Remember ?

Trang 2/2 đầuđầu 12
kết quả từ 7 tới 9 trên 9

Tựa Đề: VNCH 10 Ngày Cuối Cùng - Bối cảnh trước tháng 4-1975

  1. #7
    Moderator
    KiwiTeTua's Avatar
    Status : KiwiTeTua v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2008
    Posts: 2,964
    Thanks: 33
    Thanked 110 Times in 40 Posts

    Default VNCH 10 Ngày Cuối Cùng - Thứ Bảy 26.04.1975 & Chúa Nhật 27.04.1975

    Thứ Bảy 26.04.1975
    Soạn Thảo Kế Hoạch chiếm Sài Gòn: Khởi Sự Tấn Công vào Ngày 27- 4


    Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh của Việt Cộng


    Về phía Cộng sản, trong cuốn Đại thắng Mùa Xuân, Tướng Văn Tiến Dũng đã nói đến những vận động chính trị đang diễn ra tại Sài Gòn nhắm vào việc thương thuyết với Cộng sản là “những trò ngoại giao quỷ quyệt của những người chỉ muốn tìm cách ngăn cản bước tiến của quân đội (Cộng sản) và để cứu lấy thân họ thì chỉ là những việc vô nghiã”.

    Sự thật thì từ ngày 22 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính Trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chấp thuận kế hoạch cuối cùng của cuộc tổng tấn công, và ngày 14 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch 275 được chính thức cải danh là chiến dịch Hồ chí Minh, tức là chiến dịch chiếm thủ đô Sài Gòn.

    Ngày 26 tháng 4 năm 1975, Lê Duẩn đã gửi điện văn số 113 cho “Anh sáu” Lê Đức Thọ, “anh Bảy” Phạm Hùng và “anh Tuấn” Văn Tiến Dũng nguyên văn như sau: (*170: Văn kiện Đảng: trang 309).

    “Hôm nay 26-4, Bộ Chính Trị đã họp để nhận định tình bình quân sự và chính trị ở Sài Gòn đã nghe điện báo cáo số 46/TK của anh Sáu. Bộ Chính Trị nhận thấy chúng ta cần hành động hết sức mạnh bạo, hết sức khẩn trương và kịp thời, nhất là trong tình hình hiện nay.
    BA”
    Văn Tiến Dũng và bộ tham mưu sau đó đã soạn thảo xong kế hoạch hành quân chớp nhoáng sử dụng các đơn vị chiến xa và cơ giới tiến chiếm 5 mục tiêu trong thành phố Sài Gòn: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Quốc Gia và Phi trường Tân Sơn Nhứt. Tướng Văn Tiến Dũng trình kế hoạch hành quân này cho 2 uỷ viên bộ Chính Trị là Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, nhân vật số hai và số 4 trong Bộ Chính Trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả hai nhân vật này chấp thuận kế hoạch và ra lệnh các cuộc tấn công vào vùng ven biên sẽ khởi sự vào ngày 27 tháng 4 và giai đoạn cuối cùng tức là tấn công vào Sài Gòn sẽ khởi sự vào ngày 29 tháng 4 năm 1975. Trong các kế hoạch của Cộng sản Bắc Việt cũng như chỉ thị của Bộ Chính Trị, không hề có một điều nào, một câu nào nói đến việc “có thể thương thuyết với chính quyền mới của Dương Văn Minh”.

    Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên sau này cho biết: “Tồng Thống Dương Văn Minh thú nhận ông bị Cộng sản lừa. Ông khuyên những cố vấn thân cận và con rể là Đại Tá Nguyễn Hồng Đài nên rời Việt Nam. Tướng Minh không phải là người duy nhất bị Cộng sản lừa: nhiều người dễ tin khác khi nhận ra sự lừa gạt của Cộng sản và muốn ra đi nhưng đã quá trể” (*171: Cao Văn Viên: sđd, trang 225).

    Sáng ngày 26 tháng 4, Văn Tiến Dũng cùng đoàn tùy tùng của ông rời Lộc Ninh di chuyển bằng quân xa về Bến Cát khoảng gần 50 cây số ở phía Tây Bắc Sài-gòn, tại đó ông ta thảo luận với phụ tá của là tướng Việt Cộng Trần Văn Trà về những chuẩn bị cuối cùng cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Cấp chỉ huy trực tiếp của Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, hai ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, không đi theo Bộ Tư lệnh Tiền phương của Văn Tiến Dũng mà vẫn đóng tại Lộc Ninh để phối hợp mọi hoạt động cả chính trị lẫn quân sự trong giai đoạn cuối của chiến dịch. Tại Trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất, tối 25 tháng 4, phái đoàn VC trong Ủy Ban Liên Hợp Bốn Bên đã nhận được mật điện của Văn Tiến Dũng cho biết quân đội cộng sản sẽ khởi sự tấn công Sài Gòn, do đó Đại tá VC Võ Đông Giang đã ra lệnh cho tất cả các nhân viên trong phái đoàn Việt cộng phải đào hầm để tránh pháo kích. Bức mật điện của Văn Tiến Dũng kết thúc bằng câu “chúc các đồng chí may mắn. Hẹn gặp các đồng chí tại Sài Gòn “.

    Đúng 5 giờ chiều ngày 26 tháng 4, được lệnh của Lê Đức Thọ qua Văn Tiến Dũng, tướng CSBV Lê Trọng Tấn ra lệnh cho hiệu thính viên truyền lệnh cho các cấp chỉ huy thuộc 6 sư đoàn dưới quyền chỉ huy của ông ta tấn công vào quận Nhơn Trạch thuộc tỉnh Biên Hoà cùng các vùng nằm về phía Đông Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức khai diễn, như vậy thì kể từ ngày 26 tháng 4, CSBV không hề có ý định thương thuyết với bất cứ ai nắm quyền ở Sài Gòn, kể cả Dương Văn Minh.

    Quốc Hộl Không Đồng Ý Trao Quyền

    Trong khi đó thì tại Paris, Nguyễn Thị Bình bắn tin cho các thân hữu người Pháp của MTGPMN rằng VC quả thật muốn thương thuyết với Dương Văn Minh với điều kiện là chính phủ mới không có nhân vật nào thuộc phe ông Thiệu. Cùng ngày, chính phủ Pháp gởi một điện văn cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết rằng Phạm Văn Ba, Trưởng Phái đoàn của MTGPMN tại Paris vừa thông báo với chính phủ Pháp rằng MTGPMN có thể sẽ chấp nhận một “công thức chính trị”’ nếu Dương Văn Minh đứng ra cầm đầu một chế độ được thiết lập “trên tinh thần hòa giải hoa hợp quốc gia.” Tại Sài Gòn, Trần Văn Đôn cũng nhận được tin qua các “trung gian” thân VC nói rằng họ có thể sẽ ngưng bắn nếu Dương Văn Minh lên nắm quyền và người Mỹ phải ngưng di tản người Việt cũng như các chiến cụ ra khỏi Việt Nam.

    Trước những tin tức dồn dập về “giải pháp Dương Văn Minh” như vậy, tại Sài Gòn, các phe nhóm như nhóm ủng hộ Dương Văn Minh, nhóm Hoà-giải Hoà-hợp chịu ảnh hưởng của khối Phật giáo Ấn Quang, nhóm CIA của Thomas Polgar và nhất là toà đại sứ Pháp, tất cả đều dồn mọi nổ lực nhằm áp lực TT Trần Văn Hương phải từ chức càng sớm càng tốt để trao quyền tổng thống VNCH lại cho Dương Văn Minh.

    Sáng ngày hôm ấy, Tổng Thống Pháp Giscard d’Estaingn đã trực tiếp gọi điện thoại nói chuyện với Đại sứ Pháp Mérillon. Khi tổng đài điện thoại của Bưu điện Sài Gòn gọi cho toà đại sứ Pháp để báo rằng “có điện thoại của tổng thống,” người Pháp tưởng rằng đó là điện thoại của tổng thống VNCH và nhân viên Bưu điện đã phải nói rõ và nhắc lại nhiều lần với toà đại sứ rằng không phải là tổng thống của chúng tôi, đây là điện thoại của Tổng Thống của các ông.”
    Trong ngày hôm đó, Đại sứ Mérillon đã gặp TT Trần Văn Hương đến 3 lần để thuyết phục Cụ trao quyền lại cho Dương Văn Minh. Tuy nhiên, Cụ Trần Văn Hương là con người nguyên tắc và trọng pháp (legalist), cái gì cũng phải theo đúng tinh thần của hiến pháp và luật pháp, cho nên không ai ngạc nhiên khi Cụ nhất định từ chối việc trao quyền tổng thống vì cái đó không hề có trong Hiến pháp.

    Theo Hiến pháp 1967 của VNCH thì khi Tổng Thống từ chức, Phó Tổng Thống sẽ lên thay và nếu vị Phó Tổng Thống cũng từ chức thì nhân vật thứ ba trong việc kế nhiệm là vị Chủ tịch Lưỡng viện Quốc Hội, lúc bấy giờ là Nghị sĩ Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Nghị Viện VNCH. Hiến Pháp VNCH năm 1967 cũng nói rõ là sau khi nhận chức Tổng Thống, vị phó tổng thống phải tổ chức một cuộc bầu cử trong vòng 6 tháng để nhân dân chọn một vị tổng thống mới chứ vị phó tổng thống mới lên thay thế không được tiếp tục phục vụ cho hết nhiệm kỳ pháp định.
    Sáng ngày 26 tháng 4, Tổng Thống Trần Văn Hương đã yêu cầu Nghị sĩ Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện, triệu tập một phiên họp đặc biệt của lưỡng viện quốc hội vào lúc 10 giờ sáng để thảo luận về vấn đề trao quyền Tổng Thống.

    Tại Quốc Hội, TT Trần Văn Hương nói rằng “Nếu không khéo dàn xếp thế nào thì e rồi đây Sài Gòn sẽ thành một núi xương sông máu, điều mà những người có lòng yêu nước không thể nghĩ đến được, không thể chấp nhận được. Với sự chấp nhận của Quốc Hội, chính phủ của tôi sẽ đi tìm sự thương thuyết, nhưng thương thuyết không có nghĩa là đầu hàng vì nếu thương thuyết để đầu hàng thì thương thuyết gì nữa? Thà là chết cho đến cùng chờ sao lại thương thuyết như vậy được.”

    TT Trần Văn Hương trình bày rằng Cụ đã nghe một số người nói rằng cựu Đại Tướng Dương Văn Minh có đủ điều kiện để đứng ra thương thuyết và Cụ đã mời ông Minh làm thủ tướng toàn quyền nhưng ông Minh không nhận mà ngược lại ông ta lại đòi Cụ phải từ chức, phải giao quyền tổng thống lại cho ông Minh để ông ta có toàn quyền thương thuyết với Cộng sản. TT Trần Văn Hương nói với Quốc Hội nguyên văn lời ông Dương Văn Minh nói với Cụ như sau: ” thầy đã hy sinh đến mức này, tôi xin thầy ráng hy sinh một bước nữa mà thầy trao trọn quyền cho tôi.”

    TT Hương nói rằng ông không có thể làm như vậy được vì làm như vậy là vi hiến, chỉ có quốc hội mới có quyền làm được việc đó vì chỉ có quốc bội mới có quyền tu chính, sửa đổi Hiến pháp mà thôi.

    TT Trần Văn Hương nói với quốc hội rằng ông chỉ có quyền chỉ định một vị Thủ Tướng, còn trao quyền Tổng Thống cho một nhân vật không có được chỉ định trong Hiến pháp thì: “Hiến Pháp vẫn còn đây, quốc Hội vẫn còn đây, tôi không thể làm một chuyện qua mặt được Quốc Hội, qua mặt được Hiến Pháp. Đây không phải là cái khăn mu-soa, một tờ giấy bạc trong tay tôi móc ra đưa cbo Đại Tướng Dương Văn Minh”.

    TT Trần Văn Hương nói với Quốc Hội rằng: “nếu Quốc Hội nghĩ rằng tôi phải giao quyền lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh, tôi xin phép vâng lời Quốc Hội tôi sẽ trao quyền lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh… Còn như quý vị nghĩ rằng không chấp nhận đề nghị đó bởi vì đây là một điều kiện khắt khe, một điều kiện của người thắng trận viết cho người bại trận, thì chúng ta không còn nước gì khác hơn là lúc đó chúng ta cứ việc chết tới cùng, không còn biết làm sao hơn được, thì chừng đó dầu cái thành Sài Gòn này có biến thành một biển máu, tôi nghĩ rằng người Việt Nam vì thể diện của mình, không thể nào từ chối được, trừ một số người không đáng gì nói là không thể nào chấp nhận được chuyện đó . Nếu Thựơng Đế không muốn cho nước VNCH tồn tại nữa thì chúng ta hãy cùng chết với xứ sở, nhưng chúng ta không thể đầu hàng”.

    Tóm lại, TT Trần Văn Hương đề nghị với lưỡng viện Quốc hội hai giải pháp để chọn lựa: đồng ý cho tổng thống được chỉ định một vị thủ tướng với toàn quyền hành động hay là chấp thuận cho Cụ giao quyền lại cho Dương Văn Minh để thay thế ông trong chức vụ tổng thống VNCH ngõ hầu có thể tìm được một đường lối hay biện pháp nào đó để vãn hồi hoà bình cho Việt Nam dù rằng đây là một giải pháp không có ghi trong Hiến pháp.

    Sau khi TT Trần Văn Hương ra về, quốc hội bắt đầu thảo luận về hai đề nghị của Tổng Thống. Dư luận cạnh các giới quốc hội cho rằng ngoại trừ một số rất nhỏ nghị sĩ và dân biểu trong “khối thứ ba” ủng hộ ông, cựu đại tướng Dương Văn Minh không được cảm tình của phần lớn dân biểu và nghị sĩ vì họ cho rằng ông Minh thường tỏ ra xem thường quốc hội, ông Minh coi thường hiến pháp, do đó giải pháp bầu cho ông Minh lên thay Cụ Hương khó mà được quốc hội thông qua dù rằng nhiều thế lực đang ráo riết vận động cho giải pháp này. Ngoài ra trong quốc hội vẫn còn có một số người ủng hộ ông Thiệu, họ không bầu cho ông Minh và một số nhỏ khác thuộc khuynh hướng phe hữu, đa số là người Bắc di cư và tín đồ Thiên Chúa giáo lại muốn ủng hộ cựu Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, do đó mà cho đến chiều thì quốc hội vẫn còn trong vòng bế tắc, chưa dứt khoát chọn được một giải pháp nào.

    Đến tối hôm đó, sau hơn 10 tiếng đồng hồ thảo luận, cuối cùng thì quốc hội cũng đồng ý thông qua một quyết nghị “tín nhiệm TT Trần Văn Hương và trao cho Tổng thống Trần Văn Hương đựơc trọn quyền làm bất cứ điều gì mà ông cảm thấy rằng cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng này”. Như vậy thì quốc hội lại giao quả banh trở lại cho vị tân tổng thống 73 tuổi với một quyết nghị có nội dung rất mơ hồ, không nói rõ nên giao quyền gì và giao quyền cho ai và đó cũng không phải là điều mà Cụ mong muốn vì quyết nghị này vẫn chưa có đủ tính cách pháp lý để Cụ giao quyền lại cho ông Dương Văn Minh như đề nghị của Pháp và Mỹ.

    Theo ông Trần Văn Đôn thì chiều hôm đó, trước khi có sự biểu quyết của quốc hội, TT Trần Văn Hương gọi điện thoại cho ông ta và nói với ông rằng “Anh Đôn, tôi sẽ chỉ định anh làm thủ tướng toàn quyền khi quốc hội biểu quyết cho tôi chỉ định thủ tướng”. Ông Đôn cám ơn Cụ Hương rồi mời nhóm anh em của ông trong Phong Trào Dân Tộc Tự Tồn hội họp để chuẩn bị thành lập chính phủ. Ông Đôn gọi điện thoại cho cựu PTT Nguyễn Cao Kỳ và ông Kỳ đề nghị mời Trung tướng Nguyễn Đức Thắng làm Tổng trưởng Quốc Phòng. Ông Đôn cũng nói với ông Kỳ rằng ” Các anh em Tổng Tham Mưu về Miền Tây để tiếp tục tổ chức phòng thủ và kháng cự. Tôi ở lại cố gắng tìm giải pháp thương thuyết đình chiến, nếu không đựơc tôi sẽ bay về Miền Tây lo việc phòng thủ với các anh em”. Ông Đôn nói rằng ông Kỳ đồng ý với ông. Sau đó, ông ta gọi điện thoại cho ông Dương Văn Minh và cho ông Minh biết rằng ông ta có thể được TT Trần Văn Hương chỉ định chức vụ thủ tướng toàn quyền thì ông Minh “cười khinh” (*172: Trần Văn Đôn: sđd, trang 469).

    Thực ra thì không có một “anh em Tổng Tham Mưu” nào về Miền Tây để tổ chức phòng thủ như lời của ông Đôn. Vào hai ngày 27 và 28 tháng 4 năm 1975, chỉ có hai tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng ở Bộ Tư­Lệnh Quân Đoàn 4 và cả hai vị tướng này đã tử tiết vào ngày 30 tháng 4. Trước đó một ngày, ngày 29 tháng 4, cả hai ông Kỳ và Đôn đều đã có mặt trên tàu của Đệ Thất Hạm Đội. Theo Oliver Todd thì máy bay của Tướng Nguyễn Cao Kỳ có chở theo Trung Tướng Ngô Quang Trưởng là chiếc trực thăng tị nạn đầu tiên đáp xuống hàng không mẫu hạm Midway vào lúc 1 giờ 12 chiều 29 tháng 4 năm 1975.
    Ông Trần Văn Đôn cho biết rằng chiều hôm đó, trong khi nhóm anh em của ông đang “bàn thảo về lời tuyên bố với quốc dân đồng bào”, ông ta đã gọi điện thoại báo tin cho Đại sứ Pháp Mérillon biết rằng TT Trần Văn Hương có thể sẽ chỉ định ông ta làm thủ tướng toàn quyền thì đại sứ Mérillon tỏ ra rất thất vọng.

    Đại sứ Mérillon nói với ông Đôn rằng “không thể được. Hà nội chỉ muốn nói chuyện với ông Dương Văn Minh. Nếu người thương tuyết không phải là ông Minh thì họ sẽ pháo kích tối nay”. Ông Mérillon nói thêm rằng sở dĩ mà ông biết được như vậy là vì ông ta có liên lạc với Hà Nội và họ đã hạn định thời gian là tối 26 tháng 4. Ông Đôn nghe như vậy bèn yêu cầu đại sứ Pháp trình bày việc này với TT Trần Văn Hương. Sau đó, ông Đôn gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ và ông cũng yêu cầu Đại sứ Martin nói chuyện với TT Trần Văn Hương.

    Tối hôm đó, ông Đôn đến thăm TT Trần Văn Hương để trình bày với Cụ Hương về cuộc tiếp xúc với hai vị đại sứ Pháp và Hoa Kỳ thì được Cụ Hương cho biết là cả hai ông đó cũng vừa nói chuyện với Cụ qua điện thoại. Ông Đôn kể lại rằng TT Trần Văn Hương đã nói với ông nguyên văn như thế này: “Qua hiểu rồi! Họ muốn ông Minh, qua sẽ từ chức”.

    Tiến sĩ Henry Kissinger sau này cho biết việc người ta đồn đại rằng Cộng sản Bắc Việt chỉ muốn nói chuyện với Dương Văn Minh là điều không đúng: “Vào ngày 24 tháng 4, người kế vị ông Nguyễn Văn Thiệu là Tổng Thống Trần Văn Hương đã chủ trương “mở rộng” bằng cách mời tướng Dương Văn Minh giữ chức vụ thủ tướng. “Big Minh, “biệt danh của ông ta, là nguồn hy vọng lớn lao của phong tráo “phản đối chiến tranh Việt Nam” từ năm 1967 khi mà ông ta đã thua ông Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc chạy đua tranh dành quyền lực tại Việt Nam. Ông ta được mọi người xem như là một người “trung lập” và mọi người hy vọng rằng với lập trường đó thì ông ta sẽ có thể được phe Cộng sản chấp nhận, tuy nhiên ông Lê Đức Thọ đã có những thái độ gây cho tôi có cảm tưởng ngược lại (Le Duc Tbo had given me the opposite impression.) (*173: Henry Kissinger: ‘Ending the Vietnam War,” trang 548.).

    Như vậy, theo lời cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn kể lại trong Việt Nam Nhân Chứng thì ngày 26 tháng 4, TT Trần Văn Hương đã mời ông làm thủ tướng. Người viết có hỏi ông Trần Văn Đính, thứ nam của cố TT Trần Văn Hương, thì ông Đính khẳng định rằng không hề có chuyện đó. Theo ông Đính thì Cụ Trần Văn Hương không ưa những người vốn là dân Tây, mà thân phụ của ông Đôn, Bác sĩ Trần Văn Đôn là dân Tây, người con, André Trần Văn Đôn, không những là dân Tây mà lại còn sinh trưởng tại thành phố Bordeaux ở Pháp; Cụ Trần Văn Hương cũng không ưa những người đã đi lính cho người Pháp trước năm 1945 như ông Đôn và ông Dương Văn Minh.(*174: phỏng vấn ông Trần Văn Đính, Huntington Beach, California 2002).

    Trong cuốn Việt Nam Nhân Chứng, ông Đôn cũng có kể lại rằng tối 22 tháng 4, ông đến gặp Dương Văn Minh thì được ông Minh cho biết là ông Minh chưa tiếp xúc với tân TT Trần văn Hương vì “ông Hương chậm chạp, lại không thích ông Minh cho lắm nên kéo dài thời gian”.

    Còn việc Cụ Hương muốn mời Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy làm thủ tướng thì khi Giáo Sư Huy còn sinh tiền, người viết có lần hỏi giáo sư về chuyện này và đã được giáo sư xác nhận rằng TT Trần Văn Hương có mời ông thành lập chính phủ vào ngày 24 tháng 4 năm 1975. Giáo sư Huy nói rằng chiều hôm đó ông có vào Dinh Độc Lập gặp Cụ Hương. Tuy nhiên tình hình biến chuyển quá mau lẹ trong những ngày kế tiếp, nhất là áp lực từ phía các cường quốc muốn thương thuyết với Cộng sản với lá bài Dương Văn Minh, cho nên ông đã từ chối và ngày 26 tháng 4, TT Trần Văn Hương phải ra quốc hội để yêu cầu ngành lập pháp tìm một giải pháp cho vấn đề này.
    __________________________________________________ _________________________________

    VC pháo kích vào Q1 Saigon tháng 4-1975 (April 1975, Saigon, South Vietnam — War victims walking through rubble after buildings were hit by a Vietcong missile in Saigon, South Vietnam. — Image by© Nik Wheeler/CORBIS)



    Chúa Nhật 27.04.1975


    Rạng sáng ngày Chúa Nhật, vào lúc 3 giờ rưỡi, việt cộng pháo kích 5 trái hỏa tiễn vào Đô Thành gây cho 6 người chết và 22 người bị thương, tuy nhiên tình hình ở Sài Gòn vẫn yên tĩnh, không có vẻ gì là rối loạn. Theo ông Trần Văn Đôn thì vào lúc 3 giờ chiều, Đại Sứ Mérillon đã gọi điện thoại cho ông ta và báo tin cho biết rằng nếu đến 6 giờ chiều hôm đó mà chưa có gì thay đổi thì quân cộng sản sẽ pháo kích vào Sài Gòn bằng đại bác 130 ly. Theo Jean Lartéguy trong cuốn L’Adieu à Saigon thì sau ngày 30 tháng 4, một sĩ quan cộng sản Bắc Việt đã tiết lộ với ông Vũ Văn Mẫu rằng các đơn vị cộng sản được lệnh bắt đầu pháo kích vào Sài Gòn bắt đầu vào lúc 11 giờ tối 30 tháng 4 nếu Sài Gòn tiếp tục chống cự và cộng sản Bắc Việt dự tính rằng họ sẽ chiếm Sài Gòn vào ngày 7 tháng 5 tức là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của họ 21 năm về trước.

    Theo Frank Snepp thì vào ngày hôm đó, có nhiều phe nhóm chính trị đã chống lại việc Tổng Thống Trần Văn Hương không chịu giao quyền cho Dương Văn Minh. Người đầu tiên là ông Trần Quốc Bửu, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam mà theo Frank Snepp thì ông ta là người đã cộng tác với CIA từ lâu. Ông Bửu đã kêu gọi đoàn viên biểu tình gây áp lực để đẩy ông Hương ra khỏi chính quyền. Kế đó là Thương Tọa Thích Trí Quang, lãnh tụ Phật Giáo Ấn Quang cũng đã kêu gọi Tổng Thống Trần Văn Hương phải nhường chức cho Dương Văn Minh và nhóm thứ ba là cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ cùng với Linh Mục Trần Hữu Thanh, Chủ Tịch Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng đã tham dự một cuộc biểu tình tại Giáo Xứ Tân Sa Châu với gần mười ngàn người tham dự. Trong cuộc mít-tinh này, Linh Mục Trần Hữu Thanh và cựu Phó Tổng Thống Kỳ lên án những kẻ hèn nhát đã bỏ nước di tản theo người Mỹ và hô hào đồng bào ở lại để tử thủ bảo vệ Sài Gòn. Theo Frank Snepp, ông Kỳ đã nói với những người biểu tình rằng: “cái gọi là chiến thắng của cộng sản chẳng qua chỉ là hậu quả của việc những Tướng lãnh và sĩ quan của Quân Đội chúng ta đã chọn sự bỏ chay ngay cả trước khi họ được yêu cầu’’. [*175: Frank Snepp: Sách đã dẫn, trang 433].

    Báo chí Việt ngữ trong nước đã trích thuật lại rằng cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ đã kêu gọi mọi người ở lại chiến đấu chống lại cộng sản Bắc Việt, ông nói rằng ông cũng sẽ ở lại để chiến đấu chứ không đi đâu cả, không di tản ra ngoại quốc vì “ở bên đó làm gì có rau muống, mắm tôm mà ăn?…’’

    Lưỡng Viện Quốc Hội Đồng Ý “Trao Quyền’’

    Vào lúc 10 giờ sáng, Tổng Thống Trần Văn Hương mời :
    - Nghị Sĩ Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện,
    - Dân Biểu Phạm Văn Út, Chủ Tịch Hạ Viện,
    - Thẩm Phán Trần Văn Linh, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện,
    - Thẩm Phán Lê Tài Triển, Phụ Tá Tư Pháp của Tổng Thống,
    - Trần Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng
    - và Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,

    để nghiên cứu kỹ các điều khoản trong Bản Hiến Pháp của Việt Nam Cộng Hòa và thảo luận về việc yêu cầu Quốc Hội biểu quyết về đề nghị của Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền cho một người không được quy định trong Hiến Pháp. Buổi họp kết thúc vào khoảng 12 giờ trưa và Tổng Thống Trần Văn Hương đã yêu cầu Nghị Sĩ Trần Văn Lắm triệu tập một phiên họp khẩn cấp của Lưỡng Viện Quốc Hội vào buổi chiều hôm đó để thảo luận dứt khoát và biểu quyết về đề nghị giao quyền Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa lại cho ông Dương Văn Minh.

    Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn cho biết rằng ông cũng đã đóng góp ý kiến với Tổng Thống Trần Văn Hương về vấn đề này:
    “Sáng chủ nhật 27 tháng 4, Tổng Thống Hương mời tôi họp tại Dinh Phó Tổng Thống trên đường Công Lý. Phiên họp gồm có các Chủ Tịch của Lưỡng Viện Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện, Giám Sát Viện, hai Phụ Tá của Tổng Thống là Lê Tài Triển và Lê Công Chất. Tổng Thống Hương tóm lược những vận động chính trị đang diễn tiến bức bách Cụ bàn giao cho Tướng Minh cùng lúc với áp lực mặt trận đang đè nặng sát nách Đô Thành. Tổng Thống Hương bằng lòng nhường chỗ cho Tướng Minh nhưng Cụ thắc mắc không biết dựa vào điều khoản nào của Hiến Pháp vì Cụ không muốn xé bỏ Hiến Pháp và đầu hàng. Cụ nói đúng lý ra thì Cụ phải nhường chỗ cho Chủ Tịch Thượng Viện thì mới theo đúng Hiến Pháp.

    Trong phiên họp có nhiều người am tường Luật Pháp, nhưng Cụ lai hỏi tôi: Thủ Tướng có căn bản luật và hành chánh, lại là cựu Chủ Tịch Hạ Viện, vậy Thủ Tướng hãy góp ý tôi giải quyết việc này ra sao ?

    Tôi góp ý với Tổng Thống Hương: “Thưa Tổng Thống, mặc dù chúng ta không thể chống chọi nỗi áp lực chính trị và quân sự của ngoại bang và cộng sản, nhưng tôi cũng xin Tổng Thống đừng dựa vào quyết định cá nhân và tự tiện bàn giao cho Tướng Minh vì sự bàn giao vi hiến này có hậu quả chính trị là xé bỏ Hiến Pháp là tai hại hơn nữa là sử sách sau nầy sẽ lên án Tổng Thống vì bàn giao chức vụ cho Tướng Minh mà sau đó đất nước này mới mất vào tay cộng sản’’.

    Tuy Tổng Thống và nhân viên Lưỡng Viện Quốc Hội đều được nhân dân trực tiếp bầu, tuy Tổng Thống được Hiến Pháp giao cho trọng trách Quốc Trưởng lãnh đạo quốc dân, nhưng theo truyền thống dân chủ cũng như theo thủ tục đã được áp dụng trên thực tế tại các nước dân chủ lâu đời, mỗi khi cần phải có những quyết định không được dự trù trong Hiến Pháp để cứu đất nước đang bị lâm nguy, họ t­hường giao trách nhiệm nặng nề này cho Quốc Hội là cơ quan bao gồm hàng trăm dân cử và thường được chấp nhận là quyền uy tối cao của đất nước.Vậy tôi đề nghị Tổng Thống dành cho Lưỡng Viện Quốc Hội quyết định tối hậu. Hôi nghị chấp thuận đề nghị của tôi’’. [*176 Nguyễn Bá Cẩn: Sđd, trang 432-433.].

    Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cũng có nhận xét như sau:
    “Mặc dù có nhiều sự đồn đãi cho rằng cộng sản chỉ thương lượng một giải pháp chính trị với Tướng Dương Văn Minh, nhưng là một vị Tổng Thống tin vào Hiến Pháp, Tổng Thống Hương không thể nào trao chức Tổng Thống lại cho Tướng Minh nếu không có sự đồng ý của Quốc Hội’’. [*177: Cao Văn Viên: Sách đã dẫn, trang 222.]

    Phiên họp với Tổng Thống Trần Văn Hương chấm dứt vào khoảng 12 giờ trưa ngày chủ nhật với quyết định sẽ giao cho Thượng và Hạ Nghị Viện biểu quyết về vấn đề “trao quyền’’ cho Tướng Dương Văn Minh để thương thuyết với cộng sản Bắc Việt nội trong ngày hôm đó, tuy nhiên vì thì giờ quá cấp bách cho nên rất khó mà có thể đạt giấy mời đến các vị Nghị Sĩ và Dân Biểu đến tham dự phiên họp đặc biệt này trong vòng chỉ có mấy tiếng đồng hồ.

    Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn cho biết chính Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã gọi điện thoại cho ông để yêu cầu giải quyết sự khó khăn này như sau:

    “Tôi ra về sau khi từ giã Cụ Hương, nhà ái quốc khả kính mà tôi không bao giờ được gặp nữa. Từ địa điểm họp tại Tư Dinh Phó Tổng Thống về đến Tư Dinh Thủ Tướng tại số 5 Bến Bạch Đằng xe chạy độ 15 phút. Thế mà vừa bước chân vào phòng khách thì điện thoại reo vang. Đại Sứ Martin ở phía đầu dây bên kia nói với tôi: Tình hình vô cùng khẩn trương. Công việc đang phải giải quyết với cộng sản Bắc Việt từng phút từng giây chứ không phải từng ngày, từng giờ nữa. Tưởng là phiên họp với Tổng Thống Hương đã đi đến quyết định là bàn giao ngay nội ngày bôm nay.

    Không ngờ Thủ Tướng lại đề nghị “giao quả bóng’’ qua cho Quốc Hội, biết chừng nào mới triệu tập cả trăm người đến họp được ? Hai ông Chủ Tịch Quốc Hội sẽ bó tay không thể nào có phương tiện tống đạt thư mời Dân Biểu và Nghị Sĩ được. Vậy xin Thủ Tướng giúp giùm hai vị này triệu tập phiên họp khẩn cấp nội chiều nay. Nếu trễ ký hạn tối nay của cộng sản thì Sài Gòn sẽ lâm nguy.

    Tôi liền điện thoại thông báo hai vị Chủ Tịch Thượng và Hạ Viện cứ tống đạt thư mời các Dân Biểu và Nghị Sĩ cho đúng nội quy, nhưng e rằng thư mời sẽ không đến tay đầy đủ cho các vị dân cử đâu. Tôi chỉ thị lập tức cho hai Đài Truyền Thanh và Truyền Hình ngưng tất cả các chương trình phát thanh thường lệ.

    Bắt đầu từ giờ phút này,chỉ phát thanh nhạc hùng, tạo không khí khẩn trương y như khi có biến cố trước đây và đọc thư mời các Nghị Sĩ và Dân Biểu đến dự phiên họp khoáng đại Lưỡng Viện tại Hội Trường Diên Hồng, trụ sở của Thượng Nghị Viện vào lúc 7 giờ tối nay’’. [*178: Nguyễn Bá Cẩn: Sách đã dẫn, trang 436.]

    Trong buổi chiều hôm đó, Đài Phát Thanh Sài Gòn liên tiếp đọc đi đọc lại từng giờ thư mời của Nghị Sĩ Trần Văn Lắm yêu cầu các Dân Biểu và Nghị Sĩ đến dự phiên họp đặc biệt khẩn cấp tại trụ sở Thượng Viện vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày. Phiên họp Lưỡng Viện khai diễn vào lúc 7 giờ 30 tối với 138 Nghị Sĩ và Dân Biểu hiện diện: Có nhiều người sau này nói rằng phiên họp này không hợp pháp vì không đủ túc số, tuy nhiên điều đó không đúng vì vào tháng 4 năm 1975, tổng số Dân Biểu và Nghị Sĩ trong hai Viện Quốc Hội là 219 người, theo nội quy của Quốc Hội thì chỉ cần quá bán tổng số tức là 110 người là đủ túc số để họp Lưỡng Viện, như vậy con số 138 người thì đã quá đủ túc số rồi.

    Theo lời yêu cầu của Chủ Tịch Thượng Viện, ông Trần Văn Đôn, Tổng Trưởng Quốc Phòng đã hướng dẫn một phái đoàn quân sự đến Quốc Hội để trình bày về tình hình quân sự và vòng đai phòng thủ Sài Gòn. Phái đoàn này gồm có:

    - Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa,
    - Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô,
    - Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân,
    - Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang, Tư Lệnh Hải Quân,
    - Chuẩn Tướng Trần Đình Thọ, Trưởng Phòng 3 và Trung Tâm Hành Quân Bộ Tổng Tham Mưu
    - và Đại Tá Hoàng Ngọc Lung, Trưởng Phòng 2 Quân Báo thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

    Ông Trần Văn Đôn, với tư cách là Xử Lý Thường Vụ Tổng Trưởng Quốc Phòng, đã thuyết trình cho Lưỡng Viện Quốc Hội tình hình bi đát của đất nước kể từ khi Ban Mê Thuột thất thủ ngày 10.3.75, sau đó mất Quảng Trị ngày 19 tháng 3 ,An Lộc ngày 20 tháng3, Huế ngày 26 tháng 3 Quảng Tín ngày 24 tháng3, Quảng Ngãi ngày 25 tháng 3, Đà Nẵng ngày 29 tháng 3, Quy Nhơn ngày 1 tháng 4, Nha Trang ngày 2 tháng 4, Đà Lạt ngày 4.4, Phan Rang ngày 16.4, Phan Thiết ngày 19.4, Xuân Lộc ngày 20.4 và ngay trong lúc Quốc Hội đang họp thì quân cộng sản Bắc Việt đã tới Biên Hòa.

    Phái đoàn Trần Văn Đôn tường trình với Lưỡng Viện Quốc Hội rằng hiện cộng sản Bắc Việt đang có tới 16 sư đoàn tức là vào khoảng hơn 160.000 quân đang bao vây Sài Gòn cùng với sự yểm trợ của một số rất đông Thiết Giáp và Pháo Binh hạng nặng, trong khi đó thì vòng đai phòng thủ của ta đang từ từ bị thu hẹp. Cả hai Nghị Sĩ là Phạm Đình Ái và Vũ Văn Mẫu hỏi phái đoàn Quốc Phòng lực lượng Tổng Trừ Bị của Việt Nam Cộng Hòa ở đâu và vòng đai phòng thủ như thế nào thì được trả lời rằng Tổng Trừ Bị đang ở vòng đai phòng thủ Sài Gòn cùng với hai sư đoàn 5 và 25.

    Tuy nhiên hai đại đơn vị này đã bị quân cộng sản cầm chân, Sư Đoàn 5 bị quân cộng sản vây ở căn cứ Lai Khê và Sư Đoàn 25 đang bị vây ở căn cứ Đồng Dù, còn trong Thủ Đô Sài Gòn thì chỉ có Cảnh Sát Dã Chiến cùng với một số đơn vị Biệt Động Quân bảo vệ. Tóm lại, phái đoàn phúc trình rằng tổng số quân Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Thủ Đô chỉ có khoảng 60.000 người và không có khả năng tăng viện thêm trong khi đó thì quân cộng sản Bắc Việt đông gấp 3 lần và quân của họ từ các vùng miền Bắc và Miền Trung tiếp tục kéo về càng ngày càng đông và đó là viễn ảnh của mặt trận Sài Gòn trong một vài ngày sắp tới. Theo một nhà báo Pháp thì trong bài thuyết trình này, ông Trần Văn Đôn đã đặt ra một bức tranh vô cùng bi thảm: Chỉ vài ngày, có thể chỉ vài giờ nữa, Sài Gòn có thể bị đại bác 130 ly của cộng sản tàn phá. Vậy phải thương thuyết ngay để có ngưng bắn càng sớm càng tốt.

    Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn cho biết thêm một vài chi tiết về phiên họp đặc biệt này của Lưỡng Viện như sau:
    “Sau khi ba Tướng Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Khắc Bình ra về để cho Lưỡng Viện Quốc Hội tiếp tục thảo luận, thời giờ qua rất nhanh thế mà các Nghị Sĩ Dân Biểu kéo dài cuộc thảo luận dằng co xung quanh hai đề tài hợp hiến và chủ quyền quốc gia, chưa chịu biểu quyết. Dân Biểu Phạm Anh, Tổng Trưởng Đặc Trách Liên Lạc Quốc Hội, từ Hội Trường Diên Hồng báo cáo với tôi rằng các Nghị Sĩ và Dân Biểu thuộc phe cầm quyền không chống đối việc trao quyền cho Dương Văn Minh vì muốn tránh đổ máu cho nhân dân trong Đô Thành. Trái lại một chuyện bất ngờ và đầy mâu thuẫn đã xảy ra là Nghị Sĩ và Dân Biểu đối lập lại do dự chưa chịu biểu quyết cho Tướng Minh là người mà họ đã ủng hộ lâu nay.

    Khi trao đổi với nhau một cách bán chính thức ngoài hành lang của Hội Trường, một số Dân Biểu và Nghị Sĩ đối lập cho biết “sở dĩ họ chống việc trao quyền cho Tướng Minh là vì họ nghĩ rằng Tướng Minh sẽ không đủ tài ba để giữ nước mà sẽ làm mất nước vào tay cộng sản’’. Được hỏi “nếu vậy thì tại sao lâu nay quí anh tín nhiệm Tướng Minh như lãnh tụ đối lập trong nước’’ thì các Dân Biểu và Nghị Sĩ đối lập trả lời rằng: “chúng tôi nào có tín nhiệm và tin tưởng Tướng Minh. Chúng tôi chỉ dùng Tướng Minh để phá Tổng Thống Thiệu mà thôi!’’.

    Cũng nên nói thêm là hai Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và Pháp vận động khá mạnh nên sau cùng Lưỡng Viện Quốc Hội ngưng thảo luận để biểu quyết’’.[*179: Nguyễn Bá Cẩn: Sách đã dẫn, trang 442-443].

    Sau đó, vào lúc 8 giờ 45 tối, Thượng Nghị Sĩ Trần Văn Lắm đọc câu hỏi sau đây trước Lưỡng Viện Quốc Hội “Ai đồng ý là Tổng Thống Trần Văn Hương nên trao quyền cho ông Minh để ông ta có thể tìm kiếm một con đuờng vãn hồi hòa bình cho Việt Nam ?’’ 136 trong tổng số 138 Dân Biểu và Nghị Sĩ bỏ phiếu thuận, hai người không bỏ phiếu là Thượng Nghị Sĩ Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện và Dân Biểu Phạm Văn Út, Chủ Tịch Hạ Viện vì theo nội quy của Thượng và Hạ Viện thì vị Chủ Tịch chỉ bỏ phiếu khi nào không đủ đa số mà thôi.

    Như vậy, chỉ 24 tiếng đồng hồ sau quyết nghị ngày 26.4, Quốc Hội đã thông qua một quyết nghị mới minh định việc cả hai Viện Lập Pháp chấp thuận việc Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh và có như vậy thì việc Cụ Trần Văn Hương trao quyền mới có vẻ như là có tính cách hợp hiến và hợp pháp và đó là điều mà Cụ trông đợi. Ông Trần Văn Đôn kể lại rằng tối hôm đó ông đến nhà Cụ Hương để thông báo việc xảy ra ở Quốc Hội thì Cụ nhờ ông Đôn nói lại với ông Dương Văn Minh là Cụ sẵn sàng trao quyền bất cứ lúc nào.

    Khi ông Đôn ra về, Cụ Hương nói với ông Đôn rằng: “họ muốn có ông Minh thì có ông Minh!’’. Theo ông Đôn thì sau đó ông Nguyễn Xuân Oánh và ông đến Tòa Đại Sứ Pháp và Mỹ thông báo việc Quốc Hội đã chấp thuận việc trao quyền cho ông Dương Văn Minh rồi cả hai người ghé đến nhà ông Minh. Ông Đôn nói với ông Minh là Cụ Hương sẵn sàng trao quyền bất cứ lúc nào thì ông Minh nói rằng ông ta sẽ nhậm chức vào lúc 5 giờ chiều ngày hôm sau, Thứ Hai 28 tháng 4 năm 1975. (Đại Úy Nguyễn Văn Nhựt, cựu Tùy Viên của Tổng Thống Trần Văn Hương quả quyết với người viết rằng tối 27 tháng 4 cũng như tối hôm sau 28 tháng 4, Cụ Hương không hề tiếp ông Đôn tại Phủ Phó Tổng Thống trên đường Hiền Vương).

    Sau khi Dương Văn Minh đã chính thức được Quốc Hội chấp thuận giao quyền Tổng Thống, khuya hôm đó.
    Theo Frank Snepp, Đại Sứ Hoa Kỳ Martin mới chỉ thị cho Polgar, trùm CIA Sài Gòn, đi đón những nhân vật thân cận và trung thành với ông Thiệu đưa lên Phi Trường Tân Sơn Nhất rồi họ được một chuyến bay đặc biệt đưa sang Căn Cứ Không Quân Clark tại Phi Luật Tân. Trong số những hành khách trên chuyến bay đặc biệt này có cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn, cựu Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã và cựu Thiếu Tướng Tư Lệnh Cảnh Sát Nguyễn Khắc Bình. Frank Snepp cho biết rằng Đại Sứ Graham Martin đã ra lệnh không cho một viên chức cao cấp nào trong chính phủ được ra đi cho đến khi nào Đại Tướng Dương văn Minh được chính thức giao quyền Tổng Thống. [*180: Frank Snepp: Sách đã dẫn, trang 448].

    Cựu Thủ Tướng Nguyễn Bá Cẩn nói với người viết rằng ông ra đi vào tối 27 tháng 4 vì ông không muốn làm cái việc bàn giao chức vụ Thủ Tướng cho Vũ Văn Mẫu. Trong cuốn Hồi Ký sau này, ông Nguyễn Bá Cẩn cũng xác nhận rằng ông được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đưa lên Phi Trường Tân Sơn Nhứt vào rạng sáng ngày 28 tháng 4 và được đưa qua Căn Cứ Clark Field của Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân trên một chiếc phi cơ vận tải C-13O cùng với Bác Sĩ Phan Quang Đán và ông Hoàng Đức Nhã.

    Trong khi tại Sài Gòn, hai Viện Quốc Hội đã thông qua quyết nghị cho phép Tổng Thống Trần Văn Hương “trao quyền’’ cho ông cựu Đại Tướng Dương Văn Minh để “điều đình’’ với cộng sản thì tại Hà Nội, Võ nguyên Giáp đã nhân danh Quân Ủy Trung Ương gửi một chỉ thị mang số 113/QUTW ngày 27 tháng 4 năm 1975 cho các đơn vị cộng sản tại Miền Nam về“nhiệm vụ của các đơn vị quân đội quản lý Thành Phố Sài Gòn-Gia Định’’. Chỉ thị này dài tất cả là 10 trang giấy nói về việc “quản lý tốt’’, nắm vững đặc điểm của Sài Gòn-Gia Định và công tác cụ thể trong việc quản lý. Võ Nguyên Giáp ra lệnh rằng chỉ thị này phải được “quán triệt đầy đủ đến tân chi bộ và trung đội, tiểu đội và được chấp hành nghiêm túc’’. Trong bản chỉ thị này, không hề có câu nào nhắc đến việc có thể thương lượng với Dương Văn Minh.



    Nhân Vật Trần Văn Đôn

    Trong cuốn “Việt Nam nhân chứng’’, tác giả Trần Văn Đôn cho biết thân phụ của ông là công dân Pháp và ông ra đời tại Bordeaux vào năm 1917, rồi theo cha trở về Việt Nam. Đến năm 1927, ông lại được cha cho sang Pháp “du học’’ lúc mới 10 tuổi. Sau hai năm, ông về thăm nhà và không muốn trở lại Pháp nên học ở Sài Gòn cùng lớp với Dương Văn Minh. Sau khi đậu Tú Tài, vào năm 1939 sang Pháp học về Cao Đẳng Thương Mại (Hautes Études Commerciales) nhưng khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ vào năm đó thì bị động viên vào quân đội với cấp bậc binh Nhì.

    Sang năm 1940 được vào học Trường Sĩ Quan Trừ Bị St. Maixent nhưng giữa chừng thì phải ra trận rồi bị Đức Quốc Xã bắt.

    Năm 1940 lại theo cha là Trung Úy Y Sĩ Trần Văn Đôn về Việt Nam và phục vụ trong quân đội Pháp. Năm 1944 ông được người Pháp gởi đi học sĩ quan tại Trường Đồi Thông, được người Pháp đọc là “Trường Tông” ở Phú Thọ và trở thành Sĩ Quan trong Quân Đội Pháp. Năm 1947 được làm Sĩ Quan Tùy Viên cho Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân rồi đến năm 1950 được sang Pháp theo học Trường Cao Đẳng Quốc Phòng trong 1 năm, về nước năm 1951 và được cử phụ trách Nha An Ninh Quân Đội. Đến năm 1954 được cử kiêm nhiệm thêm chức Tham Mưu Trưởng thay cho Đại Tá Trần Văn Minh và ở lại chức này cho đến năm 1957. Năm 1955, Trần Văn Đôn từ bỏ quốc tịch Pháp, đốt cấp hiệu Đại Tá của Pháp và được Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thăng lên Thiếu Tướng, sau đó được cử làm Tư Lệnh Quân Đoàn I rồi Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa khi Đại Tướng Lê Văn Tỵ bị bệnh. Ông là một trong những người tổ chức và lãnh đạo cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm l963 giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu nhưng đến ngày 30 tháng 1 năm 1964 thì bị Tướng Nguyễn Khánh chỉnh lý và sau đó bị cho giải ngũ. Năm 1967 ông ứng cử vào Thượng Nghị Viện, năm 1971 ứng cử vào Hạ Nghị Viện và vào năm 1975 thì giữ chức Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng.

    Trong cuốn “Viêtnam, Qu’as Tu Fait De Tes Fils’’, tác giả Pierre Darcourt có viết về Trần Văn Đôn như sau:
    “Trần Văn Đôn có giáng dấp của một tướng làm chính trị hơn là chỉ huy. Quen với các trò âm mưu trong hậu trường và với các trò xin xỏ trong chính phủ, sự nghiệp và thăng thưởng của hắn nhờ ở sự bợ đỡ hơn là thành tích. Trung Úy Trần Văn Đôn bắt đầu leo lên hoạt động chính trị từ năm 1946 lẻo đẻo theo xách cặp cho Tướng Nguyễn Văn Xuân, sau đó theo Trần Văn Hữu rồi đến Ngô Đình Diệm. Năm 1956 nhiều bạn người Pháp và bạn trong Quân Đội đã khinh miệt hắn vì để làm đẹp lòng Tổng Thống Ngô Đình Diệm, hắn đã chủ tọa một buổi lễ đốt các tàn tích của thời thực dân Pháp thống trị và Đôn đã liệng cặp lon Đại Tá cùng với các huy chương mà quan thầy Pháp ban cho vào lửa. Chú ruột của Trần Văn Đôn giận quá và đã tặng hắn hai cái bạt tai nẫy lửa.

    (Ghi chú của người viết. Đại Tá Trần Văn Đôn cùng với một số sĩ quan cao cấp hồi đó đã từ bỏ quốc tịch Pháp và làm lễ đốt lon của Pháp để lấy điểm với chính quyền Ngô Đình Diệm và ông Diệm đã thăng cấp cho Trần Văn Đôn lên Thiếu Tướng, chỉ có Đại Tá Lê Văn Kim, em rể của Trần Văn Đôn, và Đại Tá Trần Văn Hổ không chịu bỏ quốc tịch Pháp để được lên Tướng cho nên không được lòng ông Ngô Đình Diệm. Trong cuộc đảo chánh ngày 1.11.1963 Trung Tướng Lê Văn Kim được xem là đầu não, là linh hồn trong nhóm bộ ba Dương Văn Minh-Trần Văn Đôn- Lê Văn Kim và sau khi ông Diệm và ông Nhu bị giết, Tướng Lê Văn Kim được chỉ định làm Ủy Viên Chính Trị của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, một chức vụ tương đương với chức vụ Cố Vấn Chính Trị tại Phủ Tổng Thống mà ông Ngô Đình Nhu nắm giữ trong suốt 9 năm ông Diệm nắm chính quyền.)

    Sau này, tuy ông Diệm ban cho hắn danh vọng và cho hắn làm Quyền Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội, hắn vẫn tham dự dự vào việc hạ bệ ông Diệm. Là bạn của Tướng Dương Văn Minh, Đôn bỏ Minh để theo Kỳ. Nhờ Kỳ để ứng cử rồi lại bỏ Kỳ để theo Thiệu. Làm trò ma-nớp để Thiệu sửa Hiến Pháp cho phép Thiệu ứng cử lần thứ ba, Thiệu thưởng công bằng cách cho hắn giữ ghế Phó Thủ Tướng.

    Trần Văn Đôn lo xa nên hay đi ngoại quốc, nhất là những nước có liên lạc thân hữu với Pháp. Tại Paris, hắn đã tìm gặp các quan thầy cũ để tỏ lòng hối hận vì đã giám đốt lon và huy chương của Pháp. Sau năm 1975, Trần Văn Đôn đã nhờ Tướng Loisillon của Quân Đội Pháp vận động xin với chính phủ Pháp cho hắn lãnh tiền hưu trí vì đã phục vụ nước Pháp trong 16 nắm trời (1940-1956) và hắn đã lãnh được số tiền là 130.000 quan (khoảng 32.000 đô-la). Đồng thời, Trần Văn Đôn cũng đã nhờ Jean Sainteny (cựu Cao Ủy Pháp tại Bắc Việt và là người rất thân với Hồ chí Minh) môi giới để hắn móc nối với những kẻ có liên lạc với việt cộng và Hà Nội.

    Trần Văn Đôn nổi tiếng là người có tài thông gian với nhiều phụ nữ Việt Nam có chồng nhưng mà vẫn giữ được liên lạc tốt với những người bị cắm sừng và giữ được liên lạc với vợ của hắn’’. [*181: Pierre Darcourt: “Vietnam, Qu’as Tu Fait de Tes Fils’’ bản dịch của Phạm Kim Vinh trong Saigon, Người Việt, PO Box 486, Westminster, CA 92683, 1979, tr. 109-110).]

    Ông Trần Văn Đính nói rằng trong thời gian Cụ Trần Văn Hương làm Thủ Tướng cũng như là Phó Tổng Thống, có nhiều người đã yêu cầu Cụ đưa ông Đôn lên giữ một vài chức vụ quan trọng nhưng Cụ nhất mực từ chối, Cụ cho rằng ông Đôn chỉ là một người “opportunist’’ (cơ hội chủ nghĩa, gió chiều nào theo chiều đó), đời sống riêng tư “thiếu đạo đức’’, không xứng đáng để giữ một chức vụ nào trong guồng máy lãnh đạo Quốc Gia. [*182: Phỏng vấn ông Trần Văn Đính, thứ nam của Cụ Trần Văn Hương tại California 2002].

    Người viết có hỏi cựu Đại Úy Nguyễn Văn Nhựt Sĩ Quan Tùy Viên của Cụ Trần Văn Hương cho đến ngày cuối cùng, về tin đồn nói rằng vào cuối tháng 4 năm 1975, Cụ Hương dự định mời ông Trần Văn Đôn làm Thủ Tướng thì ông Nhựt trả lời rằng “tôi ở bên cạnh Cụ gần như là suốt ngày đêm trong thời gian đó và tôi không hề nghe Cụ nói với ai về việc mời ông Đôn làm Thủ Tướng. Riêng về ông Đôn thì Cụ có nói như vầy: Cái ông đó thì tôi không bao giờ mời làm một chức vụ gì cả’’.

    Để có thể hiểu thêm về nhân vật này, có một câu chuyện được chính ông Trần Văn Đôn kể lại cho bạn bè của ông và trong giới chính trị cũng như các vị Tướng lãnh có nhiều người biết chuyện này. Người kể lại câu chuyện này với người viết là một nhân vật có nhiều liên hệ với ông Đôn từ Sài Gòn cũng như sau năm 1975. Theo lời ông Đôn kể lại thì vào khoảng thập niên 1980, ông Đôn bị một chứng bệnh gì đó và được vào điều trị trong Bệnh Viện Val De Grace, tức là Quân Y Viện lớn nhất của Quân Đội Pháp ở gần Paris và ông đã kết thân với một vị Bác Sĩ Quân Y người Pháp phục vụ tại bệnh viện này. Ông Đôn vốn là công dân Pháp trước năm 1955, là cựu sĩ quan trong Quân Đội Pháp cho nên đã được hưởng quyền lợi đặc biệt này.

    Trong thời gian dưỡng bệnh ở đây, ông Đôn hàng ngày đi dạo và thường gặp một người Việt Nam khá lớn tuổi cũng đi dạo trong sân bệnh viện với người theo hầu và mỗi lần gặp thì bao giờ ông Đôn cũng cúi đầu chào. Nhiều lần như vậy thì người bệnh nhân lớn tuổi đó cũng chào đáp lễ và có lần ông ta dừng lại chuyện trò thăm hỏi với ông Đôn. Người đó nghe giọng nói của ông Đôn thì biết là người Miền Nam, ông ta hỏi tên tuổi và sau khi ông Đôn tự giới thiệu thì ông già đó nói “à, cái tên đó thì tôi cũng có nghe’’. Ông già đó là Lê Đức Thọ, lúc đó đang được chính phủ Pháp cho sang chữa bệnh tại Paris.

    Những lần sau, Lê Đức Thọ gặp ông Đôn cùng đi với vị Bác Sĩ người Pháp thì cũng chuyện trò vui vẻ và có lần ông ta nói với ông Đôn là nên về thăm quê hương vì “đất nước đang cần bàn tay xây dựng của Việt kiều’’. Vị Bác Sĩ người Pháp, cũng là Y Sĩ điều trị cho Lê Đức Thọ, nói với Lê Đức Thọ rằng cả hai người muốn cùng đi chung sang thăm Việt Nam một chuyến thì ông Thọ hứa là sẽ ra lệnh cho Sứ Quán lo thủ tục cấp chiếu khán khẩn cấp cho hai người. Vài ngày sau, có nhân viên của Sứ Quán cộng sản đến bệnh viện và đưa chiếu khán nhập cảnh Việt Nam vô hạn định cho vị Bác Sĩ người Pháp, ông Đôn bèn hỏi về trường hợp của ông. Tên nhân viên Sứ Quán hỏi tên ông Đôn và sau khi được ông Đôn cho biết tên thì y trả lời bằng một giọng lạnh lùng “trường hợp của anh thì phải theo thủ tục thông thường’’.

    Nhận định về phúc trình của Trần Văn Đôn tại Lưỡng Viện Quốc Hội ngày 27 tháng 4 năm 1975, Jean Lartéguy đã viết trong L’Adieu à Saigon rằng “Tướng Đôn thì chẳng có gì để mất mát nhiều. Sinh tại Tỉnh Bordeaux, ông là dân Tây. Và mặc dù ông ta đã đốt giấy thông hành và đốt cặp lon Đại Tá của Quân Đội Pháp để làm đẹp lòng ông Ngô Đình Diệm và bà Nhu, nhưng ông ta biết là không thể mất cái quốc tịch Pháp. Những trò hề!’’ [*183: Jean Lartéguy: L’Adieu À Saigon, bản dịch Saigon, trang 17.]

    Pierre Darcourt cho biết về phản ứng của một số dân cử về báo cáo của ông Đôn:
    “Trần Văn Đôn đã dệt ra một bức tranh vô cùng bi thảm. Chỉ vài ngày, có thể chỉ vài giờ nữa, Sài Gòn có thể bị đại bác 130 ly của cộng sản tàn phá. Vậy phải thương thuyết ngay để có ngừng bắn càng sớm càng tốt’’. Darcourt nói thêm rằng: “ngày sau đó, các Dân Biểu Nghị Sĩ trẻ đã thốt ra những lời giận dữ và khinh bỉ: “Đồ bán nước! Quân đầu hàng! Tướng phòng ngủ!’’ Darcourt cho biết là Bác Sĩ Thức, Trưởng khối Cộng Hòa đã tiến về phía Đôn và hét lên nhiều lần: “đồ phản quốc! Phản quốc! Mầy chỉ là một tên phản quốc! Mày đáng bị xử bắn!’’. [*184: Pierre Darcourt: Sách đã dẫn, bản dịch “Saigon’’, trang 113].

    Các Vị Nghị Sĩ cùng Dân Biểu trong hai Viện Quốc Hội lúc đó đều không biết rằng ông Trần Văn Đôn không còn đủ tư cách để làm việc thuyết trình này vì ông Đôn lúc đó không còn là công dân Việt Nam nữa, ông ta đã lấy lại quốc tịch Pháp, đã lấy thông hành của nước Pháp vào buổi trưa ngày hôm đó và thực ra thì dù ông ta đã phục vụ với tư cách là Tướng lãnh, là Nghị Sĩ, là Dân Biểu, là Phó Thủ Tướng v.v…của Việt Nam Cộng Hòa trong hơn 3 thập niên nhưng ông ta không hề mất quốc tịch Pháp vì thân phụ của ông ta là một người công dân Pháp và ông ta đã sinh trưởng tại Pháp.
    Pierre Darcourt tiết lộ rằng: “Trước đó vài giờ, giữ cho trọn nghĩa bầy tôi với nước Pháp, Đôn đã tới từ biệt Đại Sứ Pháp Mérillon và để lãnh giấy thông hành quốc tịch Pháp’’.

    Theo Jean Lartéguy trong L’Adieu À Saigon, khi ông ta đến dùng cơm trưa với Đại Sứ Mérillon thì ông Đại Sứ thò đầu qua cửa sổ nói với ông rằng “xin lỗi, chờ tôi một lát vì tôi đang tiếp một thân hữu. Ông ấy đến từ biệt tôi’’. Jean Lartéguy nói rằng “Đó là Trần Văn Đôn. Ngày hôm qua (26.4.75), ông ta còn là Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Quốc Phòng và đã có lúc nghĩ tới việc nắm lấy ghế Thủ Tướng, nếu không nắm được cái ghế Quốc Trưởng. Hôm trước, Đôn hoạt động mạnh để đẩy Hương khỏi cái ghế Tổng Thống vì Đôn dệt ra một tình hình quân sự bi thảm dưới sự thật. Trong những ngày gần đây, Đôn là bầy tôi trung thành của chính sách Pháp. Người ta bảo tôi rằng nhiều tháng trước đây, Đôn được Tòa Đại Sứ Pháp nghe theo về rất nhiều điều. Tướng Đôn bảnh trai, xuất sắc, nhẹ nhàng đã tới Tòa Đại Sứ Pháp để lấy sổ thông hành (passport) của nước Pháp. Phải chăng ông ta sanh tại Tỉnh Bordeaux ? [*185: Jean Lartéguy: Sách đã dẫn, bản dịch “Saigon’’, trang 31].

    Như vậy thì vào ngày 27 tháng 4 năm 1975, cựu Trung Tướng Trần Văn Đôn đã có thông hành của Pháp, điều đó có nghĩa là ông ta đã hồi tịch trước đó hoặc là ông ta không hề mất cái quốc tịch Pháp “thổ sinh’’ như Jean Lartéguy đã nói và một công dân nước Pháp như ông ta tại sao lại được mời ra thuyết trình về An Ninh Quốc Phòng tại Lưỡng Viện Quốc Hội của nước Việt Nam Cộng Hòa ?

  2. #8
    Moderator
    KiwiTeTua's Avatar
    Status : KiwiTeTua v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2008
    Posts: 2,964
    Thanks: 33
    Thanked 110 Times in 40 Posts

    Default VNCH 10 Ngày Cuối Cùng - Thứ Hai 28.04.1975 & Thứ Ba 29.04.1975

    Thứ Hai 28.04.1975
    “Trao Quyền” Cho Dương Văn Minh





    Có một số tác giả và cả Frank Snepp trong cuốn Decent Interval đã nói rằng Cụ Trần Văn Hương có ao ước được làm Tổng Thống trong một tuần lễ, do đó Cụ muốn kéo dài cho đến chiều 28 tháng 4 mới giao quyền lại cho ông Dương Văn Minh để cho thời gian Cụ làm đúng 7 ngày như Cụ từng ao ước.

    Điều này hoàn toàn không đúng vì người quyết định làm lễ bàn giao vào ngày hôm sau chính là Dương Văn Minh. Ông Trần Văn Đôn có kể lại trong Việt Nam Nhân Chứng rằng tối hôm trước ông có nói với ông Dương Văn Minh là nên “nhận liền nhiệm vụ để bắt tay vào việc” thì ông Minh nói rằng “5 giờ chiều mai”. Ông Đôn nhận xét rằng sở dĩ ông Minh muốn đợi đến 5 giờ chiều hôm sau là vì “ông coi ngày giờ tốt trước khi nhận việc”.

    Trong một bài được đăng trên báo Diễn Đàn Phụ Nữ, ông Trần Văn Lắm, cựu Chủ Tịch Thượng Viện đã kể lại với Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh rằng tối 27 tháng 4, ông Lắm đến báo tin với Cụ Hương về việc Lưỡng Viện Quốc Hội đã biểu quyết đồng ý để Tổng Thống Trần Văn Hương từ chức và trao quyền lại cho Dương Văn Minh rồi sau đó đến gặp ông Minh và đề nghị nên làm lễ bàn giao vào hồi 9 giờ sáng ngày hôm sau 28 tháng 4. Ông Lắm kể lại rằngông Dương Văn Minh đi qua phòng bên cạnh để bàn luận với Trung Tướng Mai Hữu Xuân là người rất tin bói toán, sau đó ông Minh ra nói với ông Lắm rằng “9 giờ sáng không được tốt, bàn giao lúc 5 giờ rưỡi’ chiều đi”. [*186: tuần báo Diễn Đàn Phụ Nữ số 161 năm 1997].

    Ông Trần Văn Đính, thứ nam của Cố Tổng Thống Trần Văn Hương quả quyết rằng Cụ Hương không bao giờ nói rằng Cụ “muốn làm Tổng Thống trong một tuần lễ” vì Cụ không bao giờ có ý muốn làm Tổng Thống và các ông Trần Văn Đôn, Trần Văn Lắm kể lại như trên thì việc bàn giao chức vụ Tổng Thống đúng một ngày sau khi Quốc Hội biểu quyết không phải là ý của Cụ Hương mà đó là quyết định của Dương Văn Minh vì quá tin vào tướng số và nghe theo lời Cố Vấn của Trung Tướng Mai Hữu Xuân.

    Theo Tiziani Terzant tác giả cuốn sách “Giải phóng!” (The Fall and Liberation of Saigon),người ký giả Ý bị trực xuất ra khỏi Việt Nam trước đó ít lâu và vừa mới trở lại Sài Gòn sau khi ông Thiệu từ chức, thì lễ bàn giao được thông báo với báo chí là sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng, sau đó lại được hoãn đến 3 giờ chiều và cuối cùng thì dời lại lúc 5 giờ chiều. Terzani nói rằng sở dĩ có sự trì hoãn như vậy là vì Dương Văn Minh gặp khó khăn trong việc thành lập tân chính phủ. Sau khi có tin Dương Văn Minh lên thay Cụ Trần Văn Hương, giới quan sát tại Sài Gòn tiên đoán rằng hai người có thể được ông Minh chỉ định làm Thủ Tướng là Nghị Sĩ Vũ Văn Mẫu theo phe Phật Giáo Ấn Quang hay là Nghị Sĩ Vũ Văn Huyền, thuộc phe Thiên Chúa Giáo. Cả hai người ai cũng muốn làm Thủ Tướng. Cuối cùng thì Dương Văn Minh chọn Nghị Sĩ Vũ Văn Mẫu vì ông Mẫu là người có nhiều liên hệ đến phe Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc của Phật Giáo Ấn Quang, còn Luật Sư Nguyễn Văn Huyền thì làm Phó Tổng Thống.

    Theo bài phóng sự tường thuật lễ bàn giao Tổng Thống tại Dinh Độc Lập chiều 28 tháng 4 năm 1975 của Đài Phát Thanh Sài Gòn thì buổi lễ bắt đầu vào lúc 5 giờ chiều với sự hiện diện của khoảng 200 người gồm đại diện Thượng và Hạ Viện, Tối Cao Pháp Viện, Giám Sát Viện và một số Tổng Bộ Trưởng trong chính phủ Nguyễn Bá Cẩn. Trong buổi phóng sự truyền thanh cuối cùng này của Đài Phát Thanh Sài Gòn, phóng viên của đài nói rằng: “Thưa quý thính giả, vào lúc này thì bên ngoài Dinh Độc Lập, chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa và Sài Gòn đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước.”


    tranvanhuonggiaoquyenchoduongvanminh

    Trong bài diễn văn cuối cùng, Tổng Thống Trần Văn Hương nói:

    “Thưa quý vị,

    Bữa nay là cái ngày đã từ lâu rồi quý vi phải có mà ngày nay đã có, tức là đã đáp ứng nguyện vọng của tôi từ lâu rồi.
    Khi Tổng Thống tiền nhiệm trao nhiệm vụ cho tôi, tôi vẫn biết sức già, dầu muốn dầu không, tuổi trời đã cao, sức đã mòn, tất nhiên là không thể nào đảm trách được một nhiệm vụ lớn lao trong khi mà nước nhà đã trải qua một buổi khó khăn vô cùng không thể trưởng tượng được. Bởi vậy cho nên trong lòng tôi vốn mong mỏi rằng dầu thế nào cũng phải có được một người ra lãnh cái trách nhiệm này để lo cho việc nước. Gọi là cứu vớt phần nào, cái gì gọi là quyền lợi, cái gì gọi là danh dự của nước Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta.

    Khi tôi đến trao đổi ý kiến với Đại Tướng Dương Văn Minh, điểm làm tôi thắc mắc là điểm pháp lý bởi vì nếu tự nhiên tôi đem cái quyền của tôi trao lại cho Đại Tướng thì như vậy, về phương diện pháp lý, không hợp lý chút nào. Điểm đó, tôi cùng Đại Tướng đã có thảo luận. Sau khi ra ngoài Lưỡng Viện tôi cũng có trình bày và Lưỡng Viện, sau khi thảo luận hai ngày thì đã tìm ra được giải pháp mà đây tôi tin là giải pháp đáp lại chỗ mong mỏi của mọi người.

    Thưa quý vị, điểm thắc mắc về pháp lý hết rồi thì về mặt đó chúng ta không còn băn khoăn chi nữa, thì dầu muốn dầu không cái chuyện lớn lao hiện giờ không còn là chuyện pháp lý nữa, thì việc làm sao cho nước Việt Nam Cộng Hòa dầu tình hình có khó khăn đến đâu đi nữa, thì cũng phải giữ phần nào cái danh dự của tổ tiên chúng ta.

    Thưa với Đại Tướng, dù muốn dù không, một chương lịch sử đã giở qua rồi, những chương sẽ viết tới đây sẽ do nơi tay Đại Tướng mà bây giờ có hỏi ngay ra rằng Đại Tướng sẽ viết những gì, tôi thấy là Đại Tướng cũng băn khoăn, không thể trả lời. Nhưng tôi biết rằng với thiện chí của Đại Tướng đã sẵn có, thế nào việc làm sau này không đến nỗi phụ lòng tin cậy của tất cả đồng bào, của Quốc Hội đã hoàn toàn đặt nơi Đại Tướng. Đường đi nó có khác, nó đã khác, bởi vì triều đại đã thay đổi. Chúng ta bây giờ không nghĩa là phải luôn luôn đổ xương máu, chúng ta không phải nghĩ là chúng ta phải đánh tới người chiến sĩ cuối cùng, tới viên đạn cuối cùng khi mà còn có một biện pháp nào, một giải pháp nào có thể đem lại hòa bình mà không đến nỗi tổn thương quá sức danh dự của nước nhà: Bởi vậy cho nên đường lối có lẽ là ở trong khuôn đặt sẵn như thế đó.

    Thưa với Đại Tướng, nhiệm vụ của Đại Tướng rất là nặng. Khi Đại Tướng ra gánh vác việc này tôi thấy rõ ràng là Đại Tướng không những có một thiện chí không mà thôi, Đại Tướng còn phải có những can trường gì mới dám đảm nhận như vậy và tôi cũng mong mỏi thế nào cho Đại Tướng thành công. Vả lại, đặt lại vấn đề, giải pháp chiến đấu để giữ giải pháp dung hòa, ôn hòa, nghĩa là quên hết tất cả những gì gọi là căm thù để đem lại trước hết sự hòa giải, hòa hợp rồi tới hòa bình để cùng nhau sống yên mưu đồ chuyện tái tạo nước nhà. Theo tôi nghĩ, con đường là con đường đó.
    Thưa với Đại Tướng, xóa hận căm thù không phải là căm thù đối với ở ngoài, mà tôi cũng xin phép nói là chúng ta cũng nên xóa căm thù tất cả những gì gọi là căm thù ở bên trong. Trước kia, có lẽ những chỗ sai biệt đâm ra nếu là người Việt Nam thành thật thương nước, thì tất nhiên người đó dù muốn dù không cũng phải lo cho nước, yêu nước. Nhưng tiếc có một nỗi đồng sàng mà có nhiều khi dị mộng, cho nên nghĩ như vậy mà cái lòng nó nghĩ khác nhau. Việc làm khác nhau nên sinh ra xích mích, sanh ra đến cái chỗ có thể gọi là căm thù, thì tôi thành khẩn yêu cầu Đại Tướng bao nhiêu những việc gì có thể gọi là căm thù nội bộ, Đại Tướng vui lòng ráng thế nào xóa bỏ hết. Vả lại trong bộ máy của chế độ nào đều có những người phụng sự cho chế độ đó. Nếu chế độ kế tiếp mà còn nghĩ đến những việc trước, tìm ra chuyện ân oán giang hồ gây chuyện thù nữa, thì những người bất kỳ ở chế độ nào, tôi nghĩ làm sao mà dám tận tâm với chế độ đó khi nghĩ đến chế độ sau này có thể trả thù trả oán.

    Cái chỗ mong mỏi của tôi là như thế và tôi cũng hết sức thành khẩn yêu cầu Đại Tướng nên nghĩ đến tiền đồ của nước nhà, nên nghĩ về sinh mạng, sống còn của đất nước này, làm thế nào cho việc hòa giải khởi sự trước ở trong nước này trước khi ra nước ngoài.

    Còn một điểm nữa có lẽ là điểm chót. Tất nhiên là Đại Tướng sẽ mang hết sức mình mà làm, nhưng tôi cũng nhìn nhận lòng mình dầu có thiện chí đến đâu nhưng sức mình nó có hạn. Đại Tướng cũng là người, Đại Tướng không phải là một vị thiêng liêng nao có phép mầu cho nên chỉ phán một lời là mọi chuyện đều đấy như ý muốn được. Tất nhiên là Đại Tướng phải ráng sức, chuyện Đại Tướng ráng sức mà thành công hay không thành công, đó là một việc tôi tưởng phần lớn không phải tùy nơi Đại Tướng. Nhưng nếu Đại Tướng thành tâm vì nước để lo cho nước, ráng vãn hồi hòa bình lại để dân sống được yên, làm thế nào cho máu đừng đổ, thịt đừng rơi thì cái công của Đại Tướng đối với hậu thế sẽ lưu lại đời đời. Dầu thế nào, tôi thiết nghĩ rằng không bao giờ mà đất nước này người ta có thể quên Đại Tướng.
    Tôi xin cám ơn quý vị.

    [*187 Nhật Báo Ng­ời Việt, số 5990 ngày 2 tháng 5 năm 2002]


    Đó là bài diễn văn cuối cùng của Cụ Trần Văn Hương, hai lần làm Đô Trưởng Sài Gòn, hai lần làm Thủ Tướng chính phủ, cựu Phó Tổng Thống và cách đó chừng một phút là vị Tổng Thống cuối cùng của chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa. Nghe bài diễn văn trao quyền của Cụ, người ta nghĩ rằng Cụ không nói với ông Dương Văn Minh vì ông Minh lên làm Tổng Thống thì dù là không hợp hiến đi nữa, ông ta cũng không thể xem những người đã “phụng sự chế độ cũ” là kẻ thù. Cụ Trần Văn Hương có lẽ cũng như hầu hết người dân Miền Nam vào lúc đó đều biết rằng cộng sản Bắc Việt sẽ thắng trong vài ba ngày sắp tới thì cái chính phủ của ông Dương Văn Minh cũng không thể tồn tại, cho nên khi Cụ nói đến việc “xóa bỏ hận thù, hòa giải, hòa hợp rồi tới bòa bình”, Cụ đề cập đến việc không trả thù những người đã phục vụ trong chế độ cũ, thì đó là những điều Cụ muốn mượn bài diễn văn cuối cùng trong đời của Cụ để nhắn nhủ với những người cộng sản khi mà “triều đại đã thay đổi”.

    Dương Văn Miinh Không Chịu Treo Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa

    Khi cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương đọc xong bài diễn văn và trở về chỗ ngồi, tất cả quan khách, các Đài Truyền Hình, các Đài Phát Thanh và đại diện báo chí đều hướng nhìn về con người của giờ thứ hai mơi lăm, cựu Đại Tướng Dương Văn Minh.

    Tiziano Terzani, một trong hơn 100 ký giả đã chứng kiến buổi lễ giao quyền hôm 28 tháng 4 năm 1975 tại Dinh Độc Lập, đã tả lại như sau:

    “Sau khi cựu Tổng Thống Trần Văn Hương trở về chỗ ngồi, bục diễn đàn vẫn trống trơn. Dương Văn Minh vẫn ngồi yên không hề nhúc nhích. Một người lính tiến vào dưới hàng đèn phản chiếu và gỡ hai lá cờ đem ra khỏi phòng. Sau đó anh ta trở lại và tháo gỡ Quốc Huy cũ của Việt Nam Cộng Hòa gắn trước bục diễn đàn rồi một người lính khác mang đến gắn huy hiệu mới của Dương Văn Minh, đó là hình hoa mai năm cánh nằm trong dấu hiệu âm dương của người Trung Hoa, tượng trưng cho hai yếu tố đối nghịch tạo thành sự đồng nhất trong vũ trụ.

    Có nhiều tiếng xì xào trong hội trường. Nền Cộng Hòa đã thay đổi bộ mặt. Dương Văn Minh đứng dậy từ từ tiến về bục diễn đàn, mặt ông ta tỏ ra nghiêm trọng. Ngay lúc đó hai tiếng sét nổ thật lớn ở ngoài trời và tiếp theo là tiếng sấm kéo dài như để đánh dấu ý nghĩa lịch sử của giờ phút đau thương nầy…”. [*188: Tiziano Terzani: Sách đã dẫn. Trang 40-41].


    Trong cuốn Cruel Avril, nhà báo Oliver Todd cũng tường thuật buổi lễ này tương tự như vậy “một người lính trẻ tháo gỡ lá Quốc Kỳ sau bục diễn đàn rồi gỡ Quốc Huy của Việt Nam Cộng Hòa và thay thế bằng huy hiệu mới của Dương Van Minh“. [*189: oliver Todd: sđd, trang 354].

    Trong cuốn những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa, tác giả Nguyễn Khắc Ngữ đã viết rằng “Cùng lúc ấy, một Binh Sĩ vào phòng, bật đèn cho sáng thêm rồi lấy hai lá cờ lớn đi. Sau đó, anh ta trở lại gỡ Huy Hiệu hai con rồng của Tổng Thống cũ gắn trên bục diễn đàn mang đi. Liền sau đó, một người lính khác mang Huy Hiệu mới có bông mai 5 cánh màu trắng vẽ trên nền xanh, ở giữa có vẽ dấu hiệu âm dương”. [*190: Nguyễn Khắc Ngữ: Những Ngày cuối Cùng Của VNCH, Nhóm Nghiên Cứu Sử địa xuất bản, Montréal, Canada 1979, trang 350]

    Cả ba tác giả nói trên đều không hề nhắc nhở gì đến việc ông Dương Văn Minh tuyên thệ nhậm chức như Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đã làm khi ông lên thay thế cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cách đó đúng một tuần lễ và nhiều nhân chứng dự buổi lễ “trao quyền” hôm đó đã xác nhận rằng ông Dương Văn Minh chỉ có đọc diễn văn mà không hề tuyên thệ “trung thành với Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa”, điều đó có nghĩa là tân “Tổng Thống” Dương Văn Minh không còn công nhận bản Hiến Pháp l967 của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.

    Như vậy, cho tháo gỡ hai lá Quốc Kỳ trước khi đọc diễn văn và không thèm tuyên thệ khi nhậm chức Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, phải chăng ông Dương Văn Minh muốn gián tiếp nói với phe cộng sản rằng ông ta đã xé bỏ bản Hiến Pháp năm 1967 của Việt Nam Cộng Hòa, không còn liên hệ gì đến chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa nói riêng và cả lịch sử ba mươi năm chống lại Đảng Lao Động Việt Nam để bảo vệ tự do cho những người Việt Nam không chịu sống chung với cộng sản từ miền Bắc cho đến Miền Nam sau này nói chung. Phải chăng ông Dương Văn Minh muốn nói với “người anh em bên kia” rằng “Tân Tổng Thống” Miền Nam Dương Văn Minh, “Tân Phó Tổng Thống” Nguyễn Văn Huyền và “Tân Thủ Tướng” Vũ Văn Mẫu đều là những người thuộc “thành phần thứ ba”, không có liên hệ gì đến cả hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa mà tượng trưng là lá Cờ Vàng ba sọc đỏ vừa được ông cho gỡ xuống cất đi?

    Một điểm hơi khá mâu thuẫn là tuy không còn công nhận lá Cờ Vàng 3 sọc đỏ là Quốc Kỳ, tuy không còn công nhận Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa năm 1967 nữa, ông Dương Văn Minh lại vẫn còn thích dùng danh xưng “Tổng Thống” và ông đã sử dụng danh xưng này với tất cả mọi người trong khi trên thực tế thì lúc đó chính phủ của ông không phải là một chính phủ hợp pháp do dân bầu lên (dejure) mà chỉ là một chính phủ thực tại (defacto), do đó ông chỉ có thể tự xưng là “Quốc Trưởng” mà thôi.

    Trong Decent Interval, Frank Snepp cho biết trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân, Văn Tiến Dũng nói rằng “chiều 28 tháng 4 Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch Hồ chí Minh phân tích tình hình toàn bộ ở Sài Gòn và thấy rằng phe địch rất hoang mang, Bộ Chỉ Huy mất trật tự trong hai ngay đầu của chiến dịch, các mũi tiến quân của ta vẫn hoạt động theo đúng kế hoạch. Do đó Văn Tiến Dũng ra lệnh cho cuộc tổng tấn công phải được khởi sự vào sáng ngày 29/4 để tiến về Sài Gòn. Lệnh này đã được gởi đến mọi đơn vị cũng như thông báo cho Hà Nội. Tối hôm đó lữ đoàn chiến xa 203 của cộng sản Bắc Việt với nhiệm vụ tiến thẳng vào Thủ Đô Sài Gòn đã được lệnh xuất từ Biên Hòa, tắt đèn tiến theo Quốc Lộ số 1 hướng về Sài Gòn”. [*191: Frank Snepp: sđd, trang 470]

    Trong khi Dương Văn Minh đang chuẩn bị tổ chức lễ trao quyền tại Dinh Độc Lập thì cộng sản đã ra lệnh cho cựu Trung Úy Không Quân Nguyễn Thành Trung, người sĩ quan phản bội đã lấy phi cơ A-37 oanh tạc Dinh Độc Lập vào hồi đầu tháng 4 rồi lái phi cơ theo việt cộng, hướng dẫn một đoàn năm chiếc phản lực cơ A-37 từ Nha Trang bay vào oanh tạc Sài Gòn. Việc này có nghĩa là tuy đã được biết Dương Văn Minh sắp sửa lên nhận chức Tổng Thống để thương thuyết theo sự đòi hỏi của cộng sản như ông ta đã rêu rao, những “người anh em bên kia” của ông vẫn ra lệnh cho phi cơ của chúng bay vào oanh tạc Sài Gòn. Trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân, Văn Tiến Dũng đã nói rằng “đó là một cuộc tấn công được phối hợp một cách tuyệt vời”.

    Ngay sau khi Dương Văn Minh trở thành Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, ngoài việc phi cơ của cộng sản oanh kích, một cơn giông bão lớn chưa từng thấy đã trút xuống Thành Phố Sài Gòn với những tiếng sấm nổ còn lớn hơn cả tiếng pháo kích của hỏa tiễn 122 ly của cộng sản. Người dân Sài Gòn lúc đó nhiều người đã cho rằng đó là điềm trời, đó là “ông trời cũng khóc cho số phận của Miền Nam”. Trong khi những người ủng hộ tân “Tổng Thống Dương Văn Minh đang rất lạc quan với viễn ảnh người được xem là một trong những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của “lực lượng thứ ba” sẽ bắt đầu những cuộc thương thuyết với những “người anh em bên kia” để đem lại hòa bình cho phần còn lại của miền Nam thì Hà Nội lại xem ông Minh “không còn là đại diện cho lực lương thứ ba” nữa. Ngay hôm đó, Bộ Chính Trị Đảng Lao Động đã gửi cho “anh Sáu Dân” tức là ông Võ văn Kiệt cùng “P.10 và các Khu Ủy, B.76, N. 50 và các Ban, Ngành”[Ghi chú: P.10 là Sài Gòn-Gia Định, B.76 là Tây Ninh và N.50 là Bình Phước (Long An.)] một bức điện văn khẩn Số 505/TV đề ngày 28 tháng 4 năm 1975 nói về việc Dương Văn Minh lên làm “Tổng Thống” như sau:

    1- Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, quân dân ta sắp đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chúng, đế quốc Mỹ đã thay Thiệu, nay thay Hương đưa Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống với ý đồ thương lượng với ta hòng cứu vãn phần còn lại của chế độ Sài Gòn.

    Dương Văn Minh ra nhận chức Tổng Thống trong lúc này không còn là đại diện cho lực lượng thứ ba…việc làm của Dương Văn Minh nằm trong âm mưu của Mỹ, đồng thời cũng phù hợp với lập trường chính trị của phe nhóm Minh là không muốn cho chế độ Sài Gòn sụp đổ hẳn, muốn ngăn cản thắng lợi quang vinh của dân tộc trong giờ phút lịch sử hiện nay.

    Ý đồ này đã thể hiện rõ trong nội dung Bản Tuyên Bố của Dương Văn Minh khi nhận chức Tổng Thống lúc 16 giờ 50 ngày 28 tháng 4 trong đó không đả động gì đến Mỹ, không đề cập đến 2 yêu cầu cơ bản của ta nêu trong Bản Tuyên Bố của chính phủ cách mạng lâm thời ngày 26 tháng 4, lại kêu gọi ngừng bắn ngay tức khắc các cuộc tấn công lẫn nhau, kêu gọi quân đội ngụy “giữ vững hàng ngũ, giữ vững vị trí” để hoàn thành nhiệm vụ mới là bảo vệ phần đất còn lại.
    Kêu gọi ngừng tấn công, hòa giải, hòa hợp đòi thi hành Hiệp Định Paris một cách chung chung lúc này là thực hiện âm mưu của Mỹ, ngăn chận quân dân ta đánh sụp đổ hoàn toàn chế độ thối nát Sài Gòn hiện nay.

    2- Như thông tri số 10/TT.75 ngày 27 tháng 4 năm 1975 của Thường Vụ đã vạch rõ: “trong tình hình ngụy quyền đang trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, bất cứ tên tay sai nào lên …dù có tuyên bố thi hành Hiệp Định Paris, hòa bình, hòa hợp dân tộc hay thế nào đi nữa đều phục vụ cho âm mưu Mỹ, trở thành tay sai Mỹ”.

    Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kiên quyết thực hiện quyết tâm không gì lay chuyển của ta là đánh bại hoàn toàn Mỹ-Ngụy, đánh sụp chế độ thối nát Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ, giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước yêu quý của chúng ta. Chúng ta kiên quyết đẩy mạnh tân công và nổi dậy đến toàn thắng theo kế hoạch đã định, không có gì thay đổi.

    Tình hình Hương đổ, Minh lên…bọn tay sai và bộ máy kèm kẹp bên dưới càng hoang mang rệu rã chính là điều kiện rất thuận lợi cho ta dể dành toàn thắng.

    …Chỉ có một con đường đi đến hòa bình độc lập thật sự tự do dân chủ, cơm áo và hòa bình dân tộc là đập tan mọi âm mưu của Mỹ và lật đổ hoàn toàn ngụy quân, ngụy quyền, dành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”. [*192: Văn Kiện Đảng: trang 320-321.]


    Trong khi tân “Tổng Thống” Dương Văn Minh đang thành lập tân Nội Các để chờ đợi nói chuyện với “người anh em bên kia” thì ông ta không biết rằng cộng sản đã không còn xem ông ta như là đại diện của “lực lương thứ ba” và tệ hại cho ông hơn nữa là họ xem việc ông nhận chức “Tổng Thống” như là “phục vụ cho âm mưu của Mỹ, trở thành tay sai của Mỹ và muốn ngăn cản thắng lợi quang vinh của dân tộc trong giờ phút lịch sử hiện nay”.

    Cũng trong ngày Dương Văn Minh nhậm chức, tại Hà Nội, “anh Văn” tức Đại Tướng Võ nguyên Giáp đã đại diện cho Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương gửi điện văn số 135B/TK ngày 28 tháng 4 năm 1975 đến các cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên tại miền Nam như sau:

    1- Các anh chuyển lời động viên sau đây đến cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên:
    Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương gởi lời chào quyết thắng đến toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, các đồng chí hãy anh dũng tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại.

    2- Trong giờ phút lịch sử này, Thường Vụ Quân Ủy chúc các anh khỏe và giành toàn thắng cho chiến dịch.
    VĂN.

    [*193 Văn kiện Đảng: trang 323]


    Cộng sản Hà Nội không hề nhắc đến việc thương thuyết với tân “Tổng Thống” Dương Văn Minh của miền Nam cả.

    __________________________________________________ _____________________________

    Thứ Ba 29.04.1975




    Thứ Ba 1ditan_benbachdang1975


    Vào lúc 4 giờ Sáng ngày 29, cộng quân pháo kích nhiều trái đạn đại bác 130 ly và hỏa tiễn 122 ly vào khu vực Phi Trường Tân Sơn Nhứt, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở Bến Bạch Đằng. Cuộc pháo kích này đã gây nhiều tổn thất quan trọng tại Phi Trường Tân Sơn Nhứt: Một chiếc C-130 của Không Lực Hoa Kỳ bị trúng đạn khi sắp sửa cất cánh, hai chiếc C- 130 khác chở người tỵ nạn may mắn đã cất cánh trước đó chừng vài ba phút và hai Binh Sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, Hạ Sĩ Darwin Judge và Hạ Sĩ Cbarles McMahon, vừa mới được đưa đến Sài Gòn cách đó 10 ngày để phụ trách về an ninh cho chiến dịch di tản Mỹ kiều, bị tử thương trong vòng đai phòng thủ Phi Trường. Hai binh sĩ này là hai người Mỹ cuối cùng bị thiệt mạng trong lịch sử Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam trong hai thập niên.

    Một điều đáng chú ý là dường như McMahon là một cái tên định mệnh: Người Mỹ đầu tiên bị chết tại Việt Nam là Trung Tá Peter Dewey, nhân viên của cơ quan Tình Báo OSS, là một người Mỹ rất ủng hộ Việt Minh, ông ta đã nhiều lần lên tiếng phản đối người Pháp và tiếp xúc trực tiếp với các đại diện của Việt Minh, do đó đã bị người Pháp yêu cầu phải rời khỏi Sài Gòn. Vào ngày 26 tháng 9 năm 1945, Trung Tá Dewey phải trở về Ấn Độ, tuy nhiên vì máy bay bị trục trặc, ông từ Phi Trường Tân Sơn Nhứt lái xe trở về Sài Gòn ăn trưa và đã bị tự vệ của Việt Minh tưởng lầm là người Pháp cho nên bắn chết tại cầu McMahon, lúc đó người Việt Nam gọi là cầu “Bạc Má Hồng”, sau này là cầu Công Lý. Đúng 30 năm sau thì người Mỹ cuối cùng bị giết chết tại Phi Trường Tân Sơn Nhứt vì đạn pháo kích của quân cộng sản Bắc Việt vào rạng sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975 là một Hạ Sĩ Quan Mỹ cũng mang tên là McMahon, cái tên mà người Việt ngày xa đã gọi là “bạc má hồng”.

    Sau trận pháo kích này, kế hoạch di tản người Mỹ và người Việt tỵ nạn bằng phi cơ C-130 xem như là bị hủy bỏ hoàn toàn vì Phi Trường Tân Sơn Nhứt đã bị hư hại nặng nề.

    Đến 10 giờ 30 sáng, Tướng Homer Smith, Tùy Viên Quân Sự tại Sài Gòn, gọi điện thoại cho Đô Đốc Noel Gayler, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tại Honolulu báo cáo rằng Phi Trường Tân Sơn Nhứt không còn ở trong tình trạng sử dụng được nữa. Tin này được trình lên cho Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger đang tham dự phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung và ông ta đã phúc trình ngay cho Tổng Thống Ford.

    Vào lúc 7 giờ sáng tại Washington tức là 7 giờ tối tại Sài Gòn, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia đã triệu tập một phiên họp khẩn cấp dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Gerald Ford với sự hiện diện của Ngoại Trưởng Henry Kissinger, Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger, Đại Tướng George Brown, Chủ Tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân (Jcs) và ông William Colby, Tổng Giám Đốc Cơ Quan Tình Báo CIA. Phiên họp đặc biệt này nhắm vào việc tìm giải pháp hữu hiệu để di tản những người Mỹ còn lại ở Sài Gòn. Ngoại Trưởng Kissinger bác bỏ đề nghị sử dụng khu trục cơ để hộ tống cho phi cơ vận tải C-130, ông nói rằng nên thận trọng không có những hành động tấn công gây hấn để gây hiểu lầm cho Hà Nội trong lúc này. Sau cùng thì Hội Đồng chấp thuận đề nghị dung hòa của Đại Tướng George Brown, đó là thử dùng 7 phi cơ C-130 từ Phi Luật Tân và Thái Lan bay đến Phi Trường Tân Sơn Nhứt, nếu những phi cơ này còn đáp xuống được thì chiến dịch di tản bằng phi cơ có cánh sẽ tiếp tục, tuy nhiên trong trường hợp phi đạo không còn sử dụng được thì phải quay sang sử dụng kế hoạch cuối cùng, đó là kế hoạch “Frequent Wind: Option-IV”.

    Đến 9 giờ 45 sáng, Tổng Thống Ford đã triệu tập một phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Nội Các tại Bạch Cung. Mở đầu phiên họp, Tổng Thống Ford nói rằng “trong hai tuần lễ vừa qua, Hoa Kỳ đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy cho đến giờ này thì việc di tản đang diễn ra một cách tốt đẹp nhưng chúng ta cũng vẫn chưa thoát ra được những khó nhăn có thể xảy ra. Mục tiêu của chúng ta là ngăn không để cho hỗn loạn xẩy ra tại Nam Việt Nam rồi sẽ gây ra nguy hiểm cho việc di tản của người Mỹ, ngăn chận những hoạt động của Bắc Việt và giữ cho tình hình được ổn định nhằm hoàn tất cuộc di tản”.

    Ngoại Trưởng Kissinger phúc trình rằng cho đến giờ này (9 giờ 45 tối tại Sài Gòn), chỉ còn có khoảng từ 300 đến 400 người Mỹ còn đang hoạt động trong khuôn viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và trong hơn hai ngày qua, có bơn 4.650 người đã được di tản ra khỏi Sài Gòn, nâng tổng sổ người được Hoa Kỳ di tản lên đến con số gần 45.000 người, trong số này chỉ có từ 500 đến 600 là người Mỹ.

    Bộ Trưởng Quốc Phòng James Schlesinger báo cáo rằng còn có khoảng 700 người tại Trụ Sở của Văn Phòng Tùy Viên Quân Lực Hoa Kỳ tại Tân Sơn Nhứt nhưng phi cơ vận tải C130 không thể đáp xuống được nữa, do đó phải di tản bằng trực thăng từ trên sân thượng của Tòa Đại Sứ. Ông cho biết thêm rằng vấn đề này cũng gặp phải khó khăn vì chỉ có hai chiếc trực thăng có thể đáp xuống cùng một lúc và quân Bắc Việt đã bắn vào trực thăng di tản.

    Ngoại Trưởng Kissinger nói rằng mặc dù Tổng Thống Ford đã ra lệnh là chỉ di tản người Việt Nam nếu các phi cơ vận tải C-130 còn đáp xuống được Phi Trường Tân Sơn Nhứt và trong trường hợp không còn sử dụng phi cơ C-130 nữa thì chỉ di tản người Mỹ mà thôi, tuy nhiên tại Sài Gòn Đại Sứ Martin và Thiếu Tướng Homer Smith đã quyết định vẫn tiếp tục di tản cả những người Việt Nam còn đang có mặt trong Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ.

    Tổng Thống Ford nhấn mạnh rằng ông muốn phải di tản ít nhất là từ 43,000 cho đến 45,000 người Việt Nam ra khỏi miền Nam Việt Nam.

    Bộ Trưởng Morton hỏi Tổng Thống Ford: “những người Việt Nam được di tản này sẽ đựợc đưa đi đâu và trong số này có bao nhiêu người là thuộc thành phần “chuyên nghiệp và có học” (white collar)?

    Tổng Thống Ford trả lời rằng Bộ Ngoại Giao đang lo giải quyết vấn đề này và sẽ có 3 căn cứ quân sự tại Hoa Kỳ đang được chuẩn bị để đón người tỵ nạn. Tổng Thống Ford cũng cho biết rằng theo Ngoại Trưởng Kissinger thì một số các quốc gia khác đã được Hoa Kỳ tiếp xúc để đón tiếp một số người tỵ nạn, tuy nhiên có lẽ Hoa Kỳ sẽ đón nhận 90 phần trăm số người này.

    Ngoại Trưởng Kissinger nói rằng cũng khó mà biết rõ được số người tỵ nạn có đủ trình độ “nghề nghiệp” và “học vấn” là bao nhiêu tuy nhiên ông đoán chắc rằng có lẽ con số này cũng khá cao. Về đề nghị của Bộ Trưởng Norton dự định đưa một số khoảng 5,000 người tị nạn Việt Nam sang Lãnh Thổ Giám Hộ tại Thái Bình Dương (Pacific trust Territories) của Hoa Kỳ, nơi đó có lẽ sẽ cần đến tài năng của những người tỵ nạn này thì Ngoại Trưởng Kissinger nhận xét rằng “đó có vẻ là một ý kiến hay”.

    Đó là những chi tiết về phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Nội Các Hoa Kỳ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975 và Tổng Thống Ford tuyên bố bế mạc phiên họp vào lúc 10 giờ rưỡi sáng, tức là 10 giờ rỡi tối tại Sài Gòn, khoảng hơn 12 tiếng đồng hồ trước khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng“. [*194: “cabinet Meeting Minutes. April 29. 1975. Giải mật ngày 12 tháng 10 năm 1990. Tài liệu “Box 4, James E. Connor Files,” lưu trữ tại Thư Viện Gerald Ford tại Grand Rapids, tiểu bang Michigan.]

    Sáng ngày 29 tháng 4, “Thủ Tướng” Vũ Văn Mẫu đã đọc đi đọc lại liên tục trên Đài Phát Thanh Sài Gòn một Bản Thông Cáo của Tân Tổng Thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam trong 24 tiếng đồng hồ. Bản thông cáo đó là Văn thư Số O33-TT/VT của Phủ Tổng Thống nguyên văn như sau:

    Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa

    Kính gởi: Ông Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

    Thưa ông Đại Sứ

    Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại Sứ vui lòng chỉ thị cho nhân viên của Cơ Quan Tùy Viên Quân Sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 tiếng đồng hồ kể từ ngày 29.4.1975 để vấn đề Hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết.

    Trân trọng kính chào ông Đại Sứ

    SAIGON, ngày 28 tháng 4 năm 1975

    Ký tên và đóng dấu:
    Việt Nam Cộng Hòa-Tổng Thống
    Đại Tướng Dương Văn Minh


    Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã phúc đáp như sau:

    Thưa Tổng Thống,

    Tôi đã nhận được văn thư nói trên và tôi đã ra chỉ thị thi hành đúng như lời yêu cầu của Tổng Thống.
    Tôi tin rằng Tổng Thống sẽ ra lệnh cho các lực lượng Quân Đội của chính phủ cộng tác trên mọi phương diện để giúp cho sự triệt thoái của các nhân viên Tòa Tùy Viên Quân Sự được dễ dàng và trong an toàn.

    Tôi cũng xin bày tỏ sự hy vọng rằng Tổng Thống sẽ can thiệp với phía bên kia để họ có thể cho phép các nhân viên Tòa Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ được ra đi trong sự an toàn và trật tự.

    Xin chúc Tổng Thống đươc mọi sự lành.

    Grabam Martin Đại Sứ Hoa Kỳ


    “Tổng Thống” Dương Văn Minh hân hoan đuổi được người Mỹ ra đi và hy vọng rằng sẽ có triển vọng để nói chuyện với “người anh em bên kia” của ông thì vào lúc 10 giờ sáng ngày hôm đó, Lê Duẩn đã gửi một điện văn “gửi anh Sáu, anh Bảy, anh Tuấn, anh Tư, đồng điện anh Tấn” như sau:

    Bộ Chính Trị và Quân Ủy đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngưng bắn. Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương chỉ thị:

    1- Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ Thành Phố, tước vũ khí Quân Đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng.
    2- Công bố đặt Thành Phố Sài Gòn-Gia định dưới quyền của Ủy Ban Quân Quản do Tướng Trần văn Trà làm Chủ Tịch.
    Sẽ có điện tiếp, nhận được điện trả lời ngay.
    BA.
    [*195: văn kiện Đảng: trang 324.]


    Như vậy thì Bộ Chính Trị cộng sản Bắc Việt đã có quyết định “giải tán chính quyền các cấp của Tổng Thống Dương Văn Minh và đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng” chứ không hề nói đến hai chữ “bàn giao” mà ông Dương Văn Minh cùng với nhóm Hòa Giải Hòa Hợp của ông đang mong đợi…

    Sau khi phúc trình về Bộ Tổng Tư Lệnh Thái Bình Dương tại Hawaii, Tướng Smith trình cho Đại Sứ Martin biết về vấn đề Phi Trường Tân Sơn Nhứt không còn có thể sử dụng được cho phi cơ vận tải C-130 và ông Martin cuối cùng phải nhượng bộ vì cho đến ngày 29 tháng 4, ông Đại Sứ vẫn cương quyết chống lại lệnh di tản tức khắc tất cả người Mỹ ra khỏi Việt Nam của Bộ Ngoại Giao. Thâm ý của Đại Sứ Martin là giữ người Mỹ lại để di tản càng nhiều người Việt Nam ra khỏi Sài Gòn thì càng tốt chừng đó. Đại Sứ Martin gọi điện thoại thông báo cho Ngoại Trưởng Kissinger và ông Kissinger trình ngay cho Tổng Thống Gerald Ford. Chỉ trong vòng vài phút, Tổng Thống Ford ra lệnh cho thi hành Chiến Dịch “Frequent Wind, Option IV” tức là kế hoạch di tản toàn bộ người Mỹ ra khỏi Việt Nam vào lúc 10 giờ 51 phút sáng tại Sài Gòn.

    Trước đó, vào lúc 1 giờ sáng giờ Washington tức là khoảng 1 giờ trưa ngày 29 tháng 4, Đại Sứ Martin nhận được bức điện văn “thượng khẩn” số White House 50782 ngày 29 tháng 4 nguyên văn như sau:

    Nơi gửi: White House
    Nơi nhận: Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ-Sài Gòn

    Ngoại Trưởng Henry A. Kissinger
    Gửi đến: Đại Sứ Graham Marizn

    Tổng Thống đã chủ tọa một phiên bọp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và đã có những quyết định sau đây:
    Nếu ngày hôm nay mà Phi Trường Tân Sơn Nhứt còn có thể sử dụng được cho các loại phi cơ có cánh (phi cơ vận tải C-130) thì ông Đại Sứ được phép cho di tản những người Việt Nam được xếp vào thành phần có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Cho đến cuối ngày hôm nay ông Đại Sứ phải cho di tản tất cả nhân viên người Mỹ tại Phi Trường Tân Sơn Nhứt cũng như là tất cả những nhân viên Ngoại Giao tại Tòa Đại Sứ, ngoại trừ một thiểu số tối cấn thiết cho nhiệm vụ di tản.

    Ông Đại Sứ không được tiết lộ cho ai biết rằng hôm nay là ngày cuối cùng loại phi cơ vận tải C-130 sẽ được sử dụng để di tản từ Phi Trường Tân Sơn Nhứt.

    Nếu Phi Trường trở thành bất khiển dụng đối với phi cơ vận tải và trở thành nguy hiểm nếu bị cộng sản pháo kích, ông Đại Sứ phải tức khắc cho di tản tất cả, lặp lại: Tất cả người Mỹ tại Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự DAO và Tòa Đại Sứ bằng phương tiện trực thăng. Nếu cần thì các phi cơ chiến đấu các phi cơ chiến đấu sẽ yểm trợ và hỏa lực sẽ được sử dụng để phòng vệ trong trường hợp các trực thăng bị tấn công trong khi thi hành việc di tản.

    Đô Đốc Gayler, Tư Lệnh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, sẽ nhận được lệnh tương tự từ Bộ Quốc Phòng.

    Trân Trọng

    [*196: “Secretary of State Henry Kissinger’s Cable on President Ford’s Decisions on the Saigon Evacuation, April 29, 1975.” (Công Điện của Ngoại Trưởng Henry Kissinger về Quyết Định của Tổng Thống Ford trong việc Di Tản Sài Gòn ngày 29 tháng 4 năm 1975). Tài liệu giải mật ngày 10 tháng 1 năm 2000, lưu trữ tại Thư Viện Gerald Ford, Grand Rapids, Michigan.]


    Trong khi bản thông cáo của “Tổng Thống” Dương Văn Minh đòi người Mỹ phải triệt thoái nhân viên của DAO được “Thủ Tướng” Vũ Văn Mẫu đọc đi đọc lại nhiều lần trên Đài Phát Thanh Sài Gòn thì trên Đài Phát Thanh của Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam được gọi tắt là AFRS, vào buổi trưa một ngày cuối tháng 4 nóng bức, người xướng ngôn viên đọc đi đọc lại nhiều lần lời nhắn: “Mother wants you to call home” (Mẹ muốn con gọi về nhà) và người dân Sài Gòn được nghe bản nhạc “I’m Dreaming of a White Christmas” (Tôi mơ một Giáng Sinh Đầy Tuyết Trắng) phát đi phát lại liên tục trong ngày hôm đó. Lời nhắn và bản nhạc này là mật hiệu báo cho tất cả mọi người Mỹ tại Sài Gòn biết rằng Chiến Dịch Frequent Operation IV đã khởi đầu và tất cả mọi công dân Hoa Kỳ đều phải đến những điểm hẹn đã ấn định sẵn từ trước để được di tản ra khỏi Việt Nam.

    Trong ngày 29 tháng 4, hàng trăm trực thăng C-53 và C-46 đã từ Hạm Đội Thứ Bảy ngoài khơi bờ biển Việt Nam bay đến Sài Gòn di tản hàng chục ngàn người Mỹ và người Việt Nam đang tập trung tại các địa điểm như Văn Phòng DAO ở Tân Sơn Nhứt, các cao ốc của người Mỹ và nhất là Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trên Đại Lộ Thống Nhất. Đại Sứ Graham Martin không chịu di tản vì ông muốn ở lại Tòa Đại Sứ để kéo dài thời gian nhằm di tản thêm một số người Việt Nam dù rằng Ngoại Trưởng Kissinger đã nhiều lần ra lệnh cho ông phải ra đi càng sớm càng tốt.

    Vào lúc 11 giờ 40 tối 29 tháng 4, một toán chuyên viên chất nổ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã phá nổ toàn bộ Tòa Tùy Viên Quân Sự DAO, tức là Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam gọi tắt là MACV trước năm 1973, nơi mà trong hơn 10 năm đã từng là biểu hiệu của sự cam kết của Hoa Kỳ với trên nửa triệu quân nhằm chống lại âm mưu thôn tính Miền Nam Việt Nam của cộng sản Bắc Việt. Sự phá hủy cơ sở này, trước đây được giới báo chí gọi là “Ngũ Giác Đài Phương Đông” (Pentagon East) là dấu hiệu cho biết rằng đối với người Mỹ, chiến tranh Việt Nam đã kết thúc.

    Cựu Tổng Thống Trần Văn Hương Không Chịu Di Tản

    Trong ngày 29 tháng 4, dù rất bận rộn trong việc di tản hàng chục ngàn người Mỹ và người tỵ nạn Việt Nam, Đại Sứ Martin cũng đã tìm cách đến gặp Cụ Trần Văn Hương, cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa tại Phủ Phó Tổng Thống trên đường Công Lý lần chót. Theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc An, bạn thâm giao của Cụ Hương thì cuộc gặp gỡ này đã diễn ra như sau:

    “Cũng ngày đó, 29 tháng 4 năm 1975, Đại Sứ Hoa Kỳ, ông Martin đến tư dinh đường Công Lý với một Tham Vụ Sứ Quán nói tiếng Pháp đại khái Đại Sứ nói:

    - Thưa Tổng Thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhơn danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời Tổng Thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà Tổng Thống muốn. Chánh phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng Thống cho tới ngày Tổng Thống trăm tuổi già.

    Tổng Thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời:

    - Thưa Ngài Đại Sứ tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậyHoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông Đại Sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn ông Đại Sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết rằng cộng sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia xẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông Đại Sứ đã đến viếng tôi.

    Khi nghe câu: “Les États Unis ont aussi leur part de responsibilités (Hoa Kỳ cũng có phần trách niệm trong đó), Đại Sứ Martin giựt mình nhìn trân trân Ông Trần Văn Hương.


    Năm 1980, ông thuật lại với tôi: “Dứt câu chuyện, on se sépare sans même se serrer la main” (chúng tôi từ giã nhau mà cũng chẳng có hề bắt tay nhau). [*197: G.S. Nguyễn Ngọc An: “Cụ Trần Văn Hương” đăng trên Báo Thời Luận, không rõ ngày]

    Đây không phải là lần đầu tiên Cụ Trần Văn Hương từ chối lời mời di tản ra ngoại quốc. Trong cuốn Hồi Ký “Saigon et Moi”, cựu Đại Sứ Pháp Mérillon cho biết rằng trước ngày 28 tháng 4 năm 1975, ông ta có chuyển lời mời Cụ Trần Văn Hương sang sinh sống ở Pháp sau khi giao quyền lại cho Dương Văn Minh thì cụ đã trả lời như sau:

    [/I]- Ông Đại Sứ à! Tôi đâu có ngán việt cộng. Nó muôn đánh, tôi sẽ đánh tới cùng. Tôi chỉ sợ mất nước, sống lưu đày ở xứ người ta. Nếu trời hại nước tôi, nước tôi mất, tôi thề sẽ ở lại đây và mất theo nước mình.

    Cựu Đại Úy Nguyễn Văn Nhựt, Sĩ Quan Tùy Viên của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương cho người viết biết vào những ngày cuối cùng trong tháng 4 năm 1975, Cụ Trần Văn Hương đã nói với các anh em phục vụ tại Phủ Phó Tổng Thống rằng “thấy các em còn trẻ tuổi mà phải chịu hy sinh gian khổ vì chiến tranh “qua” rất thương, tuy nhiên số phận của đất nước mình là như vậy, mình phải đánh cho tới cùng”.[/I]

    Sau khi bàn giao chức vụ Tổng Thống cho Dương Văn Minh, tối 28 tháng 4, Cụ Trần Văn Hương dã dọn ngay về tư gia ở trong hẻm đường Phan Thanh Giản, tuy nhiên qua sáng ngày hôm sau, 29 tháng 4, Cụ phải trở lại Dinh Phó Tổng Thống ở đường Công Lý một lần cuối cùng để tiếp kiến Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin khi ông Martin đến từ giã Cụ.
    Trong một cuộc tiếp xúc với Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên, cựu Phó Thủ Tướng Việt Nam Cộng Hòa tại Westminster vào cuối năm 2005, Bác Sĩ Viên có cho người viết biết rằng vào sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, ông và bà Trần Văn Văn có đến thăm Cụ Trần Văn Hương một lần cuối và Cụ Hương đã nói với hai người rằng hai vị Đại Sứ Pháp và Hoa Kỳ có đến mời ông đi tị nạn nhưng ông đã từ chối lời mời của họ.

    Vào năm 1978, khi việt cộng trả lại “quyền công dân” cho Dương Văn Minh, các anh em đang bị tù “học tập cải tạo” đều bị đi xem hình ảnh và phim chiếu lại cảnh cựu “Tổng Thống” Dương Văn Minh đang hồ hỡi hân hoan đi bầu quốc hội “đảng cử dân bầu” của cộng sản.

    Cụ Trần Văn Hương cũng được cộng sản trả lại “quyền công dân” nhưng Cụ đã từ chối. Cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương đã gửi bức thư sau đây đến các cấp lãnh đạo chính quyền cộng sản:

    “…hiện nay vẫn còn có mấy trăm ngàn nhơn viên chế độ cũ, cả văn lẫn võ, từ Phó Thủ Tướng, Tổng Bộ Trưởng, các Tướng Lãnh, Quân Nhân Công Chức các cấp các Chính Trị Gia, các vị Lãnh Đạo Tôn Giáo, Đảng Phái đang bị tập trung cải tạo, rĩ tai thì ngắn hạn mà cho đến nay vẫn chưa thấy được được về.

    Tôi là người đứng đầu hàng lãnh đạo Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa, xin lãnh hết trách nhiệm một mình. Tôi xin chính phủ mới thả họ về hết vì họ là những người chỉ biết thừa hành mạng lệnh cấp trên, họ không có tội gì cả. Tôi xin chính phủ mới tha họ về sum họp với vợ con, còn lo làm ăn xây dựng đất nước.

    Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi.”


    Cụ Trần Văn Hương không hề nhận “quyền công dân” của cộng sản và cho đến khi từ trần vào năm 1981 thì Cụ vẫn còn là công dân của Việt Nam Cộng Hòa.

  3. #9
    Moderator
    KiwiTeTua's Avatar
    Status : KiwiTeTua v?n ch?a c m?t trong di?n ?n
    Tham gia: Jul 2008
    Posts: 2,964
    Thanks: 33
    Thanked 110 Times in 40 Posts

    Default VNCH 10 Ngày Cuối Cùng - Thứ Tư 30 tháng 4 1975

    Thứ Tư 30 tháng 4 1975


    Fall of Saigon


    Cuộc di tản vẫn tiếp tục trong đêm cho đến rạng ngày 30 tháng 4, tuy nhiên con số người Mỹ còn lại ở Sài Gòn vẫn còn nhiều. Vào lúc 1 giờ 30 sáng, Ngoại Trưởng Kissinger ra lệnh cho Tòa Đại Sứ Mỹ phải kết thúc việc di tản vào lúc 3 giờ 45 sáng, giờ Sài Gòn, và Đại Sứ Martin phải ra đi trên chuyến trực thăng trước chuyến bay cuối cùng. Tuy nhiên đến 3 giờ 45 sáng, vẫn còn có trên 400 người tại Tòa Đại Sứ Mỹ trong đó có cả Đại Sứ Martin. Vào lúc 4 giờ 20 sáng, Đô Đốc Gayler đã quyết định kết thúc cuộc di tản và tất cả các Phi Công đều nhận được lệnh như sau: “Đây là lệnh của Tổng Thống Hoa Kỳ và lệnh này phải được chuyển lại bởi bất cứ Phi Công trực thăng nào liên lạc được với Đại Sứ Graham Martin. Chỉ có người Mỹ mới được phép di tản và Đại Sứ Martin phải đáp chuyến trực thăng đầu tiên. Phi cơ chở Đại Sứ Martin phát đi ám hiệu “Tiger, Tiger, Tiger” để báo cho biết rằng ông Martin đã được di tản”.

    Vào lúc 4 giờ 58 sáng ngày 30 tháng 4, Đại Sứ Martin “bị hộ tống” lên trực thăng mang tên là Lady Ace 09, trên chiếc trưc thăng này. Một Phân Đội Thủy Quân Lục Chiến đã được lệnh bắt giữ ông Đại Sứ để áp tải lên phi cơ nếu ông ta còn chống lại lệnh di tản. Đại Sứ Hoa Kỳ Graham Martin đã cố tình cưỡng lại lệnh của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhưng ông lại là ân nhân của một số người Việt Nam vì nếu không có ông thì họ không có may mắn được di tản ra khỏi Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975. Theo Ngoại Trưởng Kissinger thì Đại Sứ Martin đã phối hợp di tản được 6,000 người Mỹ và trên 50,000 người Việt Nam ra khỏi Sài Gòn.

    Sau khi Đại Sứ Martin bị hộ tống lên trực thăng, trong Tòa Đại Sứ lúc đó vẫn còn gần 200 người Mỹ mà trong số đó có 170 người là lính Thủy Quân Lục Chiến có nhiệm vụ bảo vệ cho chiến dịch di tản. Cuộc di tản vẫn tiếp tục cho đến đúng 7 giờ 53 phút sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì chiếc trực thăng CH-46 cuối cùng mới rời khỏi sân thượng của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn mang theo Trung Sĩ Juan Valdez, người lính Mỹ và cũng là người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam.

    Chuyến phi cơ trực thăng cất cánh khỏi sân thượng của Tòa Đại Sứ Mỹ vào hồi 7 giờ 53 phút sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 này đánh dấu sự kết thúc của chính sách “ủng hộ miền Nam Việt Nam chiến đấu chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trong vùng Đông Nam Á của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ qua 5 đời Tổng Thống: Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon và Ford trong hơn 20 năm. Đối với người Mỹ, cuộc chiến tranh đã chấm dứt nhưng đối với một số người Việt Nam thì cuộc chiến vẫn chưa tàn. Vào ngày 30 tháng 4, có một số Chiến Sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tiếp tục chiến đấu dù rằng trong vô vọng”.

    Dương Văn Minh Ra Lệnh Đầu Hàng

    Vào lúc 10 giờ 24 sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, “Tổng Thống” Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên Đài Phát Thanh Sài Gòn ra lệnh cho tất cả mọi Quân Nhân thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải buông súng đầu hàng. Ông Dương Văn Minh đã tuyên bố như sau:

    “Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa hợp hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu thì ở đó.

    Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây đang chờ gặp chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào…”


    Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu cũng đọc lời kêu gọi mọi tầng lớp dân chúng hãy chào mừng “ngày Hòa bình cho Dân Tộc Việt Nam” và ra lệnh cho mọi công chức phải trở về nhiệm sở.

    Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tổng Tham Mưu Phó Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhân danh Trung Tướng Vĩnh Lộc, Tổng Tham Mưu Trưởng (vắng mặt), ra lệnh cho tất cả mọi Quân Nhân các cấp phải nghiêm chỉnh thi hành lệnh của “Tổng Thống” Dương Văn Minh về vấn đề hưu chiến.

    Dương Văn Minh cũng đưa ra lời kêu gọi những “người anh em bên kia” hãy ngưng mọi hoạt động gây hấn và ông ta nói rằng chính quyền của ông đang chờ đợi được gặp gỡ chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để cùng thảo luận về “buổi lễ bàn giao quyền hành và để tránh đổ máu cho nhân dân”. Dương Văn Minh không hề đề cập đến cũng như không đưa ra lời kêu gọi nào với cộng sản Bắc Việt, lúc đó dường như ông cố tình làm như không biết việc chính cộng sản Bắc Việt mới là những người lãnh đạo hàng ngũ những “người anh em bên kia” của ông.

    Ông Dương Văn Minh chỉ kêu gọi những “người anh em bên kia” trong cái gọi là chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, chắc là ông ta đã nghĩ đến những người lãnh đạo trong cái chính phủ này như Nguyễn hữu Thọ, Huỳnh tấn Phát, Nguyễn thị Bình v.v…nhưng ông ta không biết rằng những người mà ông ta kêu gọi đó không hề có một quyền hành nào, còn những kẻ có quyền hành lúc đó như Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, ba Ủy Viên Bộ Chính Trị đại diện cho Hà Nội đang thực sự nắm toàn quyền trong Chiến Dịch Hồ Chí Minh thì ông ta không có đả động tới.

    Thượng Tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Nhân Dân Bắc Việt và đồng thời cũng là Tư Lệnh Chiến Trường Miền Nam Việt Nam lúc đó đang nghe lời kêu gọi của Dương Văn Minh trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ngay sau đó, thay vì tiến về Sài Gòn để “bàn giao” như lời kêu gọi của Dương Văn Minh, Văn Tiến Dũng đã ra lệnh cho“tất cả các quân đoàn, các vùng quân sự và mọi đơn vị các cấp phải tiến càng nhanh càng tốt đến các mục tiêu đã được chỉ định ở sâu trong các Đô Thị cũng như các Tỉnh, kêu gọi địch quân đầu hàng, giao nạp vũ khí và bắt giữ tất cả các Sĩ Quan từ cấp Thiếu Tá trở lên, đập tan ngay tức khắc mọi mưu toan kháng cự”.

    Ông “Tổng Thống” Dương Văn Minh không thể nào biết được rằng trưa ngày hôm đó, Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương đã gửi điện văn số 516/TV ra lệnh cho các cấp lãnh đạo Chiến Dịch Hồ Chí Minh phải “bắt địch đầu hàng vô điều kiện”:

    Vấn đề hiện nay là bắt địch đầu hàng không điều điện chứ không phải cử người thương lương với địch để ngưng bắn tại chỗ như có nơi đã làm. Những nơi địch chịu đầu hàng: Ta kéo quân vào bắt địch, hạ vũ khí và tước vũ khí của chúng, giải tán Quân Đội và bộ máy chính quyền của địch, phát động quân chúng truy kích, tiêu diệt bọn gian ác và phản động còn ẩn nấp chống lại ta. Những nơi địch không chịu đầu hàng: Ta cần phát động quần chúng nổi dậy, kêu gọi binh sĩ khởi nghĩa kết hợp với mũi tấn công đánh vào các điểm then chốt của địch, tiêu diệt những đơn vị ngoan cố chống lại ta, buộc chúng phải đầu hàng không điều kiện. Phải đặc biệt chú ý chiếm lĩnh, khống chế các sân bay không để chúng sử dụng các máy bay để chống lại ta và tẩu thoát”. [*198: Đại Thắng Mùa Xuân, trang 329-331].

    Ngoài bức điện văn nói trên, chính Võ nguyên Giáp thay mặt cho Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương cũng đã gửi bức điện văn số 151 ngày 30 tháng 4 năm 1975 gửi cho “anh Sáu” tức là Lê Đức Thọ, “anh Bảy” tức là Phạm Hùng, “anh Tuấn” tức là Văn Tiến Dũng, “anh Tư” tức là Trần văn Trà và “anh Tấn” tức là Lê Trọng Tấn nội dung như sau:

    Theo ý kiến của Bộ Chính Trị và Quân Ủy Trung Ương.

    Việc chỉ đạo Ủy Ban Quân Quản Sài Gòn-Gia định (kể cả những mệnh lệnh, tuyên bố) giao cho Trung Ương Cục và Quân và Quân Ủy Miền phụ trách.

    Hôm nay sẽ ra một lời kêu gọi của Bộ Chỉ Huy Quân Giải Phóng. Chúng tôi đang dự thảo và cho phát. Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách Tổng Thống mà chỉ với tư cách một ngươi đã sang hàng ngũ nhân dân.

    Sẽ tuyên truyền lớn về thắng lơi giải pbóng Sài Gòn-Gia Định, nhưng nhấn mạnh cuộc chiến đấu đang tiếp tục nhằm hoàn toàn giải phóng miền Nam. Đã chỉ thị chuẩn bị ngày mừng chiến thắng, sau khi hoàn thành việc giải phóng miền Nam sẽ tổ chức thống nhất cả nước. Anh Tố Hữu sẽ có điện cho các anh.

    Mười một giờ đã nhận được tin ta cắm cờ trên Dinh Độc Lập.
    Gửi các anh lời chúc đại thắng lợi.
    Các anh Bộ Chính Trị rất vui, rất vui…VĂN. [*199: Văn Kiện Đảng: Trang 332-333.]



    Như vậy thì trước khi xe tăng của cộng sản Bắc Việt ủi cổng sắt (đã được mở rộng) để vào chiếm Dinh Độc Lập, nơi mà ông “Tổng Thống” Dương Văn Minh cùng với các ông “Phó Tổng Thống” Nguyễn Văn Huyền, “Thủ Tướng” Vũ Văn Mẫu cùng với một số nhân viên trong “Nội Các” của họ để chờ “bàn giao” cho cộng sản thì các giới lãnh đạo ở Hà Nội đã quyết định không coi ông như là “Tổng Thống” mà chỉ là “một người đã sang hàng ngũ nhân dân”, tức là một kẻ đầu hàng, “đầu hàng không điều kiện” như đã nói trong văn thư số 505 cùng ngày. Các sĩ quan cộng sản cấp dưới cũng đã nhận được lệnh này cho nên đối với họ thì những người tự nhận là Tổng Thống, Phó Tổng Thống, Thủ Tướng v.v…đang ngồi trong Dinh Độc Lập chỉ là những kẻ đầu hàng mà thôi…

    Bởi vậy, vào lúc 12 giờ 15 trưa ngày 30 tháng 4, khi chiến xa mang số 879 của lữ đoàn thiết giáp 203 của quân đội cộng sản Bắc Việt ủi sập hàng rào sắt tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, “Tổng Thống” Dương Văn Minh thấy vị sĩ quan cộng sản đeo đầy sao vàng trên cầu vai nền đỏ, vì không biết cấp bậc của quân đội nhân dân miền Bắc nên ông Minh tưởng rằng đang đứng trước một Tướng lãnh cao cấp:

    - Thưa Quan Sáu, tôi đã chờ ông từ ban sáng để trao quyền cho ông.

    Viên sĩ quan Bắc Việt chỉ huy đoàn chiến xa này là Thượng Tá Bùi Tùng đã dùng danh từ “mày tao” xằng giọng hách dịch và đanh đá lên tiếng:

    - Mày dám nói trao quyền hả ? Mày chỉ là một kẻ cướp quyền và một bù nhìn. Mày làm gì có quyền nào để trao cho tao ? Chúng tao lấy được quyền đó bằng khẩu súng này đây.

    Ngoài ra tao xác nhận với mày là tao không phải là Tướng mà chỉ là một Trung Tá Ủy Viên Chính Trị của một đơn vị chiến xa. Kể từ bây giờ tao cấm mày không được ngồi xuống! [*200 Dương Hiếu nghĩa : “Hồi Ký Dang Dở,” kể lại theo lời của Trung Tá Nguyễn Văn Binh, cựu Quận Trưởng Gò Vấp, cựu dân biểu, có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 khi quân Bắc Việt chiếm Sài Gòn. Xuân Thời Luận, Califonia 2004, trang 141.]


    Người thuật lại những lời đối thoại trên là cựu Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa, một người rất thân cận với ông Dương Văn Minh. Vào năm 1963 ông là Thiếu Tá Ngành Thiết Giáp, đã theo Tướng Dương Văn Minh đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm và đã được Dương Văn Minh tin cậy cử vào phái đoàn đi vào Chợ Lớn “đón” ông Diệm. Trên đường về Bộ Tổng Tham Mưu, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu đã bị giết trên xe thiết vận xa M-113 và từ đó cho đến nay, có nhiều người vẫn còn có nghi vấn là ông Dương Hiếu Nghĩa có thể là một trong những người có trách nhiệm trong cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Chắc chắn rằng ông Dương Hiếu Nghĩa không phải là kẻ thù hay có hiềm khích với ông Dương Văn Minh mà đặt điều viết lại sự đối thoại trên đây nếu chuyện đó không có thật.


    Dương văn Minh tại Đài Phát Thanh Sàigòn


    Chiều hôm đó, cộng sản không cho phép Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng tại Dinh Độc Lập tức là Phủ Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa, họ đã áp giải ông đến Đài Phát Thanh Sài Gòn để đọc lời kêu gọi như sau:

    “Tổng Thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn, từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam.”
    Ngay buổi chiều ngày 30 tháng 4, Đài Phát Thanh Giải Phóng loan báo kể từ nay, Thành Phố Sài Gòn được cải danh là “thành Phố Hồ Chí Minh”.

    Kể từ ngày hôm đó, ngày 30 tháng 4 năm 1975, Sài Gòn đã mất tên, Sài Gòn không còn nữa.

    Kể từ ngày hôm đó, Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa. Và cũng kể từ ngày hôm đó, tại Miền Nam Việt Nam, Tự Do cũng không còn nữa.

    Trần Đông Phong

Trang 2/2 đầuđầu 12

Similar Threads

  1. Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 09-25-2014, 11:23 PM
  2. Nhật ký một năm sau ngày 30 tháng Tư, 1975
    By KiwiTeTua in forum Chuyện 30.4
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 09-24-2014, 06:37 PM
  3. Các Lữ Đoàn Nhảy Dù trong tháng ngày cuối cùng
    By ducquany in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-23-2014, 01:22 AM
  4. Đà Nẵng Những Ngày Cuối Cùng
    By Phòng Trực in forum Chuyện Đời Lính
    Trả lời: 0
    Bài mới nhất : 07-22-2014, 11:36 PM

Quyền Sử Dụng Ở Diễn Ðàn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •