Remember ?

Trang 2/2 đầuđầu 12
kết quả từ 7 tới 10 trên 10

Tựa Đề: Trước Đèn

  1. #7
    Moderator
    Hoanghac's Avatar
    Status : Hoanghac v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2011
    Posts: 771
    Thanks: 1
    Thanked 37 Times in 28 Posts

    Default

    Vô ơn


    Vốc hạt ném tung ra trước gió,
    phụ bạc thay nghề cầm bút,
    chỉ sẵn công gieo!
    (Hoàng Tích Chu)



    Việc đời khó dễ khác nhau, lẽ tất nhiên việc khó phải cần tay thợ giỏi mới làm nên. Thành ra rút cục càng khôn ngoan sắc sảo bao nhiêu, lại càng phải đảm đang những cái khó khăn cực nhọc, để cho ngu si hưởng thái bình!

    Thử hỏi những người khó nhọc rồi có được đền công chăng?

    Có thì kiếp sau họa thấy, kiếp này ít khi.

    Hoặc nữa, chẳng qua xã hội đền bằng chút danh hờ, luân lý đền bằng mấy lời vỗ về cao thượng: hy sinh là nghĩa lớn...

    Xưa nay, những kẻ hy sinh được người đời biết đến, hồ hết là vào lúc đã thành xương khô mả nát.

    Còn thì, trong thời gian còn ganh đua vật lộn để sinh tồn, dù hy sinh đến mấy, cũng chẳng mấy ai ơn. Vì sự hy sinh kia, ít ai chịu nhận ra cho: người ta hay có thói khái nhiên coi mọi việc ở đời sở dĩ làm ra là do hiếu danh hay cần sống chứ chẳng phải vì lòng tốt mà thành thực giúp cho ai. Thế rồi lòng tự ái xúi bẩy thêm vào nữa, ai chịu khen ai, ai chịu nhận ơn ai bao giờ!

    Trong vở kịch “Chuyến du hành của ông Perrichon”, Labiche tả một trạng thái tâm lý có thể coi là rất sát với nhân tình. Hai người tranh nhau cầu hôn con gái ông Perrichon. Mỗi người tấn công bằng một phương pháp: người thì gia công làm ơn cho ông, giúp việc này, hộ việc kia; người thì trái lại, chỉ để ông chạy vạy làm ơn cho mình.

    Perrichon rồi gả con cho ai?

    Ông dự tính gả cho người thứ hai này, tức là người chịu ơn của mình, vì trông thấy người làm ơn cho mình, lòng tự ái khiến cho ông ta khó chịu; chi bằng làm thêm một ơn nữa cho kẻ có nợ mình kia, ắt nó sẽ khúm núm với mình hơn!

    Nhưng sau ông lại đổi ý, vì kẻ chịu ơn lỡ miệng tiếc lộ mưu lược cho mọi người biết, khiến ông lại chạm lòng tự ái một lần nữa, lần này ngược lại, ông nhất quyết gọi gả con cho người thứ nhất.

    Lòng tự ái là một lý do của sự vô ơn.

    Nên làm ơn hay nên chịu ơn? Làm con nợ, nhiều khi sướng hơn là làm chủ nợ: được thăm hỏi luôn, được chiêu đãi hoài...



    Có nhiều cái ơn phải trả bằng sự vô ơn, ấy là câu Talleyrand đã nói trắng ra, để cãi xóa tội vô ơn của mình. Ấy cũng lại là một lời thú thực ăn khớp với bụng dạ phần đông.

    Đồ Chiểu nói:

    Khó thì hết thảo hết ngay
    Công cha không trả, nghĩa thầy cũng quên.


    Nhưng đấy chỉ là tội ở cái nghèo.

    Ở những người không nghèo, sự quên ơn cũng nghiệm thấy luôn, vì có nhiều cái ơn, dù có lòng biết ơn đến đâu, người ta cũng không làm cách nào trả được... cho khỏi thiệt tới riêng mình.

    Những sự báo đền, nhỏ nhoi hay to tát, đều do nơi kẻ biết chịu thiệt, biết quên mình, nghĩa là những người hiếm có. Còn đối với thường tình, hình như hễ cứ sống được là phải quên ơn đều đều...

    Công cha như núi Thái Sơn, ấy thế mà mặc dầu luân lý khuyên răn, kẻ làm con vẫn thấy phụ luôn... vì trong buổi cá nhân này, phải đủ ăn, đủ mặc cho mình trước đã: ơn trời biển kia, thôi thì để tính về sau!

    Ơn nào bằng ơn những bậc huân thần, nằm gai nếm mật để lập nên xã tắc? Một khi bình trị, huân thần sẽ bị rẻ rúng, bị giết hại trước tiên: công lao của họ quá to, có thể một ngày kia đấng chí tôn lấy làm e ngại. Cho nên chim muông hết rồi, chó săn phải chết!

    Nguyễn Công Trứ đã có lần phải lấy tấm phản ra mà tự ví, dùng lối lộng ngữ để mong cảnh giác nhà vua:

    Đem thân cho thế gian ngồi,
    Chẳng ơn thì chớ lại cười “bất trung”!


    Ai nặng ơn với ta hơn những người đã cứu giúp ta ra khỏi vòng nghèo đói tối tăm? Ấy vậy mà khi trở nên sang giàu danh tiếng, ta hay quên những ân nhân ấy: vì nếu ta nhắc đến họ, là nhắc luôn đến buổi hàn vi của ta, cái buổi âm thầm lam lũ mà bây giờ ta chỉ muốn quên đi, giấu đi để khỏi ai biết tới. Triết lý của họ như của Thúc Sinh: lấy câu vận mệnh khuây dần…



    Thù tướng Hòa Lan Nassau từng bao lần cứu nước ra khỏi cơn nguy biến, một hôm về chơi vùng quê Gorcum. Nhiều người đã nói đến tai ông rằng dân chúng đâi đa số gọi ông là “lãnh chúa”, nhưng ông không tin. Hôm ấy, vào lúc đang đông buổi chợ, ông lững thững dạo quanh, tươi cười chào hỏi người này người kia, thì thấy không một ai đáp lễ mình cả.

    Ra về, ông buồn rồi đâm ra ốm o gầy mòn, chẳng bao lâu tạ thế.

    Nếu ông sinh ở bên ta, có lẽ chẳng đi đến cái chết mau như thế, vì từ đời nào, chúng ta đã biết là “bạc thì dân”



    Có kẻ khi rủng rỉnh bạc tiền, đi đâu cũng có hàng trăm người theo sau… Đến khi thất cơ lỡ vận, cả trăm người đều lảng tránh. Cả trăm người này đâu phải là vô ơn! Họ sẽ cãi rằng: chẳng qua khi có tiền, ta cầu vui, thì họ đến giúp vui, ta muốn có tài đức, họ đem gán cho tài đức; đến khi ta hết tiền, có can chi tới họ nữa đâu! Nếu có kẻ mang ơn trong đó, thì kẻ ấy lại chính là ta, vì không nhờ vào họ, ta đâu được vui, ta đâu được tiếng khen tài đức!

    Cho nên, nói chuyện ơn huệ ở đời, là một sự chẳng nên, một điều không lịch thiệp.

    Có chăng chỉ làm rác tai những kẻ chịu ơn, mà không khiến được họ biết ơn thêm chút nào.

    Herriot kể chuyện một ngày kia ở thành Athènes, có anh hàng thịt đương giơ dao chặt khúc chân giò, vô ý suýt nữa chặt phải tay mình, may có người hàng xóm đứng bên đỡ được cho khỏi bị thương. Mấy hôm sau, hôm nào người này sang chơi cũng nói:

    - Bác nhỉ, lúc ấy không có tôi thì què rồi, cón làm ăn gì được!

    Người hàng xóm cứ nhai nhải thế mãi. Anh hàng thịt đến sau nhịn không nổi, chìa dao ra trả lời:

    - Đây, tay tôi đây, bác chặt đi cho rảnh, từ rầy đừng làm khổ tai tôi nữa!



    Dương Hổ, tướng nước Vệ, phải tội, trốn sang Tần, vào thăm Triệu Giản Tử, phàn nàn:

    - Từ nay, tôi quyết không gây dựng cho ai nữa!

    - Tại sao vậy?

    - Ngài tính: khi tôi tại chức, trong hàng các quan hầu cận, các quan trong triều, các quan biên thùy, tôi gầy dựng cho đến quá nửa. Thế mà bây giờ, hầu cận thì gièm pha, triều đình thì xử tội, biên thùy thì truy nã…

    - Ngài nói thế thì lầm lắm. Trồng đào mận, hè được bóng mát, thu ăn quả ngon. Trồng tật lê, hè không có bông, thu trổ chông gai. Ngài sở dĩ gặp bước này, là tại trước kia gầy dựng cho toàn những hạng không ra gì! (1)

    Nếu theo Triệu Giản Tử, chẳng hóa ra phải chọn người trước đã, rồi hãy làm ơn cho: nghĩa là thi ân còn nên phòng trước lấy sự báo đền.

    Lượng bao dong chẳng cũng hẹp hòi lắm sao?

    Có lẽ cũng nên nhận rằng đời ít kẻ vô ơn hơn người ta vẫn tưởng, vì những kẻ sẵn lòng làm ơn, đâu có nhiều nhặn gì!

    Ai muốn sống cách nào, tưởng cứ nên tùy cái thích của mình.

    Thích coi tiền bạc như bùn đất, tung nó ra mà xem lũ người tranh giành. Thích giùm giúp mọi người trong lúc khó khăn. Thích thế nào, nào ai ngăn cấm được mình! Nhưng nên nhận định rằng bất cứ trong trường hợp nào, cũng chỉ là làm theo ý mình, giúp người là tạo niềm vui cho chính mình, như thế họa chăng sau này mới khỏi than phiền gặp ai vô ơn vì người ta nợ mình thì mình biết rõ, mà mình nhiều khi lại rất lơ mơ về những gì mình nợ người khác.



    Đời Tam Quốc, Hứa Du, mưu sĩ của Viên Thiệu, bày mưu cho Tào Tháo hạ thành Ký Châu, khiến quân Tào tiến được vào cửa thành này: Hứa Du thúc ngựa lên trước, ngoảnh lại nói với Tháo:

    - A Man, không có tôi thì đời nào anh vào được tới đây!

    Tháo cười, không nói gì, vì biết trước rằng Du sẽ chết vì tật ngông nghênh vô ý thức ấy.

    Mấy hôm sau, Hứa Chữ đi tuần bên ngoài, chiều về gặp Hứa Du ở cửa thành. Du lại nói:

    - Không có ta thì thứ các ngươi vào được cửa này à?

    Hứa Chữ giận quá, tuốt ngay gươm chém Hứa Du toi mạng.



    Quốc Sách chép lời Đường Thư khuyên Tín Lăng Quân.

    Bấy giờ Tín Lăng Quân giết Tần Bỉ, cứu Hàm Đan, đem quân đắc thắng trở về: Triệu vương mừng rỡ, ra đón tận ngoài thành. Đường Thư bẩm riêng với Tín Lăng Quân:

    - Thần nghe: có việc không thể cho biết được, mà cũng có việc ta không thể không biết; có điều không quên được, mà cũng có điều không thể không quên. Người ghét ta, ta không thể không biết; ta ghét người, không thể để cho người biết. Người làm ơn cho ta, ta không thể quên; ta làm ơn cho người, ta không thể không quên. Nay ngài phá quân tần, cứu nước Triệu, Triệu vương ra nghênh ở ngoài cõi; vậy khi gặp Triệu vương, ngài nên quên cái công lớn ấy đi.

    Tín Lăng Quân nghe theo.

    Nhờ đó, Tín Lăng Quân không bị ngờ vực, ghen ghét, không đến nỗi phải tru di như Hàn Tín, Nguyễn Trãi.



    Làm ơn càng lớn bao nhiêu, lại càng phải quên đi. Dừng bắt chước những ai hay nói ra vẻ cao thượng:

    - Làm ơn không cầu báo!

    Có cầu, chưa chắc đã được phần nào…



    Lãng Nhân
    (Trước đèn)


    ---------------------------------------

    (1) Quốc sách


  2. #8
    Moderator
    Hoanghac's Avatar
    Status : Hoanghac v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2011
    Posts: 771
    Thanks: 1
    Thanked 37 Times in 28 Posts

    Default

    Dại khôn


    Biết ai là dại biết ai khôn
    (Tú Xương)



    Đời gọi ai là ngu, ta có thể yên trí rằng đó là một người ăn chẳng biết mùi, thở chẳng ra hơi, đi không biết đường lại...

    Ngu có khi giống in như một cái khôn tuyệt đỉnh – khôn tuyệt đính trong nhiều trường hợp, là một cách giả dại làm ngu vì thật ra, tỏ mình khôn để làm gì? Ý nghĩ khác người, diễn xuất khác người để làm gì? chỉ tổ cho người ta chê và khinh bỉ là gàn dở.

    Huống chi thói thường, bảo ai ngu thì có người nghe ngay, còn nếu lại khen ai khôn, thiên hạ sẽ thấy như phân vân, không hình dung được như thế nào là khôn.

    Thế nào là khôn?

    Nếu hỏi thăm ra, loài người có lẽ chăng toàn một giống ngu.

    Vì ta sẽ thấy ông Tý coi ông Sửu là ngu, ông Sửu coi ông Dần cũng là ngu, cho đến ông Tuất vẫn coi ông Hợi là ngu. Ngược lại, từ ông Hợi trở lên, đến ông Dần, ông Sửu, đối với những người đã chê mình, không những các ông không cho họ là khôn, lại còn bỉ họ là ngu hơn ai hết.

    Không ai chịu cho người khác khôn hơn mình.

    Nói như Tây ngạn: Kẻ ngốc bao giờ cũng tìm ra kẻ ngốc hơn nó ca tụng mình, hình như không đúng lắm. Nhiều khi anh ngốc lại bị người ngốc hơn coi mình là xuẩn.

    Gặp kẻ ngốc coi mình là xuẩn, Courteline cho đó là cái thú kỳ diệu của con người lọc lõi!



    Ngu Công khi xưa nuôi một con bò, bò đẻ một con bê, bán bê đi để mua con ngựa non, đem về nuôi chung chuồng với bò. Có người đến bắt con ngựa, lấy lẽ rằng “bò không bao giờ đẻ ra ngựa”. Ngu Công chịu mất ngựa, không cãi nửa lời. Xa gần chê ông là ngu.

    Nhưng Quản Trọng nghe chuyện, cho là ông lão không cãi vì sẵn biết rằng luật pháp trong nước không ra gì, có đi kiện cũng vô ích nên im đi còn khôn hơn1.

    Nhiều nhà văn, khi đọc văn nào không phải của mình, hay dẩu môi lắc đầu, hạ một giọng khinh bỉ:

    -Rỗng tuếch!

    Rỗng tuếch, trong ý các ngài, là thứ văn ba hoa thiên địa, thứ văn học kêu vang vang mà rút lại chẳng có một tư tưởng nào đáng được các ngài cho là uẩn súc.

    Tuy vậy, tưởng các ngài cũng nên phân biệt mấy thứ rỗng.

    Rỗng như trống cà rùng, đánh lên tiếng hùng dũng; rỗng như chuông chùa, dóng lên tiếng thanh cao; rỗng như tỳ bà, gảy ra âm tao nhã. Rỗng như tù và, còn đủ kêu được trôm. Rỗng như mõ làng chỉ nheo nhéo như réo quan viên, rỗng như trống khẩu thì tong tong, đến như vỏ thùng đập cho lắm cũng chỉ kêu bồm bộp...

    Văn cũng có thứ vỏ thùng, thứ trống cà rùng, thứ trống khẩu.

    Nhưng làm cách nào mà biết cho rành?

    Tiếc thay, Chung Kỳ không còn ở lại, để lắng tai nghe rõ hộ nhau!



    Dương Chu đến trọ nhà kia, thấy chủ trọ có hai người thiếp, một đẹp một xấu, mà lạ thay, trong nhà ai cũng quý người xấu, khinh người đẹp. Hỏi thì ai cũng đều một luận điệu:

    -Người thiếp đẹp, tự phụ là đẹp, thành ra mất đẹp; người thiếp xấu tự biết mình là xấu, nên không ai để ý đến cái xấu của cô ta nữa.

    Dương Chu gọi học trò ra bảo:

    -Các con nhớ lấy: giỏi mà bỏ được cái tật tự cho mình là giỏi, thì đến đâu, ai chẳng trọng, chẳng yêu 2.



    Ngẫm ra, khôn dại, rỗng đặc, chẳng qua như nặng nhẹ, nhanh chậm, nóng lạnh... chênh lệch nhau là do sự so sánh.

    Do sự so sánh, nên đứng trên đỉnh núi, có người tưởng bàn tay mình là to, vì thấy nó che lấp được cả một vùng trời; mà ra đến đại dương, bao la những nước cùng trời, lại thấy cả tấm thân bảy thước của mình thu lại chỉ như một cái chấm nhỏ.

    Ví bỏ sự so sánh đi, bao nhiêu bất bình sẽ hết.

    Không có vật nào mình đối riệng mình lạnh hay nóng, nặng hay nhẹ, nhanh hay chậm. Không có ai mình đối riệng mình lại nhỏ hay lớn, rỗng hay đặc, dại hay khôn. Tiếc rằng khi ta biết nghĩ mình đối riêng mình, như cô thiếp xấu kia, lại là lúc phần nhiều đã gần kề miệng lỗ.
    Màn chót tấn kịch bây giờ từ từ hạ xuống, con hát nhìn lại ai cũng như ai, cái thời gian đóng trò ngắn ngủi chẳng cho phép ai có thể lên câu rằng mình đã từng đóng một vai quan trọng trên sân khấu đời...

    Còn thì ở vào lúc còn cạnh tranh, mình đối riêng mình, chỉ là tấm lòng tự ái.

    Đối với con, mẹ hát là hay; đối với vợ, chồng là ông tướng.

    Muốn làm vĩ nhân, không có gì là khó.

    Mỗi người chúng ta đều có thể làm vĩ nhân: vĩ nhân của mình ta, vĩ nhân của gia đình!



    Ngụy Hầu cùng quần thần bàn việc, việc gì vua bàn cũng phải, không ai giỏi bằng. Lúc lui chầu, Ngụy hầu vui vẻ lắm.

    Ngô Khởi tiến lên, tâu:

    -Bệ hạ đã nghe chuyện Sở Trang Vương chưa? Khi Trang Vương bàn việc giỏi hơn quần thần, lúc lui chầu lo lắm, thường nói: các vua chư hầu, ai có thầy giỏi thì làm được vương, có bạn giỏi thì làm được bá, có người quyết đoán cho những việc do dự thì còn nước; bàn việc mà không còn ai bằng mình thì mất nước; ta nghĩ ngu như ta đây mà quần thần cũng còn không ai tính việc được bằng ắt là nước ta nguy lắm rồi, nên ta lo. Ấy cũng một trường hợp, Trang Vương khi xưa lo là thế, mà bệ hạ nay lại hớn hở vui mừng.

    Ngụy Hầu vái tạ mà nói:

    -Trời sai nhà thầy đến sửa lỗi cho ta! 3


    Lãng Nhân
    (Trước đèn)

    -----------------------------
    1. Khổng Tử tập ngữ
    2. Cỏ Học Tinh Hoa
    3. Quốc sách


  3. #9
    Moderator
    Hoanghac's Avatar
    Status : Hoanghac v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2011
    Posts: 771
    Thanks: 1
    Thanked 37 Times in 28 Posts

    Default

    Khóc với cười


    Lọt kiếp nhô ra đã khóc cười
    (Tchya)



    Một ông bạn ưa suy tư hỏi rằng việc hôn hay việc táng có nên bắt chước một nhà triết nhân kia chăng: khi đưa ma thì cười, thấy đám cưới thì khóc, khóc cho kẻ này tự dẫn thân vào vòng bó buộc, cười cho ai kia đã thoát nợ đời?

    Đành rằng hôn sự là một dây xích mà luân lý dùng để ràng buộc người đời, khiến cho không thể hành động theo cái thích riêng của tính tình nữa. Hôn nhân là cái vòng bổn phận, những kẻ xưa nay vẫn thung dung trong đời phóng đãng, mặc dầu mây sớm mưa chiều, nay phải đeo cái vòng ấy, có thể vì nó mà nhụt mất chí tiến thủ, mà giảm mất cả tài nghệ, cái tài nghệ chỉ nảy nở ở trên đất tự do, ấy là một sự đáng buồn. Buồn nữa là khi sống một mình, ta ôm được hoài bão to, độ lượng cả, đến lúc bước vào phạm vi gia đình, lẽ sống còn sẽ bắt ta phải đem bụng kiêm ái thu vào một hai người mà ta có trách nhiệm dạy dỗ chăn nuôi. Đánh đổi lấy một cái vui hẹp hòi, ta bỏ mất cái vui rộng rãi...

    Đành nữa rằng cuộc sống còn chỉ là một chuỗi vui buồn mà buồn nhiều hơn vui. “Mới lọt lòng ra đã khóc rồi” nhà thi sĩ cho tiếng khóc ấy là khóc bãi bể nương dâu, khóc tử sinh kinh cụ, khóc bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương. Nhà tâm lý hiểu tiếng khóc ấy là tiếng kêu đau đớn của đứa hài nhi, đương ở trong lòng ấm, bỗng phải ra ngoài khí lạnh, đau đớn vì cái thân nhỏ bé ở vào hoàn cảnh mới, co duỗi chưa quen, đau đớn vì không khí thốt nhiên thổi vào bộ hô hấp. Tiếng khóc đầu tiên ấy rồi có biết bao nhiêu tiếng khóc đi theo: khóc tình, khóc nghĩa, khóc tử biệt sinh ly, khóc điều mơ ước chẳng thành, khóc nỗi bạc đen đã trải, trăm năm thân thế, kể sao hết nỗi đau thương. Ra chốn sa trường, vào nhà phúc đường, đi thăm những nơi nghèo khổ, tù tội, rồi ngẫm lại cái thân mình, thì còn bao nhiêu vui cũng hóa ra buồn, chuỗi đời có lẽ toàn buồn chứ không vui. Thế thì người thoát ra ngoài đời, là người sung sướng, ta nên vui chứ chẳng nên buồn.

    Đành thế rồi.

    Nhưng vui buồn là cái tình cảm ở trong, cười khóc là cái hình dáng bên ngoài.

    Khóc cười tuy là biểu hiện của buồn vui, song không phải là biểu hiệu nhất định.

    Khóc như thiếu nữ ngày hôm cưới, cười tựa văn nhân lúc hỏng thi.

    Hoặc lại cười khóc như người Nhật.

    Người Nhật khi gặp sự đau đớn, thương xót, thì cười, cho người chung quanh khỏi buồn lây vì mình, khỏi vì mình mà giảm mất thú sinh hoạt. Đến lúc vắng vẻ, mới phó thân cho giọt lệ, tiếng than.

    Kịch sĩ Molìère, một thân đa bệnh, lại gặp những nỗi sầu khổ suốt đời, vậy mà lại là một vai hề thiên cổ, đã từng làm cho nhân loại cười ngặt cười nghẽo, đến lúc chết cũng chết ngay ở sân khấu, giữa tiếng cười như phá của người xem. Ông từng nói: làm được cho thiên hạ cười, thật là một công trình kỳ ngộ.

    Như vậy, thấy ai cười, đã chắc người ấy vui chưa?

    Thấy ai khóc, đã chắc người ấy buồn chưa?

    Còn những kẻ “nói cười trước mặt, rơi châu vắng người” nữa chứ!

    Vì biết đâu kẻ hay nói hay cười lại không là người sầu khổ nhất thế gian, mà không muốn cho thế gian ngó tới! Biết đâu cái cười của người ta lại chẳng như nụ cười của gã Figaro: cười vội cười vàng kẻo sợ rồi phải khóc ngay sau đấy!

    Cái cười của kẻ đau khổ, thật ra, còn thiểu não hơn cảnh nước mắt dầm dề, vì như La Bruyère nói: nên cười trước khi thấy vui trong lòng, những e rằng mình lỡ ra chết mất mà chưa kịp cười.

    Kẻ hay suy tư thường cho đời là một hí kịch, song đời lại là một bi kịch cho những người đa cảm. Cho nên cái cười dễ thương và hữu lý nhất là cái cười nửa miệng, như mặt trăng, nửa treo dưới nước, nửa cài trên mây...


    Xã hội nào, thời đại nào chẳng có những điều bất công, không ít thì nhiều. Chỉ trích những bất công ấy, rất hay gây ác cảm: thuốc có giã được tật đấy nhưng vẫn là thuốc đắng. Chữa bớt cái đắng ấy bằng một ít ngọt ngọt chua chua, con bệnh dễ uống hơn. Cho nên những sự thực đắng cay, đem tả oán để cho người ta khóc, không bằng pha trộn đôi lời trào phúng cho người ta cười.

    Cái cười ấy là cười của Santeul: cười cợt để sửa lại phong hóa...


    Lãng Nhân
    (Trước đèn)


  4. #10
    Moderator
    Hoanghac's Avatar
    Status : Hoanghac v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Sep 2011
    Posts: 771
    Thanks: 1
    Thanked 37 Times in 28 Posts

    Default

    Mộc mạc


    Mộc mạc ưa nhìn, lọ điểm trang
    (Thơ Cổ)



    Giản dị là cỗi nguồn của mạnh và đẹp.

    Đáng lẽ giản dị phải là tính tự nhiên của mọi người. Nhưng không. Mỗi lúc, ta lại thấy như cần phải bày vẽ thêm ra cho rườm mới nghe. Nhiều vật trông có vẻ tục tằn, kiểu cách, chỉ vì không giản dị cho nên.


    Người tự nhiên, bao giờ cũng ưa đi thẳng từ ý nghĩ đến việc làm, nên vẫn có vẻ chân thành.


    Kiểu cách là một sự xa xỉ. Phí thì giờ, phí cử động, phí lời nói.

    Tiếc thay, thời đại lại không ưa giản dị. Phải chăng vì thế mà ta ưa đọc tiểu thuyết không tưởng và dễ tin những kẻ phô trương để lòe đời.


    Bao giờ trừ bỏ được trong lời nói những tiếng thừa, những câu ba hoa vô ích, lời nói mới thực là để phô diễn tư tưởng, chứ không phải là vẽ vời để che đậy một thứ tư tưởng trống rỗng.


    Nhiều người trải đời, học rộng mà không ai hiểu rõ cái từng trải, cái học thức ấy ra sao., chỉ vì không diễn được ra cho gọn gàng minh bạch.


    Pascal viết một bức thư quá dài, dưới phải thêm một câu: Xin lỗi, tôi không kịp thời giờ viết ngắn đi được. Viết ngắn đi, nhưng lẽ tất nhiên là vẫn đủ ý nghĩa, coi vậy, không phải là không tốn nhiều công phu, thời giờ hơn là viết dài...


    Bí quyết của cái đẹp là giản dị: Cái áo giản dị vẫn đẹp hơn, nhã hơn cái áo diêm dúa. (Giản dị chưa ắt đã là rẻ tiền).

    Cái áo mặc đẹp, may khéo là ở chỗ không ai nhận thấy là nó vừa mới may xong.

    Nếu cô em có một vẻ đẹp tự nhiên, thì đừng làm dáng thêm nữa, kẻo giảm mất vẻ đạp một kỳ công của tạo vật.


    Trong muôn loài mà tạo vật sinh ra, dễ thường chỉ có mèo và đàn bà là mất nhiều thời giờ trong việc điểm trang.


    Về mỹ thuật hễ xa giản dị là mất đẹp. Thời nào tài tử tìm tòi những lối diễn xuất cầy kỳ, lắt léo, thời ấy là suy bại.


    Tư tưởng càng giản dị lại càng rõ ràng. Người viết tránh được lầm lẫn, nếu bỏ được lối nói văn hoa.

    Anatole France cho lối hành văn hay nhất là viết giản dị sáng sủa như ánh mặt trời trắng xóa trong đó bảy màu hòa lẫn nhau thật tinh mật.


    Cái họa lớn nhất của sự phú quý: phú quý sinh lễ nghĩa. Được phú quý rồi, ai cũng lần tưởng là phải tô điểm cho cuộc sống thên bệ vệ, đường hoàng.


    Càng nhiều cần dùng, càng thêm bó buộc. Bỏ được cần dùng nào, là nhẹ mình đi một ít. Sung sướng phải tìm trong sự biết nhịn những cái không thực cần.


    Kiêu hãnh, ai mà thương được! Thương được chăng, là kiệu hãnh bằng cách giản dị...


    Lãng Nhân
    (Trước đèn)


Trang 2/2 đầuđầu 12

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •