Vĩnh biệt Phượng

Dương hùng Cường



Trước khi vào truyện:

Đã từ lâu, tôi muốn viết về truyện tình của hai người. Tôi cứ hẹn với mình mãi. Truyện tình của Phượng và Dương là một truyện tình đẹp, có thể sống mãi với muôn đời.Cuộc đời của tôi mới đi hết nửa quãng đường, thành ra tôi nhiều khi tự nhủ thầm, ngày còn rộng, tháng còn dài, vội gì.

Nhiều lúc, tôi đã ngồi vào bàn viết, viết lên vài trang khởi đầu. Khi chấm dứt vài trang ấy, tôi xếp lại định ngày mai lại tiếp tục. Nhưng cái ngày mai ấy không bao giờ đến. Cái nhất định, ít khi nằm bất di dịch trong tôi. Chỉ một thời gian ngắn nào đó, cái nhất định lại biến thành, nhị rồi tam tứ định ... Có lẽ tôi phải thú nhận một điều. Tính tôi vốn lười. Những người thân thiết với tôi, thường trách tôi nhiều về tật xấu này. Hồi còn làm việc ở Biên Hòa, tôi làm việc ở đài kiểm soát Biên Hòa, làm việc hai mươi bốn giờ rồi nghỉ bốn mươi tám giờ. Trong cái thời gian bốn mươi tám giờ ấy, tôi làm thiên hạ khiếp sợ về tài ngủ.

Tôi ngủ liên miên, giờ này qua giờ khác, trừ những lúc bị những cần thiết của cơ thể thúc bách, tôi chỉ thức dậy vào những giờ ăn, rồi lại tiếp tục nằm dài, như Gia Cát Lượng ngày xưa nằm gối đầu cao, chờ đỉnh công danh trên Ngọa Long Cương. Nhưng Gia Cát Lượng mang tật ngủ ngày, còn được đặt tên là con rồng nằm. Chứ tôi chỉ là một thằng lười, lười chảy ra, lười đến nỗi không thấy ai lười hơn nó nữa.

Đó là lời phê bình của Dương, mỗi buổi chiều nó đến rủ tôi đi đến quán À la Plague, uống cà phê, ngồi đấu tiếng Tây với ông chủ quán Tây già, sống lủi thủi như một thứ anh hùng thấm mệt. Tôi đã hẹn nhiều lần với mình ngồi viết truyện về Dương mà chưa viết. Hôm nay tôi bắt đầu đây.

Sài Gòn năm ấy mùa mưa đên sớm, những buổi chiều, lạc lõng trên bầu trời mây xám đã trôi đi chầm chậm. Những đám mây chưa sũng nước mong manh quá, cố gắng lắm cũng chỉ rơi được xuống hè phố, lác đác vài giọt nước mắt vô duyên, lá cây nằm im bất động. Trong những lúc giao mùa, vỉa hè vắng khách nhàn du, cái sung sướng nhất là được ngồi trong một phòng lạnh, áp ly nước đá lên mặt, nhìn qua cửa kính để thấy màu nắng úa vàng.

Chiều nay tôi nhìn thấy Phượng đi trong màu nắng úa ấy. Màu áo đen nổi bật trên hè phố vốn rực rỡ nhiều màu, bước chân thẫn thờ như kéo lê đôi dép thấp. Phượng dừng lại bên kia đường khi đèn xanh bật lên. Giòng xe cộ ào ạt chạy qua, che khuất Phượng, rồi lại để lộ ra hình Phượng. Trong một giây tôi tưởng Phượng đã biến đi, nhưng khi giòng xe cuồng lũ qua đi, tôi vẫn thấy Phượng đứng sừng sững, vẫn với một dáng im lìm, bất động. Sau một giây ngơ ngác Phượng đặt chân xuống đường và từng bước, từng bước, chậm chạp qua đường. Tôi mở cửa đi ra để gặp Phượng.

Tuy rằng, đã lâu lắm rồi mới gặp nhau, nhưng tôi không bắt gặp một nét ngạc nhiên nào trên mặt Phượng. Hình như từ lâu, Phượng đã giữ một khuôn mặt nước đá, mà hồi xưa, tôi và Dương thường chế diễu, mỗi khi Phượng có điều gì giận dỗi, là một khuôn mặt tủ lạnh. Bây giờ thì khuôn mặt tủ lạnh ấy thường trực đóng khung. Chuyện của Dương và Phượng thật buồn. Tôi như một chứng nhân, có mặt từ lúc đầu, cho tới lúc hạ màn, vở bi hài kịch, có tiếng cười, đôi khi có nước mắt. Sân khấu trường đời thật phũ phàng, có những lúc diễn viên không được học vở kịch từ trước, nhưng đã bị những diễn biến của vở kịch lôi cuốn đi, rồi cứ như thế, sân khấu đã bắt diễn viên phải khóc, phải cười, Phượng là một diễn viên trên cái sân khấu ma quái ấy.

Tiếng hát từ nhà thâu băng Tiếng Hát Đôi Mươi bên kia đường bắt đầu một bản nhạc nức nở "Như giòng đời đó, cuốn người theo ...", cưỡng lại làm sao được hở Phượng, tôi mời Phượng vào quán, quán này tụ họp nhiều nhà báo, nhà văn, và nhất là nhiều nhạc sĩ và ca sĩ.

Thói quen buổi chiều của tôi là phải tới quán này, uống vài ly rượu, đấu láo vài chuyện nhảm. Khi gặp đông bạn bè, thì chỉ về nhà khi quán đóng cửa, hôm nào mệt, tôi về sớm, nhưng cái sớm ấy cũng chỉ là lúc thành phố đã lên đèn. Tôi mời Phượng ngồi xuống ghế, ở đây Phượng khác hẳn những nàng ca sĩ, vẫn thường ghé ngồi đây chờ giờ đi trình diễn, Phượng vẫn đẹp như ngày xưa, nhưng cái đẹp nhí nhảnh, học trò đã nhường chỗ cho một cái đẹp liêu trai, rất buồn, buồn đến não nùng. Cặp mắt hay chớp ngày xưa, bây giờ mở lớn bất động, làm cho chiếc trán thanh tú ẩn hiện một vài nếp hằn suy tư. Tôi hỏi Phượng:

- Hôm nay đi đâu mà chỉ có một mình?

Phượng cười buồn:

- Có còn ai nữa mà hai mình? Hay là anh đi chơi với Phượng để chúng mình có hai đứa. Bằng lòng không?

Phượng vẫn còn nhớ được những cái thẳng băng của lối nói chuyện ngày xưa. Ồ, tại sao tôi hay nhắc đến chuyện ngày xưa, hai tiếng mà nói lên cứ như kể chuyện cổ tích? Ngày xưa, những ngày ấy đẹp lắm, ngày có tôi, có Dương, có Phượng, có Tâm và có Thư Hương.

Tới bây giờ tôi cũng không hiểu Thư Hương đáng yêu hay đáng trách. Tất cả chúng tôi coi Thư Hương như một người em gái. Thật ra thì Thư Hương chính là em gái của chúng tôi ... Thư Hương là em gái của Tâm.

Bây giờ Tâm đã nằm yên dưới ba thước đất. Nấm mộ Tâm cỏ đã mọc xanh rì. Ngày còn sống Tâm đã rất hãnh diện về cái tên của mình bằng một câu trong truyện Kiều "Một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời". Ba ngôi sao thêm một vầng trăng là tên của Tâm, căn cứ vào đó, Tâm cho rằng cuộc đời binh nghiệp của Tâm sẽ sáng lắm ... Rồi đây Tâm sẽ làm tướng ba sao mà! ....nhưng cố gắng lắm thì Tâm cũng chỉ thành cố Đại Úy với ba hoa mai đặt lên bàn thờ, một đán tang với nhiều tiếng nức nở, và để lại trên cõi đời này ba cuộc đời oan nghiệt, cuộc đời của Dương, của Phượng và của Thư Hương.

Vầng trăng khuyết đó là Tâm chăng? Và ba ngôi sao nằm cạnh là Dương, là Phượng, là Thư Hương đó chăng? Sao không thấy ai trả lời? Tâm nằm im lìm ngoài đó, nơi nghĩa trang Bắc Việt với lối đi đầy xác lá, với tiếng thông reo vi vu, như ngàn tiếng thì thầm và thở dài của những người nằm dưới mộ.

Mỗi buổi chiều, nơi nghĩa trang này đều có vài ba bóng dáng của những nàng quả phụ trẻ, thầm lặng thắp lên vài ba nấm mồ những nén hương tưởng nhớ. Không khí nghĩa trang thật yên lặng, dù chỉ cách đại lộ một con đường, mà lúc nào xe cộ cũng chạy một cách nhộn nhịp không ngừng. Nhìn tấm bia của từng nấm mộ, ít ai có được một cái chết già.

Làm một cái tính trừ của năm mà người sống đưa người chết ra tới nghĩa trang, với năm mà người đó được đẩy ra dưới ánh mặt trời, sao thấy con số đó nhỏ quá, nhiều nhất là từ hai mươi cho tới ba mươi. Tâm cũng vậy, chàng đã chết lúc vừa hai mươi tám tuổi.

Những ngày buồn tôi lại tới nghĩa trang Bắc Việt ... nhiều người bạn của tôi đang nằm ở đây. Nơi đây ngoài những tiếng động âm thầm của nghĩa trang, còn vang vọng tiếng động cơ từ phi trường Tân Sơn Nhứt. Từng chuyến phi cơ vận tải phản lực cất cánh và hạ cánh, đôi cánh che rợp trời, loáng thoáng lướt qua từng nấm mộ.

Những phi cơ ấy không phải của bạn tôi, của Dương, của Tâm, vì dưới cánh không mang theo bom đạn, để gợi cho người ta cái chiến tranh đang kéo dài mấy chục năm trên đất nước này. Tôi nhìn vào mắt Phượng, đôi mắt thẳm chứa đầy u buồn hơn cả bao nghĩa trang. Ly nước để trước mặt lấm tấm vài giọt nước đọng. Phượng thẩn thơ đặt lên môi uống một hơi hết nửa ly, rồi như bàng hoàng tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Lần đầu tiên từ lúc găp, tôi được nhìn một nụ cười thoải mái nở trên môi Phượng.

- Thế nào anh? Cuộc đời tình ái, sự nghiệp của anh hồi này ra sao? ... Chuyện cơm áo vất vả lắm không? ... Làm nhiều nghề như anh thì giầu là cái chắc rồi ...

Như cất đi được những tảng đá nặng chĩu xuống đôi vai, tôi cười theo Phượng:

- Cũng đều đều, ngày hai bữa ăn và một giấc ngủ. Làm sao mà giầu được? Phượng còn lạ gì tính nết tôi, có tiền thì phải xài cho hết, chỉ sợ tiền thành rắn thành rết bò ra cắn chết. Bởi vậy chẳng bao giờ giầu.

Phượng hỏi tới vợ tôi và con tôi và những người mà cả hai cùng quen biết. Cuộc gặp gỡ Phượng chỉ ngắn ngủi có thế đủ để tôi bắt đầu chuyện của Phượng và Dương.

Và bây giờ bắt đầu vào truyện:



Chương một.


- Lần nào phát thư, cũng chẳng có thư của hai ông.

Dương và Tâm ngồi ngoài đầu hè trước phòng hành quân, nghe câu nói ấy đều giật mình quay lại. Người Trung sĩ bưu tín viên nhìn hai chàng cười, lấp lánh vài chiếc răng vàng. Người Trung sĩ này rất chịu khó. Mỗi buổi sáng chừng hơn tám giờ, khi nắng đã trải dài trên phi đạo, tràn lan khắp sân đậu, soi rõ những hạt sương đọng trên cockpit của phi cơ, là người bưu tín viên xuất hiện đúng giờ, cứ y như một đồng hồ loại tốt.

Trước phòng hành quân của phi đoàn X, có treo một hàng dài hộp thư, bên trên đề tên từng phi công của phi đoàn. Hộp thư nào cũng có khóa cẩn thận. Riêng chỉ có hai hộp thư của Trung úy Dương và Trung úy Tâm là bỏ ngỏ, cánh cửa mở toang hoác. Ai đi qua buồn tay cũng đập một phát. Cánh cửa đập mạnh bên trong, bật ra một tiếng động nhẹ, rồi lại bật trở ra như một cánh cửa tự động.

Chẳng bao giờ người bưu tín viên bỏ vào đấy một phong thư. Lâu lắm rồi ở đấy cũng có một phong thư màu xanh được dán cẩn thận, nhưng buồn thay ở đấy không có một lời âu yếm, mà chỉ thấy đầy những con số. Đó là thư của sở thuế đòi thuế lương bổng, mà mỗi tháng phát lương, sở Tài Chánh đã quên khấu trừ thẳng vào lương.

Tâm cũng cười:

- Không phát được thư cho chúng tôi, bạn có buồn không? Nhưng xét ra bạn mỗi lần đi từng phần sở, với cái cặp da đầy nhóc tâm tình kia, mang phân phát tâm tình cho mọi người, thì kể cũng mệt. Bởi vì thương cái thân thể ốm yếu của bạn, nên chúng tôi không thèm viết thư và cũng không thèm nhận thư.

Người Trung sĩ bưu tín viên thấy Tâm nói thế thì có vẻ không bằng lòng ra mặt. Như vậy là nghi ngờ thiện chí của hắn ta. Đáng lẽ ra hắn chỉ cần ngồi một chỗ, nhắc cái "tô lô phôn" lên , gọi về phòng văn thư từng phần sở, cho biết là có giấy tờ thư tín. Phòng văn thư phải có bổn phận cho người lên lấy về phân phát lại. Nhưng hắn muốn được làm công việc mang niềm vui cho mọi người mỗi buổi sáng. Cái sung sướng của hắn thật giản dị. Một lời nói cám ơn rất xuông tình. Một khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên, khi run run bóc lá thư của người yêu. Nét mặt sầu thảm khi nhận tin xấu của gia đình. Với những kẻ nhận được thư tình, hắn thường nói đùa một câu:

- Đọc thư đứng cười một mình thế kia, đến chó nó cũng biết là nhận được thư của ai rồi.

Với những người nhận được thư rồi sau khi đọc, biểu diễn một khuôn mặt táo bón, hắn cũng nói lén một vài câu an ủi, hắn cũng buồn vui theo người bạn và nhiều khi cũng có một ít nước mắt, nếu người bạn ấy nhận được tin nhà, báo tin trong nhà có người vừa nằm xuống.

Từ ngày làm phận sự làm bưu tín viên, một điều ngạc nhiên đến khó chịu, là hắn chẳng bao giờ được hân hạnh phát thư cho hai ông Trung úy trẻ và cũng đẹp trai không kém gì ai. Theo ý nghĩ cuả hằn thì hai anh chàng này ít ra cũng phải có hàng tá người yêu, lâu lâu cũng phải biểu diễn vài đường bay bướm, viết thư tán nhảm về trăng sao hoa bướm, kể lể vài phát về không gian trời xanh mây trắng.

Nhưng không hiểu thư đi đã không có mà thư về cũng lại không có nốt. Hắn đã định một ngày đẹp trời nào đó, hắn sẽ mời hai anh chàng "đầy bí mật" này, nhậu một bữa, rồi sau khi trà dư tửu hậu này, hắn sẽ hỏi rõ nguyên nhân. Cái gì rồi có bí mật đến đâu, nhưng chỉ cần vài phát la-de là bao nhiêu tâm sự sẽ phọt ra hết. Hắn đã hăm dọa như thế nhiều lần. Hắn hỏi thêm:

- Còn Trung úy Dương? Đẹp trai như ông mà không có đến một người viết cho "vài hàng gởi anh trìu mến", thì kể như hạ màn mất rồi.

Dương nháy một bên mắt:

- Tôi tên là Dương, nhưng bị ... liệt dương, cứ em nào gần tôi một ít lâu, là "còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi". Lý do chính là không thỏa mãn được những gì mà em đòi hỏi, cứ tới chợ là hết quà, hay nói nôm na là cứ lên lưng ngựa là bị tuột xích.

Tiếng cười vang lên trong nắng sớm, nhưng người bưu tín viên vẫn lắc đầu:

- Tôi không tin như vậy!

- Tin hay không là tùy bạn.

Người Trung sĩ bưu tín viên cũng ngồi xuống bậc thềm. Ở cái binh chủng này, người ta sống rất thân mật, ít có chất kỳ thị cấp bậc. Thắc mắc của chàng Trung sĩ vẫn chưa được giải đáp. Hai chàng Trung úy này vẫn còn đầy bí mật, dù rằng cái bí mật ấy, chẳng đến nỗi quan trọng như bí mật quốc phòng ...

Ba người ngồi trên bậc thềm, lúc này thì sinh hoạt ngoài phi đạo đã tấp nập, một vài chuyên viên leo lên nổ máy để kiểm soát. Cánh quạt quay chầm chậm, rồi một làn khói xanh biếc tỏa về phía sau phi cơ, cánh quạt được trớn quay tít, thổi làn khói xanh bay tỏa lên không gian rồi tan biến ...

Cảnh vật đó quen thuộc mỗi buổi sáng. Người bưu tín viên vẫn còn thắc mắc thật nhiều, Tâm và Dương là hai kẻ tính tình gần như trái ngược, ấy vậy mà thân nhau như hai vợ chồng, có thể vì vậy hai chàng phi công này ít có những mối tình lẩm cẩm?

Nhưng chẳng lẽ xảy ra ... những chuyện vớ vẩn như những chuyện đọc được trên báo Tây, báo Mỹ. Anh chàng bưu tín viên này không tin như vậy, nên hỏi lại:

- Các ông không có người yêu nào để viết thư sao?

Câu chuyện lại trở về như lúc đầu, Dương thản nhiên:

- Túi rỗng, chẳng có đồng xu mẹ nào, thì sao có được người yêu. Bạn hỏi câu đó thì hơi ... bết đấy nhé.

Người Trung sĩ bực tức:

- Nếu như vậy thì mấy ông làm xấu mặt lính tàu bay rồi. Các ông không thấy nhiều tên lính của mình? ... Tiền không có, đến lon lá cũng không có, ngay đến bộ quần áo mặc trên người cũng phải đi mượn, ấy vậy mà ái tình cũng ùa đến chật phòng. Các ông thì dù sao cũng cao ráo, sáng sủa, lái tàu bay, lại có tí lon lá ... Thiên hạ bì sao được với mấy ông. Tôi thấy hễ cứ buổi chiều, là đã có nhiều người đứng ngoài cổng để đón "bóng người phi công" rồi.

- Rất may là trong đó không có chúng tôi ...

Dương cười vang nói tiếp:

- Nhiều người đang chờ bạn đấy. Tiếp tục làm việc ban phát tâm tình đi chứ.

Người Trung sĩ bưu tín viên chợt nhớ nhiệm vụ đứng lên, chào hai người rồi đứng lên đi về phia ban kiểm kỳ. Bóng dáng lủi thủi, câm nín đã quen mắt trong mỗi buổi sáng. Trời hôm nay thật đẹp, chỉ lảng vãng vài ba đợt mây mỏng và lặng gió. Dương ngước nhìn lên trời ... Hai chiếc phi cơ khu trục nghiêng cánh, đưa bụng về phía mặt trời làm thủ tục hạ cánh. Tâm ngước mắt nhìn theo, rồi hỏi:

- Chúng nó cất cánh từ hồi nào vậy?

- Từ sáu giờ sáng.

Chiếc phi cơ thứ hai nghiêng cánh vòng theo, hai bên cánh vẫn còn bom đạn chưa thả hết. Hai làn khói trắng tỏa ra từ hai đầu cánh rồi loãng tan dần.

- Gió yếu thế này mà cho nó hạ cánh hướng về phía mặt trời làm chi cho chói mắt.

- À! vùng bên kia sông, nơi đầu phi đạo ấy vẫn còn đang trong thời gian xạ kích của pháo binh.

Chiếc xe của đoàn vũ khí chạy ngang qua trước mặt. Người lính bám vào cửa, cạnh người tài xế, nhìn Tâm và Dương toét miệng ra cười. Hai chiếc phi cơ ngừng lại bên đầu phi đạo, gỡ hạt nổ rồi đi vào bến đậu. tiếng rồ máy thật mạnh rồi tắt hẳn. Hai người phi công tiến dần về phòng hành quân.

- Bay sớm nhìn mặt trời mọc chắc khoái lắm. thằng An thi sĩ, chắc thế nào cũng làm thơ?

Người phi công trả lời Dương:

- Đừng xúi dại tao chứ mày! ... Đạn nó đan lên như pháo bông, làm thơ để mà chết mất xác. Tao phải tới thùng thư, coi xem hôm nay có thư của em không? Cứ hai ngày mà không có thư, cuộc đời sao là buồn ...

Nghe câu than cải lương ấy, Tâm và Dương cũng thấy vui lây. Khi yêu con người trở thành con nít và pha một chút xíu cải lương trong lối nói chuyện. Câu nói "anh yêu em, em yêu anh" nghe trên màn bạc bằng tiếng Tây, tiếng Mỹ thì không sao, nhưng nghe phát ngôn bằng tiếng Mít thì buồn nôn hết chỗ nói.

Có nhiều lúc Dương không hiểu rằng, các cụ ngày xưa có biết nói gì đến tiếng yêu không? Chắc là phải có, vì đọc cả một rừng ca dao, tục ngữ, đều thấy có nhắc nhở đến chữ yêu "Yêu nhau cởi áo cho nhau, về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay". Cũng thắm thiết lắm đấy chứ! Nhưng chữ yêu của các cụ bàng bạc mà đằm thắm, không sống sượng và nhiều tính chất tống tình như bây giờ.

Nhìn thấy bạn mình, vừa làm một chuyến bay trở về, chạy vội lại thùng thư, thấy lá thư là mắt sáng lên, Tâm và Dương cũng thèm có một lá thư. Chàng phi công tên An, hấp tấp xé bao thư, moi ra một tập giấy màu xanh, chữ viết dầy đặc, Dương hỏi:

- Bao nhiêu lâu chúng mày không gặp nhau rồi?

- Hai ngày!

- Trời, mới có hai ngày mà chị đã gởi thư cho anh, mà đã viết ngần ấy chữ. Chắc mở đầu bằng câu " anh hãy đếm lá thư này có bao nhiêu chữ, thì tình của em, yêu anh là ... ngần đó".

An nhìn Dương kính phục:

- Mày tài quá! Đúng thật! Câu mở đầu của em đúng y như ... dzậy. Không biết cái tư tưởng đó, em thuổng của mày, hay mày thuổng của em.

An cầm lá thư đi vào phòng nghỉ. Hành lang lại chỉ còn có Tâm và Dương. Hai người ngồi đây chờ phi vụ, lúc nào cũng sẵn sàng sửa soạn lên đường. Một vài chiếc xe chạy vụt qua. Trên trời dưới đất vang tiếng động cơ ồn ào. Một vài cơn gió thoảng nhẹ vừa đủ bay bay mái tóc và làm rung động chiếc ống gió. Tâm hỏi:

- Mày đã viết thư cho người yêu bao giờ chưa?

- Nhiều lần ...

- Tại sao không viết nữa?

Dương cau mặt:

- Vì bây giờ không còn yêu nhau nữa.

Tuy rằng nói không còn yêu nhau nữa, nhưng khi nói câu này Dương bỗng chợt thấy bâng khuâng, như một cái gì chợt mất mát. Như ngày xưa thời còn mơ mộng, đọc mấy câu thơ Tản Đà "cái hạc bay lên vút tận trời". Cái bâng khuâng hiện nay, cũng mơ hồ như thế. Chàng thấy như người câm lặng hẳn đi, quên rằng mình đang ngồi đây, chỉ chợt giật mình khi nghe Tâm hỏi:

- Sao không thấy bao giờ mày nói chuyện này cả?

- Tại vì tao yêu Phượng từ trước khi đi lính.

- À, thì ra cô nàng tên Phượng.

Dương muốn nhắc nhiều lần tên Phượng, tên của em, muốn gọi cứ phải mím chặt môi lại, khi cái tên thoát được ra ngoài, có thể là một tiếng reo vui, có thể là một tiếng thở dài.

Anh còn nhớ ngày xưa, em hay mặc áo đỏ, màu của hoa phượng nở thắm sân trường, mà anh hay gọi màu áo đỏ mà em hay mặc, là màu xe chữa lửa. Anh hay nói đùa với em là nếu em cứ hay mặc áo đỏ, thế nào cũng bị bò húc cho mà coi, bò vốn ghét màu đỏ mà, rồi em hỏi anh rằng anh có phải là bò không.

Chỉ vì anh không phải là bò nên anh mới yêu em, yêu một người con gái mặc áo đỏ, để mỗi lần đi đâu với em là mỗi lần làm nhức mắt thiên hạ. Dương cười một mình ... Chiếc phi cơ cất cánh từ đầu phi đạo, tiếng máy nổ làm rung cửa kính. Tâm đưa hai tay bịt chặt lấy hai tai:

- Mấy thằng mọi da đỏ này ồn ào quá.

Buổi sáng nay Tâm và Dương không có một phi vụ nào để lên đường, Ngồi nhìn phi đạo thì ngày nào cũng thế. Chi lâu lâu đổi khác một chút, khi nào có phi cơ gặp trục trặc, phi trường nhốn nháo hẳn lên vì xe chữa lửa, cứu thương chạy tấp nập. Rồi tới khi phi cơ chạm bánh về được tới sân đậu, sinh hoạt lại trỏ nên bình thường như mọi ngày.

Hai người rủ nhau xuống câu lạc bộ, mới hơn mười giờ mà hơi nóng mặt nhựa đã bốc lên rát mặt. Mỗi khi một cơn gió nổi lên là hơi nóng lùa vào người, làm mồ hôi chảy ra, ướt đẫm lưng. Đang đi tự nhiên Dương ngừng lại. Chàng nhìn thấy trên mặt nhựa, để trơ ra màu xám đất lẫn lộn vài viên đá nhỏ. Rồi ở giữa khoảng đất ấy, một thân cây bé nhỏ, èo uột mọc lên, chiếc lá xanh dầy đóng đầy bụi, trên ngọn, một bông hoa màu tím với những cánh mỏng manh. Chàng nói với Tâm:

- Không ngờ khoảng đất như thế này mà cũng nở được một bông hoa. Mày có biết bông hoa này tên gọi là gì không?

Tâm cười:

- Làm sao mà biết được, nhưng khi những bông hoa mà không biết được tên, cách gọi tiện nhất, gọi nó là bông hoa dại.

Dương ngồi hẳn xuống vuốt ve từng cánh hoa. Chắc chỉ một ngày, vói cái nắng này, với sức nóng hun đốt mặt nhựa, bông hoa này cũng úa tàn. Ai đã gieo một hạt giống nơi đây, để cho cây có được một bông hoa? Chỉ có trời mới làm được công việc ấy. Nhưng trời đã để cho cây ra đời, rồi lại tước đoạt đi sự sống, để cho sự sống mong manh quá. Dương thấy thương cho bông hoa lạc lõng.

Chàng cúi xuống hái bông hoa gài lên túi áo, thân cây nhỏ, mất đi bông hoa màu tím lại trở thành một kiếp cỏ hoang, rồi sẽ nát đi dưới vết bánh xe, gót giầy.

Giờ này câu lạc bộ vắng người ... Anh chủ giải trí bằng cách đạp ruồi. Cô bé trông quầy hàng, ngồi đọc một tờ báo phụ nữ, mà tờ bìa ngoài in hình một cặp tài tử cải lương đang áp má vào nhau âu yếm, cười toe toét. Dương gõ lên mặt quầy:

- Cô Thu đang đọc chuyện gì vậy?

- Bức thư tình.

Dương nháy mắt:

- Trong đó có bức thư nào tôi viết cho cô không? Nếu có làm ơn đọc lớn cho thiên hạ nghe chơi.

Ngồi bán hàng ở những câu lạc bộ của lính, hình như cô em gái đã nghe những lời tán tỉnh cũng đã hơi nhiều, nên ít khi xảy ra một vụ cảm động. Cô nàng bĩu môi một cách rất điệu:

- Đừng có nham nhở. Uống gì đây mấy cha nội.

Tâm không có tật tán gái. Đối với chàng đàn bà chỉ là một phương tiện để giải quyết những gì ứa đọng trong người. Những đứa con gái dễ dãi ở nơi trà đình tửu quán, thì chàng củng chỉ làm như một thủ tục cho phi cơ hạ cánh "xin phép vào vòng phi đạo". Khi được chấp thuận, chàng làm đủ mọi thủ tục, buông hai cái cẳng lớn, rồi thò cẳng giữa ra, hỏi lại lần cuối: "xin phép được hạ cánh". Khi được phép hạ cánh, hai cẳng trên và cẳng giữa ôm chầm lấy cái phi đạo, để rồi cứ lăn đi, từ từ cho tới khi ngừng chạy. Ấy thế là xong một phi vụ. Chỉ có như vậy thôi. Làm chi những thứ khác cho rườm rà lôi thôi, rắc rối.

Ý nghĩ về đàn bà của Tâm chỉ đơn giản có thế. Ừ, tại sao không coi một lần gần đàn bà, là một lần cho phi cơ hạ cánh? Cũng chỉ ngần đó thủ tục, làm theo thói quen. Lúc tắt máy, cũng như lúc xong công việc, đều thấy nhẹ nhàng, thanh thản, dù rằng người nhớp nháp một chút mồ hôi.

Tâm và Dương ngồi vào một cái bàn gần cửa sổ. Người chủ quán hỏi mà tay không ngừng đạp ruồi:

- Cái ghế đó chắc Trung úy Tâm mua đứt rồi, lần nào tới câu lạc bộ này cũng thấy ông ngồi cái ghế đó.

Tâm không trả lời, nhìn qua khung cửa, đằng sau khung cửa hẹp, còn sót lại vài cây cao su xanh mướt lá. Cả một rừng cao su, ngày xưa nổi tiếng là miền Biên Hòa đất đỏ này, chỉ còn lại có thế. Những ngày còn nhỏ ở ngoài Bắc, đã một dạo, Tâm nghe thấy người ta tuyển mộ phu vào làm đồn điền cao su ở mãi tận trong tuốt xứ Nam kỳ. Rồi bao nhiêu chuyện thê thảm được viết thành sách, tả kiếp con người khổ ải, đầy đọa trong những nơi mà người ta đặt tên là đồn điền.

Ở làng Tâm, cũng có mấy người ra đi, mà người ra đi thì có, người về thì không. Khi mới đổi về Biên Hòa, Tâm mới biết rằng căn cứ này, được tạo dựng trên một đồn điền cũ cuả Tây. Di tích còn sót lại cũng nhiều. Những dãy nhà thấp, trần nhà nám đen đầy bụi và màng nhện, ngày trước là nơi cư ngụ của phu đồn điền, nay đã biến thành trại gia binh Huỳnh Hữu Bạc, với những gia đình lính, vợ con lính sống lúc nhúc.

Trước cửa và sau lưng cư xá độc thân, trong đó có phòng của Tâm và Dương, là những bóng cây cao su cổ thụ, xanh mướt lá. Những cây cao su trông thật hiền hòa, giống như tất cả những cây khác, chỉ khác một điều là chưa bao giờ Tâm thấy những cây này có lấy một bông hoa.

Tâm thích ngồi chỗ này trong câu lạc bộ nhìn ra khoảng sân sau. Trời thu hẹp trong một khung vuông vắn. Thỉnh thoảng một chiếc là bay vèo trong khung cửa, nằm tênh hênh trên sàn xi măng phẳng bóng.

Dương nhìn Tâm:

- Mày đang nghĩ gì vậy?

Tâm lơ đãng, chớp mắt:

- Tao đang thắc mắc, những cây cao su này đã sống bao lâu, ít ra tuổi thọ của nó phải cao hơn tuổi tao, tuổi mày là cái chắc.

Dương gật gù cái đầu:

- Cái đó chắc phải hỏi cô Thu đang ngồi trong quầy hàng kia thì mới biết đưọc, cô ta là một quãng cáo rất ăn khách cho nghề trồng cao su.

Tiếng cười của hai người bạn vang lên, cô bán hàng trong câu lạc bộ, thấy vậy bỏ tập báo xuống, cũng cười. Thế ngồi của cô ta bây giờ rất hớ hênh, lưng tựa vào thành ghế, ngực ưỡn ra, hai chân gác lên một chiếc ghế khác. Trên đầu một chiếc quạt máy quay tít làm nhấp nhô, phập phồng làn vải mỏng. Dưới chân còn để thêm một chiếc quạt nữa để làn gió vô tình thổi lùa vào ống quần rộng. Biên Hòa, bây giờ đang lúc giao mùa. Những lúc gần buổi trưa, trời thật nắng.

Dù có hai cái quạt, trên đầu dưới chân, Dương và Tâm vẫn thấy cô hàng đổ mồ hôi, những giọt mồ hôi lấm tấm trên cổ, làm thành một khoang ở hai bên nách. Lâu lâu cô hàng lại dùng tờ báo quạt phành phạch.

- Tao đang có một dự định ...

Dương ngạc nhiên nhìn Tâm:

- Dự định gì vậy? Lấy vợ chăng? ...

- Còn lâu ... Tao đang phác họa một chương trình giải trí lành mạnh. Muốn giải trí thì phải có tiền mà tao với mày đều không có tiền. Tao nghĩ rằng mình chỉ có một cách giải trí là ghi tên học thêm. Đó cũng là một cách giải trí, một cách giết thì giờ rất linh nghiệm.

- Nhưng thời giờ đâu có tội tình gì mà mày định giết nó ? ... Mày không sợ nó báo thù sao? ...

Khi mà thời giờ nó đã báo thù, thì thật kinh khủng. Ban ngày có việc làm thì có thể quên đi, nhưng mà ban đêm, sao nó dài lê thê. Bao nhiêu tiếng thằn lằn tắc lưỡi trên trần nhà, là phải đếm hết. Mỗi chiếc lá rơi ngoài sân, là một sự khắc khoải, hành hạ người những đêm khó ngủ.

(Còn tiếp)