Huấn Luyện Phi Hành
Phần Thứ Nhì
Chương 19


Những Cánh Cửa "Vũ Môn"
Tình Hoài Hương
***



Đợt 33.-
Tóm lại, Phi Hành cùng bạn hữu đã tới các trường, các lớp, những nơi cần thiết học tập và thực hành hầu như đầy đủ các bộ môn:
- Trường Sinh Ngữ Quân Đội Không-quân Hoa (General & Specialized) tại căn cứ Không-quân Lackland, San Antonio, Texas.
- Trường quân sự Hải quân Hoa Kỳ tại Pensacola, Florida.
- Trường huấn luyện phi cụ IPIS tại Randolph AFB, Texas.
- Trường dạy Khu-trục tại Hurlburt Field ở Florida.
- Trường bay Hải quân Hoa Kỳ Corpus Christi, Texas.
- Trường Hải quân Hoa Kỳ, học về cao đẳng phi hành (Advanced Taining) căn bản trên phi cơ T-34B, & phi cơ T – 28 B / C ; có chong chóng ba cánh, và phi cơ A D-6 Skyraider VT-30, Corpus Christi, Texas. * tại trường Saufley Field và Whiting Field (Pensacola, FlA).
- Học lớp UPT (I-28 Air Force) trên phi cơ T – 28 A Trojan – Keesler AFB, MS tại Randolph (Texas). V.v…

Trong cánh cửa "vũ môn" ấy, Hành thích học và thực tập nhứt là loại phi cơ C 130, vì nó bệ vệ an toàn, do có hệ thống động cơ, thủy điều, điện… Những thứ đó có thể thay thế, khi một trong những bộ phận nào đó có chút trục trặc. C 130 thật kỳ diệu, đặc biệt có thể gắp bốn động cơ; chứa được 28,000 gallons xăng JP4 trong cánh, hai bình xăng phụ Pylon Tank.

Đợt 34.-
Việc đầu tiên, người chịu trách nhiệm máy móc leo lên nóc check hệ thống cánh quạt lớn, lên ‘tail skid’ check cánh quạt đuôi, rồi anh cơ phi (cơ khí viên phi hành) kiểm soát lại dầu máy, dầu hộp số, coi nó có ở ngay cái vạch an toàn không, anh cẩn thận chu đáo coi hết từ trên xuống dưới, hai bên thân tàu, vân vân... Xong xuôi, anh ra dấu hiệu an toàn 100% - để phi công sẵn sàng chuẩn bị đi "quay cuồng với máy bay" trên không trung bao la. Hành đến bàn sĩ quan trực lập phi trình, điền sổ phi vụ lệnh, ghi nhận toạ độ, coi toạ độ, sau đó anh leo lên phi cơ ngồi gọn gàng trên ghế trái trên phi cơ làm "hoa tiêu chính". Gài dây an toàn, Hành để quyển check list trên đùi xong, anh đội mũ, đeo ống nghe để liên lạc với đài kiểm báo và nhân viên dưới đất. Một tay anh vói lên đầu cần kiểm soát các cầu chì bên hộp trái, và bên phải. Rồi Hành tìm nút overhead panel, để khởi động GTC; kiểm soát 32 cái đồng hồ trước mặt giữa vị trí của phi công chính và phi cơ phụ. Lúc trước thầy làm tới đâu, Hành phải ghi nhớ và học thuộc lòng các động tác. Hôm nay Hành cũng làm y chang như thầy.

Đợt 35.-
Những lần sau Hành tập bay solo với bốn chiếc khác, tập bay hợp đoàn (Formation Flight). Hành bay qua Tampa (FLA) vài ba lần. Vì nhà ông thầy ở vùng đó. Theo chương trình suốt thời gian bay, thỉnh thoảng Hành được đi bay không hành nhiều lần. Nghĩa là đến cuối tuần vào chiều Thứ Sáu, Hành lên phòng khí tượng làm Flight Plan (bản đồ bay). Mình có quyền chọn địa điểm nào mình ưa thích, để bay đến đó. Hành báo cho thầy biết nơi mình sẽ đến. Ông thầy chỉ có việc bỏ vào túi xách phi hành (Flight Bag) mấy bộ quần áo. Ông thầy điềm đạm và ung dung lên sân bay chờ Hành. Hành thường chọn bay đến Oklahoma, vì nơi đó có gia đình bà chị đang sinh sống. Sáng thứ Bảy, Hành gọi phone báo cho chị biết tin. Anh chị sẽ lái xe chạy lên phi trường đón em về nhà họ, Hành ở chơi trọn kỳ week-end. Chiều Chủ Nhật, anh chị đưa em trở lại phi trường, Hành sẽ cùng ông thầy bay trở về trường học.

Bình thường đi bay, ban ngày trời trong xanh gió nhẹ… thật là lý tưởng cho người phi công bay bằng mắt thường, nghĩa là mình dễ điều khiển con tàu, dựa theo cảnh vật bên ngoài mình trông thấy dường như quen thuộc, dễ dàng nhận xét mình đang ở nơi nào hơn, và theo giác quan mình cảm nhận rõ ràng từng vị trí. Ví như nhờ ta nhìn thấy đường chân trời, nên biết mình đang cho phi cơ bay chúi xuống; hay ngóc đầu lên, máy bay đang nghiêng, hay bình phi, v.v… Đó là bay theo mắt trần của mình, nên còn gọi là Visual Flight. Dĩ nhiên cũng có nhiều khi máy bay lướt nhẹ qua những đám mây mỏng lưa thưa, lúc đó làm cho Hành thêm vui tươi hứng khởi, mình có cảm giác lâng lâng, bềnh bồng, lả lướt, khoái cảm nên thơ, thú vị biết chừng nào; đâu cần mộng mơ lãng mạn, mà tưởng như mình đang len lỏi, đùa vui, nắm vuốt dãi áo lụa trắng ngà, mềm mại của các nàng tiên nữ duyên dáng xinh như mộng đang uyển chuyển, phất phơ trong điệu vũ khúc nghê thường trên chốn bồng lai tiên cảnh… đào nguyên! ái dà dá da... thiệt là thích ơi là thích.

Còn về đêm trời đẹp, nhờ có ánh đèn xa xa của thành phố nầy, thành phố nọ mà mình đã thăm viếng hoặc bay qua vài lần, nhờ vậy mình có thể định vị của máy bay được. Dù có… gay go hơn ban ngày! Ngược lại, bay phi cụ (Instrument Flight) là phi công chỉ bay theo, và căn cứ vào những cái phi kế thôi! Tất nhiên họ phải tin tưởng tuyệt đối vào những cái đồng hồ đỏ quoạch nầy, để uyển chuyển linh động, nhịp nhàng mà điều khiển máy bay, cốt yếu là mình giữ phi cơ bay thăng bằng, lên xuống, hay nghiêng, quẹo, ... đều dựa theo mấy cái đồng hồ! Nó cũng tương tợ như là... "phù chú linh thiêng của vị thần hộ mệnh" ấy mà!
Mấy tay "lão luyện" nầy khá giỏi, có nhiều năm trong nghề bay, có nhiều kinh nghiệm, thì tay lái "vững vàng tuyệt chiêu" lắm rồi! Hành nghe nói mấy tay bay phi cụ là họ có card trắng hay xám gì đó. Khi phi trường bị đóng cửa vì thời tiết xấu, hạn chế nhiều loại máy bay, những tay được mang card loại nầy họ chỉ cần thông báo với đài kiểm soát card của mình màu gì… số mấy... là họ được quyền cất cánh ngay. Mấy tay “săn bão” chắc cũng thuộc hàng “sư tổ, đại sư phụ” của mấy “ngài phi cụ” nghen!

Còn Hành, bay đêm nay coi như Visual Flight thôi, vì thời tiết khá trong lành. Tốt nhứt là bay lúc trời sáng sủa là an toàn hơn. Có tầm nhìn cao (Visibility), dù trong lúc bay Hành liếc nhìn vào phi cụ, nhưng không phải chỉ chăm chú bay theo phi cụ không thôi! Do trong tâm trí anh cứ mãi thắc mắc định hỏi thầy, hay tìm tòi học hỏi nơi sách vở, nơi bạn bè, nhưng rồi anh cứ quên hoài quên huỹ, cứ lu bu chuyện nọ chuyện kia, nên Hành không nhớ hỏi thầy, hoặc nhờ các niên trưởng chỉ giáo thêm về sự thắc mắc, mà anh chưa khi nào dám thực hành, chuyện như vầy: Tất cả các loại phi cơ khi bay trên không trung bao la, các huấn luyện viên kỳ cựu đều có thể bay lên, bay xuống, bay thẳng tới trước, quẹo gắt, lật ngửa, thậm chí máy bay úp sấp, hay chổng ngược đuôi lên trời dễ dàng, rồi vèo một cái vút bay thẳng đứng lên trời cao. Mọi việc họ đều thao tác tuyệt vời. Thế nhưng Hành không thể biết: các loại phi cơ ấy có thể bay thụt lùi như mình “de xe lại” được không nhỉ?

Đợt 36.-
Sau bao tháng ngày trầy trật bận rộn, nhọc nhằn lo "học và hành", nay Hành bay gần như thành thạo. Bây giờ nhớ lại, cảm giác lâng lâng trong hạnh phúc nhẹ nhàng êm ái của thuở ấy dường như hãy còn nguyên vẹn. Khoá sinh được biết năm vừa rồi có một sinh viên Việt Nam bay đêm như thế, khi sắp về đến sân bay bỗng nhiên phi cơ của anh ta bị lật ngửa. Phi cơ lao xuống khu rừng bên cạnh. Anh ta bị vertigo! (tạm coi như choáng váng, không nhận biết vị thế thật sự của máy bay như thế nào, mà anh chỉ tin vào cái “ảo giác sai lầm” - lúc đó như: về độ cao, sự thăng bằng…). Nhân khi nói đến vertigo, một hiện tượng có thể xảy đến với bất kỳ một phi công nào khi bay… lỡ bị lọt vào trong mây do thời tiết xấu, hay trong đêm tối mịt mùng không một ánh trăng sao! Thì… chao ơi, có lẽ hầu hết ai ai cũng cảm thấy lo lắng như mình. Thật khổ hết biết!

Khi đã nhuần nhuyễn, thành thạo, và thành công, nghĩa là có trường dạy đưa tặng Hành cái "bằng cấp bay bổng" hẳn hoi, thì sinh viên sĩ quan Không-quân chờ đợi... lúc nào có đủ ba người, họ mới tổ chức lễ phát bằng & có buổi tiệc linh đình. Họ tiễn khoá sinh sĩ quan Không-quân trở về bên US Air Force, để... một lần nữa cần phải học bay bổ túc thêm:
- Hệ thống đèn hạ cánh optical landing system (OLS) meatball.
- Học độ chúi (glidepath) của cận tiến vòng chót (final approach) trên Hàng Không Mẫu Hạm.
- Học Landing Signal Officer (LSO).
- Học sử dụng cờ màu (colored flags), ván (cloth paddles) và gậy đèn (lighted wands)
- Học điều khiển phi cơ hạ cánh trên Mẫu Hạm.
- Flight Deck Officer (FDO).
Vì nguyên nhân sau: Chương trình bay với US Navy đã được đặt ra, do từ ông Nguyễn Cao Kỳ đề xướng, khi ông lên làm Phó Tổng Thống, ông nói:
- Nếu Mỹ sợ dư luận trong nước, và quốc tế, về việc các phi công Mỹ đang ở Việt Nam bị bắn rơi, bị bắt làm tù binh ngoài miền Bắc nước Việt Nam. Hãy xin cho phi công Việt Nam đi bay thay thế. Họ sẽ được huấn luyện bởi US Navy. Họ sẽ được cất cánh từ Hàng-không Mẫu-hạm ở ngoài khơi biển Đông. Họ sẽ tiến vào bờ, (nơi vùng đất liền nào đó), để đánh phá các mục tiêu của địch đã định. Sau đó, họ sẽ tự động bay thoát đi, bằng cách là phi cơ ấy quay trở lại với con tàu Mẹ. Tôi tin chắc họ sẽ thành công.

Hồi đầu Mỹ chịu, nhưng ở miền Nam Việt Nam phải tuyển toàn những người có trình độ Anh-văn cao. Có thể hình tốt, nhứt là những người hoàn toàn tự nguyện mới được. Vì thế, Hành và một số ít bạn được gởi đi học thêm ở US Navy. (Rồi không hiểu vì sao... một thời gian lâu lắm, lúc về sau nầy, lại có lệnh “ngưng” chương trình US Navy ấy. Kể ra, từ năm 1964 cho đến 1967, có tất cả 74 người đi học ở trường Võ Bị Hải-quân Không-Hành, thi đậu chỉ có 40 người, trong đó có Lữ Phi Hành) * Có thể do chi phí "quá tải" nặng kinh khủng khi muốn đào tạo một phi công US Navy, nên họ lo việc "chi tiền" không xuể, chịu không nỗi chăng? Vì thời gian huấn luyện những phi công US NAVY nầy khá dài, tốn kém đủ mọi thứ gần gấp rưỡi gấp hai khi học bên US Air Force. Muốn huấn luyện thành thục một phi công bên Không-quân, kể cả thời gian học Anh-văn ở Lackland AFB, cho đến khi ra trường thường chỉ cần mười tám tháng * Còn muốn đào tạo một phi công US Navy phải mất ít nhứt hai năm.

Đó là chưa kể phi công ấy phải học “chuyền sâu”, tức là phi công ấy đi học bổ túc nầy, huấn luyện nọ..., để anh ta có thể bay loại phi cơ thông dụng tại Việt Nam, (là loại khu trục cơ A.1.E Skyraider). Loại Skyraider học lái 8 giờ bay trên không trung. (Phi cơ nầy mang 8,000lbs, 4 đại bác 20mm; 12 dàn ngoài có thể mang 500lbs. 3 dàn trong mang 3,000lbs).
* Không hiểu tại sao hồi ấy và hiện nay tại Việt Nam không thể có loại phi cơ A-4E của Navy mang bốn dàn bom? (mỗi dàn có 6 quả bom nặng 500lbs). Phi cơ A-4E không cần có dù-đuôi khi đáp trên Hàm Không Mẫu Hạm. Mà, nếu bom napalm thả trúng ngay trên súng địch rất hữu hiệu, chính xác, (vì sức nóng rợn người của bom sẽ làm “co dúm” hoặc cong queo nòng súng)!? Thì ta cần gì phải nhọc công mệt nhoài "đánh với đấm"??? Nếu “phe ta” có phi cơ A-4E của Navy mang bốn dàn bom, là tuyệt vời quá rồi còn gì!
* * *
Tình Hoài Hương
Trân trọng mời độc giả xem tiếp chương sau