Remember ?

Trang 2/8 đầuđầu 1234 ... cuốicuối
kết quả từ 7 tới 12 trên 43

Tựa Đề: Truyện ngắn Truơng Kim Báu

  1. #7
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Xả tang

    XẢ TANG
    (cho thiếu tá Nguyễn văn Dọng, Pháp danh Minh Liên)
    (Phi đoàn 524)
    Trương kim Báu (Vợ)



    Thiếu tá Nguyễn văn Dọng (hình do gia đình gởi)

    Nghe tiếng nói từ đầu giây bên kia nửa vòng trái đất của người chị chồng gọi:
    - Gần đến ngày xả tang của chồng em rồi đó. Xuống nhờ Thầy ở chùa làm lễ em nhé.
    - Thưa chị mới 2 năm. Phải để đúng 3 năm mà.
    - Nói 3 năm nhưng thật ra chỉ đúng 2 năm tròn là 3 năm méo, do tục lệ từ xưa của ông bà để lại.
    - Dạ, em sẽ làm theo lời chị.
    Đó là người chị chồng thương yêu tôi như ruột thịt. Ở chung lo cho mẹ con tôi lúc giàu sang, cũng như lúc khổ nghèo chị không bỏ tôi, luôn cận kề an ủi, thương yêu, lo lắng cho chúng tôi mọi thứ.

    Chồng tôi mất vào một ngày mùa xuân của xứ Úc. Đến nay mùa xuân nữa lại về. Trời Melbourne của tiểu bang Victoria ấm áp, đủ loại hoa thi nhau đua nở, những chùm màu tím nhạt của loài hoa Tử Đăng do chồng tôi trồng đang ngược đầu xuống nở rộ trong hai chậu to trước sân nhà. Màu hoa giống màu chiếc khăn quàng cổ mà ngày xưa khi người mặc áo bay đồng phục màu cam. Những chàng phi công của Phi đoàn 524 bắt buộc phải choàng khăn màu tím có in hình chiếc phản lực cơ A37.

    Xả tang hay để tang với tôi cũng đều như nhau, vì sự nhớ thương vẫn tròn đầy. Ngày chồng tôi mất, tất cả mọi người đều dặn tôi không được khóc để anh ấy ra đi nhẹ nhàng. Tôi tuân theo tất cả, ngay khi lên đọc bài tiễn đưa anh lần cuối mặt tôi vẫn trơ ra với mắt khô ráo, trong khi mọi người và cả các con tôi đều ràn rụa. Chỉ riêng mình tôi không khóc, ai cũng khen tôi giỏi vì nước mắt đã chảy ngược vào tim tôi hết rồi. Sự kềm chế đã làm tôi khô héo.
    Căn nhà trở nên rộng và lạnh lẽo thênh thang! Đêm đêm tôi không ngủ được. Phải đọc kinh. Lấy tiếng kinh để kềm chế những giọt nước mắt. Đến khi mệt quá thì thiếp đi. Mở cửa nhìn vào phòng anh, chiếc giường mênh mông vắng bóng! Trở lại phòng mình và nằm xuống, kỷ niệm lại hiện về!

    Mỗi đêm vào giờ này anh bước thật nhẹ vào phòng tôi tắt niệm điện, hôn lên trán rồi kéo mền đắp cho tôi. Lúc nào tôi cũng giả bộ ngủ say để anh được yên lòng. Bây giờ lại hối hận sao lúc đó tôi không ôm và hôn lại anh, tựa đầu vào vai anh. Để bây giờ tôi thèm một nụ hôn, thèm cầm bàn tay ấm áp của anh, thèm nghe những lời nói ngọt ngào hay hờn mát cũng được. Nhưng không còn dịp nữa rồi!
    Nay nhìn thấy anh cười nhưng không ra tiếng. Tay anh vẫn để trên vai tôi nhưng không còn tìm được hơi ấm. Mắt vẫn nhìn nhưng không hiện ra được những gì muốn nói. Vì anh nói bằng mắt nhiều hơn lời. Đó chỉ là những tấm hình chụp chung. Những kỷ niệm đã qua!
    Anh ra đi để lại trong tôi sự cô đơn nhớ thương tủi hờn, cho tôi sống như một cái bóng lẻ loi sầu tủi.
    Để tự lừa dối mình, tôi để gối và phủ mền lại như có anh đang ngủ mỗi lần nhìn vào phòng anh. Tôi nói thầm với chính mình, anh đang ngủ đừng lay anh dậy. Tôi khờ khạo chơi trò trẻ con, tưởng rằng tự đánh lừa được mình. Nhưng càng cố quên thì lại càng nhớ nhiều. Muốn chữa lành mụt ghẻ phải rửa thật sạch vết thương và bôi thuốc vào mới được.
    Tôi qua phòng anh, kê đầu nằm trên gối anh, đắp mền của anh mà ngủ để thấy sự cô đơn tột cùng và tự nhìn thấy nỗi đau của chính mình, không né tránh hay tự lừa dối mình nữa.
    Gặp ai tôi cũng vui vẻ để không ai nhìn thấy vết thương đang đau nhói trong tôi. Phải tự chữa lành và một mình tự đứng dậy. Tôi nghĩ ở nơi nào đó anh đang nhìn tôi và khuyến khích.

    Hôm nay là ngày xả tang anh trong chánh điện của chùa Hoa Nghiêm. Người tham dự rất đông ngồi dưới bồ đoàn và trên những dãy ghế, một số phải đứng vì không còn chỗ ngồi. Với sự hiện diện của quý thầy, quý sư cô và các con, bạn không quân, bạn trong ban trị sự, bạn ngày xưa, bạn đạo cùng bà con thân thuộc ...v...v...

    Ai cũng nhớ đến anh. Mọi người tự tay làm hay mua những thức ăn anh thích đem đến chùa, trước cúng Phật và sau là cúng anh. Mọi người đều mừng rỡ ôm nhau vì lâu ngày có dịp đến chùa lễ Phật và đọc cho anh một thời kinh.
    Các con quỳ trước bàn thờ dâng cơm và nước theo lời chỉ dẫn của từng câu kinh. Các con tủi thân nhớ lại những ngày được cha chăm sóc cho nên đều khóc. Giờ này những giọt nước mắt của tôi mới rơi trước mặt các con. Hai năm rồi không thể chảy vì sợ các con buồn, sợ anh quyến luyến mà không siêu thoát.

    Đám xả tang diễn ra một cách thành kính trang nghiêm trong từng câu kinh được mọi người đem hết lòng thành mà tụng. Tiếng chuông mỏ nhịp nhàng hòa vào những lời kinh làm không khí thêm long trọng nhiệm mầu.
    Sau buổi lễ, kính mời quý thầy quý sư cô và tất cả mọi người xuống hall. Ai cũng tự chọn người quen để ngồi gần, ăn tối bên nhau, nói cười chuyện trò vui vẻ, nhắc đến những đức hạnh của anh cũng như những điều anh đối xử với từng người, không khí vô cùng thân mật.
    Với Thầy trụ trì, Cha tâm linh của đại gia đình chúng con, con biết nói sao để diễn tả niềm xúc động thẳm sâu tận đáy tim của mỗi thành viên trong đại gia đình chúng con, khi Thầy đã đại diện cho Minh Liên, Pháp danh của anh, ân cần hỏi thăm từng người có mặt dưới Hall đêm ấy. Thầy ơi, biết bao kỷ niệm xa xôi thắm thiết ngày xưa giữa Thầy và đại gia đình chúng con đã trôi đi theo định luật vô thường, nhưng với gia đình chúng con, Thầy mãi là Người đầu tiên dẫn dắt chúng con biết sống thế nào là đạo giữa đời thường, cho chúng con bước đi vững chắc giữa trường học ta-bà này.

    Cô Thảo ngồi gần tôi, cô nói về Minh Liên, nhắc lại việc tu hành và nhiều kỷ niệm với anh.
    Cô nói anh là người biết sống, dùng tuổi trẻ để phụng sự đất nước, lo bảo vệ quê hương tổ quốc. Thời thế đổi thay, anh vào tù nhìn ra sự vô thường rồi biết chọn con đường cho tuổi già. Dành hết thời gian tu hành và giúp chùa, dịch kinh. Sống mà biết mình đang sống và biết phải làm gì.


    Minh Liên một đóa sắc son.

    Ngày xưa giang cánh phiêu bồng
    Người con đất Việt Lạc Hồng tung bay.
    Rồi ngày trang sử đổi thay.
    Anh về chuyển bánh Pháp thay cuộc đời.
    Nhất tâm Kinh chép, dịch lời.
    Truyền rao hành đạo, không rời phút giây.
    Xuôi tay viên mãn trọn đầy.
    Nương thuyền Bát Nhã quy vầy thiền môn.
    Minh Liên một đóa sắc son...
    (Tác giả Thảo Phạm)


    Ngày xả tang đã được các thầy làm lễ hoàn tất, tình yêu thương không hề vơi đi mà càng tràn đầy thêm vì tôi đã trải nghiệm được cuộc sống này trong những ngày không còn anh ở tuổi xế chiều, và hiểu được tình yêu anh đã dành cho tôi. Anh đã chuẩn bị cho tôi một hành trang để ngày về cùng đất mẹ không bị bỡ ngỡ lo sợ vì biết sống trong tỉnh thức. Sống là tu, tôi phải như anh cùng theo bước chân Phật tự nghìn xưa.
    Tôi đã nhìn thấy được mùa xuân hiện đang trên đất Úc, vẻ đẹp của từng bông hoa rực rỡ khoe màu. Nghe được tiếng gió thì thào, ánh nắng chiếu sáng rạng ngời giữa đất trời bao la như đang bao bọc che chở cho tôi, tôi không còn cô đơn, tôi đã hòa nhập được với chung quanh, anh và tôi không hề xa cách hay mất nhau bao giờ. Niềm tin lại trở lại trên nụ cười, trên đôi môi tôi như ngày thơ bé.


    Người Ở Lại

    Dìm trong dòng lệ phôi pha
    Dìm trong ký ức nhạt nhòa tìm quên
    Thôi thì một kiếp nhân duyên
    Mấy ai khôn định giữa triền, triều xô
    Tình anh lịm kín tim cô
    Mang theo tôi hẹn…. ước, bờ hư vô
    Viễn miên cõi mộng, ơ thờ
    Nhà hoang đêm vắng….. huyễn chờ, đan… mong
    Chắc anh đã hiểu nỗi lòng
    Ngại se sợi rối, thương đong trao người
    Gối chăn anh… thắm châu rơi
    Buộc tim xô trắng… quấn lời tình câm
    Cô liêu… nay sống âm thầm
    Chôn bên đời lặng, nuốt đầm… lệ vay
    đường trần ta… ngã… chia hai
    Niết bàn nơi ấy mong ai… nguyện cầu
    hai năm tang xả qua mau
    khóc anh lần cuối tạ nhau…ân tình…
    Tử đằng hoa tím lung linh
    nhắc khăn quàng cũ, mắt nhìn cười… tôi…
    (Tác giả Thảo Phạm)

  2. #8
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Một Thời Để Nhớ - Trương kim Báu

    Đọc qua ba nhân cách lớn của cụ Trần văn Hương, vị tổng thống cuối cùng của niềm nam nước Việt lòng tôi cảm kích vô cùng. Nhớ lại những ngày sau khi miền nam đổi thay chế độ, biết bao gia đình đi vào con đường huyệt tận, thân nổi trôi như cánh bèo dạt về vùng khô cháy, sống chết chỉ là trò chơi của ách nước tai trời. Chúng tôi, những nhân viên ngân hàng vô cùng may mắn, được giữ lại làm việc tại trung ương 79 Hàm Nghi Sài Gòn, là trụ sở chính, nhờ vậy chúng tôi ít bươn chải hơn và có dịp tiếp xúc với những nhân vật tên tuổi lớn trong chính phủ miền nam, hoặc đối diện trước những người nổi tiếng mà ngày trước chúng tôi chỉ được thấy qua báo chí ảnh hình.
    Ngày đó, tôi không biết nhiều về giáo lý của Đức Thế Tôn, không hiểu gì luật nhân quả trong kiếp nhân sinh, không biết khi giúp người thì được gọi là gieo trồng ruộng phước. Tôi làm những điều tốt vì mình bị quá nhiều khổ sở khó khăn, thấy họ cũng cùng hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, cùng là dân miền nam như mình và cũng bị gian truân mất hết, nên dẫu chân tiếp tục bước trên đường dài mõi mệt, tôi giúp gì được cho ai thì kể như đã đem đến cho họ ít nhiều an ổn. Chính vì thế mà những bạn bè cùng làm việc chung 10 tầng lầu của Việt Nam Thương Tín rất thương và tin tưởng tôi .


    Tôi gặp được cụ Trần văn Hương khi cụ vào ngân hàng nộp giấy tờ xin rút ít tiền trong trương mục của cụ để chi dùng. Có lần người cháu của cụ là nhân viên làm việc nơi đây, nhờ tôi bán dùm cặp ngà voi từ xưa còn lưu lại, cụ đã từng trưng bày mỹ thuật vật ấy nơi phòng khách của mình. Ôm cặp ngà voi được bọc trong bao vải cẩn thận, lòng tôi xót xa vô hạn. Tôi không muốn trao cặp ngà voi ấy cho lái buôn hay những người có tiền mà thiếu lòng nhân hậu, ít ra họ cũng phải biết trân trọng đồ cổ, nhất là món đồ của một vị tổng thống vừa mất nước sa cơ.
    Lúc đó tôi muốn giữ lại cặp ngà nhưng hoàn cảnh không cho phép, vì tôi cũng xác xơ túng thiếu. Ngại làm trầy hoặc hư hao nên tôi ngồi xích lô đến gặp người bạn cũng từng làm việc trong ngân hàng ngày xưa. Nay anh đã mở một văn phòng kiến trúc, nơi đó quy tựu những bàn tay tài hoa trước năm 75 cũng như tất cả những họa viên tài giỏi, những người mà chế độ mới không dùng vì họ không hiểu được giá trị của nhân tài. Tôi ôm bộ ngà voi đi vào mà nước mắt trào tuôn vì tư cách lịch sự tao nhã của người mua và sự nâng niu trân quý của anh với món đồ kỹ niệm. Nét mặt cảm động của anh đã nói lên phút nao lòng quay quắt của đời người rồi cũng nhòa nhạt tàn phai, nhưng tim anh đang có một cụ Trần văn Hương tiết tháo chính nhân quân tử, xứng đáng là vị tổng thống cuối cùng của niềm nam nước Việt. Cảm ơn anh thật nhiều! Anh Cao Hữu Tùng kiến trúc sư Việt Nam Thương Tín! Sau này khi rời Việt Nam anh cũng đem theo cặp ngà voi đó, là một kỷ niệm vô giá với cụ Hương.
    Hôm sau tôi gặp cụ và được cho một hộp kẹo chocolate, đó là lộc quá lớn với tôi nên muốn chia cho mỗi người một viên kẹo để cùng nhau thưởng thức. Ngậm vị ngọt trong miệng như tình thương mà cụ luôn dành cho quê hương và dân tộc. Tôi đem hộp kẹo đến văn phòng kiến trúc, một căn biệt thự nguy nga trên dưới lầu đều có bàn làm việc. Đến giờ nghĩ bạn bè thường họp lại bên nhau, ai cũng có chữ sư hay sĩ đi kèm theo tên họ. Đàn bà chúng tôi cũng thân thiện bên nhau, chỉ có 4 người: vợ của anh Tùng, vợ của cậu anh Tùng (chồng bà là phi công phản lực cùng phi đoàn với chồng tôi, hiện ở tù), một chị làm ngân hàng cùng tôi (chồng thuộc binh chủng nhảy dù đã tử nạn trong trận mùa hè đỏ lửa) và tôi, chồng cũng đi tù. Anh Tùng từng nói với tôi:
    - Thưa chị, bây giờ cuộc sống khó khăn quá, phần đông các bà vợ ngụy đều không thể trọn vẹn chờ chồng, xin chị hãy sống như một người đàn bà xưa trọn vẹn chờ chồng và một lòng chung thủy, để sau này tôi có thể theo gương đó mà dạy dỗ các con tôi. Và ai đó nếu có nói các bà vợ ngụy đều hư hết thì tôi sẽ nói còn một người vẫn một dạ thờ chồng là chị.
    Tôi đã hứa với người bạn tốt đó. Bạn nào có biết lòng tôi chỉ một dạ sắc son, thề nguyện trọn đời chỉ duy nhất chờ chồng, đâu cần phải nói ra.
    Trên lầu của phòng vẽ họa đồ hôm nay đầy đủ tất cả những khuôn mặt thân quen. Anh Tùng bước vào cùng với một người đàn ông lạ, anh giới thiệu đây là thương gia đã bị đánh tư sản mấy lần, bây giờ không còn gì hết. Tan sở trên đường đi ra đón xe bus, âm vang từ sau lưng tôi:
    - Thưa bà.
    Tôi quay lại và vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra đó là người đàn ông hôm qua đã gặp ở văn phòng của anh Tùng. Lúc tôi trao viên kẹo, người này nâng niu và giữ mãi trên tay.
    - Anh cần gì ?
    - Tôi đói bụng quá!
    - Anh muốn ăn gì ?
    - Tôi thèm một tô phở ở đường Pasteur.
    Một nơi xa xôi rừng thiêng nước độc, biền biệt trong trại tù cải tạo, chồng tôi cũng hay sớt chia phần ăn cho những người đói khổ ngoài rào, dù anh vẫn lao động vất vả với tấm thân gầy hao đầy vơi và luôn thương nhớ vợ con. Ý nghĩ về chồng bất ngờ nổi dậy làm đau nhói con tim, tôi bước lên xe bus và bảo người đó đi theo. Đến nơi tôi không ăn mà chỉ ngồi đợi ông dùng cho xong tô phở, vì thật ra tôi không có nhiều tiền. Lương tôi phải nuôi một người chị chồng (thấy tôi nghèo quá chị không nỡ bỏ rơi tôi) và 2 con còn nhỏ. Tôi là người lớn tuổi nhất và nghèo nhất trong 4 người đàn bà đến văn phòng anh Tùng hôm đó. Tại sao ông này không chọn ai mà lại chọn tôi nhỉ. Cứ mỗi chiều ông đều đón tôi với thái độ lễ phép, thật ít nói và lúc nào cũng đói. Ông không trả nổi tiền một vé xe bus và đòi ăn thứ này rồi thèm ăn thêm thứ khác. Tôi nhịn phần ăn sáng của mình để dành tiền bao ông. Tôi nghĩ đàn bà là phải hy sinh cho chồng con, nhưng nay người bạn này nghèo đói quá nên giúp được thì tôi cứ giúp, đến khi nào chẳng giúp được nữa thì đành nói tiếng không. Có hôm ông muốn tôi đưa ông đi xem lá số tử vi và tướng số, là nơi mà mọi người trong nhóm khen hay và ai cũng đều đến đó rồi. Tôi than thầm trong lòng, ông có biết là đắt tiền lắm không. Nhưng rồi tôi cũng đưa đi và vui vẻ ra ngồi một chỗ riêng, tôi không muốn dính vào đời tư của ông nên để ông được tự nhiên. Mỗi khi đến văn phòng kiến trúc, tôi và ông cùng đi, chẳng ai thắc mắc hay bàn tán gì về chúng tôi cả.
    Một chiều tan sở mọi người cùng đến văn phòng kiến trúc trên lầu đã được dọn thật sạch sẽ gọn gàng ngăn nấp, tất cả đều an tọa dưới sàng. Anh Tùng dắt 2 em nhỏ một gái một trai khoảng 16 tuổi vào. Trước kia các em học trường quốc gia âm nhạc nhưng nay không còn được tiếp tục học. Anh muốn giúp đỡ các em, vì tế nhị không muốn cho 2 em biết nên anh mang hai em tới hát và đàn cho cả nhóm nghe. Lâu lắm rồi mới nghe lại những bản nhạc rúng động hồn tôi, các em đàn hát chơi vơi đưa chúng tôi ngụp lặn về khoảng trời xưa cũ, một thời sum vầy huyên náo với tình bằng hữu chấp cánh bay cao. Bốn người đàn bà chúng tôi đều cảm động, ngăn không được lệ trào nên len lén đưa khăn lên lau những giọt nước mắt muộn màng. Chiều nay người đàn ông đó cũng đón tôi, trong tay là một bọc lớn:
    - Thưa bà, mình ghé qua chợ trời được không?
    - Ông muốn bán gì ?
    - Áo lạnh.
    Chợ quần áo nằm ở con đường sau lưng ngân hàng. Chúng tôi cùng đến đó, và ông đã bán xong chiếc áo.
    - Hôm nay tôi bao bà. Tôi muốn ăn một bữa cơm Việt Nam.
    Chúng tôi đến quán cơm bà Cả Doai, nơi đó nổi tiếng những món ăn thuần túy Việt Nam. Ăn xong ông mua một con vịt quay và bánh mì gởi về cho các con tôi. Ông đưa cho tôi một miếng giấy nhỏ có ghi địa chỉ.
    - Đây là địa chỉ của tôi ở Đài Loan. Sáng mai tôi và gia đình sẽ rời Việt Nam bằng máy bay, bà nhớ cất thật kỹ, bất cứ lúc nào thoát ra khỏi VN là phải liên lạc cùng tôi liền, nhớ nha.
    Tôi kể cho anh Tùng nghe và đưa anh xem tờ địa chỉ.
    - Chị cất đi. Anh đó là người Tàu bị đánh tư sản mấy lần. Anh ấy có 2 bà vợ. Anh giàu lắm! Vẫn còn của, ở Đài Loan cũng có cơ sở nhưng để qua mặt công an theo dõi nên anh bám theo chị xin ăn. Tôi không dám nói vì sợ chị biết thì chị sẽ không giúp.
    Rồi dùng đủ mọi phương tiện trong nhóm chúng tôi lần lượt ra đi. Kỳ này người đón tôi là Đinh Xuân Ninh, cậu của anh Tùng, người phi công phản lực cùng phi đoàn với chồng tôi. Chúng tôi ra nhà hàng Mỹ Cảnh ở bến Bạch Đằng ngồi uống nước, tôi nói với anh vài hôm nữa tôi sẽ đưa các con tôi vượt biên, đây là người quen tổ chức có tính cách gia đình. Vừa khi đó một chiếc máy bay lướt ngang đầu, anh nhìn lên với ánh mắt buồn rười rượi! Lòng tôi chùng xuống trong nỗi niềm thông cảm bời bời của một loài chim đã gãy cánh đường mây. Đôi mắt đó làm tôi mất ngủ cả đêm. Sáng hôm sau, đến gặp vợ chồng anh Ninh và tôi nhường chuyến vượt biên cho họ. Trong tay là điện tín báo gia đình anh Ninh đã đến bờ bến tự do, tôi đi tìm anh Tùng cho hay. Anh mừng lắm và nói với tôi:
    - Chị cũng nên tìm chỗ nào chắc chắn mà đem hai cháu vượt biên, tôi cũng sẽ đi. Bây giờ trong nhóm chỉ còn chị và tôi thôi.
    Biết trước người bạn cuối cùng trong nhóm cũng sẽ ra đi. Hôm đến văn phòng kiến trúc, nhân viên thân tín của anh Tùng trao cho tôi lá thư anh Tùng để lại với một số tiền. Lá thư nắm chặt trong tay nhưng tôi không dám đọc vì tôi biết chắc mình sẽ khóc dọc đường. Tôi muốn về nhà ngay, tôi muốn ôm hai con, muốn ôm người chị chồng, người đã luôn bên cạnh tôi, lúc tôi giàu sang cũng như lúc tôi thật cơ hàn nghèo khổ. Với tôi, chị không phải là chị chồng mà là người thân ruột thịt máu mủ của tôi. Chị tin tôi, hiểu tôi và những người bạn của tôi chị đều thân thiện cả. Bạn bè đã ra đi tìm tự do hết rồi! Tôi tự bảo lòng nhất định phải kiên cường trong thời gian chờ đợi. Quả thật những khó khăn đã hun đúc rèn luyện tôi phải trực diện với vai trò người vợ, người mẹ cho được chu toàn. Đôi khi lủi thủi lẻ loi trong vạn biến hóa của đời thường, tôi hay tự an ủi mình rằng đó mới là một đoạn đời thi vị chứa đầy đủ cung bậc của tình cảm bi thương buồn tủi, để sau này tuổi già bóng xế, ít ra mình cũng còn chút gì gọi là một thời để nhớ.

  3. #9
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Cư xá không quân nha trang



    Chiếc taxi thả tôi xuống cách xa cư xá, người tài xế hẹn 1 giờ sau đến đón tôi. Trước khi cho xe chạy anh còn dặn tôi nên cẩn thận, nếu ai có hỏi nhất định đừng nhận là Việt kiều.
    Đầu đội nón lá, tôi ăn mặc như người dân quê, tay cầm một cái bao, một que dài để lượm lon và giấy.
    Buổi sáng mặt trời vừa lên, những tia nắng rạng rỡ nhuộm cả đại dương, từng đợt sóng long lanh và những đám mây viền màu vàng óng ánh. Lòng thương biển cũng tròn đầy như ngày còn thơ ấu khi mỗi sáng thức dậy, biển trời vàng rực một màu.
    Gió mát quá! Mấy chục năm rồi, hôm nay tôi trở về tìm lại chút kỷ niệm của một thời hạnh phúc để thêm sức mạnh cho những ngày xế chiều lẽ bóng.
    Tôi băng qua đường nhìn lối vào Phi Trường, thấy tấm bảng đề Khu Quân Sự, có gắn chiếc máy bay nhỏ một bên.
    Đi ngang dãy nhà sát bên đường, trong đó có nhà bác sĩ An, lòng tôi reo vui khi đến hàng rào của cư xá. Chân bước thật chậm nhè nhẹ thương yêu dâng tràn, xin mắt đừng nhỏ lệ, hãy bình tỉnh nhìn và nhớ lại từng căn nhà của bạn bè một thời cùng quay quần nơi đấy.
    * Đúng là căn nhà này của anh Vũ Liễn 524. Tối hôm đó các anh trong phi đoàn đến nhà tôi chơi và nhắc đến anh Liễn, nói chị Liễn còn nhỏ lắm nay lại có em bé, hiện cháu đang bị sốt, ở đây không có người thân.
    Tôi đem chuyện đó nói cùng anh tôi, hai anh em sống với nhau từ nhỏ nên có chuyện gì tôi đều kể với anh. Không ngờ sáng sớm anh đưa một số thuốc, kêu tôi đem xuống cho cháu bé và nói bác sĩ dặn cách dùng.
    Anh Liễn vào xem chị và cháu bé dậy chưa để đưa tôi vào nhà chơi. Nhưng họ còn ngủ, tôi xin đi về thì anh kêu tôi chờ một chút, anh trở ra tay cầm 2 củ cà rốt, anh ăn một, đưa tôi một.
    - Báu làm con thỏ đi, nhà không còn gì ăn hết.
    Vị ngọt của cà rốt năm xưa nay như còn trong tôi, cảm ơn anh Liễn đã cho tôi một chút kỷ niệm thân thương để nhớ.
    * Nhà anh chị Triển. Trước 75 chị Triển đi dạy ở dưới Cầu Đá, tôi đi làm trên phố. Chúng tôi ít gặp nhau nhưng sau ngày mất nước, chúng tôi thường liên lạc cùng nhau. Anh Triển và anh Dọng đã đi vào trại tù rồi, chị từ giả tôi trở về Nhatrang để trình diện Ty Giáo Dục. Ba mẹ con chị bơ vơ, không bà con, không nhà cửa, chính quyền lại đổi chị đi dạy thật xa. Sáng đi sớm bằng xe lửa chiều tối mới về, hai đứa con thơ ở nhà trọ, tôi đau cùng nỗi đau của chị.
    Sau những năm ở tù về, anh Triển và anh Nhị thường viết thư cho tôi. Anh Triển kể những chịu đựng tủi buồn cực khổ khi đạp xe đi làm ở Hàm Tân, Anh Nhị về quê tận trên Thành. Khi nhà có trái mít chín, anh Triển đạp xe lên Thành để anh em gặp nhau, cùng thưởng thức những múi mít ngọt lịm cho đời vơi cay đắng và chia xẻ muôn ngàn khó khăn buồn tủi khi những cánh chim đã bị cắt đi đôi cánh.
    Anh Nhị hỏi tôi:
    - Báu có biết gió vào nhà trống là nghĩa gì không ?
    Anh Nhị ơi! Nay tôi cũng đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời, không còn ngơ ngác như ngày còn bé. Nét thật thà của anh, người miền quê Nhatrang, tôi làm sao quên được. Tôi đã là con dâu của 524, tôi hiểu và thương các anh nhiều, mình đã là đại gia đình.
    Ngày anh đi tù, nhìn chị thương thật nhiều nhưng tôi không dám nói. Chị xơ xác, không nơi nương tựa. May mà chị đưa các cháu về lại quê nhà, vụ tạm trú và hộ khẩu làm chúng tôi, những người đàn bà ở lại Sài Gòn, điên đảo.
    * Đây rồi căn này của Bùi Gia Định. Tôi và Định có chút liên hệ mà cành nông bắn hoài không tới. Nguyên ba dượng của Định là tướng Lam Sơn, anh Lam Sơn lại là con nuôi của ba tôi.
    Vợ Định là Đồng Minh, mà Đồng Minh với tôi lúc nhỏ ở cùng phố Phan Bội Châu Nhatrang, hai nhà sát vách nhau, chúng tôi từ bé có nhiều kỷ niệm nên những ngày ở cư xá thường chạy qua lại với nhau.

    Các anh Thiên Lôi 524 mỗi đêm đều tụ ở phòng khách nhà tôi nói cười vui vẻ để quên đi những nguy hiểm mà mỗi ngày các anh phải đương đầu. Ngày tết, anh Định ra nhà tôi, lúc đó tôi và vài cô bạn sắp đi chùa, anh xin theo. Nhìn bộ đồ bay anh mặc, chúng tôi kêu anh về thay quần áo khác, anh giận nên không thèm đi. Ngày đó còn khờ quá, tôi không hiểu được nỗi buồn cô đơn xa nhà vào dịp lễ hay tết của những người lính, mà chỉ biết đi chùa phải ăn mặc đẹp thôi. Ra tù là Định liên lạc cùng tôi, các anh sống có lý tưởng nên muốn ở lại phụng sự đất nước. Cao quý thay cho tấm lòng những người con của mẹ Việt Nam, nhưng được đổi lại bằng tù đày, khổ sai, đói và đói.
    Đồng Minh về Nhatrang cũng không ở yên cùng phường khóm, bị kêu đi lao động kinh tế mới và cũng chịu bao nhiêu cay đắng của người vợ lính tàu bay. Có dịp vào Sài Gòn, Đồng Minh đều đến thăm tôi, chị em tâm sự.
    * Kìa là nhà anh chị Bùi văn Đích, anh bên Trung Tâm Huấn Luyện. Anh dạy bay L19, sau này qua Úc chúng tôi rất thân nhau, gặp ở chùa và cùng làm công quả.
    * Nhà anh chị Cần, tôi gặp chị Cần ở chợ trời, chúng tôi tay cầm tay nước mắt tuôn trào. Chị vất vả từ phiên chợ lúc nào cũng sẵn sàng gom hàng mà chạy nếu không thì công an tịch thu, hàng mất vốn cũng không còn.
    * Kế là nhà anh Võ Ý. Gặp anh ở nhà anh chị Trí (nhà thơ Duy Năng). Chào nhau nhưng chưa bao giờ nói chuyện cùng anh.

    Một buổi trưa theo thường lệ, những người có liên hệ với Không Quân, chúng tôi đem phần ăn của mình cùng nhau ngồi ăn trưa ở lầu 4 Ngân hàng Việt Nam Thương Tín Trung Ương, cùng nhắc đến người thân. Trưa nay có thêm 2 cô bé ngày trước tốt nghiệp Kinh tế Đalat đã thực tập ở VNTT Nha Trang, nay đến xin việc. Một cô nhắc thật nhiều về anh Võ Ý và một cô nhắc về anh Võ Quang Thẩm. Đặc biệt là 2 cô này có 1 quyển sách (chỉ được nhìn không được cầm đến quyển sách nên tôi không biết tên sách) trong đó có hình anh Võ Ý mặc đồ bay cười rất tươi, dưới có ghi lý lịch và hình anh Võ quang Thẩm mặc đồ lễ đội nón xanh Không Quân có ghi lý lịch. Thật là vui một cô bé mê tiếng hát và một cô bé mê lời văn.Tôi xin mượn quyển sách nhưng hai cô bé không cho, tôi dọa đem theo bên người coi chừng gặp công an là nguy. Hai cô cho tôi xem giỏ xách đã được mướn may một chỗ an toàn cho quyển sách, đó là bảo vật của hai cô bé.
    Hôm sau chúng tôi được xem quyển Thế Giới Tự Do chưa kịp phát hành. Trong đó có hình anh Dọng rất nhiều, cũng như các anh trong 524 đều có mặt. Chúng tôi trân quí chuyền tay nhau, đó là niềm vui, một động lực giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn buồn tủi. Thời gian ấy sách báo và ca nhạc không có, sống rất khô khan, thèm đọc một tờ báo hay nghe một bài hát cho cuộc sống bớt nặng nề khó thở.
    Chúng tôi được chị Yến, chị của anh Nguyễn Ngọc Yên 524, cho biết chị Ngà vợ anh Bông hẹn ngày giờ xuống Phú Lâm gặp chị để đưa đi nghe hát chui, nhưng cả nhóm xuống họp mặt rồi cuối cùng không nghe được vì bị bể.
    * Cổng chính vào cư xá đây rồi, bây giờ có nhiều lớp kẽm gai che lối vào, vọng gác vẫn còn chỉ vắng bóng người lính gác. Vài bước nữa là thấy nhà anh chị Nguyện. Hôm anh Nguyện rớt máy bay, nhiều ngày ở trong rừng dù bị thương nặng nhưng anh cố bò ra quốc lộ và được cứu. Anh Dọng có đưa tôi đến nhà thăm anh chị, sau này mấy lần gặp chị Nguyện ở SàiGon, chị có nói về việc làm ở sở chị và lo lắng nhiều.
    * Kể bên là nhà anh chị Nghĩa, chị Nghĩa là Thu Cúc làm cùng Ngân hàng với tôi. Hôm đó không biết ai gọi điện mà chị Cúc biết có một chiếc A37 cất cánh và bị cháy, người phi công không biết là ai, sống chết ra sao? Chị Cúc xin phép giám đốc rồi hối tôi ra xe chị lái nhanh vào phi trường, trên đường đi chị nói:
    - Hai đứa mình cùng cầu nguyện cho người phi Công đừng chết.
    Dọc đường chúng tôi chỉ biết cầu nguyện, không nói với nhau lời nào.
    Xuống xe, chị Cúc nắm tay tôi cùng đến phòng hành quân của 524, nhưng chưa vào tới thì có anh nào đó (giờ không nhớ) ra: - Người bị thương là Vĩnh Thọ đã đưa đi nhà thương rồi, hai chị yên lòng về làm việc.
    Trên đường về chị Cúc lại nói.
    - Anh Vĩnh Thọ không chết, mừng quá! Anh chưa có gia đình.
    Những ngày ngân hàng kết toán sổ sách đều đóng cửa, tôi luôn nghe chị Cúc hát chỉ một câu lập đi lập lại "Cái trâm em cài là do tình nhân em biểu đó".
    * Nhà anh chị Ngô Đức Cửu. Anh Cửu và anh Dọng mỗi đêm đều đến nhà nhau, mỗi người 1 tờ báo và rất ít nói chuyện. Tôi và chị Quý, vợ anh Cửu thì nói đủ đề tài. Chủ nhật, chị thường lái xe đưa tôi đi ăn ở chợ Đầm Nhatrang, có khi 2 gia đình rủ nhau ra ngay bãi biển trước cư xá tắm. Con gái nhỏ của 2 nhà đi học cùng trường, ngày nào anh Dọng đi biệt phái thì chị Quý đưa tôi đi làm, các con tôi kêu anh chị là ba má Cửu.
    * Kế là nhà anh chị Đạt, tôi gặp anh Đạt ở cư xá lần nào anh cũng chê.
    - Sao mà Báu mập quá vậy?
    - Tôi đang có em bé trong bụng.
    Sanh xong gặp lại anh.
    - Báu sanh rồi vẫn còn mập.
    Một hôm anh chở vợ, chị Giang ra khám bệnh, anh gởi chị cho tôi để về đi bay.
    Anh tôi khám bệnh cho chị Giang rồi bảo tôi kêu người làm đi mua một tô phở, bắt chị Giang phải ăn hết, uống thêm một ly nước cam tươi, ngủ một giấc chờ anh Đạt ra chở về.

    Dãy nhà độc thân đây rồi. Ngày đó vào một chiều thứ sáu, các cô ở ngân hàng 5 người chất lên một xe vì anh Dọng đi biệt phái, các cô bắt tôi bao ăn phở Chutt rồi mới cho tôi về. Khi chạy ngang nhìn thấy các anh độc thân của 524 leo lên mái nhà ngồi hóng gió mát. Các cô thích quá, rủ các anh đi ăn phở luôn.
    Tôi la lên:
    - 5 người đầy xe rồi, ngồi chỗ nào nữa ?
    - Ngồi hai tầng.
    - Trời đất, chị có 2 con rồi đó.
    Một cô quay kính xuống và hét lên:
    - Có vợ Mộ Địa ngồi trên xe, chút nữa trả chị về, tụi em đến đón các anh. Cô lái xe nói.
    - Mỗi ngày em đều đem tiền ngân hàng gởi vào ngân khố, em đang tìm một anh không quân nào có máu ăn cướp như em, để hai đứa ôm tiền đi xây hạnh phúc.
    - Đừng nói đùa kiểu đó.
    - Ha ha bà chị ơi nhát quá! Đùa một chút cho vui mà.
    Một đêm, công an đập cửa nhà tôi vào xét nhà để tìm cô lái xe ngày xưa. Sau 75, ai không được giữ lại làm việc ở Sài Gòn đều bị đưa về chi nhánh tỉnh, cô lái xe vẫn còn độc thân một mình ở tỉnh lẻ, đã lấy một số tiền lớn của Ngân hàng để lo cho người vượt biên thoát hoàn cảnh khổ đau. Khi nhận được tin cô đến bờ bến tự do rồi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì sợ cô bị bắt lại thì không biết hậu quả ra sao?
    Buổi sáng thật đẹp, những đám mây ửng màu vàng trôi trôi, tự nhiên tôi nhớ đến Chiếu Xuân, vợ của anh Đinh Xuân Ninh trong 524. Ngày trước gia đình ông dân biểu Lê Bá Chẵn danh giá, các cô con gái đều nổi tiếng là người đẹp.
    Anh Thông, chi nhánh Qui Nhơn, đến thăm tôi chào trước khi phải về trình diện chi nhánh cũ.
    - Sao chị cũng có chồng đi cải tạo mà còn cười?
    - Tôi ở trọ nhà anh Kiến Trúc Sư của Ngân hàng. Có một bà nghe đâu chồng cũng đi cải tạo, ông đó cũng bay A37 Nhatrang, tối tôi đi về bất cứ giờ nào cũng thấy bà đó ngồi nơi hành lang trên lầu mà khóc. Anh có biết tên chồng bà không ?
    - Không biết, tôi không dám đến gần bà, tôi cảm tưởng bà ấy gần điên rồi.
    Tôi vội lấy giấy viết vài chữ nhờ anh trao dùm, ghi tên, địa chỉ và nơi tôi làm, hẹn gặp nhau sau giờ làm việc.
    Tôi nghĩ cho dù người đó là vợ của bất cứ anh nào trong 524, tôi đều muốn gặp. Vì là đại gia đình rồi, an ủi nhau để cùng vượt qua những nỗi khổ khi nước mất nhà tan.
    Sáng sớm mai trong giờ làm việc, Chiếu Xuân đến tìm tôi, em không nói gì, nước mắt và cách em ôm tôi đã nói lên tất cả, em là người đàn bà chới với, đó là cách diễn tả mà tôi thường chọc đùa em sau này. Từ đó mỗi đêm em đều đưa cháu Chouchou lên nhà tôi ngủ. Những đêm đầu gần như em không ngủ, tôi ra ngồi cùng em, cầm tay em thương yêu dỗ dành như một em gái nhỏ của mình. Từ hôm đó tôi tự ra lệnh cho chính mình, phải thật khỏe, giờ này trên vai tôi không phải chỉ có 2 con và 1 chị chồng mà thêm 1 em gái và 1 đứa cháu.
    Chúng tôi luôn sát bên nhau, em còn trẻ và đẹp quá. Tôi phải bảo vệ em, vì có chiến dịch cám dỗ những người đàn bà có chồng đi cải tạo. Chính quyền mới biết rằng sự khổ sai, bỏ đói không giết các anh chết được, chỉ chết khi người đầu ấp tay gối phản bội mình trong khi mình ngã ngựa. Tôi nói cho em biết nhiều việc và khuyên em phải thật khỏe mạnh về thân cũng như tâm để cùng tôi vượt qua cái hoạn nạn của những người đàn bà như chúng tôi.
    Bị tách xa lìa tất cả, cha mẹ, anh chị em và cả chồng, người đã từng chia xẻ buồn, vui, sướng, khổ cùng mình, nay phải một mình đối phó mọi việc ở ngay chính trên quê hương, mà những kẻ muốn giết hại tương lai và hạnh phúc của mình lại là chính quyền đương thời, tôi hứa không bao giờ bỏ em và người chị này sẽ là bờ vai cho em nương tựa khi sóng gió cuộc đời.
    Tôi đi vòng trở lại cư xá, đứng nhìn vào hy vọng thấy được nóc nhà hay cây trứng cá ở phía sau vườn nhà tôi, có lẽ bây giờ các cành đã vươn cao.
    Nhà chúng tôi ở tận phía trong, từ cổng đi thẳng vào quẹo mặt ở cuối đường sát hàng rào Phi Trường. Đó là một villa được cấp cho 3 gia đình sĩ quan. Nhà chúng tôi 2 phòng rộng và dài, chồng tôi xin ván ép và nước sơn về ngăn phòng phía trước làm hai phòng khách và phòng ngủ, phía sau có sẵn phòng tắm nên để thêm bếp gaz, phòng ăn. Kê thêm cái cái giường cho chị Hương, người theo hầu tôi từ nhỏ, về ở, vì chị không muốn xa tôi.
    Chúng tôi cùng thêu 2 chiếc máy bay A1 Skyraider và A37 trên khung cửa lưới để ngăn 2 phòng ra riêng biệt. Nhà trở nên đẹp sáng sủa, đó là tổ ấm của chúng tôi. Như 2 con chim cùng nhau tha những bông hoa đẹp về làm tổ của mình. Chồng tôi mắc thêm một cái võng bên hiên nhà, thật tuyệt vời vào những buổi chiều nằm du đưa nhìn lên mây trời.
    Má tôi vào thăm, bà năn nỉ chúng tôi ra phố ở, nhưng tôi hiểu chồng tôi, nên để mẹ và chồng cùng vui, tôi nói:
    - Anh ấy là loài chim, mà chim phải sống quay quần cùng đoàn. Má đừng lo, rồi có một ngày chúng con sẽ nhờ má về nhà cửa, tiền bạc v.v...
    Nhà chúng tôi nhìn qua bên mặt là nhà ông bà Phạm.
    Đứng nhìn vào phía trong lâu quá, tôi sợ lỡ có ai đến hỏi thì phiền.
    Biển, biển đang ở trước mặt cũng cần ghé thăm vì nơi đó rất nhiều kỷ niệm. Đôi chân trần đi trên cát, hai chân tôi lún sâu trong cát ấm như được cát âu yếm vuốt ve. Phải lội nước như ngày xưa, nước cũng ấm tràn vào đẫm hai chân, vóc một bụm nước vào hai tay. Bất chợt gió ào đến hất tung cái nón lá ngụy trang ra khỏi tôi, tôi hoảng hốt chạy đuổi theo.
    Dường như gió nhìn ra đứa con của Nhatrang ngày nào, đã từng nằm lăn trên cát, nhảy đùa cùng sóng biển, hét cười ầm vang một góc trời, gió đùa giỡn, nón lá bay rồi ngừng, tôi mấy lần bắt hụt. Gió thì thầm thương yêu an ủi, cát thở dưới chân tôi, tôi quỳ xuống ôm lấy cát, biển cất tiếng hát, ôi tiếng hát ru tôi ngủ ngày thơ bé, mây như đứng lại che trên đầu, tất cả đến cùng với tôi.
    Tôi quên hẳn tuổi già, quên thân phận mình, hai tay dang rộng chạy trên cát, cất tiếng cười dòn tan. Một mình vui cười đùa giỡn, tôi nghe được những lời thương yêu từ biển, biển tạt những giọt vào người tôi, gió thỉnh thoảng lại hôn trên mặt mũi tôi, cát ôm hai chân tôi không muốn rời, bầu trời đẹp hắn ra những đám mây vàng trôi lửng lờ, tôi đã trở về và có tất cả.
    Xin cảm những người bạn đã làm nên kỷ niệm. Xin cảm ơn tất cả những người cùng ở cư xá Không Quân ngày xưa.

  4. #10
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Tình Người Phi Công - Trương kim Báu

    Đây là lần đầu tiên bốn người chúng tôi được phép gia đình cho đi Đalat chơi 2 tuần trong dịp nghỉ hè. Còn đến mấy hôm nữa lên máy bay mà chiều nào 3 bạn cũng đến nhà tôi dự định đủ thứ chuyện.
    Minh Châu lên tiếng:
    - Mẫu Đơn ơi, kỳ này đi chơi bạn không được mặc áo dài trắng nữa nha.
    Hải Yến:
    - Đúng đó, áo dài trắng chỉ để đi học thôi. Đi chơi phải mặc quần tây, áo đầm.
    Tú Anh:
    - Tại sao bạn không được mặc áo dài trắng Mẫu Đơn biết không?
    - Mẫu Đơn đâu có biết.

    Bốn chúng tôi học cùng lớp 11 nhưng Mẫu Đơn nhỏ tuổi nhất, hiền nhất và cũng đẹp nhất. Mọi nét trên gương mặt không có gì đặc biệt nhưng mắt, mũi, miệng đó hài hòa vào nước da trắng nuột thì lại là một mỹ nhân phúc hậu tuyệt vời tinh khiết, ngơ ngác và thật ngây thơ với chiếc áo dài trắng tha thướt cao gầy nên có biệt danh là Búp Sen Trắng.
    Xe vào phi trường Nhatrang hơi sớm, chúng tôi lên nhà hàng ở tầng lầu một uống nước chờ máy bay Air Việt Nam. Ngày trước nơi đó là chỗ của người Pháp trú ngụ thường có những buổi dạ vũ thâu đêm vịnh nguyệt thưởng hoa.
    Đang tìm bàn trống bỗng một người đứng dậy nhường chỗ cho chúng tôi, anh mặc thường phục nhưng kiểu cách nói chuyện với những chàng phi công ngồi gần đó, biết anh tên Khải, bay khu trục cơ A1 Skyraider. Hôm nay anh được nghĩ dưỡng sức 2 tuần ở Đalat.
    Chúng tôi đến Đalat ngụ trong ngôi biệt thự của anh tôi, do vợ chồng người bà con làm quản gia săn sóc nhà cửa, nhà có sẵn xe hơi nhưng chú quản gia và 4 chúng tôi đều không biết lái.


    Sáng nay cả bốn chúng tôi ra chợ Hòa Bình mua trái cây, lại gặp anh chàng Khải phi công đến làm quen.
    - Nghỉ phép lần này chúng tôi gồm 3 người, nhưng hai bạn kia có mục đích riêng rồi.
    Minh Châu hỏi:
    - Anh biết lái xe không ?
    - Biết. Các anh lái máy bay được thì xe nào cũng lái được hết. Mướn anh làm tài xế đi! Năm nào anh cũng được lên đây nghĩ dưỡng sức 2 lần, anh biết nhiều thắng cảnh ở đây lắm!

    Bắt đầu từ hôm đó anh vừa là tài xế vừa là hướng dẫn viên cho chúng tôi. Sáng anh chạy vespa đến nhà rồi lấy xe đưa chúng tôi đi thăm hồ than thở, đồi thông hai mộ, thác cam ly, suối vàng, vườn mận, vườn hoa hồng, sân đánh gù, cưỡi ngựa... Có đêm đưa chúng tôi đi uống cà phê nghe nhạc, đứng sắp hàng mua bánh mì pagette nóng dòn trong tiết trời lạnh băng thật hấp dẫn khẩu vị. Hôm nào dì năm, vợ chú quản gia, làm món ăn ngon đặc biệt chúng tôi liền mời anh ở lại dùng cơm. Anh bày cách để vào lò sưởi những củ khoai lang hay đậu phộng mà không bị cháy, anh kể cho chúng tôi nghe về đời lính và những chuyến bay đại bàng vẫy vùng xé mây cỡi gió nơi lưng chừng trái đất. Học sinh chúng tôi thời đó nam hay nữ đều đọc qua quyển Đời Phi Công của Toàn Phong nên nam sinh có mộng ước sau này sẽ theo nghề phi công, những chàng trai thiên thanh khí phách hiên ngang ưu tú.

    Sáng nay tôi đang còn mơ màng trong giấc ngủ, giọng ngâm nho nhỏ của Mẫu Đơn bên tai, tôi nằm yên thưởng thức:

    Lặng nghe sóng hát tình ca
    Lúc trầm khi bổng ngân nga biển trời
    Dạt dào sóng nói bao lời
    Yêu bờ nhiều lắm ngàn đời chẳng phai

    Nha Trang sóng biếc trải dài
    Đảo xanh một dải khiến ai nao lòng
    Nắng chiều ươm sắc vàng ong
    Đắm mình xuống biển tan trong sóng tình
    ...................................... (Đặng Minh Mai)

    Minh Châu và Hải Yến chạy ào vào phòng nên Mẫu Đơn ngừng lại. Hai bạn leo lên giường lùa tôi và Mẫu Đơn vào giữa. Hải Yến nói:
    - Yến và Minh Châu đang bàn về tương lai, những nghề tụi mình sẽ chọn khi xong lớp 12. Yến sẽ chọn học làm cô giáo, Châu sẽ học bác sĩ, Mẫu Đơn cũng học bác sĩ.
    Châu vừa cười vừa nói:
    - Mẫu Đơn không được học bác sĩ.
    - Tại sao ?
    - Vì Mẫu Đơn trắng quá, còn Châu lại đen nên người ta sẽ kêu bác sĩ trắng, bác sĩ đen mà quên mất tên chúng mình.

    Thật ra nước da Minh Châu ngâm đen nhưng rất có duyên, bạn có đôi mắt to lấp lánh, lông mi dài cong thật đẹp, bạn rất thương Mẫu Đơn ngây thơ nên hay chọc.
    - Vậy Mẫu Đơn học nghề như Hải Yến .
    Yến lại nói:
    - Không được. Bạn mà làm cô giáo thì học trò đến học hết, Yến sẽ thất nghiệp.
    - Mẫu Đơn dạy con nít học mà.
    - Cũng không được luôn, vì con của Yến sẽ kêu Mẫu Đơn là mẹ và tan trường Yến đến đón nó sẽ không chịu về nhà.
    Thấy Mẫu Đơn sắp khóc, tôi lên tiếng:
    - Học ngân hàng với Tú Anh.
    - Không. Mẫu Đơn không thích đếm tiền.
    - Làm ngân hàng vui lắm! Người đến gởi tiền vì họ dư tiền nên rất vui! Ai đến rút tiền, có tiền trong tay họ cũng vui nữa.

    Chúng tôi lo tán dóc quên luôn giờ khắc. Dì năm vào gõ cửa nói có anh Khải đến, mới nhớ hôm nay đã hẹn anh đến đây ăn sáng rồi anh đưa chúng tôi đi chụp hình.
    Chúng tôi trang điểm thay quần áo thật nhanh để còn ăn sáng, không để anh Khải chờ lâu. Hôm nay Mẫu Đơn diện áo đầm trắng, tóc gắn 2 chiếc nơ màu xanh nhạt lung linh, những sợi nubang dịu dàng buông lơi thả dài đậu xuống bờ vai lênh đênh mềm mại. Tất cả đều ồ lên vì bạn như một nàng tiên, không ai mặc màu trắng đẹp tinh khôi như bạn. Ba chúng tôi đều biết anh Khải rất thích Mẫu Đơn nhưng anh vô cùng tế nhị, anh hiểu tình bạn thân thiết của chúng tôi nên dù có cảm tình đặc biệt với Búp Sen Trắng, anh vẫn đối xử đồng đều, không săn sóc một mình Mẫu Đơn và cũng không nói chuyện riêng. Tánh lịch sự của anh làm chúng tôi nể phục và mến những anh chàng phi công nhiều hơn.

    Anh yêu Mẫu Đơn nhẹ nhàng như những làn gió vân du đồng xanh bát ngát, như mây xanh quấn mềm quanh sườn núi hay vắt trên bầu trời quê hương năm tháng anh bay qua, anh thầm lặng mà không vội vã, anh trao tình yêu cho Búp Sen Trắng một cách vô cùng ưu ái nâng niu để Búp Sen Trắng thấy tình yêu thiêng liêng mầu nhiệm, anh thăng hoa thời gian bên nhau đẹp như khúc nghê thường chơi vơi bình yên dịu ngọt.

    Sau chuyến đi Đalat về, 3 chúng tôi tìm mọi cách cho anh và Búp Sen Trắng có cơ hội gặp nhau. Mẹ Mẫu Đơn mất đã lâu, người kế mẫu là bạn thân của mẹ, bà yêu thương và lo lắng cho Mẫu Đơn hơi quá nên trở thành nghiêm khắc.
    Những lúc 4 đứa ngồi ở biển chờ anh Khải đi bay về để trao Mẫu Đơn cho anh, chúng tôi thường đùa.

    - Hay là Mẫu Đơn đừng vào đại học, hãy tìm một trường nào dạy làm vợ mà học. Anh Khải đẹp trai cao ráo, không quân kiểm tra sức khỏe của anh, mắt, mũi, miệng, răng, tai và bộ đồ lòng lại hoàn toàn khỏe mạnh, thì Mẫu Đơn học bác sĩ làm gì.

    Nói xong là ba chúng tôi cười ngặt nghẽo rồi chạy ra ba ngã để Mẫu Đơn đứng lóng ngóng không biết đuổi theo hướng nào bắt lại, tiếng reo vui rộn rã hòa cùng biển trời mây nước.

    Đôi khi 4 đứa rủ nhau đến nhà anh, bác gái là người đàn bà gương mẫu, chồng chết từ lúc còn trẻ mà ở vậy nuôi con. Bác rất thương Mẫu Đơn, bác nói cô bé đẹp phúc hậu. Chúng tôi đều hỏi:
    - Còn con thế nào.
    Bao giờ bác cũng cười và nói.
    - Các con đều đẹp cả. Tuổi 18, 19 là tuổi trăng tròn, sáng nhất, đẹp nhất!

    Anh Khải treo hình chúng tôi đầy phòng khách, có cả tấm hình 4 đứa nằm gối đầu trên vai, trên lưng nhau thật tự nhiên thân mật, hoặc nắm tay nhau từ trên đồi chạy xuống.

    Hải Yến có dáng đẹp, anh đợi lúc Hải Yến bước qua chiếc cầu nho nhỏ, tay e ấp dịu dàng nhẹ nâng tà áo trong vạt nắng vàng là anh chụp, hoặc Hải Yến đưa bó hoa hồng lên cao, chúng tôi nhón gót lên cùng nhau dành giựt.

    Minh Châu có đôi mắt đẹp mơ như sao trời, anh chụp Minh Châu ngã người ra sau, đôi mắt huyền long lanh biết cười cùng chiếc miệng sen hồng duyên dáng.

    Tôi có bàn tay đẹp, anh chụp lúc hai tay tôi ôm quả dưa hấu như vỗ tròn niềm vui đan nhau quấn quít, màu xanh đen của dưa làm nổi màu trắng của những ngón tay thon dài ngà ngọc.

    Và Mẫu Đơn đang ngồi ôm đầu gối vì đi mõi chân, anh đến gần kêu tên, cô bé giật mình nghiêng đầu nhìn lên ngơ ngác hiền thục nguyên trinh, anh bấm máy hình liên tục rồi lựa ra một tấm hình thật đẹp. Các anh phi công mỗi ngày đều bay trên bầu trời cao rộng nên cực kỳ lãng mạn, anh thích nét thánh thiện nên chúng tôi muốn cười nói gì cũng được, vẫn có những hình ảnh mảng mầu kỳ ảo vô biên.

    Anh rủ chúng tôi cùng đến nhà Mẫu Đơn để anh xin gia đình Mẫu Đơn cho một lời hứa như đính hôn, rồi anh sẽ đợi ngày Mẫu Đơn học xong. Chúng tôi nghĩ anh sợ Búp Sen Trắng nở, hương thơm bay tỏa ra ngan ngát, ong bướm nghe mùi thơm tìm đến.
    Gia đình Mẫu Đơn không hứa hẹn gì cả, chỉ nói Mẫu Đơn còn nhỏ, nhưng sau đó chúng tôi biết là họ không bằng lòng. Lý do:

    1/ Anh không còn đủ song thân (dù là ba anh là một người yêu nước có tiếng ở trong Quốc dân đảng, bị Việt Minh ám sát).
    2/ Nhà anh nghèo.
    3/ Anh là một phi công, mạng sống quá mong manh, chết sống không biết lúc nào (anh là con một và còn mẹ già, anh được miễn đi lính, nhưng giòng máu yêu nước từ cha ông truyền lại quá mạnh nên anh phải đi bảo vệ đất nước).

    Anh đến nhà Mẫu Đơn xin mấy lần đều bị từ chối, lần sau cùng anh đưa bác gái đến cũng được trả lời Mẫu Đơn còn quá nhỏ. Chúng tôi sợ anh nản lòng nhưng anh nói dù chướng ngại bao lâu, anh vẫn không nản lòng, anh chỉ sợ mạng sống anh không còn lúc đó anh mới đầu hàng.

    Anh chẳng ngại thời gian đâu
    Chỉ cần em hứa bao lâu cũng chờ..!
    Nhớ em anh viết vần thơ
    Câu thương câu nhớ câu chờ đợi em
    ( Thanh Tâm)

    Khải chưa bao giờ này sinh ý nghĩ oán trách gia đình Mẫu Đơn không chấp nhận mình, anh hiểu chính anh còn dám hy sinh thân xác mình cho quê hương yêu dấu, thì cha mẹ nào cũng muốn con mình có được người chồng đầy đủ vật chất lẫn tinh thần để bảo bọc con của họ vững bền hạnh phúc.

    Gia đình bắt Mẫu Đơn đi du học để quên mối tình đầu, chọn Canada hay Nhật tuỳ ý. Mẫu Đơn chọn Nhật Bản, chúng tôi kêu chọn Canada nhưng bạn chỉ cười và không nói gì. Hôm đưa bạn ra sân bay để đi du học có anh Khải, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy hai người sắp rời nhau lại không buồn. Sau này mới hiểu các anh Không Quân bay loại Skyraider hay A 37, F5, mỗi 6 tháng phải đi Nhật thử độ cao 1 lần. Mẫu Đơn đã biết và có kế hoạch rồi, dẫu người nơi góc biển trông đợi kẻ cuối chân mây nhưng vẫn còn bên nhau mỗi năm 2 bận.

    Rồi tháng 3 năm 75 miền Trung cao nguyên Kontum, Ban Mê Thuộc bị bỏ trống, dân chúng ào xuống Nhatrang. Còn người dân Nhatrang thì tìm phương tiện đi vào miền nam. Những năm sau này gia đình Mẫu Đơn làm ăn thất bại, vé máy bay Air Việt Nam lại không mua được dù có tiền. Mẹ anh Khải đã mất, anh đến nhà Mẫu Đơn, đưa cả gia đình di tản vào Sài Gòn, rồi qua Mỹ.

    Dù chưa bao giờ biết đầu hàng trước thử thách chông gai, nhưng đôi khi Khải sợ tình yêu của mình cũng đi vào huyền thoại trái ngang như cung trầm chỉ còn lại dư hương mênh mang thương nhớ, không ngờ anh cũng có một mái ấm hoàn toàn hạnh phúc với cha mẹ cùng vợ đẹp giỏi giang, ngây thơ trong trắng để anh nâng niu như kho báu, như biệt danh mà các bạn đã đặt BÚP SEN TRẮNG vô vàn thanh khiết, hai dòng sông rồi cũng hòa vào một ở nơi cho vẹn tròn mơ ước.


    Anh tặng em một tình yêu trọn vẹn
    Em giang tay nhận lấy cất vào tim
    Cảm ơn anh tình nồng trao nhau đó
    Em mơ màng hạnh phúc chẳng có tên. (Thơ Ngọc Dung)

    Trương kim Báu

  5. #11
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Bài Viết Thay Lời Tạ Ơn Phi Đoàn 524 - Trương kim Báu

    Tháng mười hai ở Úc bắt đầu của mùa hè cũng là mùa holiday, trường học và các cơ sở được nghĩ ngơi. Ngày dài ra vì mặt trời lên rất sớm nhưng nắng chiều lại trể tràng, 9 giờ đêm vẫn còn sáng chói với bầu trời trong xanh cùng những đám mây bềnh bồng thơ mộng.
    Nhân dịp cuối năm, chùa Quang Minh tổ chức khóa tu xuất gia gieo duyên ngắn hạn, giới luật như người xuất gia thật sự trong 3 tuần lễ để chia phước hồi hướng đến thân nhân của mình.
    Từ ngày được ngồi trên chiếc A1 SKYRAIDER bay trên bầu trời Nhatrang để nhận lời cầu hôn của Dọng, khi máy bay vừa đáp các anh chạy ào ra đỡ xuống và chúc mừng tôi đã gia nhập vào gia đình Thiên Lôi, tôi đã tự hứa phải sống thật xứng đáng với tình cảm các anh sắp đặt, giúp đỡ cho cuộc tình chúng tôi thật nên thơ lãng mạn.


    Thiếu tá Nguyễn văn Dọng (hình do gia đình gởi)

    Để trọn vẹn với tình yêu của chồng và lòng tin của các anh, tôi là người đàn bà Việt Nam truyền thống, xem các anh trong phi đoàn Thiên Lôi 524 là người thân. Những lúc các anh ở trong tù, chúng tôi đã thay các anh làm việc hết sức mình, vì chúng tôi cũng là con cháu hai bà Trưng Triệu, nên giặc đến nhà đàn bà phải đánh.
    Nhìn hình ảnh các anh trong phi đoàn 524 mà anh chị Ngô Đức Cửu mới gởi cho tôi, những khuôn mặt thân quen ngày đó, nay có người đã nằm xuống, có người vẫn còn mạnh khỏe. Lúc xưa các anh đều trẻ đẹp oai hùng trong bộ đồ bay, khăn quàng cổ, súng dao đầy đủ, miệng cười toe toét, phần đông chưa lập gia đình.
    Nhớ đến những kỷ niệm xưa, không biết ngoài bay bổng ra, anh Cửu có nhận thêm chức vụ gì trong Phi đoàn không, vì một hôm anh Cửu và anh Thời qua nhà tôi đem 2 con cá lóc to và nhiều cua lắm, tất cả đều còn sống. Tôi là dân biển, chỉ ăn cá biển còn tươi nhưng đã chết. Giờ nhìn thấy cá sống, tôi rất sợ.
    - Báu nướng trui cá hay hấp cũng được, cua thì rang muối, chiều anh em ra ăn.
    Hai anh đi rồi tôi than thầm: "Đúng là các anh Thiên Lôi! Các anh có biết con gái rất sợ những con vật còn sống, làm sao dám giết đây!"
    Tôi đem đến tiệm chú Ba Mập người miền Nam có quán ở đường Hoàng tử Cảnh rất quen thân, nhờ chú lo dùm.
    Rồi một lần anh Nhị đến, anh cười rất tươi, anh đưa một bao to, mở ra tôi hét lên:
    - Thịt gì mà máu không vậy?
    - Thịt nai, bên trực thăng cho phi đoàn mình.
    Anh đi cùng với anh Nhị lên tiếng:
    - Báu xào lúc lắc là được.
    Tôi nhìn anh Nhị, anh hiểu ý tôi:
    - Người miền Nam nói là xào lúc lắc, nhưng dân Nhatrang mình thì là xào với củ hành.
    - Ồ, thì ra vậy.
    Lần này không dám đem đến tiệm chú Ba Mập nữa, vì lần trước chú không lấy tiền. Tôi đem đến tiệm Dân Thiên, đó là tiệm ăn tàu nổi tiếng, gần rạp ciné Tân Tân, đường Độc Lập.
    Rồi đến phiên Dọng, hôm đó anh không bay đến rủ tôi đi ăn trưa, vừa lúc ấy chú Thái người làm vườn của gia đình tôi đem đến một quầy chuối.
    Dọng vui mừng nói:
    - Chuối vừa chín tới, Báu xào dừa cho các bạn cùng ăn.
    Nhatrang lúc đó ít ai bán món này, chuối chỉ biết luộc, ăn chín hay ép làm chuối khô.
    Lần này tôi đem đến tiệm Song Oanh ngay trên đường Trần Quí Cáp nhờ làm, bà người Nam rất dễ thương và đẹp người.
    Mấy ngày sau thì anh Ninh đến, anh móc tiền từ túi áo bay ra, để trên bàn.
    - Báu nấu dùm nồi chè bà ba, lâu không được ăn, thèm quá!
    Tôi chưa bao giờ ăn loại chè này, đang suy nghĩ không biết nhờ ai nấu dùm. Hôm trước bà chủ Song Oanh biết nấu cho các anh Không Quân, bà cũng không lấy tiền nay làm sao dám nhờ.
    Anh Ninh nhìn tôi cười cười, tay hốt lại số tiền trên bàn.
    - Không biết nấu phải không? Để anh nhờ người khác.
    Không biết các anh bay bổng giỏi ra sao mà được thưởng. Cấp trên cho trực thăng chở tất cả các anh trong phi đoàn vào Ba Ngòi ăn gỏi cá và đi Đà Lạt ăn sáng, những đặc ân đó đều có tôi dựa hơi tháp tùng.
    Nhớ lại ngày đó hai anh Dọng và Nhị ra nhà tôi buổi sáng, nhờ đi hỏi các shop Ấn Độ ở đường Độc lập những mặt hàng nào có thể mua vô, vì các anh trong phi đoàn phải đi Nhật thử độ cao, muốn mua vài thứ đem về kiếm chút lời. Tất cả shops ở Nha Trang đều trả lời chỉ khi nào thấy đồ đẹp thì họ mới nhập vào.

    Tôi nhờ anh Dọng mua dùm mấy cái khăn quàng cổ, vì mỗi lần đi cởi ngựa hay đi ra các hòn đảo, tôi muốn điệu một chút, sẵn làm quà tặng cho má tôi và bà vú luôn. Anh Nhị mua toàn đồ bật lửa phụ tùng xe Honda, vì có người quen nhờ, anh tưởng đó là hàng quý hiếm. Anh Dọng mua toàn là khăn quàng cổ. Và ông Lạc chỉ huy phi đoàn 524 mua luôn hai loại đó.

    Các anh đem về Sài Gòn, có hai cửa tiệm không nhận hàng vào nên mắc cở không đi hỏi thêm nữa, đem về Nhatrang. Nhìn các món hàng tôi thương các anh quá, tháng ngày chỉ lo đánh giặc, lo tiếp cứu quân bạn, lo giữ gìn bờ cõi quê hương, có dịp đi nước ngoài cũng muốn kiếm tí tiền cho vui nhưng các anh thật vụng về và thiệt thà quá đỗi!

    Bao nhiêu năm nay tôi muốn cảm ơn các anh đã một thời cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp, giúp tình yêu chúng tôi, cũng như chỉ bày cho tôi thưởng thức nhiều món ăn miền Nam.


    Bây giờ tuổi đã xế chiều. Sẵn dịp chùa mở khóa tu, tôi muốn đem chút công đức tu hành chia phước đến các anh, những người còn trên đời thì được mạnh khỏe hạnh phúc. Những người đã nằm xuống trở về nơi an lành, một cõi bình yên thật sự.
    Chùa Quang Minh nằm trên đồi cao, cách xa nhà tôi một giờ lái xe, do một số kiến trúc sư của trường đại học Victoria Úc Châu thiết kế. Chùa rất lớn được xây kiểu hình tròn với nhiều mái cong lớn nhỏ khác nhau góp lại, bên ngoài dưới hầm còn thêm ba tầng nữa.
    Tôi có mặt ở chùa Quang Minh 7 giờ sáng, được các sư cô đọc những lời ban phước trong lúc cạo tóc cho, rồi chỉ cách đắp y và học những bài kệ.
    Lễ truyền giới vào buổi tối ở chánh điện lầu hai. Hai bên tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thật to là tượng Quán Thế Âm và tượng Địa Tạng nhỏ hơn, cả ba tượng đều được phết vàng sáng rực. Chung quanh trong chánh điện trên những cái bệ sát vách, tượng Bồ tát rất nhiều.
    Chúng tôi được truyền giới trong không khí trang nghiêm, đèn mở sáng ngời. Nhiều bình hoa to được trang trí mỹ thuật bên những dĩa trái cây thơm ngát. Chuông trống Bát Nhã cùng nhiều loại khí cụ hòa nhau tạo thành âm thanh vi diệu với sự có mặt của 13 vị Tăng truyền giới.
    Chúng tôi vừa đắp y miệng vừa đọc bài kệ:

    Đại tai giải thoát phục
    Vô tướng phước điền y
    Phi phụng trì giới hạnh
    Quảng độ chư quần sanh
    Nam mô cà sa tràng bồ tát


    Nghĩa là:
    Lành thay áo giải thoát
    Là ruộng phước không tướng
    Mặc kính đúng giới hạnh
    Rộng độ hết chúng sanh.


    Bây giờ những tu sinh mang dáng dấp của tu sĩ đầu tròn áo vuông, quỳ xuống nhận giới luật.
    Trước mặt cũng như chung quanh đều có Phật và Bồ tát vô hình chứng minh, tạo thành oai lực thánh thiện tôn nghiêm cho nước mắt tôi rưng rưng thành giọt. Trong 13 vị Tăng (ở Úc và trên thế giới đến) gồm có 5 vị hòa thượng. Đặc biệt, có một vị hòa thượng đã từng đi tù cải tạo 12 năm ở miền Bắc, đã từng chia xẻ khổ đau cùng những người lính các anh.
    Giới luật của một sadi phải giữ thật nghiêm ngặt. Sáng mới thức dậy là phải đọc thầm những bài kệ như đánh răng, thay áo, đi đứng, uống ăn, chào hỏi, nhất nhất đều đúng và đều nghĩ đến cứu độ chúng sanh. Sống chánh niệm trong tứ oai nghi, nên khi vọng tưởng nổi lên là hay biết liền nên vọng tưởng biến mất, còn có nghĩa là một chúng sanh đã được độ.
    Đúng 5 giờ sáng vào công phu và 10 giờ đêm mới được về phòng nghỉ. Trong một ngày, thời khóa khít khao như tụng kinh, kinh hành, ngồi thiền, học giáo lý, nghe giảng pháp, ăn cũng phải đúng cách và im lặng, chỉ được nghĩ 1 giờ giữa trưa.
    Tôi nghĩ đến các anh, ngày vào lính, các anh cũng phải cắt tóc ngắn, phải giữ luật, tập đi đứng, ăn uống, cách chào. Các anh cũng qua thời kỳ huấn nhục để trở thành người lính của Việt Nam Cộng Hòa có tư cách lẫn trách nhiệm và bổn phận đạo đức với một trái tim biết yêu thương đồng bào.
    Để những tu sinh có thể vượt qua những khó khăn theo chương trình tu học, các thầy dạy cho chúng tôi Phát Bồ Đề Tâm. Đó là một năng lượng rất mạnh để chính mình thoát ra sự lười biếng. Bồ Đề Tâm như gió lớn, không sợ chướng ngại khó khăn, vì mình và vì người thân mà tu.
    Đạo Phật là đạo từ bi tri huệ, con đường của quả Phật, cứu vớt chúng sanh hữu duyên bằng trí huệ và từ bi và bằng tâm vô ngã đời đời.
    Những buổi chiều tu sinh thiền hành ở những con đường trên khắp khuôn viên chùa, nhìn thấy toàn cảnh Melboure bên dưới, từng bước chân thảnh thơi nhẹ nhàng an lạc khoan thai thong thả trong chiếc áo tu, nắng vẫn còn hòa nhập không gian chiếu soi từng bước chân đi mà không đến, những bài hợp ca vô ưu đượm mùi thiền vị có Phật trong tâm đang nhoẻn nụ cười vi tiếu.
    Hạnh phúc trong thực tại thật giản đơn khi ta biết buông xã vạn duyên. Những người tu sống thật an nhiên tự tại, phải chăng vì họ đã hiểu có sợi dây liên hệ vô hình giữa mình và vũ trụ bao la.

    Khóa tu đã kết thúc. Tôi không biết đã chia phước, trả ơn cho các anh được những gì hay là mang thêm ơn nữa. Các anh là một động lực mạnh mẻ cho tôi cố gắng dự khoá tu dù tuổi đã già, nhưng sau những ngày tu tôi học được nhiều và tìm ra nhiều điều hữu ích.
    Tuổi già của tôi không cô đơn vì tôi đã có bạn bè xưa luôn quan hệ thân mật như ngày nào, chúng ta luôn là duyên thuận thảo giữa biển đời uyên náo. Tôi xin trân quý những giây phút tôi còn hiện diện trên thế gian này, vì các bạn đã cho tôi niềm vui hồn nhiên thời trẻ dại.

  6. #12
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default ĐEM LẠI MÙA XUÂN -XUÂN MẬU TUẤT 2018. Trương kim báu

    Xuân lại về trên đất Úc cho những người Việt xa quê hương bớt thương nhớ quê nhà. Có những kẻ đã âm thầm kết bao cánh hoa mai trang đài cùng hoa đào rực rỡ trên cây cảnh trong chùa Hoa Nghiêm, cho Phật tử tới chùa vui với mùa xuân đang nẩy lộc.


    Năm 1983 chồng tôi ra khỏi tù cải tạo cả gia đình đã vượt biên , đến được bờ bến tự do và được nhận vào nước Úc này, đêm giao thừa của mùa xuân đầu tiên xa Việt Nam, tôi đã bật khóc thật nhiều vì nhớ cha mẹ, nhớ nhà, nhớ làng xóm, nhớ nước non, dù mình tự ý bỏ quê hương trốn đi trong đêm tối với tâm cang rối bời vì lo sợ bị bắt lại trên chiếc thuyền nhỏ mong manh bất chấp hiểm nguy. Ấy thế mà nay ở được xứ sở thanh bình trong đêm trừ tịch, lại nhớ thương và vọng về quê nhà và với nước mắt cứ mãi đoanh tròng.
    Có một chùa Việt Nam nhỏ ở rất xa, gia đình tôi cố tìm đến. Ôi! Người Việt mình đông quá, nói tiếng Việt vang vọng rộn ràng! Những cây hoa vạn thọ gần gũi thân thương làm sao ấy, nước mắt lại tuôn trào. Thì ra không phải chỉ một mình gia đình tôi biết nhớ quê nhà, mà gần như những người đi chùa hôm đó điều nhớ quê hương cả, dù ở miền Trung hay miền Nam, giọng nói Bắc, Trung hay Nam thì cũng cùng một mẹ Việt Nam. Con phải bỏ mẹ mà đi đó là điều không ai muốn, nhưng biết làm sao đây! Khi mình ở lại chính trên quê hương mình thì lại không được chấp nhận. Nhìn một bà vuốt ve bông vạn thọ, tôi biết bà đang nhớ quê, lòng thương cảm dâng tràn, ý nghĩ chợt đến, có cách nào mỗi độ xuân về tôi sẽ đem mùa xuân đến cho mọi người.


    May mắn là chùa Hoa Nghiêm ở vùng Springvale được thành lập năm 1987, do một nhóm Phật tử, mỗi người cho mượn 500 đồng để đủ tiền đặt cọc mua. Đó là ngôi nhà tôn nhỏ ở số 22 Princess Ave, Springvale, ngôi nhà gỗ 3 phòng lụp xụp vì đã quá cũ kỷ, gian phòng khách chật hẹp được lấy làm nơi thờ phượng. Ở cuối phòng đối diện với tôn tượng Đức Thế Tôn là nơi thờ hương linh Phật tử và hương linh quá vãng, tuy đơn sơ gọn gàng nhưng không kém phần trang nghiêm thanh tịnh.
    Ngày khánh thành chúng tôi mừng đến rơi lệ, vì thời đó ở vùng Springvale này chưa có ngôi chùa nào của người Việt.


    Phải nói chùa Hoa Nghiêm được tạo lập đã đáp ứng đúng nguyện vọng của giới Phật tử ở vùng Đông Nam Melbourne nói chung, riêng với chúng tôi và gia đình thì ... hình như có một cơ duyên nhiệm mầu nào đó, đã đưa đẩy chúng tôi khắn khít với ngôi chùa mang tên Hoa Nghiêm từ đó.
    Mừng rỡ vô cùng và lòng sung sướng rạt rào, tuy mùa xuân đầu tiên chùa chỉ có những chậu hoa vạn thọ cũng đủ ấm lòng Phật tử xa quê. Đêm giao thừa đón xuân ở chùa, thầy trụ trì cùng Phật tử đều là những người mới đến Úc, cùng một tâm trạng, thương và hiểu nhau nên lòng ai cũng chan hòa hạnh phúc trên quê hương thứ hai trong không khí ấm cúng của đêm giao thừa với miệng cười tươi và mắt không còn vương lệ.


    Không khí sinh hoạt ở chùa có một chút gì đó vừa cởi mở thân thiện, vừa đậm tình Thầy trò và các phật tử đối với nhau cũng thành thật ôn nhu trong đại gia đình tâm linh hải ngoại. Mối thân tình đó đã được giữ gìn và duy trì mãi cho đến hôm nay.
    Thuở đó, chồng tôi đưa rước tôi, Thầy Nhật Tồn và sư cô Như Tài đi học Anh văn. Sư cô tạm ở chùa đến khi mở được ngôi chùa Ni ở vùng Noble Park.
    Mùa xuân năm ấy, ngoài những chậu vạn thọ, thầy Nhật Tồn có một ít hoa mai, chúng tôi tìm một cành cây khô gắn nụ biếc mai hoàng anh mang vào chánh điện, Phật tử hân hoan chụp hình kề bên nhành mai giả đó.


    Năm 1990, thầy Nhật Tồn đi du học Đài Loan, thầy Thiện Tâm được đổi về chùa Hoa Nghiêm để thay thế. Sau khi học xong, thầy Nhật Tồn về chùa Phước Huệ Sydney và đổi tên lại là Thích Phước Ân.
    Mai nở ngày càng nhiều hơn khi các mùa xuân sau này đến, vì chúng tôi tìm nhiều cành khô để gắn hoa mai trong chánh điện và ở ngoài sân. Khi cành khô không còn, chúng tôi chặt luôn những cây tươi ở vườn nhà.
    Có một lần, anh Tám Hòa (nay anh đã về nơi đất Phật) và tôi đi chặt cây để gắn hoa mai, đi rất xa, những cành cây được cột lại và chở sau xe để kéo về chùa. Trên đường đi, hai anh em đều niệm Phật vì sợ bị phạt bởi không biết cách ràng buộc cây cho đúng luật, về đến chùa anh em chúng tôi mới thấy nhẹ nhõm trong lòng.


    Chùa Hoa Nghiêm được dời về địa điểm mới ở 444 - 448 Springvale Road ngay mặt tiền của con đường chính, hoa mai hoa đào vẫn rộ mỗi độ xuân về, việc chặt cây kéo về thật khó khăn và vất vả nên sau này chúng tôi nghĩ ra cách gắn hoa trên cây tươi trong chậu, chỉ cần lặt lá là xong.
    Ban đầu chỉ có hai anh em, anh Hòa và tôi, bây giờ được các người trẻ giúp, các cô khéo léo và lẹ làng hơn. Thế là mỗi độ xuân về, chúng tôi lặt lá để gắn hoa mai, hoa anh đào. Chùa là cả một mùa xuân của đất trời, quê hương nơi đây và cả trong trái tim mình.

Trang 2/8 đầuđầu 1234 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Gánh hàng rong và ông Thiên Lôi
    By saomai in forum Tùy Bút
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-12-2017, 06:09 AM
  2. Thư Ba viết cho con - Nguyễn Thị Thêm
    By Longhai in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 06-18-2017, 05:01 AM
  3. Bài viết Phu nhân Tướng Hưng gởi N C K .
    By loibangTQLC in forum Chuyện 30.4
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 04-26-2017, 06:29 AM
  4. Nó và Biến thiên cuộc đời
    By Longhai in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-20-2017, 12:49 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •