Huấn Luyện Phi Hành
Phần Thứ Ba
Chương 30

Vĩnh Biệt Chiếc F 5 tại hồ Xuân Hương Đà Lạt
Một câu chuyện có thật đã xảy ra năm 1974
Tình Hoài Hương
*



Từng cuộn mây trắng bồng bềnh trôi trôi, mây như đoàn thuyền con nhấp nhô trên sóng nước đang quỳ gối in bóng xuống mặt hồ Xuân Hương phớt xanh. Sương phơi phới rải rác đó đây nhã từng cụm dày là đà bay bay, như cô thiếu nữ xuân-thì khoát tấm áo lụa mỏng manh. Đôi khi mây chuyển thành màu ngà, trở qua màu hồng thắm pha trộn chút ngai ngái ươm vàng, rồi ánh bạc lấp lánh từng dãi dài. Đứng trên lầu nhìn ra hồ, Hạnh ngẩn ngơ ngó từng cụm mây bay, giống như bà tiên xõa tóc huyễn hoặc đứng trên đồi tuyết vào cuối tháng hai năm 1974.

Bỗng nhiên có một tiếng nổ gầm rú to kinh khủng ngân rền như những nhịp sấm, làm rúng động, quằn quại cả bầu trời trong xanh và cao mênh mông. Giây lát sau kèm theo một tiếng nổ long trời lở đất vang đinh tai nhức óc. Hạnh tưởng chừng như núi Lâm Viên đã sụp, hay vũ trụ tận diệt. Đúng lúc kinh hoàng ấy có những tiếng xì xì, xẹt xẹt vút vút bay trên đồi Cù (đối diện nhà cô), kèm theo tiếng nổ phụ khác to to rền rền không kém tiếng nổ ban đầu. Mấy cửa kính, cửa sổ, đồ đạc bằng thủy tinh trong nhà tự động nhảy xuống đất, bể loảng xoảng. Gió lùa vô mấy khung cửa bể, khiến mùng màn trong nhà lồng lộng bay phất phới.

Hạnh giật nẩy mình, hai tay đang bưng thau nước (để tắm cho bé Hoàng) đã rơi xuống đất, nước văng tung toé lênh láng trên nền gạch, văng ướt hết quần áo cô. Chú bé hai tháng tuổi ngủ vùi đã khóc thét lên. Hạnh vội chạy đến ôm chầm con trai. Mọi người trong thành phố trong khu Hạnh ở đều nhốn nháo, thất thanh, hốt hoảng, họ la hét tướng lên gọi nhau không dứt, họ hỏi thăm đã có chuyện gì xảy ra vậy, họ ơi ới kêu rống rõ to, giống như con heo, con bò, con dê trong ba toa bị chọc huyết. Chỉ non mươi lăm phút sau, Hạnh nghe nhiều tiếng còi xe cứu thương hú inh ỏi, vang dội mấy góc phố. Phút chốc người nhà đi chợ về báo tin:
- Có một chiếc máy bay rớt ở ngoài hồ Xuân Hương. Mọi nẽo đường bị chận lại hết.
Thôi chết rồi, bây giờ là lúc tan trường, các con phải đi bộ về ngang qua cầu Ông Đạo. Làm sao đây hở Trời? Vô cùng lo lắng, ruột gan nóng như lửa đốt, Hạnh quá sợ hãi, run lập cập, cô vội vàng trao con út cho mẹ chồng, nhờ me trông coi. Thay bộ đồ ướt, mặc thêm hai áo lạnh, Hạnh run rẩy lần từng bước thấp bước cao, khi chạy, khi đi, miệng không ngớt lâm râm đọc kinh cầu nguyện. Từ nhà Hạnh đi bộ đến bờ hồ, tới nhà hàng Thanh Thủy chỉ mất năm phút. Vừa vòng ra đầu ngỏ đường Cộng Hoà và Võ Tánh, gần khu toà tổng Giám-mục, thì Hạnh đã thấy hàng hàng lớp lớp người đông nghìn nghịt chạy lui chạy tới lố nhố. Kẽ la người hét ồn ào hơn vỡ chợ, đường ven hồ bị niêm phong bởi nhiều vòng kẽm gai.

Quân-cảnh, Cảnh-sát Dã-chiến, Biệt-đội phòng vệ thị trấn tay bồng súng, miệng luôn thổi còi báo động. Họ giải tán mọi người tò mò muốn đến gần ven hồ Xuân Hương, để nhìn cho tỏ tường. Hình như các biện pháp an ninh đề phòng, đều không thể ngăn chặn được làn sóng người hiếu kỳ mỗi lúc một kéo dồn về khu vực bị tai nạn hết sức đông. Tất cả xe đạp, xe gắn máy, xe lam, xe ngựa, xe hơi, đều bị cấm vô khu vực cầu ông Đạo, người đi coi cứ đứng ù lì ra, không thể nhúc nhích cục cựa. Mặc kệ! Ai muốn la khàn cổ, cứ la. Ai muốn chưở̉i cứ chưở̉i. Người ta vẫn ùn ùn xô đẩy nhau đi xem càng lúc càng đông nghịt, dường như điếc không sợ súng, cứ chen lấn xô đẩy nhau mà coi… "cho đã".

Hạnh run như cầy sấy, lo sợ tột đỉnh vẫn hiếu kỳ cố chen vai thích cánh với những người đi bộ san sát nhau. Bên kia dốc đường Lê Đại Hành đã bị xe cảnh sát chận ngang, họ không cho dân vô thành phố, và khu chợ hoặc đi lên phố. Nội bất xuất, ngoại bất nhập rồi. Hạnh khiếp đảm, kinh hoàng, rụng rời bãi hoãi thân thể, cô đứng chôn chân xuống đất nhìn mặt hồ Xuân Hương tù hãm. Nước mắt cứ trào ra, mặc dù không chủ định khóc.

Hạnh đứng thừ người nhìn xuống hồ Xuân Hương. Úi trời đất qủi thần ơi! Một cảnh tượng vô cùng hãi hùng đã phơi bày ra trước mắt: Mặt hồ thường ngày trong xanh dường bao, ta có thể soi rõ bóng mình dưới làn nước xanh biếc im sóng, vậy mà nay hồ trở thành một đầm lầy, bầy nhầy đất bùn sền sệt, sủi bọt lăn tăn to, nhỏ, đủ kiểu, vô số bong bóng cứ đứng yên một chỗ “sụt sịt” không bể tan. Dầu nhớt, xăng máy bay lênh láng, khói đen là đà vần vũ trên mặt hồ, mặt nước bầy nhầy từng miếng thịt vụn, thịt mỡ, từng khúc ruột trắng lòng thòng, thịt tươi dính rong rêu, bùn đất, từng cánh tay, lóng chân, giày, dép, mũ, nón, đủ thứ, vân vân… loạn xà ngầu tròng trành lờ đờ trôi đi, trôi lại trên mặt hồ sùi sụt sủi tăm.

Ngay chính giữa hồ, nửa cánh bay của chiếc phi cơ F 5 lâm nạn chĩa thẳng lên trời, thân phi cơ nhấp nhô khỏi mặt nước đen ngòm, đuôi phi cơ chổng kềnh nhô cao lên khỏi mặt hồ, phi cơ đã cắm phập xuống đáy hồ, không hiểu sao phần đầu phi cơ lại bức thân mà bay vụt lên phía sân Cù, cắm phập xuống đất? Hạnh không thể nào hiểu nỗi tại sao? Đó là nguyên nhân mà cô đã nghe có tiếng nổ phụ lần thứ nhì (liền sau khi nghe tiếng nổ to kinh khủng đầu tiên). Ngẫm nghĩ thì người dân ở trong phố hết sức may mắn! nếu nguyên cả chiếc phi cơ, hoặc chỉ một cái đầu của phi cơ thôi, mà vô phúc rơi đúng vô khu vực phố Hoà Bình, hay rơi vào khu chợ mới, thì coi như người dân sẽ chết vô số kể! Xin cám ơn Thượng Đế vô ngần.

Xe cứu thương lo cấp cứu thương nhân vẫn hú còi inh ỏi, xe tới tấp chạy lên bệnh viện Đà Lạt. Trong chớp nhoáng Ty Thông Tin Đà Lạt làm loa phóng thanh dã chiến móc tạm trên mấy cột điện, tiếp tay với Cảnh-sát, Biệt-đội phòng-vệ Tỉnh/Thị-xã giữ gìn an ninh trật tự, họ luôn kêu gọi đồng bào hãy tản mác ra, ai về nhà nấy, hay có ai đã chứng kiến từ đầu các sự kiện xảy ra, hoặc muốn tìm thân nhân; lạc người thân, hãy đến ở sân bến xe đi các Tỉnh gần đầu hồi mấy dãy nhà ấp Ánh Sáng (có hai cái bàn làm trạm cứu nguy đặt tạm ở cây xăng Shell,) ngỏ hầu khai báo hoặc tường trình các sự kiện.

Trên trời, bây giờ có chiếc bà già L-19, luôn bay lượn vòng vòng. Một chiếc trực thăng đã hạ cánh xuống đồi Cù, khu vực nầy hoàn toàn bị cô lập. Mấy phi công Mỹ lúi húi tháo cục bạch kim. Hồi sáng, không hiểu sao có người nói tiếu lâm, chẳng biết họ đùa hay nói thiệt:
- Có lẽ cánh quạt của chiếc F 5 quay tít, đã chém chết một em bé chăn bò, một con bò, và làm bị thương mấy con bò gặm cỏ trên đồi Cù.
Liền có một thanh niên đốp ngay:
- Con bò chết là phải. Đúng là… ngu như bò.
- Tại sao?
- A37 và phản lực F5 - thì không có cánh quạt.
- Vậy, F5 nó giống tàu bay giấy à?
- Đừng "hỏi xỏ" như vậy! Nghe nè: Phản lực bay được, là nhờ có động cơ phản lực nó đẩy máy bay, nên bay lên được.
- Vậy mà tui tưởng đã gọi là máy bay, thì phải có "chong chóng" chớ.
- Ừ, thì cũng có loại máy bay như trực thăng, thì có cánh quạt trên lưng. Các loại khu trục AD6, quan sát L19... thì có cánh quạt trước mũi. Các loại khu trục AD6, quan sát L19, vận tải C47, v.v... đều xài động cơ nổ. Động cơ nổ là nó dùng xy lanh (như xe hơi là động cơ nổ). Trực thăng UH1 cũng dùng động cơ phản lực, nhưng nó có cánh quạt trên lưng nữa, vì vậy có thể gọi nó là bán phản lực; nghiã là ½ phản lực.
- Ngộ quá hén! thiệt là tui... có "chong chóng mặt...” vì - do "tàu bay" mà con bò bị chết!
- Ừ... Thì con bò chết vì... ngu như bò!
Mình cũng hiểu thanh niên kia ngụ ý chưởi khéo người nọ là "ngu như bò" mà cũng bày đặt "lên lớp đôi co". Nhưng thôi, hơi đâu nghe chuyện người dưng kia, không biết mà cũng chẳng rành. Theo thiển ý của Hạnh thì có lẽ do những vật nào đó trong bộ phận của phi cơ rơi trúng, hoặc do tiếng nổ kinh hoàng gây ra tức ngực đứng tim "mà chết". May quá, hôm nay là ngày thường, nên không có những cặp tình nhân ngồi rù rì hú hí dưới gốc thông trên sân Cù. Cám ơn Trời!
Ba dãy nhà bên ấp Ánh Sáng có nhiều mái tôn bị lột sạch mái, bay đi tứ tung tá lả. Căn nhà nào còn thì mái tôn cũng cháy đen, bị cuốn cong lại. Ôi thật hãi hùng. Nặng nề nhất là dãy nhà thứ ba ở gần ven suối, đa số gia đình khu ấy còn làm nhà bằng gỗ, lợp mái tôn thiết, là bị cuốn sạch, sụp đổ hư hại nặng nề khá nhiều. Vì dãy nhà thứ ba nầy nằm ngay dưới sức ép, sức nóng của đường bay đã sà xuống thấp lúc phi cơ lướt vút qua trên mái. Có những mái nhà, vách ván, giống như miếng bánh tráng bị nướng cong phồng rộp lổm chổm, cháy đen. Những hàng cột cháy trụi, nhà bị sập, hay còn lại bức tường vách chông chênh. Trông thật ngao ngán. Chắc chắn là sẽ không ít người bị thảm nạn.

Hạnh, xem phi cơ rớt đã đời xong, cô mới sực nhớ tới chú con trai đầu lòng là bé Dzũng học giáo lý ở bên nhà thờ chính toà (cư dân địa phương thường gọi nhà thờ “con gà”). Hạnh cố chen lấn, len lỏi, lùi ra xa, vất vã lắm cô mới tìm lối thoát ra khỏi vòng người ngoài cùng. Thế là Hạnh đâm đầu chạy một mạch về phía đường Cộng Hoà, Phan Bội Châu, phố Hòa Bình vắng như chùa bà Đanh. Hạnh chạy ngược trên đường Thành Thái đến rạp ciné Ngọc Lan.
Cô không nhớ là mình có tiền trong túi để nhảy lên xe lam, hay ngồi xe taxi đi đón con cho lẹ. Hạnh cứ cắm đầu, cắm cổ chạy một mạch xuống đường Cường Để, chạy lên dốc Bà Triệu, chạy trên đại lộ Yersin tới sân banh cuả Cảnh Sát, là tới nhà thờ. Hai chân bắt đầu run, cô ngồi phịch xuống trên lề cổng đá của nhà thờ, thở hổn hển. Khi bớt mệt, Hạnh vô trong nhà thờ vắng lặng chưa thấy các em học sinh, Hạnh lo lắng dáo dác nhìn quanh, thì cha phụ trách lớp giáo lý từ mái vòm hội quán đi ra báo tin lành:

- Bình yên cả. Lẽ ra, tôi cho các cháu về đúng giờ. Nhưng không hiểu sao hôm nay tôi cho học sinh về chậm mất một giờ, nên chúng thoát nạn. Những cháu nào cư ngụ ở ngoài phố, thì đi tắt về lối Lục Lộ, để qua cầu Bá Hộ Chúc, mà lên phố.
Hạnh cám ơn cha. Vô cùng tạ ơn Chúa! Lòng khấp khởi vui mừng, ngẩn ngơ. Cha phụ trách đã bỏ đi lúc nào không rõ. Hạnh vội chạy về nhà, lúc nầy cô mệt kinh khủng! Khắc khoải lo sợ mà chạy bộ cả buổi, do vừa sanh con mới non tháng, nên hai chân run rẩy, dường như cô choáng váng muốn nghẹt thở, hụt hơi, tim đập thình thịch, mệt sắp lả đi, buộc lòng cô phải đi từng bước ngắn, có khi Hạnh ngồi bừa lên lề đường, thở hổn hển nghỉ mệt thật lâu. Hạnh cố gắng lê từng bước rã rời về tới nhà. Đồng thời, lúc đó ở ngoài sân Thiện chân thấp chân cao vô nhà, anh thở hổn hển hỏi dồn dập:
- Em ơi! Các con về nhà chưa?
Hạnh quá mệt không thể thốt nên lời,cô chỉ nhìn anh gật gật đầu.
Dzũng, con trai lớn (thay cho mẹ) nhanh nhẹn đáp lời ba:
- Dạ! Các con về nhà hết cả rồi. Ba yên tâm.
Đông đủ cả nhà mừng rỡ vô cùng. Không ngờ các con biết tìm lối về, khôn ngoan đến thế! Vậy mà, Hạnh quá run sợ lo lắng cho các con sẽ có bề gì... Hay bị kẹp cứng giữa làn sóng người đông đúc. Các con dưới chín tuổi, nếu không bị kẹp cứng trong đám đông người hơn kiến, thì con sẽ bị nghẹt thở, bị người to lớn dềnh dàng xô đẩy, dẫm đạp lên đầu lên cổ, tất bẹp dúm ra! chết là cái chắc. Tạ ơn Chúa! Hạnh thấy bé Dzũng ngồi trên giường toe toét cười, con kể lại chuyện đi về nhà cho bà nội, và mấy đứa em nó nghe:
- Học và tập dợt xong. Đáng lẽ là cháu về rồi. Nhưng cha phụ trách gọi các cháu ở lại, cho tụi cháu ăn bánh và uống nước ngọt. May quá! Nếu cha không kêu tụi cháu ở lại, thì đúng lúc đó là cháu đã đi về tới ngang cầu ông Đạo rồi.
Hạnh mừng rỡ đến ứa nước mắt, dịu dàng hỏi con trai:
- Sao con về nhà an toàn được vậy?
- Dạ, tụi con đứng ngoài sân nhà thờ, thì thấy có ngọn lửa đỏ rực toả xịt từ trên trời bay ra, rồi khói mù mịt kéo dài từ hướng Cam Ly chạy tới hướng bờ hồ, cả tiếng động gầm rú, quái lạ từ trên trời nghe rất điếc tai. Cha biểu tụi con lủi chạy vô núp dưới căn hầm nhà thờ, nằm xuống nền nhà ngay. Nhưng tụi con chỉ kịp chạy vô tới ngang cửa căn hầm, là nghe mấy tiếng nổ to lắm. Nhà thờ rung rinh quá sá, cửa kính bể hết ráo. Tụi con nằm im một hồi lâu không nghe gì nữa, thì cha cho tụi con đi về nhà gấp. Con đi xuống khu Lục Lộ về phiá cầu Bá-hộ Chúc, vì bị cấm không cho đi qua cầu ông Đạo. Con khóc rống lên vì sợ quá.
Bé Tuấn cũng góp chuyện:
- Con ngồi viết bài trong lớp (trường Đoàn Thị Điểm). Nghe ầm ầm, tiếng động điếc tai, nổ to lắm. Trong lớp con rớt cái la phông và bảng đen, cửa kính bể hết. Bụi đất, gạch cát bay rào rào trên đầu tụi con. Thầy Tu nói tụi con chui vô gầm bàn, nằm úp mặt xuống đất, hai tay lấy cặp bưng đầu, tụi con nằm như vậy lâu lắm. Thầy đi đâu đó, rồi trở vô lớp, thầy nói “bị rớt máy bay ở bờ hồ”. Cả lớp chạy ra đứng trên sân rạp ciné Ngọc Lan coi. Đông lắm.
***
Xế chiều có tin ban đầu cho hay: Những người bị lâm nạn ở trên dọc hai bên bờ hồ, trên cầu Ông Đạo là do bị sức gió của phi cơ F 5 thần tốc ào ào cuốn mạnh, hút họ và quăng họ xuống hồ mất tiêu, ba cặp trai gái ngồi tâm tình bên gốc cây bách tùng. Sáu người bán dạo: Cà rem, kẹo kéo, bánh bò, khô mực, hột vịt lộn, vé số Kiến-thiết Quốc-gia. Bốn người ngồi câu cá rải rác ven mé hồ, gần nhà hàng Thanh Thủy, hoặc mé góc cầu Ông Đạo. Những người đi tản bộ, người ngồi xe lam, đi honda, xe đạp trên cầu Ông Đạo, những ai đi chung quanh khu vực hồ. Vài nguồn tin không hiểu có chính xác chăng, thế nầy:

* Tin thứ nhứt: Anh phi công lái phi cơ F 5 từ Sài Gòn lên vùng Cao Nguyên làm nhiệm vụ xong, phi cơ bị trục trặc kỹ thuật, không thể quay về Sài Gòn, chẳng may phi cơ lao rất mau từ hướng phi trường Cam Ly, vụt đâm đầu xuống hồ Xuân Hương?!
* Tin thứ nhì: Một sĩ quan pilot Việt Nam tên Toàn, có hôn thê ở ngay ấp Ánh Sáng, độ tháng nữa là họ làm đám cưới. Anh ta đi làm nhiệm vụ trên vùng cao nguyên xong, anh bay lượn mấy vòng tại “khu nhà em” dợt le… Chẳng may anh bay thấp, đà lướt quá trớn, nên phi cơ đâm đầu xuống đất?
Cô Minh có nhà ở dãy nhà thứ nhứt của ấp Ánh Sáng đã kể:
- Lúc đó, tôi phơi quần áo trước sân nhà, bỗng nghe những tiếng động vô cùng điếc tai, ào ào, gầm rú, gió cuồn cuộn bốc rác rưới bay thốc lên cao. Rồi một sức nóng kinh khủng, nóng tột độ từ trên trời phủ chụp xuống đầu rất mau. Kèm theo những khối lửa đỏ lòm, khói đen nghịt dài dài thành một đường từ hướng Cam Ly chạy về. Theo đà lướt rất sát của phi cơ, tôi bị xô chúi nhủi, nằm sấp, đập mặt xuống nền xi măng. Tôi cứ tưởng trời long đất lở. Tôi bị tức ngực, điếc tai, chảy máu đầu, đau đầu ghê lắm.

Bên kia lối Thuỷ Tạ có một chiếc trực thăng vừa đáp xuống bãi cỏ. Họ thả mấy người nhái ra, đồng thời xe GMC kéo mấy chiếc thuyền con tới. Cuộc tập trung mò kiếm chớp nhoáng bắt đầu. Hầu như tất cả người dân dự-kiến đều ngồi bất động xếp lớp chung quanh vòng bờ hồ đen nghịt. Mặt mày ai nấy đều tỏ lộ nét lo sợ buồn bã mà hiếu kỳ. Mấy “ngư ông” bắt đầu lên thuyền bằng mái chèo gỗ đi thật nhẹ, chậm chạp. Hạnh nghĩ họ không dùng thuyền máy, vì sợ máy nổ sẽ khua động sóng to, không vớt được những miếng thịt rữa nát ra chăng? Bốn anh thợ lặn đồ nghề đeo đựng đầy người nhảy ùm xuống hồ nước lạnh giá và hôi thối đất bùn. “Ngư thuyền” cầm cái vợt lưới to rộng vành có cây cán sắt khá dài. Một người khoan thai khua nhẹ mái chèo, một người khác cầm cây vợt lưới tìm vớt những miếng thịt vụn, những thứ vật lạ lềnh bềnh trôi, vân vân...

Đứng trên bờ, người ta có thể nhìn thấy bèo, lục bình bồng bềnh trên mặt nước ao tù, năm bảy miếng thịt vụn dính mỡ có từng chùm cỏ trôi đi trôi về, trôi vòng vòng loanh quanh gần trong mé bờ. Lập tức, người đứng sát ven bờ hồ la hét chỉ chỏ cho người trên ghe xem, họ đồng loạt bụm hai tay vô miệng, làm loa kêu to, ngoắt, vẫy tay lia lịa, cho bác “ngư thuyền” thấy, mà bơi đến “vớt cái xác vụn” tẻo teo kia lên. Họ “lượm được” thứ gì của “cố nhân”, họ liền bỏ vô bọc ni lông đựng trong mấy chiếc thau nhôm to. Họ từ từ chèo ghe vô mé bờ hồ, (phía gần nhà hàng Thanh Thủy).
Trong khi đó, những thân nhân của người lâm nạn, nằm vật vã trên các gốc bách tùng, các bãi cỏ, họ gào khóc thảm thiết vô cùng. Họ chẳng cần biết những cái bọc ni lông đó là thịt bầy nhầy của bà con thân nhân của họ, hoặc là của ai!? Cứ thế, họ ôm những bọc ny lông kia, mà vật vã gào khóc dữ dội rất buồn thảm.
Ngay tức khắc, xe thông tin bắt loa phóng thanh chạy cùng khắp đọc thông báo: ông Tỉnh Thị Trưởng Đà Lạt ra lệnh cấm:
- Cư dân không được dùng nước máy ở khu vực hồ Xuân Hương. Nhà máy nầy đóng cửa. Nhà máy nước Suối Vàng, hồ Than Thở, sẽ cung cấp nước cho toàn dân thành phố Đà Lạt.
Hạnh cúi đầu thầm thỉ:
- Thưa ông Tỉnh Thị Trưởng ơi! Thấy cảnh tang thương, rùng rợn kinh khủng kia, người dân Đà Lạt hiền lành đã sợ mất hồn mất vía, kinh thiên động địa, hồn xiêu phách tán rồi. Họ không lăn đùng ra dãy đành đạch mà chết bất đắc kỳ tử, là may thì thôi. Có mô dám ăn uống cái thứ nước bùn sền sệt, hôi tanh pha lẫn thịt thà, máu huyết không thể chịu nỗi chớ!
* * *
Tai nạn thương tâm đó đã xảy ra hơn một tuần rồi. Ấy thế mà mặt hồ luôn luôn sôi bọt bong bóng. Bọt bong bóng cứ hết bể bụp cái nầy, lại nổi lên đợt bong bóng khác, sủi bóng sì sụt hoài. Lúc nầy người hiếu kỳ đến xem thưa thớt dần dần. Họ chỉ tập trung vào mỗi buổi chiều nhàn hạ, khi mặt trời chưa gác núi. Riêng Hạnh dạy học mỗi ngày đều dẫn hai con trai đi ngang qua bờ hồ để tới trường. Chung quanh khu vực nầy bắt đầu có mùi hôi tanh thoảng lại rất khó chịu. Mẹ con cô luôn chứng kiến những cảnh thật đau lòng, thương tâm vô cùng, không thể nào cầm lòng mà âm thầm rơi lệ. Hạnh thấy những thân nhân (của người bị nạn) cùng nhau tụ họp lại ở ngay góc bờ hồ, phía bên đầu cầu Ông Đạo khu vô chợ Mới (mấy cây Tùng, gần quán Hạnh Tâm). Mở đàn cúng cầu siêu suốt tuần, họ đặt những hàng quách dài, mỗi quách độ bốn tấc để ở thảm cỏ sát ven đường, từ những quách nho nhỏ, họ đắp tạm nhiều bậc cấp bằng đất có trải tấm vải trắng dài thật dài (làm thành con đường từ ven bờ nước mà nối liền với những cái quách.
“Con đường vải lê thê tơ lụa khăn sô trắng” nầy tạo thành chiếc cầu giao cảm linh thiêng, ngỏ hầu chiêu hồn, kêu gọi những vong linh vô trong quách an nghỉ). Thầy cúng đến lập bàn thờ cúng vái suốt mười ngày đêm, khói hương nhang trầm nghi ngút. Thân nhân khóc than não nuột, tiếng khóc than rên siết không lúc nào ngưng bay lên trời cao. Thảm thiết lắm. Mủi lòng đau đớn vô cùng!

Sau mười ngày tụng niệm, một buổi sáng tinh sương khi đi ngang qua mé hồ, Hạnh chứng kiến họ cuốn tròn tấm vải ở dưới nước lên ven bờ hồ, để đó, thầy tu cúng xong, hai chú tiểu nghiêm trang tiếp tục cuốn từng tấm vải chậm rãi dần dần cuốn tới cái quách. Cuốn tấm vải của cái quách nào xong, thì họ bỏ hẳn tấm khăn vải trắng ấy vô trong quách đó, chỉnh tề, ngay ngắn. Mỗi lần cuốn cổ quách nào, thì có hai thầy cúng đứng hai bên tụng kinh. Thân nhân bò lết dưới đất vật vã, khóc rống lên. Thảm thiết vô cùng. Sau hết, thầy cúng cho người đóng kín cổ quách lại. Chở đi. Mặc dù người ta đi xem cuộc chiêu hồn đông vô số kể, nhưng mọi người im lặng cúi đầu quệt nước mắt xót thương. Đó là chút tình “tứ hải giai huynh đệ. Máu chảy ruột mềm. Thương người như thể thương thân. Bầu ơi! Thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống, nhưng chung một giàn”! Là vậy.

Mặt hồ Xuân Hương suốt mấy tháng qua vẫn sủi tăm, bồng bềnh những bèo bọt bong bóng nhớp nhúa. Bùn đất tráng lên mặt nước đen ngòm rờn rợn luôn thoảng mùi hôi thối, tanh rình, thúi kỳ lạ. Dầu, mỡ, xăng nhớt, cứ đọng lại từng khóm, ánh lên long lanh từng vệt loang dưới mặt trời đỏ chói trong lòng hồ. Không có cách gì tẩy uế hết. Thật ngao ngán quá chừng. Dù mỗi ngày, chuyên viên tháo gỡ phi cơ lặn xuống hồ tìm kiếm... đôi khi họ tha xương cốt thịt thúi lên từng ít một. Không ngày nào đi ngang qua khu vực cầu ông Đạo, Hạnh không khỏi bùi ngùi cảm động, xót xa… dù không muốn, cô vẫn vô tình nhỏ lệ, khóc sưng đỏ hai con mắt mà xót thương người dưng.

Cuối cùng trước mùa mưa, ông giám đốc nhà máy thủy điện phải mở những ngăn cửa đập ở dưới chân cầu ông Đạo, xổ hết nước trong hồ Xuân Hương cho nước chảy qua cầu Bá hộ Chúc. Con suối nhỏ uốn lượn chảy men đường phố Cường Để, rồi chảy tới thác Cam Ly, lẫn khuất trong rừng sâu. Hồ Xuân Hương đã lồ lộ ra chiếc phi cơ méo mó nhăn nhúm như trái táo khô, cụt lủn, mất đầu mất cánh, chỉ còn giơ ra khung sườn, mấy bánh xe trông vô cùng dị hợm khó coi! vô duyên xấu xí hết chỗ nói. Lòng hồ Xuân Hương trơ trẽn hắc ám phơi ra giữa lộ thiên, giơ đầy sự bẩn thỉu lên trời. Đáy hồ lổm chổm đụn rác rưởi ô tạp. Cỏ lác, cỏ năn, quyện chặt với xe đạp, vỏ xe hơi, xe honda. Rải rác xác xương súc vật. Tôm búng mình nhảy tưng tưng trên bùn sền sệt, ếch, nhái, cóc, lươn, cá lóc, cá trê, cá lớn cá bé phóng mình giãy giụa, đập đuôi bành bạch lủi thật mau trong sình lầy đặc quánh.

Dạo trước, ai ai cũng chỉ thấy bề mặt của hồ Xuân Hương duyên dáng, thơ mộng, tuyệt diễm, quyến rũ, tràn lan thi vị thơ mộng là thế. Nhưng không ai trông thấy bề sâu của lòng hồ. Nay, hồ Xuân Hương đã khác hẳn cách nhìn... và Hạnh nữa, cô thường tư lự ngước mắt lên không trung: để ươm mộng vàng, dõi mắt qua vạn sơn lâm tìm bóng chim bằng rong nghìn núi, hoặc toả rung ngàn nốt nhạc... mà mơ về dáng anh phi công nào… ở phương trời xa xôi lắm (!!!)

* * *
Tình HOÀI HƯƠNG