Huấn Luyện Phi Hành
Phần Thứ Nhì
Chương 9


Cứ Tưởng Ta Là… SỐ 1
Tình Hoài Hương
***

Đợt 4.- Năm 1965… Vào lúc 4:00 sáng, Hành thức dậy theo tiếng kèn, (do máy phát nhạc gắn trên mỗi dãy phòng ngủ), ba chân bốn cẳng anh cùng các bạn lật đật chạy đi làm vệ sinh cá nhân thật nhanh.
Đúng 4:15’ sinh viên sĩ-quan Không-quân tập trung thành từng Trung-đội để điểm danh. Mỗi sáng Hành phải chạy lên thao trường cách xa 1 mile. Sau đó anh trèo lên một cái đồi thấp. Có những đường chạy vòng trôn ốc xoay quanh ngọn đồi. Từ dưới chân đồi chạy hộc xì bơ lên đỉnh đồi cao gần như dựng đứng, trên con đường có cỡ chừng mấy chục cái cọc, mỗi cọc cách xa nhau khoảng 100 yards. Khi Hành vừa thở vừa cố chạy chậm lên đến đỉnh đồi xong. Các khóa sinh đứng thở dốc độ mươi giây, lại lo co giò chạy vòng trở xuống theo sau lưng thầy. Các bạn và anh cứ chạy lên chạy xuống trên ngọn đồi nầy ròng rã như thế cả giờ. Lúc nào gần hết giờ, thầy trò cùng nhau chạy xuống con đường dốc lài lài cũ, chạy về lại thao trường lần chót, thì tan hàng. Công nhận ông thầy bền sức, dẽo dai, “ngài” khỏe thật. Bái phục!
Vài lần Hành bị cảm, do khá mệt trong người, nên phải "ma lanh" xí, anh chạy khật khưỡng lúp xúp sau lưng bạn. Ông thầy lúc nào cũng chạy đầu tiên, (làm gương mẫu mà) thầy chạy trước khoá sinh. Biết thầy không để ý, và ít khi ngoái cổ nhìn lui sau, Hành liền "lủi" vào núp trong mấy lùm cây rậm quanh con đường vòng dốc cao. Hành chờ khi ông thầy chạy trở xuống con đường trôn ốc cũ, trời còn mờ mờ chưa sáng, thầy chạy qua mặt mình một đoạn ngắn, thì Hành lò mò chui ra, chen vô giữa với các bạn “siêng năng hăng hái” khác, để chạy tiếp. Mỗi lần như thế, có vài ba bạn chạy ở khúc gần cuối, nhìn thấy Hành, bạn phì cười giơ ngón tay lên hăm doạ.
Nhưng Hành để ý quan sát, thì hầu như không có ai muốn bắt chước cái tật xấu và lười biếng của mình, thì tự Hành cảm thấy hổ thẹn, mà chừa bỏ thói hư. Duy có một lần bạn Minh cũng bắt chước làm giống như Hành cho bớt mệt tí chút, vì gót chân bạn bị sưng to và thốn. Chứ Minh nào dám ngồi lâu (vô nghỉ ít phút). Nếu thầy phát hiện ra, là chết đa. Vừa chạy Minh vừa ngao ngán lẩm cẩm “dệt mộng” cho đỡ đau khổ vì Đời và Thơ:
Thơ đẹp không như đời.
Chạy lòng vòng hụt hơi.
Run mòn đôi chân rồi.
Có hay nào cảnh trời.
Giọt mưa thà cứ rơi.
Đắng cay trong lòng rửa.
Thanh thản dưới giòng mưa.
Lòng anh em hiểu chưa?
Không-quân yêu hoài, nữa.
Tình êm đẹp dù chưa
một lần ta thất hứa.
Tim mình trao thật vừa.
(*)
Trở về, Hành lo lau chùi dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ. Giường ngủ trải tấm drap thẳng băng như mặt phẳng. Inspection - Khi sĩ quan cán bộ đến kiểm soát, họ thả cây thước xuống nệm, cây thước phải nhảy dựng đứng “tưng tưng” lên, như cái lò xo, mới thành công. Họ đeo găng tay trắng quệt lên: Khám tủ locker. Sàn nhà đánh xi láng bóng, soi mặt thấy mờ mờ. Bàn ghế sách vở ngăn nắp. Dưới gầm giường không có bụi, vân vân... Hôm nào mà họ cho là outstanding, là mình được khen thưởng.
Còn nếu chỗ nào sĩ quan cảm thấy dơ, là cả phòng bị phạt đi bộ, chạy bộ; gọi là military drill. Thay vì giờ tự do, ai làm gì thì làm, mình phải thay quân phục dã chiến, lên phòng tiếp liệu lãnh súng. Làm ơn đi, các ông tự giác nhe, “ta tự mình” đưa cả phòng ra sân thi hành lệnh! Mấy bạn không phạm lỗi gì, vô duyên vô cớ bất đắc dĩ cũng bị “móc gộp chung vô cả đám dính chùm như chùm nho”, lãnh sẹo đủ! Thiệt tức như bò đá, nhưng họ chẳng dám xổ tiếng “Đan Mạch, hoặc tung võ mồm giọng của người “Đi Miên”. Ôi, từ Việt Nam qua Mỹ rồi, khi nhắc lại chuyện bị phạt, có thể nặng nề hơn, hoặc na ná giống như hồi sinh viên sĩ quan ở quân trường Không-quân Nha Trang, là mình vẫn cảm thấy ngây ngây sốt, ớn lạnh xương sống đây!
Đợt 5.- 6:30’ AM - Đi ăn sáng, sinh viên sĩ quan hàng lối chỉnh tề, đi chặt góc vuông. Ngồi thẳng lưng, nâng thức ăn lên ngang miệng, rồi mới cho vô miệng. Khi nhai thức ăn, không ăn ngồm ngoàm, không hả to miệng để khoe thiên hạ mình có mấy cái răng "dàng". Điều ăn uống nầy, thì ở đâu cũng phải "tao nhã thanh lịch" như thế, chả phải nói!
Sau giờ điểm tâm, sinh viên sĩ quan chuẩn bị đi học từ 8:00AM đến 12:01PM trong ngày:
1.- Học văn hoá & chuyên môn. (Đám Việt Nam chúng ta học thêm mấy giờ Anh-văn).
2.- Không hành.
3.- Khí tượng.
4.- Nghệ thụât chỉ huy.
5.- Học cách đi đứng (học cơ bản thao diễn).
6.- Học “đoạn đường chiến binh” (Obstacle Course – O Course).
Trình tự học ghi như sau:
- Chương trình văn hóa (Academics); áp dụng cho ngành hàng không, dùng thước slide rule để tính.
- Study Skills dạy cách học bài, trong đó có Speed Reading Skills (Speedy Skills).
- Leadership là nghệ thuật lãnh đạo.
- Kỹ năng đọc nhanh và Communication Skills kỹ năng thông đạt.
- Môn Naval Orientation dạy về lịch sử, cách tổ chức Hải quân Hoa kỳ.
- Môn Chính-trị FNP (Foundation of the National Power) dạy lịch sử thế giới.
Những tổ chức quốc tế, như: UNO, NATO, WAPA, ngoại giao, hiệp ước, công ước cận đại.
- Navigation (không hành) trong đó có Celestial Navigation nhắm hướng ban đêm bằng vị trí các sao trên trời, cách sử dụng các phi cụ.
Tất cả đều có phim ảnh, trợ huấn cụ cho từng ngành, từng môn một.
Đợt 6.- Buổi chiều học chuyên môn. Có nhiều môn-học chuyên ngành như:
- Aerodynamics là khí động học áp dụng cho phi cơ và bom đạn sử dụng.
- Leadership là nghệ thuật lãnh đạo.
- Engineering trong đó có môn Động-cơ-nổ và Động-cơ phản-lực.
- Aviation Science dạy điều khiển các bộ phận của phi cơ.
- Phương sách bảo trì phi cơ.
- Luật lệ lưu thông hàng không.
- Học phương thức liên lạc vô tuyến. Code Morse và Recognition; nhận dạng các phi cơ đồng minh và phi cơ địch.
- Weather and Meteorology. Thời tiết và Khí tượng.
- Chương trình Thể Lực và Mưu sinh Thoát hiểm (Physical Fitness-Survival) phát triển sự kết hợp sức mạnh vào kỹ năng chuyên môn.
- Tập dượt các môn võ đô vật truyền thống (collegiate wrestling), quyền Anh có đội nón độn nệm (smokers boxing).
- Bơi lội thì phải bơi suốt 2,000m (40 vòng tới lui) có bận đồ bay.
- Chương trình Huấn luyện Quân sự (Military Training) rèn luyện khóa sinh việc hành chánh, quân phong quân kỷ, và khả năng tác chiến.
- Học cách sử dụng vũ khí cá nhân. Chào kiếm chuẩn bị lúc làm lễ ra trường. & Vân vân...
Đợt 7.- Navigation (không hành) trong đó có Celestial Navigation nhắm hướng ban đêm, bằng vị trí các sao trên trời, cách sử dụng các phi cụ.
- Aerodynamics là khí động học, áp dụng cho phi cơ và bom đạn sử dụng.
- Khóa sinh Kỹ thuật không phi hành (aviation ground officers).
- Điều hành viên. Cơ khí Phi hành (air crewmen) chẳng đi đâu xa mà đã có trường Naval Aviation Officers School ngay tại căn cứ Pensacola.
- Căn cứ phụ Naval Air Auxiliary Station Ellyson Field là trường Phi hành Trực thăng Helicopter Training Squadron EIGHT HT-8, cách căn cứ Pensacola 16mi về hướng Đông-Bắc.
- Căn cứ phụ NAAS Saufley Field là Trường bay Vỡ lòng VT-1 (Primary Flight Training) ở cách 10 mi về hướng Bắc của Mainside (nickname của căn cứ chánh NAS Pensacola). & Vân vân...
* * *
* Về những huy hiệu hay cánh bay, Hành thấy sĩ quan Không-quân được may trên các bộ quân phục của KQVNCH (hồi xưa còn nhỏ xíu, anh nhìn thấy họ mặc áo bay, mà mê tít thò lò là vậy). Các niên trưởng & anh Trần Văn Lương đã bổ túc những phần hữu ích, hiểu biết thêm, để nhờ thợ may cho đúng nơi, đúng chỗ vài chi tiết:
- Vai trái: huy hiệu Sư Đoàn.
- Vai phải: huy hiệu Không Đoàn.
- Ngực trái: huy hiệu Không Quân.
- Ngực phải: huy hiệu Phi đoàn.
- Huy chương cá nhân đeo bên trái.
- Trên huy hiệu của phi đoàn là cánh bay.
- Cánh bay đeo bên phải, nằm trên bảng tên (trên huy chương của đơn vị mình đang phục vụ).
- Khi mặc áo trận (áo bay) không bao giờ đeo huy chương cuống (tức là một phần nhỏ của cái huy chương) ngoại trừ được gắn huy chương trên mặt trận. Mà là: Mặc quân phục Đại lễ hay Tiểu lễ, thì mới đeo đủ thứ (như đã trình bày trên).
- Bên Hải-quân Mỹ thì chọn cánh bay màu vàng.
- Bên Không-quân Mỹ và Bộ-binh thì chọn cánh bay màu bạc.
- Phù hiệu Sư Đoàn (I, II ...), Căn Cứ (12...) mang bên vai trái.
Tóm lại: “Tổ Quốc Không Gian” mang bên ngực trái, bên trên là cánh bay.
Phù hiệu Phi Đoàn mang bên ngực phải, bên trên là bảng tên.
Phù hiệu của các loại phi cơ đang bay mang bên vai phải. Lon mang trên hai vai.
- Cánh bay mang bên ngực phải, trên hàng huy chương (mang trên quân phục kaki, hay đại lễ).
HSQ cao cấp (Th/S+Th/S I) & Ch/U ; cũng như SQKQVN chưa bao giờ đeo lon, do tiếng Tây "galons", (chớ không phải là gallons) trên ve cổ áo (revers). Áo trận thì mang phù hiệu, cấp bậc đính trên một miếng nền đen độ chừng 4cm, hoặc 5cm vuông, may vào mép của vạt áo, ngang miệng trên hai túi áo. Mấy ông HSQ + BS nếu hà tiện, thì xài miếng kẹp bằng kim loại. Áo bay đương nhiên giống như áo trận, nhưng cũng có thể làm hai miếng trên hai vai. Mặc áo kaki vàng nếu không thắt cà vạt, thì mang cầu vai ống, mà tiếng Pháp gọi là Fourreaux. Mỹ bây giờ đã xài, gọi là Soft shoulder boards, Slide shoulder boards. Áo kaki vàng có thắt cà vạt, thì có thể mang cầu vai ống, hoặc cầu vai đại lễ. Cầu vai đại lễ có sườn cứng, mà tiếng Pháp gọi là Épaulettes. Mỹ gọi là Hard shoulder boards.
- Danh từ NAVY có nghĩa là Hải-quân. Viết hoa như thế, hoặc viết Navy như thế nầy cũng đồng nghĩa. Nếu thêm US NAVY có nghiã là Hải-quân Hoa-Kỳ. Còn Tỉnh-từ của chữ Navy là NAVAL. Ví dụ như NAVAL AVIATOR là Phi-công Hải-quân. Chứ bên NAVY họ không gọi là Pilot. Vì họ cho rằng: Pilot của bên Air Force thì rất lè phè. (Ui cha ơi! Kiêu kỳ! Láu cá. Dễ sợ ha! Cứ tưởng chỉ có... ta đây là số 1). Mặc dù họ rất kính phục quý trọng các binh chủng khác, tuy họ khá thừa biết:
- Bộ-Binh có những Sư-đoàn thiện chiến, nổi tiếng từ Đệ nhị Thế Chiến, như Sư-đoàn Bảy 101 lừng lẫy với trận đổ bộ ở Normandy (khi họ giải-phóng nước Pháp). THE FLYING 101st DIVISION.
- Hay là Sư-đoàn “Anh Cả Đỏ” THE BIG RED ONE". Vân vân...
- Ngược lại, họ đã to nhỏ nói như: trong Bộ-binh Hoa Kỳ, thì coi Hải-quân và Không-quân là: “Lính-Kiểng” chuyên bay-bướm lả lướt, phong lưu. Đôi khi họ nói nhỏ xí bên tai Hành: Anh là lính “phong tình” .
- Ngược lại Hải-quân NAVY, {trong đó có Thủy Quân Lục Chiến (Marine Second Lieutenant)} lại láu-cá coi Bộ-binh là: quân-đội "vị-thành-niên”.
- Rồi thì họ coi Air Force là “Lính Tập Bay”. Chứ chả phi-công, phi kiết gì ráo cả!
- Còn mấy ông DELTA FORCE là của Special Force (Lực lượng Đặc Biệt) họ nghĩ đám Trinh-sát Biệt-kích chuyên môn “lủi sâu” vào nội bộ, địa phận kẻ địch, để phá hoại, tuyên truyền, thâu lượm tin tức tình báo. Nhóm này thuộc về Special Force. Trực thuộc US ARMY.
Phải công nhận ở trong Quân-Đội Hoa Kỳ, các Binh-Chủng có riêng truyền thống đặc biệt tuyệt hảo của mình. Nên chả anh nào chịu thua anh nào cả. Điều bạn tôi nói ra đây, là do ý trung dung nhận xét của chính những người lính Mỹ, ở trong quân trường họ đã bô lô ba la nói ra, cho các khóa sinh nghe cho vui đó nha. Họ là dân Mỹ ở một đất nước quá tự do, muốn nói sao thì nói, họ nghĩ gì thì cứ nói toẹt móng heo ra. Chả ai dám tự tiện bắn lính Mỹ “cái đùng” đâu, mà sợ run như cầy sấy hỉ! Tổng Thống có chút sai sót nào, họ cũng lên tiếng "thảo luận & , chỉ trích, xây dựng" nữa là! Hô hô hô! Nước Mỹ hầu như tuyệt đối tôn trọng nhân quyền, bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do cá nhân; rất khác xa với nước Việt Nam.
Vì thế cho nên anh Lính của Binh-Chủng nào cũng tôn sùng, ngưỡng mộ, bái phục, tha thiết mến yêu binh chủng của riêng mình cả, họ coi binh chủng của mình là nhất. Là số 1. Họ có “ráo riết yêu da diết và thích” binh chủng đó kinh khủng, họ mới tình nguyện không điều kiện xung phong vào binh nghiệp ấy, và tự phong cho mình là “Number One” cả! Còn các Binh Chủng khác là xanh xanh, hườm hườm, thường thường. Coi họ quá le lói cao ngạo ta đây ha. Cũng đúng thôi! “ăn cây nào rào cây ấy” mà! Nói chung, có sự suy nghĩ và phát biểu ý kiến rất “hồn nhiên, vô tư lự, tự do cá nhân”, là do họ thích lấy le, làm dóc tổ và vênh váo “cạnh tranh nhộn nhịp” , rất “quậy tưng trời cho vui” mà thôi. Ngoài ra họ không hề có ác ý. Họ ưa “thì thầm” bên tai nhau, trêu chọc, đùa dai vớ vẩn ti tí ở các binh chủng với nhau thôi. Xin nhắc lại là họ ưa chọc ghẹo nhau, cho vui vui khi sống kiếp xa nhà, phong trần gió bụi bềnh bồng trên mây trắng trời xanh, chứ chả phải họ có hiềm khích, bài bác, ác thù gì ai. Vui nhộn thôi mà. Chả ai thèm đấu khẩu “hung ác”, hay muốn “ăn tươi nuốt sống” nhau cả. Ở một xứ sở tột đỉnh văn minh, giàu có ngút ngàn, tiền rừng bạc bể, và rất tự do bình đẵng suy nghĩ, thì "khổ" vậy đó. Người Mỹ cũng có những “kỳ thị rất kiêu kỳ”, lãnh đạm, tự tôn và thoải mái. Ai muốn suy nghĩ gì, thì xin cứ tự do... cá nhân!
Hành chỉ ghi nhận trung thực những gì tai nghe mắt thấy, khi anh lính Mỹ xí xô thoải mái nói cười ha hả. Nhưng riêng anh và nhóm bạn khác ở nước nhược tiểu xa xôi, vân vân…; thì tuyệt nhiên nếu có ai “tra khảo", dần anh cho đến chết, Hành chả dại mở miệng nói bô lô ba la, tô hô trước quần chúng! Có mà điên. Thế nên, tác giả bài viết cũng xin phép góp phần nhấn mạnh về cảm nghĩ riêng là: Cứ khách quan không phân biệt chủng tộc, “kỳ thị, kỳ khôi” gì mà nhận xét: Thì phi công hoặc bất cứ ngành nghề nào: cũng đáng được quý mến, kính phục và trân trọng như nhau. Nếu phi công F 5 ; AD6 ; A37 có bị bắn rơi, thì chỉ có phi công trực thăng rescue lo cho mà thôi. Ngược lại, phi công trực thăng bị rớt, thì sẽ được phi công khu-trục đến thả bom, hầu ngăn chận đối phương, để Bộ-binh hoặc trực thăng cứu vớt.
LÍNH gì, lính ở các binh chủng nào, ở đâu, từ quốc gia nào… cũng có cái: vinh dự, hào hùng, khó khăn, khổ sở, vất vã nhọc nhằn, đặc thù, vinh quang... Họ cùng tự hào hãnh diện khi chiến đấu vì lý tưởng, họ cùng bảo vệ tổ quốc, họ yêu quê hương, gian lao khổ sở, hy sinh dũng cảm: đồng đều như nhau. Vì thế, quý vị dù là phi công Việt Nam; Nhưng khi đi du học, vẫn được xem là NAVAL AVIATOR của NAVY. Cho nên, khi trở lại với USAF, Phi Hành & các anh sinh viên sĩ quan Không-quân vẫn bị “kỳ-thị” như thường. Ở bển, họ coi mình là “đám con nuôi, con ghẻ, tí con cưng” của NAVY vậy. (“Cưng ơi”! thì cũng là “cưng” đấy thôi).
***


Tình HOÀI HƯƠNG

(*) Thơ Vui Tình Hoài Hương
Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
Trân trọng