3 NGƯỜI ĐÀN ÔNG VIỆT Ở LITTLE SAIGON


Cùng là thanh niên trẻ nên cả hai tụ lại với Tấn trong bộ phận kỹ thuật thành nhóm tán gẩu về bóng đá, về quán xá ăn chơi ở Saigon, đời sống của dân nước ngoài hoặc của người Việt hải ngoại… thỉnh thoảng rủ thêm ông công nhân già Bẩy Đăng ra quán lai rai cho vui. Từ khi vào làm ở phòng kỹ thuật, anh cũng không hỏi xem Kha có phải là đảng viên không, nhưng anh biết qui định bất di, bất dịch ở các doanh nghiệp có vốn quốc doanh, một khi đã nắm chức vụ trưởng hoặc phó một phòng ban thì phải có thẻ đỏ.
Vài tháng sau, Kha bắt đầu tỏ ra thích Mỵ, vì vậy mấy bà nhân viên ở phòng kế toán thường thấy bóng dáng của anh ta xuất hiện lãng vãng trên đó. Bộ phận kỹ thuật chẳng dính dáng gì nhiều đến tài chính, nhưng Kha kiếm cớ ngồi lại tán gẩu với mọi người rất lâu. Trong văn phòng nhà máy ở Thủ đức, các bà các cô có dịp rù rà, rù rì to nhỏ với nhau chuyện anh ta say mê Mỵ. Họ nghe Mỵ nói chuyện trước khi vào làm ở đây, cô đã có bạn trai và cả hai hẹn hò sẽ làm đám cưới sau khi cô tốt nghiệp. Đông biết mặt anh chàng bạn trai của cô, vì một lần Mỵ nhờ anh đến khu nhà cô đang thuê ở với gia đình, giúp sửa chữa hệ thống điện trong nhà cứ chập chờn. Lúc xong công việc ra về, anh và bạn trai của Mỵ gặp mặt nhau khi đang lên xuống cầu thang hẹp, anh ta đứng lại chờ vài giây, thoáng nhìn Đông đi qua với túi đồ nghề điện rồi im lặng bước lên .
Anh chàng bạn trai của Mỵ hay ghen dù cao lớn và đẹp trai hơn Kha. Vì vậy khi nghe tin cô bồ của mình có người trong công ty chú ý, anh ta nhiều lần đến văn phòng tìm Mỵ trong giờ làm việc. Sau đó mấy bà ở phòng kế toán - tài chính lại có dịp to nhỏ với nhau khắp trong văn phòng, Mỵ và bạn trai cãi cọ nhau dữ dội vì chuyện Mỵ bị anh ta bắt gặp đi chơi với Kha.
Một thời ngắn sau đó, anh chàng bạn trai cũ của Mỵ biết “đấu” không lại tay kỹ sư con ông cháu cha từ Hà Nội vào, anh ta cũng nhận ra thân phận mình là phó thường dân Saigon nên âm thầm rút lui. Thêm nữa sự lựa chọn của Mỵ đã rõ ràng nên cuộc chiến giữa hai đối thủ không cân sức kết thúc nhanh chóng.
Khi biết kết quả kẻ thắng, người thua trong cuộc chiến giành trái tim của Mỵ. Đông mỉm cười suy nghĩ, sau năm 75 thời thế đã thay đổi làm mọi chuyện lớn nhỏ ở Saigon bị đảo lộn và lật tung lên như vừa bị một cơn cuồng phong thật dữ dội thổi qua.
Khoảng nửa năm sau, anh xin nghỉ việc để tiến hành kế hoạch qua Mỹ đã được âm thầm xúc tiến cách đó hơn một năm. Rồi theo dòng thời gian và các biến cố kế tiếp của cuộc đời dẩn dắt, đưa đẩy Đông đến thành phố Little Saigon này.
Vừa lái xe vừa nhớ lại những chuyện cũ, bổng có tiếng chuông điện thoại di động reo, anh mở máy nghe:
-Đông đây, công việc của anh bên đó xong chưa?
-Vừa mới xong, có thêm một khách hàng ở Garden Grove gọi đến làm vào ngày mai, cắt cỏ và đào hố trồng cây, sân cỏ rộng, anh và Sanchez có đi được không vì ngày mai tôi kẹt rồi?
-OK, anh nhắn giùm số diện thoại và địa chỉ của họ nhé, sáng mai tụi tôi qua đó.
Anh nhìn Sanchez mỉm cười, tuy sáng mai có nhận cắt cỏ cho một khách hàng cũ ở Westminster rồi, nhưng Đông có thể chuyển sang làm vào buổi chiều, vì vậy ngày mai phải kêu thêm người cho kịp kết thúc công việc vào cuối ngày, anh nhìn Sanchez:
-Đan vừa gọi có khách hàng ở Garden Grove, mà anh ta lại bận làm cho một khách hàng khác ở Orange rồi, vì vậy sáng mai chúng ta làm ở đó, ông gọi thêm Juan hay Ben nhé vì phải đào nhiều hố trồng cây.
-OK, chờ tôi ngay chổ cũ nhé – Sanchez lộ nét vui vẻ trên khuôn mặt rám nắng.
-Tôi đưa ông về nhà cho đỡ phải cuốc bộ.
Cho xe chạy thêm một đoạn đến trước nhà Sanchez nằm trong một ngõ cụt vắng vẻ, cách khu nhà anh ở khoảng gần cây số, xung quanh cũng có hai gia đình đồng hương người Mễ, đến nơi ông ta bước xuống mỉm cười chào:
-Cám ơn nhé, gặp lại vào sáng mai.
-OK chào, sáng mai gặp lại.
Vừa cho xe quay đầu trở ra đường, Đông nghe tiếng mấy đứa con chạy ra chào ông bố mới đi làm về bằng tiếng Mễ, tụi nhỏ nhìn thấy anh ngồi trên xe đang mỉm cười, liền đưa tay vẩy và la lớn:
-Hi Don, hi Don!
Tên anh bị tụi nhỏ biến thành Don như tên người Mỹ, cũng có cái hay là anh khỏi phải chọn thêm tên bằng tiếng Anh, còn Đan thì cũng vậy, vì thường được mấy khách hàng da trắng, đen hay nâu gọi là Dan, một cái tên khá phổ biến ở xứ này mà nghe cũng hay hay.
Lái chiếc bán tải vào đậu trong sân gạch trước bên cạnh xe ông chủ nhà Park người Hàn Quốc, gần đó là chiếc xe hiệu Honda cũ của một gia đình người Việt mới dọn về đây được hai tháng từ miền đông bắc để tránh mùa đông lạnh lẻo của vùng biên giới giáp Canada, họ gồm ba người và thuê phòng ở tạm cho đến khi tìm mua được căn nhà hợp ý ở Little Saigon.
Bước theo con đường bên hông nhà về phía cầu thang được làm thêm để người thuê lên tầng trên khỏi qua lối phòng khách, gặp bà chủ nhà đang chăm chút mấy cây cảnh trong vườn sau, Đông gật đầu chào:
-Xin chào, bà đang cắt tỉa cho mấy khóm hoa hả?
-Ồ, rảnh rỗi nên tôi làm chút cho vui, mùa hè hoa cỏ mọc lên xanh tốt quá!
-À, hôm nào không bận khách hàng, tôi sẽ cắt cỏ cái sân sau, ông bà cứ để vậy nhé.
Bà ta mỉm cười nhìn anh gật đầu:
-Cám ơn, anh tốt bụng quá.
Anh theo cầu thang bước lên lầu, hai vợ chồng chủ nhà người Hàn Quốc hiếu khách và sống tình cảm như người Châu Á, thỉnh thoảng họ lại cho Đông món kim chi cay nồng vì biết anh rất thích.
Hai ông bà chủ nhà và cậu con trai ở dưới, tầng trên được họ khéo léo chia ra làm hai phần. Đông ở cánh bên phải, gồm một phòng ngủ nhỏ có nhà tắm và góc bếp riêng biệt gọn gàng nhìn xuống sân sau. Gia đình ông bà Hinh ở bên còn lại gồm hai phòng ngủ, nhà tắm và bếp riêng rộng rãi hơn, tiền thuê nhà hàng tháng của họ cũng cao hơn.
Lúc còn ở Việt Nam, mọi việc nấu ăn bếp núc hàng ngày đã có gia đình hoặc khi đi làm thì Đông ra hàng quán. Nhưng qua Little Saigon, sau một thời gian, anh cũng giỏi việc nấu nướng như đàn ông bản xứ vì biết nếu không tự vào bếp làm thì bị… đói. Cũng tiện là cứ một vài tuần, Đông xách xe ra siêu thị hay đến chợ mua thực phẩm làm sẳn, về nhà khi đói thì cứ bỏ lên bếp nấu nướng, chiên xào… rồi dọn ra ăn.
Thay bộ quần áo làm việc thấm mồ hôi và bám đầy bụi, thuận tay anh bật ti-vi trong góc phòng vừa xem tin thể thao, vừa làm món spaghetti cho buổi chiều, có một thân một mình nên chuyện ăn uống, Đông không cần nấu nướng cầu kỳ.
Qua đây một mình không có gia đình, anh cũng như những người đồng hương khác cố gắng làm việc cật lực, rất nhiều người còn làm thêm công việc khác vào buổi tối để kiếm tiền, vì có nhiều thứ hóa đơn phải chi trả hàng tháng.
Đông còn món nợ của gia đình cho mượn trước để làm “kinh phí” qua đây, may mắn là những năm vừa rồi với sự giúp đỡ của Mai, anh kiếm được một số kha khá và hoàn trả cho gia đình được một phần khoản vay mượn đó, phần còn lại anh tìm cách thực hiện trong thời gian tới.
Anh nhớ lời hứa với Chi ngày ra đi qua đây, lúc đầu cô bạn gái không hiểu ý định của anh, nên nước mắt của cô đổ đầm đìa và đòi chia tay vĩnh viển với anh. Đông phải giải thích rất lâu, rồi nhờ bà chị ruột ở nhà, thêm bà chị họ nói rõ chuyện làm đám cưới giả của anh, Chi mới yên tâm và nguôi ngoai phần nào.
Bây giờ đã tự do, anh thấy vẫn còn yêu Chi, người bạn gái cũ ở Saigon nên muốn cô qua đây sống với mình. Nhưng đến lúc này không biết suy nghĩ của Chi ra sao, thời gian gần ba năm rồi, lại xa mặt cách lòng… Chắc anh phải về Việt Nam, vừa thăm gia đình và thuyết phục Chi vì đến bây giờ cô vẩn chưa lập gia đình, có lẻ đang chờ đợi Đông…
Dọn món spaghetti trong cái dĩa to và thố rau xanh lên bàn, Đông vừa ăn vừa xem giải bóng rổ giữa các trường đại học, chuyển qua xem kênh tin tức vùng Orange có gì lạ trong ngày, mọi thứ ở Little Saigon có vẻ bình ổn trôi qua.
Nhìn đồng hồ, ở Saigon lúc này mới vào khoảng mười hoặc mười một giờ trưa, chắc cả nhà chuẩn bị ăn cơm. Đông lấy điện thoại gọi về hỏi thăm sức khỏe mọi người, và cho biết là tháng tới anh sẽ về Saigon. Cả nhà tỏ vẻ rất vui, nhất là mẹ anh khi bà nghe anh vẫn khỏe và đang đi làm bình thường.
Kết thúc cuộc gọi về cho gia đình, Đông ngồi trầm ngầm suy nghĩ, phải gọi cho Chi biết, hi vọng đang cuối giờ trưa ở Saigon, cô đã rảnh rỗi với công việc. Anh dự tính nói ngắn gọn cho cô bạn gái biết sắp tới anh về Việt Nam, còn những chuyện nhiều chi tiết dài dòng, Chi vẫn thích Đông gửi qua mail để cô đọc lúc không bận rộn.
Anh lấy điện thoại ra gọi, tiếng chuông kêu khá lâu, Đông đoán Chi còn đang bận công việc, vì thường nếu rảnh và thuận tiện, Chi sẽ trả lời ngay. Tạm dừng cuộc gọi, chờ vài phút sau anh gọi lại lần nữa, có tiếng của Chi từ Saigon:
-Anh Đông, lúc nảy Chi còn bận nói chuyện với khách hàng, anh khỏe không, cơm tối chưa đó?
Tiếng Chi hôm nay có vẻ vui, chắc công việc tốt đẹp:
-Ừ! anh đây, mới vừa ăn tối xong, vẩn khỏe, lúc này mùa hè nên trời khá nóng, chừng nào em mới nghỉ để ăn trưa, em khỏe chứ, còn công việc vẫn đều đều hả?
Đông nghe cô cười trong máy:
-Ừ, em vẫn khỏe, hơi bận rộn vì công viêc khá nhiều, chút nửa nói chuyện với anh xong thì đi ăn trưa, anh ăn tối một mình hay hai mình đó?
Biết Chi chọc mình, anh nhìn con mèo của bà chủ nhà hay chạy lên đây mỗi khi thấy anh về rồi cười:
-Hai mình, mình kia im lặng không nói gì hết, chỉ thỉnh thoảng đòi ăn …
Biết Đông chọc tức mình, cô cười to:
-Mai mốt em mà qua đó, sẽ cho con mèo đó biết tay nhé
-Ừ, em nói lớn quá làm con mèo đó sợ chạy mất rồi… tháng tới anh về thăm nhà và Chi, mình sẽ nói chuyện nhiều hơn, anh sẽ mail cho em trước ngày đi …
Không nghe tiếng Chi ừ hử ở đầu kia, chắc cô đang suy nghĩ gì đó hay có ai đến hỏi công việc nên phải ngưng lại, lát sau tiếng cô trả lời:
-Ừ, trước khi bay về anh gửi mail cho em nhé, bây giờ bye nhe, em đi ăn trưa đây
-Ừ, nhớ rồi anh sẽ gửi trước khi đi, bye bye!
Chi thông minh và rất siêng năng với công việc được xếp trên giao, nên sau hai năm từ khi Đông ra đi, cô được lên chức trưởng phòng chăm sóc khách hàng của công ty.
Nhớ lại lần đầu anh đến công ty của cô mua một vài thiết bị điện về thay cho máy móc trên phòng thiết kế mẫu, hôm đó gặp ngay Chi ra nói chuyện và giới thiệu về các sản phẩm của các nước một cách lưu loát, Đông ngạc nhiên vì thấy cô gái mang kính cận, mặt mũi trắng trẻo này lại trả lời anh một cách rành rẽ các thắc mắc kỹ thuật đến như vậy.
Sau khi mua thiết bị của bên công ty Chi về lắp ráp và chạy tốt, Đông vẩn giả bộ gọi lại cho cô để hỏi thêm chi tiết về vận hành, bảo trì… rồi từ từ thành ra quen. Đông hẹn cô đi uống cà phê và một thời gian sau đó, cả hai trở nên thân thiết và hiểu rõ về gia đình nhau rất nhiều.
Lần này về Saigon, anh sẽ thuyết phục Chi và gia đình cô để họ yên tâm về cuộc sống bên này. Sau khi cả hai làm đám cưới xong, anh sẽ làm thủ tục bảo lãnh cho Chi qua Mỹ.
Nhưng phần quyết định đi hay ở là do Chi, anh suy nghĩ không hiểu là cô có luyến tiếc công việc hiện nay ở Saigon không, vì cô đang có tương lai tốt ở một công ty nước ngoài tiếng tăm.
Có tiếng gõ bên ngoài, anh mặc thêm áo thun rồi ra mở cửa, thấy bà Hinh đang mỉm cười, trong tay cầm cái túi nhỏ có vài quả táo đỏ:
-Cậu Đông chắc ăn tối rồi hả, hồi chiều tôi và ông xã đi siêu thị thấy táo ngon nên mua nhiều, biếu cậu vài ba trái ăn thử.
-Dạ, cám ơn cô chú nhiều, cháu cũng mới vừa ăn tối xong, chiếc xe chắc chạy tốt?
-Tốt rồi! từ hôm cậu sửa chửa đến nay chạy ổn, nó cũng cũ nên chắc cũng sắp đến lúc chúng tôi phải mua xe mới.
-Nếu lúc chạy thấy nó còn trục trặc, cho cháu biết để xem lại, thật sự hôm cháu coi thấy máy xe còn khá tốt…
-Cám ơn, tôi về đây, chúng tôi cũng vừa ăn tối xong, buổi tối nếu cậu rảnh rổi thì qua nói chuyện với tụi tôi cho vui.
-Dạ cám ơn cô!
Có ông bà hàng xóm cũng là người ở miền nam, nên tầng gác trên này không gian cũng bớt trống trải. Hai ông bà là dân Cần Thơ do vậy tính tình cởi mở, dễ chịu như người miền tây vốn có. Họ qua đây ở và đi làm lâu năm, ba người con đã lớn và lập gia đình, tách ra sống riêng ở Houston, Seattle… Còn họ vừa rồi bán căn nhà ở gần New York, bây giờ thích về đây sống vì muốn ở gần cộng đồng người Việt, rồi khí hậu ở nam Cali cũng ấm áp, dễ chịu hơn.
Lấy dao cắt quả táo ăn, vị ngọt có lẩn chút chua chua và rất giòn, chắc là giống táo trồng ở vùng Washington phía tây bắc có khí hậu trong lành. Sau năm 75, miền nam bị giải phóng, lúc đó anh còn nhỏ, thời đó cả nước đói khổ triền miên, nghe mấy người lớn kể chuyện trước năm 75, còn chiến tranh nhưng người Saigon ăn uống nhiều món ngon sô-cô-la, nho, táo… bọn nhỏ như anh đang lúc đói khổ và chưa từng ngó thấy mấy thứ đó nên nghe kể mà ngơ ngác thèm thuồng. Còn mấy ông cán bộ ngoài bắc lại hay nói mỉa mai đó là… bơ thừa, sữa cặn của đế quốc Mỹ. Vậy mà bây giờ ở Việt Nam, tâm lý sính đồ Mỹ đang là mốt, nhất là dân miền bắc, còn dân Hà nội thì tìm mọi cách gửi con cái của họ qua đây du học và ở lại sinh sống… cuộc đời này sao trớ trêu quá.
Con mèo tam thể của bà chủ nhà ăn xong mấy miếng xúc xích nhỏ anh bỏ trong dĩa, nó nhảy lên cái giường nệm nằm cuộn tròn và lim dim đôi mắt. Tối nào nó không lên phòng trên này làm Đông thấy thiếu thiếu, mai mốt Chi qua đây thấy nó chắc cũng thích, phụ nữ vốn ưa nuôi con vật có bộ lông mềm mại, mà cũng không biết chừng cô sẽ đuổi nó ra khỏi phòng.
Ăn uống xong, sực nhớ lại mấy món đồ nghề còn trong thùng xe, anh đi xuống sân ra lấy cái máy cắt cỏ và mấy dụng cụ cắt, tỉa cành vào gửi trong cái kho nhỏ gần bếp chủ nhà, không thì mấy ông lang thang ban đêm ngoài đường nhanh tay khiêng đi thì khổ, mấy món đó mua lại cũng tốn khá tiền.
Chiều tối vài cơn gió mát từ phía biển thổi vào làm thời tiết oi bức mùa hè dịu bớt, cánh cửa lớn nhà ông bà Park bật mở, cậu con trai Young và con chó Toss giống Labrador lông nâu to lớn ra đứng bên thềm. Anh chàng ta đang là sinh viên năm thứ ba của đại học California Irvine, thấy Đông đứng bên chiếc xe bán tải liền mỉm cười gật đầu:
-Anh Đông khỏe không?
-Cám ơn, tôi vẩn bình thường, anh về thăm gia đình hả?
Young vươn vai và thân hình cao lớn trong cái áo thun thể thao hơi chật so với vóc dáng, đôi mắt sau lớp kính cận nhìn anh cười:
-Cũng gần cuối tuần mà tôi cũng vừa thi xong nên về thăm nhà cho hết tuần này, lúc này mùa hè chắc có nhiều khách hàng?
-Cũng kha khá, bù lại mấy tháng kia – Đông cười nói.
Các thành viên trong gia đình Park rất dể chịu và hòa đồng, chú của Young là một người lính Đại Hàn đến đóng quân ở miền trung Việt Nam vào những năm 60 – 70, nên họ rất hiểu hoàn cảnh phải bỏ xứ ra đi của người Việt ở miền nam sau năm 75.
Hỏi thăm Young về cuộc sống ở trường, nói thêm vài câu chuyện về ngành máy tính mà anh ta đang học tại đại học Irvine, sau đó Đông chào Young rồi đi lên phòng.
Mùa hè nên trời còn sáng lâu, tối nay anh không đi chơi với Đan, Lâm, Trí vì cả ngày nay công việc nhiều nên mọi người thấm mệt rồi. Riêng Lâm ban đêm còn phải làm thêm ở một nhà hàng Tầu ở Westminster để trã nợ tiền mua xe hơi.
Anh quay về phòng mở máy tính xem tin tức ở Mỹ và Việt Nam trên mạng, đọc các trang báo tiếng Anh để thêm hiểu biết, và có thể giao tiếp nhanh chóng với khách hàng không phải là người Việt trong khu vực quận Cam được dễ dàng hơn.
Bây giờ ở quận Cam, người Việt về đây sinh sống rất đông, nhiều người từ Việt Nam mới qua sau này không cần biết tiếng Anh nhiều, họ vẩn kiếm sống được bắng cách xin vào làm cho các cơ sở kinh doanh thương mại, nhà hàng, quán ăn của người Việt Nam.
So với thời gian đầu tiên sau năm 75, người Việt mới di tản qua đây còn ít, sống tản mát ở khắp các bang, nên Little Saigon còn thưa thớt buồn vắng. Bây giờ ở đây rất sầm uất đông đúc, vui vẻ, ra ngõ là gặp đồng hương, nói tiếng Việt cả ngày và chẳng buồn nhớ tiếng Anh, mấy ngày lể cờ xí bay rợp đường.
Nhớ lại mấy thằng bạn cũ thời trung học và hai đồng nghiệp thân lúc còn làm ở công ty may, Đông gửi mail cho các “chiến hữu” biết là anh sẽ về Việt Nam vào tháng tới. Có tụi bạn cũ này, lúc về Saigon rũ nhau đi đây, đi đó mới vui.
Ở Saigon dạo này thấy báo chí trong và ngoài nước đưa tin chuyện nhậu nhẹt bia rượu lan tràn tứ phía, dân Việt Nam nghèo nhưng trở nên có tiếng tăm và số má so với trong dân trong vùng và trên thế giới về khoản bia bọt. Đã là đàn ông từng sống ở Saigon và có nhiều bạn bè như anh thì không thể không biết chuyện ra quán nhậu.
Anh nhớ lại thời còn học ở trường kỹ thuật, mình cũng từng “sát cánh” với các chiến hữu uống say bí tỉ với đủ loại rượu bia được các tổ hợp, xí nghiệp nhỏ pha chế, lâu lâu lại nghe có vài bợm nhậu lăn đùng ra chết vì uống nhầm rượu dỏm.
Lần này anh về chắc cũng khó thoát khỏi bị lôi kéo ra quán ngồi lai rai vài chai, ôn lại những chuyện xưa với đám bạn cũ, nhất là tụi nó biết Đông vừa có thêm mác Việt kiều.
Gửi xong mấy cái mail về Saigon, anh ra gần cửa sổ phía trước nhìn xuống, đã qua mười giờ đêm nhưng vẩn còn nhiều xe cộ chạy tới lui trên đường, vài người không nhà mang vác túi to trên vai đi lang thang bên kia vỉa hè trông thật tội nghiệp . Nhiều người trong cộng đồng Việt Nam ở Little Saigon qua đây đã lâu, sau vài chục năm, có người tìm được cuộc sống ổn định và trở nên giàu có, cũng có người không nhà cửa, chịu cảnh sống lang thang ngoài đường.
Nước Mỹ có những tỷ phú rất nổi tiếng, nhưng cũng có nhiều người nghèo khổ, vô gia cư nếu không có việc làm hay sa vào chuyện bài bạc và nghiện ngập, bất kể đó là dân Việt Nam, Mễ hay Mỹ.
Đông nhớ về Việt Nam, cũng cảnh người già lang thang trên các vỉa hè Saigon bên cạnh những quán nhậu đầy người xin ăn, họ bươi móc lượm rác kiếm tiền sống qua ngày và hầu như ít được ai quan tâm, ngồi bên cái bàn với chai bia nhìn những hình hài đó lây lất bên lề cuộc sống thấy chạnh lòng vì họ còn khổ sở thê thảm hơn ở đây.
Bên căn phòng của ông bà hàng xóm cũng im ắng, đứng ở cửa ra vào anh nghe tiếng nhạc tiền chiến nho nhỏ vang ra, không gian về đêm của khu nhà thật yên tĩnh.
Buổi sáng đón ông già Sanchez và Luis gần chỗ góc đường cũ, sáng nay không có Juan và Ben vẫn còn bận làm cho khách hàng hôm qua, chờ cho cả hai bước lên, Đông phóng xe ngang trung tâm Little Saigon và rẽ qua đại lộ Beach, chạy thêm một đoạn rồi quẹo vào đường Chapman.
Khách hàng sáng nay là một gia đình người Việt qua đây từ ngày đầu năm 75. Căn nhà có khu vườn rộng rãi, ngoài việc cắt cỏ, họ còn nhờ nhóm của Đông đốn bỏ một cây ăn quả mọc gần góc nhà sau, rồi trồng lại một cây khác ở vườn sau. Người đàn ông trung niên là con trai vị cựu sĩ quan VNCH ra nói chuyện với anh bằng tiếng Việt và tự giới thiệu tên là Kiêm, rồi ông ta nhanh chóng nói yêu cầu công việc, Đông gật đầu rồi quay ra nói chuyện với Sanchez và Luis, để tự hai người Mễ phân công việc cho nhau.
Anh ra lấy máy cắt cỏ sân trước, thỉnh thoảng quan sát ngôi nhà mái ngói mầu xám hai tầng có kiểu kiến trúc cổ nằm giữa sân cỏ rộng, đoán chắc gia chủ là người có cuộc sống thành công trên đất Mỹ.
Tiếng máy cưa của Sanchez đang ở trên cao tỉa cắt bớt nhánh của cái cây cho thưa bớt trước khi đốn nó xuống, Luis với đôi vai vạm vở đang dùng xẻng đào hố, anh chàng Mể trẻ này qua Cali được hơn một năm, ở cùng trên con đường gần nhà Sanchez. Khuôn mặt Luis mang nét Tây Ban Nha nhiều hơn dân bản địa Mễ, món tóc xoăn hơi nâu và nụ cười đẹp hồn nhiên kiểu dân La Tinh, thêm ngoại hình cao lớn, rất dể hớp hồn mấy cô gái. Đông mỉm cười, ở đất Saigon chắc hắn ta rất đắc đào.
Cắt xong gần hết cỏ sân phía trước, Sanchez ra gọi anh vào phụ đốn cái cây cao, Đông nhìn lên thân cây, sau khi bị cắt cành bây giờ nó gần như trụi lủi, ông ta cầm cuộn dây thừng chuẩn bị leo lên để cột neo thân cây:
-Tôi leo lên thang cột dây xong rồi cắt phần trên cao, anh ở dưới giữ dây để hạ nó xuống từ từ nhé.
-OK.
Sanchez trèo lên thang tìm vị trí đứng chắc chắn và móc dây an toàn để khỏi ngã, xong xuôi nổ máy cưa cắt gọn phần ngọn, Đông chờ ông ta tắt máy và đưa tay ra dấu, anh thả lỏng sợi dây thừng cho nó hạ chầm chậm xuống. Trên cao Sanchez quan sát rồi đưa ngón tay cái lên ra dấu được rồi. Bây giờ cắt nốt đoạn thân thấp còn lại bên dưới, rồi đến phần thân sát dưới gốc, cả hai thở phào nhẹ nhỏm, không có sự cố bất ngờ nào xảy ra, không có khúc cây nào sút dây văng xuống trúng nhà hay hàng rào thì cũng gây ra lắm rắc rối. Mấy công việc này nhờ một tay Sanchez có nhiều kinh nghiệm và cẩn thận nên anh thấy đở phải lo lắng chuyện xui rủi xảy ra.
Ông ta đi ra góc vườn sau xem Luis làm việc, cả hai cùng đào hố, sau đó cắt bỏ bớt rễ của cái cây vừa mới bị đốn, Đông quay lại tiếp tục với công việc.
Đến giờ nghỉ trưa, cả ba dừng tay ra sau vườn lấy đồ ăn trong hộp ra, một chú nhỏ người Việt từ trong nhà mang ra ba lon nước trái cây mát lạnh cho nhóm thợ, chú nhóc nhìn Đông rồi nói tiếng Anh vì có lẻ không rành tiếng Việt:
-Bà cháu nhờ đưa nó cho mấy chú.
-Cám ơn nhiều nhé, tên cháu là gì – Sanchez mỉm cười.
-Tên cháu là Kevin.

(còn tiếp)

Vũ Phan