Vô ơn


Vốc hạt ném tung ra trước gió,
phụ bạc thay nghề cầm bút,
chỉ sẵn công gieo!
(Hoàng Tích Chu)



Việc đời khó dễ khác nhau, lẽ tất nhiên việc khó phải cần tay thợ giỏi mới làm nên. Thành ra rút cục càng khôn ngoan sắc sảo bao nhiêu, lại càng phải đảm đang những cái khó khăn cực nhọc, để cho ngu si hưởng thái bình!

Thử hỏi những người khó nhọc rồi có được đền công chăng?

Có thì kiếp sau họa thấy, kiếp này ít khi.

Hoặc nữa, chẳng qua xã hội đền bằng chút danh hờ, luân lý đền bằng mấy lời vỗ về cao thượng: hy sinh là nghĩa lớn...

Xưa nay, những kẻ hy sinh được người đời biết đến, hồ hết là vào lúc đã thành xương khô mả nát.

Còn thì, trong thời gian còn ganh đua vật lộn để sinh tồn, dù hy sinh đến mấy, cũng chẳng mấy ai ơn. Vì sự hy sinh kia, ít ai chịu nhận ra cho: người ta hay có thói khái nhiên coi mọi việc ở đời sở dĩ làm ra là do hiếu danh hay cần sống chứ chẳng phải vì lòng tốt mà thành thực giúp cho ai. Thế rồi lòng tự ái xúi bẩy thêm vào nữa, ai chịu khen ai, ai chịu nhận ơn ai bao giờ!

Trong vở kịch “Chuyến du hành của ông Perrichon”, Labiche tả một trạng thái tâm lý có thể coi là rất sát với nhân tình. Hai người tranh nhau cầu hôn con gái ông Perrichon. Mỗi người tấn công bằng một phương pháp: người thì gia công làm ơn cho ông, giúp việc này, hộ việc kia; người thì trái lại, chỉ để ông chạy vạy làm ơn cho mình.

Perrichon rồi gả con cho ai?

Ông dự tính gả cho người thứ hai này, tức là người chịu ơn của mình, vì trông thấy người làm ơn cho mình, lòng tự ái khiến cho ông ta khó chịu; chi bằng làm thêm một ơn nữa cho kẻ có nợ mình kia, ắt nó sẽ khúm núm với mình hơn!

Nhưng sau ông lại đổi ý, vì kẻ chịu ơn lỡ miệng tiếc lộ mưu lược cho mọi người biết, khiến ông lại chạm lòng tự ái một lần nữa, lần này ngược lại, ông nhất quyết gọi gả con cho người thứ nhất.

Lòng tự ái là một lý do của sự vô ơn.

Nên làm ơn hay nên chịu ơn? Làm con nợ, nhiều khi sướng hơn là làm chủ nợ: được thăm hỏi luôn, được chiêu đãi hoài...



Có nhiều cái ơn phải trả bằng sự vô ơn, ấy là câu Talleyrand đã nói trắng ra, để cãi xóa tội vô ơn của mình. Ấy cũng lại là một lời thú thực ăn khớp với bụng dạ phần đông.

Đồ Chiểu nói:

Khó thì hết thảo hết ngay
Công cha không trả, nghĩa thầy cũng quên.


Nhưng đấy chỉ là tội ở cái nghèo.

Ở những người không nghèo, sự quên ơn cũng nghiệm thấy luôn, vì có nhiều cái ơn, dù có lòng biết ơn đến đâu, người ta cũng không làm cách nào trả được... cho khỏi thiệt tới riêng mình.

Những sự báo đền, nhỏ nhoi hay to tát, đều do nơi kẻ biết chịu thiệt, biết quên mình, nghĩa là những người hiếm có. Còn đối với thường tình, hình như hễ cứ sống được là phải quên ơn đều đều...

Công cha như núi Thái Sơn, ấy thế mà mặc dầu luân lý khuyên răn, kẻ làm con vẫn thấy phụ luôn... vì trong buổi cá nhân này, phải đủ ăn, đủ mặc cho mình trước đã: ơn trời biển kia, thôi thì để tính về sau!

Ơn nào bằng ơn những bậc huân thần, nằm gai nếm mật để lập nên xã tắc? Một khi bình trị, huân thần sẽ bị rẻ rúng, bị giết hại trước tiên: công lao của họ quá to, có thể một ngày kia đấng chí tôn lấy làm e ngại. Cho nên chim muông hết rồi, chó săn phải chết!

Nguyễn Công Trứ đã có lần phải lấy tấm phản ra mà tự ví, dùng lối lộng ngữ để mong cảnh giác nhà vua:

Đem thân cho thế gian ngồi,
Chẳng ơn thì chớ lại cười “bất trung”!


Ai nặng ơn với ta hơn những người đã cứu giúp ta ra khỏi vòng nghèo đói tối tăm? Ấy vậy mà khi trở nên sang giàu danh tiếng, ta hay quên những ân nhân ấy: vì nếu ta nhắc đến họ, là nhắc luôn đến buổi hàn vi của ta, cái buổi âm thầm lam lũ mà bây giờ ta chỉ muốn quên đi, giấu đi để khỏi ai biết tới. Triết lý của họ như của Thúc Sinh: lấy câu vận mệnh khuây dần…



Thù tướng Hòa Lan Nassau từng bao lần cứu nước ra khỏi cơn nguy biến, một hôm về chơi vùng quê Gorcum. Nhiều người đã nói đến tai ông rằng dân chúng đâi đa số gọi ông là “lãnh chúa”, nhưng ông không tin. Hôm ấy, vào lúc đang đông buổi chợ, ông lững thững dạo quanh, tươi cười chào hỏi người này người kia, thì thấy không một ai đáp lễ mình cả.

Ra về, ông buồn rồi đâm ra ốm o gầy mòn, chẳng bao lâu tạ thế.

Nếu ông sinh ở bên ta, có lẽ chẳng đi đến cái chết mau như thế, vì từ đời nào, chúng ta đã biết là “bạc thì dân”



Có kẻ khi rủng rỉnh bạc tiền, đi đâu cũng có hàng trăm người theo sau… Đến khi thất cơ lỡ vận, cả trăm người đều lảng tránh. Cả trăm người này đâu phải là vô ơn! Họ sẽ cãi rằng: chẳng qua khi có tiền, ta cầu vui, thì họ đến giúp vui, ta muốn có tài đức, họ đem gán cho tài đức; đến khi ta hết tiền, có can chi tới họ nữa đâu! Nếu có kẻ mang ơn trong đó, thì kẻ ấy lại chính là ta, vì không nhờ vào họ, ta đâu được vui, ta đâu được tiếng khen tài đức!

Cho nên, nói chuyện ơn huệ ở đời, là một sự chẳng nên, một điều không lịch thiệp.

Có chăng chỉ làm rác tai những kẻ chịu ơn, mà không khiến được họ biết ơn thêm chút nào.

Herriot kể chuyện một ngày kia ở thành Athènes, có anh hàng thịt đương giơ dao chặt khúc chân giò, vô ý suýt nữa chặt phải tay mình, may có người hàng xóm đứng bên đỡ được cho khỏi bị thương. Mấy hôm sau, hôm nào người này sang chơi cũng nói:

- Bác nhỉ, lúc ấy không có tôi thì què rồi, cón làm ăn gì được!

Người hàng xóm cứ nhai nhải thế mãi. Anh hàng thịt đến sau nhịn không nổi, chìa dao ra trả lời:

- Đây, tay tôi đây, bác chặt đi cho rảnh, từ rầy đừng làm khổ tai tôi nữa!



Dương Hổ, tướng nước Vệ, phải tội, trốn sang Tần, vào thăm Triệu Giản Tử, phàn nàn:

- Từ nay, tôi quyết không gây dựng cho ai nữa!

- Tại sao vậy?

- Ngài tính: khi tôi tại chức, trong hàng các quan hầu cận, các quan trong triều, các quan biên thùy, tôi gầy dựng cho đến quá nửa. Thế mà bây giờ, hầu cận thì gièm pha, triều đình thì xử tội, biên thùy thì truy nã…

- Ngài nói thế thì lầm lắm. Trồng đào mận, hè được bóng mát, thu ăn quả ngon. Trồng tật lê, hè không có bông, thu trổ chông gai. Ngài sở dĩ gặp bước này, là tại trước kia gầy dựng cho toàn những hạng không ra gì! (1)

Nếu theo Triệu Giản Tử, chẳng hóa ra phải chọn người trước đã, rồi hãy làm ơn cho: nghĩa là thi ân còn nên phòng trước lấy sự báo đền.

Lượng bao dong chẳng cũng hẹp hòi lắm sao?

Có lẽ cũng nên nhận rằng đời ít kẻ vô ơn hơn người ta vẫn tưởng, vì những kẻ sẵn lòng làm ơn, đâu có nhiều nhặn gì!

Ai muốn sống cách nào, tưởng cứ nên tùy cái thích của mình.

Thích coi tiền bạc như bùn đất, tung nó ra mà xem lũ người tranh giành. Thích giùm giúp mọi người trong lúc khó khăn. Thích thế nào, nào ai ngăn cấm được mình! Nhưng nên nhận định rằng bất cứ trong trường hợp nào, cũng chỉ là làm theo ý mình, giúp người là tạo niềm vui cho chính mình, như thế họa chăng sau này mới khỏi than phiền gặp ai vô ơn vì người ta nợ mình thì mình biết rõ, mà mình nhiều khi lại rất lơ mơ về những gì mình nợ người khác.



Đời Tam Quốc, Hứa Du, mưu sĩ của Viên Thiệu, bày mưu cho Tào Tháo hạ thành Ký Châu, khiến quân Tào tiến được vào cửa thành này: Hứa Du thúc ngựa lên trước, ngoảnh lại nói với Tháo:

- A Man, không có tôi thì đời nào anh vào được tới đây!

Tháo cười, không nói gì, vì biết trước rằng Du sẽ chết vì tật ngông nghênh vô ý thức ấy.

Mấy hôm sau, Hứa Chữ đi tuần bên ngoài, chiều về gặp Hứa Du ở cửa thành. Du lại nói:

- Không có ta thì thứ các ngươi vào được cửa này à?

Hứa Chữ giận quá, tuốt ngay gươm chém Hứa Du toi mạng.



Quốc Sách chép lời Đường Thư khuyên Tín Lăng Quân.

Bấy giờ Tín Lăng Quân giết Tần Bỉ, cứu Hàm Đan, đem quân đắc thắng trở về: Triệu vương mừng rỡ, ra đón tận ngoài thành. Đường Thư bẩm riêng với Tín Lăng Quân:

- Thần nghe: có việc không thể cho biết được, mà cũng có việc ta không thể không biết; có điều không quên được, mà cũng có điều không thể không quên. Người ghét ta, ta không thể không biết; ta ghét người, không thể để cho người biết. Người làm ơn cho ta, ta không thể quên; ta làm ơn cho người, ta không thể không quên. Nay ngài phá quân tần, cứu nước Triệu, Triệu vương ra nghênh ở ngoài cõi; vậy khi gặp Triệu vương, ngài nên quên cái công lớn ấy đi.

Tín Lăng Quân nghe theo.

Nhờ đó, Tín Lăng Quân không bị ngờ vực, ghen ghét, không đến nỗi phải tru di như Hàn Tín, Nguyễn Trãi.



Làm ơn càng lớn bao nhiêu, lại càng phải quên đi. Dừng bắt chước những ai hay nói ra vẻ cao thượng:

- Làm ơn không cầu báo!

Có cầu, chưa chắc đã được phần nào…



Lãng Nhân
(Trước đèn)


---------------------------------------

(1) Quốc sách