...9 **

- Thôi đi, để lên trển rồi hãy biết. Anh thổi tắt đèn đi rồi mình dông cho sớm chớ!
Tư Cầu hấp tấp níu Phấn lại:
- Khoan đã! Để chờ anh dỡ cơm đem theo ăn dọc đường, chớ hông thôi chết đói còn gì!
Phấn bực mình, dậm chân chắc lưỡi:
- Ối thôi đi, từ đây lội qua lộ xe có xa xôi gì mà những phải bọc cơm theo như là đi ăn cấy vậy.
- Nhưng còn lên Trà Ôn hay đi xe dọc đường thì sao?
- Thôi đi ông nội! Anh thiệt nhà quê nhà vườn dốt mít đặc… lên trển tiệm cơm, tiệm cháo thiếu gì, hay là mình mua bậy một ổ bánh mì với năm cắc đường cát ăn đỡ cũng được, mà lại gọn bân.
- Nhưng anh lỡ nấu cơm hồi khuya rồi, bỏ lợi tội chết. Với có món mắm chưng nữa. Em nán đợi anh một chút để anh dỡ mang theo chớ bỏ uổng lắm… Nghe nói lên trên Sàigòn, người ta ăn đồ Tây đồ Tàu không hè. Như vậy biết chừng nào mình mới nếm lại được món mắm chưng nầy nữa.
Nghe Tư Cầu than thở như vậy, Phấn cũng không nỡ làm gắt:
- Thôi cũng được! Anh vô gói mau mau đi, mà cái món mắm chưng đó, anh liệu làm sao cho vén khéo chớ để nó đổ ra dính quần áo hôi rình đó nghen!
Tư Cầu vội vã chạy vô bếp dỡ cơm ra gói trong tấm lá chuối xanh, đoạn để vào trong một cái mo cau cùng với chén mắm. Xong xuôi, anh ta xách chạy ra.
Phấn tay ôm gói quần áo chực sẵn ngoài sân chòi:
- Sao, xong hết rồi hén!
Tư Cầu dợm trả lời nhưng rồi lại nín thinh, đứng khựng lại. Phấn cau mày hỏi lớn:
- Cái gì đó nữa hả?
Tư Cầu lắp bắp nói:
- Anh tính để đi thăm qua bầy vịt và con trâu rồi hãy đi…
- Trời đất quỷ thần ơi! Vịt trâu gì cũng thây kẹ mẹ nó, anh cứ cà rà hoài thì đến trưa mới đi được. Vậy mà hồi nãy làm bộ kêu là ra trễ, ra muộn.
Thấy Tư Cầu cứ dùng dằng không chịu đi, Phấn nhún vai lắc đầu thở dài:
- Thôi, anh muốn đi thăm cái gì đó thì làm ơn đi cho mau đi! Anh thiệt hết nước… Bị lỡ tính trốn với anh nên phải ráng chịu, chớ anh cứ cái mửng đó hoài thì có ngày cũng sọc dưa ráo trọi…
Tư Cầu chẳng nói chẳng rằng, dựng mo cơm bên cột chòi rồi chạy đi thăm sơ qua bầy vịt.
Thấy anh ta tới, bầy vịt tưởng đâu được cho ăn nên kêu cạc cạc vang rân. Tư Cầu lính quýnh ngó tới ngó lui một hồi rồi bỏ chạy qua bên con trâu Sấm.
Thấy con trâu vừa khịt khịt mũi vừa ve vẩy đôi tai, Tư Cầu quặn đau trong ruột. Anh ta chạy đến mở niệt buộc con Sấm ra, rồi vừa vỗ vào cổ con trâu, vừa nghẹn ngào than thở:
- Thôi mầy ở lại nghen Sấm! Tao mở hết dây buộc mầy ra đó, mơi sáng mầy có đói bụng thì liệu mà lội đi kiếm ăn…
Hai đứa nó vừa bước chân lên bờ mẫu để băng qua đồng hướng về phía lộ xe dưới La Ghi lên thì nghe có tiếng ai chống xuồng ào ào phía bàu nước.
Phấn vội níu tay Tư Cầu ngồi thụp xuống và kề tai anh ta hỏi nhỏ:
- Anh coi ai chống xuồng ra đó! Cái điệu nầy sợ ở trỏng hay rượt theo tụi mình thì kể như… lúa hết cả đám.
Tư Cầu hồi hộp nghển cổ lên nhìn về phía người chống xuồng và nó thở phào một cái rồi vui vẻ nói:
- Hổng sao đâu em ơi, cái thằng cha Sáu Già nó đi gỡ câu đó mà.
- Vậy hả? Thiệt hú hồn hú vía. Nhưng mình cũng để cho nó mất dạng rồi hãy đứng dậy đi, chớ để nó thấy được thì phen nầy chỉ có nước… cạo đầu đi tu.
Tư Cầu lặng thinh ngoái cổ canh chừng cho xuồng câu đi khuất rồi khều Phấn :
- Bây giờ đi được rồi em à.
Hai đứa nó lại đứng dậy tiếp tục đi. Phấn ôm gói đồ dẫn trước, còn Tư Cầu xách mo cơm lúc thúc theo sau… Và hai đứa nó cứ cắm đầu cắm cổ rảo bước không trò chuyện gì hết, tuy mỗi người đều theo đuổi trong đầu những ý nghĩ riêng tư…
Đến chừng thấy ló dạng hàng cây còng dọc theo hai bên bờ lộ xe thì trời đã sáng bét.
Tư Cầu chỉ về phía cây rơm chất bên bìa vườn cau ở trước mặt rồi bảo Phấn:
- Hay mình vô đó lật cơm ra ăn lót dạ, rồi hãy ra lộ đón xe nghen em!
Phấn định không nghe theo, nhưng khi nhìn đến mo cơm tòn ten dưới tay Tư Cầu, cô ta bèn đổi ý gật đầu:
- Anh tính vậy cũng được. Phải rồi, mình ăn phứt rồi liệng mo cơm nầy cho rồi chớ đem nó theo lên xe coi hổng được.
Tư Cầu muốân mở miệng hỏi lại Phấn tại vì sao “coi hổng được” nhưng lại thôi nhưng lại thôi, rồi rảo bước về phía cây rơm.
Đến nơi, Tư Cầu chọn chỗ khuất ánh nắng chiếu, ngồi xuống mở banh mo cơm ra, lấy chén mắm lóc chưng đặt ra một bên. Đoạn anh ta chạy đi bẻ một nhánh tre nhỏ để làm hai đôi đũa tạm.
Xong xuôi anh ta phủi tay và mời Phấn :
- Em ngồi xuống ăn bậy ba hột chớ hông thôi lát nữa đói chết!
Thấy Phấn còn đứng xớ rớ như muốn tìm chỗ ngồi, anh ta lại chạy đi bẻ một ngọn lá chuối trải xuốâng cỏ rồi bảo:
- Em ngồi xuống đó hông thôi lấm quần áo hết.
Phấn thò tay rút xuốâng một chiếc guốc sơn mài dắt kèm sau sợi dây buộc gói đồ đem đặt trên tàu lá rồi rón rén ngồi xuống. Cô ta nhìn mo cơm, chén mắm rồi nói:
- Thôi anh ăn một mình đi, em hổng đói.
- Coi, em phải ráng ăn dằn bụng ba hột chớ mình đi xe thì còn lâu mới tới chợ, như vậy đói rã ruột chớ phải chơi sao. Ở dưới nầy, mình quen ăn cơm đi mần sớm, em nhịn, chịu sao được!
Thấy Tư Cầu nài ép như vậy, Phấn cũng tội nghiệp nên nói:
- Thôi được, để em ăn với anh cho có bạn.
Tư Cầu vội lấy hai cọng tre đưa cho Phấn:
- Em cầm đỡ cái nầy để gắp mắm ăn.
Phấn miễn cưỡng cầm lấy gắp chút xíu mắm chưng, đưa tay nhón lấy chút cơm bỏ vô miệng nhai chậm rãi.
Trong lúc đó, Tư Cầu vừa bốc cơm vừa gắp mắm ăn ngon lành. Thỉnh thoảng, anh ta ngước lên lên dục Phấn ăn thêm, cô chỉ gật đầu mỉm cười và ăn cầm chừng vậy thôi.
Tư Cầu buông đôi cọng tre xuống, lấy tay quẹt miệng, rồi vừa xô mo cơm lại gần bên Phấn vừa bảo:
- Còn một chút, em vét hết đi kẻo tội!
Phấn lắc đầu:
- Em nuốt hết vô, thôi anh ráng ăn cho hết đi, nếu không thì bỏ đại lợi đó chớ gì!
Tư Cầu tiếc rẻ nhìn mo cơm, chén mắm rồi tẩn mẩn đi gói lại đem nhét vô đống rơm
Phấn thấy vậy lên tiếng hỏi:
- Anh mần gì vậy hả anh Tư?
- Ờ… anh đem nhét vô đây để có ai qua… muốn ăn thì lấy ăn.
- Ối, sao anh lo chuyện bá vơ hoài, ai đâu mà đi ăn dọc đường dọc xá hổng biết!
- Ậy, mình ăn hổng hết thì để cho người khác họ ăn… Thiệt từ cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ, hổng có lần nào anh đem đi quăng gần một chén mắm chưng ngon lành như thế nầy!
Phấn xì một tiếng đứng lên, nhét chiếc guốc vô chỗ cũ rồi hối nó:
- Thôi mình đi lên lộ để đón xe, chớ cà rà mãi ở đây để nó chạy huốt đợi chuyến sau lâu lắm!
Tư Cầu bẻ một cọng tre xỉa răng rồi vừa vuôn vai, vừa nói:
- Bây giờ no bụng rồi… muốn đi đâu thì đi.
Rồi anh ta ngó quanh ngó quất:
- Cha, hổng có chỗ nào có nước làm bậy vài ngụm thì đã quá!
Phấn chạy lại lôi anh ta đi:
- Thôi đi tía, để chút nữa lên trển rồi tía muốn uốâng năm ba tô nước trà huế gì đó uống! Đi mau đi hông thôi trễ hết bây giờ.
… Hai đứa nó vừa ra gần tới lộ cái thì chiếc xe đò dưới La-Ghi lên cũng vừa chạy trờ tới. Anh lơ trên xe thấy có người ôm gói nên dơ tay kêu lớn:
- Đi Trà Ôn hông cô Hai ?
Tư Cầu thấy xe chạy ầm ầm tới rồi có người chỉ tay về phía anh ta la hét nên vội ngồi thụp xuống dưới bên bờ mẫu.
Phấn tức mình vừa lôi nó lên vừa đưa tay ngoắc xe lại.
Chiếc xe còn lê xa độ mười thước rồi mới ngừng hẳn. Phấn vừa rảo bước vừa cằn nhằn Tư Cầu :
- Anh mần gì kỳ cục vậy! Xe đò nó mời khách chớ bộ nó ăn thịt ăn cá gì anh sao anh lại trốn hả?
Tư Cầu xẻn lẻn đáp:
- Vậy hả! Thuở giờ anh có đi xe đi cộ gì đâu mà biết. Vậy mà anh tưởng nó chỉ chỗ tính bắt tụi mình chớ!
- Hổng biết thì coi theo em mà bắt chước, chớ anh làm cái điệu đó thiên hạ họ càng sanh nghi thêm.
Tư Cầu vừa bước lẹ lẹ, vừa cúi mình với tay gỡ đám cỏ may mắc dính trên ống quần từ đầu gối trở xuống mà ban nãy vì ngồi thụp xuống một bên bờ mẫu nên không để ý.
Phấn liếc mắt thấy vậy véo nó một cái đau điếng:
- Để chút nữa lên xe rồi gỡ hổng được sao!
Tư Cầu giựt mình bỏ vội ống quần xuống rồi chạy lúp xúp theo Phấn.
Đến nơi, anh lơ đã mở sẵn cửa xe ở hàng băng thứ nhì và đứng đợi một bên:
- Cô Hai đi Trà Ôn hả cô Hai? Đây có chỗ ở trước nầy tốt lắm! Cô có hành lý gì hông cô Hai?
Phấn vừa xăng xái bước lên xe vừa đáp:
- Tui chỉ có gói nầy đem theo mình đây thôi.
Cô ta vừa bước lên xe thì anh lơ đã đóng cửa xe lại cái rầm rồi hô “chạy”. Phấn vội lêu giựt ngược:
- Khoan đã! Còn một người đi nữa nghen!
Anh lơ lại vội hô lớn lên “tốp tốp” rồi anh ta quay qua hỏi Phấn :
- Bộ cái anh đứng lớ ngớ đó cũng có đi nữa sao?
Phấn quắc mắt nhìn nó:
- Bộ anh hổng cho đi sao?
- Đâu phải vậy… nhưng ảnh chẳng nói năng gì hết ai biết…
Anh lơ nói xuôi theo vừa nhảy xuống ngoắc Tư Cầu lại.
Tư Cầu chạy tới đứng thở hổn hển lóng ngóng nhìn lên xe kiếm Phấn.
Anh lơ vừa chạy lại mở cửa phía băng sau và kêu Tư Cầu:
- Lại đây nè anh.
Anh lơ vội chạy lại vừa nhìn bộ quần áo mốc thếch của Tư Cầu vừa nói:
- Cô Hai để ảnh ngồi băng sau với tui hổng được sao cô Hai?
Phấn sẵng giọng đáp:
- Để ảnh ngồi đây với tui. Anh tui đó mà!
- Vậy hả… cô hổng nói trước ai biết đâu!
Anh lơ vói tay mở cửa băng trước cho Tư Cầu leo lên, nhưng vẫn ngó chăm bẳm anh ta với đôi mắt đầy hoài nghi. Rồi anh ta nhún vai, đóng rầm cửa lại và vừa đeo tòn ten bên hông xe vừa hướng về phía sớp-phơ la lớn “chạy”.
Chiếc xe đò lại cà rịch cà tàng tiếp tục cuộc hành trình.
Hành khách ngồi trên xe chứng kiến cảnh “lộn xộn” ban nãy nên đều ngoái cổ nhìn cặp Tư Cầu.
Phấn thì ngồi thản nhiên như không, ngó thẳng về phía trước, còn Tư Cầu mắc cở lúng túng cúi gằm mặt xuốâng gỡ đám cỏ may còn dính cứng trên hai ống quần…
Chiếc xe được trớn mỗi lúc càng chạy mau thêm.
Đây là lần đầu tiên Tư Cầu mới được đi xe hơi.
Gió tạt ù ù làm cho nó lùng bùng hai lỗ tai. Nhưng xe chạy được mươi cây số thì tiếng gió ù ù ấy hòa lẫn với tiếng máy xe nổ đều đều làm cho anh ta thấy buồn ngủ, nhướng mắt hết nổi và phải gục lên gục xuống mấy lần.
Và mỗi lần anh ta sắp sửa ngoẻo cổ qua một bên là Phấn lấy cùi chỏ thúc vô hông anh ta một cái làm anh ta giựt mình mở choàng mắt ra.

x
x x
Lối gần 11 giờ thì xe lên đến chợ Trà Ôn.
Như đã sắp đặt sẵn đâu ở trên xe, liền khi bước xuống đất là Phấn dẫn Tư Cầu đến thẳng tiệm hớt tóc.
Hồi nào tới giờ Tư Cầu quen hớt tóc theo lối vườn ở trần trụi ngồi trên ghế đẩu để hớt với cái tông-đơ lụt nhách, với con dao cạo cùn mằn và ít lắm là ba tháng mới hớt một lần nên tóc thường phủ ót dày bịt.
Phấn nhét vào tay anh ta cái giấy năm đồng:
- Đây nè, anh cầm tiền vô hớt tóc đi để em qua chợ lo sắm sửa một vài bộ quần áo cho anh.
Tư Cầu lựng khựng đứng lại hỏi:
- Em đi nhớ trở lại đây mau mau nghen!
- Ừ mà nếu anh có rồi trước cũng ngồi đó đợi chớ đừng có đi đâu bậy bạ nghen!
- Ừ… mà hổng biết ở đây họ hớt cái đầu ăn bao nhiêu tiền hả em?
- Ối, ai biết đâu mà anh hỏi! Thì chút nữa hớt rồi hỏi người ta… mà thế nào cũng mắc hơn ở dưới mình đó nghen. Thôi đi vô hớt cho mau đi!
Tư Cầu xớ rớ đi vô tiệm. Một anh thợ đã chực sẵn, thấy khách vô vội lấy tấm khăn choàng phủi phạch phạch lên trên chiếc ghế trống và nói:
- Ngồi đây cậu Hai.
Tư Cầu ấp úng:
- Dạ, tui… hớt tóc.
Anh thợ nhìn cái đầu chùm bum của anh ta, mỉm cười giơ tay chỉ lên ghế:
- Mời cậu Hai ngồi vô!
Tư Cầu rón rén ngồi lên mép cái ghế có nệm êm, có lưng dựa và tay dựa đàng hoàng và ngồi cứng đơ giữ lưng thẳng băng.
Anh thợ sẽ kéo nó xích vô và choàng khăn vào:
- Cậu Hai hớt kiểu nào: đờ-mi cua, ma-ninh, hay ca-rê?
Tư Cầu lúng túng không biết trả lời làm sao nên đành nói đại:
- Chú hớt như kiểu cũ.
- Dạ, bị đầu cậu tóc ra bùm xùm quá mất hết cái chớn cũ nên tôi hổng phân biệt nó ra kiểu nào hết.
- Vậy hả! À, mà hớt chải cũng được đó chú!
- Được rồi, hớt chải… nhưng cao hay thấp?
Tư Cầu nghĩ bụng ở trên nầy sao hớt tóc mà cũng rắc rối quá, ở dưới vườn hễ leo lên ghế là anh thợ rút tông-đơ đẩy liền. Không biết phải hớt cao hay thấp như thế nào nên Tư Cầu trả lời phóng chừng:
- Chú hớt cho… vừa vừa cũng được…
Anh thợ đoán sơ cũng hiểu được người khách hàng mình mới ở dưới vườn lên nên không hỏi thêm nữa và bắt tay vào việc.
Tư Cầu ngồi ngó chăm bẳm vô tấm kiếng lớn đằng trước mặt để coi anh thợ hớt tóc làm gì.
Anh thợ lấy bông phấn chậm chậm nơi mặt và xung quanh rìa tóc làm cho Tư Cầu thấy nhột nhột và mùi phấn bay thơm phức. Anh ta nghĩ bụng: cái điệu nầy mà lau không sạch, lát nữa ra đường mặt mày quằnq quện hết. Rồi cái tông-đơ hớt tóc êm rơ chớ không phải vừa kêu két két vừa giựt tóc như thứ xài ở dưới vườn…
Chưa gì mà một đống tóc đen nghịt, lớp mắc trên khăn choàng, lớp rơi đầy dưới đất.
Đến chừng tỉa tóc, anh thợ lại hỏi:
- Có để ngọn hông cậu Hai?
Tư Cầu lắp bắp nói:
- … Sao cũng được.
Anh thợ đưa kéo xởn luôn xuống một mớ tóc ngọn nữa.
Đến chừng cạo, Tư Cầu ngạc nhiên và thích thú khi nhận thấy con dao cạo trên nầy sao bén lẻm và đến lúc anh thợ kéo cho anh ta nằm ngửa ra ghế để cạo mặt, anh ta càng lấy làm lạ: ở vườn quen ngồi khom lưng trên ghế đẩu chớ đâu có được dựa bật ngửa một cách… êm ru như thế nầy… Và anh thợ cạo mặt, cạo vành lỗ tai thật khoái khiến Tư Cầu lim dim ngủ…
… Anh thợ vừa đỡ anh ta lên vừa hạ cái miếng dựa cổ xuống nghe cái “rẹt” làm anh ta giựt mình mở choàng mắt ra, và tưởng là hớt xong nên nhỏm người đứng dậy. Anh thợ nhẹ tay giữ anh ta lại và vò chút xíu dầu thơm trên tóc rồi lấy bình nước thơm xịt tứ tung lên tóc, lên mặt Tư Cầu làm anh ta thấy nhột nhột… Mùi dầu thơm rẻ tiền bay hăng hăng và Tư Cầu nghĩ thầm: chắc thứ nầy mình nghe thiên hạ thường kêu là “nước đái xẩm” đây mà. Và tự nhiên anh ta mỉm cười…
- Chải bảy ba hay năm năm hả cậu Hai?
Nghe anh thợ hớt tóc hỏi bất tử như vậy, Tư Cầu giựt mình và không biết phải trả lời làm sao. Túng quá, anh ta nói đại:
-Thì chú liệu chải làm sao coi… cho được đó thì chải!
Từ hồi nào tới giờ, nghĩa là từ hồi còn cạo trọc để chỏm mỏ ác, qua thời kỳ hớt ca-rê cho đến khi để chải, anh ta cũng chẳng để ý chải bảy ba, năm năm gì đâu mà biết để trả lời cho anh thợ hớt tóc. Hồi còn ở nhà mỗi lần nhảy xuống rạch tắm xong là anh ta chỉ ngửa đầu xuống nước để “xước lông gà”, rồi lấy hai tay vuốt vuốt tóc cho ráo… thế là xong, chớ có rờ mó tới cây lược hay săm soi trước mặt kiếng để lấy “đường”trên tóc đâu.
Phần anh thợ hớt tóc nghe anh ta nói vậy mỉm cười rồi chải bảy ba đại.
Xong xuôi, anh thợ lấy bàn chải quào quào vài cái trên cổ, trên mép tai của Tư Cầu rồi tháo khăn choàng ra phủi phành phạch lên trên quần áo anh ta và nói:
- Xong rồi đó cậu! Cậu coi tui o bế cái đầu cậu kỳ này bảnh tỏn lắm đa nghen!
Nghe nói vậy, Tư Cầu ngó lên mặt kiếng ngoẻo đầu qua lại để ngắm nghía rồi nói:
- Ừ… coi bộ cao ráo và nhẹ nhõm lắm! Chú lấy bao nhiêu vậy chú?
- Dạ, có ba đồng thôi cậu à!
Tư Cầu chưng hửng:
- Ý, lấy gì mà lấy cao vậy chú! Dưới tui người ta ăn có đồng rưỡi hè!
Anh thợ vẫn cười ngọt ngào nói:
- Hổng ai ăn mắc đâu cậu à! Trên nầy tụi tui hớt đàøng hoàng và xài toàn đồ tốt nên hớt êm rơ… đó cậu coi!
Tư Cầu nghe anh thợ nói vậy cũng xuôi tai nên móc tờ giấy năm đồng của Phấn trao cho hồi nãy đưa ra:
- Đây, chú thối lại tui hai đồng đi!
Lấy hai đồng bạc bỏ vô túi rồi, Tư Cầu bèn đi ra đằng trước tiệm đứng chờ Phấn trở lại.
Thấy anh ta đứng lóng ngóng, anh thợ hớt tóc bèn lên tiếng:
- Cậu có đợi ai thì vô trong nầy ngồi nghỉ chưn chớ hơi sức đâu mà đứng hoài vậy!
Tư Cầu lủi thủi đi vô. Anh thợ hớt tóc chỉ mấy cái ghế đặt dựa theo vách rồi nói:
- Cậu ngồi đó chơi! Có tờ nhựt trình mới cậu cầm đọc cho đỡ buồn...À mà có cái tin “ăn cắp năm lượng vàng cuốn gói theo trai” ở dưới Giá Rai- Bạc Liêu đó hay quá cậu à!
Tư Cầu giựt mình quơ lấy tờ báo miệng hỏi dồn:
- Đâu? Cái tin đó ở chỗ nào chớ?
Anh thợ ghé đầu vào và lấy ngón tay chỉ trên tờ báo:
- Đây nè! Cái tin đăng lớn bằng chiếc chiếu bông đó bộ cậu hổng thấy sao!
Rồi anh lại chép miệng than:
- Thiệt con gái đời nay quá sức! Mà cái thằng nào quơ được con đó kể cũng giỏi chớ phải chơi đâu! Giỏi vậy chớ cũng bị ông cò Bạc Liêu chốp óc rồi, phen nầy chắc nó ở tù rục xương!
Tư Cầu nghe anh thợ nói một hơi nên càng… rối ruột. Anh ta vội nắm chặt lấy tờ báo, gục sát đầu xuống mặt giấy và lầm thầm đánh vần cái tin… giựt gân ấy.
Tư Cầu đọc còn độ mười hàng nữa thì Phấn đã đến và đứng ở ngoài cửa tiệm kêu vọng vô:
- Anh Tư!
Tư Cầu nghe tiếng Phấn kêu vội ngoái cổ ra đường:
- Đứng đó đợi một chút để anh coi hết cái nầy rồi ra liền!
Phấn tức mình nói lớn:
- Coi sướng hông! Đứng đây đợi anh để rồi trễ nãi hết, rồi làm sao lên Cần Thơ cho kịp trước tối hả?
Nghe Phấn nói vậy, Tư Cầu hoảng hốt buông tờ báo xuống, rồi vừa lấm lét liếc xéo anh thợ hớt tóc vừa lấy tay khoát khoát ra hiệu bảo Phấn im.
Phấn ngạc nhiên vì thấy sao bỗng nhiên anh ta sanh chứng như vậy, đứng chống nạnh chăm bẳm trước cửa để chờ anh ta ra…
Phấn đã chực sẵn:
- Anh mê cái gì ở trỏng mà tui kêu năm lần bảy lượt anh hổng chịu ra chớ hả?
Tư Cầu níu nó đi cho khuất cửa tiệm mới đứng lại ngó dáo dác bốn phía rồi hạ giọng nói:
- Coi chừng nguy tới nơi rồi đa em!
Phấn ngạc nhiên hỏi lại:
- Anh nói cái gì mà nguy tới nơi?
- Anh mới coi trong nhựt trình trong tiệm hớt tóc đây nè… ở trỏng người ta đăng cái vụ cuốn gói theo trai đó!
Phấn cau mày:
- Ủa lạ vậy cà! Sao mới đây họ lại biết mình đi trốn mà đăng tin liền. Anh nói sao chớ nhựt trình hai ba ngày nó mới gởi xuống tới dưới nầy mà!
Tư Cầu vội giảng giải:
- Ậy, hổng phải vậy đâu! Anh nói em nghe chưa có kịp. Vụ cuốn gói theo trai là ở dưới Giá Rai đó mà!
Phấn thở phào ra:
- Hèn chi! Cái chuyện xảy ra tít mù ở dưới ăn nhập gì với mình mà anh cũng nói làm em hồn vía lên mây.
Tư Cầu sực nhớ đến hoàn cảnh hiện tại của mình nên đâm ra lo ngang:
- Thiệt anh đọc xong cái tin đó rồi tứ chi bủn rủn hết trọi… Không khéo mình vướng cái cảnh đó thì nguy. Em coi chừng cho kỹ nghen, chớ để hai đứa mình mới ló mặt lên Cần Thơ kế bị nắm chóp thì kể như chết một cửa tứ đa em!
Phấn gạt ngang:
- Ối, sao anh cứ lo tầm xàm hoài. Năm thuở mười thì mới có xảy ra một chuyện như vậy chớ bộ ai cũng vậy hết sao?
Tư Cầu nhăn nhó nói:
- Biết đâu mình gặp cái giờ xui xẻo thì sao! Mà anh ngán quá em à… Hồi đó, anh đã cản em đừng lấy vòng vàng theo mà một hai gì em cũng hổng chịu nghe hết! Cái chuyện đó ở tù thắt họng chớ bộ giỡn sao!
Phấn bực mình:
- Cái anh nầy kỳ quá ! Bộ bây giờ tính đổ thừa hả? Người ta đã nói hổng sao mà cứ theo cằn nhằn cửi nhửi hoài hè!
… Mãi đến bây giờ Phấn mới để ý đến cái đầu mới cúp của Tư Cầu nên đứng khựng lại, ngắm nghía một hồi rồi gật gù khen:
- Ừ họ cúp đầu cho anh coi được ớn! Phải bây giờ tóc tai cao ráo, mặt mày sáng láng hơn không! Chớ hồi trước anh để sao u trệ quá mà!
Tư Cầu xẻn lẻn đưa tay vuốt vuốt phía sau ót rồi cười xòa… Phấn vui vẻ đưa tay níu nó:
- Thôi đi chớ!
- Ừ… mà đi đâu đây hả em?
- Em dẫn anh xuống mé sông cho anh tắm cái đã!
Tư Cầu ngần ngại:
- Nhưng ở dưới ghe xuồng rần rần rồi tắm chỗ nào được hả em?
- Ối thiếu gì chỗ! Anh xuống mấy chỗ bực thạch tắm sướng lắm!
- Ừ cũng được, chớ hớt tóc rồi hông tắm xót trong mình ghê!
Rồi Tư Cầu nhìn thấy một cái gói mới nữa dưới tay Phấn nên nó lấy làm lạ hỏi thêm:
- Mới đây mà em mua cái gì ôm thêm kè kè đó!
- À, chút nữa em quên khuấy đi! Em mới mua cho anh hai bộ quần áo mới đó mà!
- Cha, chưa gì mà em sắm chi tới hai bộ cho tốn hao quá vậy! Bộ quần áo anh đang bận và thêm một bộ mới nữa cũng dư quá rồi.
- Phải rồi, ở dưới vườn mình quanh năm tứ mùa tám tiết gì quết một bộ đồ cũng được nhưng bây giờ mình đi lên trên nầy thì phải có cái thay đổi mới được. Em mua cho anh một bộ bi-ra-ma sọc và một bộ bà ba trắng đó anh à!
Tư Cầu nhăn nhó chắc lưỡi:
- Trời ơi, cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ có lần nào anh bận bi-ra-ma đâu mà em mua hổng biết! Mà em mua chi đồ trắng bận mau dơ lắm! Phải chi em mua cho anh một bộ bà ba vải ú đen thì còn được hơn…
Phấn vỗ về nó:
- Anh sao kỳ quá… con trai mới lớn đứa nào cũng ham ăn diện se sua, còn anh cái gì anh cũng bác ra hết! Màø ở trển có lội ruộng lội đồng gì đâu mà anh sợ mặc đồ trắng mau dơ chớ!
Tư Cầu buồn bã đáp:
-Thì cũng biết vậy rồi… nhưng bị hồi nào tới giờ mình quen bận quần cụt ở trần trùi trụi, ngồi đâu chà lết đó được, chớ bây giờ dến vô một bộ đồ trắng tinh… bứt rứt lắm em à!
- Riết rồi nó cũng quen chớ gì mà anh lo!
Tư Cầu làm thinh vừa đi vừa ngoái cổ nhìn kẻ mua người bán trong nhà lồng chợ…
… Phấn vói tay kéo kéo vạt áo và ống quần của Tư Cầu lại cho ngay ngắn, suông sẻ, đoạn nó hỏi:
- Anh bận có vừa hông? Em mua độ chừng vậy mà coi bộ cũng hổng rộng lắm.
- Rộng thùng thình đây chớ hổng rộng!
- Vừa chớ rộng gì mà rộng, kiểu áo bi-ra-ma thì nó phải vậy coi mới được.
- Vậy hả?
- Ý quên nữa… đây nè, em mới chạy đi mua cho anh một đôi guốc nữa đó. Xuống rửa chưn lại rồi mang vô đi.
Vừa nói, Phấn vừa đưa cho nó một đôi guốc vông buộc tòn ten bằng một sợi dây lác. Tư Cầu miễn cưỡng cầm lấy đôi guốc và cằn nhằn nói:
- Em bày đặt mua chi nữa hổng biết!
- Coi! Ăn bận vậy rồi đi chưn đất cho ma nó coi hả?
Tư Cầu tháo dây buộc đôi guốc ra rồi lủi thủi đi xuống mé nước rửa chân. Xong xuôi anh ta lách cách đi lên. Đến trước mặt Phấn, anh ta thở phào một cái, rồi hỏi xụi lơ:
- Bây giờ đi đâu nữa đây?
Phấn thấy bộ điệu của anh ta như vậy không vừa ý, nhưng thản nhiên đáp:
- Đi kiếm ba hột cơm ăn chớ đi đâu nữa bây giờ!

[MUSIC]http://www.freewebtown.com/sportnguyen/Goi-Nguoi-Em-Gai-Mien-Nam.mp3[/MUSIC]

... Còn tiếp