Remember ?

Trang 1/2 12 cuốicuối
kết quả từ 1 tới 6 trên 49

Tựa Đề: Huấn Luyện Phi Hành * Tình HOÀI HƯƠNG

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    AcDieu225's Avatar
    Status : AcDieu225 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Apr 2013
    Posts: 13
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Cám ơn THH/AUD.

  2. #2
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Anh KHÔNG QUÂN Cho Em Xin hai chữ… “Lễ Độ” !



    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần thứ Nhứt
    Chương 3

    Anh KHÔNG QUÂN Cho Em Xin hai chữ… “Lễ Độ” !
    Tình Hoài Hương
    ***

    Năm 1965... Hành mệt nhọc vác ba lô xuống bến tàu Cầu Đá. Đoàn Không-quân trong nhóm gồm có bảy mươi bốn sinh viên sĩ quan khóa sinh, cộng với mấy trăm tân binh Không-quân. Những đoàn xe GMC vù vù chở mọi người về căn cứ 12, thì hàng chữ: "Trung Tâm Huấn Luyện Không-Quân - Căn Cứ 12" đập ngay vào mắt mọi người.
    Con đường tráng nhựa khá dài, có lẽ dài đến bảy tám trăm mét chạy quanh doanh trại. "Vòng Cộng Hoà" sừng sững giữa các bãi cỏ xanh tươi. Nơi đây chuyên dành để sinh-viên sĩ-quan đàn anh sắp ra trường, sẽ tập trung đàn em khoá sinh lại, họ tha hồ "nhồi" cho tân khoá sinh có sức khỏe, kiên cường, nhẫn nhục, có sức chịu đựng dẻo dai trong quân đội. Cạnh đó, chưng bày chiếc máy bay F8F Bear Cat, loại phi cơ một cánh quạt tấn công của Pháp. Đồng thời chiếc máy bay nầy đã từng dùng để huấn luyện đợt phi công đầu tiên của Việt Nam.

    Câu Lạc Bộ có nhiều người đang ăn uống, nhiều người giải trí: đánh bida, pingpong. Phía trên kia là văn phòng điều hành khóa sinh, nơi làm việc của Đại-úy Trưởng-đoàn khoá-sinh. Văn phòng ông Thượng-sĩ Cơ Bản Huấn Luyện người Mỹ. Văn phòng đoàn cán-bộ sinh-viên sĩ-quan. Những khoá sinh đi trước Hành chưa được tuyển chọn đi du học, thường đề-bạt lên làm cán-bộ (Trung đội, Đại Đội, Tiểu Đoàn. Ai càng “thâm niên... phạn xá”, hi hi hi... thì cấp chức càng… bự). Vòng nhỏ là Vòng-Khóa-Sinh: tức là sân nhỏ giữa doanh trại. Mỗi cuối tuần có đám sinh viên sĩ-quan, khóa-sinh nào bị phạt, sẽ thi hành lệnh "dã chiến" là chính tại nơi nầy, sân rất lớn nằm ngay bên dãy nhà tiền chế theo kiểu ba-rắc của Mỹ, ở giữa là hai dãy nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng. Phía trên là văn phòng để điều hành khóa sinh.

    Bạn chung khóa sinh với anh gồm đủ mọi miền, đủ thành phần, đủ hoàn cảnh. Họ cùng quy tụ về dưới mái trường Không-quân-Mẹ: Vừa thất thểu qua khỏi cổng trường, tất cả khoá sinh được tách riêng ra, xếp hàng ngay ngắn, chờ điểm danh. Tân-binh được hướng dẫn viên cho đi thẳng xuống khu nhà đằng phía xa xa kia. 74 khoá-sinh sinh-viên sĩ-quan Không-quân thì ghé lại trước cổng trường. Sinh viên sĩ-quan vác ba lô đi vào giữa sân. Đầu tiên, khoá sinh xếp hàng theo thứ tự cao, thấp. Những anh nào cao lêu nghêu, thì đứng trước, đứng trên. Những anh thấp bé chút đứng dưới, đứng sau, (chi lạ ha, Hành cứ tưởng là ai thấp, lùn, ốm o… thì phải đứng trước, đứng trên, thì mình nhìn mới “thấy đường” chớ! Ai dè... lại tréo cẵng ngỗng thế! Thiệt tình! Hành thấy một sĩ quan huấn luyện rất cao lớn, to con gần giống như người Mỹ to bự chảng vậy. Khi ông ta mở miệng ra, mọi khoá sinh nghe mà phát khiếp! Giọng nói ông ta tốt, sang sảng, rổn rảng, oang oang. Hành nghĩ không phải là giọng nói, mà giống như là giọng ông ta gầm hét quá to như cái trống làng (chả cần dùng loa liếc phóng thanh phóng tháo gì, cho mệt):
    - Các anh. Có ai là sinh viên đại học. Hãy bước ra khỏi hàng. Đứng qua bên phải đây.

    Trong bụng Hành mở cờ reo vui, thích thú, hân hoan, sung sướng thầm nghĩ: "Chà! Oai nhe! Le lói nhe! Đã nhe, sung sướng, ưu đãi nhe! Chắc là đám sinh viên nầy được phè phỡn ưu tiên nhe. Khỏe re như con bò kéo xe à nhe". Hành cùng một nhóm nhỏ độ chừng sáu bảy tên, vội vàng hăng hái, hớn hở bước ra khỏi hàng, lẹ làng đứng qua bên phải. "Ông to con" kia hất hàm cho các cán bộ Trung-đội-Trưởng dẫn đám đông còn lại bắt đầu "chào sân". Nghĩa là cho “tân binh” bắt đầu chạy quanh Vòng Cộng Hoà. Sau hết, ông ta quay sang phía "bọn le lói" nầy, ông “hét” tiếp:

    - Các anh được cha mẹ, ông bà... cho ăn no, rồi vác thân tà tà ung dung “đi học đi hành” hay lắm. Tốt lắm. Giỏi lắm! Sung sướng lắm. Mà các anh không biết nương thân, còn bày đặt tụm trăm tụm ngàn rầm rộ biểu tình, biểu tọt, phản đối la hét, chống báng nọ kia ầm ĩ. Các anh có biết không: Vì các anh ưa náo động, ưa dợt le, ưa làm ta đây là người khôn ngoan giỏi giang am tường hết mọi vấn đề chính trị. Các anh lên mặt ta đây rành đời, muốn dạy đời... nên các anh thường quấy rối, quậy phá lung tung, bạo động ở ngoài xã hội muốn bình an kia. Vì vậy, chúng tôi ở đây mới bị các anh “chẳng đi học lại đi hành”, bắt chúng tôi ở trong quân đội phải cắm trại ngày đêm liên miên. Rõ không? Bây giờ, các anh đã vào đây rồi. Chúng tôi sẽ cho các anh biết: Thế nào là lễ độ. Đâu là kỷ luật sắt trong quân ngũ... nà! Nào. Chuẩn bị. Các anh hãy chạy theo tôi.
    Thế là ông ta chạy trước rõ nhanh. Các khóa sinh Không-quân tuần tự lúp xúp chạy theo sau lưng ông. Cứ thế mà chạy. Vừa chạy, ông ta vừa hét to:
    - 65...
    Các sinh viên sĩ-quan phải cố "gào lên" to hơn:
    - Khỏe.
    Cứ thế, "tân binh" bị ông "hành hạ, tra tấn" cho đến quá mười giờ đêm. Có hơn một nửa khóa sinh đã ngất xỉu, họ nằm vật ra bên vệ đường. Chả có ai "ân cần" thương xót chăm sóc, giật tóc giật tai, tạt cho tí nước nôi vào người, cho tỉnh, hay cho ăn uống tí gì. Họ cứ nằm lì (y như trẻ con "nằm vạ" ra đó). Khi nào ai tỉnh dậy, thì tự động bò lết về sân. Còn Hành sao khoẻ đến thế nhỉ? Mặc dù lúc đó anh ốm nhom. Có lẽ do hồi trước ở Đà Lạt, anh phải đi bộ rã gối rã giò nhiều, ngày ngày có ít nhất là ba bốn lần anh đi lên đi xuống: từ trong đại học, đi ra phố, về nhà. Đi hoài, nên Hành đi bộ quen chân rồi chăng? Chả rõ. Chỉ biết là Hành nhìn vào cái lưng của thằng khóa sinh chạy trước, cứ thế mắt nhắm mắt mở, anh cắm đầu chạy riết, sau cùng Hành cũng mệt bá thở.

    Cho đến khi hơn hai phần ba những anh bạn kia đã "rụng rời tả tơi". Ông ta mới cho mấy anh chạy khật khưỡng, lẻo khoẻo dừng lại. Tất cả về tập trung ở sân cỏ. Ông ra lệnh cho từng cặp đi qua nhà kho (kế bên dãy nhà khóa sinh). Khóa sinh phải tự túc khiêng giường, tủ, bàn, ghế. Trời đất! "Chúng tôi" đang đói cồn cào, và mệt lả người. Hành dật dờ đi khiêng đồ cùng với Vinh, vì cán bộ cho tự chọn hai người được ở chung một phòng, cùng đựng áo quần trong một cái tủ sắt, một bên là đồ dùng của mình, một bên kia là của Vinh. Lúc xong công việc đã hơn nửa đêm, Hành càng mệt muốn đứt hơi thở, đói cồn cào mà không thể ăn uống nuốt trôi thứ gì. Vậy mới thấy thương Vinh, chắc chắn Vinh rất mệt và đói run người, vì đã nhường phần cơm buổi trưa ngon bá cháy lại cho mình.

    Những ngày thụ huấn đầu tiên thì ôi thôi, bị phại lia chia. Hình phạt ở đây hầu hết có tác dụng của việc huấn luyện thể chất khoẻ mạnh, cường tráng như: "nhảy xổm", "hít đất", "tấn công", "đi vịt", "bò", "lăn". Trong phòng ngủ cán bộ mang găng tay trắng tinh, họ tìm kiếm những chỗ ngóc-ngách mà quệt vào. Thử hỏi làm sao chả có tí bụi chớ? Cứ thế, họ lầm lì, lạnh lùng rút trong túi áo của khoá sinh ra một tờ giấy: Ghi phạt vào chiều Thứ Bảy. Bị phạt, thì trong vòng chừng vài giờ từ trong phòng: khoá sinh ấy chạy lên sân, các bạn "bị kỷ luật" phải thi hành bất cứ lệnh phạt nào. Nếu ai làm sai, là bị phạt hít đất. Có những lệnh trớ trêu buồn cười lắm. Như cán bộ hét:
    - Anh về phòng mặc ngược áo treillis. Mặc trái quần kaki. Một chân bên phía mặt mang botte de saut. Một chân bên trái mang giày bata. Các anh bị phạt chỉ có mười phút, để thi hành.

    Mệt ơi là mệt, nhưng rất vui. Khi ra lệnh, thì cán bộ hét oang oang, to muốn điếc con ráy. Nên các bạn ở trong những phòng khác đều nghe rõ. Thế là sinh viên sĩ quan ở chung phòng hoặc cùng dãy với bạn ấy, nếu ai không bị kỷ luật, họ liền chạy tới tận tình giúp người bị phạt làm thật nhanh. Nghĩa là họ sắp xếp sẵn sàng đầy đủ mọi thứ. Anh bị phạt kia lo chạy về phòng, nhờ có bạn phụ giúp mặc đồ, gài nút áo, mang giày, thắt dây giày, như thế mới kịp. Thử hỏi, nếu không có sự yểm trợ của bạn đồng môn rất "biết điều" trong phòng giúp đỡ mặc áo, xỏ quần, mang giày, vân vân...; thì làm sao kịp chớ!? Vậy mà khi anh chạy lên tới nơi, cũng bị phạt năm mươi cái hít đất. Hành trợn mắt hả miệng thở, mệt hộc xì bơ.

    Mãi về sau nầy Hành mới biết vì Vinh to con, đẹp trai và khỏe, học khá giỏi. Tính tình Vinh đàng hoàng, dễ thương. Cán bộ thấy nó “có uy, có thớ, ngầu” như thế, nên họ ưa “ưu ái chiếu cố chăm sóc hai chúng ta". Họ "siêng năng" tới phòng "hỏi thăm sức khỏe bạn và tôi"! Vô tình ở chung với Vinh, Hành cũng vướng vào cái thảm hoạ bị "trù dập tả tơi, bị đì tới bến". Khi khổng khi không hai đứa vô cớ bị phạt "dã chiến" hoài. Nghĩ cũng tức bực vì sự vô lý ấy, mà mình đành nín khe, im re chịu trận xin tuân phục theo “cái đức vâng lời" là thượng sách mờ. Thì ra, trong quân trường họ cố rèn luyện cho khoá sinh lấy "đức vâng lời" làm điều tiên quyết. Bất kể "lệnh lạc" đó ra sao, có đúng, sai, dị hợm hay nực cười! "Thi hành trước, khiếu nại sau" mà! Những lần sau khi bị phạt chung, toàn khóa sinh thường thì thầm bảo nhau:
    - Khi tụi mình chạy qua khu sinh-viên sĩ-quan đàn anh đã ngủ. Tụi bây nhớ quay vào phòng của họ, mà gào lên cho thiệt to, thiệt dài. Nghen:
    - Sáu mươi lăm ... lăm ...
    - Khỏe.
    - Nhớ chưa?
    Cứ thế, khóa sinh Không-quân quay mặt vào cửa phòng ngủ của cán bộ, hết sức gân cổ hét la thật to. "Chúng tôi" ở ngoài sân, nghe còn muốn điếc con ráy. Thế là có kết quả ngay. Có mấy ông cán bộ "coi sóc" sinh viên sĩ quan "bự" hơn, (là Đại Niên Trưởng) đã kêu cán-bộ Đại-đội-Trưởng lên la mắng, rầy rà:
    - Nè. Có phạt tụi nó. Thì phạt ban ngày. Còn ban đêm, thì để cho "ông" ngủ nha.

    Hành không thể nào quên về thời kỳ “Huấn Nhục” nó cay đắng… mà thi vị lắm! Cũng tựa như cái sự cay của ớt, cái chua của chanh, cái mặn ngọt của tương; để làm cho tô phở ngon, thêm đậm đà hấp dẫn! Ới nầy! Các em gái hậu phương hỡi! Chắc các em ưa đứng ở ngoài hàng rào của quân trường Không-Quân Nha Trang để… “ngắm nghé” lom lom len lén dòm ngó quý anh ha! Các em sẽ lạ lẫm với hai tiếng “Huấn Nhục” lắm, phải không các em? Anh nghĩ lại cũng thấy mục đích cao cả, và tuyệt diệu của việc nầy đấy.
    Người ta đã cố tình huấn luyện cho mình hiểu: "Kỷ luật là sức mạnh của quân đội" là như thế nào! - "Trên" ra lệnh, là "Dưới" răm rắp nghe, và thi hành! Chứ lỡ mà khi các anh ra trận, thì không ai có thời gian tỉ mỷ giải thích nầy nọ đâu em. Họ chỉ cần thuộc cấp phải lắng nghe, tuân phục, chấp hành lệnh ban ra thôi! Nào, anh kể sơ sơ như vầy... là các em sẽ hiểu, mà không cần giải thích nha. Các em hãy ngồi bên, nghe anh tâm tình nè: Các em có biết không? Một ông niên trưởng nọ tự dưng đứng trước một chàng khoá sinh, hỏi:
    - Nầy, ông cao bao nhiêu vậy ông?
    - Dạ, 1 mét 68.
    - Thấp vậy mà cũng vô Không Quân ha. Hai mươi cái hít đất đi ông.
    Có một ông... "gian ác" khác, cầm trái ớt hỏi một khóa sinh:
    - Trái gì đây ông?
    - Dạ, trái ớt.
    - Tầm bậy! Đây là trái chuối. Mười cái nhảy xổm đi ông.
    - Ông nói lại coi, đây là trái gì?
    Anh khoá sinh ngán quá, trong bụng chưởi thầm, nhưng cũng ráng “thưa”:
    - Dạ, trái chuối.
    "Ngài niên trưởng" cười cười:
    - Trời đất! Nó là trái chuối à, vậy thì ông ăn hết, xem nó có ngọt không ông?

    Bắt buộc là chàng khoá sinh đứng thộn ra ăn nguyên trái ớt, không dám nhăn mặt cãi lệnh à! Đó! Các em hiểu thế nào là “Huấn Nhục” chưa? Nhiều cái tức cành hông, tức như bò đá; mà ở đây các anh không cần biết lý do; để lý giải, hay lập luận gì hết!? Ba cái tự ái vặt của đời sống dân sự, sự cải lý của chàng học sinh, sinh viên xưa kia sẽ gân cổ lên ha. Nhưng khi các anh đã vào đây rồi: là đồ bỏ, anh ta không được ngóc đầu dậy rông rống, chỉ chỏ, la ó, phản đối, biểu tình ở trong quân trường. Các em à! Có nhiều trò “Huấn Nhục”... "quái chiêu" hơn, ác liệt hơn! Nghe mà ớn. Anh đồng ý với quý anh em là: “cái gì vừa vừa... phải phải..., là nó rất hay”... Có mấy "cha" niên trưởng vô ý, hay có tâm "xà", tự chế ra những hình phạt: làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, hoặc gây thương tật cho sinh viên sĩ-quan, là không nên, không thể được. Về phía dã chiến (từ một ông vua dã chiến), thì anh khoái cái trò mỏi lưng, đau đầu gối:
    - Lấy que tăm xỉa răng đi đo chu vi sân phạn xá.
    Cán bộ lại còn hù:
    - Đo cho đúng vào, nghe không. Trước anh, đã có nhiều người đo rồi. Nên tui đã có con số đo sân nầy rõ rệt. Nghe.
    - Cầm muỗng cà phê đi băng qua sân, hứng nước. Rồi trở lại băng sân, đỗ nước vào bi đông.
    - Chuyện sau nầy thì mình càng không mấy vui: để ngón tay lên mui nap-rocket, (hình mui tháp ngang đầu gối), rồi chạy xung quanh… Mẹ kiếp! nghĩ lại còn muốn mữa!
    - Bắt khóa sinh đứng nhìn mặt trời giữa trưa nắng. Nhẹ nhàng đấy, nhưng "cha nội niên trưởng" nầy có hiểu không, chúng tôi sẽ bị “mù”: dân phi hành cần phải bảo trọng cặp mắt quý giá đến dường nào!
    - Cái trò nửa đêm mưa bắt khóa sinh vừa hít đất, vừa nhìn bóng đèn. Cũng không vui, sẽ bị hư “đôi mắt phi tiêu” như chơi.
    Lương vẫn nói:
    - "Lễ độ" cái con... khỉ! Từ ngày có cái Liên Đoàn sinh viên sĩ quan, mới có người nghĩ ra "nghi thức" tiếp đón tân SVSQKQ: ngày vào quân trường mẹ như thế chớ. Theo tập tục từ các quân trường lớn, lúc khóa sinh ngồi trên tàu thủy vừa hết say sóng, thì liền bị quý niên trưởng cho thử sức với bão táp quay cuồng, dồn dập, liên tục... “phờ người”, chớ chẳng phải chơi. Có nghe khóa sinh xì xào tâm sự nhỏ to với nhau vào những phút giây cho nghỉ xả hơi, ta mới thấy được bản lĩnh của từng người; ôi thôi: hỉ, nộ, ái, ố: có đủ cả; đứa thì lấy làm vui khi thấy thằng khác bị phạt. Đến khi tới phiên mình bị phạt, thì trong bụng không tức giận cũng ấm ức. Đứa nào có cái tướng dễ thương, là ít bị “quay dế”, thì trong lòng có cảm tình với đàn anh. Đứa nào có cái mặt thấy dễ ghét, là bị hành hạ liên tục, rồi sinh ra oán ghét.

    - Tại sao lại… "lễ độ” cái con khỉ? Ai đời thằng nhóc con mới bận áo lính chưa được bao năm, mà dám phùng mang trợn mắt, ra lệnh nọ kia với một "ông cụ già như Lương tui". Tui hơn nó cỡ mười tuổi đầu. Tôi mặc quân phục hơn nó cỡ chín mười năm, lãnh lương hơn nó hai ba bậc, mà tôi phải gọi nó là niên trưởng! Ôi thôi! Nói chơi vậy cho vui, và hàn huyên tâm sự xí thôi, chớ đó là tập tục cổ truyền từ phương Tây, rồi tràn lan sang phương Đông, nghi thức làm nên truyền thống: là phương pháp đào luyện bằng thực tiễn, là bàn tay điêu khắc ra "một thế hệ hào hùng, danh tiếng”, có lý tưởng, có tình huynh đệ chi binh mà. Nếu không có “lễ độ” trong quân ngũ, thì súng ống sẵn đó, khi tức giận lên, mình tự ái vặt, nổi nóng hừng hực hơn lửa, không thể tự chủ, chẳng ai nhớ gì quy củ, kỷ luật trong quân trường; là mạnh ai nấy nổi giận, làm loạn, thì còn gì là kỷ luật quân đội và gia phong quân trường mẹ nưã! Phải không qúy vị?

    Ngay cả tên cán bộ phạt Hành nhiều nhất, hoá ra là thằng Thanh. Cứ đêm đêm, nó cố tình kêu Hành ra, phạt anh năm mươi cái hít đất. Thi hành xong. Hành rã rời ngất ngư, nhưng cố gắng đứng nghiêm chào, và la to:
    - Sinh-viên sĩ-quan Lữ Phi Hành… khoá 65... Thi hành lệnh phạt xong.
    - Có biết tại sao tôi ưa phạt anh không?
    - Thưa không.
    Thế là nó nhìn Hành cười cười, và cứ phạt anh ra hít đất hoài. Vì cái tội "không biết". Mãi về sau, khi anh gần đi Mỹ. Nó mới “hóm hỉnh” thố lộ:
    - Tôi là anh họ của cô bồ nhí xí xọn của anh đây. Thấy bộ dạng anh coi công tử bột, dễ ghét, đã vậy anh cùng nhóm sinh viên ưa đi quậy tưng trời, biểu tình biểu tọt… ở ngoài vòng rào kia. Anh không “đi học”, mà anh “tưng bừng đi hành”… thì khi anh vô đây, tôi cứ “hành” tội, phạt anh chơi. Vậy có được không!?
    - Trời đất.
    *
    Tình Hoài Hương


    Mời độc giả xem tiếp chương sau
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  3. #3
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default THH xin cam ơn

    Trích Nguyên văn bởi AcDieu225 View Post
    Cám ơn THH/AUD.



    THH xin kính chào anh AcDieu225 thân mến,
    THH chân thành cám ơn anh AcDieu225 đã vui lòng ghé vào đọc: Truyện Dài... và ghi lời nhẹ nhàng cám ơn hiếm quý, khiến tôi xúc động.
    Quả thật là lâu lắm, quá lâu rồi không hân hạnh gặp anh trên HQPD! Anh AcDieu225 && và hiền muội có khỏe không ạ?
    Tình thân,

    THH
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  4. #4
    AcDieu225's Avatar
    Status : AcDieu225 v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Apr 2013
    Posts: 13
    Thanks: 0
    Thanked 0 Times in 0 Posts

    Default

    Kính THH/AiUuDu: Cảm ơn Giời mọi người đều bằng an đấy THH. Lâu lâu tạt vào HQPD để giải trí và đọc thông tin bạn bè cho qua ngày. Thanks THH!

  5. #5
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default

    Trích Nguyên văn bởi AcDieu225 View Post
    Kính THH/AiUuDu: Cảm ơn Giời mọi người đều bằng an đấy THH. Lâu lâu tạt vào HQPD để giải trí và đọc thông tin bạn bè cho qua ngày. Thanks THH!


    Chào anh Ác Điểu du hành
    Ơn Giời hạnh phúc trong lành thịnh an
    Cầu xin cuộc sống thanh nhàn
    Muôn người tận hưởng vinh sang suốt đời.
    *
    Tình Hoài Hương
    Kính mời độc giả xem tiếp chương sau
    Trân trọng
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

  6. #6
    Tinh Hoai Huong's Avatar
    Status : Tinh Hoai Huong v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: May 2009
    Posts: 1,081
    Thanks: 58
    Thanked 58 Times in 17 Posts

    Default Huấn Nhục Tại TTHLKQ Nha-Trang



    Huấn Luyện Phi Hành
    Phần thứ Nhứt
    Chương 4

    Huấn Nhục Tại TTHL/KQ Nha-Trang
    Tình Hoài Hương
    ***

    Lackland (Texas) Ngày… tháng… năm 19…
    Hồng Hạnh,
    cô em gái thương,

    Do từ thuở anh còn mài đủng quần trên ghế của các trường Tiểu-học, Trung-học và Đại-học, anh quá ngưỡng mộ những anh chàng phi công, anh yêu ngành bay bổng, và đã đêm từng đêm, ngày từng ngày anh ôm mộng: mai sau anh sẽ ngao du đây đó với mây trời lồng lộng, giang hồ bồng bềnh phiêu lãng bay qua bốn bể. Vì:
    Đời phi công ngang dọc vượt ngàn non.
    Từ đại dương bay qua vạn lâm sơn.
    Giữa sáng nắng khuya chiều bồng bềnh tới.
    Tự hào đó muôn đời tôi ước muốn…

    Mộng vàng ươm sương gió cuốn non sông.
    Thiều quang cánh chim bằng rong nghìn núi.
    Đêm chập chờn thao thức vùi trăng vỗ.
    Ngày tha phương cánh bạc tô vuông đời.

    Bầu trời tròn hoài mong đợi trong tôi.
    Từ thinh không anh nhìn đời bát ngát.
    Tự do ấy toả rung ngàn nốt nhạc.
    Mộng hải hồ hằng khao khát thế nhân.

    Dưới chân mây ta nhìn lên vạt nắng
    Vờn trong gió mơ năm tháng song hành.
    Bỗng hoá thân anh đổi đời xoay chuyển.
    Phiêu lãng nơi đâu tầm tay tang biến?

    Anh: ngấn nước thầm lặng miền ven biên
    Bên dãi ngân hà. Tôi nào giữ được.
    Dẫu lãng du tình lả lướt lưng trời.
    Biết bao giờ tôi ôm trọn giòng trôi!? (*)

    Tuy anh đã đi du học ở Mỹ đã lâu, quân trường & cảnh vật nơi đây khác hẳn bên Việt Nam, khiến bọn anh thường nhớ biết mấy... khi còn huấn nhục tại quân trường mẹ. Dù nhọc nhằn nhưng lòng cảm thấy rất nhớ những ngày ở quê nhà, và vui từ mỗi buổi bình minh lúc mặt trời rạng rỡ đỏ thắm pha màu hồng tươi, quyện lẫn từng vạt mây ngà bồng bềnh trôi trong không phận Nha Trang, mây hồng lững lờ soi mình lung linh trên mặt biển lặn sóng. Mặt trời ươm nắng từ từ ngoi lên khỏi mặt biển xanh ngắt, bơi bơi vào không gian vô tận. Chim biển rộn ràng chao lượn, rối rít hót những âm thanh líu lo, nghe vui vẻ lạ thường.

    Và lúc chiều về, phía núi xa xa có những mãng mây ửng hồng, hoà với mây tím chắn che trên đỉnh, mặt trời vàng óng còn lấp ló dưới chân đồi, khiến anh tưởng chừng như có nàng sơn nữ sau khi ngâm mình trong suối mát, trên đường về nhà sàn, sơn nữ còn quay lại mỉm cười vu vơ. Các cô nàng ngắm nhìn bọn anh với vẽ mặt bẽn lẽn, e ấp, lưu luyến, chưa muốn xa cách; dù chỉ vài tia nắng nhạt mà còn hơi nóng, có khác gì ánh mắt nồng nàn của sơn nữ thay lời chào tạm biệt, trong những phút cuối mình còn thấy nhau... Em ơi! Em khoan vội nói:
    - [“Anh đã dong vô lính, không lo chuyên tâm học hành, đỗ đạt ra làm “quan tàu bay” như má mình ưa nói; anh ở đó mà lãng mạn, phiêu bồng nói chuyện tào lao, mơ mộng tới mấy nàng sơn nữ. Không có đâu, đừng mơ hão nhớ huyền. Mệt”].

    Ha ha ha! Chiều nay anh trai có ít giờ rãnh rỗi, nên anh viết thư gởi đến em, hầu đáp lại tấm chân tình, mà bấy lâu nay ba má, anh, chị, em… thân thiết đã riêng dành cho anh. Cũng như anh đền đáp cho gia đình, ba má mình phần nào; về sự họ đã thắc mắc, băn khoăn, phân vân từ cuộc sống mới của “đứa con cưng” của ba má nơi quân trường, mà anh chưa có dịp kể cho gia đình nghe (như anh đã hứa). (Em không ganh tị, phụng phịu, xù mặt ra... khi anh nói "anh là con cưng", à nhen). Hy vọng thư nầy đến kịp lúc, từ phương xa mọi người trong gia đình mình có thể dõi theo dấu chân anh. Em nhé! Anh nhớ ngày đầu tiên, khi vừa đến quân trường Không-quân Nha Trang, tụi anh được các niên trưởng dàn chào “tưng bừng, nên mệt bá thở”, làm bạn Quân sợ đến gần "té đái", ai ai mà chả có đôi lúc yếu lòng xìu xìu ểng ểng ha em. Khuya đó, nó lân la tới gần bọn anh, rù rì to nhỏ rủ rê anh, Tâm và Vinh:
    - Tụi mình đào ngũ về Sài Gòn đi.
    - Mầy nói cái gì?
    - Thì “đào tẩu”… Có gì, sau đó chúng ta trốn lên Đà Lạt. He.
    - Ha ha! Thôi mầy. Đã vào đến bây, sao yếu vậy? Chết nhát hả? Ngủ đi mầy.
    Thế là Quân tiu nghĩu, uể oải lững thững đi về phòng ngủ. Vậy mà bây giờ Quân vẫn hân hoan theo kịp bạn bè, Quân vui vẻ và kiên nhẫn chạy đua bén gót theo bạn, nó không hề bỏ cuộc, chứ có kém chi ai. Vậy mới biết:
    “Làm trai cho đáng nên trai
    Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan”.

    Thời khóa biểu học trong quân trường khá sít sao, chặt chẽ. Buổi sáng sớm trường mở loa phát nhạc quân hành. Tất cả anh em liền ngồi bật dậy như cái lò xo, mắt nhắm mắt mở, họ vội thay bộ đồ thể thao, thường là áo thun T Shirt, quần dài treillis, có quần tắm lót bên trong. Anh cùng các bạn lo chạy ra sắp hàng, điểm danh như thường lệ. Khoảng năm giờ sáng, có một ông Thượng-sĩ huấn luyện viên thể dục hướng dẫn tụi anh chạy bộ thẳng ra bờ biển, rồi tiếp tục rẽ về bên phải, chạy đến Cầu Đá, xa hơn quân trường sáu kí lô mét. Anh nhớ lại thật vui, mà tức cười nữa em à; người ta nói: "gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu". Mà bọn anh là trai đôi mươi đang thời sung mãn, phơi phới… thì dù là gái mười bảy, gái mười tám, nếu có muốn đi “đấu vật” còn phải chịu nằm dưới... là thường. Vậy nếu… anh chạy năm bảy kilô mét bi giờ, thì có ra gì!

    Chạy có đổ mồ hôi thật, nhưng vẫn đều bước nhịp. Không một chàng nào rơi rớt… "tụt hậu" cả nghe em!
    Miệng vang vang bài hát "Không Quân Hành Khúc". Lúc tụi anh chạy ngang qua căn cứ Hải Quân, thì câu hát: "Ta là đàn chim bay trên cao xanh. Khi nhìn qua khói những kinh thành xa. Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh. Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng. Ðây đó hồn nước ơi! Không quân Việt Nam vút trên ngàn mây gió U..u… u… Ôi phi công danh tiếng muôn đời. Nhìn xa phi trường Việt Nam. Không quân ra đi cánh bay rợp trời..." được cả bọn anh không ai bảo ai, mà cùng nhau quay mặt vào quân-trường Hải Quân bạn, đồng thanh cất cao giọng, để "giựt nổi", để “làm le, làm dóc, chơi trội” chút xíu. Ấy là bọn anh cố ý chọc phá, vui chơi, khoe sự bay bướm với mấy chàng áo trắng “Hoa Biển” lả lướt mà lỵ!

    Rồi, cả đoàn sinh viên sĩ-quan lại chạy trở về, tới khúc quanh trước khi vào cổng quân trường, lúc đó thì mọi người được huấn luyện viên cho tự do thoải mái. Ai muốn hít thở không khí trong lành, ai đi lại trên bãi cát trắng, hoặc ai muốn tắm, muốn bơi, đều có quyền tự ý đùa giỡn, vẫy vùng thoải mái trên sóng biển. Mỗi lần chạy về đến cổng căn cứ Không-quân, anh nhìn lên tấm bảng ghi hàng chữ đậm: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Trong lòng ai nấy cũng cảm thấy có phần yên tâm. Sự kiên nhẫn và chịu đựng ngày càng tăng thêm. Không quản nhọc nhằn gian khổ, nên các anh em cố gắng trì chí học hành. Hy vọng sau nầy sẽ được gia nhập vào một trong những Không-Đoàn ghi sau:
    - Không Đoàn 41 - Vùng 1.
    - Không Đoàn 62 - Vùng 2.
    - Không Đoàn 23 - Vùng 3
    - Không Đoàn 33 - Chiến Thuật tại phi trường Tân Sơn Nhứt.
    - Không Đoàn 74 - Vùng 4… vân vân…

    Lúc các anh về đến sân trường, khóa sinh tập họp lại điểm danh, rồi tan hàng. Mọi người chạy về phòng, ai nấy lo sắp xếp chăn màn, gối nệm cho vuông thành sắc cạnh ngay ngắn. Dưới chân giường có "chưng" đôi giày bóng lộn, con ruồi đậu lên còn trợt té, Hồng Hạnh à. Trong tủ có cái bi đông nước, và ca nhôm sáng chói. Mọi thứ từ quần áo đến đồ dùng: phải ngăn nắp sạch sẽ. Trên đầu giường khóa sinh luôn có tờ giấy trắng in sẵn tên, họ, để sinh-viên đàn anh đi kiểm soát phòng. Họ sẽ rút ra ghi cho sinh viên Không-quân điểm: thưởng hay phạt! Nghiêm minh và công bằng lắm nghe em!

    Trước mỗi tuần vào ngày Thứ Bảy, cán bộ huấn luyện sinh viên sĩ quan sẽ cho biết là: Tuần sau khoá sinh sẽ học môn gì. Họ cẩn thận niêm yết bảng "Thời Khoá Biểu" trong tuần tại phòng của khoá sinh. Lần đầu tiên họ cho khóa sinh test để sắp lớp. Dĩ nhiên anh được vô học lớp cao nhất. Đó là lớp học từ 2.100 đến 2.500. Sáng nào bọn anh cũng học Anh-văn. Sau mỗi ngày học, anh vào phòng Lab thực tập làm bài, luyện giọng. Những anh kém thì học lớp vỡ lòng từ lớp 1.100 đến lớp 1.500. Trình độ khá hơn thì tới lớp 1.600 đến 2.000. Sau khi học hết các lớp, anh thi đạt điểm cao nhất trong khoá đó! Hãnh diện nghe! Nể anh chưa?
    Các anh đi học thường mặc quần áo kaki vàng, giày soulier bas. Còn lúc học môn quân sự thì mặc treillis, giày bốt cao cổ, mũ lưỡi trai. Các môn học đủ hết, từ: căn bản về đủ các môn quân sự, kể cả lết, bò, trườn, chống hai tay lên vĩ sắt nóng. Học chiến thuật tác chiến. Cơ-bản Thao Diễn. Thể thao quân sự. Vũ khí chiến lược. Nghệ thuật chỉ huy. Vân vân… Tóm lại là chương trình học có rất nhiều môn. "Thực đơn" của một tân khóa sinh cần biết: Các anh phải nắm vững mọi vấn đề cần thiết cho một sĩ quan chỉ huy.
    Mỗi tháng, các anh tân binh có tiền lương, đồng tiền tuy hạn chế, vừa phải nhưng không đến nỗi nào eo hẹp.
    Mãi kể với em nghe tí nét sinh động của đời nhà binh, còn chút nữa anh quên nói tiếp theo, là sau khi tập thể dục sáng xong về đến phòng, thì anh đi đánh răng rửa mặt, làm vệ sinh, thay quần áo thích hợp, đi ăn sáng và học trên lớp, hoặc ra bãi tập. Đến trưa tụi anh cũng phải xếp hàng đàng hoàng đi lên Phạn Xá. Các tân khóa sinh chưa được đeo Alpha trên áo, phải đứng nghiêm chào, tự xướng danh:
    - Khóa sinh tên: … số quân…

    Anh nhớ dường như số quân bên Không-quân bắt đầu từ con số 6. Rồi bạn bè anh em mới được bỏ mũ ra, tuần tự đi vào nhà ăn. Anh đi đến cái bàn nào gần nhất. Rất nhiều dãy bàn dài, có những hàng ghế đóng dính liền nhau. Mỗi hàng ghế có thể cho mười sáu khoá sinh ngồi. Sinh-viên chia nhau ra thành từng "ca rê". Bốn người ngồi ăn cơm chung trong một mâm. Nhưng khoan đã... có bài bản điệu nghệ cả nghe em! Anh đứng nghiêm trước ghế ngồi, chờ tất cả mọi khoá sinh vào xong đâu đó rồi; khi nghe lệnh của cán bộ:
    - Tất cả khoá sinh: Ngồi!
    Cả đám khóa sinh Không-quân hô to:
    - Xuống.
    Bấy giờ mới được ăn đó nhe em! Trời ơi! Hôm nào hổng hên, anh ngồi ăn chung với vài ông bạn “vai u thịt bắp, mồ hôi dầu”. Thì kể như hôm đó coi như anh "trúng mối độc đắc", nghĩa là mình thua là cái chắc rồi. Vì, họ ăn uống dễ dãi, ăn rất nhanh và ăn quá khỏe. Bọn anh e dè chỉ chỏ rù rì phụ nhĩ với nhau:
    - "Tay đó" là hung thần phạn xá đó nghe mầy!
    Gắp thật lẹ, lùa thật mau
    Ăn không kịp nghỉ, nuốt không cần chờ
    Thằng nào lẹ, thằng đó nhờ
    Thằng nào chậm chạp đói mờ người ra (2)

    Thoáng một cái, là trên mâm thức ăn hết sạch. Bát canh ruồi cũng sạch từ khuya. Vài ông "chăm chỉ" còn bẻ trái chuối ra, chan cả nước trà vô cơm, mà lua lia chia vô miệng ăn tiếp. Miễn sao họ ăn nhanh cốt no bụng là xong. Em ạ! Mấy lần đó anh đói meo, chỉ có nước là chờ giờ nghỉ giải lao mười lăm phút, anh cắm đầu cắm cổ chạy lên Câu Lạc Bộ, để mua cái gì ăn thêm, cho đỡ đói. Nếu Câu Lạc Bộ không có thức ăn theo ý thích, anh nói với ông bà chủ mua dùm. Thì hôm sau họ sẽ đem hàng về, cho anh "bồi dưỡng" thêm, chiều chiều khi về phòng, anh có thể "chè chén" tí. Sống ở đây, như một "gia đình khoá sinh" ôn nhu trật tự nho nhỏ, cũng mới lạ vui vẻ và thích thật.

    Anh không quên nói nhè nhẹ về “mấy món ăn chơi” mà trong thời gian huấn nhục, bọn anh "được" các niên trưởng chiếu cố: Nhảy xổm, hít đất vài chục cái là xoàng, như cơm bữa! Tối bị phạt chạy vòng Cộng Hoà, cũng chỉ là thường tình, giúp mình ngủ thêm ngon, đâu có ngán! Nhưng anh cũng… “hơi hãi" nếu bị phạt dã chiến, em ơi! Nhờ anh có chích TAB, nên nắng gió sương khuya: coi như nó là bạn bè, giúp biến làn da tụi anh trở nên rám nắng, “phong trần, hiên ngang, khí phách nam nhi”, vóc dáng rắn rỏi hẳn ra. Lúc đó các em coi các anh cũng “đã con mắt” mà thôi! Phải không nà?

    Chàng nào "vô phước" bị dã chiến, là te tua, cả phòng cũng mệt lây, vì họ lo phụ giúp anh ấy thay quần áo, khi thì quần treillis áo vàng, vác sac marin lên trình diện ông "hành văn... Niên Trưởng" trong vòng một phút chẳng hạn. Rồi bị phạt lấy muỗng cà phê múc nước đổ đầy bi đông trong vòng năm phút. Nào lấy tăm xỉa răng đo chiều ngang barrac được bao nhiêu. Nào khoả sân cát cho bằng phẳng giữa trưa nắng chang chang. Xen vào đó là những cú nhảy xổm, hai tay nắm hai lỗ tai tréo nhau, hay kiểu chân co chân duỗi như cái cày… vân vân…

    Mình phải ráng thực hành cho đúng theo mẫu sáng tạo của "Quan" sinh-viên sĩ-quan Niên Trưởng. Bởi thế, tụi nầy hổng ngán mấy “Ông” sĩ-quan Trung-úy, Đại-uý... bằng "hãi" mấy “Ngài” Niên Trưởng mang họ "Hành"-văn đâu! Đó em hiểu thế nào là Huấn Nhục chưa? Nhiều cái tức cành hông, mà không cần có lý do, để lý giải hay lập luận gì hết! Ba cái tự ái vặt của đời sống dân sự, sự cải lý của chàng sinh viên, học sinh, thì “Các Ngài” sẽ trị cho "mấy tển" im re, xép ve! Chứ ở đó mà ngông nghênh, tự đắc... Họ không được ngóc đầu dậy ở trong quân trường đâu, em à! Đây là những "chén mồ hôi" nhỏ tong tong từng giọt, từng giọt, từng giọt... theo những bước chạy tốc hành trên bãi cát nóng trong quân trường Không-Quân-Mẹ.
    Sau ba tháng huấn nhục trầy da tróc vảy, họ huấn luyện các anh sinh viên sĩ quan Không-quân chịu đựng gian khổ, nhục nhằn, cuộc sống của các anh hầu như cái máy. (Hay sắp trở thành cái máy, mà chả biết). Các anh gò mình trong trật tự, có khuôn khổ, và quen dần với kỷ luật sắt.
    * * *
    Ngày… Tháng... dần qua nhanh, và niềm vui mừng vinh quang lại đến! Đó là ngày anh và bạn hữu chính thức trở thành sinh-viên sĩ-quan thực thụ. Khoá sinh được làm lễ gắn Alpha tổ chức tại sân trường Không-Quân Nha Trang. Buổi ra mắt sinh-viên sĩ-quan vô cùng nghiêm trang, chu đáo, và trọng thể, với niềm xúc động đặc biệt, tự hào hãnh diện không thể quên. Có Chỉ-huy-trưởng Căn-cứ. Chỉ-huy-trưởng Liên-đoàn sinh-viên sĩ-quan. Sinh-viên sĩ-quan. Cán-bộ. Thân nhân. Bạn hữu ai có điều kiện, hay bạn hữu ở gần gần, đều có thể đến tham dự đông đủ. Từ sáng sớm, các khoá sinh ra sắp hàng chỉnh tề ở ngoài sân. Có mấy anh em len lén… vụng trộm thủ một chiếc dép nhựa, hay miếng cạc tông nhỏ xíu, để kê dưới đầu gối. Chứ quỳ hàng giờ như thế, có mà rục đầu gối ra. Nhưng anh em ấy phải hết sức thận trọng, kín đáo, coi chừng cán bộ. Vì nếu họ thấy, thì chết đa. Khoá sinh quỳ gối đọc lời tuyên thệ, trước khi được vinh dự gắn Alpha lên cầu vai.
    Ngày đầu tiên được phép xuất trại, anh ra phố đi rong chơi tự do thoải mái, đi lung tung nhìn ngắm Nha Thành đến 17:00. Ngoại trừ những anh em bạn nào bị ghi thẻ phạt, thì không được đi phép xuất trại. Cán bộ niên-trưởng kiểm soát khá kỹ. Họ vui vẻ dặn dò sinh viên sĩ-quan đủ thứ. Trước khi xuất trại, sinh-viên phải ghi nhớ và thuộc lòng nên giữ kỷ luật, như sau:
    - Ra phố, phải có quy chế "tác phong" của sinh-viên sĩ-quan đàng hoàng.
    - Quần áo chỉnh tề. Cấm không được ăn mặc cẩu thả.
    - Không "chè chén" say sưa, làm mất thể diện phong cách con nhà tướng.
    - Không cười đùa giễu cợt, giỡn hớt "lố lăng" lấc cấc, trơ trẽn lom lom dòm ngó chỉ chỏ lung tung ngoài phố.
    - Cấm đi xích lô. Cấm đi xe đạp. Chỉ được phép đi xe vespa, xe hơi. Taxi.
    - Mỗi khi gặp tuần tra của căn cứ, anh phải đứng lại nghiêm chào. Sau đó anh mới ung dung thong dong đi tiếp.
    - Nếu ai vi phạm bất cứ một trong những nội quy nào. Sẽ lập tức bị cán-bộ ngồi trên xe tuần tiểu nhảy xuống; thu hồi tấm giấy phạt (để trong túi áo bên phải của sinh-viên). Cán-bộ sẽ mang về căn cứ, còn khóa sinh ấy lo âu chờ xử phạt.
    Cũng nhờ có kỷ luật quân trường ban hành gắt gao, cuộc sống có điều độ, chửng chạc và uy nghiêm như vậy, mà anh cùng hầu hết các bạn tăng trọng lượng; khỏe mạnh, cường tráng, vui tươi hơn lúc trước nhiều. Theo quan niệm của anh: hình phạt "dã chiến" nầy, thật ra đó là cách tập luyện cho khoá sinh có nhiều thể lực, có sức khỏe, có tinh thần khắc phục, kiên cường nhẫn nhục chịu đựng gian khố, biết ôn nhu, trầm tĩnh, đắn đo, khôn ngoan, có nhiều kinh nghiệm sống, tháo vát hơn. Hầu ta có thể kiên cường, vượt qua mọi chông gai, gian nan, thử thách trên trường đời đầy binh lửa.
    Anh nghĩ lại cũng thấy cái mục đích cao cả và tuyệt diệu của việc nầy: khi quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Người ta đã cố tình huấn luyện cho mình hiểu "kỷ luật là sức mạnh của quân đội" là như thế nào! “Trên” ra lệnh, là “Dưới” phải nghe, và nghiêm chỉnh thi hành răm rắp! Chứ lỡ nếu lúc mình ra trận, không ai có thời gian mà cà kê giải thích tỉ mỉ nầy nọ đâu! Họ chỉ cần thuộc cấp chấp hành thôi! Mà lạ thật em à! Đó là chặng đường của sinh-viên sĩ-quan ai cũng phải qua cầu. Và, gió cũng thổi cuốn bay đi hết tất cả thù oán, nóng giận, hiềm khích với đàn anh. Sau khi thành công ra trường đời, họ chỉ để lại trong lòng như là những kỷ niệm vui vui, không hề phai nhạt của thuở xưa nơi quân trường mẹ. Thử hỏi mấy ai đành lòng quên! Khi đó thì ta có nhớ gì, ngoài dư hương kỷ niệm:
    Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả, cây già
    Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
    Với khí thét khúc trường ca dữ dội
    Ta bước chân lên, dõng dạc đường hoàng... (3)
    "Đó" cũng như "đây", có khác gì... Ở đâu thì quân luật nhà binh đều tương tự như thế thôi, sinh viên sĩ quan phải răm rắp tuân hành kỷ luật, và nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Phải vậy thôi. Nhưng, thật thà mà nói thì anh ưa thích cuộc sống ở quê nhà hơn, vì dù sao chăng nữa anh vẫn cảm thấy ấm áp tình đồng hương qua tiếng mẹ đẽ thân yêu ngọt ngào, ấm áp và trìu mến lạ thường. Có thể vì anh chưa hội nhập ở xứ người, và anh còn nhớ thương quê nhà da diết, nơi đó có cha mẹ, anh chị em, và người thân.
    Tạm biệt em.
    Anh trai,
    Q Thiệu
    *
    Tình Hoài Hương


    (1) Thơ Tình Hoài Hương
    (2) Phan Ni Tấn N.D
    (3) (Thế Lữ)

    Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau.
    Bút trần nào tả được lưu luyến!
    Thơ trần đành cam chịu vô duyên...
    Tình Hoài Hương

Trang 1/2 12 cuốicuối

Similar Threads

  1. Góc Truyện Tình HOÀI HƯƠNG...
    By Tinh Hoai Huong in forum Truyện ngắn
    Trả lời: 273
    Bài mới nhất : 09-01-2020, 10:31 PM
  2. Trả lời: 27
    Bài mới nhất : 04-03-2020, 04:58 AM
  3. Góc Thơ VUI Tình HOÀI HƯƠNG
    By Tinh Hoai Huong in forum Vui cười
    Trả lời: 136
    Bài mới nhất : 08-22-2019, 06:04 PM
  4. Huấn Luyện Khỉ Hái Dừa
    By hieunguyen11 in forum Video, clip ngắn
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 08-24-2014, 06:40 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •