V đều lợp mái tôn, nền đất, không có vách mà cũng không có cửa, chỉ có mười cây trụ dựng để chống đỡ mái tôn.
    Những người lính Thái quan sát rất kỹ đến dân tỵ nạn, nhất là khu tàu vớt, vì vậy chúng tôi phải tập họp bất cứ lúc nào dù là nửa đêm. Buổi chiều, nếu ai đến hội trường trễ sẽ bị họ dùng roi đánh. Vừa chạy trốn cộng sản được nay lại gặp lính Thailand! Thật ghê sợ! Nhưng vì mới đến trại chúng tôi không biết trình báo cùng ai.
    Mỗi chiều tôi đều đi chùa, em cũng đi chùa, chúng tôi ít nói chuyện với nhau. Có một lần lính Thái kêu tập họp, từ chùa tôi chạy về hội trường chậm quá nên bị lính Thái đánh, có một người chạy đến làm bộ té nằm trên che cho tôi trận đòn.
    Hôm đó tôi mới biết tên và lý lịch của em. Em tên La Xuân Khai, là một phi công phản lực học lái A37 và về nước đầu tháng 3 năm 1975. Em được bổ nhiệm ra vùng 2 ở Phi đoàn 524 Phanrang, nhưng thực tế vẫn chưa được sự vụ lệnh, mỗi ngày phải đến Tân Sơn Nhất trình diện. Em là loài chim chưa được chấp đôi cánh, chưa được bay trên bầu trời quê hương ngày nào cả. Em mơ ước được bay, đem thân trai bảo vệ đất nước, được như đàn anh vẫy vùng ngang dọc, em chưa trình diện phi đoàn nhưng tự xem mình là người của 524 và em cũng bị chế độ cộng sản đưa đi học tập cải tạo 4 năm. Khi được ra tù, gia đình kêu em đi học nghề may để chuẩn bị cho tương lai khi đến nước thứ ba.
    Nay em gặp tôi trong hoàn cảnh tị nạn, em nghĩ bổn phận đàn em trong 524 dù chỉ là danh nghĩa, cũng phải thương yêu giúp đỡ lo lắng cho nhau. Gia đình em đạo Phật nên em hiểu được có duyên mới hội ngộ, lại cùng một binh chuẩn và phi đoàn với chồng tôi, em âm thầm bảo vệ người thân của đàn anh, dù chưa một lần gặp mặt các anh.
    Hình ảnh sáng chiều tôi đứng trên mũi tàu thấp nhang cầu nguyện, em cảm động và nhớ đến mẹ già ở quê nhà cũng đang cầu nguyện đêm ngày cho em đến được bờ bến tự do.
    Em xin tôi nhận em làm em để em giúp đỡ săn sóc tôi khi những người bà con tôi đã rời trại để qua Phi Luật Tân học Anh văn và chờ qua Mỹ. Không cần biết lý lịch có liên hệ với Việt Nam Cộng Hoà hay không, được tàu Mỹ vớt thì ai cũng được Mỹ chấp thuận cho đi.
    Trại Thailand chỉ còn lại những người xin đi nước khác. Tôi và con gái đi Úc vì chồng tôi và con trai vượt biên trước đã sang Úc mấy tháng rồi. Lúc này V2 thật vắng vẻ, còn mẹ con tôi và người em con của cô tôi đi cùng đứa con gái nhỏ, cũng đang chờ đến Canada đoàn tụ với chồng đã vượt biên trước.
    Bên V3 còn lại một mình em vì em xin đi Canada, có người chị bên đấy.
    Ở trại trị nạn rất phức tạp vì có nhiều người Việt qua lâu chưa được định cư, họ tìm mọi cách để rời trại và muốn ghép form cùng những người được ưu tiên đi các nước tự do khác. Còn người Thái họ cũng muốn xuất ngoại, dù nước họ không bị cộng sản lãnh đạo.
    Ai cũng biết những người không đi Mỹ vì đều có gia đình ở nước thứ ba và chắc chắn có tiền do thân nhân cung cấp.
    Em đem tiền của tôi và cô em họ ra gởi ở ngoài trại nhờ các cô người Mỹ dạy Anh văn cất giùm. Em làm thông dịch nên ra khỏi trại mỗi ngày, em xin phép nhờ người mua giùm những đồ cần thiết làm nhà, tự ngăn một căn phòng cho chị em tôi và 2 bé gái vào ngủ an toàn trong đêm tối.
    Em hướng dẫn giúp chị em tôi ghi tên đi học may để làm quen với máy móc tân tiến vì những năm sau 75, người dân miền Nam chỉ còn biết chạy từng miếng ăn, mỗi ngày sống trong lo sợ, đau khổ, chịu dựng và câm nín.
    Em khuyến khích tôi vào lớp học Anh văn, hãy mạnh dạn tập nói và đặt câu hỏi mới tinh tường. Mỗi buổi sáng, em rủ bốn người chúng tôi cùng em ra tập thể dục do các cô giáo Mỹ dạy, mỗi chiều cùng nhau đến chùa.
    Một hôm em xin phép đưa chúng tôi ra khu chợ ngoài vòng rào trại tị nạn. Từ lúc mất nước chúng tôi mất luôn niềm vui đi dạo phố phường, khi ra đường luôn đề phòng bị móc túi hay cướp giật.
    Nay ở nước Thái được một ngày đi dạo vui chơi, cười nói và ăn uống theo ý thích (ở trong trại tị nạn mỗi ngày được phát 1 trứng vịt luộc không có nước mắm hay xì dầu gì cả), may mà có em mua giùm thức ăn bởi chồng tôi gởi tiền qua.
    Hôm đó em lựa vải để may tặng tôi và con gái mỗi người một bộ quần áo trước khi rời trại. Em chọn màu hồng và màu xanh thật nhạt, mềm mại ngọt ngào như những đám mây các anh đã từng bay qua. Ôi! Em chưa được chấp đôi cánh như đàn anh mà trong tim em đã có những đám mây xanh hồng lộng trời cao ngất ngưỡng.
    - Em muốn chị thật đẹp khi gặp lại anh, vì chị là vợ không quân mà.
    Em vẽ kiểu và tự cắt, mượn máy may bên Cao Ủy. Khi mặc áo vào mới có dịp ngắm mình trong gương, đã già đi nhiều. Bao năm nay đầu óc không yên, lo nghĩ mọi điều. Chồng tù, con không được đến trường, lo việc làm, hộ khẩu ... cứ sợ bị đuổi đi kinh tế mới ...v. v... Tôi quên nhìn vào gương và không còn nghĩ đến nhan sắc của mình.
    Ngày tôi rời trại, em xin được đưa tôi đến trại chuyển tiếp ở Bangkok, em nói qua đến Canada em sẽ học về may vẽ thời trang.
    Mấy năm sau em đã nổi tiếng, chàng phi công trẻ không được chấp đôi cánh để bay trên vòm trời bảo vệ quê hương yêu dấu, nhưng với tánh nghệ sĩ sẵn có trong những chàng phi công, em đã dùng đôi bàn tay tài hoa của mình để vẽ và may những chiếc áo thời trang quí phái phục vụ cho mọi người mà giới điện ảnh và ca sĩ ưa thích. Em đã làm vẻ vang người tị nạn. Cuộc đời em đã rẽ về một hướng khác, đất nước xa lạ đã mở vòng tay đón em, tương lai không còn mờ mịt như chính trên quê hương nơi em sanh ra đã vứt bỏ, cầm tù, không phải một mình em mà là cả bao nhiêu tuổi trẻ và nhân tài của miền Nam.
    Tôi thật cảm ơn chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi đó đã sanh những công dân tốt, huấn luyện những người lính biết Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm.
    Tôi cũng biết ơn binh chuẩn Không Quân, nhờ họ mà những tháng ngày ở trại tị nạn có người âm thầm bảo vệ tôi. Một binh chuẩn mà trong đó tất cả đều nêu cao tình huynh đệ, họ có một tấm lòng rộng mở và đẹp như bầu trời họ từng bay qua dù là đã thành loại chim quí rồi hay còn là những loài chim non chưa được chấp đôi cánh cao vời gió lộng.

  4. #16
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Vùng trời ngày ấy

    VÙNG TRỜI NGÀY ẤY
    (Viết theo lời kể của một người bạn)
    Trương kim Báu


    Tôi thua Nam 2 tuổi, nhà chúng tôi chỉ cách một hàng rào thấp ngăn vườn cây và cùng nhau đi học, tôi bên trường Nữ và Nam học trường Nam tiểu học. Hai trường xây chung trên một khuông đất thật rộng không có hàng rào ngăn cách, học sinh Nữ và Nam đều ra chơi ở sân trước, còn sân sau mênh mông để đá banh và dành cho 2 trường cấm trại.
    Ba tôi đưa đón các bạn nên tan trường Nam phải đi vòng theo hàng rào hướng về phía cổng chính bên trường Nữ. Ai cũng nghĩ sai lầm rằng tôi và Nam là anh em ruột thịt vì chúng tôi có nhiều điểm giống nhau như da trắng, mắt to, mặt mày sáng sủa. Mẹ tôi và mẹ Nam là đôi bạn thân, ba Nam có chức phận trong ngành quân đội, ba tôi bên hành chánh, tình cờ ba mẹ tôi mua nhà gần nhà ông bà nội của Nam.
    Mẹ Nam thường nói những cặp trẻ này chơi thân quá, lớn lên có cặp nào thương nhau thì hai nhà làm sui gia. Mẹ tôi cười, tôi và Nam đều là út nên được cưng chiều.
    Tôi thích ba Nam khi ông mặc đồ lính, trông ông đẹp trai, mạnh khỏe và thật oai hùng. Nhưng khi người anh bà con tôi tới chơi, anh là phi công thì tôi thích bộ đồ bay hơn, vì một ngày tôi đọc được quyển Đời Phi Công của Toàn Phong thì tôi mê binh chuẩn Không Quân. Tôi ước mơ mình sẽ là nữ phi công, tôi nói với Nam như vậy.
    Anh cười.
    - Con gái nước mình chưa cho học lái máy bay, anh sẽ làm Phi Công bay thế em.
    Chúng tôi bắt đầu sưu tập hình ảnh máy bay và chở nhau vào phi trường nhìn máy bay lên xuống. Những đêm cuối tuần ra sân ngồi nhìn trăng sao, khi có một chiếc máy bay đèn trên đôi cánh chớp chớp bay qua, chúng tôi thích thú và bắt đầu mơ mộng.
    Chúng tôi lớn lên, Nam vào Sài Gòn học ngành y. Hai năm sau, 1962 tôi cũng vào theo học dược. Hôm đó, Nam và tôi đang ngồi ở công viên trước nhà đường Hàn Thuyên gần nhà Thờ Đức Bà, có 2 chiếc Air SKYRAIDER bay ngang qua rồi vòng lại, một chiếc từ trên cao lao thẳng xuống dinh Độc Lập rồi bay vút lên, chiếc sau cũng lao xuống bay lên, chúng tôi tưởng các phi cơ đang biểu diễn vì ở Nhatrang mỗi năm Không Quân đều tổ chức biểu diễn ở trên bãi biển.


    Nghe tin tức mới biết hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử thả bom. Tôi đã khóc vì sợ các anh bị tù, Nam bỏ học an ủi dỗ dành tôi. Hai chúng tôi thương quí và thần tượng hai người hùng đó dù chưa một lần gặp mặt.
    Rồi năm sau Nam nộp đơn xin vào Không Quân, hai đứa đi ăn mừng. Tôi nói:
    - Ngày xưa có gái giả trai ra đánh giặc, ngày nay nếu không có vụ khám sức khỏe em cũng sẽ cắt tóc ngắn, mặc đồ con trai gia nhập không quân cùng anh.
    - Yên trí, anh sẽ bay phần anh và phần em nữa.
    Ở nơi xa anh học bay tập làm loài chim quí, loài chim tôi rất yêu. Ở quê nhà tôi chăm chỉ học hành, mình sẽ là tổ ấm lý tưởng nhất để khi cánh chim cần nghĩ ngơi thì có nơi về. Đã là chim thì phải được tự do, phải bay nhảy, đôi cánh được giang rộng ôm bầu trời xanh biếc. Và nếu đôi khi cánh chim vướng những sợi mây hồng đó là chuyện thường tình. Vườn hoa đẹp mà có đàn bướm bay quanh mới tăng thêm vẻ đẹp của hoa, bướm phải được vui chơi, nhìn ngắm nhưng bướm không được làm rơi những cánh hoa.
    Năm 1965, Phạm Phú Quốc một loài chim quí đã gãy cánh, tôi lại khóc, lần này không có Nam một bên để cùng chia xẻ nỗi buồn, Nam viết thư thật nhiều về an ủi tôi.
    Ngày đón anh về nước, lòng chúng tôi nở hoa vui mừng, hai đứa đều lớn, tôi cũng đã ra trường. Nam trong bộ đồ bay anh đẹp oai hùng. Nam cười vui và hát chọc tôi: "Trong đôi mắt em, phi công là tất cả".
    Anh được về phi đoàn chiến đấu ở miền Trung, gần giới tuyến 17 nơi chia đôi đất nước. Cánh chim đã tung bay trên vùng trời của quê hương từ đó.
    Lâu lâu Nam về thăm nhà, chúng tôi không đủ ngày giờ kể cho nhau nghe nhiều chuyện, nhất là những phi vụ, lúc còn bé anh hứa sẽ kể cho tôi nghe khi đã thành loài chim quí.
    Tôi cũng là loài chim nhưng không biết bay, loài chim không có cánh nhưng rất yêu bầu trời trong xanh bao la.
    Năm 1968, Lưu Kim Cương, một loài chim quí cũng ra đi, tôi lại khóc dù tôi cũng chưa một lần gặp mặt. Nam về vì biết tôi buồn, anh ôm đàn và hát với giọng thật ấm, trầm, anh hát rất hay.

    "Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây.
    Đã vui chơi trong cuộc đời này.
    Đã bay cao trong vòm trời đầy.
    Rồi nằm xuống,không bạn bè,không có ai
    ................
    Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên
    Như cánh chim, bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
    .................
    Vùng trời nào đó anh đã bay qua?
    Chỉ còn lại đây những sáng bao la.
    ......................
    Anh nằm xuống, như một lần vào viễn du.
    Đứa con xưa đã tìm về nhà.
    Đất hoang vu khép lại hẹn hò.
    ................
    Xin cho một người vừa nằm xuống
    thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang".
    (Trịnh Công Sơn)


    Tôi khóc và anh hát tiếp.

    "Ngày xưa khi anh vừa khóc chào đời.
    Mẹ yêu theo gương người trước chọn lời.
    Đặt tên cho anh anh là Quốc.
    Đặt tên cho anh anh là nước.
    Đặt tên cho người,đặt tình yêu nước vào nôi.
    Rồi anh nâng cao tổ quốc vào đời.
    Tuổi xuân vươn trong lửa máu ngút trời.
    VIỆT NAM đang đòi tự do hạnh phúc giống nòi
    ...............
    Anh Quốc ơi ! Đàn chim chim quốc tung trời.
    Gọi nhau đem nắng soi đời.
    .............
    Anh Quốc ơi! Tuổi xanh chấp cánh thênh thang.
    Bình minh, lên chiếm không gian
    đến hoàng hôn chan chứa tình thương.
    Anh Quốc ơi! Gặp khi chinh chiến lâu dài
    Người phi công giữa khung trời vẫn phải mang số phận con người.
    (Tác giả Phạm Duy)


    Nam cứ để tôi khóc. Khóc mệt rồi tôi tựa vào vai anh ngủ lúc nào không hay.
    Năm 1972, mùa hè đó lửa, trong một phi vụ máy bay anh trúng đạn và bốc cháy, một cánh dù đã bung ra, nhưng không thấy Nam về, tin cho hay anh mất tích.
    Bà nội lấy ngày Nam mất tích làm ngày cúng giỗ đầu tiên. Hôm đó tôi không chịu đốt nhang bàn thờ anh vì tôi không tin anh chết, có một người cũng như tôi không tin anh chết, đó là mẹ anh.
    Đêm mơ màng tôi nghe như tiếng anh đang gọi tên tôi, tan nát cõi lòng, nhìn những cánh chim bay trong bầu trời, lòng chợt ấm.
    Tình hình không yên, lệnh rút quân bỏ ngõ Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuộc, Đà Nẵng, Nhatrang...v.v....
    Gia đình Nam di tản nhưng ba anh là quân nhân nên không muốn đi, gia đình tôi cũng vậy, ba tôi ở lại. Riêng tôi muốn chờ Nam vì tôi không tin anh chết, tôi viện lý do tôi chỉ là người buôn bán không có gì phải ra đi.
    Ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhìn ba tôi và ba Nam, tôi hiểu được nỗi đau nhất trên đời như thế nào, không nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất nước của một người con trai đã một thời bảo vệ, cống hiến, yêu tổ quốc, nay mất trong tức tửi.
    Họ không khóc như tôi, chỉ ngồi yên, câm nín ,chịu đựng. Trên khuôn mặt nói lên trăm ngàn điều đau khổ, tim như bị xé nát, người biến thành tượng đá. Sau một đêm tôi không còn nhìn ra hai người cha, tóc hai người đã bạc trắng.
    Nhà Nam bị tạm mượn vì không có người ở, tiệm thuốc của tôi bị trưng dụng, tôi may mắn được giữ lại làm nhân viên cho tiệm.
    Tôi bắt đầu tìm tin tức của Nam theo sự chỉ dẫn của nhiều người. Đến năm 1978 tôi được giấy báo gởi 5 ký quà cho Nam.
    Ba người thân đều ở miền Bắc mà mỗi người ở một nơi. Lúc đi thăm nuôi tôi tự an ủi, vì tôi không phải loài chim có cánh nên phải đi bằng đường bộ dù sao cũng là dịp nhìn ngắm quê hương.
    Gặp Nam tôi khóc mà anh cười,tôi tưởng anh điên nhưng khi anh giảng cho tôi hiểu thì tôi càng khóc nhiều hơn.
    - Anh rất mừng gặp lại em, thấy em còn khóc được, mà còn khóc nhiều như ngày xưa. Anh được ở chung cùng những người lính đủ binh chuẩn của miền nam, đó là những anh hùng, là những thiên tài, anh học được nhiều ở họ như lòng yêu nước, tinh thần người lính, thể diện, chịu dựng, nhẫn nhục, vị tha, đoàn kết, xử sự, chờ đợi, nhịn đói, thiền...v.v...
    Anh còn học được cách nói chuyện ra dấu bằng tay như những người câm. Ở đây không được liên lạc cùng trại khác như trại người Mỹ, nhưng anh em ai cũng biết cách nói chuyện bằng tay, nên các anh thông tin cho nhau dễ dàng, và liên lạc cùng người tù Mỹ, thương và cảm ơn họ vì lý tưởng tự do mà đến xứ mình, nay tù, giam còng chịu bao nhiêu là cực khổ.
    Nghịch duyên đưa anh đến trưởng thành, tập cho tâm anh thật vững chắc, tự tìm ra sự sống chính anh, chấp nhận những gì xảy ra trong hiện tại.
    Tôi nghe anh nói mà tưởng mình vào chùa nghe vị thầy nào đó thuyết pháp. Nam còn hứa chắc sẽ về và một ngày nào đó và sẽ chắp đôi cánh cho tôi.
    Năm 1986, tôi đưa tiển hai người cha đi đoàn tụ cùng gia đình theo diện bảo lãnh.
    Cô tôi cũng là mẹ nuôi từ Úc về tìm tôi, cô muốn tôi qua Úc vì cô không có con, hiện cô có trang trại cần người thân phụ giúp.
    Tôi làm tất cả giấy tờ cần thiết, năm 1989 Nam được ra tù và chúng tôi đến Úc.
    Tôi đã thành loài chim biết bay, không được làm loài chim quí như các anh, bảo vệ quê hương tổ quốc, tôi là loài chim se sẻ bảo vệ hoa trái mùa màng.
    Buổi chiều ở trang trại, không gian thoáng đãng, không khí trong lành, bầu trời xanh màu ngọc bích, từng đám mây trắng bềnh bồng trôi, những làn gió hiu hiu thổi đưa hương thơm cánh đồng hoa Lavender mới nở, cả không gian tràn ngập mùi hoa thơm dịu dàng làm nao nao lòng người. Những tia nắng vàng hoe như còn lưu luyến bịn rịn đổ dài trên những đường đi tràn xuống thảm cỏ xanh như rực sáng hơn, từng đàn chim đang bay về tổ, tất cả hoà lại không gian như cất tiếng hát, buổi chiều êm đềm thanh bình.
    Tay trong tay, chúng tôi đi giữa những luống hoa. Nam kể cho tôi kỹ niệm của VÙNG TRỜI NGÀY ẤY và thương nhớ về quê hương VIỆT NAM yêu quí.

  5. #17
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default

    CẮM TRẠI CÙNG LỚP VÕ VOVINAM ngày 14/4/2018
    Trương kim Báu



    Nữ sinh Gia Long học võ Vovinam tại sân Hoa Lư năm 1967.

    Mùa thu ở Melboure năm nay nắng thật đẹp, thời tiết ít mưa nên không khí se se lạnh, gió hiu hiu cho khí trời dễ chịu, ở Springvale lá vàng chưa rơi nhưng hoa cúc đã bắt đầu dịu dàng hé những nụ tinh anh.
    Lớp võ chùa Hoa Nghiêm tổ chức cắm trại cuối tuần cho các đoàn sinh thoải mái tâm hồn trước khi vào khoá học, sáng sớm thứ bảy xuất hành và chiều chủ nhật trở về.
    Gia đình tôi 7 người, gồm có: tôi, con trai, con dâu, cháu nội, và 3 đứa cháu ngoại.
    Trại nằm trên núi Dandenong, vùng đất này của Hướng Đạo Úc, với đầy đủ tiện nghi như nhà bếp, hội trường, phòng tắm, sân chơi, đồi núi và rừng. Có nhiều phòng ngủ cho từng gia đình, tùy theo số lượng thành viên, mỗi phòng chứa 4 giường hay nhiều hơn.
    Một số lều được dựng lên để những đoàn sinh thích ngủ bên ngoài.



    Lần này được 70 em võ sinh và phụ huynh đi theo ủng hộ cũng tương đương.
    Sau khi thuê phòng, các đoàn sinh dựng lều vô cùng chuyên nghiệp. Tất cả tập họp ở hội trường và ăn sáng, bữa ăn có rất nhiều món do các phụ huynh đã chuẩn bị sẵn ở nhà nên chỉ hâm nóng lại, tùy ý cho ai muốn chọn món chay hay mặn.
    Ăn xong bắt đầu phân chia đội. Mỗi năm đến tháng 12, tất cả các lớp võ Vovinam của toàn tiểu bang Victoria đều cấm trại chung. Anh Toàn, hướng dẫn lớp võ sinh, giải thích lý do lần này cấm trại riêng của lớp võ Springvale là vì Toàn muốn cho các em hiểu giá trị đích thực của một gia đình. Võ sinh sống có trách nhiệm phải có bàn tay thép cùng trái tim từ ái. Học võ phải biết nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng khí phải đi đôi với nhẫn nại. Chân võ học là tinh thần nhân bản, không bao giờ kỳ thị tôn giáo và bình đẳng giai cấp trong xã hội nhân quần.


    Tất cả võ sinh đều mặc đồng phục Vovinam, chào quốc kỳ, hát quốc ca Việt, Úc và Vovinam. Xong, giới thiệu ban quản trại: Nhà bếp (cảm ơn những người đã bỏ công sức lo ẩm thực cho đoàn sinh), ban giám khảo, ban kỹ luật và sức khỏe.
    Trưởng trại khai mạc hô to:
    - Vovinam!
    Trại sinh cùng nhau đáp:
    - Tiến!
    Luật của trại: Không tiêu cực, không được tự nhóm lửa riêng, không uống rượu, không hút thuốc.
    Trong trò chơi đại gia đình, tất cả mọi người đều được tham gia. Các đoàn sinh thi đua với nhau có phần thưởng riêng. Có máy karaoke cho phụ huynh thi hát cũng được thưởng.
    Cách tập họp: Dùng nhiều dụng cụ như trống, phèn la và cách thổi mọc SOS. Các đoàn sinh phải hiểu biết để thực hành.
    Đoàn sinh chia làm 7 đội, mỗi đội có một màu khăn riêng và các đoàn sinh cùng choàng lên cổ.

    1/ Đội trưởng hô: NHÀ XÁM. Các đoàn sinh đáp lại: KIÊN
    2/..................... NHÀ XANH DA TRỜI.....................THẮNG
    3 ........................NHÀ ĐEN....................................HÙNG
    4/........................ NHÀ VÀNG ................................DŨNG
    5/ ................NHÀ XANH LÁ CÂY. ..............................NHÀ
    6/.........................NHÀ MAROON.............................MẠNH
    7/ ...........................NHÀ KEM....................................HÒA



    Tất cả mọi người được phát tờ giấy ghi lời bài hát để buổi tối cùng nhau ca vang khi lửa trại được đốt lên.

    “Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung
    Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng
    Dang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng
    Trong khói xanh gió đưa bốc cao
    Cùng cầm tay hát đều chân bước
    Lửa thêm sáng tươi xua tan bóng đêm
    Anh em ta đùa vui ca hát
    Hát cho đời vui vui thật vui”.


    Tất cả tập hợp ở sân cỏ rộng, phụ huynh nào có phận sự trong bếp thì khỏi tham gia.
    Mỗi đội tự bịt mắt lại, chân gát lên nhau thành hàng như xe lửa và nghe tiếng còi là lếch trên cỏ, đoàn nào về sớm mà không té là thắng.
    Đang vui cười la hò thì trời chuyển mưa, gió thật mạnh, những hạt mưa rừng mùa thu khiến mọi người rùng mình lạnh, tất cả di chuyển vào hội trường.
    Nhiều phụ huynh mặc thêm áo, choàng khăn, đội nón len. Lúc này phải đổi lại những trò chơi từng khóm riêng biệt, từng đội thi vẽ có người ngồi làm mẫu, leo dây, đi luồng qua dây thật thấp, hai em cổng nhau ăn trái táo. Trò chơi liên tục không ngừng.
    Trời vẫn mưa, không lớn lắm nhưng gió quá mạnh.
    Nhà bếp đã bày sẵn nhiều thức ăn trên bàn, cơm được bới từng tô. Sắp hàng theo từng đội để lấy thức ăn, mỗi đội ngồi với nhau thành vòng tròn nhỏ. Ăn xong, các đội sinh tự lo thu dọn phần mình để vào nơi chỉ định. Các đội sinh được nghĩ 1 giờ trưa lo tắm rửa, khi nghe hiệu lệnh thì tập họp ở hội trường. Nhiều trò chơi khác nhau được tổ chức, luôn luôn sôi động. Mưa vừa tạnh là các em tập họp ở ngoài sân cỏ, tất cả đều chạy nhảy chơi giởn cùng nhau, v.v...


    Trời mưa nữa, tất cả lại phải vào hội trường. Chiều đến rất nhanh nơi miền rừng núi, các em từng đội lặng im đi lấy thức ăn và ngồi theo gia đình mình.
    Đặc biệt có anh Diệp Khôi Minh Hoàng là người hướng dẫn tất cả những đội Vovinam trên nước Úc đến thăm và ăn buổi cơm cùng đội võ Springvale.
    Sau đó anh Hoàng tiếp chuyện cùng các đội sinh và phụ huynh, có một em trong ban hướng dẫn dịch ra tiếng Anh:
    - Trời bên ngoài vẫn còn mưa, tất cả ngồi đây trong không khí ấm cúng này, có các em còn rất nhỏ cũng được gia đình mang theo, có em còn nằm trên xe đẩy, có em biết đi qua đi lại, đúng là một đại gia đình hạnh phúc. Anh rất mừng thấy các em càng ngày đến với võ Việt Nam càng đông, anh vui nhất là có nhiều phụ huynh theo ủng hộ tinh thần.
    - Chùa Phật Đà trên Queesland, lớp võ rất mạnh có đến 200 đoàn sinh, phụ huynh trên đó cũng ủng hộ các em bằng cách đi trại chung như ở đây vậy.
    - Các em có biết, muốn giỏi Võ phải làm sao?
    - Phải quyết tâm, cố gắng và đều đặn. Tập võ là để rèn luyện thân thể mình khỏe mạnh, tập cho mình nhanh nhẹn, vận động thường xuyên để có một thân thể cường tráng đi theo tấm lòng rộng mở bao dung để xứng với thân thể của mình.
    - Phải biết thương cha mẹ, người thân, đồng bào mình và thương tất cả mọi người.
    - Các em thử cầm cái lon ra ngồi ở góc phố xin một ngày coi thử có ai cho gì không? Trong khi xin gì cha mẹ cũng cho mình cả.
    - Cha mẹ nấu cơm mỗi ngày cho mình ăn, có lúc ngon có lúc không ngon, đó là lẽ tự nhiên, có cha mẹ lo cho là phước đức vô cùng. Bổn phận làm con phải làm vui lòng cha mẹ bằng cách ăn thật nhiều dù ngon hay dở, chăm lo học và học thật giỏi.
    - Thưa các phụ huynh, xin cảm ơn các vị đi ủng hộ tinh thần các em, muốn cho con em mình giỏi mọi thứ và trở thành người tài người đức hạnh. Xin phụ huynh hãy đầu tư, hãy bỏ nhiều ngày giờ với các em, đóa hoa đẹp cũng cần sự chăm nom săn sóc và cộng thêm nhiều yếu tố mới thành bông hoa quí. Xin cảm ơn tất cả đã lắng nghe.

    Tôi khoát lên người màu áo xanh hy vọng
    Với niềm tự hào học võ Việt Nam
    Ý chí đanh thép, khí phách anh hùng
    Vovinam mãi vang danh võ Việt
    Bàn tay thép với trái tim từ ái
    Rèn luyện tinh thần, tu dưỡng tâm thân
    Học võ Việt để yêu hơn nước Việt
    Để tự hào là con cháu rồng tiên
    Mang hoài bão vươn ra biển lớn
    Vovinam vang bóng khắp năm châu.
    (Môn sinh: Nguyễn Trung Hiệp)

    Vì trời mưa nên đêm nay không đốt lửa trại bên ngoài được, từng đội lên diễn kịch về chủ đề gia đình.
    Các em tự soạn, tất cả các đoàn viên trong đội đều có vai trong vở kịch. Có đội nói lên những thảm cảnh gia đình không hạnh phúc hoặc gia đình hạnh phúc ra sao, gia đình nhận nhiều con nuôi thì những em đánh lộn tranh giành, được người mẹ khuyên răn dạy bảo. Có đội đàn, hát và các em múa theo lời ca.
    Cuối cùng là vỡ kịch của các anh trong ban hướng dẫn. Phân nửa các anh giả gái, mặc váy, mang tóc giả, các anh đóng vai nam thì ăn mặc sang trọng quý phái. Mọi người reo cười thoải mái, các đoàn sinh thích chí quá nên hò hét cười vang, tiếng vỗ tay không ngừng.
    Cuối cùng là phụ huynh lên hát karaoke.
    11 giờ đêm tất cả thành viên cùng vô phòng ngủ.


    Những anh trong ban hướng dẫn chia nhau giờ trực suốt đêm, đi tuần và đi vòng những căn lều cũng như các căn nhà.
    Sáng 6 giờ nghe hiệu lệnh tập họp, từng đội các em tập ngồi thiền, yên lặng theo dõi hơi thở trong hội trường. Sáng hôm nay trời tạnh mưa, tuy vẫn còn hơi lạnh nhưng không khí trong lành, các đoàn sinh tập thể dục theo hiệu lệnh hét to mạnh mẽ.
    Anh Toàn muốn các em tự làm điểm tâm nên mỗi đội cử ra vài em được phân công vào bếp lo phần ăn sáng như chiên trứng và bacon. Phụ huynh làm thêm vài món nữa để các em có đầy đủ chất bổ dưỡng.
    Ăn xong lại ra ngoài trời chơi chung với phụ huynh. Mỗi người cầm một cây dài có máng, làm sao cùng chuyền viên bi rồi bỏ vào 1 cái ly đặt dưới đất. Trò chơi thứ hai là bình trà đổ đầy nước, đội nào thổi nước bắn ra đầy ly trước là thắng v.v...
    Trưa nay ăn theo kiểu Úc, bánh mì và nhiều loại thức ăn nóng, lạnh với rau, trái cây, sinh tố, chè.
    Ăn xong đến phần tuyên bố đội nào thắng cuộc về vẽ, kịch, trò chơi, đố vui để học .v.v... Bên nào thắng, thì mỗi đội viên được choàng mề đay.
    Còn phụ huynh, 2 người hay nhất lên hát thi lần nữa để xem ai được phần thưởng, người chấm thi lại là cô gái ngoại quốc không hiểu một chữ Việt nào cả, khiến cả hội trường nhốn nháo cười vang.
    Mọi người chuẩn bị đồ đạc, các đội viên lo dọn dẹp vệ sinh, lượm rác, những đội sinh không có phận sự vẫn tập họp ngoài sân.
    Tất cả vào hội trường tập họp, anh Toàn tuyên bố bế mạc trại, nói lời chúc mừng vì tất cả đều giữ đúng quy luật và đại gia đình sống đoàn kết trong tình thân ái tương trợ lẫn nhau, sau cùng ban tổ chức bắt tay nồng nhiệt cảm ơn từng phụ huynh.
    Tôi đã được hưởng một cuối tuần vui vẻ trong đại gia đình, mọi người đều ý thức sinh hoạt chung trong trái tim thương nhượng, thân mật biết giúp đỡ lo lắng nhau. Thật may mắn cho các em được học võ để biết ngoài cách giúp đỡ mọi người còn phải là một người quân tử. Ngoài việc bảo vệ lẽ phải còn biết mang ơn những người đã giúp đỡ ta từng giai đoạn nào đó trong đời, nhất là cha mẹ đã cưu mang ta suốt hành trình dài đằng đẳng chưa bao giờ ngừng nghĩ. Khi hiểu ra lý lẽ đúng sai, phân biệt thiện ác, ta biết kính trên nhường dưới, nhất là giữ tròn lời hứa mới là người đạo đức.
    Một thân thể khỏe mạnh, tinh thần tự lập, hiếu thảo thì BÀN TAY THÉP với TRÁI TIM TỪ ÁI mới sẵn sàng dấn bước vào đời.



  6. #18
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Mộ Địa Nguyễn Văn Dọng

    Mộ Địa Nguyễn Văn Dọng
    Một cánh chim đã tìm về Cố Quận


    Trương kim Báu


    Biết đời mình rong rêu
    Thì ngại gì mưa nắng
    Biết nẻo về tang trắng
    Ngại gì bàn tay không.

    Đứng trước ngọn gió đông
    Cười cành hoa năm cũ
    Đôi khi mình du thủ
    Để thấy mình mênh mông.

    Biển dẫu động ngày đêm
    Sóng tan về với nước
    Ta một đời xuôi ngược
    Thoảng bóng gầy khôn nguôi.

    Nay mượn thân cát bụi
    Sống trọn kiếp phù du
    Bước ngang bờ hư thực
    Ca lên lời thiên thu. (Thông Nhã)


    ***

    Ở Melbourne mùa đông trở nên lạnh lẽo lẻ loi hơn khi cánh chim yêu dấu của tôi đã ra đi, nên tôi tìm đến Queesland có ánh mặt trời cùng tia nắng ấm để vơi đi nỗi cô đơn khắc khoải.

    Ta giờ đây, ngồi ôn bao kỷ niệm
    Sầu mênh mang thương nhớ cũng mênh mang
    Tóc bạc màu tình cũng đang chết lịm
    Sương rơi nhiều...buồn trắng cả không gian. (N.P. Ngọc An)


    Mở vali, soạn một số giấy tờ cần thiết trước lúc rời nhà, tôi thấy một phong bì lớn từ Mỹ gởi cho anh. Từ năm 1963 đến 1973, rất nhiều giấy chứng nhận học Anh văn ở Mỹ và nhiều bằng lái máy bay như C47, T28, A1 Skyraider, A1 37.


    Ngày di tản vào Sài Gòn tôi chỉ đem Passport của anh, thẻ vào cửa ngân hàng của tôi và giấy khai sanh của 2 con. Tất cả đều để lại, vì tôi không nghĩ một lần ra đi là tất cả chẳng còn gì. Ngày anh đi cải tạo tôi cũng nghĩ 1 tháng rồi về, con gái nhỏ khóc khi đêm vắng hơi cha, tôi bày cho con mỗi chủ nhật đếm 1 ngón tay. Con đếm chưa hết 5 ngón tay thì ba sẽ về.

    Người ta yêu cũng một chiều tạm biệt
    Tiễn người đi mà lệ ứa hai hàng
    Đời phi công vẫn một lòng tha thiết
    Với non sông đang rũ một màu tang. (Nguyễn Phan Ngọc An)


    - Me ơi ! con đếm đủ 10 ngón tay và luôn cả 10 ngón chân nữa, Ba đâu rồi ? Con muốn ba!

    Bé khóc òa. Tôi ôm con, vừa đau lòng vừa mắc cỡ vì không ngờ con âm thầm đếm thật, bây giờ không biết dỗ dành bé sao đây? Anh đi tù thật rồi! Những địa danh anh ở sao xa lạ quá! Nào là Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Thái Sơn, Yên Bái Thái Nguyên. Quá khác so với những vùng trời quen thuộc anh đã bay qua như Pleiku, Kon Tum, Phù Cát, Tuy Hoà, Qui Nhơn v.v...

    Em đang sống hay là đang tồn tại???
    Mà mỗi ngày lại cảm thấy chênh chao
    Nỗi nhớ anh như sóng biển thét gào
    Cứ trào dâng trong lòng cao chất ngất. (Phương Tâm)


    Những ngày anh trong tù miền Bắc, em ở lại miền Nam, mình cùng chung một dãy hình cong chữ S trên đất mẹ Việt Nam, nhưng trăm ngàn khó khăn khi thư từ qua lại. Ba tháng mới nhận được một lá thư, chữ anh không đầy trang giấy. Trong thư, những danh từ xa lạ học tập lao động, không có những lời nhung nhớ thương yêu, không có những cái hôn ở cuối thư cho vợ hiền. Em đã cố vui vì con, em như một loại hoa khô héo, cần không khí, cần tia nắng ấm, cần giọt nước, cần bàn tay săn sóc, cần ánh mắt, em cần anh.

    Anh đã xa - phố không còn nắng
    Chỉ mưa về réo gọi đời nhau
    Bốn bức tường, không gian quạnh vắng
    Ôm nỗi sầu ủ kín hồn đau

    Ngày đã xa - đêm không còn mộng
    Tiếng thở dài vang vọng giấc khuya
    Loài thạch sùng nằm im bất động
    Con nhện buồn giăng lưới bên kia. (Vũ Hữu Toàn)



    Em hiểu, là vợ của người phi công em không làm anh thất vọng, vì đã là hoa, không nhất định phải lẫy lừng khoe sắc, nhưng biết tỏa hương thơm ngan ngát cho đất trời.

    Ở trong tù anh đã chịu muôn ngàn đau khổ vì đói khát và bệnh tật, vì làm việc rất nặng nề cộng thêm bị áp đảo tinh thần v.v... Thư anh gởi về xin nhiều loại thuốc bởi 2 chân anh bị sưng, ngứa, đau nhức, chảy nước vàng. Đầu, tay, chân buốt lạnh tê cóng và nứt nẻ, mỗi buổi sáng phải đi cưa gỗ trong rừng sâu. Em chạy tìm nhiều loại thuốc anh cần, đem ra bưu điện gởi không được vì không có phiếu gởi quà, em như người điên vì sợ bệnh làm anh ngã gục. Em đâu biết rằng người phi công như loại cây cổ thụ, có thể cành lá không tốt tươi nhưng rất kiên cường đứng thẳng. Em viết thư cầu cứu các cháu bên Pháp gởi thuốc thẳng đến trại tù cho anh, may mắn làm sao! Thuốc cũng đến được tay anh.

    Tình ta đó, muôn đời câu bất diệt !
    Đêm thu dài em viết những vần thơ
    Gởi về anh nơi chốn ấy xa mờ
    Bao ngày tháng ước mơ còn xa quá. (Nguyễn thị Liên)


    Khi chuyển trại gặp một vị tuyên úy Phật Giáo ở cùng đội, anh học được cách sống thật giản đơn là loại tài sản của một bậc chân tu cao quý với khí chất hiếm hoi, không mấy ai có được. Từ đó anh bắt đầu đơn giản mọi nhu cầu, đơn giản trong cách nhìn nên lòng anh khoáng đạt, bao la. Anh bắt đầu niệm Phật theo từng hơi thở ra vào, theo từng động tác, từng bước chân nên việc vất vả nặng nhọc như hạ những cây to hay cưa xẻ gỗ lớn ra từng miếng, không làm anh chán nản, lo sợ, buồn phiền như những ngày trước, vì nay anh biết cách sống chánh niệm trong từng giây phút hồn nhiên, bằng lòng và chấp nhận hiện tại như một trãi nghiệm cuộc đời.

    Trúc nương theo gió lay
    Lòng trúc không xao động
    Sự đời dẫu đổi thay
    Tâm vẫn thường rỗng lặng. (Viên Minh)


    Ở miền Nam em tình cờ biết được chỗ mua những phiếu gởi quà. Vậy khi em có tiền của người thân gởi về là anh có quà, anh sống lặng lẽ như một dòng nước qua bao thác ghềnh nhưng dòng nước vẫn trong suốt, thanh tịnh, hiền hòa. Như cuối năm 1973, cuộc di tản từ Kon Tum về Sài Gòn, anh được Không Đoàn cử là nhân viên điều hành cho dân chúng cao nguyên lên máy bay di tản. Đối diện cùng tháng ngày bấp bênh nội chiến của quê hương, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn, nên khi dân giàu có đút lót bạc tiền mong giành quyền ưu tiên đi trước, anh đã dứt khoác từ chối sự hối lộ này.

    Ngày ngày gần vị chân tu, lòng anh mở rộng thêm, anh chia phần ăn mình đến bạn bè cùng cảnh ngộ. Có một ngày anh chia phần quà em gởi cho một người đàn bà có bầu gầy yếu xanh xao đứng ngoài hàng rào kẽm gai, nơi anh đang bị tù.

    Vô minh, minh cũng một vần
    Rời trần ta lại vào trần thong dong
    Biết đâu diệu hữu chân không
    Làm người, làm Thánh cũng đồng chữ tâm. (Viên Minh)

    Ở trong Nam, em cũng giúp đỡ những cán bộ già nua, nghèo khó họ
    tập kết về. Em nghĩ họ cũng vì nước non nhưng họ đã đi lầm đường,
    bây giờ là họ phải trả, nên em nhận đơn lấy lời phê rút tiền cho thân
    nhân họ để người cán bộ già, nghèo kia sau những năm bỏ bê gia
    đình nay ít nhất cũng làm được một điều tốt cho vợ con. Mọi người
    đều nhờ bà con bên phe thắng trận làm đơn bảo lãnh người thân ở tù.
    Gia đình 2 bên nội ngoại mình không có dòng họ bên kia, nên em tự
    làm đơn bảo lãnh chồng mình, ai cũng nói em điên, ngụy quyền lại
    bảo lãnh ngụy quân.

    Anh ơi ! Đơn em làm cũng được thẩm quyền bộ nội vụ và bộ công an Hà Nội trả lời, gần như mỗi 2 tháng em làm lá một đơn, lúc tên em, tên ba, tên má, tên chị Năm, có khi tên các con, chỉ cần đưa ngân hàng nơi em làm và phường khóm xác nhận, có nhiều con dấu đỏ là được.

    Mai anh về, quê hương mình còn đó
    Hái dùm anh một nhánh cỏ bên đường
    Để lên môi nhắm thử một tình thương
    Có còn vị mặn mà như ngày cũ. (Hoa Độ)


    Ngày anh được thả về cuối năm 1982, em đi làm về vác chiếc xe đạp lên tận lầu 2, nhà mình rộng quá nên chính phủ chia cho mọi người vào ở chung. Anh vội bước ra khi em vừa để xe dựa vách, nhìn em, ánh mắt anh nói lên muôn ngàn thương nhớ. Em ào đến, chúng ta ôm nhau, hai con cũng ùa vào, gia đình ta thành một khối.

    Anh chỉ ở một đêm, 5 giờ sáng đưa anh ra bến xe sắp hàng mua vé để anh về Mỹ Tho thăm ba má. Anh ở lại nhà cùng ba má 1 đêm rồi sáng lại lên Sài Gòn, để ngay chiều đó chuẩn bị đi xuống tàu vượt biên. Anh hối hận vì biết ra đi lần này không bao giờ gặp lại má em, người mà anh thương như mẹ ruột. Trên đường từ Bắc trở về, túi không tiền, dù xe lửa có ngừng ở Nhatrang nhưng anh của em, là bác sĩ, đã chết trong tù rồi, nhà cũng mất luôn, không người quen và không có phương tiện, làm sao anh về tận Hòn Khói thăm má em được, má sẽ không trách anh đâu!

    Con chẳng biết nói thế nào mẹ hiểu
    Chẳng còn ai hiểu hết chuyện đời con
    Non nước đó vẫn còn đầy dâu biển
    Núi sông đây sao giữ được vuông tròn. (Trần Trung Đạo)


    Anh quá ngạc nhiên khi thấy con trai mừng rỡ vì sắp vượt biên. Sao em dạy con trẻ hận thù? Anh nhìn em bằng ánh mắt trách buồn. Anh lầm rồi! Không phải con hận thù, lý do từ 75 đến nay, 2 con không được đến trường học bởi lý lịch ngụy quân của cha mẹ. Các con đang mơ ước một sân trường rộng có cây cao bóng mát trong tiếng chim líu lo chuốt giọng trên cành, nhất là có bạn bè thầy cô vui vẻ, không phân chia chế độ.

    Anh đi cùng con trai và người em trai nuôi em mới nhận, vì sau chuyến vượt biên, em ấy không còn trở về nhà được nữa. Rồi tàu anh đã đến bờ bến tự do. Một tháng sau, 3 người rời trại tỵ nạn đến Úc, anh vội vã kiếm việc làm. Em và con gái cũng tìm đường vượt thoát, đúng 9 năm sau ngày mất nước, gia đình mình mới được đoàn tụ nơi nước Úc giàu lòng nhân bản.

    Quê hương diệu vợi mờ nhân ảnh
    Đất khách bao la gợi nỗi phiền
    Trăn trở năm canh buồn viễn xứ
    Biết ai ta gởi chút tình riêng! (Hoa Độ)




    Anh không sống cho riêng anh mà chỉ lo cho mẹ con em và 2 bên nội ngoại ở quê nhà. Anh khéo léo tế nhị hướng dẫn cả nhà vào đường đạo, ăn chay trường, các con ra ngoài có quyền ăn mặn. Mỗi chiều, anh đều đưa em đến chùa đọc một thời kinh cùng Phật tử, đêm về anh giảng cho em những đoạn kinh mà em chưa hiểu. Anh biết nhược điểm của em hơn cả em nên cứ khuyến khích và chỉ cách em rèn luyện để tiến bộ. Anh đặt anh vào vị trí các con để hiểu chúng nhiều hơn. Các con có quyền tự chọn ngành và sự đam mê cho hợp với căn bản đạo đức, phải biết tôn trọng mọi người chính là tôn trọng bản thân mình.

    Biết em thắc mắc vì ngày xưa anh nghiêm nghị và rất ít cười, đến nỗi các bạn trong phi đoàn 524 đặt biệt danh anh là Mộ Địa, nay sao anh lại vui vẻ và hay cười như vậy. Anh nói không có niềm vui nào bằng sự tự tại trong tâm hồn mình, một kiếp sống quá ngắn ngủi, bây giờ anh đã hiểu nên dể mỉm cười, đâu còn bận lòng chuyện thắng bại nữa. Sống thật với tất cả những gì ta có, biết nhìn thẳng vào hai mặt tốt xấu là bản chất trung thực của cuộc đời thì nội tâm mới không cầu toàn, nụ cười luôn rạng ngời vì biết thích ứng với sự vận hành của pháp mới là minh.

    Trải qua những bước thăng trầm
    Mới hay bậc trí giữ tâm làm đầu
    An nhiên giữa cuộc bể dâu
    Khổ đau nhẫn được, đạo mầu chẳng xa! (Viên Minh)


    Năm 1985 Chùa Hoa Nghiêm ở vùng Đông Nam Melbourne thành lập ở Springvale vùng chúng mình ở, lúc đó nơi này còn vắng vẽ cô liêu, thầy trụ trì gồng mình vỡ đất sơ khai từng ngày biến chuyển tốt đẹp hơn khiến lòng người hớn hở hân hoan, nơi đây sẽ là nhà tâm linh, đủ tầm cở giúp thế nhân sống đời an lạc và độ các hương linh tìm đến bờ an nơi cõi tịnh.

    Anh khuyến khích em và vợ chồng anh chị Bé, 4 người cùng trồng hoa Vạn Thọ bán mỗi độ xuân về, làm tiệc chay gây quỹ cho chùa và thành lập thư viện. Chùa mở tiệm cơm chay Thanh Tâm, anh không ngần ngại đưa hai vai ra gánh vác, bước đầu anh in những tờ quảng cáo rồi 4 người chia nhau đi bộ bỏ vào từng thùng thư của dân cư trong vùng, anh kiêm luôn thâu ngân viên một thời gian dài, sau đó anh chỉ vẽ tường tận cho sư cô Phước Tính thế anh.
    Anh thường nói đã hơn nửa cuộc đời lo bảo vệ gian sơn tổ quốc là làm trọn bổn phận người trai thời loạn. Nay nước đã mất, tuổi đã già, mỗi người nên tận dụng thời gian này để khi nhắm mắt không còn tiếc nuối. Tâm anh thật sự luôn hướng về quê hương, về đất Phật.

    Chùa mở khóa tu trên núi hay dưới biển, anh là người 4 giờ sáng mang thức ăn từ chùa đến nơi tu để những tu sinh điểm tâm đúng giờ, anh ở lại cùng các Phật tử giúp 2 buổi ăn trưa và chiều cho hoàn tất, dọn dẹp xong anh trở về chùa báo cáo lại những điều cần thiết cho ban trai soạn, để chuẩn bị cung ứng thích hợp cho ngày kế tiếp đến khi mãn khóa tu.

    Cảm ơn nhé! một đời gió nổi
    Cuốn phăng tôi đến một chốn bên trời
    Thế gian nhé!một lần xin sám tội
    Quỳ nơi đây mà ôm siết con người! (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)


    Anh đã tìm cho mình con đường đi và cách sống, anh bỏ thuốc lá, không đi chơi, không uống rượu. Những ngày tết Nguyên đán, lễ Phật đản hay Vu Lan, anh và anh Bé hướng dẫn từng chiếc xe ra vào carpark. Dù nắng nóng hay rét căm căm vẫn chạy tới chạy lui giúp xe có nơi đậu vững vàng. Những buổi tối giao thừa, anh âm thầm đi chung quanh chùa xem xét, hầu sớm chặn đứng mọi biến động xảy ra để giữ cho không khí chùa được an toàn. Giao thừa xong, anh ở lại phụ thầy trụ trì cùng các Phật tử dọn dẹp, tháo lều, làm vệ sinh cho sân chùa thật sạch, đến 4 giờ sáng vợ chồng mình mới về nhà. Thế mà 9 giờ sáng mùng một tết mình đã có mặt ở chùa, cứ như vậy từ ngày chùa Hoa Nghiêm mới mở cho đến ngày anh ra đi.

    Anh bày ra làm báo tường, bổn phận em là chụp hình những buổi lễ, các khóa tu và sinh hoạt của chùa. Anh Bé cảm hứng làm thơ từ những hình em chụp cho anh đánh máy ra, chị Bé cùng em trang trí thêm hoa và cảnh, vì vậy sau những buổi lễ chùa luôn có báo tường với những hình ảnh mới. Anh còn chọn hình những Phật tử làm công quả để làm DVD ghép nhạc cảnh, tặng riêng cho từng người, thêm CD Phật Pháp để khuyến khích họ thường đến chùa và hiểu về Đạo Phật.

    Các anh em tôi mà tình Thầy nghĩa Đệ
    Có nhớ nhau xin cạn một chung trà
    Đời còn đẹp khi ta còn giọt lệ
    Đời khổ đau nên sinh-tử-tình-ca! (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)


    Rất nhiều lần làm việc chung với anh chị Bé, anh giảng về chữ tu thật đơn giản làm sao, đó là biết rõ mình đang làm gì trong từng hành động thực tại hiện tiền, sáng suốt nhìn thái độ của tâm khi trực diện mọi hoàn cảnh để thấy ra hai mặt thiện ác chỉ là hai mặt của cuộc đời. Có như vậy mới trãi nghiệm được thế nào là thanh tịnh để biết cõi ta bà này đẹp một cách diệu kỳ.

    Một phen buông hết ngôn từ
    Buông luôn cả một chữ như trên đầu
    Thong dong thực tại nhiệm mầu
    Niết-bàn, sinh tử… biển dâu khác gì ! (Viên Minh)


    Một hôm sư cô Huệ Thanh đưa ý kiến, em xin phép thầy trụ trì lập ra đạo tràng đi Kinh Hành Niệm Phật mỗi sáng chủ nhật, nhưng anh lại là người đứng ra phân việc theo khả năng từng người và dạy đánh Chuông Mõ, Khánh. Rồi chỉ từng bước đi thong dong cho thân, tâm, ý nhất như. Sau thời đi kinh hành anh mới xuống trực văn phòng, vừa bán Phật cụ vừa trả lời điện thoại và giải quyết những việc thông thường, để thầy có thời gian chu toàn buổi lễ.

    Biết em thích hoa hồng, anh và các con đã chọn lọc hương thơm lộng sắc màu nồng ấm để thành lập vườn hoa hồng thắm trước sân nhà, cũng là quà của mấy cha con tặng để cảm ơn em những ngày tháng anh ở trong tù, cảm ơn em thân cò lặn lội, là một người đàn bà Việt Nam biết chu toàn bổn phận, từ đó ở xóm mình gọi biệt danh em là bà bảy hoa hồng.

    Cám ơn Em người vợ ân cần
    Đã chăm sóc thương anh bao ngày tháng
    Dẫu giông tố bão bùng vùng sân hận
    Tàn phá anh, em cuồng nộ bẽ bàng
    Cám ơn tất cả mọi người là ánh sáng
    Soi rõ đêm đen, cháy bỏng tâm hồn
    Thù hay bạn cũng là vận mạng
    Đốt lửa Tạ Ơn ngàn đoá hoa hồng (Trần Minh Hiền)


    Anh tôn trọng niềm đam mê của em nhưng luôn luôn anh nhắc em đừng để thân mệt và đầu óc căng thẳng, phải tập ngồi thiền, nhìn tâm để thấy lời nói mình có thể mang đến hạnh phúc hay khổ đau cho người khác, luôn quay về tỉnh thức khi đối xử với tha nhân.

    Ra đi khắp bốn phương trời
    Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa
    Ta về gặp lại tình ta
    Dấu chân viễn mộng chỉ là phù vân! (Viên Minh)


    Anh cùng ông trạng sư Đinh sĩ Trang bắt đầu dịch các Kinh Kim
    Cang, Kinh Duy Ma Cật, kinh Pháp Hoa, kinh Pháp Cú (có phần tiếng
    Anh và tiếng Pháp), kinh Lục Tổ Huệ Năng, Pháp Bảo Đàn kinh.

    Những hành thiện trong quá khứ của anh và những lời kinh anh dịch vẫn còn đây, làm chứng nhân cho công đức vô lượng như tiếng chuông tỉnh thức giúp thế nhân chuyển mê thành giác.

    Thắp lên một nén hương lòng
    Phút giây sinh tử mênh mông bể sầu
    Dương trần trắng cuộc bể dâu
    Kim Cang vẩy mực rạng màu chân như.


    Còn lời nào để nói về anh nữa đây, anh đã gồng gánh lo toan hết cho em những bữa cơm gia đình hạnh phúc, biết làm mái ấm cho em nương tựa để tránh cơn bão lũ cuộc đời, là người lái đò dạy cho em bài học sâu xa về Đạo, là ánh sáng quét sạch những mờ mịt của bóng đêm em, anh cứ mỉm cười cho em hiểu thế nào là tâm nhẫn, có biết sống thong dong ở cõi ta bà mới sâu sắc an nhiên đi về cõi tịnh.

    Buông mình theo chiếc lá rơi
    Phiền lao trăm nỗi thả trôi nước dòng
    Qua bờ với chiếc đò không
    Như con hạc trắng chơi rong kiếp người. (M. Đ. Triều Tâm Ảnh)


    Hôm nay em ghi lại những điều anh đã làm cho em và cho mọi người, anh đã biết cách sống, đem hết cuộc đời của mình cống hiến cho Quốc Gia và Phật Pháp. Anh ra đi để lại bao nhiêu sự luyến tiếc của gia đình và mọi người.

    Một ngày tình bỗng khói sương
    Tôi về gom chút tàn hương cuối trời (Phạm Anh Dũng)


    Đêm ngày em vẫn nhớ anh và đang theo bước chân anh để rồi một ngày ta gặp nhau dưới ánh hào quang của chư Phật.

    Thu tàn rồi lại đông sang
    Bước chân lữ khách dặm ngàn tha hương
    Phút giây chợt thấu vô thường
    Cúi đầu sụp lạy dặm trường đã qua. (Tâm Bửu)


    Trương kim Báu

Trang 3/8 đầuđầu 12345 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Gánh hàng rong và ông Thiên Lôi
    By saomai in forum Tùy Bút
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-12-2017, 06:09 AM
  2. Thư Ba viết cho con - Nguyễn Thị Thêm
    By Longhai in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 06-18-2017, 05:01 AM
  3. Bài viết Phu nhân Tướng Hưng gởi N C K .
    By loibangTQLC in forum Chuyện 30.4
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 04-26-2017, 06:29 AM
  4. Nó và Biến thiên cuộc đời
    By Longhai in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-20-2017, 12:49 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •