Remember ?

Trang 2/9 đầuđầu 1234 ... cuốicuối
kết quả từ 7 tới 12 trên 49

Tựa Đề: Huấn Luyện Phi Hành * Tình HOÀI HƯƠNG

  1. #7
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default

    Trích Nguyên văn bởi AcDieu225 View Post
    Kính THH/AiUuDu: Cảm ơn Giời mọi người đều bằng an đấy THH. Lâu lâu tạt vào HQPD để giải trí và đọc thông tin bạn bè cho qua ngày. Thanks THH!


    Chào anh Ác Điểu du hành
    Ơn Giời hạnh phúc trong lành thịnh an
    Cầu xin cuộc sống thanh nhàn
    Muôn người tận hưởng vinh sang suốt đời.
    *
    Tình Hoài Hương
    Kính mời độc giả xem tiếp chương sau
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  2. #8
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Huấn Nhục Tại TTHLKQ Nha-Trang



    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần thứ Nhứt
    Chương 4

    Huấn Nhục Tại TTHL/KQ Nha-Trang
    Tình Hoài Hương
    ***

    Lackland (Texas) Ngày… tháng… năm 19…
    Hồng Hạnh,
    cô em gái thương,

    Do từ thuở anh còn mài đủng quần trên ghế của các trường Tiểu-học, Trung-học và Đại-học, anh quá ngưỡng mộ những anh chàng phi công, anh yêu ngành bay bổng, và đã đêm từng đêm, ngày từng ngày anh ôm mộng: mai sau anh sẽ ngao du đây đó với mây trời lồng lộng, giang hồ bồng bềnh phiêu lãng bay qua bốn bể. Vì:
    Đời phi công ngang dọc vượt ngàn non.
    Từ đại dương bay qua vạn lâm sơn.
    Giữa sáng nắng khuya chiều bồng bềnh tới.
    Tự hào đó muôn đời tôi ước muốn…

    Mộng vàng ươm sương gió cuốn non sông.
    Thiều quang cánh chim bằng rong nghìn núi.
    Đêm chập chờn thao thức vùi trăng vỗ.
    Ngày tha phương cánh bạc tô vuông đời.

    Bầu trời tròn hoài mong đợi trong tôi.
    Từ thinh không anh nhìn đời bát ngát.
    Tự do ấy toả rung ngàn nốt nhạc.
    Mộng hải hồ hằng khao khát thế nhân.

    Dưới chân mây ta nhìn lên vạt nắng
    Vờn trong gió mơ năm tháng song hành.
    Bỗng hoá thân anh đổi đời xoay chuyển.
    Phiêu lãng nơi đâu tầm tay tang biến?

    Anh: ngấn nước thầm lặng miền ven biên
    Bên dãi ngân hà. Tôi nào giữ được.
    Dẫu lãng du tình lả lướt lưng trời.
    Biết bao giờ tôi ôm trọn giòng trôi!? (*)

    Tuy anh đã đi du học ở Mỹ đã lâu, quân trường & cảnh vật nơi đây khác hẳn bên Việt Nam, khiến bọn anh thường nhớ biết mấy... khi còn huấn nhục tại quân trường mẹ. Dù nhọc nhằn nhưng lòng cảm thấy rất nhớ những ngày ở quê nhà, và vui từ mỗi buổi bình minh lúc mặt trời rạng rỡ đỏ thắm pha màu hồng tươi, quyện lẫn từng vạt mây ngà bồng bềnh trôi trong không phận Nha Trang, mây hồng lững lờ soi mình lung linh trên mặt biển lặn sóng. Mặt trời ươm nắng từ từ ngoi lên khỏi mặt biển xanh ngắt, bơi bơi vào không gian vô tận. Chim biển rộn ràng chao lượn, rối rít hót những âm thanh líu lo, nghe vui vẻ lạ thường.

    Và lúc chiều về, phía núi xa xa có những mãng mây ửng hồng, hoà với mây tím chắn che trên đỉnh, mặt trời vàng óng còn lấp ló dưới chân đồi, khiến anh tưởng chừng như có nàng sơn nữ sau khi ngâm mình trong suối mát, trên đường về nhà sàn, sơn nữ còn quay lại mỉm cười vu vơ. Các cô nàng ngắm nhìn bọn anh với vẽ mặt bẽn lẽn, e ấp, lưu luyến, chưa muốn xa cách; dù chỉ vài tia nắng nhạt mà còn hơi nóng, có khác gì ánh mắt nồng nàn của sơn nữ thay lời chào tạm biệt, trong những phút cuối mình còn thấy nhau... Em ơi! Em khoan vội nói:
    - [“Anh đã dong vô lính, không lo chuyên tâm học hành, đỗ đạt ra làm “quan tàu bay” như má mình ưa nói; anh ở đó mà lãng mạn, phiêu bồng nói chuyện tào lao, mơ mộng tới mấy nàng sơn nữ. Không có đâu, đừng mơ hão nhớ huyền. Mệt”].

    Ha ha ha! Chiều nay anh trai có ít giờ rãnh rỗi, nên anh viết thư gởi đến em, hầu đáp lại tấm chân tình, mà bấy lâu nay ba má, anh, chị, em… thân thiết đã riêng dành cho anh. Cũng như anh đền đáp cho gia đình, ba má mình phần nào; về sự họ đã thắc mắc, băn khoăn, phân vân từ cuộc sống mới của “đứa con cưng” của ba má nơi quân trường, mà anh chưa có dịp kể cho gia đình nghe (như anh đã hứa). (Em không ganh tị, phụng phịu, xù mặt ra... khi anh nói "anh là con cưng", à nhen). Hy vọng thư nầy đến kịp lúc, từ phương xa mọi người trong gia đình mình có thể dõi theo dấu chân anh. Em nhé! Anh nhớ ngày đầu tiên, khi vừa đến quân trường Không-quân Nha Trang, tụi anh được các niên trưởng dàn chào “tưng bừng, nên mệt bá thở”, làm bạn Quân sợ đến gần "té đái", ai ai mà chả có đôi lúc yếu lòng xìu xìu ểng ểng ha em. Khuya đó, nó lân la tới gần bọn anh, rù rì to nhỏ rủ rê anh, Tâm và Vinh:
    - Tụi mình đào ngũ về Sài Gòn đi.
    - Mầy nói cái gì?
    - Thì “đào tẩu”… Có gì, sau đó chúng ta trốn lên Đà Lạt. He.
    - Ha ha! Thôi mầy. Đã vào đến bây, sao yếu vậy? Chết nhát hả? Ngủ đi mầy.
    Thế là Quân tiu nghĩu, uể oải lững thững đi về phòng ngủ. Vậy mà bây giờ Quân vẫn hân hoan theo kịp bạn bè, Quân vui vẻ và kiên nhẫn chạy đua bén gót theo bạn, nó không hề bỏ cuộc, chứ có kém chi ai. Vậy mới biết:
    “Làm trai cho đáng nên trai
    Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan”.

    Thời khóa biểu học trong quân trường khá sít sao, chặt chẽ. Buổi sáng sớm trường mở loa phát nhạc quân hành. Tất cả anh em liền ngồi bật dậy như cái lò xo, mắt nhắm mắt mở, họ vội thay bộ đồ thể thao, thường là áo thun T Shirt, quần dài treillis, có quần tắm lót bên trong. Anh cùng các bạn lo chạy ra sắp hàng, điểm danh như thường lệ. Khoảng năm giờ sáng, có một ông Thượng-sĩ huấn luyện viên thể dục hướng dẫn tụi anh chạy bộ thẳng ra bờ biển, rồi tiếp tục rẽ về bên phải, chạy đến Cầu Đá, xa hơn quân trường sáu kí lô mét. Anh nhớ lại thật vui, mà tức cười nữa em à; người ta nói: "gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu". Mà bọn anh là trai đôi mươi đang thời sung mãn, phơi phới… thì dù là gái mười bảy, gái mười tám, nếu có muốn đi “đấu vật” còn phải chịu nằm dưới... là thường. Vậy nếu… anh chạy năm bảy kilô mét bi giờ, thì có ra gì!

    Chạy có đổ mồ hôi thật, nhưng vẫn đều bước nhịp. Không một chàng nào rơi rớt… "tụt hậu" cả nghe em!
    Miệng vang vang bài hát "Không Quân Hành Khúc". Lúc tụi anh chạy ngang qua căn cứ Hải Quân, thì câu hát: "Ta là đàn chim bay trên cao xanh. Khi nhìn qua khói những kinh thành xa. Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh. Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng. Ðây đó hồn nước ơi! Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió U..u… u… Ôi phi công danh tiếng muôn đời. Nhìn xa phi trường Việt Nam. Không quân ra đi cánh bay rợp trời..." được cả bọn anh không ai bảo ai, mà cùng nhau quay mặt vào quân-trường Hải Quân bạn, đồng thanh cất cao giọng, để "giựt nổi", để “làm le, làm dóc, chơi trội” chút xíu. Ấy là bọn anh cố ý chọc phá, vui chơi, khoe sự bay bướm với mấy chàng áo trắng “Hoa Biển” lả lướt mà lỵ!

    Rồi, cả đoàn sinh viên sĩ-quan lại chạy trở về, tới khúc quanh trước khi vào cổng quân trường, lúc đó thì mọi người được huấn luyện viên cho tự do thoải mái. Ai muốn hít thở không khí trong lành, ai đi lại trên bãi cát trắng, hoặc ai muốn tắm, muốn bơi, đều có quyền tự ý đùa giỡn, vẫy vùng thoải mái trên sóng biển. Mỗi lần chạy về đến cổng căn cứ Không-quân, anh nhìn lên tấm bảng ghi hàng chữ đậm: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Trong lòng ai nấy cũng cảm thấy có phần yên tâm. Sự kiên nhẫn và chịu đựng ngày càng tăng thêm. Không quản nhọc nhằn gian khổ, nên các anh em cố gắng trì chí học hành. Hy vọng sau nầy sẽ được gia nhập vào một trong những Không-Đoàn ghi sau:
    - Không Đoàn 41 - Vùng 1.
    - Không Đoàn 62 - Vùng 2.
    - Không Đoàn 23 - Vùng 3
    - Không Đoàn 33 - Chiến Thuật tại phi trường Tân Sơn Nhứt.
    - Không Đoàn 74 - Vùng 4… vân vân…

    Lúc các anh về đến sân trường, khóa sinh tập họp lại điểm danh, rồi tan hàng. Mọi người chạy về phòng, ai nấy lo sắp xếp chăn màn, gối nệm cho vuông thành sắc cạnh ngay ngắn. Dưới chân giường có "chưng" đôi giày bóng lộn, con ruồi đậu lên còn trợt té, Hồng Hạnh à. Trong tủ có cái bi đông nước, và ca nhôm sáng chói. Mọi thứ từ quần áo đến đồ dùng: phải ngăn nắp sạch sẽ. Trên đầu giường khóa sinh luôn có tờ giấy trắng in sẵn tên, họ, để sinh-viên đàn anh đi kiểm soát phòng. Họ sẽ rút ra ghi cho sinh viên Không-quân điểm: thưởng hay phạt! Nghiêm minh và công bằng lắm nghe em!

    Trước mỗi tuần vào ngày Thứ Bảy, cán bộ huấn luyện sinh viên sĩ quan sẽ cho biết là: Tuần sau khoá sinh sẽ học môn gì. Họ cẩn thận niêm yết bảng "Thời Khoá Biểu" trong tuần tại phòng của khoá sinh. Lần đầu tiên họ cho khóa sinh test để sắp lớp. Dĩ nhiên anh được vô học lớp cao nhất. Đó là lớp học từ 2.100 đến 2.500. Sáng nào bọn anh cũng học Anh-văn. Sau mỗi ngày học, anh vào phòng Lab thực tập làm bài, luyện giọng. Những anh kém thì học lớp vỡ lòng từ lớp 1.100 đến lớp 1.500. Trình độ khá hơn thì tới lớp 1.600 đến 2.000. Sau khi học hết các lớp, anh thi đạt điểm cao nhất trong khoá đó! Hãnh diện nghe! Nể anh chưa?
    Các anh đi học thường mặc quần áo kaki vàng, giày soulier bas. Còn lúc học môn quân sự thì mặc treillis, giày bốt cao cổ, mũ lưỡi trai. Các môn học đủ hết, từ: căn bản về đủ các môn quân sự, kể cả lết, bò, trườn, chống hai tay lên vĩ sắt nóng. Học chiến thuật tác chiến. Cơ-bản Thao Diễn. Thể thao quân sự. Vũ khí chiến lược. Nghệ thuật chỉ huy. Vân vân… Tóm lại là chương trình học có rất nhiều môn. "Thực đơn" của một tân khóa sinh cần biết: Các anh phải nắm vững mọi vấn đề cần thiết cho một sĩ quan chỉ huy.
    Mỗi tháng, các anh tân binh có tiền lương, đồng tiền tuy hạn chế, vừa phải nhưng không đến nỗi nào eo hẹp.
    Mãi kể với em nghe tí nét sinh động của đời nhà binh, còn chút nữa anh quên nói tiếp theo, là sau khi tập thể dục sáng xong về đến phòng, thì anh đi đánh răng rửa mặt, làm vệ sinh, thay quần áo thích hợp, đi ăn sáng và học trên lớp, hoặc ra bãi tập. Đến trưa tụi anh cũng phải xếp hàng đàng hoàng đi lên Phạn Xá. Các tân khóa sinh chưa được đeo Alpha trên áo, phải đứng nghiêm chào, tự xướng danh:
    - Khóa sinh tên: … số quân…

    Anh nhớ dường như số quân bên Không-quân bắt đầu từ con số 6. Rồi bạn bè anh em mới được bỏ mũ ra, tuần tự đi vào nhà ăn. Anh đi đến cái bàn nào gần nhất. Rất nhiều dãy bàn dài, có những hàng ghế đóng dính liền nhau. Mỗi hàng ghế có thể cho mười sáu khoá sinh ngồi. Sinh-viên chia nhau ra thành từng "ca rê". Bốn người ngồi ăn cơm chung trong một mâm. Nhưng khoan đã... có bài bản điệu nghệ cả nghe em! Anh đứng nghiêm trước ghế ngồi, chờ tất cả mọi khoá sinh vào xong đâu đó rồi; khi nghe lệnh của cán bộ:
    - Tất cả khoá sinh: Ngồi!
    Cả đám khóa sinh Không-quân hô to:
    - Xuống.
    Bấy giờ mới được ăn đó nhe em! Trời ơi! Hôm nào hổng hên, anh ngồi ăn chung với vài ông bạn “vai u thịt bắp, mồ hôi dầu”. Thì kể như hôm đó coi như anh "trúng mối độc đắc", nghĩa là mình thua là cái chắc rồi. Vì, họ ăn uống dễ dãi, ăn rất nhanh và ăn quá khỏe. Bọn anh e dè chỉ chỏ rù rì phụ nhĩ với nhau:
    - "Tay đó" là hung thần phạn xá đó nghe mầy!
    Gắp thật lẹ, lùa thật mau
    Ăn không kịp nghỉ, nuốt không cần chờ
    Thằng nào lẹ, thằng đó nhờ
    Thằng nào chậm chạp đói mờ người ra (2)

    Thoáng một cái, là trên mâm thức ăn hết sạch. Bát canh ruồi cũng sạch từ khuya. Vài ông "chăm chỉ" còn bẻ trái chuối ra, chan cả nước trà vô cơm, mà lua lia chia vô miệng ăn tiếp. Miễn sao họ ăn nhanh cốt no bụng là xong. Em ạ! Mấy lần đó anh đói meo, chỉ có nước là chờ giờ nghỉ giải lao mười lăm phút, anh cắm đầu cắm cổ chạy lên Câu Lạc Bộ, để mua cái gì ăn thêm, cho đỡ đói. Nếu Câu Lạc Bộ không có thức ăn theo ý thích, anh nói với ông bà chủ mua dùm. Thì hôm sau họ sẽ đem hàng về, cho anh "bồi dưỡng" thêm, chiều chiều khi về phòng, anh có thể "chè chén" tí. Sống ở đây, như một "gia đình khoá sinh" ôn nhu trật tự nho nhỏ, cũng mới lạ vui vẻ và thích thật.

    Anh không quên nói nhè nhẹ về “mấy món ăn chơi” mà trong thời gian huấn nhục, bọn anh "được" các niên trưởng chiếu cố: Nhảy xổm, hít đất vài chục cái là xoàng, như cơm bữa! Tối bị phạt chạy vòng Cộng Hoà, cũng chỉ là thường tình, giúp mình ngủ thêm ngon, đâu có ngán! Nhưng anh cũng… “hơi hãi" nếu bị phạt dã chiến, em ơi! Nhờ anh có chích TAB, nên nắng gió sương khuya: coi như nó là bạn bè, giúp biến làn da tụi anh trở nên rám nắng, “phong trần, hiên ngang, khí phách nam nhi”, vóc dáng rắn rỏi hẳn ra. Lúc đó các em coi các anh cũng “đã con mắt” mà thôi! Phải không nà?

    Chàng nào "vô phước" bị dã chiến, là te tua, cả phòng cũng mệt lây, vì họ lo phụ giúp anh ấy thay quần áo, khi thì quần treillis áo vàng, vác sac marin lên trình diện ông "hành văn... Niên Trưởng" trong vòng một phút chẳng hạn. Rồi bị phạt lấy muỗng cà phê múc nước đổ đầy bi đông trong vòng năm phút. Nào lấy tăm xỉa răng đo chiều ngang barrac được bao nhiêu. Nào khoả sân cát cho bằng phẳng giữa trưa nắng chang chang. Xen vào đó là những cú nhảy xổm, hai tay nắm hai lỗ tai tréo nhau, hay kiểu chân co chân duỗi như cái cày… vân vân…

    Mình phải ráng thực hành cho đúng theo mẫu sáng tạo của "Quan" sinh-viên sĩ-quan Niên Trưởng. Bởi thế, tụi nầy hổng ngán mấy “Ông” sĩ-quan Trung-úy, Đại-uý... bằng "hãi" mấy “Ngài” Niên Trưởng mang họ "Hành"-văn đâu! Đó em hiểu thế nào là Huấn Nhục chưa? Nhiều cái tức cành hông, mà không cần có lý do, để lý giải hay lập luận gì hết! Ba cái tự ái vặt của đời sống dân sự, sự cải lý của chàng sinh viên, học sinh, thì “Các Ngài” sẽ trị cho "mấy tển" im re, xép ve! Chứ ở đó mà ngông nghênh, tự đắc... Họ không được ngóc đầu dậy ở trong quân trường đâu, em à! Đây là những "chén mồ hôi" nhỏ tong tong từng giọt, từng giọt, từng giọt... theo những bước chạy tốc hành trên bãi cát nóng trong quân trường Không-Quân-Mẹ.
    Sau ba tháng huấn nhục trầy da tróc vảy, họ huấn luyện các anh sinh viên sĩ quan Không-quân chịu đựng gian khổ, nhục nhằn, cuộc sống của các anh hầu như cái máy. (Hay sắp trở thành cái máy, mà chả biết). Các anh gò mình trong trật tự, có khuôn khổ, và quen dần với kỷ luật sắt.
    * * *
    Ngày… Tháng... dần qua nhanh, và niềm vui mừng vinh quang lại đến! Đó là ngày anh và bạn hữu chính thức trở thành sinh-viên sĩ-quan thực thụ. Khoá sinh được làm lễ gắn Alpha tổ chức tại sân trường Không-Quân Nha Trang. Buổi ra mắt sinh-viên sĩ-quan vô cùng nghiêm trang, chu đáo, và trọng thể, với niềm xúc động đặc biệt, tự hào hãnh diện không thể quên. Có Chỉ-huy-trưởng Căn-cứ. Chỉ-huy-trưởng Liên-đoàn sinh-viên sĩ-quan. Sinh-viên sĩ-quan. Cán-bộ. Thân nhân. Bạn hữu ai có điều kiện, hay bạn hữu ở gần gần, đều có thể đến tham dự đông đủ. Từ sáng sớm, các khoá sinh ra sắp hàng chỉnh tề ở ngoài sân. Có mấy anh em len lén… vụng trộm thủ một chiếc dép nhựa, hay miếng cạc tông nhỏ xíu, để kê dưới đầu gối. Chứ quỳ hàng giờ như thế, có mà rục đầu gối ra. Nhưng anh em ấy phải hết sức thận trọng, kín đáo, coi chừng cán bộ. Vì nếu họ thấy, thì chết đa. Khoá sinh quỳ gối đọc lời tuyên thệ, trước khi được vinh dự gắn Alpha lên cầu vai.
    Ngày đầu tiên được phép xuất trại, anh ra phố đi rong chơi tự do thoải mái, đi lung tung nhìn ngắm Nha Thành đến 17:00. Ngoại trừ những anh em bạn nào bị ghi thẻ phạt, thì không được đi phép xuất trại. Cán bộ niên-trưởng kiểm soát khá kỹ. Họ vui vẻ dặn dò sinh viên sĩ-quan đủ thứ. Trước khi xuất trại, sinh-viên phải ghi nhớ và thuộc lòng nên giữ kỷ luật, như sau:
    - Ra phố, phải có quy chế "tác phong" của sinh-viên sĩ-quan đàng hoàng.
    - Quần áo chỉnh tề. Cấm không được ăn mặc cẩu thả.
    - Không "chè chén" say sưa, làm mất thể diện phong cách con nhà tướng.
    - Không cười đùa giễu cợt, giỡn hớt "lố lăng" lấc cấc, trơ trẽn lom lom dòm ngó chỉ chỏ lung tung ngoài phố.
    - Cấm đi xích lô. Cấm đi xe đạp. Chỉ được phép đi xe vespa, xe hơi. Taxi.
    - Mỗi khi gặp tuần tra của căn cứ, anh phải đứng lại nghiêm chào. Sau đó anh mới ung dung thong dong đi tiếp.
    - Nếu ai vi phạm bất cứ một trong những nội quy nào. Sẽ lập tức bị cán-bộ ngồi trên xe tuần tiểu nhảy xuống; thu hồi tấm giấy phạt (để trong túi áo bên phải của sinh-viên). Cán-bộ sẽ mang về căn cứ, còn khóa sinh ấy lo âu chờ xử phạt.
    Cũng nhờ có kỷ luật quân trường ban hành gắt gao, cuộc sống có điều độ, chửng chạc và uy nghiêm như vậy, mà anh cùng hầu hết các bạn tăng trọng lượng; khỏe mạnh, cường tráng, vui tươi hơn lúc trước nhiều. Theo quan niệm của anh: hình phạt "dã chiến" nầy, thật ra đó là cách tập luyện cho khoá sinh có nhiều thể lực, có sức khỏe, có tinh thần khắc phục, kiên cường nhẫn nhục chịu đựng gian khố, biết ôn nhu, trầm tĩnh, đắn đo, khôn ngoan, có nhiều kinh nghiệm sống, tháo vát hơn. Hầu ta có thể kiên cường, vượt qua mọi chông gai, gian nan, thử thách trên trường đời đầy binh lửa.
    Anh nghĩ lại cũng thấy cái mục đích cao cả và tuyệt diệu của việc nầy: khi quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Người ta đã cố tình huấn luyện cho mình hiểu "kỷ luật là sức mạnh của quân đội" là như thế nào! “Trên” ra lệnh, là “Dưới” phải nghe, và nghiêm chỉnh thi hành răm rắp! Chứ lỡ nếu lúc mình ra trận, không ai có thời gian mà cà kê giải thích tỉ mỉ nầy nọ đâu! Họ chỉ cần thuộc cấp chấp hành thôi! Mà lạ thật em à! Đó là chặng đường của sinh-viên sĩ-quan ai cũng phải qua cầu. Và, gió cũng thổi cuốn bay đi hết tất cả thù oán, nóng giận, hiềm khích với đàn anh. Sau khi thành công ra trường đời, họ chỉ để lại trong lòng như là những kỷ niệm vui vui, không hề phai nhạt của thuở xưa nơi quân trường mẹ. Thử hỏi mấy ai đành lòng quên! Khi đó thì ta có nhớ gì, ngoài dư hương kỷ niệm:
    Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
    Với khí thét khúc trường ca dữ dội
    Ta bước chân lên, dõng dạc đường hoàng... (3)
    "Đó" cũng như "đây", có khác gì... Ở đâu thì quân luật nhà binh đều tương tự như thế thôi, sinh viên sĩ quan phải răm rắp tuân hành kỷ luật, và nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Phải vậy thôi. Nhưng, thật thà mà nói thì anh ưa thích cuộc sống ở quê nhà hơn, vì dù sao chăng nữa anh vẫn cảm thấy ấm áp tình đồng hương qua tiếng mẹ đẽ thân yêu ngọt ngào, ấm áp và trìu mến lạ thường. Có thể vì anh chưa hội nhập ở xứ người, và anh còn nhớ thương quê nhà da diết, nơi đó có cha mẹ, anh chị em, và người thân.
    Tạm biệt em.
    Anh trai,
    Q Thiệu
    *
    Tình Hoài Hương


    (1) Thơ Tình Hoài Hương
    (2) Phan Ni Tấn N.D
    (3) (Thế Lữ)

    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  3. #9
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Bình Phong Cuộc Tình



    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 5
    Bức Bình Phong
    Tình Hoài Hương
    ***


    Em Hồng Hạnh yêu ơi!
    Lúc trời choạng vạng tối, ngồi xuống ghế, bàn tay phải cầm bút để viết thư, mà lòng Phi Hành nầy dường như đang thì-thầm tỏ lời tâm sự, trò chuyện với người rất yêu dấu: Trước khi vào câu chuyện chính của cuộc đời người phi công dang dỡ, có nhiều điều anh dấu kín trong lòng, chưa hề tâm sự cùng ai, nhưng em là người đầu tiên, có thể bảo là duy nhứt lắng nghe anh vui lòng kể rõ lý do… Tại sao anh đi lính, nhe em:

    - Mùa hè năm 1960, anh học Y-khoa Sài Gòn– là năm bà nội vừa chết, anh buồn lắm, nhân đó, thỉnh thoảng anh xin ba má cho anh đi xa, trông coi cô Bảy mười ba tuổi, cô Tám mười tuổi, cô Út sáu tuổi, các em nội trú trong trường Missionaires de Marie gần Trại Hầm, Đà Lạt. Cứ hai tuần một lần, ở Sài Gòn anh lên Đà Lạt, đến trường xin phép soeur, anh dẫn ba cô đi ra phố, cho em ăn uống, đi xem ciné, đi vòng vòng phố mua sách hình, mua dụng cụ tập vở, linh tinh... Hai cô em lớn ngoan hiền, học giỏi, nên anh xin phép dễ dàng. Còn Út, xin phép rất khó, anh thường bị soeur mắng vốn, vì đi đâu Út cũng nói chuyện, nói trong phòng ngủ, trong phòng ăn, trong nhà thờ, nói cả trong toilete. Út không được đi ra ngoài phố, thế là Út nhảy đành đạch lên mà khóc nhè.

    Thời gian thường lên Đà Lạt về Sài Gòn, khi bóng chiều ập xuống trong khu đồi im mát, trời khá lạnh, sương muối bắt đầu rơi lốp đốp, thấm ẩm các cành cây ngọn cỏ, sương đọng lại thành từng giọt mọng nước, rung rinh trên phiến lá chao nghiêng khi cơn gió nhẹ thoảng về. Tháng ấy anh tình cờ anh gặp em... rồi chúng ta quen biết, và tha thiết yêu nhau. Nói thật ra, cũng vì em phần lớn, mà anh bỏ đại học Y, (anh học với Nguyễn Tấn Trung). Anh đã lên học tại viện đại học Đà Lạt, cho được gần em.

    - 1963 là lúc anh thi đậu xong cái bằng Dự Bị Cử Nhân Văn Chương Anh, Pháp, tại viện đại học Đà Lạt. Rồi 1964 anh bước vô năm thứ hai của đại học nầy, là thật sự vô nghĩa. Vì cú “choáng váng khốc liệt tình cảm” do em gởi tới, (anh vừa nhận cách đó không lâu). Anh sống vật vờ, cứ để cuộc đời mình trôi lênh đênh, như cánh bèo trên giòng suối hoang vu... Chính năm ấy anh mất em thật rồi. Chúng ta đã xa nhau mấy năm trời không ai hiểu đâu là nguyên nhân. Bây giờ ngồi suy nghĩ lại, anh mới biết: hồi đó, do tính bồng bột, nóng nảy tuổi trẻ, tự ái của thằng trai trẻ có đầy đủ những yếu tố: con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai, lịch lãm... thì anh có thể chinh phục bất cứ người con gái đẹp nào mình muốn.

    Ấy vậy mà anh đã bị ngăn trở, chê bai, khinh dễ, hất hủi. Anh rất đau, tự ái, đồng thời anh thấu hiểu: Bất cứ ai ai, cũng phải hành động như thế! Vì thú thật, không ai hiểu chúng ta yêu nhau thật sự thánh thiện. Trời ơi! Không ai thấu hiểu cả. Anh và em yêu nhau chân chính, chúng mình giữ gìn tình yêu trong sáng, dù trải qua bao nhiêu chuyện tưởng như là “trời gầm đất lở”. Nhưng sao? Rốt cuộc anh vẫn giữ gìn cho “em cưng” thần tượng cao cả tuyệt vời. Có thể nói do anh đã quá yêu em (mối tình đầu tiên của anh). Anh chiêm ngưỡng em như bóng dáng xuân kiều trên nền trời thăm thẳm trong xanh, không gợn áng mây trôi, tình yêu nầy như hai vì sao lấp lánh đang qùy gối bên nhau, âu yếm, ríu rít thỏ thẻ trò chuyện ở bến Ngân Hà, xa thật xa... Anh nào dám xúc phạm đến em bao giờ!

    Thế nhưng dưới mắt cuộc đời, dưới mắt thực tế, thì bố ai tin được thằng con trai đang lớn ấy, (lại đào hoa nữa mới chết). Nhứt là trong mắt hai bà chị có cô em gái rất trẻ xinh đẹp còn hồn nhiên, ngây thơ, hiền thục dịu dàng, thùy mị, tuổi đời em chưa từng nếm trải, thì các chị không thể nào tin vào huyền thoại ấy được! Họ nghĩ trước sau gì anh cũng “chơi qua rồi bỏ” cho mà xem. Không ai biết được sự sỉ nhục nầy (một mình anh gánh chịu). Bây giờ… anh ngồi đây tâm tình cùng em: về chuyện anh bị chị Tư của em đối xử ra sao, anh nói lại cho em rõ nguyên nhân tại sao chúng mình bị “đứt phim” nhé:

    Khi anh vừa bước chân vô nhà chị Tư như thường lệ, (vì ba má anh đã đi dạm ngỏ em, -là gì rồi- mà mình không thể tự nhiên vô nhà thân thiết sao, hở em, nên anh đẩy cửa, bước vô phòng khách nhà chị Tư, anh ung dung đi lui đi tới, chờ em. Anh không biết là em còn ở chơi nhà nầy, hay em đi về nhà chị Tuế rồi, anh chẳng rõ. Lúc đó chị Tư dưới nhà bếp đi lên, nhìn thấy anh, mặt chị hầm hầm, chị nhìn anh tỏ vẻ khinh bỉ, hình như chị giận dữ việc gì ghê lắm. Anh chưa kịp chào hỏi, thì chị liền nhào đến bên anh, chị hét to như sấm sét. Câu chị nói (mà ngàn đời sau anh không thể quên):

    - Còn dám vác mặt đến đây à? Tìm ai rứa? Đi. Đi... Đi mau ra khỏi nhà tui. Hãy tránh xa em tui, không được gặp nó nữa. Nó còn ngây thơ không biết gì. Nhớ đừng bao giờ chường mặt đến nhà nầy nữa. Nghe. Tui lấy chổi chà đập vô mặt đó. Đồ khốn nạn, lưu manh, lăng loàn hết con nầy tới con khác, thứ trai gì mà mất nết và mất dạy quá chừng!

    Chị Tư xô mạnh anh ra gần cửa lớn, đầu anh đập vô cái tủ kính. Anh kinh ngạc bàng hoàng tột độ chẳng biết chuyện gì đã xảy ra? Anh vội bước ra khỏi cửa, bước đi mà giống như chạy, anh không dám quay lại nhìn, sợ lối xóm nghe thấy. Từ nhỏ đến bây giờ, chưa bao giờ anh bị ba má xúc phạm đến danh dự và tư cách mình quá đáng đến thế. Anh mắc cỡ muốn độn thổ vì lời nói của chị; giống như anh là một đứa trần truồng, lúng túng trước “sân khấu cuộc đời” rộng mênh mông, có bao nhiêu người đang chằm chằm nhìn anh, họ đều nghe, khinh miệt, cười chê, nhạo báng.

    Bước lên cái dốc thảm hại chừng mươi thước, tại khúc quanh vắng người, lòng anh nỗi lên cơn giông bão dữ dội. Anh đứng lặng, cắn răng bặm môi mà vẫn uất nghẹn, anh tức bực muốn nổi điên đã bật khóc tức tưởi (như hồi xưa anh đã khóc lúc bà nội chết vậy). Một đứa trẻ nhỏ khi dỗi hờn, vò vĩnh, phụng phịu, ước muốn một điều gì, mà không có, em bé chẳng được, thì bé vùng vằng, dậm chân dậm cẳng khóc thét lên thật to. Khóc cho đã nư, rồi em nín, sau đó vui cười quên ngay. Còn anh, anh buồn phiền, tự ái và tự trọng, đau khổ gần như tuyệt vọng; anh không thể khóc rống lên trước mặt mọi người, anh cúi gầm mặt khóc giữa cuộc đời gập ghềnh, gồ ghề đắng cay! Anh cố gắng nuốt nỗi đắng chát vô lòng, nhưng nước mắt từ khóe mi anh tuôn trào, lăn dài xuống má, chảy ròng ròng xuống bờ môi mằn mặn, rồi chảy vô bụng, vô tim, vô óc... Anh uất giận vì không hiểu nguyên nhân tại sao chị Tư lại đối xử tệ đến thế, nên anh càng cảm thấy uất giận và đau ghê lắm.

    Anh buồn quá sức! Vâng. Anh rất buồn. Thời gian nầy anh tìm quên em, anh đã quen nhiều bạn mới: Thằng bồ của Hà là Vũ Anh nó mượn xe vespa của anh mấy ngày, nó đi xuống Fimnom thăm Sylvia (còn gọi là Sonia), bà nầy là vợ ông Tây, mà Vũ Anh rất mê. Vũ Anh ngủ lại một đêm, sáng hôm sau nó về Đà Lạt, loạng quạng thế nào, xe bị tông hư nát, nó không dám mang lại trả. Vì vậy, anh phải mượn xe honda của ông cai gác cổng đại học, chở Quyên Hà đến nhà Sonia ở dốc thác Preen (vì anh không biết nhà Vũ Anh, nên anh chở Hà (Hà là tình nhân của Vũ Anh) đi, để cô ta chỉ nhà). Rồi anh mướn xe lam chở xe hư về phố, tự anh bỏ tiền túi ra để sửa xe. Chính hôm đó, khi xe của anh còn nằm ụ ở garage, anh đi bộ đến nhà anh chị Tư, và lãnh nhận trận cuồng phong từ chị ập tới, như anh đã kể ở đầu thư.

    Mấy tuần trước đó, em gái Vũ Anh là Hồng Ánh (rất mê anh, nhưng anh chỉ xem nó là đứa con nít, không hề có tình ý gì). Nhiều lần nó viện cớ nầy cớ nọ... nhờ anh chở nó đi đây đi đó. Biết bao lần anh chở Hà nữa, vị chi là cả ba người đi chơi tay ba, đi la cà lung tung, ở lại đêm nói chuyện phiếm. Anh cũng mặc xác họ muốn gì, làm gì... Mình có xe mà họ nhờ chở đi, nếu anh không cho mượn, hay không chở dùm, coi có vẻ bần tiện sao đâu. Mà, anh cho mượn xe hay chở dùm, cũng bất tiện, phiền toái bực bội hết sức. Ồ! chết thật rồi, hay là chính khi cả ba người đang ôm eo ếch, ngồi “lắc lư con tàu đi” tòn ten trên xe vespa của anh, nhiều lần anh và họ vô ý lí la lí lắc đùa cợt, cười nói huyên thuyên khi anh chạy xe diễu vòng vòng trên phố, thì lúc đó chị Tư đã nhìn thấy anh chở mấy con nhỏ lả lơi mái tóc bay bay trong thị xã nhỏ bé nầy, nên chị Tư mới nổi cơn thịnh nộ với anh? Hả em?

    Về việc Thạch “thóc mách” với em chuyện anh quen mấy con nhỏ, chẳng qua nó ghen tương thôi. Không phải riêng chuyện anh với Hà, hay Hồng Ánh, Thanh Thuỷ... mà hồi xưa, khi anh chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi, Thạch yêu thích con nhỏ tên Khôi. Nhưng con nhỏ lại mê anh tít thò lò, nó đá lông nheo liếc mắt đưa tình, nó tự tìm cách hẹn hò riêng anh đi ciné. Đồng thời con nhỏ “láu cá” ngầm báo cho Thạch biết, để rình. Anh đâu ngu đến thế, mà thử. Hôm ấy anh có đến điểm hẹn thật, nhưng anh đứng xa xa nơi khuất, mà theo dõi. Quả nhiên, Thạch, con nhỏ Khôi, và cô em của hắn đến đó rình. Anh thấy tụi nó đi lui đi tới dáo dác tìm kiếm anh. Anh tỉnh queo vui vẻ huýt sáo quay trở về nhà, làm như anh chưa hề biết chuyện chúng gài bẫy.

    Buổi tối chúng nó gặp nhau ở nhà anh học bài như thường lệ. Thạch hằn học kể ra chuyện đó, anh tủm tỉm cười, tiện thể anh vạch mặt con nhỏ Khôi trơ trẽn bắt cá hai ba tay ra luôn. Về phần con nhỏ Khôi chẳng bắt được con cá nào, xấu hổ, nó bèn đứng dậy đi ra khỏi phòng hoc, trốn biệt tích giang hồ. Trung phải đứng ra giải hòa nối kết tình bạn giữa anh và Thạch sắp rạn vỡ. Mặc dù vậy, Thạch luôn xem anh là tình địch, (kể từ hồi nhỏ xíu, cho đến bây giờ) thiệt oan ơi ông địa. Có thể em không biết, chứ thật tình là Thạch rất “mết em, si mê em”. Cũng có thể là nó muốn “cua” em, để trả thù mối hận tình đầu thuở xa xưa của nó vậy! Rất vui là “em tôi” đoan chính, vô tình em không mảy may có chút tình ý gì với hắn.

    Sau khi xa em... trong đại học xá Đà Lạt, anh đã dọn ra ở riêng, lúc trước ở trên Trần Bình Trọng, sau đến đường Võ Tánh. Ban ngày anh chẳng thèm lên đại học ghi chép bài vở, để mặc Hà viết lách, ghi bài dùm rồi cô ta đem về cho anh, Hà ở lại trong phòng riêng đến khuya. Anh rất buồn vì mất người yêu dấu, chính lúc đó Hà đã thay thế em qua từng khoảng trống vắng hụt hẫng. Trở về chuyện Hà: Giới trai trẻ, nhứt là sinh viên thời ấy, chẳng mấy ai mà chả biết tiếng đào hoa của cô ta. Hà biết mình có nhan sắc khá, lại học cao. Cô ta thích “Flirt”. (từ nầy, em có hiểu không? nghĩa là cô ta chỉ đùa giỡn tình cảm với người khác phái). Với ai, cô ta cũng thích “làm trò đùa” lẵng lơ gợi cảm như thế. Cô ta thích thế, nghĩa là Hà đang cặp với Vũ Anh, mà cô ta cặp bồ với anh nữa. Ngay cả khi Hà đã giao du thân mật với anh, Hà vẫn cặp kè với ông Thiếu-tá có vợ con đùm đề. Đối với Hà tình cảm tay ba, tay tư là chuyện nhỏ, chuyện bình thường.

    Em biết không, mỗi ngày Hà bắt ông ta chở Hà đến phòng anh từ sáng đến chiều, Hà hành hạ ông ta đủ điều, bắt ông ta đi mua cơm thật ngon, nhiều món đắt tiền nóng sốt ngoài tiệm Mê Kông, ông khệ nệ bưng xách vô cho “hai người” ăn, còn ông ta thì “ngồi chơi xơi nước, ăn mì ngóng cháo ngó" ngoài xe. Hà còn làm nhiều chuyện ngộ nghĩnh, tiếu lâm hết biết. Hằng ngày Hà bắt ông ta ngồi đợi Hà đã đời ngoài xe, mặc trời lạnh cóng, hay gió mưa bão bùng, khi ấy Hà ở trong phòng hú hí du dương vui vẻ với anh. Cũng nhiều ngày Hà đi chơi chung với Vũ Anh, anh, và ông Thiếu tá nọ suốt canh thâu. Sau thời gian ngắn đó, Hà bắt ông nầy về ly dị vợ, để làm đám cưới linh đình với Hà. Trước ngày cưới, Hà còn gặn hỏi anh mãi:
    - Nếu Hà lấy Thịnh, Hành nghĩ sao?
    - Tốt chứ. Hà nên lấy ông ấy đi.
    - Hành không yêu Hà rồi.
    - Chưa bao giờ Hành nói yêu Hà.
    - Không phải chúng ta có tình yêu sao?
    - "Moi" thẳng thắng trả lời Hà rõ: Đây chỉ là trai và gái tự do gần gũi nhau thôi.
    - Hà hỏi lại: Hành có yêu Hà không?
    - Tất nhiên không yêu Hà. Đến giờ phút nầy, mà Hà vẫn chưa tin là tôi không hề yêu Hà à? Hà nghĩ tôi cũng “cá mè một lứa” như bọn thằng Vũ Ánh, Trương Anh, Điều, Độ, Bích… sao? Không đâu Hà à. Giữa tôi và Hà chỉ là sự đam mê của tuổi trẻ thôi. Điều đó giống như sự đam mê của nghệ sĩ yêu bức tranh, như thi sĩ yêu bài thơ hay, như khán giả ngưỡng mộ tài danh nghệ nhân trên sân khấu. Tình yêu bao gồm cả thân, thương, và mến. Nhưng, thương và mến: thì chưa chắc hẳn là yêu say đắm, và chí tình thủy chung. Vậy sự đời chỉ là thân, thì Hà cứ để mặc cho tự nhiên nghen.

    Nghe rõ ràng cương quyết vậy, Hà đau khổ suốt thời gian mấy tháng, và thất vọng bỏ đi làm vợ bé. Nhưng đi đâu, Hà vẫn rủ rê anh đi cùng. Hà khuyên anh đừng đi lính, với "tình cảm sâu đậm" đó, Hà tưởng là có thể lay chuyển được anh sao. Hà nào biết sự “thật tình yêu thương” của anh, là riêng dành cho “ai kia”, (em biết rõ "ai kia" là ai mà! Vì, HH ôi! Sự cảm động đầu tiên mà anh trao về riêng em, bao giờ cũng là tình yêu rất trong sáng, chân thật, tinh tuyền hương hoa thơm lạ, và trường cữu nhứt. Em là mối tình đầu, là hạnh phúc vĩnh cửu, là người tình cuối; ngoài em ra, anh không hề yêu ai. Vì em là tình yêu. Thế thì, bây giờ tuyệt nhiên không phải là cô ta. Mai sau vẫn không có ai khác, ngoại trừ em chính là tình yêu. Anh đoan chắc như thế.
    Sau nầy ông chồng cô ta ghen, tức giận và hận vì bị Hà hành hạ, ông luôn đánh Hà bầm dập, vì cái tội Hà thích liếc mắt đưa tình lẵng lơ với trai. Riêng gia đình cha mẹ Hà, họ chỉ chú trọng đến tiền bạc, lợi lộc. Chuyện yêu đương là trò chơi, họ chỉ muốn con cái họ cặp với con của những gia đình bề thế, giàu có, địa vị cao sang... Chính anh đã đưa mẹ Hà vô thầu ở Câu Lạc Bộ trong đại học. Họ thầu được hai ba năm.
    ***
    Sau khi xa em, anh thật đau buồn, không biết anh đã làm gì nữa! Quen với ai? Tại sao ra nông nỗi nầy! Đời anh coi như xuống dốc thảm thương, (kể từ sau khi bị chị Tư của em mắng nhiếc, và chính em xa lánh ruồng bỏ anh... em làm nghiêng ngả đời ập xuống chao đảo đời anh. Quả thật tối hôm đó trời trút xuống cơn mưa to, dai dẵng từ xế trưa đến tối, mưa rất lớn. Anh ngồi trong phòng trọ chờ trời tạnh, chờ mãi không được, nên anh cùng Lý đội mưa đến tiệm Mỹ Hương ăn cơm. Vừa cởi áo khoát móc lên tường, anh chỉ mặc phong phanh cái áo sơ mi màu xanh da trời, quần jean, mái tóc mặt mũi anh ướt sũng nước mưa. Bên ngoài, trời vẫn mưa tầm tã, mưa rất to.

    Quay vô bàn Lý đã chọn, ngồi xuống ghế, anh nhìn chung quanh. Đầu tiên anh thấy “em yêu” ngồi ngay ở bàn đối diện, gần sát bàn của anh. Anh đã chạm phải cái nhìn “nàng” sắc lạnh, như xoáy suốt vào lòng mình. Như tia chớp sáng lòa thuở ban đầu, (ngày xưa khi mình mới quen nhau ở nhà thờ “con gà” đó em), thì nay cái nhìn sững sờ nầy, cũng là tia sét. Nhưng tia sét nầy quá phũ phàng, đen hơn than, bạc hơn vôi, đã lạnh lùng giết chết tình yêu chúng mình. Anh thấy em thộn mặt ra, trên tay em cầm trái chuối, bỗng nhiên như nặng, đã rơi phịch xuống bàn. Mặt em tái xanh, run rẩy, như con chim non bị nạn. Em lãng tránh nhìn anh. Có lẽ trong lòng em thầm van lơn, cho anh đừng nhìn thấy cảnh bẽ bàng, khi em ngồi với “ai kia”. Phải không em?
    Phải! Thà đừng nhìn thấy nhau, không thấy cảnh chua xót phũ phàng, thì hay biết mấy. Nhưng đôi mắt “anh và em” như dán chặt xoắn xuýt vào nhau, mình nhìn nhau lặng câm chết sững. Im lặng. Bối rối. Ngỡ ngàng. Thật chán chường chưa hỡi Trời! Dù bị ướt sũng, nhưng anh cảm thấy hai vành tai và mặt mình nóng đỏ bừng bừng, hơi nóng từ bên trong lồng ngực toả ra ác liệt. Anh không cảm thấy đói bụng cồn cào như lúc chiều nữa. Hình như anh bị đau ốm gì lâu ngày, đau nặng lắm, mệt đừ, khó thở, rã rời, ngột ngạt kinh khủng. Trước mặt em yêu, thì anh chỉ đờ đẫn phiêu bồng như là cái xác không hồn.

    Lý nhìn anh sững sờ, (anh xem Lý là đứa em nuôi, cho nên đôi lúc anh kể chuyện “anh và em”, cho nó nghe. Tiếc là nó chưa quen biết em, tuy thế nó biết tỏng tòng tong “chuyện mình” nhiều lắm). Lý nhìn lui nhìn tới trong tiệm, rất tinh ý đã thấy rõ thái độ anh từ đầu, nó lặng lẽ liếc nhìn em, gặn hỏi mãi:
    - “Già” nói đói bụng lắm, sao bi giờ ngồi đây thừ người ra, không chịu ăn uống. Có chuyện nghiêm trọng lắm. Phải không?
    - Hết đói rồi.
    - Ăn đi. Ăn chút đi. Chuyện đâu còn đó.
    - . . .
    - Hôm nào “già” hỏi ẻm, sẽ rõ. Đừng buồn làm gì!

    Rất lâu, khi anh ngẩng đầu lên quay qua len lén nhìn cái bàn đối diện ấy, thì đã trống trơn! Thế là anh ngồi chống tay lên cằm, không cảm thấy đói bụng! Đợi Lý ăn uống xong, anh và Lý vừa đi dưới trời còn lất phất mưa, vừa tâm sự. Lý khuyên bảo gì, anh cũng chẳng nghe. Anh rất nhớ và hiểu tính nết HH lắm. Làm sao mà quên được! Cho nên, hôm đó quả là tiếng sét xé buồng tim, tiếng sét nầy không phải là tiếng sét ái tình đầu tiên, mà tiếng sét đánh vô óc, mang tai, đánh vào lồng ngực. Anh chẳng thiết gì nữa cả.
    Mặc dù nay anh xa em rồi, nhưng anh luôn ngấm ngầm theo dõi em rất kỹ, rất lâu trong mấy năm trời. Bao nhiêu lần, anh chỉ thấy em toàn đi ngoài phô,́ hay đi chỗ nầy chỗ nọ với bạn gái. Tuyệt nhiên em không hề đi riêng với một người con trai nào. Vì thế, hôm nay anh gặp em ngồi ăn cơm chung với “ai”. Thật sự là anh té ngữa ra, vì anh biết rằng: Nếu em đi với ai, hẳn người đó sẽ là người mà em yêu thương. Hay ít ra là người em đã chọn, để làm người bạn đường, hoặc bạn đời. Chứ nếu không có một trong hai vấn đề kia, thì đố em chịu đi cùng ai.

    Đêm đó, anh không còn lòng dạ nào mà vô cà phê Tùng, hay xuống khu dancing như mọi khi, anh rất buồn, thể xác hình như đã chết thật sự rồi. Trở về nhà trọ, anh thao thức trằn trọc vật vã trắng đêm. Ngay sáng sớm hôm sau, anh kêu Kỳ dậy, nói cho Lý biết quyết định bàn giao tổng hội sinh viên, bức tranh portriat mà họa sĩ Quang đã vẽ Hà, cả bàn, ghế, tủ giường, áo quần, cho đến cái máy quay dĩa thời trang mới toanh, anh cũng cho Lý luôn. Vì Thạch thì trốn đi đâu biệt tích, hay nó lẽn "vô bưng" rồi cũng nên, anh tìm nó mấy ngày không ra.
    Anh đi bộ ra Hotel Thủy Tiên, hỏi bà Tư Rậm:
    - Chừng nào bà về Sài Gòn?
    - Lúc nào cũng được. Anh biết lái xe không?
    Anh cười mỉa, khinh khỉnh:
    - Bà biết rõ tôi từ khuya rồi, còn giả bộ ngây thơ, vờ vĩnh mãi.

    Tiện nói thêm bà Tư Rậm nầy tuổi lớn hơn anh cả một con giáp, bề xề, cục mịch, có chút nhà quê thô kệch, chẳng đẹp đẽ gì, còn xấu là khác, bà ta có chồng con đùm đề, nhưng bà say mê anh như điếu đỗ. Hôm xưa, lúc nhà bà mở party (ở gần nhà ba má), lẽ ra - là anh cua con gái đầu lòng của bà. Ngờ đâu vô tình anh bị bà ta xoắn xuýt ép “chàng” uống rượu ngà ngà say, thì bà ta xốc kè anh vô phòng và... cái điều không tưởng tượng nỗi đã xảy ra. Anh có cảm tưởng như bị hiếp dâm thô bạo. Thế rồi, thỉnh thoảng bà ta vẫn rủ rê anh, (khi ông chồng đi vắng). Bà ta nói:
    - Lâu lâu cho tui “hun” anh, cho đã thèm.
    Bà ta vẫn hăm he:
    - Anh cứ quen người khác. Nhưng nếu anh bỏ rơi tui, không chịu “đi đêm” với tui. Tui sẽ bắn chết anh.

    Khốn nạn thế đó! Hôm trước ở Hotel Thủy Tiên, bà ta ôm con bé mới sinh, tên Osin lên Đà Lạt cho “chàng” coi mặt. Bà ta cứ nói là con của anh. Nhẫm tính chu kỳ, thời gian gần gũi bà, thì chắc chắn nó không phải con của mình. Vả lại thời gian tám chín tháng qua, chồng bà ta luôn ở nhà, còn anh đi học ở xa. Bà Tư Râu Rậm muốn “gài bẫy” (cho anh lọt vô tròng, mà ưng thuận lấy bà. Vì trách nhiệm từ đứa con, thì bà ta ly dị chồng, nên bà nói vậy). Nhưng làm sao gạt được anh! Anh thẳng thắng phản đối, cương quyết:
    - Tôi trả bà về với gia đình. Bà và tôi chấm dứt. Đừng hòng đem súng đạn ra mà “hù doạ” tôi nghen.

    Anh lái chiếc xe Chevrolet Bel-Air chạy vòng ra đổ đầy xăng, rồi quay xe về đầu cầu ông Đạo, định lái xe lên dốc Võ Tánh, thì anh thấy có một tốp năm cô đi thơ thẩn bên lề đường, nhí nha nhí nhảnh tíu tít chuyện trò. Trong số đó có một con nhỏ là em của Long, bạn học với anh trên đại học, nó nhìn thấy anh nên gọi to:
    - Anh Hành đi đâu đó. Cho tụi em đi với.
    - Anh đi tà tà chơi. Muốn đi, thì lên xe.

    Mấy cô nhảy tót lên xe, anh chở họ đi vòng vòng bờ hồ Xuân Hương, rồi tà tà chạy xe thẳng tới hồ Than Thở. Họ nhảy xuống đi lung tung. Riêng anh rất buồn và chán chường kinh khủng, vã lại mất ngủ suốt đêm qua, nên anh mệt mỏi ngồi thừ người trên xe, vừa nhắm mắt định ngủ một tí. Lúc đó, một cô gái trong bọn trông hơi kha khá người, thấy anh không đi với họ, cô ta liền quay gót trở lại xe. Cô ta đến bên, tự động mở cửa xe nhảy vào, cô lân la gợi chuyện làm quen trước. Cô ta cho biết tên là Lê Trân Thư. Hai người chuyện trò khá lâu. Thư vui vẻ cho địa chỉ, hớn hở hẹn ngày tái ngộ ở Sài Gòn.

    Lái xe hơi đưa trả họ về phố Hoà Bình, rồi anh chạy xe như bay tới Lữ Quán, vội thu xếp ít bộ đồ. Thế là anh ra đón mẹ con bà Tư Râu về Sài Gòn. Vì quá đau buồn chuyện “em với anh”, và mất ngủ suốt cả đêm, nên khi lái xe, anh như người đi trong mộng, chẳng thèm nói một lời nào với bà ta. Lái xe trên đoạn đường dài, đường thẳng, hay đường quá tốt, cộng với tiếng xe kêu o o o… đều đều, thì mình chợp mắt lúc nào chẳng hay, tiếng xe như điệu ru dịu êm, có thể khiến tài xế mau buồn ngủ. Vì anh đeo kính đen, nên bà Tư chẳng biết anh ngủ gục, cứ thế anh tống ga chạy bon bon trên đường. Suýt tí nữa chiếc xe hơi lao xuống đèo. Kịp bẽ tay lái, anh giữ lại được. Hú hồn! Đến gần Bảo Lộc, anh ngừng xe khá lâu, vô nhà hàng rửa mặt cho tỉnh táo, ăn uống nghỉ ngơi vài giờ. Rồi anh mới dám lái xe chạy tiếp về Sài Gòn.

    Sau đó thì anh “đăng vô lính” (như đã nói ở đoạn đầu câu chuyện Huấn Luyện Phi Hành). Hy vọng anh vẫn còn khả năng viết lách, để hầu chuyện với em trong suốt cuộc hành trình đi tìm tương lai (của đời người phi công lênh đênh, bềnh bồng trôi giạt tám hướng bốn phương trời), và điều thiết yếu là chúng mình sẽ có chuyện cần nói, đáng nói với người anh cần nói, lúc cần nói về việc tin yêu, vui, buồn, tương phùng tri ngộ cùng em trên mọi lĩnh vực. Em chịu không?
    Thư đã dài, anh tạm ngừng bút. Chúc em luôn tươi trẻ, an bình, và không còn giận anh nữa nha. Anh mừng.
    Phi Hành (Antony)

    * * *
    Tình Hoài Hương
    Kính mời qúy độc giả xem tiếp chương sau
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  4. #10
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Hương Xưa



    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần thứ Nhì
    Chương 6
    Hương Xưa
    Tình Hoài Hương
    ***


    Lữ Phi Hành nói đúng. Phải. Lần cuối cùng Hồng Hạnh gặp Phi Hành, (sau vài ba năm xa nhau), ấy là lần đầu tiên Hạnh đi cùng người con trai khác. Tối đó, trời mưa tầm tã, Hạnh với bạn núp mưa, nên vô ăn cơm ở tiệm Mỹ Hương, Thứ mới chỉ là bạn mà Hạnh đặc biệt có cảm tình. Về phần Thứ thì khỏi nói: anh đã phải lòng và yêu Hạnh biết bao, anh quyết chí muốn sau nầy sẽ vinh dự gọi em là “vợ yêu”.

    Bỗng giật thót người khi Hạnh vừa cầm trái chuối lên, trái chuối dường như nặng trịch, giống như tay mình cầm khối đá, nó rơi rụng xuống bàn lúc nào, chẳng rõ. Tim Hạnh co thắt trong lồng ngực dập dồn, hơi thở đứt đoạn. Hạnh nghẹn ngào run rẩy như con chim non bị ướt, sửng sốt rồi lúng túng quay lui quay tới, cô muốn độn thổ, muốn tìm nơi ẩn náu trốn chui trốn nhủi khỏi chỗ nầy. Hay chết khuất đi, không dám nhìn người xưa, để Hành đừng trông thấy cảnh bẽ bàng gượng gạo hết sức dị kỳ. Định mệnh bày trò chơi chi trớ trêu, xỏ lá quá! Dù muốn lẫn tránh Hành, nhưng đôi mắt Hồng Hạnh cứ dán chặt vô anh, thầm mong Hành đừng nhìn thấy mình, thì hay biết mấy!

    Bạn Thứ đang kề miệng bên tai Hạnh nói nhỏ câu gì đó, khi anh thấy mặt cô tái xanh, tái méc, thì anh ngỡ là Hạnh bị trúng gió, nên Thứ vội lấy lọ dầu con hổ ở trong túi áo veste (hôm trước con Thương Chi đã cạo gió cho anh ta. Thương Chi rất mê Thứ đẹp trai tài hoa là gì) – Anh ta bôi xức lên hai bên thái dương của Hạnh lia lịa. Mặc cho cô cúi gầm, xù mặt, Hạnh cứ lấy tay mình xô hất tay Thứ ra nhiều lần, vì cô sợ Hành nhìn thấy cử chỉ anh nầy âu yếm, vuốt ve, trìu mến, làm mình ngượng ngùng xấu hổ, sợ người xưa hiểu lầm: nghĩ mình cố ý “làm trò hề yêu đương màu mè" trước mắt cố nhân, để chọc tức, khiến Hành đau lòng. Còn Thứ thì ngỡ là người anh yêu phụng phịu, nhõng nhẽo ưa làm nũng với mình, nên anh “xáp lá cà” vô sát bên Hạnh, ngọt ngào, hai tay Thứ ấm áp dường như mơn trớn lên má Hạnh, Thứ tươi cười rù rì nói những câu âu yếm thân thiết.

    Khi móc áo mưa lên đinh treo xong, Hành ngồi xuống ghế, thì Hành nghe tiếng lách cách của ly chén chạm nhau, và thấy trái chuối rớt trên bàn đối diện. Hành ngẩn lên và bàng hoàng nhìn Hồng Hạnh đăm đăm. Bốn mắt dường như rực lửa giao nhau trong khoảnh khắc, nhưng lâu dài giống cả một đời người hiện hữu nhìn nhau. Thứ nào biết “chuyện chẳng lành” trong trái tim hai người kia đang dậy sóng! Thứ chẳng hề biết sự “chạm trán gay gắt nổ ra" ấy, nên anh vô tình vẫn vui vẻ ôm bờ vai giá rét của cô, anh duyên dáng vô tư lự nói cười ngọt ngào huyên thuyên.

    Còn “họ”; Không có câu gì để nói với nhau nữa sao? Không! Đôi mắt thầm lặng đã ngấm ngầm tỏ lộ bao nỗi niềm uất ức, đắng cay, tràn ngập nước mắt xót xa đang dội ngược vô tim. Hơn cả ngàn tiếng thì thầm trong tâm tư vừa trổi dậy, hơn vạn lời thở than hờn trách về cảnh éo le, mà oán thán nhau vô biên. Biết biểu lộ dưới dạng thức nào cho trung thực, khi bốn mắt âu sầu lặng lẽ nhìn nhau!? Đôi mắt đó thể hiện cả lòng hồ giao động sôi sục sóng gió, dường như ném vô người đối diện cái nhìn vừa bối rối, bàng hoàng, xót xa, cay đắng, lại vừa nhẹ nhàng chế diễu châm biếm, lẫn trong nỗi buồn mênh mông, xa xăm...dài vô tận!

    Phi Hành quay qua nhìn Thứ đang rối rít loay hoay xoa xoa, bóp bóp, xức dầu cho cố nhân. Chao! Cô thấy hai vành tai, trái tai và mặt người xưa lấm tấm những giọt nước mưa mà lại đỏ bừng. Mặc dù trời Đà Lạt lúc nầy lạnh 10o/C. Hành bối rối vuốt ngược mái tóc ướt đẫm nước mưa, rồi úp khuôn mặt gầy nhom lên hai bàn tay xương xương (Hạnh thấy bây giờ anh không còn trắng hồng, cân đối, vui tươi, và hào hoa như ngày xưa).
    Lý đi cùng Hành hỏi:
    - Làm sao vậy? Sao hồi nãy “già” kêu đói bụng lắm. Sao bây giờ lại ngồi thừ người ra? Già không chịu ăn uống. Có chuyện gì nghiêm trọng lắm. Phải không?

    Hạnh đã nghe rõ câu Lý hỏi, cô cần phải thoát ra khỏi chỗ nầy ngay tức khắc, không đủ can đảm ngồi nán lại phút nào. Không thể nào nhìn da mặt Hành bắt đầu trắng bệt. Không kịp uống nước, cô giục Thứ:
    - Đi về! Đi về thôi.

    Thứ kinh ngạc nhìn Hạnh đứng bật dậy, vội đến nỗi anh dẫm lên chiếc guốc của Hạnh, Hồng Hạnh phải ngồi phịch xuống ghế, tức giận khi Thứ làm đứt quai guốc, nhưng Hạnh chỉ lắp bắp run run len lén thì-thầm nho nhỏ, nhờ Thứ đi đến quầy của tiệm cơm, xin họ mấy sợi thun, để cô lấm lét co chân trái lên cao, loay hoay cúi xuống cột chặt mấy sợi thun vô bàn chân mình với chiếc guốc. Mặt Hạnh nóng bừng bừng như ai vừa dội gáo nước sôi, mà toàn thân thì lạnh toát, thật xấu hổ không thể nào tưởng tượng nỗi. Không hiểu tại sao mình lại quá sợ hãi khi chạm trán với Hành như vậy? Có phải tự trong đáy lòng sâu thẳm, Hồng Hạnh vẫn dấu kín một mối tình nồng cháy, sắt son, em không muốn cho cố nhân trông thấy cảnh "xót xa dị hợm", khiến anh đau buồn thêm chăng?

    Thì em nào có kém gì anh, đôi mắt Hạnh tối sầm lại vì nỗi đau quá độ, giống như có bàn tay ai vô hình bóp nát trái tim cho trào máu ra, khiến cô choáng ngợp người. Sự đối mặt quá bất ngờ, phũ phàng, cũng như tia nhìn Hành xuyên qua cô đột ngột, quặn lên nỗi đau tê tái dâng tràn tột đỉnh. Dẫu hai người đã thực sự xa nhau rồi, nhưng lòng mỗi người vẫn giữ những vết chém sâu in đậm trên trán, in lên đời mình; khi thỉnh thoảng vô tình họ nhìn thấy nhau trên phố cũ. Sao trông “mình” khắc khoải ủ dột đến thế? Mặc dù, theo Hạnh biết chung quanh Phi Hành có những bà, những cô thường ân ái? Bên nỗi cô đơn ưu phiền không xác định được, không có ai là người anh yêu dấu thật lòng nữa sao? Có phải câu Hành vẫn nói:
    - “Em chính là tình yêu và hạnh phúc của anh. Em là tình đầu và cũng là tình cuối. Ngoài em ra, anh không thể yêu ai, và chẳng hề yêu ai”. –là sự thật và trọn đời?

    Ôi! mình đã uống cạn đáy chum rượu biệt ly vĩnh viễn trong câu chuyện tình đôi ta rồi ư? Thế giới tiểu thị dân trong thành phố Đà Lạt thơ mộng, nơi xứ hoa đào tươi thắm, vẫn dai dẵng đùa cợt nỗi đau, lạnh lùng tung đi hấc lại trong đời mình, như quả bóng đá lăn lóc trên sân cỏ. Mặc dù ta muốn quên, muốn không nhìn thấy nhau nữa, chẳng muốn thấy gì ngoài vòng sô tang quấn chặt trong lòng. Dù thời gian trôi đi, trôi đi… vết thương có thể lành, nhưng tự nó còn lưu lại những tổn thất bất hạnh, buồn đau, khiến Hạnh ngậm ngùi nuốt lệ. Thế mà hỡi ôi! Cả hai người cứ gặp nhau hoài, vẫn nhìn thấy nhau hoài... trong thành phố bé nhỏ nầy, là sao thế hử!? Hỡi ông Trời bà Đất ui!

    Trong thâm tâm Hạnh cầu mong sao Hành không trông thấy mình khi ra về. Khổ nỗi, muốn đi ra khỏi tiệm, cô phải đi ngang qua sát bên bàn ăn, nơi Hành đang ngồi, vì lối đi rất chật hẹp, có thể chạm vào cánh tay nhau. Chần chừ do dự băn khoăn mãi, thừa lúc Lý gọi Hành cùng chụm đầu cúi xuống xem menu, chọn thức ăn, Hạnh vụt đứng dậy, run bần bật, lùi lại lẽn núp trốn sau lưng Thứ, mà vọt lẹ ra ngoài trời đang mưa tầm tã, khiến Thứ chạy theo nhìn Hạnh, kinh ngạc:
    - Em! Trời đang mưa rất lớn. Ướt hết em ạ. Sao em vội thế không biết.

    Hạnh quá sợ ánh mắt xót xa đau đớn của Hành lặng lẽ nhìn theo. Nhưng, tại sao mình lại quá sợ hãi, đến nỗi phải trốn núp sau lưng Thứ, như kẻ gian đã phạm tội gì tày trời vậy? mình xa nhau chứ có phải mình phạm tội cướp của giết người gì mà trốn tránh ai? Thì ra… Hạnh không dám làm tan nát lòng anh, Hạnh vẫn yêu cố nhân thiết tha.

    Sau đó ít tháng sau, bất ngờ Hồng Hạnh nhận thư Hành:
    Em yêu,
    Sau khi tốt nghiệp khoá quân sự tại TTHLKQ Nha Trang, anh Hành được bổ nhiệm về làm Tiểu-đoàn-trưởng, Tiểu-đoàn tân binh (khu nhà Sắt). Thế là anh phải dọn qua bên đó ở, để chỉ-huy hơn một trăm tân binh Không-quân. Thỉnh thoảng anh được đi phép về Sài Gòn (ba lần) nhờ quen với Thiếu úy Nghĩa rất dễ thương (anh Nghĩa đã tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt). Nhờ anh Nghĩa, nên anh biết cách làm đơn xin đi phép, khi ra ngoài trạm tiếp liên, anh liên lạc với phi công Hoa Kỳ, xin đi ké phi cơ của USAF.

    Có một lần đang học ở Nha Trang, anh được đi phép về Sài Gòn. Vì còn là sinh-viên sĩ-quan Không-quân, anh không được phép bay cùng pilot, nên anh Nghĩa đã cho anh mượn áo quần bay của ảnh, để mặc ké mà che dấu “cái tôi khù khờ non dại”. Chuyến phi cơ quân sự đó họ ghé tạt qua Đà Lạt có chút công tác. Từ phi trường Cam Ly, họ thả người xuống cho dạo phố vài giờ. Tài xế chở anh em Không-quân từ Cam Ly chạy lên dốc đại lộ Yersin, rồi xe vòng xuống hồ Xuân Hương, lại lên dốc Lê Đại Hành. Anh đứng lố nhố trên chiếc Dogde không mui với chục mạng pilot khác.

    Lúc xe chạy lên dốc Lê Đại Hành, thì anh nhìn thấy "nàng HH" đi trên phố, (trước mặt tiền của rạp ciné Hoà Bình) cùng bốn cô bạn. Mừng quá, anh vừa vẫy tay lia lịa, vừa hớn hở gọi to tên em. anh bồn chồn, xôn xao cuống quít chồm người ra ngoài ngoắt lia lịa. Rõ ràng em đã đứng khựng lại, ngơ ngác nhìn quanh khi nghe tiếng ai gọi tên mình. Nhưng rồi em bình thản ung dung quay đi vui cười với bạn.

    Khi xe Dogde tấp vô bên hông khu Hoà Bình, bên cạnh tiệm ảnh Hồng Châu, anh vội vàng nhảy xuống xe, liền tất tả chạy trở lại chỗ cũ, rồi chạy ngược chạy xuôi tìm em, anh dáo dác nhìn quanh tìm em khắp vùng, nơi em vừa dẫm chân lên đó, nơi "em yêu" cùng các bạn vừa đi qua. Không hiểu các em rẽ đi lối nào, mà lẹ quá chừng trong làn sóng người đua nhau đi dạo, như trẫy hội trên phố chiều Thứ Bảy vậy!? Vì anh nghĩ có lẽ cưng đã hết giận anh rồi. Bởi vì, anh mong em cũng giống như tình anh đối với em ngày xưa đậm đà ra sao, thì bây giờ vẫn thắm thiết như thế.
    Nhưng định mệnh quái ác, đã tàn nhẫn xô hai người đi hai ngả tách bạch. Không cho anh và em gặp nhau. Dù chỉ thoáng hơi thở cuả không gian, và tích tắt thời gian gần thật gần trong tầm tay. Dù chúng ta đang ở chung một thời điểm – đi chung trong thành phố nhỏ bé và thơ mộng nầy. Thế mà... chúng ta không thể nhìn thấy nhau, không thể gần nhau, để ân cần vồn vã hỏi thăm nhau sao, hở Trời!?

    Rồi mai đây, khi anh sẽ rời xa quê hương, sẽ ngăn chia biết bao sông, cách biết bao dặm trường dọc ngang xuôi ngược. Núi non hùng vĩ và hiểm trở trùng trùng vây bủa. Biển cả mênh mông cuồng phong gió táp mưa gào, chúng ta sẽ xa nhau, xa diệu vợi muôn trùng hải lý. Có nằm mơ, anh cũng không thể bơi lội trong giấc mơ mà về thăm em. Chắc chắn nơi ấy chẳng thể có giang thuyền nối nhịp. Anh không có đôi cánh đại bàng, hai chân anh sẽ mỏi mệt rã rời chùng bước, ngập ngừng. Anh không có gì, chẳng còn gì tất cả. Làm sao anh có thể chắp nỗi đôi cánh, như chim đại bàng lướt gió tung mây, để trở về cố hương… hầu tìm chút mùi hương xưa, đã êm ái vụt bay ra khỏi tầm tay mình?! Vì, có thể em đã bay xa... xa mất hút ra khỏi đời anh rồi, cũng nên!?

    Thế là kể từ hôm đó, từ đáy lòng anh lại bừng thức dậy nỗi tức tưởi, nghẹn ngào, xót xa, hậm hực, cay đắng, nỗi thương đau vùi trong biển tình còn dấu kín nơi tim, (vẫn thắm thiết âm thầm mà sâu lắng). Anh lặng lẽ tìm về chút "nhớ mùi của hương xưa"; anh luôn luôn mơ thấy em tươi vui, ngọt ngào, đằm thắm, ân cần, dịu dàng, lặng lẽ nhẹ nhàng đến thăm anh. Khi bừng tỉnh giấc chiêm bao, anh lại mơ mơ màng màng, ước mong mình hoá thành chú bướm, để anh có thể nhởn nhơ bay về đậu bên ngoài khung cửa sổ phòng nhà em. Anh sẽ mỉm cười, lẵng lặng nhìn cưng uyển chuyển đi ra thẩn thờ, buồn xo đi vào nhìn tháng ngày dần chết lịm trong đời.

    Anh sẽ ca bài "Mộng dưới hoa" (như ngày nào anh cùng em đi trên đại lộ Pasteur, gần cổng nhà em, anh đã hát. Em khen hay, và nhìn trước ngó sau không thấy ai, em thưởng cho anh nụ hôn ngọt lịm ở trên má). Anh sẽ ru em ngủ, nhìn em êm đềm say sưa đi vào giấc mộng đẹp không vướng chút muộn phiền. Trong đó, anh mơ mình sẽ về trùng phùng bên em. Vì, Hồng Hạnh đã thôi giận hờn, em bao dung, từ bi tha thứ cho anh mọi điều lầm lỡ (vì tính đa tình, phiêu bồng lãng mạn), khiến chúng mình không vui, khi:

    Tình yêu sóng giạt khắp chân mây
    Cho đến một hôm tại chốn nầy
    Đắm đuối tôi thương ‘mình’ quá đỗi
    Yêu sao tình ấy vẫn mê say.
    Cầm tay khẽ nói mộng dài lâu
    Đằm thắm nụ hôn tựa buổi đầu
    Xúc động bàng hoàng như muốn khóc
    Món quà trân quý bởi vì đâu?
    Xa rồi dấu ấn ở trên môi!
    Giọt mật hôm nao ngọt cuộc đời
    Hay vẫn chỉ là men trái đắng
    Những ngày ly biệt cảnh chia phôi.
    Tình yêu thần tượng đẹp muôn màu
    Dù kiếp này hay hẹn kiếp sau
    Vị đắng trào lên đôi mắt ướt
    Chảy dài thương nhớ nụ hôn đầu... (*)

    Sự nghẹn ngào tức tưởi luôn dày vò tâm thức anh. Sau khi xa Hạnh, dư âm nầy luôn quanh quất đâu đây canh cánh ràng buộc bên mình. Khiến anh nhũn chí dìm lòng trong tiếng nấc: Có biết không em? Cõi lòng anh dày vò, ray rứt, tan nát vì cái đào hoa và đa tình bồng bột của thằng con trai mới lớn. Mà, chỉ khi nào còn lại một mình anh. Lúc anh sống cho riêng anh, thì tình cảm thiêng liêng trân qúy ấy: nó lại chợt hiện đến. Một mối tình thâm sâu thật đầm ấm, ngọt ngào, nhưng xa xăm; diệu vợi... và muôn trùng đơn côi, vắng lặng luôn dày vò anh. Em ơi. Anh thì thầm nguyện cầu: Chúng ta sẽ vĩnh viễn yêu nhau, bên nhau trong vòng tay dịu êm. Nhé em.
    *
    Đến tháng 9 năm 1965, Hành được lệnh đi khám sức khoẻ, do USAF khám. Sau đó, họ điều anh về Sài Gòn đi làm thủ tục an ninh, & thủ tục xuất cảnh. Trên giấy thông hành ghi: "đi du học", trong thời gian tám mươi (80) tuần lễ. Ôi cha ơi! Lâu quá đi thôi. Ngao ngán biết chừng nào! Tuy vậy anh cùng các bạn cùng khoá vui vẻ, nôn nao, hớn hở, hân hoan, lo may đầy đủ quần áo, mua áo lạnh, vân vân… Hành hân hoan chuẩn bị chu đáo mọi thứ cần thiết để đi Mỹ.

    Khoảng thời gian nhàn hạ và mòn mỏi chờ đợi nầy, Hành lấy xe hơi của ba, anh đến đón Nghĩa cùng đám bạn hữu của cô bồ tèo mới quen đi khắp nơi ăn uống, nhảy nhót, cắm trại, v.v... Trước đó, cô ta có gởi thư cho anh, cô nói là có bốn bạn gái cùng lớp, muốn kết thân với "tụi anh". Anh hỏi đám bạn, thì có bốn tên tình nguyện nhập cuộc, anh khoan khoái tụ tập họ ở nhà một thằng bạn, ung dung viết tên mấy cô gái, rồi bỏ vô cái mũ lưỡi trai. Xóc đều cho bốn thằng "bốc thăm". Có một bạn rung đùi ca ngâm câu ca dao:
    Ấy ai dắt mối tơ mành
    Cho thuyền quen bến cho anh quen nàng
    Tơ tằm đã vấn thì vương
    Đã trót gian díu thì thương nhau cùng

    Thế rồi, chàng trai phong trần bạo dạn mở lời:
    Ai về đường ấy hôm mai
    Gửi năm điều nhớ gửi vài điều thương
    Gửi cho đến chiếu đến giường
    Gửi cho đến chốn buồng hương em nằm

    Bạn moi đủ thứ chuyện tiếu lâm sưu tầm lượm lặt khắp đó đây, tha hồ làm le, làm dóc làm thân, làm tin, làm tới làm tàng với các cô nàng, cố ý chọc cho họ cười và tự nhiên hơn, gần gũi dễ thân thiện trong buổi sơ giao, không sợ nhạt nhẽo vô duyên: Hiên kể chuyện hắn sưu tầm lượm lặt đó đây:
    - Người ta đã thống kê được rằng, cuộc đời một người đàn ông hầu hết gắn bó với chữ “ăn”. Khi còn bé thì “ăn học”. Lớn thêm chút nữa thì “ăn chơi”. Lúc có bạn gái thì chăm chăm chút chút cố tìm cách “ăn thịt”… Ăn thịt xong thì phải “ăn hỏi”, rồi “ăn cưới”. Cưới về phải tiến hành “ăn nằm”. Khi vợ đến kỳ “khai hoa nở nhụy” anh ta đành phải “ăn chay” hoặc len lén vợ đi “ăn vụng”. Sau khi vợ sanh cu bé, thì phải “ăn kiêng”. Về già anh rụng răng nên phải “ăn cháo”. Già khú thì anh theo các cụ bà mà “ăn cỗ”…
    - Nè, bọn mình ắt là có đứa sẽ được vợ tương lai dặn dò thế nầy:
    Anh về, em nắm cổ tay
    Em dặn câu nầy anh chớ có quên
    Đôi ta đã trót lời nguyền
    Chớ xa xôi mặt mà quên tấm lòng
    Ngờ đâu sau thời gian đó ít lâu, có hai cặp đã trở thành vợ chồng thật sự:
    Anh là con trai út nhà
    Anh đi kén vợ đằng xa quê người
    Thấy em đẹp nết đẹp cười
    Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng
    Vậy nên anh gửi thư sang
    Tình cờ anh quyết lấy nàng mà thôi.
    ***
    Một hôm vào ngày Thứ Sáu, Hành và cô bồ Trân Thư đi ăn, rồi đi chơi vui vẻ nguyên ngày. Cuối cùng cả hai đứa vô nghỉ nhờ ở nhà Trung. Dù anh và cô ta chỉ quen nhau vài tháng ngắn ngủi, mới mẻ. Không phải Hành tự khen "cái tôi”, nhưng anh thầm phục ta tán gái tài tình, trơn tru, hay ho của mình, nên Thư như con cá cắn câu đã mau chóng xiêu lòng dễ dàng. Cả hai nói với nhau nhiều lời hứa hẹn sắt son, thề hứa suốt đời sống bên nhau đến khi răng long tóc bạc. Anh và cô ta “mết nhau” si mê, say đắm, có những giờ phút thắm thiết mặn-mà, bạo dạn nồng nhiệt cuồng mê hun hít quấn quít. Cô bồ sẵn sàng và dễ dàng hiến dâng cho anh đời con gái. Nhưng không hiểu tại sao, tự dưng khi đó đột nhiên hình ảnh (mối tình đầu) lại xuất hiện: Nàng ngây thơ. Dịu dàng. Khả ái. Đằm thắm. Tươi mát. Duyên dáng. Hồn nhiên và trong sáng xiết đỗi. Bởi vì Hành và nàng yêu nhau đứng đắn, đàng hoàng, vô cùng trong sáng. Hình bóng tuyệt vời, sự ngây thơ và thánh thiện của nàng: đã hiện lên trước mắt anh quá rõ nét.

    Thật hết sức bất ngờ! anh lặng lẽ phiền muộn nằm vật xuống trên giường kêu cái đụi, như trái mít ướt rụng, tự dưng anh kịp thời ngừng lại những động tác yêu đương cuồng mê với cô nhân tình. Vắt tay lên trán, anh nhăn mặt nhiú mày bâng khuâng suy nghĩ miên man. Hành bàng hoàng mở mắt ra, ái ngại nhìn cô nhân tình mới, Hành buồn thiu dáo dác nhìn quanh, bồn chồn ngơ ngác nhìn cô bồ loã lồ, tênh hênh. Cô ta nằm kế sát bên mình, vòng tay cô ta vẫn quấn siết trên cổ anh và kiên nhẫn chờ đợi. Hành xót xa buông tiếng thở dài, thì thào nói với tình nhân:
    - “Hãy mặc quần áo vào đi”.

    Thư kia hụt hẫng, bực bội, tức giận và sượng sùng, chưng hửng! Thật là chả ra cái thể thống gì! Mất mặt và mất hết ý nghiã cuả một cuộc làm tình chưa trọn! Có lẽ cô ta lầm tưởng anh còn là "trai tơ trinh trong" chưa biết làm tình, thì thiệt là “lầm chít” em ơi! Nhưng từ trong thâm tâm anh… thì than ôi! Chính nhờ mùi của hương xưa của Hồng Hạnh rất vô tình thoang thoảng bay đến, nhẹ nhàng êm ái như hương xuân trân quý, mà "em yêu" đã ân cần đến bên anh kịp lúc. Em thân ái, trìu mến, ưu ái hiền hòa, lặng lẽ âm thầm đến bên anh, tình cờ em Hạnh đã cứu thoát nhiều người con gái con nhà lành khác, mà anh "đã iêu". Lẽ ra “các cô ấy” nên biết: vô tình các cô nhờ có “em cưng”, nên các cô ấy không bị mất thứ trân quý nhất của đời con gái, các cô phải cám ơn nàng! Còn em, em biết không, có biết gì không. Hở em HH yêu của anh!?

    Để bớt ngượng, anh vơ tấm mền mỏng đắp lên mình cô bồ còn bần thần tê tái, mong sao cô ta bớt loã lồ hổ thẹn và trân tráo. Phần anh, cử chỉ đó có vẻ như lạnh lùng và đểu đểu xí, nhưng anh không gượng được nỗi hân hoan hãnh diện tự kiêu ùa về (khi anh tự biết chính mình đã chiến thắng dục tính). Trận cuồng phong mê đắm đó như gió bay qua cánh rừng, rồi tan biến vào hư vô, thì tình cảm ấy giống như những giọt nắng úa tàn qua kẽ lá, cuốn theo dòng sông chảy xiết mà thôi.

    Hành ngồi dậy vô phòng tắm, sau đó anh uể oải chán chường kiếm điếu thuốc thơm gài lên môi, Hành e dè kể cho cô bồ nghe nhiều chuyện tiếu lâm đã đọc, hoặc sưu tầm trên báo, ví dụ như:
    Hai người bạn gái gặp và hỏi chuyện nhau:
    - Chuyện mầy và anh chàng mới quen tới đâu hở... ?
    - Chia tay rồi.
    - Sao vậy!? Tao thấy tối qua hai người còn đi xem phim mà...
    - Tối đó, trong rạp điện cúp, mà chân anh ta cứ…
    - Thế !!! Anh ta sàm sỡ với mầy à???
    - Được như vậy thì còn khá... Đằng này chân anh ta cứ sờ soạng...
    - Sờ soạng chân mầy, không thú vị à!?
    - Không. Hắn sợ mất dép cuả hắn í chứ!
    - Rõ khổ!?
    Cô bồ liếc xéo anh, hậm hực nhưng cười gượng gạo. Hành lại tằng hắng kể chuyện thứ hai:
    - Bà kia vẻ mặt đầy lo lắng, nói với lão thầy bói:
    - Thưa thầy, chồng của con thường đi làm về rất muộn. Có nhiều hôm ảnh đi tới 11, 12 giờ khuya, ảnh mới về đến nhà. Con nghi ảnh mê đứa nào rồi. Nhờ thầy xem giùm cho con đường phu thê, gia sự.
    Thầy bói đĩnh đạc gieo quẻ, rồi phán:
    - Chồng của thân chủ là người trăng hoa, phong tình, có bồ bịch tứ tung. Thân chủ muốn giữ được chồng, phải thường xuyên bỏ công theo sát bên anh ấy, mỗi khi ảnh bước chân ra khỏi nhà! Nghen.
    - Thưa thầy, con không thể nào bám theo chân ảnh như vậy được!
    - Vì sao thế?
    - Chồng con là phi công!

    Hành vẫn thấy nàng lấm lét nhìn, rồi vội cúi mặt ú ớ. Lại chuyện thứ ba, thứ tư: - Một thầy tu trẻ đi khất thực qua làng nọ, trời hanh khô, mà thầy tu ấy lại đi đường đã khá lâu, nên thầy thấy khát nước, bèn rẽ vào nhà nọ xin nước uống. Trong nhà chỉ có một cô gái trẻ. Cô gái nghe thầy tu hỏi xin nước, thì đặt một chai nước xuống hiên nhà, rồi quay vào trong, định lấy cái ly. Thầy tu tưởng cô đi vào luôn, nên mở nắp chai ra, thầy định tu một hơi, cho đã cơn khát. Vừa lúc đó cô gái đi ra, thấy vậy cô kêu lên:
    - Thầy đừng tu, để em lấy…
    Nhà sư trẻ tuổi hoảng hốt ngắt lời:
    - Xin cô đừng lấy, để tôi tu!

    Mặc dù Hành cố moi óc ra, kiếm nhiều chuyện tiếu lâm sưu tầm lượm lặt đó đây, để kể cho Trân Thư nghe, ngỏ hầu mong tạo không khí dễ chịu, bớt xốn xang, vô duyên, tẻ nhạt đôi chút, và cố quên đi cái chuyện ái ân dị hợm, trơ trẽn, lãng xẹt, ngượng ngùng. Nhưng có nói gì, có pha trò hề gì, thì… “cả hai anh chị” cũng không thể nở nụ cười hồn nhiên, thoải mái vui vẻ như lúc đầu nôn nao nằm trên giường muốn giao hoan cho được!

    Thôi thì ta đành trở về thuở hồng hoang trinh nguyên:
    Đôi ta thật sự ước vuông tròn
    Em tuổi đôi mươi gót bước son
    Lí lắc hay cười. Anh lặng lẽ
    Sân trường phượng đỏ cánh chim non.
    Chẳng biết tình em, anh có hay?
    Thở dài anh ngắm đám mây bay
    Nhìn em tay ngắt cành hoa trắng
    Hái trái ân tình trĩu nặng vai.
    Thế rồi anh bảo một chiều đông
    Dẫu quyết cùng nhau vẹn chữ đồng
    Lửa khói lan tràn trên đất mẹ
    Thân trai phải trả nợ non sông.
    Anh đã ra đi tựa bóng mây
    Xẻ đôi chén nhớ uống càng say
    Vầng trăng ai nỡ chia hai mảnh
    Em vẫn chờ anh phố cũ này. (*)
    ***
    Sáng Thứ Bảy, gia đình ba má, các chị, em, cô tình nhân, mọi người đi tiễn đưa Hành trên phi trường Tân Sơn Nhứt. Chẳng hiểu sao anh và cô ta còn thèm thuồng lưu luyến, bịn rịn, tiếc nuối, hoặc tưng tức “chuyện tình dang dỡ hôm qua chưa làm tròn”, hay sao!? Nên đứng riêng ra một góc vắng, hai người xoắn xuýt ôm chặt lấy nhau hun hít suốt, dường như để vớt vát cơn thèm khát cháy lòng hôm qua đã bị quê xệ, cụt hứng. Khi gần hết giờ tâm tình, phải chia tay, Hành thì thầm bên tai cô ta:
    - Hãy trao cho anh kỷ vật nào thân thiết nhất của em.

    Cô bồ vội vàng chạy vào toilet ở phi trường. Lát sau, cô ta trở ra nhét vào túi quần anh. Kỷ vật cô bồ trao lúc bấy giờ là cái quần xịp, kèm vài sợi... ô hô! "Cuộc tình đau muốn bứt da" có lẽ cô tình nhân đã chảy nước mắt vì đau. Biết đâu, ngày mai... cô bồ có còn nhớ cơn đau nầy, hay còn đau hơn thế nữa khi xa biệt nghìn trùng, khi xa mặt thì cô có cách lòng hay không? Ai mà biết được! Họ đã ra về hết. Khoảng chừng 11:45' trưa,
    Hành và các bạn hào hứng, mạnh dạn, vui vẻ huýt gió tưng bừng, khoan khoái bước lên phi cơ. Vài phút sau, phi cơ lăn bánh trên phi đạo càng lúc càng nhanh. Sau cùng mặt đất tách rời phi cơ bay vút lên cao. Hành nhìn xuống đất nước Việt Nam. Xóm làng thương yêu. Cha mẹ. Chị em. Họ hàng thân quyến. Bạn hữu. Cô bồ nho nhỏ xa dần. Xa dần... và mất hút tầm nhìn.

    Phi cơ lao vút vào không gian, mang Hành & bạn bè cùng trang lứa ra đi xây mộng hải hồ. Nơi cao vút trên không trung bao la, có từng tảng mây xôm xốp bồng bềnh trôi dưới đáy phi cơ, dưới cánh máy bay, để lại vùng trời quang rạng trắng xoá thỉnh thoảng rắc vài lọn mây ươm vàng chói sáng ánh dương rực rỡ. Mịt mùng. Mênh mông… Phi cơ của Continental Airlines loại 707, bay từ Việt Nam sang Manila. Ghé lại trạm tiếp tế nhiên liệu, rồi phi cơ bay sang đảo Guam. Wake. Sau cùng đến Honolulu.

    Đã đến giờ vô lớp, anh đành tạm biệt em yêu. Hẹn em thư sau nhé.
    Lữ Phi Hành
    ***
    Tình Hoài Hương


    (*THH)= Thơ tình Hoài Hương
    (cd)= ca dao

    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  5. #11
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Kiếp Phong Trần Trên Đất Khách

    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 7

    Kiếp Phong Trần Trên Đất Khách
    Tình Hoài Hương
    ***

    Anh em khóa sinh sinh viên sĩ quan Không-quân miền Nam Việt Nam mặc quần áo nỉ màu xanh biển đậm, bên cầu vai có chữ tắt ghi: VN (Việt Nam) màu đỏ rất to. Khi đến Honolulu nghi ngơi, họ cho tốp anh em sinh viên sĩ quan Không-quân xuống phi cơ. Mọi người đi rông đây đó dòm ngó, hớn hở chỉ chỏ, xì xào bàn tán ráo riết. Các anh em bạn đi vào trong mấy Mall lớn, bạn hữu vui vẻ đi vòng vòng xem rất nhiều hàng hoá chưng bày la liệt. Lúc đó, đám sinh viên sĩ-quan Không-quân Việt Nam nói tiếng Anh, đúng là do phát âm của giáo sư Việt dạy, mình nhái theo giọng của người Anh. Chứ nếu ta phát âm theo giọng chuẩn của người Mỹ, thì… mình nói, hoặc nghe: đều chưa được chính xác cho lắm.
    Từ trên loa phóng thanh có xướng ngôn viên gọi tên nhóm sinh viên sĩ-quan Việt Nam mãi, mà kỳ thực “các ông tướng con” nhà nầy, không hề nghe gì ráo. Có thể do họ nói nhanh, nói rất lưu loát, còn bọn nầy thì tỉnh bơ… ù tai, điếc lác, chẳng thèm hiểu hết câu họ đang rao ra rả tìm “trẻ thất lạc” làm gì cho mệt. Mặc kệ họ réo gọi ai rùi hay sao, mà chả có “con ma nào đếch cần nghe” hết. Không thể chờ đợi đám sinh viên sĩ quan Không-quân miền Nam Việt Nam nữa, vì đã đến giờ phi cơ phải rời chỗ đậu, để ra ngoài phi đạo.
    Lúc đó mới có vài nhân viên hàng-không phát hiện ra “tụi nầy” đang đi lơ ngơ. Họ tức tốc vội vàng “lôi” các “ông tướng con” chạy ra xe bus. Xe bus chạy kèm theo một chiếc xe hơi khác, kéo rề rề một cái cầu thang khá dài. Hai xe nầy lao vun vút ra phi đạo. Rất may, là phi cơ ấy chưa ra đến đầu phi đạo. Phi công trưởng đang dừng tại Run Up Engine. Nơi ấy dùng để thử lại lần chót các máy móc thiết bị, trước khi máy bay ra xếp hàng chờ đợi trên phi đạo.
    “Các cha nội” cùng Hành hộc tốc ba chân bốn cẵng phóng vội vã một lần hai ba bậc thang, vội nhảy lên phi cơ, rồi ai nấy mệt nhoài hổn hển thở. Hành liền chui tọt vào trong khoang hành khách. Tiếp viên nhanh nhẹn vội vã sắp xếp, lăng xăng chỉ chỗ ngồi, họ phụ giúp sinh viên Không-quân thắt dây nịt an toàn, các cô giúp cho “cái bọn lu la” ham rong chơi… (không có… bời), đã quên cả thì-giờ và lối về chỗ trọ tạm dừng chân ở Honolulu.
    Trên phi cơ đã chiếu nhiều phim khá hay. Nhưng “các ông tướng con” vừa luyện cú chưởng “phi thân tốc” qua cuộc co giò chạy đua “ma-rơ-tông” thừa sống bán chết. Ai nấy mệt hộc xì bơ, muốn đứt hơi thở, muốn xỉu rục xuống bất tỉnh nhân sự. “Các cụ” đã mệt nhoài, nên họ chỉ ngồi trong khoang tàu bay năm bảy phút, sau đó họ đều phè cánh nhạn, tâm hồn lẫn thể xác lâng lâng bay bổng phiêu bồng lên chín tầng mây, mà khò khò ngủ say, ngủ ngon lành, họ thi nhau ngáy to vang rền như sấm.
    Sinh viên sĩ-quan Không-quân đã được dặn dò kỹ ở phi trường Tân Sơn Nhứt về việc “nhập gia vấn túy, nhập quốc vấn tục” rồi, nghĩa là ở Việt Nam mỗi gia đình có những gia phong tục lệ riêng, mình cần phải biết ứng dụng mà xử thế; Còn chuyện “nhập quốc” trên thế giới, dù nước ấy có văn minh tiến bộ, dân trí cao bao nhiêu, tất nhiên mỗi nước cũng có sự phối hợp: giữa nghệ thuật và những đặc trưng về phong tục tập quán; càng khác nhau hơn, không nước nào giống nước nào. Ta liệu đó mà tìm hiểu, để hòa nhập vào quốc gia ấy trong cách khôn khéo lịch sự giao tiếp, nhìn xa trông rộng mà xử thế.
    Nên khi đặt chân xuống phi trường San Francisco, đã có sĩ quan liên lạc trực ở Atco. Các anh em xin phương tiện chuyên chở bằng xe bus, và trình báo hiện diện. Nhìn lại đồng hồ tay, chỉ mới 9:00AM, họ cho chiếc bus chở “các cha nội”, về Hotel trong căn cứ. Tất cả anh em sinh viên sĩ-quan Không-quân Việt Nam lo tắm rửa sạch sẽ, vui vẻ ca hát, huýt gió vang khắp đó đây, ai nấy sung sướng, ăn uống đầy đủ, xem tivi, nghỉ ngơi rất ung dung, thoải mái.
    Ngủ qua đêm đó, hôm sau có phi cơ chở cả bọn đi về San Antonio (Texas). Từ trên không trung nhìn xuống, lúc phi cơ nghiêng cánh, chuẩn bị đáp ở phi đạo. Các chàng trai phong trần cúi đầu nhìn vào những ô cửa kính, bạn và Hành đều cảm thấy vô cùng choáng ngợp. Bởi: nhà… nhà… nhà… rộng rãi khang trang. Xe… xe… xe… Toàn là xe hơi xịn, đủ kiểu, đủ màu trên những parking lot khổng lồ chứa toàn xe ơi là xe. Ôi! Sao mà nhiều xe thế không biết! Quang cảnh tuyệt vời như gấm thêu hoa. Bên Mỹ là cái xứ nhìn từ trên cao xuống mà.
    Các chàng trai dễ thương nầy là công dân nước Việt Nam, họ vừa mới chân ướt chân ráo lấp ló đặt chân lên đất Mỹ giàu sang, tột đỉnh văn minh, nên họ cảm thấy ngỡ ngàng, vì cái gì cũng to, cũng lạ, rộng rãi, văn minh, vui mắt, hào nhoáng, xa hoa, bóng bẫy lạ! Dĩ nhiên hệ thống xe cộ tốc hành tuyệt vời, biện pháp an ninh tinh vi hơn, phải cao hơn, sang hơn, chặt chẽ an toàn lộng lẫy huy hoàng hơn tại Việt Nam, là cái chắc. Và, có những điều ngộ nghĩnh kỳ lạ: Nói ra những điều dưới đây, quý anh chị em có cho Phi Hành là “Hai Lúa khờ me, từ miệt quê lờ tờ mờ lù đù lên Tỉnh” không nhé!:
    *Thứ nhất
    là: Trong khi “các ông tướng con” ngồi với đống hành lý nặng nề. Chờ viên sĩ quan Mỹ liên lạc với xe bus đến đón tất cả anh em khóa sinh Việt Nam về căn cứ (vào trường học Anh văn ở Lackland AFB, cách San Antonio độ chừng chục miles). Có rất nhiều bạn khát nước, nhưng chả biết làm sao mà uống? Sau khi Châu nghiên cứu tỉ mỉ máy SunRock, đặt ở phi trường, vậy mà bạn đành chịu thua. Châu đến bên cạnh Trung, rù rì nói nhỏ:
    - Quái lạ! Sao ngồi đó, tao thấy mấy tên Mỹ từ xa đi đến. Nó chỉ cúi xuống, là nước ở trong cái vòi kia tự động bắn vọt cong lên, cho nó uống đã đời. Tao đi đến máy lọc nước ấy, tìm hoài chả thấy cái nút bấm đâu cả? Tao lại trở ra ngồi quan sát họ thật kỹ. Tao lại nhẫm đếm mấy bước chân cuả tụi Mỹ nữa. Xem nó bước đi bao nhiêu bước, thì có nước vọt lên, để uống. Tao cũng lập lại như nó. Dĩ nhiên bước chân người Việt mình ngắn hơn người Mỹ. Cho nên tao đã trừ hao rồi nha. Vậy mà tao vẫn không thấy có nước vọt ra gì hết. Mầy à! Khát thấy mồ!
    Lúc đó, Hòa bận rộn sắp xếp lại hành lý, đồng thời lo ngóng tìm viên sĩ quan Mỹ trực. Nghe bạn nói thế, anh đi lại xem. Quả thật! Chỉ thấy cái vòi, nhưng chả thấy nút bấm ở đâu. Không thấy nút khoá hay mở cái vòi (fauset) như thường lệ (giống vòi nước máy ở Việt Nam, để mình mở cho nước chảy ra). Sau đó, các anh chàng sinh viên sĩ quan Không-quân chụm lại, đứng gần máy nước mà nghiên cứu, họ chăm chú xem mấy người khác đến uống nước. “Các ông tướng con” mới khám phá ra cái “nút ngầm”. A ha! Muốn uống nước, ta phải thò mũi giày vô đạp cái bàn đạp ở một bên góc dưới gầm của cái máy lọc nước. Chỉ có thế! mà nó đã chứng minh cho mình biết sự “ở nhà quê vừa ra Tỉnh” của nhóm sinh-viên sĩ-quan chân ướt chân ráo vừa đặt chân đến đất Mỹ tự do, “đài các”, hào nhoáng, vinh sang, lộng lẫy, và đầy đủ tiện nghi. Ha ha ha!
    *Thứ hai là: Khi các anh đến phi trường San Antonio, gặp viên sĩ-quan Liên-lạc (Atco – Air Training Center Officer), các chàng khóa sinh đưa cho ông ta xem Sự Vụ Lệnh (Order to report to: ...). Họ liền phone cho xe bus đến đón khoá sinh về văn phòng. Vừa khiêng hành lý ở trên xe, đồ đạc chưa chạm xuống đất, xe bus vội quay đầu vọt chạy đi mất hút. “Các ông tướng con” lớ ngớ, ngẩn ngơ đi tìm người hướng dẫn. Đang đi dọc đường, Hành thấy mấy cái valises (dù bên ngoài đã ràng cột bằng sợi những dây nhựa, loại tốt, nhưng nó vẫn bung đứt). Thế là đồ đạc rơi ra tùm lum, ngổn ngang. Hành phải ngồi xuống, bỏ đại mọi thứ đồ đạc lộn xộn ra đường, xếp lại gọn gàng xí. Sau đó anh vừa xách, vừa kéo lê nó đi. Thật là bất tiện, mệt bá thở, vất vả vô cùng mà tha củi về rừng vì ba cái của nợ “áo và cơm”!
    *Thứ ba là: Đêm hôm đó ở Hotel, vì quên tiệt và ở Việt Nam chưa xài loại khóa chốt tự động “tân thời”, tức là ta đóng cửa khóa chốt ở trong phòng, mở chìa khóa ở bên ngoài phòng. Số là khi đi tắm xong, Thanh, Ngọc, quấn khăn lông vào người, họ chỉ mặc cái quần đùi, áo may-ô, hai anh đi ra ngoài hành lang, định sang phòng bạn kế bên ngồi chơi tán dóc. Thanh quên mất “cái chốt chết tiệt” đã tự động bấm cài cánh cửa lún vào ổ khoá trong phòng. Khi gió lùa ào ào ngoài hành lang, nó đã thổi cánh cửa đóng ập lại, nghe kêu cái “ầm”. Thanh giật mình quay lại chạy về phòng, nhưng Thanh không thể mở ra được, vì thế, anh đã bị nhốt ở ngoài hành lang. Anh chàng kêu la cầu cứu. Rốt cuộc Vinh phải chạy xuống phòng Reception, nhờ ông ta lấy Master Key, để lên phòng mở cửa ra.
    Sinh viên sĩ quan Không-quân vào trường học Anh văn ở Lackland AFB cách San Antonio độ chừng chục miles. Bạn và Hành phải lội bộ một quảng đường năm trăm (500) mét, mới đến mấy cái Barrack dành cho sinh viên sĩ quan ở. Mỏi chân, bơ phờ, mệt mỏi muốn bá thở! Sinh viên sĩ quan Không-quân đã ký các thủ tục cần thiết, sau đó mỗi người được phân chia phòng riêng. Chỗ ở mỗi phòng láng cón rộng rãi, trang nhã, thoáng mát: có hai giường, hai tủ Locker, hai table de nuit, một bàn học, một tủ lạnh trong phòng xài chung cho hai người ở. Nhà vệ sinh, nhà tắm thì nằm giữa những dãy nhà ngủ. Mỗi dãy có mười hai phòng, mọi người xài nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng và giữ gìn rất sạch sẽ, bóng loáng.
    *Thứ tư là: (khám phá ngộ nghĩnh). Sau một tuần nghỉ ngơi, nhóm Hành được bay lên New-York, đi thăm rất nhiều nơi. Xe bus dừng lại ở một tiệm Cafeteria đồ sộ có sức chứa cả ngàn người. Họ chỉ mở một cửa xe bus để đi xuống. Bắt buộc tất cả khóa sinh tuần tự xuống xe. Cán bộ John đứng dưới đất phát tiền cho mỗi người: mười đồng. Ai bước xuống xe, là ông ta phát cho một tờ bạc. John chỉ cái máy đổi tiền giấy ra xu (coins). Ông̣ hướng dẫn briefing cho nhóm biết cách thức, làm sao trả tiền, để lấy thức ăn. Tại đây, lần đầu tiên Hành trực tiếp “thử nghiệm” hệ thống ăn trưa “quy mô chớp nhoáng” của người Mỹ; qua hệ thống Cafeteria tự động.
    Bước vào cửa tiệm, cả nhóm đứng xếp hàng có trật tự, chờ đợi. Hành thấy một hàng tủ đựng thức ăn bóng loáng sạch sẽ, mỗi tủ có cái lỗ to, phía trên ghi giá tiền trả, để ta tự bỏ tiền vào. Khi đã chọn các món ăn, cửa tự động mở ra. Hành vừa lấy thức ăn để trên khay của mình, đặt ly nước coca xong, Hành chưa kịp bưng đi xa. Lập tức phía đằng sau tủ, có người để dĩa thức ăn khác vô ngay chỗ cũ. Họ làm chớp nhoáng, nhanh như máy, chẳng có lè phè chậm chạp như tiệm ăn ở Việt Nam.
    Hành tìm chỗ ngồi, thoải mái ăn uống xong. Sau đó thu dọn chỗ mình vừa ngồi ăn uống, chùi sạch bàn, (ghế: nếu bị dơ). Tự động mình ên bưng thức ăn thừa, nước uống dư, cùng napking để vất vô thùng đựng rác nhựa có bọc ny lông đen to, có nắp đậy. Tuy là thùng rác nhưng không có con ruồi, con gián, con kiến bò vô. Cái Automat Cafeteria là thế đấy! (Từ năm 1965 (và mãi đến bây giờ...), ở Việt Nam chưa dám tổ chức tiệm ăn tự động như thế! Nước Mỹ văn minh tột cùng, giàu sang, tiện nghi, sạch sẽ, nhất là đại đa số họ có tinh thần dân tộc, tính tự giác, tự trọng: làm cái gì họ cũng tuần tự xếp hàng có thứ tự, bất kể già trẻ lớn bé, ai đến trước đứng trước, ai đi sau đứng sau; không ồn ào chen lấn, họ đã đi trước các nước chậm tiến khác, và nước Việt Nam mình gần một thế kỷ, là thế́).
    *Thứ năm là: Ở Mỹ không có chuyện tài xế lái xe ra đường, cứ ào ào phóng lút ga, không có chuyện tài xế muốn qua mặt một xe hơi đang chạy cùng chiều, là bóp còi, vỗ thùng xe inh ỏi, tài xế ra hiệu cho xe mình lạng, lách, vượt qua xe khác đang chạy trước mặt. Ở Mỹ khi xe khác bóp còi ở sau lưng mình, thì có nghiã là: Họ đã chưởi ta. Tệ hơn nữa là khi xe ấy vượt qua mặt ta, mà ông tài xế quay lại, giơ ngón tay giữa lên, thì coi như mình lái xe quá tồi, quá chậm, dỡ, ẹ như… Í, họ đang chưởi ta đó! Ồ hố!
    Ô! Lại còn có cái màn nếu ai khen mình lái xe cừ khôi số 1, thì họ nắm bốn ngón tay lại, giơ một ngón tay cái (thumb) đưa lên trời, ấy là họ ngụ ý khen ta là: "số dzách" - Ngược lại, cũng là ngón cái mà quay ngược đầu, chỉ chỉ xuống đất, thì có nghiã là: “Đồ tồi, lái ẹ quá”! Cũng mắc cười khi người Việt mình mà giơ hai ngón tay trỏ và ngón giữa bắt chéo lại với nhau, thì thế nào mình cũng bị ông bà cha mẹ cho “các cụ con” ăn vài cái tát nẫy lửa vô mặt, (vì ông bà nói làm điều ấy là: tục tĩu!). Trái hẳn với người Mỹ, nếu mình "hành động" hai ngón tay chéo ấy giơ về phiá họ; thì có nghiã là lucky!
    Vinh góp chuyện:
    - Ở mỗi quốc gia có một phong thổ, lối sống, khái niệm và nhận định hoàn toàn khác nhau; Ví dụ: Khi tôi chụm ngón tay cái và tay trỏ lại với nhau, tạo ra hình tròn trên bàn tay, như con số O (zéro), và giơ lên, thì ở Nhật có nghĩa là= "tiền bạc" (thế nào đó). Ở Pháp là= số 0. Ở lưu vực Địa Trung Hải là= "Pé dé" (pédérastê= kẻ loạn dâm hậu môn). Tại Hoa Kỳ, Anglo Saxon là O K. Cũng như, đa số bên Âu Châu, Pháp... khi ngón tay cái đưa lên, bốn ngón kia nắm lại; có nghĩa là= super (số dzách), thượng thặng! Anh-quốc và các nước Anglo Saxon là= O K. Vùng Địa Trung Hải thì bảo là= "cút đi". Hy Lạp, Hoa Kỳ... và đa số các nước khác khi ở ngoài đường ta đưa ngón tay lên là= "xin quá giang".
    Cũng khác biệt về "nhận định" phong tục tập quán của từng quốc gia, khi ta đưa mu bàn tay ra trước mặt bạn, với hai ngón tay trỏ và tay giữa giơ lên cao, tạo ra hình chữ V; tại Anh có nghĩa là= hai. Có những nước khác ngụ ý là= "tồi bại; cút đi". Nhưng cũng cử chỉ ấy, mà lòng bàn tay của mình giơ ra trước mặt bạn, ở Mỹ và đa số các nước khác đều đồng ý là= "chiến thắng". À, ngón tay cái, cùng ngón tay trỏ, ngón giữa: xoa xoa vào nhau là= muốn "nhắc nhở về tiền bạc". Cũng như, khi tôi bắt tay một người bạn Việt Nam, tôi có cử chỉ thân ái siết tay bạn, mừng rỡ hai bàn tay rung rung ba bốn lần; và dùng tay kia vỗ vỗ vào vai bạn, rồi thú vị ôm chầm lấy bạn, tỏ ý tôn trọng bạn tâm giao, thân thiết vui mừng sau bao năm xa cách. Đối với Hoa Kỳ thái độ ứng xử trong cử chỉ của hai người đàn ông "thân mật" ấy; đôi khi gây nên sự ngờ vực, hiểu lầm và khó chịu. Tóm lại, bản ngã của sự quyến rũ từ cử chỉ trong việc trao đổi những tập tục, phong tục tập quán của mỗi quốc gia, và cái bắt tay lịch sự siết nhẹ, nhưng vừa đủ chặt, (không lỏng lẻo, hời hợt); là một đặc trưng đầy nghệ thuật, tôn trọng nhau, tế nhị, mang truyền thống hữu nghị xã giao quốc tế.
    Hoà cười tít mắt:
    - Đúng là “đất có quê, lề có thói, ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Ha ha ha...
    - Bạn sống ở môi trường nào, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến mình (khi đang ở nơi ấy thôi).
    Trung nhìn các bạn, điềm đạm mỉm cười:
    - Nhưng với người tự trọng, có danh dự và tôn trọng đạo lý, sẽ tùy theo môi trường ấy mà hành xử. Tôi kể cho “mấy cụ mi” nghe chuyện đời xưa, bạn nghe xong, thì tuỳ hỉ, và tự suy nghĩ ha: Nước Kinh (bên Tàu) có người nổi tiếng xem tướng giỏi, ai ai cũng biết tiếng. Vua Trang Vương kêu người ấy đến hỏi:
    - Ngươi dùng thuật gì mà coi tướng giỏi như thế?
    - Tâu thần không có thuật gì cả. Thần chỉ xem bạn của người ấy: là biết được người ấy hay hoặc dở. Ai chơi với người: hiếu, thuần, để, cẩn, biết giữ phép nước… thần đoán người ấy hay, ngày kia họ sẽ vẻ vang, người ấy sẽ thịnh vượng. Thần xem cho quan lại: thấy ông ấy chơi với bạn có phẩm hạnh, thích điều phải, thành tín, thì thần đoán quan ấy là người tốt, chức tước sẽ tăng, giúp vua thêm có ích. Thần xem cho vua chúa: quan gần có nhiều hiền nhân, quan xa có lắm người trung. Lúc vua có lỗi có nhiều người can ngăn, thì thần đoán vua ấy giỏi, tất nhiên vua ấy được bàng dân thiên hạ tôn trọng, nước mỗi ngày được yên, thiên hạ sẽ quy phục bên vua. Quả thật thần không có thuật gì cả, chỉ xem người mà biết được người đó, là lời nói phải.
    Vua Trang Vương nghe chí lý, liền thu dùng những người tài giỏi. Sau đó nước Sở thành một cường quốc trong thời Chiến-quốc.
    *Thứ sáu: Đã nhất, thích nhất là ở Mỹ trong những dịp lễ nầy lễ nọ, càng có những ngày lễ lớn: thì hầu hết các cửa tiệm, hoặc ở trong Mall đều treo bảng GET ONE FREE ONE - Hoặc cho hạ giá biểu từ 60 đến 80% off = đa số những mặt hàng sale. Cũng buồn cười nhất là ở Mỹ họ thích ghi giá: 99c, thay vì ghi chẵn 90c, hay ghi chẵn $1. Ví dụ như Hành mua một áo lạnh giá chính thức là $79,99, anh tưởng là họ sẽ trả lại cho mình 1cent. Nào ngờ khi ra xếp hàng tính tiền áo, họ đã không trả lại 1cent ấy, mà còn “vô nhân đạo” trấn lột, cưá cổ ta thêm vài đồng tiền Tax (nơi người tiêu thụ) nữa chứ!
    *Thứ bảy: Hành đã có dịp ghé thăm gia đình một người bạn Việt Nam sống ở Mỹ lâu năm, họ kể: Chỉ có sáng sớm ngày 26 tháng 11 cuả năm... thì tất cả các nơi đặc biệt gọi là new Black Thanksgiving day, mới ra báo sale 50% hay đến 80%, 90% về những mặt hàng (đặc biệt là loại hàng mắc tiền, điện tử, v.v...). Bạn lo đi mua tờ báo bán tại các trung tâm thương mại rất sớm, coi trước nơi tiệm nào ta cần mua gì, và bạn chuẩn bị ghi những thứ cần thiết cho gia đình. Dân chúng sắp hàng ở các trung tâm mua bán từ 4:00PM cuả mấy ngày trước lận à. Họ mặc áo quần rất ấm, vác ghế bố, mền, túi ngủ tới nằm ngoài trời khá giá lạnh, ở đó họ ngủ cả đêm ngoài trời rét căm căm, để giữ chỗ ưu tiên vô mua hàng hóa cần thiết, họ sắp hàng có trật tự. Có người chỉ cần để trên chỗ đứng xếp hàng một carry on, một túi xách, ba lô… thì chẳng có ai lấy thứ đó của mình, hoặc vứt nó đi qua một bên, mà chen vô chỗ không có người xếp hàng kia. Cho dù mình vắng mặt khá lâu, nhưng họ vẫn tôn trọng quyền tự do của người đến đứng sắp hàng trước.
    Các cửa tiệm chỉ bán từ 8 giờ sáng đến 12giờ trưa. Ôi khi cửa tiệm mở ra, là trong cũng như ngoài vui vẻ, nhộn nhịp, huyên náo, ồn ào như vỡ chợ, ai ai cũng tay bưng tay xách đủ thứ hàng hoá lỉnh kỉnh, mà người mua đã lưu ý để “lọt mắt xanh” từ mấy ngày trước. Nhà bạn của Hành ở gần các trung tâm thương mại lớn, từ nhà đi đến các nơi đó chỉ có 5' lái xe, nên bạn không cần phải sắp hàng chen lấn, và ngủ đêm xí chỗ trước (cho hôm sau vào mua sale). Từ sáng đến sập tối, cả ngày bạn lo đi shopping mua sắm quà cáp, áo quần, đồ chơi, v.v... Cũng thật khổ sở nhất là đứng xếp hàng trả tiền, mỗi tiệm có ít nhất là 10 > 20 quầy tính tiền, và trả tiền bằng máy tự động. Ấy thế mà người ta sắp hàng chờ đợi dài ngoẵng cả mấy chục thước! Họ mỏi chân vô cùng.
    Hết giờ sale, bạn về nhà gói quà riêng từng phần cho gia đình, bạn hữu, con, cháu, bạn bỏ quà vào phòng khách, thì không còn mấy chỗ rộng cho lối đi nữa. Khi mua đầy một xe Van, ông xã của bạn lái xe chạy trên freeway cũng kẹt xe như nêm, về nhà chất đồ đạc ở garage xong, ông xã lại chạy xe đi mua đồ đạc ở chỗ khác. Lớp thì mua về nhà dùng, lớp để dành cho con cháu cần dùng bây giờ, hay để dành đó, sau sẽ từ từ tặng cho các con cháu trong dịp birthday, Christmas, Tết… cho tháng năm sắp tới. Sau ngày đó, thì những malls và các tiệm giẹp mặt hàng cũ, có khi họ đem những thứ còn lại biếu cho các cơ quan từ thiện. Các tiệm nầy bắt đầu chuẩn bị sắp những mặt hàng mới đặc biệt cho mấy ngày đại lễ: Christmas & New Year.
    *Thứ tám: Anh bạn đi mua cho con chiếc xe “sạc” điện, giá là $380, 99c (chưa tính thuế). Tối hôm qua cả nhà ngồi lại ráp chiếc xe hơi đó, cho con, cháu, có thể ngồi lên lái chạy vòng vòng, xe ráp xong đã dán nhãn hiệu hết rồi, trông rất đẹp). Nhưng hôm nay, sau khi đi đến một tiệm khác, bà vợ thấy chiếc xe điện tử y chang hiệu như vậy, mà rẽ hơn. Nên chị ấy đem chiếc xe (loại đồ chơi trẻ con có thể ngồi lên hai ba đứa nhỏ, lái xe chạy vòng vòng dọc ngoài park). Bạn tới tiệm cũ cự nự: “giá tiền xe chênh lệch, ông bà bán cắt cổ… Bạn đòi chủ tiệm bớt giá”, chủ tiệm không chịu bớt giá. Bà chị đứng cự nự một hồi, chị gọi phone cho chồng đang đi làm. Ông chồng nói:
    - Không cần lôi thôi gì cả, bây giờ em hãy đi tới cái tiệm mới có chiếc xe giá $280 mà mua chiếc xe đó, em chở xe về nhà. Còn chiếc xe cũ hôm qua anh đã mua, thì ngày mai anh sẽ chở đi trả xe ấy, lấy tiền lại. Thế là xong.
    Chị bạn vâng lời đã mua chiếc xe ở tiệm có giá rẽ khác, bạn xếp hai hàng ghế sau, để chở cái thùng to tướng (đựng chiếc xe mới toanh rẻ rề) đi về nhà. Chị bỏ đồ đạc đã mua xuống garage. Ông xã đi làm về, lại tháo chiếc xe $380,99c vừa ráp hôm qua ra, xếp vô thùng, rồi ông xã chở chiếc xe ấy đem đi trả, dễ ợt. Tất cả tiệm buôn bán cuả người Mỹ có cái dễ dàng & dễ thương, chân tình, hiếu khách đúng với “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” như vậy. Khi mình mua cho đã, nếu đem về nhà, mà không thích, không vừa ý, thì vài tháng sau mình đem đến trả lại - cũng OK, miễn là có receipt, hoặc mình không làm món đồ đó hư hại. Món đồ đó là món hàng mình đã mua từ chính công ty, hoặc cửa tiệm cuả họ, thì họ nhận tuốt hết. Họ chẳng cần hỏi lý do “tại sao trả”?! Họ vui vẻ nhận hàng return.
    Các tiệm cuả người Mỹ buôn bán thì thế. Chứ nếu mua hàng hóa của chủ nhân Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay tiệm của người Lào, Miên… khác sống ở Mỹ, thì sức mấy! Hãy coi chừng: Mình vừa cầm món hàng ấy ra khỏi cửa tiệm, không trả lại được, dù món hàng ấy mới toanh, chưa bóc tem, chưa suy suyển hư hao gì, có biên nhận cũng mặc. Ta chẳng có thể đem đến trả lại à nha, coi chừng bị “ăn đòn”, bị chưởi te tua, bị đốt phong long nữa à.
    Tại Việt Nam, nếu vào những dịp Tết nhất lễ lạc, thì các chợ, các tiệm buôn đều nâng giá bán lên cao ít nhất là: gấp đôi gấp ba ngày thường, không kể những loại hàng thông dụng hằng ngày. Nếu khan hiếm thịt heo, thịt bò, thịt gà, vịt, v.v... thì người bán tự động nâng giá lên gấp bốn năm lần, là chuyện thường xảy ra tại Việt Nam. Ở tại Mỹ không như ở Việt Nam; ngược lại ngày Lễ là sale có khi hạ giá từ 50% tới 80% . Ô la la… tha hồ mua sắm nha.
    ***
    Họ cho sinh viên sĩ-quan dọn vào ở một cái nhà khá rộng của Tiểu-đoàn. Gồm có các phòng ngủ, phòng họp, phòng truyền thông. Văn phòng trực. Mỗi phòng có mười người sử dụng. NAS vẫn tiếp tục nhiệm vụ ngày xưa. Bên trong NAS có một viện Bảo tàng (Museum of Naval Aviation) gồm có 150 phi cơ ở bên trong 1 building, để cho dân chúng xem Free. Sau khi vào cổng, chúng ta có thể chạy một vòng để nhìn lại mái trường, barracks, hangars, mess hall… trước khi đến viện Bảo tàng.
    Sau mấy tuần lễ được đi du ngoạn đó đây thăm danh lam thắng cảnh Mỹ, ông cán bộ hướng dẫn đoàn cho sinh viên sĩ quan Không-quân đi hầu hết các nơi phụ cận vùng Washington DC và New York. Nhóm sinh viên sĩ-quan quay về căn cứ Hải-quân Pensacola và nhập trại. Trường vừa mở cửa sau kỳ Long Holiday (nhân dịp Xmas và New Year…). Thanh đã có bồ ở quê nhà, cô nàng nghe chuyện “lôm côm” do Thanh kể trong thư, nàng vui thích làm bài thơ tặng người yêu và nhóm sinh viên sĩ quan Không-quân Việt Nam Cộng Hoà lữ thứ:
    Mây lướt nhẹ xuân mơ trỗi dậy
    Nhạc giao hòa theo gió đẩy ngàn tơ
    Đông tàn. Xuân nẩy lộc hoa mơ
    Hiên nắng nhạt bướm lượn lờ hớn hở
    Em đứng đợi anh về luyến nhớ
    Xuân ngừng trôi yến liệng tơ vương
    Lưu vong tình chinh khách thương dặm trường
    Chao cánh én chập chờn trên khóm trúc
    Mai trổ nụ đơm bông vườn hạnh phúc
    Xuân xưa pháo Tết bên thềm rực rỡ xôn xao
    Tẩy trần chén rượu em trao
    Xuân nay đất khách lệ trào. (Ngất ngây
    tình quê). Niềm nhớ vơi đầy…
    (THH)
    Hành và các bạn hưởng cái Tết Nguyên Đán cổ truyền đầu tiên (không có bao lì xì đỏ, chẳng có bánh chưng bánh tét, dưa hành, mứt pháo, hoa mai đua sắc vàng nở rộ trong thành phố, và nhà nào nhà nấy bày mâm tiệc cúng ông Táo về Trời, để tâu với Ngọc Hoàng công việc làm ăn dưới thế trần tưng bừng náo nhiệt của người Châu Á). Kiếp tha hương nơi xứ Hoa Kỳ với một đêm giao thừa cô tịch, một Tết Nguyên Đán buồn hiu, lạc lõng trên đất khách quê người. Chính lúc đó từ nơi sâu thẳm trong tiềm thức: mình mới cảm thấy vô vàn nhớ quê hương, nhớ nhà, nhớ bạn hữu thân quen và tình yêu quê hương đậm đà thâm thúy xiết bao!
    *


    Tình Hoài Hương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  6. #12
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Những Đợt Huấn Luyện


    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhì
    Chương 8


    Những Đợt Huấn Luyện
    (Thú Vị & Mới Lạ Đối Với Tôi)
    Tình Hoài Hương
    ***

    Buổi sáng tinh mơ trong quân trường có chút xíu lành lạnh, khiến Hành nhớ về Đà Lạt vào buổi ban mai giá rét len lõi vào chân tơ kẽ tóc, làm hơi tê tê đầu môi Hành, gây chút run run nhè nhẹ trong thân thể, vài giọt sương mai mòng mọng, ứ đọng rung rinh trên những tơ nhện mong manh lắc lư, đung đưa giăng mắc khắp lối đi, khiến xứ hoa Anh Đào càng thơ mộng. Nay đứng lẻ loi, chơ vơ một mình trên khoảnh vắng chênh vênh, Hành đưa mắt nhìn bao quát chung quanh, mà cảm thấy buồn buồn, thương thương, lẫn ngậm ngùi rộn ràng nhớ nhớ quê hương xa mờ xa khi chút sương sớm còn phủ kín ngọn đồi.
    Hôm nay là ngày chủ nhật, cũng là trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền của đám sinh viên Việt Nam, mấy “tiền bối” đi qua Mỹ trước Hành, họ vui vẻ hướng dẫn tân sinh viên ra phố “share” ăn cơm Tàu. Đặc biệt được ăn cơm trắng, canh chua cá bông lau, dưa cải kẹp thịt ba chỉ luộc chắm nước mắm ớt tỏi, món ăn bình dân nhưng có đặc thù của người Á Đông, do các anh ấy gọi. Đó cũng là một kỷ niệm đẹp dịu êm khi sống nơi đất khách quê người. Họ thân thiết nói với lớp đàn em “hậu sinh chúng ta”:
    - Tụi mình vui vẻ nói chuyện bằng tiếng Việt ở đây, nghe thoải mái quá chừng, thiệt đã con ráy ghê.
    Họ cùng nhau ung dung đi rông chơi thoải mái đủ mọi nơi. Đến tối mịt mới lò mò lục tục kéo nhau lê bước rã rời trở về trường.
    Đợt 1.-
    Sáng Thứ Hai, tất cả sinh viên sĩ-quan Không-quân được lệnh đến phòng Lab, trật tự xếp hàng thi sắp lớp. Hành đậu vào lớp 2100 – Đây là lớp cao của Trường. Những tên nào yếu kém Anh-văn, chỉ vào lớp 1100 – 1300 – 1500 – 2000. Học hết khoá học sinh ngữ là lớp 2500. Thời gian học ở đây rất thảnh thơi, an nhàn, sung sướng lắm. Hành chỉ học toàn Anh-văn buổi sáng sớm mỗi ngày. Sau đó anh đi học thể dục. Rồi đến học lớp học lý thuyết, luyện giọng. Buổi chiều Hành học trong phòng Lab – nghe và viết bài. Ngoài giờ học, thì sinh viên sĩ quan Không-quân chỉ có việc xếp hàng đi ăn trưa, ăn tối, nghỉ, giải trí, ngủ.
    Sinh-viên sĩ-quan có cái Mess Hall riêng, dành cho sinh viên sĩ-quan các nước ngoài. Lúc đó có chừng vài chục người sinh viên các nước ngoài đến Mỹ để học. - Hạ-sĩ-quan ăn uống theo Hạ-sĩ-quan – Hạ-sĩ-quan chỉ giao du với Hạ-sĩ-quan– Hạ-sĩ-quan có cái N.C.O cho riêng của Hạ Sĩ Quan. Binh sĩ ăn theo Binh-sĩ. Binh sĩ có chỗ riêng! Chả ai được vào Câu Lạc Bộ (O - Club) cả. Nước Mỹ có cái điều “tự do ung dung… kỳ thị” đặc biệt đến thế là cùng!
    - Từ đầu tháng 10, Hành học ở đó. Đến cuối tháng 11, tốt nghiệp xong, là anh “ngồi chơi xơi nước”. Đến giữa tháng 12, sinh viên mới có lệnh lên xe bus qua Pensacola NAS (Naval Air Station). Hỡi ơi! Khi qua đến nơi, lúc vào quân trường NAS, thì mọi sinh viên sĩ quan Không-quân mới té ngửa ra, vì chả thấy có “con ma” nào ở đó cả! Thì ra, hệ thống “tinh vi chu đáo tỉ mỉ” của Hoa Kỳ... đôi khi cũng bị xáo trộn, lãng quên, lầm lẫn, khủng hoảng đôi chút, à há! Nghĩa là sinh viên sĩ quan Không-quân đến đó quá sớm. Chưa có khóa học. Chưa có chỗ ở, nên tạm thời mấy tay Hạ-sĩ-quan Thủy-quân Lục-chiến (US Marine Corps) ở trong trường nầy phải chở mọi người đến Barrack đang bỏ trống, cho họ ở tạm. Vui thôi!
    Ngày hôm sau, cũng là tay Hạ-sĩ-quan đó dẫn sinh viên sĩ-quan vào P.X, cho sinh viên tự do đi mua sắm đủ thứ đồ dùng cần thiết, lặt vặt, ngay cả cây kim sợi chỉ cũng phải mua để… “luyện tập học với hành”. John lại dẫn đoàn sinh viên sĩ-quan vào Barber Shop, Hành và các bạn cắt tóc ngắn lên còn 2cm, như là “regulation”. Cái đầu “nam nhi hảo hớn” coi y như mấy “cha nội” từ đời Mãn Thanh, tròn vo như quả bóng, mình lấy tay xoa xoa, rờ rờ lên đầu, rồi tinh nghịch xoa lên đầu nhau thì nham nhám, nhột nhột, hay hay, coi ngộ nghĩnh ghê. Bạn bè hớn hở quay về Barrack, họ lại nằm dài ra ở đó “ăn chơi” ngủ, nghỉ, trò chuyện đã đời… phát chán.
    - Tuần sau, có lệnh trên chuyển xuống dưới là chuẩn bị đi “Trip” lên Washington DC. New York. Ôi! Sướng ơi là sướng nha! Thế là mười anh sinh viên sĩ quan Không-quân Việt Nam, và bốn mươi anh sinh viên sĩ quan các nước khác như: Ethiopa. Iran. Venezula. Peru, vân vân... cùng kéo nhau đi thưởng ngoạn. Tóm lại cả đoàn năm mươi sinh-viên sĩ-quan Không-quân, cộng thêm cả sĩ-quan (các nước khác gởi sĩ-quan qua Mỹ học với US Navy). Cùng đi có hai người Mỹ hướng dẫn “phái đoàn sinh viên du học” đi tham quan Washington DC và New York.
    Đến Washington DC, đoàn sinh viên sĩ quan được vào ở Hotel Willard sang trọng quá chừng! Họ hướng dẫn cả nhóm sinh viên đi ăn sáng xong. Mọi người đi tà tà, ung dung, hí hửng du ngoạn khắp nơi. Ô! Khi Hành cười hay thở ra, hơi thở của mình quyện lại, tạo thành một vệt khói lam mỏng dài bay bay. Ngộ ghê! Từ Toà Bạch Ốc, nhóm bạn vào ngồi nghe các ông dân biểu tíu tít trổ tài hùng biện, họ tranh luận ở The Capitol. Hành nghe họ thao thao bất tuyệt, mà y như cứ nghe gió lao xao lùa qua song cửa, giống như vịt đực ngẩn ngơ nghe sấm. Sau đó cả đoàn đi thăm các nơi đặc biệt và quan trọng: thư-viện Quốc-gia (Library of Congress). Đến Maryland thăm trường đại học Hải-quân Mỹ Annapolis (Annapolic Naval Academy).
    Trong kỳ nghỉ dài hạn ấy, phái đoàn sinh viên sĩ quan Không-quân cũng không quên đi thưởng lãm tại các viện bảo-tàng quốc-gia, nơi trưng bày phi thuyền, phi cơ, hàng-không Hải-quân National Museum of Naval Aviation. Không đoàn VI Phi huấn: Phi đoàn VT-4 Warbucks. Phi đoàn VT-10 Wildcats. Phi đoàn VT-86 Sabrehawks. Phi đoàn phi diễn nổi tiếng của Hải Quân Hoa Kỳ: “Blue Angels” (Thiên Sứ Xanh) với phi công ưu tú có những đường bay tuyệt vời, vô cùng ngoạn mục, hấp dẫn.
    Biệt đội Trực thăng Tìm Cứu NAS Pensacola Search and Rescue Detachment. Trường sĩ quan phi hành Naval Aviation Officers School. Nơi đào tạo bác sĩ phi hành Hải quân Navy là trường Y-khoa phi hành School of Aviation Medicine. Trường Địa huấn School of Preflight. Trung tâm huấn luyện kỹ thuật Naval Air Technical Training Center nằm ở Chevalier Hall. Pháo đài cổ Fort Barrancas. Di tích Barrancas thời nội chiến Civil War National Cemetery. Ở Chevalier Hall là trung tâm Huấn luyện Kỹ thuật Naval Air Technical Training Center. Địa danh lịch sử là ngọn hải đăng Pensacola Lighthouse. Tới Lực lượng Duyên phòng Coast Guard Hoa kỳ. Hải quân Hoa kỳ không có huấn luyện phi công cho tất cả quân chủng, mà trường chỉ đào tạo phi công cho Hải quân, Thủy quân Lục chiến và Tuần duyên Hoa kỳ (US Coast Guard). Còn mỗi quân chủng đểu có trường đào tạo phi công riêng cho mình.
    Trường phi hành Hải Quân Hoa Kỳ Pensacola “Annapolis of the Air” (Võ bị Hải Quân của Không gian). Tới đây… bỗng dưng Hành bị đau bụng dữ dội. Chẳng biết ngày hôm qua ăn phải “cái giống hot dog chó má” gì! Mà ra nông nỗi phải rên sết quằn quại thế nầy. Ai biểu, có đi té re mới tởn, vì mình ở Việt Nam mới chân ướt chân ráo đi qua xứ USA (nơi "chuyên trị thịt thà dầu mỡ"), hầu như bạn và mình cũng chưa "đã thèm" khi xực “hót đót”, nên Hành tham ăn, cố tộng thứ béo bở cho nhiều vô, bây chừ mình không ị té re, cũng uổng! {Khi anh mới vừa ngồi xuống toilet trong Airport, bất chợt toilet kế bên có tiếng người hỏi:
    - Khỏe không anh?
    Hơi ngại ngại kỳ kỳ, nhưng anh cũng dè dặt trả lời:
    - Dạ, cũng khỏe.
    Kế bên:
    - Sao rồi?
    - Dạ mới ngồi xuống, nên chưa biết.
    Kế bên:
    - Xong tui qua bên đó, được không?
    - Không, đang bận!
    Kế bên:
    - Khoan... chờ chút, tui gọi lại nghe! Có thằng khùng nào kế bên, cứ trả lời tui hoài. (* sưu tầm)
    Tóm lại, cả đoàn sinh viên sĩ quan Không-quân đi tham quan hầu hết các nơi lừng danh trên xứ giàu sang, hào nhoáng, xinh đẹp và lộng lẫy; để tìm hiểu về lịch sử thành lập nước Mỹ từ thời sơ khai, lập quốc. Đến những cơ sở lừng danh như Viện Bảo-Tàng Không-Gian. Thăm những trường huấn luyện căn bản những phi-hành-gia. Vân vân…
    * * *
    Đợt 2.-
    Sinh viên phải bò dậy từ hơn 4 giờ sáng do tiếng chuông reo, trên loa inh ỏi ầm ỉ: “Reveille! Reveille! Reveille! All hands hit the deck”. Không kịp đánh răng, rửa mặt... Hành phải theo lịch trình mỗi buổi là sinh viên sĩ-quan phải co giò chạy theo huấn luyện viên US Marine Sergeants. Các bạn cúi đầu hì hục chạy bộ mấy dặm đường đèo, lượn quanh co qua những ngọn đồi đầy nước và trơn ướt như da lươn. Khi thì leo lên con dốc cao, con đường ngoằn ngoèo uốn mình quanh co, chập chùng trong những rặng thông. Rồi sinh viên sĩ quan lại chạy xuống dốc đèo lài lài thoai thoải ở phía bên kia sườn núi. Sau đó Hành cùng bạn mệt mỏi trở về phòng.
    Đúng 7:00AM là giờ thanh tra, sinh viên sĩ quan Không-quân chạy ra xếp hàng ngoài sân, quần áo gọn gàng thẳng nếp, cà vạt gài tie pins, đôi giày bóng loáng, con ruồi đậu lên còn bị trượt chân té lăn cù. Sĩ quan huấn luyện viên và sinh viên cán bộ khóa-sinh đến trước mặt tân sinh viên sĩ quan Không-quân ngắm nghía quân phong, quân phục, quân kỷ; đồng thời sĩ quan huấn luyện hỏi những câu đã học về lịch sử, quân đội, thời sự, cách sử dụng vũ khí cá nhân, học chào kiếm để làm lễ ra trường. Vân vân…
    Hôm nào trong lòng vui vui, có ông sĩ quan huấn luyện khen thưởng sinh viên sĩ-quan Không-quân, được gọi là “outstanding”. Còn như ngày xui tháng hạn nào đó buồn buồn, thì "mấy ông trời con" sĩ quan huấn luyện viên phải gió mắc kinh phong đổ quạu, là chết hết cả đám sinh viên sĩ quan. Tụi nầy đành “chạy bộ mệt nghỉ”! Kỷ luật tại trung tâm huấn luyện Không-quân rất gắt gao, vì nơi này đảm nhận huấn luyện chung cho cả Sĩ-quan Hải Quân và Lục Quân (Marine Corps). Hình phạt thông dụng vẫn là “chạy bộ hộc xì bơ”, mà các khóa sinh vẫn gọi là: “Military drill” hay huấn nhục. Tại đây, sau hơn ba tháng vã mồ hôi hột, Hành cảm thấy con người mình cứng cáp, thể chất khoẻ mạnh hơn, đồng thời tự tin, kiến thức của mình cũng được nâng lên cao, học hỏi mở mang thêm,
    hữu ích rất nhiều.
    Đợt 3.-
    Thế rồi, các khoá sinh tuần tự leo lên chiếc xe bus, đến trường phi hành; cách đó hơn năm mươi (50) dặm. Tại cổng trường, có tên gọi Sauffley Field NAAS (Naval Air Auxilliary Station). Anh nhìn thấy tấm bảng rất to ghi sau: “IT IS BETTER TO FLY THAN TO DRIVE”. Mà đúng thật! Theo thống kê hằng năm, thì tỷ lệ số người tử nạn phi cơ, so với số người tử nạn xe hơi là: 1/1.000- đó à. Đây là nơi huấn luyện căn bản, một căn cứ Không-quân vĩ đại đồ sộ. Cũng là nơi đào tạo sĩ-quan phi hành cho cả ba binh chủng: Hải, Lục, Không Quân: tuyệt vời.
    Trong đợt nầy, mười khoá sinh Không-quân Việt Nam không được ở chung phòng với nhau nữa. Họ bị tách rời ra từng người một. Xen vào đó là các khoá sinh Mỹ, Mễ... Đây cũng là phương cách rất tốt, hữu hiệu, để sinh viên chúng ta trau dồi Anh-ngữ. Vì lẽ, khi khoá sinh Việt Nam, hoặc sinh viên nước ngoài khác ở chung phòng. Theo thói quen, họ sẽ hăng say đối thoại vui vẻ bằng ngôn ngữ riêng từng quốc gia của mình. Nay, khi phải thường xuyên ở chung phòng với người Mỹ, họ bắt buộc phải dùng Anh-ngữ để chuyện trò, hoặc làm công việc hay học hỏi thêm. Như thế, vốn liếng sinh ngữ của mình sẽ gia tăng nhanh chóng và tiến bộ gấp bội.
    Có một chuyện ngộ nghĩnh, buồn cười, đã xảy ra trong nhóm của Hành (mỗi nhóm là mười người khoá sinh, kèm theo huấn luyện viên). Tổng cộng toàn khoá học bay có tất cả năm trăm (500) khoá sinh, mà chỉ có nhóm Việt Nam là mang “sắc thái đặc biệt” nhất: Nguyên nhân đó là có một nữ khoá sinh sinh viên sĩ quan Không-quân. Từ xưa, trong lịch sử Hải-quân hay Không Quân của Hoa Kỳ, chưa hề có vụ này. Số là như thế nầy: có một cô bé xinh xinh đẹp đẹp, mái tóc dài vàng óng ả, mắt xanh lơ, miệng cười tươi thắm, "yểu điệu thục nữ quân tử hảo cầu” 100% kia, cô ta lại mang cái tên rất ư là con trai. Nên máy điện toán IBM tưởng lầm là "nam nhi", đã tuyển mộ lầm cô. Í da dà... Thế là ban tuyển mộ họ gởi giấy báo cho cô biết:
    - “You” đã trúng tuyển vào trường đào tạo sĩ-quan phi-hành Hải-Quân. Yêu cầu you đến trình diện.
    Khi cô nàng lù lù đến trình diện, thì phòng sĩ-quan tuyển mộ mới tá hỏa tam tinh, họ gần như chết đứng! Bật ngửa ra họ mới biết người trúng tuyển là phụ nữ. Làm sao bây giờ? Trả cô về ư? Nhất định cô ta không chịu. Cô ta lại đòi kiện lên đại biểu quốc hội tại nơi cô ta đang cư ngụ. Cả trường bay nhốn nháo, bàn tán xôn xao về việc: Có nên thu nhận cô ta vô học, hay từ chối!? Thế là họ phải hội họp Tổng Tham Mưu, gồm: Bộ Tư Pháp, Bộ Quốc Phòng, Bộ Hải Quân, Bộ Tham Mưu Liên Quân, Chỉ Huy Trưởng căn cứ. Kết quả… “bất đắc dĩ” là: họ đành để cô ta theo học khoá nầy, ngỏ hầu tránh lôi thôi, phiền phức về sau.
    Sáng Thứ Hai khi khai giảng khóa học, sau bài diễn văn chào đón của Đại Tá Chỉ Huy Trưởng, cô ta tươi tắn cười vui, ỏn ẻn, duyên dáng đi diễn hành theo sau đoàn khóa sinh Việt Nam. Do vậy nhóm sinh viên của Hành được chú ý nhất trường, là vì sự độc đáo tuyệt vời như thế đó. Đây là trường hợp bất khả kháng chẳng đặng đừng; kể từ thời “tạo thiên lập địa” của ngành Không-Quân và Hải-Quân. Cho đến giờ phút nầy chưa từng có chuyện “kinh thiên động địa” như vậy! Chính vì lý do đó, mà sau nầy mới có chuyện đào tạo nữ phi công chăng?
    Đôi khi nhàn hạ, các bạn sinh viên sĩ quan xúm lại đọc một bản tin vui vui trong tuần: Ngày hai buổi, tùy theo thời tiết, nếu buổi sáng học lý thuyết, trên gác hangar rộng rãi (nơi cất giữ phi cơ), thì buổi chiều đi thực tập bay, và ngược lại. Thời gian học rất vui và náo nhiệt hẳn lên. Vì có cô gái Mỹ dí dỏm kia cũng xinh xắn vui tính, dạn dĩ, hồn nhiên, sinh động, hoạt bát, cô không khác gì một đứa con trai. Cô gái nổi bật trong đám đông, nhờ mái tóc dài vàng óng ả. Trong khi mái tóc của tụi nầy lại ngắn cũn cỡn, sát tới da đầu và nham nhám... coi thiệt ngô nghê!
    *

    Tình Hoài Hương
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

Trang 2/9 đầuđầu 1234 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...
    By Tinh Hoai Huong in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 273
    Bài mới nhất : 09-01-2020, 10:31 PM
  2. Trả lời: 27
    Bài mới nhất : 04-03-2020, 04:58 AM
  3. Góc Thơ VUI Tình HOÀI HƯƠNG
    By Tinh Hoai Huong in forum Vui cười
    Trả lời: 136
    Bài mới nhất : 08-22-2019, 06:04 PM
  4. Huấn Luyện Khỉ Hái Dừa
    By hieunguyen11 in forum Video, clip ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-24-2014, 06:40 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •