Remember ?

Trang 1/8 123 ... cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 43

Tựa Đề: Truyện ngắn Truơng Kim Báu

  1. #1
    Bao Vu's Avatar
    Status : Bao Vu v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Dec 2015
    Posts: 16
    Thanks: 0
    Thanked 3 Times in 1 Post

    Default Truyện ngắn Truơng Kim Báu

    Viết Về Những Người Bạn Thân của Phi Đoàn 524 Thiên Lôi
    Trương kim Báu



    Từ ngày quen các anh trong lễ hội Tổ Quốc và Không Gian do Không Quân tổ chức, những đêm sau chuyến bay hay những lần được biệt phái về, trừ các anh đã có gia đình, còn lại những anh độc thân của phi đoàn 524, phòng khách nhà em luôn ầm vang tiếng cười vui vẻ, không đủ chỗ cho các anh ngồi bên những dĩa trái cây hấp dẫn mà các anh thay phiên nhau mang đến..

    Một lần có phi vụ đặc biệt, bốn người các anh lâm vào không chiến với bọn Tàu hay Liên Xô (dẫn đầu là chiếc số 1 với Bùi Gia Định "biệt hiệu là Định lắc ", chiếc số 2 với Nguyễn Văn Dọng "biệt hiệu là Mộ địa", chiếc thứ 3 với Ngô Đức Cửu "biệt hiệu Cửu chà", chiếc thứ tư với Nguyễn Đình Toàn "biệt hiệu Toàn đờn"). Sáng đó, em lên sân thượng sớm để chờ nghe tiếng động cơ. Bốn chiếc máy bay sắp hàng lướt ngang qua rồi nghiêng mình lượn lại, sau đó mới bay thẳng ra đi. Cả ngày em hồi hợp chờ trông tin tức. Đêm đến, các anh trở về với nét mặt tỉnh bơ không biểu cảm, nhưng chẳng thấy anh Toàn. Phải hai, ba lần em gặng hỏi, các anh mới trả lời: "Toàn đã gãy cánh rồi! Đang tìm xác!" Em đã khóc cho đớn đau lắng đọng, cho sự hụt hẫng tận cùng được các anh giấu kín trong tim. Cũng như em đã từng ràn rụa nước mắt khi biết tin từng Đại Bàng gãy cánh trong Phi đoàn 524, những cánh chim đã từng ngồi la liệt thuở nào trong phòng khách nhà em.

    Mỗi lần Dọng đi biệt phái ở Pleiku, các anh Toàn, Dự, Cứ thay phiên nhau lịch sự an ủi và săn sóc cho em.

    Toàn có tiếng hát rất hay nên gặp em là cất giọng: "Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu...". Dự mới yêu người đẹp tên Ái Liên nên nhờ em thêu tên Ái Liên vào ngực áo. Vừa thêu xong tên người đẹp, Dự mặc ngay chiếc áo vào và tay luôn vuốt nhè nhẹ nồng nàn lên tên người yêu dấu. Cứ, vừa làm quen với một nữ sinh Trung Học, hẹn hôm nào sẽ đưa cô ấy đến thăm em. Dọng cũng mang một chiếc áo... rách đến nhờ em thêu dùm. Cầm áo trên tay, em hiểu ngay Dọng cố tình khoét lỗ. Em mua ren có hình quả tim ẩn hiện trong mây cùng hoa lá, rồi luồn vào để lấp đầy lỗ hỏng. Khi trả lại áo cho anh, các bạn cười ầm như vỡ chợ, bởi họ hiểu em đã đọc được ý nghĩ thầm kín trong anh. Anh lầm lì phớt tỉnh, hát nho nhỏ những lời tình tứ: "Tôi yêu em, tôi yêu em từ nghìn thu...." Anh tiếp tục làm hề cho tiếng cười em trong đêm đó ròn rã không ngừng.

    Có một buổi trưa, Định diện thật thanh lịch đến nhà, hối em lên xe anh ấy. Định chở em đi và ngừng trước một căn nhà rất bề thế, kín cổng cao tường, rồi kêu em tiến vào nhà ấy. Căn nhà của Như Ý, của người đẹp mà Định đã yêu thầm. Thấy em lưỡng lự, Định hỏi:

    - Ngày xưa Báu học trường nào?

    - Lê Quý Đôn, em trả lời.

    Định vò đầu:

    - Tại sao không học trường Võ Tánh? Như Ý học trường Võ Tánh mà.

    Đoạn, Định chở em ra Hòn Chồng. Tụi em cùng im lặng ngắm trời mây. Tuy hiện diện nơi này, em vẫn hiểu trái tim Định đang ở một nơi có người con gái mang tên Như ý. Nên em tìm cách cho Như Ý và Định quen nhau. Nhưng cha mẹ của Như ý không bằng lòng, vì đời quân nhân mỗi ngày đối diện cùng mạng sống cheo leo trong đường tơ kẽ tóc, họ sợ con gái mình trở thành góa phụ khi tuổi hãy còn xanh.

    Chủ nhật là ngày em đến Dòng Tu Kín ở Đồng Đế để dâng thuốc men và thực phẩm cho một Soeur đang bệnh nặng. Các nữ tu dù đau đến chết cũng không được ra khỏi bức tường nhà Dòng. Tới lượt Nguyễn Đỗ Toàn (biệt danh " Toàn gật") canh giữ em, nên sau khi xong việc, tụi em dạo chơi trên bờ biển Đồng Đế. Toàn hỏi:

    - Báu thích ăn bưởi không? Bưởi Biên Hòa đó.

    Em reo vui:

    - Bưởi Biên Hòa không chua, ngon lắm! Con gái Biên Hòa trắng, đẹp và hiền hòa nữa.

    Toàn tâm sự:

    - Ba má Toàn giới thiệu cho Toàn một cô gái Biên Hòa, nhà có vườn bưởi. Khi nào ba má gọi Toàn về xem mắt, Toàn mời các bạn, Báu đi luôn nhé!

    Dọng ơi! Nhớ không anh? Có một đêm các anh tề tựu ngay phòng khách nhà em nói cười ròn rã. Thình lình ông anh của em bước vào miệng hơi nồng men rượu, vụt hỏi:

    - Các bạn đông, vui quá! Vậy ai là người yêu của em gái tôi?

    Định đứng lên chào theo kiểu nhà binh:

    - Đại úy Bùi Gia Định, Phi đoàn 524 Thiên Lôi xin trình diện, là người yêu của cô út. (Lúc đó Định chưa lên lon Trung Tá).

    Tiếp theo là Trung úy Nguyễn văn Nhị, Trung úy Nguyễn Đình Toàn, Thiếu úy Đinh Quang Cứ ...vv...vv... Sau cùng là Trung úy Nguyễn văn Dọng. Ông anh em cười ha hả:

    - Chịu thua các anh luôn!

    Ông anh của em liền thân mật mời các anh vào ngày chủ nhật, ra đảo, lên chiếc du thuyền mà anh vừa mới tậu. Anh có tiếng là một bác sĩ chịu chơi nhất Nha Trang.

    Bất cứ sinh hoạt nào của các anh cũng đều có em tham dự, như đá banh em cũng đi xem. Em trang điểm thật kỹ với chiếc áo dài mới may, từ trên lầu bước xuống. Trong phòng khách, Định, Toàn và Dọng đang đứng gần đó, em xoay người một vòng và hỏi xem em có đẹp không? Có tiếng cười to của Đinh Xuân Ninh:

    - Báu hỏi 3 người đó vô ích, hỏi anh đây nè. Bởi thằng Định bao giờ cũng lắc, thằng Toàn bao giờ cũng gật, thằng Dọng là mộ địa nên bao giờ cũng trả lời không.

    Em xịu mặt bởi chẳng có một lời khen. Thấy em giận, Dọng đến gần rót nhẹ vào tai em:

    - Em là thiên thần của các anh, nên lúc nào em cũng dễ thương và đẹp.

    Một buổi sáng đến nhà, Dọng bảo hôm nay là ngày vô cùng đặc biệt, em phải mặc thật gọn gàng để Dọng chở em vô phi trường, lên máy bay đi dạo. Lần này dưới đôi cánh phi cơ không có mang theo đạn rocket và bom. Anh ngồi trong phòng Pilot chánh, lái vòng thành phố Nha Trang. Em đội mũ bay ngồi hàng Pilot phụ nên nghe được tiếng nói của đài kiểm soát. Dọng giảng cho em hiểu ấn nút nào thì nghe được tiếng nói của tất cả máy bay, và ấn nút nào thì chỉ có 2 người nghe thôi.

    Từ trên cao nhìn xuống, em đã vô cùng cảm động! Quê hương mình thành phố với biển xanh đẹp như bức tranh thủy mặc đầy sống động! Bãi biển trắng phau êm đềm lặng lẽ, đang phủ một chiếc áo tinh khôi ấn tượng. Những hải đảo hoang sơ thơ mộng, Tháp bà Ponaga là một điêu khắc kiệt tác Chămpa. Và chiếc Cầu đá là bến cảng, nơi xuất phát những chuyến du lịch kỳ thú cho khách thập phương tham quan biển đảo.

    Thình lình cầm tay em, anh thốt lời cầu hôn, làm em bậc khóc! Em chỉ im lặng gật đầu! Phi cơ vừa đáp, bạn anh túa ra đỡ em bước xuống rồi ôm chúc mừng em được gia nhập người của Phi đoàn 524.

    Sự cầu hôn này là cả một sự sắp đặt của các anh. Với em, đó là một đặc ân hiếm quý, là một bất ngờ mà cả cuộc đời, em không bao giờ quên được. Em đã tự nhủ với lòng mình từ ngày ấy, là khi làm vợ anh, em sẽ chẳng mè nheo, em sẽ yêu anh chung thủy và Phi đoàn 524 là một phần đời trong trái tim em.

    Sau khi đám hỏi, các bạn dành sự riêng tư cho chúng mình. Anh thường nói: "Tình cảm mình thật lạ lùng! Lúc chưa đám hỏi thì bạn bè luôn vây quanh. Nay Thùy Nhiên lại theo sát một bên. Chưa lần nào anh ôm em cho thật chặt, sao mình lại có đứa con 2 tuổi rồi". Đó là đứa cháu gái đầu lòng của gia đình em, rất được quý mến cưng yêu. Chiều nào cháu cũng bắt mẹ tắm rửa thay quần áo đẹp đứng chờ ở cổng, để anh chở em và cháu đi chơi.

    Thuở nhỏ Thùy Nhiên đẹp lắm! Mỗi lần mình hẹn nhau, cháu ngồi yên trên bàn tự vui chơi với đôi bàn tay xinh xắn của mình và không bao giờ đòi hỏi bất cứ điều gì. Thiên hạ qua lại trên đường nhìn xuyên qua khung kính, cháu là con búp bê sống động. Ai hỏi, cháu đều có một câu trả lời trước sau như nhất: "Con của Báu-Dọng". Mình qua Úc, cháu cũng tìm cách qua theo. Anh luôn xem cháu là con gái đầu lòng của mình và rất mực thương yêu.

    Có lần, anh cõng cháu trên vai, giăng hai tay cháu thẳng ra làm phi cơ, rồi anh chạy dưới biển, nghiêng cánh bên này bên kia. Cháu và anh cười vang dội biển xanh trong. Anh sà xuống nơi em đang ngồi, nói máy bay hạ cánh. Anh nằm dài sát bên em, Thùy Nhiên cũng bắt chước kê đầu lên ngực anh. Ôi! Hạnh phúc trần gian thấm sâu trong từng tế bào rộng mở, em hiểu được tại sao nhân thế mãi chìm đắm luân hồi.

    Đám cưới xong, sau tuần trăng mật từ Đà Lạt mình trở về, anh ôm thau áo quần ra giặt giũ cho em. Vì quá mệt nên anh tiến về mái hiên nằm hút thuốc trên chiếc võng đu đưa, mắt hướng về em đang phơi đồ trưa chói chang ánh nắng. Bỗng bạn bè ào tới rũ mình đi ăn. Thấy hoạt cảnh này, một tiếng hét thình lình vang dội:

    - Dọng! Mày muốn tụi tao giết mày, phải không? Sao mày hành hạ con nhỏ như vậy?

    Các bạn anh chạy đến giành làm tất cả, cho em vào bóng mát nghĩ ngơi. Một anh nhanh nhẹn vào nhà rót cho em ly nước lạnh. Dọng nheo mắt nhìn em cười tinh nghịch. Thích lắm phải không em? Được các bạn anh ủng hộ mà, phải không?

    Từ ngày qua Úc, sau khi dùng cơm xong, mỗi thứ bảy gia đình mình ngồi lại cùng nhau trò chuyện. Dọng thường hỏi em:

    - Những ngày anh đi tù, em sống ra sao?

    Em chỉ cười và trả lời:

    - Anh đã dạy em đừng nhớ dĩ vãng, chẳng hướng tương lai. Luôn sống trong hiện tại. Nhưng anh cứ thắc mắc tại sao các con mình không chịu ăn cháo? Bây giờ em kể anh nghe: Sau năm 75, rất nhiều gia đình không có gạo ăn. Với đồng lương quá ít ỏi của em, lương ngân hàng không được vào biên chế vì lý lịch đen. Tiền lãnh được em chu cấp cho cha mẹ, thuê nhà, nuôi con vv...nên thường phải ăn cháo những ngày chưa mua được gạo bằng giá chính thức. Các con sợ cháo vì tối đói bụng không an giấc được. Hôm đó, bé Ly hỏi: "Chiều nay ăn cơm phải không me?" Phong nhìn đôi mắt to đen của bé đang chờ đợi câu trả lời của mẹ, thương quá nên Phong nhanh nhẩu liền: "Ăn cơm bé ơi!". Bé reo cười và khoe cùng Tiến: "Chiều nay mình ăn cơm".
    Gạo chỉ đủ nấu cháo cho cả nhà ăn, nay nấu cơm thì chỉ có 2 con ăn thôi. Chị năm, Phong và em nhịn đói. Chị năm nằm nhà chịu trận. Em và Phong lên xe, đạp đi cho qua cơn hành đói.

    Dọng ơi! Nay anh nằm trong bệnh viện. Các bạn không quân anh Nguyễn Phúc Hưng, anh Bùi văn Đích, anh Vũ văn Bảo, thay phiên nhau chở em mỗi buổi sáng vào nhà thương thăm và cho anh uống thuốc. Các anh ấy nói:

    - Con đường Heatherton dẫn vào bệnh viện đang được sửa chữa, chỉ còn lại một lane thôi. Em đã có tuổi, tâm không an vì lo cho chồng, nên các anh không yên lòng để em tự lái xe.

    Ngày xưa các bạn trong Phi đoàn 524 đã thay phiên nhau canh chừng, giữ em là của riêng anh trong mỗi lần anh đi biệt phái. Bây giờ, các bạn anh cũng giúp em cho chúng ta không bị mất nhau.

    Anh nằm đó, em kề bên, sờ tay lên gương mặt xanh xao vàng vọt của anh. Cảm giác quá khó chịu bên trong làm anh từ chối. Em than thở:

    - Rờ một chút cũng không cho.

    Sợ em giận nên anh nhỏ nhẹ:

    - Thôi thì em cứ rờ đi, chỗ nào cũng được.

    Em thương Dọng quá! Đớn đau như vậy mà vẫn chiều em! Sau đó, anh kêu các con niệm Phật, và bảo: "Chúng mình cùng niệm Phật nha em!" Em nhắm mắt lại niệm liên tục nên không hay tử thần đã cướp anh đi rồi! Thùy Nhiên luôn hướng về anh nên cháu thấy anh mở mắt nhìn mọi người thân yêu lần cuối, môi mấp máy điều gì không rõ rồi ung dung ra đi nhẹ nhàng theo tiến trình sanh diệt vô thường. Thùy Nhiên gọi em 2 lần nhưng em vẫn không nghe, cháu phải kề tai em nói nhỏ: "Chú Dọng đã chết rồi!" Em mở mắt ra nhìn mới hay anh đã nhắm mắt thật rồi! Em không còn đọc được ý nghĩ trong đôi mắt biết nói của anh được nữa!

    Dọng ơi! Em đã không khóc lúc xa anh, cũng như chưa từng chảy nước mắt suốt những ngày sau đó lúc tang lễ ở nhà quàn. Ngay cả buổi đọc điếu văn trước lễ di quan của anh, em cũng an nhiên, vì nước mắt đã chảy ngược vào trong trái tim em tan nát, dù gặp ai em cũng nói: "Không sao! Hãy yên lòng về tôi!"

    Làm sao nói hết được cảm giác bơ vơ lạc lõng của em suốt hành trình còn lại của cuộc đời! Ngày anh đi tù, mỗi lần nhớ anh, em vẫn ấm lòng, bởi anh vẫn còn đâu đó của em. Giờ đây, em phải lội ngược dòng bão lũ cuối đời, vì anh là người Thầy dạy em biết sống tùy duyên thuận pháp, đừng hoang phí đời mình trong tử sinh mờ mịt. Anh là tri kỷ nên hiểu và dắt dìu em trong từng bước chân khập khiễng bôn ba tất bật của riêng em. Anh là người bạn thân, biết khôi hài cho em vui mỗi khi em vương trầm thống trong lòng.

    Xin tạ ơn đời vô lượng! Đã cho em một người chồng tuyệt vời như thế! Biết nghiêng vai gánh hết cho em bao đa đoan bếp núc trong nhà. Biết làm cơn gió lộng, thổi tan đi nóng bức đời em. Biết truyền cho em bài học sâu xa về Đạo, học hạnh của đất, để âm thầm lắng nghe Tâm nhẫn, hướng tương lai về cõi vĩnh hằng.

    Xin cảm ơn cái chết của anh, cho em thấu hiểu vô thường, cho Tâm Bồ Đề em thêm kiên cố! Dọng ơi! Tuy em hiểu mình chưa bao giờ mất nhau, ta và thế giới chưa bao giờ rời nhau trong gang tấc, nhưng xin cho em chút thời gian đi anh! Tin em đi Dọng! Sẽ có một ngày mình gặp lại nhau, là cùng hội ngộ trong nguồn cội chân nguyên bao la quang rạng.


    Các bài viết khác của Trương Kim Báu:
    - Lời Hứa
    - Phi Vụ Cuối Cùng
    - Số Mệnh
    - Anh Em
    - Hội Ngộ
    - Xả Tang

  2. #2
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default LỜI HỨA - Trương kim Báu

    Tôi đang sửa lại bình hoa trong phòng khách, nghe tiếng ồn của các con.
    - Me ơi có kết quả kỳ thi lớp 12 rồi. Kết quả của con mà chị cứ đòi xem trước.
    - Của em thì để em mở, hai mẹ con mình vào đây, me cần nhờ con gái chút việc.
    Tất cả các gia đình tỵ nạn nào cũng đều muốn con mình học hành tử tế để sau này có một tương lai tốt đẹp. Như thế hệ đầu tiên, qua Úc không giám đi học lại dù ngày xưa ở Việt Nam đều là dân trí thức, một phần lo cho gia đình ở đây, một phần lo thêm 2 bên nội, ngoại ở quê nhà. Người ở lại đều hy vọng được sự giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất từ người ven trời hải ngoại.
    Gia đình chúng tôi không ngoại lệ, muốn con cố gắng học nên tôi hứa.
    - Con ráng học, thi lớp 12 điểm cao vào được những ngành nghề rồi me sẽ thưởng.
    - Muốn gì me cũng thưởng hết hả ?
    - Đúng vậy, nhưng từ 500 đô trở xuống.
    Đi chùa về, đêm đã xuống nhưng khí hậu vẫn oi nồng nóng bức, hai vợ chồng tôi ra ngồi nơi mái hiên trước nhà hy vọng đón những ngọn gió mát rong chơi về muộn, con trai đến ôm mẹ và nói.
    - Con muốn me mua thưởng cho con một con chó.
    - Tại sao lại một con chó? Sao không mua máy hát, áo quần, giày v.v.
    - Con chỉ muốn nuôi một con chó.
    Tôi ngồi thừ người ra. Ngày còn bé tôi nuôi đủ loại thú, đến lúc thấy chúng phải được hòa đồng cùng thiên nhiên theo bầy, tôi thả cho chúng tự do hết, chỉ còn con chó không biết phải thả đi đâu nên giữ lại.
    Năm 75 tôi sống ở Sài Gòn, chị Hương người đã theo tôi hồi nhỏ, chó phải về quê theo chị, chó bỏ ăn rồi chết.
    Từ đó tôi tự hứa không bao giờ nuôi bất cứ con vật nào nữa. Chồng tôi hạ giọng:
    - Em à, em đã hứa với con thì phải giữ lời. Em không muốn nuôi các con vật là chuyện của em. Đây là việc phải giữ lời hứa, là con trai nuôi chứ không phải em nuôi.
    Con trai chỉ hình con chó cho tôi coi, đó là giống Doberman đẹp, khôn, giữ nhà rất giỏi. Những người nuôi giống đó họ cho rằng cắt tai, cắt đuôi và thiến mới đẹp.
    Tôi ra điều kiện cùng con trai, nếu nuôi chó thì không được cắt tai, cắt đuôi, và không được thiến. Chó cần có tai để nghe, đuôi chó là thứ ngôn ngữ để chúng giao lưu tỏ tình thân ái. Thiến chó là mình làm tổn thương thân xác nó.


    Con trai bằng lòng những điều kiện tôi đưa ra, mua giống chó nguyên gốc không lai nên giá hơi đắt. Ba đứa con tôi rộn ràng chuẩn bị tất cả các thứ cho chó, kể cả đặt tên. Đó là con chó con vừa dứt sửa mẹ, nó mập ú, lông vàng đậm thật dễ thương. Các con tôi chuyền tay nhau bồng ẵm không rời, nhà vui hẳn ra theo tiếng rộn rã cười nói xôn xao.
    Đêm đó Dobi nhớ mẹ la cả đêm chẳng dừng. Có lẻ vì uống sữa tươi lạ bụng nên nó đi cầu, phòng học trở thành bãi chiến trường vào buổi sáng hôm sau. Dĩ nhiên con trai tôi phải lo chuyện quét chùi dọn sạch. Vậy là phải đi mua thuốc rải để Dobi đi cầu ở một nơi nhất định.
    Dobi được gởi học trong trường huấn luyện như phải biết vâng lời người săn sóc, bảo ngồi, đứng, đi hay cho phép ăn thì mới được ăn, khi người lạ đã vào nhà mà không có chủ ở nhà, thì phải biết giữ người ấy lại, không cho ra khỏi nhà nhưng đừng cắn, chỉ hù dọa thôi. Trừ khi nào chủ về ra lệnh cắn, thì nó mới cắn và luôn luôn cắn ở cổ.
    Một hôm, Thầy Thiện Tâm, trụ trì chùa Hoa Nghiêm đến nhà chúng tôi, Dobi vô cùng thân thiện trườn lên mình Thầy, rồi nó thật vui mừng cùng Thầy nằm lăn trên thảm cỏ xanh đùa giởn, làm Thầy cười vang thoải mái, nụ cười hồn nhiên của tình bạn trong veo, không hề có giai cấp giữa đạo trong đời và đời trong đạo.
    Thời công phu sáng của tôi, bao giờ Dobi cũng đòi vào, lúc đầu tôi sợ Dobi làm ồn nên không cho vào. Dobi cào cửa sủa và kêu la, thấy nó làm dữ quá, tôi bèn cho vào và dặn.
    - Me đọc kinh, con phải thật yên lặng.
    Dobi hiểu ý, đến gần nơi tôi ngồi trong im lặng. Xong buổi lễ, tôi đứng dậy và Dobi cũng đứng lên theo.
    Những lúc tôi làm vườn Dobi luôn kề cận một bên, tôi bỏ cỏ vào trong giỏ có quai xách, sai Dobi đem đến đổ ở góc vườn để ủ phân. Ồ! Thật không ngờ! Dobi làm đúng, từ đó nó là phụ tá của tôi.
    Một buổi sáng ra làm vườn, tôi tìm không ra cuốc, cào cỏ nhỏ.
    - Dobi, con có thấy cái cuốc và cào cỏ nhỏ của me không?
    Thật ngạc nhiên, Dobi vào chuồng cắn đem ra.
    Những buổi tối trời nóng, tôi thường nằm võng ở trước hiên nhà, Dobi theo tôi nằm sát bên dưới. Tôi hỏi:
    - Dobi, con là ai mà kiếp này mang thân chó ?
    Tiếng rên rỉ của Dobi làm tôi nghẹn ngào cho vô minh bao phủ cuộc đời! Chúng sanh mãi chập chùng luân hồi sanh tử khôn nguôi trong a tăng kỳ kiếp!
    Một hôm tôi làm vườn ở sau nhà, chồng tôi đi ra phố sẽ về ngay nên không đóng cổng. Có người di dân ở đầu đường mỗi ngày đi qua thấy vợ chồng tôi ông đều chào, hôm nay ông vào tận sau vườn.
    - Tôi muốn gặp chồng bà.
    - Chồng tôi đi vắng.
    - Con trai bà đâu ?
    - Cháu đi làm xa.
    Ông bước đến gần tôi, nhìn vào mắt ông tôi có cảm giác không an toàn, tôi kêu:
    - Dobi! Dobi!
    Lúc đó Dobi đem cỏ đến ở góc vườn, nó cảm được tiếng gọi không bình thường của tôi. Dobi chạy thật nhanh đến đứng sát bên tôi, và gầm gừ nhe răng, người đàn ông kia vội đưa hai tay lên, miệng luôn nói OK, OK và bước thụt lùi dần. Tôi cầm giây trên cổ Dobi lại vì nó làm dữ quá, tôi sợ ông đó té ngã thì phiền lắm. Dobi từ đó theo sát tôi hơn.
    Một hôm Dobi bỏ ăn chúng tôi đưa đi bác sĩ, chi phí trên 3.000 Aud vì phải cần ca phẩu thuật.
    Chiều đó, đi chùa mà lòng tôi buồn lắm! Thường lệ, mỗi khi thời kinh xong, một nhóm phật tử quen thân đều tụ họp xuống nhà bếp, Thầy trò ngồi chuyện trò, bàn tính việc chùa. Đôi khi Thầy mời ăn cháo do Thầy đích thân nấu, thầy nấu cháo ngon lắm, cháo trắng ăn cùng trái olive kho, ngon vô cùng! Thầy nhìn và hỏi tôi:
    - Sao thấy chị buồn quá, có chuyện gì ?
    Tôi nói về bệnh của Dobi và giá tiền phải trả nếu đi mổ. Thầy nói:
    - Tiền hơi đắt so với người Việt mình để chữa bệnh cho con vật, nhưng nó cũng là thành viên trong gia đình, thầy nghĩ anh chị nên chữa cho nó.
    Rồi thầy lấy từ túi áo tràng ra một bì thư.
    - Có người mới cúng dường thầy, chị cho thầy phụ tiền bác sĩ của Dobi.
    Chúng tôi cảm ơn thầy và không giám nhận, nhưng nhờ thái độ bao dung cùng lòng từ thênh thang trải rộng của thầy, chúng tôi mạnh dạn đem Dobi đi chữa trị. Dobi nằm nhà thương một tuần lễ, bị ung thư ruột vào thời kỳ cuối, mỗi ngày chúng tôi đều đến thăm.
    Sáng đó bác sĩ kêu chúng tôi đến liền để từ giã Dobi. Nghe tiếng chúng tôi, Dobi mở mắt và như muốn đến sát chúng tôi mà không thể nào lết gần lại được, bác sĩ phải phụ giúp. Chúng tôi ôm đầu vuốt ve và nói cùng Dobi những lời yêu thương sau cuối rồi đọc kinh cho nó. Bác sĩ mời ra làm thủ tục và ký giấy nhờ ở đó chôn cất Dobi.
    Đã biết có duyên mới trùng ngộ, thế mà tôi đã đem lòng tính toán đối đãi với Dobi khi nó bệnh. Nhờ câu nói của thầy Thiện Tâm, "Nó cũng là một thành viên trong gia đình". Thầy đã cho chúng tôi một bài học tình thương, không so đo trong những bất toàn của thế gian sinh tử, vô thường là bài học giúp tôi nhận chân được đâu là tham sân si vướng mắc trong tôi. Nếu không có lời nói và cử chỉ sẻ chia đạo hạnh hồn nhiên của thầy thì sau này chúng tôi sẽ ân hận vì ngày đó mình đã không hết lòng với chú chó thân yêu.


  3. #3
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Phi Vụ Cuối Cùng



    Phi Vụ Cuối Cùng
    Trương kim Báu

    Anh Vũ văn Bảo Không Quân email hỏi tôi về tin tức anh Ngô văn Trung, biệt hiệu Trung gà, bay A37, phi đoàn 524, có người nhờ anh tìm. Anh Trung đã ra người thiên cổ, đã nằm sâu trong lòng đất mẹ Việt Nam từ năm 75 rồi, sao bây giờ mới có người tìm anh.
    Như một cuộn phim, đầu óc tôi quay về năm 75.
    Tháng 3 năm 75, tôi đem các con theo ngân hàng Việt Nam Thương Tín di tản vào Sài Gòn. Sau đó, bao gia đình của 524 cũng được lệnh di tản nên lần lượt họ ra đi hết, chỉ còn các anh ở lại Nhatrang và Phanrang.
    Dọng vào Sàigon, trên người chỉ có bộ đồ bay. Dọng ôm tôi:
    - Có lệnh bỏ Nhatrang rồi!
    Trong giọng nói của anh, tôi nghe như có pha nước mắt. Chúng tôi ôm nhau và im lặng để nghe tim mình rướm máu! Mất thật rồi! Còn đâu Nhatrang quê hương yêu dấu! Nơi tôi đã sanh ra rồi khôn lớn. Tất cả đều để lại nơi chôn nhau cắt rốn, Thầy cô, bè bạn, người thân! Tôi nhớ từng con đường, từng hàng cây, từng viên gạch.
    Tối đó, Dọng đưa tôi đến nhà bác gái, mẹ của chị Quý, vợ anh Ngô Đức Cửu cùng phi đoàn, anh chị vào Saigon và ngụ ở đấy.
    Bốn người chúng tôi ngồi bên nhau không nói nên lời. Anh Cửu lên tiếng:
    - Chị Dọng, Nhatrang của chị vẫn còn nguyên.

    Lệnh ban ra chuyến bay này gồm Trung tá Bùi Gia Định (có vợ người Nhatrang là chị Đồng Minh, tiếp viên hàng không), Thiếu tá Đinh Xuân Ninh (có vợ cũng người Nhatrang là chị Chiếu Xuân, con dân biểu Lê Bá Chẩn), Thiếu tá Nguyễn văn Dọng (cũng có vợ Nhatrang là chị), Thiếu tá Ngô Đức Cửu (vợ người Saigon, cưới nhau rồi ra ở Nhatrang từ ngày đó đến nay, nên Nhatrang cũng là quê hương của chúng tôi).
    Anh Cửu nói tiếp, giọng thật trầm buồn:
    - Hôm nay, bay phi vụ cuối cùng trước khi bỏ Nhatrang, lần đầu tiên trong đời phi công, chúng tôi không tuân theo lệnh trên ban xuống. Nhatrang có trung tâm huấn luyện Không Quân, trung tâm huấn luyện Hải Quân, trung tâm huấn luyện Hạ Sĩ Quan ở Đồng Đế. Chúng tôi bay theo quốc lộ số 1, ra Dục Mỹ. Huấn luyện khu Dục Mỹ gồm có 3 trường:
    - Trường Lam Sơn huấn luyện và bổ sung cho các đơn vị Bộ Binh.
    - Trường Biệt Động Quân (bao gồm Nhảy dù và Thủy Quân Lục Chiến) huấn luyện quân nhân là hạ Sĩ quan và Sĩ quan.
    - Trường Pháo Binh huấn luyện Sĩ quan, hạ Sĩ quan thuộc binh chủng Pháo Binh.

    Còn Sình lầy và Mưu Sinh huấn luyện ròng rã 42 ngày cho các binh chủng khác. Những quân trường này cung cấp Sĩ quan và hạ Sĩ quan chuyên môn cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Nhatrang là thành phố với bãi biển đẹp và thơ mộng. Đó cũng là nơi có nhiều trung tâm đào tạo nhân tài ưu tú của Việt Nam, những trái tim nóng bỏng vì lòng yêu nước vô biên, họ bảo vệ từng tấc đất, từng hải lý của quê hương, họ chỉ muốn hoàn thành trách nhiệm trong thời ly loạn . Bay từ Nhatrang ra Ninh Hòa, Dục Mỹ, Khánh Dương, những tỉnh miền Trung mà Cộng sản chưa vào chiếm đóng, nhìn xuống thấy đồng bào mình bồng bế nhau đi. Chị có biết không, họ di chuyển bằng mọi phương tiện. Lính và dân cùng ngồi trên những chiếc xe nhà binh, người ta cũng ngồi xếp đống nhau trên mui những chiếc xe chở chuyên hành khách, xe Honda cũng chất người lên mà chạy. Chúng tôi bay thật thấp, thấy đồng bào mình vẫy tay vui mừng, họ đâu biết rằng chúng tôi được lệnh phải thả bom sập cầu. Đồng bào sợ chế độ cộng sản tìm về cùng một giới tuyến với Việt Nam Cộng Hoà, nên họ đang di tản. Làm sao chúng tôi có thể đang tâm phá sập cầu! Họ đã quá khốn khó rồi! Không thể làm cho họ khổ hơn. Đó là đồng bào ruột thịt của mình mà. Phi công chúng tôi mỗi ngày ra đi là để bảo vệ quê hương chứ không thể hủy hoại quê hương. Từ trên cao nhìn xuống, quê hương mình đẹp quá!
    Cầu Xóm Bóng Nhatrang trong bình minh thật đẹp, tháp Bà Ponagar một nền văn hóa của Champa di tích oai nghiêm, bãi biển trải dài sóng biếc mộng mơ, Cầu Đá râm ran nụ cười của ngư dân chất chứa sự ân cần thân thiết. Nơi nào cũng đáng yêu và tràn đầy kỹ niệm. Bay qua các trung tâm huấn luyện, lòng dâng lên niềm thương nhớ những ngày từ giã ghế nhà trường để bước vào đời lính. Nơi đó đào tạo nghề chuyên môn cho chúng tôi song song với tác phong của người lính trong tình yêu thương đồng bào và đất nước. Ngày ra trường, tất cả các trung tâm đều có điểm giống nhau là những khóa sinh phải quỳ xuống thệ nguyền, không màng tánh mạng, đem thân mình chở che cho Tổ Quốc thiêng liêng.
    Cuối cùng, 4 chiếc chúng tôi đều trút bỏ tất cả những trái bom xuống biển cả xa khơi. Tôi biết các chị sẽ khóc nhiều, kể cả vợ tôi, và sẽ giận hờn nghiêm trọng nếu chúng tôi làm Nhatrang của các chị bị tổn hao.

    Những giọt nước mắt đã chảy dài thay lời cảm ơn sâu sắc. Các anh đã giữ gìn Nhatrang không sứt mẻ trước khi được lệnh rời bỏ Nhatrang. Hôm sau Bùi Gia Định đến nhà chúng tôi, vì có lệnh đưa vợ con của những người trong phi đoàn di tản.
    - Chị Dọng, hỏi anh của chị xem tình hình hiện giờ ra sao?
    Tôi có ông anh họ làm phụ tá đặc biệt cho thủ tướng, anh ấy cũng yêu nước, cả gia đình đều ở lại và anh cũng đi tù miền Bắc.
    Anh Định nói nếu nước nhà không phải về tay cộng sản thì những phi công đều muốn ở lại để đem tài sức mình xây dựng quê hương, vì đào tạo một phi công vô cùng tốn kém.
    Những người bạn của tôi, những chàng trai hào hùng, những trái tim đầy nhiệt huyết và một tấm lòng yêu quê hương tha thiết, mỗi ngày các anh cất cánh ra đi, tung bay bốn phương trời hầu bảo vệ từng tấc đất, tôi hiểu và kính trọng các anh.
    Chúng tôi đều ở cư xá không quân. Nhà anh chị Cửu và anh chị Định gần nhau, nhà chúng tôi thì ở phía trong. Tối nào các anh cũng đến nhà chúng tôi tề tựu, mỗi người cầm trong tay một tờ báo để xem và không nói với nhau một tiếng nào. Riêng bọn đàn bà chúng tôi tâm sự với nhau đủ chuyện. Sau này anh chị Ninh dọn về villa của cha mẹ ở đường Yersin, bây giờ đã biến thành khách sạn 5 sao của nhà nước cộng sản.
    Thời thế đã đổi thay, những chàng trai có trái tim một lòng vì nước thương dân đã vào tù nơi miền Bắc. Cộng sản không dùng những nhân tài, các anh không còn cơ hội đem sức mình để dựng xây đất nước.
    Vì các anh muốn góp tài góp sức để làm lợi ích quê hương nên các anh ở lại. Chúng tôi, những người vợ cũng là dân Việt, chúng tôi cũng muốn góp một bàn tay nên chúng tôi cùng ở lại.
    Ôi Bùi Gia Định! Một thiên tài! Lúc còn ở ghế nhà trường anh là một sinh viên y khoa, nhưng anh xếp bút nghiêng theo việc đao binh. Anh nhỏ tuổi nhất trong 4 người mà cấp bậc anh cao nhất. Anh bay giỏi và thả bom chính xác, anh đã diệt không biết bao nhiêu chiếc xe tăng của địch. Trên áo bay vẽ một ngôi sao là anh hạ một xe tăng. Anh bay giỏi đến nỗi Bộ Tư Lệnh Không Quân bắt anh phải nghĩ bay đi dưỡng sức ở Đalat vì sợ anh hăng quá sẽ gãy cánh . Gần mười năm anh mới được ra trại tù, vậy mà khi qua đến đất nước tự do anh học lại và lấy được mảnh bằng Tiến sĩ. Những năm lao tù miền Bắc, các anh đã hiểu người cộng sản và các đối xử giữa người với người ra sao rồi.
    Đàn bà chúng tôi ở lại quê nhà sau năm 75 tuy không ở nhà tù nhỏ như các anh, mà ở nhà tù lớn hơn một chút, đến giờ này vẫn không trách giận các anh mà còn yêu kính các anh hơn.
    Dọng và Định đã ra đi rời cõi điêu linh hay trở về một nơi an bình thật sự, chẳng còn gì toan tính cho cuộc đời này. Quê hương đó là cả thế giới bao la đại đồng, chỉ còn sự hài hòa ung dung trong tình thương hồn nhiên thanh tịnh.
    Ninh và Cửu vẫn còn đây, các anh vẫn liên lạc hỏi thăm nhau. Tấm lòng các anh vẫn rộng như bầu trời các anh đã bay qua, chữ Tổ Quốc và Không Gian nay không còn trên áo các anh mà đã khắc sâu vào trái tim, đã in dấu ấn đậm đà trong tiềm thức. Một thời qua, các anh từng quên luôn bản thân mình, quên cả thân bằng quyến thuộc như vợ con để đem hết khả năng làm tròn nghĩa vụ, bổn phận của quân nhân trong thời chiến.
    Thời thế đã đổi thay nhưng mấy chị em vợ của những chàng phi công ngày nào vẫn liên lạc, hỏi thăm lo lắng giúp đỡ nhau trong mọi tình huống, để rồi nhìn nhau với những nụ cười trên khóe mắt của tuổi xế chiều, trong ánh bình minh đầy màu sắc trên bãi cát trắng phau đượm mùi hương của sóng gió. Mọi việc không còn gì cả, nhưng NhaTrang vẫn là của chúng mình. NhaTrang vẫn mãi ở trong lòng chúng mình phải không các bạn thương mến của tôi.

  4. #4
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default SỐ MỆNH - Trương kim Báu

    Thấm thoát đã gần sáu mươi mùa lá đổ, Tuyết Mai và tôi từng là đôi bạn thân thời trung học. Giờ đây kẻ còn người mất, tôi xin kể một hồi ức thương yêu với bạn, Đặng Tuyết Mai, người của công chúng, một thời là đệ nhất phu nhân của Việt Nam Cộng Hòa.


    Chúng tôi chuẩn bị ăn tối chợt có bà chủ của xưởng gỗ ở quốc lộ số 1 Nha Trang xuất hiện. Chồng bà là đảng viên của Quốc Dân Đảng đã bị Việt Minh ám sát, nên bà đưa Tuyết Mai và con trai tên Tri vào Nam, một mình lo dựng nghiệp. Bà vô cùng đài các sang trọng, nét dịu dàng đằm thắm và quý phái làm tôi hơi choáng trước chiếc áo dài nhung đen thanh lịch với mái tóc quấn quanh đầu, vẻ cổ kính của miền Bắc Việt Nam. Bà xin anh tôi giấy chứng nhận Tuyết Mai bị bệnh không thể đến trường nhập học đúng ngày. Tuy đã biết nhau trước đây, nhưng Mai và tôi thân hơn từ hôm ấy.

    Tuyết Mai học trường Convent des Oiseaux ở Đalat, mỗi dịp tết hay nghĩ hè Mai đều về Nha Trang tìm tôi, hai đứa bàn chuyện gió mây trên trời dưới đất rồi đi ăn quà vặt, rồi cùng nhau đạp xe thư giản dọc theo bờ biển để nghe tiếng sóng vỗ về thơ mộng.

    Trước khi chia tay, Tuyết Mai dặn tôi:
    - Nhớ viết thư cho Mai, nếu ăn món gì ngon thì nhớ quẹt vào trong thư và tả cho Mai nghe, ở nội trú không được ăn các món mình thích đâu.

    Tình bạn cứ diễn ra đều đều như vậy. Vào năm chúng tôi cùng học đệ tứ (lớp 10), Tuyết Mai đạp xe đến tìm trong lúc tôi đang học bài thi.
    - Mai muốn đi xem bói coi kỳ thi này mình đậu không? Mai biết chỗ, 2 đứa mình cùng đạp xe đi nhé.

    Chỗ Mai chỉ là ông thầy mù ở Cây Dầu Đôi cách Nhatrang 3 km. Vừa đến nơi, thầy kêu chúng tôi ngồi nghĩ mệt, uống nước. Mai nhường cho tôi xem trước. Thầy bỏ 4 đồng xu vào cái mu rùa nhỏ, hỏi tuổi tôi và nói muốn coi gì? Thầy lắc mu rùa vài lần rồi đổ ra dĩa, lấy tay mò trên mỗi đồng xu, đoán chuyện thi cử cho tôi.

    Đến phiên Mai ông cũng làm như vậy, nhưng ông lắc đổ ra nhiều lần và ông nói thật kỳ lạ quá, cháu này mạng quý, sẽ có chồng danh tiếng nhất Việt Nam, cháu rất nổi tiếng, đừng bao giờ sửa sắc đẹp trên mặt, sẽ phá đi quý tướng.

    Vừa bước ra khỏi cửa nhà thầy mù, tôi cười rộ lên vì người nổi tiếng nhất nước Việt nam lúc ấy là tổng thống Ngô Đình Diệm, chẳng lẽ Mai kết hôn với tổng thống Diệm. Tôi thích thú ghẹo Mai rồi đạp xe thật nhanh, vì phía sau Mai đang rượt theo phản đối, nhờ thế đường về Nhatrang ngắn lại.

    Cả hai đứa cùng bàn về vụ coi bói, ông mù thật vì cặp mắt sụp mí xuống thì làm sao thấy Mai đẹp mà nói có tướng quý và kết hôn với người nổi tiếng nhất Việt Nam, chúng tôi càng không tin dù Tuyết Mai thật duyên dáng mỹ miều, nhất là miệng cười thật tươi với bản tánh hồn nhiên phúc hậu.

    Năm sau Mai chuyển về học trường Peter Lycer Nhatrang gần bãi biển. Mỗi chiều tan học từ trường Lê Quí Đôn chúng tôi đạp xe đến trường Pháp, Mai đứng đấy chờ rồi hai đứa chạy xe dọc theo bãi biển, có khi cùng uống một ly nước mía hay ăn chè v...v... rồi mạnh ai nấy về nhà.

    Thi tú tài xong, Mai vào chiêu đãi viên hàng không, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Thỉnh thoảng bận việc xuống phi trường, tôi đều gặp mẹ của Mai, bà đem thức ăn tẩm bổ cho con gái, lúc đó tôi mới thấy được Mai. Mỗi lần được nghỉ phép, Mai về Nhatrang thăm nhà rồi tìm tôi hay nhắn tôi xuống nhà Mai chơi.

    Rồi Mai kết hôn với ông Nguyễn Cao Kỳ và bắt đầu nổi tiếng thật. Lần đó, Mai đi Nhật về có ghé thăm và tặng tôi một con búp bê Nhật thật đẹp.

    Một lần tình cờ gặp nhau trên đường phố Lê Lợi Sài Gòn, Mai nhất định mời tôi đến thăm tổ ấm của Mai ở Tân Sơn Nhất, và lần sau, Mai đem đứa con gái là Kỳ Duyên đến khoe.

    Rồi tôi có gia đình, chồng tôi là phi công phản lực. Những lần ông Kỳ ra Nha Trang đều mời người các phi đoàn ra ăn sáng ở bãi biển và tối đến tổ chức những buổi dạ vũ chung vui. Chồng tôi biết Mai và tôi quen nhau từ nhỏ nhưng anh không muốn tôi tham dự ăn uống hay hòa vào những buổi dạ vũ, vì lúc đó chung quanh Mai rất đông bạn bè quan khách. Vã lại, vợ chồng tôi trân quí từng ngày bên nhau, thời chinh chiến mạng sống anh quá đỗi mong manh! Mỗi sáng chúng tôi luôn ôm nhau thật chặt trước khi anh rời nhà, bởi chúng tôi đều hiểu rằng biết đâu buổi chiều anh sẽ không về nữa, có thể anh sẽ gãy cánh bất cứ lúc nào, nên tôi tôn trọng ý kiến của chồng.
    Có lần vợ chồng tôi đang ăn ở tiệm phở Chutt Cầu Đá Nhatrang, là tiệm phở gà nổi tiếng nằm trong lòng chợ, khi chợ chiều tan quán mới mở cửa tới khuya, thì Vợ chồng Mai bước vào. Lúc đó ông Kỳ là phó Tổng Thống mà cũng là tư lệnh Không Quân. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, ông rất thương binh chủng Không Quân và sống rất có tình với bạn bè lẫn cấp dưới, cũng như Mai đối với bạn bè trước sau như nhất, Mai thường nhắn lời hỏi thăm tôi và đôi khi gởi tí quà.

    Năm 75, ông Kỳ hẹn các anh phi công phản lực đến bến Bạch Đằng để cùng nhau di tản.
    Ngày ông Kỳ mất chồng tôi ngồi im lặng thật lâu, nét mặt anh buồn vời vợi cũng như tôi khi nghe tin Tuyết Mai đã ra đi, tôi đã cảm nhận sự mất mát quá chân tình và nhớ lại những kỷ niệm ấm áp ngày xưa, dù sau này chúng tôi ít liên lạc với nhau.

    Ông thầy bói đã nói với chúng tôi rằng mọi người sanh ra đều có số mệnh định sẵn. Bên đạo Phật thì người sanh ra thế nào là do duyên nghiệp, giàu nghèo đẹp xấu là do nghiệp do túc duyên mỗi người đã tạo ra từ đời trước để đúng lúc đúng thời là trổ quả. Cũng có biết bao nghiệp do mình mới tạo ra kiếp này và quả trổ liền. Số mệnh có thể chuyển do trí tuệ nhận thức ra rằng nghiệp chỉ là bài học cho mình thấy ra nhân quả, từ đó mới có sự tiến bộ cho bản thân phát triển lòng từ, vì chỉ có lòng từ mới vĩnh tồn giữa trời đất bao la vi diệu.

  5. #5
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Anh Em - Trương kim Báu


    Trời mưa từ sáng đến giờ không dứt, dường như có bão tố ở đâu. Tôi hết đọc truyện lại đi lên đi xuống thang lầu. Anh tôi bận việc nên phải ra đi, có lẽ hiện giờ anh đang ở phi trường.
    Chú Lan và chú Thái là hai người làm vườn trong nhà, hôm nay đến dọn sạch khu đất đã trồng bắp thời gian qua, và bón phân để trồng loại khác, nhưng mưa dai dẳng nên hai chú cứ ngồi chơi cờ.
    - Hai chú đánh cờ mãi không chán sao? Con muốn tắm mưa.
    - Không được đâu cô! Cô lớn rồi! Chạy ra đường tắm mưa kỳ lắm!
    - Không phải vậy. Con muốn nhờ hai chú lên sân thượng, lấp kín dùm con mấy chỗ để nước không chảy ra, thành cái hồ cho con bơi trong đó.
    - Ô! Được! Được! Chúng tôi đi liền.
    - Con thay áo tắm rồi lên phụ 2 chú nha!
    Trời bắt đầu mưa lớn nhưng nước vẫn chưa lên được đầu gối. Tôi vẫn tắm, có lúc nằm dài trên mặt nước như nàng tiên cá, cất cao giọng hát hòa cùng tiếng mưa rơi làm nhạc đệm.
    Cánh cửa sân thượng bật ra. Anh tôi đang đứng đó mĩm cười. Nước có lối thoát nên ào xuống thang lầu như một dòng thác nhỏ, ướt hết giày và hai ống quần của anh.
    Anh nghiêm mặt lại, giọng ra lệnh:
    - Em đi tắm, gội đầu, thay quần áo và sưởi ấm người lại.
    Anh rầy hai chú.
    - Nếu máy bay không đình chỉ, tôi không về kịp thì nhà này sẽ hư hại nặng, vì không thể chứa lượng nước nhiều như vậy trên sân thượng. Hai chú hiểu không? Tại sao hai chú lớn lại đi nghe lời con bé?
    Tôi hối hận vì làm hai chú bị la, nhưng không ai giận tôi cả. Tôi bước ra vườn, phụ hai chú săn sóc những cụm hoa và thu hoạch mấy luống khoai lang, loại khoai đặc biệt này mẹ rất thích, tuy củ nhỏ nhưng vô cùng ngọt.
    - Nhà chỉ có hai anh em, tôi bỏ em ở nhà hoài, thấy ngại quá!
    Đó là lời anh nói với người bạn, vô tình tôi nghe được. Nên để anh yên lòng đi chơi, gần cuối tuần tôi xin phép anh về quê của Bích, hay xem ciné cùng Yến ... v...v...
    Hôm ấy, anh rất vui khi thấy tôi có ý đi ciné cùng Yến. Thật ra Yến đang có hẹn riêng, nên tôi cũng đi ciné nhưng lại đi một mình. Từ rạp bước ra, tôi uống ly nước mía, Sơn (học cùng lớp) cũng đang ở đó, chúng tôi cùng nhau đi về.
    Nhà Sơn ở khuất bên trong con đường. Còn nhà tôi nằm trên góc ngã ba, anh tôi đang đứng trên lầu nhìn xuống, sẽ thấy rõ tôi cùng Sơn song bước trở về, trong khi tôi đã xin phép cùng đi với Yến.
    Lúc đó, có chiếc xe hàng to đậu ven đường. Tôi kêu Sơn cùng trốn sau chiếc xe cho anh tôi không nhìn thấy. Hai đứa ngồi chồm hổm núp sau xe, tôi nhắm mắt lại. Hồi lâu mở mắt ra, chiếc xe đã chạy đâu mất, hai đứa vẫn còn ngồi dưới đường lánh mặt anh tôi. Mắc cở quá! Quay qua tôi nhằn Sơn.
    - Sao bạn không kêu tôi? Xe chạy rồi! Ngồi kỳ quá hà!
    - Thấy bạn ngồi và nhắm mắt, tôi cũng làm như bạn, đâu biết xe chạy lúc nào.
    - Thôi bây giờ mạnh ai đi về nhà nấy.
    Băng qua đường là đến trước nhà. Vừa lên lầu thấy anh ngồi đó đọc báo, tôi hỏi như muốn khóc.
    - Hồi nảy anh thấy gì không?
    - Thấy gì?
    - Thật anh không thấy gì?
    - Anh đọc báo. Chờ em về, rủ đi biển. Em vào thay áo, anh em mình đi chơi.
    Anh đưa tôi đi biển. Hai anh em dạo gần bờ nước, anh cầm giày và ví cho tôi. Anh bảo:
    - Có đi chơi cùng bạn trai, khi dạo trên biển phải đi phía trong, để người con trai dẫn đầu, đưa họ cầm giày và ví cho mình. Còn đi phố, lúc nào cũng phải đi phía bên tay mặt của bạn. Vì họ phải có bổn phận bảo vệ phái nữ. Hôm đó, anh đưa tôi đi ăn nhà hàng sang trọng, dạy tôi cách ngồi, cầm dao, nĩa, muỗng, cách ăn uống và xắt từng miếng thịt thế nào.
    Một hôm, anh vào phòng, thấy tôi và chị Hương đang chơi búng dây thun.
    - Em sửa soạn, anh chở em đi dự tiệc. Tiệc này do nhóm con nuôi của ba tổ chức, lâu lắm tất cả mới họp mặt được một lần.
    Anh quay lại.
    - Nhớ ăn mặc thật đẹp.
    Tôi cười.
    - Em mới may áo dài xanh, để em đưa anh coi, đẹp lắm!
    - Còn áo nào nữa không?
    - Ồ, áo này không đẹp hở anh?
    - Đẹp! Đẹp! Em nhớ trang điểm.
    - Em đâu có gì để trang điểm.
    - Chờ anh một chút!
    Một lúc quay về, anh đổ ra đầy bàn son phấn, nước hoa, rất nhiều viết kẻ mắt, môi.
    - Anh mua nhiều quá! Toàn là tiếng Anh! Em không biết cách dùng!
    - Không sao! Anh giúp em.
    - Chị Hương ngồi làm mẫu cho cô nghe.
    Chị Hương rất sợ anh. Nếu tôi kêu chị không chịu đâu.
    Anh bắt đầu đọc. Thứ này bôi lên mặt trước, sau, thứ này nữa, bôi lên mắt, phía trong, phía ngoài, lên môi, vẽ màu này phía ngoài, màu kia ở trong, vẽ vành môi, đánh son, thêm màu bóng.
    - Ồ! Đã xong! Còn thử các loại nước hoa thôi.
    Xong rồi! Nhìn chị Hương và tự nhiên anh thụt lùi lại. Thấy vậy tôi vội nhìn chị và bật cười ha...ha...ha...
    Chị Hương cầm chiếc gương lên soi mặt mình và Chị cũng cười ...ha...ha... Hai đứa không cách nào nín cười được. Tôi trang điểm cho chị không đẹp thêm, mà là để nhát ma con nít.
    - Thôi! Em khỏi trang điểm gì hết! Thay quần áo, anh đưa đi.
    Đó là một ngôi nhà 2 tầng rất lớn, nằm ngay đường biển.
    Anh đại tá Lam Sơn và anh đại tá Trần văn Hai đứng chờ bên ngoài, thời ấy hai anh chưa lên tướng. Anh Lam Sơn coi bên lực lượng đặc biệt. Năm 75 anh không di tản, anh bị đi cải tạo, trở về cũng không chịu đi theo diện HO, anh mất ở Saigon.
    Anh Trần văn Hai đang coi trung tâm huấn luyện Dục Mỹ. Năm 75 anh không di tản, không đi cải tạo mà anh chọn cái chết.

    Hai anh thường đến nhà tôi chơi, và vào ngày giỗ ba, lúc nào cũng có mặt, các anh là con nuôi của ba tôi.
    Anh Lam Sơn ăn nói rất khéo. Nhìn tôi.
    - Út ơi, em trong sáng, giản dị nhưng rất đẹp!
    Rồi anh Lam Sơn quay qua anh tôi có ý trách thầm.
    - Mày để con bé ăn mặc thường quá!
    Anh Hai chỉ cười và nắm tay tôi dẫn vào nhà.
    Đông thật! Có mấy người chạy đến. Anh Lam Sơn giới thiệu nhưng tôi không nhớ rõ, chỉ nhớ anh Đỗ Cao Trí lúc đó là đại tá, sau này lên tướng và mất trước năm 75.

    Hôm sau anh Lam Sơn ra nhà tôi, anh đưa tôi 2 giỏ đầy quần áo mới, những bộ dạ hội thật sang trọng của các mệnh phụ phu nhân. Thấy không hạp với mình nên tôi đem trả lại, mắt anh tôi ánh lên niềm vui. Sau đó, hai anh nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.
    Đi học về tôi ghé vào phòng mạch, để anh nhờ vợ của bạn đưa tôi đi phố, may và sắm quần áo, vì cách ăn mặc của chị tuy đơn giản nhưng đẹp và sang trọng.
    Lúc ra về, khi lấy xe, anh đứng lại bên người đàn bà chất phát quê mùa, tay bế một đứa con gái nhỏ, anh chăm sóc và nói chuyện vô cùng thân mật.
    Thấy tôi ngạc nhiên, anh kể người đàn bà đó nghèo lắm, phải nhịn ăn mới có tiền đi xe lên chữa bệnh cho con. Nên anh lo chỗ ăn ở cho họ và chữa bệnh không lấy tiền, lúc nào bé đó lành bệnh thì về.
    - Tại sao lại nhịn đói? Em còn biết nấu cơm, sao bà ấy không lấy gạo nấu cơm ăn mà nhịn đói?
    - Em không hiểu đâu, lớn thêm chút nữa em sẽ hiểu.
    Rồi anh bắt qua chuyện khác.
    Anh lập gia đình, di chuyển vào Sài Gòn được bốn năm. Hôm đó, mẹ vào thăm tôi và ở lại suốt một tuần. Mẹ dọn dẹp nhà cửa, nhất là phòng của anh. Từ lúc anh đi, mẹ cứ giữ lại phòng anh như cũ, thỉnh thoảng chị Hương hay vú vào lau bụi thôi, nay chính tay mẹ làm tất cả từ trong phòng tắm đến tấm trải giường, đến cả bình hoa trên bàn viết của anh.
    Chiều tôi về, thấy nhà sáng và đẹp ra, bàn tiệc đã bày sẵn, Vú nói con đi tắm rồi ra ăn cơm.
    Tắm xong, bước tới cửa thì Vú nắm tay tôi lại, nhìn ra thấy mẹ và anh đang ôm nhau, tôi chỉ nhìn phía sau, đôi vai anh run lên, dường như anh đang khóc, mẹ vuốt tóc anh.

    Say men đời rong ruổi khắp trần gian
    Quên bóng mẹ đang chờ con từng phút.
    Con vấp ngã mới nhận ra điều duy nhất
    Trên đời này không ai bằng mẹ được đâu
    Hàn Long Ẩn

    Vú kéo tôi vào phòng. Tôi hỏi vú chuyện gì vậy? Vú chỉ nói anh không được hạnh phúc trong hôn nhân.
    Có tiếng mẹ kêu ra ăn cơm. Hôm đó anh vui vẻ và ăn thật nhiều. Anh nói món này do mẹ làm, món kia là vú làm, chị bếp làm, tôi phục tánh sâu sắc của anh.
    - Con bé này tệ quá! Không phân biệt được ai nấu. Vú nói.
    - Đến bây giờ vẫn không có bạn trai. Vú không yên lòng về em con. Không biết lúc nào mới trưởng thành.
    Mẹ cười, vì mẹ biết, tôi đã kể cho mẹ nghe chuyện tình cảm của tôi rồi.
    - Vú đừng lo! Hãy để em con tự nhiên.

    Hãy là hoa, xin hãy khoan là trái
    Hoa nồng hương và trái lắm khi chua.

    Về lại nhà, anh thường tổ chức đi chơi ngoài trời. Anh tập tôi cỡi ngựa. Tập đoàn bác sĩ Nha Trang tổ chức đến mộ bác sĩ Yersin thắp nén nhang, dâng bó hoa vào ngày sinh nhật hay ngày giỗ của ông, vì ông là người sáng lập ra viện Pasteur Nha Trang năm 1898. Có tuần ra đảo, anh và các bạn lặng người dưới nước để bắn cá, cuộc đi nào anh cũng cho tôi tham dự và còn được rủ bạn theo.
    Chị dâu (vợ anh) thường gởi thư cho anh và mỗi tháng anh đều nhờ tôi đi gởi tiền cho chị. Vú nói anh chị vẫn thương nhau nhưng ở gần thì không hạp.
    Đến ngày lễ cưới của chúng tôi, anh lo các thứ từ chọn nhà hàng, quần áo cô dâu, chú rễ (vì chồng tôi đang ở xa, khi về đến Việt Nam là đám cưới liền nên anh phải lo dùm tất cả). Vậy mà khi rước dâu và tối đãi tiệc, anh lại bận bệnh nhân không dự được.

    Ngày tôi dọn ra ở riêng, anh cứ năn nỉ vợ chồng tôi mỗi ngày về ăn cơm, anh quá cô đơn mà tôi không hiểu. Chồng tôi muốn hai đứa có đời sống riêng, nên điều đình một tuần chúng tôi về ăn cơm với anh 2 lần và anh đến nhà chúng tôi ăn cơm 1 lần, anh vui lắm!
    Đến ngày tôi sanh đứa con đầu lòng, hôm ấy là ngày mà những phi đoàn phản lực đều ra Đà Nẵng, dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Cao Kỳ để Bắc phạt (thả bôm miền Bắc).
    Chồng tôi chở tôi ra nhà hộ sanh từ sáng sớm, có mẹ, anh, Vú và thuê thêm 1 người nữa để nuôi tôi sanh, tất cả đều vui vẻ. Trong người bắt đầu khó chịu, chồng tôi đi bay lần này không biết có còn về để nhìn được mặt con không, tôi vừa đau trong tim, vừa đau ở bụng, nhưng ngoài mặt vẫn giữ nét bình thản như chẳng có gì lo.

    Tối đó tôi sanh một bé gái. Anh, mẹ và vú lúc nào cũng bên tôi. Hôm sau, chồng tôi về cùng 3 người bạn thân, các anh vẫn còn mặc áo bay trên người làm tôi cảm động.
    - Các bác đến thăm em bé đây. Vì không đến trình diện thì mẹ bé sẽ lo, sợ đại bàng gãy cánh, mà không dám hỏi ... Ha ...Ha ...
    Anh mời chồng tôi và các bạn đi ăn, gọi là khao quân.

    Từ nhà hộ sanh về, mẹ nhất định đưa mẹ con tôi về ở nhà anh để mẹ săn sóc dễ. Hôm cúng đầy tháng, anh đề nghị vợ chồng tôi ở luôn đừng về lại cư xá không quân, vì nghe tiếng khóc của em bé sẽ làm không khí trong nhà vui hẳn lên.
    Lúc đó, tôi vẫn chưa hiểu được nỗi cô đơn của anh nên chúng tôi lại dọn về tổ ấm nhỏ của mình.

    Đến tháng 3 năm 75, tôi phải theo ngân hàng di tản vào Sài Gòn, gặp anh để gởi lại chị Hương, người theo tôi từ lúc nhỏ và một con chó cũng theo tôi từ thời con gái. Anh vui vẻ nhận hết và còn dặn chồng tôi đi bay về ghé nhà ăn cơm.
    Rồi 30 tháng 4 năm 75 mất nước, chồng tôi đi tù miền Bắc, mẹ tôi bị ghép tội tư sản dân tộc và cấm không được ra khỏi làng. Chị Hương viết thư kêu tôi về gấp vì chính quyền đến bắt anh, đuổi chị và chị bếp ra để họ niêm phong nhà. Chị ôm con chó nhỏ của tôi về nhà mẹ.
    Tôi gởi con lại Sài Gòn, nhờ chị chồng trông coi và tìm mua vé xe chợ đen (sau 75 việc di chuyển thật khó khăn. Từ tỉnh nàyqua tỉnh khác muốn mua vé xe rẻ phải có giấy giới thiệu của cơ quan).
    Xe chạy suốt đêm, sáng đến Nha Trang. Tôi vội đến nhà người bạn thân, hoàn cảnh cũng như tôi, muốn thăm anh nhưng không có giấy phép. Chị hỏi tôi có tiền không? Tôi móc hết tiền ra. Chị đếm rồi nói sẽ mua cho tôi một vé xe giá chính thức về lại Sài Gòn. Còn đi thăm anh và về quê thăm mẹ thì có người chở dùm tôi đi, số tiền này chỉ đủ lo lót để vào thăm anh thôi.
    Tôi gặp anh ngay ngày hôm đó chỉ được 30 phút, tôi không có một món quà nào cho anh cả. Câu đầu tiên tôi nói cùng anh:
    - Em biết tại sao người đàn bà nhà quê đó nhịn đói rồi.
    - Tội nghiệp em tôi quá!
    Rồi anh dặn tôi đủ điều và bắt tôi phải hứa. Phải chung thủy cùng chồng. Phải thương người ngã ngựa.
    Đó là lần cuối cùng tôi gặp lại anh. Sau này nghe tin anh chết trong tù. Mẹ xin đem xác anh về chôn cất. Mãi đến mấy năm sau tôi mới trở về.

    Đứng trước mộ anh, tôi thắp một nén nhang và ngồi đó suốt buổi chiều trong ánh nắng tàn tro. Em đã mất anh rồi!!!

    Phải bước qua bao nhiêu dâu bể cuộc đời, em mới hiểu được nỗi cô đơn cùng cực của người anh chung máu mủ, mới hiểu được tấm lòng của anh dành cho đứa em gái dại khờ này.

    Thiên đàng rộng mở thênh thang, như trái tim anh luôn mở rộng cùng tha nhân trong cảnh khốn khó cơ hàn của họ. Em tin chắc anh của em sẽ đến được cõi yên bình vĩnh cửu.

  6. #6
    Phòng Trực's Avatar
    Status : Phòng Trực v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2010
    Posts: 990
    Thanks: 0
    Thanked 1 Time in 1 Post

    Default Hội ngộ

    Hội ngộ
    Trương kim Báu


    Taxi đang chờ, các con cháu vẫn mãi dặn dò, mỗi người một tiếng.
    Tôi phì cười: "Làm gì mà lo quá vậy, đây là Việt Nam quê hương của mẹ mà, taxi cũng là người quen, mẹ sẽ về đúng giờ, yên lòng nhé!"
    Tôi vội lên xe, sở dĩ ai cũng lo lắng vì tôi đã già và cách đây mấy tháng, tôi đã trải qua một sự mất mát lớn lao, người bạn đời vừa ra đi.
    Mấy chục năm trời xa nơi chôn nhau cắt rún, nay các con cháu đưa tôi về thăm lại quê hương, hy vọng cho tôi còn chút kỹ niệm thuở xưa, vơi đi nỗi buồn hiện hữu.
    Xuống xe, tôi đi bộ. Đây rồi cổng trường ngày ấy, nơi đã đánh dấu những ngày đẹp nhất của tuổi học trò. Tôi đứng bên rào nhìn vào sân cỏ.

    Ngày nhập học lớp bảy, bà vú bắt tôi phải mặc chiếc áo đầm trắng, tóc cột lên cài 2 cái nơ: "Con đã lớn, lên trung học rồi, hôm nay phải mặc áo dài trắng, đội nón lá và mang đôi guốc mộc".
    Tôi nói gì thì nói, vú vẫn làm theo ý mình. Hình như trên đời này, tánh các bà vú đều như vậy và những bà vú đều .... mập. Ngày còn trẻ các bà phải khỏe mạnh mới được thuê làm vú nuôi trẻ, thời gian qua, các trẻ đã lớn thì các bà vú càng ...... mập ...... hơn.
    Sáng nay vú nhất định đưa tôi tới trường, rồi vú còn hiên ngang đưa tôi vào tận lớp. Từ đó tôi có biệt danh là "thực dân". Trên bảng đen, không biết bàn tay tài hoa nào đã vẽ một chiếc xích lô, có một bà thật mập ngồi, bên cạnh là một cô bé mặc đầm, áo phấp phới tung bay. Vừa thấy hình ảnh này, vú định xuống văn phòng thưa, nhưng thấy đôi mắt tôi long lanh ngấn lệ, vú đã bỏ qua. Và vú không đưa tôi đến trường nữa. Tôi đi chung với cô bạn ở cùng đường. Cô này người tuy nhỏ nhắn nhưng rất xinh. Thế là trên bảng, lại vẽ hình chiếc xích lô, một người mặc đầm kế bên một người nhỏ xíu, bên dưới có mấy hàng ghi chú (thực dân và chuột lắc đi học).
    Trong trường, các bạn không kêu tên chúng tôi mà chỉ kêu bằng biệt danh. Sau này, chúng tôi mới biết tên tác giả của những hình vẽ là anh chàng học cùng lớp, ngồi sau 2 bàn chéo bên tay mặt tôi. Mỗi khi tôi quay đầu nhìn phía sau, là anh chàng đưa 2 tay lên làm dấu, ý nói mắt tôi to như hai con ốc bươu Các bạn ưa chọc, tôi thì mau nước mắt, vì vậy tôi có nhiều biệt danh như: thực dân, ốc bươu và mít ướt. Nhưng anh chàng này, cũng bị các bạn cho biệt danh là "nôn". Chúng tôi không biết sao lại có tên đó nhưng nghe mọi người gọi thì mình cứ gọi theo.
    Nghĩ đến chuyện xưa, tôi bật lên cười và tự nhiên miệng vọt ra tiếng: "Anh chàng nôn này!"
    Tôi giật mình, khi bên tôi có tiếng "dạ" thật to. Tôi quay lại, có một cặp nam nữ đang đứng gần tôi từ lúc nào, tôi không hay.
    Tôi mở to đôi mắt để nhìn, có tiếng la lên: "Thực dân! Thực dân! Đúng là thực dân rồi! Tôi, "nôn" đây, vợ tôi nè!"
    Thì ra chàng "nôn" ngày xưa, bây giờ là một ông già tóc đã muối tiêu.
    Sự vui mừng ập tràn đến, tôi bật cười ha hả và vẫn giọng điệu của cô học trò nhỏ ngày xưa: "Ôm chặc như vậy, không phải vợ, chẳng lẽ bà hàng xóm hay sao?"
    Giọng nôn hấp tấp" "Nhìn đi! Nhìn kỹ đi! Vợ nôn là ai?"
    Tôi chưa kịp nhìn thì người đàn bà đã gỡ tay ôm của chồng, lao thẳng vào người tôi. Giọng la lên như có nước mắt: "Chuột lắc đây, thực dân, chuột lắc đây!"
    Chúng tôi ôm nhau, rồi thả ra để nhìn nhau cho kỹ, rồi lại ôm nhau. Trên đôi má chuột lắc đã đầm đìa nước mắt. Tôi ôm vai cô bạn và chuột lắc ôm cánh tay tôi như ngày xưa. Nôn cười thật to, nhìn chuột lắc: "Kìa, gặp thực dân là quên cả chồng".
    - Sao hai người gặp nhau? Ngày xưa chúng tôi ghét nôn, vì nôn ưa chọc phá mọi người mà.
    - Tụi mình vào quán nước kia đi! Nôn nói tiếp: "Hai người ngồi yên để tôi bấm vài bô hình đã".
    Rồi nôn kể: "Bạn bè ai cũng biết tôi là lính biển mà, nên năm 75 lính biển phải theo tàu ra khơi. Trên tàu lúc đó dân chúng ngồi ở tầng dưới và ngồi cả trên boang tàu. Chúng tôi phải lo phát thức ăn và giúp đỡ những người bị say sóng. Tàu chạy được 3 ngày. Lúc đó tôi đang đi, thì có vật gì cản dưới chân, tí nữa là té rồi! Thì là cái chân của ai cố ý để ra, nhìn kỹ mặt thì là chuột lắc".
    Tôi lên tiếng: "Sao dám cản chân người ta, lỡ lầm thì sao, hở chuột lắc?" Lúc này bạn tôi mới liếng thoắc lên tiếng: "Sao lầm được, cái bảng tên trên ngực áo, rồi nhìn cái mặt chắc chắn mới dám chứ bộ".
    - Tôi đi một mình, chuột lắc cũng một mình, gặp lại bạn học cũ trong hoàn cảnh này, chúng tôi mừng như bắt được vàng. Ngày lên đảo, đám cưới chỉ có 2 đứa trước mặt là biển, trên đầu là trời, dưới chân là đất.
    Chuột lắc không có áo mới, không có nhẫn cưới.
    - Ô, cần gì, hai bạn có những kỷ niệm của một thời trung học, có mái trường chung, có thầy cô giáo, có bạn bè, là các bạn giàu quá rồi!
    Cả ba đều cười vui vẻ. Nôn khoe: "Chuột lắc học lại cũng làm nghề cũ". - Vẫn y tá hả?
    - Ừ, còn sanh cho 5 đứa con cho tôi nữa, trai gái đều có.
    Thật bái phục cô bạn của tôi.
    - Những năm sau này, chúng tôi đều về hưu, ở nhà phụ đưa đón các cháu đi học, và dạy tiếng Việt cho chúng. Nôn lại nói tiếp: "Mỗi năm chúng tôi cũng có đi đây đó. Năm nay, chuột lắc cứ đòi về Việt nam, tôi rất ngại, mình đi quá lâu. Chúng tôi mới về hôm qua.
    - Tôi cũng mới về hôm qua.
    Chuột lắc reo lên: "Thật là kỳ diệu! Vậy mà sáng nay chúng mình lại gặp nhau ở trước cổng trường xưa". Giọng chuột lắc lại có nước mắt hoà vào. Nôn lên tiếng: "Bây giờ chuột lắc có thêm một biệt hiệu nữa giống với thực dân rồi!"
    - Biệt hiệu gì? Mít ướt, tại sao?
    - Vì cô nàng hay khóc, nhớ nước, nhớ nhà, nhớ làng xóm, nhớ cha mẹ, nhớ trường, nhớ bạn bè ...v...v...
    Tôi choàng tay ôm cô bạn thật chặt thông cảm cùng bạn. Chuột nhắc lên tiếng: "Lúc ở đảo, chúng tôi có hỏi thăm về thực dân. Tại sao không đi ngày ấy? Cánh chim và gia đình ưu tiên 1 mà. Sau này lại qua Úc?"
    Thấy mắt chuột vẫn còn ướt, tôi cười to và nói: "Thực dân ăn bo sửa nhiều quá, ở lại ăn khoai mì cho biết với người ta. Còn cánh chim, Anh đã bay về tổ ấm rồi, nơi đó có một sự bình yên tuyệt đối. À, tại sao đi Úc hả, vì mê con kangaroos và con koala. Hai con vật lúc nào cũng đem con theo bên mình, giống người đàn bà Việt Nam" .
    Tôi choàng tay xoay người chuột lại, mặt đối mặt, tôi cụng đầu 2 đứa vào nhau .
    - Chuột nghĩ coi, lấy năm của 3 đứa cộng lại những ngày xa quê hương hơn cả 100 năm, ấy mà vừa về lại quê nhà, ngày trước, ngày sau mình gặp nhau, có phải là kỳ duyên không? Tại sao phải chảy nước mắt hoài?
    Nôn lên tiếng: "Phải đó, mình nhắc đến kỹ niệm xưa đi! Tôi đố tại sao lớp mình có tấm màn đen kéo qua tấm bảng đen?"
    Tôi đưa tay lên: "Tôi nhớ. Đó là ngày thầy Võ Hồng kêu tôi lên trả bài vạn vật. Tôi nghĩ mình mới được kêu trả bài tuần rồi, chắc tuần này thầy không kêu, nên không học bài. Thầy bắt vẽ cái hoa chẻ đôi rồi phải ghi chú chỗ nào là nhụy, phấn, noãn, hạt v...v... Các bạn ở dưới nhắc, mỗi người một tiếng, tôi quýnh lên ghi lung tung, thầy lắc đầu khi nhìn trên bảng. Lần sau đến giờ thầy Đào dạy anh văn, Thầy kêu chị Thúy ngồi cuối lớp lên bảng viết trả bài, chị một tay cầm phấn, tay kia để trên bảng đen, chắc chị thừa biết tay mình quá đẹp, tay chị thật trắng với các ngón thon dài, móng tay lại sơn màu hồng nhạt. Có nhiều tiếng hít hà vang lên từ bàn con trai. Không biết anh chàng nào quên đang là giờ học, hút gió 1 tiếng. Thầy Đào giận đập giày trên bệ gỗ và miệng luôn la: "Everybody, please be quiet! Quiet!"
    Sau buổi hợp giáo sư, là lớp mình có cái màn đen ở trên bảng. Nôn lên tiếng: "Chính nhờ có cái màn đen, nên khi lên bảng thì kéo lại, không còn được nhắc bài nữa, bọn con trai tụi này sợ quê, nên thi nhau học bài, nhờ vậy mà đứa nào cũng nên người".
    Đến phiên chuột lên tiếng: "Thực dân, nhớ bạn và Yến dành một anh chàng không?"
    - Nhớ, nhớ. Chuột kể đi!
    - Ngày nào vào lớp bọn mình cũng thấy một miếng giấy để chính giữa 2 bạn. Vừa nhìn thấy, em bịt 2 tai lại, và nhảy la khi có viên pháo nổ gần: "Anh rất thích em!"
    Chuột nói tiếp: "Thực dân nè, cứ dành anh chàng thích mình". Chuột nhái giọng tôi.
    - Chắc chắn là anh chàng thích mình, vì con trai thích con gái tóc dài, mà mình tóc dài nè.
    - Yến nói bạn đâu phải con gái. Ra chơi là bạn và chuột lắc chuyên môn chơi trốn bắt, chạy tùm lum, con nít chứ con gái gì. Ta mới là con gái.
    Nhớ không? Hai bạn viết giấy để ở bàn muốn thấy mặt người trong mộng, có giấy trả lời: "ngày mai anh sẽ đứng ở cửa sổ mặc áo trắng, trên túi áo có cài một bông hoa cẩm chướng đỏ".
    Hôm đó 3 đứa học mà trông mau hết giờ, để nhìn ra cửa sổ.
    - Thực dân nè, bạn lén nhìn trước, rồi xây vào nói: "Chắc anh chàng thích Yến thật, mình nhìn ra mà anh chàng không thèm nhìn mình, cứ nhìn chỗ khác.
    Yến vội nhìn ra và cũng xây vào nói: "Tao cũng vậy, anh chàng cũng không nhìn tao".
    Chuột vừa cười vừa nói: "Đến khi mình nhìn ra, thì mới biết mắt anh chàng lé, nhìn tức là không nhìn, không nhìn tức là nhìn".
    - Là sao không hiểu. Chuột lắc giảng tiếp: "Thì nhìn cây cà mà thấy cây ớt , thực dân hiểu chưa?"
    Chuột tiếp: "Vậy mà mấy tháng sau thấy anh chàng đi cùng cô bên tứ A. Anh chàng học giỏi có tiếng đó nha".
    Nôn lại cười to, tụi con trai lớp mình, cũng đi để giấy các lớp khác vậy.
    Không hẹn mà tôi cùng chuột lắc à lên một tiếng thật to .
    Nhìn đồng hồ thấy gần giờ hẹn cùng các con. Tôi nói: "Mình hẹn nhau sẽ gặp lại một lần nữa trước khi chúng ta rời Việt Nam trở về quê huong thứ hai, nơi đó đã cưu mang chúng ta. Ai liên lạc được cùng các bạn cũ thì hẹn giùm luôn".

Trang 1/8 123 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Gánh hàng rong và ông Thiên Lôi
    By saomai in forum Tùy Bút
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-12-2017, 06:09 AM
  2. Thư Ba viết cho con - Nguyễn Thị Thêm
    By Longhai in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 06-18-2017, 05:01 AM
  3. Bài viết Phu nhân Tướng Hưng gởi N C K .
    By loibangTQLC in forum Chuyện 30.4
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 04-26-2017, 06:29 AM
  4. Nó và Biến thiên cuộc đời
    By Longhai in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 01-20-2017, 12:49 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •