Remember ?

Trang 1/9 123 ... cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 49

Tựa Đề: Huấn Luyện Phi Hành * Tình HOÀI HƯƠNG

  1. #1
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Huấn Luyện Phi Hành * Tình HOÀI HƯƠNG


    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần thứ Nhứt
    Chương 1
    Chuyến Viễn Du Đầu Tiên,
    dự Hội-Nghị Sinh Viên Quốc Tế toàn Thế Giới, lần thứ 11

    Tình Hoài Hương
    ***

    Bầu trời ở miền núi rừng Đà Lạt xanh lơ điểm những hoa mây trắng đang qùy gối trên hồ Xuân Hương thơ mộng, mây lang thang đó đây ẻo lả vắt qua sườn đồi im ắng, không gian tĩnh mịch, thinh lặng đến độ nghe hơi thở cuả rừng thông reo vi vu, thì thào với suối ngàn róc rách len qua bờ lau sậy lô xô. Mấy con đường mòn đất đỏ vắng tanh vắng ngắt, nhu mì bò trên sườn dốc đầy cỏ may xanh um. Đà-thành muôn thuở ru Hành với giấc mộng quan hoài ước mong luyến nhớ, nhớ những cánh hoa muôn màu chen chân khoe sắc thắm trong nhiều ngôi nhà xinh xinh, có những sợi khói ấm áp nép mình bên cây mận trĩu trái, cây bưởi hoa trắng muốt toả mùi thơm ngào ngạt, cây hồng mơn mởn, cây chanh mọng nước. Cây quả mượt-mà cho anh cảm giác lâng lâng thi vị quá chừng! Chính nơi đây Hành đã và đang có một thời nhớ nhung vô vàn nhớ và đắm say yêu người... Ấy thế mà, một mai nầy anh buộc lòng phải luyến lưu giã từ nơi dấu yêu.

    Xin tạm gọi “anh ấy" là Lữ Phi Hành với tư cách là Phó thư-ký tổng hội sinh-viên Việt Nam, và có các bạn: Nguyễn Ngọc Thạch: Chủ tịch tổng hội sinh-viên Đà Lạt. Vĩnh Kha: Chủ tịch sinh-viên Huế. Lê Đình Điểu: Tổng thư ký tổng hội sinh viên Việt Nam. Lê Đình Bảo: Tổng thư-ký tổng hội sinh viên Huế. Tôn Thất Tuệ: Ủy-viên báo-chí tổng-hội sinh-viên Sài Gòn. Họ đã lên đường đi dự Hội-Nghị Sinh Viên Quốc Tế toàn Thế Giới, lần thứ 11, nghiã là 11th ISC (international Student Conference) tại Cheistchurch (New-Zeland) và dự Hội-thảo lần 5th - Tại Sydney (Autralia) là 5th ASS (Asian Student Seminar).

    Lẽ ra thì lúc 17:00, sinh viên được xe bus đón tại hotel, để ra phi trường tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng khổ nỗi vào giờ đó, các bạn mãi mê đi shopping mua sắm ngoài trung tâm. Ban điều hành phi trường gọi phone nhiều lần. Họ đến phòng ngủ của đám sinh viên, đã không thấy ai, họ gọi phone dặn reception phải giữ bọn nầy lại, không cho đi đâu hết. Sau khi đi mua sắm đã đời, sáu người nầy quay về hotel mới biết tin. Ui! Chưa kịp tắm rửa, thay quần áo gì, chốc lát sau xe bus đến chở cả nhóm lên phi trường. Tất cả anh em cứ ngồi trong Louge, sốt ruột bồn chồn, lo âu, băn khoăn, đi lui đi tới chờ đợi đến tối mịt. Đợi dài người, mới hay là đang có cuộc đình công của toàn bộ nhân viên hãng Hàng-không (bộ phận phục vụ trên không, và dưới đất).

    Thế rồi, họ “lùa” sinh viên Việt Nam qua làm thủ tục an ninh phi trường và quan thuế. Trên chiếc máy bay 707 đồ sộ, rộng mênh mông, mà chỉ có khoảng ba mươi hành khách. Chính ông phi công trưởng đoàn đã đến từng chỗ ngồi, tự tay chăm sóc cho mọi người. Lúc 21:00 ông ta điều khiển phi cơ cất cánh. Sau khi bình phi, ông ta để viên phi công phụ lái. Rồi ông tự xuống tiếp tục làm tiếp viên cho hành khách (vì trên máy bay không có một người tiếp viên hàng không nào. Họ đồng lòng lo kêu gọi nhau ơi ới đi đình công hết). Thấy Hành kéo cái ghế dài ra định ngủ. Ông ta nói:
    - Nầy you, hãy vui lòng đứng lên chút xí.

    Rồi ông luồng tay kéo hai chân ghế giăng ngang ra. Thế là cái băng ghế ba người ngồi, đã trở thành chiếc giường nệm êm ái. Ông vói tay lên hộc lấy gối nhỏ và mền, cho bọn tôi đắp. Chuyến đi buồn cười vậy đó. Nguyên cả buổi quá mệt mỏi vì háo hức lo đi mua sắm. Nên tất cả anh em bơ phờ rã rời nằm ngủ khò suốt đêm dài, không nhúc nhích. Họ thi nhau ngáy ồ ồ ồ vang như sấm. Lúc các bạn tỉnh dậy, thì mặt trời đã lên khá cao. Phi cơ sắp sữa đáp xuống Perth, (thành phố lớn ở miền đông nước Úc). Bước ra ngoài cửa phi cơ, các anh chợt rùng mình, vì luồng gió lạnh buốt từ ngoài thổi ập vào. Ôi sao lạnh đến thế! Bây giờ chỉ là mùa Thu, mà đã lạnh đến - 9/oC. Chả bù cho ở Sài Gòn giờ nầy đang oi nồng nóng hầm hập!

    Sáu anh sinh viên co ro cúm rúm run lẩy bẩy, rụt cổ cong lưng thất thểu bước. Lúc sắp nhận hành lý, họ mới biết là: do nhân viên ở phi trường đình công, cho nên nhân viên nghiệp dư đã sắp xếp hành lý của hành khách ở phi cơ nầy; lại chuyển lộn xộn qua với chiếc phi cơ của chuyến bay đi nơi khác!!! Thôi chết rét rồi! Trên thân mỗi người trong bọn anh chỉ mặc một bộ quần áo mỏng và chiếc veston nhẹ. Vì quá lạnh, cho nên chả ai rủ ai, mọi người đều tạt vào shop gần đó. Mỗi người lo mua một chiếc áo khoác duffelcoat dày cui, mà mặc vào cho đỡ lạnh. Cả đoàn co ro cúm rúm, dúm dó vì vẫn lạnh thấu xương. Hạnh xuýt xoa cắm cúi chạy nhanh đến xe bus. Xe chở sáu người về hotel.

    Sáng hôm sau, nhân viên báo là đã có hành lý từ nơi khác chuyển đến cho mọi người rồi. Công nhận nhân viên hàng không quốc tế làm ăn mau chóng và đàng hoàng, không có chuyện lề mề chậm chạp. Thật may, cám ơn quý vị! Đồng thời có chuyến bay từ Perth đi Sydney (bờ phía Tây nước Úc). Thế là bạn hữu vội vàng nhận hành lý, lại lo leo lên phi cơ khác bay liên tiếp trên 10 giờ. Từ trên cao nhìn xuống, chỉ thấy toàn sa mạc mênh mông lạnh giá trải dài hằng ngàn cây số. Trống trải, đơn điệu võ vàng của trung tâm nước Úc. Chiều tối phi cơ mới đến Sydney. Thay vì được nghỉ đêm tại đây. Họ lại “tống” sáu anh lên máy bay cánh quạt cổ lỗ sĩ, bay từ Úc Châu, băng qua biển Tasmania. Qua Tân Tây Lan. Hơn hai giờ đồng hồ sau, phi cơ mới đến Christchurch. Một thành phố cổ kính và nhỏ bé ở hòn đảo phía Nam của New-Zealand.

    Cùng trong buổi tối đó, thì ban tổ-chức cho biết là: tại miền Bắc nước Việt Nam, cũng có một phái đoàn sinh viên Bắc Việt đã đến Tân Tây Lan. Nhưng vào giờ phút chót họ bị ở lại, vì phái đoàn sinh viên của miền Nam Việt Nam (là sáu sinh viên) đến trước nơi đây đã ba giờ, và sáu anh nầy đã làm thủ tục nhập cảnh rồi. Nên ban tổ chức họ lịch sự từ chối phái đoàn của miền Bắc Việt Nam kia. Thế là sinh viên ngoài miền Bắc Việt Nam buồn thiu phải lủi thủi ra ngồi thừ trên ghế, co ro cúm rúm người ở phi trường. Họ không được cấp visa nhập cảnh, đành chờ chuyến bay quay trở về Hà Nội. Nghĩ cũng thật xót xa thương cảm và tội nghiệp đám sinh viên miền Bắc Việt Nam! Thảo nào "phe nhóm tổ chức" ở trong miền Nam đã lanh lẹ chở bọn nầy bay đi nhanh như... gió bão và... chạy như điên, để đến nơi “dự tranh... cho kịp chuyến tốc hành”.
    Tân Tây Lan gồm có ba bốn đảo:
    - Hòn đảo phía Bắc là: thủ phủ Wellington và Aukland, rất nóng.
    - Phía Nam có đảo Christchurch.
    - Hòn đảo Tasmania rất lạnh.
    - Trong khi ở trên phía Bắc Christchurch (New-Zeland), họ có thể đi ung dung vui thích tắm biển, phơi nắng suốt ngày thoải mái. Ở phía Nam Christchurch (New-Zeland) cùng thời điểm đó, họ đi trượt tuyết, đi tắm suối nước nóng. Ngộ thiệt! Ở giữa đám tuyết trắng xoá, giữa hai đảo có con phà rất lớn, sức phà có thể chứa lên đến hai mươi xe hơi, & có năm trăm hành khách.

    Nơi mọi người đến dự hội nghị là Christchurch, một thành phố nhỏ rất sạch sẽ và tươi đẹp, (gồm có hơn bốn trăm ngàn dân định cư). Quả thật Christchurch tuyệt vời và thơ mộng như Đà Lạt, những ngôi nhà cổ kính đồ sộ u trầm nép mình dưới bao vòm cây già cỗi và yên lặng. Con sông xanh tươi êm đềm lặng lờ uốn khúc, dưới nước trong vắt có từng bầy thiên nga tung tăng bơi lội. Bên những sườn đồi nhấp nhô và trong bình nguyên ngút ngàn cỏ xanh mướt, đồi cao đồi thấp nhấp nhô chập chùng, thì người ta thả đầy dẫy đàn cừu trắng đang cúi đầu cặm cụi chăm chỉ gặm cỏ, không cần người chăn. Nhà nhà đều có sân rộng lát gạch, nhiều chim bồ câu trắng, nâu hoặc đen (mập ơi là mập), chúng soãi cánh lòa xoà bay lượn trong không gian mờ mờ ảo ảo bàng bạc hơi sương. Người dân ở đây hiền hoà, vui vẻ, ung dung. Đa số dân hiếu khách, chí tình, dịu dàng cởi mở, niềm nở thân thiện.

    Sở dĩ có tổ chức “lần họp Thứ 11th Sinh-viên Thế Giới” tại Christchurch, là vì tại nơi đây có ngôi trường đại học nổi tiếng, lâu đời nhất của Tân Tây Lan. Giống như đại học cuả Anh là Cambridge. Hay Oxford của Mỹ, Harvard, hoặc Princeton vậy đó. Hành cùng năm bạn được đưa đến ở một khách sạn xinh xắn khang trang tiện nghi sạch sẽ có bốn tầng lầu, vì khách sạn nầy chỉ cách xa nơi hội họp độ vài trăm mét. Mình có thể thảnh thơi tà tà ung dung thong thả đi bộ, tới lui hotel và chỗ họp được gần nhất và dễ dàng.

    Hôm khai mạc hội nghị, phái đoàn miền Nam Việt Nam chỉ được ban tổ chức sắp ngồi ở hàng ghế “quan sát viên” mà thôi. Chi lạ rứa!? Mình cũng cảm thấy kỳ lạ và ấm ức. Bước qua ngày thứ hai, sau khi trong hội trường đang thảo luận sôi nổi về việc:
    - Tại sao Việt Nam chỉ có phép đến đây: để “làm quan sát viên” mà thôi!?

    Cuối cùng, phái đoàn Việt Nam mới có một bài phát biểu cảm tưởng trong hội nghị. Ấy là nhờ do có lời khẩn khoản đề nghị chính đáng, công bình, và tự do, của một anh đại diện sinh viên Thụy Sĩ lên tiếng phản đối kịch liệt về việc: "phân biệt, kỳ thị hoặc cố ý bỏ quên nhóm Việt Nam" nầy. Cho nên đại hội đồng gồm 112 nước đang tham dự hội nghị, đã đồng ý tổ chức một cuộc “bỏ phiếu trưng cầu ý kiến”. Kết quả: Phái đoàn sinh viên miền Nam Việt Nam đắc cử vẻ vang! Sáu anh sinh viên miền Nam Việt Nam lấy làm cảm kích cùng tri ân anh đại diện sinh viên Thuỵ Sĩ, và trân trọng cảm ơn đại hội đồng hiệp hội sinh viên thế giới. Thật tuyệt vời! Cuối cùng đại hội chấp thuận Việt Nam được chính thức gia nhập vào Hiệp Hội Sinh Viên Thế Giới.

    Ngày thứ ba, họ chuyển sinh viên Việt Nam cho chính thức đường hoàng vào ngồi chỉnh tề đâu ra đó, “chễm chệ” trên những hàng ghế mời danh dự, để hân hoan tham dự hội nghị và có toàn quyền tự do phát biểu cảm tưởng. Hoan hô tinh thần Tự do. Dân chủ. Độc lập muôn năm! Thế là… kể từ năm 1964, Việt Nam đã được công nhận là hội viên chính thức cuả hiệp hội sinh viên toàn thế giới (cho tới bây giờ). Đây là một thành công qúy giá, danh dự, rực rỡ, to lớn, đám sinh viên tiên khởi nầy đã mang vinh dự về cho nước Việt Nam trên phương diện ngoại giao, và về mặt chính trị. Cuộc họp chỉ có ba ngày là kết thúc.

    Ngoài những ngày rãnh, họ còn đi thăm các thành phố của Úc Châu và Tân Tây Lan). Sau đó, Hành, Thạch, và Bảo ở lại Christchurch, ba người đi tham quan các thắng cảnh và hai thành phố lớn của Tân Tây Lan, (ở trên đảo phía Bắc). Còn ba người kia là Điểu, Vĩnh Kha, Tuệ thì bay đi Úc Châu trước, họ ở đó chờ dự hội nghị sinh viên Á Châu lần 8th. Sáu người hẹn gặp nhau ở Sydney. Tóm lại, chuyến đi đó chỉ xảy ra trong vòng ba tuần lễ. Thế mà các bạn trẻ đã xoay trở tài tình, để có thể khoan khoái du hành nhiều nơi khác và ghé lại thăm Manila vui vẻ. Rồi sáu anh vui vẻ ung dung bay đi Kuala Lumpur, cùng du lịch đó đây thoải mái thảnh thơi thêm mấy ngày.

    Thật ra, như đã nói: Nhóm sinh viên miền Nam Việt Nam đã đi xuất ngoại, dự hội nghị sinh viên thế giới lần 11th, tổ chức tại Christchurch. & Hội nghị sinh viên Á Châu lần 8th đó -chỉ là cái cách xử thế, mà ông Nguyễn Khánh dùng tiền “cả vú lấp miệng em”; cho “sáu sinh viên cầm đầu nầy” đi xa hẳn Việt Nam lúc bấy giờ. Là một hình thức ve vuốt làm dịu nhẹ đám sinh viên cầm đầu: ngỏ hầu – ông cách ly các tổng hội sinh viên tại miền Nam Việt Nam – với tất cả sinh viên ở trong nước -đã và đang- ráo riết hăng say hoạt động, biểu tình, chống đối chính phủ đang rầm rộ diễn ra mọi nơi. Chứ ông chả tốt lành gì, mà tốn nhiều chi phí cho sáu người nầy "ung dung khơi khơi nhàn hạ đi tung tăng" như thế!
    Sau chuyến công du thoải mái đi Singapore. Malaysia. Úc Châu. Tân Tây Lan. Phillippines, trở về lại Việt Nam.

    Hành vội vàng trở lên Đà Lạt rút hồ sơ, lấy mấy chứng chỉ văn bằng trên đại học. Anh đành cay đắng ngậm ngùi rời khỏi “con đường trí thức & kiến thức danh giá” mà mình đã chọn. Hành đã “hoàn tất kiếp sống phong trần đầy vũ bão” vào năm thứ Hai tại viện đại học Đà Lạt. Đó cũng là do cái dấu ./. về tình yêu nồng thắm giữa “anh LPH với em yêu dấ́u” xa xăm muôn trùng, từ bài thơ cuối anh đã viết cho em:
    Hoàng hôn buông những chiều nắng nhạt.
    Đường em đi cây dài bóng mát.
    Mặt hồ xưa long lanh sóng vỗ,
    Nắng xiên từng hàng hoa, lác đác.
    Nỗi niềm riêng gợi nhớ xôn xao.
    Tình yêu đến hoài vọng ước ao.
    Mùa xuân tới. Đông qua len lén,
    Đường em về cỏ đầy lối nhỏ.
    Hàng thông xanh im phủ bóng mờ.
    Giữa cuộc đời cảm thấy bơ vơ…
    Trái sầu đông tê tái cõi lòng.
    Giếng mắt đẫm giọt sương mòng mọng.
    Thác ven rừng uốn lên uốn xuống
    Nước rẽ đôi giòng thương ly biệt.
    Đường về quê sao buồn da diết!
    Mối tình tựa ngấn sương ưu phiền(*)
    *
    (*) Thơ Tình Hoài Hương

    Tình Hoài Hương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  2. #2
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Huấn Luyện Phi Hành


    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần thứ Nhứt
    Chương 2
    Không Quân: (Niềm ước ao của tôi)
    Tình Hoài Hương
    ***

    Cám ơn “bạn đường LPH” (bởi vì bạn ấy không hề ưa đi Hoa Kỳ ở, mà bạn ấy chỉ thích sống chết với “thành hồ” (nên bạn đường ấy xin đề nghị dấu tên) ; Nhứt là tôi biết ơn & xin mạn phép qúy anh Không-quân: DHB – TQD – DVH – TVP - TCB - NCT - Hoàng Hùng – Lưu Vong - Hùng Nguyễn - Lê Vinh – Hùng Phan – PH - Trương A Tùng - v.v... đã chia sẻ, động viên - khích lệ - cập nhật... Đồng thời quý vị đã cho tôi chút cảm tác, ngỏ hầu tôi có thể hoàn thành bài viết & ghi lại chuyện đời Không Quân thi vị, thân thiện, đầy huấn nhục được tóm tắt & đúc kết ít phần chính trong chương trình "Huấn Luyện Phi Hành” (cả nghiã bóng lẫn nghiã đen -cuả “tựa đề” câu chuyện và “tên người”-…).
    Tiện thể, tôi cũng chân thành cám ơn quý nhiếp ảnh gia, đã đăng những tấm hình quá đẹp trên internet, cho tôi được chiêm ngưỡng & mạn phép copy right vô bài viết của mình; ngỏ hầu phong phú hóa hình ảnh sống động độc đáo đầy nghệ thuật và tài đức của quý vị. Cẩn bút.

    Tình Hoài Hương,
    ***
    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần Thứ Nhứt
    Chương 2

    Cảm tình đó lâng lâng chiều tĩnh mịch.
    Như thi sĩ yêu quan hà anh lính.
    Như họa sĩ yêu bức tranh đa tình.
    Như con người yêu tự do bay bổng.
    Như Không-quân vút cánh vào thinh không.
    Lái con tàu lả lướt người trong mộng.
    Phi đạo nối liền tình yêu không phận.
    Tình rất đẹp tôi trao đến tha nhân...(*)

    Hồng Hạnh em yêu,
    Cuộc đời anh chắc có lẽ gắn-bó thân thiết với binh chủng Không-quân hay sao à! Hồi còn nhỏ khi đúng mười sáu tuổi, thì tất cả thanh niên ở miền Nam Việt Nam, ai ai cũng lo đi kê khai Lược Giải Cá Nhân (ở đường Trần Hưng Đạo: Nha Cảnh Sát Đô Thành). Sau khi điền tên tuổi, địa chỉ vào tờ khai, anh mang lên nộp trong văn phòng. Ông cảnh sát già thu nhận tờ khai, ông đọc lướt qua và nhìn anh, cười lớn:
    - Cậu tên “Lữ Phi Hành” nghe ngộ lắm. Tôi e rằng lớn lên cậu sẽ đi Không-quân ha.
    Anh gật đầu cười, có thể do ba má đặt tên anh, là một điều dự đoán hữu duyên với binh nghiệp của mình sau nầy, cũng nên? Một lần khác vào đầu tháng 02 năm 1962, khi đã chuẩn bị đầy đủ tập hồ sơ, anh dự định lên nộp đơn xin gia nhập vào Không-quân. Lúc đó anh chưa đủ tuổi, nhưng anh dám giả mạo chữ ký của ba, mà ghi: “đồng ý cho nhập ngũ”. Rồi anh nhờ thằng bạn (có chị làm ở văn phòng Phường trên Phú Nhuận), chị ấy đóng dấu xác nhận chữ ký giả của ba đã… “cho phép”.

    Ngày ấy đúng là một ngày xui xẻo hết biết, khi thức dậy anh lo đi làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong, mặc quần áo sẵn sàng, và chuẩn bị mang hồ sơ lên Tân Sơn Nhứt để nộp. Anh đứng trên lầu ba trước chiếc tủ gương lớn chải tóc. Thì, giật thót mình khi nghe tiếng phi cơ bay vù vù… ầm ầm... bay rất sát, điếc tai, gần như ép buồng phổi anh đau nhói, muốn nghẹt thở tức vỡ lồng ngực. Không biết chuyện kinh khủng gì xảy ra? Vội chạy nhanh lên sân thượng, anh bước ra ngoài dáo dác nhìn xuống khu vực Sài Gòn. Anh thấy hai chiếc phi cơ trên bầu trời, rồi thoáng chốc anh nghe tiếng nổ rền ở miệt nhà thờ Đức Bà. Thì ra có biến loạn. Những quả bom trút ào ào ầm ầm xuống tại dinh Độc Lập.

    Một lúc sau mới nghe nhóm phòng vệ Tổng Thống phủ phản ứng. Súng phòng không dưới đất ào ào bắn lên đùng… đùng… đùng… khói đen nghịt tỏa ra từng nhúm to trên bầu trời. Hai chiếc phi cơ khu trục A1 Skyraider đã dội hết bom ở dinh Độc Lập, bắn hết đạn, nhanh như chớp họ đã bay vút đi biến dạng. Ba chân bốn cẵng anh và thằng em nhảy xuống dưới nhà, dù má vẫy tay lia lịa, lớn tiếng eo éo kêu la, má cấm con không được đi đâu. Hai anh em vẫn phóng xe veloxolex chạy về hướng đó, tò mò coi xem chuyện gì, bom đạn bắn đi đâu. Nhìn chung, thì không thấy thiệt hại gì mấy. Người người xôn xao bàn tán, xe cộ tụ tập lại trước dinh Độc Lập đông như kiến, không thể chen chân, mọi ngả đường bị chận đứng, đông nghẹt.
    Mãi đến xế chiều anh mới biết tin là: do hai phi công Trung-úy Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử đã ném bom. Phi cơ của Phạm Phú Quốc bị bắn rớt trên sông Sài Gòn, ổng đã bị bắt đưa vô tù, tất cả bom đạn còn nguyên, nghĩa là ông ta chưa kịp thả trái bom nào. Ông Cử thì đào thoát bay mút qua hướng Nam Vang. Thế là anh đành kiếm ngỏ tắt tiu nghỉu trở về nhà, buồn phiền xếp lại hồ sơ xin đi lính.

    Lần nầy, thì không có gì ngăn cản bước chân anh muốn phiêu bạt giang hồ cả, anh đã đường hoàng ung dung đi lên Tân Sơn Nhứt nộp đơn, và nôn nao vui vẻ trở về nhà nằm rung đùi chờ đợi dài người. Khoảng thời gian nhàn rỗi nầy thật vô vị, trống vắng và buồn kinh khủng! Anh vẫn hẹn hò với cô bồ mới toanh vừa quen biết: hai đứa dung dăng đi ăn, đi chơi chỗ nầy, vung vít chỗ kia. Tuy đã có “cô bồ”, nhưng anh có thêm vài ba cô bạn hờ thân mật thắm thiết khác nữa. Ấy thế mà… sao lòng mình vẫn cảm thấy đìu hiu, muộn phiền và nhớ nhung “nàng ấy” rã rời đến thế!? Anh nhớ mối tình đầu bây giờ đã xa xôi chi lạ! vô cùng nhớ. Nàng thi sĩ ấy từng gieo vào lòng anh ước muốn thiết tha với giấc mơ “Hải hồ ươm mộng”:

    Tơ giăng đầy phố cao mây phủ kín.
    Những tháng năm bịn rịn trải lá Thu.
    Dãy núi xa trăng khuyết ngậm sương mù.
    Buồn ly biệt, người lữ thứ nào biết?
    Rặng thông già vi vu xanh lá biếc.
    Một mình ta tha thiết mối tình thơ.
    Người đi xa dật dờ kiếp hải hồ.
    Đâu có ngỡ ta vẫn chờ vẫn đợi.
    Mộng quan hoài nguyện sắt son vẫy gọi.
    Những đêm dài thao thức với trăng côi.
    Ta ngước nhìn lờ lững áng mây trôi
    Mong người từng bước trải đời lãng tử.
    Hôm nào đó nếu dừng chân lữ thứ.
    Quán trọ chiều rũ áo tự phong sương.
    Khách mỏi mòn, vó ngựa lỏng giây cương.
    Xin hãy nhớ tình hoài hương ngóng đợi. (*)

    Độ nửa tháng sau có thư mời gởi về nhà, báo anh lên sân bay Tân Sơn Nhứt khám sức khoẻ. Thông thường như mọi năm, ban tuyển mộ Bộ Tư Lệnh Không-quân chọn bốn khóa. Ví dụ như: Năm 1960 là có khóa 60A. - 60B. - 60C. - 60D. Tuy nhiên, nhiều năm cũng có những khóa như: 65B và 65D, là Hạ-sĩ-quan được tuyển chọn đi học sĩ-quan không phi hành. Anh và một lô một lốc các bạn trai trẻ hào hoa phong nhã đầy nhựa sống tráng kiện khác, sung sướng hân hoan, xôn xao, nôn nóng sắp hàng dài dài chờ đến phiên khám sức khỏe. Mặt mày ai nấy đều rạng rỡ mừng vui. Phòng khám nhỏ xíu chật chội. Đa số thí sinh cứ háo hức tràn vào đứng gần kế bên ông bác sĩ. Anh ngồi vào ghế đợi, nhìn những người khác khám rất nhanh. Bác sĩ khám thân thể. Phần tai. Mũi. Họng. Răng. Mắt. Ngực. Phổi. Thần kinh. Khám máu. Nghĩa là khám tổng quát. Họ bắt thí sinh đứng thẳng, xem mình có bị dị tật bẩm sinh gì không. Đa số tuyển sinh đều khá tốt.

    Mọi cuộc khám nghiệm về riêng anh trôi qua êm đẹp, bác sĩ khen đôi mắt anh trong sáng lạ thường: 10/10. Chỉ có lúc khám tai thì quá lâu, ông ta lấy đèn soi vào lỗ tai, bác sĩ không thể khám màng nhĩ ngăn tai ngoài và tai giữa. Nên ông cứ loay hoay mãi, ông lấy cái kẹp nhỏ, dài, từ từ gắp, moi ở lỗ tai anh ra từng miếng cục ráy tai to ơi là to, và nhiều kinh khủng. Khiến những tuyển sinh đứng, ngồi, gần đó í dà dá da… họ chen nhau nhìn, rồi le lưỡi, rùng mình, trợn mắt cùng cười ồ. Ghê quá! Thiệt là mắc cỡ!

    Thật sự anh không mấy hy vọng, vì suốt thời gian qua mình sống buông thả, bê bối, tự do, (nếu không muốn nói là phóng đãng) chẳng mấy khi anh chú trọng đến sức khỏe, hay chăm chút cho bản thân. Anh gầy đi nhiều so với chỉ số cần thiết. Ví dụ chiều cao 1mét 68, anh có, tuy thế về trọng lượng thì mình chỉ nặng hơn 50kgs chút xíu. Xong xuôi, anh lại trở về nằm nhà, lo lắng chờ đợi, từng ngày đi ra đi vào thật vô vị. Tối tối, đêm đêm, anh ưa rủ rê cô bồ kia đi ăn, la cà đi chơi rông. Thời gian nầy, anh và cô bồ thân thiết hơn.

    Một hôm, nhận giấy báo anh đủ điều kiện trúng tuyển để gia nhập vào “khoá phi hành”. Anh rất vui, thế là chấm hết chuỗi ngày bê tha lông bông chán chường vô vị đã trôi qua. Hí hửng vui vẻ mặc bộ quần áo sạch đẹp, anh ung dung sung sướng vọt lên Tân Sơn Nhứt làm thủ tục nhập học. Họ đưa mẫu đơn tình nguyện để tuyển sinh điền và ký tên vào: hứa sẽ gia nhập vào binh chủng Không-quân –ít nhất là mười năm– kể từ ngày ký.

    Họ cấp phát cho mỗi khoá sinh một ba lô, phát cặp thẻ bài, bắt SVSQ luôn đeo vào cổ, thẻ bài đã có số quân, anh phải thuộc lòng mấy con số dài ngoẵng. Ghi nhớ mình mang loại máu gì. Họ phát giày bata, giày botte de saut, mũ, bít tất, vài bộ đồ treillis, vài bộ kaki. Họ bảo anh mang về sửa sang lại, để mặc cho vừa khổ người của mình. Về những huy hiệu hay cánh bay, anh thấy sĩ quan Không-quân được may trên các bộ quân phục của KQVNCH. Chỉ cần nhìn thấy họ mặc áo bay, mà anh mê là vậy. Các anh: TCB & Trần Văn Lương, TQD, ĐHB... đã bổ túc cho anh những phần hữu ích, hiểu biết thêm (để anh nhờ thợ may may cho đúng nơi vài chi tiết) như:
    - Vai trái: huy hiệu Sư Đoàn. (ví dụ: I, II, III, v.v...)
    - Vai phải: huy hiệu Không Đoàn. (ví dụ: 23, 33, 43 v.v...)
    - Ngực trái: huy hiệu Không Quân (con rồng Tổ Quốc Không Gian).
    - Ngực phải: huy hiệu Phi-đoàn. (ví dụ: 211, 213 v.v... và con số đầu thay đổi theo loại phi cơ. Ví dụ như: số 1 là Quan Sát. Số 2 là TT v.v...)
    - Huy chương cá nhân đeo bên trái (trên nắp túi áo trái).
    - Trên huy hiệu của phi đoàn là cánh bay (trên nắp túi áo phải, nếu là áo trận).
    - Cánh bay đeo bên phải, nằm trên bảng tên (trên nắp túi áo quân phục).
    - Khi mặc áo trận (áo bay) không bao giờ đeo huy chương cuống (tức là một phần nhỏ của cái huy chương). Ngoại trừ được gắn huy chương ngoài mặt trận. (Khi mặc quân phục Đại-lễ, hay Tiểu-lễ, thì mới đeo đầy đủ mọi thứ, như đã trình bày bên trên). Áo trận thì mang phù hiệu cấp bậc đính trên một miếng vải nền đen độ chừng 4cm hoặc 5cm vuông, may vào mép của vạt áo, ngang miệng trên hai túi áo. Mấy ông HSQ+BS nếu hà tiện, thì xài miếng kẹp bằng kim loại.

    Áo bay đương nhiên giống như áo trận, nhưng cũng có thể làm hai miếng trên hai vai. Mặc áo kaki vàng nếu không thắt cà vạt, thì mang cầu vai ống, mà tiếng Pháp gọi là Fourreaux. Ở Mỹ bây giờ đã xài, gọi là Soft shoulder boards, slide shoulder boards. Áo kaki vàng có thắt cà vạt, có thể mang cầu vai ống, hoặc cầu vai đại lễ. Cầu vai đại lễ có sườn cứng, tiếng Pháp gọi là Épaulettes. Tiếng Mỹ gọi là Hard shoulders boards.
    * * *
    Đúng vào buổi tối ngày 30-09, thằng em trai là Tom lái xe hơi chở anh ra đi “tòng quân”. Má không làm sao ngăn cản thằng con gàn bướng chỉ thích tự do làm theo ý mình, không muốn ai điều khiển, nên má khóc rất nhiều, má nghẹn ngào quệt hai hàng nước mắt đưa tiễn con đi. Anh cảm thấy lạnh tanh, chả có gì nao núng mà ầm ĩ khóc lóc, tru tréo với than vãn! Đời trai giang hồ qua bốn biển, chẳng lẽ má cứ giữ rịt con bu bám theo lưng má ở trong góc xó nhà hoài, để má chăm chút cho con bú mớm sao má!?
    Có câu nói nầy cuả Jean-Paul Marat (1743-1793) nghe rất chí lý má ơi: “On est grand parce que vous vous mettez à genoux. Citoyens! Levez-vous droitement” (Các anh quỳ gối, nên thấy người khác cao lớn. Hởi công dân! Hãy đứng thẳng người lên). Vậy thì má khóc làm gì khi con trai muốn đứng lên bằng chính đôi chân mình để tự lập, má à. Anh không thấy cô bồ đến tiễn đưa (như cô ta đã hứa). Cũng bình thường thôi, vì Everything can change in the blink of an eye. (Mọi chuyện ở đời có thể thay đổi trong chớp mắt)

    Anh mặc bộ treillis “mới cáu cạnh” cảm thấy thú vị, hãnh diện, le lói lạ, anh đội lệch mũ lưỡi trai, mang botte de saut, hiên ngang huýt gió ung dung kèm chút nôn nao đi đến trại Cửu Long (ở bên trại Thủy Quân Lục Chiến). Đó là nơi tập trung đông đúc khóa sinh từ các trường: Hải Quân. Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Họ sẽ đi học chung với nhau trên chiếc Tuần Dương Hạm 602. Sau khi xuống con tàu bồng bềnh nhấp nhô trên sông, anh chọn ngồi ở một nơi có mặt phẳng trên bon tàu. Nhiều tên “tân binh” sợ sóng gió, thì họ chui tọt xuống dưới gầm tàu. Dưới kia chắc hẳn là đông đúc vui vẻ, nhộn nhịp ồn ào, nhưng mà kín mít, lù mù tối ngột ngạt lắm!

    Chiếc tàu to kềnh càng từ từ kéo neo lên, con tàu chuyển lối dần dần rời sông Sài Gòn, tàu chạy trốn sau khúc quanh ở “Cảng Nhà Rồng”. Bên kia sông thành phố Sài Gòn vẫn rộn rịp, rầm rộ, tấp nập xe cộ bon chen lao đi vun vút. Người và người vô tư lự, nhộn nhịp nối đuôi nhau chuyển động ì ầm không biết mệt dưới ánh đèn đường muôn màu. Chả ai ngủ ngáy gì được, nhìn quanh, anh thấy Trần Thế Vinh to con, đẹp trai ngồi lầm lỳ ở một góc, bên cạnh Quân nhỏ loắt choắt. Các anh em khóa sinh khác lân la ghé tới tíu tít vui vẻ bắt tay làm quen với nhau. Họ tự nhiên nói chuyện giây lát, thế là họ đã tỏ ra vui vẻ thân mật ngay. Làm y như là “tụi nầy” đã có duyên kỳ phùng hội ngộ, họ hàng thân thiết hoặc quen nhau từ kiếp nào! Tình bạn trẻ trung cao đẹp hồn nhiên bắt đầu thật dễ thương.

    Bỗng con tàu chồng chềnh nhấp nhô ghê lắm. Ai nấy cảm thấy quay cuồng chóng mặt, đứng ngồi không vững. Hỏi ra, khoá sinh mới biết dự báo thời tiết báo buổi sáng thì biển lặng. Đến trưa sóng to, rất to đang đổ dồn. Con tàu lênh đênh bồng bềnh nhấp nhô trồi lên trụt xuống, giống như nút chai bồng bềnh trong cái ao lớn khi gió ào ào thổi tới. Thế là "các cậu ấm" ngồi bên cạnh anh bắt đầu nôn ọe tùm lum tà la ra mật xanh mật vàng. Riêng anh vẫn tỉnh queo. Đến xế chiều, Vinh, mặt xanh như tàu lá, anh ta đưa hộp cơm vắt và thịt kho rất ngon (của mẹ Vinh làm) cho anh:
    - Mầy ăn đi. Tao nuốt không vô rồi.

    Cười hề hề, anh đang đói nên ưng ý bưng ngay lấy hộp cơm thịt, anh ra ngồi bên góc bon tàu ăn ngon lành. Mặc dù lúc đó có những đợt sóng thần cao ngất đang phủ lên đầu tàu đầy bông sóng bạc trắng. Chiều buông xuống rất nhanh, hoàng hôn lả lơi trên phần đất mới đến có màu tím nhạt, màu vàng óng lẫn với màu ven đêm... dần dần chuyển sang choạng vạng tối. Ấy là lúc các anh em khóa sinh sinh viên sĩ quan Không-quân mệt mỏi rã rời, đừ đẫn, phờ phạc, cả người nhẹ lâng lâng bồng bềnh dật dờ như đi trên mây, thì con tàu đã từ từ vào bến đậu ở Cầu Đá. Nha Trang... Ôi... "Nha Trang... là miền quê hương cát trắng..."!
    Thân chúc em mọi điều như ý tốt lành. Tạm biệt nhé cố nhân em yêu.
    LPH
    *
    Tình Hoài Hương

    (*) Thơ Tình Hoài Hương


    Tình Hoài Hương
    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  3. #3
    AcDieu225's Avatar
    Status : AcDieu225 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Apr 2013
    Posts: 13
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Cám ơn THH/AUD.

  4. #4
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Anh KHÔNG QUÂN Cho Em Xin hai chữ… “Lễ Độ” !



    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần thứ Nhứt
    Chương 3

    Anh KHÔNG QUÂN Cho Em Xin hai chữ… “Lễ Độ” !
    Tình Hoài Hương
    ***

    Năm 1965... Hành mệt nhọc vác ba lô xuống bến tàu Cầu Đá. Đoàn Không-quân trong nhóm gồm có bảy mươi bốn sinh viên sĩ quan khóa sinh, cộng với mấy trăm tân binh Không-quân. Những đoàn xe GMC vù vù chở mọi người về căn cứ 12, thì hàng chữ: "Trung Tâm Huấn Luyện Không-Quân - Căn Cứ 12" đập ngay vào mắt mọi người.
    Con đường tráng nhựa khá dài, có lẽ dài đến bảy tám trăm mét chạy quanh doanh trại. "Vòng Cộng Hoà" sừng sững giữa các bãi cỏ xanh tươi. Nơi đây chuyên dành để sinh-viên sĩ-quan đàn anh sắp ra trường, sẽ tập trung đàn em khoá sinh lại, họ tha hồ "nhồi" cho tân khoá sinh có sức khỏe, kiên cường, nhẫn nhục, có sức chịu đựng dẻo dai trong quân đội. Cạnh đó, chưng bày chiếc máy bay F8F Bear Cat, loại phi cơ một cánh quạt tấn công của Pháp. Đồng thời chiếc máy bay nầy đã từng dùng để huấn luyện đợt phi công đầu tiên của Việt Nam.

    Câu Lạc Bộ có nhiều người đang ăn uống, nhiều người giải trí: đánh bida, pingpong. Phía trên kia là văn phòng điều hành khóa sinh, nơi làm việc của Đại-úy Trưởng-đoàn khoá-sinh. Văn phòng ông Thượng-sĩ Cơ Bản Huấn Luyện người Mỹ. Văn phòng đoàn cán-bộ sinh-viên sĩ-quan. Những khoá sinh đi trước Hành chưa được tuyển chọn đi du học, thường đề-bạt lên làm cán-bộ (Trung đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn. Ai càng “thâm niên... phạn xá”, hi hi hi... thì cấp chức càng… bự). Vòng nhỏ là Vòng-Khóa-Sinh: tức là sân nhỏ giữa doanh trại. Mỗi cuối tuần có đám sinh viên sĩ-quan, khóa-sinh nào bị phạt, sẽ thi hành lệnh "dã chiến" là chính tại nơi nầy, sân rất lớn nằm ngay bên dãy nhà tiền chế theo kiểu ba-rắc của Mỹ, ở giữa là hai dãy nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng. Phía trên là văn phòng để điều hành khóa sinh.

    Bạn chung khóa sinh với anh gồm đủ mọi miền, đủ thành phần, đủ hoàn cảnh. Họ cùng quy tụ về dưới mái trường Không-quân-Mẹ: Vừa thất thểu qua khỏi cổng trường, tất cả khoá sinh được tách riêng ra, xếp hàng ngay ngắn, chờ điểm danh. Tân-binh được hướng dẫn viên cho đi thẳng xuống khu nhà đằng phía xa xa kia. 74 khoá-sinh sinh-viên sĩ-quan Không-quân thì ghé lại trước cổng trường. Sinh viên sĩ-quan vác ba lô đi vào giữa sân. Đầu tiên, khoá sinh xếp hàng theo thứ tự cao, thấp. Những anh nào cao lêu nghêu, thì đứng trước, đứng trên. Những anh thấp bé chút đứng dưới, đứng sau, (chi lạ ha, Hành cứ tưởng là ai thấp, lùn, ốm o… thì phải đứng trước, đứng trên, thì mình nhìn mới “thấy đường” chớ! Ai dè... lại tréo cẵng ngỗng thế! Thiệt tình! Hành thấy một sĩ quan huấn luyện rất cao lớn, to con gần giống như người Mỹ to bự chảng vậy. Khi ông ta mở miệng ra, mọi khoá sinh nghe mà phát khiếp! Giọng nói ông ta tốt, sang sảng, rổn rảng, oang oang. Hành nghĩ không phải là giọng nói, mà giống như là giọng ông ta gầm hét quá to như cái trống làng (chả cần dùng loa liếc phóng thanh phóng tháo gì, cho mệt):
    - Các anh. Có ai là sinh viên đại học. Hãy bước ra khỏi hàng. Đứng qua bên phải đây.

    Trong bụng Hành mở cờ reo vui, thích thú, hân hoan, sung sướng thầm nghĩ: "Chà! Oai nhe! Le lói nhe! Đã nhe, sung sướng, ưu đãi nhe! Chắc là đám sinh viên nầy được phè phỡn ưu tiên nhe. Khỏe re như con bò kéo xe à nhe". Hành cùng một nhóm nhỏ độ chừng sáu bảy tên, vội vàng hăng hái, hớn hở bước ra khỏi hàng, lẹ làng đứng qua bên phải. "Ông to con" kia hất hàm cho các cán bộ Trung-đội-Trưởng dẫn đám đông còn lại bắt đầu "chào sân". Nghĩa là cho “tân binh” bắt đầu chạy quanh Vòng Cộng Hoà. Sau hết, ông ta quay sang phía "bọn le lói" nầy, ông “hét” tiếp:

    - Các anh được cha mẹ, ông bà... cho ăn no, rồi vác thân tà tà ung dung “đi học đi hành” hay lắm. Tốt lắm. Giỏi lắm! Sung sướng lắm. Mà các anh không biết nương thân, còn bày đặt tụm trăm tụm ngàn rầm rộ biểu tình, biểu tọt, phản đối la hét, chống báng nọ kia ầm ĩ. Các anh có biết không: Vì các anh ưa náo động, ưa dợt le, ưa làm ta đây là người khôn ngoan giỏi giang am tường hết mọi vấn đề chính trị. Các anh lên mặt ta đây rành đời, muốn dạy đời... nên các anh thường quấy rối, quậy phá lung tung, bạo động ở ngoài xã hội muốn bình an kia. Vì vậy, chúng tôi ở đây mới bị các anh “chẳng đi học lại đi hành”, bắt chúng tôi ở trong quân đội phải cắm trại ngày đêm liên miên. Rõ không? Bây giờ, các anh đã vào đây rồi. Chúng tôi sẽ cho các anh biết: Thế nào là lễ độ. Đâu là kỷ luật sắt trong quân ngũ... nà! Nào. Chuẩn bị. Các anh hãy chạy theo tôi.
    Thế là ông ta chạy trước rõ nhanh. Các khóa sinh Không-quân tuần tự lúp xúp chạy theo sau lưng ông. Cứ thế mà chạy. Vừa chạy, ông ta vừa hét to:
    - 65...
    Các sinh viên sĩ-quan phải cố "gào lên" to hơn:
    - Khỏe.
    Cứ thế, "tân binh" bị ông "hành hạ, tra tấn" cho đến quá mười giờ đêm. Có hơn một nửa khóa sinh đã ngất xỉu, họ nằm vật ra bên vệ đường. Chả có ai "ân cần" thương xót chăm sóc, giật tóc giật tai, tạt cho tí nước nôi vào người, cho tỉnh, hay cho ăn uống tí gì. Họ cứ nằm lì (y như trẻ con "nằm vạ" ra đó). Khi nào ai tỉnh dậy, thì tự động bò lết về sân. Còn Hành sao khoẻ đến thế nhỉ? Mặc dù lúc đó anh ốm nhom. Có lẽ do hồi trước ở Đà Lạt, anh phải đi bộ rã gối rã giò nhiều, ngày ngày có ít nhất là ba bốn lần anh đi lên đi xuống: từ trong đại học, đi ra phố, về nhà. Đi hoài, nên Hành đi bộ quen chân rồi chăng? Chả rõ. Chỉ biết là Hành nhìn vào cái lưng của thằng khóa sinh chạy trước, cứ thế mắt nhắm mắt mở, anh cắm đầu chạy riết, sau cùng Hành cũng mệt bá thở.

    Cho đến khi hơn hai phần ba những anh bạn kia đã "rụng rời tả tơi". Ông ta mới cho mấy anh chạy khật khưỡng, lẻo khoẻo dừng lại. Tất cả về tập trung ở sân cỏ. Ông ra lệnh cho từng cặp đi qua nhà kho (kế bên dãy nhà khóa sinh). Khóa sinh phải tự túc khiêng giường, tủ, bàn, ghế. Trời đất! "Chúng tôi" đang đói cồn cào, và mệt lả người. Hành dật dờ đi khiêng đồ cùng với Vinh, vì cán bộ cho tự chọn hai người được ở chung một phòng, cùng đựng áo quần trong một cái tủ sắt, một bên là đồ dùng của mình, một bên kia là của Vinh. Lúc xong công việc đã hơn nửa đêm, Hành càng mệt muốn đứt hơi thở, đói cồn cào mà không thể ăn uống nuốt trôi thứ gì. Vậy mới thấy thương Vinh, chắc chắn Vinh rất mệt và đói run người, vì đã nhường phần cơm buổi trưa ngon bá cháy lại cho mình.

    Những ngày thụ huấn đầu tiên thì ôi thôi, bị phại lia chia. Hình phạt ở đây hầu hết có tác dụng của việc huấn luyện thể chất khoẻ mạnh, cường tráng như: "nhảy xổm", "hít đất", "tấn công", "đi vịt", "bò", "lăn". Trong phòng ngủ cán bộ mang găng tay trắng tinh, họ tìm kiếm những chỗ ngóc-ngách mà quệt vào. Thử hỏi làm sao chả có tí bụi chớ? Cứ thế, họ lầm lì, lạnh lùng rút trong túi áo của khoá sinh ra một tờ giấy: Ghi phạt vào chiều Thứ Bảy. Bị phạt, thì trong vòng chừng vài giờ từ trong phòng: khoá sinh ấy chạy lên sân, các bạn "bị kỷ luật" phải thi hành bất cứ lệnh phạt nào. Nếu ai làm sai, là bị phạt hít đất. Có những lệnh trớ trêu buồn cười lắm. Như cán bộ hét:
    - Anh về phòng mặc ngược áo treillis. Mặc trái quần kaki. Một chân bên phía mặt mang botte de saut. Một chân bên trái mang giày bata. Các anh bị phạt chỉ có mười phút, để thi hành.

    Mệt ơi là mệt, nhưng rất vui. Khi ra lệnh, thì cán bộ hét oang oang, to muốn điếc con ráy. Nên các bạn ở trong những phòng khác đều nghe rõ. Thế là sinh viên sĩ quan ở chung phòng hoặc cùng dãy với bạn ấy, nếu ai không bị kỷ luật, họ liền chạy tới tận tình giúp người bị phạt làm thật nhanh. Nghĩa là họ sắp xếp sẵn sàng đầy đủ mọi thứ. Anh bị phạt kia lo chạy về phòng, nhờ có bạn phụ giúp mặc đồ, gài nút áo, mang giày, thắt dây giày, như thế mới kịp. Thử hỏi, nếu không có sự yểm trợ của bạn đồng môn rất "biết điều" trong phòng giúp đỡ mặc áo, xỏ quần, mang giày, vân vân...; thì làm sao kịp chớ!? Vậy mà khi anh chạy lên tới nơi, cũng bị phạt năm mươi cái hít đất. Hành trợn mắt hả miệng thở, mệt hộc xì bơ.

    Mãi về sau nầy Hành mới biết vì Vinh to con, đẹp trai và khỏe, học khá giỏi. Tính tình Vinh đàng hoàng, dễ thương. Cán bộ thấy nó “có uy, có thớ, ngầu” như thế, nên họ ưa “ưu ái chiếu cố chăm sóc hai chúng ta". Họ "siêng năng" tới phòng "hỏi thăm sức khỏe bạn và tôi"! Vô tình ở chung với Vinh, Hành cũng vướng vào cái thảm hoạ bị "trù dập tả tơi, bị đì tới bến". Khi khổng khi không hai đứa vô cớ bị phạt "dã chiến" hoài. Nghĩ cũng tức bực vì sự vô lý ấy, mà mình đành nín khe, im re chịu trận xin tuân phục theo “cái đức vâng lời" là thượng sách mờ. Thì ra, trong quân trường họ cố rèn luyện cho khoá sinh lấy "đức vâng lời" làm điều tiên quyết. Bất kể "lệnh lạc" đó ra sao, có đúng, sai, dị hợm hay nực cười! "Thi hành trước, khiếu nại sau" mà! Những lần sau khi bị phạt chung, toàn khóa sinh thường thì thầm bảo nhau:
    - Khi tụi mình chạy qua khu sinh-viên sĩ-quan đàn anh đã ngủ. Tụi bây nhớ quay vào phòng của họ, mà gào lên cho thiệt to, thiệt dài. Nghen:
    - Sáu mươi lăm ... lăm ...
    - Khỏe.
    - Nhớ chưa?
    Cứ thế, khóa sinh Không-quân quay mặt vào cửa phòng ngủ của cán bộ, hết sức gân cổ hét la thật to. "Chúng tôi" ở ngoài sân, nghe còn muốn điếc con ráy. Thế là có kết quả ngay. Có mấy ông cán bộ "coi sóc" sinh viên sĩ quan "bự" hơn, (là Đại Niên Trưởng) đã kêu cán-bộ Đại-đội-Trưởng lên la mắng, rầy rà:
    - Nè. Có phạt tụi nó. Thì phạt ban ngày. Còn ban đêm, thì để cho "ông" ngủ nha.

    Hành không thể nào quên về thời kỳ “Huấn Nhục” nó cay đắng… mà thi vị lắm! Cũng tựa như cái sự cay của ớt, cái chua của chanh, cái mặn ngọt của tương; để làm cho tô phở ngon, thêm đậm đà hấp dẫn! Ới nầy! Các em gái hậu phương hỡi! Chắc các em ưa đứng ở ngoài hàng rào của quân trường Không-Quân Nha Trang để… “ngắm nghé” lom lom len lén dòm ngó quý anh ha! Các em sẽ lạ lẫm với hai tiếng “Huấn Nhục” lắm, phải không các em? Anh nghĩ lại cũng thấy mục đích cao cả, và tuyệt diệu của việc nầy đấy.
    Người ta đã cố tình huấn luyện cho mình hiểu: "Kỷ luật là sức mạnh của quân đội" là như thế nào! - "Trên" ra lệnh, là "Dưới" răm rắp nghe, và thi hành! Chứ lỡ mà khi các anh ra trận, thì không ai có thời gian tỉ mỷ giải thích nầy nọ đâu em. Họ chỉ cần thuộc cấp phải lắng nghe, tuân phục, chấp hành lệnh ban ra thôi! Nào, anh kể sơ sơ như vầy... là các em sẽ hiểu, mà không cần giải thích nha. Các em hãy ngồi bên, nghe anh tâm tình nè: Các em có biết không? Một ông niên trưởng nọ tự dưng đứng trước một chàng khoá sinh, hỏi:
    - Nầy, ông cao bao nhiêu vậy ông?
    - Dạ, 1 mét 68.
    - Thấp vậy mà cũng vô Không Quân ha. Hai mươi cái hít đất đi ông.
    Có một ông... "gian ác" khác, cầm trái ớt hỏi một khóa sinh:
    - Trái gì đây ông?
    - Dạ, trái ớt.
    - Tầm bậy! Đây là trái chuối. Mười cái nhảy xổm đi ông.
    - Ông nói lại coi, đây là trái gì?
    Anh khoá sinh ngán quá, trong bụng chưởi thầm, nhưng cũng ráng “thưa”:
    - Dạ, trái chuối.
    "Ngài niên trưởng" cười cười:
    - Trời đất! Nó là trái chuối à, vậy thì ông ăn hết, xem nó có ngọt không ông?

    Bắt buộc là chàng khoá sinh đứng thộn ra ăn nguyên trái ớt, không dám nhăn mặt cãi lệnh à! Đó! Các em hiểu thế nào là “Huấn Nhục” chưa? Nhiều cái tức cành hông, tức như bò đá; mà ở đây các anh không cần biết lý do; để lý giải, hay lập luận gì hết!? Ba cái tự ái vặt của đời sống dân sự, sự cải lý của chàng học sinh, sinh viên xưa kia sẽ gân cổ lên ha. Nhưng khi các anh đã vào đây rồi: là đồ bỏ, anh ta không được ngóc đầu dậy rông rống, chỉ chỏ, la ó, phản đối, biểu tình ở trong quân trường. Các em à! Có nhiều trò “Huấn Nhục”... "quái chiêu" hơn, ác liệt hơn! Nghe mà ớn. Anh đồng ý với quý anh em là: “cái gì vừa vừa... phải phải..., là nó rất hay”... Có mấy "cha" niên trưởng vô ý, hay có tâm "xà", tự chế ra những hình phạt: làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, hoặc gây thương tật cho sinh viên sĩ-quan, là không nên, không thể được. Về phía dã chiến (từ một ông vua dã chiến), thì anh khoái cái trò mỏi lưng, đau đầu gối:
    - Lấy que tăm xỉa răng đi đo chu vi sân phạn xá.
    Cán bộ lại còn hù:
    - Đo cho đúng vào, nghe không. Trước anh, đã có nhiều người đo rồi. Nên tui đã có con số đo sân nầy rõ rệt. Nghe.
    - Cầm muỗng cà phê đi băng qua sân, hứng nước. Rồi trở lại băng sân, đỗ nước vào bi đông.
    - Chuyện sau nầy thì mình càng không mấy vui: để ngón tay lên mui nap-rocket, (hình mui tháp ngang đầu gối), rồi chạy xung quanh… Mẹ kiếp! nghĩ lại còn muốn mữa!
    - Bắt khóa sinh đứng nhìn mặt trời giữa trưa nắng. Nhẹ nhàng đấy, nhưng "cha nội niên trưởng" nầy có hiểu không, chúng tôi sẽ bị “mù”: dân phi hành cần phải bảo trọng cặp mắt quý giá đến dường nào!
    - Cái trò nửa đêm mưa bắt khóa sinh vừa hít đất, vừa nhìn bóng đèn. Cũng không vui, sẽ bị hư “đôi mắt phi tiêu” như chơi.
    Lương vẫn nói:
    - "Lễ độ" cái con... khỉ! Từ ngày có cái Liên Đoàn sinh viên sĩ quan, mới có người nghĩ ra "nghi thức" tiếp đón tân SVSQKQ: ngày vào quân trường mẹ như thế chớ. Theo tập tục từ các quân trường lớn, lúc khóa sinh ngồi trên tàu thủy vừa hết say sóng, thì liền bị quý niên trưởng cho thử sức với bão táp quay cuồng, dồn dập, liên tục... “phờ người”, chớ chẳng phải chơi. Có nghe khóa sinh xì xào tâm sự nhỏ to với nhau vào những phút giây cho nghỉ xả hơi, ta mới thấy được bản lĩnh của từng người; ôi thôi: hỉ, nộ, ái, ố: có đủ cả; đứa thì lấy làm vui khi thấy thằng khác bị phạt. Đến khi tới phiên mình bị phạt, thì trong bụng không tức giận cũng ấm ức. Đứa nào có cái tướng dễ thương, là ít bị “quay dế”, thì trong lòng có cảm tình với đàn anh. Đứa nào có cái mặt thấy dễ ghét, là bị hành hạ liên tục, rồi sinh ra oán ghét.

    - Tại sao lại… "lễ độ” cái con khỉ? Ai đời thằng nhóc con mới bận áo lính chưa được bao năm, mà dám phùng mang trợn mắt, ra lệnh nọ kia với một "ông cụ già như Lương tui". Tui hơn nó cỡ mười tuổi đầu. Tôi mặc quân phục hơn nó cỡ chín mười năm, lãnh lương hơn nó hai ba bậc, mà tôi phải gọi nó là niên trưởng! Ôi thôi! Nói chơi vậy cho vui, và hàn huyên tâm sự xí thôi, chớ đó là tập tục cổ truyền từ phương Tây, rồi tràn lan sang phương Đông, nghi thức làm nên truyền thống: là phương pháp đào luyện bằng thực tiễn, là bàn tay điêu khắc ra "một thế hệ hào hùng, danh tiếng”, có lý tưởng, có tình huynh đệ chi binh mà. Nếu không có “lễ độ” trong quân ngũ, thì súng ống sẵn đó, khi tức giận lên, mình tự ái vặt, nổi nóng hừng hực hơn lửa, không thể tự chủ, chẳng ai nhớ gì quy củ, kỷ luật trong quân trường; là mạnh ai nấy nổi giận, làm loạn, thì còn gì là kỷ luật quân đội và gia phong quân trường mẹ nưã! Phải không qúy vị?

    Ngay cả tên cán bộ phạt Hành nhiều nhất, hoá ra là thằng Thanh. Cứ đêm đêm, nó cố tình kêu Hành ra, phạt anh năm mươi cái hít đất. Thi hành xong. Hành rã rời ngất ngư, nhưng cố gắng đứng nghiêm chào, và la to:
    - Sinh-viên sĩ-quan Lữ Phi Hành… khoá 65... Thi hành lệnh phạt xong.
    - Có biết tại sao tôi ưa phạt anh không?
    - Thưa không.
    Thế là nó nhìn Hành cười cười, và cứ phạt anh ra hít đất hoài. Vì cái tội "không biết". Mãi về sau, khi anh gần đi Mỹ. Nó mới “hóm hỉnh” thố lộ:
    - Tôi là anh họ của cô bồ nhí xí xọn của anh đây. Thấy bộ dạng anh coi công tử bột, dễ ghét, đã vậy anh cùng nhóm sinh viên ưa đi quậy tưng trời, biểu tình biểu tọt… ở ngoài vòng rào kia. Anh không “đi học”, mà anh “tưng bừng đi hành”… thì khi anh vô đây, tôi cứ “hành” tội, phạt anh chơi. Vậy có được không!?
    - Trời đất.
    *
    Tình Hoài Hương


    Mời độc giả xem tiếp chương sau
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  5. #5
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default THH xin cam ơn

    Trích Nguyên văn bởi AcDieu225 View Post
    Cám ơn THH/AUD.



    THH xin kính chào anh AcDieu225 thân mến,
    THH chân thành cám ơn anh AcDieu225 đã vui lòng ghé vào đọc: Truyện Dài... và ghi lời nhẹ nhàng cám ơn hiếm quý, khiến tôi xúc động.
    Quả thật là lâu lắm, quá lâu rồi không hân hạnh gặp anh trên HQPD! Anh AcDieu225 && và hiền muội có khỏe không ạ?
    Tình thân,

    THH
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  6. #6
    AcDieu225's Avatar
    Status : AcDieu225 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Apr 2013
    Posts: 13
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Kính THH/AiUuDu: Cảm ơn Giời mọi người đều bằng an đấy THH. Lâu lâu tạt vào HQPD để giải trí và đọc thông tin bạn bè cho qua ngày. Thanks THH!

Trang 1/9 123 ... cuốicuối

Similar Threads

  1. Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...
    By Tinh Hoai Huong in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 273
    Bài mới nhất : 09-01-2020, 10:31 PM
  2. Trả lời: 27
    Bài mới nhất : 04-03-2020, 04:58 AM
  3. Góc Thơ VUI Tình HOÀI HƯƠNG
    By Tinh Hoai Huong in forum Vui cười
    Trả lời: 136
    Bài mới nhất : 08-22-2019, 06:04 PM
  4. Huấn Luyện Khỉ Hái Dừa
    By hieunguyen11 in forum Video, clip ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-24-2014, 06:40 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •