Remember ?

Trang 1/2 12 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 112

Tựa Đề: Hồi ký TÔI TÌM TỰ DO - Nguyễn Hữu Chí ( Hữu Nguyên )

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Hồi Ký TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên

    KỲ 4

    Tuần qua, tôi rất hân hạnh nhận được email của ông Huỳnh Bá Phụng, Chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân tiểu bang Queensland. Ông Phụng là người tôi quý trọng đặc biệt kể từ khi tôi được gặp ông lần đầu tiên ở nhà của nhà thơ Nam Man. Hôm đó, trong lúc trò chuyện có đông đủ nhiều người, ông Phụng đã kể cho tôi nghe, khoảng chục năm trước, khi tôi viết bài cho báo Chiêu Dương của anh Nhất Giang, chính ông Phụng đã là người nghi ngờ tôi là một tên cộng sản nằm vùng. Khả năng bén nhậy của một sĩ quan tình báo phản gián của QLVNCH, cộng với tinh thần chống cộng của một người Việt tỵ nạn cộng sản, đã khiến ông viết thư gửi ngay cho anh Nhất Giang, trình bầy thẳng thắn những nghi ngờ của ông, và khuyên anh Nhất Giang “nên thận trọng đối với Hữu Nguyên”. Tôi không hiểu vào lúc đó, anh Nhất Giang có nghi ngờ gì tôi hay không, nhưng tôi thấy cách anh cư xử với tôi vẫn rất đằm thắm, đúng phong độ của một đàn anh trong làng báo. Tôi cũng biết, trong cộng đồng người Việt lúc đó, có nhiều người nghi ngờ tôi, cho dù tôi luôn luôn nói thực hoàn cảnh xuất thân “nón cối dép râu” của mình. Xem ra tôi càng nói thật cuộc đời của mình, thì sự nghi ngờ của người đối diện càng gia tăng. Vậy mới lạ! Nhưng có lẽ, tất cả đều giữ sự nghi ngờ ở trong lòng, riêng ông Huỳnh Bá Phụng là người đầu tiên nói thẳng với tôi sự nghi ngờ của ông.

    Cũng trong tuần qua, tôi hân hạnh nhận được cú điện thoại của chị ĐTKM, vợ của anh HD, trên Queensland. Trong thời gian khoảng 15 phút đồng hồ được trò chuyện với cả hai vợ chồng, tôi vừa xúc động, vừa mừng, và thấy thật an ủi, khi nhớ lại những ngày tháng xa xưa…

    Ngay khi nhấc điện thoại, nghe chị KM hỏi tôi có phải là Nguyễn Hữu Chí, và trước đây ở Sàigòn có quen cô C.T. Thuý Phương hay không, tôi vô cùng bàng hoàng, vì cả một quá khứ sóng gió, nguy hiểm đột ngột hiện về… Đó là những ngày tháng tôi vừa trốn khỏi trại cải tạo Kàtum, đang sống lang thang ở Sàigòn thì tình cờ quen cô Phương… Lúc đó, tôi đã nói thật với cô Phương hoàn cảnh của tôi, một hồi chánh viên, vừa vượt ngục, không nhà cửa, không tiền bạc… Với tấm lòng đôn hậu, thương người như thể thương thân, của một cô gái lớn lên ở Miền Nam, Phương đã giúp đỡ tôi, bất chấp nguy hiểm và sự can ngăn của gia đình.

    Tôi nhớ có lần, để chuẩn bị vượt biên, tôi và Phương ghé nhà một người bạn ở ngõ Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, để lấy bản đồ, địa bàn. Vì sống trong cảnh vượt ngục, nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào, nên tôi đã dặn Phương đi cách xa tôi khoảng chục thước. Nếu thấy công an, bộ đội xét hỏi giấy tờ, hay bắt giữ tôi, thì Phương cứ bình tĩnh coi tôi như người dưng, để khỏi bị liên luỵ. Sau đó sớm muộn gì tôi cũng trốn thoát, và sẽ tìm gặp lại Phương.

    Hôm đó cũng đúng như vậy, Phương đi sau tôi một đoạn. Khi từ đường Hoàng Văn Thụ đi bộ ra đến đường Võ Tánh, tôi thoáng thấy mấy tay bộ đội trước là vệ binh canh tù tại Quân Lao Gò Vấp. Trong số hơn chục tên vệ binh đánh hội đồng tôi tại nhà ăn Quân Lao Gò Vấp, khi tôi đang bị tù, có cả mấy tên vệ binh này. Dĩ nhiên, chúng biết tôi đã vượt ngục ở Kàtum, và đang bị truy nã. Khi trông thấy đám vệ binh, tôi đã chột dạ, tính rút lui, nhưng đã quá muộn, những tên vệ binh đó đã thoáng nhìn thấy tôi. Quý độc giả nào ở Tân Bình chắc biết đường Hoàng Văn Thụ, cổng 2 bộ Tổng Tham Mưu cũ. Đường này chỉ có một bên là nhà, đổ thẳng ra đường Võ Tánh. Ngay ngã ba Hoàng Văn Thụ và Võ Tánh là đám vệ binh bộ đội đứng đó tán gẫu. Nếu tôi quay trở lại, đám vệ binh sẽ nghi ngờ, và với con đường này, tôi cũng không có lối nào thoát…

    Trong vài tích tắc suy nghĩ, tôi quyết định thản nhiên đi tới. Khi đi ngang đám vệ binh, tôi liếc mắt nhìn, và trong một tích tắc ngắn ngủi, tôi thấy một tên vệ binh cũng nhìn tôi. Trong ánh mắt của hắn, tôi nhận ra ngay vẻ ngạc nhiên của hắn… Thì ra hắn đã nhận ra tôi! Tôi nghĩ vậy, nhưng vẫn giữ vẻ thản nhiên, ung dung rẽ trái, tiến về phía đồn cảnh sát quận Tân Bình… Được khoảng vài bước, tôi nghe có tiếng cãi cọ của mấy tên vệ binh… rồi tiếng chân người bước theo… Linh tính báo cho tôi biết, tụi vệ binh đó đã nghi ngờ tôi, và đang đi theo tôi…

    Giả vờ định băng qua đường, tôi khẽ ngoái đầu về phía bên phải, lập tức ánh mắt của tôi đụng vô ánh mắt của mấy tên vệ binh… Một tên vệ binh liền la lên, “Đúng nó rồi! Thằng Chí trốn trại đó!” Tôi kinh hoàng, rụng rời tay chân, vội vàng quẳng luôn đôi dép, bỏ chảy thục mạng… Đằng sau mấy tên vệ binh la hét ầm ĩ, “Bắt lấy nó! Tù cải tạo trốn trại!”…

    Vì lúc đó, xe chạy như mắc cửi trên đường Võ Tánh, tôi không thể nào băng qua đường nên phải chạy dọc theo đường Võ Tánh. Được hơn chục thước, tôi thấy ngay trước mặt một tên công an áo vàng từ trong đồn cảnh sát quận Tân Bình nhào ra. Mắt hắn đang nhớn nhác nhìn về phía tôi, vì không hiểu chuyện gì xảy ra… Trông tên công an, tôi biết ngay hắn có đeo súng… Nếu chậm chạp, tôi sẽ bị bắn chết… Tôi liền vội vàng liều mạng băng ngang đường Võ Tánh, lao thẳng tới đường xe lửa, quẹo phải, chạy thẳng vào một nhà dân, trong khi cả gia đình đang ngồi ăn cơm ở trước cửa…

    Tương lai, khi có thời gian tôi sẽ kể lại chuyện này cho tường tận đầu đuôi, để quý độc giả thấy được, tôi đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc như thế nào, được những người dân Miền Nam thương yêu mà cứu tôi ra sao; và những người vợ sĩ quan QLVNCH có chồng đi cải tạo, ở đường Trương Minh Giảng, đã tin tưởng tôi, thương xót cho tôi, mà bầy mưu tính kế, giúp tôi giấy tờ, để tôi qua mặt tụi công an, vệ binh như thế nào…

    Hôm nay, tôi kể lại chuyện này chỉ muốn đền đáp phần nào ơn sâu nghĩa cả mà cô Phương đã dành cho tôi trong những ngày tháng tôi phải trốn tránh cộng sản tại Sàigòn, cùng nỗi niềm tâm sự, những câu chuyện mà cô Phương đã gửi gắm cho chị KM, trước khi chị KM lên đường sang Úc cách đây hơn 20 năm… Tôi cũng xin cảm ơn anh chị KM & HD, qua cuộc điện đàm ngắn gọn hơn chục phút đồng hồ, đã tin tưởng, trao gửi những tâm tình sâu nặng cho tôi…

    Trở lại câu chuyện của tuần trước, vào buổi trưa hôm đó, tôi vô rừng nằm. Tính ngủ một chút, nhưng không tài nào ngủ được. Đầu óc tôi rối bời với đủ thứ chuyện phải chọn lựa. Vật đầu tiên tôi phải nghĩ tới là khẩu súng AK-47. Tôi có nên mang theo nó hay không? Tôi biết, đi trong rừng, có khẩu súng trong tay bao giờ cũng ấm dạ. Nhưng đeo khẩu súng AK-47 cũng là điều vô cùng nguy hiểm, tôi sẽ bị bắn chết dễ dàng trước khi kịp trở tay. Sau một hồi suy nghĩ, cân nhắc, tôi quyết định, lấy nylong gói khẩu súng lại thật cẩn thận rồi vứt xuống một chiếc hầm. Tôi cũng lục trong ba lô tất cả những thứ gì không cần thiết, vứt hết xuống hầm. Sau đó, tôi lấp đất, đánh dấu cẩn thận. Làm vậy để lỡ chuyến đi tìm tự do của tôi không thành công, tôi còn biết đường quay về lấy tất cả những thứ đó, để trở lại đơn vị, chờ một dịp may khác…

    Khoảng 4 giờ chiều, trời vẫn còn sáng lắm. Nhưng trong lòng tôi bồn chồn dễ sợ. Tôi không biết cuộc đời của tôi rồi sẽ ra sao. Tôi gọi thầm tên tất cả những người thân yêu, trong đó có cha tôi. Tôi cầu mong mọi người phù hộ cho tôi…

    Đến 4 giờ rưỡi chiều, tôi lặng lẽ đeo ba lô, đội nón cối, rồi thẳng hướng đông, cắt đường tiến về thị xã Quảng Trị. Tôi ước tính, từ hành lang nằm về phía tây của Động Ông Đô không bao xa, tôi sẽ nhắm hướng đông đi thẳng băng như vẫn thường cắt rừng rải dây điện thoại… Như vậy, chỉ khoảng 5 đến 6 giờ đồng hồ là tôi sẽ đặt chân đến khu dân cư bên ngoài thị xã Quảng Trị… Tôi sẽ trở thành người của Thế Giới Tự Do!

    Sau khi đi được khoảng hơn tiếng đồng hồ, băng qua được mấy ngọn đồi, thì mặt trời gác bóng. Tự tin đã đến lúc an toàn, tôi bỏ những bụi cây rừng, đi theo những con đường mòn nhỏ nối liền các triền đồi. Vừa đi được trên con đường mòn nhỏ hết một triền đồi, qua một khúc ngoặt, nhìn thấy cả một triền đồi mới rộng thênh thang, tôi chợt thấy một toán bộ đội khoảng trên dưới 30 người đang từ phía đông đi lại. Vì khoảng cách giữa hai bên quá gần, tôi thấy mình không kịp ẩn trốn, cũng không kịp quay lại được nữa… Chỉ nhìn thoáng qua, tôi biết họ là ban chỉ huy sư đoàn vừa đi thị sát chiến trường, trên đường quay trở về. Nếu tôi tiếp tục đi, tôi sẽ đụng họ. Đụng họ, tôi phải nói làm sao đây, khi tôi chỉ có một mình, lại đang đi về hướng “địch”…

    còn tiếp

  2. #2
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default


    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 5


    Trong thời gian ngắn ngủi không đầy mấy giây đồng hồ, tôi nghĩ rất nhanh, nếu tôi bình tĩnh, giữ vẻ mặt lạnh lùng, phớt tỉnh ăng lê một chút, tôi sẽ thoát khỏi cửa ải này. Kinh nghiệm cuộc đời cho tôi biết, tôi có một gương mặt rất ngây ngô, hay nói đúng hơn là rất thộn, rất quê mùa. Với gương mặt quê mùa, đần độn của một thanh niên mới ngoài 20 tuổi, tôi biết ban chỉ huy sư đoàn gồm toàn những nhân vật sừng sỏ, từng trải, sẽ chẳng bao giờ nghi ngờ tôi có đủ bản lãnh và khả năng để qua mặt họ. Vào thời điểm đó, tại chiến trường miền tây Quảng Trị, chúng tôi đều trao đổi mật khẩu mỗi khi gặp nhau. Vì lâu ngày quá, tôi không nhớ rõ mật khẩu là gì, nhưng lúc đó, tôi chọn thái độ thụ động, chỉ trả lời mật khẩu một cách miễn cưỡng nếu được hỏi. Và khi trả lời, tôi phải làm ra vẻ mệt nhọc chán nản, của một thằng lính binh nhì, sau một ngày phải thu hàng chục cây số dây. Có như vậy, tôi mới có thể thoát khỏi những cặp mắt cú vọ của mấy tay chỉ huy sư đoàn và toán trinh sát gồm hơn một chục bộ đội, võ trang đầy đủ…

    Khoảng cánh hai bên ngắn dần. Bây giờ thì tôi đã nghe rõ tiếng cười đùa của họ, tiếng chân của họ, và không đầy chục giây sau, chúng tôi đụng nhau…. Tôi nhìn họ với ánh mắt uể oải, dửng dưng. Ánh mắt của một vài người đụng ánh mắt của tôi. Tôi thấy được nét dửng dưng trong ánh mắt của họ. Tôi cũng cố giữ vẻ mặt thản nhiên, chân bước mệt mỏi, không thèm chào hỏi “thủ trưởng” như mọi khi, những thằng lính quèn chúng tôi vẫn phải làm khi gặp cán bộ, bộ đội cộng sản cao cấp. Trong thoáng chốc, họ đi qua tôi, và tôi đi qua họ… tuy khoảng cách hai bên chỉ trong gang tấc, nhưng không ai đụng vào ai. Xem ra, cả tôi lẫn họ đều không một ai bận tâm hỏi mật khẩu. Tiếng cười đùa, trò chuyện của họ vẫn đều đều…. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi, toàn ban chỉ huy sư đoàn đã đi qua. Tôi vẫn tiến về phía trước trong tâm trạng hú hồn bạt viá. Như vậy là tôi đã thoát nạn một cách bất ngờ… Tôi mừng quá, lúc đó chỉ muốn vắt giò lên cổ mà chạy. Nhưng tôi vẫn cố gắng bình tĩnh bước những bước uể oải… Bỗng nhiên, tôi nghe có tiếng gọi giật giọng phía sau:

    - Ê, đồng chí kia, đứng lại!

    Tôi giật mình, tim thót lại, người lạnh toát, chân run rảy muốn khuỵ xuống. Nhưng linh tính báo cho tôi biết, tôi không khuỵ được. Khuỵ xuống lúc này là chết. Linh tính cũng bảo cho tôi biết, tôi đừng đứng lại ngay. Tôi phải bước một hai bước nữa… Ngay lúc đó, tiếng gọi thứ hai cất lên, lần này nghiêm khắc, có ý đe dọa:

    - Ê, đồng chí kia, nghe thấy không? Đứng lại ngay!

    Tiếp đó, một tiếng quát khác lớn hơn, đầy giận dữ:

    - Đứng lại!

    Kèm theo tiếng quát là tiếng kéo quy lát súng, tiếng đạn lên nòng. Tôi biết ngay, lúc này, ít nhất một nòng súng AK-47 đang chĩa về phía tôi. Tôi dừng bước nhưng không quay hẳn người lại, mà chỉ ngoái cổ nhìn về phía sau, với vẻ mặt cố tạo nét ngạc nhiên, khẽ nhíu lông mày, nhưng không hề hoảng hốt. Trong một giây đồng hồ ngắn ngủi, tôi nhìn thấy rõ cả ban tham mưu sư đoàn trên dưới 30 người đều đứng thành hình cánh cung phía sau, và tất cả đều quay về phía tôi, cách tôi khoảng 7, 8 thước. Hai người trinh sát lớn tuổi, đứng phía bên phải đều cầm súng AK-47 trên tay, nhưng bộ điệu ung dung, không có vẻ gì là uy hiếp. Riêng tay trinh sát đứng gần tôi nhất, mặt còn rất trẻ, để bôï ria mép con kiến, đeo chiếc kính râm trễ xuống tận mũi, tay hườm khẩu AK-47 chĩa về phía tôi, thì đầy vẻ hung hăng, trong tư thế cận chiến, sẵn sàng nhả đạn. Những người còn lại, đều đứng im, nhìn tôi, vẻ tò mò nhiều hơn là nghi ngờ. Đến lúc này, tôi quay hẳn người lại, giả vờ ngây ngô hỏi:

    - Đồng chí bảo tôi đứng lại?

    Tay trinh sát trẻ sẵng tiếng, nói giọng mất dậy:

    - Tao bảo mày đứng lại! Mày điếc hả?

    Tôi nóng mặt, máu liều lĩnh nổi lên:

    - Này, đồng chí đừng có ăn nói bố lếu bố láo nhá…

    Tên trinh sát trẻ toan phát tác thì một tay bộ đội râu quai nón, tuổi ngoài 50, đứng ở phía bên trái, dơ tay ngăn tên trinh sát lại, rồi quay về phía tôi, hỏi giọng chậm rãi:

    - Đồng chí thuộc đơn vị nào?

    Câu hỏi này đối với tôi quá dễ. Nhưng tôi nghĩ rất nhanh, trong tình thế này, nêu tôi trả lời ngay, và trả lời hết những gì mình biết, thì sau đó, tôi không còn sự thật gì để có thể giải toả những nghi ngờ của chúng. Vì vậy, điều tốt nhất là tôi phải chủ động tạo sự nghi ngờ của chúng bằng thái độ bất hợp tác với chúng trong lúc đầu, để rồi sau đó, khi nghi ngờ của chúng đã định hướng theo đúng ý mình muốn, tôi sẽ từ từ hé lộ những sự thật tôi biết. Có vậy, tôi mới có thể thoát khỏi hoàn cảnh hiểm nguy này. Nghĩ vậy, thay vì trả lời, tôi hỏi lại:

    - Còn đồng chí thuộc đơn vị nào?

    Tay bộ đội râu quai nón, ngạc nhiên:

    - Tôi hỏi đồng chí thì đồng chí phải có bổn phận trả lời…

    Tôi lắc đầu, ương bướng:

    - Tại sao tôi phải có bổn phận trả lời đồng chí mới được chứ?

    Tên trinh sát trẻ đột nhiên gầm lên, giọng du côn:

    - Vì đây là thủ trưởng của tao, mày biết không!

    Tôi bình tĩnh:

    - Là thủ trưởng của đồng chí, nhưng không phải là thủ trưởng của tôi. Các đồng chí cũng biết, nguyên tắc bảo mật của quân đội không cho phép bất cứ người bộ đội nào tiết lộ đơn vị của mình cho bất ai, nếu chưa biết rõ họ là ai.

    Người có râu quai nón trả lời, giọng kẻ cả:

    - Chúng tôi là ban tham mưu sư đoàn 304 (vì lâu ngày, tôi không rõ là 304 hay 308) vừa đi thị sát mặt trận Quảng Trị về. Còn đồng chí thuộc đơn vị nào?

    Đến lúc này tôi thấy mình vẫn nên lấy sự ương bướng để tự vệ. Tôi nói:

    - Đồng chí nói thì tôi biết vậy, nhưng làm sao tôi tin được. Vả lại, dù cho có đúng các đồng chí là ban tham mưu sư đoàn 304 đi nữa, tôi cũng không có bổn phận phải cho các đồng chí biết đơn vị của tôi…

    Tôi trả lời như vậy là hoàn toàn đúng với nguyên tắc bảo mật của quân đội trong hoàn cảnh chiến tranh, và nơi đóng quân là rừng rậm, địch ta có thể trà trộn. Điều nguy hiểm lúc đó là tôi thì chỉ có một mình, lại không có vũ khí. Còn bên kia trên 30 người, súng ống đầy đủ. Nhưng chính tương quan lực lượng chênh lệch như vậy lại là điều có lợi cho tôi, khi tôi tỏ ra ương bướng. Đây là cái thế lấy hư làm thực, lấy thực làm hư như phục binh Hoa Dung Lộ của Khổng Minh thời Tam Quốc bên Tàu. Tôi biết tôi sẽ giả vờ ương bướng với họ cho đến khi nào tôi và họ trao đổi mật khẩu. Và đây là bí quyết tôi gieo sự nghi ngờ qua thái độ ương bướng của mình, để rồi sau đó, khi nghi ngờ của họ lên đến đỉnh cao, tôi sẽ trả lời mật khẩu một cách thông suốt, giải tỏa hết nghi ngờ của họ.

    Một người bộ đội lớn tuổi, đeo sà cột, ống nhòm, tay chống gậy, cất tiếng:

    - Chúng tôi là ban chỉ huy sư đoàn 304 vừa đi thị sát mặt trận về. Gặp đồng chí đi có một mình, lại đi về phía địch nên nghi ngờ cũng có mà lo ngại cho đồng chí cũng có. Vì vậy chúng tôi phải chặn đồng chí lại hỏi…

    Tôi biết, đã đến lúc tôi phải dùng tới lá bài tảy. Tôi hỏi ngay:

    - Nếu đúng các đồng chí là ban chỉ huy sư đoàn 304, thì các đồng chí phải biết mật khẩu của ngày hôm nay là gì. Và chỉ khi nào các đồng chí hỏi đúng mật khẩu thì tôi mới tin, lúc đó tôi mới trả lời các câu hỏi của các đồng chí.

    Nghe tôi nói vậy, tay bộ đội có râu quai nón liền đọc ngay mật khẩu, câu hỏi. Tôi liền giả vờ vui vẻ đọc ngay mật khẩu, câu trả lời. (*) Nghe tôi đọc đúng mật khẩu, quả nhiên, không khí nghi ngờ của mọi người gần như biến mất. Cả ba tên trinh sát đều đeo súng vào vai, thái độ cảnh giác, hằn học của tên trinh sát đeo kính râm cũng biến mất. Riêng tên bộ đội chống gậy vẫn nhìn tôi với ánh mắt thận trọng, không thân thiện. Y hỏi:

    - Bây giờ đồng chí cho tôi biết đồng chí thuộc đơn vị nào?

    Trong thời gian mấy phút đồng hồ sau đó, tôi trả lời trôi chảy các câu hỏi về đơn vị, tên của sư đoàn trưởng, chính uỷ sư đoàn, trung đoàn. Thậm chí cả hình dáng, thói quen đặc biệt, số điện thoại của từng người… tôi cũng trả lời trôi chảy. Sau đó, tên bộ đội chống gậy nói:

    - Đồng chí có biết đồng chí đang đi về đâu không?

    - Tôi biết chứ, tôi được lệnh thu toàn bộ mạng lưới hữu tuyến số 8A (*) của sư đoàn vì sư đoàn của tôi đã chuyển quân vào sáng hôm nay.

    Tên bộ đội chống gậy nói tiếp, giọng quả quyết:

    - Tôi không biết mạng lưới hữu tuyến số 8A của sư đoàn 324B nằm ở đâu, nhưng chắc chắn là không nằm về hướng này. Toàn bộ vùng này, từ Khe Gió đến Mai Lộc đổ về hướng đông, đều là vùng của địch. Đồng chí đi đường này là đi về phía địch, rất nguy hiểm… Vì thế, tôi đảm bảo đồng chí đang đi lạc đường rồi.

    Nghe tên bộ đội chống gậy nói quả quyết như vậy, tôi thấy có lẽ tôi phải chấp nhận giả vờ quay trở lại nơi xuất phát, rồi chờ tối đến, sẽ “ra quân” lần thứ hai. Quyết định xong, tôi giả vờ hỏi han đường xá, phương hướng, rồi đồng ý đi theo ban chỉ huy sư đoàn 304 đến địa điểm tập kết gần căn cứ 36 (*) rồi chia tay. Địa điểm tập kết này là một ngã 3. Một đường chạy về căn cứ của sư đoàn 304, một đường chạy về căn cứ của sư đoàn 324B, và một đường chạy về hướng đông, xuống tới thị xã Quảng Trị.

    Sau khi chia tay với ban chỉ huy sư đoàn 304, tôi giả vờ đi một đoạn dài, đến khi chắc chắn họ đã đi khuất ở phía bên kia sườn đồi một khoảng thời gian thật lâu, tôi liền rẽ ngay vào rừng, kiếm chỗ mắc võng nằm nghỉ, chờ tối hẳn sẽ “ra quân” lần hai. Sau thời gian gần tiếng đồng hồ đụng độ, đấu trí, tưởng như cầm chắc cái chết trong tay, tôi mệt nhoài, nên ngủ thiếp đi lúc nào không biết…

    (*) Vì chuyển xảy ra cách đây 36 năm nên những chi tiết đánh dấu (*) là những chi tiết tôi không còn nhớ rõ. Kính mong bạn đọc thông cảm.

    còn tiếp

  3. #3
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default


    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 6


    Tôi giật mình tỉnh giấc là lúc bóng tối đã bao trùm lên vạn vật. Bầu trời lấp lánh muôn vạn vì sao. Sương đêm khiến tôi cảm thấy lạnh. Trong lòng tôi lúc đó vừa phập phồng lo ngại, sợ hãi, vừa bồn chồn háo hức. Kiến thức và kinh nghiệm của một người lính thông tin cho tôi biết, nếu tôi cắt đường thẳng theo đường chim bay, tôi sẽ đi bộ từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ là tới thị xã Quảng Trị. Vì không có đồng hồ, nên tôi ước đoán, lúc đó khoảng 8 giờ tối. Như vậy, tôi sẽ tới thị xã Quảng Trị lúc 2 giờ sáng. Nhưng liệu tôi có đủ may mắn, được đặt chân tới thị xã Quảng Trị hay không? Trong hoàn cảnh chiến tranh, ngọn lửa thù hận được hun đúc, chết chóc xảy ra từng giây, từng phút, làm sao tôi có thể kịp cất tiếng chào, nói một lời thân thiện trước khi tôi bị người lính VNCH bắn gục? Đó là chưa kể tới mìn bẫy của cả hai bên đã được gài trên những con đường mòn… Tôi không biết chuyện gì sẽ chờ đợi tôi ở vùng ánh sáng đèn điện đầy quyến rũ nhưng cũng ngầm chứa những nguy hiểm bất ngờ. Đứng trên đồi cao, nhìn về thị xã Quảng Trị, tôi đắn đo hồi lâu rồi quyết định, vật đầu tiên tôi phải vất bỏ là chiếc nón cối. Vì nếu tôi tiến về phía “địch” trong đêm tối, thì dù tôi có không đeo súng ống gì đi nữa, bảo đảm, chiếc nón cối sẽ là mục tiêu đầu tiên để những người lính VNCH nhả đạn. Vật thứ hai tôi muốn vứt là chiếc ba lô. Nếu vứt được nó, tôi sẽ bớt nguy hiểm hơn. Nhưng trong ba lô là hơn chục cuốn sách tôi vô cùng yêu quý. Tôi đã mang nó trên suốt đường rừng Trường Sơn. Có nó, tôi luôn luôn cảm thấy ấm áp trong lòng, vì mỗi cuốn sách là một gạch nối kỳ diệu giúp tôi thoát khỏi cái thực tại cơ cực đầy nguy hiểm, chết chóc, để tâm hồn, khát vọng của tôi được chắp cánh, bay cao…

    Sau một hồi suy nghĩ, tôi đành giữ chiếc ba lô và những cuốn sách quý lại. Đeo ba lô vào người xong, tôi nai nịt quần áo, giầy vớ thật gọn gàng, rồi choàng tấm nylon ra ngoài, để che bớt chiếc ba lô. Tôi hy vọng, với tấm nylon choàng bên ngoài, nếu người lính VNCH có trông thấy tôi, họ sẽ có một vài tích tắc ngần ngừ không biết tôi là địch hay ta. Và biết đâu, trong một vài giây đồng hồ lưỡng lự đó, tôi sẽ kịp dơ tay đầu hàng, sẽ kịp nói cho họ biết tôi là ai…

    Đứng trên đồi cao, tôi nhìn về thị xã Quảng Trị. Muốn tránh được mìn bẫy và những ổ phục kích của cả hai bên, tôi biết tôi không thể nào đi theo những con đường mòn. Tôi phải cắt đường, đi theo đường chim bay, cho dù gian nan, cực nhọc và có thể có những nguy hiểm bất ngờ khác.

    Sau khi định hướng đông tây và tìm một vì sao làm chuẩn, tôi bắt đầu con đường về với TỰ DO! Trong khoảng ba tiếng đồng hồ sau đó, lúc đi lúc chạy, lúc bò lúc nằm, lúc té nhào xuống một hố bom đầy nước lẫn bùn, lúc đụng phải cây, lúc bị dây kẽm gai kéo… tôi âm thầm hăm hở lao về phía trước với tất cả sức mạnh, ý chí, nghị lực của tuổi thanh niên. Có những lúc tôi phải leo qua mấy hàng rào kẽm gai, quần áo rách bươm, tay chân chảy máu. Có lúc tôi phải lội bì bõm qua những thửa ruộng, bùn dính bê bết. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn luôn lấy vì sao đó làm đích để lao tới. Cả người tôi lúc đó giống như một mũi tên đã rời khỏi cung, bay trong đêm đen, thẳng băng một con đường…

    Khoảng 3 tiếng sau, tôi đặt chân đến con đường nhựa. Hai bên đường có những hàng cây cao thấp không đều và những cột đèn điện tỏa sáng từng đoạn, từng đoạn. Dọc đường, có những căn nhà của dân, nhưng tất cả đều đóng kín, tối bưng. Tôi ước chừng lúc đó khoảng 11 giờ đêm. Tuy tôi không biết sự phòng thủ của VNCH như thế nào, nhưng tôi biết, trong tình hình chiến tranh lúc đó, chắc chắn thế nào cũng có những toán trinh sát, những ổ thám báo, hoặc những ổ phục kích, những người lính đóng chốt ở một chỗ nào đó dọc theo đường phố. Để bớt nguy hiểm, tôi chọn đi giữa đường, miệng thì huýt sáo. Vì tôi không quen huýt sáo, nên tiếng sáo của tôi của tôi không to, hơn nữa, huýt sáo như vậy, tôi rất chóng bị mỏi miệng. Sau tôi tính hát, nhưng vì không biết bài hát nào, nên cuối cùng, tôi đọc to một bài thơ của Nguyễn Bính. Đó là bài thơ “Hoa và Rượu” tôi đã được cô Vinh ở Đồng Văn dậy cho học thuộc lòng khi tôi còn nhỏ. Lúc ấy tôi tin là đi giữa đường, dưới ánh sáng đèn đường, miệng thì ông ổng đọc một bài thơ, đầu lại không có chiếc nón cối, thì dù tôi có đánh thức bất cứ người lính VNCH nào, bảo đảm, họ sẽ ngạc nhiên, buồn cười, chứ không thể nào xả súng bắn chết tôi.

    Tôi quên nói với các bạn một điều quan trọng nữa là tối hôm đó tôi đã cầm que để “dò mìn”. Nói ra, quý vị có thể cười cho tôi là thằng ngố, giống như “đồng hồ có cửa sổ” hay “cái nồi ngồi trên cái cốc”. Nhưng sự thực lúc đó, tôi rất sợ đụng phải mìn. Qua chuyện trò với những người lính bộ đội trong đơn vị, tôi được họ kể, dọc theo các đường phố, lính VNCH thường hay cài mìn, với sợi dây dăng ngang đường, thấp dưới đầu gối, một đầu buộc vào kíp hỏa của một quả mìn định hướng Claymore. Nếu mình đi đụng phải sợi dây, là chỉ một tích tắc sau, cả thân thể sẽ bị vài trăm viên bi ghim đầy, chết không kịp la. Vì vậy, để có thể phát hiện được sợi giây mìn, tay tôi cầm một chiếc que thật mềm, luôn luôn dơ ra phía trước khoảng một thước mỗi khi tôi bước. Nếu đầu que đụng nhẹ dây mìn, tôi sẽ biết ngay, và kịp dừng lại, rồi tìm cách bước qua… an toàn. Tối hôm đó, quả thực tôi có cầm chiếc que dò mìn như vậy, nhưng suốt đường đi, tôi không hề gặp một sợi dây mìn nào.

    Đi trên đường phố ngoại ô thị xã Quảng Trị được khoảng nửa tiếng đồng hồ, dần dần tôi thấy nhà cửa san sát hơn, đèn đường cũng mau hơn, mặt đường nhẵn nhụi hơn. Bỗng nhiên, tôi thấy một căn nhà còn có ánh đèn thấp thoáng qua khe cửa. Tôi dừng lại suy nghĩ. Trong lòng tôi lúc ấy, tôi rất tò mò muốn nhìn xem cuộc sống của một gia đình người Miền Nam như thế nào. Tôi cũng muốn ghé vô một nhà dân, kể lể ngọn nguồn câu chuyện của mình để họ có thể giúp đỡ, đưa tôi đến một đồn lính hay một cơ quan nào đó của chính phủ VNCH, cho tôi đầu hàng. Trong bối cảnh chiến tranh lúc đó, dĩ nhiên, tôi gặp một người dân, bao giờ cũng an toàn hơn bất ngờ gặp một người lính VNCH. Điều quan trọng nữa, tôi muốn đánh đổi bộ đồ bộ đội mà tôi đang mặc. Nếu có được một bộ đồ thường dân mặc vô, đi trong đêm tối để về với VNCH, chắc chắn sẽ an toàn hơn mặc một bộ đồ bộ đội.

    Bước đến cửa, tôi ghé mắt nhìn qua khe cửa. Và ngay lập tức, những gì tôi thấy vào lúc đó, là những hình ảnh tuyệt vời ngự trị trong tâm hồn, trí óc tôi suốt mấy chục năm dài. Cho đến những giờ phút của hôm nay, khi viết những dòng chữ này, hình ảnh trong căn nhà tối hôm đó vẫn sống dậy, hiển hiện trước mắt tôi như chuyện mới xảy ra hôm qua, hôm kia….

    Trong phòng lúc đó tôi thấy có một thiếu phụ đang ngồi may đồ. Bên cạnh thiếu phụ có một cô bé tuổi chừng 10, 12 tuổi. Nét mặt cô bé rất sáng, cặp mắt đen láy, phản chiếu ánh đèn điện nên càng thêm đen. Người thiếu phụ có một gương mặt thật phúc hậu, nhu mì. Chính nét đẹp nhu mì, mềm mại của người thiếu phụ đã khiến tôi chẳng còn nhớ được điều gì ngoài gương mặt. Hình ảnh hai mẹ con hạnh phúc bên cạnh chiếc máy may trong lúc đêm vào khuya, đã làm tôi thấy tha thiết vô cùng đối với cuộc sống gia đình, yêu thương vô cùng mảnh đất và con người Miền Nam. Đứng trước cái hạnh phúc lung linh đó, tôi thấy mình không nên gõ cửa, không nên bước vô quấy rầy, nhờ vả bất cứ chuyện gì. Tôi đứng đó, im lặng trong vài phút, tận hưởng cái hình ảnh hạnh phúc êm đềm của hai mẹ con, cái thinh lạnh tinh khiết của đêm khuya tịch mịch, để rồi bồi hồi, xúc động, tôi nhớ lại trong đau đớn, xót xa, cuộc đời muôn phần khổ cực, thiếu thốn của hai mẹ con bà Huệ ở làng Phú Đa, miền Bắc Việt Nam…

    Từ làng tôi ở đến làng Phú Đa khoảng 3 hay 5 cây số, tôi nhớ không rõ. Ở Phú Đa có nhà thờ rất lớn và là nơi Công Giáo toàn tòng. Tôi thỉnh thoảng theo thày tôi đến Phú Đa chơi vì ở đó có một gia đình thông gia với thầy tôi. Con trai của ông lấy chị cả của tôi. Năm 1954, hai vợ chồng đều vô Nam, mở tiệm chụp hình ở Biên Hòa. Làng Phú Đa là một làng giầu có nổi tiếng. Vì vậy nên làng mới có tên đã Phú lại Đa. Gia đình ông thông gia rất giầu có. Nhưng đó là trước 1954. Sau này, cũng giống như thầy tôi, ông cũng bị quy chụp tôi địa chủ, bị đem ra đấu tố. Nhưng vì mảnh đất Phú Đa là đất Công Giáo toàn tòng, nên ở đó, lòng kính yêu Chúa, thương yêu người đã thấm sâu vào mỗi tâm hồn. Nhờ vậy, cơn lốc bất nhân, vô nghĩa, tranh ăn, giành uống, bon chen kèn cực, vu khống tội lỗi cho nhau, do những người cộng sản mang tới, đã không đủ sức làm thay trắng đổi đen những tâm hồn đôn hậu của làng Phú Đa. Vậy nên tuy bị quy tội địa chủ, ông thông gia vẫn sống cuộc sống ung dung, không đến nỗi chật vật.

    Tại làng Phú Đa tôi có quên một người bạn, và qua người bạn, tôi quen mẹ con bà Huệ. Bà Huệ có chồng là một người đàn ông tài hoa, chữa đồng hồ nổi tiếng khắp vùng. Chẳng may khi cộng sản nắm chính quyền, chúng bắt ông đi cải tạo. Được hai năm, ông mất vì nhiễm trùng uốn ván khi ông bị thương trong lúc cầy ruộng cho trưởng trại. Ông Huệ chết đi để lại hai người con gái tuổi còn nhỏ, và người vợ có gương mặt trầm buồn muôn thuở như những tháng mưa dầm gió bấc của Miền Bắc quê tôi.

    Còn tiếp

  4. #4
    nguyenphuong's Avatar
    Status : nguyenphuong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2012
    Posts: 645
    Thanks: 40
    Thanked 16 Times in 6 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 7

    Trong một dịp tôi cùng người bạn đến thăm mẹ con bà Huệ thì gặp đúng lúc trời mưa tầm tã, nhà giột tứ tung, nước trong nhà chảy lênh láng không khác gì ngoài sân… Cả ba mẹ con bà Huệ, anh bạn của tôi và tôi, tất cả 5 người ngồi trong nhà trùm mấy miếng chiếu cói mà chịu trận, vì không thể nào kiếm được một chỗ khô ráo trong căn nhà. Tôi cũng xin thưa với quý độc giả, ngay cả căn nhà của gia đình tôi thời đó cũng vô cùng thê thảm. Mỗi khi trời mưa to, gió lớn, mái nhà của nhà tôi ở cũng giột tứ tung, nhưng ít ra, tôi còn kiếm được khoảng chục chiếc chậu sành to, nhỏ để khắp sàn nhà mà hứng nước mưa giột từ mái tranh. Đằng này, ở nhà bà Huệ, trong nhà nước mưa rơi như ở ngoài trời thì dù có cả trăm chiếc chậu cũng chẳng tài nào mà hứng nổi nước mưa…

    Cho đến bây giờ đã 40 năm trôi qua, cuộc đời tôi đã trải qua không biết bao nhiêu kỷ niệm yêu thương, buồn giận, xót xa, phũ phàng, đau khổ,… nhưng khi viết những dòng chữ này, tôi vẫn thấy xúc động khôn tả, khi thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh người thiếu phụ xinh đẹp trong những đường nét trầm buồn, bối rối như làm phải điều gì lầm lỗi chỉ vì phải tiếp khách trong cảnh trời mưa, mà gia cảnh thì túng thiếu cùng cực…

    Vào thời buổi đó, tôi biết những cảnh túng thiếu, đau khổ đã bao trùm trên hàng vạn vạn nóc nhà trên quê hương Miền Bắc của tôi, mà dưới mỗi mái nhà, là mỗi bi kịch diễn ra hàng ngày hàng giờ qua những đường nét đau khổ khác nhau. Tôi cũng xót xa nhận ra, trong chế độ cộng sản, không những con người phải sống trong bi kịch, mà ngay cả chim muông, cầm thú, cỏ cây, cũng vật vã khổ đau… qua muôn hình vạn trạng.

    Hai hình ảnh của hai người thiếu phụ, trong hai hoàn cảnh khác nhau, đã làm cho tôi xúc động vô cùng. Tôi bước ra ngoài đường nhựa, lủi thủi đi dưới ánh đèn để thấy bóng của mình dài ra, ngắn lại, rồi lại dài ra… Lúc đó, tuổi đời tôi còn rất trẻ, nhưng vì sớm phải sống trong đau khổ, túng bấn, thiếu thốn tình mẫu tử, nên tôi giống như một con chim phải tên, phải ná, lúc nào cũng dụt dè sợ hãi và trong thâm tâm luôn luôn cảm thấy mình đã biết buồn từ khi chưa biết cười, biết nói…

    Trong niềm xúc động của tâm tư, trong sự khát khao hạnh phúc của gia đình, tôi đi trên đường mà tâm hồn chìm đắm trong sự thổn thức không thể nào đè nén, chế ngự… Lúc này, tôi chả thiết tha gì đến chuyện cầm que để dò mìn. Cái hạnh phúc tôi vừa được hưởng, được chứng kiến, quá lớn lao, nếu lúc ấy tôi có dẵm trúng một quả mìn, mìn nổ tung, khiến thân xác tôi tan ra làm trăm ngàn mảnh, tôi vẫn thấy hạnh phúc, được chết cùng với cái hình ảnh tuyệt vời mà tôi đã thấy…

    Tôi đi như vậy được khoảng 20 phút, thì nghe có tiếng người nói chuyện ồn ào ở phía trước. Chậm rãi nép mình vào một thân cây, tôi quan sát, rồi từng bước, từng bước tôi tiến về phía tiếng ồn. Khi còn cách khoảng 50 thước, tôi nhận ra hình dáng một chiếc xe tăng ngay cạnh đường nhựa, dưới chân cầu. Triền dốc thoai thoải, và dưới ánh đèn, tôi thấy khoảng hơn chục người lính đang tụ tập trò chuyện quanh một cái bàn, hay thân cây gì đó. Tôi phập phồng vừa mừng vừa lo. Tôi không biết có nên đến gặp những người lính đó hay không. Tôi không biết khi tôi nói với họ tôi đi tìm tự do, họ có tin hay không? Trong cái không khí đầy chết chóc của thời chiến lúc đó, tôi cảm thấy có cái gì ngại ngùng, lo sợ một cách vu vơ. Tôi thấy những người lính đó ăn nói bạo dạn, khí phách ngang tàng quá nên tôi thấy ngần ngại…

    Sau mấy phút suy nghĩ, chẳng hiểu sao tôi lặng lẽ lùi xa dần, lùi xa dần, rồi rẽ phải, đi dọc theo con đường về hướng nam. Cho đến bây giờ, tôi cũng không còn nhớ rõ, con đường tôi đi vào nửa đêm hôm đó là đườngnào, về đâu, nhưng tôi thấy ấm lòng và tự tin, tôi đã bước vào một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Cuộc đời của tôi trong mai hậu tôi không biết như thế nào, hạnh phúc hay khổ đau, nhưng tôi biết chắc, tôi sẽ sống không uổng phí khi tôi đặt chân đến vùng đất của Tự Do.

    Lúc đó tôi đoán khoảng nửa đêm. Đường nhựa rộng thênh thang, vắng tanh vắng ngắt. Đi khoảng mươi, mười lăm phút nữa, tôi thấy hiện ra ở bên tay phải một đồn lính khá lớn. Trong sân đồn, xe lớn xe nhỏ đậu đầy. Những bao cát chất chung quanh với nhiều hình thù khác nhau. Ngay lối vào, có mấy hàng dây kẽm gai cuộn tròn, loại bùng nhùng, có thể kéo ra, kéo vô dễ dàng. Phía bên tay phải lối vào đồn có một chuồng cu cao khoảng hơn chục thước. Mỗi bên chuồng cu khoảng 3 thước. Nhìn lên chuồng cu tôi thấy có một nòng súng thò ra, nhưng im lìm bất động. Vì bốn phía của chuồng cu đều trống, nên tôi biết ngay trên chuồng cu không có một ai.

    Thời tiết lúc đó rất nóng. Nhìn vào sân của đồn lính, tôi thấy ngổn ngan đủ các loại xe cộ. Bỗng dưng tôi trông thấy một chiếc xe đạp, dựa vào một góc tường. Ngay lập tức trong đầu tôi nảy ra ý định, đi vào sân đồn, lấy chiếc xe đạp, rồi đạp thẳng vô Huế. Ý nghĩ đó có thể nói là rất viển vông, nhưng với tôi lúc đó, là một kẻ không biết gì, thì lại là điều thích thú, tôi tin là mình có thể làm.

    Sau khi quan sát động tĩnh một hồi lâu, tôi thấy quả thực cả đồn lính với không biết bao nhiêu xe cộ, quân trang, quân dụng,vũ khí, nhưng rõ ràng là chẳng có một ai canh gác. Yên tâm, tôi từ từ rón rén bước tới. Ngó quanh quẩn một lần nữa chỉ thấy đường xá vắng lặng, trong đồn thì im lìm, không tiếng động. Hít một hơi thở thật sâu, tôi bước tới, thò tay cầm cuộn dây thép gai kéo qua một bên, cho vừa đủ rộng để bước vô. Nhanh chóng, tôi bước mấy bước là lọt vô được sân đồn. Tôi hồi hộp quá, vội bước nhanh mấy bước tới cạnh chiếc xe Jeep. Nhìn vô trong xe, tôi thấy ngay một khẩu AR-15 dựng đứng, báng để trên ghế, nòng gác vào vô lăng. Ngay cạnh khẩu súng là một chiếc nón sắt. Trong đầu tôi thoáng qua ý nghĩ: Điều đầu tiên là tôi phải có một chiếc mũ sắt đội trên đầu. Vì đó là dấu hiệu đầu tiên có những đường nét thân thiện “phe ta” đối với người lính VNCH. Nghĩ đến là làm ngay, tôi dơ tay với chiếc mũ sắt, đội liền lên trên đầu.

    Ngay lúc đó, tôi nghe thấy tiếng huýt sáo. Nhìn ra, tôi thấy ở phía xa xa, có người đang đi tới. Luống cuống, không biết làm thế nào, tôi vội vàng nhưng nhẹ nhàng, lùi dần, lùi dần về phía bóng tối, để người kia không nhìn ra tôi. Sự luống cuống, thiếu bình tĩnh đã khiến tôi có những phản ứng vô lý. Rõ ràng tôi đã chấp nhận về đây tìm tự do thì tại sao lúc này tôi không mạnh dạn bước ra giữa vùng ánh sáng nói rõ ý định của mình cho người lính VNCH biết? Nhưng bây giờ thì không kịp nữa rồi. Thân hình tôi đã khuất trong bóng tối, tạo cho tôi cảm giác yên ổn, an toàn, nên tôi muốn níu kéo lấy cái an toàn, dù là tạm thời đó.

    Nhìn ra, tôi thấy dưới ánh sáng của đèn điện, một người lính cởi trần, mặc có chiếc quần đùi. Trên cổ lủng lẳng chiếc thẻ bài và một chiếc còi. Vì thời tiết lúc đó nóng, nên người lính vừa đi vừa huýt sáo, bộ điệu rất yêu đời. Tôi đoán, người lính đó có bổn phận gác chuồng cu, mới bỏ chuồng cu đi đâu đó, giờ quay trở về. Trong thoáng chốc, tôi không biết có nên bước ra nói rõ ý định của mình với người lính hay tiếp tục ẩn mình chờ lát nữa lấy xe đạp rồi đạp về Huế. Tôi chỉ nghe thấy Huế đẹp trong thơ văn, nay tôi muốn thấy Huế bằng mắt… Giữa lúc tôi đang lưỡng lự như vậy thì người lính đã bước tới gần chiếc xe Jeep. Tôi biết anh chỉ cần đi vài bước nữa là tới chân cầu thang của chuồng cu, và khi đó, anh sẽ leo lên đó tiếp tục phiên gác của mình. Đột nhiên, người lính gác dừng lại, ngó quanh. Thôi chết tôi rồi, người lính đã nhìn thấy vòng dây kẽm gai bị kéo sang bên. Người lính đã phát hiện có người đi vô đồn… Làm thế nào bây giờ đây?…

    Đột nhiên ngay lúc đó, từ phía thị xã Quảng Trị có một chiếc xe tuần tiễu chạy tới, đèn pha chiếu sáng quắc. Ngay khi chạy tới gần đồn lính, xe quẹo cua về bên phải, nên ánh đèn pha của xa quét một vòng từ trái sang phải. Cả sân đồn lính, bao gồm mọi vật, trong đó có tôi, bỗng dưng hiện rõ mồn mộn dưới ánh đèn pha. Tôi hoảng hốt nhìn về phía người lính. Trong thời gian không đầy một tích tắc đồng hồ, linh tính cho tôi biết, người lính đã nhìn thấy tôi, và người lính cũng biết, tôi đã nhìn thấy ảnh. Chắc chắn, hình ảnh của tôi đứng núp cạnh chiếc xe GMC không phải là hình ảnh thân thiện gì. Quý độc giả cứ tưởng tượng, lúc đó là nửa đêm của thời chiến, của một đêm mà các sư đoàn của VC đang dần dần bủa vây Quảng Trị, và thị xã Quảng Trị đang trong tình trạng thiết quân luật. Giữa sân đồn lính, có một người đầu đội nón sắt của lính VNCH, thân lại choàng một chiếc áo mưa màu đen của bộ đội, đang đứng im phăng phắc, mắt mở to thao láo, và đối diện trong khoảng cách khoảng 10 thước là người lính VNCH, cởi trần, trong tay không có một tấc sắt….

    Vì ánh đèn pha của chiếc xe tuần tiễu chỉ quét qua sân đồn khi quẹo cua, nên sau một hai giây đồng hồ, sân đồn trở lại tình trạng như cũ. Nghĩa là tôi lại ở trong bóng tối, còn người lính VNCH thì vẫn đứng giữa vùng ánh sáng. Từ lúc người lính nhìn thấy tôi cho đến giờ, anh hoàn toàn bất động, đứng im lìm bên cạnh chiếc xe Jeep. Còn tôi lúc đó cũng im lìm, không biết mình phải nói gì, làm gì. Tất cả những chuyện quan trọng này đáng lẽ tôi phải lường trước và phải chuẩn bị, nhưng tôi đã không làm.

    Giữa lúc im lặng căng thẳng và bối rối như vậy, tôi nghe người lính hỏi:

    - Ai?

    Theo phản xạ tự nhiên, tôi trả lời:

    - Tôi!

    Trả lời xong, tôi biết, câu trả lời của tôi rất tối nghĩa. Tôi định cất tiếng nói nhưng lúng túng không biết nói gì. Ngay khi đó, tôi thấy người lính vẫn nhìn về phía tôi, nhưng tay trái của anh đang từ từ thò vào trong chiếc xe Jeep. Tôi biết ngay, người lính đang thò tay lấy khẩu AR-15 gác trên vôlăng xe. Vì vậy tôi vội nói ngay:

    - Ông không cần phải dùng đến súng đâu!

    Lập tức, tôi thấy người lính rụt ngay tay lại, rồi đứng yên, bất động. Thấy người lính như vậy, tôi hiểu ngay, anh đã hiểu sai ý của tôi. Câu nói của tôi lúc đó chỉ có ý, tôi về đây với thiện chí của một người bộ đội đi tìm tự do, chứ không hề có ác ý gì, nên anh đâu cần phải dùng đến súng. Nhưng trong cương vị người lính VNCH, khi nghe tôi nói như vậy, anh tưởng, tôi là người đã sẵn sàng súng ống, sẵn sàng nhả đạn và câu nói của tôi là một lời cảnh cáo… (Ôi, người lính VNCH tối hôm đó, giờ anh đang ở đâu? Nếu đọc được những dòng chữ này, xin hãy liên lạc với tôi…)

    còn tiếp

  5. #5
    nguyenphuong's Avatar
    Status : nguyenphuong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2012
    Posts: 645
    Thanks: 40
    Thanked 16 Times in 6 Posts

    Default

    TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

    Hữu Nguyên


    KỲ 8

    Vì lúc đó, tôi vẫn còn đứng trong bóng tối, còn anh lính VNCH thì đứng dưới ánh sáng đèn điện, nên tôi nhìn thấy anh rõ mồn một, còn anh, nếu có nhìn thấy tôi thì cũng chỉ thấy một bóng đen mờ mờ mà thôi. Chính trong hoàn cảnh đó, nên câu nói tối nghĩa của tôi, “Ông không cần phải dùng đến súng đâu!” càng khiến cho bầukhông khí thêm căng thẳng. Nhận ra sự nguy hiểm của câu nói tối nghĩa, tôi vội vàng nói thêm:

    - Tôi về đây là để đầu hàng các ông… Tôi không có ác ý gì cả… Tôi đi tìm tự do mà ông…

    Tôi nói lắp bắp liền một hơi mấy câu vì nói xong câu trước, tôi vẫn thấy không rõ nghĩa nên phải nói thêm câu sau. Nói xong cả ba câu, tôi thấy vẫn chưa đủ, mà cần phải làm một hành động gì cụ thể và rõ ràng để thể hiện thiện chí của mình hơn. Nghĩ tới đó, tôi vội vàng bước ngay ra vùng ánh sáng đèn điện, hai tay dơ cao lên khỏi đầu…

    Thấy tôi như vậy, người lính có lẽ đã hiểu rõ phần nào ý định của tôi, nhưng chắc chắn anh chưa thể nào tin tưởng ngay những lời tôi nói… Lập tức, anh đưa ngay tay vô trong chiếc xe Jeep, lôi khẩu AR-15 ra khỏi xe, lên đạn, chĩa nòng súng về phía tôi, rồi đưa ngay chiếc còi đeo ở cổ lên miệng thổi liền mấy hồi còi ròn rã…

    Nhìn nòng khẩu súng AR-15 chĩa về phía mình trong khoảng cách không đầy 5 thước, tôi rùng mình sợ cứng cả người. Tôi hiểu, lúc đó, nếu tôi sơ sểnh có bất cứ hành động gì, khiến anh lính VNCH hiểu lầm, lập tức tôi sẽ ăn đạn. Vì vậy, tôi đứng yên bất động, hai tay dơ cao khỏi đầu, miệng lắp bắp mà không biết mình nói gì… Tôi biết rằng, lúc đó, tôi càng tỏ ra sợ hãi, nhút nhát bao nhiêu thì cơ hội sống sót của tôi càng lớn.

    Sau khi thổi mấy hồi còi, người lính VNCH liền chĩa nòng súng AR-15 lên trời và bóp cò… Những tiếng nổ chát chúa vang lên từng tràng, phá tan sự yên tĩnh của đêm tối. Lập tức, từ trong căn nhà, mấy chục người lính chạy ra, có người cầm súng, có người không, có người đeo trên vai lủng lẳng những băng đạn,… nhưng hầu hết đều cởi trần. Tất cả đều vây tròn quanh tôi và anh lính gác… Tiếng huyên náo nổi lên, đủ các câu hỏi, tiếng hò hét, mà tôi thì quá hoảng hốt, nên chẳng nhớ được gì. Nhất là từ ngày đó cho đến nay, cuộc đời tôi liên tục trải qua những biến động kinh hoàng có, đau khổ có, yêu thương hạnh phúc cũng có, mà cái nào cũng lớn lao, sâu đậm, nên đến giờ phút này, ngồi viết lại, tôi chẳng còn nhớ được nhiều… ngoài những chi tiết quan trọng, tạo nên những bước ngoặt lớn lao của cuộc đời tôi.

    Đầu tiên là những câu hỏi gay gắt, nghiêm khắc, và có cả những câu hỏi doạ nạt, đến từ đằng trước, đằng sau, bê trái, bên phải… mà tôi nhớ đại khái như thế này.

    - Anh là ai?

    - Tôi là bộ đội.

    - Anh vô đồn này lúc nào?

    - Tôi vô lúc nãy.

    - Lúc nãy là lúc nào?

    - Tôi không nhớ là lúc nào.

    - Anh vô đã lâu chưa?

    - Khoảng 15, 20 phút.

    - Ngoài anh, còn những ai nữa?

    - Chỉ có mình tôi thôi.

    - Anh phải nói thật. Chúng tôi sẽ ra lệnh bao vây và kiểm soát toàn bộ khu vực này ngay bây giờ. Nếu phát hiện ra một người bộ đội thứ hai, là anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Anh rõ chưa?

    - Thưa, tôi rõ!

    - Có đúng là anh vô đây chỉ có một mình không?

    - Đúng, tôi vô đây chỉ có một mình!

    - Anh bảo đảm không?

    - Tôi “đảm bảo”!

    - Anh vô đây làm gì?

    -Tôi vô đây để đầu hàng các ông. Tôi muốn tìm tự do…

    - Nếu vậy anh là hàng binh. Anh phải khai đúng sự thật, thì anh sẽ được đối xử tử tế như một hàng binh. Anh hiểu chưa?

    - Tôi hiểu. Tôi cảm ơn các ông.

    Ngay lúc đó, tôi thấy có một người lính VNCH lớn tuổi, khoảng gần 50. Trong khi những người lính đều cởi trần thì ông mặc quần áo đàng hoàng. Nét mặt của ông có vẻ khắc khổ, nhưng phúc hậu. Ông quay ra phía mấy người lính nói gì không rõ, một hồi… Sau đó, tôi thấy mấy người lính đứng quanh tôi tản mát, người đi vô nhà, người đi lên, kẻ đi xuống. Riêng người lính già bước lại phía tôi, nhấc chiếc mũ sắt ra khỏi đầu và nhìn tôi cười. Nụ cười của ông thật chân thật và thân mật vô cùng. Tôi xúc động nhìn ông, không nói nên lời. Sau những phút căng thẳng về trí tuệ và thân xác, được trông thấy nụ cười của của ông, và cặp mắt ông nheo nheo, lấp lánh dưới ánh đèn điện, tôi thở phào một tiếng và nhủ lòng: “Vậy là mình thoát chết!”

    Người lính già cất tiếng, giọng Nam, ấm áp và chân tình:

    - Chiếc mũ sắt này nặng lắm. Bỏ ra cho đỡ nặng. Bây giờ chú em theo qua lại đây.

    Tôi ngoan ngoãn đi theo ông. Chung quanh vẫn còn những người lính và những cặp mắt tò mò nhìn theo tôi. Chỉ một chiếc ghế đẩu ngay gần cửa, người lính già bảo tôi ngồi. Tôi vừa ngồi xuống, thì người lính già cúi xuống, ghé sát mặt tôi, rồi nói vừa đủ để tôi nghe:

    - Qua trông chú em là qua biết chú em thiệt thà. Qua dặn chú em điều này, chú em phải nhớ kỹ và làm đúng như lời qua dặn nghe. Được vậy thì chú em đỡ khổ nhiều lắm…

    Nghe vậy, tôi hơi lo lo, nên chỉ biết gật đầu nhẹ, mà không nói thành tiếng. Nhìn ra chung quanh, tôi vẫn thấy có những người lính VNCH đang nhìn tôi. Trong ánh mắt của họ, tôi thấy có sự tò mò, nỗi thương hại, và có cả sự tinh nghịch, thích thú trong đó…

    Tiếng người lính già lại cất lên:

    - Từ rày trở đi, có ai hỏi chú em về làm gì, thì chú em trả lời tôi về “chiêu hồi” nghe chưa. Chú đừng nói chú về đầu hàng. Vì nói vậy, là qua sẽ phải coi chú là hàng binh, là phải nhốt tù chú. Rồi sau này hết chiến tranh là qua sẽ phải trả chú về bển cho VC đó.

    Nghe người lính già nói vậy, tôi giật mình, và tỉnh người ngay. Thực ra, từ khi đặt chân đến lãnh thổ Miền Nam, hành quân xuống vùng Nam Lào ngay sau khi trận Lam Sơn 719 kết thúc, tôi đã từng nhặt được những tờ truyền đơn do phi cơ thả khắp trong rừng. Nội dung của những tờ truyền đơn đó là kêu gọi cán binh, bộ đội VC ra “hồi chánh”, “trở về với chính nghĩa quốc gia”. Mỗi tờ truyền đơn là một giấy thông hành, trong đó chỉ rõ, bộ đội, cán binh VC cầm tờ giấy đó trình với bất cứ cơ quan công quyền hay đơn vị QLVNCH nào, lập tức sẽ được đối xử tử tế… Tuy được đọc những tờ truyền đơn đó, nhưng tôi không bao giờ cất giữ, vì làm vậy sẽ rất nguy hiểm… Bây giờ nghe người lính già nói vậy, tôi xúc động và mừng quá, vội trả lời:

    - Con cảm ơn “qua”. Con nhớ rồi. Từ giờ trở đi ai hỏi con về làm gì, con sẽ trả lời con về “chiêu hồi”…

    Thú thực với quý độc giả, ngay từ giờ phút đó trở đi, hai chữ “hồi chánh” đối với tôi rất thân thương và là niềm tự hào. Sau này, được hội nhập với đời sống của Miền Nam, được đi đây đó, học hành, làm việc, bất cứ ở đâu, gặp bất cứ ai hỏi, tôi đều tự hào nói, tôi là một “hồi chánh viên”. Cũng giống như sau này, khi trở thành một người Việt tỵ nạn, tôi cũng rất tự hào với hai chữ “tỵ nạn chính trị”. Những khi đi làm hãng xưởng, trò chuyện với người Úc, tôi bao giờ cũng dõng dạc và tự hào nói “I’m a political refugee”.

    Trong thời gian về Trung Tâm Chiêu Hồi Thị Nghè, tham dự khoá giảng huấn do Bộ Chiêu Hồi tổ chức, tôi nhớ có một anh bạn, người Hà Nội, cũng chiêu hồi, đã đứng lên thắc mắc về chữ “hồi chánh”. Theo anh, chữ “hồi chánh” chỉ dành cho người đã đi theo tà phái rồi biết đường ăn năn, hối cải, quay trở về nẻo chánh thì mới gọi là hồi chánh. Nghe anh bạn nói, tôi thấy cũng có lý. Bản thân tôi từ khi còn bé đã không ưa gì cộng sản. Tôi không hề bao giờ có ý “phấn đấu” để được vô đoàn thiếu nhi, đoàn thanh niên. Cả cuộc đời tôi luôn luôn tránh xa những ai là đảng viên cộng sản. Tôi luôn luôn cho rằng, bất cứ ai đã là đảng viên cộng sản thì thể nào cũng biến chất và không bao giờ là một con người có lòng nhân ái, biết trọng lễ nghĩa, biết yêu thương nhau một cách chân thành. Duy vật biện chứng và tham vọng phấn đấu trên đường danh vọng của người cộng sản, sẽ giết chết tất cả những gì được gọi là thuần lương vốn có ở con người. Và tôi biết rằng, trong suốt những năm tháng tôi ở Miền Bắc, đâu đâu tôi cũng thấy nhan nhản những người Việt Nam là nạn nhân của chế độ cộng sản. Còn người Việt Nam là cộng sản có rất ít. Cả một làng quê tôi sống, cả mấy ngàn dân, hoạ may chỉ có khoảng 100 người cộng sản là cùng. Nếu lúc đó ở Miền Nam có ai bay ra được Miền Bắc mà nhìn xuống, người đó sẽ thấy cả xã hội Miền Bắc, hàng chục triệu người sống khổ sở, đói khát, lạnh lẽo và không hề có tự do, lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, sợ cả người hàng xóm, sợ cả chính người cũng khổ sở như mình… Trong số đó, có rất nhiều người ngày đêm dí sát tai vào chiếc radio, nghe ngóng tin tức về những cuộc “Bắc tiến” của Miền Nam. Trong số những người ôm radio, ngóng đợi, mong chờ tin “Bắc tiến” đó có thầy tôi và ông Tổng Tu, thông gia với thầy tôi, mỗi khi thầy tôi ghé thăm ông ở Hà Nội vào dịp tết.

    Mỗi năm, vào dịp tết đến, thầy tôi thường dắt tôi đi bộ qua hàng chục làng mạc khác nhau, rồi mới về đến quê là làng Đầm mà trên giấy tờ gọi là làng Bích Trì. Tại làng Đầm, ba tôi dắt tôi thăm mộ tổ, mộ ông nội, mộ bà nội, mộ ông ngoại, một bà ngoại, mộ chị Phúc, rồi mộ họ hàng chú bác…. Tất cả các ngôi mộ đó đều xây rất to. Nhất là mộ tổ xây vuông vức, mỗi chiều 4, 5 thước, cao tới ngực của tôi. Trong mộ tổ có 3 ngôi mộ khác xây vòng tròn. Riêng mộ chị Phúc, và mộ bà, khi qua đời là lúc ba tôi đã bị đấu tố địa chủ, rau cháo còn không có ăn, thì làm sao có tiền xây mộ. Bà nội tôi khi qua đời, ba tôi không có đủ tiền để mua một ngọn đèn cầy, một nén nhang, thì làm sao mua nổi chiếc quan tài. May mắn, lúc đó có cụ lang An tuổi đã cao, con cháu đã mua sẵn cho cụ chiếc quan tài để trong nhà, nên khi thấy bà nội của tôi mất, cụ lang An thương thầy tôi, không muốn bà nội của tôi phải bó chiếu chôn, nên đã cho thày tôi chiếc quan tài của cụ… Nhờ nghĩa cử to lớn đó, nên ba tôi lúc nào cũng coi cụ lang An là một đại ân nhân của gia đình. Và hôm nay, khi viết những dòng chữ này, tôi cũng rưng rưng lệ và âm thầm cầu nguyện cho cụ lang An được mãi mãi vinh hiển trên nước Chúa…

    Vì mộ bà nội và mộ chị Phúc chỉ là nấm đất nhỏ bé, sơ sài, nên năm nào cũng vậy, ba tôi và tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ, làm cỏ, dọn dẹp và khiêng những cục đất tảng, hoặc những viên gạch vỡ ở chung quanh về đắp lên trên mộ. Ba tôi vừa làm vừa khóc. Tôi cũng khóc theo. Làm xong, ba tôi và tôi đứng đọc kinh cầu nguyện thật lâu… Tết ở Miền Bắc bao giờ cũng là mùa đông lạnh lẽo, mưa phùn gió bấc. Mà gia đình của tôi lúc đó nghèo lắm, quần áo không có đủ để mặc. Lúc nào cũng phong phanh một bộ, rách như tổ đỉa, vá chằng vá đụp. Trong khung cảnh lạnh lẽo đó, ba tôi và tôi vừa mệt nhọc, vừa đói khát, chùm chung một manh áo mưa rách, vừa đọc kinh, vừa nhìn một bà, một chị Phúc… mà khóc…

    Thầy tôi sống trong cảnh gà trông nuôi con, cả đời chỉ biết dùi mài kinh sử, yêu quý lời của thánh hiền, luôn luôn dậy tôi “khai quyển hữu ích”, mở sách là có lợi, nên đâu có biết gì đến kim chỉ. Nhưng do hoàn cảnh, phải cầm kim cầm chỉ để khâu vá quần áo cho tôi. Vì vậy, những miếng vá của thầy tôi trông xấu xí vô cùng. Thậm chí có

    những miếng rách nhỏ, không có vải để vá, thày tôi chỉ lấy chỉ quấn quanh mấy vòng thành cái núm nhỏ, nên quần áo của tôi trong méo mó thê thảm. Mỗi khi đi học tôi xấu hổ với bạn bè vô cùng, và thường xuyên bị bạn bè dè bỉu. Đã mang tiếng là con địa chỉ, mà lại nghèo khổ nữa nên tôi khổ sở, đi học mà lúc nào cũng như con chim bị tên sợ đậu phải cành cây cong. Những lúc đến giờ ra chơi, tôi thường ngồi chết dí trong lớp, không dám ra ngoài, vì sợ bị chêu trọc, sợ những miếng vá trên quần áo, có thể rách, có thể tuột chỉ, làm trò cười cho thiên hạ….

    còn tiếp

  6. #6
    BaNai's Avatar
    Status : BaNai v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Feb 2014
    Nguyên quán: Maryland, USA
    Posts: 218
    Thanks: 6
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Cám ơn NP đã đăng hộ bài
    BN

Trang 1/2 12 cuốicuối

Similar Threads

  1. Trả lời: 4
    Bài mới nhất : 07-09-2020, 04:51 PM
  2. Tiếng hát Ngọc Cẩm & Nguyễn Hữu Thiết ♫
    By BachMa in forum Nhac Trữ Tình
    Trả lời: 22
    Bài mới nhất : 06-07-2020, 04:19 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 12-23-2014, 10:23 PM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-31-2014, 06:40 AM
  5. Chia Buồn GĐ KQ Tống Hữu Gia
    By khongquan2 in forum Phân Ưu
    Trả lời: 2
    Bài mới nhất : 07-02-2014, 01:46 AM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •