Bửa cơm tối ở nhà Ba Du cũng như mọi khi, chỉ có hai người, và hôm nay không có bầu rượu, vài món rau, cá kho và nồi cơm độn với bắp, khoai, Ba Du nhìn ra sân thấy hai con chó đang nằm rồi nói:
-Tối nay mình ra chỗ cái đập và quay ba cái cửa lên, hôm chú Nam về Saigon, tôi có ra quán Năm Bình, nghe tay gác trạm nói bên phòng nông nghiệp xã vừa ra lệnh cho mở cửa lớn thêm, dò hỏi thêm thì được biết là sau khi đã mở, họ ít để ý hay theo dõi là đã mở lên bao nhiêu, chỉ ghi lại sơ sài thời gian đóng, mở trong sổ trực …
-Theo tôi để ít bị chú ý, mỗi lần cũng chỉ nên mở ba cái cửa lên thêm từ từ …
Nghe Nam góp ý, Ba Du gật đầu, anh nói tiếp:
-Để mực nước hồ hạ xuống nhanh, chắc cũng phải gần đến cuối tháng hai hả anh Ba?
-Ừ, chắc cũng cỡ thời gian đó, nghe Năm Bình nói bên du kích và công an xã đã rút khỏi chốt trong rừng rồi, ngày mốt cần vô buôn gặp Điểu Sơn vì lần trước tui có nhờ ngâm giùm hai bầu rượu thuốc, để lúc rảnh ra nhà Năm Bình lai rai với mấy tay gác trạm
Nam cười hiểu ý khi nghe Ba Du nói, anh biết Ba Du rất “quyết liệt” khi tham gia công việc này, mục đích nhậu với mấy tay đó là để dò la thêm tin tức và phản ứng nếu chuyện này bị họ phát hiện, nhưng cũng phải mời mọc cho thật tự nhiên, khéo léo, vì công an xã cũng rất tinh ý và thâm sâu, khi nghi ngờ, họ sẽ âm thầm theo dõi, và có thể giăng bẩy để thủ phạm vừa lộ ra là sa lưới.
-Tối khoảng nửa đêm, nghe tiếng cú kêu ba lần, chú Nam ra bờ hồ nhé, thử cái tay quay xem nó ra sao
-Theo anh Ba thấy sau khi lặn xuống dọc đám rừng chồi và nơi con suối chảy ra hồ, nơi nào có khả năng là điểm chôn giấu hai cái thùng?
Ba Du nhìn anh, suy nghĩ giây lát rồi trả lời:
-Theo câu chuyện chú Nam kể lại từ ông quản gia đồn điền, vị trí chôn hai cái thùng gẩn bờ suối rất dốc bên đám rừng chồi, tui nghĩ đó là con suối lớn mà hiện nay bị cái đập chắn ngang rồi, còn rừng chồi dọc bờ hồ khá dài và rậm rạp, do đó không biết địa điểm chính xác là nơi nào, từ lúc có cái đập, nước dâng lên cao làm thay đổi dưới đáy, khi nào mực nước hạ xuống, đào thăm dò từ từ thì mới biết chính xác …
Nam gật đầu vì Ba Du nói có lý, rừng chồi dọc bờ hồ dài hơn năm mươi mét, thời gian trước năm 75, nó có thể còn lớn hơn, bằng chứng là dưới đáy hồ dọc bên dưới còn rất nhiều thân cây bị đốn nằm la liệt …
Về nhà nằm ngủ sớm, đầu óc Nam suy nghĩ lởn vởn về địa điểm mà ông quản gia tiết lộ, bây giờ địa hình, cảnh vật đã thay đổi rất nhiều từ đó đến nay, đào thăm dò từng chút một thì kéo dài và lâu, như vậy nguy cơ bị phát hiện lại càng lớn cả từ bên này và bên kia hồ. Qua hết tháng hai thì thời gian chỉ còn thêm ba, bốn tháng nếu đúng như tin đồn là xã sẽ đưa người vào quản lý cái hồ và thu hồi đất đai xung quanh.
Không ngủ được, Nam ra ngồi hóng mát trên khúc gổ ngoài sân, đêm nay trời đầy sao, một ít gió từ dưới hồ thổi lên, tiếng vài con chó tru từ những căn nhà xa xa vang lên trong màn đêm tịch liêu. Những con chuột đồng phóng mình đuổi nhau kêu chít chít trong đám cỏ làm con Đốm gầm gừ chồm dậy chạy ra sục sạo. Ngồi chờ thấy lâu, Nam định lấy thuốc lá ra hút, nhưng sợ có ánh lửa gây chú ý nên đành nhịn.
Ba tiếng cú kêu vang lên trong đêm tối, anh vào nhà lấy cái tay quay, đóng cửa và đi xuống bờ hồ. Chiếc xuồng từ từ tách ra xa và bơi về hạ lưu, thuận hướng chảy của dòng nước, nên anh Ba Du cũng không phải mất nhiều sức.
Đến nơi, cả hai cẩn thận quan sát rồi mới cập xuồng vào gần gốc cây me tây, cạnh đó ba chiếc xuồng nhỏ đang nằm chen chúc sát bên nhau. Nam lắng nghe động tĩnh trong trạm và trên con đường, phía trước Ba Du cầm cái tay quay ra dấu cho anh nhớ quan sát và kêu báo động, rồi khom người nhanh nhẹn chạy đến phía sau trạm, sau vài giây nằm im nghe ngóng, bóng Ba Du phóng vụt lên con đập và biến mất sau mấy trụ bê-tông, tiếng nước chảy nghe rào rào trong đêm tối. Nam căng thẳng ngồi chờ dưới xuồng, không biết cái trục quay tự chế có xài được không, hy vọng là thuận buồm xuôi gió.
Hơn năm phút trôi qua, vẩn chưa thấy Ba Du chạy về, Nam hồi hộp lắng nghe mọi tiếng động xung quanh, tiếng nước chảy rào rào thoát qua ba cửa đập bắt đầu nghe lớn hơn, rồi bóng Ba Du khom người phóng nhanh về cái trạm, vài giây sau đã nhảy lên xuồng.
Ở phía mủi, Nam nhanh chóng bơi ra xa, cả hai nhẹ nhàng khua mái chèo đưa chiếc xuồng quay trở về, gần đến nhà, Nam hỏi nhỏ:
-Được không anh Ba?
Ba Du im lặng gật đầu, chờ chiếc xuồng vào gần bờ, Nam nhảy lên, đưa tay ra dấu và gật đầu hẹn sáng mai sẽ gặp lại, con Đốm chạy ra tận ngoài này chờ, anh vuốt ve nó rồi nhanh chân theo con đường đi về nhà.
Buổi sáng, Nam qua vác cuốc qua nhà Ba Du để hỏi công việc tối hôm qua, xem khi sử dụng cái tay quay đem từ Saigon lên ra sao, gặp Ba Du cũng đang chuẩn bị ra làm cỏ chỗ đám khoai, anh hỏi:
-Tay quay lúc đưa vào trục ống, hai cái có khớp với nhau không anh Ba?
Ba Du gật đầu:
-Vừa khớp, quay ba cái cửa sắt lên khá nặng nên phải hơi lâu, mấy món đó chú Nam nhớ tìm nơi cất giấu kỹ lưỡng, đề phòng khi nghi ngờ, du kích và công an khám xét đột xuất, tốt nhất là đem ra giấu trong khu rừng chồi …
Nam gật đầu, thấy yên tâm vì món hàng quan trọng này được thợ ở Saigon chế tạo khá tốt, không làm cho công việc bị trục trặc, trước khi anh quay trở ra ngoài rẩy, Ba Du dặn:
-Lúc nào rảnh chú Nam cứ ra làm việc thường xuyên, giẫy cỏ, tưới nước, dọn cây chồi …
Hiểu ý Ba Du muốn dặn dò như vậy là muốn không để bị ai chú ý, cả buổi sáng Nam cuốc sạch cỏ mọc lẩn trong các luống khoai, dọn cành cây nằm rải rác khắp nơi về một chỗ, sau khi lấy một mớ về làm củi, anh đốt cái đống còn lại cho đất trống trải, đồng thời lấy tro làm phân bón, ngọn lửa bùng cháy trên các cành cây khô kêu lách tách liên hồi và làm khói bốc mù mịt lên cao.
Ở phía xa, Ba Du đang rải phân cho đám khoai, mặt trời đã lên cao và phát ra ánh nắng chói chang, hơi nóng bao trùm lên mặt hồ, cây rừng. Đống lửa cháy mỗi lúc một lớn, mấy con bọ nhỏ và hai, ba con chuột đồng bị nung nóng bỏ chạy ra ngoài, bổng một con rắn đen trũi nhanh nhẹn trườn ra và trốn vào đám khoai, Nam đang sẵn cuốc trong tay, chạy tới đập vài cái làm con rắn quay lại và ngóc đầu lên sẵn sàng tấn công, anh liền bước lui ra xa, nhìn thấy con Đốm đang sục sạo mấy con chuột đồng ở gần đám rừng chồi, nên kêu nó:
-Đốm, Đốm, Đốm …!
Nhưng nó đang say sưa săn đuổi lũ chuột nên không chạy đến, con rắn thấy không còn bị đe dọa tấn công nên tìm đường lủi trốn. Nam nhớ món thịt rắn ăn rất ngon nên muốn hạ gục nó, anh cầm cuốc đi theo, thêm vài cú bổ xuống, nhưng con rắn trườn đi rất nhanh, nên mấy cú đánh vẩn không trúng. Ở phía xa, Ba Du nhìn thấy các động tác của Nam cứ bổ cuốc liên hồi nên đoán ra anh đang cố bắt con rắn, nên vừa chạy nhanh đến, vừa kêu con Ki, nó hiểu ý liền chạy theo Ba Du đến chặn đầu con rắn và nhe nanh dọa tấn công. Sau một lúc lay hoay với sự tinh khôn của con Ki, Ba Du phang một cuốc trúng cái đầu làm nó nằm im, rồi nhìn Nam cười nói:
-Chiều nay lai rai được rồi đó chú Nam
Nam cũng mỉm cười, đúng là dân sống trong nương rẩy, rừng núi, bắt được con gì, ăn con đó, thời buổi thiếu thốn này đâu thể kén chọn, cũng như mấy ông sĩ quan bị bắt đi học tập cải tạo lâu năm , đi lao động ra ngoài rừng ăn đủ thứ cây cỏ, côn trùng … vì quá đói.
Chiều dọn xong cỏ, cây bụi quanh nhà, Nam vác cần ra hồ câu kiếm thêm cá, để ý thấy nước hồ bắt đầu hạ xuống, còn khoảng mười ngày nửa mới hết tháng hai, để xem đến lúc đó mực nước còn bao nhiêu. Thay mồi vài lần, câu được hai con cá mè to, Ba Du xong công việc trên rẩy cũng đi vòng qua đám rừng, đến ngồi nói chuyện và xem Nam câu, anh hỏi:
-Hôm nào mình lặn xuống dưới lần nửa anh Ba?
-Ừ, ngày mai vô buôn, ngày mốt buổi chiều nghỉ tay sớm, tui và chú Nam ra hồ tắm rồi lặn xuống …
-Anh Ba tính lúc nào ra quán Năm Bình?
-Ngày mai có hai bầu rượu rồi, câu vài được con cá lăng hay ba ba làm mồi nửa thì ngon hơn …, cuối tuần mình ra rủ mấy tay đó nhậu lai rai, dò xem tình hình và có ai ở trạm nhận ra vụ mở rộng cánh cửa đập hay không …
-Gần cuối tháng hai, mình ra mở thêm lần nửa chắc ít làm họ chú ý
Ba Du gật đầu nói:
-Từ đây tới lúc đó để coi tình hình ra sao, à … tui qua rủ Hai Tuất chiều nay sang lai rai thịt rắn, chú Nam ngồi câu đi nghe …
Ba Du đi về lấy xuồng bơi qua nhà Hai Tuất, thêm được vài con, vậy ngày mai đem cho nhà Điểu Rút và Điểu Sơn hai con cá mè to, mấy con còn lại để ở nhà ăn.
Vừa tắm xong, Ba Du cũng đang từ bên kia hồ bơi về tới ngang qua chỗ Nam:
-Hai Tuất chừng mười lăm phút phút nửa sẽ qua, chú Nam lên nhà rồi qua liền nghe, tui về nhà chuẩn bị trước
Cầm cái giỏ đựng mấy con cá ra phía sau nhà và bỏ tất cả vào cái thùng, Nam vào trong thay quần áo chuẩn bị sang bên kia. Đi ngang chỗ trái mít anh hái bỏ nằm trong góc mấy ngày trước, mùi thơm bay ra, ấn tay thử lên lớp vỏ gai thấy mềm, Nam cầm dao cắt nó làm đôi, lấy một múi ăn thử, vị ngọt lan ra trong miệng.
Khép cửa nhà, anh cầm nửa trái mít qua nhà Ba Du làm món độn tối nay, con Đốm luôn chạy đến trước, nó không bỏ lỡ dịp nào để gặp con Ki.
Ba Du đã bày sẵn món thịt rắn bằm xả trên tấm phản, xung quanh có thêm rau sống và dĩa rau lang luộc đầy ú, mùi khoai nướng trong bếp than đang bay phảng phất trong gian bếp, thấy Nam để nửa trái mít lên mặt phản và lấy dao cắt ra làm bốn miếng nhỏ, Ba Du nói:
-Để lại một, hai miếng sáng mai đi đường ăn chú Nam
-Bên nhà còn nửa trái, mai tôi sẽ mang theo, anh Hai Tuất chưa thấy qua …
-Chắc cũng sắp qua tới, ảnh chờ bà xã về rồi mới đi
Ngoài sân hai con chó sủa vì thấy bóng người từ bờ hồ đi lên, Hai Tuất tay cầm chai rượu bước vào nhà cười vui vẻ:
-Chú Nam khỏe không, buổi sáng đập được con rắn nên tôi mới có cớ nói với bà xã qua đây lai rai
Nam cười trả lời:
-Có anh Ba nhanh tay đập vài cuốc trúng nó mới chết, còn khi tôi đập thì nó bò nhanh quá …
-Tóm lại là nó tới số rồi mới lạc vô đây hả Ba Du?
Anh và Ba Du cười khi nghe Hai Tuất nói, dọn thêm ba cái chén, đũa và muỗng, Ba Du lên ngồi, lấy chai rượu ngâm mít Hai Tuất vừa mang qua rót đầy ba cái ly rồi mời:
-Cạn ly đi anh Hai, chú Nam!
Hai Tuất ăn thử món rắn bằm xã liền khen:
-Ba Du làm món này ngon quá
-Con rắn này cũng gần hai ký, tui chỉ làm có món này, nên còn nhiều lắm, ăn mạnh lên nhé
-Lúc này bên đó có tin gì không anh Hai – Nam hỏi
-À, không có tin gì mới chú Nam, dính dáng tới huyện, xã họ không cho dân biết đâu … nhưng chắc rồi cũng êm xuôi
-Bên đó anh đang trồng bắp hay đậu – Ba Du hỏi
-Có bắp, có đậu, trong làng có người trồng thử mấy loại củ dong riềng, mới quá không biết ra sao … cái chính cũng là để ăn độn như khoai, bo bo
Ngừng lại nhấp ly rượu và ăn miếng thịt rắn, Hai Tuất nhìn Ba Du và Nam nói tiếp:
-Cách đây khoảng một tuần, cậu em của bà xã tui ở Saigon dẩn người bạn lên chơi, cậu này lúc ăn cơm thấy cái chén cũ sứt mẻ có hỏi tôi bán lại cho cậu ta, tôi nói ở nhà còn hai cái chén này là đồ ông già lúc đi làm đầu bếp ở đồn điền để lại như đồ kỷ niệm, nên tôi không bán được, cậu ta tiếp tục nài nỉ, ban đầu trả một chỉ vàng 24 một cái, tôi vẩn từ chối, sau cùng cậu ta trả ba chỉ, bà xã tôi thấy được giá quá, nên muốn bán cho cậu ta hai cái chén đó …
-Anh có bán hai cái chén cho cậu đó không? – Ba Du hỏi
-Tôi còn giữ ở bên nhà, tay đó biết nhìn đồ cổ, nghe cậu em nói là tay sưu tầm và mua bán ở Saigon …
Ba Du nhìn anh và Hai Tuất, cả ba đang theo đuổi những ý nghỉ riêng trong đầu, căn nhà nhỏ bổng nhiên im lặng. Nam nghĩ, ba chỉ vàng 24 cho cái chén cổ là một số tiền lớn, còn trong hai cái thùng dưới đáy hồ thì có bao nhiêu món đồ cổ trong đó. Ba Du đột nhiên lên tiếng:
-Hai cái chén đó có giá đó chứ anh Hai, thôi cạn ly, mồi còn nhiều lắm!
Nam gắp miếng rau lang luộc chấm vào chén mắm ớt cay, anh vẩn thích món dân dã ngọt, mềm này. Hai Tuất đốt điếu thuốc và có vẻ trầm tư đôi chút, Ba Du ăn miếng mít gật đầu khen:
-Cây mít nhà chú Nam ngon, lúc mới vô đây tui thấy ông già ở bên đó mới trồng được chừng vài tháng, bây giờ nó thành cây to
Hai Tuất cũng ăn thử một miếng, rồi gật đầu. Im lặng một lúc, Hai Tuất cầm ly lên nói:
-Uống hết ly này tôi về nhé anh Ba
Nghe tiếng hai con chó ở trước sân gầm gừ sủa, Nam ra đứng trước hàng hiên quan sát chung quanh, con Ki và con Đốm đang hướng về phía rừng cao su, đôi tai vểnh lên thẳng đứng, màn đêm dầy đặc bao trùm lên cảnh vật …
Tiễn chân Hai Tuất ra bờ hồ, Ba Du cắm cây đuốc tre vào mủi xuồng, ánh sáng của nó rọi lung linh xuống mặt nước, anh và Ba Du đứng nhìn chiếc xuồng và Hai Tuất bơi xa dần về tận bờ bên kia.
Khởi hành từ sáng sớm, sau khi đến nơi, Nam và Ba Du đã giấu chiếc xuồng vào đám cây rậm ven bờ, và bắt đầu lội bộ qua rừng. Tuy biết không còn chốt gác ngang đường, nhưng Ba Du vẩn cẩn thận đi trước. Mặt trời mới ló dạng ở hướng đông, không khí còn mang vẻ ngáy ngủ trong màn sương mỏng, tiếng gà rừng và chim cu gáy thấp thoáng gần xa. Qua con dốc cũ, cả hai đi qua đường mòn mà không gặp một ai, tới con suối đầu tiên, anh và Ba Du ngồi nghĩ một lát và uống nước, Nam nhúng cái gùi bên trong có hai con cá xuống suối, rồi nhanh chóng đi tiếp.
Vào đến buôn, Ba Du đi về phía nhà Điểu Sơn, gọi lớn tiếng vài ba lần, nhưng không có ai ở nhà, biết Điểu Sơn và bà vợ đang bận ngoài rẩy hoặc đã vào rừng, cả hai đi qua nhà Điểu Rút, đến nơi Nam bước lên thang, đứng gần cửa lớn tiếng:
-Cậu Điểu Rút, Ngọc Minh có nhà không?
Bà xã Điểu Rút từ trong đi ra, thấy Nam và Ba Du liền cười nói:
-À, anh Ba và chú Nam, ổng mới đi ra rẩy rồi, dặn khi nào anh Ba và chú Nam vô, ra kêu về, còn Ngọc Minh mới chạy về nhà cũ, nhiều khi vô vườn cây trong đó hổng chừng …
Nam cầm hai con cá trong gùi đưa bà ta:
-Cháu và chú Ba câu ngoài hồ, một con của ở nhà, một con cho chú Điểu Sơn, lúc nảy qua bên đó nhưng không có ai ở nhà
-Chú Nam để bên này, chút nửa tui mang qua bên đó sau, anh Ba ngồi chờ, tui đi ra rẩy kêu ổng về
Nam đến căn nhà cũ của Ngọc Minh, cửa đóng im lìm, anh thử gọi:
-Ngọc Minh ơi, có ở nhà không?
Không thấy ai trả lời, anh đi ra vườn cây, ánh nắng ban mai trải rộng trên khắp khu vườn, tiếng chim rừng ríu rít bay trong không gian tĩnh lặng của cái buôn nhỏ. Nam rẻ vào dưới lối đi xanh mát của khu vườn, đưa mắt tìm Ngọc Minh xem cô ở đâu.
Dưới nhánh cây xoài treo lủng lẳng đầy trái, Ngọc Minh đang dùng sào tre có cái rọ nhỏ để hái trái chín, cái gùi mây bỏ nằm trên cỏ . Anh chầm chậm đến gần để làm cô bất ngờ, Ngọc Minh vẩn đang chú ý những trái xoài trên cao, nên không nghe tiếng chân anh đang đi tới, Nam đứng lại và gọi:
-Ngọc Minh, anh mới đến!
Cô hơi giật mình, quay lại nhìn Nam:
-Anh Nam, mới vô hả, khỏe không, hôm nay du kích còn gác trong rừng không, có chú Ba Du cùng đi vô đây không?
Anh gật đầu, cầm bàn tay nhỏ của cô và cười nói:
-Anh khỏe, chú Ba đang ngồi chờ ở nhà, bửa nay trong rừng vắng rồi, Ngọc Minh khỏe không, để anh phụ hái cho
Thấy Nam cầm tay mình, cô mắc cỡ trả lời:
-Ừ, Ngọc Minh khỏe mới đi hái xoài chứ, anh Nam hái phụ đi, về nhà trưa cho ăn
Tính Ngọc Minh vẩn hay chọc phá, hái thêm năm, sáu trái xoài chín, cô kéo tay dẩn Nam đi qua cây mận, khế gần đó, Nam hỏi:
-Mấy ngày gần đây, trong này có gì lạ không Ngọc Minh?
-Dạ, không có gì mới anh Nam, cậu Điểu Rút và chú Điểu Sơn nói trong rừng không thấy ai vô đốn cây nửa
-Ừ, trên huyện và xã còn đang cấm …
-Ngọc Minh tính về thăm nhà cô, em của ba ở ngoài thị xã An Lộc vào tuần tới, anh Nam đi lên đó thăm cô với Ngọc Minh nhé?
Nghe cô hỏi, Nam dừng lại vài giây để suy nghĩ rồi trả lời:
-Ừ, được! lúc này anh cũng không bận công việc làm rẩy, Ngọc Minh tính đi ra thị xã mấy ngày?
-Thị xã cũng gần, Ngọc Minh tính đi sáng sớm, rồi chiều về vẩn kịp
Nam gật đầu, nhưng thắc mắc chưa biết đi như thế nào, vì anh và Ngọc Minh thì ở xa nhau, không biết như vậy buổi sáng đó sẽ đón xe lên thị xã ra sao.
-Chút nửa về nhà Ngọc Minh xin phép cậu Điểu Rút – cô có vẻ vui vì Nam đã đồng ý
-Còn cách đón xe đò thì anh ra đâu để đi cùng chuyến xe với Ngọc Minh?
-Ừ, mình hẹn nhau khoảng mấy giờ ra đón xe, chỗ anh Nam đón ngoài quốc lộ ở phía dưới nơi Ngọc Minh từ trong buôn hay ra đón xe, hôm đó Ngọc Minh sẽ ra ngoài đó sơm để chờ, anh Nam từ ngả ba nông trường đón xe chạy ngang qua, Ngọc Minh thấy chiếc nào có anh Nam, Ngọc Minh sẽ lên chuyến đó
-Lở chuyến xe đó đầy khách rồi thì sao?
-Ngọc Minh ngồi ghế súp cũng được, bửa nay thứ sáu rồi, Ngọc Minh tính sáng thứ hai mình đi ra thị xã được không?
-Ừ, khoảng 6 giờ sáng anh ra ngoài đường đón xe, Ngọc Minh từ trong nhà ra kịp không?
-Ừ, chút xíu nửa Ngọc Minh về hỏi cậu Điểu Rút, chú Điểu Sơn về đường đi, vì từ buôn này ra đó hay quá giang xe của lâm trường …
Hái thêm mận và khế gần đầy gùi, Nam ngẩng đầu nhìn thấy mặt trời đã lên cao, Ngọc Minh cầm tay anh nói:
- Thôi mình đi về
Gần đến nhà Ngọc Minh lên trước, Nam cõng sau lưng cái gùi đầy trái cây bước lên thang. Điểu Rút đang ngồi nói chuyện với Ba Du, anh theo cô vào gian bếp, bà mợ Tranh đang nấu bửa trưa, nồi cơm độn khoai, vài món rau rừng hái ngoài rẩy về luộc, nấu canh.
Có tiếng của Điểu Sơn mới đi rừng về, anh đi ra nhà ngoài, bà xã Điểu Rút thấy đã gần trưa nên dọn bữa lên, Ngọc Minh phụ bê thêm mấy món kia ra và hỏi Điểu Rút:
-Cháu với anh Nam tính sáng thứ hai ra thăm cô ở thị xã, anh Nam đón xe từ ngả ba lên lúc 6 giờ thì kịp không cậu?
-Ừ, kịp mà! để cậu hay Điểu Sơn đưa cháu ra lộ chừng lúc 5 giờ rưởi, cậu Nam đón chuyến xe chạy từ Chơn Thành lên lúc 6 giờ, từ đây lên thị xã cũng gần, chiều khoảng 2 giờ đón xe về, cậu hay mợ sẽ ra đó chờ
Ngọc Minh nhìn Nam cười tươi, hai người đàn ông S’tiêng và Ba Du có vẻ vui và ưng ý khi thấy Nam cùng đi với Ngọc Minh ra thị xã thăm bà cô ruột sống ở đó, riêng bà Tranh thì không giấu được niềm vui, bà ta lăng xăng tới lui dù các món đã được dọn lên hết, tính tình mộc mạc, chân thành của người miền núi khiến Nam thấy họ dể mến.
Xong bửa cơm trưa đạm bạc, Ba Du và Nam chào chủ nhà và Điểu Sơn ra về, Ngọc Minh sợ sáng thứ hai tới anh quên nên dặn lại lần nửa, và nhờ Ba Du chở Nam ra xã, dĩ nhiên Ba Du gật đầu và rất sẵn lòng giúp anh việc này.
Trên đường về, nhìn vào trong gùi ngoài hai bầu rượu, còn có cái ống nứa tròn to, một đầu bịt kín bằng lá khô, Nam thắc mắc:
-Cái ống đựng hột giống hay món gì vậy anh Ba?
-Ờ, lá cây khô như trà, nấu nước uống làm cho người tỉnh táo
Nam thấy cũng còn thắc mắc, nhưng không hỏi tiếp, Ba Du nói với anh:
-Chiều chủ nhật ra ngoài nhà Năm Bình rủ mấy ông trong trạm lai rai, sáng mai mình đi giăng lưới hay đi câu cá lăng nghe chú Nam.
Sáng chủ nhật, sau khi bắt được một mớ cá con làm mồi, cả hai chèo xuồng lên phần hồ phía trên thả lưới, xong rồi liền quay ra câu cá, đúng là một ngày may mắn, gần trưa Nam và Ba Du câu được hai con cá lăng, và lưới được gần chục con vừa cá rô, vừa chép.
Trời xế chiều, đúng hẹn Ba Du cập chiếc xuồng vô bờ gần nhà cho Nam nhảy lên, hai con chó đứng nhìn theo, con Đốm sủa vài tiếng ngắn và quay về nhà khi chiếc xuồng đi xa mất hút.
Cho xuồng đậu vào góc cây me tây, Nam và Ba Du lắng tai nghe tiếng nước chảy qua đập nghe rào rào, sợi dây ni-lông căng ngang ba cánh cửa sắt bên dưới đập để chặn rác, thân cây đã nổi hẳn lên mặt nước.
Quán Năm Bình chiều chủ nhật vắng khách, thấy Ba Du và Nam xách rượu và mồi ra rủ lai rai nên đồng ý:
-Anh Ba với chú Nam ngồi chơi uống trà đi, tôi mang cá vào cho bà xã làm món nhậu, chiều nay làm món cá lăng hấp anh Ba thấy sao?
-Ừ, món đó ngon đó anh Năm, sẵn có ông Tỵ hay ông nào trực trạm chiều nay rủ đến lai rai luôn cho vui
-Chiều nay thằng Sung trực, nhưng chút nửa tôi đạp xe vào nhà ông già Tỵ gọi ra
Nắng chiều dần xế trên những mái nhà im lìm dọc con đường chạy qua trước quán, Ba Du và Nam hút thuốc lá, uống trà, thỉnh thoảng có người khách vào ngồi uống xong ly cà phê rồi trả tiền ra đi. Mùi cá hấp gừng từ sau bếp theo gió bay lên trước quán, có tiếng xe đạp chạy về phía quán, Năm Bình dựng xe rồi bước vào nói:
-Ông Tỵ và thằng Sung chút nửa đến, mình cứ dọn lên lai rai trước đi, giờ này cũng hết khách vào uống cà phê rồi
Năm Bình phụ bà xã dọn món cá hấp lên cái bàn, Nam mở nút bầu rượu bằng lá chuối khô rót ra ly, màu nó nâu nhạt nhưng có mùi thơm nhẹ, anh nhấp thử thấy rượu hăng hăng, có lẻ được ngâm với rể, lá cây trong rừng, Năm Bình nâng ly mời Ba Du và Nam:
-Thôi mình vô hết ly đầu nhé Ba Du, chú Nam, rượu thuốc hả anh Ba?
-Ừ, loại này trị đau nhức xương khớp, chống mệt mỏi
Nghe Ba Du giới thiệu về rượu này, người ta có cảm tường nó là thuốc trị bá bệnh đau, nhức, mỏi dành cho người lao động tay chân, nặng nhọc và mấy ông lớn tuổi
Món cá hấp ăn với rau sống, nước mắm cay và rượu thuốc đem từ buôn về có vẻ rất hợp, thật sự với dân nhậu miền quê có mồi ngon, khác lạ và rượu đế là quá đủ, nếu thêm loại rượu nào tăng cường sinh lực cho quí ông thì lại càng hấp dẩn.
Đang bàn luận về thời tiết năng mưa, cây cối … thì ông già Tỵ và tay nhân viên trực trạm hôm nay đến, Năm Bình đứng dậy lấy thêm ghế và nói:
-Ông Tỵ và Sung vào ngồi đi
Ba Du rót rượu vào hai cai ly và giới thiệu:
-Đây là chú Nam, làm rẩy gần đất tui trong đó, lâu quá mới gặp lại, khỏe không ông Tỵ, còn chú này tui thấy hơi quen?
-À, thằng này tên Sung, nó cũng ở trong tổ kỹ thuật với Năm Bình và tui
-Ông với chú Sung làm ly đầu tiên đi, rồi ăn thử món cá hấp đưa cay, lúc nào rảnh ông với anh em ngoài này vô trong chỗ tui và chú Nam nhậu một ngày đi …
Cạn ly rượu Ba Du mới rót, ông ta nói:
-Rồi, đồng ý, còn chú Nam hôm tết hình như tui có gặp ở quán này, rượu thuốc hả anh Năm?
-Ừ, của Ba Du đem từ buôn ra, bồi bổ gân cốt, chống nhức mỏi, làm tăng sinh lực cho người già, sức trẻ thêm dồi dào …
Mọi người đều mỉm cười khi nghe Năm Bình giới thiệu rượu như mấy tay sơn đông, mãi võ ngày xưa đi qua các làng xóm, thị trấn để bán hàng
-Ông Tỵ uống rượu này chắc về bà xã ở nhà khen thêm – tay nhân viên tên Sung cười nói
Ông ta đáp lại:
-Mấy thằng trẻ như mày chưa vợ không được uống nhiều nghe Sung, nó xung lên là mày mệt đó
-Vậy tui với chú Nam không được nhậu hôm nay hay sao?
Trong bàn nhậu, mọi người cười lớn, Ba Du dò hỏi:
-Chú Sung tối nay trực ở trạm, bây giờ uống lai rai như vậy có bị kiểm điểm gì không?
-Có anh Năm Bình đôi lúc ra kiểm tra trực gác ban đêm thôi, khi nào xã có lịnh thì đóng mở mấy cái cửa và ghi sổ là xong công việc
Nam nghe tay nhân viên này nói thì hiểu họ không để ý đến cửa đập mở lớn hay nhỏ, vậy là yên tâm, sắp tới ra đập mở mấy cánh cửa lên từ từ, dù sao cũng nên cẩn thận, Ba Du nhìn Năm Bình hỏi:
-Anh Năm chắc đâu phải trực gác ban đêm hả?
-Nếu có ai bận hay bệnh đột xuất thì tôi trực thế một, hai ngày
-Thôi, cạn ly đi ông Tỵ, chú Sung
Món cá lăng hấp gừng được chiếu cố tận tình, Nam không dám uống nhiều vì nhớ sáng mai còn đi ra An Lộc-Bình Long với Ngọc Minh, nhưng loại rượu này say nhẹ nhàng, không biết tối về nhà thì ra sao, Ba Du nhờ Điểu Sơn ngâm nó với rễ, lá cây rừng chắc có dụng ý gì đây.
Bên ngoài quán có một người đàn bà trung niên, y phục, tóc tai xơ xác đến đứng trước cửa, tay cầm cái giỏ tre đựng mấy món ve chai lượm lặt ngoài đường, ông già Tỵ nhìn bà ta nói:
-Bà này bị mất trí, tụi du kích nói bả lang thang từ thị xã Bình Long vô đây, không nhà cửa, con cái …
-Tui lại nghe mấy bà ngoài chợ nói chồng bà này đi học tập ngoài bắc gì đó, còn con cái thì bỏ kinh tế mới về Saigon rồi – Năm Bình nhìn bà ta nói
Nam thấy bà ta hiền khô, chỉ đứng bên ngoài quán cười cười, không nói bậy, chưởi bới hay nhìn ngó ai, Năm Bình cầm tiền ra đưa vào tay bà ta, mọi người trong bàn mải lo nói chuyện, ăn uống, còn bà ta một lát sau thì bỏ đi mất.
Ông già Tỵ và tay công nhân tên Sung ngồi nhậu đến khi Năm Bình rót cạn những giọt cuối cùng trong bầu rượu, cả hai đưa tay chào cả bàn để đi về trạm gác.
Năm Bình pha hai ly cà phê đen mang ra cho Ba Du và Nam, ngoài đường trời đã nha nhem tối, ánh đèn dầu vàng vọt từ trong quán chỉ đủ sức hắt ra đến hàng hiên, những hàng quán khác trên con đường đi qua xã đã khép kín cửa, vài đứa nhỏ sau bửa cơm chiều ra trước hiên nhà chạy chơi với mấy con chó chạy theo sau sủa ăng ẳng. Uống xong hai ly cà phê, cả hai đứng dậy ra về.
Nam và Ba Du nhìn vào cửa sổ sáng ánh đèn khi đi về ngang trạm, không thấy ai trong đó, ông già Tỵ sau chầu nhậu chắc đã đi về nhà. Cả hai lên xuồng rồi chậm rải bơi về, chiều tối gió trên hồ thổi qua thật mát và dể chịu làm Nam thấy đầu óc tỉnh táo lại, về gần đến nhà, anh nói với Ba Du:
-Sáng mai chừng 5 giờ nhờ anh Ba đưa giùm ra ngoài xã để đi Bình Long
-Ừ, nghe tui gọi thì chú Nam đi ra
Trời còn mờ tối, Nam dậy thật sớm, ăn qua loa củ khoai, mấy trái chuối, và góc mít chín, rồi ra bờ hồ ngồi đợi Ba Du, con Đốm chạy theo anh ra ngoài đánh hơi loanh quanh đám cây cỏ.
Sờ tay vào túi quần sau để xem mình có nhớ mang theo cái bóp đựng giấy tờ tùy thân, tiền bạc. Nam nhớ lại hồi còn đi buôn đường dài, thỉnh thoảng anh có đến vùng ngoại ô cái thị xã nhỏ bé đó để mua bán nông sản, xong công việc là đưa hàng ra xe và đi về Saigon, chưa lần nào anh bước chân vào trong các con đường của thị xã An Lộc.
Sáng sớm vài con cò siêng năng đang sải cánh bay qua mặt hồ trong xanh, yên tĩnh, buổi sáng tuyệt đẹp mà ít khi có được ở một thành phố lớn. Từ xa Ba Du đang bơi tới cùng chiếc xuồng, hơi ngạc nhiên khi thấy Nam đang ngồi chờ bên bờ hồ, Ba Du cười hỏi:
-Chú Nam ăn sáng chưa?
Anh gật đầu rồi lên ngồi trước mủi, chiếc xuồng lướt đi về phía hạ lưu, Ba Du hỏi:
-Chiều chú Nam có cần tui ra đón ngoài xã không?
-Thôi khỏi anh Ba, cũng không chắc lúc nào về đến, đi bộ về cũng không xa
Tới nơi, Ba Du cho xuồng cập vào sát gốc cây me, Nam nhảy lên bờ và ra dấu cám ơn, rồi đi lên con đường lớn. Trời vừa sáng mờ mờ, một vài công nhân khuôn mặt xanh xao lặng lẽ đi bộ ra bải xe của nông trường. Anh đi ngang qua ủy ban và trụ sở của đội du kích và công an kế bên, bên ngoài ba, bốn tay du kích vừa cởi trần, vừa mặc áo đang đứng trước cửa nhìn ra đường. Nam đi nhanh đến bãi xe, tìm hỏi mấy ông tài xế chạy chuyến ra quốc lộ xin quá giang, gặp ông già Tỵ đang đứng nói chuyện với hai tay công nhân bên chiếc máy cày, ông ta gật đầu cười khi anh đi ngang qua.
Anh đi về phía cuối bãi đất, hỏi xin quá giang ông tài xế già có khuôn mặt đen sạm, má hóp, đang ngồi hút thuốc trên cái ống cống bê-tông vỡ nằm bên đường, ông ta gật đầu, chỉ tay về phía chiếc xe tải cũ. Leo lên thùng xe, Nam nhìn sang bên kia đường, anh nhận ra người đàn bà trung niên hay cười một mình tối qua đến đứng trước quán của Năm Bình, tay vẩn xách cái giỏ nhỏ, bà ta đang cười với mọi người đi qua lại, nhưng ai cũng vội vã bước đi như không thấy, nhìn dáng điệu bên ngoài, Nam đoán bà ta không phải là người đã sống ở một cái tỉnh lẻ hay vùng quê xa xôi.
Chiếc xe tải bỏ anh xuống bên đường, buổi sáng đường quốc lộ 13 nằm im lặng, và chạy dài xa tít về hai phía rừng cao su bạt ngàn. Nam đứng chờ bên con dốc, vài chiếc xe máy cày có rờ-móc chở công nhân phía sau chạy về các lô cao su, nếu không có những chiếc xe cà tàng từ nông trường ra vào hàng ngày, chắc vùng rừng núi này đìu hiu lắm, chạy qua đây chỉ còn những chuyên xe đò, xe bộ đội lên An Lộc, Lộc Ninh để qua bên kia biên giới Miên. Một chiếc xe đò tuyến Chơn Thành – Bình Long chạy trờ tới, Nam đưa tay ra dấu, tay lơ xe ngồi phía sau ló đầu ra hỏi:
-An Lộc, Bình Long?
Anh gật đầu, hắn ta bung cánh cửa cho Nam bước lên, anh đến ngồi ở hàng ghế trống phía bên phải. Trên xe có chừng sau, bẩy hành khách vừa đàn ông, đàn bà, chiếc xe hậm hực cố chạy lên con đường dốc phía trước, tay lơ cẩm khúc gổ đập mạnh vào cái thùng đốt than sau xe tiếp sức cho nó lướt qua khỏi đọan dốc ngắn.
Chiếc xe chạy trên quốc lộ thênh thang, Nam chú ý nhìn bên phải con đường, không biết Ngọc Minh có ra kịp không, hai bên nương rẩy và rừng cao su vẩn chạy dài nối tiếp, trên xe không ai nói chuyện , ông tài xế lắc lư tay lái mỗi khi vòng tránh ổ gà sâu trên mặt đường. Đến gần một trảng cỏ trống nhỏ bên lề, Nam thấy Ngọc Minh đang đứng chờ với Điểu Rút gần cột mốc bê-tông bên đường, vai đeo cái túi vải thổ cẩm có hoa văn nhiều màu, một tay xách giỏ mây.
Nam đưa tay ra dấu cho họ thấy và nói tay lơ dừng xe. Tay tài xế dừng sát bên đường đón khách, Nam gật đầu chào Điểu Rút, thấy Nam ngồi trên xe, ông ta ra dấu cho Ngọc Minh bước lên, chiếc xe gầm lên và chạy về phía trước, anh đưa tay chào Điểu Rút đứng le loi bên đường nhìn theo.
Mọi người trên xe quay lại nhìn Ngọc Minh đang tới ngồi kế bên Nam, họ có vẻ thắc mắc trong giây lát rồi thôi, anh cầm tay cô hỏi nhỏ:
-Ngọc Minh đứng chờ xe lâu không, ăn sáng chưa?
Khuôn mặt cô tươi cười dưới vành cái nón vải, cô lấy trong cái giỏ mấy trái lêkima chín đưa cho Nam, anh cười cám ơn vì cô nhớ anh thích ăn loại trái này, Ngọc Minh nói:
-Ngọc Minh đem trái cây hái trong vườn nhà cho cô nè
Cô ngồi hơi dựa vào vai Nam, chiếc xe chạy ngang nhiều khu vực còn mang dấu vết chiến tranh trước năm 75, đồn canh, bót gác cũ nằm trên những quả đồi trọc trơ trọi màu đất đỏ, những trụ sắt giăng mắc kẽm gai, những khung xe màu xám, những tấm vĩ sắt … đã rỉ sét theo năm tháng và thời gian. Tất cả gần như không thay đổi so với cảnh vật cách dây hai, ba năm lúc anh có dịp đi qua đây.
Ngọc Minh đưa anh chai nước, Nam lắc đầu ra dấu chưa thấy khát. Đến gần ngoại ô thị xã, tay lái xe cho chiếc xe chạy chậm lại và dừng kế bên trạm kiểm soát trên đường, tất cả mọi người phải xuống xe và vào trong xuất trình giấy tờ tùy thân, phụ nữ qua một bên, đàn ông qua một bên. Đến lượt Nam bước vào căn phòng nhỏ, ngồi sau cái bàn gổ là một tay ca có đôi gò má nhô cao, khuôn mặt vuông vức, anh đưa tất cả giấy tờ cho ông ta, sau vài phút xem xét, tay ca cầm trả lại và hỏi:
-Đi thăm bà con?
Nam gật đầu, đưa tay lấy hết giấy tờ cho vào bóp và bước ra bên ngoài, Ngọc Minh đang đứng chờ phía trước, cả hai quay lên xe, chờ thêm một lát cho hành khách lên đầy đủ, tay lơ đập mạnh vào cái thùng sau, chiếc xe lăn bánh qua đoạn cuối để vào thị xã. Vài căn nhà thấp thoáng sau vườn cây bên đường, lác đác những chiếc xe bò, xe đạp và người đi bộ lướt qua hông xe, anh quay sang hỏi:
-Ngọc Minh có hay về thăm bà cô không?
-Lâu rồi Ngọc Minh chưa về, chắc cũng gần nửa năm rồi …
Chạy ngang qua một ngôi nhà hai tầng rộng rải có mái ngói nâu đen, rêu phong nằm trong một cái sân lớn, các bức tường bên ngoài bám đầy bụi đỏ, phía bên ngoài hàng rào vẩn còn ba ụ lô cốt, trước cổng có tấm bảng ủy ban nhân dân tỉnh Bình Long, Ngọc Minh đưa tay chi và nói:
- Văn phòng của tiểu khu đó anh Nam, hồi xưa ba làm việc ở đó
Tài xế cho xe chạy chậm lại và từ từ rẻ vào bến xe thị xã, và đậu sát bên những chiếc xe đò cũng có tuổi đời già nua như nó, Nam và Ngọc Minh ra khỏi bến, anh nói:
-Để anh xách cái giỏ
Trước cổng một tay công an và một tay du kích đeo băng đỏ đứng nhìn người ra vào bến xe, cái loa treo trên cột đèn đường đang oang oang hát, ca ngợi chiến thắng của bộ đội và du kích miền đông đánh bại kẻ thù đế quốc Mỹ và tay sai ngụy quân, bọn Pôn Pốt xâm lăng. Vài chiếc xe đạp ôm trờ tới, Ngọc Minh lắc đầu, mới khoảng chín giờ sáng, không khí trong thị xã của một tỉnh lẻ trầm trầm và buồn tẻ như người đang ngủ gà, ngủ gục.
-Nhà cô cũng gần bến xe, khoảng gần một cây số, mình đi bộ về
Nam cười gật đầu, cả hai đi trên dải đất cỏ mọc lưa thưa bên đường, nó giống như vỉa hè của con đường chạy qua giữa hai dãy nhà vừa gạch, vừa gổ, dấu vết tàn khốc của chiến tranh còn để lại trên những căn nhà lầu hai tầng thủng lổ chỗ trên tường, mái tôn và cửa sổ bay mất tiêu. Dọc con đường, những cây bằng lăng và phượng vĩ mới trồng vài năm đang trổ những bông hoa màu tím và vàng cam đầu tiên.
Đi bộ khoảng gần cây số, Ngọc Minh dẩn Nam rẽ vào con đường vắng bóng người, những căn nhà im lìm sau hàng rào bông giấy và cây xanh đầy lá. Đến gần cuối đường, Ngọc Minh dừng lại trước căn nhà gổ có khu vườn rộng, cô đưa tay mở chốt sau cánh cổng và đầy mạnh nó vào bên trong, Nam bước theo sau, cô bước đến gần cửa gọi lớn:
-Cô ơi, cô có ở nhà không?
Có tiếng trả lời từ phía hông nhà ngoài vườn:
-Ờ, ai đó?
-Cháu là Ngọc Minh mới lên thăm cô đây
Một người phụ nữ trung niên độ 40 -50 tuổi, tóc hoa râm và búi tó phía sau, mặc quần áo bà ba đen xuất hiện, bà ta mừng rở:
-Ngọc Minh mới lên hả, cả nhà ông cậu và con trong đó có khỏe không?
-Dạ, tất cả mạnh khỏe, cô và mấy anh chị chắc cũng khỏe?
Bà ta gật đầu, rồi nhìn Nam như muốn hỏi cô là ai đây, Ngọc Minh giới thiệu:
-Đây là anh Nam làm rẩy ở gần buôn của cháu, nhà ở dưới Saigon lên Bình Long, cháu mới quen vài tháng nay
Nam gật đầu chào, bà cô dẩn cả hai vào nhà, cô lấy trái cây từ trong giỏ ra:
-Cháu hai trong vườn nhà ra cho cô
-Ừ, để cô vô lấy nước cho hai đứa uống, trưa ở lại ăn cơm nghe, cô làm món này cho tụi mày ăn Ngọc Minh nhìn Nam cười, cô kéo tay Nam ra cái giếng nước phía sau nhà, thả cái gầu nhỏ xuống mặt nước trong khe bên dưới, Nam ngạc nhiên hỏi:
-Nước ở đây trong và gần quá hả Ngọc Minh!
Cô quay cái guồng kéo cái gầu lên và nói:
-Anh Nam rửa mặt, rửa tay đi, nước mát lắm, ở gần đây có cái hồ nên nước giếng nhiều lắm
Vào nhà uống ly nước trên bàn chủ nhà vừa mang lên, bà cô nhìn Nam hỏi:
-Trước khi làm rẩy ở Saigon cháu làm nghề gì?
-Dạ, cháu đi buôn nông sản ở các tỉnh về Saigon
-Thời buổi này đi buôn chắc khó khăn lắm, làm rẩy thì cực khổ như nông dân, nhà cháu ở quận nào dưới Saigon, chắc gia đình ở đó lâu rồi hả?
-Dạ, gần cầu Kiệu, Phú Nhuận, gia đình vào đây từ năm 54 …
-Ờ, cô nghe cháu nói giọng bắc Saigon, khác mấy ông 75, nghe dưới đó dân thành phố vượt biên đi nhiều hả cháu?
Ngọc Minh cười khi nghe bà cô hỏi Nam liên tục, cô nói:
-Cô để anh Nam nghỉ chút đi, ảnh đi đường còn mệt mà …
-Dạ, dân Saigon vượt biên cũng nhiều, bị công an bắt giam và đi học tập cũng nhiều …
-Ừ, cô hỏi thăm cậu Nam bạn cháu chút xíu thôi, thôi để cô xuống nấu cơm trưa đây, Ngọc Minh con dẩn cậu Nam đi chơi quanh vườn đi
Nam rủ cô ra ngồi trên cái băng ghế dài trước hiên, mùa nắng bụi đất đỏ từ mọi ngóc ngách phủ thành lớp trên cây cối và có mặt ở khắp nơi, dường như cái đói, khổ làm cho thị xã nhỏ bé này đã chịu đựng qua những năm chiến tranh tàn khốc, nay lại càng thêm tiều tụy. Nam biết bây giờ đến nhà ai mà ở lại ăn bửa cơm thường gần như là “cực hình” cho gia chủ, chế độ cung cấp lương thực theo tem phiếu đâu đủ sống, nên nhìn mọi người đa số ai cũng hốc hác như nhau, ăn uống thì ít, mà phải nghe nói thì nhiều.
Ngọc Minh vào nhà cầm ra cho anh trái chuối, rồi quay xuống bếp phụ bà cô nấu nướng. Nhìn lại hai cái trụ cổng nhà cô Ngọc Minh làm bằng những ống tròn bắng sắt, sơn màu xám nhà binh, Nam nhận ra đó là vỏ đựng những viên đạn pháo được hàn dính chặt vào nhau.
Hồi năm 72, ở Saigon ai cũng biết đến tên tuổi thị xã An Lộc nhỏ nhắn ở vùng đất đỏ xa xôi này, những ngày ác liệt của mùa hè đó, ít ai nghĩ nó đứng vững trước trùng vây của bộ đội miền bắc, nhiều người ở Saigon còn chế nhạo vị tướng VNCH chỉ huy cuộc kháng cự ở cái tiền đồn nhỏ bé nằm giữa rừng cao su đất đỏ này.
Khi thị xã được giải vây, bộ đội miền bắc bỏ chạy về bên kia biên giới, dân Saigon reo hò tỡ mở, ba Nam thì nói người Mỹ và báo chí nước ngoài hết sức ngạc nhiên và khâm phục những người lính tử thủ An Lộc.
Nhưng chiến tranh là máu và nước mắt, hình ảnh thị xã nhỏ bé biến thành bình địa và người chết vì loạn lạc vẩn còn khắc sâu trong tâm khảm mọi người, thời gian đó gia đình Ngọc Minh và bà cô không biết ra sao?
Bưa trưa được dọn lên cái bàn nhỏ ở nhà trên, một cô gái trẻ, vai đeo cái túi xách và chồng tập vở cột ở yên sau, mở cổng và dẩn chiếc xe đạp vào sân, thấy Nam cô gật đầu chào, Ngọc Minh nhìn cô gái cười nói:
-Chị Lan mới đi dạy về, anh Nam bạn của em gần trong buôn đó, hôm nay lên thăm cô
Anh gật đầu chào, lát sau Ngọc Minh ra kêu anh vào ăn cơm. Bửa trưa thanh đạm, nhưng không thiếu tiếng cười rộn rã của hai cô gái trẻ và bà cô cũng thích nói đùa, hóa ra món trưa nay bà cô làm để “đãi” khách là mắm ruốc kho tóp mỡ, chấm với rau luộc. Nam nhớ rất lâu rồi mình không được thưởng thức món này, thêm phần cái bụng trống rổng nên ăn hết sức ngon miệng dù là cơm độn với bắp, đậu. Cô em họ Ngọc Minh nhìn Nam ăn ngon lành rồi cười với cô, Ngọc Minh liếc nhìn anh cũng cười tủm tỉm, đến lúc sau phát hiện ra, Nam hơi ngượng và múc miếng canh măng rồi ăn uống từ tốn lại.
Cuối cùng là món trái cây từ nhà Ngọc Minh được bày lên bàn, bà cô có vẻ muốn chọc cô nên hỏi:
-Ngọc Minh hình như không thích về Saigon sống dưới đó thì phải!
Ca hai cô gái trẻ cười và hầu như muốn ngã lăn vào nhau, riêng Ngọc Minh thì mặt đỏ hồng lên, còn Nam im lặng ngồi cười, rồi gãi đầu, dấu hiệu khi anh bị bối rối, cuối cùng anh nói đỡ:
-Dạ, má cháu người bắc nhưng cũng dể thôi mà, cháu cũng dể ăn uống, món nam, bắc, trung cháu đều ăn được hết …
-Cháu cũng biết nấu ăn, làm rẩy nè, cô lo quá
Cô em họ tên Lan hỏi Ngọc Minh:
-Ngọc Minh và anh Nam tính về lúc mấy giờ, lúc này buổi chiều có ít xe về Chơn Thành và thành phố
-Ừ, vậy chắc về sớm, để Ngọc Minh phụ dọn chén dĩa đem xuống rửa rồi ra bến xe
Xong công việc, Ngọc Minh và anh chào bà cô và cô em họ ra về, ba người bịn rịn chia tay trong không khí buổi trưa buồn bả, mắt hai cô gái trẻ mang đầy vẻ quyến luyến khi phải xa nhau.
Nam và Ngọc Minh đi bộ trên con đường vắng ra đến bến xe, buổi trưa trong bến vắng vẻ, thấy vài người đang xúm lại vây quanh một người đàn ông tật nguyền cầm cây đàn đi hát rong xin ăn, ông ta đang bị tay du kích nắm cây đàn lôi kéo và lớn tiếng không cho hát nhạc vàng. Người đàn ông đứng im lặng, đôi mắt chỉ còn một bên, mắt bên kia cũng không lành lặn, Ngọc Minh nắm tay Nam dừng lại xem. Thấy tay du kích còn trẻ nhưng hung hăng và có vẻ muốn đuổi người đàn ông ra khỏi bến xe, Ngọc Minh thò tay phải vào cái túi vải đang đeo trên vai, lát sau cô đi đến gần tay du kích, lấy tay vổ vổ nhẹ lên vai hắn ta rồi mỉm cười, nhỏ nhẹ nói:
-Thôi cho ổng ở trong này đi xin tiền bà con đi anh, tội nghiệp người ta mà
Mấy tay tài xế và lơ xe đang đứng gần đó ngạc nhiên thấy cô gái dám đến vổ vai tay du kích xin tha cho người ăn mày, nhưng tay du kích sau vài giây trừng mắt nhìn Ngọc Minh, bây giờ xìu xìu lại, khuôn mặt lờ đờ và không nói tiếng nào, cô lấy tiền trong túi ra cho người đàn ông xin ăn rồi nói:
-Đi đi chú, ảnh cho chú đi rồi đó
Ông ta nhìn Ngọc Minh cúi đầu cảm ơn và chậm rải đi về cuối bến, mọi việc xảy ra quá nhanh, khiến Nam chỉ biết đứng nhìn. Ngọc Minh lấy tay kéo Nam ra chỗ phòng bán vé nằm trong góc bến, cô ra dấu cho bà nhân viên ngồi bên trong bằng hai ngón tay, bà ta mỉm cười với Ngọc Minh và Nam.
Anh và Ngọc Minh lên xe ngồi chờ, lát sau ông tài xế sồn sồn lên ca-bin nổ máy và chiếc xe đò lăn bánh ra khỏi bến.
Trên xe đa số hành bắt đầu ngủ gà gật sau khi qua khỏi cái trạm kiểm soát bên ngoài thị xã, chủ yếu là để xét hàng hóa. Chiếc xe chạy theo đường quốc lộ cũ về Chơn Thành, trên xe Ngọc Minh ngồi dựa vào Nam, thỉnh thoảng nhìn anh mỉm cười, Nam thấy cảm phục Ngọc Minh, đâu ngờ cô gái sống trong cái buôn thượng đó lại gan dạ, không hề nhút nhát, sợ sệt chút nào. Nhưng hình như chuyện Ngọc Minh giúp người ăn xin còn ẩn giấu điều bí mật nào đó mà anh chưa biết, tay du kích kia đâu dể buông tha người đàn ông xin ăn đó.
Hai bên đường nắng chan chan, chiếc xe chạy lên khỏi con dốc thì từ từ dừng lại bên hàng cây điều, tay lơ nhảy xuống và chạy vào con đường nhỏ mất hút bên trong, khoảng vài phút sau, hắn ta và một người đàn bà khiêng ra một cái bao tải, hắn kéo băng ghế sau cùng qua một bên, mở tấm ván sàn xe và nhét cái bao xuống đó, phía trước tay tài xế đảo mắt nhìn quanh con đường và thúc giục:
-Mẹ làm cho nó nhanh một chút đi, tụi nó tới là mất hàng, bị phạt giam xe luôn đó nghe
Tay lơ nhanh tay đây tấm ván về nơi cũ, rồi kéo băng ghế lại và nói lớn:
-Chạy đi anh Chín
Chiếc xe rồ máy phóng vụt ra đường, hành khách trên xe sau vài phút được xem diễn cảnh giấu hàng buôn lậu đường dài lại úp nón lên mặt tìm kiếm giấc ngủ, Ngọc Minh mỉm cười nhìn Nam hỏi nhỏ:
-Lúc còn đi buôn chắc anh Nam cũng hay làm chuyện này phải không?
Anh cười cười trả lời:
-Bí mật, công an mà biết là bắt giam đó, ngủ chút đi, gần đến nơi anh kêu dậy
Cô mỉm cười lắc đầu dưới vành nón, Nam nhìn cái túi bằng vải thổ cẩm mà lúc nào Ngọc Minh lên xe vẩn giữ nó sát bên người. Chiếc xe âm thầm chạy qua đoạn đường dài, đến gần chỗ xuống, Ngọc Minh cầm tay anh nói:
-Ngọc Minh xuống nghe, cuối tuần anh có vô buôn không?
-Ừ, có
Bên kia quốc lộ, bà Tranh đội nón lá ngồi chờ cạnh cột mốc, Nam nhắc lơ xe cho xuống, hắn ta đập tay vào thùng xe cái rầm, chiếc xe dừng lại sát bên lề đám cỏ héo khô. Anh cầm tay Ngọc Minh cho cô bước xuống và gật đầu mỉm cười. Xe tiếp tục lăn bánh trên con đường nhựa giữa ánh nắng gay gắt của mùa khô vùng bán sơn địa miền đông nam, Nam ngoái cổ lại nhìn dáng Ngọc Minh và người đàn bà S’tiêng đang theo lối mòn đi khuất dần vào rừng cao su bạt ngàn.

(còn tiếp)