TÔI ĐI TÌM TỰ DO (Nguyễn Hữu Chí)

Hữu Nguyên


KỲ 111

Sau buổi làm việc về tên thật tên giả, tôi cũng vô cùng lo lắng không biết mình có gặp trở ngại gì không. Về thuyền, ngồi nghe anh Thu, anh Thịnh và một số người phàn nàn, bàn ra tán vào, tôi càng thêm hối hận, nghĩ bụng, biết vậy, tôi cứ khai tên Phạm Thái Lai thì lại đỡ rắc rối. Nhưng rồi mọi lo ngại của tôi cũng trôi qua, sau khi tôi nhận được giấy tờ của gia đình gửi qua. Và đó là lần duy nhất ban an ninh trại tỵ nạn Hồng Kông thẩm vấn tôi về tên thật tên giả.

Trong những ngày sống trên thuyền chờ đợi được lên bờ, chúng tôi nhìn quang cảnh thành phố Hồng Kông, ai cũng ham. Nhất là nhìn cảnh Hồng Kông về đêm, rực rỡ muôn hồng nghìn tía trong muôn vạn ánh đèn màu, chúng tôi ai cũng khao khát được đặt chân lên đường phố Hồng Kông, được hút một điếu thuốc thơm, được ăn một tô phở,… trong một tiệm ăn nào đó. Sau mấy đêm khao khát, bàn hươu tán vượn, một đêm nọ, Hải, Cường và Tuấn là những người bơi giỏi, rủ tôi cùng bơi vào Hồng Kông. Cả ba đều là người Việt gốc Hoa, nói tiếng Quảng rất giỏi, Hải lại có mấy ngàn đồng tiền Hồng Kông, nên chuyến “đột kích” của chúng tôi trót lọt.

Khoảng cách từ thuyền đến bờ chỉ độ nửa cây số, nên chúng tôi bì bõm bơi độ khoảng nửa tiếng là tới bờ. Lên bờ, cả ba đều ướt như chuột, quần áo lôi thôi lếch thếch, trông chẳng giống ai. Vậy mà khi chúng tôi ghé vô một quán nhỏ bên đường, trong quá có mấy thực khách, những chẳng một ai thèm để ý. Đúng là xã hội tự do, chẳng ai phải theo dõi ai hay dè chừng ai. Sau khi ăn uống no say, Hải mua mấy cây thuốc lá, bọc kín trong chiếc túi plastic để mang về thuyền, bán lại bằng tiền đô hoặc đổi bằng vàng. Sau này, khi lên trại tỵ nạn, tôi càng khâm phục khả năng buôn bán tháo vát của Hải. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất môi trường nào, kể cả tù tội, Hải đều có tiền, có hàng cho bất cứ ai cần, để rồi qua đó, Hải luôn luôn kiếm được những món tiền lời kếch xù.

Chúng tôi ở trên thuyền được khoảng 3 tuần lễ thì được lên bờ, lần lượt lên xe về trại tỵ nạn Kai Tak North. Trại tỵ nạn này nằm ngay cạnh phi trường Kai Tak nên chúng tôi thường xuyên nhìn thấy phi cơ lên xuống tấp nập, xe cộ ra vào phi trường như mắc cửi. Chỉ nhìn số lượng phi cơ lên xuống, ai cũng thấy nền kinh tế vô cùng trù phú của Hồng Kông. Anh Thịnh, người Hải Phòng có cái thú, mỗi buổi sáng, ngồi hút thuốc lào rồi đếm phi cơ lên xuống. Lâu lâu, anh lại vỗ đùi reo lên, “Mẹ tụi tư bản giỏi thiệt. Phi cơ ở Hồng Kông còn nhiều hơn xe hơi ở Hà Nội!”

Trại tỵ nạn Kai Tak North có hàng chục dẫy nhà tiền chế, trong mỗi nhà có hai dẫy giường 3 tầng bằng sắt chạy dài có thể chứa được cả một, hai trăm người. Mặt giường bằng gỗ ép, mỏng nhưng rất cứng và rộng rãi, có thể nằm 2 người thoải mái. Cơm nước có nhà thầu lo. Chúng tôi cứ mười người một nhóm, phân công nhau đi lấy cơm, thức ăn về chia nhau ăn. Cơm thì thoải mái, nhưng thức ăn thì ăn đi ăn lại toàn lòng gà xào rá, nên ai cũng ngán. Đối với những người có tiền thì mua thức ăn, nấu nướng thoải mái vì, mỗi nhà tiền chế đều có khu nấu nướng ở ngay bên hông. Ngoài ra, hàng quán mọc lên như nấm dọc theo các dẫy nhà, bán đủ các loại quà bánh, món ăn, với đủ hương vị, Việt Hoa, Bắc Trung Nam…

Thời gian đầu, chúng tôi sống như những người tù bị giam lỏng. Toàn trại Kai Tak North được rào kín bằng dây kẽm gai. Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông canh phòng lơ là, nên chúng tôi vẫn ra ngoài đi chơi, ăn uống, xem phim, hoặc mua bán đồ ăn, thức uống đem vô.

Khoảng hơn tháng sau, chúng tôi được quyền đi làm kiếm thêm tiền, trong khi Liên Hiệp Quốc vẫn nuôi ăn ở với số tiền tài trợ y như cũ. Tôi đoán, thời gian đó, nhu cầu cần thợ của các hãng xưởng ở Hồng Kông lên rất cao, nên Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ và chính quyền Hồng Kông đã chấp thuận cho chúng tôi đi làm.

Tôi nhớ, mỗi buổi sáng, ai muốn đi làm, cứ ra cổng trại đứng, xe của các hãng xưởng đổ đến, đón người đi làm, chở tới tận hãng, đến chiều lại chở về tận cổng trại. Có những hãng xưởng trả tiền công ngay trong ngày, làm ngày nào lãnh tiền ngày đó. Hôm nay làm hãng này, không thích, mai chọn hãng khác, tha hồ. Có những hãng xưởng trả lương tuần, làm tuần nào trả lương tuần đó, không giữ lại một ngày nào. Tuần này làm hãng này, tuần sau nghe bạn bè rủ rê lại đi hãng khác làm. Ở Hồng Kông còn có một cái thú nữa là gọi điện thoại local thoải mái, không phải trả tiền, mà điện thoại thì có khắp mọi nơi.

Khi được phép đi làm, tôi rất mừng. Vì hoàn cảnh của tôi đã vượt ngục vượt biên, lại không có tiền bạc gì, nên trên suốt chặng đường đào tẩu luôn luôn được sự giúp đỡ của thân nhân, bạn bè và cả những người không hề quen biết. Tất cả những người đó đều nghèo túng, cực khổ, nên khi được những người đó bất chấp nguy hiểm, giúp đỡ, tôi vô cùng cảm động, lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm, một khi ra nước ngoài, có điều kiện đi làm là sẽ làm ngày làm đêm để kiếm tiền gửi về, đền đáp phần nào những ân sâu nghĩa nặng mà tôi đã may mắn được hưởng.

Công việc đầu tiên của tôi là vác những bao xi măng 50 kí lô từ dưới đất lên những cao ốc. Chủ nhân cứ tính bao trả tiền. Vác được bao nào lên, chủ trả tiền ngay bao đó. Vác 50 kí lô leo lên một tầng lầu tôi đã thấy bở hơi tai, chân tay lẩy bẩy, chỉ muốn té. Vậy mà ngày đầu tiên tôi phải vác lên đến tận tầng 12! Vác lên đến tầng 4, tôi đứng thở dốc, chỉ muốn xỉu, nhưng nghĩ đến những người thân yêu, những ân nhân đang khốn khổ ở quê nhà, tôi cắn răng leo tiếp. Ngày đầu tiên, cả 8 tiếng đồng hồ, tôi vác được có 3 bao. Ngày thứ hai, thê thảm hơn, chân tay, xương cốt đau nhức, tôi vác được có 2 bao. Sang ngày thứ ba cũng vậy. Đến ngày thứ năm, khá hơn, tôi vác được 3 bao như ngày đầu. Ngày tiếp theo tôi vác được 4 bao. Từ đó, tôi tự đặt kỷ lục, mỗi ngày phải vác tăng hơn ngày trước một bao. Đến ngày thứ 15, tôi vác ngon lành, 12 bao! Nhanh hơn cả công nhân Hồng Kông tới 4 bao.

Giữa lúc đang tính cố gắng đến cuối tháng sẽ vác nhiều gấp đôi người khác, thì Cường rủ tôi đi làm cho một hãng chuyên lắp ráp Radio Cassette Players cho xe hơi. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn biết ơn sự giúp đỡ của Cường, vì nếu khi đó không có Cường, chắc tôi vẫn tiếp tục làm nghề vác xi măng suốt mấy tháng ở Hồng Kông và xương sống tôi sẽ gẫy giống như Huấn “lé” và Hải “mập”.

Cường người Đà Lạt, cao ráo, có bề ngoài nho nhã, thư sinh, nhưng cởi áo ra thì bắp thịt chỗ nào cũng cuồn cuộn, trông hệt như kiến càng. Cường chơi thể thao thường xuyên, nhất là nhảy dây, chơi xà, hít đất bằng một tay ngon lành,… nên Cường rất nhanh nhẹn và can đảm. Chính mắt tôi đã thấy có lần Cường đang ngồi đánh cờ với tôi ở trên trên chiếc giường trên cùng, bỗng nhiên cả người Cường như một thỏi cao su, bật lên cao, tay bám vào xà ngang bằng thép, rồi bay sang chiếc giường cách đó hơn chục thước, can một vụ ẩu đả giữa mấy tay du đãng.

Cường nói tiếng Hoa, Anh, Pháp giỏi, nên quen với Trần “sếnh sáng” và được làm ở ban trật tự, chuyên tuyển người khỏe mạnh đi làm ở các hãng xưởng ở Hồng Kông. Nhờ có Cường giới thiệu, tôi được vô làm hãng lắp ráp Radio Cassette Players. Làm ở đây lương cao, lãnh lương tuần và công việc làm dây chuyền thoải mái, nhưng đòi hỏi phải nhanh tay, lẹ mắt.

Phòng làm việc của tôi có khoảng 20 người, phần đông là phụ nữ. Chúng tôi ngồi quây quần quanh một chiếc bàn dài 15 thước, người nào làm phần việc của người đó. Đầu tiên, lấy sản phẩm được người bên trái làm xong đã đặt sẵn ở trên bàn, rồi lắp những bộ phận mà chủ đòi hỏi. Làm xong, đặt sản phẩm của mình sang bên phải để người bên phải lắp tiếp những bộ phận khác, rồi mình lấy tiếp sản phẩm khác ở bên tay trái… Cứ như vậy cho đến hết ngày.

Phần mới được làm quen với đời sống kỹ nghệ, phần sung sướng khỏi phải mang vác nặng leo cầu thang, phần nghĩ đến người thân hạnh phúc khi nhận được sự giúp đỡ, nên tôi làm việc rất tích cực và rất chịu khó. Lúc đầu, mỗi khi lắp các con ốc vào chiếc Radio Cassette Players, nếu không khéo, ốc xiết quá đà, tay tôi sẽ bị chảy máu. Còn nếu ốc xiết không chặt, phải tháo ra xiết lại cho đủ vòng. Làm chậm, số máy bên tay trái của mình sẽ ùn lên thành đống trong khi người bên phải không có máy làm phải ngồi chờ. Khi đó, đã lúng túng lại càng thêm lúng túng. Nhưng sau mấy ngày chịu khó ở lại tình nguyện làm thêm giờ cho quen việc mà không lấy tiền công, tôi quen việc nên làm nhanh dần. Cho đến khi phải nghỉ hãng để lên đường đi Úc, tôi đã làm nhanh đến độ kiêm luôn việc của cả người bên trái lẫn người bên phải, nên chủ hãng rất thích. Nhờ chịu khó làm việc như vậy, nên khi chia tay, ban giám đốc hãng đã trao cho tôi một giấy giới thiệu rất tốt, giúp tôi khi tới Úc kiếm được việc làm rất nhanh chóng.

* * *

Sau thời gian khoảng 6 tháng ở Hồng Kông, làm việc kiếm tiền và mua được gần chục thùng đồ gửi về Việt Nam, tôi được gia đình bà chị ở Úc bảo lãnh và được lên đường sang Úc vào đúng mùa Giáng Sinh năm 1979…. Như vậy là sau 8 năm trời, kể từ khi rời động Ông Đô, phía tây thị xã Quảng Trị, bắt đầu chuyến đi “Tìm Tự Do”, cuối cùng tôi đã thực sự đặt chân đến nước Úc tự do. Trên chặng đường đi tìm tự do đó, tôi cũng đã thực sự được tự do gần 4 năm ở trên đất Miền Nam, trước khi bị mất tự do sau ngày 30-4-75. Bốn năm đó tuy ngắn ngủi, nhưng đã giúp tôi thấy được xã hội Miền Nam tự do, dân chủ như thế nào, cuộc sống của người dân Miền Nam hạnh phúc ra sao. Vẫn biết, người dân Miền Nam được sinh ra và lớn lên trong xã hội Miền Nam vẫn ngày đêm than vãn, không hề thỏa mãn với tự do dân chủ của Miền Nam, để rồi trong đó có những người vì ngây thơ, đứng núi này trông núi nọ, chạy theo bánh vẽ tự do dân chủ do cộng sản nặn ra, đã vô bưng theo cộng sản, hoặc nằm vùng cho cộng sản; nhưng bản thân tôi nhờ sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, nên tôi hiểu, tự do dân chủ của Miền Nam quả thật là thiên đường cho những người như tôi.

Trải qua những năm tháng sống ở Miền Nam, điều tôi thấy thiêng liêng và cao quý chính là tấm lòng đôn hậu, chất phác, nhân ái chan hoà của người dân Miền Nam, dù là người Miền Trung, Miền Nam hay Miền Bắc. Thể chế chính trị và văn hóa xã hội của Miền Nam thời trước 1975 đã để lại cho người dân Miền Nam những giá trị nhân bản vô cùng cao quý, khiến người Miền Nam biết yêu thương đùm bọc nhau, nhường cơm xẻ áo cho nhau, sẵn sàng cứu giúp những người khốn khó, cô quả, những kẻ hoạn nạn.

Cũng trong những tháng năm sống ở Miền Nam, và sau này sống ở Úc, càng sống tôi càng thấy xót xa thương cảm cho những người thân yêu của tôi, những bằng hữu của tôi, những ân nhân của tôi… phải sống lay lắt, tàn lụi trong đói khổ, đau đớn thiếu thốn trăm bề trên đất Miền Bắc. Nhưng thê thảm hơn cả những đau đớn đói khổ thiếu thốn về vật chất, người dân Miền Bắc sống trong chế độ cộng sản, còn phải chịu đựng những cực hình về tinh thần, những dầy vò về tình cảm, những chà đạp về nhân phẩm, khiến tình bằng hữu, nghĩa gia đình bị thui chột, và tất cả những gì được coi là đạo đức, luân lý, lễ giáo, đức tin… trong xã hội Miền Bắc, đều chỉ có thể tồn tại một cách thoi thóp, leo lét, trong sự che giấu và sợ hãi, hoặc chỉ có thể tồn tại trong lương tâm của những tù nhân chìm ngập trong vòng lao lý của cộng sản.


Tôi và bà xã. Tình cờ gặp nhau ở trại tỵ nạn Hồng Kông và cùng chung chuyến bay sang Úc. Ảnh chụp năm 2010.




Em gái anh Dzoãn Bình và tôi chụp tại Bankstown, Sydney, Australia năm 2010.










Con trai và con dâu trong ngày cưới. Hiện đã có 2 cháu trai và gái.


HẾT PHẦN I

(Đón đọc tiếp : PHẦN II – Vì Tự Do Tôi Tranh Đấu!)