MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

Mỗi người chúng ta ai lại không từng có những kỷ niệm dễ thương của tuổi học trò gắn bó với trường lớp, với Thầy Cô , với bạn bè. Ở mỗi khoảnh khắc khác nhau là những sắc màu kỷ niệm khác nhau, có vui, có buồn, có thương, có giận, có ngọt ngào, có luyến tiếc.

Mười tám tuổi là tuổi bắt đầu bước chân vào giảng đường Đại học. Đó là lứa tuổi đẹp nhất của một đời người. Nó vừa mang cái vẻ trong sáng, ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ vừa mang cái nét chín chắn, suy tư với những ước mơ, hoài bão của lứa thanh niên tràn trề nhựa sống, muốn khẳng định mình trước tương lai và cuộc đời.

Hồi còn rất nhỏ, tôi thường ngồi hàng giờ ngắm trời mây, trăng sao, mưa, gió...Tôi vô cùng ngạc nhiên, thú vị khi nhìn hình thù kỳ dị của những đám mây, hiện tượng sấm sét, gió thổi, mây bay...Tôi hay ngắm trăng, ngắm sao. Tôi thích nhất là ngồi nhìn sao trời, những chòm sao tiểu hùng tinh , chòm sao hình cái gáo, rồi lại thường mải mê theo dõi một vì sao nhỏ luôn luôn xoay quanh mặt trăng, khi gần, khi xa...Thế là từ đó, tôi bỗng ước mơ sau này được trở thành một nhà Khoa học nghiên cứu thiên văn hay địa chất.

Chính vì thế, khi học hết lớp đệ tứ, tôi mạnh dạn chọn học ban B. Tôi rất yêu thích môn Toán và học khá nhất là môn Hình học Không gian và Lượng giác học, có lẽ là do tính tôi hay mơ mộng , thích tưởng tượng và luôn tìm tòi khám phá những cái mới lạ.

Thế nhưng, đâu phải mơ ước nào cũng có thể trở thành hiện thực . Năm 1973, tôi đang học lớp mười hai B trường Nữ trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho thì nhà tôi bị cháy ngay ngày ký Hiệp định Paris 27.01.1973. Nhà nghèo, toàn bộ tài sản của gia đình và tất cả sách vở của tôi đều bị cháy rụi hết; gia đình tôi lâm vào cảnh túng quẩn. Vì thế, sau khi thi đậu Tú tài 2 tôi phải từ bỏ ước mơ theo học ở Đại học Khoa học Sài Gòn và buồn bã ghi danh dự thi vào ban Sư phạm, ngành Việt Văn của Viện ĐH Cộng Đồng Tiền Giang, một ngôi trường ở gần nhà tôi, vừa mới được thành lập, khóa đầu tiên vào năm 1972.

Khi ghi danh dự thi, tôi đã chọn học lớp Văn vì tuy phải vào Sư phạm nhưng tôi vẫn chưa muốn dừng lại đó mà ước mơ sẽ được học cao hơn nữa. Trước năm 1975, sinh viên có thể ghi danh vào một số trường ĐH và tự học mà không cần phải đến trường. Vừa thi vào trường ĐHCĐTG tôi vừa ghi danh học thêm ở ĐH Luật và ĐH Văn Khoa SG. Tôi đã phải chuyển qua học Văn vì lúc đó, tôi không tự tin sẽ theo học được ở ĐHKH nếu thi vào lớp Toán. Đó là một ngã rẽ trong cuộc đời mà tôi chưa từng bao giờ nghĩ đến.

Những năm học trung học, do cần cù, chăm chỉ, chịu khó suy nghĩ nên tôi học khá đều các môn học . Tôi đặc biệt yêu thích nhất là môn Toán. Lên cấp ba, tôi chú tâm ôn luyện Toán Lý Hóa để chuẩn bị học khoa MGP hoặc MPC của trường ĐHKH SG .Tôi lơ là môn Văn tuy đó cũng là môn mà tôi cũng yêu thích và học khá giỏi ở cấp hai. Vì thế, khi thi vào lớp Văn, tôi đậu hạng ...hai từ dưới đếm lên ! Không bị rớt đã là may mắn lắm rồi !

Năm thứ nhất tôi học rất ầu ơ, ví dầu, không tha thiết, mặn mà với chuyện học hành cho lắm. Như tôi đã nói, tôi chưa bao giờ có ước mơ sau này làm cô giáo nên phải vào Sư phạm tôi đã hụt hẫng và chán nản lắm rồi. Tôi chỉ học hành tàng tàng cho có, cho qua ngày, qua buổi mà thôi !

Lúc đi học , môn tôi sợ và dở nhất là Ngoại ngữ. Đã vậy, khi vào lớp Văn tôi phải học thêm tiếng Hán. Tôi chẳng bao giờ nhét nổi vô đầu mình cái thứ chữ như vẽ hình đó. Nào là bộ này, bộ kia, nào là nét trước, nét sau, nét phải , nét trái. Tôi bỏ luôn, không thèm nhớ tới nó nữa !

Năm thứ nhất, lớp tôi được học ở dãy bên phải của trường, phía dưới văn phòng. Trường tôi mới thành lập nên đang được xây dựng thêm. Trước lớp tôi là một cái chòi nhỏ cất tạm để làm nơi nấu nước cho công nhân xây dựng uống và là chỗ cho bác bảo vệ tạm nghỉ buổi trưa.

Đa số các Thầy Cô mà chúng tôi học là những Giáo sư thỉnh giảng từ các trường Đại Học ở SG. Năm thứ nhất, tôi học môn Hán Văn với Thầy Lê Kỉnh. Thầy đã hơn bảy mươi tuổi, người gốc Quảng Nam, nên giọng nói của Thầy còn rặt âm điệu của tiếng Quảng. Mỗi khi đến giờ Thầy dạy, cả lớp ngồi nghe ngẩn tò te vì bọn tôi toàn là dân Nam kỳ , làm sao nghe được rõ ràng tiếng của miền Trung, mà lại còn là cái ngôn ngữ đặc trưng hiếm có của xứ Quảng Nam nữa chứ !

Vì Thầy tuổi cao nên mắt rất kém. Mỗi khi tới giờ gọi trả bài là Thầy rút cái kính lúp ra, rà từ trên xuống dưới , từ dưới lên trên để chọn lựa những cái tên ưng ý nhất để kêu. Những lúc như thế, tim của cả lớp tôi đập thình thịch y như trống hội làng vì không phải chỉ riêng tôi mà tất cả các bạn tôi, ai cũng ớn sợ cái môn học này lắm.

Hồi đó, tôi thuộc loại bé loắt choắt nhất lớp. Tôi ốm nhom, ốm nhách, đen thùi lùi, cả người tôi chỉ có mái tóc bồng bềnh ngang lưng là có thể chấm điểm được mà thôi ! Tôi rất ít nói, trầm lặng nhưng lại hay nghịch ngầm. Vì nhỏ con, nên tôi thường ngồi các dãy bàn đầu, gần cửa ra vào.

Tên tôi bắt đầu bằng chữ C nên tôi thường hay được các Giáo sư chiếu cố trong giờ kiểm tra bài. Và thế là, vào một ngày đau khổ tôi đã không thoát khỏi cái kính chiếu yêu của Thầy Kỉnh! Khi thấy cái kính của Thầy dừng lại ở đầu sổ, tim tôi thót lại như sắp ngừng đập luôn. NTTC ! Ối trời ơi ! Chuông gọi hồn tôi ! Cả lớp đồng chiếu tia nhìn thương xót vào tôi ! Bất thình lình tôi la thật lớn : Thưa Thầy, vắng ạ ! Rồi nhanh như sóc tôi dzọt ra cửa khi Thầy chưa kịp nhìn xuống !

Tôi chui nhanh vào cái chòi trước lớp. Chưa kịp hoàn hồn thì tôi đã nghe một tiếng nói sang sảng cất lên : Bạn nào đang giờ học mà còn lảng vảng ở đây vậy hả ? Trời hỡi ! Thầy Khoa trưởng Lê Công Kiệt đang đứng sừng sững trước mặt tôi .Tôi lạnh hết cả xương sống, nhưng ...cái khó " ló " cái khôn , tôi nhanh miệng : Dạ, Thưa Thầy ...em khát nước ạ ! Nói vừa xong, tôi lỏn lẻn cười, cúi đầu chào Thầy rồi lủi ngay ra cửa ! Hú vía !

Không thể trở vào lớp được nữa, tôi bèn dòm trước ngó sau rồi chui vào Thư viện.
Tôi vừa an vị trên ghế với quyển sách trên tay , tưởng đã qua cơn nguy khốn rồi, ai dè đâu, trời bất dung gian : Nè, lớp Việt Văn 1, giờ thầy Kỉnh phải không ? Tôi choáng váng, hồn phi, phách tán . Người ta nói " họa vô đơn chí " quả thật không sai! Vừa thoát khỏi Thầy Khoa trưởng, tôi lại đụng phải Thầy Phan Văn Ba ! Vì Thầy phụ trách Giáo vụ nên nắm rõ hết giờ giấc học tập của các lớp và có trí nhớ tuyệt vời nên hình như Thầy biết gần hết mặt của sinh viên trong trường.

Vô phương chối cãi, tôi chỉ còn biết im lặng cúi đầu nhận tội. Nhìn thấy khuôn mặt đau khổ, tội nghiệp của tôi và cũng vì Thầy biết tỏng là sinh viên lớp Văn, khóa nào cũng đều ngán sợ nhất là giờ thầy Kỉnh, Thầy mỉm cười ôn tồn nói : Lần này, Thầy tha cho nhưng không bao giờ được có lần sau đâu nhé ! Mừng như chết đi sống lại, tôi ngỏn ngoẻn cười lí nhí : Dạ, em cám ơn Thầy, em nhớ rồi ạ !

Chỉ một lần thôi là tôi tỡn tới già, tôi không bao giờ dám làm cái trò ngốc đó nữa !

Tuy nhiên, không biết có phải vì tên tôi đẹp hay...hợp vía sao ấy mà Thầy Kỉnh lại một lần nữa hạ cái kính chiếu yêu vào tôi. Lần này, tôi bình tĩnh ngồi tại chỗ và dõng dạc : Thưa Thầy, bạn ấy vắng ạ ! Trong khi cả lớp ngạc nhiên trố mắt nhìn bộ mặt tỉnh queo của tôi thì Thầy đùng đùng giận dữ : Gọi lần mô cũng véng ! Hạc (học ) không hạc thỉ ở nhòa cưới chồng trất cho rồi !

Cả lớp nghe Thầy mắng om sòm mà lại che miệng cười khúc khích. Thầy càng nổi cáu : Cười...cười ? Còn dốm cười nữa hỉ ? Các anh, các chị cười cái chi mô rứa !

Tiếng cười chỉ còn đọng lại âm thanh rinh rích trong cổ họng của các bạn tôi ! Còn tôi ? Tôi lặng lẽ ngồi, vừa muốn cười, vừa muốn khóc ! Từ đó, mỗi lần có bạn gái nào không thuộc bài là cả lớp lao nhao lên : Hạc không hạc, ở nhòa cưới chồng trất cho rồi ! ...hahaha...!

Từ lần đó, tôi xấu hổ quá nên cố gắng học hành đàng hoàng hơn ... một chút nhưng có lẽ chán rồi nên Thầy Kỉnh không thèm gọi tới tên tôi nữa !

Đâu phải chỉ riêng tôi, sinh viên Văn ai cũng ngán học môn Hán văn hết .Cả lớp tôi chỉ có vài bạn là có điểm cao ở học kỳ 1, các bạn đó đa số là đã theo học ở các trường ĐH Văn Khoa khác trước khi thi vào đây. Học kỳ 2 năm đó, bài học và chữ viết càng khó hơn gấp nhiều lần. Đến giờ thi môn Hán Văn, Thầy lúi húi quay lưng lại viết đề thi lên bảng :

Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương giang thủy.

Khi Thầy tôi vừa viết xong đề bài trên bảng là chúng tôi lần lượt mang bài thi lên nộp cho thầy. Thầy vô cùng ngạc nhiên không hiểu sao học trò của Thầy hôm nay giỏi quá như vậy !

Thầy tôi nào có biết đâu rằng " nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò " ! Trong khi Thầy lo viết đề thi trên bảng là lũ học trò quái quỷ, lém lỉnh của Thầy lật tài liệu ra chép lại y chang. Kết quả, cả lớp đều điểm cao, chỉ có một số ít, như tôi, vì " vẽ " chữ Hán xấu quá nên mới bị điểm thấp mà thôi !

Chúng tôi không ngờ cái trò ma mảnh của chúng tôi lại gây họa cho các anh chị lớp đàn anh Việt Văn 2. Ngày hôm sau, giờ nghỉ trưa, chị Ngọc Tiếp ( nhà thơ Thương Thương Nối Tiếp ) xuống tận lớp tôi và bảo : Mấy đứa sao học giỏi quá vậy ? Hôm qua, Thầy Kỉnh lên lớp mắng mấy anh chị tơi tả, biểu xuống mà học hỏi lớp đàn em Việt Văn 1 kìa !

Tôi không thể nhịn được cười tuy vô cùng xấu hổ. Tôi thành thật khai báo hết với chị Tiếp.Chị chỉ còn biết cười trừ và mắng yêu:Mấy đứa thiệt là... ! Hết nói nổi !

Thời gian trôi qua rất nhanh. Đã bốn mươi năm rồi, bây giờ Thầy tôi đã mất. Trước vong linh Thầy, chúng con xin chân thành tạ lỗi với Thầy !

Có lẽ, nhờ vào môn học khó mà Thầy Lê Kỉnh là người Thầy được chúng tôi nhớ nhiều nhất .
Còn riêng tôi, kỷ niệm ngày còn học với Thầy là kỷ niệm mà tôi sẽ nhớ mãi, không bao giờ quên.

Và tôi cũng xin được nói thêm là nhờ vào lần bị mất mặt trước lớp đó, tôi đã tự ái vùng lên, cắm đầu, cắm cổ học. Kết quả cuối khóa, tôi thi đỗ ra trường " hạng chót " từ dưới đếm lên ! Kết quả ngọt ngào này tôi mới được biết sau này, chớ năm 1976 , khi ra trường chúng tôi chỉ nhận được tờ Giấy Chứng Nhận Tốt nghiệp Đại Học sơ sài , không ai biết điểm số, thứ hạng gì hết.

Có những ký ức phai dần theo thời gian nhưng cũng có những ký ức đã trở thành hoài niệm không bao giờ phôi pha .

Kỷ niệm với trường lớp, với Thầy Cô, với bạn bè dù ở cấp lớp nào cũng đẹp, cũng đáng yêu, đáng nhớ ! Nhưng có lẽ, kỷ niệm đẹp nhất là kỷ niệm lúc còn ngồi học dưới mái trường Đại học, vì nơi đó...có những rung động tình yêu đầu đời ngọt ngào, có những hình bóng sẽ mãi mãi theo ta suốt cuộc đời dù đi chung đường hay chỉ lặng lẽ ở đâu đó... dõi mắt ngóng theo nhau... !

Nguyễn Thị Thanh Cảnh
SG, 19.07.2015