Remember ?

Trang 3/9 đầuđầu 12345 ... cuốicuối
kết quả từ 13 tới 18 trên 49

Tựa Đề: Huấn Luyện Phi Hành * Tình HOÀI HƯƠNG

  1. #13
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Cứ Tưởng Ta Là… SỐ 1


    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 9


    Cứ Tưởng Ta Là… SỐ 1
    Tình Hoài Hương
    ***

    Đợt 4.- Năm 1965… Vào lúc 4:00 sáng, Hành thức dậy theo tiếng kèn, (do máy phát nhạc gắn trên mỗi dãy phòng ngủ), ba chân bốn cẳng anh cùng các bạn lật đật chạy đi làm vệ sinh cá nhân thật nhanh.
    Đúng 4:15’ sinh viên sĩ-quan Không-quân tập trung thành từng Trung-đội để điểm danh. Mỗi sáng Hành phải chạy lên thao trường cách xa 1 mile. Sau đó anh trèo lên một cái đồi thấp. Có những đường chạy vòng trôn ốc xoay quanh ngọn đồi. Từ dưới chân đồi chạy hộc xì bơ lên đỉnh đồi cao gần như dựng đứng, trên con đường có cỡ chừng mấy chục cái cọc, mỗi cọc cách xa nhau khoảng 100 yards. Khi Hành vừa thở vừa cố chạy chậm lên đến đỉnh đồi xong. Các khóa sinh đứng thở dốc độ mươi giây, lại lo co giò chạy vòng trở xuống theo sau lưng thầy. Các bạn và anh cứ chạy lên chạy xuống trên ngọn đồi nầy ròng rã như thế cả giờ. Lúc nào gần hết giờ, thầy trò cùng nhau chạy xuống con đường dốc lài lài cũ, chạy về lại thao trường lần chót, thì tan hàng. Công nhận ông thầy bền sức, dẽo dai, “ngài” khỏe thật. Bái phục!
    Vài lần Hành bị cảm, do khá mệt trong người, nên phải "ma lanh" xí, anh chạy khật khưỡng lúp xúp sau lưng bạn. Ông thầy lúc nào cũng chạy đầu tiên, (làm gương mẫu mà) thầy chạy trước khoá sinh. Biết thầy không để ý, và ít khi ngoái cổ nhìn lui sau, Hành liền "lủi" vào núp trong mấy lùm cây rậm quanh con đường vòng dốc cao. Hành chờ khi ông thầy chạy trở xuống con đường trôn ốc cũ, trời còn mờ mờ chưa sáng, thầy chạy qua mặt mình một đoạn ngắn, thì Hành lò mò chui ra, chen vô giữa với các bạn “siêng năng hăng hái” khác, để chạy tiếp. Mỗi lần như thế, có vài ba bạn chạy ở khúc gần cuối, nhìn thấy Hành, bạn phì cười giơ ngón tay lên hăm doạ.
    Nhưng Hành để ý quan sát, thì hầu như không có ai muốn bắt chước cái tật xấu và lười biếng của mình, thì tự Hành cảm thấy hổ thẹn, mà chừa bỏ thói hư. Duy có một lần bạn Minh cũng bắt chước làm giống như Hành cho bớt mệt tí chút, vì gót chân bạn bị sưng to và thốn. Chứ Minh nào dám ngồi lâu (vô nghỉ ít phút). Nếu thầy phát hiện ra, là chết đa. Vừa chạy Minh vừa ngao ngán lẩm cẩm “dệt mộng” cho đỡ đau khổ vì Đời và Thơ:
    Thơ đẹp không như đời.
    Chạy lòng vòng hụt hơi.
    Run mòn đôi chân rồi.
    Có hay nào cảnh trời.
    Giọt mưa thà cứ rơi.
    Đắng cay trong lòng rửa.
    Thanh thản dưới giòng mưa.
    Lòng anh em hiểu chưa?
    Không-quân yêu hoài, nữa.
    Tình êm đẹp dù chưa
    một lần ta thất hứa.
    Tim mình trao thật vừa.
    (*)
    Trở về, Hành lo lau chùi dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ. Giường ngủ trải tấm drap thẳng băng như mặt phẳng. Inspection - Khi sĩ quan cán bộ đến kiểm soát, họ thả cây thước xuống nệm, cây thước phải nhảy dựng đứng “tưng tưng” lên, như cái lò xo, mới thành công. Họ đeo găng tay trắng quệt lên: Khám tủ locker. Sàn nhà đánh xi láng bóng, soi mặt thấy mờ mờ. Bàn ghế sách vở ngăn nắp. Dưới gầm giường không có bụi, vân vân... Hôm nào mà họ cho là outstanding, là mình được khen thưởng.
    Còn nếu chỗ nào sĩ quan cảm thấy dơ, là cả phòng bị phạt đi bộ, chạy bộ; gọi là military drill. Thay vì giờ tự do, ai làm gì thì làm, mình phải thay quân phục dã chiến, lên phòng tiếp liệu lãnh súng. Làm ơn đi, các ông tự giác nhe, “ta tự mình” đưa cả phòng ra sân thi hành lệnh! Mấy bạn không phạm lỗi gì, vô duyên vô cớ bất đắc dĩ cũng bị “móc gộp chung vô cả đám dính chùm như chùm nho”, lãnh sẹo đủ! Thiệt tức như bò đá, nhưng họ chẳng dám xổ tiếng “Đan Mạch, hoặc tung võ mồm giọng của người “Đi Miên”. Ôi, từ Việt Nam qua Mỹ rồi, khi nhắc lại chuyện bị phạt, có thể nặng nề hơn, hoặc na ná giống như hồi sinh viên sĩ quan ở quân trường Không-quân Nha Trang, là mình vẫn cảm thấy ngây ngây sốt, ớn lạnh xương sống đây!
    Đợt 5.- 6:30’ AM - Đi ăn sáng, sinh viên sĩ quan hàng lối chỉnh tề, đi chặt góc vuông. Ngồi thẳng lưng, nâng thức ăn lên ngang miệng, rồi mới cho vô miệng. Khi nhai thức ăn, không ăn ngồm ngoàm, không hả to miệng để khoe thiên hạ mình có mấy cái răng "dàng". Điều ăn uống nầy, thì ở đâu cũng phải "tao nhã thanh lịch" như thế, chả phải nói!
    Sau giờ điểm tâm, sinh viên sĩ quan chuẩn bị đi học từ 8:00AM đến 12:01PM trong ngày:
    1.- Học văn hoá & chuyên môn. (Đám Việt Nam chúng ta học thêm mấy giờ Anh-văn).
    2.- Không hành.
    3.- Khí tượng.
    4.- Nghệ thụât chỉ huy.
    5.- Học cách đi đứng (học cơ bản thao diễn).
    6.- Học “đoạn đường chiến binh” (Obstacle Course – O Course).
    Trình tự học ghi như sau:
    - Chương trình văn hóa (Academics); áp dụng cho ngành hàng không, dùng thước slide rule để tính.
    - Study Skills dạy cách học bài, trong đó có Speed Reading Skills (Speedy Skills).
    - Leadership là nghệ thuật lãnh đạo.
    - Kỹ năng đọc nhanh và Communication Skills kỹ năng thông đạt.
    - Môn Naval Orientation dạy về lịch sử, cách tổ chức Hải quân Hoa kỳ.
    - Môn Chính-trị FNP (Foundation of the National Power) dạy lịch sử thế giới.
    Những tổ chức quốc tế, như: UNO, NATO, WAPA, ngoại giao, hiệp ước, công ước cận đại.
    - Navigation (không hành) trong đó có Celestial Navigation nhắm hướng ban đêm bằng vị trí các sao trên trời, cách sử dụng các phi cụ.
    Tất cả đều có phim ảnh, trợ huấn cụ cho từng ngành, từng môn một.
    Đợt 6.- Buổi chiều học chuyên môn. Có nhiều môn-học chuyên ngành như:
    - Aerodynamics là khí động học áp dụng cho phi cơ và bom đạn sử dụng.
    - Leadership là nghệ thuật lãnh đạo.
    - Engineering trong đó có môn Động-cơ-nổ và Động-cơ phản-lực.
    - Aviation Science dạy điều khiển các bộ phận của phi cơ.
    - Phương sách bảo trì phi cơ.
    - Luật lệ lưu thông hàng không.
    - Học phương thức liên lạc vô tuyến. Code Morse và Recognition; nhận dạng các phi cơ đồng minh và phi cơ địch.
    - Weather and Meteorology. Thời tiết và Khí tượng.
    - Chương trình Thể Lực và Mưu sinh Thoát hiểm (Physical Fitness-Survival) phát triển sự kết hợp sức mạnh vào kỹ năng chuyên môn.
    - Tập dượt các môn võ đô vật truyền thống (collegiate wrestling), quyền Anh có đội nón độn nệm (smokers boxing).
    - Bơi lội thì phải bơi suốt 2,000m (40 vòng tới lui) có bận đồ bay.
    - Chương trình Huấn luyện Quân sự (Military Training) rèn luyện khóa sinh việc hành chánh, quân phong quân kỷ, và khả năng tác chiến.
    - Học cách sử dụng vũ khí cá nhân. Chào kiếm chuẩn bị lúc làm lễ ra trường. & Vân vân...
    Đợt 7.- Navigation (không hành) trong đó có Celestial Navigation nhắm hướng ban đêm, bằng vị trí các sao trên trời, cách sử dụng các phi cụ.
    - Aerodynamics là khí động học, áp dụng cho phi cơ và bom đạn sử dụng.
    - Khóa sinh Kỹ thuật không phi hành (aviation ground officers).
    - Điều hành viên. Cơ khí Phi hành (air crewmen) chẳng đi đâu xa mà đã có trường Naval Aviation Officers School ngay tại căn cứ Pensacola.
    - Căn cứ phụ Naval Air Auxiliary Station Ellyson Field là trường Phi hành Trực thăng Helicopter Training Squadron EIGHT HT-8, cách căn cứ Pensacola 16mi về hướng Đông-Bắc.
    - Căn cứ phụ NAAS Saufley Field là Trường bay Vỡ lòng VT-1 (Primary Flight Training) ở cách 10 mi về hướng Bắc của Mainside (nickname của căn cứ chánh NAS Pensacola). & Vân vân...
    * * *
    * Về những huy hiệu hay cánh bay, Hành thấy sĩ quan Không-quân được may trên các bộ quân phục của KQVNCH (hồi xưa còn nhỏ xíu, anh nhìn thấy họ mặc áo bay, mà mê tít thò lò là vậy). Các niên trưởng & anh Trần Văn Lương đã bổ túc những phần hữu ích, hiểu biết thêm, để nhờ thợ may cho đúng nơi, đúng chỗ vài chi tiết:
    - Vai trái: huy hiệu Sư Đoàn.
    - Vai phải: huy hiệu Không Đoàn.
    - Ngực trái: huy hiệu Không Quân.
    - Ngực phải: huy hiệu Phi đoàn.
    - Huy chương cá nhân đeo bên trái.
    - Trên huy hiệu của phi đoàn là cánh bay.
    - Cánh bay đeo bên phải, nằm trên bảng tên (trên huy chương của đơn vị mình đang phục vụ).
    - Khi mặc áo trận (áo bay) không bao giờ đeo huy chương cuống (tức là một phần nhỏ của cái huy chương) ngoại trừ được gắn huy chương trên mặt trận. Mà là: Mặc quân phục Đại lễ hay Tiểu lễ, thì mới đeo đủ thứ (như đã trình bày trên).
    - Bên Hải-quân Mỹ thì chọn cánh bay màu vàng.
    - Bên Không-quân Mỹ và Bộ-binh thì chọn cánh bay màu bạc.
    - Phù hiệu Sư Đoàn (I, II ...), Căn Cứ (12...) mang bên vai trái.
    Tóm lại: “Tổ Quốc Không Gian” mang bên ngực trái, bên trên là cánh bay.
    Phù hiệu Phi Đoàn mang bên ngực phải, bên trên là bảng tên.
    Phù hiệu của các loại phi cơ đang bay mang bên vai phải. Lon mang trên hai vai.
    - Cánh bay mang bên ngực phải, trên hàng huy chương (mang trên quân phục kaki, hay đại lễ).
    HSQ cao cấp (Th/S+Th/S I) & Ch/U ; cũng như SQKQVN chưa bao giờ đeo lon, do tiếng Tây "galons", (chớ không phải là gallons) trên ve cổ áo (revers). Áo trận thì mang phù hiệu, cấp bậc đính trên một miếng nền đen độ chừng 4cm, hoặc 5cm vuông, may vào mép của vạt áo, ngang miệng trên hai túi áo. Mấy ông HSQ + BS nếu hà tiện, thì xài miếng kẹp bằng kim loại. Áo bay đương nhiên giống như áo trận, nhưng cũng có thể làm hai miếng trên hai vai. Mặc áo kaki vàng nếu không thắt cà vạt, thì mang cầu vai ống, mà tiếng Pháp gọi là Fourreaux. Mỹ bây giờ đã xài, gọi là Soft shoulder boards, Slide shoulder boards. Áo kaki vàng có thắt cà vạt, thì có thể mang cầu vai ống, hoặc cầu vai đại lễ. Cầu vai đại lễ có sườn cứng, mà tiếng Pháp gọi là Épaulettes. Mỹ gọi là Hard shoulder boards.
    - Danh từ NAVY có nghĩa là Hải-quân. Viết hoa như thế, hoặc viết Navy như thế nầy cũng đồng nghĩa. Nếu thêm US NAVY có nghiã là Hải-quân Hoa-Kỳ. Còn Tỉnh-từ của chữ Navy là NAVAL. Ví dụ như NAVAL AVIATOR là Phi-công Hải-quân. Chứ bên NAVY họ không gọi là Pilot. Vì họ cho rằng: Pilot của bên Air Force thì rất lè phè. (Ui cha ơi! Kiêu kỳ! Láu cá. Dễ sợ ha! Cứ tưởng chỉ có... ta đây là số 1). Mặc dù họ rất kính phục quý trọng các binh chủng khác, tuy họ khá thừa biết:
    - Bộ-Binh có những Sư-đoàn thiện chiến, nổi tiếng từ Đệ nhị Thế Chiến, như Sư-đoàn Bảy 101 lừng lẫy với trận đổ bộ ở Normandy (khi họ giải-phóng nước Pháp). THE FLYING 101st DIVISION.
    - Hay là Sư-đoàn “Anh Cả Đỏ” THE BIG RED ONE". Vân vân...
    - Ngược lại, họ đã to nhỏ nói như: trong Bộ-binh Hoa Kỳ, thì coi Hải-quân và Không-quân là: “Lính-Kiểng” chuyên bay-bướm lả lướt, phong lưu. Đôi khi họ nói nhỏ xí bên tai Hành: Anh là lính “phong tình” .
    - Ngược lại Hải-quân NAVY, {trong đó có Thủy Quân Lục Chiến (Marine Second Lieutenant)} lại láu-cá coi Bộ-binh là: quân-đội "vị-thành-niên”.
    - Rồi thì họ coi Air Force là “Lính Tập Bay”. Chứ chả phi-công, phi kiết gì ráo cả!
    - Còn mấy ông DELTA FORCE là của Special Force (Lực lượng Đặc Biệt) họ nghĩ đám Trinh-sát Biệt-kích chuyên môn “lủi sâu” vào nội bộ, địa phận kẻ địch, để phá hoại, tuyên truyền, thâu lượm tin tức tình báo. Nhóm này thuộc về Special Force. Trực thuộc US ARMY.
    Phải công nhận ở trong Quân-Đội Hoa Kỳ, các Binh-Chủng có riêng truyền thống đặc biệt tuyệt hảo của mình. Nên chả anh nào chịu thua anh nào cả. Điều bạn tôi nói ra đây, là do ý trung dung nhận xét của chính những người lính Mỹ, ở trong quân trường họ đã bô lô ba la nói ra, cho các khóa sinh nghe cho vui đó nha. Họ là dân Mỹ ở một đất nước quá tự do, muốn nói sao thì nói, họ nghĩ gì thì cứ nói toẹt móng heo ra. Chả ai dám tự tiện bắn lính Mỹ “cái đùng” đâu, mà sợ run như cầy sấy hỉ! Tổng Thống có chút sai sót nào, họ cũng lên tiếng "thảo luận & , chỉ trích, xây dựng" nữa là! Hô hô hô! Nước Mỹ hầu như tuyệt đối tôn trọng nhân quyền, bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do cá nhân; rất khác xa với nước Việt Nam.
    Vì thế cho nên anh Lính của Binh-Chủng nào cũng tôn sùng, ngưỡng mộ, bái phục, tha thiết mến yêu binh chủng của riêng mình cả, họ coi binh chủng của mình là nhất. Là số 1. Họ có “ráo riết yêu da diết và thích” binh chủng đó kinh khủng, họ mới tình nguyện không điều kiện xung phong vào binh nghiệp ấy, và tự phong cho mình là “Number One” cả! Còn các Binh Chủng khác là xanh xanh, hườm hườm, thường thường. Coi họ quá le lói cao ngạo ta đây ha. Cũng đúng thôi! “ăn cây nào rào cây ấy” mà! Nói chung, có sự suy nghĩ và phát biểu ý kiến rất “hồn nhiên, vô tư lự, tự do cá nhân”, là do họ thích lấy le, làm dóc tổ và vênh váo “cạnh tranh nhộn nhịp” , rất “quậy tưng trời cho vui” mà thôi. Ngoài ra họ không hề có ác ý. Họ ưa “thì thầm” bên tai nhau, trêu chọc, đùa dai vớ vẩn ti tí ở các binh chủng với nhau thôi. Xin nhắc lại là họ ưa chọc ghẹo nhau, cho vui vui khi sống kiếp xa nhà, phong trần gió bụi bềnh bồng trên mây trắng trời xanh, chứ chả phải họ có hiềm khích, bài bác, ác thù gì ai. Vui nhộn thôi mà. Chả ai thèm đấu khẩu “hung ác”, hay muốn “ăn tươi nuốt sống” nhau cả. Ở một xứ sở tột đỉnh văn minh, giàu có ngút ngàn, tiền rừng bạc bể, và rất tự do bình đẵng suy nghĩ, thì "khổ" vậy đó. Người Mỹ cũng có những “kỳ thị rất kiêu kỳ”, lãnh đạm, tự tôn và thoải mái. Ai muốn suy nghĩ gì, thì xin cứ tự do... cá nhân!
    Hành chỉ ghi nhận trung thực những gì tai nghe mắt thấy, khi anh lính Mỹ xí xô thoải mái nói cười ha hả. Nhưng riêng anh và nhóm bạn khác ở nước nhược tiểu xa xôi, vân vân…; thì tuyệt nhiên nếu có ai “tra khảo", dần anh cho đến chết, Hành chả dại mở miệng nói bô lô ba la, tô hô trước quần chúng! Có mà điên. Thế nên, tác giả bài viết cũng xin phép góp phần nhấn mạnh về cảm nghĩ riêng là: Cứ khách quan không phân biệt chủng tộc, “kỳ thị, kỳ khôi” gì mà nhận xét: Thì phi công hoặc bất cứ ngành nghề nào: cũng đáng được quý mến, kính phục và trân trọng như nhau. Nếu phi công F 5 ; AD6 ; A37 có bị bắn rơi, thì chỉ có phi công trực thăng rescue lo cho mà thôi. Ngược lại, phi công trực thăng bị rớt, thì sẽ được phi công khu-trục đến thả bom, hầu ngăn chận đối phương, để Bộ-binh hoặc trực thăng cứu vớt.
    LÍNH gì, lính ở các binh chủng nào, ở đâu, từ quốc gia nào… cũng có cái: vinh dự, hào hùng, khó khăn, khổ sở, vất vã nhọc nhằn, đặc thù, vinh quang... Họ cùng tự hào hãnh diện khi chiến đấu vì lý tưởng, họ cùng bảo vệ tổ quốc, họ yêu quê hương, gian lao khổ sở, hy sinh dũng cảm: đồng đều như nhau. Vì thế, quý vị dù là phi công Việt Nam; Nhưng khi đi du học, vẫn được xem là NAVAL AVIATOR của NAVY. Cho nên, khi trở lại với USAF, Phi Hành & các anh sinh viên sĩ quan Không-quân vẫn bị “kỳ-thị” như thường. Ở bển, họ coi mình là “đám con nuôi, con ghẻ, tí con cưng” của NAVY vậy. (“Cưng ơi”! thì cũng là “cưng” đấy thôi).
    ***


    Tình HOÀI HƯƠNG

    (*) Thơ Vui Tình Hoài Hương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  2. #14
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Bơi tại eo biển (Pensacola & Mễ Tây Cơ).



    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 10
    Bơi tại eo biển (Pensacola & Mễ Tây Cơ).
    Tình Hoài Hương
    ***


    Em gái thương,
    Thỉnh thoảng, lúc nào rảnh rỗi, thanh thản, thì anh ngồi bên bàn viết thư gởi về em và gia đình mình, kể chuyện nầy chuyện nọ. Hoặc anh ghi sơ sơ trong bút ký cá nhân về những sinh hoạt bình nhật, những vui buồn trong đời sống của một chàng lãng tử, thích sống phiêu lãng bồng bềnh trên mây, & ôn luyện những buổi học tập và thực hành tại Pensacola; nơi có căn cứ US Air Station và The Famous “Blue Angel” US Naval Flying Demonstration Team - tương đương với The Thunderbird US Air Force Flying Demonstration Squadron của USAF.
    *Anh trích dẫn tí chút từ “Trường Phi-hành Hải-quân Hoa Kỳ Pensacola” của NT ĐHB, cho em dễ hình dung ra rõ ràng nhen. *Phía Nam là phần còn lại của vịnh Pensacola, tiếp giáp thành phố Pensacola Bay trước khi đi vào Big Lagoon. Pensacola có căn cứ US Naval Air Station, một mũi đất (langue de terre), địa thế rộng khoảng 5,804 acres & căn cứ phụ Naval Air Auxiliary Station Ellyson Field, là trường phi hành trực thăng Helicopter Training Squadron EIGHT HT-8, ở cách căn cứ Pensacola 16 mi về hướng Đông-Bắc. - Căn cứ phụ NAAS Saufley Field là trường bay vỡ lòng VT-1 (Primary Flight Training) ở cách 10 mi về hướng Bắc của Mainside (nickname của căn cứ chánh NAS Pensacola). *(Hết trích dẫn).
    Em à, suốt năm trời bình an lặng lẽ trôi qua trên xứ lạ quê người, ngày nào cũng như ngày nấy, mỗi khi thức dậy: anh nghe trên loa ra rã gọi sinh viên sĩ quan Không-quân: “All hands fall in for morning spiffy (inspection)”, hoặc có nơi sinh viên sĩ quan Không-quân bỗng choàng thức giấc, do tiếng chuông reo inh ỏi muốn điếc con ráy, và tiếng loa móc trên các phòng nheo nhéo réo to: “Reveille! Reveille! Reveille! All hands hit the deck”.
    Thì tất cả sinh viên sĩ quan Không-quân khóa sinh lập tức nhảy phóc xuống giường, làm vệ sinh cá nhân xong, lo thay quân phục. Bề ngoài thì sinh viên “trau chuốt sắm sửa” quần áo, quân phong quân kỷ chỉnh tề, đường ly quần áo thẳng nếp, bâu áo gài collar and tie pins, mang đôi giày bóng loáng, con ruồi đậu lên còn soi rõ bóng, có khi nó bị té trợt lăn cù cù (như dạo đó em sợ hãi nên bị loạng choạng, quờ quạng tập đi "pa te" vậy. Nhớ không em)? Cà vạt phải khép kín cổ thành chữ V cứng và gọn ở yết hầu, ngay ngắn à nhen. Sau đó các anh em khóa sinh trình diện ở phòng trực OOD (Officer of the Day).
    Đợt 9.- Sinh viên sĩ quan Không-quân phải học qua những phương pháp cần thiết ở trường bay: Các bạn đều tận tâm tận lực ngày đêm miệt mài vùi đầu tối đa vô những trang sách dày cộm; ngỏ hầu vượt qua mọi trở ngại, gian khổ như thế. Có những điều họ quyết phải thực hiện thành công cho bằng được, dù với bất cứ giá nào. Từ học lý thuyết, đến thực hành, từng đợt, từng đợt… chu đáo ôn luyện những phương pháp căn bản. Thật vô cùng gay go, giống như một người không thích ăn ớt, lại buộc phải tộng vô họng vài trái ớt xiêm trộn lẫn trong chén cơm vậy. Trước khi sinh viên sĩ quan Không-quân được chính thức công nhận đã tốt nghiệp về chương trình huấn luyện phi hành, để trở thành phi công thực thụ, khóa sinh Không-quân phải học ở rất nhiều nơi.
    Nếu họ không chịu khó rèn luyện kỹ càng, thì chẳng khác nào ngày họ rời xa quê hương, xa gia đình và các anh, chị, em... rồi qua đây: chỉ là công cốc, công dã tràng xoe cát vừa xong, thì bị sóng biển xô bờ cuốn trôi đi những viên ngọc trong miệng còng. À, ngọc Dã tràng có thể nghe được tiếng nói cuả loài thú vật. Em tin không? Anh kể cho em nghe:
    Một lần kia, ông vua nước Lỗ ngồi trên thuyền với Dã Tràng, vua đã mượn viên ngọc để xem, và nghe thử có đúng như lời đồn đãi không. Quả thật vua đã nghe cá tôm nói chuyện linh tinh với nhau, khiến vua vui thích quá, đã há miệng cười ha hả… Thế là viên ngọc rơi tỏm xuống biển. Dã Tràng tiếc viên ngọc quý, nhảy xuống biển mò tìm viên ngọc, chẳng may Dã Tràng bị chết đuối. Trời biết chuyện, đã cho ông hoá kiếp thành con cua nhỏ, đời đời miệt mài xoe cát ven bờ biển.
    Hoặc anh hùng hơn, là chuyện vua Lê Lợi “nằm sương gối đất”… Ồ, sao em lại nhăn mặt nhíu mày phụng phịu thế kia? Hẳn là em chưa hiểu ý anh rùi! Thong thả để anh giải thích nào: Nếu anh và bạn chịu thương chịu khó noi gương các vị tiền bối học hành, thì sau nầy anh sẽ “áo gấm về làng” vinh quang và rạng rỡ như vua Lê Lợi đó. Nè em, nghe anh giải thích thành ngữ “nằm sương gối đất” nhen: “nằm sương gối đất” ngụ ý nói về cuộc sống của người truân-chuyên gian-nan, cơ cực nhưng biết ẩn nhẫn. “Nằm sương gối đất” có hai ý: 1.- do nghèo khổ cùng cực. 2.- do nuôi ý chí quật cường, để mưu cầu cho quốc gia đại cuộc.
    Ví như: 10 năm ẩn nhẫn vô cùng gian nan khổ sở “nằm sương gối đất” luôn đói khát khổ cực vô cùng, để chống giặc Minh (từ năm Mậu Tuất 1.418 tới năm Mậu Thân 1.428). Thế mà Vua và Lính: họ không hề than van. Đó là Bình Định Vương Lê Lợi và các tướng sĩ: Lê Sát. Lê Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Trần Nguyên Hãn & quân nhân. Triều đại nầy có: ông Lê Lai mặc hoàng bào giả dạng làm vua, thay thế vua Lê Lợi, ông xông ra thành đi đến quân thù, để liều mình cứu chuá Lê Lợi thoát ra khỏi vòng vây của địch. Có lần thành trì cuả vua Lê Lợi bị vây hãm, buộc lòng Lê Lợi để cho các con cháu bị giặc bắt. Nhưng vua Lê Lợi vẫn kiên cường ở lại trấn giữ biên cương, quyết chí trui rèn ý chí sắt son… ngỏ hầu đánh đuổi giặc Minh ra khỏi quê hương. Sau nầy vua đem an bình thịnh trị về với dân tộc. Nghe xong hai câu chuyện trên, em hiểu ý anh muốn nói gì rồi hen.
    Tóm lại, những môn học “khổng lồ, đồ sộ, vĩ đại” ấy, khiến anh cũng như bạn bù đầu bù óc và lạnh người! Nhưng tuyệt nhiên anh không lùi bước, mà quyết chí vượt lên trên tất cả gian lao thử thách và chướng ngại. Em có cảm thấy các anh có khí phách & cừ khôi, tuyệt hảo như thế không hở? Đó, em hãy nghĩ xem: các anh phải đương đầu với một lô một lốc chương trình học về việc huấn luyện phi hành dài ngoẵng, lê thê… Ấy, em có cảm thấy kinh hoàng, run rẩy, sợ hãi không? (mặc dù em chưa từng “thưởng thức những món ăn tao nhã tuyệt vời rất đặc thù” ấy. Phải không nào? Nầy nhé:
    Đợt 10.- Học: tập bơi lội hai giờ. Trong nhóm sinh viên sĩ quan người Việt, chỉ có năm người bạn kia (đa số là dân quê ở vùng biển), là có đủ tiêu chuẩn học bơi hai giờ. Còn sáu anh Việt Nam khác phải học bơi bốn giờ. Học đủ các loại: Jungle/ Swamp/ Sea Survival. - Bơi tự do. - Bơi ngửa. - Bơi sấp. - Bơi ếch. Bơi Bướm - Bơi đứng (bơi chỉ bằng hai chân). Vân vân...
    Khi sinh viên sĩ quan Không-quân đã thành công trong việc học bơi rồi, họ phải tập bơi ở eo biển Pensacola và Mễ Tây Cơ. Anh em khóa sinh trình diện ở phòng trực OOD (Officer of the Day) tại Bldg 624, khoá sinh sinh viên sĩ quan Không-quân mặc quần áo phi công, áo dính liền với quần (poupie suits). Anh ưa ngắm nghiá bộ đồ bay màu xám, màu cam, màu đen, cảm thấy thích thú, (hãnh diện, dĩ nhiên!) vui vẻ; coi mình ngồ ngộ, giống y như thời “baby” bé bõng ưa nhõng nhẽo vòi vĩnh mẹ, anh nghĩ mình lúc nầy còn thiệt ngây thơ, hồn nhiên, ngộ nghĩnh, xinh đẹp, rất dễ thương đang mặc tã. Ha em).
    Mỗi toán thực tập ba người, có một chiếc ca nô kèm theo, trên ca nô có hai huấn luyện viên (hạ-sĩ-quan hay binh-sĩ). Trong ca nô có đủ thứ: Cây cọc cán dài độ ba mét, có cái móc thép cong như hình chữ C ở đằng đầu cây cọc. Khi nào khoá sinh mệt quá, huấn luyện viên giơ cây cọc ra, để cho mình bám víu vào, thì họ kéo mình lên ca nô, cho nghỉ mệt xí. Trên canô có tấm mền dày, để khoá sinh quấn lại cho ấm cơ thể. Có chai rượu mạnh (“Martell XO Supreme”), để khoá sinh “hân hạnh” hớp một ngụm cho “tỉnh táo”, (nhớ là “quý ngài khoá sinh” chỉ được phép “tợp” một ngụm nho nhỏ thôi, vì nó khá mắc tiền đó.
    Em ơi! Nếu anh là “bợm”, chắc anh sẽ hả họng “nốc” vào một ngụm rượu tương đối hơi to xí, cho khoái khẩu, thì say xỉn, chứ làm sao anh “tỉnh táo” cho nỗi. (Nè em, anh nói nhỏ tí: ở quân trường Mỹ, thì làm gì có “Martell XO Supreme” từ Pháp khá đắt tiền, để cho sinh viên sĩ quan đang rèn luyện ý chí uống ha. Đừng tưởng bở. Anh cố ý loè em, nói dóc, “nổ” một phát từ Long Beach bay về tới Long Xuyên, Long An, Long Hải, Long Bình, Long Giao, Long Đất, Long Đồn... một tí với em cho vui, chẳng sao, không hề gì em ha. Em không nỡ méc "anh Thiệu niên trưởng nầy" với các niên trưởng khác bạn của anh, họ sẽ chọc quê anh, nhen em).
    Vài phút sau, tỉnh táo rùi, khoá sinh Không-quân làm ơn nhảy ùm xuống nước. Tiếp tục bơi, bơi, và bơi... Vì có khóa sinh học chung đa số là sĩ quan của Hải-quân, và Marine Corps; cho nên họ bơi lội khá giỏi, coi thật lả lướt, bay bướm nhịp nhàng uốn lượn mê hồn như "thiếu nữ người Cá" ở dưới nước. Sinh viên người Việt thì thể lực có phần nhỏ con, (so với người Mỹ, Mễ, v.v…) nên họ bị cán bộ nhào nắn như ý họ muốn. Nhưng sinh viên sĩ quan Không-quân Việt Nam gan lì và dũng cảm như ai, đã cố gắng tuân giữ theo “kỷ luật nhà binh” gắt gao. Dù mình cảm thấy “bị nhồi, bị vật” mệt muốn lè lưỡi, khá vất vã, mệt kinh khủng. Thấy không em, đa số sinh viên sĩ quan Không-quân đều có khí phách, tao nhã, can trường, kiên định và cương quyết đến thế là cùng. Em phục tụi anh chưa nào!
    Khoá sinh đến bãi tắm, lúc ấy đã có hàng ngàn thân nhân của khóa sinh, bạn bè, khách địa phương và thập phương hâm mộ từ các nơi đứng đó chờ đợi để xem. Họ vui vẻ hân hoan, nồng nhiệt, hớn hở hò hét, động viên, cổ vũ. Kèm theo những ban nhạc tự phát đánh những điệu nhạc hùng tráng rộn ràng vui tươi, nghe rất hay. Khiến bầu không khí càng thêm tưng bừng, náo nhiệt, vui vẻ, hỉ hả, náo nhiệt quá chừng!
    Sĩ-quan điều khiển chương trình thổi một hồi tu-huýt dài. Cả năm trăm (500) khoá sinh Không-quân đồng loạt nhào đầu xuống nước, bơi lổn ngổn dưới những bông bọt hoa biển trắng xoá. Các khoá sinh như bầy cá màu vàng cam tung tăng bơi lóp ngóp, bơi đủ kiểu, lặn ngụp trong màu biển xanh long lanh bát ngát. Đẹp vô cùng. Đứng trên bờ anh cảm thấy vui mắt, náo nhiệt, sung sướng, rộn ràng, hân hoan, thích thú hết biết.
    Theo lời chỉ dẫn rỉ tai của khoá sinh đàn anh (như anh), thì: Khi anh em khoá sinh đã bơi ra hơi xa xa bờ, khuất tầm nhìn của huấn luyện viên đang đứng quan sát ở trên bờ rồi. Thì bạn thò tay vào túi, lấy con dao lam ra, rọc bỏ hết hai tay áo sát tới nách, hai ống quần rạch gần sát háng (vứt ống quần và tay áo, cho nhẹ người, thoải mái, thì mình bơi lanh lẹ dễ dàng, sẽ không bị lúng túng, nặng và vướng vít). Bộ đồ bay chỉ còn khúc thân giữa cũn cỡn, như chiếc áo ba lỗ gắn liền với quần xịp mà thôi. Bi chừ trông mấy anh càng dị hợm, ngố ngáo, họ vừa bơi vừa tha hồ líu lo trêu chọc đùa ghẹo nhau (cũng giống như baby mặc quần áo ngắn lòi tay lòi chân), coi tức cười ngộ nghĩnh lắm.
    Trên trời có khoảng chục chiếc trực thăng đang ù ù bay lượn quần thảo dọc theo eo biển. Từ trên không trung, họ có nhiệm vụ quan sát thật chính xác: canh chừng cá mập. Vì thật ra, lâu lâu cũng có vài ba chú cá mập ốm đói ở ngoài khơi xa xa, cá mập vô tình bơi lạc vào vùng nầy tìm thức ăn. Nếu lúc nào các khoá sinh thấy trực thăng bắn lên trời một quả pháo hiệu màu đỏ. Thì ngay lập tức, tất cả mọi sinh viên sĩ quan Không-quân phải leo lên ca nô gần nhất, để bảo đảm an toàn tính mạng mình.
    Sau mấy giờ lặn ngụp dưới nước, khoá sinh bơ phờ bơi mệt nhoài, nhưng ai nấy đều cảm thấy vui; là có nhiều xe bus xếp hàng chờ đợi sinh viên sĩ quan, xe sẵn sàng đưa khóa sinh rã rời mỏi mệt, bơ phờ lê bước trở về trường. Xong khóa học thực tập, ngày mãn khóa sinh viên sĩ quan Không-quân thật đông vui, náo nhiệt hết biết, trông cứ như ngày hội lớn. Bao nhiêu xe hơi tư gia và xe bus đậu dài dài trước cổng trường. Tất cả khoá sinh leo lên xe trong bộ áo bay màu da cam rực rỡ. Coi rất đẹp mắt, lé mắt... Mọi người nhìn đám sinh viên sĩ quan Không-quân đều xuýt xoa, tắc lưỡi trầm trồ khen ngợi, mà mê tít thò lò à nhen! Anh tin chắc là họ sẽ phát thèm (chảy nước miếng chớ chẳng chơi).
    Thư đã dài, cho anh kính lời thăm hỏi cha mẹ, anh cầu mong đại gia đình mình luôn bình an, vui vẻ và như ý. Em hãy ngoan, thay anh phụng dưỡng cha mẹ chu toàn nghe. Lúc nào trở về quê hương, anh sẽ tặng cho em ít bánh kẹo, cho em ăn, sẽ hết vòi vĩnh anh trai nầy nọ, lúc đó sẽ sún hết hai hàm răng của em vốn dĩ khá trắng, nho nhỏ và đều như những hạt bắp, thì em hết dám khoe với thiên hạ em có hàm răng rất đẹp mà nay "hăng rết" (là hết răng). Ha ha ha...
    Hẹn gặp lại nhe em. Tạm biệt.
    Anh trai,
    Thiệu
    ***


    Tình Hoài Hương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  3. #15
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Mưu Sinh Thoát Hiểm (Physical Fitness-Survival)




    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 11

    Mưu Sinh Thoát Hiểm (Physical Fitness-Survival).
    Tình Hoài Hương
    ***


    Đợt 11.- *Điều hai:
    Khoá huấn luyện phi hành có ba ngày đêm Survival Days tại khu sình lầy của rừng Eglin AFB, đây là nơi từng huấn luyện Biệt Kích Mỹ, để sinh viên sĩ quan Không-quân học lớp Mưu Sinh Thoát Hiểm (Physical Fitness-Survival).
    Khoá sinh sinh viên sĩ quan Không-quân bên trong mặc bộ áo quần lót dày cui, kế đó mặc bộ đồ viá mùa Đông ấm áp. Bên ngoài còn mặc thêm áo treillis, nai nịt gọn gàng. Đội mũ lưỡi trai trùm kín hai lỗ tai và cổ. Mang giày cao cổ loại giày để đi rừng, vượt đồi núi, hay lội sông suối, đầm lầy.
    Trang bị mỗi cá nhân gồm có:
    - Được đeo dao găm.
    - 1 bình bi đông đựng nước uống.
    - Đem theo dụng cụ cần thiết để cắm lều đi rừng.
    - Khóa sinh được phép chế ra cái ná dây thun.
    - Được cấp phát thuốc trừ sốt rét. Thuốc khử nước độc. Thuốc trừ muỗi.
    - Ngoài ra sinh viên sĩ quan Không-quân hoàn toàn không được mang theo chút xíu thức ăn nào, (trừ nước lạnh).
    Mỗi toán bốn người: Hành và Cường may mắn đi chung với hai cựu quân nhân Thủy-quân Lục-chiến Mỹ có nhiều kinh nghiệm dồi dào. Vì họ đã từng sống và chiến đấu tại chiến trường ở Việt Nam lâu năm. Sáng sớm hôm đó, ban tổ chức vất mỗi toán một ở nơi khác nhau; cách xa doanh trại cuả ban tổ chức cả bốn năm miles. Ban tổ chức hẹn ba ngày sau, sẽ gặp lại tất cả khoá sinh sinh viên sĩ quan Không-quân ở tại điểm X nào đó trên bản đồ.
    Ngày đầu tiên có dồi dào sinh khí, nên sinh viên sĩ quan Không-quân ai nấy đều vui vẻ hăng hái, nhóm Hành đi miên man trong rừng rậm, dù quá vất vả, mệt không thể tưởng tượng, ngày đi đêm đi, thỉnh thoảng chỉ nghỉ ngơi khoảng vài ba giờ khuya, cho lại sức. Ngày thứ hai họ bắt đầu thấm mệt, nhưng không thể nào có giờ phút ung dung ngồi nghỉ ngơi, trong bụng trống rỗng, cồn cào bèo bọt, xót ruột quá sức, bình nước hết sạch, khiến họ khát khô cổ họng rát bỏng, hai môi khô nứt nẻ và dính chặt vô niếu, khiến mình thêm đau, và mệt lử. Họ hốc hác, bơ phờ đi tìm nguồn nước ở các khe suối, mương lạch, khử trùng cẩn thận trước khi nhấp môi, cho bớt khát bớt đau cổ và quá mệt mỏi. Nhưng ai nấy đều quyết tâm phải thực hành môn học “quái ác” nầy cho bằng được. Đàn anh niên trưởng đã thành công vẻ vang vượt trội, cớ sao mình không giống được như thế nhỉ!?
    Ngày cuối cùng là Escape Day. Sau khi tất cả khoá sinh biến sâu vào rừng rậm, tỏa đi trên các đường mòn, thì có nhiều cán bộ huấn luyện viên rất “ngầu” mặc toàn đồ pijama đen, đeo mắt kính râm, đội mũ lưỡi trai, cổ choàng khăn len, vai đeo AK lủng lẳng đập lộp cộp vô dây nịt, (coi giống “Vi Ci” quá ta). Họ nhanh như sóc chạy rảo quanh khắp nơi. Nếu họ thấy có toán sinh viên sĩ quan nào vô tình, hay vô ý đi lang bang, ngố ngáo, ngơ ngác đi trên đường cái. Thì cán bộ nổ súng (đạn mã tử) ngay. Lập tức họ chận bắt sinh viên sĩ quan ấy lại.
    Thế là toi đời... sinh viên! Khoá sinh phải đưa phiếu của mình ra. Cán bộ bình tĩnh ung dung cười tủm tỉm, bấm lỗ vào những chỗ nào mà khoá sinh sinh viên sĩ quan ấy sai phạm (“người ta” thì lo âu, đau khổ thấy bà nội, mà nhìn cung cách cán bộ ung dung cười cười! nụ cười còn hơn “một nụ cười bao thành cũng đổ của Bao Tự”). Lỗi, ví dụ như:
    - Lỗi, khi đi trên đường mòn.
    - Không ngụy trang khéo léo.
    - Bị lộ mục tiêu, vân vân...
    Tuần sau, những anh sinh viên sĩ quan ấy băn khoăn, lo lắng, phập phồng, run run vì phạm lỗi đó, họ buồn xo bâng khuâng phải xếp hàng đi thi lại môn nầy. Thiệt trớ trêu, cười không được khóc không xong, chỉ biết ngậm ngùi âm thầm khóc mếu ngâm câu thơ đường thi: “Thủy lưu hoa tạ lưỡng vô tình”. Nước cứ vô tình chảy theo giòng, và cuốn trôi tất cả mộng ước đời trai. Đây cũng là một kinh nghiệm quý báu trong đường binh nghiệp, họ sẽ lưu tâm cẩn thận, bền gan trì chí hơn, thì sẽ thành công tốt đẹp. Dĩ nhiên! các anh sẽ thành công và thành tài thôi. Phải không em?
    Họ sẽ giống như ông Khuông Hoành thời Hán (bên Tàu) nhà nghèo đến nỗi không có tiền mua sách, mua đèn để thắp, ông liền nghĩ ra cách xoi lủng bức vách nhà kế bên, để hưởng tí ánh sáng, mà học bài. Sau đó ông xin vô làm công ở một nhà giàu kia đã lưu trữ nhiều sách vở. Ông Khuông Hoành không nhận lấy tiền công, chỉ xin mượn sách để học. Nhờ ông có ý chí, chuyên cần, và cầu tiến, nên đã thành công vẻ vang.
    Trong ba ngày đó, tất cả toán sinh phải tự lực cánh sinh. Băng rừng rậm. Vượt đồi leo dốc trơn trượt cao chót vót. Lội sình lầy. Đầm lầy sâu lút đến ngực sền sệt bùn và đất sét trộn lẫn vô càng dẽo quẹo. Nếu ai sa chân vô chỗ nầy, cựa quậy thì mình càng bị lún sâu xuống bùn, không thể nhất chân lên giữa đầm rộng mênh mông, toàn cây gai chằn chịt rậm rạp mọc lúp xúp, bẩn thỉu, hôi tanh. Đầm tối âm u đầy dẫy muỗi, cá sấu, trăn, rắn, rết, bọ cạp, vắt, ve. Toàn là “thứ dữ” độc hại biết bao, chúng có thể giết chết con người trong nháy mắt. Vì thế mới gọi là Survival.
    Ban tổ chức nói:
    - Nếu ai bị rớt máy bay ở trong rừng, mình phải biết linh hoạt, thông minh, nhanh nhẹn ứng phó thích nghi trong mọi hoàn cảnh. Sau đó ta tự mình tìm cách sống. Rồi chờ đợi cứu viện sau.
    Úi Trời! Nơi đây đầy nguy hiểm, nhất là ngày đêm lo ngay ngáy vì những nanh vuốt mãnh thú, nhìn miệng mồm của bầy cá sấu ốm đói, chúng luôn bò lổm ngổm sục sạo trong đầm lầy, để tìm thức ăn, thì tính mạng con người coi như chỉ mành treo chuông.
    Buổi tối hôm ấy trời cuối thu rất lạnh. Nhóm sinh viên sĩ quan Không-quân bốn người không thể nào ngủ ngáy gì nỗi. Bốn người lo đi chặt cây làm một cái lều nho nhỏ, và gom góp đầy cây khô, củi mục, kể cả lá cây tươi kèm vào, chất thành đống to để đốt lửa. Các bạn nhịn đói nhịn khát ngồi sát bên nhau sưởi ấm.
    Nửa đêm, khi quá đói, Cường không chịu nỗi anh đành lôi ra hai cái hot dog, mà bạn đã dấu kỹ đâu đó, Cường nướng trên đống lửa, bốn người “sáng mắt ra”, thật là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Cường chia đều “cuả quý”, họ ngồi chụm đầu vào nhau, bây giờ đúng là lúc cùng “ăn một mâm nằm một chiếu”, tâm đầu ý hợp giữa những người cùng cảnh ngộ và thật tình thân thiết. Họ nhai nhỏ nhẻ ngấu nghiến như mèo, gậm nhấm thật lâu từng rẽo hot dog. Họ “ăn lấy thơm lấy tho, chớ không lấy no lấy béo”. Vì… “ăn lấy vị, không ai đong lấy bị mà ăn”. Họ uống từng ngụm nước. Mọi người vui vẻ trao đổi những kinh nghiệm, kể chuyện về thời niên thiếu ở quê nhà, nói chuyện phiếm, tếu, rất vui, ngỏ hầu tạm quên thời gian chậm chạp trôi, cho bớt buồn ngủ, bớt lạnh cóng.
    Kể chuyện tếu, là cốt mong cho trời mau sáng. Nhất là muốn quên trong bụng cứ “réo rắt” sôi lọc ọc, ruột non ruôt già đều phản đối biểu tình dữ dội vì đói, đòi ăn. Lúc đó thì Hành và Cường tha hồ moi trong óc ra tìm “những vần thơ” trong tục ngữ, thành ngữ, ca dao về “ăn” và “đói” mà cười hể hả. Họ thông dịch lại những câu ca dao cho hai bạn Mỹ đồng hành nghe. Mọi người cảm thấy thú vị, reo vui. Nhất là hai bạn Mỹ quá “nể” và "trọng" người Việt Nam mình là: một dân tộc ôn nhu, cần mẫn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, thông minh, giàu tình cảm, trọng tình trọng nghĩa “ăn đến nơi, làm đến chốn”, và “ăn hiền ở lành, ăn ngọt trả bùi”, thủy chung:
    “Ăn chanh ngồi gốc cây chanh.
    Khuyên cội khuyên cành khuyên lá khuyên lung
    Khuyên cho đó vợ, chồng đây
    Đó đẻ con gái, đây bồng con trai”. Dù:
    - Đói rụng râu, rầu rụng tóc. Đói đầu gối phải bò. Đói ăn vụng, túng làm liều. Ô!
    - Không được. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. “Đói cho qua, nết phải giữ”.
    - “Đói cơm lạt mắm tèm hem, cơm no ấm áo lại tìm nọ kia”.
    - “Đói lòng ăn trái khổ qua, nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười”.
    - “Đói lòng ăn một quả sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương”.
    - “Đói thì thèm thịt thèm xôi, hễ no cơm tẻ thì thôi mọi đường”.
    - “Đói thì đầu gối phải bò, cái chân phải chạy cái giò phải đi”. Mau lên, đứng dậy, đi… trời đã sáng rồi! Đi…
    Bình minh mập mờ vừa thấp thoáng lấp ló trong đầm lầy, thì bạn cùng Hành vội vàng thu dọn sạch sẽ, cẩn thận xoá kỹ hết các dấu vết. Dập tắt lửa cẩn thận, họ bắt đầu ra đi. Hai ông Thủy-quân Lục-chiến vừa nhìn lui nhìn tới, vừa chu đáo cẩn trọng xem la-bàn định hướng, họ đi trước dẫn đường, Hành và Cường lẽo đẽo đi theo, bám sát sau lưng bạn. Hai ông lính Thuỷ-quân Lục-chiến Mỹ vui vẻ dẫn hai anh Việt Nam đi đâu, thì “hai ông tướng Việt” lọt tọt đi bám riết theo đó, mình không sợ gì chuyện “giao trứng cho ác” vì họ rất tin hai bạn ấy đã giàu kinh nghiệm ở chiến trường ViệtNam. Dọc đường, nhóm của Hành đã gặp một toán sinh viên Hải-quân bạn đi ngược lại hướng mình đang đi. Nhóm Hành vui mừng khi đã biết:
    - Từ nơi nầy (chỗ tám người đang đứng nhìn ngó chung quanh, tính toán, cân nhắc, thảo luận), để đi đến điểm hẹn X, là chỉ còn cách xa xa chừng năm trăm (500) hay sáu trăm mét (600) mà thôi.
    Ôi quá tuyệt vời. Nhưng bốn ông khoá sinh Hải-quân bạn vừa gặp kia, thì họ cứ gân cổ lên mà cãi lại với hai ông Thủy-quân Lục-chiến Mỹ của nhóm Hành. Bốn ông bạn cùng khoá kia lắc đầu, lắc đầu muốn gãy cái cổ, họ vẫn không tin hai bạn Thủy-quân nói gì hết. Họ vội vàng từ giã nhóm bạn, để tiếp tục đi ngược lại hướng của nhóm Hành Cường đã đi hôm qua. Hai anh Thủy-quân Lục-chiến nầy dù đầy thiện chí cố gắng giải thích, năn nỉ, khuyên bảo gì, thì nhóm sinh viên Hải quân nọ cũng ngoan cố, không chịu nghe mà! Biết làm thế nào được. Thây kệ!
    Đến chiều, toán bốn người bạn khoá sinh Hải-quân mà Cường Hành vừa gặp buổi trưa đó, đã đi mất dạng vào rừng sâu, xa, xa hun hút. Nên họ bị lạc gần tám cây số trong rừng rậm âm u, chằn chịt gai góc và đầm lầy u ám. Nơi đây, mặc dù ánh mặt trời chỉ hơi nghiêng về chiều, nhưng ở trong rừng rậm thì ban ngày cũng tối đen, âm u như đêm ba mươi không trăng sao. Bốn anh Hải-quân kia đành phải dùng tín hiệu kêu cứu khẩn cấp, xin trực thăng, nhờ máy bay đến điạ điểm đã bị lạc, để đón họ quay về điểm X. Họ phải “đau khổ” buồn bã chờ đợi... khi nào có một kỳ học khác, để họ đi thi lại môn Mưu Sinh Thoát Hiểm (Physical Fitness-Survival) nầy.
    *


    Tình Hoài Hương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  4. #16
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default “Học và Hành” các loại phi cơ

    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 12



    “Học và Hành” các loại phi cơ
    Tình Hoài Hương
    ***


    Đây Florida và căn cứ Pensacola của Hải Quân Hoa Kỳ. Pensacola là tên của một thành phố nhỏ, thuộc Tiểu-bang Florida. Florida’s Panhandle trong khu vực Vịnh Mễ Tây Cơ (inlet of Gulf of Mexico). Pensacola & Vịnh Mễ Tây Cơ nằm dưới South of Alabama. Khí hậu khá ôn hoà, ấm áp. Pensacola có căn cứ US Naval Air Station và The Famous “Blue Angel” US Naval Flying Demonstration Team. Tương đương với The Thunderbird US Air Force Flying Demonstration Squadron của US Force vậy. Từ Sauffley Field NAAS đi Whiting Field NAAS độ chừng hơn trăm miles (thì phải)?! Đến đó, khoá sinh sinh viên sĩ quan Không-quân được phân phối ra hai phi đoàn khác nhau.
    Đợt 12.-
    Tất cả khóa sinh Student Naval Aviators đều phải qua trường này, cần tìm thấy cảm giác mạnh lúc đơn phi đầu tiên (first solo) tại đây. Khoá sinh sinh viên sĩ quan ở bên Squadron 2. Bên nầy cũng như bên kia, chẳng khác gì. Nghĩa là nửa buổi sáng đi học lý thuyết, thì nửa buổi chiều khoá sinh sinh viên thực hành. Học:
    * Cockpit Procedures - Có cái cockpit (phòng lái) của phi cơ làm trợ huấn cụ học sử dụng các bộ phận ở phi cơ, các đồng hồ phi kế, lúc mở máy, đang bay, học khi khẩn cấp, lúc đáp. V.v...
    * Học: Engineering và Flight Characteristics chịu đựng được bao nhiêu G’s, hỏng bánh ở tốc độ nào. Và vòng đáp touch-and-go (chạm bánh-bay lại).
    * Học liên lạc vô tuyến với đài kiểm soát không lưu: ở đây có skull practice, là mỗi khóa sinh thực tập được mang một headset, gọi báo cáo với đài không lưu, nghe đài, trả lời. Ngoài ra còn có link trainer (phòng lái giả) để khóa sinh thực tập ôn lại mấy động tác bay.
    * Học về giai đoạn pre-solo (tiền đơn phi). Trừ phi vụ làm lễ ra mắt (baptême de l’air), khóa sinh sẽ bay 10 phi vụ thực tập các động tác bay căn bản. Sử dụng bộ phận điều chỉnh phi cơ bay bình phi. Phương thức làm vòng đáp và kỹ thuật đáp. Học cách đối phó khi có trường hợp khẩn cấp, luôn luôn phải giữ sự bình tĩnh và an toàn của một phi công (good airmanship and safety).
    * Phi vụ 12 (safe-for-solo check flight) khóa sinh sẽ bay với một thầy nhiều kinh nghiệm trong nghề huấn luyện, để khảo hạch. Nếu check pilot ra dấu “thumbs up” , thì phi vụ 13 là phi vụ đơn phi đầu tiên “first solo”.
    Sau đó sinh viên sĩ quan Không-quân học bay solo nhiều lần:
    - Bay đủ kiễu. Đủ cách.
    - Bay bình thường.
    - Bay đêm.
    - Bay không hành (bay từ thành phố nầy, đến ba bốn thành phố khác. - Trong một vòng tròn).
    - Bay hợp đoàn hai chiếc.
    - Bốn chiếc.
    Thấm thoát khoá sinh sinh viên sĩ quan Không-quân đã học bay được ba tháng rồi. Khoá sinh xuống Hangar khi đi bay. Dạo nầy khoá sinh đi học đỡ mệt hơn, đi học rất gần. Đi bay ít nhất khoảng hai giờ mỗi ngày. Trừ những ngày trời vần vũ mây đen, hay giông bão thì khoá sinh ở nhà nghỉ, tự do. Sinh viên sĩ quan ngồi dưới Hangar, chờ đợi khi nào có thời tiết tốt. Nếu trời vẫn xấu, họ ở đó chờ, ngày mai khoá sinh trở lại học tiếp. Lúc đó họ đã chụm đầu vào với nhau đọc những bài viết thật vui, cả nhóm hoan hỉ cười reo vì chuyện tiếu lâm thứ nhất:
    Trên một chuyến bay, kiểm tra tình hình ổn thoả, phi công trưởng bắt đầu đọc thông báo trên loa:
    - Thưa quý khách, đây là phi công trưởng đang nói cùng các bạn. Chào mừng các bạn đến với chuyến bay 293 > từ New York đến Los Angeles. Thời tiết rất tốt, vì thế chúng ta sẽ có một chuyến bay êm đềm, thoải mái. Xin mời ngồi xuống và thư giãn. “Ôi Trời ơi… Không! Thôi chết rồi”!
    Sau vài giây im lặng, phi công trưởng lại nói tiếp trên loa:
    - Thưa quý khách, tôi thành thật xin lỗi: nếu tôi có lỡ làm quý vị sợ. Nhưng… trong lúc tôi đang nói, thì cô tiếp viên mang cho tôi ly cà phê, vô tình cô ta làm đổ lên người tôi. Quý vị mà thấy phía trước quần tôi, thì biết.
    Một hành khách gào lên:
    - Thấy cái gì mà thấy, có giỏi thì xuống đây, nhìn sau đít quần của tôi nè!
    Cả đám sinh viên cười ha hả, Vinh đọc một chuyện vui thứ nhì trên tuần báo:
    - "Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi (sau một thời gian sống ở Âu Châu), đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của London. Trong khi chờ máy bay cô ấy mua một ly cà phê, một gói bánh quy, cô ấy kéo lê hành lý tới một cái bàn trống ngồi đọc báo và ăn bánh. Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người làm gì đó sột soạt ở bàn mình. Liếc nhìn qua tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình lấy một cái cho mình. Một phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.
    Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô tức giận hết cỡ, nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh làm hai, đẩy một nửa về phía cô, và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi. Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận. Khi cô mở túi xách ra, thì khám phá ra rằng: gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó. Thì ra từ nãy tới giờ cô ấy đã ăn bánh của người ta. Chàng kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng". (Reader's Digest)
    Và chuyện vui thứ ba:
    - Một cậu bé nói với một cô bé:
    - Tớ là BF của cậu!
    Cô bé hỏi:
    - BF là gì?
    Cậu bé cười hì hì trả lời:
    - Nghĩa là “best friend” đấy.
    Sau này họ hẹn hò, chàng trai lại nói với cô gái:
    - Anh là BF của em!
    Cô gái dựa nhẹ vào vai chàng trai, thẹn thùng hỏi:
    - BF là gì hả anh?
    Chàng trai trả lời:
    - Là “boy friend” đấy!
    Vài năm sau đó họ kết hôn, sinh được những đứa con thật xinh xắn, người chồng lại cười và nói với vợ rằng:
    - Anh là BF của em!
    Người vợ dịu dàng hỏi chồng:
    - BF là gì hả anh?
    Anh chồng nhìn đứa con xinh xắn và hạnh phúc trả lời:
    - Là “baby’s father”.
    Khi họ già, họ cùng nhau ngồi ngắm hoàng hôn trước hiên nhà, ông lão lại nói với vợ:
    - Bà nó à! Tôi là BF của bà đấy!
    Bà lão cười với những nếp nhăn trên mặt:
    - BF là gì hả ông?
    Ông lão mỉm cười thật hạnh phúc và trả lời một cách thật thần bí:
    - Là “be forever”.
    *
    Đợt 13.-
    Bên nầy, Barrack ở cách xa chỗ đi bay, gần ba cây số. Mỗi sáng sinh viên sĩ quan Không-quân thức dậy rất sớm 4:00 lo làm vệ sinh cá nhân. Chuẩn bị thức ăn sáng. Thường là bánh Sandwich kẹp thịt hay trứng gà, (gói lại để ăn sáng và trưa). Một chai sữa hay chocolate. Trong chỗ bay có toàn cà phê Maxwell chua lè. Vậy mà cứ mươi phút, khoá sinh thấy mấy ông thầy Mỹ vào lấy cà phê uống lia lịa, họ uống hết một ly cối.
    Độ chừng 4:30' xe Bus đậu tại Barrack. Xe chờ đúng một phút. Một phút thôi. Họ giật chuông để khoá sinh chạy lại. Các khóa sinh phải có mặt ở dưới sân chờ đợi xe bus trước. Nếu ai bị trễ vài ba phút, (vâng, chỉ trể quá lắm là bốn năm phút thôi, thì xe bus chẳng chờ đợi ai, mình phải “vắt giò lên cổ” chạy bộ từ nhà đến trường bay. Xa khá xa, và mệt đứt hơi. Mệt bở hơi tai đấy. Mới hy vọng kịp giờ. Vì sẽ chậm mất vài chục phút sau mới có một chuyến xe bus khác.
    Đợt 14.-
    Các anh khoá sinh sĩ quan Không-quân học loại phi cơ “Beechcraft” T 34 mentor – (là loại phi cơ biến thể từ Beechcraft model 35 bonanza). T 34 là loại phi cơ huấn luyện cánh quạt có chiều dài 28ft 8 1/2 in (8,75m). Sải cánh 33ft 3 7/8 in (10,16m). Chiều cao phi cơ 8ft 7 in (2,92m). Trọng lượng cần thiết khi cất cánh 4,300lb (1,950kg). [(T 34 C – 1 huấn luyện vũ khí thì 5,500lb – (2,491kg)]. Tốc độ bình thường của phi cơ T 34 mentor 214 knot (396km/h; 246mph ở cao độ 17,000ft (5,180m). Đường bay 708 hải lý (1311km , 814mi) ở vận tốc 180knot (333km/h ; 207mph.
    Kế tiếp sinh viên sĩ quan Không-quân chuyển sang tu nghiệp loại: T-28A của USAF.
    - T- 28B, - T-28C có hai chỗ ngồi. Một cánh quạt, nhưng động cơ mạnh hơn, to hơn chiếc T- 34 nhiều. Đây là loại máy T- 28 A, B, C, và D. - T-28B, - C, D của US Navy. T 28 B Trojan có chiều dài 33ft 0 in, (10,06m). Sải cánh 40ft 1 in (12,22m). Chiều cao phi cơ 12ft 8 in (3,86m). Vận tốc khi phi cơ bay lên cao là 4,000fpm (20,3m/s). Tốc độ 343 mph (552km/h). Trọng lượng tối đa của phi cơ khi cất cánh là 8,500lb.
    T 28B là loại phi cơ quân sự có động cơ 1 x wright R 1820 – 86 cyclone kiểu piston. Loại sau cùng, có cái "móc" đằng sau đuôi, để đáp xuống Hàng-không Mẫu-hạm. Tên gọi là Trojan. Loại nầy bay nhanh hơn loại nhỏ. Lại khó điều khiển. Nếu học xong những giai đoạn rất cần thiết và căn bản nầy, thì sinh viên sĩ quan Không-quân có thể trở thành phi công loại: T 28 và T-34B Mentor của US NAVY rồi.
    Có lần Hành gởi về quê nhà xa xôi bài thơ chia buồn cùng người thân (khi biết bạn đã lâm nạn):
    Anh áo lính oai hùng trong chiến trận
    Sóng bạc đầu, cánh thép gió đằng vân
    Anh hiên ngang dày dạn áo phong trần
    Bốn vùng chiến thuật vì dân vì nước.
    Thề quyết giữ giang sơn này gấm vóc
    Chí mài gươm dưới nguyệt quyện phong ba
    Đem an vui hạnh phúc tới muôn nhà
    Mưu cuộc sống an hòa tình thương mến.
    Anh đã ra đi một chiều vĩnh viễn
    Người xa người giòng lệ tiễn chân mây
    Xong cuộc đời, anh về với cỏ cây
    Còn để lại áo bay trong tình sử.
    Cuối bài thơ tôi nhớ về quá khứ
    Chuyện tình buồn hai đứa phải chia tay
    Anh nghỉ yên nơi nấm mộ cỏ này
    Dân đất Việt nối vòng tay trỗi dậy...
    *
    Tình Hoài Hương


    (*) thơ Tình Hoài Hương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  5. #17
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Những pha "sành điệu" của khoá sinh Không Quân QLVNCH



    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 13

    Những Pha "Sành Điệu"
    (của khoá sinh Không Quân QLVNCH)

    Tình Hoài Hương
    ***



    Đợt 15.-
    Em Hồng Hạnh yêu,
    Anh kể tiếp phần sau về sự “học và hành” của sinh viên sĩ quan Không-quân ở Mỹ nhe em: Khoá sinh sinh viên sĩ quan Không-quân được đi thăm các viện bảo tàng chứa phi cơ, khi các anh tận mặt xem các thiết bị cần thiết, rờ mó, làm quen với máy móc đa dạng, nhận rõ những đồng hồ phi kế từng món rườm rà ấy có công ích gì, đặt ở đâu, trên, dưới, phải, trái… thì khoá sinh sẽ dễ nhận định ra vị trí của chúng. Hơn là mình chỉ mệt mỏi ngồi trong lớp mà đơn điệu tưởng tượng. Hoặc nhìn hình ảnh mô tả các thiết bị máy móc trên sách vở khô khan, không thiết thực như người ta thường nói "trăm nghe không bằng mắt thấy". Đôi khi anh cũng cảm thấy chán phèo. Nói thật là khi mình nghiêng cứu về lý thuyết, thì khó hình dung hơn em à.
    Dù sinh viên sĩ quan Không-quân có khả năng hữu dụng, có tinh thần hiếu học, đầy nhiệt huyết dâng tràn, thì không có gì mà không có thể làm được; ngược lại có kết quả mỹ mãn nữa là đằng khác. Nhưng nếu mình ngồi trong lớp mà mơ mộng, lơ là, dù một mảy may sơ sót, thì khi đem ra thực tế ứng dụng, mạng sống của chính mình kéo theo nhiều người khác có thể không được bảo đảm an toàn.
    Anh cũng biết khi đã trở thành sinh viên sĩ quan Không-quân rồi, không ai mà không có dịp thưởng thức các pha lả lướt, bay bướm, ngoạn mục đầu tiên trong ngành “học lái tàu bay” cả. Chỉ nghĩ đến khi anh ung dung tự do một mình tự tay lái chiếc phi cơ, vút bay bổng trên không trung bao la, mênh mông, ngút ngàn, là anh cảm thấy sung sướng rơn người, và tự hào sảng khoái hạnh phúc xiết bao, vì đời mình phơi phới lên hương như ta mọc thêm cánh. Phải không nà!? Khi đó thì anh sẽ ngồi trên khoang lái rung đùi uống “cô ca cô la, cô cô... gì” mà chẳng cảm thấy vui vẻ, thoải mái, và nghêu ngao hát: "Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo…”, em hỉ!
    *
    Thầy Maj. Meyer vui vẻ, rất kiên nhẫn, cần cù và tận tâm, từ đâu đó thầy đang đến chỗ tập dượt huấn luyện sinh viên sĩ quan Không-quân, khi tất cả khoá sinh lần lượt leo lên phi cơ an toàn xong, thầy vui vẻ hỏi khóa sinh Không-quân:
    - Sao, quý anh có khoẻ không?
    - Cám ơn ông, vẫn khỏe.
    - Ngồi cho kỹ nhe. Tôi bắt đầu Acrobatics đây!
    Có nghĩa là ông thầy bắt đầu thử sức, dzợt cho mình te tua tơi tả đám khóa sinh Không-quân oai dũng, do mình muốn làm bá chủ vũ trụ không gian đây mà! Ông muốn xem họ có thể kiên trì, có sức chịu đựng, gan lì dẽo dai đến bao giờ! Ông thầy ung dung lái chiếc phi cơ bay vút lên trời êm ru. Thầy không lả lướt, không hào hoa phong nhã, không đẹp mắt, không lé mắt, bảo đảm không ăn tiền hốt bạc thì thôi. Ai nấy đều suýt xoa hết lời trầm trồ khen ngợi thầy.
    Nhưng khoá sinh vui vẻ, thoải mái, hí hửng chưa được bao lâu. Thì, thầy làm đủ thứ trò kinh khủng, dựng tóc gáy, rợn người, như: Bay vút lên cao tít cung trăng bỗng nhiên tàu bay rớt xuống “cái độp”. Tiếp theo thầy bay đảo ngược lại. Lộn vèo xuống. Quay tít những vòng bay tròn nhiều phen. Phi cơ chổng đầu xuống đất rồi vút bay dựng đứng thân tàu bay lên cao. Khi thầy kéo cần lái, phi cơ ngóc đầu vọt thẳng lên. Khi phi cơ lại cắm đầu xuống nhanh như tên bắn, như sao xẹt.
    Thầy đạp rudder thì phi cơ liền ngóc đầu lên cao. Trồi lên trụt xuống, quầng thảo ráo riết trên bầu trời, bồng bềnh nhô lên hụp xuống, chao cánh uốn lượn, bập bùng, lắc lư, khi cao khi thấp, lộn vèo ngược xuống đất, rồi bay vút lên tít trời cao thẳng đứng, cho phi cơ lòn trong các bè mây, bay ngửa bụng lên trời như vậy. Bỗng nhiên phi cơ tụt xuống cái rụp, như trái mít rụng trên mặt đất. Và phi cơ lướt vút lên trời quay vòng vòng như chong chóng. Lúc đó ruột gan phèo phổi anh muốn bay ra ngoài, cả bộ lòng mình dâng lên trên đỉnh đầu. Ớn lạnh xương sống đó em à. Thầy cứ làm lung tung loạn xạ như thế gần chục vòng. Vân vân…
    Ấy là thầy Maj. Meyer dạy bay mấy rides mới, khi thầy tủm tỉm cười cười để trở lại bình phi lúc thử sức xong: đầu người nào người đó đều cảm thấy choáng váng, tóc dựng đứng, mặt mũi xanh lè, có một số ít anh em ói mửa tùm lum. Nhiều anh mất bình tĩnh, lúng túng, đầu nghiêng qua ngả về. Anh nói thiệt với em nhe: Mặc cho khoá sinh mồ hôi hột chảy ra đầm đìa như tắm, mặt mày ai nấy đều xanh lè, xám xịt, tóc tai đã ngắn lại xù ra càng dựng đứng, như con khỉ đít đỏ có bộ tóc rễ tre trong thảo cầm viên, khiến mình nhắm nghiền mắt và nhức bưng cái đầu. Ban đầu anh vui hết biết, nhưng vào đoạn giữa đường bay, khi thầy "tung chưởng" ra, thì thú thiệt cu dái anh teo tóp muốn rụng rời! Nè em, em đừng trợn mắt lên, la anh:
    - Anh nầy dị hợm quá đi. Ở đây, mà anh nói gì chuyện "cu dái", nghe tục tĩu (mất hết thi vị trong không trung bồng bềnh mây trắng mây hồng, ngút ngàn và thơ mộng). Hả.
    - Tại đầu óc em u tối, cứ nghĩ bậy bạ hai cái lủng lẳng kia là thô tục. Chớ, không gọi vậy, thì em cho anh gọi là anh "dun dun vì quá hãi" nhen. Thôi! thôi, cho anh xin đi! Anh biết em đang phùng man, trợn hai con mắt to như mắt ếch lên rồi. Xin lỗi em, anh tiếp nhen:
    Nhưng khi thầy đưa phi cơ vút bay lên cao, lão luyện bay lượn và bình phi nhẹ nhàng êm ái, thì thân thể mình lâng lâng như nằm trên tấm nệm nhung, như cánh diều lả lướt trong gió chiều êm ả. Thầy lái máy bay thành thạo và quan sát đó đây thường xuyên, thầy rất quen thuộc các địa hình, cảnh vật, nhà cửa, sông, rừng, núi, biển... ở dưới đất. Thầy bảo" "ta phải nhớ mình đang bay đến nơi nào, ở đâu, nơi nào có đặc điểm gì cần lưu ý", vân vân... Thầy nhắc nhở khoá sinh phải cẩn thận, lúc bay qua những khoảng vùng núi đồi nào nguy hiểm, hoặc lúc có thời tiết xấu tệ, thì phải cẩn thận, bình tĩnh, chú ý làm sao.
    Thầy khuyên khoá sinh luôn mở rộng tầm nhìn chung quanh, quan sát điều nghiên bên ngoài, ấy cũng là góp phần quan trọng của luật bay. Bay trên không trung, radar có thể phát hiện, dù cách xa 10 dặm. Bay tầm thấp 600 dặm/h, tránh radar địch tốt nhất. Nhưng cũng khổ một nỗi là phi công bay như thế, thì dễ bị lạc đường. Khoá sinh nhớ chú ý quan sát những thao tác của thầy, ghi chú tỷ mỷ vô sổ tay, mà rút kinh nghiệm khi bay một mình, để thực hiện trong tương lai.
    Đợt 16.-

    Huấn luyện viên chỉ cần hơn nửa giờ lái phi cơ bay vun vút, vòng vo. Thế là huấn luyện viên thấy đám sinh viên Không-quân “dật dờ ngẩn ngơ”… vì bầu trời bao la ngút ngàn trên không trung mênh mông, dường như “chìm xuống dưới gót chân phong trần”, mắt khoá sinh đã nổi lên muôn ông sao lốm đốm rơi lộp độp, trăm bà trăng tròn đen thùi lùi lồ lộ lung linh nhảy nhót, khiến trước mặt ta xây xẩm quay cuồng ! Hầu hết tất cả khoá sinh rất mệt đã rệu xuống! Thế là ông thầy thấy có kết quả ngay. Đa số những người như các anh, và may thay có cô gái Mỹ ấy nữa, còn tỉnh queo một xí. Chỉ có hai anh khoá sinh Không-quân Việt Nam thì ngất ngư, ói mửa tùm lum ra mật xanh mật vàng hoài mãi. Hai anh kia bị chóng mặt da tái nhợt, rồi xanh lè, đầu óc quay cuồng, họ mệt lả không thể ngồi vững được.
    Đợt 17.-

    Những phi công lái phi cơ vận tải, tuy ở trên không trung bao la, nhưng họ thực hiện công việc làm rất “sành điệu”, chính xác, hữu dụng. Quan trọng hơn hết là: các khía cạnh của kết quả được thành công tốt đẹp, mỹ mãn. Khoá sinh học cách tiếp tế nhiên liệu trên không trung, là một kỷ thuật tuyệt vời, rất điêu luyện, và khó khăn thực hành nhất trên trời cao lồng lộng, gió, mưa, bão bùng. Vì lý do nào đó lúc phi cơ bị lâm nguy, do lựng khựng về kỷ thuật, hết xăng… bị trục trặc một vấn đề gì, sinh viên sĩ quan phải lanh trí, thông minh, có nhận xét tinh tường, am hiểu vì sao nó như thế.
    Khoá sinh cũng phải học lúc đang chiến đấu, mà phi cơ bị bắn rơi; phải biết làm gì, thì ghế phóng sẽ đưa mình từ lòng phi cơ “nhảy vọt ra” bên ngoài. Khoá sinh phải bình tĩnh học cách biết nhảy dù ra khỏi phi cơ. Đây cũng là một trong nhiều nguy cơ, gây ra nguy hiểm kinh khủng đến tính mạng (riêng mình và người khác bay cùng, hoặc phi cơ rớt xuống đất, lúc tại dưới đó có đông người, thì không thể tưởng tượng nỗi điều đau khổ gì sẽ xảy ra).
    Đợt 18.-

    Khi ấy, phi công phải chuẩn-bị thiết-bị liên lạc với tổng đài, nước, pháo sáng, (flair) địa bàn, vân vân… (nhất là một mình quờ quạng vì đêm tối nơi vùng lạ). Trong lúc chờ phi cơ bạn đến giải cứu. Cẩn thận tránh kẻ thù xuất hiện, thì mình lấy sơn màu xanh lá cây, hoặc màu đất bùn đen, mà "sơn" vô mặt, nguỵ trang giả dạng, trá hình lúc mình đã rơi xuống đất. Học thuộc lòng những mật khẩu cần liên lạc, để thông báo vị trí mình đang ẩn nấp với chỉ huy rõ, để họ liên lạc & tìm kiếm mình dưới đất. Phi công bị rớt nên bình tĩnh, kín đáo, cẩn thận dò xét khắp nơi, im lặng, cẩn thận tránh kẻ thù phát hiện, khi liên lạc vô tuyến với tổng đài. Xử dụng radio, vô tuyến, hút thuốc, đi lại… cũng là cách tự tố cáo mình “lạy ông tui ở bụi nầy”, mình đang lồ lộ rõ ở vị trí nào, cho địch biết để nó '"tóm cổ ta".
    Anh không dám tự kiêu tự đại khi anh đã vượt qua giai đoạn tiên khởi nầy. Vì, ở đời mà, nếu anh giỏi môn nầy, thì đó chỉ trong giới hạn. Có người khác giỏi hơn mình, vì bể học thì quán thế mênh mông, không biết đâu là bến bờ, nếu họ không giỏi thứ nầy, thì giỏi các thứ khác. Em có biết câu tục ngữ: “cao nhân tất hữu cao nhân trị” không? Hẳn là em học ở trường Tây, nên mấy “soeur Đầm” hổng biết tiếng Việt, và đọc chuyện cổ tinh hoa đâu, ha em. Vậy thì anh kể cho em nghe câu tục ngữ trên, vì có chuyện như thế nầy nghen:
    - Ông Khâu Tố dẫn ngựa đi tới sông uống nước, ngựa bị chết đuối. Khâu Tố ỷ sức mình giỏi, đã nhảy xuống nước “quậy tưng trời”, cuối cùng ông bị đui một mắt, ông leo lên bờ. Yếu Ly mắng:
    - Ngươi tự xưng là dũng sĩ nhảy xuống sông, khoe đã đánh nhau với thủy thần. Ngươi liều mình mà không cứu được ngựa, bị hư một mắt. Lại trở về với con mắt mù, không biết nhục, còn khoe khoang, là sao!?
    Khâu Tố bị mắng, cảm thấy hổ thẹn, ra về. Yêu Ly tối về nhà dặn vợ con không đóng cửa, cố ý chờ Khâu Tố. Quả nhiên, nửa đêm Khâu Tố cầm gươm xông vô phòng Yếu Ly:
    - Ngươi có ba tội đáng chết: Một: làm nhục tao giữa đám đông. Hai: không lo xa, vì đêm ngủ không đóng cửa. Ba: Thấy tao vô nhà, ngươi không chạy trốn.
    - Chưa chắc. Theo ta, ngươi có ba điều hèn, đáng tự tử. Một: Ta làm nhục ngươi ở chỗ đông người, mà ngươi chẳng dám nói một lời. Hai: Ngươi lẽn vô nhà ta như phường trộm đạo, không dám lên tiếng trước. Ba: Ngươi kề gươm vô cổ ta rồi, mới dám to tiếng doạ nạt. Vậy, ngươi hơn ta chỗ nào, khi ta cố ý để cửa “mời” ngươi vô nhà hử!?
    Nghe xong, Khâu Tố xấu hổ quá chừng, ném gươm xuống đất, rồi ra đường đập đầu xuống tự sát.
    Đọc câu chuyện trên, em sẽ hiểu ra sao rồi hen. Đến đây, thư đã khá dài, trước khi ngừng bút, em cho anh kính lời thăm đại gia quyến em, cầu mong họ luôn bình an, hạnh phúc. Riêng em Hồng Hạnh của anh thì vui vẻ, tươi tắn và trẻ đẹp hoài, em sẽ không buồn, và hết giận anh. Bởi vì… chúng mình đã giận nhau, xa lìa nhau ngót bốn năm dài đằng đẵng rồi đó em. Thư nầy anh mong sẽ là nhịp cầu nối kết chặt chẽ đầy bao dung & thông cảm. Chúng mình hãy “làm hoà nhau” nghen em. Anh mừng.
    Tạm biệt em,
    Lữ Phi Hành.
    ***
    Tình Hoài Hương
    Trân trọng mời độc giả xem tiếp chương sau.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  6. #18
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Chuyến bay đêm dài lê thê...




    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 14

    Chuyến Bay Đêm Dài Lê Thê...
    Tình Hoài Hương
    ***



    Đợt 19
    .-
    Tất cả sinh viên sĩ quan Không-quân ngày đêm chuyên cần học tập, tay phải khoá sinh rút cây viết từ bên túi áo nhỏ xíu ở cánh tay trái ra, anh đầu cúi xuống trên những quyển sách dày, to và nặng kinh khủng học Văn hoá (Academic). Sau đó khoá sinh đi thực hành tổng quát về các bộ môn:
    - Học “bay bổng toàn diện” đại khái học các loại sau:
    - Thể lực (Physical)
    - Meteorlogy (khí tượng)
    - Principes of flight (nguyên lý bay).
    - Communication (liên lạc).
    - Học lớp đáp bụng (crash) khi phi cơ bị trục trặc, hoặc đáp khẩn cấp.
    - Học lái AD-6 Skyraider ở VT-30, Corpus Christi, Texas.
    - Học lướt qua về cơ khí viễn hành loại Chinook lo về: kỷ thuật kiểm soát máy móc, bơm xăng, dầu, nhớt, sữa chữa nhẹ.
    - Học tổng quát các hệ thống của máy bay, học điều khiển, khí động học, khí tượng học, học cách bảo vệ phi cơ cũng như phi công an toàn dưới đất, và ở trên không trung. Kể cả học Quân sự (Military).
    Cứ: Học, học, học... ; Hành hành hành... & khoá sinh di chuyển xoành xoạch như thế tại các trường gần, xa… suốt nhiều tháng trời dài đằng đẵng trôi qua:
    Đợt 20.-
    Trường phi hành ấn định một số giờ bay nhất định, để sau đó khoá sinh sẽ thực tập bay “solo”. Nếu quá số giờ ấn định, mà các khoá sinh vẫn không bay “solo” được. Thì coi như không hội đủ điều kiện để trở thành một phi công. Họ sẽ bị loại ra khỏi khóa huấn luyện.
    Sinh viên sĩ quan Không-quân rất hân hạnh được học “du hành vào không trung” về huấn luyện Không-quân ở Pensacola, Florida. Mỗi khoá sinh có một huấn luyện viên ngồi kèm sát phía sau lưng, để thầy tận tình giảng dạy. Bước đầu, khoá sinh làm quen với các loại phi cơ nhỏ T-34B Mento. Đó là loại phi cơ có hai chỗ ngồi, tương tự như loại Beech Craft một động cơ. Phi cơ có tốc độ tối đa là 140 hải lý/giờ (Knot hay là Nautical Mile).
    Một đêm kia, Hành thấy ông thầy mặc bộ áo bay (combinaison de vol) vui vẻ đến bên anh, ân cần vỗ vai mình và cho Hành bay không hành. Thông thường khoá sinh Việt Nam bay đêm, là có thầy đi theo. Khoá sinh chỉ an nhàn cầm bản đồ bay, đi lấy tin tức Meteorology là xong việc. Ngoài ra, đã có “người khác” lo cho hết mọi thứ. Đêm đó, Hành vẫn ỉ y có thầy cùng bay với mình. Nên anh tà tà đi lui đi tới, ung dung nhìn trời ngó đất, miệng huýt sáo lia chia. Hành chả lo chuẩn bị chu đáo một thứ gì cần thiết cho chuyến bay đêm. Kể cả cái đèn pin, là thứ quan trọng được cấp phát, và cần thiết khi bay. Nhưng giờ đây chiếc phi cơ sẽ bay với mình trống trơn, chả có bất cứ cái gì! Hỏng mất rồi!
    Đeo dù vào rồi, Hành cứ ngồi đó rung đùi ca hát vu vơ, anh sảng khoái huýt gió ở dưới đất. Hành mòn mỏi chờ đợi ông thầy mãi, nhưng thầy vẫn biệt tăm biệt tích. Lúc đó có sĩ-quan Operation Officer đến bên Hành, anh ta tỏ vẻ ngạc nhiên hất hàm hỏi:
    - Sao anh còn ngồi đó?
    - Thì… tôi phải ngồi đây, chứ ngồi đâu bây giờ!?
    - Chờ ai vậy?
    - . . .
    - Sao anh không ra Flight Line bay đi?
    - Tôi chẳng thấy ông thầy.
    - Oh! không có ông thầy, bà thầy nào cả. Từ nay trở đi anh bay một mình. Nhanh lên. Tụi nó sốt ruột đang chờ anh kia kìa. Trễ rồi.
    Đợt 21.-
    Chèn đét quơi! Thấy bà cha cố tổ tui rồi! Có ngờ đâu "sự thể quái dị" lại ra thế nầy! Thế là Hành vội vàng dựng đứng người bật lên ra đi... mà là chết trong lòng một ít (partir, c' est mourir un peu...). Anh lo đi Preflight Check. Hành đi một vòng chung quanh phi cơ. Khám: Từ dưới lên - Từ trái qua phải - Khám đủ thứ hết. Hành run run giống như thầy bói mù rờ con voi khổng lồ vậy. Hành đi check phi cơ đấy, mà băn khoăn, lo lắng tâm trí thì hoang mang để tận đâu đâu! Lo âu quá chừng! Định tâm lại, Hành phải đi hỏi mượn đèn pin của người cơ trưởng của chiếc máy bay nầy. Hành đi thêm một vòng, để check lại thật kỹ. Sau đó Hành đem trả đèn pin cho anh ta, mà trong lòng còn băn khoăn, hồi hộp, bấn loạn, bồn chồn lo âu run rẩy bước đi trên nền gạch bóng loáng, nhưng Hành có cảm tưởng như đang đi trên đoạn đường sỏi đá lổm chổm gập ghềnh.
    Bỗng dưng nhớ bài thơ “Phi Đạo” khiến Hành lo “đứt cần câu”:
    Có nhiều cậu học trò còn luống cuống
    Mới sô lô thấy phi đạo đã run
    Tháo mồ hôi trống ngực đập lung tung
    Mới va chạm đã bung ào một cái!!
    Lắm bạn bỏ bay lâu thì cũng vậy
    Đáp bị bung khi mình chẳng muốn bung
    Mới đầu thì nghe tức tối quá chừng
    Đáp vài cái lấy lại ngay phong độ
    Những anh mẽo lái tàu to quá cỡ
    Đáp cái nào cũng tóe lửa thấy ghê!!
    Tạo tiếng kêu kít kít đến phát ê
    Thân phi đạo rung rinh như muốn vỡ
    (Kha Lăng Đa)
    Hành lo lắng kèm với một chút sợ sệt, “miễn cưỡng” lò mò leo lên phòng lái. Ôi! Đêm đó là đêm cuối cùng Hành bay không hành dài lê thê, dài ngun ngút đến vô tận. Sao lòng ruột mình cồn cào, nôn nao, bất an lo lắng quá thể. Hành gọi đài xin take take off clearance, power 100%. Dường như Hành đang ngồi trên đống kiến lửa vậy? Đầu óc anh rối ren như tơ vò, trong dạ bồn chồn đau điếng đến thế không biết. Hành lo sợ nhất là nếu khi bay vô phần gió ngang quá sớm (Entered his base leg too early), bị cut short downwind leg (cắt ngắn gió xuôi), hoặc bất ngờ vì lý do nào đó cần quẹo gắt (steep bank turn), thì mình không biết có điều tồi tệ kinh khủng gì sẽ xảy ra đây? Hành hoang mang lo lắng… là vì thi sĩ Kha Lăng Đa đã nhắc nhở:
    Các bạn ơi! đừng bực mình nhăn nhó
    Những khi sân có đèn đỏ xi nhan
    Phải chờ cho cờ lia chớ vội vàng
    Đừng đáp đại ắc xi đăng đấy bạn!
    Nếu kẹt quá thấy mình cần rất khẩn
    Rì quét vào đáp em-mẹc-giăng-xi
    Và đừng nên ham sân lạ làm chi
    Ở tù đấy! tội đáp hoang đáp trộm .
    (Thơ Kha Lăng Đa)
    ***
    Đợt 22.-
    Hành lái phi cơ ra sắp hàng ngay giữa phi đạo, mà trong bụng đánh lô tô lụp bụp, tim rung tưng bừng, rổn rảng lung tung xèn không yên. Trong lòng anh mang nỗi bất an kỳ lạ, tâm trí chùn xuống vì băn khoăn, âu lo kèm thêm ít luyến lưu, lẫn ân hận, và bùi ngùi xao xuyến… vì ngộ lỡ như mình có “mệnh hệ nào” thì quả thật là đáng tiếc “đời trai nửa chừng xuân” . Thôi! Cũng đành co thắt ruột gan, bặm môi le lưỡi, nghiến răng trèo trẹo, rồi răng trên cắn môi dưới, Hành cắn môi muốn tươm máu vành môi mà liều mạng cùi vậy.
    Một vài phút sau, khi chiếc phi cơ anh bạn ở ngay trước mặt của mình đã cất cánh, Hành chuẩn bị, báo với đài kiểm soát không lưu lần cuối. Hành tống ga chạy nhanh trên phi đạo. Phi cơ rời đường băng, khi đã đạt trên 120Knots (Hành đoán độ chừng khoảng: Knot = nautical mile = là một hải lý = 6080feet = 1km60). Đến cao độ đã được ấn định, Hành kéo cần ga, cho phi cơ bay chậm lại, quẹo về hướng định sẵn. Bên trong buồng lái, có bảng phi kế đầy dẫy những đồng hồ tròn tròn, nho nhỏ chiếu sáng: xanh, đỏ; làm cho anh chói mắt. Hành không thể nào xem bản đồ, check lộ trình bay được. Hỡi ông Trời quơi! Độ chừng ba mươi giây sau, khi bay ra khỏi tầm nhìn của sân bay, Hành tống thêm ga bay nhanh hơn, cao hơn, Hành cố ý bay nhanh, để dò tìm thằng bạn đang bay phía đằng trước phi cơ của mình.
    Thế rồi, quả nhiên Hành đã nhìn thấy ánh đèn sáng chớp chớp của “nó, Navigation” (dẫn đường) đang bay ở đằng trước! Cám ơn thằng bạn “hồng nhan tri kỷ” lúc nầy nghen. Mừng quá chừng khiến Hành cười rú lên… Ha ha ha…! Hành cảm thấy khỏe re như con bò kéo xe không có hàng hóa chẳng chở đồ đạc gì đang đi te te!!! Vì, theo thông lệ quốc tế bắt buộc: Trên mỗi chiếc phi cơ khi bay trên không trung, phải có các bóng đèn liên tục chớp tắt "Navigation Lights" như sau:
    - Bên trái là: Bóng đèn màu xanh lơ.
    - Bên phải là: Bóng đèn màu trắng.
    - Phía trên đầu cuối cánh trái là: Bóng đèn màu đỏ. (Red 110/o)
    - Phía trên đầu cuối cánh phải là: Bóng đèn màu xanh lá cây. (Green 110/o)
    - Phía cuối cùng của đuôi phi cơ: bóng đèn màu trắng (White 140/o)
    { *** Chú thích của HQPD : vị trí & màu đèn không hành:
    }
    Thế là Hành cố nặn óc moi trong đầu những bài học hóc búa ra: cứ nhìn theo chiếc phi cơ bay trước mặt, nhìn các bóng đèn chớp tắt kia, là mình nhớ và biết ngay. Hành mừng rỡ hớn hở… lại vui vẻ vi vu huýt gió, ung dung rung đùi à nha. Hành tà tà bay theo sau chiếc phi cơ kia. (Nếu nó đi lạc, thì chắc chắn 100% là Hành sẽ đi lạc theo “hắn”! Ồ! nếu rủi ro bị như vậy, chắc là Hành không còn coi “thằng nớ là hồng nhan tri kỷ”, và Hành không hẳn chỉ buồn năm phút đâu, mà buồn trăm năm với cái thằng “hồn nhạn” í chớ!).
    Đoàn khu trục bay đi hùng dũng
    Để lại phi trường nỗi nhớ nhung
    Tiếng máy gầm vang gây gió thét
    Tua tủa lao mình khoảng không trung.
    (Thiên Phong).
    May thay, sau khi phi cơ của Hành “lẽo đẽo bám dính đít thằng bạn dễ thương cuả mình”, anh đã bay được qua năm thành phố, trong vòng hai giờ đồng hồ, rồi bay trở về! Khi đã nhìn thấy sân bay nhà, Hành quá sung sướng an tâm cho chuyến… “đi đến nơi về đến chốn”! OK! Sound and safe! Lấy lại tự tin, anh “chơi” một cú đáp quá êm, quá đẹp… “như để” ! Đến nỗi những người trực ở đầu phi đạo, họ phải thốt lên lời khen:
    - Real nice landing!
    Thực là hai lỗ mũi phồng to và hỉnh lên, thấy ớn. vì mình “bặm trợn gan lì như…trâu”! Hành sung sướng hãnh diện làm sao! Phấn khởi quá chừng chừng. Anh vội mở canopy ra cho mát mẻ sản khoái chút xíu. Không ngờ bụi ở đâu ập vào la liệt mịt mù. Báo hại thật! Thay vì quẹo vào Taxiway, Hành lại chạy ra bờ cỏ ven phi đạo. Suýt tí nữa thì Hành rơi đài, đụng rớt rụng hai quả dừa nước teo tóp tí hon lủng lẳng rồi. Vì bên ngoài thảm cỏ, đất mềm, có thể bị “sụp” ngay. Cũng may mắn anh lanh lẹ (trong hốt hoảng bàng hoàng), Hành cũng nhớ ghì kéo nó lại được:

    Có nhiều cái rộng và dài phát ngáp
    Đáp một lần thì đã thấm vào đâu? !
    Nhiều cái thì ngắn đến phát rầu,
    Lại chật hẹp ôi ! thật là khó đáp
    Có lắm cái cỏ hai bờ rậm rạp
    Có cái không cỏ mọc hoặc lai rai
    Theo luật thì kể từ buổi sơ khai
    Chính giữa nó có một đường kẻ sẵn
    Nhìn cho kỹ có cái trông rất phẳng
    Cũng có khi lõm ở giữa hoặc mô
    Miền Cao nguyên nó thường đỏ lại gồ
    Ở thành thị nó đen vì có nhựa
    (Thơ Kha Lăng Đa)
    Hành lập cập run rẩy đưa phi cơ trở về vị trí đậu an toàn. Còn một chút nữa là mang tiếng: “Đi sông, đi biển không chết; mà lại chết vì cái lỗ chân trâu”! Kể ra kết thúc chuyến bay đêm thật hoàn hảo ấy chớ, Hành vui vẻ sung sướng "phẻ re" biết chừng nào. Anh cảm thấy thế nào là mừng vui đã thoát nạn trong an toàn hạnh phúc! Tuyệt vời làm sao ấy! Lúc đi bộ trở về barrack gần ba giờ sáng, thế mà lòng Hành hân hoan mừng rỡ thú vị lắm. Vì anh đã vượt qua được lần thứ nhì trong cánh cửa “vũ môn".

    *
    Tình Hoài Hương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

Trang 3/9 đầuđầu 12345 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...
    By Tinh Hoai Huong in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 273
    Bài mới nhất : 09-01-2020, 10:31 PM
  2. Trả lời: 27
    Bài mới nhất : 04-03-2020, 04:58 AM
  3. Góc Thơ VUI Tình HOÀI HƯƠNG
    By Tinh Hoai Huong in forum Vui cười
    Trả lời: 136
    Bài mới nhất : 08-22-2019, 06:04 PM
  4. Huấn Luyện Khỉ Hái Dừa
    By hieunguyen11 in forum Video, clip ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-24-2014, 06:40 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •