Ngành Vận Tải trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa
* Nguyễn Hữu Thiện




Lời phi lộ: Trong chiều dài hơn 20 năm của cuộc chiến bảo vệ lý tưởng Tự Do tại miền Nam Việt Nam, so với cách ngành khác trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa, ngành Vận Tải - viết một cách đầy đủ là ngành Vận Tải & Vận Tải Võ Trang & Không Thám - tương đối ít được giới truyền thông nhắc tới. Về phần các quân binh chủng bạn và dân chúng miền Nam, có lẽ đa số cũng chỉ chú ý tới ngành này sau khi các vận tải cơ võ trang “Hỏa Long” nhảy vào vòng chiến.

Trên thực tế, ngành Vận Tải đóng một vai trò rất quan trọng, và cũng là nơi xuất thân của nhiều vị chỉ huy cao cấp trong quân chủng Không Quân, như Nguyễn Xuân Vinh, Huỳnh Hữu Hiền, Nguyễn Cao Kỳ (ba đời Tư lệnh KQ), Phan Phụng Tiên (Sư đoàn trưởng SĐ5KQ), Phạm Ngọc Sang (Sư đoàn trưởng SĐ6KQ), Lưu Kim Cương (Tư lệnh Không Đoàn 33 Chiến Thuật)...

Năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập quân chủng Không Quân VNCH (1 tháng 7), và 60 năm ngày thành lập Phi Đoàn 1 Vận Tải (1 tháng 6), chúng tôi cố gắng sưu tầm các nguồn tài liệu để đúc kết thành một bài tương đối chi tiết về ngành Vận Tải trong Không Lực VNCH, khởi đầu từ ngày các khóa sinh Khóa 51, 52 lần lượt về nước cho tới ngày 29/4/1975 - ngày phi hành đoàn vận tải võ trang “Tinh Long 7” anh dũng hy sinh trên bầu trời Tân Sơn Nhất, khép lại trang chiến sử cuối cùng của Không Lực VNCH.

Mặc dù cố gắng cô đọng, bài viết về sự thành lập, phát triển và trưởng thành của ngành Vận Tải trong Không Lực VNCH trong thời gian hơn 20 năm cũng sẽ khá dài, vì thế chúng tôi xin được chia ra làm hai kỳ, kỳ thứ nhất viết về Vận Tải, kỳ thứ hai viết về Vận Tải Võ Trang & Không Thám.

Cuối cùng, cho dù đã tham khảo hầu hết các bài viết về ngành Vận Tải của các vị niên trưởng, các cấp chỉ huy trong ngành, cũng như tài liệu của người Pháp, người Mỹ, của các nhà sưu tầm, bài viết của chúng tôi chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, ước mong sẽ nhận được sự bổ túc của quý niên trưởng và chiến hữu trong quân chủng. NHT


I- Giai đoạn thành lập

1- Những bước đầu


Ngày 11/5/1950, thời kỳ Việt Nam còn là một quốc gia do Pháp “bảo hộ”, Thủ tướng Trần Văn Hữu chính thức tuyên bố thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.

Hơn một năm sau, ngày 25/6/1951 tại Đà Lạt, Quốc trưởng Bảo Đại ký Dụ số 9 thành lập ngành Không Quân. Cuối năm đó, một trung tâm huấn luyện được người Pháp xây dựng tại Nha Trang để đào tạo các phi công và chuyên viên người Việt; và tới tháng 3/1952 đã khai giảng khóa hoa tiêu quan sát đầu tiên.

Cũng nên biết, vào “thuở ban đầu” của Không Quân Việt Nam, các nhân viên phi hành và kỹ thuật được đào tạo tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân ở Nha Trang hoặc tại các trường Không Quân ở Pháp hay Bắc Phi, có thể được tuyển thẳng từ dân sự hoặc đã tốt nghiệp tại các trường sĩ quan, trong đó nhiều người đã chiến đấu tại các đơn vị Bộ Binh, các binh chủng, hoặc phục vụ tại các cơ sở tham mưu đôi ba năm, sau khi ngành Không Quân được thành lập mới tình nguyện thuyên chuyển về. Đa số thành phần sĩ quan này xuất thân từ Trường Sĩ Quan Trừ Bị (Nam Định hoặc Thủ Đức), như các ông Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Võ Xuân Lành, Đặng Đình Linh, Nguyễn Văn Lượng, Trần Văn Minh, Nguyễn Hữu Tần..., một số xuất thân Trường Sĩ Quan Hiện Dịch - Huế (Đập Đá) như các ông Trần Văn Hổ (vị tư lệnh đầu tiên của Không Quân Việt Nam), Trần Phước, hoặc Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt như các ông Võ Dinh, Nguyễn Ngọc Oánh, Từ Bộ Cam, Nguyễn Thế Anh...

Từ giữa năm 1951, cùng thời gian với việc chuẩn bị xây dựng TTHLKQ ở Nha Trang, sau khi lệnh tổng động viên được ban hành, một số đông sinh viên học sinh đã tình nguyện gia nhập Không Quân. Những khóa sinh dân sự này, cùng với nhiều sĩ quan Lục Quân tình nguyện thuyên chuyển sang Không Quân, đã được lần lượt gửi đi thụ huấn tại các trường không quân ở Pháp và ở các thuộc địa của Pháp ở Bắc Phi.

Trước hết nói về Trường Võ Bị Không Quân Salon-de-Provence nổi tiếng, nơi đào tạo các cấp chỉ huy trong Không Quân Pháp, đã có nhiều sĩ quan và sinh viên sĩ quan Việt Nam theo học các ngành: phi hành, cơ khí, truyền tin & điện tử. Ngành phi hành có các ông Lê Trung Trực, Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Xuân Vinh, Hà Xuân Vịnh, Nguyễn Quang Tri, Lưu Văn Đức, Trần Duy Kỷ, Từ Bộ Cam, Phạm Long Sửu, Vũ Thượng Văn, Trần Văn Minh, Nguyễn Đức Khánh...; ngành cơ khí, truyền tin & điện tử có các ông Lê Văn Khương, Đặng Đình Linh, Từ Văn Bê, Trần Đỗ Cung, Nguyễn Quang Diệm, Nguyễn Bình Trứ, Dương Xuân Nhơn....

Sau một thời gian theo học tại Salon-de-Provence, các sĩ quan hay SVSQ được chuyển sang các trường bay như Marrakech (căn bản), Mecknès, Khouribga (khu trục), Avord (vận tải) hay các trường kỹ thuật chuyên môn ở Rochefort, Auxerre, Chambéry, Nimes.

Theo danh sách các khóa học được lưu trữ, từ năm 1951 tới 1957, có tổng cộng 63 người Việt được theo học tại trường Salon-de-Provence.

Kế đến là trường căn bản quân sự & căn bản phi hành Marrakech ở Morocco (Bắc Phi). Nguyên trường này dành cho các khóa sinh hạ sĩ quan (trong không quân Pháp và nhiều thuộc địa của Pháp, hoa tiêu có cả cấp hạ sĩ quan), nhưng do nhu cầu đỏi hỏi, một số sĩ quan Pháp và thuộc địa đã được huấn luyện căn bản phi hành tại đây. Sau khi tốt nghiệp tại Marrakech, những khóa sinh được tuyển về ngành oanh tạc/vận tải sẽ được đưa tới trường Avord ở nội địa Pháp để học lái máy bay nhiều động cơ (từ 2 trở lên).


Một số khóa sinh VN và ngoại quốc trước chiếc MD-315 Flamant tại trường oanh tạc Blida, Algeria

Đại đa số trong lớp hoa tiêu vận tải đầu tiên của Không Quân Việt Nam đều xuất thân từ trường bay căn bản Marrakech. Theo danh sách khóa sinh Marrakech do người Pháp ghi lại, trong số những người về ngành vận tải, Khóa 51D (bis) có các ông La Vĩnh Sinh, Lý Tri Tình, Ôn Văn Hiển (hạ sĩ quan), Khóa 51H có ông Lê Trung Trực (sĩ quan), Khóa 52F1 có các ông Huỳnh Hữu Hiền, Phạm Ngọc Sang, Huỳnh Minh Bon, Huỳnh Bá Tính, Đinh Văn Chung, Phan Phụng Tiên (sĩ quan), Nguyễn Hữu Chẩn (hạ sĩ quan), và Khóa 52F2 có các ông Nguyễn Cao Kỳ, Trịnh Hảo Tâm (sĩ quan), Lưu Kim Cương, Phan Thanh Vân, Bùi Đức Mỹ, Huỳnh Văn Hiến, Bùi Hữu Thế, Hạ Hầu Sinh, Nguyễn Phúc Tửng... (hạ sĩ quan).

[Sau khi tốt nghiệp về nước, số hoa tiêu hạ sĩ quan nói trên đã được Trung tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, đặc cách thăng cấp Chuẩn úy.

Riêng ba ông Huỳnh Hữu Hiền, Huỳnh Bá Tính, Nguyễn Hữu Chẩn về sau được chuyển sang ngành khu trục. Khi Phi Đoàn 1 Khu Trục được chính thức thành lập vào ngày 1/6/1956, Đại úy Huỳnh Hữu Hiền, Đại úy Huỳnh Bá Tính giữ chức Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó tiên khởi của phi đoàn này]



Các khóa sinh Khóa 52F2. Hàng ngồi, từ trái: Phan Thanh Vân, Lưu Kim Cương, Nguyễn Cao Kỳ,
Trần Văn Hổ, Trịnh Hảo Tâm, Nguyễn Mai Lâm

Sau khi tốt nghiệp hoa tiêu tại Avord trên phi cơ MD-312 Flamant, các khóa sinh sẽ được đưa tới trường oanh tạc Blida hoặc các đơn vị vận tải trang bị phi cơ C-47 Dakota (“Dakota” là tên người Anh đặt cho kiểu phi cơ Douglas C-47 “Skytrain” của người Mỹ; người Pháp cũng gọi theo người Anh).

* Trường Blida:

Trường này nằm trong Căn cứ Không quân Pháp ở Blida, Algeria. Vào các năm 1953-54, các tân hoa tiêu của các Khóa 52F1 và 52F2 được đưa về đây thụ huấn trên phi cơ MD-315 Flamant về tác xạ và oanh tạc, với mục đích thành lập các đơn vị tác chiến & liên lạc trong Không Quân Việt Nam, trang bị phi cơ MD-312 và MD-315.


Một chiếc MD-315 Flamant của dân sưu tầm máy bay cổ, được sơn cờ VNCH và cờ hiệu KQVN

* Trường CIET:

Về phần các hoa tiêu được đưa tới các đơn vị trang bị vận tải cơ C-47 Dakota, sẽ phải ngồi ghế phi công phụ ít nhất là 6 tháng, sau đó sẽ được gửi tới trường CIET (viết tắt của tiếng Pháp Centre d’Instruction des Equipages de Transport: Trung tâm Huấn luyện Phi hành đoàn Vận tải).

Trường CIET nằm trong Căn cứ Không Quân Toulouse-Francazal ở miền nam nước Pháp, gần rặng núi Pyréneés ở biên giới Pháp – Tây-ban-nha, là nơi huấn luyện các phi công phụ của các đơn vị vận tải gửi đến thụ huấn để trở thành phi công chánh, có khả năng điều khiển phi cơ trong mọi điều kiện thời tiết. Trường đòi hỏi gắt gao về khả năng bay trời mù với một độ sai biệt rất nhỏ trong các động tác cận tiến và đồ hình (figures).

Hai hoa tiêu vận tải đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp trường CIET là các ông Phạm Ngọc Sang và Huỳnh Hữu Hiền; người thứ ba là ông Lý Tri Tình.

Sau thời gian thực tập tại các đơn vị trang bị vận tải cơ C-47 Dakota ở Pháp, dù tốt nghiệp hay không tốt nghiệp trường CIET, các hoa tiêu vận tải thuộc hai Khóa 52F1 và 52F2 đã lần lượt trở về Việt Nam, phục vụ tại các phi đoàn vận tải của Pháp ở Viễn Đông gồm GT 1/64 Béarn, GT 2/62 Franche-Comté và GT 2/63 Sénégal trong thời gian chuẩn bị thành lập các phi đoàn vận tải cho Không Quân Việt Nam.

[Trong số ba phi đoàn nói trên, Phi Đoàn GT 2/62 Franche-Comté được đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tá (Không Quân Pháp) Nguyễn Văn Hinh, tới đồn trú tại Biên Hòa vào năm 1949; phi đoàn này về sau được đưa ra miền Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Về phần Trung tá Nguyễn Văn Hinh, qua năm 1950, đã xin ra khỏi Không Quân Pháp để giữ chức Tổng thư ký tại Bộ Quốc Phòng của Việt Nam Quốc Gia vừa được thành lập; tới năm 1951, ông được cử làm Chánh võ phòng cho Quốc trưởng Bảo Đại. Năm 1952, khi Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia được thành lập, ông được đặc cách lên cấp Thiếu tướng, không phải mang lon Đại tá một ngày nào, và trở thành vị Tổng tham mưu trưởng đầu tiên của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam; năm 1953, ông được thăng cấp Trung tướng. Còn Phi Đoàn GT 2/63 Sénégal đóng tại Tân Sơn Nhất, là đơn vị sau này sẽ chuyển giao các phi cơ C-47 của họ để thành lập phi đoàn vận tải đầu tiên của Không Quân Việt Nam]

Các phi công thụ huấn (tác xạ và oanh tạc) tại trường Blida thì được đưa về nước để thành lập Đệ Nhất Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc, đơn vị đầu tiên của Không Quân Việt Nam có khả năng “tác chiến”, dù rất giới hạn.


C-47 Dakota

2- Thành lập các phi đoàn

Trước khi viết về việc thành lập các phi đoàn vận tải đúng nghĩa, thiết tưởng cũng nên viết sơ qua về các đơn vị phi hành được thành lập trước đó có liên quan tới “vận tải”.

* Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm:

Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm được thành lập ngày 1/8/1951 tại Nha Trang, là đơn vị phi hành đầu tiên do người Pháp thành lập cho các hoa tiêu Việt Nam (nhưng lại được chuyển giao sau Phi Đoàn 1 và Phi Đoàn 2 Quan sát). Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm sử dụng nhiều loại phi cơ chuyển vận khác nhau: Beechcraft 18, Republic RC-3 Seabee (thủy phi cơ), Marcel-Dassault MD-312 và MD-315 Flamant, Douglas C-47 Dakota, và về sau có thêm 2 trực thăng Alouette II và 3 trực thăng Alouette III.

Chỉ huy trưởng phi đoàn là Đại úy Jahoux, nhân viên phi đoàn là các hoa tiêu Việt Nam đã thụ huấn tại Pháp hoặc Bắc Phi. Nhiệm vụ chính của phi đoàn là chuyên chở các yếu nhân và thực hiện các phi vụ tiếp tế.

* Phi Đội Liên Lạc (ELAVN):

Một năm sau ngày thành lập, Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm được di chuyển về Tân Sơn Nhất. Cuối năm 1953 đầu năm 1954, vì các phi cơ MD-315 Flamant bị lấy đi để thành lập Đệ Nhất Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc, số phi cơ còn lại quá ít nên Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm trở thành Phi Đội Liên Lạc, danh xưng tiếng Pháp là “Escadrille de Liaison Aérienne du Vietnam”, viết tắt là ELAVN, hoặc ngắn gọn hơn, ELA, do Đại úy Jarnias chỉ huy, nhiệm vụ duy nhất chỉ là chuyên chở các yếu nhân.

Tháng 6/1955, quyền chỉ huy Phi Đội Liên Lạc được bàn giao cho Đại úy Huỳnh Hữu Hiền. Tới tháng 10 cùng năm, khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa được thành lập (26/10/1955), Đại úy Hiền trở sang Pháp theo học khóa huấn luyện viên khu trục, Đại úy Phạm Ngọc Sang lên thay cho tới khi chấm dứt chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.

[Sau khi Đại úy Huỳnh Hữu Hiền bàn giao quyền chỉ huy cho Đại úy Phạm Ngọc Sang, trong khi tên gọi bằng tiếng Pháp vẫn là “Phi Đội” (Escadrille), danh xưng tiếng Việt được chính thức nâng lên thành “Phi Đoàn”; có lẽ vì được tăng cường thêm 4 phi cơ của SILA (Société Impériale de Liaison Aérienne – Hiệp hội Liên lạc Hàng không Hoàng gia) của cựu Quốc trưởng Bảo Đại, và cũng để danh xưng được “mạnh” thêm, xứng đáng với nhiệm vụ chuyên chở vị tân nguyên thủ quốc gia (Tổng thống Ngô Đình Diệm) và các yếu nhân của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian tồn tại, ELAVN còn được nhiều người quen miệng gọi bằng danh xưng không chính thức là “Phi Đoàn VIP”]

ELAVN chính là tiền thân của hai Phi Đoàn 314 Đặc Nhiệm và 716 Trinh Sát & Trắc Giác của Không Đoàn 33 Chiến Thuật sau này.

* Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc:

Gọi một cách đầy đủ là Đệ Nhất Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc, do danh xưng tiếng Pháp của phi đoàn là 1er Groupe de Combat et de Liaison, viết tắt là 1er GC&L. Phi đoàn được thành lập vào tháng 1/1954 tại Nha Trang, là đơn vị phi hành đầu tiên của KQVN có khả năng “tác chiến”. Phi đoàn được trang bị 16 phi cơ MD-315 Flamant, một loại máy bay 2 động cơ do hãng Marcel Dassault của Pháp chế tạo sau Đệ nhị Thế chiến, có 2 rack bom dưới cánh, mỗi bên gắn được 4 trái bom miểng loại 250 cân Anh, và 2 đại liên 50 (12 ly 7) ở hai bên mũi. Trong nhiệm vụ liên lạc, MD-315 có thể đáp xuống phi trường loại C (1.000m) ở các tỉnh nhỏ để chuyên chở các yếu nhân. MD-315 cũng được sử dụng để thả dù tiếp tế cho các tiền đồn.

Trong số 16 phi cơ MD-315 của Phi Đoàn, có 6 chiếc cũ được lấy từ Phi Đoàn 312 Đặc Nhiệm, và 10 chiếc mới tinh sau khi tháo cánh đóng thùng đã được mẫu hạm Dixmude chở từ quân cảng Toulon tới Sài Gòn. Sau khi được ráp lại tại công xưởng Parc Colonial 191 ở Biên Hòa (tức Công Xưởng Không Quân sau này) và bay thử, các phi cơ đã được đưa ra Nha Trang.

Thành phần nhân sự của Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc tương đối khá hùng hậu, với khoảng gần 200 sĩ quan, hạ sĩ quan, đa số tốt nghiệp phi công, điều hành viên, cơ khí viên, vô tuyến du hành tại các trường không quân ở Pháp hoặc Bắc Phi. Thời gian đầu, một số sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp nắm giữ các chức vụ chỉ huy kiêm cố vấn để rồi tới khi mãn nhiệm kỳ lần lượt bàn giao lại cho người Việt, trong đó có Đại úy Đinh Văn Chung, Chỉ huy trưởng phi đoàn, Đại úy Phan Phụng Tiên, Trưởng phòng Hành quân, Trung úy Lê Văn Khương, Sĩ quan Kỹ thuật (về sau được Trung úy Từ Văn Bê thay thế)...

Trong số sĩ quan của phi đoàn, sau này một vị lên làm Tư lệnh Không Quân là Đại tá Nguyễn Xuân Vinh, bốn vị lên tới cấp Chuẩn tướng là Huỳnh Bá Tính (Sư đoàn trưởng SĐ3KQ), Phan Phụng Tiên (Sư đoàn trưởng SĐ5KQ), Từ Văn Bê (Chỉ huy trưởng BCH/KT&TV/KQ) và Lê Trung Trực (Phụ tá cho Trung tướng Đặng Văn Quang tại phủ Tổng thống); trong số thăng cấp Đại tá có các ông Đinh Văn Chung (Tham mưu phó Chiến Tranh Chính Trị BTL/KQ), Dương Thiệu Hùng, Nguyễn Kim Khánh.

Về thành tích, trong thời gian tồn tại khá ngắn ngủi (2 năm), Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc đã tham dự hai cuộc hành quân quan trọng là Hành quân Atlante bình định Quân khu 5 (Nam-Ngãi-Bình-Phú) và Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng bình định miền Tây, đánh dẹp hai tướng “Năm Lửa” Trần Văn Soái và “Ba Cụt” Lê Quang Vinh. Ngoài ra, phi đoàn còn tham dự cuộc phi diễn đầu tiên của KQVN nhân ngày miền nam Việt Nam tuyên bố độc lập, thành lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa, 26/10/1955, cùng với Phi Đoàn 1 Quan Sát và Phi Đoàn 1 Vận Tải (lúc đó KQVN chưa có khu trục và trực thăng).

Giữa năm 1956, Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc bị giải thể. Vì theo các điều khoản của Hiệp định Genève 1954, mọi chiến cụ do người Pháp quản trị, trong đó có phi cơ, phải đem ra khỏi Việt Nam trước ngày 30/6/1956. Vì thế, 10 chiếc MD-315 đã được lấy lại để viện trợ cho Không Quân Hoàng Gia Căm-bốt, 6 chiếc còn lại bay về Pháp.

Tất cả nhân viên phi hành của Phi Đoàn được thuyên chuyển về Tân Sơn Nhất để phục vụ tại Liên Phi Đoàn Vận Tải, hoặc bổ sung cho Phi Đoàn Liên Lạc (VIP), trừ bốn người trở sang Pháp học khóa huấn luyện viên khu trục là Huỳnh Bá Tính, Dương Thiệu Hùng, Nguyễn Kim Khánh và Nguyễn Hữu Chẩn. Các chuyên viên kỹ thuật đa số được thuyên chuyển về Biên Hòa để thành lập Phi Đoàn 1 Khu Trục, một số nhỏ về Tân Sơn Nhất hoặc ra làm huấn luyện viên tại Trường Kỹ Thuật của TTHLKQ Nha Trang.

* Phi Đoàn 1 và Phi Đoàn 2 Vận Tải:

Phi Đoàn 1 Vận Tải, danh xưng tiếng Pháp là 1er Groupe de Transport du Vietnam, viết tắt là 1er GTVN, còn được gọi là Đệ Nhất Phi Đoàn Vận Tải, được thành lập ngày 1/6/1955 tại Tân Sơn Nhất, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại úy Nguyễn Cao Kỳ, gồm 35 hoa tiêu, đa số xuất thân Khóa 52F2, sau khi về nước được gửi tới các phi đoàn vận tải GT 1/64 Béarn, GT 2/62 Franche-Comté và GT 2/63 Sénégal thuộc Không Lực Pháp tại Viễn Đông để bay thực tập với tư cách phi công phụ trên phi cơ C-47 Dakota; một số khác phục vụ tại Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc được trang bị phi cơ MD-315 Flamant. Trong thời gian này, các hoa tiêu vận tải VN bay trên C-47 đã tham gia cầu không vận chuyên chở đồng bào di cư từ phi trường Gia Lâm (Hà Nội) và Cát Bì (Hải Phòng) vào Tân Sơn Nhất.

Mấy tháng trước ngày chính thức thành lập, một số nhân viên phi hành và kỹ thuật của Phi Đoàn 1 Vận Tải đã được gửi tới thực tập về chỉ huy, điều hành tại phi đoàn vận tải GT 2/63 Sénégal ở Tân Sơn Nhất.

Ngày 1/6/1955, Phi Đoàn 1 Vận Tải của KQVN được chính thức thành lập, Đại úy Nguyễn Cao Kỳ làm Chỉ huy trưởng, Trung úy Đặng Đình Linh làm Sĩ quan Phụ tá Kỹ thuật. Đúng một tháng sau, ngày 1/7/1955, ngày thành lập quân chủng KQVN, toàn bộ phi cơ C-47 của GT 2/63 gồm 22 chiếc được chuyển giao cho Phi Đoàn 1 Vận Tải.

Một năm sau, tháng 6/1956, sau khi Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc bị giải thể, đa số hoa tiêu được đưa về Tân Sơn Nhất để thành lập Phi Đoàn 2 Vận Tải – tức Đệ Nhị Phi Đoàn Vận Tải. Hai phi đoàn này được kết hợp thành Liên Phi Đoàn 1 Vận Tải (1er Escadre de Transport du Vietnam, viết tắt là 1er ETVN), đặt dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ; Đại úy Trịnh Hảo Tâm làm Chỉ huy phó, Đại úy Lý Tri Tình làm Chỉ huy trưởng Phi Đoàn 1, Đại úy Đinh Văn Chung (nguyên Chỉ huy trưởng Phi Đoàn Tác Chiến & Liên Lạc) làm Chỉ huy trưởng Phi Đoàn 2. Liên Đoàn có một trung tâm huấn luyện phi hành đoàn vận tải (CIET) do Đại úy Huỳnh Minh Bon làm Chỉ huy trưởng, Trung úy Phan Thanh Vân làm Chỉ huy phó; và Trung tâm Kỹ thuật Vận tải do Đại úy Đặng Đình Linh làm Chỉ huy trưởng.

Ngày ấy, năm 1956, chưa có ngành “áp tải”, một phi hành đoàn vận tải gồm 5 người:

- Hoa tiêu chánh (Trưởng phi cơ)
- Hoa tiêu phụ
- Điều hành viên
- Vô tuyến phi hành
- Cơ phi

Với tổng số phi cơ lên tới 32 chiếc C-47, Liên Phi Đoàn Vận Tải có khả năng vận chuyển cùng một lúc quân số của 2 Tiểu Đoàn Nhảy Dù.

* Dirty Thirty:

Trong phần viết về ngành Vận Tải của Không Lực VNCH không thể không nhắc tới một toán phi công đặc biệt của Hoa Kỳ tại VN, đó là nhóm “Dirty Thirty”.

Nguyên nhân là từ năm 1961, số lượng phi cơ của KQVN đã gia tăng quá nhanh so với nhịp độ đào tạo nhân viên phi hành. Riêng trong ngành vận tải, tình trạng thiếu hụt hoa tiêu đã trở nên trầm trọng vào cuối năm 1961 đầu năm 1962, khi một số lớn hoa tiêu “đa năng” của Phi Đoàn 1 Vận Tải được thuyên chuyển tới Phi Đoàn 2 Khu Trục vừa được thành lập. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự này, Phái Bộ Cố Vấn Quân Sự Mỹ (MAAG) tại VN đã đề nghị Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ biệt phái một số phi công vận tải sang VN để điền vào chỗ trống với tư cách hoa tiêu phụ. Được Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara chấp thuận, trong hai tháng 3 và 4/1962, 30 phi công Mỹ đã tới Tân Sơn Nhất để bắt đầu bay chung với các phi công VN. Nhờ đó, hoạt động của Phi Đoàn 1 Vận Tải đã được phục hồi như cũ.

Phi công của một “đại cường” đàn anh thay vì đóng vai trò cố vấn hoặc huấn luyện viên lại phải ngồi ghế co-pilot cho phi công một quốc gia đàn em “nhược tiểu”, dứt khoát không phải là một điều đáng hãnh diện; bên cạnh đó là những hiểm nguy, bất trắc của chiến tranh luôn đợi chờ. Hai yếu tố đó đã đưa tới việc nhóm này tự đặt cho mình một hỗn danh rất độc đáo và hơi mỉa mai: Dirty Thirty.





The Dirty Thirty. Phía trên, bên trái là phù hiệu “Ba Mươi Lăm”, bên phải là phù hiệu Liên Phi Đoàn 1 Vận Tải"

Thoạt đầu, sự hợp tác giữa các hoa tiêu chánh bản xứ và hoa tiêu phụ ngoại quốc khá căng thẳng vì những bất đồng nghề nghiệp. Đến nỗi tới tháng 8/1962, Trung tá Nguyễn Cao Kỳ, Chỉ huy trưởng Liên Phi Đoàn Vận Tải, đã phải đích thân can thiệp, kêu gọi sự thông cảm hiểu biết giữa đôi bên. Kết quả, mặc dù không thể hóa giải 100% mọi bất đồng, dần dần hai phía đã hợp tác một cách tốt đẹp hơn. Đặc biệt phía các phi công Mỹ sau khi thấy được khả năng trong nghề của phi công VN, đã không còn ai phàn nàn về việc phải ngồi ghế co-pilot nữa, và những người trước kia từng chỉ trích cách bay “không đúng sách vở” của phi công VN, sau này đã phải nhìn nhận: trong môi trường và trên địa thế của VN, cách bay phản nguyên tắc ấy trong đa số trường hợp lại chính là phương pháp hữu hiệu và an toàn nhất!

Mùa xuân năm 1963, toán Dirty Thirty thứ nhất mãn hạn phục vụ, toán thứ hai sang thay thế cho tới khi chương trình đặc biệt này chấm dứt vào cuối tháng 12 năm 1963.

[Một chi tiết thú vị về Dirty Thirty là không hiểu do ai cố vấn, họ đã dịch “Dirty Thirty” (Ba Mươi Nhơ Bẩn) sang tiếng Việt là “Ba Mươi Lăm”, và vẽ hình một con dê trên phù hiệu]

* Phi Đoàn 314 Đặc Nhiệm (VIP):

Từ năm 1958, ngoài các phi cơ Cessna O-1A Bird Dog và Cessna U-17A Skywagon, ngành quan sát của Không Lực VNCH còn sử dụng một số phi cơ U-6A Beaver trong các nhiệm vụ liên lạc, trắc giác (khi O-1A còn được gọi bằng phiên hiệu cũ L-19 thì U-6A được gọi là L-20). U-6A là một loại phi cơ đa dụng, có khả năng chở 7 hành khách, do hãng De Havilland của Gia-nã-đại chế tạo (cũng là hãng sau này chế tạo vận tải cơ C-7 Caribou).


U-6A Beaver

Về sau, số U-6A này được chuyển giao cho Phi Đoàn 314 Đặc Nhiệm và Phi Đoàn 716 Trinh Sát & Trắc Giác. Tiền thân của hai phi đoàn này là Phi Đoàn Liên Lạc (ELAVN, tức “Phi Đoàn VIP”) đã nhắc tới ở phần trên. Nguyên sau cuộc đảo chánh lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm vào tháng 11/1963, Phi Đoàn Liên Lạc bị giải tán để thành lập hai Phi Đoàn 314 Đặc Nhiệm và 716 Trinh Sát & Trắc Giác.

Phi Đoàn 314 Đặc Nhiệm, danh hiệu “Thần Tiễn”, do Thiếu tá (?) Nguyễn Hữu Trí làm Chỉ huy trưởng đầu tiên, được trang bị phi cơ VC-47 (loại dành cho VIP), U-6A và U-17. Ngoài nhiệm vụ chính là chuyên chở các yếu nhân trong chính phủ, Phi Đoàn 314 còn thực hiện các công tác liên lạc và tâm lý chiến.

Nguyên vào năm 1964, ngành Chiến Tranh Chính Trị của QLVNCH được thành lập, công tác Tâm lý chiến được đẩy mạnh, trong đó Không Quân đảm trách nhiệm vụ thả truyền đơn, phát thanh tuyên truyền trên những vùng “xôi đậu” và các mật khu, kêu gọi cán binh, du kích quân cộng sản ra hồi chánh. Để đáp ứng nhu cầu này, một đơn vị Tâm lý chiến thuộc Phi Đoàn 314 được thành lập, gồm 6 chiếc U-6A và 4 chiếc U-17.

Các phi cơ này được trang bị máy thu băng và loa phóng thanh cực mạnh, thường phát thanh về đêm trên những vùng quê mà đa số các gia đình đều có thân nhân đi theo địch, hoặc trên những mật khu của cộng quân, với kết quả hàng trăm ngàn người đã về hồi chánh trong suốt chiều dài của cuộc chiến.

* Biệt Đoàn 83:

Biệt Đoàn 83 (danh xưng tiếng Anh là 83rd SAG: Special Air Group) là một đơn vị độc đáo, nổi tiếng của Không Lực VNCH nhưng lại không có trong sơ đồ tổ chức chính thức và cấp số nhân viên. Lịch sử của Biệt Đoàn bắt đầu vào tháng 4 năm 1961 dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, qua Kế Hoạch Alpha của Sở Nghiên Cứu Kế Hoạch Phủ Tổng Thống (thực chất là cơ quan tình báo đầu tiên của VNCH). Đây là sáng kiến của ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và Trung tá Lê Quang Tung, vị chỉ huy đầu tiên của Lực Lượng Đặc Biệt, với mục đích thả các toán biệt kích xuống lãnh thổ Bắc Việt để thi hành các công tác phá hoại cầu cống, đường xá, nhà máy điện... của địch. Cũng giống như bất cứ “kế hoạch đặc biệt” nào khác của “thế giới tự do”, người ta tin rằng Kế Hoạch Alpha có sự hợp tác ngấm ngầm của Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA).

Để thực hiện các phi vụ nói trên, một số phi hành đoàn dày dạn kinh nghiệm và gan dạ của Liên Phi Đoàn Vận Tải đã được tuyển chọn trong số những người tình nguyện, như Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ (Chỉ huy trưởng Liên Phi Đoàn), các Trung úy Lưu Kim Cương, Phan Thanh Vân, Nguyễn Ngọc Khoa, v.v... Những chiếc C-47 Dakota của đơn vị này chỉ có số đuôi để nhận diện, không có phù hiệu, không sơn, giữ nguyên màu nhôm trắng nên có biệt hiệu “Cò Trắng” (White Crane).

Khi một phi vụ được quyết định thực hiện, một chiếc C-47 sẽ cất cánh từ Tân Sơn Nhất bay ra Nha Trang, nơi phi hành đoàn sẽ được thuyết trình về kế hoạch thâm nhập trong lúc phi cơ “lên hàng”: các chiến sĩ biệt kích. Có thể vì vậy mà Nha Trang đã trở thành tổng hành dinh của lực lượng biệt kích.

Xế chiều, phi cơ cất cánh bay về hướng tây, vượt biên giới nam Lào rồi đáp xuống một vị trí bí mật để lấy thêm nhiên liệu và để phi hành đoàn nhận những chỉ thị cuối cùng. Khoảng nửa đêm, phi cơ sẽ cất cánh bay về hướng bắc với cao độ thấp, vượt qua các thung lũng trong dãy Trường Sơn rồi thâm nhập không phận Bắc Việt. Các vị trí thả biệt kích thường nằm ở các vùng cao thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình, Phát Diệm...

Những phi vụ bay đêm ở cao độ sát mặt đất này rất nguy hiểm; đã có ít nhất 2 chiếc C-47 bị rớt, nhiều nhân viên phi hành đoàn hy sinh, trong đó có một chuyến đã được nhà cầm quyền CSBV công khai hóa để thưa kiện trước Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. Đó là phi vụ do Trung úy Phan Thanh Vân làm trưởng phi cơ, có nhiệm vụ tiếp tế cho biệt kích, đã phát hỏa và rớt ở Ninh Bình ngày 1/7/1961. Trong tổng số 7 người của phi hành đoàn và 3 biệt kích quân, chỉ có Trung úy Phan Thanh Vân, cơ khí viên, và một biệt kích quân sống sót, sau đó bị đưa ra tòa xét xử.

[Về phi vụ của Trung úy Phan Thanh Vân, độc giả có thể tìm đọc bài “Phi vụ Cò Trắng và những nầm mồ còn lại” trên Internet].

Năm 1964, sau khi Đại tá Nguyễn Cao Kỳ lên nắm chức Tư lệnh Không Quân, đơn vị đặc biệt này được mang danh xưng chính thức là Biệt Đoàn 83, còn được gọi bằng danh xưng bán chính thức là “Biệt Đoàn Thần Phong” do chữ “Thần Phong” trên phù hiệu của Biệt Đoàn. Tuy Biệt Đoàn được đặt dưới quyền chỉ huy của ông Nguyễn Cao Kỳ, nhân vật trực tiếp nắm quyền điều động lại là Thiếu tá Lưu Kim Cương, Trưởng Phòng Hành Quân.

Tháng 4/1964, ông Lưu Kim Cương xuống Cần Thơ thành lập Biệt Đội 74 (tiền thân của Không Đoàn 74 Chiến Thuật), chức vụ Trưởng Phòng Hành Quân được trao lại cho Đại úy Nguyễn Ngọc Khoa. Sau khi Không Đoàn 74 Chiến Thuật được chính thức thành lập, Trung tá Trần Văn Minh (nguyên Tư lệnh Không Đoàn 62 Chiến Thuật ở Pleiku) về làm Tư lệnh Không Đoàn, ông Lưu Kim Cương trở lại Tân Sơn Nhất tiếp tục nắm giữ Biệt Đoàn 83

Cũng trong năm 1964, vì nhu cầu gia tăng và cũng để thay thế những chiếc C-47 đã quá cũ, 5 phi hành đoàn thuộc Biệt Đoàn được gửi sang Hoa Kỳ để xuyên huấn trên vận tải cơ C-123 Provider. Sau khi về nước, các phi hành đoàn này đã bay trên 3 chiếc C-123 mượn tạm của Không Quân Hoa Kỳ. Ngoài C-47 và C-123, vào thời gian này Biệt Đoàn 83 còn sử dụng trực thăng H-34 để thực hiện các phi vụ thâm nhập miền Bắc.

Bên cạnh đó, Biệt Đoàn 83 còn có một biệt đội khu trục A-1 Skyraider với các hoa tiêu tình nguyện được tuyển chọn từ các phi đoàn khu trục hiện hữu. Đặc biệt, các phi cơ A-1 Skyraider của phi đội này không mang phù hiệu của KQVN mà mang phù hiệu riêng của Biệt Đoàn 83 “Thần Phong”.

Năm 1967, nền Đệ Nhị Cộng Hòa được thành lập. Sau khi đắc cử Tổng thống, ông Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh giải tán Biệt Đoàn 83.

Về phần Liên Phi Đoàn Vận Tải, trước đó, vào năm 1963 đã được tách ra làm 2 phi đoàn như cũ, Phi Đoàn 1 trở thành Phi Đoàn 413 “Xích Long” và Phi Đoàn 2 trở thành Phi Đoàn 415 “Thanh Long”, hai phi đoàn nòng cốt của Không Đoàn 33 Chiến Thuật được thành lập ít lâu sau đó.

3- Thành lập Không Đoàn 33 Chiến Thuật:

Cho tới cuối năm 1963, tuy lực lượng đã phát triển đáng kể nhưng về tổ chức và hệ thống chỉ huy, Không Lực VNCH vẫn rập theo khuôn mẫu của Không Quân Pháp tại Viễn Đông trước đây. Theo đó, các phi đoàn hoặc liên phi đoàn là những đơn vị phi hành độc lập, nhận chỉ thị trực tiếp từ Bộ Tư Lệnh Không Quân ở Tân Sơn Nhất, và chỉ lệ thuộc vào Căn Cứ Không Quân nơi đồn trú về mặt lãnh thổ và yểm trợ.

Tới đầu năm 1964, khi số lượng đơn vị phi hành đã gia tăng gần gấp 4 lần con số ban đầu, để tiện việc chỉ huy, điều động, các phi đoàn riêng lẻ cùng với các đơn vi kỹ thuật, bảo trì, yểm cứ... đã lần lượt được kết hợp thành các Không Đoàn Chiến Thuật (Tactical Wing), tương tự như tổ chức trong Không Lực Hoa Kỳ.

Tại Tân Sơn Nhất, Không Đoàn 33 Chiến Thuật được thành lập vào tháng 1/1964, lực lượng gồm có: hai Phi Đoàn vận tải 413 Xích Long và 415 Thanh Long, Phi Đoàn Đặc Nhiệm 314 Thần Tiễn (tức “phi đoàn VIP”), Phi Đoàn 716 Trinh Sát & Trắc Giác, Phi Đoàn trực thăng 211 Thần Chùy. Phi Đoàn 211 sau này di chuyển về Bình thủy, trực thuộc Không Đoàn 74 Chiến Thuật.

[Theo một số sơ đồ tổ chức được ghi lại, lực lượng của Không Đoàn 33 Chiến Thuật còn có Phi Đoàn 522 khu trục (thành lập tháng 6/1965). Trên thực tế, theo cuốn USAF and VNAF A-1 Skyraider Units of the Vietnam War của tác giả Byron E Hukee, Osprey Publishing phát hành năm 2013, thì vào năm 1965, cùng với việc Hoa Kỳ chuyển giao ồ ạt A-1 cho KQVN, một “phi đoàn khu trục tân lập” là Phi Đoàn 522 đã được thành lập trên giấy tờ (nằm trong tổ chức của Không Đoàn 33 Chiến Thuật ở Tân Sơn Nhất) với mục đích duy nhất là đứng tên “nhận” những chiếc A-1 của Hoa Kỳ rồi giao cho Biệt Đoàn 83; kết quả, Biệt Đoàn 83 đã làm chủ một số lượng A-1 tương đương cấp số của một phi đoàn. Về sau, vào năm 1967, phiên hiệu “522” được sử dụng cho phi đoàn phản lực cơ siêu thanh F-5 đầu tiên của KQVN, đó là Phi Đoàn 522 "Thần Ưng", trực thuộc Không Đoàn 23 Chiến Thuật, đồn trú tại CCKQ Biên Hòa]

Vị Tư lệnh đầu tiên của Không Đoàn 33 Chiến Thuật là Đại tá Hà Xuân Vịnh, Trung tá Võ Xuân Lành làm Tư lệnh phó. Năm 1965, Đại tá Hà Xuân Vịnh và Trung tá Võ Xuân Lành được thuyên chuyển về Bộ tư lệnh KQ nhận nhiệm vụ mới, Đại tá Phạm Ngọc Sang được chỉ định thay thế trong chức vụ Tư lệnh.

Cuối tháng 6/1965, sau khi quân đội đứng ra nhận lãnh trách nhiệm trước quốc dân (Ngày Quân Lực 19/6), Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ giữ chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ tướng), Đại tá Phạm Ngọc Sang được chỉ định làm Chánh Võ Phòng Phủ Chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Trung tá Lưu Kim Cương đang nắm Biệt Đoàn 83 được đề cử thay thế Đại tá Phạm Ngọc Sang.

Tết Mậu Thân 1968, trong cuộc tấn công đợt 2 của Việt Cộng vào căn cứ Tân Sơn Nhất, ông Lưu Lim Cương, lúc đó mới được thăng cấp Đại tá, bị tử thương và được truy thăng Chuẩn tướng; Đại tá Dương Thiệu Hùng được chỉ định giữ chức Tư lệnh Không Đoàn 33 Chiến Thuật, và mấy tháng sau, Đại tá Phan Phụng Tiên về thay thế ông Dương Thiệu Hùng.

Đại tá Phan Phụng Tiên giữ chức Tư lệnh Không Đoàn 33 Chiến Thuật cho tới đầu năm 1971, khi Sư Đoàn 5 Không Quân (còn gọi là “Sư Đoàn Vận Tải”) được thành lập tại Tân Sơn Nhất, ông trở thành Sư đoàn trưởng SĐ5KQ và giữ chức vụ này cho tới tháng 4/1975. Ông được thăng cấp Chuẩn tướng năm 1974, cùng một đợt với các Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Sư đoàn trưởng SĐ1KQ, Nguyễn Hữu Tần, Sư đoàn trưởng SĐ4KQ, Từ Văn Bê, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Kỹ Thuật & Tiếp Vận KQ, và Lê Trung Trực thuộc Phủ tổng thống.

[SƯ ĐOÀN TRƯỞNG: Trước khi các Sư Đoàn Không Quân được thành lập vào năm 1970, danh xưng các chức vụ chỉ huy cao nhất trong quân chủng Không Quân như sau: Tư lệnh Không Quân, Tư lệnh Không Đoàn. Sau khi các Sư Đoàn Không Quân được thành lập, chỉ còn một vị “tư lệnh” duy nhất là “Tư lệnh Không Quân” ở Tân Sơn Nhất, các cấp chỉ huy kế tiếp mang danh xưng mới “Sư đoàn trưởng”, “Không đoàn trưởng”. Riêng các danh xưng “Chỉ huy trưởng Liên Đoàn”, “Chỉ huy trưởng Phi Đoàn”, theo NT Lê Như Hoàn, đã được đổi thành “Liên đoàn trưởng”, “Phi đoàn trưởng” từ cuối năm 1965.

Việc sau khi ra hải ngoại, nhiều người gọi các vị “Sư đoàn trưởng KQ” là “Tư lệnh SĐ...KQ” về ý nghĩa không có gì sai, nhưng chiếu theo văn kiện lập quy của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, gọi như thế là sái nguyên tắc, bởi chỉ có các vị chỉ huy Sư Đoàn Bộ Binh, Sư Đoàn Nhảy Dù, Sư Đoàn TQLC mới được gọi là “Tư Lệnh Sư Đoàn”.

Tất cả các phân ưu, cáo phó trên nguyệt san Lý Tưởng của BTL/KQ trước sự ra đi của cố Thiếu tướng Nguyễn Huy Ánh năm 1972, sau này được photocopy phổ biến kèm theo một số bài viết về ông, đều ghi rõ chức vụ của ông là “Sư đoàn trưởng Sư Đoàn 4 Không Quân”]


II- Giai đoạn phát triển và hiện đại hóa

Trong chương trình phát triển và hiện đại hóa Không Lực VNCH, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thành lập thêm các phi đoàn vận tải có lẽ chỉ đứng sau việc thành lập các phi đoàn trực thăng. Bởi vì trong suốt 10 năm từ 1956 tới 1966, trước sau KQVN vẫn chỉ có hai phi đoàn vận tải 413 Xích Long và 415 Thanh Long (nguyên là Phi Đoàn 1 và Phi Đoàn 2 Vận Tải), sử dụng phi cơ C-47 Dakota.

1- Vận tải cơ C-119G Flying Boxcar

Năm 1966, cùng với việc thay thế các khu trục cơ cánh quạt bằng các loại phản lực, Hoa Kỳ cũng đã nghĩ tới việc hiện đại hóa ngành vận tải của Không Lực VNCH qua việc thay thế C-47 Dakota bằng C-119 Flying Boxcar để giúp Không Lực VNCH có thể vận chuyển những loại chiến cụ kềnh càng ngoài khả năng của C-47.

Trong năm 1967, một số hoa tiêu vận tải VN được đưa sang Hoa Kỳ để xuyên huấn tại căn cứ Ellington, Texas. Riêng các chuyên viên kỹ thuật được huấn luyện cả tại Hoa Kỳ lẫn Tân Sơn Nhất. Tới tháng 3/1968, đã có khoảng 200 hoa tiêu và chuyên viên hoàn tất chương trình huấn luyện. Phi Đoàn 413 Xích Long chính thức tiếp nhận 16 vận tải cơ C-119G. Về phần các phi cơ C-47 của phi đoàn thì những chiếc còn tương đối tốt được tăng cường cho Phi Đoàn 415 Thanh Long.


C-119G Flying Boxcar

Cũng cần viết thêm, trước khi Phi Đoàn 413 tiếp nhận các phi cơ C-119, trong khoảng thời gian 1966-1967, đã có thêm hai phi đoàn vận tải khác được thành lập là Phi Đoàn 417 “Long Mã” và Phi Đoàn 419 (?), sử dụng vận tải cơ C-47. Tuy nhiên hai phi đoàn này sau đó đã bị giải thể để lấy nhân viên thành lập hai phi đoàn vận tải võ trang là Phi Đoàn 817 “Hỏa Long” và Phi Đoàn 819 “Hắc Long”.

[Các tài liệu của Hoa Kỳ và VN để lại, cũng như ký ức của những người từng phục vụ trong ngành vận tải đã không thống nhất khi nhắc tới Phi Đoàn 417 và Phi Đoàn 419. Chỉ biết một điều chắc chắn là Phi Đoàn 417 ĐÃ ĐƯỢC THÀNH LẬP, Chỉ huy trưởng: Thiếu tá Phạm Công Minh, danh hiệu “Long Mã” (sau này Phi Đoàn trực thăng 219 (King Bee) cũng lấy danh hiệu “Long Mã”), tới khi được trang bị vận tải võ trang AC-47 mới cải danh thành Phi Đoàn 817 “Hỏa Long”. Từ đây, số “8” đầu được dành cho ngành vận tải võ trang.

Về phần Phi Đoàn 419, ít nhất cũng đã được thành lập trên giấy tờ, cho nên phi đoàn vận tải kế tiếp mới có phiên hiệu “421”.

Nhắc lại: phiên hiệu của các phi đoàn trong Không Lực VNCH được liên tục bằng cách cộng thêm 2 vào hàng đơn vị. Thí dụ: 110, 112, 114... (quan sát), 211, 213, 215... (trực thăng), 312, 314... (đặc nhiệm), 514, 516, 518... (khu trục)]


2- Vận tải cơ C-123K Provider

Khuyết điểm của C-119 là trong khi có khả năng vận chuyển nhiều hơn C-47 thì lại không thể đáp xuống các phi đạo ngắn và thô sơ. Vì thế, để giúp Không Lực VNCH đủ khả năng thay thế lực lượng không vận của phía Hoa Kỳ, phải thành lập thêm các phi đoàn vận tải với những loại phi cơ hiện đại hơn. Theo kế hoạch của Bộ Tư Lệnh Quân Viện Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV) đưa ra, ba tân phi đoàn sẽ được thành lập, mỗi phi đoàn trang bị 16 vận tải cơ C-123 Provider.

Tuy nhiên Phái Bộ Cố Vấn Không Quân Hoa Kỳ đã đề nghị trang bị phối hợp cho ba phi đoàn này bằng vận tải cơ hạng nặng C-130 Hercules và vận tải cơ hạng nhẹ C-7 Caribou, vì họ cho rằng như thế hoạt động sẽ hữu hiệu hơn. Đề nghị này được Tướng George Brown, Tư lệnh Đệ Thất Không Lực Hoa Kỳ (7th Air Force) nhiệt liệt tán thành, và đệ trình Bộ Không Quân Hoa Kỳ vào đầu năm 1970. Cùng thời gian, khi Bộ trưởng Không Quân Hoa Kỳ, Tiến sĩ Robet C. Seamans Jnr., sang thăm VN, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ đã cố gắng thuyết phục ông chấp thuận việc cung cấp 48 phi cơ C-130 và C-7 thay vì 48 phi cơ C-123. Ông Kỳ viện dẫn kết quả nghiên cứu, so sánh của các cố vấn không quân, theo đó ngoài hoạt động hữu hiệu, việc sử dụng C-130 và C-7 sẽ đỡ “tốn” nhân viên phi hành, vốn luôn luôn bị thiếu hụt trong ngành vận tải của Không Lực VNCH.


C-123K Provider

Nhưng cuối cùng Bộ Không Quân Hoa Kỳ đã quyết định chọn C-123, viện lý do không có sẵn số lượng C-130 nói trên. Diễn tiến trong những năm kế tiếp cho thấy các cố vấn Không Quân Hoa Kỳ và Tướng Brown đã tiêu liệu đúng nhu cầu: các phi đoàn C-7 được thành lập, các phi đoàn C-123 bị giải thể và thay thế bằng các phi đoàn C-130. Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, mọi việc được tiến hành theo kế hoạch của Bộ Không Quân Hoa Kỳ với việc thành lập ba phi đoàn C-123.

C-123 Provider là loại vận tải cơ hạng trung do hãng Fairchild- Hiller của Mỹ chế tạo, thuộc thế hệ thứ nhất của loại vận tải có khả năng cất cánh và đáp phi đạo ngắn (STOL: short take-off and landing). Kiểu đầu tiên được Không Quân Hoa Kỳ sử dụng vào năm 1954 là C-123B, với nhiệm vụ vận chuyển binh sĩ và tiếp liệu.

Về sau, có 183 chiếc C-123B được cải biến thành C-123K. Ngoài hai động cơ “piston” cố hữu, C-123K được trang bị thêm hai động cơ phản lực “J85 turbojet” với sức đẩy 1.293kg mỗi bên, giúp phi cơ có khả năng cất cánh ở phi đạo ngắn hơn, lấy cao độ nhanh hơn để tránh phòng không của địch, và gia tăng trọng tải lên gấp rưỡi (10.886kg). Đồng thời đuôi phi cơ được nâng cao và hệ thống bánh đáp cũng được cải tiến để có thể lên hàng bằng cầu (bửng) mở ra phía sau phi cơ. Tất cả các phi cơ chuyển giao cho KQVN đều là kiểu C-123K.

Phi đoàn C-123 đầu tiên được thành lập là Phi Đoàn 421. Khoảng giữa năm 1970, 48 hoa tiêu vận tải C-47 được đưa sang căn cứ không quân Lockbourne, Ohio, để xuyên huấn trên C-123 (căn cứ Lockbourne về sau được đổi tên thành căn cứ Rickenbacker). Các hoa tiêu phụ thì được tuyển thẳng từ các khóa huấn luyện phi hành. Đầu năm 1971, những phi hành đoàn tốt nghiệp đầu tiên sau khi trở về VN đã được đưa tới bay chung với nhân viên của Không Đoàn Quân Vận 315 (315th Troop Carrier Wing) của Hoa Kỳ ở Phan Rang để rút kinh nghiệm thực tế. Các chuyên viên kỹ thuật bảo trì cũng được đưa tới Không Đoàn này để vừa làm vừa học.

Tháng 4/1971, Phi Đoàn 421 được chính thức thành lập tại Tân Sơn Nhất với 16 phi cơ C-123K, Phi đoàn trưởng: Thiếu tá Nguyễn Quế Sơn. Mặc dù vẫn có bốn huấn luyện viên hoa tiêu Hoa Kỳ bay chung, ngồi ghế trưởng phi cơ để tiếp tục huấn luyện các hoa tiêu VN trong thời gian 2 tháng, Phi Đoàn đã bước vào hoạt động ngay sau ngày thành lập.

Với tiến trình tương tự, phi đoàn C-123 thứ hai – Phi Đoàn 423 - được thành lập vào tháng 7/1971, cũng tại Tân Sơn Nhất; Phi đoàn trưởng: Thiếu tá Mạc Hữu Lộc.

Tháng 12/1971, phi đoàn C-123 thứ ba, và cũng là cuối cùng, được thành lập tại Tân Sơn Nhất: Phi Đoàn 425; Phi đoàn trưởng: Thiếu tá Nguyễn Thế Thân. Đặc biệt, toàn bộ nhân viên phi hành của phi đoàn tân lập này đã được chính các nhân viên phi hành VN của hai Phi Đoàn 421 và 423 đảm trách việc huấn luyện.

Trong thời gian hơn 2 năm hoạt động, đã có 10 trong tổng số 48 phi cơ C-123K của KQVN bị rớt, trong đó có 4 chiếc bị hỏa lực địch bắn hạ. Tháng 1/1973, cả ba phi đoàn bị giải thể, phi cơ được trả lại cho Hoa Kỳ.

[Sau khi đem về nước, các C-123K nói trên được trao cho Không Quân Trừ Bị (Air Force Reserve) sử dụng cho tới khi Hoa Kỳ thải hồi toàn bộ C-123 vào năm 1980. Tuy nhiên, cho tới thập niên 1990, vẫn còn nhiều không lực trên thế giới tiếp tục sử dụng C-123K, trong đó có Không Lực Nam Hàn, Đài-loan, Phi-luật-tân, Thái-lan, El Salvador...]

3- Vận tải cơ C-7A Caribou

Có thể nói Caribou là kiểu phi cơ thành công nhất trong tất cả các loại cất cánh và đáp phi đạo ngắn (STOL) của Thế Giới Tự Do vào thời đó. Phi cơ được hãng De Havilland (Gia-nã-đại) nghiên cứu chế tạo với mục đích ban đầu là cung cấp phương tiện vận chuyển cơ hữu cho Lục Quân Gia-nã-đại và Lục Quân Hoa Kỳ.

Caribou bay thử lần đầu tiên vào ngày 30/7/1958, và tới tháng 10/1959, năm chiếc đã được trao cho Lục Quân Hoa Kỳ thử nghiệm, và được đặt phiên hiệu là CV-2B. Với khả năng đáp xuống những phi đạo thô sơ và cực ngắn (300m, so với 600m của C-123K và 900m của C-130A), Caribou có thể vận chuyển gần 3 tấn hàng hóa, hoặc 17 binh sĩ với trang bị tác chiến tới những địa điểm mà không một loại phi cơ có cánh cố định (fixed wing) nào khác có thể đáp xuống được.

[“17 binh sĩ” nói tới ở đây là “binh sĩ Mỹ”, còn “binh sĩ Việt” thì lên tới 27 người. Theo hồi ức của một vị Phi đoàn trưởng Caribou, trong những ngày cuối cùng di tản khỏi Đà Nẵng, phi cơ đã chở gần gấp ba lần số quân nhân cùng súng ống cho phép trên giấy tờ, mà vẫn cất cánh và bay về tới Tân Sơn Nhất an toàn.]


C-7A Caribou

Năm 1961, Caribou bắt đầu được sử dụng trong Lục Quân Hoa Kỳ. Tháng 8/1961, một chiếc được đưa sang VN để thử nghiệm, kết quả cho thấy trong khi C-123 chỉ có khả năng sử dụng 11% tổng số sân bay lớn nhỏ ở VN thì Caribou có khả năng sử dụng tới 77%!

Đơn vị Caribou đầu tiên của Hoa Kỳ được đưa sang Vũng Tàu cuối năm 1962. Ngoài công tác vận chuyển, tiếp tế cho các đơn vị Lục Quân (ưu tiên cho Không Kỵ), Caribou còn đóng vai trò chính trong việc vận chuyển và tiếp tế cho các trại Lực Lượng Đặc Biệt ở biên giới Việt-Miên và Lào-Việt.

Sau đó, vì công tác chuyển vận chủ yếu là của Không Quân, cho nên để thống nhất việc điều hành, Không Quân và Lục Quân Hoa Kỳ tại VN đã đi tới một thỏa thuận: kể từ ngày 1/1/1967, mọi hoạt động của Caribou sẽ được đặt dưới sự điều động và kiểm soát của Không Quân; các Đại Đội Phi Hành (Aviation Company) của Lục Quân sử dụng Caribou bị giải thể để thành lập các Phi Đoàn Không Vận Chiến Thuật (Tactical Airlift Squadron). Cũng từ ngày nói trên, phiên hiệu CV-2B của Caribou đã được “không quân hóa” thành C-7A Caribou.

Chương trình thành lập các phi đoàn vận tải C-7A cho KQVN cũng tiến hành tương tự các phi đoàn vận tải C-123 trước đó. Mùa hè 1971, 48 hoa tiêu nòng cốt lấy từ hai Phi Đoàn 415, 417 được gửi sang căn cứ không quân Dyess, Texas, để xuyên huấn trên C-7. Các hoa tiêu phụ được tuyển thẳng từ các khóa huấn luyện phi hành.

Sau khi trở về VN, các hoa tiêu mới tốt nghiệp được đưa tới Không Đoàn Quân Vận 483 (483th Troop Carrier Wing) tại Phan Rang để huấn luyện nâng cấp. Các chuyên viên kỹ thuật cũng được đưa tới Không Đoàn này để học bảo trì C-7A. Tháng 1/1972, trung tâm huấn huyện tại Phan Rang đóng cửa và di chuyển ra Phù Cát, công việc huấn luyện được tiếp tục và hoàn tất tại địa điểm mới.

Sau đó, các hoa tiêu được đưa tới bay hành quân chung với các phi hành đoàn của các Phi Đoàn Không Vận Chiến Thuật (Tactical Airlift Squadron) 459, 535 và 537 của KQHK để lấy kinh nghiệm và chuẩn bị tiếp nhận phi cơ.

Phi đoàn C-7A đầu tiên của KQVN là Phi Đoàn 427 “Thần Long”, được thành lập tại căn cứ không quân Phù Cát vào tháng 3/1972. Phi đoàn trưởng: Trung tá Phạm Văn Cần.

Tháng 7/1972, phi đoàn C-7A thứ hai được thành lập, cũng tại Phù Cát, Phi Đoàn 429 “Sơn Long”. Phi đoàn trưởng: Trung tá Cung Thăng An.

Tháng 9/1972, Phi Đoàn 427 di chuyển ra Đà Nẵng, và tại Phù Cát phi đoàn C-7A thứ ba và cũng là phi đoàn cuối cùng được thành lập, Phi Đoàn 431 “Phương Long”. Phi đoàn trưởng: Trung tá Nguyễn Viết Xương.

Sang đầu năm 1973, hai Phi Đoàn 429 và 431 về đồn trú tại Tân Sơn Nhất.

Ba Phi Đoàn C-7 Caribou của Không Lực VNCH được gọi là các “Phi Đoàn Không Vận Chiến Thuật”, từ danh xưng tiếng Anh “Tactical Airlift Squadron”, vì khả năng đặc biệt, tính cách đắc dụng của loại phi cơ này trong việc chuyển quân, tiếp tế cho binh sĩ và dân chúng ở những vùng xa xôi hẻo lánh, địa thế hiểm trở.

Rất tiếc, tới giữa năm 1974, do việc viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa bị Quốc Hội Hoa Kỳ cắt giảm tới mức tối đa, vì thiếu phụ tùng thay thế cũng như để tiết kiệm nhiên liệu, KQVN đã phải cho đình động 224 phi cơ sử dụng động cơ nổ (piston), trong số đó có tới 52 chiếc C-7A Caribou. Từ đây, ngành vận tải của Không Lực VNCH lệ thuộc phần lớn vào các phi cơ C-130 Hercules.

4- Vận tải cơ C-130A Hercules

C-130 Hercules là loại vận tải cơ lớn nhất và hiện đại nhất của Không Lực VNCH. Đây cũng là một trong ba loại phi cơ sau cùng của dự án Tăng Cường Thêm (Enhance Plus), được phía Hoa Kỳ chuyển giao cho KQVN sau ngày 10/11/1972 trên căn bản “một đổi một” theo điều khoản của Hiệp Định Paris.

C-130 thuộc loại cất cánh và đáp phi đạo ngắn (STOL), do hãng Lockheed chế tạo, ban đầu chỉ với mục đích quân sự. Có thể nói sau C-47 Skytrain (tức Dakota), C-130 là loại vận tải quân sự phổ biến nhất trên thế giới từ trước tới nay, được sử dụng trong 55 không lực. Ngoài ra, sau này các hãng hàng không dân sự cũng sử dụng C-130 (kiểu dân sự có phiên hiệu L-100).

Được trang bị 4 động cơ bán phản lực (turboprop hay propjet), phi cơ có vận tốc tối đa 578kmh (370mph), trọng tải 20.412kg; nếu chỉ chở phân nửa trọng tải, tầm hoạt động (không cần bình xăng phụ) lên tới 5.954km.

Trên giấy tờ, phi cơ có khả năng vận chuyển tối đa 150 binh sĩ, nhưng trên thực tế, vào những ngày cuối cùng của miền Nam, có những chiếc C-130 của KQVN di tản binh sĩ và đồng bào từ Vùng 1 về Sài Gòn chở tới 350 người!

Chiếc C-130 đầu tiên bay thử vào tháng 8/1954, và tới tháng 4/1955, kiểu đầu tiên là C-130A được chế tạo hàng loạt. Từ đó, C-130 được cải tiến liên tục và được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ khác nhau: chuyển vận (C-130A, B, E), tiếp tế nhiên liệu trên không (KC-130F), vận tải võ trang (AC-130E), tuần thám & theo dõi thời tiết (WC-130B, E), cấp cứu (HC-130P), v.v... Không Quân Hoàng Gia Anh và Úc-đại-lợi sử dụng một loại C-130 riêng.


C-130A Hercules

Với những đặc điểm của loại phi cơ STOL, C-130 là phi cơ vận tải lý tưởng để sử dụng tại các vùng chưa mở mang, kém phát triển, vì thế những đơn vị C-130 đầu tiên của Hoa Kỳ đã được đưa sang vùng Đông Nam Á, đặt căn cứ tại Nhật Bản và Phi-luật-tân. Những chiếc C-130 đầu tiên đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào năm 1963.

Sau Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 (Easter Invasion), các cố vấn KQHK và MACV lại có thêm lý do để thỉnh cầu Bộ Quốc Phòng và Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Hoa Kỳ chấp thuận tăng cường trang bị các chiến cụ, trang bị tối tân cho Không Lực VNCH. Một trong những thỉnh cầu đó là chuyển giao vận tải cơ C-130 cho KQVN.

Thoạt tiên, thỉnh cầu này đã bị Bộ trưởng Quốc Phòng và Tổng tham mưu trưởng Quân Đội bác bỏ ngay, viện các lý do sau đây: (1) nếu chuyển giao C-130 thì sẽ tốn thời giờ xuyên huấn các hoa tiêu VN, (2) việc bảo trì, sửa chữa C-130 với các động cơ bán phản lực (turboprop) vượt quá khả năng của các chuyên viên VN, và (3) chính Quân Đội Hoa Kỳ cũng còn chưa có đủ (theo cấp số) loại vận tải cơ đắc dụng này.

Tuy nhiên MACV, qua kinh nghiệm trong quá khứ, đã gửi bản sao của thỉnh cầu nói trên tới nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có cả Bộ Ngoại Giao và Tòa Bạch Ốc. Lúc đó cũng là thời gian Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henri Kissinger đang thương thảo với Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu về các thỏa thuận ngưng bắn giữa bốn phe; muốn thuyết phục ông Thiệu chấp nhận ngưng bắn thì trước hết chính phủ của Tổng thống Nixon phải chấp thuận các đòi hỏi của ông Thiệu, cũng là của MACV, trong việc tăng cường vũ khí, đạn dược và tiếp liệu để QLVNCH có thể chống trả với một cuộc xâm lược khác của CSBV trong tương lai. Vì thế, chính Bộ Ngoại Giao đã đề nghị lên Tòa Bạch Ốc và nơi đây đã ra chỉ thị chuyển giao ngay C-130 cho KQVN, trong lúc Bộ Quốc Phòng và Bộ TTM Quân Đội Hoa Kỳ còn đang... cứu xét!

Để rút ngắn thời gian xuyên huấn hoa tiêu cho các phi đoàn C-130, một số hoa tiêu vận tải kinh nghiệm đã được cấp tốc gửi sang Hoa Kỳ, không chỉ để xuyên huấn trên C-130 mà còn được đào tạo thành các huấn luyện viên. Khóa đầu tiên kết thúc vào tháng 12/1972 và các hoa tiêu huấn luyện viên đã trở về VN để bắt tay vào việc đào tạo hoa tiêu C-130 ngay trong nước.

Cũng trong tháng 12/1972, ba Phi Đoàn Vận Tải 421, 423, 425 bị giải thể, các vận tải cơ C-123 được trả lại cho Hoa Kỳ. Đầu tháng 1/1973, hai phi đoàn C-130 là Phi Đoàn 435, Phi đoàn trưởng: Trung tá Lâm Văn Phiếu, và Phi Đoàn 437, Phi đoàn trưởng: Trung tá Mạc Mạnh Cầu, được thành lập tại Tân Sơn Nhất, mỗi phi đoàn trang bị 16 phi cơ.

Việc ba phi đoàn 421, 423 và 425 bị giải thể, về hình thức là để thực thi thỏa thuận về thời hạn chấm dứt mọi viện trợ trang cụ, vũ khí cho các phe tại VN (ngày 10/11/1972): sau ngày này sẽ chỉ được viện trợ thay thế (một đổi một), vì thế KQVN phải trả lại 37 chiếc C-123 để đổi lấy 32 chiếc C-130. Tuy nhiên, theo báo cáo của các cố vấn KQHK, vì tình trạng luôn luôn thiếu hụt hoa tiêu vận tải trong Không Lực VNCH, nếu không giải thể ba phi đoàn C-123 thì cũng không thể tìm đâu ra hoa tiêu để thành lập hai phi đoàn C-130!

Nhiệm vụ chính của các C-130 là chuyển vận binh sĩ và tiếp liệu từ Sài Gòn ra Vùng 1 Chiến Thuật. C-130 còn được dùng để thả dù tiếp tế cho các tiền đồn, và tới năm 1974 còn được sử dụng để... oanh tạc!

Mùa hè 1974, khi các phi vụ yểm trợ của KQHK không còn nữa, và trước tình trạng thiếu hụt bom đạn, các C-130 của Không Lực VNCH đã được sử dụng để thả bom “napalm tự chế” là những thùng phuy 200 lít chứa dầu phế thải và ngòi dẫn hỏa; mỗi phi cơ có khả năng mang 96 thùng, và được thả một lượt vào địa điểm tập trung quân của địch. Từ tháng 11/1974, C-130 còn lãnh thêm nhiệm vụ thả những trái bom CBU khổng lồ nặng 15.000 lbs (gần 7 tấn) được gọi là “Daisy Cutter”, có khả năng hủy diệt một vùng rộng lớn. Bên cạnh đó, C-130 đã góp phần quan trọng vào việc di tản binh sĩ và đồng bào từ Vùng 1, Vùng 2 về Sài Gòn trong các đợt tấn công của CSBV, và nhất là cuộc di tản của Sư Đoàn 6 Không Quân (Pleiku) vào tháng 3/1975 sau khi Ban-mê-thuột bị thất thủ.

Nói chung, C-130 đã tỏ ra rất hữu hiệu và đáp ứng được nhu cầu vận chuyển binh sĩ và tiếp tế sau khi KQHK đã rút đi. Các hoa tiêu C-130 của Việt Nam còn khiến phía Hoa Kỳ ngạc nhiên, thán phục về tỷ lệ tai nạn rất thấp, hầu như không có. Tuy nhiên, vì những chiếc C-130 trao cho KQVN là loại cũ nhất (C-130A), có những chiếc đã 17 tuổi, lại thiếu cơ phận thay thế cho nên càng về sau, tỷ lệ phi cơ khả dụng càng giảm. Tính tới tháng 4/1975, chỉ có 2 trong tổng số 32 phi cơ C-130 của Không Lực VNCH bị hỏa lực phòng không của địch bắn hạ, nhưng vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đã phải bỏ lại tới 14 chiếc bất khiển dụng vì thiếu cơ phận thay thế.

[Sau này, CSVN đã cố gắng sửa chữa và bay được ba chiếc, tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn cũng lại bị nằm ụ. Nghe nói sau đó họ đã lén bán những phi cơ phế thải này cho Iran để tháo gỡ lấy phụ tùng. Iran ngày còn là Vương quốc Ba-tư đã mua của Hoa Kỳ nhiều loại vũ khí, trang bị tối tân, trong đó có C-130 và F-5. Sau khi các thành phần Hồi giáo cực đoan đảo chánh nhà vua, Iran trở thành “đại địch” của Hoa Kỳ].

* * *

Về mặt tổ chức, trong giai đoạn cuối cùng, các Phi Đoàn trong ngành Vận Tải & Vận Tải Võ Trang và Không Thám được phân bố như sau:

- SĐ5KQ (Tân Sơn Nhất):

* Không Đoàn 33 Chiến thuật. Không đoàn trưởng: Đại tá Bùi Đức Mỹ, gồm phi đoàn 314 VIP (Phi đoàn trưởng: Trung tá Đặng Ngọc Hiển), hai phi đoàn C-7A 429, 431, ba phi đoàn trắc giác & không thám 716 Hoàng Long (Phi đoàn trưởng: ?), 718 Thiên Long (Phi đoàn trưởng: Trung tá Nguyễn Hữu Bách), 720 Hải Long (Phi đoàn trưởng: Trung tá Phạm Bích).

* Không Đoàn 53 Chiến thuật. Không đoàn trưởng: Đại tá Huỳnh Văn Hiến, gồm hai phi đoàn C-130 435, 437 và hai phi đoàn vận tải võ trang 819 Hắc Long (Phi đoàn trưởng: (1) Thiếu tá Đặng Văn Đức, (2) Trung tá Nguyễn Văn Hồng), 821 Tinh Long (Phi đoàn trưởng: Trung tá Hoàng Nuôi).

- SĐ1KQ (Đà Nẵng):

* Không Đoàn 41 Chiến Thuật: Phi Đoàn C-7A 427, một biệt đội vận tải võ trang của Phi Đoàn 821, một biệt đội không thám của Phi Đoàn 718.

- SĐ2KQ (Nha Trang):

* Không Đoàn 62 Chiến Thuật: Phi Đoàn vận tải võ trang 817 Hỏa Long. (Phi đoàn trưởng: Trung tá Huỳnh Quang Tòng).

III- Thành Tích

Trong 20 năm tồn tại, ngành Vận Tải trong Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đã góp biết bao công sức vào cuộc chiến bảo vệ lý tưởng Tự Do của quân dân miền Nam. Điều đó có lẽ khỏi cần chứng minh; ở đây chúng tôi chỉ liệt kê một số “thành tích đặc biệt”, ít người biết tới.

1- Cứu nguy & Phát triển Hàng Không Việt Nam:

Khi được thành lập vào ngày 15/10/1951, hãng Hàng Không Việt Nam (Air Vietnam) chỉ là một chi nhánh của Air France (Hàng Không Pháp Quốc), cho nên cũng là một điều dễ hiểu khi toàn bộ phi công và nhân viên kỹ thuật của HKVN đều là người Pháp; hơn nữa, vào thời gian này, VN chưa có phi công vận tải.

Sau khi Việt Nam được trao trả độc lập, HKVN trở thành một công ty quốc doanh, với 93% số vốn là của chính phủ VNCH, tuy nhiên các phi công dân sự vẫn là người Pháp, làm việc theo hợp đồng từng năm.

Tháng 8/1959, phi công Pháp đòi tăng lương trước khi ký hợp đồng mới. Vì công ty đang bị lỗ lã và Ban Quản Trị HKVN cũng đang có ý định sẽ mướn phi công Đài-loan hoặc Nam Hàn với số lương rẻ hơn rất nhiều, yêu sách của các phi công Pháp đã bị bác bỏ, nghĩa là HKVN sẽ không ký hợp đồng mới.

Thời gian này, quan hệ giữa VNCH và Pháp đã khá căng thẳng sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm chấm dứt hợp đồng huấn luyện cho KQVN do người Pháp đảm trách vào năm 1956. Sẵn tình trạng lạnh nhạt giữa hai nước, nay lại thêm việc bị chấm dứt hợp đồng, các phi công dân sự Pháp đã tìm cách “phá” HKVN, khiến hầu như toàn bộ hoạt động bị tê liệt.

Một trong những “mánh” phá của các phi công Pháp là cho nổ bánh phi cơ. Vào một ngày cuối tháng 8/1959, họ hẹn nhau “lock” bánh hoặc đạp thắng gấp trong lúc đáp, khiến vô số bánh bị nổ. Không có sẵn phụ tùng thay thế hàng loạt, nhiều phi cơ đã bị “đình động” trong lúc chờ hàng tiếp liệu mới.

Trước sự việc bất ngờ này, TT Ngô Đình Diệm đã phải triệu tập một buổi họp liên bộ để tìm giải pháp khẩn cấp. Kết quả, KQVN được yêu cầu cung cấp ngay các phi hành đoàn vận tải để tạm thời thay thế các nhân viên Pháp.

Không ngờ các phi công VN lại được hành khách hết lời khen ngợi (họ đâu có biết các vị trưởng phi cơ này đều xuất thân từ Avord, trường vận tải số 1 của Pháp, và đều có ít nhất 5.000 giờ bay)!

Thế là thay vì chỉ “tạm thời”, Ban Quản Trị HKVN đã xin Bộ Quốc Phòng cho các phi công của KQVN biệt phái dài hạn, và Bộ đã chấp thuận 5 phi hành đoàn. Cũng cần viết thêm: để cho công bằng cũng như để duy trì khả năng hành quân, các phi công được thay phiên nhau biệt phái, đồng thời vẫn lãnh “lương quân đội”, còn số tiền sai biệt thặng dư trong “lương phi công dân sự” thì được sung vào Quỹ Xã Hội Không Quân.

Khả năng chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ (và lòng ái quốc) của các phi hành đoàn vận tải của KQVN đã góp phần lớn vào việc chấn chỉnh lại hoạt động, thanh toán nợ nần của HKVN, giúp cho công ty phát triển, mướn hoặc mua thêm phi cơ, mở thêm các đường bay ra ngoại quốc.

Sau này, khi HKVN được hiện đại hóa với các phi cơ phản lực như Caravelle của Pháp, Boeing 727, 707 của Mỹ, tất cả các phi công được gửi đi xuyên huấn để về lái các loại phản lực này đều là người của KQVN. Trước sau, HKVN đã chỉ tuyển thêm 19 phi công dân sự để gửi đi học lái hai loại phi cơ cánh quạt DC-3 và DC-4 tại Pháp và Thái-lan.

2- Bay không ghi giờ:

Đầu năm 1970, Tướng Lon Nol, Thủ tướng Căm-bốt, một người có lập trường chống cộng quyết liệt, đã lợi dụng thời gian Hoàng thân Sihanouk, Quốc trưởng Căm-bốt, công du Trung Cộng, để tổ chức đảo chánh.

Ngày ấy, nhiều người trong số đó có cả Sihanouk, cho rằng ông Lon Nol bị Hoa Kỳ giật dây, và được CIA hỗ trợ. Nhưng sau này các sử gia quốc tế đã minh oan cho cả Hoa Kỳ lẫn ông Lon Nol: vị Thủ tướng tổ chức đảo chánh chỉ vì ông là một người chống cộng, không chấp nhận việc Sihanouk để cộng sản Bắc Việt sử dụng lãnh thổ Căm-bốt như một hậu cứ an toàn trong cuộc xâm lược miền nam Việt Nam; thậm chí Căm-bốt còn xây dựng hải cảng Sihanoukville ở Vịnh Thái-lan làm cửa ngõ tiếp vận cho đạo quân xâm lược.

[Hoàng thân Norodom Sihanouk (1922-2012) làm vua Căm-bốt từ năm 1941 tới 1955. Sau khi Pháp trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương, Norodom Sihanouk bị ép thoái vị và trở thành Quốc trưởng (tương tự Quốc trưởng Bảo Đại ở Việt Nam). Năm 1993, sau khi bộ đội CSVN rút khỏi Căm-bốt, Sihanouk trở về nước, lại lên làm vua cho tới khi phải thoái vị lần thứ hai vào năm 2004]

Vì không được – viết một cách chính xác là “chưa được” – Hoa Kỳ trực tiếp yểm trợ, Tướng Lon Nol chỉ biết cầu cứu Việt Nam Cộng Hòa. Kết quả, năm phi hành đoàn C-47 và C-119 của Không Lực VNCH đã tình nguyện chuyên chở vũ khí, quân trang quân dụng sang Căm-bốt giúp phe đảo chánh. Vì đây là một công tác bí mật, phi hành đoàn đều là người biết nói tiếng Pháp, có người biết cả tiếng Miên, để tự “mưu sinh” trong trường hợp gặp bất trắc; bởi sẽ không có bất cứ sự can thiệp nào về mặt ngoại giao; vì thế, cũng không có dấu vết gì trong sổ phi lệnh, không ghi lại giờ bay trong sổ bay cá nhân, không được liên lạc với bạn bè...

Sau khi cuộc đảo chánh thành công, Tướng Lon Nol ổn định tình hình, các phi vụ chuyển vận tiếp tế cho tân chính phủ Căm-bốt mới được công khai và trở nên thường xuyên.

3- Hành Quân Vượt Biên 1970:

Trong cuộc hành quân đại quy mô tiến đánh lực lượng chính quy của CSBV trên lãnh thổ Căm-bốt, hai Phi Đoàn vận tải 413 và 415 được trao trách nhiệm vận chuyển Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù từ Tân Sơn Nhất tới Kompong Cham nội trong một đêm. Vì nơi đây chỉ có một phi trường dã chiến, không có đèn phi đạo, không có đài kiểm soát không lưu, cho nên một toán kiểm soát không lưu của KQVN đã phải tháp tùng chiếc phi cơ đầu tiên đáp xuống phi trường, thiết lập hệ thống “đèn dầu dã chiến” dọc phi đạo.

Trước khi trời sáng, các vận tải cơ C-47 và C-119 đã hoàn tất việc vận chuyển nguyên Lữ Ðoàn 1 Nhẩy Dù cùng với trên 900 tấn vũ khí, tiếp liệu; toán kiểm soát không lưu lên chuyến phi cơ cuối cùng trở về Tân Sơn Nhất.

4- Tổn thất:

Thật là một điều đáng tiếc khi chúng tôi không tìm được bất cứ tài liệu nào, của Việt Nam Cộng Hòa cũng như Hoa Kỳ, ghi lại một chính xác, đầy đủ về tổn thất phi cơ cũng như hy sinh xương máu của ngành Vận Tải nói riêng, Không Lực VNCH nói chung.

Vì thế, chúng tôi chỉ biết dựa trên ký ức của một số niên trưởng và chiếu hữu từng phục vụ trong ngành Vận Tải của Không Lực VNCH, để ghi ra những tổn thất sau đây:

- Năm 1961 (không nhớ rõ ngày tháng) một chiếc C-47 “Cò Trắng” thả biệt kích bị mất tích trên không phận Bắc Việt. Hai hoa tiêu Trần Văn Hội & Lê Chí Nguyện, điều hành viên Nguyễn Đăng Lợi và toàn bộ phi hành đoàn được ghi nhận mất tích.

- Ngày 1/7/1961: chiếc C-47 “Cò Trắng” do Trung úy Phan Thanh Vân làm trưởng phi cơ kiêm hoa tiêu chánh, đã phát hỏa và rớt ở Ninh Bình. Trong tổng số 7 người của phi hành đoàn và 3 biệt kích quân, chỉ có Trung úy Phan Thanh Vân, cơ khí viên, và một biệt kích quân sống sót.

- Giữa thập niên 1960, một C-123 của Biệt Đoàn 83 trong khi bay đêm thực tập thả biệt kích tại núi Sơn Chà gần Đà Nẵng đã bị tai nạn; toàn bộ phi hành đoàn, trong đó có một cố vấn Hoa Kỳ, tử nạn.

- Mùa Hè Đỏ Lửa 1972: ba chiếc C-123K trong lúc thi hành các phi vụ tiếp tế cho chiến trường An Lộc đã bị bắn hạ. Chi tiết được ghi nhận như sau:
(1) Một C-123K của Phi đoàn 425 bị bắn hạ ngày 15-4-1972; Trung úy Phạm Văn Công (Trưởng phi cơ) và toàn bộ phi hành đoàn hy sinh.

(2) Một C-123K cũng của Phi đoàn 425, do Thiếu tá Nguyễn Thế Thân, Phi đoàn trưởng, đích thân làm Trưởng phi cơ, bị bắn hạ ngày 19-4-1972. Vị Thiếu tá Phi đoàn trưởng cùng toàn bộ phi hành đoàn hy sinh.

(3) Không rõ chi tiết.

- Ngoài ra, một C-123K khác bị bắn hạ tại Vùng 1 Chiến Thuật; toàn bộ phi hành đoàn hy sinh (không rõ ngày tháng).

- Theo Robert C Mikesh, tác giả cuốn Flying Dragons, đã có 2 chiếc C-130 của Không Lực VNCH bị hỏa lực phòng không của địch bắn hạ, tuy nhiên tác giả đã không cho biết chi tiết về ngày giờ, nơi chốn cũng như số phận các phi hành đoàn.

- Về tổn thất không do hỏa lực địch: một C-123K bị rớt khi xuyên mây ở Nha Trang, toàn bộ phi hành đoàn tử nạn; một C-119 vừa cất cánh xong thì bị trục trặc kỹ thuật, quay trở lại đáp khẩn cấp, gây tử thương cho một số nhân viên trong phi hành đoàn.

[Trên đây chỉ là tổn thất của các Phi Đoàn Vận Tải, còn tổn thất của các Phi Đoàn Vận Tải Võ Trang và Không Thám sẽ được nhắc tới trong phần hai của loạt bài, viết về ngành Vận Tải Võ Trang & Không Thám]

NGUYỄN HỮU THIỆN
Melbourne, tháng 7-2015

(Trích Đặc san Lý Tưởng - Úc Châu, số kỷ niệm Ngày Không Lực 1/7/2015)

* * *

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quân Sử Không Quân VNCH (Liên Hội Ái Hữu Không Quân - Úc Châu, 2005)
- South Vietnamese Air Force, Jim Mesko
- Flying Dragons, Robert C Mikesh
- Hồi ký, ký ức của các Niên trưởng, các cấp chỉ huy, các chiến hữu KQ: Phạm Ngọc Sang, Nguyễn Quang Tri, Phan Thanh Vân, Nguyễn Phúc Tửng, Nguyễn Long Nhan, Trần Phước Hội, Nguyễn Uông, H.T.C., Trần Đình Hòe, Phạm Văn Cần, Nguyễn Quý Chấn, Võ Phước Cương, Phạm Hi Oánh, Nguyễn Việt Quốc, Nguyễn Yến Thông...
- Tài liệu do các sưu tầm viên Đinh Trọng Vũ, Phạm Anh Tài cung cấp.