CHÁU NGOẠI

Viết cho Khánh Hòa.
Trương kim Báu

Con rể điện thoại báo tin vợ mới sanh bé gái, tôi mừng chảy nước mắt, lần đầu tiên vợ chồng chúng tôi có cháu.
Chúng tôi ở Melbourne, tiểu bang Victoria, một ngày có 4 mùa nóng, lạnh, mưa, gió bất thường, nên vào tháng 10 mà diện vest đi máy bay qua thăm cháu ở Queensland. Hai tiếng sau đến nơi, vừa bước ra khỏi máy bay, con rể đã chờ sẵn để chở chúng tôi đến ngay bệnh viện sản khoa.
Nhà hộ sanh ở đây sang quá, sản phụ nằm phòng riêng có đủ phòng tắm, toilet tiện nghi.
Đứa cháu nằm sấp nên chỉ thấy một bên mặt, đang ở trong lồng ấp vì sanh thiếu tháng, có 1 ký 8 thôi. Thương vô cùng! Nhìn nhưng không được bế ẩm hay rờ ôm gì hết. Cháu rất mỏng manh, tôi chỉ còn biết âm thầm đem hết tình thương trao tràn chở che bảo bọc cháu. Cháu được đặt tên là Khánh Hòa, quê hương yêu quí của tôi, nơi có rất nhiều trung tâm huấn luyện, đào tạo những anh hùng hào kiệt vì tổ quốc vong thân. Khánh Hòa là một vùng biển nổi tiếng đẹp của miền Trung, có Nha Trang hiền hòa thơ mộng.
Con gái vừa nhìn thấy ba mẹ đến nước mắt tuôn trào, tôi ôm con gái vào lòng dỗ dành như ngày nào con còn bé. Thời gian qua mau quá, mới ngày nào con sống trong nhung lụa, rồi năm 75, con không được đi học vì cha mẹ là phe thua cuộc, chức quyền, giàu sang, tư sản dân tộc v.v...
Rồi vượt biên ở trại tị nạn, đôi bàn tay nhỏ xíu phải làm mướn đan thuê những đôi tấc, chiếc mũ kiếm tiền. Qua Úc vừa học lại, vừa làm thêm, ra trường làm việc ở Singapore. Bây giờ là mẹ, được hưởng những giây phút thiêng liêng tình mẫu tử, con gái đã thật sự trưởng thành.
Năm 2002 chúng tôi cũng đã nghĩ hưu nên đến mùa đông lên Queensland thăm cháu ngoại và trốn lạnh luôn nơi đó.
Tám tháng sau gặp lại, cháu được cha mẹ bế ra sân bay đón ông bà ngoại. Ôi cháu tôi! Mập và đẹp quá! Lúc này tôi tha hồ ôm cháu, cháu khỏe nên lúc nào cũng cười, hai đồng điếu bên khóe miệng thật duyên dáng đáng yêu.
Lần đầu được giữ cháu mấy tiếng đồng hồ, ông bà ngoại thật mừng, nhưng vì da cháu mỏng, mà móng tay bà ngoại lại vừa dài vừa nhọn nên đụng vào cái đùi ù khi thay tã, dù có sự trợ giúp của ông ngoại vẫn bị mấy vết xước trầy.
Bây giờ cháu đã biết đi biết nói, mỗi sáng đều chạy qua phòng ông bà để được nằm giữa, được thương yêu. Ông bà bắt đầu dạy cháu đọc cửu chương. Cháu thuộc rất nhanh, sau mỗi lần trả bài phần thưởng là dạy cháu đánh vần tiếng Việt, kể truyện lịch sử Bà Trưng, Bà Triệu, Trọng Thủy Mỹ Châu, Đinh Bộ Lĩnh v.v...
Cháu được nghe nhiều về tỉnh miền Trung Khánh Hòa như tên của cháu và cháu đã thuộc ca dao:
Cá không ăn muối cá ương,
Con cải cha mẹ trăm đường con hư.
Công thầy, áo mẹ, cơm cha.
Nhỏ mà không học lớn mò sao ra.
Hay
Tiên học lễ, hậu học văn. v...v...
Ba tuổi, cháu đến vườn trẻ, những hình vẽ đầu đời có cháu và ông bà Ngoại.
Năm tuổi, cháu về ở cùng ông bà ngoại 1 tháng là những ngày chứa chan hạnh phúc của tuổi xế chiều. Mỗi hoàng hôn, cháu đi chùa cùng ông bà và đọc Kinh trôi chảy nên ai thấy cũng thương. Cháu học giỏi tất cả các môn, nhất là toán. Cháu là niềm vui và hãnh diện của ông bà.
Khánh Hòa và Đăng Tâm, hai đứa cháu Ngoại, Nội của chúng tôi. Hai chị em thương nhau và những ngày hè chúng luôn gặp mặt. Bây giờ, bà ngoại thường đi chơi chung với hai cháu hơn, những hôm 3 bà cháu đi tắm biển, vào buổi trưa hè đi từng gian hàng chọn lựa thức ăn. Chị Khánh Hòa ăn món gì là em Đăng Tâm tập ăn theo chị. Ba bà cháu khi thì nằm dài trên bãi cát, lúc thì nằm lăn ở thảm cỏ xanh, hạnh phúc dâng tràn! Tới chiều 3 bà cháu mới trở lại nhà. Tối nào cũng nằm cùng ông nội vui đùa, rồi 3 bà cháu lại rút về phòng riêng, bà nằm chính giữa, 2 cháu nội, ngoại nằm 2 bên, bà kể chuyện ngày xưa, chuyện cổ tích, chuyện cười ...v...v...
Nghe tiếng bước chân của ông Nội là cả ba im re giả bộ ngủ, vì ông Nội bắt ngủ sớm. Đăng Tâm ngây thơ thấy ông Nội mở cửa phòng nhìn vào, cháu sợ bị la nên lên tiếng:
- Ông nội ơi, bà nội, chị và con ngủ lâu rồi.
- Ha ha ha ....
Những buổi sáng ba bà cháu còn nằm nướng kể chuyện và cười rút rít mãi, ông Nội phải vào kêu dậy ăn sáng vì cả nhà đang chờ đợi.
Cháu ngoại, một hôm xem tin tức biết được nước Tàu đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, còn đánh chìm tàu của dân đánh cá người Việt, cháu khóc, nhìn những giọt nước mắt của cháu mới có 10 tuổi sanh ở Úc, tim chúng tôi tan nát, cháu chưa một lần về để biết Việt Nam.
Ở trường, giờ học sinh tự do phát biểu, cháu nói về nước Việt Nam quê hương của cha mẹ cháu nay bị nước lớn hiếp đáp, sao nước Úc và các nước láng giềng không lên tiếng bênh vực, cháu làm cả lớp đều chảy nước mắt. Hôm đó cô giáo kể lại cho mẹ cháu nghe, cô khen cháu có lòng yêu nước và bản tánh muốn công bình tự do cho quốc gia nhỏ bé của mình.
Cảm ơn cuộc đời đã cho chúng tôi có những đứa cháu đáng yêu, đó là món quà quí nhất mà từ trước đến nay chúng tôi nhận được, cảm ơn các cháu đã đem đến cho tuổi già đầy ý nghĩa, hương vị, ông bà ngoại rất hãnh diện về con.