Huấn Luyện Phi Hành
Phần thứ Nhứt
Chương 1
Chuyến Viễn Du Đầu Tiên,
dự Hội-Nghị Sinh Viên Quốc Tế toàn Thế Giới, lần thứ 11

Tình Hoài Hương
***

Bầu trời ở miền núi rừng Đà Lạt xanh lơ điểm những hoa mây trắng đang qùy gối trên hồ Xuân Hương thơ mộng, mây lang thang đó đây ẻo lả vắt qua sườn đồi im ắng, không gian tĩnh mịch, thinh lặng đến độ nghe hơi thở cuả rừng thông reo vi vu, thì thào với suối ngàn róc rách len qua bờ lau sậy lô xô. Mấy con đường mòn đất đỏ vắng tanh vắng ngắt, nhu mì bò trên sườn dốc đầy cỏ may xanh um. Đà-thành muôn thuở ru Hành với giấc mộng quan hoài ước mong luyến nhớ, nhớ những cánh hoa muôn màu chen chân khoe sắc thắm trong nhiều ngôi nhà xinh xinh, có những sợi khói ấm áp nép mình bên cây mận trĩu trái, cây bưởi hoa trắng muốt toả mùi thơm ngào ngạt, cây hồng mơn mởn, cây chanh mọng nước. Cây quả mượt-mà cho anh cảm giác lâng lâng thi vị quá chừng! Chính nơi đây Hành đã và đang có một thời nhớ nhung vô vàn nhớ và đắm say yêu người... Ấy thế mà, một mai nầy anh buộc lòng phải luyến lưu giã từ nơi dấu yêu.

Xin tạm gọi “anh ấy" là Lữ Phi Hành với tư cách là Phó thư-ký tổng hội sinh-viên Việt Nam, và có các bạn: Nguyễn Ngọc Thạch: Chủ tịch tổng hội sinh-viên Đà Lạt. Vĩnh Kha: Chủ tịch sinh-viên Huế. Lê Đình Điểu: Tổng thư ký tổng hội sinh viên Việt Nam. Lê Đình Bảo: Tổng thư-ký tổng hội sinh viên Huế. Tôn Thất Tuệ: Ủy-viên báo-chí tổng-hội sinh-viên Sài Gòn. Họ đã lên đường đi dự Hội-Nghị Sinh Viên Quốc Tế toàn Thế Giới, lần thứ 11, nghiã là 11th ISC (international Student Conference) tại Cheistchurch (New-Zeland) và dự Hội-thảo lần 5th - Tại Sydney (Autralia) là 5th ASS (Asian Student Seminar).

Lẽ ra thì lúc 17:00, sinh viên được xe bus đón tại hotel, để ra phi trường tiếp tục cuộc hành trình. Nhưng khổ nỗi vào giờ đó, các bạn mãi mê đi shopping mua sắm ngoài trung tâm. Ban điều hành phi trường gọi phone nhiều lần. Họ đến phòng ngủ của đám sinh viên, đã không thấy ai, họ gọi phone dặn reception phải giữ bọn nầy lại, không cho đi đâu hết. Sau khi đi mua sắm đã đời, sáu người nầy quay về hotel mới biết tin. Ui! Chưa kịp tắm rửa, thay quần áo gì, chốc lát sau xe bus đến chở cả nhóm lên phi trường. Tất cả anh em cứ ngồi trong Louge, sốt ruột bồn chồn, lo âu, băn khoăn, đi lui đi tới chờ đợi đến tối mịt. Đợi dài người, mới hay là đang có cuộc đình công của toàn bộ nhân viên hãng Hàng-không (bộ phận phục vụ trên không, và dưới đất).

Thế rồi, họ “lùa” sinh viên Việt Nam qua làm thủ tục an ninh phi trường và quan thuế. Trên chiếc máy bay 707 đồ sộ, rộng mênh mông, mà chỉ có khoảng ba mươi hành khách. Chính ông phi công trưởng đoàn đã đến từng chỗ ngồi, tự tay chăm sóc cho mọi người. Lúc 21:00 ông ta điều khiển phi cơ cất cánh. Sau khi bình phi, ông ta để viên phi công phụ lái. Rồi ông tự xuống tiếp tục làm tiếp viên cho hành khách (vì trên máy bay không có một người tiếp viên hàng không nào. Họ đồng lòng lo kêu gọi nhau ơi ới đi đình công hết). Thấy Hành kéo cái ghế dài ra định ngủ. Ông ta nói:
- Nầy you, hãy vui lòng đứng lên chút xí.

Rồi ông luồng tay kéo hai chân ghế giăng ngang ra. Thế là cái băng ghế ba người ngồi, đã trở thành chiếc giường nệm êm ái. Ông vói tay lên hộc lấy gối nhỏ và mền, cho bọn tôi đắp. Chuyến đi buồn cười vậy đó. Nguyên cả buổi quá mệt mỏi vì háo hức lo đi mua sắm. Nên tất cả anh em bơ phờ rã rời nằm ngủ khò suốt đêm dài, không nhúc nhích. Họ thi nhau ngáy ồ ồ ồ vang như sấm. Lúc các bạn tỉnh dậy, thì mặt trời đã lên khá cao. Phi cơ sắp sữa đáp xuống Perth, (thành phố lớn ở miền đông nước Úc). Bước ra ngoài cửa phi cơ, các anh chợt rùng mình, vì luồng gió lạnh buốt từ ngoài thổi ập vào. Ôi sao lạnh đến thế! Bây giờ chỉ là mùa Thu, mà đã lạnh đến - 9/oC. Chả bù cho ở Sài Gòn giờ nầy đang oi nồng nóng hầm hập!

Sáu anh sinh viên co ro cúm rúm run lẩy bẩy, rụt cổ cong lưng thất thểu bước. Lúc sắp nhận hành lý, họ mới biết là: do nhân viên ở phi trường đình công, cho nên nhân viên nghiệp dư đã sắp xếp hành lý của hành khách ở phi cơ nầy; lại chuyển lộn xộn qua với chiếc phi cơ của chuyến bay đi nơi khác!!! Thôi chết rét rồi! Trên thân mỗi người trong bọn anh chỉ mặc một bộ quần áo mỏng và chiếc veston nhẹ. Vì quá lạnh, cho nên chả ai rủ ai, mọi người đều tạt vào shop gần đó. Mỗi người lo mua một chiếc áo khoác duffelcoat dày cui, mà mặc vào cho đỡ lạnh. Cả đoàn co ro cúm rúm, dúm dó vì vẫn lạnh thấu xương. Hạnh xuýt xoa cắm cúi chạy nhanh đến xe bus. Xe chở sáu người về hotel.

Sáng hôm sau, nhân viên báo là đã có hành lý từ nơi khác chuyển đến cho mọi người rồi. Công nhận nhân viên hàng không quốc tế làm ăn mau chóng và đàng hoàng, không có chuyện lề mề chậm chạp. Thật may, cám ơn quý vị! Đồng thời có chuyến bay từ Perth đi Sydney (bờ phía Tây nước Úc). Thế là bạn hữu vội vàng nhận hành lý, lại lo leo lên phi cơ khác bay liên tiếp trên 10 giờ. Từ trên cao nhìn xuống, chỉ thấy toàn sa mạc mênh mông lạnh giá trải dài hằng ngàn cây số. Trống trải, đơn điệu võ vàng của trung tâm nước Úc. Chiều tối phi cơ mới đến Sydney. Thay vì được nghỉ đêm tại đây. Họ lại “tống” sáu anh lên máy bay cánh quạt cổ lỗ sĩ, bay từ Úc Châu, băng qua biển Tasmania. Qua Tân Tây Lan. Hơn hai giờ đồng hồ sau, phi cơ mới đến Christchurch. Một thành phố cổ kính và nhỏ bé ở hòn đảo phía Nam của New-Zealand.

Cùng trong buổi tối đó, thì ban tổ-chức cho biết là: tại miền Bắc nước Việt Nam, cũng có một phái đoàn sinh viên Bắc Việt đã đến Tân Tây Lan. Nhưng vào giờ phút chót họ bị ở lại, vì phái đoàn sinh viên của miền Nam Việt Nam (là sáu sinh viên) đến trước nơi đây đã ba giờ, và sáu anh nầy đã làm thủ tục nhập cảnh rồi. Nên ban tổ chức họ lịch sự từ chối phái đoàn của miền Bắc Việt Nam kia. Thế là sinh viên ngoài miền Bắc Việt Nam buồn thiu phải lủi thủi ra ngồi thừ trên ghế, co ro cúm rúm người ở phi trường. Họ không được cấp visa nhập cảnh, đành chờ chuyến bay quay trở về Hà Nội. Nghĩ cũng thật xót xa thương cảm và tội nghiệp đám sinh viên miền Bắc Việt Nam! Thảo nào "phe nhóm tổ chức" ở trong miền Nam đã lanh lẹ chở bọn nầy bay đi nhanh như... gió bão và... chạy như điên, để đến nơi “dự tranh... cho kịp chuyến tốc hành”.
Tân Tây Lan gồm có ba bốn đảo:
- Hòn đảo phía Bắc là: thủ phủ Wellington và Aukland, rất nóng.
- Phía Nam có đảo Christchurch.
- Hòn đảo Tasmania rất lạnh.
- Trong khi ở trên phía Bắc Christchurch (New-Zeland), họ có thể đi ung dung vui thích tắm biển, phơi nắng suốt ngày thoải mái. Ở phía Nam Christchurch (New-Zeland) cùng thời điểm đó, họ đi trượt tuyết, đi tắm suối nước nóng. Ngộ thiệt! Ở giữa đám tuyết trắng xoá, giữa hai đảo có con phà rất lớn, sức phà có thể chứa lên đến hai mươi xe hơi, & có năm trăm hành khách.

Nơi mọi người đến dự hội nghị là Christchurch, một thành phố nhỏ rất sạch sẽ và tươi đẹp, (gồm có hơn bốn trăm ngàn dân định cư). Quả thật Christchurch tuyệt vời và thơ mộng như Đà Lạt, những ngôi nhà cổ kính đồ sộ u trầm nép mình dưới bao vòm cây già cỗi và yên lặng. Con sông xanh tươi êm đềm lặng lờ uốn khúc, dưới nước trong vắt có từng bầy thiên nga tung tăng bơi lội. Bên những sườn đồi nhấp nhô và trong bình nguyên ngút ngàn cỏ xanh mướt, đồi cao đồi thấp nhấp nhô chập chùng, thì người ta thả đầy dẫy đàn cừu trắng đang cúi đầu cặm cụi chăm chỉ gặm cỏ, không cần người chăn. Nhà nhà đều có sân rộng lát gạch, nhiều chim bồ câu trắng, nâu hoặc đen (mập ơi là mập), chúng soãi cánh lòa xoà bay lượn trong không gian mờ mờ ảo ảo bàng bạc hơi sương. Người dân ở đây hiền hoà, vui vẻ, ung dung. Đa số dân hiếu khách, chí tình, dịu dàng cởi mở, niềm nở thân thiện.

Sở dĩ có tổ chức “lần họp Thứ 11th Sinh-viên Thế Giới” tại Christchurch, là vì tại nơi đây có ngôi trường đại học nổi tiếng, lâu đời nhất của Tân Tây Lan. Giống như đại học cuả Anh là Cambridge. Hay Oxford của Mỹ, Harvard, hoặc Princeton vậy đó. Hành cùng năm bạn được đưa đến ở một khách sạn xinh xắn khang trang tiện nghi sạch sẽ có bốn tầng lầu, vì khách sạn nầy chỉ cách xa nơi hội họp độ vài trăm mét. Mình có thể thảnh thơi tà tà ung dung thong thả đi bộ, tới lui hotel và chỗ họp được gần nhất và dễ dàng.

Hôm khai mạc hội nghị, phái đoàn miền Nam Việt Nam chỉ được ban tổ chức sắp ngồi ở hàng ghế “quan sát viên” mà thôi. Chi lạ rứa!? Mình cũng cảm thấy kỳ lạ và ấm ức. Bước qua ngày thứ hai, sau khi trong hội trường đang thảo luận sôi nổi về việc:
- Tại sao Việt Nam chỉ có phép đến đây: để “làm quan sát viên” mà thôi!?

Cuối cùng, phái đoàn Việt Nam mới có một bài phát biểu cảm tưởng trong hội nghị. Ấy là nhờ do có lời khẩn khoản đề nghị chính đáng, công bình, và tự do, của một anh đại diện sinh viên Thụy Sĩ lên tiếng phản đối kịch liệt về việc: "phân biệt, kỳ thị hoặc cố ý bỏ quên nhóm Việt Nam" nầy. Cho nên đại hội đồng gồm 112 nước đang tham dự hội nghị, đã đồng ý tổ chức một cuộc “bỏ phiếu trưng cầu ý kiến”. Kết quả: Phái đoàn sinh viên miền Nam Việt Nam đắc cử vẻ vang! Sáu anh sinh viên miền Nam Việt Nam lấy làm cảm kích cùng tri ân anh đại diện sinh viên Thuỵ Sĩ, và trân trọng cảm ơn đại hội đồng hiệp hội sinh viên thế giới. Thật tuyệt vời! Cuối cùng đại hội chấp thuận Việt Nam được chính thức gia nhập vào Hiệp Hội Sinh Viên Thế Giới.

Ngày thứ ba, họ chuyển sinh viên Việt Nam cho chính thức đường hoàng vào ngồi chỉnh tề đâu ra đó, “chễm chệ” trên những hàng ghế mời danh dự, để hân hoan tham dự hội nghị và có toàn quyền tự do phát biểu cảm tưởng. Hoan hô tinh thần Tự do. Dân chủ. Độc lập muôn năm! Thế là… kể từ năm 1964, Việt Nam đã được công nhận là hội viên chính thức cuả hiệp hội sinh viên toàn thế giới (cho tới bây giờ). Đây là một thành công qúy giá, danh dự, rực rỡ, to lớn, đám sinh viên tiên khởi nầy đã mang vinh dự về cho nước Việt Nam trên phương diện ngoại giao, và về mặt chính trị. Cuộc họp chỉ có ba ngày là kết thúc.

Ngoài những ngày rãnh, họ còn đi thăm các thành phố của Úc Châu và Tân Tây Lan). Sau đó, Hành, Thạch, và Bảo ở lại Christchurch, ba người đi tham quan các thắng cảnh và hai thành phố lớn của Tân Tây Lan, (ở trên đảo phía Bắc). Còn ba người kia là Điểu, Vĩnh Kha, Tuệ thì bay đi Úc Châu trước, họ ở đó chờ dự hội nghị sinh viên Á Châu lần 8th. Sáu người hẹn gặp nhau ở Sydney. Tóm lại, chuyến đi đó chỉ xảy ra trong vòng ba tuần lễ. Thế mà các bạn trẻ đã xoay trở tài tình, để có thể khoan khoái du hành nhiều nơi khác và ghé lại thăm Manila vui vẻ. Rồi sáu anh vui vẻ ung dung bay đi Kuala Lumpur, cùng du lịch đó đây thoải mái thảnh thơi thêm mấy ngày.

Thật ra, như đã nói: Nhóm sinh viên miền Nam Việt Nam đã đi xuất ngoại, dự hội nghị sinh viên thế giới lần 11th, tổ chức tại Christchurch. & Hội nghị sinh viên Á Châu lần 8th đó -chỉ là cái cách xử thế, mà ông Nguyễn Khánh dùng tiền “cả vú lấp miệng em”; cho “sáu sinh viên cầm đầu nầy” đi xa hẳn Việt Nam lúc bấy giờ. Là một hình thức ve vuốt làm dịu nhẹ đám sinh viên cầm đầu: ngỏ hầu – ông cách ly các tổng hội sinh viên tại miền Nam Việt Nam – với tất cả sinh viên ở trong nước -đã và đang- ráo riết hăng say hoạt động, biểu tình, chống đối chính phủ đang rầm rộ diễn ra mọi nơi. Chứ ông chả tốt lành gì, mà tốn nhiều chi phí cho sáu người nầy "ung dung khơi khơi nhàn hạ đi tung tăng" như thế!
Sau chuyến công du thoải mái đi Singapore. Malaysia. Úc Châu. Tân Tây Lan. Phillippines, trở về lại Việt Nam.

Hành vội vàng trở lên Đà Lạt rút hồ sơ, lấy mấy chứng chỉ văn bằng trên đại học. Anh đành cay đắng ngậm ngùi rời khỏi “con đường trí thức & kiến thức danh giá” mà mình đã chọn. Hành đã “hoàn tất kiếp sống phong trần đầy vũ bão” vào năm thứ Hai tại viện đại học Đà Lạt. Đó cũng là do cái dấu ./. về tình yêu nồng thắm giữa “anh LPH với em yêu dấ́u” xa xăm muôn trùng, từ bài thơ cuối anh đã viết cho em:
Hoàng hôn buông những chiều nắng nhạt.
Đường em đi cây dài bóng mát.
Mặt hồ xưa long lanh sóng vỗ,
Nắng xiên từng hàng hoa, lác đác.
Nỗi niềm riêng gợi nhớ xôn xao.
Tình yêu đến hoài vọng ước ao.
Mùa xuân tới. Đông qua len lén,
Đường em về cỏ đầy lối nhỏ.
Hàng thông xanh im phủ bóng mờ.
Giữa cuộc đời cảm thấy bơ vơ…
Trái sầu đông tê tái cõi lòng.
Giếng mắt đẫm giọt sương mòng mọng.
Thác ven rừng uốn lên uốn xuống
Nước rẽ đôi giòng thương ly biệt.
Đường về quê sao buồn da diết!
Mối tình tựa ngấn sương ưu phiền(*)
*
(*) Thơ Tình Hoài Hương

Tình Hoài Hương
Kính mời quý độc giả xem tiếp chương sau