BÍ MẬT HAI THÙNG ĐỒ CỔ

truyện dài: Vũ Phan


NGƯỜI QUẢN GIA ĐỒN ĐIỀN CAO SU VÀ HAI THÙNG ĐỒ CỔ

Vùng bán sơn địa phía đông nam Việt Nam là một cao nguyên đất đỏ bạt ngàn, loại thổ nhưỡng ở đây rất hợp với cây cao su, cà phê, trà...

Người Pháp đem cây cao su vào Việt Nam để trồng thử từ khá sớm, bắt đầu từ những năm của thập niên 20 – 30. Sau đó thấy thành công, họ thành lập các đồn điền cao su rộng lớn trên vùng đất đỏ bazan này, trài dài từ Pleiku xuống cho đến tận Bình Long, Tây Ninh bằng cách mộ phu từ các tỉnh miền Bắc, vùng ven biển miền Trung vào khai phá các cánh rừng già nằm trên vùng cao nguyên phì nhiêu này.

Sau nhiều thập niên tận dụng lợi thế đất đai, và nhân công rẻ mạt từ các miền quê Việt Nam, cùng với sự hổ trợ của nhà cầm quyền Pháp, đa số các chủ đồn điền cao su là Pháp kiều trở nên rất giàu có.

Họ xây lên rất nhiều cơ ngơi, nhà cửa đồ sộ, nguy nga ngay trong các đồn điền này. Và chỉ một thời gian sau, họ thường đem cả gia đình từ Pháp qua trú ngụ, và hẳn nhiên họ có cả nhà cửa tại Saigon, Đà lạt, Nha Trang… để gia đình, con cái về sinh sống, học hành và vui chơi, nghỉ mát.

Nam là một thanh niên đang sống với gia đình ở Saigon, do hoàn cảnh khó khăn sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, lại thêm ba anh mất sớm, nên phải nghỉ học nửa chừng. Vì vậy Nam phải bươn chải, lăn lộn ra đời kiếm sống, phụ giúp người chị nuôi bà mẹ hay đau yếu và hai em nhỏ.

Nam có nghề buôn nông thổ sản, anh hay đi về giữa Saigon với các tỉnh đông nam bộ và tây nguyên nên rất quen thuộc với những con đường đất đỏ bụi mịt mù trong mùa nắng, lầy lội như cháo dưới những cơn mưa nặng hạt ở vùng cao bán sơn địa này.

Nhờ có sức khỏe tốt và đầu óc nhanh nhạy, bắt đầu từ đó, anh và gia đình có cuộc sống tạm ổn. Nam giao thiệp rộng rải với giới buôn bán trong nghề, kể cả dân phá “sơn lâm”, chuyên mua bán, vận chuyển gổ, nông sản lậu…

Nam còn nhớ khi ba anh còn sống trước năm 75, lúc đó vào khoảng những thập niên 50 – 60. Ông là tài xế lái xe bồn chở xăng dầu cho một công ty của Pháp ở Saigon. Trong mấy lúc nhậu nhẹt, lai rai với bạn bè, ba anh thường kể về những chuyến xe chở xăng dầu đến giao cho các đồn điền cao su tại các tỉnh Bình Long, Phước Long, Ban Mê Thuột. Các ông chủ đồn điền này vài tháng lại gọi về văn phòng công ty ở Saigon yêu cầu cung cấp hàng để họ chạy máy móc, xe cộ…

Trong số đó, có đồn điền của một ông chủ Tây ở Hớn Quản, Bình Long, ông ta lấy một cô vợ Việt Nam rất đẹp ở Saigon, đồn điền này khá lớn, trải dài trên một vùng đồi đất đỏ, chạy dọc gần khu vực rừng núi với biên giới Campuchia.

Cứ khoảng hai tháng, ba anh lại lái xe bồn lên trên đó để giao xăng dầu. Trong thời gian này chiến tranh ở Việt Nam còn chưa khốc liệt, các đồn điền cao su tư nhân vẩn hoạt động. Mỗi chuyến đi bắt đầu từ sáng sớm và mất đến bốn, năm tiếng đồng hồ, vào khoảng đầu giờ chiều xe mới đến đó, và phải mất thêm vài tiếng nửa để chuyển hết số xăng, dầu vào bồn chứa của đồn điền.

Sau một thời gian dài làm công việc này, ông quen thân với người quản gia người Việt làm cho một ông chủ đồn điền, nên thỉnh thoảng họ mời ông ăn uống, thăm hỏi về công việc và gia đình.

Rồi có đôi lúc, vì công việc quá trễ, ông phải ngủ lại qua đêm trong đồn điền. Những lúc này ba anh được nghe họ kể về sự giàu có của ông chủ Tây này, như nhà cửa, xe cộ… và những món đồ cổ Trung Hoa, các nước Đông Dương… quí giá mà ông ta sưu tầm được.

Sau đó nhiều năm, cuộc chiến bắt đầu lan rộng ra khắp miền nam, quân du kích miền bắc lén lút xâm nhập vào vùng rừng núi, các khu đồn điền cao su và các trận đánh lớn với quân đội VNCH thường xuyên xảy ra.

Các chủ đồn điền người Pháp lo lắng trước tình hình chiến tranh ngày càng dữ dội, họ tìm cách bán tài sản và lần lượt bỏ về Saigon hay chính quốc. Các chuyến xe bồn chở xăng dầu cho các đồn điền này cũng dần dần chấm dứt.

Rồi ba anh kể tiếp, về Saigon bẵng đi một dạo, ông tình cờ gặp lại người quản gia cũ của đồn điền cao su Tây ở Bình Long, ông này tên Thức.

Do cả hai biết và thân nhau từ nhiều năm về trước, ông Thức rủ ông về nhà chơi và lai rai tâm sự. Sau nhiều buổi nhậu chén anh, chén chú qua lại, trong một lần gặp nhau ở nhà ông Thức, ông ta bất ngờ kể cho ba anh về bí mật hai thùng đồ cổ của ông chủ Tây còn chôn giấu trong khu vực một cánh rừng có con suối chảy qua gần đồn điền.

Người quản gia cho biết, khi thấy tình hình chiến tranh đang lan dần tới, người chủ bắt đầu chuyển những tài sản quí giá về Saigon.

Rồi một bửa tối, bất ngờ ông Thức được chủ Tây gọi lên nhà riêng, đêm đã khuya mà còn bị kêu lên có công việc, làm ông Thức thêm suy nghĩ. Bà vợ Việt của ông chủ và hai đứa con Tây lai đã về Saigon hơn một tuần nay, không khí trong căn biệt thự rất vắng vẻ.

Khi bước vào phòng làm việc, ông Thức thấy hai cái thùng gỗ khá lớn đặt nằm ngay giữa phòng. Gọi ông đến gần, ông chủ mới nói ý định là ông sẽ không đem những món đồ cổ này về Saigon, vì một số lý do, nên tối nay sẽ chở ra gần con suối ở góc phía tây bắc của đồn điền và chôn giấu ở đó. Có một điều là ông Thức không hiểu tại sao ông chủ Tây không chở luôn về Saigon, vì tình hình tuy có căng thẳng, nhưng khả dĩ xe cộ vẫn đi lên xuống được. Nhưng đã quen với công việc của người quản gia, nên ông gật đầu không thắc mắc.

Hai người cẩn thận khiêng hai cái thùng gổ lên chiếc xe Jeep đang đậu sát cửa nhà. Trên xe đã có sẵn xẻng, cuốc và miếng vải bố nhà binh màu xám, kế bên là khẩu súng trường, rồi ông vòng ra phía trước, ngồi vào sau tay lái và nổ máy.

Chiếc xe Jeep chạy theo hướng chỉ tay của ông chủ, âm thầm lướt qua các con đường đất đỏ dưới những tàn cây cao su trong đêm tối. Công nhân cạo mủ trong đồn điền đã bỏ đi gần hết vì sợ chiến tranh, khu nhà ở của họ chìm trong bóng tối âm u.

Khi đã đến khu vực chỉ định, ông chủ Tây ra dấu cho xe dừng lại, rồi ông và ông chủ Tây khiêng hai thùng gổ nặng đi xuống bờ suối dốc cạnh đám rừng, tại đó có một hố đào sẵn trong lòng đất, phía dưới một vòm đá thấp. Sau khi nhẹ nhàng để hai thùng gổ nằm yên bên dưới, ông phủ tấm vải bố lên trên, ông chủ Tây không nói lời nào, cẩn thận lấp đất kín hai cái thùng lại và quay trở về.

Về đến căn biệt thự, ông chủ Tây mới nói với ông là phải tuyệt đối giử kín, vì sau này khi chiến tranh kết thúc, ông ta sẽ quay trở lại sống trong đồn điền, đến lúc này thì ông Thức mới hiểu.

Tháng sau, tình hình trong khu đồn điền căng thẳng hơn. Ông chủ Tây thấy vậy liền bỏ về Saigon, còn ông thì phải ở lại để coi sóc mọi thứ.

Rồi những ngày sau đó, các toán lính bắc việt với vũ khí xuất hiện càng lúc càng đông trong khu rừng cao su, họ đào hầm hố nhiều nơi, không khí chiến tranh rất ngột ngạt…

Vào một buổi trưa trong cái nắng lay lắt đầu mùa mưa, một trận đánh lớn nổ ra dử dội giữa quân bắc việt với lính VNCH, nhà cửa, kho tàng, máy móc… bị cháy rụi, đồn điền cao su bị bom, đạn tàn phá tơi tả, và đến lúc này ông Thức cùng gia đình cũng phải bỏ chạy về Saigon.

Cuộc chiến tranh dai dẳng kéo dài 20 năm và chấm dứt sau ngày 30/4/75.

Sau đó cuộc sống ở miền nam bị đảo lộn hoàn toàn, chính quyền cộng sản mới xóa bỏ mọi quyền tư hữu, họ tịch thu tất cả các loại tài sản, nhà máy, đất đai, phương tiện sản xuất, và khu đồn điền này trở thành nông trường cao quốc doanh. Vùng đất rừng xung quanh bị bom đạn cày xới tan nát trong chiến tranh nay trở thành các khu kinh tế mới, người dân Saigon bị đưa lên đây trồng khoai mì, khoai lang, bắp… để có cái ăn chống đói.

Nam vì tò mò, nên tìm đọc lại những tài liệu về các đồn điền cao su của người Pháp tại khu vực Bình Long, giáp với vùng biên giới của Campuchia. Trong các chuyến đi buôn về khu vực này, anh giả vờ lân la hỏi thăm những nông dân sống lâu đời ở đây, họ nói nông trường cao su này là đồn điền Pháp ngày xưa, và chỉ cho anh xem ngôi biệt thự to lớn của ông chủ Tây, bây giờ gần như chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn. Nam bùi ngùi nhìn những bức tường rêu phong, loang lổ dấu đạn, bom, rồi tưởng tượng đến sự nguy nga của nó, cùng những món đồ cổ quí giá được trưng bày trong những tủ gổ sang trọng ngày trước…

Sau khi suy nghĩ, tính toán kỷ càng, Nam quyết phiêu lưu với việc tìm kiếm hai thùng đồ cổ bị quên lãng này, dù anh biết khả năng thành công là rất ít.

Sau 20 năm chiến tranh, bom đạn cày xới khắp khu vực đồn điền cao su và vùng rừng núi xung quanh, không chắc nó còn nguyên vẹn, địa điểm con suối thì mơ hồ, ở vùng này có cả chục con suối lớn nhỏ… Nhưng Nam quyết chí thử thời vận, nếu thành công thì cuộc đời sẽ thay đổi vĩnh viển, còn thất bại thì anh cũng không mất mát bao nhiêu.

Tháng sau, Nam hỏi sang nhượng lại miếng đất rẩy của một ông nông dân ở khu vực phía tây-bắc, nằm gần ranh nông trường cao su. Ở trong khu rẩy này vì khuất và xa, nên cây cối còn rậm rạp bao quanh một cái hồ lớn do con suối ngày xưa, đã bị nông trường xây một cái đập chận ngang để lấy nước tưới tiêu.

Có người thắc mắc hỏi, anh trả lời là muốn mua rẩy để tự canh tác, rồi sau đó đem nông sản về bán lại ở Saigon kiếm lời nhiều hơn, vì đi buôn càng lúc càng khó khăn.

Nhờ quen biết mấy tay cán bộ ở địa phương, rồi chịu khó đút lót chút đỉnh cho mấy tay cán bộ ở xã này cũng đang cần “cải thiện”, nên việc mua bán, sang nhượng đất rẩy xong dể dàng.

Sau khi hoàn tất giấy tờ mua đất, Nam xách ba-lô trong có vài bộ đồ vừa để mặc hàng ngày và khi làm rẩy, một số thuốc men linh tinh phòng khi đau yếu, các vật dụng cần thiết như diêm quẹt, dao nhỏ, đèn cầy… Và một túi xách tay có khoảng chục ký gạo, đường, muối, cá khô. Vì đã có vài lần được người chủ cũ dẫn vào đó, nên anh cũng đã rành đường đi, nước bước.

Anh quá giang một chiếc xe máy cày của nông trường có rờ-mọc phía sau, thường dùng để chở công nhân đi một đoạn đường đến một lối mòn rẽ trái, anh xuống đi bộ thêm gần ba, bốn cây số nửa để đến khu rẩy nằm trên vùng chân đồi thấp thoai thoải về phía bờ một hồ nước.

Người chủ cũ cũng tốt bụng, ông ta để lại tất cả cuốc, rựa, dao và linh tinh nồi niêu, xoong chảo cho anh xài.

Những ngày đầu ở chỗ mới, Nam vác rựa đi dọc con suối nằm cuối miếng đất để nắm địa hình, nó chảy qua đây từ khu rừng cao su của nông trường nằm xa về phía bên trái hồ nước. Dòng nước len lỏi ra khỏi rừng cây, rồi chảy qua gần vùng rừng chồi tái sinh, và trườn róc rách như con rắn xuyên qua các tảng đá đen nằm giữa ranh miếng đất của Nam và đất bên kia, cuối cùng nó đổ vào hồ nước.

Phần đất ở đây dốc và thường có nước từ con suối, nên các bụi cây và dây leo lên rậm rạp, mọc chen lấn với những khối đá lớn, nhỏ rải rác khắp nơi, vì người chủ cũ thấy nó là “khúc xương, khó nuốt”, không trồng trọt gì được, nên ông ta để nguyên, không khai phá.

Nam nhìn lại khu rừng, có dòng suối chảy kề bên và so sánh, thấy thế đất khá giống như những gì ông Thức kể về cái đêm cùng ông chủ Tây đem chôn hai cái thùng đó.

Hằng ngày anh cầm cuốc hay rựa đi ra vùng bờ hồ, chặt cây và cuốc, đào như đang dọn đất rẩy để chuẩn bị gieo trồng. Trong khu vực hẻo lánh này, cũng ít người qua lại, thỉnh thoảng Nam gặp vài người đi ở phía bên kia bờ hồ gần một cái làng nhỏ, lát sau, cái bóng nho nhỏ của họ khuất vào trong đám cây cối um tùm, quang cảnh lại trở nên vắng vẻ như cũ.

Chiều anh trở về căn nhà tranh của chủ rẩy trước dựng lên làm chỗ ở, vừa là nơi chứa cuốc xẻng, phân bón và nông sản sau khi thu hoạch.

Buổi tối ở vùng rừng núi đến nhanh, ăn qua loa cho xong bửa, Nam ra ngồi hút thuốc trên khúc gổ to bên hàng hiên. Nhìn ra hồ nước, cảnh vật xung quanh im lìm, chỉ có tiếng côn trùng kêu rỉ rả. Khi màn đêm âm u buông xuống trên vùng bán sơn địa thưa người, trong ngôi nhà tranh nhỏ của anh nằm bên hồ nước, không khí lặng lẻ, u tịch pha chút lạnh lẽo.

Anh nhận thấy việc truy tìm hai thùng đồ cổ này không dể dàng chút nào, sáng nay thử lội xuống chỗ suối chảy ra hồ nước, ở đoạn đó đáy dốc xuống sâu, sau nhiều lần lặn xuống, Nam phát hiện bên dưới làn nước lạnh và ngổn ngang nhiều thân cây, cành lá bị ngâm trong nước lâu ngày bám đầy rong rêu đã mục rã, anh thấy rờn rợn, nên không dám lặn sâu hơn nên vội vã trồi lên.

Ngồi suy nghĩ đến gần khuya, sương đêm vùng rừng núi xuống dầy đặc, Nam thấy lạnh và cùng lúc cơn buồn ngủ kéo đến làm nặng hai mi mắt, anh vứt bỏ điếu thuốc hút dở và đứng dậy đi vào nhà.

Đã hơn một tháng kể từ ngày Nam đến đây, thời gian trôi qua nhanh chóng.

Gần cuối năm nên thỉnh thoảng cũng còn vài cơn cơn mưa kéo về vào buổi chiều và tối, nhìn những hạt mưa lạnh rơi xuống những luống bắp, đậu xanh, khoai rồi quét qua mặt hồ tạo nên làn bụi nước trắng xóa, chạy dài như những cơn trốt nhỏ chơi trò trốn tìm với nhau, làm Nam thêm nhớ nhà và cô bạn gái cũ ở năm cuối trường trung học.

Cô bạn gái đó tên Thủy học ở một trường nữ sinh gần trường của anh, nàng có khuôn mặt nhỏ nhắn và nụ cười thu hút. Gia đình nàng từ Đà Nẵng chạy giặc vào Saigon năm 72, và họ mua căn nhà khang trang ở phường kế bên.

Anh quen Thủy vào dịp học sinh các trường phải đi lao động mùa hè bắt buộc của chính quyền cộng sản ở một công trường đào kênh ở Thủ đức. Tuy hai người ở hai đội khác nhau, nhưng trên đường từ lán trại ra chỗ làm thì cách một khoảng xa, từ đó Nam có dịp làm quen và bất ngờ khi biết Thủy học gần trường của anh, cô cũng tỏ ra thích thú khi nghe anh nói cả hai học gần trường nhau.

Từ đó họ thành bạn thân, và Nam cũng đã thầm yêu cô bạn này ngay trong lần gặp đầu tiên.

Nơi công trường lao động tay lấm, chân bùn vào mùa hè đó, đã để lại trong tâm hồn Nam một kỷ niệm rất đẹp và nó khắc sâu mãi mãi vào cuộc đời anh.

Tốp bạn của Thủy gồm nhiều cô nữ sinh đẹp và dễ thương nên nổi bật trong các đội đi lao động. Cho dù sau năm 75, cuộc sống rất khắc khổ dưới thời cộng sản cầm quyền, nhưng tâm hồn của những chàng thanh niên Saigon như Nam vẫn còn chất chứa nhiều lãng mạn, chân thực. Vì vậy quanh Thủy thường có nhiều chàng trai hay đến nói chuyện, làm quen, nhưng có lẽ do học gần trường nhau và Nam có vẻ ngoài hiền lành và nụ cười dể mến, nên Thủy lại thích trò chuyện với anh.

Nam nhớ buổi chiều đó, suốt trên đường từ công trường về lán trại, anh cùng cô bạn gái mới quen vừa đi vừa nói chuyện. Đường về dài và phải lội trên những bờ ruộng nhỏ, đi qua những cây cầu khỉ trơn trợt, rất vất vả, nhưng sao hôm đó Nam thấy con đường về quá ngắn! Đến chỗ chiếc cầu sắt nhỏ sơn đen bắc ngang dòng kênh hẹp với màu nước cuộn phù sa vàng nâu, anh định nói chia tay Thủy và rẽ xuống chân cầu là nơi bọn con trai thường tắm sau mỗi chiều đi làm về. Nhưng thấy Thủy vẩn đi theo, trên tay cô cầm cái lon guigoz đựng thức ăn đem theo từ buổi sáng, Nam không biết nói sao, nên đành im lặng và bước xuống dòng nước đang chảy bên cầu tắm rửa như mọi khi.

Chỗ tắm chiều nay vắng vẻ, không rõ mấy thằng bạn đi đâu cả rồi. Thủy nhìn anh xuống tắm dưới dòng kinh, rồi cười rất tự nhiên làm anh thêm bối rối, còn cô ngồi trên bờ vốc nước rửa tay chân.

Trong khung cảnh thiên nhiên, buổi chiều dần xuống lặng lẻ trên dòng kênh, và hòa mình với màu xanh cây cỏ hoang vu trong gió, chỉ có hai người. Nam trầm người xuống dòng nước rửa sạch lớp bùn đất còn dính trên tóc, vai… rồi quay vào bờ. Chiều nay vẻ đẹp của Thủy làm anh ngẩn ngơ không hồn, anh vào bờ ngồi kế bên cô khoát nước rửa sạch hai bàn tay, chợt Thủy lấy cái lon múc nước dội nhè nhẹ và lấy tay kỳ cọ vai anh rồi cười nói:

-Để Thủy xối nước cho anh Nam nhe!

Anh quay qua nhìn Thủy và mỉm cười, hai tai như bị ù đi và mặt nóng bừng lên. Nam sung sướng quá, muốn giây phút đó kéo dài vĩnh viển, cả người anh như bay bổng lên mây, cảm giác thiên đường dường như đang rất gần!

Giây phút đó Nam không biết nó kéo dài bao lâu, bộ óc anh bị tê liệt như vừa có một dòng điện mạnh phóng qua, nhưng nạn nhân của cú sốc đó không chết hay bất tỉnh, ý thức về không gian trong anh vẫn tồn tại dù rất mơ hồ.

Bỗng nhiên có tiếng gọi tên anh từ trên chiếc cầu vọng xuống, Nam ngửng đầu lên nhìn, một thằng bạn ở cùng đội bị lọt lại phía sau, lúc này hắn ta mới lò dò về đến đây và đang tính đi xuống chân cầu để tắm như mọi khi. Thấy Nam được cô bạn gái đẹp dội nước lên lưng, hắn ta nhìn chằm chặp rồi cười, anh cảm thấy ngượng nghịu quá, không biết phản ứng ra sao, nhưng trong bụng thì vui sướng cực độ, nên cũng chỉ biết nhìn Thủy đang e thẹn mỉm cười.

Chiều đó khi về đến lán trại của bọn con trai đóng trong một ngôi trường tiểu học nhỏ, mấy thằng bạn trong đội nghe thằng kia kể, liền xúm lại hỏi và chọc quê Nam hết cả buổi tối.

Mấy ngày sau đó, có mấy thằng luôn đi kè kè theo anh, để tìm cách làm quen với mấy cô bạn của Thủy.

Xong nửa tháng lao động hè, Nam hỏi xin địa chỉ và đến nhà thăm Thủy vài lần. Gia đình Thủy khá giả nên ở căn nhà xây lớn, mỗi lần đến nhà Thủy ngồi chơi, nói chuyện và sau khi ra về, anh ngậm ngùi nhớ đến cái xóm nghèo của mình, rồi vì thấy không thuận lợi, nên một thời gian sau đó Nam cũng ít ghé đến thăm Thủy, và mối tình cũng nhạt phai dần.

Thêm tâm hồn anh hướng nội, hay suy nghĩ, Nam thấy cuộc sống dưới thời cộng sản quá kham khổ, nhìn những bửa ăn độn bo bo, khoai, sắn … mọi người bơ phờ, ngơ ngác làm anh không tha thiết mấy với chuyện tình yêu.

Tuy thế khi rảnh rổi, anh hay nhớ đến cô bạn gái dể thương và kỷ niệm buổi chiều bên chiếc cầu sắt nhỏ. Những lúc trống trải, cô đơn, cây đàn gui-ta cũ là người bạn thân thiết của Nam, nhưng những muộn phiền của cuộc tình ngày đó vẩn còn đeo đẳng anh theo thời gian.

Một hôm Nam đi chơi với mấy thằng bạn thân vừa về đến cửa nhà, bà chị bên trong đi ra gặp anh về liền nói:

-Nam, có cô Thủy bạn mày vào chơi nhà cô bạn học cùng trường trong xóm mình nè!

Nhìn người chị nhưng không biết nên nói câu gì, anh dựng chiếc xe đạp vào vách rồi đi vào nhà. Đâu ai biết, trong tim anh đang có nỗi buồn tựa như nỗi khổ hàng triệu người dân Saigon khác đang sống khắc khoải từng ngày sau năm 75.

Mấy tháng sau, cô bạn trong xóm học chung với Thủy, ghé vào nhà cho anh biết là Thủy đã vượt biên, từ đó Nam không còn được biết tin tức nào về cô bạn gái mà anh đã thầm yêu.

Từ ngày lên đây, Nam cũng trồng được vài sào đậu xanh, bắp, khoai lang, ít khoai mì… nhằm che mắt chính quyền và dân địa phương. Ở những vùng quê này, mọi dấu hiệu khác thường dể gây chú í, nên anh cũng tỏ ra siêng năng “lao động” để được yên ổn.

Từ ngày chính quyền cộng sản vào đến miền Nam, người dân từ các vùng quê cho đến các thành phố lớn, ai cũng sợ bị người khác dòm ngó, tố cáo, nó không giống như không khí tự do, thoải mái ở Saigon trước năm 75.

Ban ngày, ngoài lúc phải làm rẩy, thời gian còn lại anh thường rảo quanh khu bờ hồ và nơi con suối lớn chảy qua gần khu rừng chồi, nhưng cũng không tìm thấy dấu hiệu gì mới, tình hình giậm chân tại chỗ làm anh hơi nản chí.

Sáng nay Nam tính vòng qua khu rừng chồi, băng qua con suối đi xa hơn về bờ hồ phía trên để xem ở đó có dấu hiệu gì lạ, anh xách theo cây rựa, bắp, khoai luộc và bình nước uống, rồi đi tắt ngang rẫy ra bờ hồ.

Trong khu rừng chồi tái sinh cây cối lên um tùm, các bụi cây, cỏ dại mọc lan ra khắp nơi, ở xung quanh đó vẩn còn những hố bom, đạn đại bác cây cỏ mọc đầy và nước cạn xâm xấp dưới đáy. Mặt trời đã lên cao, nắng nóng khá oi bức, Nam ra bờ hồ ngồi nghỉ và uống nước dưới bóng cái cây to, kế bên con suối chảy ra từ rừng cao su.

Hơi nước từ mặt hồ phả lên khá dể chịu, anh ngạc nhiên vì thấy có một chiếc xuồng gổ đang cột vào bụi cây ven bờ, từ chỗ đó có một con đường mòn nhỏ chạy khuất vào hàng cây. Nam còn đang suy nghĩ thì có tiếng bước chân đến từ phía sau lưng, anh quay lại và nghe một người đàn ông hỏi:

-Chú vô đây tìm ai?

Nam nhìn người đàn ông vừa mới đến, ông ta dong dỏng cao, trạc khoảng 35 - 40 tuổi, khuôn mặt có bộ râu tua tủa và đôi mắt soi mói, nước da ngăm đen của người làm rẩy lâu năm, đầu đội cái nón vải cũ, vành nón rách te tua.

Cái áo nhà binh màu xanh ông ta đang mặc có hai, ba miếng vá, quần kaki đen cụt ngang gối, đôi chân trần đi trên đám cỏ xanh, tay cầm một thanh gổ dài như mái chèo, Nam nhìn ông ta trả lời:

-Nhà tôi ở rẫy bên kia… tôi vòng qua đây đi quanh hồ

Không chờ Nam trả lời hết câu, người đàn ông hỏi tiếp:

-Tôi ở đây lâu rồi, nhìn thấy chú lạ quá, mua rẫy ở đây lâu chưa?

Ông ta vừa hỏi vừa đi xuống bờ hồ, bỏ mái chèo vào chiếc xuồng và xiết chặt sợi dây cột vào mấy thân cây, rồi đi trở lên bờ.

-Tôi ở Saigon lên đây mua đất làm rẩy được gần hai tháng, nhà anh chắc ở gần đây?

Ông ta chỉ tay về hướng có con đường nhỏ từ bờ hồ chạy ngược lên hàng cây:

-Rẩy của tôi ở phía này, từ con suối đi lên, tui ở đây gần năm năm rồi, khu này ít người ở, bửa nay mới biết chú mới đến mua rẩy trong này, lúc trước thỉnh thoảng có gặp ông Năm Lọ làm rẩy ở bên đó.

Nam gật đầu và đưa gói thuốc lá ra mời, ông ta rút điếu thuốc, tự châm lửa từ cái hộp quẹt của mình, rồi tìm chỗ ngồi trên một mô đất dưới bóng cây. Ông ta nói chuyện với Nam bằng giọng Nam bộ và hỏi:

-Chú ở quận nào dưới Saigon?

Nam trả lời:

-Tôi ở Phú Nhuận, gần cầu Kiệu, còn anh là dân ở đây hay chỗ khác đến?

-Trước 75 tôi ở quận Gò Vấp, sau này đi kinh tế mới nên lên đây… ở dưới thành phố lúc này khó khăn quá.

Nhận thấy ông ta cũng khá cởi mở, anh nói:

-Tôi tên Nam, còn anh tên gì, thứ mấy?

-Tôi tên Du, thứ ba.

Trời nắng nóng, Nam cầm bình nước đưa ra mời, ông ta nhìn Nam, lắc đầu nói:

-Tôi mới uống ở trong nhà ra…

Ông ta thận trọng, có thể vì thấy anh lạ, Nam ngửa cổ làm vài hớp cho đỡ khát, bất ngờ ông ta đứng dậy và nói:

-Lúc nào có dịp đi ngang qua đây chú vô nhà tui chơi nghe, ở đây ít người, có hàng xóm qua lại đỡ vắng vẻ…

-Dạ, hôm nào có dịp tôi ghé lại nhà anh Ba.

Nam đổi sang gọi ông ta bằng thứ như ở miền tây, và nhìn theo người đàn ông bước đi nhanh nhẹ trên con đường mòn nhỏ về phía căn nhà tranh.

Đói bụng, anh lấy mấy củ khoai, bắp luộc đem theo từ sáng ra ăn trưa. Buổi trưa, mặt nước hồ thênh thang, tỏa ra hơi mát lạnh, lâu lâu ở phía xa có chiếc xuồng nhỏ và người ngồi giăng câu bơi chậm rải. Thường thì ở những hồ nước thông với những con suối từ các khu rừng vắng đổ ra có nhiều cá to.

Nghỉ một lát sau bửa trưa, Nam đi dọc ngang dòm ngó khắp khu đất của mình, từ bờ hồ rồi vào trong cánh rừng cao su vắng bóng người trên dãy đồi cao cho đến tận chiều. Nhìn mặt trời đang dần lặn xuống ở khu rừng phía tây, Nam đi ngược ra lại bờ hồ ở phía trên đất của Ba Du, xuyên qua trảng cỏ nhỏ, rồi đến gần chân dốc đồi đá và rừng cây để quan sát. Các con suối đổ ra hồ nơi này thì nhỏ, Nam thấy không đúng với vị trí được ông quản gia đồn điền kể lại.

Buổi chiều nay Nam đã đi gần hết khu vực quanh bờ hồ, cũng không tìm thấy có gì mới, anh quay về nhà vì trời cũng đã bắt đầu tối. Đi ngang qua chỗ anh gặp Ba Du lúc trưa, không thấy chiếc xuồng cột ở bụi cây, Nam đoán có lẽ ông ta đã chèo thuyền đi câu cá đâu đó trong lòng hồ rồi.

Buổi gặp Ba Du vào ban sáng chiếm hết suy nghĩ của Nam vào tối hôm đó, anh suy đoán nhiều về người đàn ông này. Ở Ba Du như ẩn giấu điều gì đó, anh nghĩ sau năm 75, thời thế đảo lộn, thân phận con người cũng ba chìm, bảy nổi, nhiều người muốn che giấu danh tính, lý lịch của mình vì nhiều lý do. Linh tính và sự nhạy bén làm anh đoán ông ta không phải là nông dân, có thể vẻ bề ngoài đen đúa đó che dấu được người khác, và làm họ khó nhận ra thân phận thật của Ba Du.

Mấy ngày hôm nay Nam làm việc quanh quẩn gần nhà, dọn cỏ cho đám đậu xanh và bắp vừa trỉa xuống từ mấy tuần trước.

Xong công việc, anh ra bìa rẫy nơi có bụi trúc, chặt vài cây về làm cần, Nam có ý định đến ngồi câu ở quanh khu vực con suối chảy vào hồ để có dịp quan sát xung quanh và khu rừng chồi mà không bị ai để ý, và nếu có câu được cá thì có thêm nguồn thực phẩm cũng tốt.

Buổi trưa, sau khi cơm nước xong, Nam xách cần câu ra ngồi dưới bóng râm của bụi cây lớn bên bờ hồ. Ánh nắng gay gắt chạy lăn tăn trên mặt hồ, Nam móc mồi vào lưỡi câu rồi quăng xuống, làn nước hồ trong xanh xao động nhẹ. Chọn mô đất khô ráo để ngồi, anh muốn tránh xa bọn kiến đen sát thủ đang đi săn mồi thành từng đoàn dài vì sợ những cái hàm sắc của chúng.

Nam quan sát khung cảnh bát ngát xung quanh, nơi đây thật yên tĩnh, nhìn ra xa trên hồ, anh cố tìm Ba Du và chiếc xuồng, nhưng mặt nước vẩn mênh mông vắng lặng, một vài cánh cò trắng nhỏ bay la đà kiếm ăn ở khúc trên thượng lưu hồ.

Mùa mưa vừa dứt nên lúc này các con suối chảy ra từ trong rừng vẫn còn nước. Nam theo dõi cái phao làm bằng miếng cao su đang trôi lờ đờ trên mặt hồ, thả mồi nãy giờ khá lâu mà chưa thấy cá cắn câu. Anh dựa lưng vào gốc cây cho đỡ mỏi, chợt một cuộn nước xoáy nổi lên chỗ bụi cây rậm rạp ven bờ của khu rừng chồi làm Nam chú ý, kế đến có tiếng sột soạt trong đám cây, rồi vài phút sau không gian trở lại im vắng.

Cái phao động đậy, cần câu bị cá lôi đi, Nam nhanh tay giật mạnh, trên đầu dây câu một con cá chép khá to đang vung vẩy cái đuôi, anh mỉm cười, vậy là tối nay có món cá rồi.

Gần về chiều, ngồi nán lại, câu thêm được vài con cá mè nhỏ, anh khoan khoái đứng dậy xách xâu cá đi về, chợt xuồng Ba Du xuất hiện từ xa, ông ta đưa tay chào Nam và gọi to. Anh cũng đưa tay về phía Ba Du đang chèo nhanh đến chỗ anh đứng, tới nơi chiếc xuồng chậm lại và cặp vào bờ, Ba Du tươi cười hỏi:

-Câu được con cá nào không chú Nam?

-Cũng được vài ba con anh Ba, đang tính đi về đây!

Nam nhìn vào khoang xuồng xâm xấp nước, dưới đống lưới cũ màu xanh, có bốn, năm con cá khá to đang nhảy lạch bạch. Ba Du móc gói thuốc lá ra mời anh, cả hai ngồi hút thuốc trên mô đất ven hồ trong không gian hoang vắng của buổi chiều tà, chợt Ba Du lên tiếng:

-Có mồi rồi, tối nay chú Nam qua bên tui làm sương sương cho vui, tui còn chai rượu thuốc để từ hồi giửa năm đến giờ, bây giờ tui về trước nghe, chừng hơi tối tối chú Nam qua!

Nói xong Ba Du nhảy xuống xuồng nhanh nhẹ chèo về bờ hồ phía trên gần nhà ông ta, Nam nghĩ Ba Du đúng là dân Saigon, khoái kết bạn và nhậu nhẹt lai rai, nhưng mà có hàng xóm cởi mở, phóng khoáng như ông ta thì cuộc sống ở nơi đèo heo, hút gió này cũng đỡ buồn chán.

Chiều tối Nam qua nhà Ba Du, hai người ngồi nhậu trên cái phản tre kê cao khỏi mặt đất vài ba tấc trong căn nhà tranh nhỏ, kế bên là gian bếp kê bằng ba hòn đá tròn, vài cái nồi lớn, nhỏ và ấm nước bằng nhôm ám khói đen kịt treo trên vách. Dọc theo vách là cuốc, xẻng, rựa, dao … ở phía trên cao là hai tấm ván gổ cao su dài làm kệ để mấy lọ muối, chai nước tương, nước mắm, mấy trái ớt…

Món cá dưới hồ nướng than rất “bắt”, rau xanh thì dồi dào vì xung quanh nhà Ba Du có rất nhiều, Nam và Ba Du vừa lai rai, vừa nói chuyện về thời tiết nắng mưa, các loại giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng đất đai ở đây, tình hình cuộc sống cơ cực của dân Saigon hiện nay và nông dân quanh nông trường cao su này…

Nam ngạc nhiên thấy kiến thức và sự hiểu biết của Ba Du rộng rải và sâu sắc, có rượu ngon và câu chuyện hợp ý, giữa anh và Ba Du dần dần cởi mở hơn. Nam hỏi thăm Ba Du về gia đình ở thành phố, Ba Du bỗng trầm ngâm, rót đầy ly rượu và nốc cạn, rồi kể:

- Sau năm 75, vì là lính VNCH, nên tui bị đi học tập một thời gian ngắn, gia đình nghèo, do vậy cuộc sóng rất khó khăn, phải bươn chải đủ nghề để nuôi mẹ già, vợ con, mấy năm sau, nhà nước bắt ép người dân lên các vùng kinh tế mới sinh sống, gia đình tui cũng thuộc diện phải ra đi, vì trước đây lúc còn là lính, tui hay đóng quân ở vùng này, nên chọn vô đây, nghĩ vì nó cũng khá gần thành phố, đi về cũng dể dàng hơn, thời gian đầu tui định mang cả gia đình lên, nhưng sau một thời gian, thấy cuộc sống ở đây còn khó khăn hơn ở thành phố nhiều, đau ốm bệnh tật không có thuốc men, bịnh viện… nên tui cho bà già và vợ con quay về lại nhà cũ, còn tui ở đây một mình, làm rẩy mỗi mùa có thêm đậu, khoai, bắp … tiếp tế cho dưới đó.

Nam ngồi lắng nghe Ba Du nói chuyện, anh hiểu phần nào cuộc sống của những người lính miền Nam sau ngày 30/4, nhìn căn chòi trống hoác, đồ đạc sơ sài, Ba Du kể tiếp:

-Bà xã tôi sau một thời gian về thành phố ở với bà già và đứa con trai, ra chợ mua bán lặt vặt để kiếm tiền, rồi sau đó vì ăn uống kham khổ quá, và là phụ nữ sức yếu, không may bị bệnh và mất cách đây mấy năm rồi!

Ba Du nói xong nhìn anh, hai người đàn ông cùng im lặng trong bóng tối mờ mờ của buổi chiều ở vùng rừng núi tịch mịch. Ba Du cầm ly rượu lên cụng nhẹ vào ly của Nam như nhắc anh uống, gắp một miếng cá nướng đưa cay, anh nói qua loa về mình:

-Tôi cũng đang sống với bà già, bà chị và mấy đưa em ở Phú Nhuận, lúc trước đi buôn đường dài, rồi nhà nước ngày càng làm khó khăn, buôn bán đường dài không được bao nhiêu mà còn dể bị bắt và tù tội, nên tôi tính mua miếng đất rẩy trồng trọt để có chút đậu, bắp… nuôi gia đình.

Ba Du thắc mắc, nhìn Nam và hỏi:

-Sao chú biết mà đến vùng này mua đất ở đây?

Dĩ nhiên Nam đâu dám nói thật cho Ba Du biết lý do, anh cầm ly rượu lên rồi suy nghĩ trả lời:

-Lúc đi buôn có quen vài người dân ở vùng này, nhờ họ chỉ dẩn, nên mua ở đây luôn cho tiện!

Nhìn cánh tay phải của Ba Du có dấu sẹo che hàng chữ xâm mờ mờ, Nam tò mò định hỏi, Ba Du cười nói:

-Trước 75, tôi đi lính biệt động quân, mấy thằng bạn thân trong lính xăm đó!

Nghe xong Nam cũng cười, đâu ngờ người nông dân hàng xóm của anh là sắc lính dử dội đó, anh dư biết những hàng chữ đó là khẩu hiệu của những người lính biệt động quân khi xung trận, anh thấy cảm phục Ba Du. Chai rượu dần hết sạch theo câu chuyện của hai người đàn ông, bóng tối dần xuống trên dãy rừng xa xa bên kia bờ hồ.

Cả hai ra trước hàng hiên ngồi hút thuốc trên khúc gỗ dài, những cơn gió chiều cuối năm đem theo hơi lạnh từ vùng rừng núi xa xôi ở phía bắc về làm se sắt lòng người.

Hút hết điếu thuốc, thấy trời cũng đã tối, Nam đứng dậy và chào Ba Du ra về. Tiếng côn trùng vang lên rền rỉ trong bóng chiều tàn, thỉnh thoảng vài tiếng kêu, lẩn tiếng vổ cánh của các loài chim ăn đêm nghe rỏ trong không gian u tịch. Ba Du đưa tay ra bắt lấy bàn tay của Nam và siết nhẹ, anh cảm thấy có một niềm vui nhỏ trong lòng. Vừa quay người dợm bước xuống con đường mòn, anh nghe Ba Du gọi phía sau:

-Chờ chút chú Nam!

Nam hơi ngạc nhiên, dừng lại, Ba Du quay vào trong nhà, lúc sau đi ra đưa cho anh một cái đèn tự chế bằng mấy cục pin quân đội cũ và cây gậy có một đầu nhọn. Ba Du chỉ cho anh sợi dây để đeo cái đèn lên vai, rồi đấu nối sợi dây điện vào cục pin để đèn sáng lên, Nam mỉm cười, cám ơn rồi ra về.

Nhờ có cái đèn chế bằng mấy cục pin quân đội cũ, và cây gậy làm vũ khí trên tay, Nam thấy yên tâm hơn khi lội bộ trong bóng tối mờ mờ ven con đường dọc bờ hồ.

Đi cách nhà Ba Du được một đoạn khá xa, Nam theo con đường vòng vào phía trong để tránh đám rừng chồi ở ranh giới giữa rẩy của anh và Ba Du. Trong bóng đêm, đám cây rừng trông âm u kỳ lạ, anh thấy hơi lành lạnh, không biết vì sương đêm hay lo sợ.

Những ly rượu ban chiều làm Nam hơi chếnh choáng, nhưng nó cũng làm cái gan anh to hơn lúc bình thường. Anh tiếp tục bước nhanh và lia cái đèn về phía đám cây tối đen, khi đến đoạn đường ôm sát những lùm cây um tùm, Nam nghe có tiếng sột soạt con vật nào đó đang chạy trong đó giữa các bụi rậm, làm rung lắc cây lá, rồi sau đó mọi thứ lại im lặng trở lại. Anh hơi tò mò nhưng rồi vội bước nhanh hơn, Nam đi trên các tảng đá để băng qua con suối, về hướng căn nhà nhỏ hiện ra mờ mờ ở khúc quanh trên dốc đồi.

Trời đã khá khuya, Nam đứng trước cửa nhà nhìn về đám rừng chồi đang chìm trong màn đêm, đầu óc nghĩ ngợi vì những điều lạ lùng, khó hiểu mà anh thấy từ lúc về đây.

Đây là vùng đất hoang vu, trong thời chiến tranh, bom đạn của các trận đánh nhau tàn phá khắp nơi, và có một điều chắc chắn là nhiều dân thường và lính tráng ở hai bên chết trong khu đồn điền cao su này.

Nghĩ đến đây Nam thấy ớn lạnh, anh không tin có ma quỷ, nhưng sống một mình cũng thấy cô đơn lạnh lẻo giữa rừng núi, dù sao nơi thâm sơn cùng cốc này có được người hàng xóm như Ba Du thì cũng yên tâm hơn.

Sáng hôm sau, Nam dậy trễ vì hôm qua uống khá nhiều rượu ở nhà Ba Du, làn gió lạnh của thời gian cuối cùng trong năm làm anh tĩnh táo dần, mặt trời vẩn chưa lên rỏ trên dãy đồi phía đông. Đứng trước căn nhà nhìn về phía đám bắp xanh tốt đã có trái to, khoảng ba, bốn tuần nửa thì vừa thu hoạch.

Năm nay bắp và đậu xanh trúng mùa, ít bị sâu bệnh và thú hoang như sóc, chim … ra phá phách. Tối qua nghe Ba Du kể, có nhiều năm không rỏ vì lý do gì, đến mùa thu hoạch cuối năm như thời gian này, các loài thú trong rừng tràn ra rẫy cắn phá hằng đêm, đến lúc thu hoạch thì chẳng còn được bao nhiêu.

Ăn sáng qua loa với cơm nguội và cá kho sẵn từ chiều hôm qua, Nam nấu nước uống trong cái ấm nhôm ám khói đen, bắc trên cái bếp bằng ba cục đá to lấy từ con suối về.

Buổi sáng đầu ngày, vì đang là mùa khô, Nam ra xách nước từ giếng về đổ vào cái thùng phuy cụt ở sau nhà, ông chủ nhà cũ có lẻ tìm được nó trong khu nhà ở của công nhân trong đồn điền cao su và đem về xài. Bên hông thùng còn dấu những lổ đạn bắn xuyên qua, được ông ta trét kín lại bằng mấy miếng vải bao bố cũ xé nhỏ tẩm nhựa hắc ín, rồi nhét vào đó để nước không chảy ra. Còn việc tắm táp, buổi chiều, anh thường ra ngoài hồ cho đỡ phải vất vã xách nước giếng.

Xong công việc, anh lấy cái nón vải cũ kỹ đội lên đầu và cầm theo cây rựa, sau khi lội một vòng ra rẩy, Nam đi ngược lên phía bờ hồ nhà Ba Du dưới bầu trời nắng nhẹ buổi sáng, mặt nước hồ gợn sóng lăn tăn theo từng cơn gió từ phía đông bắc thổi về. Trong các bụi cây và cỏ dại mọc xanh um tùm gần bờ hồ, vài con chim nhỏ vụt bay lên cao khi nghe tiếng chân anh bước loạt soạt đến gần.

(còn tiếp)