Remember ?

Trang 4/19 đầuđầu ... 2345614 ... cuốicuối
kết quả từ 19 tới 24 trên 112

Tựa Đề: Hồi ký TÔI TÌM TỰ DO - Nguyễn Hữu Chí ( Hữu Nguyên )

  1. #19
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 18


    Một trong những nghệ thuật tuyên truyền quỷ mỵ và thâm hiểm nhất của chế độ cộng sản, là thêu dệt, nguỵ tạo những bằng chứng, để tạo ra ảo tưởng một tầng lớp một giai cấp hy sinh cho tầng lớp giai cấp khác trong xã hội. Kết quả, qua đường lối tuyên truyền này, những người cộng sản đã tạo nên một mối quan hệ thi đua hy sinh để sống xứng đáng với sự hy sinh của người khác dành cho mình.

    Bằng cớ cụ thể nhất, để cho bộ đội khi ra trận, chiến đấu thật điên cuồng, cộng sản đã nhồi nhét vào đầu họ những truyện, ở hậu phương Miền Bắc có những cô gái, quyết hy sinh mạng sống, dưới mưa bom bão đạn của máy bay Mỹ, để bảo đảm cho lương thực, vũ khí được chở ra tiền tuyến. Ngược lại, đối với những người dân, những đơn vị thanh niên xung phong ở Miền Bắc, cộng sản sẽ đầu độc họ bằng sự hy sinh vô bờ bến của người bộ đội tại Miền Nam. Những lời trăn trối, những lá thư tuyệt mệnh của bộ đội, được các văn nô, thi nô, thêu dệt theo đơn đặt hàng của cộng sản cũng có, mà sự thực của những bộ đội có bộ óc cuồng tín cũng có, đã là những liều “mật độc” thấm vào lục phủ ngũ tạng của thế hệ trẻ Miền Bắc, khiến họ dễ dàng trở thành những con thiêu thân, lao vào “hào quang” do CS nặn lên. Trong mối hy sinh hỗ tương giữa tiền tuyến với hậu phương, giữa công nhân với nông dân, giữa nữ giới với nam giới, giữa người già với người trẻ, giữa huyện A với huyện B, giữa tỉnh C với tỉnh D, vân vân và vân vân… CS đã quỷ quyệt vắt kiệt tất cả của cải, công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu của dân Miền Bắc.

    Một trong những “thần tượng” được cộng sản thêu dệt để bòn rút mồ hôi, trí tuệ của người dân, nhất là của thế hệ trẻ một cách hiệu quả nhất, là “thần tượng Hồ Chí Minh”. Để tạo cho mọi người dân hết lòng tin tưởng và thương yêu Hồ Chí Minh, chế độ cộng sản đã thêu dệt những câu chuyện đại loại như Hồ Chí Minh nhịn uống sữa mỗi buổi sáng để lấy sữa tặng cho trẻ thơ; nhịn mặc để lấy vải tặng các bà cụ già; thức đêm canh gác để cho bộ đội ngủ ngon… Sau này, chính Tố Hữu trong một bài thơ (tôi không nhớ tên) đã có câu, “sữa để em thơ, lụa tặng già” chính là để ca ngợi Hồ Chí Minh.

    Vì sống trong một xã hội, “muôn người như một”, cả nước chỉ nghe một chương trình phát thanh, đọc một tờ báo, hát chung một bài hát tuyên truyền, mặc cùng một loại vải, ăn cùng một loại cơm độn; và nếu còn ở tuổi đi học, khi tới trường, tất cả các trường học trên lãnh thổ Miền Bắc cùng một ngày, một giờ đều cùng giảng một bài luận văn, đọc cùng một bài thơ, với nội dung luận điệu y hệt như tờ báo, như đài phát thanh,… nên tuổi trẻ VN ở Miền Bắc dễ dàng chìm đắm trong tình cảm “kính yêu” Hồ Chí Minh, mà không hề biết chân tướng đầy qủy mỵ cùng những thủ đoạn tàn độc của ông ta.

    Truyện xưa, Tăng Sâm một người nổi tiếng là hiền hậu, sống với mẹ từ bé đến lớn, vậy mà chỉ 3 lần nghe 3 người khác nhau nói “Tăng Sâm giết người”, khiến người mẹ phải hoảng hốt bỏ trốn, thì đủ hiểu, sức mạnh của tuyên truyền ghê gớm đến thế nào. Người cộng sản VN hiểu rõ được sức mạnh đó, nên chúng đã dùng tuyên truyền để nhào nặn con người. Hậu quả, tôi có thể nói, sống trong xã hội cộng sản thời đó, dân chúng cả Miền Bắc sống trong dối trá. Trẻ ngây thơ thì sống trong ảo tưởng, lớn lên có chút hiểu biết, thì băn khoăn thắc mắc, nhưng không biết hỏi ai; và có hỏi cũng không bao giờ nghe được câu trả lời chân thành. Thậm chí có người, chỉ vì thật lòng hỏi, mà rồi mang họa, phải chịu tù tội suốt cả cuộc đời. Lịch sử tù tội trong xã hội CS, có không thiếu gì người, chỉ vì một câu nói đùa trong lớp học, chỗ chợ búa, hay ở nơi hàng quán, mà ôm hận vài năm đến vài chục năm tù.

    Bên cạnh lớp người ảo tưởng cuồng tín, ở Miền Bắc dưới chế độ cộng sản, còn có một lớp người khác “mũ ni che tai”. Lớp người này hiểu biết, biết rõ về cộng sản, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, công ăn việc làm, nên họ chấp nhận “nín thở vĩnh viễn”. Vì sống trong một xã hội, hầu hết những người chung quanh đều “nín thở vĩnh viễn” giống nhau, nên họ đánh mất luôn cả nhân tính, cùng những cảm xúc bình thường con người phải có, như ăn năn, xấu hổ, tự ái, sĩ diện, tư cách, lòng tự hào… Chính guồng máy tuyên truyền của chế độ cộng sản đã tạo nên những người cộng sản máy như vậy nên trải qua cuộc chiến tranh Việt Nam với không biết bao nhiêu thảm kịch kinh hoàng, trong đó không biết bao nhiêu người cộng sản đã chủ động và trực tiếp nhúng tay vào máu của những người dân vô tội, trong đó có trẻ em, phụ nữ, ông bà già,… nhưng tuyệt nhiên, cho đến nay, 30 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, chúng ta không hề thấy bất cứ người cộng sản nào tỏ ra ăn năn, hối hận, hay bị khủng hoảng tâm thần. Và đây chính là điều đau xót thê lương và tàn nhẫn nhất đối với người dân Miền Bắc. Guồng mấy tuyên truyền của chế độ cộng sản trong suốt 20 năm chiến tranh, đã tạo cho những con người Việt Nam ở Miền Bắc trở thành người vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc. Hầu hết, họ chỉ biết có “đảng và bác”. Vì không có tôn giáo, lại được CS trao cho ảo tưởng “chống Mỹ giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước”, nên người lính Miền Bắc dễ dàng trở nên cuồng tín, không có những giây phút do dự khi bóp cò súng bắn giết những người dân vô tội. Vì vô tôn giáo, nên người lính cộng sản không hề tin vào vào thế giới tâm linh, vào thuyết nhân quả, vào đời sống kiếp sau, vào sự thưởng phạt ở bên kia thế giới. Hậu quả, người lính cộng sản sẽ thảnh thơi bước vào cuộc chém giết như bước vào cuộc chơi, với niềm tin “nòng súng, mũi chông là điều nhân đạo nhất” mà Chế Lan Viên đã nhồi nhét cho họ. Như vậy, thử hỏi làm sao người lính CS có thể ăn năn, hay bị khủng hoảng tinh thần cho được?

    Trong khi ở những quốc gia tự do, dân chủ tây phương, trong đó Hoa Kỳ, có những người lính ăn năn, hối hận với những tội ác mà họ đã gây ra; có những người lính khi chứng kiến đồng đội bắn giết thường dân, đã dũng cảm dùng thân xác của mình ngăn chặn, sẵn sàng chấp nhận hy sinh; thì trái lại trong guồng máy chiến tranh của cộng sản, tuyệt nhiên không bao giờ tìm thấy sự ăn năn trong tâm hồn người lính cộng sản. Bản chất của chế độ cộng sản, với cả một guồng máy độc tài chuyên chế, sẵn sàng nghiền nát mọi tình cảm thiêng liêng của con người, đã khiến cho bất cứ ai trong chế độ CS, còn chút nhân tính, cũng không có cơ hội ngóc đầu sống thực với chút nhân tính của mình.

    Chế độ cộng sản là cả một đại thảm họa cho nhân loại. Cộng sản Việt Nam, với bản chất tàn nhẫn của cộng sản quốc tế, cộng với sự ngu dốt, đã đẩy dân tộc Việt Nam vào vực thẳm của sự nghèo đói và băng hoại về nhân phẩm, văn hóa. Trong khi sự nghèo đói của một xã hội có thể giải quyết nhanh chóng trong thời gian vài chục năm, thì trái lại, một dân tộc bị băng hoại về nhân phẩm, về văn hóa, về tôn giáo, về lương tâm… dân tộc đó chỉ hồi sinh, phát triển sau thời gian cả trăm năm. Và đó là bi kịch thê thảm nhất, cay đắng nhất, dân tộc Việt Nam hiện đang đối diện.

    còn tiếp

  2. #20
    nguyenphuong's Avatar
    Status : nguyenphuong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2012
    Posts: 645
    Thanks: 40
    Thanked 16 Times in 6 Posts

    Default


  3. #21
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 19

    Là một thanh niên Việt Nam sinh ra và lớn lên trong xã hội Miền Bắc, tôi thấy rất rõ, số phận của mình cũng như tất cả mọi người, luôn luôn bị nhào nặn trong guồng máy tuyên truyền của đảng cộng sản và nhà nước. Thậm chí ngay cả những nhà văn, nhà thơ, nổi tiếng một thời trước 1945, được coi là thần tượng như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm… cũng đều trở thành những cán bộ văn hóa, dùng khả năng văn thơ của mình để tuyên truyền đầu độc lòng căm thù giai cấp cho thế hệ trẻ. Lấy thí dụ như thi sĩ Nguyễn Bính, một nhà thơ đã có hàng chục ngàn câu thơ tiền chiến ngọt ngào như nước giếng khơi, mượt mà như nhung lụa thời tiền chiến, vậy mà ngay sau khi hai miền đất nước bị chia cắt, ông cũng đã làm những vần thơ gieo rắc sự thù hận cho thế hệ trẻ Miền Bắc, qua những bài thơ, kể lể những “tội ác của VNCH”.

    Tôi còn nhớ vào khoảng giữa thập niên 1960, ở ngoài Miền Bắc chúng tôi được nghe câu chuyện, một nhà điêu khác nổi tiếng ở Miền Nam là Diệp Minh Châu, vì quá “yêu thương và ngưỡng mộ” Hồ Chí Minh, nên đã lấy máu của ông vẽ nên bức tranh Hồ Chí Minh với 3 em thiếu nhi Bắc, Trung, Nam, để thể hiện lòng yêu qúy của ông dành cho Hồ Chí Minh. Nhờ việc làm đó, Diệp Minh Châu được đưa ra Miền Bắc sống. Rồi đến ngày 3 tháng 9 năm 1969, khi nghe tin Hồ Chí Minh chết, Minh Châu đã vừa khóc, vừa thức trắng mấy đêm liền để tạc tượng Hồ Chí Minh, đến nỗi ông chảy cả máu mắt…

    Tôi không biết câu chuyện trên hư thực đến mức độ nào, nhưng những bức hình Diệp Minh Châu đầu hói, đang tạc bức tượng Hồ Chí Minh có cái đầu lớn gấp chục lần cái đầu của ông, đã in sâu vào trong tâm trí của thế hệ trẻ chúng tôi. Và ngay cả hiện nay, theo tôi biết, những câu chuyện tuyên truyền Diệp Minh Châu lấy máu của mình để vẽ Hồ Chí Minh vẫn được người cộng sản thêu dệt và tuyên truyền tại Việt Nam. Hiện nay, Đài Truyền Hình của CSVN, các trung tâm đố vui để học ở các trường học tại VN vẫn có câu hỏi đại loại như, bức tranh vẽ “Bác Hồ và 3 cháu thiếu nhi” được vẽ bằng máu của họa sĩ nào. Câu trả lời là Diệp Minh Châu. Tuổi trẻ VN phải gặm cỏ độc như vậy, thử hỏi làm sao không cuồng tín, bênh vực Hồ Chí Minh bằng mọi giá?

    Đầu thập niên 1960, Bộ Chính Trị của CS Miền Bắc bắt đầu thông qua quyết định mở cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam. Chỉ trong thời gian ngắn không đầy mấy năm trời, hình ảnh những đoàn bộ đội lên đường đi B, những câu chuyện thương phế binh từ chiến trường B trở về, đã trở thành những ám ảnh, những câu chuyện quen thuộc trong đời sống của người dân Miền Bắc. Để có thể huy động tận cùng nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam, chế độ cộng sản Miền Bắc đã dùng guồng máy tuyên truyền, ngụy tạo và dựng nên hào quang người bộ đội với sứ mạng “xẻ dọc Trường Sơn đi chống Mỹ cứu nước”, “giải phóng Miền Nam”, “thống nhất đất nước”…. Toàn bộ mạng lưới phim ảnh, báo chí, truyền thanh, thơ văn, âm nhạc, sân khấu…. được lệnh cộng sản, tìm cảm hứng, tạo cảm hứng chung quanh hình ảnh người bộ đội xâm lăng Miền Nam. Kết quả, người thanh niên Miền Bắc bị thiên la địa võng bủa vây, và con đường “thi hành nghĩa vụ quân sự”, “tình nguyện nhập ngũ” là con đường duy nhất để một người có thể tồn tại, để gia đình khỏi bị phỉ nhổ, người thân khỏi xa lánh, dè bỉu.

    Dưới chế độ cộng sản, mối quan hệ xã hội giữa con người với con người, trở thành những sợi dây ràng buộc chặt chẽ, buộc mọi người phải đi theo con đường duy nhất: Cống hiến tài năng, trí tuệ và cả thân xác cho đảng và nhà nước. Câu khẩu hiệu, “trung với đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” luôn luôn như lưỡi hái tử thần lửng lơ trên đầu tất cả mọi người dân Miền Bắc, bắt họ phải cống hiến thật nhiều, và chấp nhận mọi thiệt thòi, thiếu thốn. Một người thanh niên Miền Bắc, khi bị gọi đi bộ đội, thường không có sự chọn lựa nào ngoài việc ngoan ngoãn thi hành. Nếu không, người thanh niên đó phải đối diện với hàng loạt khó khăn sinh tử. Trước nhất là bị cắt hộ tịch, cắt mọi thứ tem phiếu, trong đó có lương thực. Công ăn việc làm của người thanh niên đó cũng bị đình chỉ. Nghĩa là ngay sau khi không chịu thi hành cái gọi là “nghĩa vụ quân sự”, anh trở thành một kẻ ăn bám 100% theo đúng nghĩa đen của từ này. Không một ai, không một nhà máy, hãng xưởng nào dám thuê mướn một người trốn “nghĩa vụ quân sự”.

    Khó khăn thứ hai, cho dù có chấp nhận cuộc sống ăn bám, anh cũng khó kiếm được thứ mà ăn. Lý do là ngay trong gia đình của anh, ngay cả những người thân của anh, cũng không chấp nhận việc anh trốn “nghĩa vụ quân sự”. Vì ngoài việc phải chia xẻ khẩu phần ăn ít ỏi cho anh, họ còn gặp không biết cơ man nào là khó khăn trong đời sống riêng tư, trong công ăn việc làm, trong cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, tiến thân trong nấc thang chính trị, chuyên môn. Tất cả chỉ vì trong nhà có một người thân “trốn nghĩa vụ quân sự”.

    Xã hội Miền Bắc dưới sự tuyên truyền của cộng sản trong suốt thời gian hàng chục năm đã tạo nên những “giá trị tinh thần” vô cùng độc hại và nguy hiểm để buộc mọi người phải tuân phục theo lệnh của đảng và nhà nước. Bất cứ gia đình nào trên lãnh thổ Miền Bắc cũng đều chung một hình thức trang trí “muôn nhà như một”, chính giữa nhà ở vị trí trang trọng nhất, thường là ngay trên bàn thờ, là hình Hồ Chí Minh, và hình những lãnh tụ cộng sản khác, như Lê Nin, Mao Trạch Đông, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…. Ngoài ra, hai miếng giấy được lồng kiếng, có giá trị tuyệt đối là “Gia Đình Vẻ Vang” dành cho gia đình nào có người đi bộ đội; và “Tổ Quốc Ghi Công” dành cho gia đình nào có người đi bộ đội đã chết khi làm nhiệm vụ.

    Chính hai miếng giấy này hiện diện trong các gia đình đã tạo nên những niềm “tự hào đầy ảo tưởng”, hoặc ghen tức vô cùng nguy hiểm trong mối quan hệ xã hội ở làng xóm, thôn quê lẫn cả thị thành trên đất Bắc. Gia đình ông A, bà B cũng có con trai, đến tuổi đi lính, mà chưa có được mảnh giấy “Gia Đình Vẻ Vang”, là cảm thấy thua thiệt đủ điều, và bị nhiều người chê trách. Từ việc chia nắm thóc, nắm gạo, miếng thịt, lít nước mắm trong ngày tết, đến chuyện bình bầu để mua cái phích nước (bình thuỷ), cái chậu men Trung Quốc, hay cái lốp xe đạp…. tất cả đều tuỳ thuộc vào gia đình có mảnh giấy Gia Đình Vẻ Vang, hoặc Tổ Quốc Ghi Công hay không.

    Bên cạnh những người bị CS tuyên truyền, nhồi sọ, coi những mảnh giấy đó có một giá trị tinh thần tuyệt đối, cũng có những gia đình đủ khôn ngoan, coi những mảnh giấy đó là cạm bẫy. Tuy nhiên, trong xã hội cộng sản, khi những nhu cầu căn bản nhất của con người phải tuỳ thuộc vào tem phiếu, và những mảnh giấy do cộng sản cung cấp, lập tức bản năng thấp kém của con người bị đánh thức, và sự ghen tỵ nảy sinh. Khi đó, con người dễ dàng đối xử với nhau cạn tàu ráo máng. Nhất là bên cạnh đó, người cộng sản cùng chủ nghĩa duy vật biện chứng, sẽ được tận dụng để xúc xiểm, gây phân hóa, mâu thuẫn giữa hai bên. Và trong mối quan hệ hỗ tương, “miếng bấc ném đi, miếng chì trả lại”, “con ông trốn nghĩa vũ quân sự, trong khi con tôi hy sinh xương máu, giải phóng Miền Nam”, sẽ là những liều thuốc kích thích, khiến cho con người dễ dàng rơi vào những cơn ác mộng, buông tuồng cho cái ác, cái xấu tung hoành.

    Bên cạnh áp lực của gia đình, người thanh niên Miền Bắc còn phải đối diện với áp lực của bạn hữu, kể cả người yêu, nếu có. Ở tuổi trên dưới 20 tuổi, thanh nam lẫn thanh nữ Miền Bắc đều ngây thơ tin tưởng vào đảng và nhà nước. Vì vậy, hầu hết đều tin tưởng vào sự nghiệp “chống Mỹ cứu nước”, “giải phóng Miền Nam”. Từ những trang thư, bài thơ gửi cho nhau, đến những kỷ vật nho nhỏ như chiếc khăn tay, một cuốn sách, chiếc gương, chiếc lược,…. đều không ít thì nhiều gói ghém niềm tin vào đảng và nhà nước. Tuổi trẻ luôn luôn hướng thượng, thích được cống hiến, được hy sinh, thích sống cuộc đời có ý nghĩa. Vì vậy, những cô gái Miền Bắc khi có người yêu, họ không thể nào chấp nhận được người yêu của họ là một gã “trốn nghĩa vụ quân sự”. Năm chữ “trốn nghĩa vụ quân sự” là cả một đại ác mộng, đầy xấu hổ, vì nó đồng nghĩa với hèn nhát, ích kỷ, sợ chết, phản bội tổ quốc….

    Bằng áp lực xã hội, áp lực gia đình, áp lực bằng hữu, cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc đẩy hàng triệu thanh niên Miền Bắc vào con đường xâm lăng Miền Nam. Trong khi đó, thế hệ cha anh của họ, các thày cô giáo của họ, các nhà văn, nhà thơ ở Miền Bắc, cùng hàng triệu người Việt Nam khác, hiểu biết rõ ràng bản chất của chế độ cộng sản,… nhưng tất cả đều thản nhiên tránh né, ngoảnh mặt quay lưng, thậm chí đồng loã, tiếp tay với chế độ cộng sản, thực hiện một canh bạc bịp khổng lồ nhất lịch sử VN, mà hậu quả là máu xương của tuổi trẻ Miền Bắc lẫn cả máu xương của hàng triệu người vô tội ở Miền Nam bị phung phí trong suốt mấy chục năm trời. Trong khi các quốc gia khác, cũng sống trong hoàn cảnh bị chia cắt và sống dưới chế độ cộng sản như Đông Đức, Trung Cộng, Bắc Hàn, nhưng đủ khôn ngoan để không theo đuổi cuộc chiến xâm lăng Tây Đức, Đài Loan, Nam Hàn, nên không phí phạm mấy triệu sinh linh, để rồi đất nước của họ có được cơ hội hồi sinh, thăng hoa, gấp vạn lần so với Việt Nam. Đó là bài học đắt giá, dân tộc VN phải gánh chịu trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai….

    còn tiếp

  4. #22
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 20

    Sống trong chế độ cộng sản, người dân luôn luôn bị cộng sản cho ăn bánh vẽ, bị cộng sản nhồi nhét những ảo tưởng, do guồng máy tuyên truyền của đảng và nhà nước thêu dệt. Những chiếc bánh vẽ và những ảo tưởng đó đến từ mọi phía, mọi nơi, mọi lúc. Người lớn dù biết là bánh vẽ, nhưng vẫn phải tươi tỉnh ăn, và khen ngon. Vì nhất cử, nhất động của mỗi người, luôn luôn có người khác theo dõi, và sẵn sàng báo cáo mọi biểu hiện mà họ cho là lệch hướng, mất lập trường, mất quan điểm. Từ những chuyện thật bình thường, như bạn tỏ ý chê một món hàng do các nước “cộng hòa xã hội chủ nghĩa anh em” [các nước cộng sản] sản xuất, hay bạn khen một sản phẩm của thế giới tư bản, hoặc tỏ ra thích một món đồ cũ của Pháp, hay của thời phong kiến ngày xưa, vân vân, bạn đều có thể dễ dàng bị ghép vào tội phản động, và bị tống vô trại cải tạo mà không hề biết án tù bao nhiêu năm.

    Thông thường, những người sống trong chế độ cộng sản, lương tâm đạo đức đều bị thui chột. Thêm vào đó, sự đói khổ, thiếu thốn khiến con người thấy mình gần với bản năng của con vật, nên chính trong thâm tâm, mỗi người đều cảm thấy mình không còn có lòng tự trọng, không còn có nhân phẩm để mà tự hào. Làm sao con người có thể có lòng tự trọng, khi lúc nào họ cũng phải nghĩ đến những biện pháp mờ ám, ăn cắp, ăn trộm, lừa gạt lẫn nhau, kèn cựa lẫn nhau, đạp lên nhau để “tiến bộ thăng quan tiến chức”, mà rốt cuộc chỉ để nhằm thỏa mãn những nhu cầu tầm thường của bản năng con người? Hậu quả, con người sống trong chế độ cộng sản luôn luôn cảm thấy run sợ trước cường quyền, nhút nhát trước bạo lực. Ra đường nghe một hồi còi là giật mình, đêm ngủ nghe tiếng gõ cửa là hoảng hốt. Bản thân tôi, bị nỗi sợ hãi khủng khiếp đó ám ảnh trong suốt nhiều năm, nhất là những năm vượt ngục, vượt biên sau 1975, nên khi mới tới Úc, nhiều khi đi đường, bỗng tôi giật bắn mình chỉ vì nghe hồi còi của trẻ bán báo. Trong những ngày tháng mới đặt chân lên thị trấn Đông Hưng, Trung Cộng, phía bên kia Móng Cái, tối nào ngủ, tôi cũng mê sảng thấy tôi bị cộng sản đuổi bắt, bị súng cộng sản bắn trúng, đạn xuyên qua cổ họng, máu chảy tung tóe, trong khi tôi vừa chạy, vừa la, vừa nghe thấy gió thổi vô những lỗ đạn ở cổ kêu hu… hu….

    Bên cạnh việc đầy đọa con người đến gần với bản năng thú vật, cộng sản còn khôn ngoan và thủ đoạn cấy vào đầu óc những người ngây thơ, nhẹ dạ, cả tin những ảo tưởng, để biến họ thành những “anh hùng vì dân vì nước”, thành “những chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ”, mà thực chất chỉ là tay sai cho chế độ cộng sản. Những ai đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa cộng sản, dần dần người đó sẽ bị chủ nghĩa duy vật, và duy vật biển chứng pháp của cộng sản bủa vây, khiến họ mê muội, chìm đắm chạy theo ảo tưởng, mà không nhìn thấy những sai lầm, những tội ác của cộng sản. Họ sẽ trở thành những người điên cuồng chạy tội cho cộng sản một cách vô cùng tinh vi. Bất cứ lúc nào, chứng kiến những tội lỗi của cán bộ cộng sản, lập tức trong tâm trí họ, tiếng nói duy vật biện chứng sẽ cất lên, nhắc nhở họ, “thấy vết mây đen, chớ quên mặt trời hồng; thấy rác ven đường, chớ quên nước biếc dòng sông; thấy cây mục, đừng quên cả rừng xanh tốt”. Với duy vật biện chứng, những người bị cộng sản tiêm nhiễm lúc nào cũng tự hào, họ là những người sáng suốt, biết nhìn rõ bản chất qua hiện tượng, thấy cả triệu đảng viên cộng sản sai đi nữa, nhưng họ vẫn khăng khăng tin tưởng đảng cộng sản không bao giờ sai, đảng cộng sản là bách chiến bách thắng, là vô địch…

    Bằng lối lý luận “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, cộng sản đã đào tạo cả một đội ngũ cán bộ cuồng tín, sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh của đảng, làm bất cứ chuyện gì, mà không cần suy nghĩ, cân nhắc chuyện đúng sai. Tôi nhớ, thời gian trước khi đi B (vô Miền Nam), trong một buổi học tập chính trị, viên chính uỷ tiểu đoàn, hay trung đoàn (tôi không nhớ tên), có hỏi chúng tôi một câu: “Nếu các đồng chí đứng trước một giả thuyết, giết một đứa bé để cứu cả thế giới khỏi hiểm họa chiến tranh, thì các đồng chí có đủ can đảm dám vì hòa bình của toàn nhân loại, chấp nhận giết đứa bé đó không?” Sau khi nghe chúng tôi, người trả lời “có”, kẻ trả lời “không”, viên chính uỷ hỏi lại: “Để cứu cả thế giới, các đồng chí có đủ can đảm hy sinh danh dự và tình cảm tiểu tư sản của mình để giết đứa bé đó hay không?” Lần này, số người trả lời “có” đông hơn. Cuối cùng, viên chính ủy lại hỏi tiếp: “Nếu phải giết một đứa bé để cứu đảng, cứu Bác Hồ, các đồng chí có đủ can đảm làm chuyện đó hay không?” Lần này, không một ai dám trả lời “không”.

    Kể lại câu chuyện này, tôi chỉ muốn thưa với các bạn, chủ nghĩa cộng sản nguy hiểm không phải chỉ ở chỗ mang đến cho gia đình, dân tộc, đất nước,… sự nghèo đói và lạc hậu; mà nguy hiểm hơn, thê thảm hơn, chủ nghĩa cộng sản còn mang đến cho mọi người sự băng hoại lương tâm, tư cách, nhân phẩm, huỷ diệt đến tận cùng cái “nhân chi sơ tính bổn thiện” của con người, đồng thời phá vỡ tất cả mọi ràng buộc về nhân nghĩa lễ trí tín, tình cảm gia đình, niềm tin tôn giáo… của con người.

    Viết đến đây, tôi lại nhớ tới vụ thảm sát Mỹ Lai. Điều tôi nhớ tới không phải là tội ác do trung uý Mỹ William Calley gây ra, mà là nhớ tới hành động dũng cảm của người phi công trực thăng Mỹ tên là Hugh Thompson, tuổi chỉ mới 24, cấp bậc chỉ hạ sĩ hay trung sĩ, những đã dám liều mạng ngăn chặn không cho trung uý Mỹ William Calley tiếp tục cuộc thảm sát. Tôi cũng còn nhớ tới ký giả Seymour Hersh, nhiếp ảnh gia Ron Haeberle, tạp chí Life, Time, Newsweek, và nhiều báo chí khác ở Mỹ, ở Pháp đã có công trong việc đưa vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng. Tôi nhớ đến cả những phiên tòa xét xử William Calley; và những người lính Mỹ ăn năn, trở lại Mỹ Lai trong những năm gần đây để xây trường học, hàn gắn những bị kịch mà họ đã gây ra cách đây hơn 30 năm. Có nhớ lại tất cả những điều đó, tôi mới thấy được, con người có được sinh ra và lớn lên ở những quốc gia tự do, họ mới có được cái cơ hội làm theo tiếng gọi của lương tri. Chiến tranh bao giờ cũng là điều tàn nhẫn. Và con người, một khi phải lao vào một cuộc chiến, luôn luôn có cả ngàn yếu tố xô đẩy họ rơi xuống vực thẳm của tội ác trở thành tội phạm chiến tranh. Khi đó, tiếng nói của lương tri sẽ là chiếc thắng luân lý ngăn chặn họ khỏi rớt xuống vực thẳm của tội ác. Và ngay cả khi tội ác có diễn ra, tiếng nói lương tri của những người lính khác như Hugh Thompson, sẽ giúp họ ngăn chặn, giảm thiểu mức độ khốc liệt của tội ác; đồng thời mang đến sự trừng phạt cần thiết của công lý; đánh thức sự ăn năn hối hận trong tâm hồn của những người đã lỡ gây tội ác.

    Trái lại, đối với những người lính cộng sản, hầu hết đều được cộng sản đào tạo theo chiều hướng huỷ diệt lương tri, tàn phá nhân phẩm, nên tiếng gọi lương tâm đối với họ luôn luôn là điều hiếm hoi. Tôi lấy thí dụ vụ thảm sát Tết Mậu Thân tại Huế do người cộng sản Việt Nam gây ra. Nếu so sánh nguyên nhân dẫn đến cuộc thảm sát, mức độ của cuộc thảm sát, ai cũng phải đồng ý, vụ thảm sát tại Huế gớm ghiếc, tàn nhẫn và ghê rợn gấp cả ngàn lần so với vụ thảm sát Mỹ Lai. Vậy mà tuyệt nhiên, trong những vụ thảm sát giết 5, 7 ngàn người tại Huế, chúng ta không tìm thấy bất cứ người bộ đội nào có hành động ngăn cản tội ác như Hugh Thompson; không có bất cứ nhà văn hay nhiếp ảnh gia cộng sản nào trung thành với công lý, như Seymour Hersh, Ron Haeberle; và cũng tuyệt nhiên không có một tờ báo, tạp chí cộng sản nào đóng vai trò phanh phui tội ác, kêu gọi sự trừng phạt nghiêm minh của công lý như tạp chí Life, Time, Newsweek… Và cho đến bây giờ, ngót 40 năm đã trôi qua sau vụ thảm sát Huế Mậu Thân, chúng ta cũng tuyệt nhiên không hề nghe thấy bất cứ người bộ đội nào, nhà văn, nhà báo cộng sản nào, mở miệng nói những lời ăn năn, hối hận đối với tội mà họ đã gây ra.

    Những vụ thảm sát tại Huế trong dịp Tết Mậu Thân là một thực tế không ai chối cãi. Mức độ rùng rợn của vụ thảm sát cho chúng ta thấy, ít nhất phải vài ngàn bộ đội cộng sản đã nhúng tay vào máu của những người dân Huế vô tội. Trong số đó, còn sống cho đến hôm nay cũng phải trên dưới cả ngàn người. Vậy mà họ vẫn sống thản nhiên với tội ác họ đã gây ra, ở một nơi nào đó, ngay trên quê hương Việt Nam, thậm chí có khi những bộ đội thủ phạm tội ác đó vẫn đang đi trên những đường phố Huế, nơi họ đã gây tội ác. Lương tâm của ở đâu? Tại sao họ có thể lạnh tanh máu cá, chấp nhận sống im lặng với tội ác mà chính họ là thủ phạm? Và có hỏi như vậy, tôi mới thấy tất cả sự bi thảm, đau đớn và bất hạnh của dân tộc Việt Nam khi bị cộng sản nhuộm đỏ.

    Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ai cũng biết, cộng sản Việt Nam chẳng phải chỉ gây ra vụ thảm sát Huế hồi Tết Mậu Thân, mà chúng còn gây ra hàng chục ngàn vụ thảm sát rùng rợn khác trên khắp quê hương Việt Nam. Hàng chục ngàn cộng sản thủ phạm nhúng tay vào máu những người dân vô tội, hiện vẫn đang sống thanh thản ung dung trên quê hương VN. Nhiều tên trong số đó hiện đang nắm giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy chính phủ từ trung ương đến địa phương. Nhưng tuyệt nhiên, không một ai lên tiếng thú nhận tội ác chúng đã làm; cũng không một ai lên tiếng tố cáo những tội ác mà đồng đội đã làm; và cũng không có một cơ quan hữu trách nào có ý định phanh phui ra ánh sáng những tội ác người cộng sản đã phạm.

    Hiển nhiên, nếu ai đã hiểu rõ người cộng sản, thì không bao giờ kỳ vọng vào lòng ăn năn, sự xám hối của người cộng sản. Trong thời cải cách ruộng đất, người cộng sản đã giết cả mấy trăm ngàn người vô tội, vậy mà khi tuyên bố sai lầm, Hồ Chí Minh chỉ nói ngắn gọn có hai chữ “xin lỗi”, vậy là xong.

    Tôi sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, bị cộng sản nhồi nhét tuyên truyền, nhưng may mắn, nhờ có thân phụ dậy bảo, nên tôi đã sớm thoát khỏi những bờ mê, bến lú, của chủ nghĩa cộng sản. Tôi căm giận chủ nghĩa cộng sản vì nó đã tàn phá quê hương, đất nước tôi, làm băng hoại dân tộc Việt Nam tôi trong suốt 60 năm qua. Vì vậy, khi nào chủ nghĩa cộng sản còn hiện diện trên quê hương Việt Nam, tôi sẽ còn tiếp tục đi theo con đường chống lại chủ nghĩa cộng sản. Tôi biết, với cuộc đời ngắn ngủi còn lại của tôi, chưa chắc gì tôi đã đi hết con đường chánh đạo để nhìn thấy chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên quê hương của tôi. Nhưng tôi biết chắc một điều, ngày nào tôi còn đi trên con đường chống chủ nghĩa cộng sản, ngày đó tôi còn thấy hạnh phúc và tự hào, đã đi đúng con đường chánh đạo; vì cùng đồng hành với tôi hôm qua, hôm nay và trong mai hậu, có tất cả những người Việt yêu nước trên thế giới, có cả vong linh của tất cả những người Việt yêu nước đã nằm xuống, trong đó có vong linh của cả thân phụ của tôi…

    còn tiếp

  5. #23
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 21

    Trong số những vũ khí tuyên truyền được cộng sản Hà Nội sử dụng để đầu độc người dân Miền Bắc, có một vũ khí vô cùng quan trọng và hiệu quả là tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng ở Miền Nam cũng như thế giới, đi theo cộng sản hoặc có những tuyên bố hậu thuẫn cộng sản. Bên cạnh đó, những cuộc biểu tình, đình công, tại các quốc gia tây phương, thay vì chứng tỏ quyền tự do, dân chủ của người dân được bảo đảm, dưới sự nhào nặn tuyên truyền của chế độ cộng sản, đã trở thành những hình ảnh, tin tức quảng bá cho quan điểm, “xã hội tư bản là thối nát, bóc lột tàn nhẫn; còn xã hội cộng sản là lý tưởng, là con đường tất yếu của nhân loại”.

    Khi cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” được cộng sản Hà Nội dựng lên, với những nhà trí thức tên tuổi nhưng đầy ảo tưởng về chủ nghĩa cộng sản như Trịnh Đình Thảo, Phạm Ngọc Thu, Dương Quỳnh Hoa, Nguyễn Hữu Thọ… trong thời gian đầu, người dân Miền Bắc, nhất là thế hệ trẻ, đều tưởng rằng người dân ở Miền Nam đã bị đàn áp dã man, nên họ phải đứng lên thành lập MTGP. Chỉ trong thời gian ngắn, guồng máy tuyên truyền của Hà Nội đã thành công trong việc tung hứng, vẽ lên một bức tranh: Những người trí thức, khoa bảng Miền Nam đã dám vứt bỏ hạnh phúc gia đình, bổng lộc, tiền tài, danh vọng cá nhân, để đi theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên, khi guồng máy tuyên truyền của cộng sản Hà Nội đã vẽ lên hình ảnh người dân Miền Nam đã biết “hy sinh” như vậy, thì guồng máy chiến tranh của cộng sản Hà Nội cũng đã khôn ngoan đẩy người dân Miền Bắc vào những “hy sinh” tương tự cho cuộc chiến tranh “giải phóng Miền Nam”. Nếu những nhà trí thức khoa bảng, lớn lên ở Miền Nam tự do, chỉ vì những mâu thuẫn riêng tư, những hoạt động bè phái nhất thời, hay những bất mãn trước sự tự do dân chủ nhưng chưa hoàn hảo của chế độ VNCH, để rồi chấp nhận làm công cụ cho cộng sản, thì thử hỏi làm sao người dân Miền Bắc, lớn lên sau luỹ tre làng, bị cộng sản kìm kẹp, cả đời chỉ nghe một đài phát thanh, đọc một tờ báo,… có thể thoát khỏi sự tuyên truyền đầu độc của cộng sản?

    Sau này, tôi được biết, khi nhận rõ bộ mặt thật của cộng sản, nhiều nhà trí thức khoa bảng đã bỏ cộng sản, người thì trốn ra ngoại quốc, người thì sống ẩn dật. Đặc biệt, bà Dương Quỳnh Hoa đã có thái độ can đảm rút tên ra khỏi đảng cộng sản. Cộng sản đồng ý cho bà rút tên, nhưng với điều kiện, bà chỉ được công khai chuyện rút tên của mình 10 năm sau đó. Với uy tín tại VN cũng như ngoại quốc, việc làm của bà Dương Quỳnh Hoa đã khiến cộng sản rất mất mặt. Tiếc là bà chấp nhận điều kiện “10 năm sau mới công khai chuyện rút tên khỏi cộng sản”, bằng không, việc rút tên khỏi đảng cộng sản của bà còn có ý nghĩa to lớn hơn, và giúp cho nhiều người Việt hơn sớm tỉnh mộng, thoát khỏi ảo tưởng về cộng sản.

    Chính vì cộng sản Việt Nam đã biết dùng những cái ảo tưởng nhất thời của những nhà trí thức khoa bảng Miền Nam, dựng nên hào quang “chính nghĩa” cho cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam, cộng với hàng loạt thủ đoạn tuyên truyền, bưng bít, đàn áp, kìm kẹp “dạ dầy”, “nhỏ giọt” hạnh phúc,… cộng sản Hà Nội đã vắt kiệt xương máu người dân Miền Bắc để dựng nên bi kịch lớn nhất của dân tộc Việt Nam: Hy sinh xương máu của người Việt cho tham vọng bành trướng chủ nghĩa cộng sản.

    Qua guồng máy tuyên truyền của cộng sản, người dân Miền Bắc, nhất là thế hệ trẻ, đã ngây thơ tin tưởng vào hào quang trí thức khoa bảng của những luật sư, bác sĩ, dược sĩ Miền Nam, khi những người này đi theo cộng sản. Thêm vào đó, những thành phần trí thức khoa bảng của Miền Bắc, trong đó có các nhà văn, nhà thơ, nhà báo… cũng đều đồng lõa với cộng sản trong việc lừa bịp người dân, đầu độc thế hệ trẻ qua những câu thơ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”; “Anh đi xuôi ngược tung hoành. Bước dài như gió lay thành chuyển non. Mái chèo, một chiếc thuyền con. Mà sông nước dậy, sóng cồn đại dương”… Sống trong một xã hội bưng bít, tư tưởng của con người chỉ thuần túy được nhào nặng bằng những bài thơ, bài hát, bài báo hay những tác phẩm do chế độ cộng sản xuất bản như Ruồi Trâu, Thép Đã Tôi Thế Đấy, Hòn Đất… nên thế hệ trẻ Miền Bắc đã sống trong sự mông muội và cuồng tín. Và chính sự mông muội và cuồng tín của giới trẻ đã tạo nên những “thần tượng anh hùng”, những vần thơ “dũng sĩ diệt Mỹ”, để rồi những “thần tượng” những vần thơ “dũng sĩ” đó lại tiếp tục đầu độc những thanh thiếu niên khác. Vì thế, tôi có thể nói, con người sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, bao giờ cũng trải qua hai giai đoạn, một giai đoạn sống bằng ảo tưởng, và một giai đoạn sống trong sự ân hận và xấu hổ.

    Cộng sản luôn luôn hiểu, thế hệ trẻ bao giờ cũng khao khát đi tìm những thần tượng anh hùng. Nặn lên những thần tượng anh hùng để đầu độc thế hệ trẻ, trong một xã hội độc tài chuyên chế là điều không có gì khó. Nhưng quan trọng hơn, dễ thuyết phục hơn, vẫn là tạo nên những hành động, con người “anh hùng thật” bằng xương bằng thịt, để đầu độc thế hệ trẻ. Vì vậy, nếu khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, cộng sản đã ngụy tạo nên thần tượng “cậu bé Lê Văn Tám” trên dưới 10 tuổi dám tẩm xăng vào người, rồi chạy vào kho vũ khí của Pháp, làm cho nó nổ tung, thì trong cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam, cộng sản đã có sẵn những hình ảnh “anh hùng bằng xương bằng thịt” để tuyên truyền, trong đó có Nguyễn Văn Trỗi.

    Tôi còn nhớ vào khoảng cuối năm 1964, lúc đó tôi đang học lớp 6 hay lớp 7, thì nghe tin Nguyễn Văn Trỗi bị xử bắn về tội đặt bom toan ám sát tổng trưởng quốc phòng Robert McNamara tại chân cầu Công Lý. Ngay trong những ngày tháng đó, và trong suốt thời gian nhiều năm về sau, guồng máy tuyên truyền của cộng sản đã hoạt động tối đa, để dùng cái chết của Nguyễn Văn Trỗi, khuấy động lòng căm thù và cuồng tín trong lòng người dân Miền Bắc. Những bài thơ, bài báo, những tác phẩm, ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi xuất hiện ồ ạt trên đất nước Miền Bắc; những buổi truy điệu Nguyễn Văn Trỗi được tổ chức nhan nhản ở khắp các trường học, nông trường, hãng xưởng, hợp tác xã…; những cuộc thi bình giảng, viết luận văn, ca ngợi và học tập tinh thần Nguyễn Văn Trỗi lan tràn khắp các trường tiểu, trung và đại học ở Miền Bắc. Cả Miền Bắc trong những năm 1965, 1966… đi đến đâu cũng thấy những hình ảnh, thơ văn, sách báo,… nhắc đến Nguyễn Văn Trỗi. Rồi phim ảnh, ca kịch, tuồng, chèo… với nội dung ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi cũng đua nhau xuất hiện. Những con đường Nguyễn Văn Trỗi, hợp tác xã Nguyễn Văn Trỗi, nhà máy Nguyễn Văn Trỗi, cánh đồng 5 tấn, 10 tấn Nguyễn Văn Trỗi cũng nhan nhản khắp mọi nơi. Ngay cả bưu điện Miền Bắc cũng bị CS buộc phải cho phát hành con tem có hình Nguyễn Văn Trỗi.

    Thông thường tâm lý của con người đứng trước một hành động được gọi là “anh hùng”, người ta thường xúc động, khâm phục, ca ngợi và muốn noi theo hành động “anh hùng” đó, mà ít khi nghĩ đến hành động “anh hùng” đó đã diễn ra như thế nào, đã bắt nguồn từ đâu. Thực tế cho thấy, một hành động “anh hùng” có thể diễn ra một cách vô cùng tàn nhẫn, vô nhân; và có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân tầm thường nếu không nói là bá đạo, như lòng căm giận, hận thù cá nhân, ảo tưởng yêu nước, ảo tưởng giải phóng, hay lòng cuồng tín về một thứ chủ nghĩa vô thần. Một hành động ngang ngược của một người lính Mỹ trên đường phố Sàigòn, một cái chết oan uổng của một người phụ nữ trong cảnh bom rơi đạn lạc, hay cái chết của một hài nhi giữa thành phố Hà Nội, khi bị máy bay Mỹ oanh tạc,… đều có thể là nguyên nhân, tạo nên những hành động, những con người “anh hùng” chạy theo ảo tưởng “chống Mỹ cứu nước” dưới bóng cờ cộng sản, mà quên mất, chính cộng sản mới là kẻ thù lớn nhất của dân tộc Việt. Tôi được biết, ở Miền Nam, có những người chạy vô bưng đi theo cộng sản, chỉ vì những lý do rất “Chí phèo”, như bị một hai vị trong hội đồng hương xã o ép; hay người yêu bỏ mình chạy theo một người có tiền tài địa vị trong chính phủ VNCH. Ở ngoài Miền Bắc cũng có những thanh nam, thanh nữ, ký tên tình nguyện đi bộ đội, đi thanh niên xung phong, chỉ vì xem một bộ phim tuyên truyền của cộng sản, hay chứng kiến một cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ trên đường phố.

    Khoảng năm 1966, tôi có tham dự một kỳ thi tại trường cấp 2 Bắc Lý. Trường này được mệnh danh là “lá cờ đầu giáo dục” tại Miền Bắc. Nghe đâu trường Bắc Lý có kết nghĩa với một trường học nào đó tại Cuba, nên tại đây có nuôi những con ếch Cuba, và đôi khi có phái đoàn chuyên gia Cuba viếng thăm. Tại văn phòng nhà trường có treo một tấm hình rất lớn của Che Guevara. Lúc đó, còn bé, nên chúng tôi không biết Che Guevara là ai, chỉ biết chung chung, ông ta là một “anh hùng” của cộng sản Cuba. Nhưng dưới bức hình của Che Guevara có một dòng chữ bỏ trong ngoặc kép, đại ý: “Che Guevara là con người hoàn thiện nhất trong thời đại chúng ta”. Bên cạnh câu nói đó có ghi tên người nói là Giăng Pôn Sạc (Jean Paul Sartre). Lâu ngày, tôi không còn nhớ chính xác, nhưng đại khái là như vậy. Thời đó, chúng tôi cũng không biết “Giăng Pôn Sạc” là ai, chỉ biết hiệu trưởng của trường Bắc Lý giới thiệu ông “là người từng được trao giải thưởng nobel văn chương vào năm 1964 với số tiền thưởng cả triệu Mỹ kim nhưng ông từ chối lãnh nhận tiền của tư bản”. Giai đoạn đó, tổng sản lượng kinh tế của cả Miền Bắc, chỉ có khoảng 2 tỷ Mỹ kim, nên tin một nhà văn “từ chối cả triệu Mỹ kim tiền thưởng của tư bản”, hẳn nhà văn đó phải rất đặc biệt. Vậy mà người đặc biệt đó lại ca ngợi “anh hùng cộng sản” Che Guevara là “Con người hoàn thiện nhất trong thời đại chúng ta”, thì rõ ràng, câu nói đó có một giá trị tuyên truyền, đầu độc thanh niên Miền Bắc rất ghê gớm.

    Trước đó, một triết gia nổi tiếng thế giới, cũng từng đoạt giải Nobel văn chương năm 1950, là Bertrand Russell. Ông cũng đã công khai lên tiếng phản đối Mỹ, và ủng hộ cộng sản trong cuộc chiến tranh cộng sản xâm lăng Miền Nam, nên cộng sản Việt Nam đã tận dụng tối đa tiếng nói và uy tín của Bertrand Russell trong việc xây dựng hào quang chính nghĩa cho cuộc chiến tranh “xâm lăng Miền Nam”.

    Đặc biệt, chuyến viếng thăm Hà Nội của nữ tài tử phản chiến Jane Fonda đã được guồng máy tuyên truyền của cộng sản Việt Nam tận dụng, nguỵ tạo Jane Fonda trở thành “tiếng nói của lương tâm thế giới” đối với cuộc chiến tranh Việt Nam. Hình ảnh Jane Fonda đội nón cối, đi dép râu, mặc áo bà ba, xuất hiện tại những ụ pháo phòng không ở Miền Bắc, được cộng sản Hà Nội phổ biến rùm beng, đã có một tác động tâm lý rất mạnh vào giới trẻ, và là nguyên nhân, tạo nên nhiều bi kịch cho cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam của cộng sản Hà Nội.

    Vì vậy, có thể nói, trong suốt thời gian xâm lăng Miền Nam, tất cả những ai, vì bất cứ lý do gì, có những lời tuyên bố, hành động, hay thái độ, bất lợi cho Mỹ, bất lợi cho VNCH, đều được cộng sản Việt Nam tận dụng, thao túng, đánh bóng cho hào quang “giải phóng Miền Nam”, ngỏ hầu tạo ảnh hưởng đối với thế giới, đồng thời bòn rút mồ hôi, xương máu của người dân Miền Bắc. Đó là thảm kịch đau đớn nhất, bi phẫn nhất cho dân tộc Việt Nam, mà cộng sản Việt Nam là chánh phạm, cùng với rất nhiều đồng phạm, vì lý do này hay lý do khác, đã tiếp tay cho cộng sản.

    còn tiếp

  6. #24
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 22

    Trước khi được đặt chân lên những đường phố của Miền Nam Tự Do, tôi đã được thầy tôi và ông Tổng Tu (thông gia với thầy tôi) nói về cuộc sống tự do, sung túc của Miền Nam. Qua những tấm ảnh trên bưu thiếp, những tranh ảnh cũ từ thời Pháp thuộc, nhất là những tấm hình lưu giữ trong tiệm hình của ông anh tôi, tôi ít nhiều hiểu được cái thế giới Miền Nam, nơi các chị tôi đang sống, hạnh phúc gấp bội so với cuộc sống của người dân Miền Bắc. Tuy biết trên lý thuyết là như vậy, nhưng phải đợi đến khi được thực sự sống ở Miền Nam, tôi mới hiểu được cuộc sống tự do, hạnh phúc của người dân Miền Nam. Và khi hiểu được như vậy, tôi mới thấy nỗi đau đớn của những người dân Miền Bắc, sống trong tăm tối, ảo tưởng và lừa bịp của chế độ cộng sản, thê thảm như thế nào. Ngay trong những ngày tháng còn sống trong trung tâm chiêu hồi Thị Nghè, anh em hồi chánh chúng tôi vẫn nói với nhau, nếu người dân Miền Bắc ai cũng được vô thăm quan Sàigòn một vài ngày rồi về, thì chắc chắn, cuộc chiến xâm lăng Miền Nam của CS Hà Nội sẽ phải bị huỷ bỏ, vì chẳng còn ai tin vào đường lối tuyên truyền lừa bịp của chúng. Cũng vì đã trải qua tâm trạng đó, nên sau này, tôi đã tìm thấy sự đồng cảm sâu xa ở nhà văn Dương Thu Hương khi nghe bà nói, sau 1975, vô Sàigòn, nhìn thấy những đường phố, những tòa nhà và cuộc sống của người dân Miền Nam, bà đã khóc và đau xót nhận ra, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, kẻ chiến thắng là những kẻ mọi rợ.

    Điều phi lý của cuộc chiến tranh Việt Nam là, trong khi Miền Bắc xâm lăng Miền Nam, theo đuổi một cuộc chiến phi nghĩa đầy bẩn thỉu, thì người dân Miền Bắc lại sống trong hào quang giả tạo, xuất phát từ ảo tưởng “chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam”. Trái lại, trong khi Miền Nam phải chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống cộng sản xâm lăng, có đầy đủ hào quang chính nghĩa và lý tưởng cao quý, thì có nhiều người sinh ra và lớn lên ở Miền Nam, lại không nhận ra được điều cao đẹp đó, tìm đường vô bưng, đi theo cộng sản. Đó là do lỗi của ai? Lỗi của gia đình, nhà trường, chính phủ, hay do hoàn cảnh ân oán, phe nhóm của mỗi cá nhân? Nhưng dù cho đó có là lỗi của ai, bây giờ nhìn lại, đều thấy chua xót, vì trong cuộc chiến, Miền Nam đã có chính nghĩa nhưng đã không làm sáng tỏ chính nghĩa đó, hoặc có làm, nhưng chưa đến nơi đến chốn.

    Bây giờ, nhìn trở lại cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều khi tôi vẫn nghĩ, nếu ở Miền Nam có những văn nghệ sĩ phản chiến, ít nhiều có tội, làm thiệt hại đến cuộc chiến tranh chống cộng sản xâm lăng; thì ở Miền Bắc, những người có tội lỗi nhất đối với dân tộc, đất nước, chính là những văn sĩ, nhạc sĩ, thi sĩ, nhà báo, nhà giáo… đã đóng vai trò của những văn nô, ký nô cho chế độ. Một người cộng sản, dù có xảo quyệt đến đâu, khi phun nọc độc tuyên truyền, người nghe bao giờ cũng cảnh giác, thận trọng. Nhưng một người trí thức, một thi sĩ, văn sĩ, nghệ sĩ,… khi dùng cái tài năng thiên phú của họ, phụng sự cho qủy, thì sự khốc hại bao giờ cũng thê thảm hơn rất nhiều. Trong suốt 20 năm sống ở Miền Bắc, và sau này suốt mấy chục năm, theo dõi thơ văn của Việt Nam dưới chế độ cộng sản, tôi phải đau xót thú nhận, hầu hết những người cầm viết được coi là “thần tượng” của người Việt trên đất Bắc, đều là những người đã tôn thờ qủy, phục vụ cho qủy, để đánh đổi ơn mưa móc của chế độ cộng sản, mà nhiều khi ơn mưa móc đó chỉ là vài lạng thịt, ít cần đường phèn, hay một chiếc vỏ xe đẹp…. Và khi một nhà văn, nhà thơ đã được coi là “thần tượng” mà lại đi tôn thờ qủy, đánh đổi những vật chất tầm thường, thì sự tai hại thiệt là vô cùng cho chính họ, cũng như cho những ai tôn thờ họ.

    Tôi xin đơn cử một thí dụ, nhà thơ Chế Lan Viên. Tài thơ văn của nhà thơ Chế Lan Viên có thể nói tuyệt vời. Tập thơ Điêu Tàn làm lúc ông mới mười mấy tuổi đã cho thấy tài năng thiên phú của ông. Đáng tiếc và đáng giận, khi ông dùng tài năng của ông viết những vần thơ ca ngợi chế độ cộng sản, khiến không biết nhiêu thanh thiếu niên, lao đầu vào chỗ chết, hiến thân xác cho đảng cộng sản, chỉ vì đọc những vần thơ của ông.

    Để ca ngợi cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam của cộng sản Hà Nội, Chế Lan Viên viết những câu thơ xao xuyến lòng người:

    Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
    Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
    – Chưa đâu! Và cả trong những ngày đẹp nhất
    Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
    Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
    Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc,
    Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…

    Hay khi kêu gọi tinh thần hy sinh, sẵn sàng dâng hiến tất cả cho “lý tưởng giải phóng Miền Nam” của đảng cộng sản, Chế Lan Viên đã viết những vần thơ có giá trị liên tưởng, đầy khích lệ:

    Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
    Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng,
    Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
    Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,
    Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
    Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng…

    Đọc những câu thơ trên, quý vị sẽ thấy, thi sĩ Chế Lan Viên đã đội vương miện, tắm hào quang cho cuộc chiến tranh xâm lăng Miền Nam của cộng sản. Dĩ nhiên, khi viết những câu thơ đó, Chế Lan Viên đã biết rõ sự thực của cuộc chiến tranh VN. Sau này, khi bước vào lúc tuổi xế chiều, Chế Lan Viên đã tỏ ra ân hận rất nhiều, khi ông thú nhận trong bài thơ “Ai? Tôi!”, trong đó có những câu:

    Mậu Thân 2,000 người xuống đồng bằng
    Chỉ một đêm, còn sống có 30
    Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2,000 người đó? Tôi!
    Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
    Ca tụng người không tiếc mạng mình
    trong mọi cuộc xung phong.
    Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
    Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ.
    Rất tiếc sự ân hận của ông cũng chỉ có thế.

    Bên cạnh những thi nô như Chế Lan Viên, Tố Hữu, Huy Cận, Thế Lữ, Phạm Tiến Duật… ở Miền Bắc còn có những cuốn truyện đầu độc người đọc. Trong số những tác phẩm văn chương ảnh hưởng độc hại đến trí tuệ, lửa nhiệt tình và quan niệm sống của thanh thiếu niên Miền Bắc, có 2 tác phẩm quan trọng hơn cả là cuốn Ruồi Trâu và cuốn Thép Đã Tôi Thế Đấy.

    o O o

    Trở lại chuyện tôi ở phủ đặc ủy tình báo trung ương một thời gian rồi được chuyển về Trung tâm chiêu hồi Thị Nghè học tập đường lối, chính sách của chính phủ VNCH. Thời đó, chính sách của VNCH coi tất cả hồi chánh viên cũng bình đẳng như tất cả những công dân khác của VNCH. Nghĩa là một người khi đã về hồi chánh, người đó sẽ được hưởng tất cả mọi quyền lợi, cũng như bổn phận như công dân VNCH, trong đó có bổn phận đi lính, cầm súng bảo vệ tổ quốc trước làn sóng xâm lăng của cộng sản Bắc Việt.

    Trong thời gian ở tại Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, tôi có quen với một anh bạn cũng là hồi chánh viên, trước quê ở Hải Phòng, tên là Tuấn. Tuấn hơn tôi 2 tuổi, nhưng vì to con, râu quai nón rậm rạp, nên trông bề ngoài, anh già hơn tôi cả chục tuổi. Vì giường của tôi và giường của anh ở cạnh nhau, nên chúng tôi thường tâm sự về đủ thứ chuyện trên đời. Qua chuyện trò tôi được biết bố mẹ của Tuấn đều mất trong thời cải cách ruộng đất. Vì vậy, Tuấn rất căm thù cộng sản. Cũng giống như tôi, ngay khi đặt chân lên mảnh đất Miền Nam, Tuấn đã ra chiêu hồi ngay. Tuấn lại có công giúp quân đội VNCH tìm được mấy hầm vũ khí của VC, nên anh được thưởng một số tiền khá lớn đến mấy trăm ngàn tiền VNCH lúc đó.

    Với người khác, khi có được số tiền nhiều như vậy thì lo ăn chơi, mua sắm. Nhưng Tuấn thì không. Anh ta nhờ ông Tài, nhân viên làm việc tại Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, gửi hết số tiền thưởng vô ngân hàng, rồi anh tình nguyện đi lính đánh cộng sản. Sau này, tôi được biết, anh bị thương, trở về làm cho tổ chức thiện nguyện là hội Hoàn Cầu Khải Tượng (World Vision), ở ngay Sàigòn. Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, anh có điều kiện di tản dễ dàng cùng với các trẻ em mồ côi, nên anh đã tha thiết rủ tôi đi cùng với anh. Tôi từ chối, vì lúc đó, tôi đinh ninh ba tôi còn sống, nên tôi nhất định phải ở lại, trở ra Miền Bắc, ghé thăm ba tôi lần cuối, trước khi vượt biên ra ngoại quốc. Cũng vì tấm lòng tha thiết muốn gặp lại người cha già, nên ngay ngày 3/5/1975, sau khi cộng sản vừa mới chiếm đóng Sàigòn, tôi đã dùng giấy tờ giả, trở lại Miền Bắc. Đến khi tới Hà Nội, hay tin cha tôi đã mất năm 1974, tôi chỉ biết âm thầm ghé thăm một cha, rồi vội vàng trở vô Miền Nam. Việc tôi ra Bắc, vô Nam trong thời gian cộng sản mới chiếm Miền Nam đã khiến chính chị ruột của tôi tại Võ Di Nguy Phú Nhuận, cũng nghi ngờ, cho tôi là một tên hồi chánh giả, làm cho tôi dở khóc, dở cười… Nhưng đó là chuyện rất dài, tôi sẽ kể hầu qúy vị khi có dịp….

    còn tiếp

Trang 4/19 đầuđầu ... 2345614 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Trả lời: 4
    Bài mới nhất : 07-09-2020, 04:51 PM
  2. Tiếng hát Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết ♫
    By BachMa in forum Nhac Trữ Tình
    Trả lời: 22
    Bài mới nhất : 06-07-2020, 04:19 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 12-23-2014, 10:23 PM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-31-2014, 06:40 AM
  5. Chia Buồn GĐ KQ Tống Hữu Gia
    By khongquan2 in forum Phân Ưu
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 07-02-2014, 01:46 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •