Remember ?

Trang 2/19 đầuđầu 123412 ... cuốicuối
kết quả từ 7 tới 12 trên 112

Tựa Đề: Hồi ký TÔI TÌM TỰ DO - Nguyễn Hữu Chí ( Hữu Nguyên )

  1. #7
    nguyenphuong's Avatar
    Status : nguyenphuong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2012
    Posts: 645
    Thanks: 40
    Thanked 16 Times in 6 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 7

    Trong một dịp tôi cùng người bạn đến thăm mẹ con bà Huệ thì gặp đúng lúc trời mưa tầm tã, nhà giột tứ tung, nước trong nhà chảy lênh láng không khác gì ngoài sân… Cả ba mẹ con bà Huệ, anh bạn của tôi và tôi, tất cả 5 người ngồi trong nhà trùm mấy miếng chiếu cói mà chịu trận, vì không thể nào kiếm được một chỗ khô ráo trong căn nhà. Tôi cũng xin thưa với quý độc giả, ngay cả căn nhà của gia đình tôi thời đó cũng vô cùng thê thảm. Mỗi khi trời mưa to, gió lớn, mái nhà của nhà tôi ở cũng giột tứ tung, nhưng ít ra, tôi còn kiếm được khoảng chục chiếc chậu sành to, nhỏ để khắp sàn nhà mà hứng nước mưa giột từ mái tranh. Đằng này, ở nhà bà Huệ, trong nhà nước mưa rơi như ở ngoài trời thì dù có cả trăm chiếc chậu cũng chẳng tài nào mà hứng nổi nước mưa…

    Cho đến bây giờ đã 40 năm trôi qua, cuộc đời tôi đã trải qua không biết bao nhiêu kỷ niệm yêu thương, buồn giận, xót xa, phũ phàng, đau khổ,… nhưng khi viết những dòng chữ này, tôi vẫn thấy xúc động khôn tả, khi thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh người thiếu phụ xinh đẹp trong những đường nét trầm buồn, bối rối như làm phải điều gì lầm lỗi chỉ vì phải tiếp khách trong cảnh trời mưa, mà gia cảnh thì túng thiếu cùng cực…

    Vào thời buổi đó, tôi biết những cảnh túng thiếu, đau khổ đã bao trùm trên hàng vạn vạn nóc nhà trên quê hương Miền Bắc của tôi, mà dưới mỗi mái nhà, là mỗi bi kịch diễn ra hàng ngày hàng giờ qua những đường nét đau khổ khác nhau. Tôi cũng xót xa nhận ra, trong chế độ cộng sản, không những con người phải sống trong bi kịch, mà ngay cả chim muông, cầm thú, cỏ cây, cũng vật vã khổ đau… qua muôn hình vạn trạng.

    Hai hình ảnh của hai người thiếu phụ, trong hai hoàn cảnh khác nhau, đã làm cho tôi xúc động vô cùng. Tôi bước ra ngoài đường nhựa, lủi thủi đi dưới ánh đèn để thấy bóng của mình dài ra, ngắn lại, rồi lại dài ra… Lúc đó, tuổi đời tôi còn rất trẻ, nhưng vì sớm phải sống trong đau khổ, túng bấn, thiếu thốn tình mẫu tử, nên tôi giống như một con chim phải tên, phải ná, lúc nào cũng dụt dè sợ hãi và trong thâm tâm luôn luôn cảm thấy mình đã biết buồn từ khi chưa biết cười, biết nói…

    Trong niềm xúc động của tâm tư, trong sự khát khao hạnh phúc của gia đình, tôi đi trên đường mà tâm hồn chìm đắm trong sự thổn thức không thể nào đè nén, chế ngự… Lúc này, tôi chả thiết tha gì đến chuyện cầm que để dò mìn. Cái hạnh phúc tôi vừa được hưởng, được chứng kiến, quá lớn lao, nếu lúc ấy tôi có dẵm trúng một quả mìn, mìn nổ tung, khiến thân xác tôi tan ra làm trăm ngàn mảnh, tôi vẫn thấy hạnh phúc, được chết cùng với cái hình ảnh tuyệt vời mà tôi đã thấy…

    Tôi đi như vậy được khoảng 20 phút, thì nghe có tiếng người nói chuyện ồn ào ở phía trước. Chậm rãi nép mình vào một thân cây, tôi quan sát, rồi từng bước, từng bước tôi tiến về phía tiếng ồn. Khi còn cách khoảng 50 thước, tôi nhận ra hình dáng một chiếc xe tăng ngay cạnh đường nhựa, dưới chân cầu. Triền dốc thoai thoải, và dưới ánh đèn, tôi thấy khoảng hơn chục người lính đang tụ tập trò chuyện quanh một cái bàn, hay thân cây gì đó. Tôi phập phồng vừa mừng vừa lo. Tôi không biết có nên đến gặp những người lính đó hay không. Tôi không biết khi tôi nói với họ tôi đi tìm tự do, họ có tin hay không? Trong cái không khí đầy chết chóc của thời chiến lúc đó, tôi cảm thấy có cái gì ngại ngùng, lo sợ một cách vu vơ. Tôi thấy những người lính đó ăn nói bạo dạn, khí phách ngang tàng quá nên tôi thấy ngần ngại…

    Sau mấy phút suy nghĩ, chẳng hiểu sao tôi lặng lẽ lùi xa dần, lùi xa dần, rồi rẽ phải, đi dọc theo con đường về hướng nam. Cho đến bây giờ, tôi cũng không còn nhớ rõ, con đường tôi đi vào nửa đêm hôm đó là đườngnào, về đâu, nhưng tôi thấy ấm lòng và tự tin, tôi đã bước vào một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Cuộc đời của tôi trong mai hậu tôi không biết như thế nào, hạnh phúc hay khổ đau, nhưng tôi biết chắc, tôi sẽ sống không uổng phí khi tôi đặt chân đến vùng đất của Tự Do.

    Lúc đó tôi đoán khoảng nửa đêm. Đường nhựa rộng thênh thang, vắng tanh vắng ngắt. Đi khoảng mươi, mười lăm phút nữa, tôi thấy hiện ra ở bên tay phải một đồn lính khá lớn. Trong sân đồn, xe lớn xe nhỏ đậu đầy. Những bao cát chất chung quanh với nhiều hình thù khác nhau. Ngay lối vào, có mấy hàng dây kẽm gai cuộn tròn, loại bùng nhùng, có thể kéo ra, kéo vô dễ dàng. Phía bên tay phải lối vào đồn có một chuồng cu cao khoảng hơn chục thước. Mỗi bên chuồng cu khoảng 3 thước. Nhìn lên chuồng cu tôi thấy có một nòng súng thò ra, nhưng im lìm bất động. Vì bốn phía của chuồng cu đều trống, nên tôi biết ngay trên chuồng cu không có một ai.

    Thời tiết lúc đó rất nóng. Nhìn vào sân của đồn lính, tôi thấy ngổn ngan đủ các loại xe cộ. Bỗng dưng tôi trông thấy một chiếc xe đạp, dựa vào một góc tường. Ngay lập tức trong đầu tôi nảy ra ý định, đi vào sân đồn, lấy chiếc xe đạp, rồi đạp thẳng vô Huế. Ý nghĩ đó có thể nói là rất viển vông, nhưng với tôi lúc đó, là một kẻ không biết gì, thì lại là điều thích thú, tôi tin là mình có thể làm.

    Sau khi quan sát động tĩnh một hồi lâu, tôi thấy quả thực cả đồn lính với không biết bao nhiêu xe cộ, quân trang, quân dụng,vũ khí, nhưng rõ ràng là chẳng có một ai canh gác. Yên tâm, tôi từ từ rón rén bước tới. Ngó quanh quẩn một lần nữa chỉ thấy đường xá vắng lặng, trong đồn thì im lìm, không tiếng động. Hít một hơi thở thật sâu, tôi bước tới, thò tay cầm cuộn dây thép gai kéo qua một bên, cho vừa đủ rộng để bước vô. Nhanh chóng, tôi bước mấy bước là lọt vô được sân đồn. Tôi hồi hộp quá, vội bước nhanh mấy bước tới cạnh chiếc xe Jeep. Nhìn vô trong xe, tôi thấy ngay một khẩu AR-15 dựng đứng, báng để trên ghế, nòng gác vào vô lăng. Ngay cạnh khẩu súng là một chiếc nón sắt. Trong đầu tôi thoáng qua ý nghĩ: Điều đầu tiên là tôi phải có một chiếc mũ sắt đội trên đầu. Vì đó là dấu hiệu đầu tiên có những đường nét thân thiện “phe ta” đối với người lính VNCH. Nghĩ đến là làm ngay, tôi dơ tay với chiếc mũ sắt, đội liền lên trên đầu.

    Ngay lúc đó, tôi nghe thấy tiếng huýt sáo. Nhìn ra, tôi thấy ở phía xa xa, có người đang đi tới. Luống cuống, không biết làm thế nào, tôi vội vàng nhưng nhẹ nhàng, lùi dần, lùi dần về phía bóng tối, để người kia không nhìn ra tôi. Sự luống cuống, thiếu bình tĩnh đã khiến tôi có những phản ứng vô lý. Rõ ràng tôi đã chấp nhận về đây tìm tự do thì tại sao lúc này tôi không mạnh dạn bước ra giữa vùng ánh sáng nói rõ ý định của mình cho người lính VNCH biết? Nhưng bây giờ thì không kịp nữa rồi. Thân hình tôi đã khuất trong bóng tối, tạo cho tôi cảm giác yên ổn, an toàn, nên tôi muốn níu kéo lấy cái an toàn, dù là tạm thời đó.

    Nhìn ra, tôi thấy dưới ánh sáng của đèn điện, một người lính cởi trần, mặc có chiếc quần đùi. Trên cổ lủng lẳng chiếc thẻ bài và một chiếc còi. Vì thời tiết lúc đó nóng, nên người lính vừa đi vừa huýt sáo, bộ điệu rất yêu đời. Tôi đoán, người lính đó có bổn phận gác chuồng cu, mới bỏ chuồng cu đi đâu đó, giờ quay trở về. Trong thoáng chốc, tôi không biết có nên bước ra nói rõ ý định của mình với người lính hay tiếp tục ẩn mình chờ lát nữa lấy xe đạp rồi đạp về Huế. Tôi chỉ nghe thấy Huế đẹp trong thơ văn, nay tôi muốn thấy Huế bằng mắt… Giữa lúc tôi đang lưỡng lự như vậy thì người lính đã bước tới gần chiếc xe Jeep. Tôi biết anh chỉ cần đi vài bước nữa là tới chân cầu thang của chuồng cu, và khi đó, anh sẽ leo lên đó tiếp tục phiên gác của mình. Đột nhiên, người lính gác dừng lại, ngó quanh. Thôi chết tôi rồi, người lính đã nhìn thấy vòng dây kẽm gai bị kéo sang bên. Người lính đã phát hiện có người đi vô đồn… Làm thế nào bây giờ đây?…

    Đột nhiên ngay lúc đó, từ phía thị xã Quảng Trị có một chiếc xe tuần tiễu chạy tới, đèn pha chiếu sáng quắc. Ngay khi chạy tới gần đồn lính, xe quẹo cua về bên phải, nên ánh đèn pha của xa quét một vòng từ trái sang phải. Cả sân đồn lính, bao gồm mọi vật, trong đó có tôi, bỗng dưng hiện rõ mồn mộn dưới ánh đèn pha. Tôi hoảng hốt nhìn về phía người lính. Trong thời gian không đầy một tích tắc đồng hồ, linh tính cho tôi biết, người lính đã nhìn thấy tôi, và người lính cũng biết, tôi đã nhìn thấy ảnh. Chắc chắn, hình ảnh của tôi đứng núp cạnh chiếc xe GMC không phải là hình ảnh thân thiện gì. Quý độc giả cứ tưởng tượng, lúc đó là nửa đêm của thời chiến, của một đêm mà các sư đoàn của VC đang dần dần bủa vây Quảng Trị, và thị xã Quảng Trị đang trong tình trạng thiết quân luật. Giữa sân đồn lính, có một người đầu đội nón sắt của lính VNCH, thân lại choàng một chiếc áo mưa màu đen của bộ đội, đang đứng im phăng phắc, mắt mở to thao láo, và đối diện trong khoảng cách khoảng 10 thước là người lính VNCH, cởi trần, trong tay không có một tấc sắt….

    Vì ánh đèn pha của chiếc xe tuần tiễu chỉ quét qua sân đồn khi quẹo cua, nên sau một hai giây đồng hồ, sân đồn trở lại tình trạng như cũ. Nghĩa là tôi lại ở trong bóng tối, còn người lính VNCH thì vẫn đứng giữa vùng ánh sáng. Từ lúc người lính nhìn thấy tôi cho đến giờ, anh hoàn toàn bất động, đứng im lìm bên cạnh chiếc xe Jeep. Còn tôi lúc đó cũng im lìm, không biết mình phải nói gì, làm gì. Tất cả những chuyện quan trọng này đáng lẽ tôi phải lường trước và phải chuẩn bị, nhưng tôi đã không làm.

    Giữa lúc im lặng căng thẳng và bối rối như vậy, tôi nghe người lính hỏi:

    - Ai?

    Theo phản xạ tự nhiên, tôi trả lời:

    - Tôi!

    Trả lời xong, tôi biết, câu trả lời của tôi rất tối nghĩa. Tôi định cất tiếng nói nhưng lúng túng không biết nói gì. Ngay khi đó, tôi thấy người lính vẫn nhìn về phía tôi, nhưng tay trái của anh đang từ từ thò vào trong chiếc xe Jeep. Tôi biết ngay, người lính đang thò tay lấy khẩu AR-15 gác trên vôlăng xe. Vì vậy tôi vội nói ngay:

    - Ông không cần phải dùng đến súng đâu!

    Lập tức, tôi thấy người lính rụt ngay tay lại, rồi đứng yên, bất động. Thấy người lính như vậy, tôi hiểu ngay, anh đã hiểu sai ý của tôi. Câu nói của tôi lúc đó chỉ có ý, tôi về đây với thiện chí của một người bộ đội đi tìm tự do, chứ không hề có ác ý gì, nên anh đâu cần phải dùng đến súng. Nhưng trong cương vị người lính VNCH, khi nghe tôi nói như vậy, anh tưởng, tôi là người đã sẵn sàng súng ống, sẵn sàng nhả đạn và câu nói của tôi là một lời cảnh cáo… (Ôi, người lính VNCH tối hôm đó, giờ anh đang ở đâu? Nếu đọc được những dòng chữ này, xin hãy liên lạc với tôi…)

    còn tiếp

  2. #8
    nguyenphuong's Avatar
    Status : nguyenphuong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2012
    Posts: 645
    Thanks: 40
    Thanked 16 Times in 6 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 8

    Vì lúc đó, tôi vẫn còn đứng trong bóng tối, còn anh lính VNCH thì đứng dưới ánh sáng đèn điện, nên tôi nhìn thấy anh rõ mồn một, còn anh, nếu có nhìn thấy tôi thì cũng chỉ thấy một bóng đen mờ mờ mà thôi. Chính trong hoàn cảnh đó, nên câu nói tối nghĩa của tôi, “Ông không cần phải dùng đến súng đâu!” càng khiến cho bầukhông khí thêm căng thẳng. Nhận ra sự nguy hiểm của câu nói tối nghĩa, tôi vội vàng nói thêm:

    - Tôi về đây là để đầu hàng các ông… Tôi không có ác ý gì cả… Tôi đi tìm tự do mà ông…

    Tôi nói lắp bắp liền một hơi mấy câu vì nói xong câu trước, tôi vẫn thấy không rõ nghĩa nên phải nói thêm câu sau. Nói xong cả ba câu, tôi thấy vẫn chưa đủ, mà cần phải làm một hành động gì cụ thể và rõ ràng để thể hiện thiện chí của mình hơn. Nghĩ tới đó, tôi vội vàng bước ngay ra vùng ánh sáng đèn điện, hai tay dơ cao lên khỏi đầu…

    Thấy tôi như vậy, người lính có lẽ đã hiểu rõ phần nào ý định của tôi, nhưng chắc chắn anh chưa thể nào tin tưởng ngay những lời tôi nói… Lập tức, anh đưa ngay tay vô trong chiếc xe Jeep, lôi khẩu AR-15 ra khỏi xe, lên đạn, chĩa nòng súng về phía tôi, rồi đưa ngay chiếc còi đeo ở cổ lên miệng thổi liền mấy hồi còi ròn rã…

    Nhìn nòng khẩu súng AR-15 chĩa về phía mình trong khoảng cách không đầy 5 thước, tôi rùng mình sợ cứng cả người. Tôi hiểu, lúc đó, nếu tôi sơ sểnh có bất cứ hành động gì, khiến anh lính VNCH hiểu lầm, lập tức tôi sẽ ăn đạn. Vì vậy, tôi đứng yên bất động, hai tay dơ cao khỏi đầu, miệng lắp bắp mà không biết mình nói gì… Tôi biết rằng, lúc đó, tôi càng tỏ ra sợ hãi, nhút nhát bao nhiêu thì cơ hội sống sót của tôi càng lớn.

    Sau khi thổi mấy hồi còi, người lính VNCH liền chĩa nòng súng AR-15 lên trời và bóp cò… Những tiếng nổ chát chúa vang lên từng tràng, phá tan sự yên tĩnh của đêm tối. Lập tức, từ trong căn nhà, mấy chục người lính chạy ra, có người cầm súng, có người không, có người đeo trên vai lủng lẳng những băng đạn,… nhưng hầu hết đều cởi trần. Tất cả đều vây tròn quanh tôi và anh lính gác… Tiếng huyên náo nổi lên, đủ các câu hỏi, tiếng hò hét, mà tôi thì quá hoảng hốt, nên chẳng nhớ được gì. Nhất là từ ngày đó cho đến nay, cuộc đời tôi liên tục trải qua những biến động kinh hoàng có, đau khổ có, yêu thương hạnh phúc cũng có, mà cái nào cũng lớn lao, sâu đậm, nên đến giờ phút này, ngồi viết lại, tôi chẳng còn nhớ được nhiều… ngoài những chi tiết quan trọng, tạo nên những bước ngoặt lớn lao của cuộc đời tôi.

    Đầu tiên là những câu hỏi gay gắt, nghiêm khắc, và có cả những câu hỏi doạ nạt, đến từ đằng trước, đằng sau, bê trái, bên phải… mà tôi nhớ đại khái như thế này.

    - Anh là ai?

    - Tôi là bộ đội.

    - Anh vô đồn này lúc nào?

    - Tôi vô lúc nãy.

    - Lúc nãy là lúc nào?

    - Tôi không nhớ là lúc nào.

    - Anh vô đã lâu chưa?

    - Khoảng 15, 20 phút.

    - Ngoài anh, còn những ai nữa?

    - Chỉ có mình tôi thôi.

    - Anh phải nói thật. Chúng tôi sẽ ra lệnh bao vây và kiểm soát toàn bộ khu vực này ngay bây giờ. Nếu phát hiện ra một người bộ đội thứ hai, là anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Anh rõ chưa?

    - Thưa, tôi rõ!

    - Có đúng là anh vô đây chỉ có một mình không?

    - Đúng, tôi vô đây chỉ có một mình!

    - Anh bảo đảm không?

    - Tôi “đảm bảo”!

    - Anh vô đây làm gì?

    -Tôi vô đây để đầu hàng các ông. Tôi muốn tìm tự do…

    - Nếu vậy anh là hàng binh. Anh phải khai đúng sự thật, thì anh sẽ được đối xử tử tế như một hàng binh. Anh hiểu chưa?

    - Tôi hiểu. Tôi cảm ơn các ông.

    Ngay lúc đó, tôi thấy có một người lính VNCH lớn tuổi, khoảng gần 50. Trong khi những người lính đều cởi trần thì ông mặc quần áo đàng hoàng. Nét mặt của ông có vẻ khắc khổ, nhưng phúc hậu. Ông quay ra phía mấy người lính nói gì không rõ, một hồi… Sau đó, tôi thấy mấy người lính đứng quanh tôi tản mát, người đi vô nhà, người đi lên, kẻ đi xuống. Riêng người lính già bước lại phía tôi, nhấc chiếc mũ sắt ra khỏi đầu và nhìn tôi cười. Nụ cười của ông thật chân thật và thân mật vô cùng. Tôi xúc động nhìn ông, không nói nên lời. Sau những phút căng thẳng về trí tuệ và thân xác, được trông thấy nụ cười của của ông, và cặp mắt ông nheo nheo, lấp lánh dưới ánh đèn điện, tôi thở phào một tiếng và nhủ lòng: “Vậy là mình thoát chết!”

    Người lính già cất tiếng, giọng Nam, ấm áp và chân tình:

    - Chiếc mũ sắt này nặng lắm. Bỏ ra cho đỡ nặng. Bây giờ chú em theo qua lại đây.

    Tôi ngoan ngoãn đi theo ông. Chung quanh vẫn còn những người lính và những cặp mắt tò mò nhìn theo tôi. Chỉ một chiếc ghế đẩu ngay gần cửa, người lính già bảo tôi ngồi. Tôi vừa ngồi xuống, thì người lính già cúi xuống, ghé sát mặt tôi, rồi nói vừa đủ để tôi nghe:

    - Qua trông chú em là qua biết chú em thiệt thà. Qua dặn chú em điều này, chú em phải nhớ kỹ và làm đúng như lời qua dặn nghe. Được vậy thì chú em đỡ khổ nhiều lắm…

    Nghe vậy, tôi hơi lo lo, nên chỉ biết gật đầu nhẹ, mà không nói thành tiếng. Nhìn ra chung quanh, tôi vẫn thấy có những người lính VNCH đang nhìn tôi. Trong ánh mắt của họ, tôi thấy có sự tò mò, nỗi thương hại, và có cả sự tinh nghịch, thích thú trong đó…

    Tiếng người lính già lại cất lên:

    - Từ rày trở đi, có ai hỏi chú em về làm gì, thì chú em trả lời tôi về “chiêu hồi” nghe chưa. Chú đừng nói chú về đầu hàng. Vì nói vậy, là qua sẽ phải coi chú là hàng binh, là phải nhốt tù chú. Rồi sau này hết chiến tranh là qua sẽ phải trả chú về bển cho VC đó.

    Nghe người lính già nói vậy, tôi giật mình, và tỉnh người ngay. Thực ra, từ khi đặt chân đến lãnh thổ Miền Nam, hành quân xuống vùng Nam Lào ngay sau khi trận Lam Sơn 719 kết thúc, tôi đã từng nhặt được những tờ truyền đơn do phi cơ thả khắp trong rừng. Nội dung của những tờ truyền đơn đó là kêu gọi cán binh, bộ đội VC ra “hồi chánh”, “trở về với chính nghĩa quốc gia”. Mỗi tờ truyền đơn là một giấy thông hành, trong đó chỉ rõ, bộ đội, cán binh VC cầm tờ giấy đó trình với bất cứ cơ quan công quyền hay đơn vị QLVNCH nào, lập tức sẽ được đối xử tử tế… Tuy được đọc những tờ truyền đơn đó, nhưng tôi không bao giờ cất giữ, vì làm vậy sẽ rất nguy hiểm… Bây giờ nghe người lính già nói vậy, tôi xúc động và mừng quá, vội trả lời:

    - Con cảm ơn “qua”. Con nhớ rồi. Từ giờ trở đi ai hỏi con về làm gì, con sẽ trả lời con về “chiêu hồi”…

    Thú thực với quý độc giả, ngay từ giờ phút đó trở đi, hai chữ “hồi chánh” đối với tôi rất thân thương và là niềm tự hào. Sau này, được hội nhập với đời sống của Miền Nam, được đi đây đó, học hành, làm việc, bất cứ ở đâu, gặp bất cứ ai hỏi, tôi đều tự hào nói, tôi là một “hồi chánh viên”. Cũng giống như sau này, khi trở thành một người Việt tỵ nạn, tôi cũng rất tự hào với hai chữ “tỵ nạn chính trị”. Những khi đi làm hãng xưởng, trò chuyện với người Úc, tôi bao giờ cũng dõng dạc và tự hào nói “I’m a political refugee”.

    Trong thời gian về Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, tham dự khoá giảng huấn do Bộ Chiêu Hồi tổ chức, tôi nhớ có một anh bạn, người Hà Nội, cũng chiêu hồi, đã đứng lên thắc mắc về chữ “hồi chánh”. Theo anh, chữ “hồi chánh” chỉ dành cho người đã đi theo tà phái rồi biết đường ăn năn, hối cải, quay trở về nẻo chánh thì mới gọi là hồi chánh. Nghe anh bạn nói, tôi thấy cũng có lý. Bản thân tôi từ khi còn bé đã không ưa gì cộng sản. Tôi không hề bao giờ có ý “phấn đấu” để được vô đoàn thiếu nhi, đoàn thanh niên. Cả cuộc đời tôi luôn luôn tránh xa những ai là đảng viên cộng sản. Tôi luôn luôn cho rằng, bất cứ ai đã là đảng viên cộng sản thì thể nào cũng biến chất và không bao giờ là một con người có lòng nhân ái, biết trọng lễ nghĩa, biết yêu thương nhau một cách chân thành. Duy vật biện chứng và tham vọng phấn đấu trên đường danh vọng của người cộng sản, sẽ giết chết tất cả những gì được gọi là thuần lương vốn có ở con người. Và tôi biết rằng, trong suốt những năm tháng tôi ở Miền Bắc, đâu đâu tôi cũng thấy nhan nhản những người Việt Nam là nạn nhân của chế độ cộng sản. Còn người Việt Nam là cộng sản có rất ít. Cả một làng quê tôi sống, cả mấy ngàn dân, hoạ may chỉ có khoảng 100 người cộng sản là cùng. Nếu lúc đó ở Miền Nam có ai bay ra được Miền Bắc mà nhìn xuống, người đó sẽ thấy cả xã hội Miền Bắc, hàng chục triệu người sống khổ sở, đói khát, lạnh lẽo và không hề có tự do, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, sợ cả người hàng xóm, sợ cả chính người cũng khổ sở như mình… Trong số đó, có rất nhiều người ngày đêm dí sát tai vào chiếc radio, nghe ngóng tin tức về những cuộc “Bắc tiến” của Miền Nam. Trong số những người ôm radio, ngóng đợi, mong chờ tin “Bắc tiến” đó có thầy tôi và ông Tổng Tu, thông gia với thầy tôi, mỗi khi thầy tôi ghé thăm ông ở Hà Nội vào dịp tết.

    Mỗi năm, vào dịp tết đến, thầy tôi thường dắt tôi đi bộ qua hàng chục làng mạc khác nhau, rồi mới về đến quê là làng Đầm mà trên giấy tờ gọi là làng Bích Trì. Tại làng Đầm, ba tôi dắt tôi thăm mộ tổ, mộ ông nội, mộ bà nội, mộ ông ngoại, một bà ngoại, mộ chị Phúc, rồi mộ họ hàng chú bác…. Tất cả các ngôi mộ đó đều xây rất to. Nhất là mộ tổ xây vuông vức, mỗi chiều 4, 5 thước, cao tới ngực của tôi. Trong mộ tổ có 3 ngôi mộ khác xây vòng tròn. Riêng mộ chị Phúc, và mộ bà, khi qua đời là lúc ba tôi đã bị đấu tố địa chủ, rau cháo còn không có ăn, thì làm sao có tiền xây mộ. Bà nội tôi khi qua đời, ba tôi không có đủ tiền để mua một ngọn đèn cầy, một nén nhang, thì làm sao mua nổi chiếc quan tài. May mắn, lúc đó có cụ lang An tuổi đã cao, con cháu đã mua sẵn cho cụ chiếc quan tài để trong nhà, nên khi thấy bà nội của tôi mất, cụ lang An thương thầy tôi, không muốn bà nội của tôi phải bó chiếu chôn, nên đã cho thày tôi chiếc quan tài của cụ… Nhờ nghĩa cử to lớn đó, nên ba tôi lúc nào cũng coi cụ lang An là một đại ân nhân của gia đình. Và hôm nay, khi viết những dòng chữ này, tôi cũng rưng rưng lệ và âm thầm cầu nguyện cho cụ lang An được mãi mãi vinh hiển trên nước Chúa…

    Vì mộ bà nội và mộ chị Phúc chỉ là nấm đất nhỏ bé, sơ sài, nên năm nào cũng vậy, ba tôi và tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ, làm cỏ, dọn dẹp và khiêng những cục đất tảng, hoặc những viên gạch vỡ ở chung quanh về đắp lên trên mộ. Ba tôi vừa làm vừa khóc. Tôi cũng khóc theo. Làm xong, ba tôi và tôi đứng đọc kinh cầu nguyện thật lâu… Tết ở Miền Bắc bao giờ cũng là mùa đông lạnh lẽo, mưa phùn gió bấc. Mà gia đình của tôi lúc đó nghèo lắm, quần áo không có đủ để mặc. Lúc nào cũng phong phanh một bộ, rách như tổ đỉa, vá chằng vá đụp. Trong khung cảnh lạnh lẽo đó, ba tôi và tôi vừa mệt nhọc, vừa đói khát, chùm chung một manh áo mưa rách, vừa đọc kinh, vừa nhìn một bà, một chị Phúc… mà khóc…

    Thầy tôi sống trong cảnh gà trông nuôi con, cả đời chỉ biết dùi mài kinh sử, yêu quý lời của thánh hiền, luôn luôn dậy tôi “khai quyển hữu ích”, mở sách là có lợi, nên đâu có biết gì đến kim chỉ. Nhưng do hoàn cảnh, phải cầm kim cầm chỉ để khâu vá quần áo cho tôi. Vì vậy, những miếng vá của thầy tôi trông xấu xí vô cùng. Thậm chí có

    những miếng rách nhỏ, không có vải để vá, thày tôi chỉ lấy chỉ quấn quanh mấy vòng thành cái núm nhỏ, nên quần áo của tôi trong méo mó thê thảm. Mỗi khi đi học tôi xấu hổ với bạn bè vô cùng, và thường xuyên bị bạn bè dè bỉu. Đã mang tiếng là con địa chỉ, mà lại nghèo khổ nữa nên tôi khổ sở, đi học mà lúc nào cũng như con chim bị tên sợ đậu phải cành cây cong. Những lúc đến giờ ra chơi, tôi thường ngồi chết dí trong lớp, không dám ra ngoài, vì sợ bị chêu trọc, sợ những miếng vá trên quần áo, có thể rách, có thể tuột chỉ, làm trò cười cho thiên hạ….

    còn tiếp

  3. #9
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Cám ơn NP đã đăng hộ bài
    BN

  4. #10
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)


    Hữu Nguyên


    KỲ 9


    Sau khi thăm mộ và viếng thăm họ hàng ở làng Đầm, ba tôi và tôi sẽ đi bộ lên ga Phủ Lý. Từ làng Đầm lên Phủ Lý có 5 cây số. Trên đoạn đường 5 cây số đó, chúng tôi đi dọc theo khúc đê ngoằn ngoèo bên dòng sông Châu. Đó là đoạn đường thật tuyệt vời về mùa hè vì gió từ sông Châu lúc nào thổi lên cũng mát rượi, và dọc theo bờ đê là những rặng ổi chạy dài, khiến không khí lúc nào cũng được ướp trong mùi thơm của ổi. Mỗi khi đi qua đấy, tôi đều hít những hơi thở thật căng lồng ngực và thấy thật yêu đời…. Sau này, trong những năm tháng xuôi ngược khắp mọi miền đất nước, và ngay cả khi sang Trung Cộng, đến Hồng Kông, rồi định cư ở Úc, nhưng không hiểu sao, mỗi khi tôi hít một hơi thở đầy lồng ngực là tôi lại thấy thoang thoảng mùi thơm của trái ổi phảng phất trong không gian… Thì ra, quê hương là một cái gì thân thương, êm dịu, ngọt ngào và đi vô trong tiềm thức một cách vô hình, không thể nào giải thích được. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ đến những con đường lầy lội, những vũng nước chân trâu của quê nhà. Nhớ cái đẹp, cái thơm tho còn dễ hiểu, nhớ cả những cái xấu xí của quê hương, mới lạ lùng, khó hiểu…

    Tới ga Phủ Lý, chúng tôi chờ mua vé có khi ghé Đồng Văn chơi, rồi sau đó ghé Hà Nội, đến nhà bà chị ở phố Huế. Trong những ngày tháng khi còn ở tuổi ấu thơ, đầu óc của tôi lúc nào cũng đày ắp những mộng mơ, những trò chơi tinh nghịch, và thành phố Hà Nội là cả một quyến rũ vô cùng đối với tôi. Nhưng chẳng hiểu sao, trải qua mấy chục năm trời, mỗi khi nghĩ đến Hà Nội, hình ảnh khắc sâu vào tâm trí của tôi vẫn là hình ảnh ba tôi và ông thông gia ngồi trên cái sập gụ, cùng ghé sát tai vào chiếc radio để trên chiếc tủ chè khảm xà cừ. Cả hai cùng chăm chú lắng nghe những chương trình phát thanh tiếng được tiếng mất từ chiếc radio, rồi cùng xầm xì bàn tán với một vẻ mặt vô cùng hệ trọng. Sau này, lớn lên một chút, tôi mới biết là cả hai cụ đều nóng lòng trông đợi từ chiếc radio tin tức “Bắc tiến” để đảo lộn cuộc đời…

    Cuộc đời của ông thông gia với thầy tôi là cả một bi kịch điển hình cho những người Việt có lòng yêu nước, nhưng ngây thơ về cộng sản. Ông người làng Đồng Văn, gia đình danh giá. Sau ông lên Hà Nội học hành và tài giỏi có tiếng. Trong suốt thời gian 9 năm kháng chiến chống Pháp, vì lòng yêu nước và ảo tưởng về những người Việt Minh, ông đã dùng tài ba và sự quen biết của ông với người Pháp, buôn bán thuốc tây và xăng nhớt cho Việt Minh. Qua những câu chuyện giữa ba tôi với ông Đồ Tường, ông Lang An, tôi biết được, trong những năm đầu thập niên 1950, ai đáp xe lửa từ Phủ Lý đi Hà Nội, qua ga Đồng Văn, sẽ thấy những cách đồng chạy dài dọc theo đường xe lửa, chất đầy những phuy xăng, loang loáng phản chiếu ánh sáng mặt trời. Đó là những phuy xăng của ông thông gia, chờ đợi chuyên chở vô các mật khu kháng chiến của Việt Minh. Chính nhờ có công với Việt Minh như vậy, ông thông gia được Việt Minh cấp cho cả xấp giấy “Tổ quốc ghi công”. Ôm xấp giấy đó trong lòng, ông đinh ninh tin tưởng, khi “cách mạng thành công”, Việt Minh trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông sẽ được VC đãi ngộ như là một đệ nhất ân nhân… của chế độ CS.

    Vì đinh ninh như vậy, nên năm 1954, ông nhất định ở lại Hà Nội, và bắt luôn mấy người con cũng phải ở lại với ông. Gia đình ba tôi có 2 người chị, lấy 2 người con trai của ông. Đến năm 1954, một người con trai của ông nhất quyết vô Nam cùng với vợ con. Gia đình người này sau sống ở Sàigòn. Khi tôi vô Nam gặp lại và sống với người chị và ông anh rể đó. Còn lại một bà chị nữa thì phải ở lại cùng với chồng ở Phố Huế, Hà Nội. Ông thông gia còn có một người con trai út, đang học Y khoa thì năm 1954 ập đến cùng với tất cả những đau thương, bi kịch và mọi ảo tưởng, hy vọng của gia đình bị sụp đổ. Nhà cửa của thông gia lần lượt bị tịch thu, của cải phải xung công để “giúp đỡ cách mạng vì buổi ban đầu cách mạng còn rất nghèo, đất nước còn gặp nhiều khó khăn”. Thậm chí ngay cả tòa nhà hai tầng ở Phố Huế là nơi gia đình ông thông gia cư ngụ mấy chục năm trời, VC cũng cho người đến ở chung và theo dõi. Ngay cả chiếc xe hơi cuối cùng của ông, VC cũng không chịu cấp phát bông xăng, nên xe phải nằm ụ một đống cho đến khi không còn hy vọng gì ở sự trả ơn của người VC, ông thông gia mới chịu “hiến không cho cách mạng”. Mặc dù của chìm trong nhà vẫn còn, VC khu phố bắt ông phải đi làm, chứ không được phép “ngồi không ăn bám”. Cuối cùng, ông đành phải cuốc bộ ngày 4 lần đi làm cho một hãng làm mũ, cách đó khoảng 2 khu phố, để nhận những đồng lương chết đói.

    Quá phẫn uất trước cuộc đồi đời và hoàn toàn thất vọng, bế tắc trước cuộc sống không có tương lai, người con trai út của ông thông gia là anh Q. đã lên đường vượt tuyến vô Nam, qua dòng sông Bến Hải. Năm đó là năm 1956 hay 1957 gì đó. Khi tôi ghé chơi căn nhà Phố Huế, những đứa cháu gái của tôi còn chỉ cho tôi những tấm hình anh Q. khắc trên sân thượng, và được nghe kể về những huyền thoại ngang ngược tung hoành của anh tại Hà Nội. Sau này, vô Nam, tôi lại được gặp anh, được chứng kiến cuộc sống ngang tàng, lúc thịnh lúc suy của anh. Nghe đâu lúc gặp thời, anh được trọng dụng, vì anh là một trong những người hồi chánh đầu tiên tại Miền Nam. Anh có xe hơi riêng, và nghe nói có lúc, anh nắm quyền điều động một trung đội lính nghĩa quân có trách nhiệm bảo vệ Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè.

    Tôi phải dài dòng một chút về những kỷ niệm xưa, để qúy độc giả hiểu rõ hơn những cảm xúc, những rung động khi tôi được gặp gỡ lần đầu tiên những người lính VNCH, những người lính mà ba tôi và ông thông gia, cùng không biết bao nhiêu triệu người Việt trên đất Bắc đã ngày đêm mông đợi họ sẽ ào ạt đổ quân lên đất Bắc trong một cuộc Bắc tiến giống như hai thế kỷ trước, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, giải phóng quê hương khỏi họa ngoại xâm nhà Thanh.

    Nửa đêm hôm đó, ngồi trong đồn lính cảnh sát dã chiến, ngay cạnh thị xã Quảng Trị, tôi bâng khuâng nhìn những người lính, nhìn cảnh xe cộ, súng ống… Giữa lúc tôi đang còn sống trong mộng như vậy thì đột nhiên, từ phía thị xã Quảng Trị có hai chiếc xe Jeep phóng thẳng vô đồn. Trên hai chiếc xe, tôi thấy có nhiều người lính, hoặc sĩ quan, nhưng tôi không rõ cấp bậc. Tôi chỉ nhớ có một người lính ăn mặc rất đẹp, quần áo ủi hồ cứng bóng, điệu bộ rất tài tử, và khẩu súng anh ta đeo ở hông cũng đặc biệt, để lộ ra chiếc báng súng bằng ngà. Cho đến nay, tôi cũng không biết rõ cấp bậc anh ta là gì. Nhưng tối hôm đó, anh có vẻ xếp sóng vì tôi thấy anh liên tục ra lệnh… Sau đó, tôi được lệnh lên xe theo anh về gặp xếp của ảnh.

    Vừa mới lên xe ngồi, tôi đang bâng khuâng thì người lính già xuất hiện, thò tay nắm lấy tay tôi. Bàn tay ông xương sẩu, ram rám, gân guốc, chai sạn. Ông bóp lấy bàn tay tôi, như một sự gửi gắm, nhắn nhủ… Tôi rất xúc động. Chỉ mới có không đầy nửa tiếng đồng hồ, mà tình cảm của tôi đối với ổng thật sâu đậm… Sau đó, ổng vỗ vai người sĩ quan tài tử ngồi phía trước tôi và phía bên phải người tài xế, rồi ổng nói đại khái:

    - Mày nhớ là chú em này về chiêu hồi đó nghe. Đãi ngộ xứng đáng, và nhớ là không được còng tay còng chân gì đó…

    Tối hôm đó, sau khi gặp tướng Giai, tôi được đưa về một căn phòng có khóa. Tại đây, tôi được trao cho một bộ đồ lính VNCH. Vì bộ đồ bộ đội tôi mặc lúc đó rách bươm, nhất là hai ống quần dính bê bết máu. Máu đã khô, làm vải quần dính chặt vào da, cởi ra đau đớn vô cùng. Một người lính VNCH phải dắt tôi xuống bếp, lấy nước sôi pha với nước lạnh cho ấm, rồi đắp lên hai ống quần cho mềm. Sau đó, anh lính lấy kéo cắt ống quần thành từng mảng nhỏ, rồi gỡ dần thật nhẹ nhàng. Vậy mà tôi vẫn phải chịu đựng đau đớn gần một tiếng đồng hồ mới gỡ hết tất cả những miếng vải của chiếc quần bộ đội khỏi đôi chân của tôi…

    Tối hôm đó, món ăn đầu tiên tôi được thưởng thức trên vùng đất tự do là gói đậu phộng da cá, do chính người lính đẹp trai đưa. Sau đó, tôi được ăn cơm xấy, đồ hộp, được đưa đi tắm rửa rồi lên giường ngủ một giấc đầy ác mộng. Trong giấc ngủ, tôi nằm mơ thấy tôi bị hàng chục tên VC đuổi bắn. Tôi bị trúng đạn vào cổ, máu chảy tung tóe, nhưng tôi vẫn chạy. Tôi chạy nhanh lắm, và càng chạy nhanh thì vết thương ở cổ của tôi càng xé to ra, gió lùa vào càng mạnh, khiến máu càng phun ra có vòi, và tôi nghe thấy cả tiếng gió hú từ vết thương thành tiếng u… u… Đến đó tôi giật mình tỉnh dậy, toát mồ hôi, kinh sợ hồi lâu… để rồi vui mừng nhận ra là mình đang nằm mơ… ở giữa vùng trời tự do!

    Trong suốt những năm sau này, cơn ác mộng đó thỉnh thoảng vẫn đến với tôi. Lúc đầu thì thường xuyên, tháng độ vài lần. Sau thưa dần rồi mất hẳn… Nhưng điều kỳ lạ là khi VC vô Nam năm 1975, thì bỗng dưng cơn ác mộng đó lại xuất hiện. Vì phải sống trong những cơn ác mộng như vậy, nên tôi luôn luôn đinh ninh thế nào cũng có ngày tôi bị VC bắn chết ý hệt trong mơ. Cho đến khi tôi phải bơi qua sông Calong, vượt biên sang Trung Cộng vào ngày 1 tháng 10 năm 1978 (tôi nhớ ngày đó vì đó là ngày Quốc khánh của Trung Cộng), tôi vẫn còn tiếp tục sống với cơn ác mộng y hệt như cơn ác mộng tôi trải qua ngay trong đêm đầu tiên đặt chân đến vùng đất của tự do. Rồi khi đặt chân đến Úc, phải vô bệnh viện Randwick để điều trị vết bầm trong phổi (vì tôi bị hơn chục vệ binh quản giáo VC đánh hội đồng tại quân lao Gò Vấp vào năm 1976), tôi vẫn còn gặp và phải trải qua những cơn ác mộng như vậy, và có những đêm khuya, tại bệnh viện Randwick tôi đã vừa chạy vừa la hét ầm ĩ…

    Khi tôi về đến Quảng Trị là lúc VC bắt đầu pháo kích vô thị xã. Vì vậy, tôi chỉ sống ở Quảng Trị có vài ngày, sau đó được đưa về Đà Nẵng. Tại đây, tôi được gặp một vài anh bạn bộ đội hồi chánh khác, trong đó có hai anh nguyên là tù binh nhưng được đổi sang dạng hồi chánh. Lúc đó, chúng tôi có khoảng 5 hay 6 người. Được cấp tiền riêng để đi chợ mua đồ ăn rồi về nấu nướng ăn uống với nhau. Điều tôi thấy lạ lùng nhất là hầu như không có một người lính VNCH nào tỏ ra nghi ngờ theo dõi chúng tôi. Đồng ý, trong lòng của tôi, khi về chiêu hồi là thực lòng. Nhưng tôi biết, không phải người hồi chánh nào cũng thực lòng. Sống trong chế độ CS hai chục năm trời, tôi hiểu, người CS có trăm phương ngàn kế để trà trộn, thâm nhập, phá hoại. Nhưng trong những ngày tháng đó, chúng tôi hoàn toàn được sống tự do, được đi chợ mua sắm, mà không hề có một người lính nào theo dõi, giám sát.

    Một hôm, tôi và anh Nhị, cùng mấy hồi chánh viên khác được lên xe đi ra phố mua sắm. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một khu chợ búa sầm uất của Miền Nam tự do. Hàng hóa tràn ngập, đồ ăn thức uống không thiếu thứ gì. Nhưng điều làm tôi xúc động nhất, thấy cuộc đời đi tìm tự do của mình có ý nghĩa nhất là một quầy sách có đủ những loại sách mà tôi có nằm mơ cũng không thể thấy. Trong suốt cuộc đời 20 năm của tôi ở Miền Bắc, tôi luôn luôn khao khát được đọc. Đọc bất cứ thứ gì, miễn sao nó có chữ. Nhất là những cuốn sách bị cấm thì nó luôn luôn có một ma lực lôi cuốn vô cùng. Nói đúng ra, tất cả những sách cũ, xuất bản trước năm 1954, đều là sách cấm. Mượn được những cuốn sách loại này là cả một ơn huệ vô cùng to tát đối với tôi.

    còn tiếp

  5. #11
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 10


    …Cũng vì lòng ham mê đọc sách cấm, nên ngay từ khi mới trên dưới 10 tuổi, tôi đã thường xuyên bị ông anh đánh đòn chỉ vì tội, lấy trộm sách của ông đọc lén. Trong căn nhà của tôi ở vào những năm đầu thập niên 1960, là một căn nhà tranh, nghèo nàn, nền đất lồi lõm giống như ngoài sân, vách cũng làm bằng bùn trộn với rơm. Trong căn nhà nghèo khổ đó, có những vật dụng quý phái tương phản một cách lạ lùng. Chúng là dấu tích của thuở vàng son của gia đình tôi ngày xưa để lại. Đó là một chiếc lọ lục bình bị bể miệng, cao gấp rưỡi tôi. Là chiếc điếu ống khảm bạc, có chiếc cần cong vút bằng đồng. Là hai chiếc thùng bằng sắt tây to bằng hai người ôm, cao gần bằng tôi, có dòng chữ vừa tiếng Việt vừa tiếng Hoa, “Thuốc Lào Vinh Ký”. Vinh Ký là tiệm thuốc lào của nhà tôi ngày xưa ở Hà Nội. Ngoài ra, còn mấy tấm câu đối chữ nho, và một bức hoành phi thật to, có 3 chữ nho, “Thừa Thiên Ưu”. Qua những câu chuyện của thầy tôi với những người bạn của ông cụ khi họ tới thăm, mà tôi có dịp say sưa ngồi hóng chuyện, và say sưa hít khói thuốc lào, tôi biết được, bức hoành phi đó do một người tặng thầy tôi khi ông cụ ăn khao, với ý nghĩa, mọi sự giàu sang phú quý vinh hiển mà thầy tôi có được là nhơ ân nghĩa của trời…

    Những vật dụng mang dấu tích vàng son đó đã được đào lên từ chiếc hầm ở làng Đầm, sau khi thầy tôi được xuống địa chủ. Khi đào hầm mới biết, phần lớn những của cải thầy tôi chôn xuống khi phải “tiêu thổ kháng chiến” đã bị ai đó đào lên lấy gần hết. Trong số những vật dụng dấu tích vàng son của ngày xưa ấy, tôi mê đắm nhất là những bó sách cũ, mà ông anh tôi cất ở trên trần nhà. Những cuốn sách cũ được buộc dây cẩn thận, chừng khoảng 50 cuốn mỗi bó. Những bó đó được xếp lên trên hai chiếc cột bắc ngang trần nhà. Hai chiếc cột đó to bằng cổ chân, sơn son thếp vàng, và có con rồng cuốn ở một mặt cột. Theo lời của ông anh tôi, thì đó là hai chiếc cột khiêng võng ngày xưa. Nhưng những cột đó cột võng như thế nào, khiêng võng ra sao, thì tôi cũng không biết.

    Vì mê sách cấm, nên tôi cứ rình những khi anh tôi đi vắng, là tôi vội vàng bắc ghế, leo lên, rồi rút từng cuốn sách ra đọc say sưa. Vì còn quá bé, tôi không thể nào đủ sức lôi xuống cả bó từ trên trần nhà. Tôi cũng không thể nào đủ khôn khéo để có thể nhét những cuốn sách đã đọc xong vào trong bó cho ngay ngắn như cũ. Kết quả là sau một thời gian rút sách ra đọc, bó sách sẽ xộc sệch, để rồi một ngày kia, cả bó sách rớt xuống, văng vãi khắp mọi nơi. Sau đó, là một trận đòn nhớ đời, mà số roi đòn, tôi phải tình nguyện tự nhận qua một cuộc “tự kiểm thảo” trước mặt anh tôi.

    Tôi có thể nói, ở cả Miền Nam, và kể cả Miền Bắc, tất cả những học sinh ở tuổi tôi lúc đó, không ai phải chịu những khổ sở, những nỗi cực hình qua những cuộc “tự kiểm thảo” như tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao, ông anh tôi, sinh ra và lớn lên trong thời Pháp thuộc, được học chương trình Pháp, lại cũng là con của thầy tôi, mà ông lại có thể học hỏi và áp dụng được cái lối giáo dục rất phi nhân của người cộng sản, đó là trò “tự kiểm”.

    Thông thường, mỗi tuần, tôi và những đứa con của anh tôi, cũng sàn sàn tuổi tôi, phải trải qua màn “tự kiểm” một lần, vào một buổi chiều cuối tuần. Mỗi khi nghe anh tôi hét lên “tự kiệm” là chúng tôi sợ xanh cả mặt. Tất cả 4, 5 đứa chúng tôi phải đứng một hàng ngang trước mặt anh tôi, theo thứ tự, từ đứa lớn nhất đến bé nhất. Tất cả đều phải khoanh tay trước ngực, nét mặt đứa nào cũng đầy lo sợ vì những tội trạng đã phạm trong tuần. Trên bàn là một chiếc roi mây, một đầu được cuộn lại thành vòng tròn cho dễ cầm, dễ quất. Ngồi chễm chệ trên ghế trước mặt chúng tôi là ông anh tôi, với nét mặt nghiêm trọng như một vị chánh án. Không khí trong căn nhà tranh vách đất lúc đó im phăng phắc. Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng thở hổn hển của mình và của người bên cạnh.

    Sau vài phút đồng hồ ngắm nghĩa sự sợ hãi của chúng tôi, anh tôi bắt đầu mở màn bằng một bài luân lý giáo khoa thư, được cập nhật hóa bằng những lý luận cách mạng của người cộng sản, những trích thời thượng lời của lãnh tụ cộng sản, kể cả “5 điều Bác Hồ dậy”, và những thí dụ “người tốt việc tốt” trên báo, trong truyện hay trong phim ảnh tuyên truyền, mà anh tôi đã coi đã xem.

    Tiếp theo là màn tự phê rồi phê của từng “bị cáo”. Tự phê là chính bản thân “bị cáo” phải cố gắng nhớ lại tất cả những tội lỗi mình đã phạm trong tuần rồi thành thật khai báo. Còn phê là sau đó, những “bị cáo” còn lại phải vắt óc nghĩ xem, “bị cáo” kia khai báo còn thiếu sót chỗ nào, thì thành khẩn bổ sung. Vì trò phê và tự phê đặt nền tảng trên sự thành thật khai báo của mỗi người, cộng với sự thưởng phạt của anh tôi, nên tất cả “bị cáo” đều say sưa bới móc tội lỗi của nhau, tố khổ nhau. Phạt là phạt thêm roi đòn. Còn thưởng thì chẳng được cái gì mà chỉ được bớt roi đòn mà thôi.

    Mỗi “bị cáo”, sau khi thành khẩn khai hết tội lỗi của mình, và lắng nghe những lời tố cáo bổ sung của những “bị cáo” đồng cảnh ngộ xong, là đến màn tự mình nhận hình phạt thích ứng cho mình. Trẻ con cũng như người lớn, xưa nay chẳng có ai thích nhận hình phạt nặng nề bao giờ. Chúng tôi cũng vậy. Nhưng nếu chúng tôi nhận hình phạt nhẹ quá là lập tức sẽ bị ghép vào tội thiếu thành khẩn. Ai bị kết tội này, sẽ nhận thêm hai roi đòn bổ túc. Vì vậy, chúng tôi phải nhận hình phạt sao cho hợp với tội trạng. Có vậy, còn hy vọng được anh tôi giảm khinh. Sau khi mình tự nhận hình phạt xong, sẽ đến màn anh tôi hỏi các “bị cáo”, hình phạt “bị cáo” tự nhận có xứng đáng không. Nếu không, thì phải tăng lên mấy roi..v..v..

    Sau khi số roi được ngã ngũ, sẽ đến màn anh tôi thực thi hình phạt. Anh tôi thường đánh chúng tôi bằng roi mây và đánh vào bàn tay, chứ không mấy khi đánh vào mông. Mỗi người khi chịu hình phạt, phải ngửa một bàn tay trước mặt, bàn tay kia cầm lấy cổ tay, và giữ nguyên cho đến khi bàn tay đó ăn đủ số lượng roi đòn. Chịu roi mây đánh vào lòng bàn tay là cả một cực hình đau đớn, nên theo bản năng, người chịu cực hình hay tự động rụt tay lại. Nhưng chúng tôi không bao giờ dám rụt tay, và ngay cả bản năng này cũng mất, vì mỗi lần rụt tay, để anh tôi đánh hụt, lập tức roi đó sẽ được đánh bù gấp đôi. Thôi thì thà nghiến răng chịu đau một roi, còn hơn chịu gấp đôi.

    Trong những ngày tháng ở tuổi ấu thơ ấy, tôi luôn luôn sống trong nỗi phập phồng lo sợ chờ đợi đến những buổi “tự kiểm”. Tôi sợ đến nỗi, đã nhiều lần, muốn bỏ nhà ra đi mà rồi vẫn không đi được.

    Trong số những tội lỗi phải ăn đòn, bao giờ tội lấy trộm sách cấm cũng ăn đòn đau nhất và nhiều roi nhất. Anh tôi sợ, những cuốn sách cấm đó lọt vô tay tôi, rồi sẽ có ngày lọt ra ngoài, ảnh hưởng đến con đường phấn đấu vô đảng của anh tôi, và tai hại đến cho gia đình, nhất là trong gia đình đó, thầy tôi đã là một địa chủ thời cải cách ruộng đất. Hơn nữa, anh tôi cũng sợ, đọc những cuốn sách cấm đó tâm hồn tôi sẽ bị “hư hỏng”. Nhưng dù bị cấm đoán, bị đòn đau liên tục mỗi tuần, tôi vẫn không bao giờ chừa được tội lấy trộm sách. Đó là cả một nỗi đam mê, giống như chờ được ăn trái cấm. Vì mỗi khi lấy được một cuốn sách, cho dù chưa kịp đọc, niềm vui trong tôi đã lớn lao vô cùng, và lúc nào trong tâm hồn tôi, niềm sung sướng sẽ được đọc cuốn sách đó cũng dạt dào, ngự trị, khiến tôi cả ngày thẫn thờ như thằng mất trí…

    còn tiếp

  6. #12
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)
    Hữu Nguyên


    KỲ 11

    Bình thường, một đứa bé đang ở tuổi đi học, đọc truyện đã là điều khó khăn vô cùng, vì cha mẹ luôn cấm đoán. Huống hồ tôi lại đọc sách cấm, thì sự khó khăn nguy hiểm phải gấp bội. Biết tôi mê coi truyện, nên ba tôi có thói quen, đột xuất ghé lại bàn nơi tôi đang ngồi học, và hỏi tôi đang học gì, đang đọc sách gì, cho ba tôi coi. Vì vậy, để có thể ngồi đọc thoải mái những cuốn sách cấm đầy quyến rũ, như Bồng Lai Hiệp Khách, Phong Kiếm Xuân Thu, Giao Truỳ Hiệp Nữ, Trống Mái, Hồn Bướm Mơ Tiên, Gánh Hàng Hoa, Cơm Thầy Cơm Cô…. tôi phải lột bìa vài cuốn giáo khoa, kích thước to nhỏ khác nhau, rồi dán lại thành những loại bìa sách “cơ động”, bọc ra bên ngoài cuốn truyện mà tôi đang đọc. Nhờ vậy, mỗi khi ba tôi ghé lại hỏi “con đang đọc sách gì”, là tôi nhanh chóng gập ngay cuốn sách truyện đang đọc lại để cho ba tôi thấy đó là bìa của một cuốn sách giáo khoa. Mưu kế của tôi tuyệt hảo và tôi đã sử dụng mưu kế đó suốt những năm dài từ khi tôi học cấp hai… Cho đến một ngày nọ, vui chuyện, tôi tiết lộ mưu kế của tôi cho một người bạn học. Tưởng là truyền nghệ cho bạn, không ngờ, người bạn này liền bí mật kể lại cho ba tôi nghe. Tôi vẫn đinh ninh tưởng ba tôi không biết, tiếp tục dùng mưu gian, cho đến khi tôi bị ba tôi bắt quả tang….

    Chiều hôm đó, tôi bị một trận đòn đau lắm, đau vô cùng, chưa bao giờ tôi bị đòn đau như vậy. Tôi bị đánh hồi chiều. Đau đến nỗi tôi đi không được. Tối đến, ba tôi bắt tôi cởi quần áo rồi lấy dầu tây trong chiếc đèn huê kỳ, xoa bóp cho tôi. Vừa xoa bóp, ba tôi vừa khóc… Nhìn những giọt nước mắt của ba tôi đêm hôm đó, tôi xúc động, thương ba tôi vô cùng. Tôi cúi mặt xuống giường, úp mặt vào hai bàn tay, và tôi lặng lẽ khóc trong niềm ân hận… trong khi ba tôi vẫn xoa bóp cho tôi. Chính những giọt nước mắt của buổi tối hôm đó, đã gột rửa tâm hồn tôi, và biến tôi thành một người sống hiếu thảo và có trách nhiệm.

    Tôi kể lại lòng đam mê đọc sách của tôi lúc tôi còn bé, để các bạn thấy được khi tôi đứng trước một quầy sách ở phố chợ Đà Nẵng, có đủ các loại sách “cấm”, tôi đã trải qua những giây phút hạnh phúc vô biên như thế nào… Sau này được đặt chân đến nhà sách Khai Trí, được đọc những cuốn truyện chưởng, tôi mới thấy tất cả những giây phút hạnh phúc vô biên khi đứng trước quầy sách ở Đà Nẵng, thiệt chẳng thấm vào đâu. Hay nói đúng hơn, kể từ khi được đặt chân lên vùng đất tự do của Miền Nam, tôi giống như một người leo núi, mỗi ngày trôi qua là một ngày nhìn thấy bầu trời hạnh phúc của mình rộng hơn, cao hơn, mênh mông hơn, với những hương hoa, màu sắc mới lạ hơn. Nhìn lại những ngày tháng từ khi sống tủi nhục, cực khổ trong chế độ cộng sản cho đến khi được hít thở bầu không khí tự do của Miền Nam, tôi thấy cuộc đời tôi giống như một mũi tên rời khỏi cung, bay băng băng trong đêm tối, bay cả trong lúc hoàng hôn, bay cả khi bình minh. Tôi thấy mình giống như một cậu bé mới lớn, choáng ngợp trước cả một thế giới đồ chơi đầy mới lạ, trong khi thời gian của đời tôi thì có hạn…

    Sau khi ở Đà Nẵng được mấy tuần, vì chiến trận lan rộng, nên tôi được chuyển về Phủ Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương ở bến Bạch Đằng. Tại đây có một bác có gương mặt phúc hậu, thường xuyên làm việc với tôi. Ngay buổi làm việc đầu tiên, bác hỏi tôi thích gì nhất trên đời. Tôi trả lời, thích đọc sách. Bác mỉm cười, mở chiếc tủ nhỏ ngay cạnh ghế, lấy ra một cuốn sách đưa cho tôi. Tôi nhìn bìa thấy bốn chữ Cô Gái Đồ Long, nét chữ tung hoành, cùng với bức tranh vẽ một trang nam tử đang giao đấu ác liệt một nữ nhân. Phía dưới bốn chữ Cô Gái Đồ Long có dòng chữ nhỏ hơn, “Võ hiệp kỳ tình, tiểu thuyết Trung Hoa”…

    Ngay chiều hôm đó, tôi đọc say sưa, đọc một hơi cho tới chiều tối. Đến giờ ăn tối, tôi chỉ ăn qua loa, rồi say sưa đọc tiếp. Giống như một đứa bé thích ăn kem, sợ hết phải ăn dè, tôi vừa đọc ngốn ngấu, lại vừa sợ hết. Tôi đọc cho đến khoảng 4 giờ sáng thì hết cuốn một. Tôi không thể ngờ, trên đời này lại có người viết truyện lôi cuốn đến như thế. Khi đọc cuốn Cô Gái Đồ Long, niềm sung sướng đến với tôi mênh mông và lớn lao vô cùng. Tuy thức gần như trắng đêm đọc truyện, nhưng tôi không tài nào ngủ được. Hai mắt tôi mở chong, đầu óc tôi minh mẫn lạ thường, khí huyết trong người rạo rực… Tôi chỉ mong trời mau sáng, gặp lại bác già để bác cho mượn cuốn 2.

    Trong phòng tôi ở lúc đó, có mấy người cũng hồi chánh, nhưng họ là người Miền Nam. Thấy tôi say sưa đọc truyện, một anh cho tôi biết, Cô Gái Đồ Long trọn bộ có 6 hay 7 cuốn gì đó. Nghe vậy tôi mừng quá. Người bạn còn bảo, ông Kim Dung viết truyện kiếm hiệp có tới cả chục bộ như bộ Cô Gái Đồ Long. Nghe anh nói, tôi càng mừng hơn. Anh bạn đó còn bĩu môi, nói ra vẻ hiểu biết:

    - Cô Gái Đồ Long này thì cũng hay, nhưng đã ăn nhằm gì so với bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ…

    Nghe anh nói tôi thấy sướng quá. Thấy anh thật tuyệt vời. Nhìn gương mặt rạng rỡ của tôi, anh thích thú khoe:

    - Truyện kiếm hiệp này nhà tôi có cả mấy tủ.

    Tôi ngạc nhiên nhớ lại:

    - Sau lúc nãy anh nói anh chúa ghét truyện kiếm hiệp?

    Anh ta gật đầu:

    - Đúng, tôi ghét truyện kiếm hiệp chớ sao. Nhưng thằng em tôi thì nó mê. Được đồng nào ăn quà là nó để dành mua sách. Cả chục năm như vậy, quen rồi. Bây giờ nó đã có vợ, có con, mà vẫn mê kiếm hiệp hơn mê vợ.

    Rồi anh còn bảo ông Kim Dung viết truyện kiếm hiệp không hay bằng ông Ngọa Long. Dịch giả Hàn Giang Nhạn dịch không hay bằng Thương Lan, Từ Khánh Phụng… Nghe anh nói, tôi như một con chim ngây thơ, chỉ biết vâng vâng dạ dạ, mà trong lòng chỉ nghĩ cách làm quen với thằng em của anh để đọc sách cọp…

    Ngay buổi sáng hôm đó, bác già mang đến cho tôi trọn bộ Cô Gái Đồ Long từ cuốn 2 đến cuốn 7. Trong những ngày kế tiếp, tôi nằm dài ra ngốn sách một cách say sưa, bất kể ngày hay đêm, sáng hay chiều, vừa ăn cơm xong, hay lúc chưa ăn cơm, tôi không cần biết. Trong đầu óc tôi lúc đó chỉ nghĩ một chuyện duy nhất là Cô Gái Đồ Long. Tất cả những nhân vật trong truyện nhảy múa trong óc tôi, rồi hiện lên như những con người bằng xương bằng thịt. Trương Thuý Sơn, Hân Tố Tố, Tạ Tốn, Vô Kỵ, Triệu Minh, Tứ Hộ Pháp Vương trong Minh Giáo…. tất cả đều lần lượt ngự trị trong tim, trong óc tôi, dìu dắt tôi đi vào một thế giới hoang lạ, đầy phong ba bão táp, khiến trí tưởng tượng của tôi phát triển đến vô cùng…. Thậm chí ngay thời gian đó, có một nhân viên làm việc ở Phủ Đặc Ủy Tình Báo, biết tôi ở Phủ Lý, làng Bích Trì, đã trò chuyện với một số người đồng hương của tôi ở Sàigòn, và tình nguyện chở tôi đi gặp họ để họ tìm mấy bà chị cho tôi. Nhưng vì mê đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung, nên tôi kiếm cách từ chối. Tôi không muốn thì giờ của tôi dành vào bất cứ chuyện gì khác, ngoài việc đọc sách.

    Trong những ngày tháng đó, tôi đâu có ngờ được, sau 1975, khi tôi bị cộng sản bắt, đem vô trại cải tạo, chính vốn liếng truyện kiếm hiệp Kim Dung, đã giúp tôi sống sung sướng, sống trong sự trọng vọng của những người bạn tù.

    Nhớ hồi đó, sau khi bị cộng sản bắt, tôi phải sống mấy tháng ở Trung Tâm Thẩm Vấn Hỗn Hợp Việt Mỹ, rồi Quân Lao Gò Vấp, trước khi bị chuyển xuống Kàtum lao động. Khi bước chân vào chiếc lán giữa vùng rừng núi Kàtum lạnh lẽo, tôi thấy khoảng hai chục anh tù cải tạo đang xúm quanh một anh chàng râu quai nón. Anh này đang thao thao bất tuyệt kể truyện chưởng Cô Gái Đồ Long. Cả đám đông ai ai cũng há miệng ra nghe một cách say sưa. Mấy chục người chen chúc bu quanh anh, mà tôi không nghe một tiếng động. Tất cả im phăng phắc, ngoài trừ giọng kể the thé của anh chàng quai nón…

    Chỉ nghe thoáng qua, tôi biết kiến thức về truyện chưởng của anh thuộc loại ăn đong. Kể truyện Cô Gái Đồ Long mà quên cả tên, biệt hiệu của Tứ Hộ Pháp Vương trong Minh Giáo thì kể hay sao được. Tôi lúc đó đang mệt vì sau chặng đường dài chuyển trại từ Sàigòn tới Tây Ninh. Vì vậy, tôi chẳng màng đến chuyện anh bạn đang múa rìu qua mắt thợ…. Nhưng nghe một hồi nữa, tôi thấy bực bội vì anh dám xuyên tác truyện

    chưởng Kim Dung. Thì ra những tên người, những thế võ nào anh không nhớ là anh tự cho mình cái quyền cương ẩu, bịa láo. Như vậy là không được. Như vậy là xúc phạm đến Kim Dung, xúc phạm đến tôi, một đệ tử âm thầm của Kim Dung… Tôi thấy mình có bổn phận phải lên tiếng bảo vệ thanh danh của Kim Dung. Tôi phải cho anh chàng kia một bài học. Nghĩ vậy, tôi vùng dậy, đi thẳng tới chỗ đám đông đang nghe truyện…

    còn tiếp

Trang 2/19 đầuđầu 123412 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Trả lời: 4
    Bài mới nhất : 07-09-2020, 04:51 PM
  2. Tiếng hát Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết ♫
    By BachMa in forum Nhac Trữ Tình
    Trả lời: 22
    Bài mới nhất : 06-07-2020, 04:19 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 12-23-2014, 10:23 PM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-31-2014, 06:40 AM
  5. Chia Buồn GĐ KQ Tống Hữu Gia
    By khongquan2 in forum Phân Ưu
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 07-02-2014, 01:46 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •