Không khí đầu năm bị phủ một làn mây xám mỏng vì những tin tức không hay mà Điểu Sơn vừa cho biết, Điểu Rút nhìn Điểu Sơn hỏi:
-Có tin gì về chuyện dời mấy buôn đi qua chỗ này hay chỗ kia không?
Điểu Sơn lắc đầu và nhíu mày trả lời:
-Không nghe gì về việc buôn làng phải đi, nhưng mấy hôm nay vô rừng thấy có xe máy cày của nông trường đang kéo cây lớn bị đốn ra ngoài đường vào buổi chiều tối, không biết mấy ông này là người của nông trường hay huyện?
Nghe nói, anh nhớ lại lúc gặp ba tay đàn ông lạ và chiếc máy cày đỏ đang kéo hai súc cây to, trong đó có một tay Nam nghi là công an xã, họ đánh hơi được những tin tức này trước, nên nhanh tay đốn lậu gổ trong lúc tranh tối, tranh sáng này, Nam im lặng vì biết có nói ra cũng không được ích lợi gì.
Như vậy sắp tới có thể có nhiều biến động lớn xung quanh vùng hồ, những buôn thượng nằm ở nơi xa xôi như buôn này chưa chắc họ để yên.
Dân Saigon như anh vẩn còn nhớ sau năm 75, chính quyền mới dùng chính sách cải tạo thương nghiệp để xóa sổ các gia đình buôn bán lớn nhỏ ở miền nam, và sau đó ép họ phải đi về các vùng kinh tế mới khỉ ho, cò gáy, gây nên thảm trạng cho hàng triệu người. Vì vậy với những buôn làng ở nơi rừng núi hẻo lánh này, dân số chỉ vài trăm người, khi cần họ sẽ không ngần ngại ra tay.
Điều Rút và Điểu Sơn ngồi với vẻ trầm ngâm, Nam biết họ đang lo lắng cho tương lai gia đình, buôn làng nơi mà từ xa xưa người S’tiêng, Mạ … đã sinh sống bao đời, anh nhìn qua Ngọc Minh, thấy cô ngồi tựa cằm lên hai gối chăm chú nhìn về phía vườn cây gần con suối, Nam lấy một trái mận chín đưa cho cô, Ngọc Minh cười lắc đầu:
-Anh Nam ăn đi
Cô thò tay bốc mấy hột điều nướng trong bếp đưa cho anh, Nam bóc bỏ lớp vỏ cháy đen bên ngoài, ăn hột chín vàng bên trong thấy rất bùi, thơm ngon, chợt Điểu Sơn hỏi anh:
-Ngoài nhà chú Nam và Ba Du có nghe xã thông báo gì không?
-À, chưa nghe xã nói gì anh Điểu Sơn, chắc họ con giử kín tin này, mấy người quen với anh Ba Du ngoài nông trường có thể biết …
Nhìn ra trời bên ngoài, Nam đoán khoảng hai, ba giờ chiều, Điểu Sơn đứng dậy đi về, chủ nhà Điểu Rút cũng đứng lên, cả hai bước theo từng bậc của cái thang xuống đất và đi về phía nhà già làng.
-Tôi đi về nhé Ngọc Minh, chiều rồi – anh nói
-Ừ, anh Nam đi qua rừng để ý cẩn thận nhe, có gặp mấy ông đốn cây trong đó thì tránh hoặc đi qua thật nhanh, khi nào chú Ba Du ở Saigon lên, thì anh Nam đi cùng với chú Ba vô buôn
Anh nhìn cô cười gật đầu:
-Cũng không sao, tôi chỉ đi ngang qua chổ họ thôi
-Để Ngọc Minh bỏ mận, lêkima vô gùi, tối về nhà ăn, ừ… thêm nước vô chai để uống dọc đường nửa
Bà Tranh đã vào ngủ trưa trong cái phòng nhỏ, Nam đứng dậy đeo gùi lên vai và ra cửa xuống thang, Ngọc Minh đi theo sau và theo đưa chân anh ra đến đầu buôn.
Đi được một đoạn, Nam và Ngọc Minh gặp bốn, năm đứa nhỏ, có đứa ở trần, chỉ mặc cái quần đùi cũ, tóc cháy sém, đen đúa đang chơi đánh khăng ở miếng đất trống gần bải cỏ. Lần đầu tiên vào buôn anh mới thấy mấy đứa nhỏ vui chơi trên đường làng, thấy Ngọc Minh đi tới, bọn nhóc la lớn:
-Cô Minh!
Ngọc Minh và Nam đi chậm lại, cô nhìn tụi nó cười nói:
-Ừa, mấy đứa chơi vui quá há
Hai anh em K' Chin, K' Lâm cười mím, nhìn Nam và Ngọc Minh rồi nói với mấy đứa kia:
-Chú Nam bạn cô Minh đó, hôm kia cho tao trái đu đủ đó
Mấy đứa nhóc nhau nhau lên:
-Hôm nào có trái cây cho tụi con nghe cô Minh
-Ừ, hôm nào qua nhà cô học, có trái cây cô Minh sẽ cho
Hai đứa con gái nhỏ mặc y phục S’tiêng sặc sở, trên môi nở nụ cười rất hồn nhiên, dể thương, chạy tới nắm tay Ngọc Minh đi theo ra tới đầu buôn, Nam đưa tay lên chào, mỉm cười:
-Ngọc Minh đưa đến đây được rồi, đi về với tụi nhỏ nhé
Cô đưa tay vẩy nhẹ và đứng nhìn anh đi xa dần lên phía con dốc, lên gần đến đỉnh đối, Nam dừng lại và đưa tay chào từ biệt một lần nửa và ra dấu cho Ngọc Minh đi về nhà, và bước nhanh qua bên kia theo đường mòn đi vào dưới tán rừng.
Chiều nay Nam ra về hơi sớm hơn, đã vào mùa khô nên bầu không khí trong rừng dưới tàng lá dầy ngột ngạt, oi bức, tiếng đàn vẹt kêu ồn ào trên các cành cây cao làm cho anh thấy yên tâm, tuy vậy Nam vẩn cẩn thận vừa đi vừa nghe ngóng xem có tiếng động nào khác thường.
Anh đi tiếp, dù mồ hôi đổ ra làm ướt lưng áo, vượt qua con suối nhỏ đầu tiên, Nam chỉ dừng lại trong chốc lát, vốc nước suối rửa mặt cho đỡ nóng và nhúng cái nón vải xuống nước, vắt nhẹ cho khô và đội nó lên đầu, cách giải nhiệt này khá hiệu quả, làm anh thấy dể chịu.
Xốc lại cái gùi trên lưng Nam đi theo lối mòn chạy ngoằn ngoèo lên dốc qua khu rừng thưa. Những tảng đá lớn nằm rải rác đó đây bị nung dưới ánh năng mặt trời từ buổi sáng đến chiều, đang tỏa ra hơi nóng, Nam sờ tay vào thấy nó âm ỉ như cục than trong bếp.
Đi thêm một đoạn đường dài sắp đến nơi đổ dốc xuống con suối kế tiếp, vừa bước vòng qua khỏi một tảng đá, bất ngờ anh chạm mặt với một người đàn ông Thượng trạc tuổi Điểu Sơn, ông ta cởi trần, đóng váy, lưng đeo gùi và tay cầm rựa, đang đi ngược lên về phía anh. Khoảng cách giữa hai người chỉ khỏang ba, bốn mét, Nam nhìn người đàn ông gật đầu chào và tiếp tục đi tới, lúc đi ngang qua nhau, ông ta nhíu mày nhìn anh rồi lại lầm lủi bước đi. Nam ngoái cổ lại nhìn, dáng đi và bước chân ông ta nhanh nhẹ đi trên lối mòn nhỏ qua rừng, cuộc sống của họ đã gắn chặt vào rừng từ bao trăm năm nay, những khu rừng này lâu nay cũng là nhà của họ.
Xuống dốc qua khỏi con suối, Nam đi chậm lại và lấy chai nước ra uống vài ngụm cho bớt khô cổ họng, vừa đi vừa suy nghĩ về những cái tin anh mới nghe trong buôn, nếu Ba Du ra ngoài xã dò hỏi thêm Năm Bình thì sẽ biết chắc chắn là tin đó có thật không.
Nếu chính quyền trên tỉnh bắt đầu cho phá rừng từ giữa năm nay, thì thời gian chỉ còn được gần ba, bốn tháng nửa thôi, theo Ba Du nói thì mực nước hồ thấp nhất là vào tháng 5, cuối mùa khô, vậy làm sao cho nó xuống sớm hơn vào tháng 3 hay tháng 4 là tốt nhất.
Suy nghĩ đến đây, Nam chợt nhớ có lần Ba Du nói với anh, Năm Bình cũng là nhân viên trong nông trường theo dõi việc xã nước từ hồ xuống phía dưới con đập, nếu Ba Du tham gia và thuyết phục Năm Bình làm việc này thì không biết có trót lọt không, vì trước nhất Năm Bình sẽ muốn biết lý do vì sao Ba Du nhờ mở cửa xả nước. Nhưng Nam biết nó nguy hiểm vì Năm Bình không thể tự ý làm một mình, mà phải có lệnh của xã, huyện hay từ ban nông nghiệp mấy xã phía dưới kia.
Nhìn mặt trời nắng gay gắt ở phía tây, Nam nghĩ biết đâu, ông trời ra tay, mùa khô năm nay đến sớm và dử dội hơn tất cả mọi năm, dân thiếu nước làm ruộng, làm rẩy bắt buộc phải mở cửa đập sớm và kéo dài hơn. Đầu óc Nam mải miên man suy nghĩ, anh đi qua trảng cỏ và đến con suối lớn mới dừng lại nghỉ chân một lúc, lấy bao thuốc lá ra châm điếu cuối cùng, rồi đeo gùi lên vai.
Bước theo con đường mòn đi vào khu rừng già thấp thoáng trong bóng chiều tà, nhớ lại lúc gặp mấy tay đàn ông vào buổi sáng nay, Nam bước nhanh nhưng đôi tai vẩn cẩn thận lắng nghe xung quanh, đi ngang qua chỗ gặp chiếc xe máy cày kéo gổ, khu rừng vẩn yên tĩnh, tiếng con chim lạ kêu trong rừng chiều âm u nghe buồn bả, thê lương vọng ra từ những thân cây cao nằm sâu bên trong. Nam đi ngang qua và nhìn về phía cái cây to, bị dây leo quấn rậm rịt, nơi có xương cốt người lính tử trận, anh đưa tay sờ vào túi quần sau, cái thẻ bài vẫn còn nằm ở đó, Nam cầu mong cho linh hồn anh được siêu thóat và hứa sẽ quay lại để chôn cất anh đàng hoàng. Ra khỏi khu rừng vắng, anh đến bờ hồ, nhìn cây cỏ xung quanh bờ, thấy khung cảnh yên tĩnh, anh kéo chiếc xuồng xuống nước và nhảy lên bơi về phía hạ lưu.
Về đến nhà, Nam cột xuồng vào bụi cây, nhìn mực nước rồi so sánh nó với hồi anh mới vào đây lúc tháng mười năm rồi, mực nước hồ mới giảm xuống một ít. Anh cởi cái áo và cái quần dài bỏ lên bờ rồi nhảy xuống tắm, nước hồ mát lạnh cuốn trôi lớp bụi bặm và cái nóng ngột ngạt đeo bám theo anh về đến đây từ trong rừng già, Nam lấy tay sờ vào chỗ con vắt cắn hồi sáng ở sau lưng, nó hơi sưng, rát một tí và làm ngứa ngáy.
Nhớ lại nụ cười của Ngọc Minh, Nam cảm thấy mỗi lúc một yêu mến cô hơn, anh suy nghĩ, dù công việc tìm hai thùng đồ cổ không thành, anh ước mơ Ngọc Minh sẽ đồng ý về sống với anh ở Saigon, hy vọng cô sẽ gật đầu.
Con Đốm nằm trong sân, biết anh đã về nên chạy xuống bờ hồ sủa văng vẳng, lát sau con Ki cũng chạy băng qua ngang qua khu rừng chồi, đến chổ Nam đang tắm, nó phóng mình xuống mặt nước bơi ra, còn con Đốm vẩn sợ hãi, nên ngồi trên bờ nhìn anh và con Ki sủa ỏm tỏi.
Buổi chiều những cơn gió lạnh âm thầm thổi qua rừng cây, Nam cầm quần áo bỏ vào cái gùi và theo con đường về nhà, bên kia hồ mấy ngôi nhà nhỏ trong xóm Hai Tuất ẩn hiện lờ mờ qua sương chiều trông thật ảm đạm, tiêu điều.
Nam đến chỗ cái thùng rộng cá ở sau nhà, bắt một con cá và nhanh tay làm thịt, nhóm bếp lửa rồi bỏ vào chảo rán, nấu thêm nồi cơm nhỏ độn bắp, và một ít đậu, bỏ thêm vài củ khoai lang vào than nóng cho chín để bửa sáng mai ăn.
Ăn tối xong, anh ra sân lôi mấy cái gốc cây cháy dở còn lại chất vào một góc, rồi đốt thành đống lửa sáng rực trong đêm tối.
Quay vào nhà tìm bao thuốc lá, anh sực nhớ buổi chiều, lúc trên đường về đã hút hết điếu cuối cùng, tối nay đành nhịn, nếu ngày mai Ba Du lên sớm, thì khỏi phải ra xã mua, vì lúc nào Ba Du cũng có sẵn, còn không sáng mai, chịu khó lội bộ ra mấy quán tạp hóa ngòai đó mua một, hai bao, sẵn mùng bốn Tết ghé thăm Năm Bình.
Đống lửa ngoài sân gặp cơn gió thổi thốc qua bùng lên nổ tí tách, làm bắn ra những tàn lửa đỏ như đám pháo bông nhỏ, thỉnh thoảng một đoạn tre khô bị nung cháy nổ vang thành một tiếng to như pháo đại, làm con Đốm đang nằm dưới chân Nam giật mình, nó sủa tóang lên và hoảng hốt bỏ chạy ra trốn sau khúc gổ anh đang ngồi.
Đang ngồi nghĩ ngợi về mớ tin tức nghe lúc chiều và công việc sắp tới, xung quanh bóng tối đang xuống dần, con Ki đột nhiên gầm gừ vài tiếng, rồi chạy ra con đường xuống bờ hồ, con Đốm cũng chạy ra kế bên, hếch cái mỏm về hướng đó rồi sủa. Nam nhổm người dậy nhìn ra, hình như có ai vừa cập xuồng vào gần chiếc xuồng của Ba Du, bán tín, bán nghi, Nam cầm thanh tre đang cháy dợm bước xuống đó xem có chuyện gì. Nhìn qua màn đêm mờ mờ tối, hình như Hai Tuất đang đi tới, hai con chó thấy người lạ nên sủa dử, có tiếng gọi tên anh:
-Chú Nam ơi, Hai Tuất đây, lửa củi gì mà sáng rực như pháo vui quá vậy
Anh mỉm cười, Tết mình chưa sang thăm, thì ổng đã qua đây rồi, Nam đứng dậy ra hàng mít chờ, Hai Tuất chân phải hơi khập khiểng đi tới, nhìn anh cười tươi tỉnh, tay cầm cái bình nhựa nhỏ, Nam đoán chắc là qua đây rủ anh lai rai đây
-Dạ, cơm tối rồi không làm gì ra đây đốt lửa ngồi cho sáng sủa, anh Hai Tuất chắc cũng cơm tối xong rồi?
-Ừ, xong rồi, Ba Du chưa lên phải không, đang ngồi bên nhà lai rai nhìn qua đây thấy đốt lửa cháy sáng rực, biết chú có một mình nên bơi qua rủ lai rai nói chuyện cho hết mùng ba đây – Hai Tuất nói xong cười thỏai mái
Hai người đến ngồi trên khúc gổ, Hai Tuất chắc cũng đã uống chút đỉnh ở nhà, Nam vào nhà lấy ra hai cái ly, Hai Tuất lôi ra từ túi quần một gói giấy và nhìn anh cười:
-Có mồi đậu phụng bà xã hay rang sẵn bỏ trong hũ, mình lai rai đi chú Nam
Ông ta rót rượu đế vào hai cái ly, hai người cùng cầm ly lên, Hai Tuất nói:
-Chúc mừng năm mới, vạn sự như ý nhé chú Nam!
-Chúc gia đình anh vui vẻ, nhiều may mắn!
-Hôm mùng một, mùng hai tôi và bà xã đi thăm bà con đến xẩm tối mới về đến nhà, nhìn qua bên này thấy lửa cháy sáng, nhưng đi đường mệt mỏi, đến chiều tối nay rảnh rỗi mới lấy xuống bơi qua đây, Ba Du có nói khi nào lên trở lại không, mọi năm chừng mùng ba, mùng bốn là ổng lên rồi!
-Anh Ba Du nói mùng năm, nhưng có thể ngày mai, mùng bốn
-Mấy ngày Tết chú Nam có đi ra xã hay đi đâu chơi không?
-Dạ, có đi vào buôn bên xã Minh Biên chơi đến chiều về
Nam đang suy nghỉ có nên hỏi Hai Tuất về vụ cái hồ và tỉnh sẽ cho phá rừng lấy đất trồng thêm cao su, nhưng Hai Tuất đã hỏi anh trước:
-Chú Nam có nghe trong đó biết tin về vụ tỉnh lấy thêm đất rừng để trông cao su, và huyện giao cho nông trường quản lý cái hồ không?
-Có nghe Điểu Sơn nói xã trong đó cũng đã biết, trong buôn có vẻ lo lắng lắm, còn xã bên anh Hai có biết chuyện này không?
-Cũng vậy, nếu tỉnh phá rừng lấy thêm đất để trồng cao su, dân của hai xã nằm dọc bờ hồ cũng sẽ bị thu hồi đất rẩy đang trồng trọt, còn khi xã vào quản lý cái hồ này thì dân nghèo cũng hết đường sống, rồi cũng phải ra đi thôi …
Hai Tuất nhắm mấy hạt đậu, cầm ly lên:
-Thôi uống chú Nam, bây giờ tới đâu hay tới đó …
Nam dốc cạn ly rượu đế, những giọt rượu cay nóng chạy xuống đến tận dạ dày, anh nhìn Hai Tuất:
-Nghe nói đến khoảng tháng 6, tỉnh sẽ cho xe ủi vào làm đường, chặt dọn cây rừng … đúng không?
-Có lẻ vậy, mấy tay cán bộ ở huyện và xã đã biết trước tin này, nên nghe dân đi rừng nói tụi nó đã cho người vào rừng chọn cây gổ tốt đốn hết rồi, chứ đâu để yên … còn dân thì mai mốt không biết về đâu, làm gì để sống …
Anh ngồi suy nghĩ, vậy là tin này đã đồn ra khắp ba cái xã quanh hồ này rồi, sau Tết tình hình hư thực ra sao, chắc sẽ rỏ ràng. Hai Tuất dốc hết rượu trong cái bình nhựa ra hai cái ly và nói:
-Ngày nào Ba Du lên, chú Nam nói tôi mời hai anh em qua bên nhà nhé, kỳ này có món đặc biệt, dân trong làng bẩy được con nhím họ đem đến cho, tui còn nhốt trong lồng tre, Tết có món thịt rừng đổi khẩu vị cho là lạ một chút
-Dạ, anh Ba mùng năm lên tôi sẽ nói
-Thôi cũng tối tối rồi, tôi đi về đây …
-Anh Hai chờ một chút, tôi châm gốc tre làm đuốc cho sáng để thấy đường dể đi…
Nam lấy hai đoạn tre khô mồi lửa cháy thành đuốc và đi trước dẩn đường với hai con chó, Hai Tuất chầm chậm theo sau, tới bờ hồ anh kéo chiếc xuồng xuống nước, cắm cây đuốc vào phía đầu xuồng, Hai Tuất lên ngồi phía sau và chèo chậm rải ngang qua hồ, ngọn lửa từ đuốc tre cháy sáng lung linh trên mặt hồ và từ từ xa dần, Nam và hai con chó đứng nhìn cho đến khi nó chỉ còn là đốm sáng nhỏ mới quay về nhà.
Sáng mùng bốn bầu trời khá âm u, có vẻ như sắp có đợt gió đông cuối mùa từ các cao nguyên ở phía bắc muộn màng thổi qua đây, Nam đi qua nhà Ba Du xem xét một vòng cửa nhà trước sau, rồi vào vườn cây xem có trái cây chín thì hái, còn không thì thú rừng và dơi, chuột cũng vào ăn cắn phá, đi ngang cây mít thấy có một trái chín trên cành thấp nứt toát, bị ăn mất một góc nhỏ, anh quay vào lấy dao ra cắt nó đem về nhà.
Nam vào nhà lấy cái nón, khép cửa sau và cửa trước rồi lấy xuồng bơi ra ngoài xã, khu làng của anh và Ba Du ngày tết cũng như ngày thường, không khí vắng lặng, thỉnh thoảng mới gặp một người đi trên đường, hay chiếc xuồng bơi lẻ loi trên mặt hồ.
Đến gần cây me tây, anh tìm chỗ cặp chiếc xuống vào bờ và cột dây vào mấy nhánh rể của, đi ngang qua trạm gác, mấy cái cửa lớn, nhỏ đóng kín mít, ba cái cửa sắt của con đập đang được đóng lại để chặn dòng tích nước cho mùa khô sắp tới.
Anh đi về phía mấy cái quán tạp hóa gần trung tâm xã, vừa qua khỏi ngôi nhà dùng làm văn phòng ủy ban, đến ngang trụ sở của đội du kích và công an, hai tay du kích trạc 18 – 20 tuổi đeo hai cây súng trường CKC, đang đứng gác bên đường nhìn Nam vừa đi tới, liền đưa tay ra chận và ngoắc anh lại, tay thấp người, to con, mặt hơi dữ nói:
-Anh cho tôi kiểm soát giấy tờ!
Nam hơi bất ngờ, vì từ lúc về đây đến bây giờ, anh chưa bị ai xét hỏi giấy tờ lần nào, đưa vào túi quần sau, móc cái bóp da cũ kỹ, tơi tã mà tuổi đời của nó cũng đã năm, sáu năm, anh lấy chứng minh nhân dân đưa cho hắn ta, hai tên cầm xem tên tuổi và cái hình nhỏ, lật qua lại rồi nhìn anh hỏi:
-Ở đâu, còn giấy tờ nào khác không?
Nam gật đầu, anh lục bóp lấy giấy chứng nhận sang nhượng đất với người chủ cũ có đóng dấu của ủy ban và bên nông nghiệp xã, xem xong tay du kích kia có vẻ muốn trả lại giấy tờ và để anh đi, nhưng tay to con nhíu mày nhìn lướt qua anh như dó xét và hỏi:
-Anh có giấy tờ gì cấp chứng nhận miển đi bộ đội không?
Vì cũng quen với nhiều lần qua các trạm bị hỏi kiều này nên anh gật đầu, lục bóp lấy ra tờ giấy của quận Phú Nhuận xác nhận được miển thi hành nghĩa vụ do bị thương tật nặng, đọc xong hắn vẩn bán tín, bán nghi vì thấy vóc dáng Nam khỏe mạnh, bình thường, có lẻ hắn định bắt anh vào trụ sở bỏ cái quần dài ra để xem cái vết sẹo ở chân phải, nhưng lần lữa chưa kịp “o ép” anh, thì Tư Có và một tay công an đeo sắc cốt từ trong trụ sở bước ra, tay du kích tỏ ra hơi khớp vì nảy giờ hỏi han giấy tờ Nam quá kỹ, hắn trả lại giấy tờ cho anh, và bước lui vào trong đứng với tay kia.
Nam bỏ cái bóp vào túi quần rồi đi tiếp đến cái quán tạp hóa gần đó mua hai gói thuốc lá, bà chủ quán trung niên nhìn anh mỉm cười nói nhỏ:
-Cái thằng cha đó khó chịu ghê, mới mùng bốn Tết mà xét hỏi giấy tờ gần cả tiếng, dân trong xã này ghét nó lắm … đồ 30 !
Anh trả tiền rồi cười mỉm và đi ngược về quán cà-phê của Năm Bình, sực nhớ tới tay công an vừa gặp lúc nảy đi với Tư Có, đúng là ông ta trong nhóm đốn gổ lậu anh gặp trong rừng hôm qua, may mà Nam không bị phát hiện, nếu không thì anh khó có thể sống yên trong xã này.
Quán Năm Bình chưa bán, nhưng thấy cánh cửa hé mở, làm anh hơi lưỡng lự, nhìn trời đoán chắc đã hơn 8 giờ sáng, Nam đẩy nhẹ cửa, nghiêng đầu nhìn vào trong quán gọi:
-Anh Năm ơi!
Chờ vài phút không thấy ai ra, anh gọi thêm lần nửa, có tiếng chân người bước ra, Năm Bình thấy Nam liền nói lớn:
-Ai cha, chú Nam hả, vào đây uống cà-phê đi, lúc nảy mở cửa xong tôi lại bận công việc bên trong …
-Dạ, Tết ghé qua thăm anh, nông trường cho nghỉ Tết đến chừng nào đi làm lại anh Năm?
-Thường thì hết mùng năm, nhưng nói vậy thôi, công nhân họ nghỉ hết mùng mười mới chịu vô làm … Tết nên mấy ổng cho co giản một chút, chú Nam chờ chút xíu nhé, tôi vào pha cà-phê mang ra đây uống nhé
Ngồi một mình Nam lấy thuốc ra hút, anh dự tính sáng nay nếu có dịp sẽ hỏi về mấy cái tin tức đang âm ỉ trong mấy cái làng, buôn quanh hồ. Mùi cà-phê thơm lừng bay trong không gian, Năm Bình bê hai cái ly đen đi ra và để lên cái bàn sát góc quán chỗ anh ngồi, anh lấy bao thuốc mời ông ta.
-Mấy ngày Tết vừa rồi chú Nam ở trong rẩy hay có đi đâu chơi không – Năm Bình hỏi
-Có vào buôn chơi hai ngày, còn lại thì ở nhà, loanh quanh ra câu cá ngoài hồ …
-Hôm Ba Du về Saigon có nói mùng năm là ngay mai mới lên, năm nay có chú Nam ở trên này, nên Tết này Ba Du về nhà lâu hơn mấy năm trước
Bổng Năm Bình nhìn ra phía cửa, một người đàn ông má hóp trạc 40 tuổi có bộ ria mép mọc dầy tua tủa, mặc bộ quần áo công nhân xanh đậm của nông trường bước vào quán, Năm Bình chào hỏi:
-Hôm nay trực hả ông Tỵ, làm ly cà- phê nhé?
Người đàn ông gật đầu và ngồi vào bàn cạnh Năm Bình, nhìn Nam rồi nói:
-Ừ, hôm nay đến ca tui trực, thằng Sung trực hôm qua rồi!
Năm Bình vào trong pha thêm ly cà- phê và bê ra, anh mời ông ta điếu thuốc, Năm Bình đưa tay về phía Nam nói:
-Đây là chú Nam làm rẩy trong hồ gần nhà Ba Du, ông Tỵ cũng có biết anh Ba chút đỉnh
-Anh Năm Bình chiều nay có đi đâu không?
-Ngày mai mới lên thị xã Bình Long, có mồi đặc biệt hay sao ông Tỵ - Năm Bình cười
-Ừ, tụi nó cho con chồn vừa dính bẩy hôm qua, định rủ ông với thằng Sung, Tám Coi chiều nay lai rai …
-Ừ, vậy chiều nay chừng bốn, năm giờ ông đem ra quán đi, làm hai, ba món lai rai được rồi, chú Nam ở lại chơi không?
Nam thấy không quen biết mấy người kia nên không hào hứng, anh lắc đầu từ chối:
-Chắc không ở lại được đến chiều được anh Năm, cà-phê xong thì chút nửa về trong đó có việc
Năm Bình cũng không thuyết phục anh thêm, ông ta vào bên trong bê ra cái ấm trà nóng đặt giữa bàn. Con đường chạy qua trước quán bắt đầu nhộn nhịp người qua lại, vài đứa nhỏ đốt những viên pháo chuột nổ đì đẹt bên kia đường làm khói thuốc súng hăng hăng bay khắp nơi, Nam thấy vui hơn không khí Tết quá lặng lẻ trong khu hồ.
Một người đàn ông tóc hoa râm, cao ốm, mặc cái áo kaki vàng nhạt và quần tây bước vào quán, Năm Bình đứng dậy, cười với ông ta và hỏi:
-Anh Sáu mấy ngày Tết có đi đâu không, uống cà- phê nhé …
-Ừ, cho ly đen, Tết có ra thăm mấy ông trên huyện, rồi ghé vô thăm mấy ông bên nông trường, ông Tỵ trực hôm nay hả?
-Hôm nay tui trực cả ngày, sắp tới mùa khô bên nông nghiệp huyện có thông báo chi về tình hình xả nước cho mấy xã phía dưới làm mùa không anh Sáu – ông già tên Tỵ hỏi
-Chưa thấy bên đó nói gì, hai tháng rồi không mưa, mùa khô năm nay đến sớm, sắp tới ở dưới thiếu nước, chắc mình cũng phải mở cửa đập sớm
Năm Bình bê ly cà- phê ra để trên bàn, rồi quay lại ngồi bàn cũ, Nam đoán ông ta là cán bộ ở xã, có thể đang phụ trách về nông nghiệp, châm điếu thuốc lá hút, nhìn qua Năm Bình và ông già Tỵ, ông ta nói:
-Có thể huyện giao cho nông trường quản lý cả cái hồ, có điều giám đốc nông trường thì chưa nhận vì sợ coi không xuể, phải cử thêm người vô ở trong đó …
-Còn mấy chuyện khác mấy ông trên huyện có nói gì không anh Sáu – Năm Bình hỏi
Ông ta thấy có Nam lạ nên không tiện nói, lướt nhanh qua câu hỏi đó của Năm Bình:
-Mấy ổng chắc không biết gì kế hoạch của tỉnh đâu …
Nam cố ngồi lại nghe ngóng thêm xem có tin tức quan trọng nào khác, nhưng chỉ thấy họ nói chuyện về cây cao su, tiêu chuẩn mua hàng của công nhân … Một lát sau, ông cán bộ tên Sáu trả tiền, đứng dậy ra khỏi quán, Nam cũng chào Năm Bình và ông già gác đập rồi ra về.
Vừa bơi xuồng, vừa suy nghĩ về những tin tức anh vừa nghe được ở quán, vậy là chuyện giao hồ nước cho nông trường và tỉnh đồng ý cho phá rừng trồng thêm cao su là gần như sẽ thành sự thật. Thêm nửa, một việc quan trọng không kém là làm sao nhân dịp thời gian sắp tới, sau khi nông trường được lệnh mở ba cái cửa sắt đó để xả nước, anh phải bí mật lên trên đập nơi có trục cáp quay, kéo cái cửa lên cao hơn để nước hồ xuống nhanh, và nhất là không để mấy ông gác trong trạm phát hiện ra sự thay đổi này.
Việc này Nam thấy tưởng chừng khó thực hiện, vì mỗi lần nâng hay hạ ba cánh cửa đó, công nhân trực dùng một cái tay quay dài giống ma-ni-ven ở đầu có khóa như cờ- lê sửa xe nhưng to, rồi đưa vào đầu trục cáp để nâng hay hạ cửa xuống. Còn muốn lên trên thân đập dò xét thì chỉ có thể làm vào ban đêm trời tối, lúc đó người trực gác đã đóng cửa trạm và đi ngủ.
Trong đầu Nam nảy ra ý tưởng khá mạo hiểm, đêm nay đợi đến gần nửa đêm, anh sẽ bơi xuồng quay lại, neo chiếc xuồng thật kín đáo, và cũng đủ gần đập để quan sát thử xem ban đêm họ trực gác ra sao, sau đó về có kế hoạch thực hiện.
Chiều tối cơm nước xong, Nam thấy khá căng thẳng, anh ra khúc gổ trước nhà ngồi hút thuốc nhìn màn đêm đang dần xuống, tối nay anh không đốt lửa để giữ không khí yên tỉnh.
Ngồi một nơi thấy bồn chồn, Nam qua nhà Ba Du đi một vòng để thư thái chút đỉnh, cái anh sợ nhất là bị mấy tay du kích và công an đi tuần đêm phát hiện, giờ giấc khuya khoắc như vậy thì không thể biện hộ chi được, chỉ có nước vào tù cải tạo.
Anh quay về nhà chuẩn bị, thấy trời có lẻ đã hơn 10 giờ, may mắn mấy hôm nay không có chút xíu trăng sao nào, đêm tối mịch. Nam ra hồ lấy xuồng âm thầm bơi về phía xã, bóng tối âm u bao phủ lên mọi nơi, anh bơi chầm chậm cho mắt quen với đêm tối, trên bờ tiếng côn trùng kêu rĩ rã, thỉnh thoảng vài con dơi bay săn tìm mồi vụt qua trên đầu anh nghe như tiếng gió thổi lướt qua, tiếng chim cú mèo vang từng lên chập nghe thê lương, chết chóc trong đêm vắng, Nam nhớ lại, mình chẳng mang theo dao hay rựa ngoài mái chèo.
Trong đêm tối, anh chẳng biết mình đã bơi đến đâu, chỉ biết là đã khá lâu, cập nhẹ xuồng vào gần bờ để xem cảnh vật xung quanh, chỉ có bóng cây và lờ mờ dấu con đường đất đi ra xã.
Nam đẩy nhẹ chiếc xuồng ra xa và bơi tiếp về phía dưới, kia rồi bóng cây me tây cao to lờ mờ trong màn đêm, đã đến gần chỗ cái trạm, nơi anh hay cột xuồng vào những cái rể xù xì của nó, bơi nhẹ nhàng chậm rải và dừng lại phía sau trạm gác ở cách khoảng an tòan và đủ quan sát.
Cột dây vào một cái rể gần bờ, xung quanh cũng có cái xuồng nhỏ trôi lờ đờ qua lại, anh kín đáo nằm xuống lòng xuồng, con đường đi về trung tâm xã và những căn nhà gổ ở hai bên chìm trong bóng đêm tối mịch.
Trong trạm không thấy ánh đèn hay động tỉnh nào, ông già Tỵ trực tối nay có thể đã say ngủ vì chầu nhậu lúc chiều ở nhà Năm Bình, Nam mỉm cười cám ơn con chồn, nó được vợ Năm Bình ra tay nấu nướng khiến mấy tay nhậu không thể không uống hết mình.
Nắm quan sát hồi lâu, thấy đêm dần xuống sâu hơn, hơi lạnh từ mặt hồ phả lên thấm lạnh qua quần áo, lúc chiều Nam chỉ định đến gần để quan sát cái đập, nhưng thấy mọi việc quá im ắng thuận lợi, anh tính lên bờ đi vòng từ phía sau trạm ra bên hông và đi lên con đập xem thử ra sao, vì đường lên đập phía bên kia, xã cho giăng hàng rào kẽm gai để dân không đi qua lối đó.
Nam nhổm dậy ra đầu xuồng và khom lưng bước lên núp sau thân cây me, vừa tính băng qua khoảng trống trước mặt để chạy ra phía sau cái trạm, anh thấy ánh đèn pin quét loáng qua trên đường và tiếng chó sủa, hoảng hồn Nam ép mình xuống sát đất sau cái rể cây nổi vồng lên trên, ba bóng người đeo súng nhẹ nhàng đi về phía văn phòng ủy ban xã, tim anh đập thình thịch.
Nằm chờ thêm rất lâu xem mấy tay du kích đi tuần có trở lại không, thấy có vẻ đã ổn, Nam khom người lẹ làng chạy núp sau trạm, quan sát nghe ngóng thêm hồi lâu, xung quanh vẩn yên tĩnh tối đen, anh cúi thật thấp đi lên cái dốc xi-măng ngắn và đi thật nhanh tới chỗ có mấy trụ bê-tông lớn có treo ròng rọc cáp từ ba cái cửa thép to đen thui, Nam lấy tay sờ vào đầu trục nơi đưa cái tay quay vào để nâng, hạ cửa, thấy kích cỡ nó khá to.
Thấy đã tạm đạt mục đích, anh nhanh nhẹn quay về phía sau trạm, quan sát nghe ngóng kỹ âm thanh xung quanh, rồi lẹ làng chạy ra gốc cây, tháo dây cột, lấy mái chèo bơi nhè nhè ra ngoài xa, năm phút sau thấy đã an toàn, Nam ra sức bơi nhanh về nhà.
Đêm qua về, Nam ngủ một giấc sâu sau chuyến đi căng thẳng, mệt mỏi, sáng thức dậy rửa mặt và nhìn ra hồ, ánh nắng rập rờn trên làn nước trong xanh, con Đốm tối qua thấy anh về nhà lúc sau nửa đêm, nó tò mò lại gần đánh hơi rồi ngẩng đầu nhìn như muốn hỏi anh đi đâu mà về vào giờ khuya khoắc này.
Hôm nay mùng 5, theo như đã hẹn, thì chiều nay Ba Du sẽ lên đến đây, tối nay anh sẽ qua gặp Ba Du nói chuyện về các tin tức “sốt dẻo” trong mấy ngày qua. Nhớ lại hài cốt của người lính ở gốc cây trong rừng, Nam muốn nhân chuyến đi vào buôn sắp tới có Ba Du, sẽ dành khỏang một tiếng để đắp cho anh một cái mộ và thắp nén hương trước khi đi tiếp, anh đi tìm vài miếng ván để đóng cái hộp nhỏ để bỏ xương cốt còn lại vào đó, rồi mới bỏ xuống mộ.
Nhìn quanh nhà không thấy có tấm ván nào, đi ngang hai cái kệ gổ đóng trên vách, nơi để các lọ muối, nước mắm, hành tỏi, dầu mỡ … cái kệ kia để chén, dĩa, vài cái nồi nhôm, chảo. Nam tháo cả hai xuống, tính toán sẽ cắt ra thành từng tấm ván ngắn, rồi đóng lại thành cái hộp, thấy thiếu đồ làm mộc như cưa tay, búa anh chạy qua nhà Ba Du lục lạo khắp nơi cũng chẳng thấy có cái nào, suy nghĩ quanh quất, may ra Hai Tuất có, vì anh nhớ Ba Du có lần qua bên đó sửa nhà, Nam chạy ra chỗ chiếc xuồng, nhảy lên bơi qua nhà Hai Tuất, cũng may sao cả hai vợ chồng ông ta hôm nay mùng năm không đi đâu. Thấy mới đầu năm mà Nam hỏi mượn cưa, Hai Tuất gật đầu nói:
-Ừ, có chú Nam, đầu năm mà chú Nam bận rộn làm việc chi sớm vậy
-Dạ, rãnh nên sửa chửa linh tinh vài thứ cho gọn ghẽ nhà cửa
Hai Tuất còn cho mượn kềm, búa và mớ đinh, Nam cám ơn rồi xuống bờ hồ lên xuồng bơi về nhà.
Đo đạc tính toán và hì hục gần hết buổi sáng, anh cũng đóng xong cái hộp gổ nhỏ có nắp đậy, tuy không được đẹp vì là thợ mộc tay ngang, nhưng có còn hơn không.
Nhìn chai lọ lỉnh kỉnh và mấy cái nồi, chảo xếp đống dưới đất ở góc bếp, Nam nghĩ phải kiếm chỗ để mấy món này lên cho gọn ghẻ, nhớ đến mấy bụi tre sau vườn nhà Ba Du, anh vác rựa qua chặt những cây thẳng, đem về nhà, lấy rựa chẻ mỗi cây ra làm đôi, đóng lại thành hai cái kệ tre treo vào chỗ vách cũ, rồi dọn dẹp mấy chai lọ đựng mắm, muối, ớt, tiêu và nồi niêu, xoong chảo lên đó, Nam mỉm cười, nhìn cũng khá tươm tất.
Sớm lắm cũng phải đầu giờ chiều Ba Du mới lên tới, nhìn trời cũng đã trưa, nên anh tìm coi có món nào ăn uống qua loa, khỏi nấu cơm trưa, Nam lấy cái gùi xuống, thấy còn lêkima hái ở vườn nhà Ngọc Minh, trái đu đủ nhỏ, đi ra cây mít phía sau nhà, hôm qua anh nghe mùi thơm của mít chín phảng phất theo gió bay vào gian bếp, hôm nay trái mít nứt toác lộ màu vàng bên trong, Nam cắt nó mang vào nhà, buổi trưa có ba, bốn thứ trái cây vậy cũng đủ no.
Chiều Nam mang đồ nghề ra hồ câu cá, suy nghĩ về việc tối hôm qua bơi xuồng ra con đập, nhớ tới chuyện nâng hạ ba cái cánh cửa sắt của nó, mấy công nhân trực ở trạm thì có cái tay quay, còn người ngoài muốn tự làm việc này, thì cũng phải có dụng cụ tương tự. Anh nghĩ như vậy, chỉ còn cách là làm một cái tay quay khác, và chi tiết quan trọng là phần đầu trục phải khớp với trục thép lục giác của cuộn dây cáp, do đó làm sao phải có đựơc kích cỡ của nó, rồi về Saigon nhờ mấy ông thợ trong Chợ Lớn chế tạo lại.
Đương nhiên không thể hỏi ai hay ban ngày tự tiện mà lên chỗ đó đo đạc chi tiết, vì quanh đó, lúc nào cũng có người trực, Nam suy nghĩ do đó lại phải làm vào ban đêm, nhưng đêm tối như vậy thì không nhìn thấy rỏ mọi vật, có cách nào khác để làm việc này?
Anh ngồi nhìn ra mặt hồ suy nghĩ, thấy phao đang trôi bị chìm xuống, Nam giật mạnh, một chú cá mè tầm tầm ở đầu dây, gở bỏ nó lên bờ cỏ, anh móc mồi khác và thả xuống nước.
Nhơ hồi xưa làm chìa mới cho ổ khóa, thường nếu không tiện cầm cái chìa cũ theo, người ta hay ấn mạnh nó lên miếng xà-bông cục lấy dấu rồi đưa cho thợ khóa làm. Bây giờ không có xà-bông, phải tìm vật gì để thay thế nó, ngồi vắt óc suy nghĩ, nhìn cỏ mọc trên bờ đất sét sát mép nước, trong đầu anh lóe lên một ý tưởng, có thể lấy đất sét dẻo thay xà-bông, vậy là có thể tạm giải quyết vấn đề đó được rồi.
Ngồi câu gần cuối giờ chiều, thêm được vài con cá rô và chép, hai con chó đang chạy loanh quanh trong rẩy, chợt sủa vang lên, Nam đứng lên nhìn về phía con đường từ ngoài xã đi vào, Ba Du đang lội bộ với cái túi vải khoác trên vai, thấy anh đang câu ngoài bờ hồ, Ba Du đi thẳng ra đó, con Ki thấy ông chủ của nó về nên chạy cuống quít theo chân Ba Du, chưa ba giờ Nam thấy nó vui như vậy, con Đốm cũng nhận ra người quen nên lăng xăng chẳng kém.
-Đi đường khỏe không anh Ba – Nam cười hỏi
-Bửa nay gặp chiếc xe đò chạy hơi chậm, về đến ngã ba vô nông trường, ít xe ra vô nên chờ hơi lâu, mấy ngày Tết trên này khỏe không chú Nam, có vào buôn thăm Điểu Rút và Điểu Sơn chớ hả, gặp Ngọc Minh không?
Anh cười gật đầu nói:
-Có vào buôn chơi vài lần, anh Ba về ngang xã có gặp Năm Bình không, có tin tức không hay lắm từ tỉnh và xã dính dáng đến mình
Ba Du cùng Nam ra ngồi bên bờ hồ, và lấy thuốc ra hút, nhíu mày hỏi anh:
-Đi ngang qua quán nhưng không gặp Năm Bình, nên tui đi về trong này luôn, có tin gì không chú Nam?
Anh thuật lại cho Ba Du nghe những tin tức về vụ tỉnh sắp cho phá rừng trồng thêm cao su, còn bên nông trường sẽ vào quản lý cái hồ này, bên xã Hai Tuất cũng biết chuyện này rồi. Nam kể lại chuyện hôm qua ra quán Năm Bình gặp tay cán bộ tên Sáu, tóc hoa râm, cao ốm có hé lộ các tin tức như vậy, anh hỏi Ba Du:
-Anh Ba có biết tay cán bộ này không?
-Biết, ông ta tên Sáu Cao, trưởng ban nông nghiệp xã, có thể ông ta biết nhiều nhưng còn giấu giếm …
Ba Du mở cái túi vải, cho Nam ba bao thuốc lá, bịch đường, kẹo, mứt, anh hỏi:
-Gia đình ở Saigon ăn Tết vui vẻ hả anh Ba, về nghỉ chút, tối nay mình lai rai nói chuyện mấy ngày Tết, tôi câu thêm chừng nửa tiếng rồi xách cá qua nhà
Ba Du nghe anh nói ngồi gật gù, mắt nhìn ra ngoài hồ, rồi đứng lên nói:
-Tui đi về nhà, rồi quay ra liền, hôm nay trời nóng, ra đây tắm hồ cho mát …
Hai con chó chạy theo Ba Du khuất sau đám cây, Nam ngồi lại theo dõi cái phao, lát sau, Ba Du trở ra hỏi anh thêm tin tức trong buôn, anh rủ Ba Du ngày mai vào buôn chơi như hai người đàn S’tiêng nhắn nhủ, luôn cả chuyện vô tình anh tìm thấy hài cốt người lính khi ẩn núp trong hốc cây, tay phó chỉ huy công an xã và ba người đàn ông lạ đốn gổ lậu, Ba Du gật đầu đồng ý, nhưng tỏ ra suy nghỉ rồi nói:
-Chút nửa qua nhà tui lai rai mình tính tiếp… bây giờ xuống hồ tắm cho mát mẻ, tỉnh táo cái đã
Anh dời cần câu xích lên phía trên, rồi nhảy xuống làn nước mát lạnh, con Ki thì mạnh dạn, nó phóng xuống ngay theo Ba Du và bơi tới lui với vẻ thích thú. Sau chầu bơi dưới hồ, Nam gửi mấy con cá câu được cho Ba Du đem về trước, anh về nhà thay quần áo khô rồi theo lối mòn đi qua nhà bên đó.
Ba Du nhanh chóng nấu nướng gần xong, trên cái phản tre dọn ra sẵn dĩa bánh tét đem từ Saigon lên, cá rô chiên giòn, bầu rượu, bỏ thêm mớ rau, ớt vào dĩa, Nam rót rượu vào hai cái ly, anh lắc nhẹ cái bầu, rượu bên trong gần cạn, Ba Du mời:
-Uống chú Nam, mới mùng năm, vẩn còn Tết, thử bánh tét Gò Vấp xem có ngon không!
Cạn ly rượu, Ba Du nhìn anh nói:
-Sáng mai đi sớm, dừng lại nơi cái cây có hài cốt, lấy hết vô cái hộp gổ rồi mang vào buôn chôn, vì tui sợ sau này tụi nó phá rừng thì sẽ xóa mất dấu tích ngôi mộ, tội nghiệp người chết
-Anh Ba tính đúng, nhưng còn Điểu Rút, Điểu Sơn và dân trong buôn có chịu không?
-Tui sẽ nói với Điểu Rút, Điểu Sơn dù sao họ cũng từng là lính VNCH, chôn cất đồng đội là nhiệm vụ, là đạo đức …
Nam lấy cái thẻ bài ra đưa cho Ba Du xem kỹ lưỡng và cất nó lên cái kệ gổ cao trên vách, anh nói:
-Ngày mai vào rừng có thể sẽ gặp mấy tay đốn gổ lậu như hôm trước
-Ừ, mai khi bắt đầu đi vô rừng, phải cẩn thận, tui sẽ đi phía trước, nếu có đụng với bọn họ mà không né tránh kịp, cứ đi bình thường như vào trao đổi mua bán với dân trong buôn, khi có ai hỏi, chú Nam để tôi trả lời, còn buổi chiều nếu về sớm, mình sẽ qua bên Hai Tuất coi bên đó có thêm tin tức gì không … nông trường mà quản lý cái hồ, tui với chú Nam cũng khó mà sống ở đây, viện cớ đó, đất đai họ sẽ lấy lại, thường như vậy họ sẽ chuyển người dân vô sâu bên trong, khó mà làm ăn gì được …
Lần đầu tiên anh thấy Ba Du tỏ ra hơi căng thẳng, có lẻ đã nhìn thấy trước viển cảnh u ám của chuyện thay đổi sắp tới này.
Anh gắp khoanh bánh tét ăn thử, đây là món Tết đầu tiên anh ăn kể từ ngày đầu năm, có lẻ vì vậy mà thấy nó rất ngon, Nam ăn thêm miếng nửa và nhớ lại mấy năm trước ăn tết ở nhà có nhiều người thân, bạn bè, tuy thế cũng chẳng vui và có gì nhiều so với những năm còn chiến tranh, mà còn nghèo nàn, thiếu thốn hơn, chỉ có vài món được mua từ hợp tác xã phường, nồi thịt kho nhỏ, mấy gói bánh, kẹo, mứt như Ba Du mới cho anh lúc chiều.
Không khí chiều tối nay như khô cứng lại, Ba Du trầm ngâm ít nói hơn mọi khi lai rai với anh, tìm ý gợi chuyện với Ba Du về ngày Tết ở Saigon cho đỡ căng thẳng, Nam hỏi:
-Anh Ba, Tết này ở dưới có đi thăm bạn bè, đồng đội cũ ngày xưa không?
-Có chú Nam, qua quận 4, Nhà Bè thăm lại mấy thằng bạn cũ cùng tiểu đoàn, anh em gặp nhau lai rai nói chuyện đời lính, thấy vui, nhưng phần nhiều thấy bạn bè cũ sống khó khăn quá, nhất là mấy ông thương phế binh, sống lây lất làm đủ nghề …
Thấy câu chuyện mang vẻ u buồn, Nam im lặng không hỏi tiếp, nhìn ra ngoài bóng tối bao trùm con đường xuống bờ hồ, niềm hy vọng còn lại của anh là hai thùng đồ cổ nằm nguyên vẹn dưới đó, thời gian cũng không còn nhiều để anh dò tìm, chỉ mong là thần may mắn đến trước khi quá trễ.
Ba Du dốc rượu trong bình ra hai cái ly, rồi chậm rải uống, Nam cũng cạn ly, ăn thêm vài miếng bánh, mứt và nói trước khi ra về:
-Sáng mai tôi sẽ qua sớm, anh Ba trên này khi nghe gọi dưới bờ hồ thì xuống nhé
Ba Du im lặng gật đầu, anh ra kêu con Đốm đang nằm ở ngoài sân, rồi dẩn nó đi tắt ngang qua những luống khoai để về nhà cho nhanh.
Sáng sớm trời còn mờ mờ, Nam cập chiếc xuồng vào gần nhà Ba Du và gọi lớn tiếng, vài phút sau Ba Du vai đeo cái gùi và con Ki đi ra, chờ Ba Du lên ngồi xong xuôi ở phía trước, anh bắt đầu hướng mủi xuồng bơi về phía trên. Vượt qua hơn nửa đoạn đường trên hồ, Ba Du tinh mắt kêu Nam và lấy tay chỉ về bốn, năm người đàn ông vác rựa đang đi phía bờ hồ bên kia, họ đi về hướng khu rừng già, anh thắc mắc:
-Đâu phải dân trong mấy buôn hả anh Ba?
Ba Du lắc đầu nói:
-Không phải, nhìn giống mấy tay thợ đốn gổ trong rừng
Nam vừa bơi, vừa chăm chú nhìn theo nhóm mấy tay thợ rừng từ từ mất hút dưới tàn lá rậm tối. Đến nơi giấu xuồng cũ, Ba Du và Nam cẩn thận quan sát xung quanh và nhanh nhẹn đẩy chiếc xuồng vào sâu bên trong bụi cây hơn mọi khi, Ba Du còn cẩn thận bẻ thêm vài nhánh cây để che cho kín đáo. Mấy ngày hôm nay vì tin tức từ tỉnh, huyện và xã làm chi phối, Nam cũng ít có thời gian nhớ đến Ngọc Minh.

(còn tiếp)