7
Rằm


Sau đúng một ngày đêm đi bè, Ðường, Dzũng và Biên, cùng hai con trai ông Trương Hồng, chủ tàu, bị trận bão thổi dạt về lại chỗ xác tàu MT-603. Anh Lý giải thích cho biết ở những khu san hô luồng nước xoáy thường hay chảy vòng chung quanh trũng biển cạn. Khi cơn giông tạnh, cả năm chỉ còn cách xác tàu không xa, nơi đằng mũi tàu chứ không phải phía sau chân vịt như khi họ xuất phát. Vĩnh, Thành, Công và Hoàng lội ra kéo họ vào. Xác chiếc tàu đăng ký MT-603 tàn tạ hơn lúc họ đóng bè ra đi. Tầng đàn bà bị sập đã bị bọn thủy thủ phá gỡ. Anh Thành cho biết đêm trước tầng này đã sập thêm một lần nữa, làm chết thêm chín người. Bây giờ xác tàu chỉ còn hai phần: khoang trước và khoang sau với cabine và một tầng hầm lõng bõng dầu ma-zút. Chiếc thuyền tân trang sáu “lốc”, ba tầng gỗ mà ông Trương Hồng hãnh diện vì bảo đảm nhất vùng Bốn tan nát sau mười ba ngày rời Mỹ Tho. Anh Vĩnh cũng kể thêm cho Ðường và Dzũng biết hai vụ ẩu đả có tuôn huyết xảy ra giữa nhóm thủy thủ của ông Hỏa với nhóm Hoa kiều “dấn thân” giành nước uống và thực phẩm. Thành và Vĩnh đã không cản những bạn trẻ lúc họ đóng bè ra đi, nhìn hai người sinh viên có đôi chút khâm phục pha lẫn thương lại.

“Tụi mày chì quá, nhưng liều mạng chưa đủ “ăn” đâu bây.”

“Ở đây còn nước còn tát, tụi mày đi bè chết mất xác không ai hay!”

Ðường và Dzũng sau khi trả lời một số câu hỏi của những người tò mò và của cả anh Lý hỏi xem họ đã khởi hành về hướng nào, trèo lên boong thượng nằm nghỉ. Ðường mất hết sinh lực, nhai tạm bợ vốc cơm sượng Công và Hoàng nấu trong lon gui-gô pha nước biển rồi thiếp đi. Vị cơm không chín đều vừa mằn mặn vừa tanh rong. Dzũng cũng ngất đi bên Ðường, chỉ còn Biên cố nhai “cơm biển”. Hai anh em Trương Ðắc đã chui lại vào cabine chỗ gia đình chủ tàu. Thổi cơm, Hoàng và Công không dám chan nhiều nước biển nên bã gạo sống nhăn và hăng hăng mùi dầu ma-zút. Công nấu thêm vài nhành rong biển trong lon nước mưa làm canh và cố nuốt. Biên đoán anh Hoàng đã moi trong bao gạo rớt dưới hầm dầu mà nó trông thấy hôm đầu tiên. Biên nhấp nhấp chút nước mưa của anh Thành, nghe loáng thoáng tiếng xì xầm của ông Hỏa nghi ngờ về sự mất tích của can nước 10 lít ông Trương Hồng giao cho họ đi bè.

“Bày đặt đi bè để kiếm nước uống chứ tìm tàu vớt con mẹ gì!

“Mới đi một ngày đã về, uống hết mẹ nước ngọt!

“Ð.M.. Sao cha ngon không đi bè đi? Tiếng anh Hoàng vọng lên thách thức.

“Lụ.. mẹ, ai nói chuyện với mày?”

Thằng Úng đứng sau ông Hỏa quát. Nó hươi hươi cây búa dùng đập san hô.

“Ngon ra đây tao “lập” chết cái con “lĩ” mẹ mày!”

Thằng Úng huơ huơ cây búa trên tay, anh Hoàng với nó nhìn nhau trừng trừng. Anh Thành, Vĩnh và Công cũng đứng lên thủ thế. Gần mười thằng thủy thủ đàn em ông Hỏa đứng dàn trận trên boong. Anh Lý và chị Mười, vợ bé ông Trương Hồng phải can đôi bên ra mới êm chuyện. Hoàng về chỗ thằng Biên lẩm bẩm chửi thề, nói lên bờ sẽ biết tay nhau. Ðây không ngán mấy thằng Tàu! Hoàng nhổ nước miếng xuống biển. Lần đầu tiên thằng Biên có ý nghĩ du đãng là phải “đục” tụi thủy thủ, nó chỉ ngạc nhiên tại sao phải lên bờ mới “biết tay nhau”. Mây chiều chạng vạng trên những oan hồn vật vờ giữa biển. Ðường hé mắt nhìn cảnh tượng, anh cảm giác đang là một bức tranh vẽ sinh linh dưới âm ty. Ðám thuyền nhân im lìm nhìn mây ngả màu tím lím báo hiệu sắp phải qua thêm một đêm trên xác tàu mắc cạn. Thằng Biên nghĩ tới chuyến đi bè đêm qua, nghĩ đến lục địa Úc châu xa vời mà vĩnh viễn nó sẽ không bao giờ đặt chân tới. Biên nghĩ tới mẹ nó ở Sài Gòn đợi điện tín, chị nó trông ngóng em... rồi Biên âm thầm nghĩ đến cô bạn học nhỏ thân thiết của nó đã đi vượt biên trước 1 tháng, có lẽ đến Mã Lai, mà Biên sẽ không bao giờ gặp lại. Biên nhớ nó đã nghĩ lớn lên sẽ lấy cô bạn học của mình và tin chắc là cô bạn ưng chịu... Lúc nghĩ đến Mỹ Tho với cồn nước lợ và tính nhẩm số ngày bị “bón” từ hôm xuống tàu, Biên gục thiếp trên sàn bắt đầu soi ánh trăng.

Ba ngày kế tiếp sau khi Ðường đi bè về, tình trạng trên tàu MT-603 càng thê thảm. Cảnh đẩy tàu mỗi sáng tái diễn, vô vọng không kết quả. Khi chiếc phao cầu cứu cuối cùng được ném đi, ghi con số 362 người sống sót, mọi người nhìn theo thẫn thờ cho đến khi cái phao mất hút. Ðường đã mất hết tin tưởng, những chiếc phao cầu cứu này chắc chỉ quanh quẩn lởn vởn trong vùng nước xoáy của dải san hô dài rộng mênh mông này. Không một bóng tàu, một bóng phi cơ bay qua từ hôm mắc cạn. Không ai lai vãng qua vùng biển đầy đá ngầm nguy hiểm. Chỉ thằng tài công ngu mới đâm đầu vào! Như anh Vĩnh vẫn còn văng tục mỗi khi nhắc lại. Ðám thuyền nhân hóa dần thành lũ ma đói mỗi ngày chờ nước rút xuống mắt cá chân là khều gỡ, nạy đục trên các mỏm san hô những con hàu, chem chép còn bám, hay bắt còng biển và uống những trận mưa rưới bất chợt xuống đầu. Vùng san hô gần như một vùng biển chết, hoàn toàn không có tôm, cua, cá. Biên và hai đứa bạn, Phương, Tuân vớt được con sao biển cùng ít rong. Chúng nó cho vào lon gô đun với nước mưa làm món súp hải sản đầu tiên từ khi rời Việt Nam. Nhưng con sao biển sau khi “qua đời” trở nên cứng ngắc không cách gì nhai được.

Biến cố đến với đám thuyền nhân khi anh Lý quyết định đóng bè ra đi. Anh Lý ghép 4 miếng ván tàu lại với nhau, chằng những thùng phuy rỗng chung quanh như Ðường đã làm và đem theo lá cờ S.O.S.

“Tôi hứa kiếm được tàu vớt sẽ trở lại cứu tất cả mọi người. Anh muốn theo tôi thì theo...”

Trong nhóm người tuyệt vọng, nhiều thanh niên đi theo anh Lý. Vợ chồng anh Lý cùng hai con nhỏ và bảy người khác kết cái bè ra đi buổi trưa, theo hướng Bắc về hướng Hồng Kông. Ðến chiều, thêm hai nhóm người khác đi bè. Một nhóm người Hoa giữ của và nhóm của bọn thủy thủ cùng gia đình ông Hỏa, em rể ông Trương Hồng. Ðám hung thần tịch thâu cái xuồng phao của bọn Ðường, ráp thêm vài tấm ván thuyền nữa rồi ông Hỏa chất 6 đứa con dưới 10 tuổi lên ra khơi. Bầy thủy thủ mang phao làm bằng ruột xe bơi chung quanh hộ tống. Người ông Hỏa phồng lên vì đô-la phình dưới lớp áo phao, trong lúc vợ con trên bè khẳm xuống vì sức nặng của túi vàng.

“Vàng gia đình mình đóng đó Ðường.” Dzũng thì thầm.

“Cha Hỏa mà được tàu vớt là “dzoọt” luôn, đếch trở lại bây ơi!”

Anh Vĩnh rầu rĩ nhìn những phao bánh xe, can nhựa cuối cùng biến mất. Bây giờ ai có muốn đóng bè cũng không còn phương tiện. Ðường đứng cạnh anh Vĩnh bị giằng co bởi ý nghĩ can ngăn những người liều mạng đang xa dần. Tổng cộng ba mươi người bỏ đi, chỉ còn vài tên thủy thủ ở lại với gia đình ông Trương Hồng. Nắng chết dần trên mặt biển, chân trời mỗi lúc một thấp xuống. Ði bè chín phần mười là chết, chỉ mỗi mình Ðường và Dzũng ý thức điều ấy.

Ðêm rằm rét căm căm, bọn người chọn ở lại “còn nước còn tát” hì hục đẩy tàu. Ngày rằm, trăng tròn mịn, sáng trưng cả gầm trời. Theo sức hút của trăng, nước ròng lên cao. Trong một tháng chỉ có một ngày thủy triều dâng cao nhất, là ngày trăng rằm. Tài công suốt buổi sáng đã khẩn khoản năn nỉ mọi người đừng lên tàu đêm nay, cho tàu nhẹ, đợi nước dâng lườn tàu rồi hãy trèo lên. Mọi người đứng ngâm mình trong nước từ lúc chiều chạng vạng, vành môi tất cả thâm tím vì lạnh, tròng mắt chờ đợi phép lạ. Dưới ánh trăng lạnh toát, Ðường không còn phân biệt nổi nữa đâu là đàn ông, đâu là đàn bà, đâu là trẻ con, mọi người đều già như nhau, cùng nhăn nhúm da thịt và lở loét tay chân mặt mũi vì những vết cắt san hô. Những vết cắt mưng mủ xanh. Tiếng khóc của lũ trẻ bị ngâm nước quá lâu ré lên như ri, đến gần nửa khuya thì lịm tắt, những đứa bé ngủ gật hay ngất xỉu trong tay cha mẹ bồng bế đứng nước. Ðường nhận ra lần đầu tiên anh mới nghĩ đến đàn bà và trẻ em trên tàu. Suốt thời gian từ khi đụng san hô anh gần như không chú ý đến họ, chỉ lo cho riêng sinh mạng của mình và đứa em. Trong sống chết, con người trở nên ích kỷ. Ðường đã biết mà không ngờ chính anh cũng tàn nhẫn với đồng loại. Nước biển mỗi lúc một lạnh, làm tay chân anh run bần bật. Ðường cảm giác anh bị sốt trong lúc nước lên xuống ở khoảng bụng đẩy anh xiêu vẹo, nghiêng ngửa. Ðường nhớ đến lời hứa với mẹ lo cho thằng Biên ăn học, làm anh ngậm ngùi tiếc cho số vàng đã đóng. Cơ may đến được đất liền quá ít... Cơn sóng lớn bất thần vồ vập khiến Ðường ngã chúi.

Ðường ngã, kéo theo em và các bạn. Thằng Biên té vục mặt xuống nước mặn chát.Những trận sóng tiếp tục ùa tới. Mỗi lúc một mạnh. Ðứng lên, Biên cũng có ý nghĩ sắp chết, nó chỉ thương nhà đợi tin và tức vì chết khi chưa kịp gửi một đồng bạc về cho mẹ. Dzũng cũng lóp ngóp bên anh em Ðường, sặc sụa vì uống nước. Dzũng vuốt mặt mình đầm đìa nước biển, nhớ người yêu tên Trình còn ở Sài Gòn. Nhớ thương của Dzũng vữa nhanh theo lớp sóng sầm sập ập tới.

“Nước ròng lên rồi!”

“Ðẩy tàu, đẩy tàu... Nước ròng lên!”

Mặt biển vụt dậy sóng, nước ở đâu tràn vô vùng san hô lên nhanh từ bụng tới ngực. Bầy người đứng nước đem hết tàn lực chuyền vô xác tàu vẫn nằm nghiêng. Nước dâng cuồn cuộn bây giờ ngập đến cằm khiến mọi người chiến đấu cố cho khỏi bị chết chìm nhiều hơn là đẩy tàu. Những người có con cái kinh động trước sóng dữ đã trèo lên tàu. Cánh tay của Ðường và Dzũng cùng các bạn trơn tuột trên lườn chiếc MT-603. Họ níu nhau để khỏi bị cuốn trôi đi, đồng thời ráng đẩy tàu. Nhưng cánh đàn ông nhận ra ngay họ cũng phải trèo lên tàu nếu không muốn bị chết đuối, nước đã ngập quá đầu người. Thằng Biên leo được lên khoang trước, buông rũ xuống sàn khoang ngập lõng bõng nước biển và dầu, nó còn nhìn thấy sự thất vọng thất sắc tuyệt lộ trên gương mặt mấy trăm con người. Xác tàu vẫn nằm nghiêng không động đậy. Run lập cập tưởng có thể chết vì lạnh, thằng Biên ngã vật lên đám đàn bà con nít đang nhắm nghiền mắt không sinh khí. Chung quanh tiếng gió rít từng cơn của phong ba cuồn cuộn nổi sóng.

Những bà xẩm nằm chỗ thằng Biên đột ngột bị ném lăn lóc hết sang mạn tàu bên phải. Mọi người nghe tiếng ván kêu răng rắc và cảm thấy cả con tàu rung chuyển dữ dội. Chiếc MT-603 lắc lư không ngừng, nghiêng trái phải như một cái cân, nhồi lên xuống rồi bất thình lình thôi chòng chành quân bình trở lại trong cái thế tưởng đã mất hẳn từ ngày nó đâm vào san hô. Mấy trăm thân hình bàng hoàng thoát ra khỏi tư thế nghiêng 60 độ của xác tàu xiêu lệch, vụt nhận ra chiếc thuyền đã nổi trở lại trên mặt nước. Như có những bàn tay vô hình chống đỡ dưới lườn tàu, chiếc MT-603 đứng cân bằng không nhờ tới bất cứ bả vai, cánh tay nào nữa của bầy thuyền nhân bất hạnh giờ đây rúc hết lên thân tàu như một bầy gà con trong lòng mẹ.

“Cho máy chạy, tài công cho máy chạy!”

“Lùi ra, lùi ra... nhanh lên!”

Tiếng máy tàu hộc lên đánh thức tất cả mọi người choàng tỉnh, như ra khỏi cơn ác mộng nhốn nháo. Ðàn ông la hét và đàn bà đọc kinh, những bài kinh mừng Tạ ơn, kinh Phật vang rân xúc động. Nhưng chiếc tàu vẫn bị giữ chặt, không lùi được mặc dù đảo san hô đã chìm xuống, biến mất hoàn toàn dưới mặt nước đen. Sáu lốc tàu hộc lên, kêu rống trên biển lúc này trùng điệp sóng bám víu vào chân vịt. Mọi người linh cảm như sợi dây vô hình nối chiếc tàu với vùng san hô vẫn chưa đứt.

“Thanh niên nhảy xuống cho nhẹ tàu!”

Tài công kêu gọi thảm thiết từ buồng lái.

“Thanh niên xuống đi!” Những bà xẩm gào lên, thằng Biên trong số những thanh niên bị xô đẩy ra đến mạn thuyền. Biên vùng vẫy chống cự nhưng vẫn bị lôi nhấc lên thành gỗ. Ðám đàn bà tham sống trở nên hung dữ lạ thường, nhấc bổng những thanh thiếu niên và ném họ xuống biển.

“Nhảy xuống! Nhảy xuống tàu ra sẽ vớt lên!”

Trong tiếng quát la của tài công, thằng Biên còn trông thấy hai anh Thành, Vĩnh chống cự trong góc khoang rồi nó bị vất rơi nhào xuống biển ở mũi tàu.

Thằng Biên vừa hớt hải nổi lên trên mặt nước thì thân hình của anh Công đè lên nó. Cả hai co đạp khi chìm xuống, Biên nhờ chiếc áo phao lại nổi trở lên. Mặt biển lúc này xanh biếc, bình minh lên hồi nào thằng Biên không hay, chưa kịp định thần thì thân hình nó đã bị nước lôi từ đằng mũi ra sau tàu. Sóng trắng xóa từ chân vịt rùng rùng đánh tung hai bên mạn sườn chiếc MT-603. Mặt đại dương bừng sáng với thủy triều dâng cao làm thành những luồng nước mạnh cuốn trôi Biên và anh Công, cùng những thanh niên khác bị ném xuống cho nhẹ tàu lúc này đang trôi dạt ra xa. Thằng Biên bị sức hút không cưỡng lại được lôi về phía chân vịt đang xoáy tung. Nó ý thức khắc nguy hiểm, cuống cuồng chống đỡ bơi sải đạp bấu víu vào lườn tàu trơn tuột. Biên lấy mười đầu ngón tay nó cào rách mạn lườn tàu bằng gỗ mà không giữ nổi thân thể bị hút vào chân vịt quay tít. Sức mạnh sống còn giúp Biên chụp cứng lấy chân một thanh niên Hoa kiều vừa bấu vào được sợi dây thừng đằng lái.

““Puông” ngộ ra!!”

Gã thanh niên co rút chân đạp xối xả vào mặt thằng Biên đang trì kéo hắn. Biên biết buông ra là chết, nó bấu cứng lấy mắt cá chân gã Hoa kiều mặc những cú đạp dộng vào đầu, cho đến lúc cả hai được kéo lên. Chiếc MT-603 đã thoát ra được vũng sâu. Kinh hoàng còn nguyên trên nét mặt mọi người.

Biên nằm vật trên tàu, chỗ nó được lôi lên. Nó nôn sặc sụa vì uống nước biển nhiều. Biên mở mắt lờ đờ nhìn lên cảnh trời mây hừng sáng vần vũ gió, không chứng kiến được cảnh tài công phụ và những người khác vớt xác anh Công. Trong số 30 thanh niên bị bắt phải nhảy xuống cho nhẹ tàu, 14 bị nước cuốn trôi mất tích, 16 kể cả thằng Biên được vớt kịp, riêng Công khi kéo lên đã chết đuối. Biên ngửng lên trông thấy anh Ðường và anh Dzũng nằm bẹp trong góc. Quần đảo san hô đã biến mất hẳn, trả lại cho đại dương bây giờ lồng lộng gió. Trong khoang tàu chỉ còn tiếng chị Hương, vợ anh Công và những người đàn bà mất chồng khóc rấm rứt.

Ngày 21 tháng 6, gần một tháng sau khi rời Mỹ Tho, chiếc MT-603 được một quân vận hạm Phi Luật Tân kéo vào đảo Liminangcong. Khi điểm danh trên cầu tàu, còn 285 thuyền nhân trên tổng số 405./.


Trần Vũ
đánh máy lại và sửa chữa tháng 3-2015

http://baotreonline.com